_________________
ƯỚC VỌNG MÙA XUÂN -Kiến Anh, anh phải năn nỉ em thế nào?
Duy cảm thấy tim mình bị co thắt một cách bất thường. Mỗi lần nàng giận hờn, tâm trí chàng như muốn ngừng không chịu làm việc để rồi trạng thái xốn xang, bứt rứt tiêu diệt tất cả những ý nghĩ, chương trình... nơi tâm tư. Đã nhiều lần chàng tự hỏi tại sao lại có thể có trạng thái tình cảm ảnh hưởng toàn bộ tâm trí như thế. Chàng biết mình là người có ý chí, kiên nhẫn, có khả năng tháo vát thêm vào đó tính chất văn nghệ, yêu thơ nhạc, thích đọc văn chương... Nói chung chàng thuộc mẫu người rất quân bình, lý trí sáng suốt, không dễ gì có thể làm chàng rối loạn ngay cả những chuyện khẩn cấp. Mới hơn một năm nhận việc tại nhà thương, với sức làm việc dồi dào năng lực, chàng đã được thăng chức phụ tá y sĩ trưởng của phòng mổ. Mười bác sĩ làm việc trong khu vực giải phẫu chàng là người thứ nhì. Lẽ tất nhiên, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng nhiều, nhất là nhiệm vụ của bác sĩ giải phẫu, tranh giành từng giây từng phút với tử thần. Những mũi dao, những đường kim, mối chỉ ngăn cản lưỡi hái quái ác của thế giới chết chóc. Trong năm thứ tư của ngành giải phẫu, có lần chàng phải cứu cấp một bệnh nhân trên bàn mổ khi vị bác sĩ gây mê duy nhất trong bệnh viện nghỉ phép. Rủi thay, bệnh nhân mất mạng vì tim nhược và rối loạn nhịp đập mà y tá chuyên viên đánh thuốc mê không để ý đến. Thế nên sau khi tốt nghiệp y sĩ giải phẫu, chàng quyết định học thêm ngành gây mê.
Thuốc mê giúp cho bệnh nhân không cảm thấy đau đớn đang khi giải phẫu nhưng thuốc mê lại cũng là điều kiện tối quan trọng và nguy hiểm, quyết định lằn ranh sống chết của bệnh nhân. Không đủ thuốc mê để bệnh nhân chợt tỉnh khi còn đang trên bàn mổ, bịnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn tột cùng và bị kinh nghiệm sợ hãi khó bề xóa bỏ. Quá nhiều phân lượng thuốc mê hoặc chỉ 10 phần trăm không hợp điều kiện cơ thể, thuốc mê sẽ đưa bệnh nhân vào giấc ngủ ngàn thu. Đánh thuốc mê thì ai cũng có thể làm, nhưng sao giúp bệnh nhân tỉnh lại đúng lúc mới là chuyện khó, mới cần đến khả năng chuyên môn. Hơn nữa, thuốc mê không có hẳn định lượng rõ ràng như thế nào mà lại bị ảnh hưởng kinh nghiệm để áp dụng cho mỗi người bịnh tùy phản ứng và điều kiện cơ thể. Bởi thế bác sĩ trưởng phòng và chàng thay nhau trực mỗi người một tuần không được ra khỏi thành phố mặc dầu tám bác sĩ còn lại chia nhau trực tại bệnh viện ngày đêm.
Tranh đấu với tử thần để giành giựt sự sống cho bệnh nhân đối với chàng là chuyện bình thường như cơm bữa... đồng thời còn giúp chàng phát triển thêm khả năng trấn tĩnh... Trường hợp càng nguy hiểm, cấp thời, chàng thấy mình càng trầm hẳn lại... Trầm như bất động trong khi những người khác bởi tính cách cấp tính của công việc đã làm họ phần nào giao động hoặc có những hành vi, cử động... hơi thừa. Chính những lúc như thế, khối óc chàng làm việc tới mức tối đa ra lệnh cho đôi bàn tay những cử động chính xác hoặc tổng hợp các điều kiện cần thiết thu thập qua kinh nghiệm trong nghề đối phó với con bệnh... đồng thời cảm quan thứ sáu... óc sáng tạo được dịp bành trướng. Những lúc gặp chuyện cấp cứu, các y tá dường như theo dõi chàng một cách khẩn trương. Có một điều lạ, như các y tá nói lại, không hiểu sao, trong những lúc khẩn cấp, cử động của chàng coi bộ chậm chạp mà ngược lại công việc được giải quyết rất nhanh. Trong cái chậm nơi trường hợp khẩn cấp của chàng mang đầy đủ sự hòa hợp của tài năng, lý trí phán đoán, mệnh lệnh và hành động khiến đôi tay không còn những cử động thừa... Thế mà...
Đôi khi chỉ một tiếng thở dài hay vài lời dỗi hờn của Kiến Anh, bao nhiêu sức sinh động, tài năng suy đoán của chàng bị tiêu tán... Nàng ngồi trầm ngâm... lại thở dài nhưng không chịu mở miệng, không quay nhìn chàng...
-Em nhất định không nói sao? Thôi đừng lẫy nữa mà... anh năn nỉ.
Nàng bật cười, xoay người dựa vô chàng. Duy đan tay ôm trọn người yêu.
-Tại sao lúc nãy em không thèm dù chỉ liếc qua anh?
-Nếu nhìn anh em đâu còn giận được...
-Ah! Thế ra người ta cố tình lẫy. Con gái lớn tồng ngồng rồi, "hai mươi nhăm" chớ bộ mà vẫn còn cố tình làm ra vẻ nhí nhảnh... lẫy.
-Đâu phải cố tình lẫy, chỉ hơi lẫy thôi. Em muốn xem thái độ của anh thế nào...
-Thế em thấy được gì?
-Ông bác sĩ ngố không chịu được... Ai đời lại hỏi "Anh phải năn nỉ thế nào." Anh thấy có ai dở như thế không? Vậy chứ nơi phòng giải phẫu có bao giờ anh hỏi bệnh nhân rằng anh phải dùng con dao mổ trâu hay búa bổ củi để mổ họ không?
Nghe Kiến Anh nói, Duy mới nhận ra... cái nghịch thường của mình...
-Anh cũng không hiểu sao nữa. Hình như em biến anh thành bất thường. Có một điều lạ là nơi phòng cấp cứu anh trầm tĩnh bao nhiêu thì khi đối diện với em hoặc nói trên điện thoại chỉ tiếng thở dài của em cũng làm anh cảm thấy tan nát. Cũng may, em không bao giờ gọi cho anh trong giờ làm việc, nếu gọi, có lẽ khối người thác oan...
-Em đâu có ý định làm anh xáo trộn bao giờ.
-Thế sao em không nói thẳng ra những điều gì em cảm thấy phiền mà cứ thở dài hoặc đôi khi im lặng nhìn anh với cái nhìn buồn tê tái... Có lẽ ngày nào đó anh sẽ bị đứng tim chết bất tử. Chán quá với con tim ngố này. Dao, kéo, kim, chỉ, không sợ, tử thần cũng không ngán mà lại chới với vì cái nhìn, cái thở dài của em... Kiến Anh...
-Dạ.
-Từ nay em làm ơn nói gì thì nói nghen, đừng thở dài hoặc nhìn anh cái kiểu lẫy hờn ấy... anh sợ...
-Em đâu có thể nói lời trách móc anh được... dù chỉ nghĩ đến em đã thấy đau lòng rồi...
-Thế sao em cứ thở dài hoặc nhìn... tê tái kiểu đó.
-Em thương anh quá mà, anh biết rồi còn cứ làm bộ hỏi... Mỗi lần cảm thấy buồn vì sự vô tình của anh em chỉ biết thở dài hoặc nhìn anh thôi.
-Vừa rồi anh đã làm gì mà em nói vô tình?
-Em ngồi bên mà anh chẳng để ý gì chỉ chăm chú nhìn chiếc cần câu. Em cố tình ngồi xích ra xa anh cũng coi như không biết.
-À ra thế; chứ em muốn anh "nịnh đầm" bằng cách nào?
-Mọi khi anh quàng tay qua vai ôm em, anh vuốt tóc em, anh kéo đầu em tựa lên vai anh...
-Mới có một tối tuần trước mà đã nghiền thế rồi ư!
-Anh lại ngạo, em giận cho coi...
-Em thích tựa đầu vào vai anh thật ư? Giọng Duy diễu diễu.
-Dạ, em thấy lâng lâng như bay bổng khỏi mặt đất.
-Sao em không nói trước.
-Em nghĩ anh hiểu chứ!
-Giỏi, em không nói ra mà tưởng anh hiểu... Thông minh trật rồi cô dược sĩ! Em mà tập cho anh làm thày bói kiểu này, khối kẻ sẽ chầu Diêm Vương cách oan uổng.
-Sao lại chầu Diêm Vương.
-Vì anh bói trật. Người ta cần giải phẫu bụng anh đè ra mổ đầu, không chầu Diêm Vương thì chỉ có về tiên cảnh.
-Anh lại ngạo em nữa. Chẳng chịu hiểu gì cả, thương phải anh chàng bác sĩ ngố, lắm lúc thiệt thòi.
-Kiến Anh, chẳng phải anh cố tình làm ra vẻ lạnh lùng, cũng không phải thiếu hiểu biết cách nịnh đầm nhưng anh tôn trọng em. Anh không muốn em có mặc cảm bị coi thường cũng như không muốn có mặc cảm thiếu tôn trọng em.
-Sao anh có lối lý luận gàn lạ kỳ như thế; em biết anh thương mà!
-Vậy em có thương anh không?
-Anh hỏi gì!
-Em có thương anh không?
-Sao anh hỏi vậy?
-Em trả lời đi. Em có thương anh không?
-Không thương mà như vầy à!
-Em trả lời có hay không thôi.
-Có! Khỉ, anh cố tình chọc quê em. Anh biết em thương nên ngạo hoài.
-Thấy không, chỉ mỗi tiếng có mà em không chịu nói ra, cứ loanh quanh luẩn quẩn nào anh hỏi gì, sao hỏi vậy, rồi không thương mà như vầy à...; lại còn nói anh chọc quê.
-Chẳng những chọc quê mà anh còn cố tình tảng lờ cho em tức nữa.
-Nào anh có biết em muốn được ôm đâu, có biết em muốn được vuốt tóc đâu! Thế ra có người muốn dựa đầu vô vai, muốn được vuốt tóc. Không vuốt tóc, người ta lẫy.
-Anh... đía hoài...
-Anh không đía, chỉ cố gắng lập đi lập lại để nhớ. Từ lần sau, gặp em là anh ôm chầm lấy cho bõ ghét... vuốt cho rụng tóc luôn để hết hờn, hết...
-Sao hôm nay anh lắm miệng vậy, cứ lôi em ra làm đề tài...
-Nghe thử xem anh có ngạo hay lắm miệng không...
-Anh đang chuẩn bị ngụy biện.
-Không ngụy biện.
-Thì biện hộ.
-Không biện hộ.
-Vậy bào chữa.
-Không chửa đẻ gì hết.
-Sao lại có đẻ với sinh vào đây?
-Em có muốn nghe không mà đòi coi anh như những hóa chất nơi phòng thí nghiệm...
-Vâng, thưa nhà chuyên môn không mổ mò, em nghe...
-Thế em nghĩ gì khi một người vừa gặp em đã vội chồm tới ôm chầm lấy...
-Em không nói về những người khác mà chỉ nói anh thôi.
-Nghĩa là em muốn anh vuốt tóc không cần hỏi...
-Ừ hứ!
-Nhưng anh thấy thái độ vồ vập có vẻ bất lịch sự...
-Em đâu nghĩ thế.
-Anh phải tôn trọng chính mình trước. Anh không muốn em nghĩ anh là thứ nô lệ cho tình cảm, ít nhất là thái độ bên ngoài vì thực ra anh cảm thấy anh đã bị nô lệ cho tình cảm một cách nặng nề rồi.
-Làm sao mà anh gọi là nô lệ tình cảm.
-Em đâu ngờ, chính sự im lặng không nói mà đau xót nhìn anh làm cho anh chẳng còn biết thế nào nữa.
-Thì anh nói lên "phải năn nỉ thế nào"...
-Anh nói thực với lòng mình lúc đó. Thấy không, chẳng nô lệ là gì.
-Thôi bỏ qua đi anh, chuyện chẳng có gì mà cứ bới ra.
-Em nhớ dùm, bà bóng... thà em nói, có nói anh mới biết chứ! Nhìn như vậy chỉ có nước đau tim...
Kiến Anh đưa tay bịt miệng Duy:
-Em không thích bị gọi là bà bóng. Bà bóng nghe già làm sao ấy!
-Không bà bóng thì cô đồng...
Kiến Anh cười khanh khách vì bất ngờ nghe tiếng cô đồng. Nàng có mái tóc dài thật dễ thương. Một hôm, chẳng hiểu sao nàng lại quyết định uốn cho tóc co bớt lên. Dĩ nhiên ai không muốn làm đẹp nhất là phái nữ. Lần đầu tiên gặp Kiến Anh sau khi uốn tóc, câu nói đầu tiên bật ra khỏi miệng chàng bác sĩ trẻ là hai tiếng "bà bóng" kèm theo cái háy mắt không hiểu khen hay chê. Và nàng được gọi với biệt danh bà bóng từ dạo đó... bà bóng hay lẫy...
Đưa mắt nhìn ngang, những ánh đèn phía xa bên kia bờ dọc theo đường nhựa phản chiếu trên mặt nước khiến Kiến Anh có cảm giác chơi vơi như đang ở nơi thủy cung. Một chiếc cần câu bị kéo cong vòng rồi thẳng lên, lại gục xuống cách chậm chạp...
-Kìa anh, cá cắn câu.
-Có lẽ con cá to, Duy từ từ buông Kiến Anh đứng dậy.
-Sao anh biết cá to?
-Vì cần câu bị kéo gục rất chậm, nghĩa là con cá có sức mạnh kéo lâu. Những con cá nhỏ mới chạm giẫy đã bị sức năng của cần câu kéo ngược lại nên cần câu bị giựt ngắn và nhanh hơn. Con này có lẽ phải cỡ 10 pounds. Nó kéo dữ quá.
-Anh có đoán được cá gì không?
-Chín mươi phần trăm catfish.
-Tại sao anh nghĩ là catfish?
-Mỗi cái giựt thường khá mạnh lúc đầu và kéo dài hơn bình thường so với cá rô biển. Cá dứa giựt yếu hơn và êm hơn, cá bơn hay lưỡi trâu giựt nhẹ và rung nhiều...
Mặt nước bị khua động ầm ầm bởi con cá khá lớn cố tình kiếm cách thoát thân. Khó khăn lắm Duy mới thu ngắn được dây cước. Tỳ cán vào hông, chàng hết sức dùng tay trái bẩy cần câu kéo con cá về gần phía mình đoạn buông xuôi trong khi tay phải quay cần cuốn dây. Khi dây cước được rút ngắn tối đa, con cá lờ đờ quậy trên mặt nước vì không còn điểm tựa, Duy dùng vợt múc cá lên. Con catfish mập ú, có lẽ hơn 10 pounds.
-Cá lớn quá trông phát sợ... Thôi thả nó ra đi anh.
-Để anh đem về cho một gia đình người quen; họ nghèo lắm..
-Đã mất công câu lại phải mang đi cho.
-Cuộc sống là như thế đó. Có những người thừa thãi ăn không hết đến độ phí phạm, đổ đi, trong khi bao nhiêu người nghèo khổ không có đủ miếng cơm dằn bụng.
-Đó là thực trạng cuộc đời đâu mà chẳng có. Có kẻ giàu thì cũng có kẻ nghèo; chứ nếu mọi người giầu hết thì đâu lấy ai làm công. Hơn nữa, đã chắc gì người nghèo do số phận của họ mà đa số người nghèo nơi xứ này là do họ không biết dành dụm, bóc thì ngắn lại ham cắn dài hoặc muốn làm giầu trong một ngày rồi tán gia bại sản bởi thiếu kinh nghiệm. Nói cho đúng, cũng có một số lười, không chịu làm ăn gì hết...
-Thì cũng phải công nhận có những người như em vừa nói nhưng cũng có những thành phần muốn ngóc đầu lên mà không ngóc được do hoàn cảnh xã hội hoặc khả năng không có. Em xem, có những người làm ăn khổ cực như nghề làm ghe đánh tôm, cực khổ mà đâu thể nào bốc lên được. Mùa tôm chỉ có mấy tháng rồi tiền trả nhà băng đâu có ngưng được tháng nào. Vốn thì tay không, đi vay mượn ngay cả tiền "down" để được nhà băng "financed." Đôi khi lại mất mùa, hoặc ghe nhiều quá thì tôm bao nhiêu cũng vẫn ít... như vậy có đến muôn đời cố gắng, chịu khổ cực thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Có chăng chỉ làm giàu cho nhà băng...
-Thì sao họ không làm nghề khác.
-Họ sang tới đây tuổi đã lớn; vợ con đùm đề, sức học không có, tiếng anh tiếng em không biết trong khi ở Việt Nam cả đời chỉ biết có biển rả nên tới Mỹ cũng lao mình vào nghề biển... Ở trên bờ lấy việc đâu cho họ làm! Có vào hãng tôm, ghẹ, hay sò thì tiền công đâu được bao nhiêu lại không đủ việc để làm và rồi bảo hiểm cũng không có... Nói đâu xa, bao nhiêu năm rồi em mài ghế nhà trường mà cho tới nay vẫn còn đang phải học. Nếu họ dù cho có đủ khả năng đi học như em thì vợ con họ ai nuôi? Đàng nào cũng khó giải quyết.
-Sao anh lắm hơi thế, cứ lo nghĩ chuyện con bò trắng răng...
-Em nói gì? Đó là thực trạng dân chúng chứ nào bò bê chi. Mình sống giữa những người như thế, cuộc đời mình cũng bị ảnh hưởng chứ đâu lo được gì cho họ. Em biết không, một con cá như thế này chỉ cần ít mắm muối, gia vị và nồi cơm là một gia đình năm người có được bữa ăn dư dật. Đem thả nó xuống, mình tự nhiên quăng đi một phần nào giây phút hạnh phúc của ít nhất năm người.
-Em cứ tưởng anh chỉ biết mổ, cắt rồi khâu thôi chứ ai ngờ cũng lắm lý luận "Tích phân nhân chủng"...
-Nhân chủng thì đúng nhưng tích phân thì không.
-Sao anh nói không lý luận?
-Đây không phải lý luận mà đặt vấn đề về ý thức và giá trị cuộc sống.
-Cuộc sống tự nó có giá trị chứ cần gì phải đặt vấn đề. Chẳng lẽ anh chưa đặt vấn đề thì anh chưa sống sao?
-Em nói có lý mà lý trật. Dĩ nhiên sự sống tự có giá trị của nó, một giá trị tuyệt đối mà con người không thể tự tạo; có thể nói sự sống là hồng ân chỉ Thượng Đế có quyền cho các sinh vật. Nhưng cuộc sống bao gồm sự sống và lối sống hay ý thức sống. Nói về giá trị cuộc sống là nói về cách sống thế nào, theo nghĩa tốt, xấu, hay hoặc dở...
-Đương nhiên em dùng chữ giá trị theo nghĩa tốt chứ có ai nói đến giá trị xấu bao giờ.
-Có chắc gì nếu một sự việc hay vật nào đó có giá trị tốt luôn luôn tốt không?
-Anh nói chi quanh quẩn kiểu cối chày như thế. Sự việc có giá trị tốt thì luôn luôn tốt là cái chắc. Chẳng lẽ lúc thì nó tốt, lúc xấu mà gọi là tốt.
-Dạ thưa "chuẩn dược sĩ," thuốc chế ra để chữa bịnh được coi là có giá trị tốt hay không tốt, hữu ích hay không?
-Không hữu ích mà người ta tốn tiền bạc bào chế rồi lại tốn tiền mua ư?
-Thế thì người dùng thuốc để tự tử nó sẽ thế nào?
-Anh nói nhăng nói cuội, giá trị của thuốc và hành động của người dùng thuốc là hai vấn đề khác nhau. Tại sao anh cố tình ngụy biện đem góp chung lại lấy sự sai lầm của hành động ráp vô giá trị viên thuốc.
-Nói như thế mà vẫn chưa tỉnh... Bé cái lầm rồi. Nếu nói rằng cuộc đời tự nó có giá trị tại sao có những người có cuộc sống đáng nêu cao làm gương cho bao nhiêu người khác; đồng thời cũng có những người cuộc sống đáng bị phỉ nhổ. Nếu giá trị cuộc sống không có liên quan đến đời người và những hành động của con người thì có lẽ đâu ai cần phân biệt cuộc đời con người và cuộc sống con thú...
-Sao anh không làm triết gia mà làm bác sĩ giải phẫu?
-Cần chi phải triết "da" triết thịt mới nghĩ được chuyện này. Khi mình đặt vấn đề sao cho cuộc sống vươn lên thì đó là triết rồi chứ đâu phải học triết mới triết... Coi chừng triết gia lại là người bị thiên hạ coi là gàn...
-Anh nói gì, triết gia mà gàn?
-Có gì đâu, anh mới đặt vấn đề sống sao cho ý thức một chút em đã thấy chói tai thì những người dám nói lên điều nên làm, nên sống, trái ngược với những chuyện thường tình mọi người chấp nhận không thèm để ý không bị coi là gàn thì là dở hơi cũng thế.
-Anh cứ loanh quanh. Gàn là gàn, dở hơi là dở hơi, nào có dính dáng gì đến sống ý thức.
-Em không thấy bao nhiêu gương trước mắt ư! Một Đức Giêsu, dân Do Thái xưa không đem đóng đanh là gì? Một Gandhi không bị bắn chết ư! Một Kennedy cũng thế, nào có thoát bị người ta giết. Giá trị cuộc sống do ý thức giá trị làm người và dùng cuộc sống đem lại sự hữu ích cho cuộc đời dù tư tưởng hay hành động... Nhưng vì ý thức điều nên theo thường đối nghịch với những điều không nên đang được áp dụng do đó bị chống đối bởi chưa được nhận ra.
-Đấy chỉ là một số trường hợp đặc biệt. Còn bình thường chẳng hạn như các nhà bác học phát minh ra những thuốc chống lại bệnh tật đâu có ai bị kết án và cho là gàn đâu.
-Có tiến bộ trong lý luận nhưng chỉ phiếm diện bên ngoài. Thử hỏi ngày xưa ở Việt Nam, tại sao nhà thương Grall mổ ít người chết mà các nhà thương khác bị nhiều người chết? Chẳng lẽ số phận của những người đó đều bị chết trên bàn mổ một cách phi lý như vậy?
-Em đâu biết, thời đó em nhỏ quá mà...
-Nghe đâu cũng chỉ vì không nhận được giá trị vị thế của thuốc mê ảnh hưởng sinh mạng bệnh nhân trên bàn mổ thế nào... nên không trọng dụng người có khả năng về gây mê, hoặc sợ mất ảnh hưởng... đem đến giá trị xấu giết người... Thế rồi nào có ai nhận lỗi tại mình đâu...
-Anh học về thuốc mê cũng vì lý do đó hả?
-Lý do đó chưa đủ mà anh thấy sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức đem tai hại tới con người mới quan trọng. Danh vọng, chức quyền chẳng là chi hết; điều tiên quyết để anh học thêm chỉ để phá ngu mà thôi.
-Anh mà còn nói học để phá ngu thì thiên hạ dốt hết ư?
-Em tập láu cá rồi, dám bẻ quặt ý anh muốn nói. Ai cũng có bổn phận thăng tiến chính bản thân mình tùy môi trường sống bằng cách này hay bằng cách khác. Nếu chỉ chấp nhận sống cho qua, vinh thân phì gia là đủ thì cái giá trị làm người của người đó quá thấp nếu không muốn nói là không có. Thế nên, sự học không phải để kiếm việc nhiều tiền. Đồng tiền do công việc mình làm cần được xử dụng để trở thành phương tiện thăng tiến con người; như thế cuộc đời mới đáng sống.
-Anh sẽ không bao giờ biết an phận và thường thì người lắm tham vọng luôn luôn khổ.
-Em nói khổ ư! Sung sướng mới đúng. Người ta chỉ cảm thấy sung sướng khi kiếm tìm một cái gì. Lúc đạt được rồi, ước vọng tan biến đôi khi khiến con người chán nản. Còn an phận, nếu mọi người cứ chấp nhận an phận, chẳng sớm thì chầy thế giới sẽ trở về thời đại ăn lông ở lỗ.
-Anh nói gì? An phận mà trở về ăn lông ở lỗ.
-Họ đã an phận đâu cần tìm kiếm thêm, đâu cần phát triển thêm. Nhà xây rồi, đến lúc mục nát thì chấp nhận ở mục nát. Quần áo cũng đến ngày mục nát không may mới. Nhà không còn, quần áo không còn, mọi sự cũng không còn vì nếu ai cũng chấp nhận an hưởng những gì mình đang có không trở thành ở lỗ thì mặc đồ da. Em có giỏi an phận đi, đừng học nữa khỏi ra dược sĩ sẽ thấy ngay. Vừa mới chớm đề nghị an phận đã thấy tương lai dược sĩ đi đoong. Ôi hết lý luận cùng; thôi cho nó tắc biến đi kẻo không cho nói thì khóc, cho nói lại mếu.
-Anh già mồm nhưng cũng có lý...
-Lý gì?
-Lý già mồm.
-Em thua anh mấy tuổi?
-Năm.
-Em nói đúng. Cái miệng anh hơn miệng em năm năm thọ; già là phải.
-Thôi mà, được nước cứ cả vú lấp miệng em.
-Em nói gì, ai cả vú?
-Anh quỉ này, cứ bắt nạt em...
-Cho chừa. Từ nay có người phải tự bò ra khỏi vỏ ốc để giương mắt ếch lên ngó xem thiên hạ bày lắm chuyện mới lạ.
-Em đâu giống anh mà đa sự như thế. Chuyện người để người lo; mình lo cho cuộc đời mình cũng chưa rồi sức nào lo chuyện người. Anh là chuyên viên lắm chuyện nhưng chưa chắc có làm được chuyện gì dầu mình muốn; chỉ e rằng cóc không lo nổi chuyện cóc lại đi lo chuyện ểnh ương.
-Chuyện nào là chuyện mình và chuyện nào thuộc về người. Nếu chỉ nói về miếng cơm manh áo sống cho qua ngày thì đồng ý rằng ai lo phận nấy bởi không phải em ăn anh no mà chính mỗi người tự lo cho mình. Nhưng cuộc sống không đơn giản chỉ có miếng cơm manh áo.
-Anh còn muốn chi nữa. Ban nãy anh nói tiếng tăm, chức quyền chẳng là gì mà.
-Em bắt đầu nhảy ra khỏi vỏ ốc một chút nhưng chưa đủ, cần giương cao cổ thêm chút nữa...
-Để biến thành cổ cò cho hợp với mốt thời trang...
-Em hợp thời trang có thừa... Ai không công nhận như thế!
-Cảm ơn, từ ngày quen anh, mãi tới giờ mới thấy anh lần thứ nhất nói một câu nghe được...
-Hình như có người thích được khen đẹp phải không?
-Ô hay, thích được khen đẹp có chi đặc biệt đâu!
-Giỏi, dám chấp nhận sự thực lòng mình. Em tiến bộ khá nhanh! Nhưng người còn muốn được kẻ khác khen đẹp vẫn còn chứng tỏ mình chưa nhận ra mình đẹp.
-Người đẹp mới thích kẻ khác khen mình đẹp chứ chỉ người xấu mới muốn được khen đẹp ư? Như vậy anh muốn nói người nào thích được kẻ khác khen đẹp tức là người đó xấu.
-Em bắt đầu làm triết "da" rồi. Phải dùng tiếng "tâm lý triết da" mới đúng.
-Sao lại tâm lý triết "da" mà không thịt?
-Em lý luận về tâm lý người thích được khen đẹp, mà cái đẹp có thể nhìn thấy đầu tiên về một người là bộ da bọc bên ngoài. Thế không phải tâm lý triết về da thì chẳng lẽ xương!
-Miệng anh có ráp máy bơm mỡ hay sao mà nó trơn trượt lung tung. Đang nói về tâm lý người thích được khen đẹp anh đổi qua tâm lý triết da, triết thịt.
-Anh khen em đó chứ. Em bắt đầu "chiết" về tâm lý mà. Em tập giải phẫu tâm lý thì không triết là gì.
-Anh định tảng lờ lý cụt phải không?
-Không đâu, đang định nói thì em cứ bắt quàng qua chuyện khác. Có phải anh nói về người thích được khen đẹp chưa nhận ra mình đẹp phải không?
-Đúng... chứng minh...
-Nếu em có mười đồng, em biết rõ thế, có cần phải ai nói cho em biết nữa không?
-Tiền khác...
-Em có cần nhắc nhở năm nay em 25 tuổi rồi không hay là muốn rút bớt...
-Tuổi khác...
-Chẳng khác chi hết. Người muốn nói bớt tuổi vì sợ cái già đang xồng xộc tràn tới. Người muốn được khen đẹp vì sợ mình không đẹp bằng người khác. Tâm lý sợ mình không đẹp bằng người khác nói lên chưa tin mình đẹp, chưa biết mình đẹp.
-Em nghĩ người đó biết họ đẹp hơn người khác mà vẫn muốn được người khác khen...
-Muốn được người khác khen tức là muốn được họ để ý. Vậy muốn được kẻ khác để ý vì lý do gì? Có bao giờ vào ngày nghỉ, sáng dậy sớm, em trang điểm, đóng bộ cho thiệt đẹp đoạn cứ ở trong phòng ngắm mình nơi gương hay leo lên giường ngủ tiếp không ra khỏi nhà không?
-Anh nói gì ngược đời, đâu ai làm thế.
-Như vậy không ai làm đẹp để tự mình ngắm mà làm đẹp cho người khác ngắm phải không? Do đó người ấy không cần biết gì về chính họ nhưng làm đẹp vì người khác...
-Mình đã đẹp rồi còn cần gì phải ngắm.
-Thế sao em thích trang điểm.
Kiến Anh đớ người ra, mặt nàng đỏ hồng trong khi Duy móc mồi vào lưỡi câu, chàng vút mạnh cần câu tung mồi ra xa, giọng vẫn đều đều:
-Cuộc sống tự nhiên cần có sự liên đới ngớ ngẩn như thế. Thực ra làm đẹp để người khác chiêm ngưỡng chưa chắc mang lại lợi ích gì cho họ mà em cứ trang điểm; bao nhiêu phụ nữ vẫn trang điểm. Điều chính yếu anh muốn nói là sự liên đới nơi cuộc đời giữa con người với con người; sự ảnh hưởng do sống liên đới này không thể làm ngơ. Em còn có thể nói họ có cuộc đời họ mình có cuộc đời mình nữa không?
-Thế anh muốn nói ảnh hưởng liên đới về vấn đề gì?
-Xét về vấn đề vật chất, sống trong một xã hội bần cùng, mình cũng bị bần cùng lây. Cái giầu có trong xã hội bần cùng vẫn thua cái nghèo nơi một xã hội có mức sống cao. Nhưng vấn đề ảnh hưởng liên đới quan trọng hơn lại là vấn đề luân lý và đạo đức xã hội.
-Thì người tốt sống tốt, kẻ xấu làm bậy; ai làm người nấy chịu chứ mắc mớ gì phải lo cho mệt xác. Chẳng lẽ người khác làm chuyện không ra gì mà mình mang họa ư, hoặc mình làm điều tốt lành người khác tranh mất phần hay sao. Mình làm cho mình trước, mình lãnh hậu quả đầu tiên... Chẳng lẽ anh mổ người khác em đau hoặc em ăn mà anh no được à? Anh nói chuyện giống như ông bán thuốc lào quảng cáo ngày em còn nhỏ: Chồng hút vợ say và thằng bé lăn quay...
-Lý luận hay nhưng lại trật, trật nặng nề. Nếu cho rằng mình làm mình chịu đúng như lời em vừa nói thì mấy người la lối om xòm lên rằng tuổi trẻ mất gốc họ đã đúng một phần nào.
-Tại sao anh nói họ đúng?
-Vì đối với người Việt, mỗi người trong gia đình có bổn phận bảo vệ và xây dựng danh dự gia đình. Ông bà mình có câu "cha nào con nấy" hoặc "xem quả biết cây." Mình sống chẳng ra gì sẽ ảnh hưởng tới gia đình mình. Mình sống tốt lành, gia đình được thơm lây. Em quan niệm mình làm mình chịu tất nhiên bị gán cho mất gốc...
-Vậy chẳng lẽ em làm điều phạm pháp bố em vô tù hoặc ngược lại? Phi lý.
-Vô tù là chuyện khác, danh dự gia đình liên hệ tới danh dự cá nhân không đơn giản như thế. Em quên câu "Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm bậy cả họ xấu lây" sao? Sống trong xã hội cũng thế, mình bị ảnh hưởng chung với xã hội.
-Thí dụ...
-Vài tuần trước đây trên chương trình truyền thanh loan tin một trường trung học tại New York phát không "condom" cho học sinh với lý do để tránh lây bịnh Aids. Một số mục sư, linh mục gọi điện thoại đến nói việc cho không condom cổ võ cho sự vô luân lý. Nhân viên nhà trường trả lời họ chỉ muốn ngăn cản sự lan tràn bệnh Aids mà thôi. Như vậy đương nhiên họ tự chấp nhận tự do luyến ái bất kể luân lý. Nói cách khác, điều này nói lên phần nào nền luân lý trong lãnh vực sinh lý đang sụp đổ... Cứ đà này xét về luân lý sinh lý, con người và con thú không còn có sự khác biệt... Hơn nữa mình sống trong vũng lầy chắc chắn mình dây bùn... để rồi đến độ không biết mình lấm bùn. Rồi nữa, điều mà người ta gọi là pro-choice... Nhìn kỹ hơn, khi người đàn bà đã rơi vào tình trạng không biết giải quyết hậu quả của tự do luyến ái thế nào thì làm gì còn sự lựa chọn mà đặt vấn đề pro-choice... Muốn có pro-choice, phải là trước khi xảy ra chuyện đã rồi... Xét cho chín chắn, nếu mình có muốn an phận cũng không được; có sống riêng cho mình cũng không tránh thoát ảnh hưởng liên đới đang từ từ thấm nhập qua truyền thanh, truyền hình, báo chí... và những người sống chung quanh.
-Anh nói đúng, trước khi chuyện xảy ra mới có sự chọn lựa, mới có pro-choice... Thế còn những trường hợp đặc biệt?
-Đành rằng có những trường hợp nguy hại cho sự sống còn của người mẹ hoặc trường hợp bị hãm hiếp khiến người đàn bà không còn lối nào giải quyết thì đó là những trường hợp đâu thể đồng hóa để trở thành điều nên chung cho mọi người, đâu có thể dùng tiếng pro-choice. Và rồi trường hợp ngăn ngừa bệnh Aids; không muốn bị Aids thì đừng làm chuyện đó với những người lăng nhăng. Chẳng lẽ để bảo vệ mạng sống cho những người ăn cướp lại đem cho họ bộ đồ chống súng đạn hay sao...
-Không ngờ anh "giải phẫu luân lý" khá quá... Phải dùng tiếng tích phân luân lý cho anh mới đúng.
-Làm gì có ai gọi tích phân luân lý. Sở dĩ anh đặt vấn đề vì thấy dân Việt mình giờ đây đã bị suy sụp từ kinh tế đến tinh thần... nghĩ tới là anh muốn khùng luôn cho khỏi phải suy tư.
-Suy tư thì mắc mớ gì đến khùng mà anh nói chi lạ.
-Vì khi nghĩ đến dân tộc mình, thấy nhiều vấn đề phải làm lại từ đầu về bất cứ phương diện nào, từ văn hóa, chính trị, kinh tế, ý tế, xã hội v.v... Anh thấy rối um lên chẳng biết phải làm sao nên muốn khùng...
Những người câu cá gần đấy rải rác ra về để lại sự yên lặng cho hai kẻ yêu nhau bàn thảo. Kiến Anh nhìn Duy với đôi mắt thán phục. Nàng cứ nghĩ những ông bác sĩ chỉ chuyên môn về những bệnh tật tàn phá trong con người chứ ai ngờ cũng để ý sâu sắc đến hiện trạng chung quanh. Tự dưng Kiến Anh hỏi một câu chẳng ra đâu vào đâu.
-Sao anh lắm tham vọng thế?
-Nào có tham vọng gì. Anh đâu muốn làm ông nọ ông kia, tiền bạc anh đâu thiếu, nhưng vì dân mình giờ trở thành quá chậm tiến đối với các dân tộc khác... Dân mình khổ quá rồi...
-Anh học sử có nhớ, ông cha mình đâu vừa chi; cả một miền Nam từ Phan Rang, Phan Rí thuộc dân tộc Chàm cho tới Sài Gòn, Cà Mau thuộc Thủy Chân Lạp tức Cam Bốt... đâu phải đất mình...
-Nếu nói rằng mình phải trả nợ cho ông cha mình thì bao nhiêu năm rồi chưa đủ sao. Vậy chứ hơn 700 năm Tàu cai trị, dân mình trả nợ cho ai? Hơn 80 năm Pháp đô hộ chưa đủ ư? Đến nay lại bị bứng tận gốc rễ; dân chúng không ai tin được ai mà cả một dân tộc tan nát...
-Anh không nhớ tướng một mắt Do Thái nói khi qua quan sát tình hình chính trị Việt Nam sao?
-Ông ta nói đúng, phải thua mới thắng được... Cũng có thể chính sự tàn phá tận gốc rễ này mới làm cho dân mình thức tỉnh để rồi nhận thức được mình quá nghi ngờ và phân rẽ... Nhưng không ngờ được dân mình tan nát đến độ có nhà văn miền Bắc đã phải hô lên: "Dân ta tiến từ thời đồ đá đến thời đồ đồng, và bây giờ tiến đến thời đồ đểu." Nghe mà xốn xang...
Câu chuyện khô và khó nuốt thế mà lôi cuốn Kiến Anh vào say mê. Không ngờ ngoài lương tâm và trách nhiệm, lòng yêu nước tích cực như muốn tràn ra từ nơi tâm hồn chàng.
-Theo anh nghĩ phải cần bao lâu đất nước mình mới xây dựng lại được những gì đã mất?
-Khả năng suy đoán và nhận xét của anh không đủ để ước lượng được vì thực ra cái nhìn của anh còn quá nhỏ hẹp. Tuy nhiên, nói chuyện với một số người thuộc các giới khác nhau, họ cho rằng có thể phải cả thế hệ.
-Nghĩa là tới khi nào lớp người bây giờ chết hết thì lớp người tiếp theo mới bắt đầu được.
-Đấy là theo ý họ nói vể tư tưởng, quan niệm hoặc tâm não... Anh hy vọng...
-Anh muốn rút ngắn thời gian hơn?
-Ai không thế. Vấn đề chuyên viên kỹ thuật, luật sư, bác sĩ, khoa học gia... dân Việt ở hải ngoại không thiếu. Nếu đem so tỉ số với dân chúng, anh ước lượng dân mình có tỉ số chuyên gia khá cao so với các nước khác. Vấn đề còn lại chỉ là sự nhận thức của dân chúng; nói cách khác... tẩy não, nếu dùng theo danh từ thực dụng.
-Anh đã nghĩ được cách nào chưa?
-Làm cách nào phổ biến cho dân chúng rằng dân mình nghi ngờ nhiều quá rồi; con người ở Việt Nam bị nhồi sọ bởi nỗi lo sợ của cuộc sống bấp bênh đến tận xương tủy. Mình có bổn phận phải gióng lên tiếng nói rằng không phải thế, chúng ta cần một xã hội yêu thương. Chúng ta có thể tin nhau được để cùng nhau chung tay xây dựng đất nước... xây dựng tình người...
-Anh muốn làm chuyện đội đá vá trời... Anh nhớ cho, cả một dân tộc chứ không phải một nhóm nhỏ nhoi.
-Nhưng nếu những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đổ dồn vào viết để xây dựng thì nhất định lay chuyển được lòng dân chúng chứ.
-Làm sao dân chúng đọc được, làm sao phổ biến...
-Đây là vấn đề phụ. Tất nhiên, nếu có một số người muốn thực hiện, sẽ có người ủng hộ... Chỉ cần 1000 Mỹ kim có thể in cả ngàn bản của một cuốn sách ở Việt Nam bây giờ. Tại hải ngoại, chúng ta có bao nhiêu hội ái hữu, bao nhiêu nhóm đang tìm cách giúp nước. Anh nghĩ, nếu thực hiện bằng văn chương, sách báo, không cần đến một thế hệ. Tối đa chỉ 15 năm kể từ bây giờ nhưng phải được truyền bá cho mạnh mẽ...
Kiến Anh cau mày nghĩ ngợi, không ngờ vấn đề càng lúc càng nan giải.
-Anh hy vọng được bao nhiêu phần trăm các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ sẽ viết theo khuynh hướng này?
-Văn thi sĩ và nhạc sĩ họ viết kiểu nào không được. Anh nghĩ nếu có hội nào có khả năng tài chánh chẳng hạn như hội y sĩ hải ngoại hay nhỏ hơn, hội y sĩ tại Mỹ, mỗi vị bác sĩ tặng cho chương trình này mỗi tháng 10 Mỹ kim. Hội này có cả ngàn bác sĩ, vị chi mỗi tháng có cả mười ngàn Mỹ kim; anh dám bảo đảm sách, truyện sẽ được viết tung về Việt Nam tới tận hang cùng ngõ hẻm bất cứ nơi nào.
-Nhưng phỏng ai là người đáng tin cậy để giữ trách nhiệm cần một uy tín tuyệt đối không ăn tay ăn túi như thế?
-Em trở lại vấn đề căn bản. Tuy nhiên, cứ kiếm thử một người đứng ra nhận bản thảo để giới thiệu cho ban đại diện hội y sĩ duyệt qua để nhận định sách nào đáng được in để phổ biến. Ngân quỹ ký trả trực tiếp nhà in từ ban đại diện hội thay vì chuyển qua cá nhân nào đó thì có gì để phải nghi ngờ ăn tay ăn túi.
Đầu Kiến Anh quay quay mặc dù những làn gió nhẹ đượm mùi nước biển đem theo hơi mát dìu dịu. Ước vọng của Duy khó có thể thực hiện và không thực tế chút nào...
-Anh Duy, mình chỉ quanh quẩn mơ ước, em chưa thấy chút gì thực tế để có thể hy vọng...
-Anh thấy rằng không phải mơ ước cũng chẳng phải không thể thực hiện. Nếu bỏ tiền ra in một cuốn sách, anh không sợ vì ai cũng có thể cho được, nhưng 100 cuốn và rồi phương cách nào tuyển chọn, phổ biến... anh nghĩ cần một số đầu óc hợp lại làm việc. Thực ra vấn đề này ở giữa mơ ước và sự thực hiện. Anh tin tưởng chắc chắn rằng đã là người Việt, ai cũng yêu nước dù cho có lầm, anh vẫn tin. Tuy nhiên, làm sao để họ có thể thực hiện vấn đề giúp dân mình nhận ra sự cần thiết của lối sống ý thức là điều tiên quyết làm nền tảng cho sự phát triển đất nước thì cứ làm anh muốn khùng vì không biết làm sao.
Kiến Anh cắn môi, nàng đăm chiêu nhìn xuống mặt nước trải rộng:
-Anh đã nói ý kiến này với ai chưa?
-Chưa, vì anh cũng còn nghi ngờ. Anh nghi người ta không tin mình hoặc cho rằng mình muốn nổ bậy kiếm chút danh vọng hay chút cháo... Ôi! mình nói dân mình hư hết đầu não mà chính mình cũng đã hư... không hư tại sao nghi ngại... Chính vì thế, anh cũng nghĩ đến cách khác tránh đụng chạm đến vấn đề tiền. Chẳng hạn nếu cuốn sách nào được chọn có giá trị giúp dân mình, mỗi phòng mạch bác sĩ nhận tiêu thụ dùm cho 10 cuốn với một nửa giá phải trả trên thị trường. Không cần tính nhiều, chỉ 500 bác sĩ có phòng mạch riêng nhận làm như thế đã tiêu thụ được 5000 cuốn sách. Tiền lời của 5000 cuốn sách này ít nhất cũng được mười ngàn Mỹ kim... Nhưng...
-Anh thử coi, ít nhất có một người tin anh; người đó là em. Em sẽ nói với một số bạn bè; anh nói thêm một số người rồi dần dần ý kiến này sẽ được lan ra. Thế anh còn tính gì khác nữa không?
Duy cắm chắc cần câu vào kẽ ván thành cầu đoạn dìu Kiến Anh đi dọc chiếc cầu cụt.
-Có thể rằng anh về Việt Nam nhưng không biết lấy dụng cụ đâu để anh làm việc... Nhưng dầu sao anh cũng muốn về một chuyến cho biết rõ thực trạng dân mình như thế nào và riêng khả năng anh có thể giúp được những chuyện gì. Khám bệnh giúp dân mình là nhu cầu cần thiết có thể thực hiện được ở bất cứ nơi đâu.
-Anh là bác sĩ giải phẫu mà!
-Có những nơi không cần chuyên môn vì không có phương tiện cho ngành chuyên môn. Em thấy không, mẹ Therèse có biết chi về thuốc men, kinh tế, hoặc ngành chuyên môn nào đâu, chỉ giúp người nghèo khổ. Anh nghĩ, bất cứ gì cần thiết có thể giúp được là anh làm; điều này thực tiễn và cấp thời hơn.
-Rồi sao anh sống?
-Đừng lo, người ta sống được, mình sống được...
-Anh đang làm lương gần 200 ngàn Mỹ kim mà định bỏ ngang về Việt Nam... có hợp lý không? Tại sao anh không tiếp tục làm việc ở Mỹ, dùng số tiền mình làm ra để thực hiện ước mơ phổ biến văn hóa của anh.
-Em xem, lương độc thân gần 200 ngàn một năm trừ thuế còn được bao nhiêu, rồi tiền xe cộ, chi phí cho cuộc sống nơi đây thì còn được bao nhiêu với lối tách thuế lũy tiến này... Cứ ở Mỹ thì chẳng bao giờ có thể giúp được dân Việt mình nếu chỉ làm việc riêng rẽ...
Kiến Anh bàng hoàng, giọng nàng đầy xúc động pha lẫn yêu thương:
-Anh định về Việt Nam thật không?
-Sao không!
-Vậy còn chuyện tụi mình?
-Em còn những một năm nữa mới ra trường mà.
-Nhưng...
-Sau tết, anh về xem đã rồi mình sẽ tính vì hiện giờ đâu đã biết được gì. Hơn nữa tình hình "chính chị chính em" còn lôi thôi chưa đâu ra đâu cả mà.
Nghĩ đến lúc phải xa nhau "những một năm", giọng Kiến Anh hờn dỗi:
-Có người bảo chẳng sung sướng gì lấy chồng bác sĩ thế mà đúng.
-Em nói sao mà đúng?
-Em có bà chị họ; chị ấy nói không sung sướng chi đâu mà lấy chồng bác sĩ. Nếu lấy được một bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp thì họ mê man chăm sóc bệnh nhân đến độ quên cả vợ con; mà người bác sĩ biết lo lắng cho vợ con thì lại không có lương tâm nghề nghiệp.
-Sao vậy?
-Khi chị ta đến gần lúc sanh, chồng chị ta cứ lo chăm sóc cho bệnh nhân mà không lo chở chị ta đi nhà thương...
-Thế em mới yêu bác sĩ thôi mà...
-Em cảm thấy anh yêu dân Việt hơn em.
-Anh e rằng một ngày nào đó em sẽ mê dân Việt hơn mê anh. Em muốn anh chứng minh không?
Kiến Anh đứng lại, nàng kéo hai tay Duy vòng qua eo mình.
-Em lạnh hả?
-Em muốn được ôm và nghe anh nói tiếp.
-Em có nhớ những lần coi phim thuyền nhân hoặc những phim nhạc có hình ảnh thuyền nhân em đã khóc vì thương hại cho họ không; trong khi anh không khóc.
-Đấy chỉ là tình cảm nhất thời về sự đau khổ của người khác.
-Nếu đem cái tình cảm nhất thời ấy áp dụng vào thực tế khi em nhìn thấy tận mắt dân Việt mình như những cây sậy khô cằn lao đao làm lụng kiếm bữa cơm bữa cháo cho qua ngày hoặc những thân xác nằm thoi thóp đợi tử thần trong khi em biết chỉ cần vài viên thuốc có thể giúp họ lấy lại sức khỏe, coi chừng em sẽ bán cả anh lấy tiền mua thuốc đem cho không họ...
Bây giờ Kiến Anh mới vỡ lẽ, giọng nàng dọ dẫm:
-Anh muốn em nhập "băng" với anh?
-Không phải nhập băng mà anh muốn tình yêu chúng mình được xây dựng bằng lòng thương yêu dân tộc. Có thế cuộc đời mình mới mang đúng giá trị đã may mắn được đào luyện..., Duy ngập ngừng, và biết đâu chúng mình lại chẳng cùng đi một chuyến về Việt Nam.
Trời đã khá khuya, Kiến Anh gỡ vòng tay Duy, từ từ bước tới khoanh tay đứng tựa nơi cột cầu đôi mắt mơ màng hướng về khoảng không gian xa thẳm, nơi đó hiện lên viễn ảnh một khung trời mới, quê hương diệu vợi của nàng, của gần bẩy chục triệu dân Việt sẽ được vun đắp đầy tình người; nơi có những dòng sông êm ả trôi giữa hai dãy tre xanh, luồn lạch qua các cánh đồng phì nhiêu vương mùi lúa chín được phân bón bởi những giọt mồ hôi thân thương của người dân yêu chuộng hòa bình và thiết tha với quê cha đất tổ. Hình ảnh bác nông phu vai vác cày, tay dắt trâu trên những con đường mòn lầy lội thuở ấu thơ lãng đãng trở về nơi ký ức. Ý nghĩ bác nông phu không dám cỡi trâu để dành sức cho con vật làm việc chợt dậy lên trong tâm hồn nàng nhận thức về đặc tính thương yêu nơi trái tim người dân Việt. Dù chỉ một con vật cũng được chăm sóc giữ gìn và bảo vệ, phương chi con người. Bỗng Kiến Anh như chợt bừng tỉnh, xô người về phía Duy hôn lên má chàng giọng reo vui thích thú của một trẻ nhỏ:
-Anh Duy, cảm ơn anh; ý kiến anh thật tuyệt...
Duy ngơ ngác nhìn Kiến Anh giống một đứa trẻ khi thấy bà bóng lên đồng... Chợt một chiếc cần câu bị uống cong, Kiến Anh reo lên...
-Anh Duy, con cá...
lmt
R
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.01.2023 22:29:30 bởi Ct.Ly >