Tiểu thuyết: CUỘC CHIẾN HÀ NỘI 12 NGÀY ĐÊM - Phạm Ngọc Thái
25- Đêm 21 rạng ngày 22.12.1972, một đêm trời rét căm căm. Thu cùng nhóm phóng viên tòa soạn báo “Hà Nội mới” vội vã đạp xe đến bệnh viện Bạch Mai. Nghe thông báo: vào lúc 4 giờ sáng nay, B52 đã trút xuống bệnh viện hơn 100 quả bom – Bệnh viện gần như bị san phẳng. Nhóm của Thu đi đến có ba người, hai nữ và một nam. Từ hôm không quân Mỹ rải thảm B52 đánh vào thủ đô, Thu đã ở lại ngủ luôn trong tòa soạn báo. Cả nhà đều đi sơ tán, nên Thu cũng chẳng cần thiết phải về. Những anh chị em trong tòa soạn ở lại làm việc tại Hà Nội, ngoài bộ phận trực chiến súng máy cao xạ 12ly7 trên tầng thượng của trụ sở để bắn máy bay, các phóng viên còn lại vừa đi nắm tin tức viết bài cho báo, vừa trong đội tự vệ thành phố đến cứu giúp nhân dân những nơi bị bom địch đánh phá. Khoảng nửa đêm về sáng, tiếng còi báo động thành phô rúc lên inh ỏi. Thu cùng mọi người vội vã chạy xuống hầm trú ẩn của tòa soạn. Ít phút sau thì nghe thấy tiếng B52 gầm rú, rồi bom nổ rung chuyển mặt đất. Biết là chỉ ở quanh đây, nhưng không ngờ chúng lại đánh vào bệnh viện. Khi nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới đến nơi, trước mắt họ chỉ còn là một cảnh hoang tàn. Cây cối trong khuôn viên bệnh viện đổ rạp bởi sức ép của bom. Có những chỗ không thể chen chân vì gạch đá, cây cối đổ chặn hết lối đi. Tiếng người từ trong những bức tường đổ hoặc từ các căn hầm dưới đất vẳng lên kêu cứu. Họ lách vào đến giữa sân bệnh viện, những hố bom còn nguyên dấu vết. Bỗng nghe tiếng kêu rên từ một khu nhà đã bị sập gần đó, tiếng kêu của một phụ nữ nghe rất thương tâm: - Anh Kinh, anh Luân ơi, cứu em! Thu với hai đồng nghiệp vội dựng ba chiếc xe đạp vào một chỗ rồi chạy tới nơi đó. Đã có đến bẩy, tám người đang cùng nhau lấy cuốc, xẻng đào bới và dùng tay nhặt từng viên gạch tìm cửa hầm, cứu người bị mắc kẹt ở bên trong. Nhìn cũng đoán biết đều là các y, bác sĩ, nhân viên, hộ lý của bệnh viện. Chưa kịp giới thiệu mình từ tòa soạn báo đến, Thu và hai bạn vội lao vào cùng mọi người tháo gỡ hầm sập, để nhanh chóng cứu nạn nhân. Máy móc thiết bị đào bới không có. Khi họ cùng nhau khiêng những mảng gạch lớn vứt sang bên, đã thấy lộ ra các khe nhỏ trên đống đất đá đổ nát. Những tiếng kêu cứu gọi cha, mẹ và đồng đội từ trong đó hắt lên… nghe đau đến xé lòng. Thu chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng xót xa như thế? Lòng cô tráo lên nỗi thương tâm, muốn khóc. Thu cố kìm lại những dòng nước mắt ấy, ra sức làm với mọi người để cứu họ. Cửa hầm đã hé mở nhưng chưa thể đưa được mọi người lên ngay? Bác sĩ Kinh, bác sĩ Luân phải thả xuống hầm các bình khí để nạn nhân đang ở dưới đó thở được. Hai anh luôn động viên họ cố chịu đựng, chờ đợi. Gay go nhất là những chỗ hầm không có khe hở? phải dùng búa, xà beng đục bê tông để có lỗ cho nạn nhân thở. Đục được một lỗ dù rất nhỏ trên tấm bê tông cốt thép, là cả một vấn đề nan giải. Chỉ một lỗ con con, có khi mấy người phải thay nhau đục hàng tiếng đồng hồ mới thông. Thu và nhóm phóng viên vẫn cùng với mọi người ra sức đào bới. Cửa hầm lộ ra rõ hơn, đã nhìn thấy lấp ló khuôn mặt của một cô gái với tiếng nói thầm thì, yếu ớt: - Các anh, các chị ơi… cứu chúng em với. Bấc sĩ Kế chết rồi. Em mắc kẹt không lên được? Cứu chúng em với… các anh, các chị ơi! Y, bác sĩ ở đấy cho biết: đó là tiếng kêu của em Thúy, sinh viên năm thứ ba đại học y Hà Nội đi thực tập tại bệnh viện. Nghe tiếng kêu, không ai cầm được nước mắt, vừa làm vừa khóc. Mọi người dồn tất cả sức lực để cố cứu những ai còn đang ngột ngạt trong đó. Nam thanh niên khỏe thì thay nhau đục, đào, cuốc. Người này mệt quá nghỉ uống nước, người khác liền thay thế. Đói thì ăn tậm mẩu bánh mỳ mà một chị hộ lý của bệnh viện vừa mang tới phục vụ, rồi lại tiếp tục đào bới không ngơi nghỉ. Hai bàn tay Thu cũng như những người khác đã phồng lên và rớm máu, song không ai cho phép mình được dừng lại – Như bác sĩ Kinh đã nói: Chỉ cần nghỉ một phút thì khả năng cứu nạn nhân sẽ bị hạn chế, cuộc sống của bao con người sẽ bị cướp đi… mà đáng lẽ họ vẫn có thể được cứu sống, nếu được giải thoát sớm hơn. Niềm vui vỡ òa… Ai cũng cảm thấy sung sướng khi cửa hầm đã mở toang, và từng người được đưa lên. Lúc này, nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới lại cùng mọi người chuyển các nạn nhân đi cấp cứu. Nhẹ thì đưa ngay vào khu điều trị của bệnh viện, cũng ở trong một tầng hầm rộng nhưng chưa bị trúng bom. Nặng quá thì theo chỉ dẫn của bác sĩ, đưa thẳng đến bệnh viện Việt Đức và “Y học cổ Truyền” ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. B52 trút bom xuống Bệnh viện Bạch Mai năm 1972, Công việc vận chuyển cũng hoàn toàn do người cõng đi. Nhìn các y, bác sĩ và nhân viên nhiều người nhỏ thó: cân nặng chỉ khoảng trên 40kg, vậy mà lúc họ cõng những nạn nhân nặng 50-60 cân đi cứ phăm phăm – Đúng lầ “cứu người hơn cứu hỏa”! Thu cõng một chị y sĩ của bệnh viện bị bom vùi sập vào khu cấp cứu của viện. Cô bước xuống một căn hầm lớn. Ở đó, cô đã gặp bác sĩ Đỗ Doãn Đại, giám đốc của bệnh viện. Ông đang dồn hết tâm sức mình để cứu chữa các nạn nhân. Khi Thu cõng chị y sĩ vào hầm, một hộ lý đang phục vụ ở đấy vội vàng chạy lại cùng Thu đỡ người bị nạn. Họ đặt nạn nhân xuống một chiếc giường lò xo có trải tấm đệm trắng. Bác sĩ Đại ngước nhìn Thu vẻ hơi ngạc nhiên vì thấy lạ. Ông hỏi: - Cô ở nơi khác mới đến? - Dạ, thưa bác sĩ! Chúng em là nhóm phóng viên ở Tòa báo Hà Nội Mới, sáng nay biết tin bệnh viện bị trúng bom, đến đây để cùng tham gia cứu giúp người bị hầm sập. Hỏi vậy, nhưng bác sĩ Đại đã vội cúi xuống khám vết thương cho người mới đưa đến. Ông rút chiếc ống nghe ra khỏi người nạn nhân, rồi nói với Thu: - Được anh chị em báo chí đến giúp đỡ thì tốt quá! Nếu cần gì, cô cứ hỏi các y bác sĩ và nhân viên ở viện, họ sẽ giúp. Nói rồi, ông lại vội vã lao vào cứu chữa. Thu cũng quay lại chỗ hầm bị sập, tiếp tục giải thoát người ở đó. Sau một ngày, trời đã tối và rét buốt. Máy bay địch vẫn ném bom ầm ầm ở vùng lân cận. Thu và hai bạn phóng viên vẫn cùng mọi người lao vào đào bới, tìm kiếm nạn nhân ở các hầm bị sập khác. B52 Mỹ đã đánh sập hai khu hầm lớn, đó là khu hầm của Khoa nội và Khoa da liễu. Bác sĩ, giám đốc Đỗ Doãn Đại trực tiếp chỉ thị cho mọi người chia ra khẩn cấp tìm kiếm. Họ gọi nhau, thôi thúc nhau trong khói lửa hoang tàn rồi lại lao vào đào bới, cho đến khi nghe được câu nói đầu tiên của người bị nạn: “các anh chị ơi, cứu chúng em với!”. Tất cả phải cắn răng để những tiếng nấc và cả dòng nước mắt không bật ra. Thu cũng chỉ muốn òa lên khóc… Cả đội xây dựng của thành phố đã được điều đến giúp đỡ, tháo các tấm bê tông bị sập. Giám đốc Đại chỉ đạo cho nhân viên nhà bếp cấp tốc nấu cháo, chuẩn bị nước đường… vừa để phục vụ cho y bác sĩ và những người cứu chữa, vừa mang xuống hầm cho các nạn nhân. Với nhân viên tổ điện - nước: Ông yêu cầu khẩn trương vận hành máy phát điện, chỉnh sửa lại đường nước. Khi kiểm tra thấy các đường nước đều bị phá hủy – Nhân viên đã phải dùng một chiếc máy bơm cũ, bơm nước từ dưới giếng lên. Vì máy bơm quá cũ, bơm nước lên rất chậm. Sau đó, bệnh viện đã được thành phố điều các xe chở nước đến hỗ trợ. Khu B của bệnh viện, chính là nơi có Khoa da liễu và cả Khoa tai-mũi-họng bị phá hủy nặng nề nhất. Bom khoan rất sâu, làm đổ sập tường. Mảng bê tông chặn cửa xuống hầm. Các y, bác sĩ của Khoa da liễu bị chẹn ở cả bên trong hầm , chưa biết sống chết ra sao? Khi mở được đường xuống hầm, nhưng lối đi rất nhỏ và tối – Những bác sĩ trong đội cứu hầm sập phải bò vào bên trong, luồn lách để xem xét tình hình. Khoa Ngoại gần Khoa da liễu nên các bác sĩ Khoa ngoại được điều động tới phối hợp với công nhân xây dựng, tiến hành tháo dỡ bê tông và cứu nạn nhân. Đoạn đầu ngách hầm, tấm bê tông đè chết một cô hộ lý. Bác sĩ Kinh nói, đó là cô Hoàng Kim Thoa, thi thể nằm chắn ngang lối hầm. Tiếng người bị kẹt bên trong thì đang kêu gào: - Các anh, các chị ơi! Cứu chúng em với… cứu chúng em với… Không sao lấy được thi thể của cô hộ lý ra, anh em phải gọi bác sĩ Đại đến xin cách giải quyết? cô bị tảng bê tông đè lên người, hai tay giang ra chắn lối đi xuống cửa hầm. Giám đốc Đại đành phải quyết định cắt thi thể của cô hộ lý ra ba khúc: tháo khớp hai tay, tách khỏi phần người - Đó là một quyết định khó khăn nhất đối với ông !? nhưng giây phút sinh tử của bao nhiêu con người còn sống ở bên trong, cần được nhanh chóng cứu. Là người lãnh đạo cao nhất ông phải quyết định. Bác sĩ Kinh và bác sĩ Luân được chỉ định làm việc này. Nghĩ mà tội cho hai anh, phải làm việc ấy họ đau lòng lắm nhưng phải gạt nước mắt để thực hiện. Thu biết các anh không thể làm thế nào khác. Nhìn cảnh tượng lòng cô cũng thấy xót xa. Tất cả phải nén đau thương. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, mưa lâm thâm. Hai bác sĩ ra giữa trời thắp hương, ngửa mặt lên không trung vái lia lịa: xin trời đất phù hộ! Xin người chết tha tội cho các anh làm việc ấy… rồi hai bác sĩ mới bò vào mầy mò trong bóng tối, dùng dao mổ tháo khớp nạn nhân. Sau khi đã tiến hành cắt thân thể của cô hộ lý, dùng dây thừng kéo cẩn thận ra từng phần một – để chị Cúc, nhóm trưởng bộ phận cứu hộ của bệnh viện bế Thoa ra ngoài. Bác sĩ Kinh và Luân vội lao vào khâu lại thi thể của cô hộ lý cẩn thận, như vẫn còn nguyên vẹn. Những y, bác sĩ khác thì lách vào trong hầm buộc dây từng người đã chết, tiếp tục mười mấy cái xác được đưa ra… để họ cứu người còn sống ở bên trong. Những tiếng kêu khóc của người bị nạn vang lên trong bóng tối. Lần lượt đã được cõng và khênh đi đến nơi cấp cứu. Đau thương và kinh hãi. Mọi người vừa làm vừa lo lắng B52 có thể sẽ quay lại rải bom? Các khuôn mặt người chết hầu như đều bị biến dạng vì bom. Trong số nạn nhân bị tử vong, họ nhận ra: hai nữ sinh viên đến bệnh viện thực tập là em Liên, em Thanh mới có người yêu. Bác sĩ Đại nhận ra chị y sĩ Quất nhờ chiếc răng cửa bịt vàng, y sĩ Lan nhờ ngón tay đeo nhẫn cưới – với y sĩ Lan, các bác sĩ phải dùng dao lựa lấy chiếc nhẫn ra, trao lại cho gia đình làm kỉ vật. Tất cả òa lên khóc, khi nhìn thấy thân thể chị Nguyễn Thị Diên đang mang thai đứa con ba tháng tuổi. Thế là cả hai mẹ con chị không còn. Đứa bé chưa thành hẳn hình người đã bị bom giết chết! Có lẽ, khó có tội ác nào lớn hơn tội ác này của bọn xâm lược đế quốc Mỹ? Người nữ bác sĩ Nguyễn Thị Giỏi mới tổ chức đám cưới được một tuần, thì người chồng phải lên đường vào Nam chiến đấu. Mãi mãi họ sẽ không bao giờ còn được gặp nhau nữa. Chị Mai Thị Tuyết thợ điện, chồng đi B… để lại ba đứa con nhỏ cho người mẹ già 90 tuổi – Kể làm sao cho hết những cái chết đầy bi thương, ai oán. Tất cả các thi thể nạn nhân tìm thấy được đặt cạnh nhau trên cáng. Nhóm phóng viên của Thu tham gia cùng mọi người, chuyển xuống nhà xác để làm khâm liệm. Lễ khâm liệm cũng tổ chức đơn giản và nhanh chóng – Phần vì vẫn còn phải tiếp tục đào bới tìm kiếm, phần nữa đề phòng máy bay địch sẽ tới ném bom tiếp. Tất cả lao vào công việc cứu hộ hết mình, với tinh thần: mỗi y, bác sĩ, hộ lý, y tá và nhân viên đều là một chiến sĩ trên chiến trường. Sau khi tranh thủ tìm hiểu qua bác sĩ Đại, Thu được biết: Trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai có một hệ thống đường hầm, do người Pháp xây dựng đồng thời với bệnh viện. Đến năm 1972, đường hầm đã có tuổi thọ gần 100 năm. Trước đây, khi chưa có chiến tranh phá hoại ra miền Bắc: một số đường hầm này được dùng làm đường vận chuyển bệnh nhân chết ở các khoa ra nhà xác, một số khác thì làm đường thoát nước. Đường hầm bằng bê tông cốt thép rất kiên cố, vững chắc… nên khi có chiến tranh đã được sử dụng làm nơi trú ẩn. B52 cất cánh từ căn cứ Andersen ở Guam (Mỹ) đến ném bom Việt Nam Một số chỗ xây dựng làm các phòng cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Các khoa đặt trong hầm rất thoải mái. Bác sĩ có thể tiến hành mổ ngay dưới hầm, đi lại không phải cúi đầu. Bê tông rất dầy, bởi thế lúc hầm sập, mang được nạn nhân ra khỏi hầm rất khó khăn. Khi chúng ném hơn 100 quả bom xuống bệnh viện, dưới lòng đất nhiều cửa hầm bị bít kín. Không kể các y, bác sĩ, hộ lý và nhân viên của bệnh viện, thì có khoảng 300 bệnh nhân ở trong đó cần được cứu ra ngoài? Trước tình cảnh ấy, những người cứu hộ phải phá cửa hầm len vào đưa nạn nhân ra. Lúc đầu, đội cứu hộ ngăn không muốn cho các y, bác sĩ vào trong hầm, vì sợ hầm sập? nhưng các y, bác sĩ vẫn quyết định phải vào, vì hàng trăm con người trong đó đang cần họ. Là y, bác sĩ phải đặt nhiệm vụ cứu người lên hàng đầu! E rằng, nguy cơ không quân Mỹ vẫn còn có thể tiếp tục ném bom đánh phá bệnh viện? Cấp trên ra lệnh cho giám đốc, bác sĩ Đại chuyển bệnh viện và bệnh nhân đi nơi khác an toàn để chữa trị. Nhưng do số người bệnh và bị trọng thương ở tứ phương dồn đến ngày càng nhiều, nên không di chuyển được. Bác sĩ Đai vẫn quyết định: phải khắc phục khó khăn bằng mọi cách, để bệnh nhân ở lại bệnh viện tiếp tục chữa trị. Vào lúc tối muộn hôm 22 tháng 12 đó, sau khi xin phép hai bác sĩ Kinh và Luân – Thu và hai bạn phóng viên tranh thủ tạt về tòa soạn báo để báo cáo tình hình và cũng tranh thủ ngủ vài tiếng. Tới gần sáng, họ lại vội vã vào viện tiếp tục tham gia công việc đào bới, cứu người. Khi đi vào khu sân, trước cửa một căn phòng mà nhân viên ở đó nói là phòng hành chính cũng đã bị sập. Bỗng Thu nhìn thấy một bó chiếu cuộn tròn – Cô nghĩ, có lẽ bộ phận y tế bỏ sót một cái xác chưa đem đi? Thu lấy tay khẽ mở manh chiếu, giật bắn mình. Một người từ trong chiếu nhỏm bật dậy. Hóa ra, đó là một chị nhân viên của viện: thấy cảnh hầm sập… nước ngập trong hầm… người chết thảm – chị sợ quá không dám ngủ trong nhà mà ra ngủ ngoài sân. Chị nhân viên bó chiếu quanh người rồi nằm cạnh một chiếc hầm cá nhân, để khi có báo động xuống hầm cho nhanh. Chị ta nhìn Thu nhoẻn cười và nói: - Mình tranh thủ chợp mắt một tí. Mệt quá, mắt cứ ríu lại. Các em cũng phải tranh thủ ngủ để lấy sức chứ? - Chúng em cũng vừa chợp mắt vài tiếng ở tòa soạn báo, rồi ạ! Thu nhanh nhảu đáp. Nói xong chị nhân viên lại tiếp tục cuộn tròn trong chiếu và ngủ. Nhóm phóng viên vội đi về phía mọi người vẫn đang hối hả tháo dỡ hầm để cứu người. Trong trận ném bom tàn khốc đêm 21 rạng ngày 22.12.1972, bệnh viện Bạch Mai có 22 người bị thương và 31 người chết - trong đó chỉ có một bệnh nhân, còn lại toàn là các y, bác sĩ của viện – vì khi bom đánh, các y bác sĩ phần lớn ở phía ngoài bị tường bê tông đổ giết chết, bệnh nhân ở trong sâu nên cửa hầm sập, họ chỉ bị kẹt. Bác sĩ Đỗ Doãn Đại kể: khi ông bò vào trong hầm bị sập, người đầu tiên mà ông nắm đúng tay là bác sĩ khoa da liễu Ngô Thị Ninh. Toàn thân chị cứ run lên bần bật. May mắn cuối cùng, ông cũng đã cứu được chị và một số người khác như bác sĩ Nguyễn Thị Hồi, chị Phi Thị Mạch, y tá Nguyễn Thị Hạnh với 3 em nhỏ và toàn bộ 300 bệnh nhân đã được đưa ra ngoài an toàn. Vẫn theo bác sĩ Đỗ Doãn Đại: có những trường hợp không cứu được, rất đau thương như bác sĩ Nguyễn Thị Giỏi, chị Trần Thị Kim Tuyến (em gái của giáo sư sử học Trần Quốc Vượng) – Đặc biệt có ba thi thể ôm chặt vào nhau: Đó là chị Nguyễn Thị Diên mới làm cô dâu được năm tháng đang có thai, chị Đặng Thị Khuyến và Đỗ Ngọc Thanh – Họ là những người bạn thân thiết, vẫn trong tư thế ôm chặt nhau chết thảm dưới tảng bê tông. Phải dùng dây buộc vào mỗi thi thể, rồi tất cả cùng kéo… mới tách được từng người ra khỏi nhau. Với cô sinh viên trường y Đinh Thị Thúy, khi tiếp cận em vẫn còn mở mắt nhìn bác sĩ và chỉ kêu lên được một tiếng: “Thầy ơi!”… rồi lịm đi trong giấc ngủ ngàn thu. Giáo sư Lê Kim Duệ, bác sĩ Trần Duy Kế đang chuẩn bị đi vào chiến trường Vĩnh Linh và một số người khác nữa, cũng ngã xuống trong trận bom này. Theo lời bác sĩ Kinh: Đêm đó là ca trực của anh. Anh vừa là bác sĩ khoa ngoại của viện vừa là giảng viên Trường Đại học y, nên đã dọn hết về ở bên bệnh viện. Khoa ngoại, trừ một bộ phận đã sơ tán – còn lại, giám đốc viện yêu cầu trực 24/24 giờ trong ngày. Qui định của trực cấp cứu là người trực phải ở trên, không được xuống hầm trừ lúc đánh bom. Chiến sĩ bị thương nhiều, đồng bào trúng bom cũng đưa vào Bạch Mai rất đông. Vào lúc 4 giờ sáng, tiếng gầm B52 rát quá, họ phải xuống hầm. Khoảng 15 phút sau thấy đất đá rung chuyển, nhưng khi báo yên chui lên khỏi hầm thì tất cả đã tan hoang. Khoa ngoại – chỗ họ vừa trực cũng bị trúng bom, chậm một chút nữa thì tất cả tan xác. Sau đó, anh được giám đốc Đại gọi sang bên Khoa da liễu. Bên ấy hầm sập, nhiều bệnh nhân và y, bác sĩ đang bị kẹt ở dưới hầm. Cứ như thế mà phải bốn ngày sau mới đưa được thi thể hai người cuối cùng lên khỏi hầm: Đó chính là em Thúy, sinh viên thực tập và anh Trạch, nhân viên bảo vệ. Lúc ấy thân thể của họ đã biến dạng và bắt đầu bị phân hủy. Nói về bác sĩ Đỗ Doãn Đại – Ông trở thành giám đốc của viện từ năm 1969. Vợ ông là bác sĩ Phạm Thị Hoan đã xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình. Các con đều sơ tán theo trường, nên mình ông thường ở lại ngay bệnh viện. Ông được coi là người thuyền trưởng chèo lái con thuyền Bạch Mai vượt qua giai đoạn thảm khốc 1972, nối tiếp cuộc hành trình trong suốt hơn 100 năm cùng đất nước. Bệnh viện đã bốn lần bị ném bom. - Lần thứ nhất tháng 11 năm 1967: Một bệnh nhân tử vong, ba bác sĩ bị trọng thương. - Riêng năm 1972 tới ba lần phải hứng chịu sự cuồng phong của không quân Mỹ. * Trận bom 26 tháng 7 làm nhiều người bị thương. * Trận trưa 19 tháng 12, bốn quả bom nữa rơi xuống Khoa da liễu và Tai-mũi-họng. Khói bụi chưa kịp tan, nỗi hoảng hốt chưa kịp dịu lại trên nét mặt mọi người, thì trận đại tàn khốc lúc 4 giờ sáng ngày 22.12.1972 – Mỹ dồn lực để hủy diệt bệnh viện. Năm 1972 - Bạch Mai cùng với bệnh viện Việt Đức, hai cơ sở điều trị ngoại khoa lớn nhất miền Bắc. Mỹ muốn tàn phá Bạch Mai để uy hiếp tinh thần của Hà Nội, làm cho Hà Nội điêu đứng trở về thời kỳ đồ đá. Mất Bạch Mai là mất nơi khám chữa bệnh, tê liệt một cơ sở cấp cứu hàng đầu – Khi ấy Bạch Mai làm nhiệm vụ chữa trị cho cả vùng phía nam Hà Nội và các tỉnh từ Hà Nam về thủ đô. Bác sĩ Đỗ Doãn Đại có một cô em dâu tương lai, cũng là một nữ bác sĩ bệnh viện bị bom chết hôm 19/12. Thiệp mời đám cưới còn chưa kịp chuyển đến tay bạn bè. Hôm 21/12, giám đốc Đại lo đám tang cho cô em dâu – Tối đến mệt mỏi nên về nhà ở khu phố Kim Liên, cách Bạch Mai không xa. Nửa đêm đang chập chờn trong giấc ngủ, thì ông nghe thấy hàng loạt tiếng bom nổ rung chuyển, ầm ầm… rất gần. Đất trời chao đảo. Các quầng đỏ nối nhau của tên lửa bắn lên rực trời. Gió xồng xộc ùa vào cả miệng hầm của khu Kim Liên. Nhìn về phía bệnh viện, ông nóng ruột, lòng dạ bồn chồn. Còi báo yên, ông tức tốc đạp xe đến viện. Sát đến ngày nô-en trời rét căm căm… Năm phút sau, ông tới nơi vừa đúng lúc gặp y, bác sĩ khoa ngoại và các khoa khác cũng đã lên mặt đất. Đập vào mắt họ là cảnh điêu tàn, đổ nát. Dưới sức công phá của hơn trăm quả bom, tất cả chìm trong khói bụi. Tiếng khóc, tiếng kêu cứu vang vọng khắp nơi. Ông đã len lỏi đi một vòng quanh bệnh viện xem xét tình hình, đồng thời trấn an tinh thần các y, bác sĩ và nhân viên bình tĩnh cứu nạn nhân. Đội xây dựng của thành phố đã kịp thời được điều đến, để giúp tháo gỡ những tấm bê tông bị sập. Ông Đỗ Thọ phụ trách hệ thống điện, dù không phải là ca trực nhưng nghe tin bệnh viện bị ném bom, cũng đã lập tức tới. Trong số 31 người chết đêm đó, có một em bé tám tuổi, con một nhân viên bệnh viện theo mẹ đến cơ quan tránh bom – vì Bạch Mai có một hệ thống đường hầm bằng bê tông kiên cố. Thường mỗi khi Hà Nội có báo động, những người dân quanh đấy vẫn tìm đến nương náu nhờ. Bác sĩ Đại khi ấy là thần tượng của anh em cán bộ bệnh viện, rất liêm khiết, đứng đắn và tử tế. Ông có tín nhiệm rất cao cả đức độ lẫn tay nghề, không ai không ngưỡng mộ. Năm 1967, khi giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc – Một nửa bệnh viện đã lên đường sơ tán vào Ứng Hòa, Hà Tây. Một nửa trụ lại. Hà Nội còn đây, bệnh viện không thể đi hết. Thời chiến quen với việc đánh phá, kể cả những giây phút không quân Mỹ điên cuồng quần thảo trên bầu trời, bác sĩ của bệnh viện vẫn bình thản mổ cấp cứu ngay dưới hầm. Thông thường các bệnh nhân được đưa vào sâu trong các đường hầm, phía ngoài là các y, bác sĩ, hộ lý túc trực – nên trận bom oan nghiệt, số người tử thương hầu hết là y, bác sĩ và các nhân viên y tế. Bệnh nhân vẫn được an toàn ở phía trong. Do có hệ thống đường hầm kiên cố nên các phòng mổ, phòng đẻ, phòng xét nghiệm… và một số giường của bệnh nhân ở các khoa, đều đưa xuống dưới hầm. Nhiều khi đang còn báo động, nhưng có điện thoại gọi xe cấp cứu đến nơi địch bắn phá, các thầy thuốc lập tức lên đường. Các bác sĩ tiến hành sơ cứu tại chỗ, rồi đưa bệnh nhân về viện cứu chữa. Bạch Mai là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh đặc biệt đầu tiên ở Việt nam, cũng là cơ sở thực hành chủ yếu của Đại học y Hà Nội. Nói về mười sáu chị em làm việc ở bệnh viện Bạch Mai đêm 21 rạng ngày 22.12.1972 ấy: Đó là các chị Nguyễn Thị Cúc, Toán, Sửu, Hân, Nhàn, Xiêm… Họ là các bác sĩ, y tá, đồng thời còn là những chiến sĩ tự vệ của bệnh viện, đều đang tuổi thanh xuân - Lúc 4 giờ sáng hôm đó khi hơn trăm quả bom ném xuống, tất cả đang ngủ ở khu tập thể nhà tròn của bệnh viện. Sau ít phút bàng hoàng, họ gọi nhau chạy đến các khoa-phòng nơi làm việc. Mặc trời tối, rét buốt và máy bay địch vẫn đang ầm ầm ném bom ở những vùng lân cận, lập tức lao vào tìm kiếm nạn nhân. Cảnh đau thương, tang tóc và sự dũng cảm của các y, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện … đã làm lay động nhân loại. Một nhà báo Mỹ đã ghi lại và đưa tin về bệnh viện, khiến toàn thế giới rung động - Họ cảm phục về lòng dũng cảm của những con người Việt Nam, đồng thời lên án sự tàn ác, vô nhân đạo của đế quốc Mỹ. Khi tiếng bom dứt, nữ bác sĩ người Pháp Yvonne Cupde Vilie đã có mặt ngay ở hiện trường đổ nát của bệnh viện, để ghi nhận và tố cáo. Nữ diễn viên Jane Fondda – “Jane Hà Nội”, cũng tới viện. Đứng trên nền đất đá tan hoang… để chứng nhận sự man rợ của chiến tranh. Một số giặc lái Mỹ cũng được đưa tới, để chúng chứng kiến tận mắt tội ác mà chính chúng đã gây ra. *
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 12:41:23 bởi Nhân văn >
Ngày 22.12.1972, Pháo đài bay B52 Mỹ không chỉ ném bom hủy diệt bệnh viện Bạch Mai – vào lúc 2 giờ 38 phút, chúng sử dụng 24 lần chiếc B52 và 36 lần chiếc máy bay chiến thuật, 18 lần chiếc “cánh cụp cánh xòe” F111 đánh phá sân bay Nội Bài, ga Giáp Bát, Gia Lâm, Văn Điển… cùng các trận địa tên lửa. 3 giờ 42 phút, Tiểu đoàn 57 bộ đội phòng không Hà Nội bắn hạ 1 B52 rơi ở Chợ Bến, Mỹ Đức, Hà Tây. Cùng thời điểm, Tiểu đoàn 71 bắn rơi tại chỗ 1 B52 nữa ở Thanh Miện, Hải Hưng. 3 giờ 46 phút, Tiểu đoàn tên lửa 93 lại bắn rơi 1 B52 ở khu vực Quỳnh Côi, Thái Bình. Ban ngày – 56 lần chiếc máy bay chiến thuật không quân Mỹ đánh phá các mục tiêu: Ga Kép, thị xã Bắc Giang, thành phố Việt Trì, thị trấn Vĩnh Yên. Ban đêm – 24 lần chiếc B52 với 30 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh phá Đông Anh – Hà Nội, Hòa Lạc, Đáp Cầu… Trong đó 9 lần chiếc F111 tập trung đánh khu vực Hải Phòng như Sở Dầu, Nhà máy Xi măng, khu An Dương. Lực lượng cao xạ phòng không đã bắn rơi 5 máy bay: với 3 B52 và 2 phản lực. Đặc biệt tại trận địa Vân Đồn – Hà Nội: bằng 19 viên đạn 14ly5, các chiến sĩ tự vệ nhà máy Liên Cơ đã bắn rơi 1 “cánh cụp cánh xòe” F111 của Mỹ. Ngày 23.12.1972 Ban ngày – 57 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội như Mai Dịch, Trạm Trôi, Hoài Đức. Ban đêm – 33 lần chiếc B52 đánh Đồng Mô - Lạng Sơn và khu vực Bắc Giang. 30 lần chiếc máy bay F4 - F105, 11 lần chiếc F111 đánh vào Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc và các sân bay Nội Bài, Yên Bái. Hướng biển – 7 lần chiếc máy bay chiến thuật của hải quân Mỹ đánh Uông Bí, Phả Rừng, Sở Dầu và sân bay Kiến An (Hải Phòng). Cao xạ phòng không Việt Nam bắn rơi 4 máy bay: trong đó có 2 B52, 1 F4 và 1 A7. Ngày 24.12.1972 Ban ngày – 44 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên, Sen Hồ, Việt yên (Hà Bắc). Ban đêm – Từ 19 giờ 50 phút với 33 lần chiếc B52 đánh phá ác liệt ga Kép, Bắc Giang. 39 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ đánh vào sân bay Yên Bái, ga Kép và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội). Cao xạ phòng không Quân đội nhân dân Việt nam đã bắn rơi 5 máy bay: trong đó có 1 B52, 2 F4, 2 A7 – Lực lượng dân quân tự vệ bắn rơi 2 máy bay bay thấp. Dân quân tỉnh Hòa Bình bắn rơi tại chỗ 1 máy bay lên thẳng HH-53 đến cứu phi công. Lúc 24 giờ ngày 24.12.1972, Níchxơn ra lệnh ngừng tập kích B52 trong 36 giờ vào ngày Chúa giáng sinh. Thực chất là để xả hơi và rút kinh nghiệm sau những đòn đau, bị thiệt hại nặng nề qua một tuẩn lễ đầu tiên của chiến dịch Linebacker II. Nói về Thu và nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới – Sau ba ngày tham gia cứu hộ người bị sập hầm ở bệnh viện Bạch Mai, công việc đã tạm ổn. Vào ngày Giáng sinh, họ trở lại tòa soạn để tiếp tục công việc báo chí và vui chơi đêm lễ không có tiếng bom, như lời cam kết của Tổng thống Hoa Kỳ. Khi Thu cùng hai bạn về đến tòa báo thì đã quá nửa đêm ngày 24/12. Ai cũng thấy mệt mỏi, chỉ kịp rửa ráy qua loa, rồi nhẩy lên các bàn làm việc thay cho giường nằm lăn ra ngủ. Lúc ấy, Hà Nội đã trở lại không khí yên tĩnh như nhịp sống thường tình của thành phố. Phạm Ngọc Thái thời chiến tranh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 12:43:33 bởi Nhân văn >
26- Hà Nội – đêm Giáng sinh 1972, rất đông người dân đi sơ tán trở về tỏa ra từ các phố. Họ tin ngày Chúa giáng sinh, Mỹ sẽ không ném bom. Quả thế thật, sau đợt rải thảm B52 hôm 24/12 – Mỹ đã ngừng ném bom 36 giờ như lời tuyên bố của Tổng thống Níchxơn. Hà Nội vắng tiếng bom sau 7 ngày chiến đấu ác liệt, cuộc sống người dân thủ đô lại trở về với vẻ đẹp thanh bình vốn có. Thời tiết mùa đông mà Hà Nội ấm áp lạ thường. Từng tốp thanh niên, học sinh, sinh viên ùa về thủ đô đi chơi Giáng sinh. Phố Khâm Thiên – nơi sinh sống của rất nhiều người công giáo, nhộn nhịp trở lại. Khu phố nằm xa các cơ sở quân sự, nên dân chúng tin rằng ở đây an toàn. Các gia đình công giáo lũ lượt trở về, mong được đón ngày Chúa ra đời. Đêm Giáng sinh – phố Nhà Chung bừng sáng. Người người kéo nhau về Nhà Thờ Lớn. Đường phố tấp nập như chiến tranh không hề hiện hữu trên mảnh đất này. Bên trong Nhà Thờ Lớn: đèn, nến lung linh. Tiếng chuông ngân vang. Cha xứ làm lễ mong ước thái bình cho con dân. Mọi người đều hướng đến Chúa cầu nguyện… Thu nghĩ về những năm tháng không xa? Mỗi khi mùa Giáng sinh tới, cứ đi qua phố Nhà Thờ và những con phố nhỏ quanh Bờ Hồ, lòng cô lại nhớ đến nao lòng. Những kỷ niệm đã qua bên các bạn bè thân thiết và Hoàng… Khi ấy họ vẫn còn là học sinh cuối cấp, thường có cái thú thích lang thang trong những đêm đông, nhất là đêm Giáng sinh để ngắm nhìn Hà Nội, ngắm nhìn những con phố đẹp nhất thủ đô ven Hồ Gươm. Đêm nô-en năm nay – Một đêm nô-en lịch sử, giữa cuộc oanh tạc khốc liệt của không quân Hoa Kỳ vào Hà Nội. Bên cạnh Thu chỉ có Lan, người bạn gái thân thiết từ nơi làm việc tận tỉnh xa về. Họ cùng đi chơi với nhau trong đêm lễ này. Thúy, bạn cả hai cô cũng hứa sẽ về? nhưng vì công việc đột xuất của cơ quan ở nơi sơ tán, lại không về được. Thu và Lan hòa nhập vào dòng người dạo chơi đêm Giáng sinh. Gió hun hút thổi từ Hồ Gươm lùa vào các con phố họ qua. Lang thang đêm vô định… với cảnh áo mỏng manh nhưng chẳng ai thấy rét. Hai người bạn gái cứ đi loanh quanh qua những con phố gần nhà thờ, vừa để cảm nhận không khí đêm lễ, vừa rủ rỉ nói chuyện về những kỉ niệm thời xưa. Người đến lễ đông nghịt. Vào Nhà Thờ Lớn, ai nấy bước đi nhẹ nhàng, nói khẽ khàng để không làm ảnh hưởng tới cái không khí trang nghiêm, đón chờ giờ khắc điểm: Chúa giáng sinh! Cây thập tự trên nóc tháp nhà thờ đạo chĩa mũi nhọn chọc thẳng lên khoảng không, đổ bóng xuống mặt phố phía cửa trước, nơi có một vườn thánh nhỏ. Bên trong những hàng song sắt bao quanh vườn thánh, Đức mẹ đồng trinh khoác chiếc áo choàng màu đá, đang ẵm Chúa hài nhi. Trên mặt Đức mẹ thoáng gợn vẻ ưu tư, tạc nên hình tượng tình mẫu tử. Chuông rền rã… Thu ngắm nhìn ngôi nhà đạo cổ kính, uy nghiêm. Nhà Thờ Lớn Hà Nội được khánh thành đúng vào lễ Giáng sinh năm 1887, là sự tiêu biểu và đặc trưng nhất của nghệ thuật kiến trúc thời trung cổ. Những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên đỉnh trời đón ánh sáng. Bên trong là kiến trúc Gôtic. Lối kiến trúc này, luôn cho người xem ấn tượng về một không gian tôn giáo uy nghiêm. Khi nghe ca đoàn hát thánh ca, tiếng ca trầm hùng hòa với tiếng đàn oóc-gan, đàn dương cầm… ta như thấy mình bay theo Chúa vào không gian sâu thẳm, bí ẩn, linh thiêng. Sau những lời thỉnh đạo trầm ấm, âm vang của Đức cha chỉ giáo về ngày Chúa ra đời, mọi người thấy tâm mình sáng lên như được khai minh. Đêm Giáng sinh, đêm Chúa ngự trên trái đất này đã đem lại cho con người một niềm an ủi, mỗi khi gặp những khổ đau, có niềm tin vào những điều tốt đẹp trên đời. Kể từ thời phục hưng đến nay, ngày Lễ Giáng sinh không còn chỉ là riêng của những người thiên chúa giáo – Giáng sinh đã trở thành ngày Lễ quốc tế, ngày lễ của gia đình. Mọi người thuộc các thế hệ về tề tựu bên nhau, thể hiện tình yêu thương. Trẻ con sẽ là những thiên thần lên ngôi trong mùa lễ hội. Những thiên thần ấy đi vào giấc ngủ, cùng với hình ảnh “ông già tuyết” leo vào từ ống khói… mang cho chúng món quà mà chúng mong đợi nhất. Hát vang bài hát Jingle Bells, một thông điệp của mùa Lễ Giáng sinh. 2013 năm trước đây, Đức Chúa Jesus Christ – Đấng cứu thế đã giáng sinh để cứu chuộc rất nhiều lầm lỗi của loài người: theo giáo lý Thiên chúa. Thời gian trôi qua, bản tính xấu xa của con người không những không mất đi, mà còn hoành hành dữ dội và ngang ngược hơn. Không còn cách nào khác, Đức Chúa Trời đã phải cho con mình đầu thai xuống trần thế, để gánh bớt tội lỗi cho con người. Như vậy, Chúa Jesus đã giáng sinh để gỡ bỏ lỗi lầm, giải bớt những hiềm khích, khuyên răn con người làm điều phước đức mà hưởng ân huệ của Chúa. Chúa dậy con người rất nhiều điều: Chúa bảo con người phải biết sống vì người khác, Chúa đem đến cho con người sự lạc quan vui sống, khuyên nhủ con người hãy giữ vững đức tin: “Hãy xin sẽ được - Hãy tìm sẽ gặp - Hãy gõ cửa, sẽ mở cho”. Chúa còn kêu gọi: “Hỡi dân ngoại, hãy đồng vui cùng dân Chúa” – để người mạnh, kẻ yếu phải hòa hợp nhau. Chúa còn khuyên con người luôn hướng tới sự công bình. Phước cho những kẻ làm cho con người hòa thuận, vì sẽ được gọi là “con Đức Chúa trời”. Nếu tìm hiểu thêm ý nghia của Lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ thấy nhiều điều thú vị: truyện về ngày sinh của Chúa Jesus, có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng Trinh tự nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ thai này do quyền lực thần diệu của Thượng Đế, tạo ra trong bà Mary còn đồng trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger), vì lúc đó trong nhà trọ không còn phòng trống nào. Sau đó Chúa Jesus được Đức mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi nấng tại Nazareth – một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được mười hai tuổi, Chúa Jesus đến giáo đường ở Jerusalem, và đã làm kinh ngạc các giáo sư về môn Mosaie Law với sự hiểu biết của ngài. Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được mười hai Tông Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palestine để giảng đạo, chữa bệnh và thực hiện các phép lạ - Đó là phép “Loaves and Fishes” (những ổ bánh mỳ và những con cá). Chuyện phép lậ này được người ta truyền lại: Khi Chúa Jesus thuyết giảng ở một đám đông, trong lúc họ rất đói. Người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mỳ và 2 con cá – Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mỳ và 2 con cá này, rồi ra lệnh cho các đệ tử của ngài phân phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy đủ đồ ăn và ăn đã no nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy. Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng Đế mà ngài đã có rất nhiều tín đồ, đồng thời cũng nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariat phản bội. Sau đó, bị Potius Pilate – người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ kết án và chính quyền La Mã đóng đinh trên Thập Tự Giá. Những người Thiên chúa giáo tin là ngài đã cải tử hoàn sinh, và sự phục sinh này là để cứu vớt các linh hồn. Những tục lệ cổ truyền về Lễ Giáng sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa, với ngày lễ kỷ niệm về nông trang và mặt trời vào mùa đông (winter Selstice) của những người không theo đạo thiên chúa. Vào dịp này, người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa, đèn rực rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng. Lửa, đèn và nến là vật tượng trưng của sự ấm cúng cùng sự sống. Nó luôn liên hệ với các lễ lạc vào mùa đông, của cả những người theo đạo thiên chúa và các đạo khác. Từ thời trung cổ: cây thông – một loại cây vạn liên thanh, là biểu hiện cho sự sống và không thể thiếu trong Lễ Giáng sinh. Tính đến năm 1972, ngày Chúa ra đời cách đã 1969 năm. Chúa nhân từ đã cứu rỗi bao chúng sinh lầm đường, lạc lối. Những người có đạo tin Chúa luôn mang lại sự tốt lành, nên họ ít khi làm điều ác. Rời Nhà Thờ Lớn, Thu và Lan lặng lẽ đi bên nhau với bao tâm sự. Thu nói với Lan: - Phố Nhà Thờ là phố của những người nghiền cà phê đấy! Lan có nhớ, những năm trước đây khi hội của chúng mình đi chơi đêm nô-en, Hoàng vẫn rủ các bạn vào uống cà phê trên hè phố Nhà Thờ? Lan phụ họa theo: - Ừ, Hoàng thường nói: uống cà phê chỉ ngồi ở hè phố Nhà Thờ mới thú! Vui chân đến phố Nhà Thờ, muốn uống cà phê người ta có thể vào trong một cái quán mình thích, hoặc ngồi ngay ở hè phố mà thưởng thức. Con phố ruột của dân nghiền cà phê Hà Nội, rất gần Hồ Gươm. Cà phê phin… từng giọt, từng giọt sóng sánh. Người uống cũng từng ngụm, từng ngụm nhẹ nhàng như trong mơ. Phố ngắn và nhỏ nên cũng thật dễ điểm mặt, nhớ tên những “địa chỉ vàng” của các quán cà phê ngon. Hai người bạn gái đi chậm lại. Họ nhìn vào một cái quán nhỏ bên phố, mà trước đây Hoàng hay rủ các bạn vào. Nghe thấy tiếng khẽ thở dài của Thu, Lan hỏi: - Thu nhớ Hoàng lắm, phải không? - Thế là Hoàng đi cũng đã được hơn năm năm rồi, Lan nhỉ! Thu nói: “Chiến tranh và sự xa cách, có bao nhiêu điều đã đổi thay.”. - Cả tình yêu và nỗi nhớ nhung nữa chứ! Lan nhìn bạn tủm tỉm cười: “Lan thì thấy, chúng mình từ biệt nhau như vừa mới hôm qua thôi.”. - Còn Thu lại thấy như mình đã trải qua cả cuộc đời vậy. - Chỉ có Thu là thay đổi nhiều quá! Lan bảo vậy. - Chúng ta đều khác đi cả Thu đáp và tiếp lời bạn: - Nếu bây giờ còn nói: Mỗi chúng ta đều đã trưởng thành? đã lớn lên? - Lan không thấy: nói vậy có phần hơi trẻ con, mà còn buổn cười nữa! Bởi chúng mình đang trải qua cả một cuộc chiến tranh… Thu vẫn say sưa giải thích: - Sự biến đổi về cuộc sống, đã cho mỗi chúng ta thêm rất nhiều hiểu biết, cũng như sâu sắc hơn cả về tình yêu. Lan có vẻ ngạc nhiên nhìn Thu, rồi bật lên cười khanh khách: - Nhưng Lan chẳng có ai để mà yêu sâu sắc… để mà nhớ… mà thay đổi cuộc sống… Thu chợt hiểu. Cô nắm chặt tay bạn tỏ sự cảm thông: - Tại cậu kén quá đấy! Hai người bạn gái vui vẻ bước vào trong quán. Đêm khuya, cơn gió thổi về se lạnh. Họ ngồi bên nhau cầm trong tay tách cà phê nóng, hơi bốc lên nghi ngút. Ngày trước, khi Hà Nội chưa có chiến tranh, vào ngày lễ nô-en này phố rất đông. Các văn nhân, nghệ sĩ thường hay đến đây. Họ ngồi với nhau bên tách cà phê để nghĩ sự đời, ngắm người, ngắm cảnh đêm lung linh trong những ánh đèn. Năm nay, Hà Nội đang có bom nên vắng đi nhiều. Tiếng chuông nhà thờ lại âm vang trong khuya, người đi chơi nô-en đã tản về các phố. Thu và Lan cũng rời khỏi quán đi về phía Bờ Hồ. Tòa báo Hà Nội Mới của Thu nằm ở ngay đầu phố, sát với Hồ Hoàn Kiếm. Họ đi qua những chùm bóng điện đủ màu kết thành hoa, theo gió chao đi chao lại. Những ngọn đèn pha từ các trận địa tên lửa và pháo cao xạ phòng không, chiếu những đường sáng trắng, đan nhau chi chit giăng khắp bầu trời. Bên bờ Hồ Gươm, những chùm rễ xi treo lơ lửng đang cố đưa những đầu rễ trắng nõn khỏa xuống dòng nước xanh. Sóng xô đến dồn chúng vào sát chân hồ. Thu dừng lại, cúi xuống nhặt mấy hòn đá nhỏ ném thia lia trên mặt nước. Viên đá nhảy lướt lên mặt sóng, vạch thành một đường dài lấp loáng ra tít ngoài xa. Hòn thia lia gợi cho cô nhớ lại kỉ niệm xa xưa, những ngày đã cùng anh đi dạo. Lan thì nhặt mấy chiếc lá to thả xuống hồ. Những cánh lá bập bềnh trôi như những chiếc thuyền câu nhỏ xíu. Có những khoảnh khắc, hai người bạn cùng im lặng. Lòng họ đang lắng lại, đuổi theo những tâm trạng riêng của chính mình. - Thu có nhớ, đêm nô-en cuối cùng trong đời học sinh của chúng ta không? Tiếng nói của Lan kéo Thu ra khỏi sự suy tư. - Cũng bờ hồ này, cây cối, đường phố, con người… vẫn quen thuộc như ngày nào, Lan nhỉ? Thu trả lời bạn. - Nhưng lại thiếu đi nhiều đứa bạn, phải không Thu? - Ờ, đúng vậy. Khi ấy, chúng mình đều bước ra đời, mỗi đứa một nơi, lại chiến tranh nữa… - Nghĩa là Thu lại đang nghĩ về Hoàng? Lan nói vẻ ý nhị, cô khẽ mỉm cười trong đêm. Thu không để ý, vì mải đắm mình vào một thế giới đang bộn xộn trong cô. Giây lát, Thu khẽ bảo: - Đêm nô-en năm nay, Thu cảm thấy có một cái gì đó thật mới mẻ. Như trong cái màn đêm yên tĩnh của phố cổ kia, là cả một ngọn núi lửa. Ngọn lửa ấy sẵn sàng phá vỡ cái vỏ bọc yên ả của nó. - Thì chiến tranh mà… Lan nói. - Cả ở trong trái tim mỗi con người chúng ta nữa, Lan ạ! - Bởi vì Thu đang nghĩ tới người yêu! Chứ còn trái tim Lan, chẳng có ngọn núi lửa nào cả? chẳng có gì hết. - Không, ý Thu không phải chỉ nói riêng về chuyện tình cảm ấy. Chúng ta đang đứng ở trong cuộc chiến của cả dân tộc, mà Lan? - Tất nhiên. Lan dừng lại không nói gì nữa. Thu nắm lấy tay Lan, hai người đi tiếp về phía tòa soạn báo. Trong canh khuya, thành phố đã im ắng như thể một bến đò đang đợi khách. Người ta nghe rõ tiếng lăn tăn của con sóng láng lên bờ. Thỉnh thoảng một đợt gió xào qua dẫy me xanh cạnh hồ, làm bay đi mươi cánh lá. Cảnh tượng như ở bến sông quê, chốc chốc người lái đò lại chui đầu ra khỏi mui thuyền, đôi mắt thoáng chút lo âu nhìn lên bờ đợi khách? Rồi lại rụt đầu vào trong khoang. Ở đó, được thắp một ngọn đèn dầu chỉ vừa đủ ánh sáng. Ngọn đèn như một đốm lửa có hai mầu: mầu xanh nhọn ánh lên thành búp ở phía trên, nửa đỏ lại phình ra giống một nậm rượu nhỏ phía dưới. “Đêm Hà Nội trong chiến tranh mà cứ như huyền thoại” – Thu nghĩ vậy. Thành phố trong đêm uy nghiêm như một thần tượng, vừa mang vẻ huyền bí thiên nhiên, vừa có cái dấu ấn của sự giáo điều cổ xưa. Thỉnh thoảng vẫn có chuyến xe chở đầy ắp người sơ tán, chạy về phía cửa ô. Tiếng còi tàu ở nhà ga thét lên một hồi dài, báo hiệu nó chuẩn bị rời bánh đi đến các tỉnh xa. Mấy chiếc xe nhà binh kéo theo những khẩu pháo lớn, nước thép còn mới. Trên xe, những chiến sĩ đội mũ sắt ngồi thành hai hàng. Họ giơ bàn tay ngang mặt chào các đồng chí của họ, cũng đang ngồi trên chiếc xe khác nhưng đi ngược chiều. Thỉnh thoảng có chiếc xích lô chở đôi, ba người khách, bác lái phải gò mình lên thành xe đạp hối hả về phía cuối phố. Lẻ tẻ vài người đi xe đạp, vội vã phóng thật nhanh về nhà hay đi đâu đó. Trời cũng nửa đêm trở về sáng. Những ngọn đèn trong đêm lễ vẫn lung linh, nhưng nhà hai bên phố thì đóng cửa im ỉm. Đã đi đến cổng của báo Hà Nội Mới, hai người bạn gái chia tay nhau. Lan rẽ xuống phố Bà Triệu, nhà cô ở phía đó. Thu mở cổng tòa soạn, bước vào trong cơ quan. *
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 12:51:47 bởi Nhân văn >
Vì sao nhỉ? – Vi sao đến lúc này, nhiều nhà khoa học vẫn cứ trằn trọc mãi câu hỏi: “Man, who are you?” (con người, anh là ai?), mà sẽ còn bao nhiêu thập kỉ nữa, khi những thành tựu khoa học như những ánh chớp liên tiếp chiếu sâu vào cái màn đen huyền bí của thế giới, thì câu hỏi đó vẫn có thể là một “cơn sốt”. Cơn sốt khoa học sẽ chùm lên từ thế hệ này qua thế thế khác, không dừng lại. Con người chỉ đi tìm cho đúng cái bóng của mình: Man, who are you? Còn Thu, đêm nay cô thấy rõ lắm! Anh chị em của cơ quan, giờ này đều đã ngủ say cả. Chia tay với Lan đêm nô-en về nghỉ trong tòa soạn, Thu cứ bồn chồn, miên man bao tâm trạng. Dường như thể những vì sao trong vũ trụ rộng lớn kia, chúng bay lên từ trái tim cô. Chỉ trong một khoảnh khắc thôi, khoảnh khắc của ánh chớp ấy… Thu đã chứng nhận được cả thế giới đó. Cứ như một công trình phát minh, cô nhận thức ra và nó làm cho cô vui sướng. Tham gia trong những ngày cứu hộ, đào bới, tháo dỡ hầm sập cứu người ở bệnh viện Bạch Mai, Thu mới cảm thấy ý nghĩa thiêng liêng của giống nòi. Đất nước trở nên cao cả và thân thiết biết bao? Chưa bao giờ Thu thấy yêu thương dân tộc mình đến thế! Có ngồi nghe những nhà đạo đức giảng hàng trăm bài chính trị, cũng chẳng bằng chính bản thân mình khi đã hòa vào để cứu các nạn nhân bị bom vùi. Những lúc nhìn anh chị em phải quằn quại trong đống gạch đá đổ, lấp… Người thì thoi thóp, người không bao giờ còn quay trở về với sự sống được nữa? Thu chỉ chực òa lên khóc. Lòng cô đau như chính người thân ruột rà máu mủ gặp nạn. Có một ý nghĩa về cuộc sống còn lớn hơn cả tiếng khóc ấy, bùng lên trong trái tim cô… - Ôi, sự sống! Sự sống mới quí giá làm sao? Phải ở trong hoàn cảnh khốc liệt đó? Phải chính mắt mình chứng nhận sự tàn ác, dã man của kẻ thù? – Mới thấy hết được ý nghĩa thiêng liêng của tổ quốc! Tình yêu quê hương đang chảy trong dòng máu của cô. Phải chăng đấy cũng là một trong những đáp án, mà cần trả lời câu hỏi kia: “Man, who are you?” - Con người, anh là ai? Con người là quê hương, là đồng bào, dân tộc trong dòng máu của ta, của cha mẹ cho ta – Chẳng phải đúng thế sao !? Thu cảm thấy hạnh phúc, vì mình đã đóng góp được một chút công sức nhỏ bé cho quê hương, cùng đồng bào của cô khi gặp nạn: và đấy chính là những gì cô thấy mình lớn lên, cảm thấy tự hào. Cô đã cùng với dân tộc, với nhân dân… có mặt trong lúc quê hương đang rơi vào thảm họa đẫm máu nhất – để bảo tồn nòi giống, tổ quốc mình! Đó cũng là trang sử hào hùng, chói lọi của non sông. Lòng cô đầy phấn kích. Thu vùng dậy lấy giấy viết thư cho anh. Phải, Thu sẽ chia sẻ với anh những gì mà cô đã trải qua, cả những tâm tư thầm kín nhất trong đêm lễ nô-en này. “Hoàng thân yêu, Thu yêu anh nhiều lắm, yêu hơn cả bản thân em đấy! Hoàng là mối tình đầu và cũng là mối tình vĩnh viễn của em. Anh và em, ta đã trao nhau những gì đẹp nhất của cuộc đời, phải không anh? Em cũng đã dành cho anh những gì quí giá nhất của người con gái. Em thấy hạnh phúc khi đã làm với anh điều ấy…”. Viết đến đây, Thu dừng lại. Cô mỉm cười thầm với chính mình, vì đã viết những dòng như thế cho anh trên thư. Phải, tới giờ nhớ lại những giây phút đó… lòng cô vẫn còn thấy bồn chồn. Nghĩ tới ngày sẽ được mặc bộ đồ cưới thiêng liêng của người con gái, bao nhiêu cảm xúc lại chảy tràn trong đầu óc Thu? Cô muốn viết tất cả nó ra. “ngày cưới…”: cái niềm hạnh phúc chợt đến với Thu như nghẹt thở, chói ngợp trong tâm hồn – Ôi, cuộc sống? Cuộc sống đầy mẫu thuẫn nhưng mới kì diệu làm sao! Phải chăng đến đây, ta mới hoàn thiện được câu hỏi: Man, who are you? – Chẳng phải, ta đã tìm được chân lý của cuộc sống đó sao? Không thể có một hình tượng nào, một lí thuyết nào sáng tỏ hơn được chân lí ấy! Cô lại cúi xuống viết tiếp những dòng thư cho anh. “… Đấy, nó đấy anh ạ! “ – Thu vẫn miên man… Tuy mới chỉ là những ý nghĩ đến thôi, cô đã thấy hạnh phúc lắm rồi! … Khi em mơ một chiếc váy mặc trong ngày lễ cưới, thì thấy cuộc sống đã mở ra trước mắt cả bầu trời. Em cũng ước muốn một gian phòng nhỏ xinh xắn trên phố, trong hạnh phúc của tình yêu! Phải thế không anh? Không giống những nhà khảo cổ đã khai quật từ trong các tầng lớp địa chất nằm sâu dưới đất… một cái sọ người nguyên thủy, hay mấy mảnh xương vụn… mà tìm ra nguồn gốc của loài người? cũng chỉ để trả lời cho câu hỏi: Man, who are you? – Con người, anh là ai? Nhưng rõ ràng đêm nay, Thu đã nắm được một cái gì đó thật thiêng liêng, kì diệu của cuộc sống! – Cũng như những người phụ nữ khác, Thu sẽ có con. Khi đất nước đã hết chiến tranh, cô cùng với các con sống một cuộc sống bình thường, yên lành bên anh. Đấy, nó đấy! Cô muốn ôm chặt lấy cái hạnh phúc ấy. Như thể đó là một cánh chim, nếu buông tay ra thì cánh chim sẽ mang chân lý của cô bay đi mất. Câu hỏi: “Con người, anh là ai”? chẳng phải ta đã trả lời được nó đấy sao! Những gì đang tồn tại, đang phát triển: cả hy vọng và sự hy sinh… suy cho cùng đều nẩy sinh từ trong đó. Cô đã nhận thức được nó từ trái tim cô, trong tâm hồn, trí não của một người phụ nữ giữa đêm lễ Giáng sinh này – Thu muốn viết tất cả những ý nghĩ hỗn độn ấy ra với anh, chẳng cần sắp xếp. Thu lại tự vấn mình: khỉ, mình toàn viết linh tinh. Giờ ta sẽ kể về đêm nô-en đi chơi với Lan, cho anh nghe. Cô viết: “Em và Lan, chúng em lượn mấy vòng từ phố Nhà Thờ ra Bờ Hồ rồi rẽ vào một cái quán nhỏ. Cái quán mà năm xưa có cả anh, ta hay vào đó uống cà phê trong đêm lễ, anh còn nhớ không? Đúng đến giờ khắc thiêng liêng thì bọn em len vào trong nhà thờ, xem mọi người làm lễ và cầu nguyện cho một Giáng sinh an lành. Sau khi dự lễ ở nhà thờ, bọn em còn lang thang thâu đêm… rồi trở về tòa soạn và đang ngồi viết thư cho anh đây! Cái Lan nó tạt về nhà, hẹn mai thế nào cũng đến tòa soạn báo ở với em vài ngày. Nó xin nghỉ phép năm, anh ạ! Chỉ tội nghiệp nó, chưa tìm được anh chàng nào thay thế, vẫn một bóng cô đơn! Chúng mình tuy rất xa nhau, nhưng vẫn còn có nhau… phải không anh?”. Thu nhìn ra ngoài cửa sổ, hướng về phía trời xa. Cô lại nghĩ: nếu giờ ta đặt ra câu hỏi với anh: Chiến tranh liệu còn lâu nữa không? – chắc là anh sẽ trả lời: Chẳng còn lâu nữa đâu, em ạ! Mặc dù anh với em đều hiểu, thực tế còn ở cách xa với ước muốn của mình một khoảng cách, không phải là ngắn. Cô lại viết tiếp: “Anh ạ, nhiều người con trai thường nói với người yêu rằng: Anh sẽ dâng cả cuộc sống, cả thế giới này cho em! – Thì cô gái nói với anh: em chỉ muốn làm một người vợ, một người mẹ của những đứa con… sống một cuộc sống hạnh phúc bình thường, bên anh! Cái chân lí về hạnh phúc đơn giản vậy thôi! Nhưng chính chân lí ấy đã giúp cho cô gái nhìn thấy cả thế giới kia, trong trái tim nhỏ bé của mình, trái tim của một người đàn bà…”. Lá thư viết cho anh đã dài năm trang giấy pơ luya màu hồng. Ngày mai, chắc là vừa đêm lễ nên Hà Nội vẫn còn yên, Thu sẽ tranh thủ mang ra hòm thư ngoài phố gửi, để anh sớm biết tin. Trời cũng đã gần sáng, cơn buồn ngủ kéo đến trĩu mắt, Thu áp mặt lên lá thư và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 12:54:08 bởi Nhân văn >
27- 36 giờ ngay sau Giáng sinh một ngày – vào lúc 22 giờ 40 phút đêm 26.12.1972, hàng chục tốp pháo đài bay B52 của Mỹ từ đảo Guy Am, sân bay Cò Rạt – Thái Lan như những quái vật bay vào rải thảm xuông phố Khâm Thiên, Hà Nội. Con phố dài 1.200 mét nổi tiếng là sầm uất và đông dân, phải oằn mình hứng chịu một trận mưa bom khốc liệt. Tiếng nổ rền vang liên tiếp, khói bụi mịt mù, rừng rực cháy. Ngồi ở dưới hầm, người ta nghe thấy từ xa tiếng máy bay vào lớn dần, ầm ầm như cối xay lúa, kéo theo hàng tràng những tiếng nổ long trời, mặt đất rung chuyển. Tất cả tối sầm lại và chao đảo mạnh. Cảm giác sức công phá của nó có thể làm sập mọi căn hầm trũ ẩn. Đèn phố vụt tắt, chìm trong những tiếng bom kéo dài như sấm. Trời mới quá nửa đêm, Thu cùng với Lan và một số phóng viên của báo Hà Nội Mới, vội phóng xe đạp chạy đến phố Khâm Thiên. Lan khi đó, đã đến chơi và định ở với Thu vài ngày trong tòa soạn. Họ đến đầu đường, một khung cảnh tang thương hiện ra trước mắt – Cả tuyến phố đã bị B52 xới tung, hàng trăm người đang đào bới, tìm kiếm người thân bị chôn vùi. Nhà hai bên phố bị sập, đổ ra phía ngoài đường. Bên trong phố, thay cho những ngôi nhà là những hố bom nằm la liệt, nhiều nhà bị thổi bay. Cảnh tang thương, không gì tả hết. Thu cùng các bạn và cả những người cứu hộ đang chạy đến, tất cả đều phải gạt nước mắt để đi nhặt xác người vương vãi khắp nơi, rồi lại lao vào đào bới để cứu các nạn nhân đang kêu khóc trong đống đổ nát. Cả phố Khâm Thiên khét lẹt khói bom. Ngay ở Ngõ Chợ, tiếng khóc, tiếng gào thét đến điên dại bên dẫy xác đang chờ khâm liệm. Nhìn cảnh đau thương ấy, toàn thân Thu run lên… vừa kinh hãi, vừa trào dâng sự căm uất quân thù. Cô nắm chặt lấy tay Lan. Hai người con gái lao mình vào cùng với mọi người cứu nạn. Lúc này, anh em trong nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới đã tản đi mọi chỗ. Họ sục sạo tìm những ai còn thoi thóp sống, và thu nhặt xác nạn nhân đã chết. Tiếng khóc cha, khóc mẹ, khóc con và những người thân cứ rền rĩ vang lên. Xa xa, người ta vẫn nghe thấy tiếng máy bay Mỹ còn đang tiếp tục ném bom xuống ngoại thành Hà Nội, về phía Hà Tây. Nhang đèn cắm dọc con phố. Người ở phố Khâm Thiên đã đi sơ tán, nghe tin đài báo, vội vã trở về. Họ phải kìm nén nỗi đau, với mọi phương tiện vội xông vào đống đổ nát để cứu người và tìm kiếm thân nhân. Dưới ngôi nhà… phía trước đã bị đổ sập, tiếng một em bé thất thanh gọi dưới đống gạch vỡ: “Mẹ ơi, bế con ra với!” – người mẹ phía trên gào lên kêu mọi người đến giúp. Thu cùng với Lan và những người gần đấy lao tới. Cuốc, xẻng… không có, mọi người dùng tay đào bới, nhặt từng viên gạch vứt ra ngoài. Cả bàn tay đến toác máu. Ở dưới, tiếng bé đã lạc đi vì gọi mẹ, khiến không ai cầm được nước mắt. Một nắp hầm trú ẩn đã hiện ra. Người ta cậy lên thì thấy đứa bé đang nằm trong tay một bà già đã chết, nhưng may đứa bé vẫn còn sống. Người mẹ mừng quá khóc và sướng… lao vào ôm lấy con. Thu gỡ đứa bé ra khỏi tay bà già, đưa cho người mẹ. Người mẹ mừng mừng, tủi tủi… ôm chặt lấy con, như sợ bom Mỹ lại đến cướp con chị đi một lần nữa. Nghe chị thổn thức kể lại: Đó là cháu Hà – Tối hôm 26/12, khi nghe còi báo động có máy bay Mỹ đến. Căn hầm trong nhà thì nhỏ, chỉ chứa được hai người. Để con an toàn, chị đã đưa con cho bà thím bế xuống hầm, rồi đậy nắp hầm lại, chạy ra trú ở căn hầm bên ngoài phố. Chị không ngờ, bom đã rơi đúng ngôi nhà khiến nó đổ sập. Rầm bê tông, gạch ngói và đồ đạc đè lên nắp hầm làm cho bà thím chết tại chỗ. Bé Hà được bà thím bế trong lòng nên vẫn còn sống. Chứng kiến khung cảnh tang thương của cả con phố, khiến những người dân đã không còn biết sợ. Rất có thể máy bay Mỹ sẽ quay lại để thả tiếp một loạt bom khác, nhưng lòng căm thù dâng lên cao độ tạo thành một khí thế hào hùng. Những ai còn sống sót đều lao ra đường, nhặt những bàn tay, những khúc xương của người thân, của bà con hàng phố… giờ đây đã bị bom Mỹ xẻ làm hai, ba mảnh hoặc xé vụn xác. Có mảnh vắt trên cây bàng, cây sấu và vương vãi khắp nơi. Họ dùng những khúc tre gập đôi để gắp các mảnh xương, thịt cho vào từng thúng lớn. Xác người nằm dọc theo hàng cây. Những cỗ quan tài của thành phố đã được đưa tới chất ngổn ngang trên bờ hè, biến cả khu phố trở thành một nghĩa địa đau thương. Hầu như toàn bộ phố Khâm Thiên, giờ chỉ còn là một đống gạch vụn. Đêm vẫn còn tối, chỉ nhìn thấy những cái bóng lờ mờ của những người đi cứu hộ. Loạn xạ khắp nơi là tiếng than, kêu gào và gọi nhau. Người sống bới tìm người chết trong tuyệt vọng. Xung quanh Thu, mọi người vẫn ra sức làm. Chưa khi nào, cô thấy mình phải hứng chịu một nỗi đau lớn như vậy? Nỗi đau ra ngoài tầm tưởng tượng, ngoài tất cả các sách vở mà cô từng được đọc. Cả dẫy phố dài vẫn loang lổ cháy, loang lổ tiếng khóc trong mưa. Các ngôi nhà bị hơi bom phạt đi bay mất nóc, như những con thuồng luồng to khủng, há miệng sâu hoắm. Ngay hàng cây lớn hai bên phố cũng bị phạt, đổ gục xuống. Mùi khói bom, mùi gỗ cháy và cả mùi máu cứ xộc thẳng lên óc người. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Phố Khâm Thiên bị ném bom đêm 26.12.1972 Bỗng Thu nhìn thấy một thanh niên đang chạy như điên dại từ đầu phố, vụt qua chỗ cô. Anh ta vừa chạy vừa ngã dúi dụi vì vấp phải xác những người chết. Đến khoảng giữa phố, cách chỗ Thu không bao xa… thì anh thanh niên quì gập xuống và gào thét gọi người thân? Tiếng của anh vang lên, đập vào cùng những tiếng kêu ai oán của bao người khác. Thu và mấy người cứu hộ vội lao về phía người thanh niên đang vật vã… trên một đống đổ nát. Bên cạnh là một hố bom sâu hoắm tới chục mét. Đó chính là khu vực ở đầu ngõ Sân Quần. Bom đã bốc cả một khu ngõ sang nơi khác. Ai nấy cuống cuồng cùng người thanh niên đương hoảng hốt dùng cuốc xẻng, dùng tay hoặc bất cứ thứ gì có thể làm được, bới tìm vào những hố, ụ? Người thanh niên đó tên là Cầu. Anh Cầu vừa đào bới, vừa kể lể cho mọi người nghe. Tiếng của anh nấc lên vì nghẹn khóc, giọng lạc đi vì không tin nổi sự thật đang diễn ra ở cả khu phố và có gia đình anh trong đó. Chỗ hố bom sâu chính là chiếc hầm trú ẩn tập thể ở trong khu ngõ gần sát nhà anh, chứa hơn 40 người: có cả vợ con anh, hai đứa cháu con bà chị gái và chú em ruột. Chỉ riêng gia đình anh đã 5 người với mấy chục con người trong hầm, bị bom đánh bay cùng đất đá. Mọi người cùng anh Cầu vẫn tiếp tục đào bới xung quanh hố bom, hy vọng tìm được xác những người thân của anh và các nạn nhân trong đó. Anh Cầu cho biết đêm đó khoảng 9 giờ tối, anh đi trực chiến tại xí nghiệp in Hà Nội - 75 Hàng Bồ. Ở nhà chỉ có vợ con anh và mấy người trong họ hàng. Vào lúc gần 10 giờ đêm, tiếng còi báo động thành phố rú lên, sau đó đèn phố vụt tắt. Tiếng máy bay B52 ù ù rền rĩ trên đỉnh đầu. Khi đó anh Cầu đang làm nhiệm vụ trực chiến, thấy mặt đất rung chuyển, hơi bom phả phần phật từ cách đó cả cây số. Những tiếng nổ kéo dài, rồi các đám cháy lớn bùng lên sáng rực một góc trời. Nhìn về phía phố Khâm Thiên, bụng dạ anh cồn cào không yên. Một cái gì linh tính báo cho anh biết… sự khủng khiếp đã xẩy ra? Tới quá nửa đêm nghe tin đài báo, Mỹ đã dội bom đánh khu phố Khâm Thiên, nơi gia đình anh ở. Anh hoảng hốt vồ lấy chiếc xe đạp lao nhanh về nhà. Khói đạn, gạch đá ngổn ngang cả con đường… Đào bới mãi, mọi người cũng giúp anh Cầu tim được người vợ. Chị chỉ còn được nửa thân người phía trên, nên mới nhận ra. Sau đó lại tìm thấy thi thể người con trai, đã rách bươm vì bom thổi. Còn những người khác thì tan vào trong đất đá, không nhận ra được nữa. Đôi bàn tay Thu đã phồng rộp và rớm máu, nhưng cô vẫn lao vào cùng mọi người tìm kiếm, mong cứu được những ai còn sống sót. Thu đã mượn được một chiếc thuổng. Cô dùng thuổng để bẩy, để xăm vào trong đống đất đá. Có lần, khi mũi thuổng của cô thọc sâu xuống đất, thì như có một bàn tay vô hình nào đó níu chặt lấy, không thể rút lên được nữa. Từ trong kẽ đất đá… Thu nghe thấy một tiếng kêu yếu ớt. Thu la toáng lên: “Ôi, có người! Đây có người, bà con ơi!”. Mọi người gần đấy nhao nhao nói: - Đâu? Người ở đâu? - Ở đây! Hình như bên dưới có người đang giữ mũi thuổng của tôi? Nói rồi, Thu để nguyên mũi thuổng không dám lắc mạnh, sợ làm bị thương người ở dưới. Cô và mấy người cùng lao vào dùng tay bới, nhặt những tảng gạch vứt ra xa. Phút chốc hiện ra bóng một người đàn ông, tay đang giữ chặt thuổng, mồm vẫn thều thào: “Cứu tôi với! Cứu tôi với!”. Thu cùng một anh thanh niên đỡ người đàn ông ra. Đó là ông Nguyễn Văn Tụng, trú trong một chiếc hầm cá nhân của vườn nhà, cũng ở khu ngõ Sân Quần. Ông Tụng kể: khi nghe còi báo động, ông giục người con trai và cô con dâu ra trú trong căn hầm tập thể của ngõ đã được xây vững chãi, thì tất cả đều bị chết. Riêng ông chạy xuống cái hầm cá nhân làm tạm của nhà bằng ống cống. Bom dội xuống, mọi thứ đột nhiên tối sầm lại sau một tiếng nổ lớn. Ông đã ngất đi rất lâu, cho đến khi tỉnh dậy… Ông chỉ nghe thấy tiếng người nói, tiếng bước chân lộp bộp trên đầu mình. Lúc này, mặc dù rất hoảng nhưng ông không thể kêu để cho mọi người biết được? Đợi mãi, tưởng như mọi hy vọng đã hết… thì đột nhiên, ông thấy một mũi thuổng chọc thẳng sát bên đầu mình. Ông chỉ còn biết níu chặt lấy – Nhát thuổng của Thu đã cứu sống ông. Nghe ông Tụng nói, lòng Thu cảm động trào nước mắt. Trong đêm tối, cô nở một nụ cười sung sướng. Cô vừa cứu thêm được một người dân vô tội nữa về với quê hương, dù gia đình nhà ông không được cái may mắn đó. Trời đã rạng sáng, những người thân của các gia đình ở phố Khâm Thiên biết tin, trở về càng đông. Chung quanh là tiếng than khóc với những vành khăn tang trắng xóa, không khí đậm mùi hương cúng. Chỉ trong một đêm, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh sinh ly, tử biệt. Không ít gia đình chẳng còn ai sống sót. Thành phố tan hoang, ngập trong ngút trời khói lửa. Thu, Lan và nhóm phóng viên báo với hàng trăm người dân cùng những người cứu hộ - Họ đang đi trong cuộc hành trình tang tóc, đau thương của dân tộc. Thu khẽ nói: - Lan ơi, Thu hãi quá! Cô nắm chặt tay bạn và lại cầm chiếc thuổng, lao tiếp cùng mọi người tìm bới. Những khu nhà gác trước đây, giờ chỉ còn lại các mảng tường. Có mảng đổ xuống nham nhở, có mảng còn đang lung lay… nó có thể sập xuống bất cứ lúc nào? Nhưng những người đang đi làm công việc cứu hộ ấy, không ai còn thấy sợ hãi nữa. Bao tiếng kêu yếu ớt vọng lên từ dưới lòng đất, từ trong đống đổ nát… đang chờ họ đến cứu. Mùi cháy, khói bom, mùi máu dồn đặc không gian. Tiếng khóc, tiếng kêu than, tiếng chân chạy, tiếng gọi nhau… oang oang trong khói lửa. Trời sáng dần, nhìn cảnh tượng tàn phá của B52 càng ghê rợn hơn. Đứng ở đầu đường có thể nhìn thấy cuối phố vì đã bị san phẳng. Nhang đèn cắm dọc con phố. Có bộ phận còn đi gom nhặt của cải , giấy tờ vương vãi để tìm cách trả lại cho gia đình có người đã mất. Cả những chiến sĩ dân phòng, rồi công an kéo đến lao vào để cứu hộ. Bỗng mọi người nghe thấy một tiếng đổ ầm xuống rất mạnh của một bức tường. Đất trời chao đâỏ, không gian mù mịt, bụi đất đen đặc cả một góc phố… rồi tiếng la hét: “Tránh ra! Tránh ra! Tường còn đang đổ đấy…”. Những người đang đào bới gần bức tường đã đổ, vội chạy tán loạn ra ngoài. Tiếng kêu thất thanh của Lan vang lên: - Ôi, cái Thu bạn của em và mấy người nữa vẫn đang còn ở trong đó. Các anh, các chị ơi! Tiếng Lan như khóc: “Cứu! Cứu! Họ chết mất? các anh, chị ơi! Thu ơi!”. Nghe tiếng kêu của Lan, một người con trai – phóng viên của tòa soạn báo hốt hoảng hỏi: - Thu cũng ở trong đó à? Mọi người hò nhau vội chạy vào, bê những tảng gạch chuyền tay nhau vứt ra xa. Lan vừa khóc và vội vã cùng mọi người tìm cách giải phóng cho nhanh bức tường sập. Một lúc sau, họ cũng tìm thấy ba cái xác nằm gần sát nhau, bị những tảng gạch đè sập xuống. Lan chạy đến, nức nở ôm lấy người bạn gái gọi: - Thu ơi! Thu ơi! Bạn của em và họ bị chêt hết rồi các anh, các chị ơi! Hai cô gái khác cùng chết với Thu đã được anh em cứu hộ bế ra ngoài, để vào chỗ xác các nạn nhân chờ người thân đến nhận. Người con trai, phóng viên của báo chạy tới bế Thu lên. Lúc này, người ta thấy Thu khẽ mở đôi mắt yếu ớt nhìn Lan và mọi người. Lan ôm lấy bạn khóc nấc lên: - Thu ơi! Có nghe thấy lan nói không? Thu ơi! Môi Thu hé nở một nụ cười từ biệt. Miệng cô muốn nói với Lan điều gì đó, nhưng không nói được. Mắt Thu từ từ nhắm lại. Cô chết không chảy một giọt máu. Chiếc áo hoa sáng màu của Thu bám đầy bụi đất và khói bom. Toàn thân cô vẫn còn nóng hổi trên tay Lan và người phóng viên của báo. *
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 12:48:55 bởi Nhân văn >
Vào lúc 2 giờ sáng đêm 26.12.1972, Đài truyền thanh Hà Nội phát đi một bản tin đặc biệt: “Trừng trị tội ác man rợ của đế quốc Mỹ ném bom B52 hủy diệt khu phố Khâm Thiên, quân và dân thủ đô đã bắn tan xác 5 “pháo đài bay”. Có chiếc rơi ngay xuống khu vực Ngọc Hà, giặc lái nhẩy dù ra bị tóm cổ gần bãi chiếu bóng Khương Thượng”. Đêm 26/12 là một đêm đau thương đối với cả dân tộc, nhưng cũng là một trong những đêm hào hùng nhất của quân và dân thủ đô trong cuộc chiến tranh vệ quốc, quyết sống mái với B52 của Mỹ. Đêm ấy, mặc dù không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn không xuất kích được, nhưng những người lính tên lửa một lần nữa đã nhứng minh bản lĩnh và tầm vóc của mình. Tính ra trong đêm 26/12, số tên lửa phóng lên tăng gấp 1,7 lần so với đêm 18/12 – đêm đầu tiên của trận Điện Biên Phủ trên không, cũng là đêm bắn rơi nhiều B52 nhất. Chỉ trong một đêm đầy máu và nước mắt ấy, 11 máy bay Mỹ bị tan xác, trong đó có tới 8 pháo đài bay B52. Người Mỹ mang bom trút xuống đầu những em nhỏ, những người mẹ chưa từng biết cây súng là gì? Người Mỹ đã phải lĩnh đủ đòn trả thù của những người chiến sĩ bảo vệ thủ đô, bảo vệ niềm tin và sự sống của dân tộc mình. B52 của Mỹ chưa từng bị rơi ở đâu cho tới khi vào Hà Nội. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Sau khi dừng bắn một ngày, trong lúc người dân đang vui tết nô-en, nhất là đồng bào thiên chúa… thì bị B52 Mỹ tập kích. Chính trận tập kích ấy dẫn đến sự thảm sát cả khu phố Khâm Thiên ở trung tâm Hà Nội. Đó là một tội ác rất man rợ của đế quốc Mỹ.”. Đúng thế, chỉ trong một đêm cả 17 khối phố đổ sập, 6 khối phố hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Phá và làm hư hại gần 2.000 ngôi nhà, trong đó 534 ngôi bị thổi bay hoặc bị phá tan tất cả. Nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, cả ngôi đình Tương Thuận – di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất đã tan hoang. Trận bom làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em - làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người nữa bị thương. Dã man nhất là chúng đã trút bom xuống nơi toàn dân thường vô tội. Chỉ trong một đêm, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh thảm khốc. Những tang thương đó không gì xóa nổi. Một tội ác của kẻ thù chưa từng có trong lịch sử loài người. Ném bom khu dân cư Khâm Thiên là đỉnh điểm của chiến dịch linebacker II, với mưu tính tàn bạo của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc cố giành lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp định Pa Ri. Việc ngừng ném bom ngày Giáng sinh 1972 chỉ là cái bẫy. Bởi hệ quả của việc Mỹ ngừng ném bom, rất nhiều người dân thủ đô đi sơ tán đã trở về nhà: để chơi nô-en, để lấy thêm nhu yếu phẩm, lương thực mang đến nơi sơ tán. Họ còn nấn ná tí chút ở lại gia đình chưa kịp đi – thì ngay sau ngày 25/12 đó, không quân Mỹ cấp tập ném bom trở lại. Trong một đêm, Mỹ đã huy động tới 105 lần chiếc B52 và 90 lần chiếc máy bay chiến thuật. Cả khu phố nổi tiếng đông dân với các con ngõ mang cái tên thân thương như ngõ Hòa Bình, ngõ Đại Đồng, Đoàn Kết, Văn Chương… đã bị san phẳng. Các khối phố 42,43,45,47… chỉ còn là một đống gạch vụn. Ngay hôm đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội – Bác sĩ Trần Duy Hưng cũng đã có mặt, tham gia cùng nhân dân đào bới, tìm kiểm người bị nạn. Thành phố cũng đã huy động hàng loạt ô tô đến, chiếu đèn pha giúp cho việc cứu người. Cả Hà Nội không ai ngủ được. Bà con sơ tán ở ngoại thành và các vùng quanh đó cũng không ngủ. Họ chạy ra cánh đồng, bờ đê nhìn về nơi có vầng ánh sáng, đó là lửa bom đang đốt cháy Hà Nội. Sáng hôm sau người phát ngôn Bộ ngoại giao – trung tâm đầu não của nước Viêt Nam Dân chủ Cộng Hòa, lên tiếng cực lực phản đối không quân Mỹ đánh vào Hà Nội – thì Đài Hoa Kỳ phát đi lời biện minh của Bộ ngoại giao Mỹ rằng: Mỹ chỉ đánh vào khu vực thuộc tỉnh Hà Đông? Họ ngụy biện bằng cách đưa ra sự nhầm lẫn thật quá lố bịch. Sau trận bom, người ta cũng thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến hiện trường. Ông đã biểu lộ sự xúc động trước nỗi đau quá lớn. Sau này, một Đài tưởng niệm Khâm Thiên được dựng trên nền ba ngôi nhà số 47, 49, 51 đã bị bom Mỹ xóa sổ đêm ấy, với tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” – và một bức tượng bằng đồng, tạc hình một phụ nữ bế trên tay đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. Bức tượng đã sáng tác từ nguyên mẫu là chủ nhân ngôi nhà 51 này: Máy bay Mỹ rải thảm B52 đêm 26/12 đó, đã làm chết toàn bộ 7 người của một gia đình, trong đó người con dâu đang mang thai sáu tháng. Khi những người cứu hộ lôi được họ ra khỏi hầm, cơ thể vẫn còn ấm nhưng không ai sống sót… vì hơi bom tạt vào hầm quá mạnh. Ngày nay thành phố vẫn để khuyết nơi đó như bỏ ngỏ một vết thương chiến tranh, nhắc nhở mãi tội ác của giặc Mỹ ngày nào. Một vết sẹo trên con phố lương tri vẫn còn nhức nhối trong nỗi đau con người về chiến tranh – để mãi mãi nhen lên ước vọng hòa bình cho toàn nhân loại. Theo Bách khoa toàn thư: Trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”: Quân chủng Phòng không – Không quân cùng quân và dân miền Bắc Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công Mỹ. Cuộc tập kích chiến lược qui mô lớn bằng B52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng… nhằm đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá: Đã phá tan hoang nhiều khu phố, làng mạc. Đánh sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga…giết chết 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác – Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, dội xuống hơn 100.000 tấn bom. Riêng Hà Nội, Mỹ thả xuống 10.000 tấn bom – tương đương quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima… nhưng cuối cùng chúng đã bị thất bại hoàn toàn. 7 giờ sáng ngày 30.12.1972, Ních Xơn buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Pa Ri về Việt Nam. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa Ri đã được kí kết. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập , chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cam kết sẽ không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam. Cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước. Báo Le Monde (Pháp) đã gọi cuộc ném bom B52 rải thảm của Mỹ vào Hà Nội là “Hành động kinh tởm, có thể sánh với các cuộc ném bom tàn sát của phát xít Đức”. Trong lòng nước Mỹ, báo chí truyền thông cũng “nổi sóng” lên án Chính quyền Ních Xơn – Thời báo New York viết: “Chủ trương ném bom Hà Nội là một sự lừa dối hay sự ngây thơ của chính quyền?” và phê phán “Bằng hành động này, Nixon đã làm cho nền văn minh Mỹ sụp đổ… trở thành đất nước của những kẻ dã man”. Báo Bưu điện Thành Louis viết: “Mỹ càng ném bom thì sự phẫn nộ của dư luận càng tăng. Nhiều người tin rằng: Chính phủ Mỹ đang cố tình sát hại hàng loạt dân thường trong một chiến dịch khủng bố.”. Báo tin hàng ngày Chicago nhận xét: “Đưa máy bay B52 rải thảm lên đầu người dân Hà Nội là điều sỉ nhục đối với mọi người trên trái đất”. Thời báo Los Angeles viết: “Đây là tội ác gieo rắc chết chóc và kinh hoàng không thể tha thứ được, là hành động bất chấp mọi lí trí.”. Chủ tịch Công Đảng Anh Roy Jenkings gọi cuộc ném bom B52 xuống Hà Nội là “hành động mất lòng người nhất trong lịch sử loài người”. Thậm chí, Thủ tướng Thụy Điển Olop Palme còn coi “tội ác của Mỹ có thể sánh với các cuộc tàn sát man rợ nhất của bọn Đức Quốc Xã trong Đại chiến thế giới lần thứ hai”. Gieo gió phải gặt bão – Hành động tàn bạo man rợ của đế quốc Mỹ, đã bị cả loài người có lương tri phẫn nộ lên án.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 12:56:12 bởi Nhân văn >
PHẦN KẾT Buổi sáng đầu mùa hạ năm 1973. Làn gió mát thổi qua vùng nghĩa trang ngoại ô thành phố. Ánh nắng hồng rải đều lên các bia mộ. Một viên sĩ quan mặc bộ quân phục có đầy đủ quân hàm, quân hiệu pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, bước đến chỗ ngôi mộ còn mới. Các búp cỏ non nhú cao trên nền đất, phủ quanh mộ một màu xanh biếc. Anh cúi xuống đọc những dòng chữ khắc tên người mất ở tấm bia đá: Đó là ngôi mộ của Thu, và viên sĩ quan ấy… chính là Hoàng - Đại úy Nguyễn Hoàng, trong chuyến đi phép từ chiến trường vừa trở về. Anh thắp hương và cắm mấy bông hoa hồng bạch lên mộ, bên cạnh những bông hồng nhung và hoa cúc vàng mà ai đã cắm từ sớm. Các đóa hoa hồng bạch tỏa hương bay, sắc ánh lên như tâm hồn trinh trắng của em, khơi dậy những cảm xúc mới mẻ trong lòng người. Viên sĩ quan quay ra cắm hương cho mấy ngôi mộ quanh đấy, rồi trở lại đứng lặng bên tấm bia đá một hồi lâu. Sau khi Hiệp định Pa Ri kí kết ngày 27.1.1973, chiến trường miền Nam Việt Nam tạm thời đình chiến. Ngày 2.3.1973, một Hội nghị Quốc tế về Việt Nam đã được triệu tập tại Pa Ri, gồm đại biểu các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp và bốn bên tham gia kí kết hiệp định, cùng bốn nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hungari, Inđônêxia) với sự có mặt của ông Tổng thư kí Liên Hợp Quốc. Tất cả các nước tham gia hội nghị này đều đã kí vào Bản Định ước, công nhận về mặt pháp lí quốc tế của Hiệp định Pa Ri về Việt Nam, bảo đảm cho hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh. Ngày 29.3.1973, người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi miền Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Sau thời gian đó, Đại úy Hoàng – Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo hỗn hợp trực thuộc Bộ tư lệnh B3 của Mặt trận Tây Nguyên, cùng một số anh em cán bộ, chiến sĩ đã vào chiến trường nhiều năm, được trên bố trí cho nghỉ phép thăm gia đình ở hậu phương. Hoàng về Hà Nội cũng đã hơn nửa tháng nay, đây là lần thứ hai anh ra thăm mộ. Nhớ hôm, đoàn xe quân sự của mặt trận đưa các anh từ chiến trường về đến thủ đô. Vừa xuống xe, Hoàng đã chạy như lao tới phố Khâm Thiên, gia đình anh ở đó. Mặc dù trong chiến trường anh cũng đã được biết tình hình về 12 ngày đêm, không quân Mỹ đánh phá vào thủ đô ác liệt… thì phố khâm Thiên bị bom B52 rải thảm tàn phá đẫm máu nhất – Nhưng tận mắt nhìn cảnh tượng dù đã qua mấy tháng rồi, vẫn không khỏi làm anh sững sờ: Khu phố còn ngổn ngang sự tan hoang. Dẫy nhà cổ ngày xưa dọc hai bên phố, đã bị sập gần hết. Các gia đình ở đó mới chỉ nhất thời dựng lại những ngôi nhà vách đất, hoặc xây bằng loại gạch xỉ, cột kèo tre nứa. Cái thì lợp ngói, cái thì vá víu bằng giấy dầu. Hàng cây to, xanh mát trên hè đường bị bom phá trụi. Hoàng tạm yên lòng về gia đình mình, vì đi sơ tán cả nên không ai việc gì. Nhà cửa, nơi ông bố và bà dì cùng thằng Lâm, đứa em trai út của anh đang sống tại ngõ Cống Trắng dẫu bị bom đánh tan nát, nhưng đã đươc thành phố giúp đỡ dựng lại một căn nhà bằng tre nứa, lợp giấy dầu ở tạm. Tuy vậy, anh vẫn sốt ruột nghĩ đến gia đình Thu, không biết có ai việc gì không? Bởi những tháng gần đây ở trong chiến trường, anh không hề nhận được lá thư nào của người bạn gái. Thế là Hoàng vội vã chạy đến nhà Thu, ở phố Hàng Bông. Tới nơi, anh bàng hoàng khi được Ông bà Giáo cho hay tin: Thu đã không còn. Nhìn cảnh Ông bà Giáo suy sụp vì cô con gái yêu thương đã mất, trông mà thấy tội. Hoàng phải nén sự đau đớn của mình để an ủi ông bà. Cũng may, anh trai Thu ở ngoài chiến trường dù bị thương khá nặng nhưng không chết, được giải ngũ trở về. Có vợ chồng người con trai lớn chăm nom với đứa cháu nội ríu rít, Ông bà Giáo phần nào nguôi ngoai. Biết tin anh về, các bạn học cũ đã lần lượt đến thăm và cùng chia sẻ với anh sự mất mát. Hoàng nhớ đến những khoảnh khắc sống êm đềm bên người bạn gái. Giờ chỉ còn mình anh và ngôi mộ của em thôi. Anh thầm gọi tên em! Thu ơi, em ra đi trắng trong như chùm hoa hồng bạch giữa trời xanh. Chiến tranh cướp đi cả cái ước muốn bình dị của người con gái, được làm vợ và làm mẹ. Mưa gió và cỏ dại sẽ phủ lên nấm mồ, nhưng tình yêu em còn mãi trong trái tim anh! Nhớ lại, khi chưa xẩy ra cuộc chiến tranh rải thảm bom B52 của Mỹ vào Hà Nội - Ở chiến trường, anh nhận được thư của Thu báo: Biết tin anh được về phép, cả nhà chờ đợi và vui lắm! Bạn bè ai cũng mong. Ông bà Giáo bảo, lúc đó sẽ tranh thủ tổ chức làm lễ thành hôn cho anh và cô. Rằng, ngày cưới Thu sẽ chọn mặc một bộ váy cô dâu đẹp nhất, dù là thời chiến. Thế mà… Bao kỉ niệm xa xưa… trở về sống trong kí ức người tiểu đoàn trưởng. Anh bỗng liên tưởng đến hình ảnh Hòn Vọng Phu trên đỉnh Đèo Cả, ở mặt trận Tây Nguyên đã từng đi qua: người vợ đang bồng con ngóng chồng là một chinh phu - Nó đâu chỉ là hình ảnh của thời đã xa? Người thiếu phụ vẫn còn đó, tưởng nhớ đến bao nhiêu người chiến binh rời bỏ thành phố, làng mạc và những người thân thương, ra đi đã không trở về - nhưng người ở hậu phương nào có được sống yên bình? Cũng phải chìm ngập vào cuộc chiến với bao đau thương, tang tóc. Ôi, cuộc chiến tranh đầy chết chóc này? Trong chiến tranh, tình yêu nẩy nở mãnh liệt hơn, cao cả và thiêng liêng, song nó cũng phải chấp nhận một hậu quả thật đau đớn, xé nát những trái tim yêu thương. Lòng Hoàng lại trào lên bao cảm xúc. Anh nhớ đến câu thơ của một chiến binh, đã viết từ thời kháng chiến chống Pháp: … Không chết người trai nơi khói lửa Mà chết người gái nhỏ hậu phương Tại sao người chết không phải anh, nơi chiến trận… mà lại là em, người con gái ở quê hương? Ôi đất nước, đâu cũng là chiến trường. Nhớ lại năm học cuối cùng, khi cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc lan tới thủ đô, trường phải sơ tán về vùng quê Hà Bắc để học. Những tối, hai đứa ngồi ôn thi đại học dưới trăng, cùng nhau dạo bước trên con đường làng, gió đưa hàng tre xào xạc lá… nhớ khi hai đứa chạy vội ra ga để tiễn các bạn sang châu Âu học - Ừ, đất nước cần có những người được đi học mà trau dồi kiến thức như các bạn, để có trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Một ngày không xa, khi nước nhà thật sự hòa bình, thống nhất rồi… còn xây dựng tổ quốc mình giàu và đẹp! Nhưng cũng phải có những người như anh và triệu triệu thanh niên ra mặt trận, lao vào trong máu lửa lúc tổ quốc lâm nguy. Thu ơi! Anh đã hứa bao giờ hết chiến tranh sẽ trở về với thành phố quê hương, với em và những người thân. Anh sẽ tiếp tục theo học đại học mà thời buổi chiến tranh đành bỏ dở - Thế mà ngày anh trở về, còn thấy em đâu? Nỗi buồn này, nỗi đau này bao giờ cho vơi... Gió vẫn thổi qua nghĩa trang làm những nén hương cháy hồng lên. Hoàng nhìn ra xung quanh, người đến tảo mộ đã nhiều hơn. Có chỗ, người ta còn mang theo xôi thịt, hoa quả, xếp lên một chiếc mâm đặt trên mộ để cúng. Hoàng rút một điếu thuốc lá trong bao thuốc ở túi áo và châm lửa hút. Nghĩ lại từ ngày anh rời miền Bắc vào chiến trường, cũng đã hơn năm năm. Qua năm mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trong các cánh rừng đầy bom lửa Tây Nguyên. Anh nghe người dân tộc ở bản nói: Trước kia khi bom đạn chưa cầy xéo lên những vùng rừng núi, vào những ngày nắng đẹp, nơi đây là cả một khung trời xanh êm, thoáng gợn mây hồng. Từng làn gió nhẹ không vẩn một chút bụi nào, vuốt ve bên tai khi ta đi qua, cho ta một cảm giác dễ chịu và thơ mộng – nhưng giờ, đấy là chuyện trong tưởng tượng. Anh vào Tây Nguyên qua năm mùa khô rồi đến năm mùa mưa. Mùa khô thì nắng cháy thịt, cháy da. Mùa mưa thì mưa suốt ngày đêm tầm tã, lụt lội tháng này sang tháng khác. Anh đã tham gia tới gần trăm trận đánh lớn, nhỏ. Mặt trận không chỉ ác liệt mà còn đói khổ, thiếu thốn đủ đường. Tuy nhiên dù đói khát, gian khổ nhưng những người lính rất thương yêu nhau: nhường nhịn, san sẻ cho nhau từng viên thuốc sốt rét. Hành quân qua núi cao hiểm trở, nhường nhau từng ngụm nước, chia nhau lưng cơm, củ sắn, nhúm muối và hút chung một điếu thuốc lào, hơi thuốc lá miên… vẫn nghe thấy tiếng cười ròn tan giữa chiến trường. Những địa danh Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum, Tân Cảnh – Đắc Tô, Pleiku, Buôn Ma Thuột… Các cứ điểm Ngọc Rinh Rua, Ngọc Tu Ba, Ngọc Bờ Biêng, Kleng, Chư Tan Kra… Những dòng sông Pô Kô, Sa Thấy, Sê Sụ hay Xê Rê Pốc… mà anh đã hành quân qua. Những con đường Quốc lộ 14, 18, 19, 21… in đậm dấu chân lính chiến. Mỗi địa danh ấy, lại ghi một chiến tích hay sự tàn khốc đẫm máu của các chiến dịch và trận đánh. Về sự gian khổ, ác liệt thì chẳng đâu bằng chiến trường Tây Nguyên. Ai đã chiến đấu ngoài mặt trận mới hiểu hết được sự can trường, sức chịu đựng cũng như những hy sinh của người lính chiến. Càng gian khổ và ác liệt, nghĩa tình đồng đội của họ càng gắn bó với nhau, còn hơn cả anh em ruột thịt. Chỉ những ai từng đi qua cuộc chiến như anh và các đồng đội, được thấy cả mùa hoa dã quỳ nở vàng ngay trong bom lửa, mới thấm thía câu hát: Tây Nguyên! Ai một lần qua đó Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau Anh cũng đã hai lần bị thương đổ máu, phải đi viện ở chiến trường điều trị, nhưng rồi lại trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Hoàng lặng lẽ rời ngôi mộ, đi một vòng trên con đường nhỏ của khu nghĩa trang. Mải suy nghĩ, viên sĩ quan quân đội không để ý tới một cô gái đứng khuất bên cây bạch đàn gần đó, đang chăm chú nhìn anh. Trông thấy cô, Hoàng thốt lên ngạc nhiên: - Lan! Bạn cũng đến thăm mộ Thu đấy à? Người con gái khẽ gật đầu và nói: - Mỗi lần từ cơ quan làm việc ở tỉnh xa về Hà Nội gặp gia đình, Lan đều ghé lên đây thăm Thu, chuyện trò để bạn đỡ tủi thân. Rồi cô bảo: “Hoàng chờ một chút. Lan thắp cho Thu nén hương đã” – Lan đi về phía mộ, bầy thếp vàng mã xuống cạnh tấm bia của Thu và thắp hương. Cô chắp tay vái, miệng lầm rầm khấn cầu cho bạn. Hoàng vẫn đứng hút thuốc lặng nhìn hai người bạn gái cùng lớp học năm xưa, đang thầm thì tâm sự với nhau. Chờ Lan khấn xong, anh tiến lại. Họ cùng nhau hóa vàng… Lúc này, mặt trời đã đổ tràn trề cái màu hồng ngọt lên khắp nghĩa trang. Tay vẫn cời những lá vàng mã cho cháy hêt, Lan mới khẽ khàng nói: - Thoắt một cái, thế mà Thu đã đi xa được ngót nửa năm rồi đấy! Nhớ những ngày trước, bạn bè cứ mỗi lần gặp nhau, nó luôn mồm nhắc đến Hoàng. Hai đứa mình cũng thường ôn lại với nhau nhiều kỉ niệm. - Ở trong Tây Nguyên, Hoàng cũng rất nhớ Thu và các bạn. Nghe Hoàng nói, Lan hỏi trêu đùa: - Nhớ Thu thì đúng rồi! Nhưng còn với các bạn, liệu có nhớ thật không đấy? - Nhớ các bạn thật mà… Hoàng cố cãi. Lan chỉ tủm tỉm cười, giọng tâm tình: - Thời thơ ấu của chúng mình đẹp, Hoàng nhỉ? Rồi Lan thở dài: - Bây giờ chúng ta lớn cả rồi. Cũng chỉ mới 5 – 6 năm, nghĩ lại… cứ như chuyện trong mơ. Hoàng phụ họa: - Thì chúng ta vừa đã trải qua cả một cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc mà. - Ừ, tàn khốc và khủng khiếp thật! Giọng Lan hơi thảng thốt: - Trong chiêm bao cũng không thể tưởng tượng nổi cảnh kinh hoàng của Hà Nội trong 12 ngày đêm ấy. Chúng đã thực hiện với nước ta một cuộc chiến tranh man rợ nhất loài người. Lan kể lại cho Hoàng nghe chuyện về đêm 26/12 đó! Sau khi phố Khâm Thiên bị bom B52 tàn phá, cô đã cùng Thu và nhóm phóng viên báo Hà Nội Mới tham gia với mọi người đi cứu nạn. Giọng Lan như nấc lên: - Khi bế bạn vẫn còn đang hấp hối trên tay, hình như Thu nó muốn nhắn qua Lan để nói với Hoàng điều gì đó? nhưng không nói ra được… rồi Thu mất. Đau xót quá, Hoàng ơi! Lan bật khóc, như thể sự tình đang diễn ra vậy. Hoàng cũng thổn thức trong lòng, nhưng anh nén lại. Vẫn chưa hết xúc động, Lan bảo: - Lan thương Thu quá! - Hà Nội, có lẽ không có nỗi đau nào lớn hơn. Nói rồi anh rút chiếc khăn mùi xoa nhè nhẹ lau những giọt nước mắt hoen trên má cô. Thếp vàng mã mà Lan và Hoàng đốt trên mộ cũng đã cháy hết. Cơn gió thổi ào qua, làm bay tung các mảnh tàn tro, như những cánh diều ra tứ phía. Cả hai bịn rịn từ biệt ngôi mộ của người bạn gái, ra về. Họ đi với nhau theo một con đường nhỏ lát gạch, dưới hàng bạch đàn xanh mát dẫn ra phía cổng nghĩa trang. Mặt trời đã lên cao tới gần đỉnh đầu. Bóng nắng chiếu qua những tán lá bạch đàn, tạo thành những chùm hoa sáng rung rinh. Ngoài kia nắng trải vàng khắp nơi, chạy dài xa tít. Người con trai nói: - Nhìn các bông hoa nắng rải lên con đường nhỏ này, rất giống với đường giao liên ở rừng núi Trường Sơn. Hoàng lại nhớ đến mấy vần thơ của thi sĩ Nguyễn Mỹ, tả về con đường ấy. Anh cất tiếng đọc: Con đường nhỏ đi dưới hai hàng cây Cái con đường ấy mình đầy bóng râm Con hươu sao đã duỗi nằm Để nghe những tiếng thì thầm ở trên. Đôi bên là nắng Thu đã đượm vàng Nắng bay từng giọt, nắng ngân vang Ở trong nắng có một ngàn cái chuông… Cô gái hé môi cười, để lộ ra hàm răng trắng đều trên khuôn mặt duyên dáng: - Ở trong chiến tranh mà Hoàng vẫn mơ mộng, tâm hồn thi sĩ nhỉ? - Ừ, thỉnh thoảng nhớ quê, nhớ người… Hoàng cũng có làm thơ, ghi vào nhật kí. - Nhưng bây giờ đã đến mùa thu đâu, mà Hoàng nói đến thu… hay là “Thu” người đấy? Cô lại nhìn anh, nhoẻn cười. - “thu” ở trong thơ Nguyễn Mỹ chứ có phải thơ của Hoàng đâu? Biết là Lan trêu - Hoàng chống chế rồi mỉm cười với bạn. Cô kể cho anh nghe về đêm nô-en năm 1972: Lan và Thu, hai đứa đi chơi với nhau giữa những ngày bom B52 Mỹ đánh phá ác liệt vào thành phố. Sau khi Thu mất, bạn bè biết tin đều về đưa tiễn. Lan còn đến tòa soạn báo Hà Nội Mới lấy lại toàn bộ đồ đoàn của Thu để ở đấy, trong đó có bức thư Thu viết cho Hoàng, nhưng chưa kịp gửi. Cô đã đưa tất cả cho Ông bà Giáo, để có dịp gặp Hoàng thì trao lại cho anh. Hoàng nói: - Mình được Ông bà Giáo đưa thư của Thu rồi, Lan ạ! Hoàng đọc mà không cầm được nước mắt, đau xót quá! Họ lặng đi một lát. Lan hỏi: - Bao giờ Hoàng đi? - Ngày kia, Hoàng sẽ trở lại chiến trường Tây Nguyên. Lan ngạc nhiên: - Ồ, sao vội thế? Hoàng về chưa được hai mươi ngày mà. Hôm bạn bè gặp nhau – Hoàng bảo, được nghỉ phép một tháng cơ mà? - Có ở lại Hà Nội cũng chẳng để làm gì? Hoàng không muốn nấn ná thêm nữa. Lan nắm lấy tay bạn, cảm thông: - Lan biết, Hoàng buồn… nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều bạn bè quanh Hoàng cơ mà? Chẳng lẽ không ai có thể thay thế được Thu trong lòng Hoàng hay sao? Cô ngước nhìn anh một cách ý nhị. Hoàng chỉ im lặng đi bên Lan. Lát sau, anh nói: - Hoàng được thông báo ở miền Nam tình hình chiến sự lại xẩy ra phức tạp, ngày càng ác liệt. Hoàng muốn nhanh chóng vào đó sớm với anh em, đồng đội. Họ đã ra đến cổng nghĩa trang. “Hiệp định Pa Ri” thực chất là giải pháp cuối cùng mà Mỹ phải chấp nhận. Cuộc đàm phán tại Pa Ri bắt đầu từ năm 1968 – cuối thời kì Tổng thống Lyndon Johnson và tiếp tục dưới thời Tổng thống Richard Nixon, nhưng không đạt được tiến độ nào cả. Đến cuối nhiệm kì I của Ních Xơn, quá trình đám phán được ghi nhận là quá trình vừa đánh vừa đàm. Mặt trận quân sự quyết định diễn biến của mặt trận ngoại giao. Ních Xơn bất chấp dư luận quốc tế, thực hiện cuộc rải thảm bom B52 để san phẳng Hà Nội và đưa Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá, nhưng đã bị thất bại. Chính phủ Mỹ mới buộc phải chấp nhận kí Hiệp định Pa Ri, nhằm rút lui trong danh dự. Do biến động của chiến trường - Sau Hiệp định Pa Ri, chiến sự vẫn diễn ra ngày càng dữ dội. Trên thực tế không có ngừng bắn với toàn bộ lãnh thổ miền Nam, kể từ 24 giờ (giờ GMT) ngày 27.1.1973 - Ngay từ 28.1.1973, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra kế hoạch ‘tràn ngập lãnh thổ”: thực hiện các cuộc tấn công ồ ạt vào các vùng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát, nhằm lợi dụng tâm lí chủ quan của Quân giải phóng khi hiệp định vừa có hiệu lực. Thiệu điên cuồng kêu gào tiếp tục chiến đấu để tiêu diệt cộng sản. Ông ta nói: Sẽ không tha cho bất kì một người cộng sản nào! Áp dụng tất cả mọi hoạt động, từ hành quân đánh phá đến biện pháp cảnh sát và hành chính, để đập tan chính quyền cách mạng. Thiệu hung hăng đe dọa kết án tử hình tất cả những ai – Bao gồm xã trưởng, ấp trưởng, quận trưởng và tỉnh trưởng, khi họ có bất kì quan hệ nào ủng hộ, thỏa hiệp với chính quyền cộng sản. Chính quyền Thiệu thực hiện những cuộc càn quét dài ngày với nhiều thủ đoạn, vừa để đánh phá các vùng của Quân giải phóng vừa để tạo thành lá chắn phòng thủ đầu não ở Sài Gòn. Ra sức củng cố và tăng cường lực lượng quân sự nhằm làm cho quân Việt Nam Cộng hòa lớn mạnh, đủ sức để dối phó với Quân giải phóng cũng như quân chủ lực từ miền Bắc tràn vào. Điều đó chứng tỏ âm mưu gây chiến ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Thiệu vẫn không thay đổi. Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Bộ chỉ huy Quân giải phóng cũng liên tiếp mở các cuộc tiến công, phản công, kết hợp các cuộc nổi dậy của nhân dân trong vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Một mặt đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Thiệu, mặt khác mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam có lợi cho chính quyền cách mạng. Ở miền Bắc, Trung ương Đảng cộng sản chủ trương huy động tất cả các ngành, các địa phương tranh thủ thời cơ Mỹ rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Thiệu đã suy yếu, bị cô lập, hoang mang – miền Bắc dồn sức chi viện đột xuất sức người, sức của cho miền Nam. Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng cường tối đa quân đội, vũ khí hạng nặng để thực hiện mở nhiều mặt trận tấn công tổng lực vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Rất nhiều những binh đoàn thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam, gấp rút tiến vào miền Nam. Nghĩa là, tranh thủ thời cơ có hiệp định đình chiến, cả miền Bắc đã tăng cường tối đa cho chiến trường. Sự thực thì sau Hiệp định Pa Ri 27.1.1973, tình hình trên chiến trường miền Nam có lúc tạm thời lắng đi, nhưng chưa bao giờ thật sự được bình yên. Hoàng và Lan đã rời khỏi nghĩa trang ra đường cái. Anh nói: - Hoàng phải vào trong đó thôi, Lan ạ! Khi nào thực sự hết chiến tranh, Hoàng sẽ về hẳn Hà Nội, không đi nữa. Giọng Lan bùi ngùi: - Ừ thôi, Hoàng đi! Ngày mai Lan phải trở lại cơ quan xa thành phố để làm việc, không đến tiễn chân Hoàng được. Hai người bước vào bến xe khách để về thành phố. Khi chia tay, Lan còn dặn: - Hoàng đi mạnh giỏi nhé! Nhớ viết thư cho Lan, mong lắm đó! Hoàng gật đầu, siết chặt tay bạn. Chị bịn rịn nhìn anh, cứ như là tiễn người yêu đi xa. Khi bóng Lan đã khuất, Hoàng mới thủng thẳng tiến ra phía hồ Ha-le dọc theo phố Nguyễn Du. Anh chưa muốn về nhà ngay. Đầu mùa hè, gió mát thổi qua những hàng phượng vĩ bên hồ. Mặc dù lúc này, hoa phượng chưa kịp nở đỏ. Trên cành, từng chùm nụ xanh chiu chit rung rinh trong nắng. Chưa có cả tiếng ve kêu. Hoàng nhớ tới những hè xưa, hồi còn đi học. Hà Nội, nơi cất dấu bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu của anh… Cách đây sáu năm, ngày anh nhập ngũ từ biệt Hà Nội, bạn bè và những người thân - Đó là cuối mùa xuân 1967. Chỉ mới sáu năm mà anh cảm tưởng, như đã trải qua một chặng đường dài dặc của đời người. Kí ức về tình yêu và chiến tranh, tràn ngập như những thước phim… Khi anh chuẩn bị rời miền Bắc vào Nam, đóng quân trong núi Hòa Bình, gần các bản. Giây phút chạnh lòng, nghĩ đến người con gái Mường đã tha thiết yêu anh. Trong hồi ức của Hoàng, hình ảnh cô gái như một bông hoa rừng ngào ngạt hương thơm. Thời gian đó em mới mười tám tuổi. Vào một chiều xuân, em đã băng qua nương, qua núi đến tìm anh… rồi cả cuộc tình ái cùng cô gái ở khu rừng Hòa Bình, hiện về như một cơn mơ. Lúc đó bản trải đầy hoa đào, hoa mận trắng. Anh không thể không thừa nhận, hương vị và tình cảm của người con gái Mường tựa làn gió thơm, xoa lên tâm hồn anh. Tình yêu của cô như chén nước trong muốt và tinh khiết. Anh không thể gắn bó với em được? Phần vì còn phải ra đi, phần nữa là anh đã có Thu! Năm năm vào Tây Nguyên, anh không viết thư về… vì những muốn, em sẽ sớm quên! Anh thầm mong em đã có chồng với một đàn con. Thoắt đấy, thế mà đã trải qua một cuộc chiến tranh. Hoàng tự nhủ: Khi hòa bình trở về, thế nào anh cũng lên thăm lại bản và người con gái Mường đã gặp trong cuộc hành quân. Gió trưa hè vẫn thổi. Hoàng tới ngồi ở chiếc ghế đá đặt cạnh gốc cây, ven hồ. Ngắm cảnh phố phường, lòng anh nao nao hồi tưởng về những tối xưa, trong mùa hè cuối cùng của năm học phổ thông – Anh và Thu hay đến đây. Có tối, hai đứa ngồi với nhau tới khuya, thưởng ngoạn trăng thanh gió mát và em hát cho anh nghe. Tiếng hát em nhè nhẹ, thoảng như hơi gió mà vang vọng mãi tháng năm, theo suốt cuộc đời anh. Những nụ hôn tình yêu cũng bắt đầu trong những ngày tháng đó. Hoàng ngồi lặng đi, tưởng như tiếng hát xưa của người yêu còn đang thoang thoảng bên tai. Một mình dưới bóng cây, cảnh trí tuy có đổi khác nhưng vẫn còn đó, mà em đã quá xa xôi. Bàn tay run run của người tiểu đoàn trưởng rút ra phong thư của người yêu từ trong túi áo. Anh đọc không biết đến bao nhiêu lần, gần như thuộc. Bức thư Thu viết cho anh đêm nô-en ấy, dài đến năm trang giấy pơ luya màu hồng, trước ngày em vĩnh viến ra đi. Nét bút của em đây, với dòng chữ quen thuộc của người con gái. Hoàng mở xem lại đoạn thư rất thân thương mà làm cho lòng anh tê tái:
Phạm Ngọc Thái thời chiến tranh
“Hoàng thân yêu của em! Thu yêu anh nhiều lắm, yêu hơn cả bản thân em đấy! Hoàng chính là mối tình đầu và cũng là mối tình vĩnh viễn của em. Anh và em, ta đã trao nhau những gì đẹp nhất của cuộc đời, phải không anh? Em cũng đã dành cho anh trọn vẹn những gì quí giá nhất của người con gái. Em thấy hạnh phúc vì đã làm với anh điều ấy! Nghĩ đến anh là em lại thấy lòng mình bình yên và ấm áp, dù đêm mùa đông giá lạnh, phải sống xa anh cả nghìn cây số. Em ngồi viết thư cho anh đây, một mình em một bóng cô đơn. Tình yêu anh đã nâng đỡ em rất nhiều trong những vấp váp đầu đời, đấy anh! Đêm nô-en này cũng là đêm nô-en thứ sáu, anh không có mặt ở nhà để cùng em đi lễ nhà thờ. Năm nay em đi chơi đêm lễ với Lan, anh ạ! Hai đứa cũng tâm sự với nhau bao nhiêu điều về cuộc sống. Ôn lại những kỉ niệm xưa khi cùng nhau cắp sách, có cả anh. Ôi, Cứ nghĩ đến những ngày tới anh về phép, lòng em lại bồn chồn khôn tả? Em mong đợi ngày ấy biết chừng nào. Khi đó đôi ta sẽ chính thức trở thành chồng, thành vợ - phải không anh? …”. Cứ mỗi lần đọc đến đây, Hoàng lại thấy run bắn người. Anh như muốn òa khóc nấc lên, tựa một đứa trẻ con. Anh đứng dậy rời khỏi chiếc ghế đá, bước đi bên bờ hồ đầy gió. “Anh đã về đây, Thu ơi! Mà em đâu còn” – Những tiếng nói trong lòng Hoàng khẽ kêu lên: Ngày chiến thắng thì có, nhưng không bao giờ có thể gặp lại em được nữa? Ôi! Đó là nỗi đau tang thương, không phải chỉ với riêng chúng ta mà của cả dân tộc này. Bàn tay của người tiểu đoàn trưởng móc túi lấy chiếc bật lửa bằng i-nốc, chiến lợi phẩm của Mỹ. Anh xòe mồi lửa, châm vào những trang giấy. Lá thư bốc cháy, các tàn than mỏng bay giữa trời Hà Nội. Viên sĩ quan quân đội vẫn lặng lẽ bước đi dưới hàng cây phượng. Anh nghĩ tới những anh em, đồng đội trong chiến trường đang mong chờ anh. Qua ngày hôm sau, một chuyến xe quân sự của Bộ Tư lệnh thành phố cũng vào mặt trận, đưa Đại úy Hoàng trở về đơn vị. Khi đó, tiểu đoàn pháo của anh đang đóng quân trong khu bản Võ Định gần thị trấn Đắc Tô – Tân Cảnh đã được giải phóng, ở tỉnh Kon Tum thuộc Tây Nguyên. PHẠM NGỌC THÁI
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 13:01:17 bởi Nhân văn >
MỤC LỤC Trang Chương I: Vào đời ………………………………………………….. – Chương II: Chiến tranh phá hoại và chia ly Chương III: Chuẩn bị ra tiền tuyến Chương IV: Về phía hậu phương Chương V: Hà Nội cuộc sơ tán vô tiền khoáng hậu Chương VI: Hà Nội 12 ngày đêm Phần kết ……………………………………………………………….. HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC Địa chỉ: 65 Tràng Thi – Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội Email: nhaxuatbanhongduc@yahoo.com Điện thoại: 024.39260024 ; Fax: 024.39260031 Chịu trách nhiệm xuất bản Giám đốc Bùi Việt Bắc Chịu trách nhiệm nội dung Tổng biên tập Lý Bá Toàn Biên tập Ths Nguyễn Khắc Oánh Vẽ bìa HS. Mạnh Quân Trình bày Phương Anh Sửa bản in Viết An ………………………………………………………………………………….
In 1000 cuốn, khổ 13x19cm tại Công ty cổ phần Văn hóa Hà Nội Địa chỉ: 240 Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội Số đăng ký KHXB: 470-2019/CXBIPH/03-06/HĐ Số QĐXB: 804/QĐ – NXBHĐ ngày 08 – 04 – 2019 Mã ISBN: 978 – 604 – 89 – 7614 – 9 In xong và nộp lưu chiểu quý II năm 2019 TÁC GIẢ Nhà văn PHẠM NGỌC THÁI Sinh : 17- 01- 1949 NR: Ngõ 218 hẻm 27/8, phố Lạc Long Quân, Q. Tây Hồ, Hà Nội VN ĐT: 038 302 4194 . Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Thủ đô NHỮNG TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN Thơ và Phê bình văn học * Có một khoảng trời 1990 * Người đàn bà trắng 1994 * Rung động trái tim 2009 * Hồ Xuân Hương tái lai 2012 * Phê bình & tiểu luận thi ca 2013 * Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại 2014 * Thơ tình ( viết cho ) sinh viên 2015 * Cánh đại bàng của thi ca đương đại VN 2019 * Tuyển Thơ Chọn Lọc 2019 * Cha khóc con 2020 * 64 bài thơ hay 2020 KỊCH BẢN SÂN KHẤU ĐÃ SÁNG TÁC * Bản án dưới mồ Kịch dài * Người nhạc trưởng và dàn hợp xướng - * Mối tình hoa hồng bạch Kịch ngắn * Chuyện ở quán gốc đa - * Cánh cửa quốc tế - TIỂU THUYẾT * Cuộc chiến – Hà Nội 12 ngày đêm 2019 * Chiến tranh và tình yêu (hai tập) 2020
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2021 13:02:33 bởi Nhân văn >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: