GÁNH HÀNG RONG DƯỚI MƯA
________________
Tháng năm hoa phượng nở cuối sân trường. Từng tán lá rộng, xanh ngắt, làm nổi bật chùm hoa đỏ rực rỡ. Cơn mưa xối xả như rửa sạch những bụi bẩn, làm cho tán lá xanh hơn, sắc hoa thắm hơn. Vài ba xe đẩy hàng rong đang bán đồ ăn cho học sinh trước cổng trường cũng nhanh chân tìm nơi trú tạm dưới mái hiên các nhà đối diện. Họ không kịp lo bản thân bị ướt, chỉ lo che chắn cho hàng hóa của mình.
Cô đón thằng nhóc vội vã. “Về thôi con! mưa lâu ngập đường, xe lại chết máy thì khổ.” Thằng nhóc còn mãi nghịch mưa với các bạn chưa muốn về. Sang năm nó chia tay với trường tiểu học, bước lên lớp mới, cô nhủ thầm “Cấp hai rồi đó con!” Bỏ lại con đường, sân trường trong những giờ ra chơi, có lúc bạn bè đánh nhau về khóc với mẹ, hôm sau tan trường vài ba đứa lại chụm đầu với bịch bánh tráng trộn xuýt xoa cay. Những gương mặt thầy cô đã dạy kiến thức đầu đời, tất cả sẽ còn mãi trong ký ức niên thiếu của con.
Cơn mưa giông bất chợt, có bao nhiêu nước ông trời như trút xuống nhân gian. Trong thoáng chốc mù mịt, đường vô nhà cô nước đã lấp xấp bàn chân. Mọi người trong con hẻm nhỏ phập phồng lo, mưa lâu chút nữa nước tràn vô nhà. Khu phố đa phần dân nhập cư. Những cơ sở may nhỏ, hàng hóa chất chồng, cuống cuồng nâng hết lên cao, thầy, thợ nháo nhào. Dãy nhà cấp bốn, nền thấp lè tè ngang mặt đường, lâu không được chủ nâng cấp, thường xuyên bị ngập, mỗi khi có mưa lớn, cống không thoát nước kịp. Sài Gòn chỉ hai mùa mưa nắng, mùa mưa kéo dài đến tháng mười một trong năm. Những cơn mưa giông bất chợt, ào ào dưới trời nắng rồi tạnh hẳn, phút chốc đường phố lại khô ráo như chưa từng có cơn mưa nào đi ngang qua đây.
Mẹ con cô về được tới nơi. Tắt máy xuống xe, quay lại thấy thằng nhóc, mặt mày, đầu cổ ướt nhem, hắn chui ra khỏi áo mưa từ hồi nào cô không hay, biết cái tội nghịch mưa, nhìn mẹ cười cầu hòa. Cô lên tiếng hối thúc con: “Đi vô mau, dầm mưa bịnh bây giờ!” Tiếng cười vang của con cho cô cảm giác ấm áp. Ngày dù bận rộn công việc bao nhiêu, cô vẫn phải ưu tiên đưa đón con đi học. Không phải như ở quê, trẻ con có thể cùng đi học về với các bạn tung tăng, tự do. Ở thành phố phát triển, xe cộ đông đúc, phải để con trong tầm mắt, vì ngoài kia không biết chuyện gì có thể xảy ra. Sự bận rộn chăm sóc, nuôi dạy con cái khiến người mẹ thêm động lực, để làm việc và hoàn thiện bản thân.
Gánh hàng rong đứng nép dưới hiên, mái không đủ để che ướt, vội mở cửa, cô cất tiếng: “Vô đây chị! Mưa nhỏ rồi đó, chắc sắp tạnh.” “Cám ơn cô”. Cho gánh hàng lên hiên đứng đợi, người phụ nữ luống tuổi ngước nhìn bầu trời, ngóng những hạt mưa ra điều sốt ruột. Gánh hột vịt lộn của chị, trở nên thân quen với xóm nhỏ, ai cũng ủng hộ một hai trứng mỗi khi chị ghé qua. Nồi hột vịt bóc khói, nóng hổi, ăn kèm với cọng rau răm cay nồng, chắm chút muối tiêu chanh, thật tuyệt. Không chỉ riêng gánh hột vịt lộn, từ sáng đến chiều tối, nhiều tiếng rao như vọng lại nỗi niềm của kiếp tha hương. Đôi dép mòn vẹt lê khắp cùng ngỏ hẻm Sài Gòn, họ đem theo đặc sản vùng miền góp vào sự phong phú cho thành phố nhộn nhịp, đông dân cư. Tuy rằng chỉ qua ngày, để đưa được con vào đại học, sửa lại mái nhà ở quê, nuôi ngươi thân đau ốm… Nhưng họ ra sức để rồi nhuốm gió sương trên từng khuôn mặt dạn dày nắng mưa. Họ vẫn thường nghỉ chân dưới bóng râm cây bàng. Vài ba mẫu chuyện cô nghe được lõm bõm… Họ nói về người thân, con cái được ăn học với niềm tự hào. Động lực cho thêm sức mạnh để rồi bước tiếp ngày mới với tất cả yêu thương nơi họ hướng về. Người đến mang theo ngành nghề của quê hương mình, thật chân chất giữa phố thị đông người. Có ai đó một hai ngày không đi bán, bà con khu phố đã hỏi nhau. Họ nhớ món hàng, nhớ tiếng rao đặc trưng vùng miền lâu dần trở nên thương lạ.
Con đường mưu sinh mỗi người một khác nhau. Sự nhọc nhằn thì muôn vàn, ai đã từng đi qua đói no mới hiểu hết giá trị tồn tại. Cô hiểu lắm nên tự nhủ thầm: “Phải cố thôi.” Nhìn người phụ nữ với đôi mắt hằn vết mệt mỏi bởi thiếu ngủ, lo toan. Chiếc áo khoác mỏng bên ngoài bạc màu, sờn vai. Cảm giác thích thú mặc chiếc áo mới, có thể chị đã quên và cũng không quan trọng nữa khi gánh nặng mưu sinh oằn đôi vai giữa cuộc trần lang bạt. Một nỗi thương cảm lặng lẽ, cô tránh ánh mắt sóng sánh buồn cứ chìm sâu, lâu dần ở lại không dứt. Qua màn mưa xám, chiều như xuống nhanh hơn.
Rót ly trà nóng mời người phụ nữ:
- Chị uống nước!
Bưng ly trà nóng, ủ giữa đôi bàn tay chai sạm như tìm chút hơi ấm, người phụ nữ khẽ khàng ngồi xuống ghế nhìn cô, lên tiếng như tự nói với chính mình:
- Vô mùa mưa rồi... - Giọng chị cứ đều đều như hạt mưa nhỏ ngoài kia còn rơi - Hồi ở quê, nghe người ta nói vô Sài Gòn dễ kiếm tiền, buôn bán gì cũng được, vậy mà… Có đi rồi mới biết, nhọc nhằn lắm.
Tiếng thở dài nén lại, người phụ nữ nói tiếp:
- Mấy chị em cùng xóm vô đây mướn phòng trọ ở chung, rồi buôn bán, tôi chỉ bán chiều tối, đi cả ngày như mấy đứa trẻ không nổi. Đêm nằm nhớ quê lắm cô ơi!
Cô không biết nói gì để an ủi người phụ nữ, vì trong lòng cũng rưng rưng một nỗi niềm. Người phụ nữ lặng yên như dõi về một nơi xa, nơi có mái nhà, có bầu trời quê, những cơn mưa giông trong chiều tháng hạ, nơi mỗi chiều chị rút nắm rơm nhỏ từ cây rơm trước sân để nhóm bếp... Ngọn lửa bốc lên qua làn hơi chị thổi qua từ ống tre, dùng làm ống thổi lửa lâu ngày đen mướt, mùi khói ngai ngái rơm rạ thân quen. Con mèo mướp vùi mình bên cạnh tro ấm, lười biếng, hay ganh tị với chú chó đốm mỗi lần chị cho ăn... Phía sau chái, một ổ gà được chị lót rơm ấm áp, sớm mai gà mái mẹ mặt đỏ gay, cục ta cục tác nhảy lên ổ đẻ. Cái trứng nóng hổi lọt ra được lùa vào giữa cẫn thận. Thỉnh thoảng chị gom rau trái sau vườn ra chợ bán, chợ quê chỉ bán một buổi, thực phẩm tươi, sạch. Tất cả thật thân quen và gần gũi. Bình yên qua ngày vậy chị đủ mãn nguyện rồi, nhưng nếu có bất trắc hay bệnh nặng thì không biết chạy đâu. Lòng chị cồn cào nỗi nhớ… Dậu mồng tơi chỉ hái một nắm, nấu được tô canh. Chồng chị đi đồng về, có con cá, con cua tạm sống qua ngày. Mấy năm lại đây ông ấy bịnh nặng, việc đồng áng không xong, chị phải tha phương kiếm tiền chữa trị… Ánh mắt rơm rớm thật mủi lòng.
Trời đã tạnh, gánh hàng rong không nặng đặt lên đôi vai người phụ nữ oằn xuống với thời gian, đội chiếc nón lá lên đầu, chị cất tiếng:
- Cám ơn cô!
- Dạ, chị đi bán.
Bước ra con ngõ, tiếng rao “Ai hột vịt đây...” mỗi lúc một xa dần, âm thanh như lạc trong chập choạng của ngày và đêm, chìm trong man mác nỗi buồn, hút theo bóng người phụ nữ. Bóng chị đổ dài xiêu vẹo dưới ánh đèn đường vàng võ, qua từng con phố. Lầm lũi trở về trên đôi chân rã rời với chút tiền lời kiếm được khi đêm đã vào khuya.
Những gánh hàng rong vẫn phải tảo tần dưới mưa nắng, vì cuộc sống gia đình, họ đi cùng vất vả phận người để tìm chén cơm manh áo trong cuộc mưu sinh. Có người bán, có người đi mua, tiếng rao như dội lại từng âm sắc nhọc nhằn, níu Sài Gòn nhộn nhịp, vội vã, như đâu đó ở cuối trời thứ ánh sáng trộn lẫn với bóng đêm chìm vào cuối ngày. Sài Gòn không ngủ với nhiều ngành nghề. Bán dạo, bán vỉa hè như một văn hóa ẩm thực rất riêng của Sài Gòn như điểm chấm phá thú vị thu hút khách du lịch. Đất lành chim đậu, muôn đời vẫn thế!
Cô đứng đó nghĩ xa xôi “Có niềm vui nào cho tôi gởi nỗi buồn” rồi thoáng lắc đầu nói với bản thân: Buồn vui đó chỉ là cảm xúc, thay đổi tùy tâm trạng… Sinh mệnh con người mới là điều quan trọng nhất. Sự liên đới trách nhiệm với người thân không cho phép đắm vào mông lung tâm trạng. Ngày của người mẹ phải thật rõ ràng để cho con nhìn thấy ánh sáng đi tới.
Một cơn gió lướt qua, hắt nước đọng trên mái hiên rơi xuống, cô rùng mình thoát cảnh chạnh lòng chỉ thoáng qua nhưng nghe nao nao quá.
Trở lại với công việc… Phải, chỉ có công việc giúp cô quên đi những phiền muộn đã qua. Công việc làm cô phấn chấn hẳn lên với kết quả của nó. Cho nên, dù trời đang nắng chợt đổ mưa hãy vui vì cơn mưa đem đến sự dịu mát giữa ngày hè nóng bức.
Đâu đó ngoài kia vọng lại tiếng rao lanh lảnh, tan loãng dội theo những bước chân mưu sinh từng ngày thầm lặng...
Sài Gòn 5/6/18.
LÊ YÊN.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.09.2021 11:27:48 bởi Le Yen >