Re:NGƯỜI NHẠC TRƯỞNG VÀ DÀN HỢP XƯỚNG - Kịch bản PHẠM NGỌC THÁI
-
26.09.2021 12:53:26
IV- KHOẢNG SÂN XÍ NGHIỆP SAO MAI
( Đây đó mấy chậu cây cảnh. Dưới vài bóng cây lớn
đặt những chiếc ghế đá cho công nhân ra nghỉ giải lao
ở đó. Một nhóm công nhân đi tới...)
CÔNG NHÂN (CN) - Này, cái ông giám đốc xí nghiệp mới đến của chúng
ta ấy, thấy mà cám cảnh?
CN (khác) - Cũng chẳng hiểu sao họ lại đề bạt cái ông Hán cổ lỗ ấy lên làm
giám đốc nữa?
CN - Kể cũng lạ ! Về cái lô hàng gia công của xí nghiệp ta vừa bị qui là gây ra
tổn thất ấy: Quần áo may thì vẫn đẹp, tốt như thế... mà lại bị Công ty tư bản
Nhật từ chối, không nhận hàng?
CN - Nhưng tớ lại nghe tin, xí nghiệp mình là bị đổ oan, lỗi tại một khâu nào đó
thuộc trách nhiệm của Tổng công ty gây nên?
CN - Nghĩ tội cho anh Hải, giám đốc xí nghiệp của chúng ta các cậu ạ! Một giám
đốc mẫn cán, có năng lực, trình độ, hết lòng vì xí nghiệp. Ấy, thế mà nay
phải chịu kỷ luật?
CN - Công nhân của các phân xưởng đang có kiến nghị lên Bộ xem xét, phục hồi
lại chức giám đốc cho anh Hải đấy?
CN - Ồi, chắc gì? Muốn phục hồi bây giờ ấy à, cứ phải thế này... thật nhiều!
(làm động tác ) Dúi cho mạnh!
CN - Các cậu ạ, hôm qua có tý việc tớ mới lên phòng giám đốc: Thấy anh Hải
đang giảng giải cho cái ông giám đốc Hán mới về ấy... về qui mô sản xuất
trong bản phương án liên doanh với các công ty nước ngoài. Tớ thấy mặt ông
Hán cứ đơ đơ ra... như thế này này!
CN - Thì cái ngữ giám đốc kiểu ông ta, biết cái quái gì mà chẳng đơ đơ ra?
CN - (tiếp) Tớ biết ngay: Cái đầu ông giám đốc này là tối mù, nhưng lại sợ người
ta chê mình dốt, nên cứ luôn mồm nói: Tôi biết! Tôi biết! (châm biếm) "biết"
nghĩa là "mít" đấy! Các cậu hiểu không?
( tất cả cười ồ )
CN - "mít" thì người ta cũng là giám đốc!
CN - Đừng có tưởng, quát nạt công nhân ra trò đấy!
CN - Cẩn thận, giữ cái mồm. Ông ta nghe thấy, không lại tống bọn mi ra khỏi
xí nghiệp, có mà cả nhà chết đói?
CN - Thời buổi bây giờ mà bị lãnh đạo trù dập, thì khốn nạn…
Một CN - (reo lên) Bác Chúc, trưởng phòng vật tư xí nghiệp đến kìa! Chúng ta
hỏi bác ấy là biết ngay tình hình ra sao?
( bác Chúc bước về phía mọi người )
BÁC CHÚC - Các anh chị em công nhân! Nếu tất cả đều nhất trí kiến nghị lên Bộ
phục hồi lại chức giám đốc cho anh Hải, thì ký vào đây! (giơ cao tập giấy ) Lá
đơn này đã được phân tích đầy đủ mọi lý lẽ, công nhân mấy phân xưởng đã
ký đầy cả mấy trang giấy rồi đấy.
CN - Bác trưởng phòng vật tư, đưa đây tôi ký! ( hướng về phía mọi người ) Nhất
trí cả thế chứ các cậu?
CN - Nhất trí quá đi chứ lị. Tôi ký!
CN - Tôi ký!
( lá đơn được truyền qua tay mọi người )
CN- ( người ký cuối cùng ) Còn ai chưa ký nữa không?
( Hải đã đến góc sân từ trước nhưng không ai để ý,
lúc này mới tiến lại )
HẢI - ( cầm lá đơn ) Còn tôi chưa ký.
MỌI NGƯỜI - (reo lên) Ồ, anh Hải! Tất cả anh chị em công nhân đều ủng hộ anh.
HẢI - Rất cám ơn mọi người, nhưng cũng chẳng ăn thua gì đâu.
CN - Nhưng lãnh đạo không thể bất chấp kiến nghị của cả một tập thể đông đảo
công nhân xí nghiệp được?
HẢI - Tôi là một giám đốc thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm! Làm sao có thể
sử dụng số đông ủng hộ, để biện lý cho mình được? Đó là luật!
BÁC CHÚC - Anh Hải cũng đừng bi quan quá? Để tập thể công nhân ủng hộ,
thanh minh cho anh: có khi lãnh đạo sẽ nhượng bộ?
HẢI - Thực tế đâu có thanh quang như thế! Quanh ông Tổng giám đốc, toàn các
ngài tai to mặt lớn bênh vực. Tôi đã đi tới các cửa đều bị chắn lối!
BÁC CHÚC - Cứ để tôi gửi lá đơn này lên Bộ ! Dù thế nào, cũng tốt hơn.
CN - (đồng tình) Bác trưởng phòng vật tư nói đúng đấy!
HẢI - (trả lại đơn) Tuỳ bác và anh chị em công nhân. Tôi phải vào làm việc đây!
( nói xong, Hải vào trong xí nghiệp )
BÁC CHÚC - Thôi, hết giờ giả lao rồi đấy - Tất cả về sản xuất đi!
CN - Phải đấu tranh cho mạnh. Vì cả xí nghiệp, vì lẽ công bằng nữa.
CN - Tình hình thế nào bác Chúc thông báo cho chúng tôi biết nhé!
CN - Cần phải làm gì nữa bác cứ nói, chúng tôi sẽ ủng hộ.
( mọi người tản đi khuất. Lát sau ông Quảng và Quang từ ngoài bước vào )
Ô.QUẢNG - (chỉ chiếc ghế đá) Chúng ta ngồi nghỉ một lát, rồi sẽ xuống các
phân xưởng.
QUANG - Xí nghiệp hiện nay trong tình trạng giật gấu vá vai: thiếu vật tư sản
xuất, giám đốc Hán điều hành thì rời rạc, hoàn cảnh đời sống công nhân bê
bết lắm!
Ô.QUẢNG - Ừ, tôi cũng thấy việc cấp trên đề bạt ông Hán làm giám đốc xí
nghiệp không ổn.
QUANG - Vậy, vì sao đồng chí chuyên viên lại không có chính kiến của mình
với trên về việc ấy? Cần lên Bộ ủng hộ việc phục hồi lại chức giám đốc cho
cậu Hải?
Ô.QUẢNG - Người ta sẽ đánh giá tôi thiên tư con mình? Không ổn, lại càng
không ổn.
QUANG - (thở dài) Trên Tổng công ty chị Hoa Hoè nhân cơ hội ông Tổng
giám đốc ra nước ngoài, đang thực hiện một cuộc vận động, chẳng khác gì
nhằm lật đổ?
Ô.QUẢNG - (phẫn kích) Thì cô ta vẫn mưu mô tìm cách hất được anh Phách, để
lên thay làm tổng giám đốc mà! Tôi đã nói rồi: chưa đến lượt anh đâu, anh
Quang ạ?
QUANG - Không phải chỉ vì tôi? Một đồng chí khác được đề bạt lên thay thế ông
Phách mà xứng đáng, tôi cũng ủng hộ.
Ô.QUẢNG - (xua đi) Không được! Không được!ô Hoa Hòe ấy được nhiều quan
chức bao đỡ lắm đấy! Chẳng thà…
QUANG - (tiếp lời) Chẳng thà cứ tiếp tục ủng hộ để ông Phách làm tổng giám
đốc, ý anh muốn nói thế chứ gì?
Ô.QUẢNG - Tạm thời trước mắt là thế! Khi nào anh ấy về hưu hãy hay.
QUANG - (cười) Và như thế là ông chuyên viên cũng đã trả nợ được cái ơn nghĩa
trước đây với ông ta, có phải thế không ạ?
Ô.QUẢNG - (lúng túng) Tôi...
QUANG - Cả việc anh im lặng trước sự cố giáng lên đầu con anh? Cũng chỉ vì
cái ơn nghĩa ấy, chỉ vì anh không muốn động chạm tới ông Tổng giám đốc
thôi?
Ô.QUẢNG - Thì tôi vẫn đang nghĩ cách để cứu gỡ cho thằng Hải mà, chứ có bỏ
mặc nó đâu?
QUANG - Không phải chỉ cứu riêng mình cậu Hải, mà cần cứu cả xí nghiệp và
tổng công ty? Dù rằng kết quả sau đó ai sẽ lên thay ông Phách, tôi vẫn phải
làm tất cả những gì có thể làm được!
Ô.QUẢNG - Nhưng bây giờ bao nhiêu kẻ cơ hội, đang lợi dụng, nhăm nhe gây
lũng loạn trong tổ chức?
QUANG - Chính để tồn tại mãi những người lãnh đạo như ông Phách, nên bọn
cơ hội, lũng loạn mới có đất phát triển!
Ô.QUẢNG - Nhưng trong lãnh đạo vẫn chẳng còn có những cán bộ nhân cốt,
tích cực như trưởng phòng Quang là gì?
QUANG - Có thể tới một lúc tôi cũng sẽ bị loại trừ... chẳng khác gì số phận con
anh?
( trước đó Hải đã ra nghe câu chuyện của hai người, giờ bước tới )
HẢI - Đáng lẽ ông ta phải biết tự loại bỏ mình?
Ô.QUẢNG - Triết lý của con tàn nhẫn quá!
HẢI - Chính thế hệ của bố tàn nhẫn hơn nhiều.
Ô.QUẢNG - Con nên nhớ một câu phương ngôn: Nếu các con bắn vào quá khứ
bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào các con bằng đại bác!
HẢI - Nhưng ngay hôm nay nhiều người trong thế hệ của bố, đang nã vào thế hệ
chúng con: không phải chỉ bằng súng lục, mà bằng cả súng liên thanh?
Ô.QUẢNG - (vẫn với Hải) Con không nên có ý nghĩ ấy?
HẢI - Con biết là con đã bị bắn, con đã trở thành một tấm bia đỡ đạn! Nhưng
quanh ông Tổng giám đốc dựng lên bao nhiêu bức rào chắn, con húc vào đâu
cũng bị đánh bật ra. Những thế lực luôn luôn răn đe và có thể bóp nát con?
(giọng anh xúc động) Bố nói đi! Vậy tương lai của con ở đâu? Con phải đi
đến ngày mai bằng cách nào?
QUANG - (với Hải) Hải nói chuyện với bố, mình sẽ gặp lại cậu sau.
(với ông Quảng) Tôi xuống các phân xưởng trước!
( nói xong Quang đi khuất)
Ô.QUẢNG - (với Hải) Thế, việc bố định xin cho con về công tác trên Tổng công
ty, ý của con thế nào?
HẢI - Để làm gì ạ?
Ô.QUẢNG - Bác Phách hứa sẽ tạo điều kiện để con tiến bộ. Có bác ấy nâng đỡ,
cất nhắc, chẳng mấy lúc con sẽ...
HẢI - Đánh xong rồi lại vuốt ve, đúng là thứ đạo lý của những người biển lận?
Những kẻ ăn cắp lương tri cũng không tồi hơn thế! Thưa bố, sống chết con
vẫn ở lại xí nghiệp Sao Mai này với anh chị em công nhân. Con không đi đâu
cả! ( Hải bỏ đi. Vừa lúc bác Chúc đi tới - Nhìn Hải ái ngại... lắc đầu )
BÁC CHÚC - Ô kìa! Chú Quảng xuống thăm xí nghiệp đấy hả? Đã lâu không gặp
chú.
Ô.QUẢNG - Bác Chúc vẫn khoẻ chứ?
BÁC CHÚC - Tuy có tuổi, nhưng được cái ăn ngủ và làm việc vẫn tốt.
Ô.QUẢNG - Tưởng bác đã về hưu, sẽ không gặp được bác.
BÁC CHÚC - Cũng sắp về. Cả một đời thợ gắn bó với xí nghiệp, chiến tranh rồi
hoà bình. Trước khi chia tay, nhìn cảnh xí nghiệp gặp vận hạn rủi ro, bị
thất bát quá lớn này, thấy đau?
Ô.QUẢNG - Một người thợ tâm huyết với xí nghiệp như bác, thật là quí.
BÁC CHÚC - Chú vẫn còn tuổi, ở lại đôi năm công tác nữa cũng cố giúp đỡ xí
nghiệp.
Ô.QUẢNG - Lắm lúc tôi thấy mình cũng mệt mỏi quá, chỉ muốn về hưu thôi
bác ạ!
BÁC CHÚC - Ấy, chưa được. Chú chuyên viên loại cao, tinh thông 3-4 tiếng
ngoại ngữ, làm việc được cả lãnh đạo và quốc tế tín nhiệm! Phải ở lại để
giúp đỡ lũ trẻ?
Ô.QUẢNG - Chả quan trọng như bác nghĩ đâu.
BÁC CHÚC - Mà này, chú phải tìm mọi cách mà cứu con chứ? Thằng Hải ấy! Tôi
thấy cái chuyện đổ vỡ này như có uẩn khúc thế nào ấy? chứ... thằng Hải nó
làm giám đốc xí nghiệp đâu có kém?
Ô.QUẢNG - (lúng túng) Tôi... Tôi cũng đang tìm cách cứu cháu bác ạ!
BÁC CHÚC - Trên Tổng công ty tôi thấy anh Quang cũng vào loại giỏi giang
đấy! Tay trưởng phòng Lách, cứ trông thấy mặt là tôi ghét. Nhưng thôi,
mặc nó.
Ô.QUẢNG - Nghĩ làm gì nhiều cho mệt đầu hả bác.
BÁC CHÚC - (thở dài) Thoắt một cái đã trôi qua một đời người. Mà này, giờ chú
xuống thăm các phân xưởng sản xuất hả? Tôi cũng phải lên gặp ông giám
đốc Hán, đề đạt chút việc.
Ô.QUẢNG - Bác cứ đi lo công việc, khỏi bị lỡ.
BÁC CHÚC - À, bà xã nhà tôi vẫn nhắc đến chú luôn. Có vò rượu rắn tôi vẫn để
dành, bữa nào rảnh chú đến chơi. Anh em mình ngồi lai rai. Thôi, tôi đi chú
nhé!
( Bác Chúc đã đi, sực nhớ quay lại...)
BÁC CHÚC - ( đưa ô.Quảng lá đơn) Đây là lá đơn kiến nghị của công nhân xí
nghiệp gửi lên Bộ, đề nghị xoá bỏ kỷ luật cho giám đốc Hải! May quá, tiện
có chú chuyển giúp lên Bộ. Anh chị em công nhân đã ký đầy cả mấy trang
giấy đây này.
Ô.QUẢNG - (cười) Xí nghiệp định ép Bộ đây! Bác cứ đưa đây tôi sẽ chuyển giúp.
BÁC CHÚC - Nhớ là phải tìm cách mà cứu con đấy!
( bác Chúc ra khuất. Ông Quảng nhìn theo giây lát rồi cũng đi vào phía
trong xí nghiệp. Lát sau, Lan và một tốp sinh viên bước tới)
MỘT SINH VIÊN (SV) - Các cậu ơi, giải trí một tý đã. Bọn sinh viên chúng
mình đứng máy làm việc chưa quen, tớ đau ê ẩm khắp cả người.
SV - Phải đấy, giải lao văn nghệ một lát.
( Mọi người tản ra các ghế, kẻ thì ngồi dưới các gốc cây. Một sinh
viên nam mang theo cây đàn ghi-ta, lấy ra gẩy. Vài bạn lẩm nhẩm
hát theo... Tốp này, tốp khác tán chuyện )
SV - Bọn mình về thực tập đúng lúc xí nghiệp gặp cảnh đại hoạ, thật không may
mắn.
SV - Ấy, có gặp cảnh thế mới thấu hiểu hết khó khăn, phức tạp của sản xuất làm
kinh tế. Đồ án tốt nghiệp của bọn mình càng sâu sắc.
SV - Nhờ các cô chú và anh chị công nhân vẫn tận tình, chỉ bảo hết lòng. Đến lúc
phải xa, cũng thấy quyến luyến.
SV - Quyến luyến thì khi nào thi tốt nghiệp xong, ra trường lại xin về. Việc gì phải
lo?
( một nữ sinh ăn mặc nền nã, dáng bồn chồn như đang trông
ngóng ai? Đó là Lan...)
MỘT NỮ SINH - (nhìn về phía Lan) Các cậu trông kìa! Cái Lan đang mong người
ta đấy? Cô nàng đứng ngồi không yên.
NỮ SINH KHÁC - Lan ơi! Anh chàng cắn câu chưa đấy?
LAN - (tảng lờ) Cắn câu gì? Cậu này, chỉ ăn nói lung tung.
NỮ SINH - Này, đây nhảy vô liền hớt tay trên... đừng trách đấy?
LAN - Của thiên hạ đây chẳng giữ.
NỮ SINH - Ghê chưa? Nói chơi thôi, khá đấy! Cố chiếm lấy trái tim chàng.
SV - Tiếc là anh ta gặp hoạ, bị cách mất chức giám đốc. Nếu không thì...
SV KHÁC - Yêu người chứ phải đâu là yêu cấp chức, đúng thế không các cậu?
SV - Người ta không cần cậu phải dậy! Có khi…làm cả chuyện đó rồi cũng
nên, ấy chứ lị?
LAN - (thách thức) Thì…làm rồi đấy, làm gì được nhau nào?
CÁC SV - Thua, bọn này chịu thua rồi! Đợt thực tập này cái Lan lãi nhất!
( cả bọn cười )
MỘT SV - Lan hát cho bon tớ nghe một bài hát tình yêu đi! ( nói với sinh viên
nam đang cầm đàn) Đệm đàn cho Lan nó hát!
TẤT CẢ - (đồng hoạ) Phải đấy , Lan hát đi!
( Tiếng hát Lan vút lên theo tiếng đàn. Các sinh viên lắng nghe.
Người thì làm điệu múa theo)
MỘT NỮ SINH - Lan ạ, cậu có giọng hát thật hay! Đáng lý phải vào trường thanh
nhạc. Chả trách, anh Hải thích cậu là phải?
SV - Người ta yêu chủ yếu là yêu người, chứ phải đâu chỉ riêng tiếng hát?
SV - Nói thế, nhưng có giọng hát hay cũng dễ quyến rũ chứ? Trông tớ, có xấu
đâu! Sao anh Hải lại không thích tớ?
NỮ SINH - Thanh niên như anh Hải thì đứa con gái nào chả thích, Tớ cũng thích!
SV - ( với Lan) Ba cậu làm Tổng giám đốc. Cụ quyền hành như thế! Sao cậu
không nói với ba, đỡ cho anh Hải khỏi bị kỷ luật?
SV - Phải đấy! Có cụ che chở, anh Hải chắc sẽ thoát?
LAN - Đấy là quan hệ tổ chức, biết thế nào mà nói? Mới lại, ba mình nghiêm
khắc lắm. Nói có khi còn bị ba mắng...
SV - Nghiêm khắc với người ngoài, chứ đây là ông con rể tương lai?
TẤT CẢ - (đồng thanh) Phải đấy Lan ạ! Công nhân cả xí nghiệp còn ủng hộ anh
Hải, bọn mình cũng nên...
MỘT SV - Con gái yêu của ông Tổng giám đốc mà nói đỡ cho người yêu, thế
nào cụ chả chiều?
SV KHÁC - Hay là… hôm nào đến nhà, Bọn mình sẽ nói cho cụ biết tình cảm
giữa cậu và anh Hải?
LAN - Tớ xin các cậu, mặc tớ!
TẤT CẢ - Ta hùn vào thuyết phục cụ, có khi ăn thua?
MỘT NỮ SINH - (phát hiện từ xa) Anh Hải đang đi đến rồi kìa! Sắp trưa rồi.
Ta về thôi các cậu?
SV - (trêu) Cái Lan phải ở đây chờ anh Hải, về sau.
LAN - Không, tớ cũng về cùng.
NỮ SINH - vẽ... trêu tý thôi. Ở lại đây chờ người ta!
NỮ SINH KHÁC - Lỡ cơ hội là phí đấy!
TẤT CẢ - Bọn mình về trước nhé!
( các sinh viên vui vẻ kéo nhau đi. Lan lừng chừng nán lại.
Hải đi tới )
HẢI - Kìa Lan! Lan chưa về với các bạn à?
LAN - (lúng túng) Em... à, em đã tìm được sách cho anh Hải rồi đây này!
( lấy sách trong túi đeo đưa cho Hải )
LAN - (tiếp) Đây là cuốn sách nói về sự phát triển kinh tế hiện đại thế giới. Phân
tích rất kỹ quá trình phát triển của các công ty tư bản: như tư bản Nhật, tư
bản Mỹ...
HẢI - (lật xem) Cuốn sách hay lắm, anh tìm mãi chưa được đấy!
LAN - Những trang nghiên cứu quá trình tiến triển của các tờ-rớt, phân tích
nguyên nhân khủng hoảng dẫn đến phá sản của một số tờ-rớt khác. Những
mô hình liên doanh có tính đặc thù khác nhau trong một số nước ở cộng
đồng. (tiếp tục chỉ) Anh xem: những con số chi chít được lý giải bằng
phương pháp tích phân. ( ngừng ít phút , ý tứ):
- Anh Hải thưởng gì cho em nào?
HẢI - (bối rối) Anh... Anh chả biết thưởng gì cho em cả?
LAN - (với mình) Ghét! Người đâu mà vô tình? (với Hải) Mặc anh, thưởng cho
em cái gì thì thưởng? Em không cho không đâu.
HẢI - À, hay anh khao em một chầu phở nhé?
LAN - Thôi, đây thích ăn cơm chính hiệu chứ chả thèm ăn phở.
HẢI - Tưởng gì? ăn cơm thì dễ quá! Chờ anh giải quyết xong chút việc ở xí
nghiệp, rồi sẽ mời em ra một hiệu cơm ngoài phố.
LAN - Em chả ra ngoài phố, thưởng ở ngay đây cơ?
HẢI - Nhưng ở đây mà vào nhà ăn của xí nghiệp thì bình thường quá?
LAN - (dí vào trán Hải) Anh chẳng biết một tý gì cả, ngốc ạ?... Em tự lấy thưởng
vậy.
( cô khẽ kéo ghì chặt lấy anh vào người)
HẢI - (hơi bối rối) Khéo, mọi người nhìn thấy...
LAN - Kệ cho họ nhìn...
HẢI - Nghe anh nói đã em...
LAN - Anh Hải! Bọn em sắp phải xa xí nghiệp rồi, liệu anh Hải có nhớ?
HẢI - Nhớ chứ! Các bạn sinh viên đã để lại cho anh rất nhiều những ấn tượng
đẹp.
LAN - Nhưng... với riêng Lan thì sao?
HẢI - Có, anh cũng nhớ Lan! Nhưng...
LAN - (đay lại) Lại nhưng? Người ta thờ ơ, mình có thương cũng chẳng ăn thua,
phải không anh?
HẢI - Lan, nghe anh nói: chỉ vì anh đã...
LAN - Anh muốn nói, vì anh đang gặp cảnh ngộ... chẳng may bị cách mất chức
giám đốc, chứ gì? Nhưng tình cảm của em với anh chả vì chuyện đó!
HẢI - Không, anh không muốn nói về chuyện đó.
LAN - (vẻ cương quyết) Em sẽ nói với ba, nhất định ba em sẽ tìm cách cứu anh?
HẢI - (bất ngờ) Em nói cái gì? Em nói với ba em á? Em sẽ nói với ông Tổng giám
đốc Tổng công ty cứu giúp anh á?
LAN - Ba em thương em lắm mà anh!
HẢI - (cười khó hiểu một mình) Cô ta sẽ nói với ông Tổng giám đốc để cứu tôi?
LAN - Em nói thật đấy, anh Hải! Nhất định em sẽ nói với ba, em sẽ đòi ba... Ba
em chiều em lắm! Ba chưa từ chối em điều gì. Nhất là khi ba biết em than
thiết với anh?
HẢI - Thôi thôi thôi... Em đừng nói về ba em với anh nữa?
LAN - Hãy tin em: Ba tốt lắm mà anh.
HẢI - (gắt lên) Em thôi đi! Anh cám ơn lòng tốt của ba em. Em về nói với ông
Tổng giám đốc: Anh không cần đến lòng tốt của ông ta!
LAN - Kìa! Sao anh lại nỡ nói về ba em như thế? Tính khí ba tuy có nghiêm khắc,
nhưng thực ra ba em là một người nhân từ, giầu tình cảm lắm! Em tin là ba
sẽ vì em, vì anh...
HẢI - Có ông ta chỉ biết vì bản thân ông ta ấy! Vì cái chức Tổng giám đốc thôi.
( nói xong, Hải bực bội bỏ đi)
LAN - (chới với gọi theo) Anh Hải! Em thương anh, em yêu anh mà... Anh Hải ơi!
( nói như trong mê sảng) Hãy ở lại với em đi! Tất cả cuộc đời em, chỉ cần
có anh thôi!
( ít phút sau - Một cô gái rất đẹp, ăn diện rất phăng-te-ri. Tay xách
lủng lẳng một chiếc túi da bước tới. Đó là Ngọc Huyền. )
HUYỀN - Chào bạn gái!
LAN - (quay lại) Vâng, chào chị! (tự nói với mình) Ủa, sao trông chị ta thấy quen
quen? Hình như mình đã gặp ở đâu rồi? (với Huyền) Chị hỏi gì ạ?
HUYỀN - Tôi muốn hỏi thăm một người?
LAN - (với mình) Sao giống lạ giống lùng...( nhìn Huyền vẻ dò xét) Đúng là chị
ta rồi!
HUYỀN - Tôi có gì lạ mà bạn gái nhìn khiếp thế?
LAN - Chị tên là Ngọc Huyền, phải không ạ?
HUYỀN - (ngạc nhiên) Sao bạn gái lại biết tên tôi? Chẳng lẽ chúng ta đã từng gặp
nhau? Chịu, mình không thể nào nhớ được.
LAN - Không, tôi chưa bao giờ gặp chị! Tôi biết chị hỏi ai rồi. Có phải chị đi…
tìm anh Hải không?
HUYỀN - Quái nhỉ? Sao bạn gái lại biết tôi rõ như thế? Đúng, tôi muốn tìm anh
Hải! Nhưng tôi vẫn không nhớ là đã gặp bạn gái ở đâu?
LAN - À...Tôi đã được nhìn ảnh chị trong tập an-bom của anh ấy.
HUYỀN - Nghĩa là, anh ấy vẫn cất giữ những tấm ảnh tôi đã tặng anh ngày xưa?
LAN - Sao lại không? (ngắm nghía) Chị đẹp lắm! Chắc là anh Hải phải rất thích
chị?
HUYỀN - Chúng tôi cũng đã có những kỷ niệm...
LAN - Những kỷ niệm đó sâu sắc lắm, phải không ạ?
HUYỀN - Nhưng sao bạn gái lại dò xét về tôi kỹ thế? Cô cũng làm việc ở xí
nghiệp này?
LAN - Ồ không, tôi chỉ là một sinh viên thực tập.
HUYỀN - Và chắc là cũng thân thiết với anh Hải lắm? Tò mò thì hỏi vậy thôi.
Thế, bạn gái có biết anh ấy ở đâu? Làm ơn chỉ giùm...
LAN - Tôi, tôi cũng vừa... mà tôi không biết đâu! Chị lên phòng giám đốc xí
nghiệp mà hỏi.
HUYỀN - Ôi, cái ông giám đốc già ấy tính nết thật là cáu bẳn. Mình cũng đã
tới chỗ ông ta hỏi thăm! Ông ta chỉ nói mỗi một câu cộc lốc: Tôi không
biết! Cứ như muốn xua đuổi người ta đi ấy.
LAN - Xin lỗi chị, tôi cũng không biết!
( nói rồi Lan quay đi thẳng )
HUYỀN - Ngày hôm nay thật xui xẻo. Ai cũng chỉ nói với mình một câu: Tôi
không biết! Anh Hải ơi là anh Hải? Loanh quanh khắp cả xí nghiệp mà
chẳng biết anh ở đâu?
( Huyền lưỡng lự giây lát, rồi bước đi )