Truyện ký: THẦY GIÁO LÀNG
THƠ NGÃ DU TỬ 03.08.2021 21:38:32 (permalink)
THẦY GIÁO LÀNG
Ngã Du Tử
 
Tôi còn nhớ như in buổi học đầu tiên của thời thơ ấu, và tôi chắc rằng ít có người nào không nhớ cái buổi học đầu đời khó quên ấy và cái trường học mà thầy giáo đầu tiên cho tôi kiến thức đó, lại là ngôi trường kỳ lạ, có lẽ, thời đại nầy không thể tìm đâu ra nổi - nó rất đặc biệt. Trường là mái che nối tiếp với nhà của thầy nên thấp, tuy vậy nó mãi ấm áp với bọn chúng tôi suốt thuở ấu thơ, bây giờ ngồi viết lại bài nầy tôi còn thấy hương vị ngọt ngào ấy cứ len lén vào từng thớ thịt da, mà thầy có dạy gì là cao xa chỉ dạy tập viết, tập đồ và kể cho chúng tôi nghe những chuyện tập thói quen tốt tập đánh răng súc miệng, tôi nhớ mãi bài hát thầy dạy chúng tôi: - “nào ta cùng chải răng, răng, răng/ Lau mặt mủi tay chân, chân, chân/ và ta sẽ chải đầu, đầu, đầu… lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị và những gương hiếu thảo dễ nhớ dễ nghe”…mãi đến giờ vẫn còn nghe vang vọng. Bàn ghế lại đơn sơ nhưng lạ lùng, bàn và ghế được làm toàn bằng thân tre, chân là đoạn thẳng của cây tre được đóng xuống đất, mặt bàn là hai đoạn thẳng song song dài hơn, liên kết với mặt bàn là những chốt tre tròn, ghế ngồi cũng như vậy nhưng thấp hơn, quả là đặc biệt phải không các bạn, nếu ai không từng ở nông thôn thì chưa chắc hình dung nổi và nếu những ai thiếu óc tưởng tượng có lẽ cho tôi cường điệu, không, đó là ngôi trường đầu đời của bọn chúng tôi tại làng Hiệp phổ Nam, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày tôi bước chân đến trường đầu tiên cũng là ngày khai giảng của trường tiểu học Nghĩa Hưng, mẹ tôi là giáo viên của trường tiểu học đó, nên mẹ tôi dắt tôi vào trường bà dạy, chính điều nầy đã thôi thúc tôi đi học. Tôi được chứng kiến lễ tựu trường trước khi tôi vào lớp một .
Sau tiếng trống vào lớp tất cả học sinh đều chỉnh tề, duy chỉ có các bạn học lớp một là lượm thượm nhất vì đây là lần đầu các bạn đến ngôi trường nầy, thậm chí có bạn còn khóc cứ mãi nhìn mẹ mà chẳng chú ý lời của cô giáo,`mẹ tôi vất vả lắm mới xếp được bốn hàng học sinh ngay ngắn vì mẹ tôi năm ấy dạy lớp một, lúc ấy tôi cũng bảnh bao lắm y như là học sinh lớp một vậy (có điều tôi mới ở cấp vở lòng chỉ vì mẹ là cô giáo nên được đứng ké trong hàng ngũ lớp một lát nữa lại phải rời thôi để đến trường thầy TUYẾN) cũng quần soọc xanh dây treo, áo sơ mi trắng ngắn tay, trên vai cũng cặp nhựa vàng như ai.
Ông Hiệu trưởng đạo mạo mà uy nghiêm, ông không cao lớn mà oai phong lắm, buổi chào cờ được thực hiện khi tiếng hô “Nghiêm, chào cờ ,chào” của thầy phụ trách lá cờ tổ quốc được hai học sinh có thành tích trong năm qua kéo lên trước gió tới đỉnh cột, đồng loạt các thầy cô trò hát lên “nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi”… Xong, cả trường yên lặng
hướng về thầy để nghe thầy nói chuyện đầu niên khóa với các thầy cô và học sinh khi bài quốc ca kết thúc. Sau đó các em tuần tự vào lớp của mình, sân trường tiểu học vắng ngắt đến trang nghiêm lạ thường.
Sau khi dặn dò học sinh, mẹ tôi chép trên bảng đen thời khóa biểu học tập của lớp, các bạn cắm cúi chép vào vở, mẹ tôi gửi lớp cho cô giáo gần phòng , bà vội vàng dẫn tôi đi đến trường thầy Tuyến .
Hôm trước khi thỏa thuận cho tôi học, mẹ tôi đã nói với thầy rồi nên hôm nay tôi tới trường là thầy đón tôi ngay, thày vồn vả và vui vẻ lắm, tuy nhiên cái cảm giác ở trường tiểu học còn lẫn quẫn trong tâm trí tôi nên khi thầy dắt tôi vào chỗ ngồi rồi, tôi cũng chẳng nhớ mẹ tôi về khi nào (Có lẽ bà vội vàng về lớp một của bà) cho đến bây giờ tôi cũng chẳng nhớ nổi .
Bắt đầu từ đây, tôi trở thành học sinh của trường thầyTuyến .Cái làm cho tôi chú ý không phải trường lớp quá đặc biệt nầy mà là thầy Tuyến, thầy không có gì tính chất của ông thầy giáo như bạn của mẹ tôi ai nấy cũng lịch sự áo quần thẳng nếp, giày đinh láng bóng lúc nào áo cũng trong quần, thỉnh thoảng lễ lộc gì là có cả cà-vạt nữa chứ, cái so sánh đầu tiên của tôi là như vậy, có thể nói thầy là một người dân dã thường thường trông ốm yếu, trên bàn thầy ngồi cũng đơn giản như con người thầy vậy mặt bàn bằng gỗ được đặt lên bốn chân tre, bên trên là vài tập vở của các bạn, các anh, tất cả những tập vỡ đều cuốn cả trông tội nghiệp làm sao, thầy dạy hết các lớp có người lớp ba, lớp hai, lớp một và cả vỡ lòng như tôi.
Buổi đầu tiên ấy, thầy xuống tận bàn tôi, lấy vở phóng ba chữ cái và thầy bắt đầu chỉ tôi học a, b, c và lấy tập khác thầy sổ nghiêng, sổ đứng bảo tôi đồ (Tôi đã được học và đồ ở nhà rồi, nên chốc lát là xong ngay). Gần trưa thầy kiểm tra lại thấy xong cả mà đẹp nữa thầy khen tôi hết mực .
***                                                                                                                               
Chiến tranh ác liệt ở quê nhà, cả gia đình tôi ra tỉnh, từ đó tôi không học với thầy nữa, thật sự tôi chỉ học được vỡ lòng vỏn vẹn ba tháng, chỉ ba tháng gắn bó với mái trường đặc biệt thuở bắt đầu cắp sách đến trường thế nhưng lòng cứ vẫn nhớ bởi lẽ khi ra phố thì tôi chẳng học vỡ lòng nữa vì tất cả được dạy ở nhà, lòng thuở ấy cứ băn khoăn mãi. Mỗi sáng mỗi chiều thấy các anh chị đến và ra về trường lòng cứ nôn nao, ác nổi nhà mới tôi ở phố Quảng Ngãi lại đối diện với trường Nam Tiểu học, nên hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại, tôi chỉ mong ngày nào đó tôi cũng sẽ đi học như các anh chị bây giờ.
***
Sau năm 1975, nước nhà hết chiến tranh, đất nước được thống nhất, gia đình tôi lại hồi hương. Năm 1978 tôi lại được hân hạnh gặp thầy lúc bấy giờ tôi đã tốt nghiệp phổ thông được mấy niên khóa rồi, tôi chào thầy, làm sao thầy nhận ra tôi, bây giờ là một câu thanh niên cường tráng, mười mấy năm rồi còn gì.
Thầy hỏi: - Em là ai?
Tôi phải giới thiệu với thầy để thầy nhớ lại vì biết bao nhiêu thế hệ học trò bé con ấy đến rồi đi và thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ kể cả con người.
Em là Dũ đây, Phạm ngọc Dũ con cô giáo Vang dạy trường Nghĩa Hưng, hồi nhỏ học vỡ lòng thầy nè.
Ờ… thầy nhớ em rồi, lúc nhỏ em nhỏ lắm, nhưng giờ cũng khá đấy chứ, thầy mừng đến nổi thầy xúc động mắt rưng rưng, thầy vẫn như xưa có khác chăng là thầy già và ốm hơn thôi vẫn chiếc áo bạc bình dị ấy, vẫn tầm thường vậy nhưng lòng tôi lại ngậm ngùi vì sự đạm bạc, kham khổ càng nhiều hơn với gia đình thầy, mặc dù bây giờ cả nước bắt đầu khổ vì tình trạng lập hợp tác xã nông nghiệp không hiệu quả tại khắp các tỉnh thành niềm Nam Việt Nam, thầy huyên thuyên hết chuyện nọ sang chuyện kia lâu quá lại đứng ngoài đường, tôi mời thầy vào quán ven đường gần đấy để tiếp tục chuyện trò, lòng tôi chân thành vậy, nhưng có lẽ chẳng quen với quán xá nên thầy một mực từ chối, và vội vả chia tay tôi.
- Khi nào em rảnh ghé thầy chơi, thầy phải đi đây.
- Dạ…
Thầy đi rồi tôi mới thấy tiếc vì gặp thầy ít quá chưa nói được điều gì thêm lòng lại hẹn khi nào sẽ ghé thăm thầy và thầm trách tại sao mình lại mời nước thầy.
Chẳng lẽ cả đời thầy chưa bao giờ vào quán nước, cũng có thể điều đó xảy ra, càng nghĩ tôi càng thấy tội nghiệp thầy, cả đời chỉ biết làm lụng, chăm nom các trẻ và những cánh chim non bay khỏi tổ ‘Trường thầyTuyến’ rồi chẳng biết những con kia thế nào, liệu có cánh chim nào bay cao trong vùng trời rộng, rồi ngày nào đó khi công thành danh toại lại quay về thăm thầy. đâu cần phải đa tạ thầy vì thầy đã vốn quen giản dị lại sống đạm bạc thế, chỉ là báo cho thầy biết rằng một trong những cánh chim non xưa ấy có đứa đã hiển đạt để thầy mừng đấy mà, vì ít nhiều cũng có bàn tay, khối óc thầy chăm nom vun quắn thuở ban sơ không biết có ai còn nhớ, lòng tôi lại suy nghĩ vẫn vơ…
Và tôi nghĩ rằng đến lúc nào đó thành danh là sẽ quay về làng thăm thầy và phải mời thầy cho bằng được “vào quán nước” để đền bù cái việc hôm nay trong thâm tâm tôi cứ ray rức chuyện ấy
* * *
Thời gian cứ trôi đi, trôi đi lạnh lùng chẳng chờ đợi ai cả.
Tôi vào Sài Gòn để định nghiệp cứ hoài bôn ba, lênh đênh xứ người, phải thẳng thắn nói rằng ở Việt Nam nầy không nơi nào sống thoải mái bằng nơi nầy từ thượng vàng hạ cám cái gì cũng có, điều đặc biệt là chẳng ai cần để ý đến ai, chỉ có điều là có tiền hay không và tôi cũng nổ lực trong sức lực của mình, nhưng cuộc đời không giản đơn như bạn tưởng không phải nổ lực là được, đồng tiền cứ chơi trốn kiếm với tôi hoài, tôi thì bở hơi tai nhưng không kiếm ra nhiều nổi, cứ lần lửa hẹn tới hẹn lui một ngày về quê đàng hoàng. Mãi đến năm 2000 tôi mới có dịp đưa vợ con về thăm quê, như vậy là hai mươi năm sau tôi mới có dịp về quê đàng hoàng, trời ơi, ngày xưa nghe người ta tập kết 21 năm ra bắc sao nghe mà ớn thế, thế mà giờ nầy mà mình đã xa quê đến gần phần tư thế kỷ!
Một buổi chiều, mùa xuân năm đó, tôi ghé thăm nhà thầy, cảnh nhà cũng vậy, thời gian làm thay đổi tất cả nhưng với nhà thầy Tuyến thì chẳng có gì thay đổi lớn có điều trông vắng vẻ hơn, điêu tàn hơn, sao những ngày qua tết lại như vậy, tôi tần ngần khá lâu trước ngõ nhà của thầy, con chó nhỏ không sủa vì có người lạ, hay là nó hiểu rằng chắc người học trò cũ của chủ nó.
Một phụ nữ khoảng trên sáu muơi, chắc là cô vợ của thầy, nhưng sao tôi thấy già quá, lam lũ quá có lẽ đời sống quá cơ cực nên vậy chăng?…
- Cậu hỏi ai ?
- Cô có phải vợ thầy Tuyến?
Cô có vẻ thiệt thà hơi khúm núm. - Dạ!
- Em là học trò cũ của thầy hồi học vở lòng đây mà, em đến để thăm thầy chắc cô chẳng nhận ra em đâu, em là con cô giáo Vang dạy trường Nghĩa Hưng cũ cháu ông Hương bộ Phẩm trong Phú châu.
- Trời đất, nghe nói em ở Sài Gòn mà
- Dạ, thầy có nhà không cô?
Cô hơi lung túng, mắt buồn buồn nhìn xuống đôi chân trần chắc từng trải trên đồng cao ruộng cạn. Ông ấy mất rồi, vừa nói cô vừa đi vào mở cửa nhà trên, trước bàn thờ gia tiên có một bàn thờ khá mới mẻ, trên bàn thờ cũng tuyềnh toàng nải chuối cau vừa ửng vàng, hộp bánh tây nội địa loại rẻ tiền, bài vị viết nguyệch ngoạt nét của người ít học và tấm thẻ căn cước (thẻ thời trước).
Chẳng lẽ kết cuộc của một ông giáo làng lại thế nầy sao? Ngay cả một chứng minh nhân dân cũng không có, tôi tạm trú ở Sài Gòn - đất người, chưa có chứng minh nhân dân đã đành dẫu sao cũng có “chứng minh nhân dân tạm thời” hình màu đàng hoàng, chỉ có điều là mọi quy chế không được như người có hộ khẩu chính thức, công dân tạm thôi mà, khi con tôi thi vào lớp mừời phải cao hơn học sinh có hộ khẩu là 2.5 điểm so với điểm chuẩn của nhà trường đề ra, cũng may là cháu đậu được, cái qui ước lạ lùng ấy cho đến bây giờ vẫn tồn tại, mà tôi là dân tạm trú xứ người thôi được đi, còn thầy dân bản xứ từ đời nào đến giờ, phải chi ông làm gì, suốt đời gõ đầu trẻ chính hiệu biết bao nhiêu thế hệ học trò đã là cán bộ ít nhất trong cái xã, cái huyện nầy, thế mà tại sao vậy? tôi không thể nào hiểu nổi! Miên man với ý nghĩ, có tiếng cô bước vào với bình tích nước trên tay, tôi mới quay về thực tại.
- Em uống nước.
- Dạ, Cô cho em thắp nén nhang để hương hồn thầy hiển linh biết có người học trò ngày xưa thời còn rất nhỏ học vỡ lòng về thăm thầy, mong được mời thầy vào quán uống nước để chuyện trò, nhưng ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng chẳng thể nào thực hiện được vì thầy đã là thiên cổ rồi, phải chi nếu có tiền những năm trước về thăm thì quý hóa biết bao. Lòng tôi lại dấy lên sự chua xót, chua xót cho cả hai: - Tôi và thầy.
Tôi trân trọng đặt tờ giấy bạc lớn nhất trong ví tôi
- Đây là chút lòng của em, mong cô nhận mua nhang thắp cho thầy để linh hồn thầy còn ấm áp…
- Cảm ơn em có lòng, mắt cô lưng tròng, cô định nói gì nữa nhưng lại nghẹn ngào.
Ngoài trời nắng đã bớt gay gắt, cơn gió xuân ngọt ngào thổi lại làm mát lòng người xa xứ thật lâu trở về quê nhà sau nhiều năm hụp lặn ở xứ người, những bông mai đầu góc sân còn cố gắng vương lại để báo rằng mùa xuân còn đâu đó trong căn nhà thầy, nếu không có cây mai góc nhà thì chẳng thể nào thấy xuân hiển hiện nơi đây măc dù mới 14 tháng giêng.
Nghèo như thế là cùng.
Mắt tôi cũng nhòa lệ, tôi chào cô ra về, con đường như dài và hẹp lại, như đời vợ của ông giáo làng ./.
 
Ngã Du Tử
1998 Sài Gòn, Việt Nam
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9