MẢNH HƯƠNG XƯA
lamongthuong 24.07.2021 21:35:58 (permalink)
 
 
 
Trời đã thực sự sang thu, làn gió mát của buổi chiều lùa qua cửa sổ bên cạnh đem cảm giác thoải mái khi nghĩ mình đang sống yên ổn trên mảnh đất rộng lớn và nhiều thay đổi này của xứ cờ hoa. Tôi cảm thấy yên tâm vì không phải lo nghĩ đến lát nữa mình sẽ ăn gì. Ừ! Có sao ăn vậy là đủ; miễn là không chết đói. Ngon miệng thì ăn nhiều, không ngon miệng, ăn cho qua và ráng uống thêm một ly sữa để bù lại sự thiếu sót.
 
Khoảng 5 giờ rưỡi tối, bầu trời bên ngoài đang dần dần xám lại; những hàng cây như muốn chìm vào cõi yên lặng riêng tư của chúng, khuất dần bởi màn sương mù dầy, đậm màu trắng nhạt của vùng trời miền nam nước Mỹ, nơi tôi đang sống, Mississippi. Vài ngọn đèn dọc theo đoạn đường ngắn xen giữa đám cây của khu rừng tư nhân lẻ loi xuyên qua cành lá gợi lòng âm thầm của kiếp sống xa quê hương, chen lẫn với những người xa lạ và nhận mảnh đất mới với đầy đủ đặc tính xô bồ này làm quê hương thứ hai.
 
Tôi thường tự hỏi, "Mình có yêu được mảnh đất này không?" Mặc dầu đang sống trên nó nhưng tôi vẫn cảm thấy xa lạ. Chân đạp trên những đám cỏ xanh, những mảnh đất trơ trụi hoặc đầy bụi bậm với màu nâu nhạt bởi được pha lẫn với cát và đất sét, nhưng tôi vẫn không cảm thấy nó thân yêu. Nó là đất Mỹ, đất Hoa Kỳ, rất xa vời với hai tiếng "Việt Nam". Nó không phải là "Mít chay," mà thuộc về thẩm quyền của những người "phù thủy mắt xanh." Còn tôi là mít chay, đầu đen, da vàng, và mũi tẹt, mang thân phận nhược tiểu của đất nước, quê hương ngàn dặm xa vời bên kia bờ biển Thái Bình Dương.
 
Hai năm sống trên đất này, lòng thấm thía khi nhắc đến hai tiếng "quê hương," và từ đó mới hiểu rõ ý nghĩa quê hương là thế nào. Nó len lỏi vào tâm hồn tôi, khơi dậy nơi dĩ vãng những kỷ niệm êm đềm cũng như sôi nổi, ngọt ngào hoặc đắng cay cùng với những nét mặt được phụ họa với mái tóc đen. Nó vẽ lại cho tôi những bức hình của những vùng đất tôi đã đi qua trong dĩ vãng; nơi lớn lên từ tấm bé; nơi thấm những giọt mồ hôi trong những ngày nóng nực khi cuốc đất với làn gió rát bỏng hắt vào mặt dưới chiếc nón lá đội trên đầu.
 
Những tháng đầu theo học Anh văn tại Western Virginia Community College, tôi thường hay ngồi nơi thảm cỏ xanh sườn đồi của trường trong mùa thu 1980, lại cũng mùa lá đổ, để mượn ký ức gợi về hương xưa quê cũ trong lúc chờ người bạn ra lớp đưa về. Giáp ranh với khuôn viên nhà trường là một cặp đường rầy xe lửa; nó bắt đầu từ nhà ga nào không biết, và nó chấm dứt nơi khoảnh đất hoang vu mãi nơi đâu tôi cũng không hay. Cứ mỗi ba giờ chiều, một đoàn tàu gầm thét chạy ngang qua lượn quanh sườn đồi bên kia để rồi mất hút trong khi vương lại những tiếng ầm ầm như quay cuồng trộn vào nếp sống yên tĩnh của rừng cây dọc hai bên. Tôi thờ ơ đếm xem nó có bao nhiêu toa rồi tự hỏi nó đi về đâu, và bên kia rặng núi phía xa có những gì. Tôi mường tượng con tàu sẽ đi không bao giờ ngừng; có tôi trên đó để có dịp ghé qua những vùng đất với những tên và hình ảnh quen thuộc ngày xưa...
 
... Con tàu len lỏi qua rừng cao su Túc Trưng nơi tôi, sáng sáng, trong một thời gian sau khi đất nước rơi vào tay Cộng Sản, đạp xe đạp tới những vườn bắp phía sau mua dây lang đem về bán cho người nuôi heo. Vùng đất đỏ nuôi sống tôi một thời gian khi ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, và đi làm thuê không ai mướn. Những lối mòn xuyên qua rừng cao su trơn trượt bởi những trận mưa vật tôi sõng xoài bên cạnh chiếc xe đạp với mớ rau lang buộc chặt cứng phía sau. Người đầy bùn đỏ; đầu cũng bùn và mặt tôi bùn che kín trong khi đưa tay đầy bùn vuốt mặt. Mớ rau lang cũng chẳng sạch sẽ gì hơn, "Không thành vấn đề," tôi tự nhủ! Nhưng làm sao nâng chiếc xe đạp gắn liền với mớ rau lang nặng nề lên để đi tiếp... Những ngày nắng thì thật tuyệt vời, đạp xe dưới bóng mát của những hàng cao su cũng là thời gian nghỉ sau mấy tiếng đồng hồ đày nắng cắt rau lang và ăn trưa bằng mấy trái bắp luộc xin chủ vườn, trước khi đẩy xe lên con dốc ngược và 11 cây số đường nhựa về nhà.
 
Tới Dốc Mơ là thấy cuộc đời lên hương nơi quán cà phê bình dân. Những ly cà phê chỉ lớn hơn chiếc chén móng nhưng thường khách hàng cố vớt vát bằng những ly trà nhạt nhẽo không phải trả tiền. Ngay bên quán là đường rẽ vào Cây Gáo, nơi con sông Đồng Nai lượn qua; cả một vùng đất bao bọc quanh Núi Cúi thầm lặng, chơ vơ với dáng một cụ già kiên nhẫn đếm từng bước tiến đến khoảnh rừng mờ mờ phía xa. Một con đường rẽ từ đường lớn xuống Suối Reo, tên nghe thật thơ mộng và gợi hình, gợi thanh; có một lần viết thư cho bạn kể sơ qua về địa danh; bạn tôi ước ao được ngắm hình Núi Cúi, tận hưởng âm vang của Suối Reo và có dịp thả hồn nơi Dốc Mơ để tâm tư tình tự với thiên nhiên, cây cỏ.
 
Dọc theo quốc lộ 20 về hướng Sàigòn và quẹo trái trên quốc lộ số 1 nơi ngã ba Dầu Dây là đường tới Long Khánh, miền đất mà một người bạn mệnh danh là "mùa nắng mưa bụi, mùa mưa xình lầy" khi anh ta hành quân tại đó. Đã bao lần tôi đợi nơi ga xe lửa Dầu Dây, vượt qua Long Khánh trên con tàu "không chỗ đặt mông," chen chúc những phụ nữ đi mua cá; rồi kho mặn đem về bán, cùng với những bộ mặt trong sáng của những sinh viên, học sinh "mất học đường," không nghề nghiệp đi buôn than hoặc củi lấm lem nhưng không dấu được những cặp mắt tinh anh của họ, người dân đất nước tôi. Tôi chỉ biết thở dài thương thân phận mình và xót cho lớp trẻ. Đi nhiều cũng học thêm được chút ít khả năng tháo vát; tôi cũng đã kiếm được một miếng lưới đánh cá, buộc hai đầu làm thành võng giăng ngang qua hai thành toa xe lửa giữa khoảng nối từ toa nọ qua toa kia và nằm vắt vẻo trên đó khiến ai trông thấy cũng phải sợ.
 
... Mười hai giờ đêm, con tàu rít lên bởi tiếng những cặp thắng ghì lại bánh xe đang ngốn nốt đoạn đường rầy và dừng lại chặng cuối cùng: Phan Thiết. Phan Thiết, tên nghe ngọt ngào nhưng không kém phần đanh đá của giới phụ nữ Thanh Hải, Phú Hài, Xóm Cồn hãy còn vang lại khi tôi bất chợt nghĩ về dân xứ Huế hoặc có dịp nói chuyện với một vài người gốc Quảng Ngãi. Phan Thiết, nơi đó hơn hai tháng trời tôi chấp nhận dâng hiến máu cho đàn muỗi mỗi đêm ở ga xe lửa để chờ vượt biên. Nơi một thằng em, anh hai ga xe lửa, con bố nuôi của những ngày lang thang ấy bị bắn chết vì cướp tàu để vượt biên sau ngày tôi thất bại bởi chờ đợi. Ruồi muỗi đông như giặc, mùi tanh cá phơi, cá khô, cùng rác rưởi. Đêm đêm, ngủ ngoài trời trên vài tấm lá chuối hay những mảng báo hoặc trên vỉa hè của một người quen nếu còn trống chỗ; người ta thế nào, tôi chấp nhận thế ấy. Nơi bờ biển, công an chìm nổi lượn qua lượn lại khám sổ gia đình và kiểm người hàng đêm nhưng ít để ý đến những người vô gia cư, buôn thúng bán mẹt. Hôm nào dó, chúng hết tiền xài bày chuyện bắt đồ lậu; một tiếng hô to "bò vàng" là bà con cắp nồi cắp rổ chạy. Những thùng mắm bị bể chảy chan hòa trên mặt đất; chỉ xót thương cho chủ nó, kiếm được chút tiền làm vốn mua được thùng mắm!... Hết rồi, còn đâu!
 
Lên xe lửa lại càng khốn khổ. Người nhiều, tàu chật không có chỗ để giấu mắm, giấu cá khô! Hơn nữa, chiếc cổng nơi hàng rào ngăn giữa sân ga và đường rầy đã ác hại không biết bao nhiêu người cùng cực, tô đậm sân ga với ngập tràn nước mắt. Có một bà đi buôn, cỡ bốn mấy, năm chục tuổi, gánh hai thùng nilon nước mắm. Vì chen nhau ra cổng cho kịp tàu, một thùng mắm bị sút dây khỏi đòn gánh trong khi đoàn người như nước vỡ bờ tiếp tục lấn tới, tay xách, tay mang kèm theo những tiếng kêu la đi cho lẹ. Bà chỉ còn cách gom lẹ hai thùng mắm lại, chống tay, chống chân, lấy thân mình che cho chúng mặc cho thiên hạ xô đẩy, chen chúc, đạp lên khi lấn qua cổng. Cuối cùng, một thùng mắm bị bể. Bà ta, đầu tóc, áo quần tả tơi; chỉ còn nước khóc! Thật khốn nạn! Cái thân phận khốn khổ hơn con thú! Nhưng rồi bà cũng ráng lê lết xách thùng mắm còn lại nhét đại vô kẽ hở của những hàng chân người trên toa rồi đu người bám lấy một bàn tay giơ ra nắm tay bà kéo lên. Chỗ nào nữa mà chen; tấm thân ấy lại phải gồng lên chịu đựng những cành cây hai bên đường rầy quật tới tấp trong khi con tàu hiên ngang với những tiếng hì hục của bộ máy cũ kỹ dưới sức đè nặng của củi, cá, mắm, và của đám người lầm than ấy; trong đó bao gồm những người đến tuổi già không được hưởng cảnh thanh nhàn, những thanh thiếu niên thân xác sớm bị hao mòn, lý tưởng khuất lấp, sống cuộc đời bước dần vào ngõ cụt. Còn đâu tương lai! Còn đâu mộng ước!
 
Con tàu tiếp tục trườn mình trên lối cũ như một thói quen khó thay đổi; mà dù có muốn thay đổi cũng không được; giống như cuộc sống dân chúng giờ đây! Nó tiếp tục xuyên qua các thôn làng hẻo lánh và lần lượt dừng lại nơi các nhà ga nghèo nàn, mang theo niềm phấn khởi tới những thân hình héo hon với những mớ hàng rong như nước trà, bánh dầy, bánh tét, bánh tày, bánh nếp, bánh mật và thuốc lá... Nào còn có nghề nghiệp gì nữa mà làm khi ruộng rẫy thất mùa như một kết quả của chính sách cày cấy tập thể. Họ bị bó buộc làm tập thể, rồi nào ai muốn làm. Hơn nữa, cày cấy đâu giống như bộ máy cứ đổ xăng vào là chạy. Lúa đâu có lên được và đơm bông theo lịch trình kế hoạch cố định của nhà nước. Còn gì có thể giúp cho đám dân cùng cực ấy có của ăn ngay ngoài sự buôn rông bán rài kiếm đồng lời đong gạo cho bữa cơm trưa hay tối. Hơn nữa, có gạo mà mua chăng đã là hạnh phúc, chỉ củ mì, củ khoai hoặc bất cứ gì có thể chèn cho no cái bụng.
 
Vượt qua ga Trạng Táo, dọc hai bên đường rầy, rải rác các hình bóng của những sĩ quan đang bị nhốt trong trại cải tạo uể oải giơ cuốc bổ từng tấc đất khô cằn dưới áp lực của những cấy súng trên tay vài tên "người rừng" đứng lưa thưa đây đó. Xin đừng giơ tay vẫy nếu bạn nhận ra người quen; chỉ khốn cho họ! Có chăng chỉ nhìn lén. Thương họ, bạn có thể quăng một cách kín đáo nơi những chỗ khuất lùm cây, làm như vô tình đánh rơi, chẳng hạn vài con cá khô, một chiếc bánh hay bất cứ gì có thể ăn được. Những người thân, anh em của bạn đó, với sống mũi thẳng, dáng đi chững chạc nhưng bị che mờ bởi màn đen vận số của thời cuộc. Nếu bạn vô tình không biết cái luật giết người này, gặp người thân quen trong bọn họ, tình thân bùng lên, bạn gọi tên, giơ tay vẫy chào lúc con tàu trườn qua khu ấy; con tàu chưa kịp khuất bóng thì người thân quen của bạn đã đang bị đưa về trại bởi tên rợ cầm súng, chuẩn bị thiêu thân trong màn thẩm vấn.
 
... Từ từ, con tàu dừng lại nơi ga Gia Ray. Hai chiếc kim đồng hồ trên tường của nhà ga chỉ 8g30 sáng. Tôi và một người bạn xuống đi bách bộ cho đỡ chồn cẳng sau sáu tiếng đứng trên goong chật cứng.
 
-Ê... Duy, mày làm gì ở đây?
Tôi giật mình quay lại nơi phát ra tiếng gọi. Một nhóm 7 người thanh niên dưới lớp quần áo lính đã bạc màu, gần như tả tơi cùng với dao phát, liềm, cuốc xẻng, nồi niêu xoong chảo đang ngồi tụm lại bên đường rầy. Đầu họ đội mũ lính đã sờn viền. Có người mang chiếc mũ "tai bèo" thảm não, hoặc người khác với chiếc nón lá cũ kĩ méo mó; chiếc vành lớn gần long ra như cố tạo thành cái cười diễu cợt. Một người trong bọn họ đưa tay vẫy gọi, bạn cùng lớp 12 ở Long Khánh.
-Thanh! Mày hả? Tao đi mua cá khô và mắm.
 
Tôi nhìn hắn và những người đang ngồi chung quanh trong lúc họ đổ dồn những cặp mắt về phía tôi bằng cái nhìn e ngại vì sợ rằng sự trả lời và thái độ vô tình của mình có thể làm nguy hại đến họ chăng.
-Mày có cá cho tao một ít, nhiều nhiều ấy!
-Mày có gì đựng không?
Bạn tôi giơ chiếc chảo mỏng manh, đen xì và méo mó, lớn gấp đôi bàn tay chụm lại nói chỉ một tiếng "đây".
 
Tôi muốn phì cười, nhưng cười làm sao được! Tôi muốn khóc! Bạn tôi đó! thằng bạn cùng lớp. Đến nhà hắn ăn cơm, một chiếc bàn lớn chỉ toàn đồ ăn, két bia dưới chân; một trái mít mọng múi, một đĩa lớn xoài, hoa lợi nơi rẫy. Bố mẹ bạn tôi chỉ có mình nó. Bạn nó cũng như con ông bà, là tôi. Nó xin tôi ít cá khô lại nhấn mạnh "nhiều nhiều ấy" trong khi giơ chiếc chảo bằng bàn tay ếch để đựng. Cái "nhiều" của nó bây giờ như thế thì cái "vừa vừa" và "ít" của nó như thế nào? Hoàn cảnh nào đã tạo ra cái nhiều của nó như thế? Cuộc sống của nó ra sao? Tôi nói với người bạn đi cùng, "Tao lấy cá khô cho nó" và quay lại bảo bạn tôi, "Mày đợi tao chút".
 
Hôm ấy tôi chỉ mua về 12kg50 cá khô, loại nhỏ, chỉ lớn hơn cá cơm nhưng chiên ăn cũng được. Xách luôn cả chiếc bao nilon được túm lại cho gọn đem đến, hắn đưa chiếc "bàn tay ếch" ấy ra chờ tôi lấy cá ngay khi tôi gần tới. Tôi làm sao chia cho hắn! Tôi đưa luôn cả túi.
-Mày cho tao ít nước mắm nữa.
-Mày có đồ đựng không?
-Cái bình này... Hắn chỉ vào một cái bình nilon 4 lít trong khi nói với tôi.
 
Tôi quay lại người bạn cùng tàu nói, "Tao lấy mắm cho nó". Lần này ra Phan Thiết, tôi chỉ mua có 30 lít nước mắm và ít cá khô. Gọi là mua để có tiếng đi buôn che lấp cái mục đích tìm đường vượt biên. Tôi xách thùng mắm 10 lít tới cho bạn trong khi hắn vừa chuyền xong bình nước lạnh cho những người trong nhóm uống vớt vát và bắt đầu dốc bình đổ nước đi cho kịp lấy mắm kẻo con tàu chạy. Tôi chỉ biết hô lên, "Đừng đổ". Hắn và những người trong bọn nhìn tôi lạ kỳ. Tôi xách thùng 10 lít nước mắm tới và nói:
-Mày lấy luôn thùng này, cái bình đó thì chứa được bao nhiêu!
 
Còi tàu kéo! Con tàu bắt đầu hổn hển những tiếng mệt nhọc của bộ máy già nua từ từ chuyển động những chiếc bánh sắt trên cặp đường rầy cũ kĩ gần như muốn long khỏi những đinh bù loong xiết xuống dàn sắt lót dưới. Bạn tôi nói với theo:
-Mày tới thăm dùm ông già bà già tao. 20 ngày nữa trại cho thăm nuôi nhưng ông bà ấy già quá rồi sao đi được!
Tôi gật đầu kèm theo tiếng ừ; cố ghi lại hình ảnh bạn lần chót cùng với những người trong nhóm hắn rồi vội vã rượt theo con tàu đang bắt đầu chuyển bánh.
 
... Mẹ nó khóc khi tôi tới thăm; bố nó thở dài sườn sượt trong lúc nói chuyện và cố kiếm bất cứ việc gì để làm, mong rằng những cử động chân tay có thể đàn áp mối tình "thương-hận" lẫn lộn đang trào dâng nơi trái tim đau khổ, cằn cỗi của ông, con người già yếu, bước đi không vững của đoạn cuối cuộc đời, tưởng rằng được an hưởng tuổi trời; ai ngờ lại quặn thắt lòng vì đứa con độc nhất đang học "cải tạo". Ông thương cho con ông vì tương lai đâu còn nữa! Mái đầu xanh chứa đựng giòng máu, nối tiếp mộng ước, tạo dựng cho ông những đứa cháu xinh xắn để vui với tuổi già, giờ đang ở trại cải tạo. Cháu ông đâu? Con ông chưa có vợ thì lấy gì mà mơ tới cháu! Ông hận cho cuộc đời trớ trêu, cho vận số thay đổi, cho cảnh trời bắt ông sống dưới thực tại đau đớn này. Vườn cây ăn trái của ông đâu, năm mẫu tây mít, xoài, cà phê, và chuối? Ông bảo bà, "Thôi bà đừng khóc nữa!" trong khi bà không thể nào cầm được hai dòng nước mắt tuôn rơi làm ướt đẫm chiếc khăn rửa mặt, ngậm ngùi không thành tiếng. Khóc được thành tiếng thì còn đỡ tủi, đỡ đau. Bà chỉ còn lại những tiếng nấc! Ông còn chết điếng hơn! Nước mắt ông đã khô vì những đau khổ nơi cuộc đời chồng chất. Mới ngày nào tôi tới, bà lăng xăng chăm sóc cho từng món ăn; ông cười phỉ phả với thằng Thanh và tôi trong lúc nói chuyện phiếm. Tôi biết sao hơn ngoài cái nhìn thương cảm lúc này! Ậm ừ cho qua rồi tiến ra cổng nén nhịn cái thở dài!...
 
Từ ga Gia Ray xuôi theo liên tỉnh lộ 13, con đường tỏa muôn cơn lốc bụi bậm mỗi khi chuyến xe qua, dẫn tới Võ Đắc, Võ Xu. Đi bộ chừng hai cây số, quẹo vô con đường lớn bên tay phải nơi ấp Tân Hữu và sâu thêm chừng 300 thước là nơi tôi đã sống hơn một năm rưỡi sau tháng tư năm 1975 và một người bạn cùng với 70 gia đình từ mọi nơi, gồm đủ mọi thành phần thuộc loại tai mắt trong thời kỳ quốc gia. Cái tên Tân Hữu của nó thật xứng hợp cho đám dân này, nơi trộn lẫn dân tứ chiếng. Con dân phải cố vội quên quá khứ huy hoàng của họ để phù hợp cho nếp sống lầm than mới mẻ với kiểu đi làm tập thể, rồi xỉu, rồi vài người khiêng vào bóng mát để chơ vơ đó, mong nhờ ngụm nước lạnh cho tỉnh lại. Có gì đâu mà không xỉu! Buổi sáng nhịn đói đi cuốc đất, giỏi lắm thì có được miếng nước đun sôi hoặc nước nấu hạt keo rang cháy cho mát dạ, kèm theo sức lực đã bị tiêu tán bởi những ngày tháng thiếu ăn. Bữa ăn, gọi bữa ăn là thăng hoa sự thật, vì chỉ gồm đĩa muối, may ra được đĩa mắm, rau luộc thuộc đủ loại: đọt cây cỏ hôi (cây cứt lợn), đọt cây sắn mì, đọt dây lang, và đọt cây hồng tiên lẫn lộn. Có người hái đọt cây "ngành ngạnh", một thứ mà dân chặt cây thường hay ăn. Tôi hỏi ăn nó làm sao; họ bảo ăn nó bùi bùi. Rồi khoai lang hoặc củ mỳ hay bắp. Không có khoai lang tươi thì khoai lang khô, cho vô nồi thổi chín lên rồi đánh tơi ra. Ngày qua tháng lại chỉ có thế. Khi nào trời mưa hoặc những cơn mưa nước lũ trong mùa nước lớn, đàn cá dưới sông xa thẳm nào ai biết, vượt ngược lên con suối cạn, dân làng có chút cá để ăn. Đó cũng được gọi là thời kỳ sung túc, nhưng chẳng được bao lâu! Một năm may ra được ba tháng.
 
Cuộc sống khổ cực lao động còn có thể chịu đựng được, chỉ sao cho qua. Quần áo với những manh cuối cùng khi chạy loạn ôm vội mang theo cũng tàn dần và được đắp vá lên đó thêm nhiều tầng lớp, miếng vá nọ chồng lên miếng vá kia! Nhưng rồi chúng lại cũng rách bởi nhiều lớp vá vẫn không thể làm cho chiếc áo kín mãi; và rồi lấy gì mà vá, mà đụp! Những thứ quần áo "xã hội chủ nghĩa văn minh tiên tiến" phải được sáng tạo. Đám dân cơ cực này còn có óc sáng tạo những nhu cầu cần thiết vượt qua lớp người đàn áp họ. Khỏi cần gì nhiều, chỉ một con rựa với sức cần lao của họ là có nếp nhà tranh. Cây, tre, dây mây, tranh được gánh vác từ nơi đám rừng kế cận, gần nhất là 7 cây số ngàn. Những chiếc bao vải đựng đất đóng đồn của thời quốc gia còn sót lại được ráp nối và may thành quần áo. Lẽ dĩ nhiên, bạn có thể trông xuyên qua chúng tới lớp áo nguyên thủy của con người. Tiến bộ hơn cả tây phương, vượt hẳn "ông Trung Quốc" và bỏ xa "ông Liên Xô vĩ đại" với những chiếc lưng trần của những nàng con gái mắt xanh, thân xác to lớn, những ông cán bộ cao cấp quan thày đang từng đoàn, lũ lượt trên những phố, những cửa hàng "nhà nước", chạp pô nơi thành phố mới bị đổi tên để dành mua quần "Jean", "Shangai" đem về làm kỷ niệm như những món quà chiến thắng quí báu của cuộc đời may mắn được đặt chân trên nước đàn em, một thuộc địa mới.
 
Đó chỉ là mới sơ qua cái biến đổi để thích ứng với cuộc sống bên ngoài. Còn mối đe dọa đè nặng trên con dân quốc gia bởi quá khứ của họ được coi như tội lỗi vì có nếp sống vương giả trong thời "ngụy" làm cho họ khổ tâm hơn. Lo sợ ngày đêm vì không biết mình sẽ bị công an, du kích gõ cửa mời đi lúc nào. Cũng may, trời ban cho họ hoàn cảnh khó khăn, miếng cơm manh áo đe dọa hằng ngày cũng khiến họ khó còn thì giờ lo âu; thôi thì mặc để số phận an bài và lo kiếm việc dễ thở lại có tiền lo cho ngày tháng chầm chậm tới: đi chặt cây bán cho vùng kinh tế mới. Đi bộ trên bẩy cây số tới nơi chặt cây, thêm lượt về và những công việc cực nhọc như chặt, vác xếp đống làm cho thân xác họ mệt nhọc, rã rời vào buổi tối khi về đến nhà; ăn đại thứ gì cho qua và cơn buồn ngủ tràn lấp tới sáng hôm sau, và rồi 4 giờ sáng lại tiếp tục công việc cũ cho một ngày mới. Nấu nướng, ăn vội, rời nhà khi con đường còn như vệt mờ sáng dưới chân; bước và bước để tới nơi đổ mồ hôi trả giá cho tháng ngày!
 
Hơn một tháng đi chặt cây, tôi đi bộ khá giỏi. Tôi đi như cái máy, có khi vừa đi vừa ngủ gật; ngủ gật nhưng chân vẫn bước. Tối về, gần 7 giờ, tắm vội, ăn gì cũng được, no là đủ và tập văn nghệ tết cho ca đoàn trình diễn vào ngày mùng hai tết. Bạn tôi thắc mắc không hiểu tại sao tôi đi làm cực như thế trong khi anh ta đâu muốn cho tôi chịu cực. Đối với tôi, đó không phải là cực, mà là một cái thú của những giờ giấc phiêu lưu với khoảnh rừng, vui tai với tiếng chặt cây đây đó và có dịp được nâng lòng mình lên, sống lại một vài giây phút với tâm tư hoài vọng ngày cũ bởi giọng hò "Mái Nhì" của con dân xứ Huế luồng dưới những tàng cây từ khoảnh rừng gần đó vọng tới, hòa vào tiếng rựa cốp cây, tiếng đổ cây, tiếng lao xao của cành lá.
 
Rồi bạn tôi cũng đi chặt cây khi cái áp lực được ma giáo xếp đặt để làm nhụt nhuệ khí con người hăng say cho lý tưởng, cho mục vụ giờ kinh, cố tìm cách nuôi dưỡng đức tin và tình thân ái của đám con chiên xác xơ này. Chính lúc này, bạn tôi đã hiểu được phần nào cái nỗi thống khổ nơi tôi! "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay," bạn tôi cũng đã tìm được vài phút giây thoải mái ngắn ngủi khi con người trở về với thiên nhiên. Nhưng mỗi người một công việc, mỗi người có tài năng riêng nên được xếp đặt, dẫn dắt bởi niềm tin riêng thầm kín, bởi hoàn cảnh chung quanh và ngay cả những biến cố đưa đến thường ngày hay bất thường xảy ra.
 
Mới đi chặt cây tới ngày thứ 3, vì không có rựa, vã lại cũng chưa biết cách đốn cây, bạn tôi bó và vác cây xếp đống. Trong rừng, những lối đi mới mở, những gốc cây nhỏ như ngón tay được chặt vát ống dầu gần sát mặt đất khi dọn đường chuyển cây dựng lên tua tủa như những ngọn chông. Bởi không quen làm, không quen vác, "Thày Sắc té cái đụi" theo lời người vác cây đi sau kể. Sáu đoạn cây dài 3m20 cỡ cổ tay được bó một cách vụng về lúc còn thiếu kinh nghiệm đè nặng trên vai người đi luồn theo lối hẹp vất vưởng cành lá, dây dại trên đầu vướng vít và dùng dằng khó mở ngoại trừ dùng sức mạnh bước dấn tới hoặc bỏ vác cây khỏi vai mà tháo dây vướng. Giờ đâu mà bỏ xuống để gỡ dây mắc trong lúc mồ hôi nhễ nhại lại mệt muốn đứt hơi trong khi chỉ còn vài bước nữa là tới đống cây. May mắn thay, những hàng chông tua tủa ấy không cái nào phạm đến da thịt; bạn tôi chỉ bị trầy da nơi cùi chỏ.
 
Từ ngày hôm sau, bạn tôi ở nhà, sợ rồi! Hơn nữa, những con bệnh đang cần sự hiện diện của anh ta và thuốc men. Thuốc men đâu có, phải xoay chạy; và tiền đâu?
-"Phải ăn cháo, không được ăn củ mì; ăn củ mì bệnh không thể khỏi được".
-"Thưa thày, con đâu còn gạo, tiền có đâu mà ăn cháo!"
-"Đây, cầm lấy 10 đồng mua gạo". Bạn tôi mở ví lôi ra mười đồng cuối cùng đưa cho bệnh nhân để rồi hôm sau biến mất ngay từ sáng sớm, chạy chọt nơi anh em xa gần xin tiền.
Rời bỏ đường tàu, lội ngược trên con đường mới mở gần ấp Tân Hữu, con quốc lộ 20, chấm dứt đoạn đường 5 tiếng xe đạp, dẫn tới Phương Lâm, nơi tôi bán bánh bao, qua Bảo Lộc, Di Linh, và tới Liên Khương. Quẹo trái trên ngã ba Liên Khương nơi con đường đá lởm chởm và tiến sâu vô 13 cây số, vùng Thanh Bình, Khiết Tâm, nơi nổi tiếng với loại lúa tám đen ngon nhất nước. Vượt lên hướng bắc, quốc lộ 20 trườn trên những ngọn đèo dẫn tới Đàlạt với những đồi thông, mùa thu của thi sĩ và cũng là nơi cung cấp chất liệu cho thơ văn, nơi chan chứa những thiên tình ca muôn thuở.
 
Giờ này còn đâu tất cả? Nào Nha Trang cát trắng, Sài Gòn của thời quốc gia, Cái Sắn với những cánh đồng lúa bát ngát đượm mùi da thịt; một dãy giang sơn hiền hòa với con dân "nửa mùa vãi lúa, nửa mùa oánh bài lá"...
 
Bạn bè tôi đâu? Mỗi người một khung trời cách biệt, một hoàn cảnh éo le, đắng cay cho trọn kiếp người. Con người, đâu thì cũng thế, nơi nào cũng bấp bênh đe dọa như trên những chuyến tàu vượt biên! Nếu không thì cũng ray rức nỗi lòng. Có yên chăng, nấm mồ nơi ngàn thu an nghỉ!
 
Tháng 11, 1982.
 
lmt
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9