Nhân văn
-
Số bài
:
996
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 08.12.2007
|
Re:Tiểu thuyết: CUỘC CHIẾN HÀ NỘI 12 NGÀY ĐÊM - Phạm Ngọc Thái
-
19.10.2021 12:57:31
CHƯƠNG V. HÀ NỘI CUỘC SƠ TÁN VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU 20- Ngày 16.4.1972, chính quyền Hà Nội ra lệnh cho nhân dân phải “cấp tán”! Tức là sơ tán thật nhanh ra khỏi thành phố, vì Mỹ sẽ ném bom rải thảm B52. Thực ra, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã bắt đầu liên tục từ năm 1965. Từ thời gian đó những người dân sống ở thành thị, đặc biệt là ở Hà Nội – Hải Phòng đã phải đi sơ tán đến các vùng nông thôn. Những ai sơ tán theo cơ quan: thoạt tiên được cơ quan chở đi bằng ô tô, tiếp đó là hoàn toàn tự túc. Ban đầu mọi người vẫn phải quay lại Hà Nội đong gạo, sau có thể đong ở những kho gạo địa phương. Các địa phương lúc ấy rất nghèo, ngoài gạo ra người ta vẫn phải về thành phố tiếp tế thực phẩm và những đồ trang bị khác. Hàng tuần từng đoàn xe đạp tay xách nách mang, kìn kìn hai chiều từ nông thôn về thành phố và ngược lại. Chiều đi về địa phương bao giờ cũng nặng nhọc, xe đạp biến thành xe thồ: bao gạo, chăn màn, quần áo, sách vở, bếp dầu, can dầu, can mỡ, chai nước mắm, bọc bánh kẹo, nồi niêu xoong chảo… đủ mọi thứ lỉnh kỉnh khác. Cảnh tượng – có khi là vài ba ông bố vụng về đánh tuột tất cả các thứ ra đường, nom như một mẹt hàng xén bị vương vãi. Phụ nữ cũng phải thồ như vậy, “bon bon xe ta chạy trên mọi nẻo đường”… Có câu chuyện kể về một gia đình: bốn thế hệ đi sơ tán khỏi Hà Nội trên một chiếc xe bò kéo. Người ta gọi với cái tên “nhịp võng xe bò ngày sơ tán” – Đó là hình ảnh một người mẹ trẻ đang cho đứa con mới sơ sinh bú. Một ông cụ già, có lẽ là ông nội cháu bé đội chiếc mũ bông đang đánh xe. Trong xe còn lố nhố mấy đứa trẻ con với đủ thứ nào gạo, thực phẩm, xoong nồi, quần áo… Chiếc xe cứ lọc xọc lăn bánh từ hướng Ngã Tư Sở về mạn Hà Đông. Rồi chuyện về những người chèo thuyền ở bãi Phúc Tân, dưới chân cầu Long Biên – Hồi ấy Phúc Tân còn là bãi, qui tụ nhiều thuyền ghe của dân làm nghề đánh cá trên Sông Hồng. Trong thời kỳ máy bay Mỹ mở rộng đánh phá dữ dội vào Hà Nội, hầu hết cư dân xóm nghề này phải chèo ghe sơ tán lên mạn ngược của sông – nhưng vẫn còn một đội ghe chừng ba mươi chiếc tình nguyện ở lại, đưa người sơ tán từ trung tâm thủ đô băng qua Sông Hồng ra các vùng ngoại thành Gia Lâm, Đông Anh… rồi lên mạn bắc. Họ kể: mỗi chuyến vượt Sông Hồng mất độ 20 phút, thuyền chỉ chứa được 6-7 người, nên phải chở liên tục cả ngày lẫn đêm. Cầu Long Biên thì đã bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập. Nhiều lần thuyền ra giữa dòng, nhìn bom rơi đằng xa, bụi đất vãi đầy mặt nước – Họ vẫn mặc kệ cứ chèo, vì thấy còn quá nhiều người đang đợi qua sông. Chậm giờ nào là nguy giờ đó. Đói mệt, thì dùng chân đạp chèo để rảnh tay gặm bánh mỳ. Lúc đó, họ thấy mình rất khỏe và hết sức gan lỳ. Trên những con đường quốc lộ từ Hà Nội về các tỉnh, đủ thứ hình ảnh đèo bòng, bồng bế nhau đi sơ tán: Một anh chồng đạp chiếc xe đạp Thống Nhất đặt đứa con trai đầu độ 11 tuổi lên yên phía trước, thằng con kế lên yên sau, rồi tới bà vợ ngồi sau cùng kẹp đứa bé ở giữa. Cứ thế theo con đường Quốc lộ 6, họ mải miết đạp về phía Lương Sơn – Hòa Bình. Dọc đường lúc nào mệt thì dừng lại, trải tấm vải nhựa cho cả nhà nằm nghỉ, lấy cơm nắm ra ăn rồi lại đi tiếp. Kia là hình ảnh một cụ già đang bị ốm được con cái đưa đi sơ tán, gặp ở Mỗ Lao về phía Hà Tây. Cụ đang run rẩy trong tấm chăn. Vì Hầ Nội đã có lệnh “cấp tán”, nên dân tình không thể ở lại thành phố được. Đây nữa là hình ảnh rất ngộ - Một đứa trẻ mắt tròn xoe, ngồi trên chiếc gióng ngang phía trước xe đạp của bố, tay ôm khư khư con búp bê nhựa đã cũ. Đó là món đồ chơi mà bé rất thích, nó nhất định đòi mang theo bằng được. Bởi vậy, mặc dù lồng cồng đủ thứ trên xe… nhưng bố, mẹ vẫn phải chiều con. Những người đi sơ tán ai cũng ôm đồm như thế cả. Vào mùa đông lạnh giá, họ không mang theo được gì nhiều ngoài những vật dụng cần thiết như chăn màn, quần áo. Phần lớn những người Hà Nội đi sơ tán trước đó, đã yên ổn. Giờ lớp người đi sau do tình hình căng thẳng, ác liệt quá! Không ai dám gan lỳ ở lại nữa, phải vội vã đi. Các trường phổ thông, trường đại học sơ tán sớm nhất - Sau đến các cơ sở sản xuất như nhà máy, xí nghiệp, rồi cơ quan, công sở… Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Hà Nội có hai bệnh viện lớn: Bệnh viện Việt Đức chịu trách nhiệm cấp cứu bệnh nhân các tỉnh phía bắc. Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân các tỉnh phía nam. Từ năm 1965, thực hiện yêu cầu sơ tán – bệnh viện Bạch Mai đã chia đôi các khoa, phòng. Một bộ phận đi, còn một bộ phận phải ở lại để cứu chữa cho những người tại Hà Nội – Nơi đang phải hứng chịu hàng loạt trận mưa bom Mỹ giội xuống. Lúc đầu bệnh viện sơ tán đến Phú Thọ, sau chuyển về Ứng Hòa, Chương Mỹ thuộc Hà Tây. Cũng không kịp xây dựng các cơ sở dù chỉ là tạm bợ, phải đặt rải rác ở nhà dân, đình chùa và các công trình công cộng. Để hoàn thành công việc trong thời chiến, toàn bộ nhân lực của bệnh viện như y, bác sĩ, hộ lý, y tá, lao công đều phải làm việc tối đa. Nghĩa là họ phải làm gấp đôi những ngày thường trước kia. Từ tháng 6 năm 1966, nhà máy Cơ khí Hà Nội đã di chuyển an toàn gần 1.500 tấn phương tiện, thiết bị đến 16 địa điểm. Cả trại trẻ của nhà máy cũng được sơ tán lên Hà Bắc. Nhà máy dệt 8-3 với hơn 7.000 công nhân đã phân tán ra nhiều địa điểm, nhưng vẫn duy trì sản xuất liên tục. Các đơn vị sản xuất trọng điểm khác như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy gỗ Cầu Đuống, nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, xí nghiệp Dược phẩm 1, Dược phẩm 2, nhà máy In Tiến Bộ…Hàng chục nghìn công nhân viên chức cùng nhiều gia đình, đều được sơ tán ra khỏi nội thành. Để duy trì sản xuất, Hà Nội phải hướng công nghiệp sang thời chiến. 17 xí nghiệp địa phương, gần 200 hợp tác xã thủ công và 128 tổ sản xuất được đưa ra khỏi thành phố. Mạng lưới thương nghiệp cũng mở rộng ra ngoại thành và các tỉnh lân cận, với gần 500 điểm bán hàng mới. Đề phòng gián điệp tìm hiểu những mục tiêu để đánh phá, ngay cả những đứa trẻ Hà Nội cũng được gia đình và tổ dân phố trang bị cho kiến thức phòng giặc. “ba không” là một trong những điều mà trẻ em ở Hà Nội hay đi sơ tán phải thuộc lòng: không nói, không chỉ, không trả lời – khi có người lạ tìm đến nhà hoặc hỏi dò đường. Nhân dân ở các vùng đến sơ tán là những nông dân nhân hậu, chất phác, giầu tình thương người. Những gia đình Hà Nội về quê sơ tán, được người dân chào đón và dành cho những điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt: nào là gian nhà to, “từ đường” cho người sơ tán ở - còn gia đình mình thì ở nhà ngang, nhà bếp. Ngay trong cuộc sống của những người Hà Nội về, bà con cũng tương trợ nhiều: có miếng ăn ngon mang chia phần cho người sơ tán, rau ngoài vườn thì cho ăn chung, đi tát đồng được ít cua cá… cũng đem chia cho gia đình đến sơ tán về nhà mình ở. Có thể nói, bà con đã thương yêu những người sơ tán về quê không khác gì ruột thịt. Tình người khi ấy thật cao cả. Đó là bản sắc của con người Việt Nam: tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn và khó khăn – nhất là đối với những cán bộ viên chức làm công ăn lương, hay là những gia đình đông người. Khi đi sơ tán họ phải ăn mì, ăn bo bo là chuyện bình thường. Ở nhà quê tuy làm nông nghiệp vất vả một nắng hai sương, nhưng lại thường xuyên được ăn gạo mới, cơm thơm. Họ thương những người ở Hà Nội quen cuộc sống đầy đủ, nay gặp cảnh loạn lạc – Có nhà, gia chủ nhiều bữa thường nấu dư một chút, xới ra bát cơm thật đầy đưa sang cho người sơ tán ăn thêm. Bà con hay nghĩ: người thành phố đang sống sung sướng, đầy đủ, nay phải về nông thôn thì khổ lắm! Mình ở nông thôn thiếu thốn, khổ cực quen rồi… cho nên gia đình thường nhường những gì tốt để dành cho đồng bào sơ tán về ở nhờ nhà mình. Có nơi, để chuẩn bị đón đồng bào từ thành phố về: Họ đã chặt cả tre, luồng, đào thêm những chiếc hầm chữ A ở sau nhà – cho bà con về sơ tán lấy chỗ ẩn nấp khi có tình huống báo động. Họ trồng thêm những luống rau ngoài bãi sông; những dây cà, dây bí được giắt vào hàng rào… để có thêm thức ăn cho người sơ tán ở. Các năm tháng đó không phải là không rơi vào cảnh đói khát, khốn khổ… nhưng con người sống thật đẹp! Thời sơ tán có tới 4.000 trại trẻ được lập ra ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những trại trẻ này đã tiếp nhận, chăm sóc hàng chục ngàn đứa trẻ và nhi đồng là con em cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị, cả những cụm dân cư Hà Nội về sơ tán. Các em, các cháu đều được sống trong sự quan tâm, đùm bọc, yêu thương – để lại những dấu ấn tốt đẹp trong tâm hồn trẻ thơ. Bài học về tình thương người, sự sẻ chia và cả tinh thần tự lập là hành trang quí báu nhất cho những con trẻ qua cảnh sống sơ tán trong thời chiến đó! Người đi sơ tán không thể dứt bỏ tất cả mà đi – Họ vẫn về thăm nhà, thăm Hà Nội. Trong tâm hồn người Thủ đô khi đó đã quen với cảnh chiến tranh, không còn sợ hãi nữa. Cuộc sống trong chiến tranh của người Hà Nội gắn liền với chiếc xe đạp: để đi làm, đèo thồ các thứ đến nơi sơ tán. Những căn hầm được đào ngay bên nhà, chúng che chở cho họ trong những trận bom đánh dữ dội. Năm 1964, khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc – người lớn thường tụ tập nói chuyện về chiến tranh, về tầu bay Mỹ và cảnh bom rơi… nhưng trẻ con thành phố thì chưa hiểu gì mấy. Ở nơi có các trường đại học về sơ tán – sinh viên nhộn nhịp đào hầm, đào giao thông hào. Lúc đầu, những chiếc hầm và giao thông ấy toàn được bó bằng tre rồi tấp đất lên. Ít lâu thì bị ải, mục hết. Sau, người ta xây những chiếc hầm chữ chi, chạy dích dắc bằng gạch và đậy nắp bê tông hẳn hoi. Trên lại lấp đất, trồng phơ phất ít ngọn khoai lang, nước mưa luôn luôn xăm xắp trong hầm. Từ năm 1966, các trường phổ thông ở thành phố bắt đầu đi sơ tán. Đám trẻ con khu tập thể thì theo bố mẹ đến các vùng nông thôn hẻo lánh, tùy theo cơ quan mà bố mẹ mình làm việc. Cuộc sống thiếu thốn nhưng cũng yên ả - bởi bom Mỹ thả tận đâu đâu. Những đêm thấy đạn cao xạ bắn lên chi chit, nền trời đỏ rực, nhưng vì ở tít xa nên chúng cũng chẳng bận tâm lắm. Chúng học tại trường làng, thường là trong những ngôi đình khá rộng, thỉnh thoảng trường lại tổ chức đi lao động một vài buổi ở xã. Nhưng chính trong thời kỳ này, trẻ em thành phố mới hiểu về cuộc sống nông thôn là thế nào? Chúng đã biết ra đồng xem hun chuột, mót lúa, tát cá, tự bện mũ rơm đeo sau lưng để chống bom bi, biết đun bếp bằng củi, bằng rơm rạ, biết gói bánh chưng, nhuộm quần áo bằng nước lá dâm bụt, biết trộn bùn với rơm trát thành vách và làm những bức tường nhà bằng đất… Nói chung, nhờ những năm tháng đó mà những đứa trẻ vốn chẳng biết gì ngoài đi học rồi chạy chơi trong khu tập thể, đã trở nên tháo vát, nhanh nhẹn, tự lập và làm được nhiều thứ. Cảnh đi sơ tán cũng chẳng khác gì những hình ảnh thường thấy trong phim Liên Xô về chiến tranh: Dân Nga rút khỏi thành phố khi quân phát xít Đức đến, để lại sau lưng những dãy phố vắng lặng, tối đen, lá bay đầy trời. Cảnh vừa bi hùng vừa thê thiết. Hà Nội cứ âm ỉ chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu và đẫm máu chắc chắn sẽ đến. Ngay từ giai đoạn đầu cuộc chiến tranh phá hoại: Khi tiếng còi báo động có máy bay Mỹ đến đánh phá được bấm nút từ Bộ tổng tham mưu quân đội – chiếc còi lớn tám loa đặt trên nóc nhà quốc hội rú lên, rồi mười lăm chiếc còi khác trên toàn thành phố cùng đồng loạt báo động. Lẫn trong tiếng còi báo động là tiếng loa phát thanh khắp nơi: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!...” – có khi chỉ vài phút sau tiếng còi là tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi, tiếng đạn cao xạ bắn lên những vệt lửa sáng lóe bầu trời. Khi tiếng còi báo yên – những đoàn người lại chui ra từ những chiếc hầm trong lòng đất, lại rộn rã với các công việc đang làm dang dở. Hà Nội đã quen với nhịp sống hối hả của cảnh chiến tranh như thế! Giờ đến thời kì cấp báo hơn, người ta lắp vào chao đèn đường những thiết bị hạn chế ánh sáng. Các khối phố đều phải tập những phương án phòng không. Ngoài những hệ thống loa thông báo của thành phố ở ngoài trời, nhiều gia đình còn đặt thêm những chiếc loa nhựa hình vuông màu trắng trong nhà – Nó cũng được gắn liền với hệ thống truyền thanh của thủ đô: người ta vừa nghe đài Hà Nội, vừa là phương tiện báo động máy bay tiện lợi nhất. Ở những tỉnh có đường tầu hỏa như lên Thái Nguyên, thì tầu đều phải chạy đêm mà không có ánh đèn, để tránh máy bay Mỹ phát hiện. Tầu đi – về vẫn đông nghịt người, ngồi chật như nêm… đến mức hết chỗ, người đứng có khi phải đứng có một chân suốt mấy tiếng đồng hồ, mỏi thì lại đổi. Tầu thời chiến chạy chậm rề rề, đôi khi được thông báo không an toàn… còn phải dừng lại mãi ở ga xép. Vào giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến tranh phá hoại, nhất là tình hình được thông báo Mỹ sẽ ném bom rải thảm B52 vào thủ đô – Để cuộc sơ tán dân chúng ra khỏi thành phố nhanh chóng: Hà Nội đã huy động hàng trăm phương tiện từ tầu điện, xe ca, xe tải, cả xe khách của các tỉnh lân cận… về đậu sẵn ở các đầu phố, đón người đi sơ tán không thu cước phí. Khắp nơi vang lên tiếng loa vận động, kêu gọi người dân khẩn thiết, tạm rời Hà Nội để tránh thương vong. Lúc ấy ô tô còn ít nhưng được huy động các xe khách từ nhiều tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phú… Từng đoàn xe rầm rập rời thành phố, khẩn trương nhưng vẫn trật tự. Có một điều kì lạ, người Hà Nội ai cũng tin là đi rồi sẽ trở về! Bởi họ đều tin chắc rằng: Nhất định rồi Việt Nam sẽ thắng Mỹ - Khó có lúc nào con người lại tin vào nước non như lúc ấy! Hướng đi, địa bàn sơ tán dân cư chung của thành phố đã được chính quyền sắp xếp, liên hệ trước. Mọi người chỉ việc bước lên xe là đi, không cần mang theo nhiều tái sản. Mới lại, chủ yếu là cứu người – cứu được người là tốt rồi! Chẳng làm gì có điều kiện ôm đồm mang theo của. Những cán bộ hướng dẫn bảo là đi tạm thời, sẽ có tiếp tế, tiếp viện, có thương nghiệp đi theo phục vụ… nên mọi người cũng thấy an tâm.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2021 13:24:10 bởi Nhân văn >
|