Nhân văn
-
Số bài
:
996
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 08.12.2007
|
Re:Tiểu thuyết: CUỘC CHIẾN HÀ NỘI 12 NGÀY ĐÊM - Phạm Ngọc Thái
-
20.10.2021 12:06:18
PHẦN KẾT Buổi sáng đầu mùa hạ năm 1973. Làn gió mát thổi qua vùng nghĩa trang ngoại ô thành phố. Ánh nắng hồng rải đều lên các bia mộ. Một viên sĩ quan mặc bộ quân phục có đầy đủ quân hàm, quân hiệu pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, bước đến chỗ ngôi mộ còn mới. Các búp cỏ non nhú cao trên nền đất, phủ quanh mộ một màu xanh biếc. Anh cúi xuống đọc những dòng chữ khắc tên người mất ở tấm bia đá: Đó là ngôi mộ của Thu, và viên sĩ quan ấy… chính là Hoàng - Đại úy Nguyễn Hoàng, trong chuyến đi phép từ chiến trường vừa trở về. Anh thắp hương và cắm mấy bông hoa hồng bạch lên mộ, bên cạnh những bông hồng nhung và hoa cúc vàng mà ai đã cắm từ sớm. Các đóa hoa hồng bạch tỏa hương bay, sắc ánh lên như tâm hồn trinh trắng của em, khơi dậy những cảm xúc mới mẻ trong lòng người. Viên sĩ quan quay ra cắm hương cho mấy ngôi mộ quanh đấy, rồi trở lại đứng lặng bên tấm bia đá một hồi lâu. Sau khi Hiệp định Pa Ri kí kết ngày 27.1.1973, chiến trường miền Nam Việt Nam tạm thời đình chiến. Ngày 2.3.1973, một Hội nghị Quốc tế về Việt Nam đã được triệu tập tại Pa Ri, gồm đại biểu các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp và bốn bên tham gia kí kết hiệp định, cùng bốn nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hungari, Inđônêxia) với sự có mặt của ông Tổng thư kí Liên Hợp Quốc. Tất cả các nước tham gia hội nghị này đều đã kí vào Bản Định ước, công nhận về mặt pháp lí quốc tế của Hiệp định Pa Ri về Việt Nam, bảo đảm cho hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh. Ngày 29.3.1973, người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi miền Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Sau thời gian đó, Đại úy Hoàng – Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo hỗn hợp trực thuộc Bộ tư lệnh B3 của Mặt trận Tây Nguyên, cùng một số anh em cán bộ, chiến sĩ đã vào chiến trường nhiều năm, được trên bố trí cho nghỉ phép thăm gia đình ở hậu phương. Hoàng về Hà Nội cũng đã hơn nửa tháng nay, đây là lần thứ hai anh ra thăm mộ. Nhớ hôm, đoàn xe quân sự của mặt trận đưa các anh từ chiến trường về đến thủ đô. Vừa xuống xe, Hoàng đã chạy như lao tới phố Khâm Thiên, gia đình anh ở đó. Mặc dù trong chiến trường anh cũng đã được biết tình hình về 12 ngày đêm, không quân Mỹ đánh phá vào thủ đô ác liệt… thì phố khâm Thiên bị bom B52 rải thảm tàn phá đẫm máu nhất – Nhưng tận mắt nhìn cảnh tượng dù đã qua mấy tháng rồi, vẫn không khỏi làm anh sững sờ: Khu phố còn ngổn ngang sự tan hoang. Dẫy nhà cổ ngày xưa dọc hai bên phố, đã bị sập gần hết. Các gia đình ở đó mới chỉ nhất thời dựng lại những ngôi nhà vách đất, hoặc xây bằng loại gạch xỉ, cột kèo tre nứa. Cái thì lợp ngói, cái thì vá víu bằng giấy dầu. Hàng cây to, xanh mát trên hè đường bị bom phá trụi. Hoàng tạm yên lòng về gia đình mình, vì đi sơ tán cả nên không ai việc gì. Nhà cửa, nơi ông bố và bà dì cùng thằng Lâm, đứa em trai út của anh đang sống tại ngõ Cống Trắng dẫu bị bom đánh tan nát, nhưng đã đươc thành phố giúp đỡ dựng lại một căn nhà bằng tre nứa, lợp giấy dầu ở tạm. Tuy vậy, anh vẫn sốt ruột nghĩ đến gia đình Thu, không biết có ai việc gì không? Bởi những tháng gần đây ở trong chiến trường, anh không hề nhận được lá thư nào của người bạn gái. Thế là Hoàng vội vã chạy đến nhà Thu, ở phố Hàng Bông. Tới nơi, anh bàng hoàng khi được Ông bà Giáo cho hay tin: Thu đã không còn. Nhìn cảnh Ông bà Giáo suy sụp vì cô con gái yêu thương đã mất, trông mà thấy tội. Hoàng phải nén sự đau đớn của mình để an ủi ông bà. Cũng may, anh trai Thu ở ngoài chiến trường dù bị thương khá nặng nhưng không chết, được giải ngũ trở về. Có vợ chồng người con trai lớn chăm nom với đứa cháu nội ríu rít, Ông bà Giáo phần nào nguôi ngoai. Biết tin anh về, các bạn học cũ đã lần lượt đến thăm và cùng chia sẻ với anh sự mất mát. Hoàng nhớ đến những khoảnh khắc sống êm đềm bên người bạn gái. Giờ chỉ còn mình anh và ngôi mộ của em thôi. Anh thầm gọi tên em! Thu ơi, em ra đi trắng trong như chùm hoa hồng bạch giữa trời xanh. Chiến tranh cướp đi cả cái ước muốn bình dị của người con gái, được làm vợ và làm mẹ. Mưa gió và cỏ dại sẽ phủ lên nấm mồ, nhưng tình yêu em còn mãi trong trái tim anh! Nhớ lại, khi chưa xẩy ra cuộc chiến tranh rải thảm bom B52 của Mỹ vào Hà Nội - Ở chiến trường, anh nhận được thư của Thu báo: Biết tin anh được về phép, cả nhà chờ đợi và vui lắm! Bạn bè ai cũng mong. Ông bà Giáo bảo, lúc đó sẽ tranh thủ tổ chức làm lễ thành hôn cho anh và cô. Rằng, ngày cưới Thu sẽ chọn mặc một bộ váy cô dâu đẹp nhất, dù là thời chiến. Thế mà… Bao kỉ niệm xa xưa… trở về sống trong kí ức người tiểu đoàn trưởng. Anh bỗng liên tưởng đến hình ảnh Hòn Vọng Phu trên đỉnh Đèo Cả, ở mặt trận Tây Nguyên đã từng đi qua: người vợ đang bồng con ngóng chồng là một chinh phu - Nó đâu chỉ là hình ảnh của thời đã xa? Người thiếu phụ vẫn còn đó, tưởng nhớ đến bao nhiêu người chiến binh rời bỏ thành phố, làng mạc và những người thân thương, ra đi đã không trở về - nhưng người ở hậu phương nào có được sống yên bình? Cũng phải chìm ngập vào cuộc chiến với bao đau thương, tang tóc. Ôi, cuộc chiến tranh đầy chết chóc này? Trong chiến tranh, tình yêu nẩy nở mãnh liệt hơn, cao cả và thiêng liêng, song nó cũng phải chấp nhận một hậu quả thật đau đớn, xé nát những trái tim yêu thương. Lòng Hoàng lại trào lên bao cảm xúc. Anh nhớ đến câu thơ của một chiến binh, đã viết từ thời kháng chiến chống Pháp: … Không chết người trai nơi khói lửa Mà chết người gái nhỏ hậu phương Tại sao người chết không phải anh, nơi chiến trận… mà lại là em, người con gái ở quê hương? Ôi đất nước, đâu cũng là chiến trường. Nhớ lại năm học cuối cùng, khi cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc lan tới thủ đô, trường phải sơ tán về vùng quê Hà Bắc để học. Những tối, hai đứa ngồi ôn thi đại học dưới trăng, cùng nhau dạo bước trên con đường làng, gió đưa hàng tre xào xạc lá… nhớ khi hai đứa chạy vội ra ga để tiễn các bạn sang châu Âu học - Ừ, đất nước cần có những người được đi học mà trau dồi kiến thức như các bạn, để có trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Một ngày không xa, khi nước nhà thật sự hòa bình, thống nhất rồi… còn xây dựng tổ quốc mình giàu và đẹp! Nhưng cũng phải có những người như anh và triệu triệu thanh niên ra mặt trận, lao vào trong máu lửa lúc tổ quốc lâm nguy. Thu ơi! Anh đã hứa bao giờ hết chiến tranh sẽ trở về với thành phố quê hương, với em và những người thân. Anh sẽ tiếp tục theo học đại học mà thời buổi chiến tranh đành bỏ dở - Thế mà ngày anh trở về, còn thấy em đâu? Nỗi buồn này, nỗi đau này bao giờ cho vơi... Gió vẫn thổi qua nghĩa trang làm những nén hương cháy hồng lên. Hoàng nhìn ra xung quanh, người đến tảo mộ đã nhiều hơn. Có chỗ, người ta còn mang theo xôi thịt, hoa quả, xếp lên một chiếc mâm đặt trên mộ để cúng. Hoàng rút một điếu thuốc lá trong bao thuốc ở túi áo và châm lửa hút. Nghĩ lại từ ngày anh rời miền Bắc vào chiến trường, cũng đã hơn năm năm. Qua năm mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trong các cánh rừng đầy bom lửa Tây Nguyên. Anh nghe người dân tộc ở bản nói: Trước kia khi bom đạn chưa cầy xéo lên những vùng rừng núi, vào những ngày nắng đẹp, nơi đây là cả một khung trời xanh êm, thoáng gợn mây hồng. Từng làn gió nhẹ không vẩn một chút bụi nào, vuốt ve bên tai khi ta đi qua, cho ta một cảm giác dễ chịu và thơ mộng – nhưng giờ, đấy là chuyện trong tưởng tượng. Anh vào Tây Nguyên qua năm mùa khô rồi đến năm mùa mưa. Mùa khô thì nắng cháy thịt, cháy da. Mùa mưa thì mưa suốt ngày đêm tầm tã, lụt lội tháng này sang tháng khác. Anh đã tham gia tới gần trăm trận đánh lớn, nhỏ. Mặt trận không chỉ ác liệt mà còn đói khổ, thiếu thốn đủ đường. Tuy nhiên dù đói khát, gian khổ nhưng những người lính rất thương yêu nhau: nhường nhịn, san sẻ cho nhau từng viên thuốc sốt rét. Hành quân qua núi cao hiểm trở, nhường nhau từng ngụm nước, chia nhau lưng cơm, củ sắn, nhúm muối và hút chung một điếu thuốc lào, hơi thuốc lá miên… vẫn nghe thấy tiếng cười ròn tan giữa chiến trường. Những địa danh Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum, Tân Cảnh – Đắc Tô, Pleiku, Buôn Ma Thuột… Các cứ điểm Ngọc Rinh Rua, Ngọc Tu Ba, Ngọc Bờ Biêng, Kleng, Chư Tan Kra… Những dòng sông Pô Kô, Sa Thấy, Sê Sụ hay Xê Rê Pốc… mà anh đã hành quân qua. Những con đường Quốc lộ 14, 18, 19, 21… in đậm dấu chân lính chiến. Mỗi địa danh ấy, lại ghi một chiến tích hay sự tàn khốc đẫm máu của các chiến dịch và trận đánh. Về sự gian khổ, ác liệt thì chẳng đâu bằng chiến trường Tây Nguyên. Ai đã chiến đấu ngoài mặt trận mới hiểu hết được sự can trường, sức chịu đựng cũng như những hy sinh của người lính chiến. Càng gian khổ và ác liệt, nghĩa tình đồng đội của họ càng gắn bó với nhau, còn hơn cả anh em ruột thịt. Chỉ những ai từng đi qua cuộc chiến như anh và các đồng đội, được thấy cả mùa hoa dã quỳ nở vàng ngay trong bom lửa, mới thấm thía câu hát: Tây Nguyên! Ai một lần qua đó Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau Anh cũng đã hai lần bị thương đổ máu, phải đi viện ở chiến trường điều trị, nhưng rồi lại trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Hoàng lặng lẽ rời ngôi mộ, đi một vòng trên con đường nhỏ của khu nghĩa trang. Mải suy nghĩ, viên sĩ quan quân đội không để ý tới một cô gái đứng khuất bên cây bạch đàn gần đó, đang chăm chú nhìn anh. Trông thấy cô, Hoàng thốt lên ngạc nhiên: - Lan! Bạn cũng đến thăm mộ Thu đấy à? Người con gái khẽ gật đầu và nói: - Mỗi lần từ cơ quan làm việc ở tỉnh xa về Hà Nội gặp gia đình, Lan đều ghé lên đây thăm Thu, chuyện trò để bạn đỡ tủi thân. Rồi cô bảo: “Hoàng chờ một chút. Lan thắp cho Thu nén hương đã” – Lan đi về phía mộ, bầy thếp vàng mã xuống cạnh tấm bia của Thu và thắp hương. Cô chắp tay vái, miệng lầm rầm khấn cầu cho bạn. Hoàng vẫn đứng hút thuốc lặng nhìn hai người bạn gái cùng lớp học năm xưa, đang thầm thì tâm sự với nhau. Chờ Lan khấn xong, anh tiến lại. Họ cùng nhau hóa vàng… Lúc này, mặt trời đã đổ tràn trề cái màu hồng ngọt lên khắp nghĩa trang. Tay vẫn cời những lá vàng mã cho cháy hêt, Lan mới khẽ khàng nói: - Thoắt một cái, thế mà Thu đã đi xa được ngót nửa năm rồi đấy! Nhớ những ngày trước, bạn bè cứ mỗi lần gặp nhau, nó luôn mồm nhắc đến Hoàng. Hai đứa mình cũng thường ôn lại với nhau nhiều kỉ niệm. - Ở trong Tây Nguyên, Hoàng cũng rất nhớ Thu và các bạn. Nghe Hoàng nói, Lan hỏi trêu đùa: - Nhớ Thu thì đúng rồi! Nhưng còn với các bạn, liệu có nhớ thật không đấy? - Nhớ các bạn thật mà… Hoàng cố cãi. Lan chỉ tủm tỉm cười, giọng tâm tình: - Thời thơ ấu của chúng mình đẹp, Hoàng nhỉ? Rồi Lan thở dài: - Bây giờ chúng ta lớn cả rồi. Cũng chỉ mới 5 – 6 năm, nghĩ lại… cứ như chuyện trong mơ. Hoàng phụ họa: - Thì chúng ta vừa đã trải qua cả một cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc mà. - Ừ, tàn khốc và khủng khiếp thật! Giọng Lan hơi thảng thốt: - Trong chiêm bao cũng không thể tưởng tượng nổi cảnh kinh hoàng của Hà Nội trong 12 ngày đêm ấy. Chúng đã thực hiện với nước ta một cuộc chiến tranh man rợ nhất loài người. Lan kể lại cho Hoàng nghe chuyện về đêm 26/12 đó! Sau khi phố Khâm Thiên bị bom B52 tàn phá, cô đã cùng Thu và nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới tham gia với mọi người đi cứu nạn. Giọng Lan như nấc lên: - Khi bế bạn vẫn còn đang hấp hối trên tay, hình như Thu nó muốn nhắn qua Lan để nói với Hoàng điều gì đó? nhưng không nói ra được… rồi Thu mất. Đau xót quá, Hoàng ơi! Lan bật khóc, như thể sự tình đang diễn ra vậy. Hoàng cũng thổn thức trong lòng, nhưng anh nén lại. Vẫn chưa hết xúc động, Lan bảo: - Lan thương Thu quá! - Hà Nội, có lẽ không có nỗi đau nào lớn hơn. Nói rồi anh rút chiếc khăn mùi xoa nhè nhẹ lau những giọt nước mắt hoen trên má cô. Thếp vàng mã mà Lan và Hoàng đốt trên mộ cũng đã cháy hết. Cơn gió thổi ào qua, làm bay tung các mảnh tàn tro, như những cánh diều ra tứ phía. Cả hai bịn rịn từ biệt ngôi mộ của người bạn gái, ra về. Họ đi với nhau theo một con đường nhỏ lát gạch, dưới hàng bạch đàn xanh mát dẫn ra phía cổng nghĩa trang. Mặt trời đã lên cao tới gần đỉnh đầu. Bóng nắng chiếu qua những tán lá bạch đàn, tạo thành những chùm hoa sáng rung rinh. Ngoài kia nắng trải vàng khắp nơi, chạy dài xa tít. Người con trai nói: - Nhìn các bông hoa nắng rải lên con đường nhỏ này, rất giống với đường giao liên ở rừng núi Trường Sơn. Hoàng lại nhớ đến mấy vần thơ của thi sĩ Nguyễn Mỹ, tả về con đường ấy. Anh cất tiếng đọc: Con đường nhỏ đi dưới hai hàng cây Cái con đường ấy mình đầy bóng râm Con hươu sao đã duỗi nằm Để nghe những tiếng thì thầm ở trên. Đôi bên là nắng Thu đã đượm vàng Nắng bay từng giọt, nắng ngân vang Ở trong nắng có một ngàn cái chuông… Cô gái hé môi cười, để lộ ra hàm răng trắng đều trên khuôn mặt duyên dáng: - Ở trong chiến tranh mà Hoàng vẫn mơ mộng, tâm hồn thi sĩ nhỉ? - Ừ, thỉnh thoảng nhớ quê, nhớ người… Hoàng cũng có làm thơ, ghi vào nhật kí. - Nhưng bây giờ đã đến mùa thu đâu, mà Hoàng nói đến thu… hay là “Thu” người đấy? Cô lại nhìn anh, nhoẻn cười. - “thu” ở trong thơ Nguyễn Mỹ chứ có phải thơ của Hoàng đâu? Biết là Lan trêu - Hoàng chống chế rồi mỉm cười với bạn. Cô kể cho anh nghe về đêm nô-en năm 1972: Lan và Thu, hai đứa đi chơi với nhau giữa những ngày bom B52 Mỹ đánh phá ác liệt vào thành phố. Sau khi Thu mất, bạn bè biết tin đều về đưa tiễn. Lan còn đến tòa soạn báo Hà Nội Mới lấy lại toàn bộ đồ đoàn của Thu để ở đấy, trong đó có bức thư Thu viết cho Hoàng, nhưng chưa kịp gửi. Cô đã đưa tất cả cho Ông bà Giáo, để có dịp gặp Hoàng thì trao lại cho anh. Hoàng nói: - Mình được Ông bà Giáo đưa thư của Thu rồi, Lan ạ! Hoàng đọc mà không cầm được nước mắt, đau xót quá! Họ lặng đi một lát. Lan hỏi: - Bao giờ Hoàng đi? - Ngày kia, Hoàng sẽ trở lại chiến trường Tây Nguyên. Lan ngạc nhiên: - Ồ, sao vội thế? Hoàng về chưa được hai mươi ngày mà. Hôm bạn bè gặp nhau – Hoàng bảo, được nghỉ phép một tháng cơ mà? - Có ở lại Hà Nội cũng chẳng để làm gì? Hoàng không muốn nấn ná thêm nữa. Lan nắm lấy tay bạn, cảm thông: - Lan biết, Hoàng buồn… nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều bạn bè quanh Hoàng cơ mà? Chẳng lẽ không ai có thể thay thế được Thu trong lòng Hoàng hay sao? Cô ngước nhìn anh một cách ý nhị. Hoàng chỉ im lặng đi bên Lan. Lát sau, anh nói: - Hoàng được thông báo ở miền Nam tình hình chiến sự lại xẩy ra phức tạp, ngày càng ác liệt. Hoàng muốn nhanh chóng vào đó sớm với anh em, đồng đội. Họ đã ra đến cổng nghĩa trang. “Hiệp định Pa Ri” thực chất là giải pháp cuối cùng mà Mỹ phải chấp nhận. Cuộc đàm phán tại Pa Ri bắt đầu từ năm 1968 – cuối thời kì Tổng thống Lyndon Johnson và tiếp tục dưới thời Tổng thống Richard Nixon, nhưng không đạt được tiến độ nào cả. Đến cuối nhiệm kì I của Ních Xơn, quá trình đám phán được ghi nhận là quá trình vừa đánh vừa đàm. Mặt trận quân sự quyết định diễn biến của mặt trận ngoại giao. Ních Xơn bất chấp dư luận quốc tế, thực hiện cuộc rải thảm bom B52 để san phẳng Hà Nội và đưa Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá, nhưng đã bị thất bại. Chính phủ Mỹ mới buộc phải chấp nhận kí Hiệp định Pa Ri, nhằm rút lui trong danh dự. Do biến động của chiến trường - Sau Hiệp định Pa Ri, chiến sự vẫn diễn ra ngày càng dữ dội. Trên thực tế không có ngừng bắn với toàn bộ lãnh thổ miền Nam, kể từ 24 giờ (giờ GMT) ngày 27.1.1973 - Ngay từ 28.1.1973, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra kế hoạch ‘tràn ngập lãnh thổ”: thực hiện các cuộc tấn công ồ ạt vào các vùng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát, nhằm lợi dụng tâm lí chủ quan của Quân giải phóng khi hiệp định vừa có hiệu lực. Thiệu điên cuồng kêu gào tiếp tục chiến đấu để tiêu diệt cộng sản. Ông ta nói: Sẽ không tha cho bất kì một người cộng sản nào! Áp dụng tất cả mọi hoạt động, từ hành quân đánh phá đến biện pháp cảnh sát và hành chính, để đập tan chính quyền cách mạng. Thiệu hung hăng đe dọa kết án tử hình tất cả những ai – Bao gồm xã trưởng, ấp trưởng, quận trưởng và tỉnh trưởng, khi họ có bất kì quan hệ nào ủng hộ, thỏa hiệp với chính quyền cộng sản. Chính quyền Thiệu thực hiện những cuộc càn quét dài ngày với nhiều thủ đoạn, vừa để đánh phá các vùng của Quân giải phóng vừa để tạo thành lá chắn phòng thủ đầu não ở Sài Gòn. Ra sức củng cố và tăng cường lực lượng quân sự nhằm làm cho quân Việt Nam Cộng hòa lớn mạnh, đủ sức để dối phó với Quân giải phóng cũng như quân chủ lực từ miền Bắc tràn vào. Điều đó chứng tỏ âm mưu gây chiến ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Thiệu vẫn không thay đổi. Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Bộ chỉ huy Quân giải phóng cũng liên tiếp mở các cuộc tiến công, phản công, kết hợp các cuộc nổi dậy của nhân dân trong vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Một mặt đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Thiệu, mặt khác mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam có lợi cho chính quyền cách mạng. Ở miền Bắc, Trung ương Đảng cộng sản chủ trương huy động tất cả các ngành, các địa phương tranh thủ thời cơ Mỹ rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Thiệu đã suy yếu, bị cô lập, hoang mang – miền Bắc dồn sức chi viện đột xuất sức người, sức của cho miền Nam. Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng cường tối đa quân đội, vũ khí hạng nặng để thực hiện mở nhiều mặt trận tấn công tổng lực vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Rất nhiều những binh đoàn thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam, gấp rút tiến vào miền Nam. Nghĩa là, tranh thủ thời cơ có hiệp định đình chiến, cả miền Bắc đã tăng cường tối đa cho chiến trường. Sự thực thì sau Hiệp định Pa Ri 27.1.1973, tình hình trên chiến trường miền Nam có lúc tạm thời lắng đi, nhưng chưa bao giờ thật sự được bình yên. Hoàng và Lan đã rời khỏi nghĩa trang ra đường cái. Anh nói: - Hoàng phải vào trong đó thôi, Lan ạ! Khi nào thực sự hết chiến tranh, Hoàng sẽ về hẳn Hà Nội, không đi nữa. Giọng Lan bùi ngùi: - Ừ thôi, Hoàng đi! Ngày mai Lan phải trở lại cơ quan xa thành phố để làm việc, không đến tiễn chân Hoàng được. Hai người bước vào bến xe khách để về thành phố. Khi chia tay, Lan còn dặn: - Hoàng đi mạnh giỏi nhé! Nhớ viết thư cho Lan, mong lắm đó! Hoàng gật đầu, siết chặt tay bạn. Chị bịn rịn nhìn anh, cứ như là tiễn người yêu đi xa. Khi bóng Lan đã khuất, Hoàng mới thủng thẳng tiến ra phía hồ Ha-le dọc theo phố Nguyễn Du. Anh chưa muốn về nhà ngay. Đầu mùa hè, gió mát thổi qua những hàng phượng vĩ bên hồ. Mặc dù lúc này, hoa phượng chưa kịp nở đỏ. Trên cành, từng chùm nụ xanh chiu chit rung rinh trong nắng. Chưa có cả tiếng ve kêu. Hoàng nhớ tới những hè xưa, hồi còn đi học. Hà Nội, nơi cất dấu bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu của anh… Cách đây sáu năm, ngày anh nhập ngũ từ biệt Hà Nội, bạn bè và những người thân - Đó là cuối mùa xuân 1967. Chỉ mới sáu năm mà anh cảm tưởng, như đã trải qua một chặng đường dài dặc của đời người. Kí ức về tình yêu và chiến tranh, tràn ngập như những thước phim… Khi anh chuẩn bị rời miền Bắc vào Nam, đóng quân trong núi Hòa Bình, gần các bản. Giây phút chạnh lòng, nghĩ đến người con gái Mường đã tha thiết yêu anh. Trong hồi ức của Hoàng, hình ảnh cô gái như một bông hoa rừng ngào ngạt hương thơm. Thời gian đó em mới mười tám tuổi. Vào một chiều xuân, em đã băng qua nương, qua núi đến tìm anh… rồi cả cuộc tình ái cùng cô gái ở khu rừng Hòa Bình, hiện về như một cơn mơ. Lúc đó bản trải đầy hoa đào, hoa mận trắng. Anh không thể không thừa nhận, hương vị và tình cảm của người con gái Mường tựa làn gió thơm, xoa lên tâm hồn anh. Tình yêu của cô như chén nước trong muốt và tinh khiết. Anh không thể gắn bó với em được? Phần vì còn phải ra đi, phần nữa là anh đã có Thu! Năm năm vào Tây Nguyên, anh không viết thư về… vì những muốn, em sẽ sớm quên! Anh thầm mong em đã có chồng với một đàn con. Thoắt đấy, thế mà đã trải qua một cuộc chiến tranh. Hoàng tự nhủ: Khi hòa bình trở về, thế nào anh cũng lên thăm lại bản và người con gái Mường đã gặp trong cuộc hành quân. Gió trưa hè vẫn thổi. Hoàng tới ngồi ở chiếc ghế đá đặt cạnh gốc cây, ven hồ. Ngắm cảnh phố phường, lòng anh nao nao hồi tưởng về những tối xưa, trong mùa hè cuối cùng của năm học phổ thông – Anh và Thu hay đến đây. Có tối, hai đứa ngồi với nhau tới khuya, thưởng ngoạn trăng thanh gió mát và em hát cho anh nghe. Tiếng hát em nhè nhẹ, thoảng như hơi gió mà vang vọng mãi tháng năm, theo suốt cuộc đời anh. Những nụ hôn tình yêu cũng bắt đầu trong những ngày tháng đó. Hoàng ngồi lặng đi, tưởng như tiếng hát xưa của người yêu còn đang thoang thoảng bên tai. Một mình dưới bóng cây, cảnh trí tuy có đổi khác nhưng vẫn còn đó, mà em đã quá xa xôi. Bàn tay run run của người tiểu đoàn trưởng rút ra phong thư của người yêu từ trong túi áo. Anh đọc không biết đến bao nhiêu lần, gần như thuộc. Bức thư Thu viết cho anh đêm nô-en ấy, dài đến năm trang giấy pơ luya màu hồng, trước ngày em vĩnh viến ra đi. Nét bút của em đây, với dòng chữ quen thuộc của người con gái. Hoàng mở xem lại đoạn thư rất thân thương mà làm cho lòng anh tê tái: Phạm Ngọc Thái thời chiến tranh “Hoàng thân yêu của em! Thu yêu anh nhiều lắm, yêu hơn cả bản thân em đấy! Hoàng chính là mối tình đầu và cũng là mối tình vĩnh viễn của em. Anh và em, ta đã trao nhau những gì đẹp nhất của cuộc đời, phải không anh? Em cũng đã dành cho anh trọn vẹn những gì quí giá nhất của người con gái. Em thấy hạnh phúc vì đã làm với anh điều ấy! Nghĩ đến anh là em lại thấy lòng mình bình yên và ấm áp, dù đêm mùa đông giá lạnh, phải sống xa anh cả nghìn cây số. Em ngồi viết thư cho anh đây, một mình em một bóng cô đơn. Tình yêu anh đã nâng đỡ em rất nhiều trong những vấp váp đầu đời, đấy anh! Đêm nô-en này cũng là đêm nô-en thứ sáu, anh không có mặt ở nhà để cùng em đi lễ nhà thờ. Năm nay em đi chơi đêm lễ với Lan, anh ạ! Hai đứa cũng tâm sự với nhau bao nhiêu điều về cuộc sống. Ôn lại những kỉ niệm xưa khi cùng nhau cắp sách, có cả anh. Ôi, Cứ nghĩ đến những ngày tới anh về phép, lòng em lại bồn chồn khôn tả? Em mong đợi ngày ấy biết chừng nào. Khi đó đôi ta sẽ chính thức trở thành chồng, thành vợ - phải không anh? …”. Cứ mỗi lần đọc đến đây, Hoàng lại thấy run bắn người. Anh như muốn òa khóc nấc lên, tựa một đứa trẻ con. Anh đứng dậy rời khỏi chiếc ghế đá, bước đi bên bờ hồ đầy gió. “Anh đã về đây, Thu ơi! Mà em đâu còn” – Những tiếng nói trong lòng Hoàng khẽ kêu lên: Ngày chiến thắng thì có, nhưng không bao giờ có thể gặp lại em được nữa? Ôi! Đó là nỗi đau tang thương, không phải chỉ với riêng chúng ta mà của cả dân tộc này. Bàn tay của người tiểu đoàn trưởng móc túi lấy chiếc bật lửa bằng i-nốc, chiến lợi phẩm của Mỹ. Anh xòe mồi lửa, châm vào những trang giấy. Lá thư bốc cháy, các tàn than mỏng bay giữa trời Hà Nội. Viên sĩ quan quân đội vẫn lặng lẽ bước đi dưới hàng cây phượng. Anh nghĩ tới những anh em, đồng đội trong chiến trường đang mong chờ anh. Qua ngày hôm sau, một chuyến xe quân sự của Bộ Tư lệnh thành phố cũng vào mặt trận, đưa Đại úy Hoàng trở về đơn vị. Khi đó, tiểu đoàn pháo của anh đang đóng quân trong khu bản Võ Định gần thị trấn Đắc Tô – Tân Cảnh đã được giải phóng, ở tỉnh Kon Tum thuộc Tây Nguyên. PHẠM NGỌC THÁI
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 13:01:17 bởi Nhân văn >
|