ĐI CÙNG THỜI GIAN
Le Yen 24.10.2021 16:25:56 (permalink)
 

ĐI CÙNG THỜI GIAN
Nhà thơ Phạm Thiên Thư
_____________
 
    Tất cả mọi chuyện trên đời đều tùy vào một chữ Duyên… Tôi không nghĩ có một ngày mình ngồi trước bàn phím viết về vị thi sĩ tiền bối với tư duy cá nhân rất chân thành, ngưỡng mộ. Những bài thơ, bản nhạc một thời tuổi nhỏ thường ngân nga cùng các bạn trên đường đi học về, hay đêm trăng sáng cùng nhóm bạn với cây đàn ghi ta say sưa, chìm đắm trong ca từ như thực, như mơ… Thật gần với yêu thương từ trái tim và ở xa đâu đó tận dải ngân hà của sự ly biệt… Hôm nay ngồi đây đọc lại, nghe lại… Tất cả cảm xúc vẫn mới nguyên với thời gian. Thuận theo vô thường của cuộc đời để rồi cảm nhận sự vô vi giữa đất trời. Tư duy giáo lý nhà Phật ảnh hưởng đến thơ ông giữa hồng trần khiến người đọc ngẩn ngơ say!
   Một thi sĩ đã đem phật pháp vào đời theo cách riêng, còn đó: PHẠM THIÊN THƯ.
   “Em tan trường về
     Đường mưa nho nhỏ
     Chim non giấu mỏ
     Dưới cội hoa vàng
 
     Em tan trường về
     Cuối đường mây đỏ
     Anh tìm theo Ngọ
     Dáng lau lách buồn…
 
     Em tan trường về
     Đường mưa nho nhỏ
     Trao vội chùm hoa
     Ép vào cuối vở…”
    (Ngày Xưa Hoàng Thị)
   Trên con đường đó có chăng, chàng trai trẻ với tâm hồn tinh khôi chỉ thấy dáng em trong tà áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài ôm lấy bờ vai thon dịu dàng, níu lấy hồn anh dưới trời mưa bay lất phất. Tình yêu không chỉ là cảm xúc nhất thời, chữ thương giữ chặt cho nên “Thương ơi vạn thuở/ Biết nói chi nguôi/ Em mỉm môi cười/ Anh mang nỗi nhớ…” Một sự giữ gìn tinh khiết… Chàng sợ chạm vào sẽ làm vỡ bức tranh thoát tục từ tình yêu đầu đời, cho nên cứ thế... “Anh đi theo hoài/ Gót giày thầm lặng/ Đường chiều úa nắng/ Mưa nhẹ bâng khuâng…”
    Vào thập niên 70 “Ngày Xưa Hoàng Thị” khi được Phạm Duy làm nhạc, phổ biến và được đón nhận như một hiện tượng. Với giọng ca đặc biệt của Thái Thanh đã làm người nghe ngẩn ngơ…
   Dòng máu thi sĩ chảy trong huyết quản… Cha ông, cũng một người yêu văn học đã từng làm thơ, đạt giải. Con đường đó ông đã chọn như sự di truyền. Theo học trường Phật học Vạn Hạnh, gởi hồn vào cõi thiền, lấy cửa phật làm chốn dừng chân, ông nhận pháp danh Thích Tuệ Không. Đạo Phật đã thấm nhuần trong từng ngày với thời gian tu hành, để rồi hình thành tính cách trong thơ Phạm Thiên Thư… Một dòng thơ thoát tục ảnh hưởng triết lý Phật giáo chân như.
   Trong “Động Hoa Vàng” Tất cả như có, như không…
   “Mười con Nhạn trắng về tha
     Như Lai thường trụ trên tà áo Xuân
     Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
     Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm”
   Giữa thế giới thật giả lẫn lộn. Phật không chỉ ở trên niết bàn, Phật ngự trong tâm mỗi người từ những pháp môn tu tập, thiền định, giúp thiện lành làm chủ bản ngã... Biết buông bỏ để có cái nhìn khác đến thế giới chung quanh… Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền/ Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm… Không hẳn nói đến cái đẹp nhục thể một giai nhân, còn thấy vẻ đẹp núi đồi thiên nhiên trùng điệp, cái hồn từ đất trời như phảng phất trong thơ ông…
   “…Từ chim thuở núi xa xưa
         Về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng
         Từ em khép nép hài xanh
         Về qua dục nở hồn anh đóa sầu…
        Con chim chết dưới cội hoa
       Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
        Mai anh chết dưới cội đào
        Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu…”
        (Động Hoa Vàng)
   Một nhà sư! Trong thế giới thơ của mình đã tương tư đôi hài xanh để rồi chết dưới cội đào “Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu…” Những giọt lệ nhỏ vào thiên thu đó sẽ còn mãi với thời gian làm nao lòng khách yêu thơ. Có phải ông đã tu theo cách riêng mình… Trong lớp áo nâu sòng và khuôn phép tu hành, thơ như một món nợ, kiếp tằm phải nhả. Cho nên “Tay nào nghiêng nón thơ che/ Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao…” (Động Hoa Vàng).
   Cuộc đời trần ai hay tiên cảnh cũng xuất phát tự Tâm. Sự thiện lương là mầm sống cho ra trái ngọt. Hãy đọc những câu thơ từ tác giả “Lên non cuốc sỏi trồng hoa/ Xuôi thuyền lá trúc là đà câu sương/ Vớt con cá nhỏ lòng đòng/ Mãi vui lại thả xuống dòng suối tơ…”(Động Hoa Vàng), cho thấy Tâm Cảnh đã mở…
   Ông lặng yên quan sát sự chuyển động nhân sinh… Sự nhạy cảm khiến ông vui trước nắng và buồn hơn mưa. Chuyện tình chú tiểu và một phật tử thường xuyên đi chùa, phải ly biệt vì nàng qua đời trong thời chiến loạn lạc. Sự đau khổ khi mất đi người thương trong mỗi chiều hiu hắt bên mồ lẻ bóng, khiến chú tiểu thương cảm… Bài thơ “Em Lễ Chùa Này” ra đời đầy hình tượng: “Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ/ Tiễn đưa em trong áo quan này/ Từng cội hoa - trầm lặng thương nhớ/ Tóc em xưa tơ óng như mây…” Mất đi một nửa yêu thương giữa hai thế giới, nhưng tình yêu còn đó trong tâm người ở lại, vẫn là niềm hạnh phúc. Sự mất mát khi phải đối diện trong thế giới thực mới thật đau khổ, bất hạnh. Nỗi đau ám ảnh vào tận giấc mơ để cảm giác tổn thương như vừa xảy ra… “Thì thôi tóc ấy phù vân/ Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương/ Thì thôi mù phố xe đường/ Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi” (Động Hoa Vàng).
   Bài thơ “Em Lễ Chùa Này” được Phạm Duy phổ nhạc - Lệ Thu trình bày trước năm 1975. Đã gây tiếng vang vừa đủ đọng lại trong lòng người yêu âm nhạc…
   Phạm Thiên Thư luôn hoài niệm một tình yêu kiếm tìm trong tiếc nhớ… Nàng ở trong thơ như mây như khói. Mây khói tan đi nhưng kỷ niệm còn mãi… Đó là chất liệu cho những bài thơ tình không dứt “Mười năm anh qua đó/ Còn vẫn dấu chân chim/ Anh một mình gọi nhỏ/ Em ơi biết đâu tìm”  Thật nao lòng khi “Ngày xưa anh đón em/ Trên gác chuông chùa nọ/ Bây giờ anh qua đó/ Còn thấy chữ trong chuông” Để rồi xót xa “Anh khoác áo nâu sòng/ Em chân trời biền biệt/ Tên ai còn tha thiết/ Trong tiếng chuông chiều đưa” (Vết Chim Bay).
   Chữ “tình” trong thơ Phạm Thiên Thư thật nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng ở đây không có nghĩa hời hợt, chóng phai… Nhẹ nhàng đến, đi giữa vô thường, vì tất cả đều vô thường! Chính sự vô thường đã làm mới cuộc đời, cho ta một cơ hội… Vậy mà cũng có lúc trái tim đa tình tự làm khổ mình: “Xuống non nhớ suối hoa rừng/ Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây/ Về thành nhớ cánh chim bay/ Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa…”(Động Hoa Vàng) Và thật buồn khi: “Đời nhau tàn cuộc hoa này/ Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ/ Tìm trang lệ ố hàng thơ/ Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di…” (Động Hoa Vàng).
Giữa phù vân, hư ảo hợp tan là chuyện thường tình. Tìm lấy cái được, mất những nơi đâu...
   Đôi khi ông băn khoăn: “Bước vào hỏi đấng chí tôn/ Bạch thầy: “Cái lẽ sinh tồn ở đâu”/ Hỏi chi người cũng lắc đầu/ Xuyên câu hỏi lại thành xâu bồ đề.”  
   Nền tảng tư tưởng Phạm Thiên Thư là giáo lý đạo Phật mở, làm gốc rễ cho thế giới thơ ca riêng mình. Ông viết lại kinh phật bằng ngôn ngữ thi ca, luôn trung thành với nguyên bản ý kinh. Bài kệ chính yếu kinh Kim Cương, Phạm Thiên Thư đã thi hóa trong “Kính Ngọc” và nhiều kinh tác khác. Với bút pháp biến hóa thành ngụ ngôn, truyền thuyết, giáo huấn và huyền thoại, được chuyển tải qua hàng chục ngàn câu thơ lục bát nhuần nhuyễn dễ dàng đi vào lòng người.
      Yêu thương có dễ không? Thực sự yêu thương không dễ…! Vì khi yêu một ai đó phải quên đi bản thân, mưu cầu hạnh phúc cho đối tượng, dẹp bỏ bớt cái tôi để yêu người. Chỉ khi cái tôi nhỏ lại thì trái tim mới lớn lên. Lớn lên để yêu thương, để bao dung chia sẻ và đồng hành… Nhà thơ Phạm Thiên Thư ở trong tâm trạng đó với bao trăn trở... Ông muốn quên đi bản thân để yêu thương quê hương, yêu con người và thiên nhiên… Trái tim lớn muốn đem Phật pháp chia sẻ cho chúng sinh. Muốn làm tốt điều bản thân ông đã tu luyện và tích lũy năng lượng tích cực, cho vào những đứa con tinh thần. Góp vào kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, đi cùng thời gian, luôn được độc giả đón nhận, yêu thích.
   Năm 1973 ông đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với  tác phẩm Hậu Truyện Kiều – Đoạn trường vô thanh.
   Phạm Thiên Thư tên thật Phạm Kim Long, sinh ngày 1-1-1940, xuất thân trong một gia đình Đông y. Quê cha: xã Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Quê mẹ: Xã Trung Mẫu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh quán: Lạc Viên, Hải Phòng. Trú Quán: Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương (1943- 1951). Sống tại Sài Gòn từ 1954 cho đến nay.
   Tác phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968), Kinh  Ngọc (Thi hóa kinh Kim Cương), Động Hoa Vàng (thơ 1971), Đạo Ca (Nhạc Phạm Duy), Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh (1972), Kinh Thơ (Thi hóa kinh Pháp Cú), Quyên từ độ bỏ thôn Đoài (thơ), Kinh Hiếu (Thi hóa), Kinh Hiền (Thi hóa Kinh Hiền Ngu) gồm 12.000 câu lục bát, Ngày Xưa Người Tình (thơ), Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ - 1975), Thơ Phạm Thiên Thư, nxb Đồng Nai tái bản 1994, Tự điển Cười (24.000 bài tứ tuyệt Tiếu Liệu Pháp) Vua Núi, Vua Nước (tức Sơn Tinh Thủy Tinh) Nxb Văn hóa – Thông tin 2003.
   Các bản nhạc: Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, Em Lễ Chùa Này, Huyền Thoại Trên Một Vùng Biển, Loài Chim Bỏ Xứ (nhạc Phạm Duy), Vết Chim Bay (nhạc Cung Tiến), Guốc Tía, Đôi Mắt Thuyền Độc Mộc (nhạc Võ Tá Hân), Độc Huyền (nhạc Nguyễn Tuấn) Động Hoa Vàng (nhạc Trần Quang Long)…
   Cùng một số tác phẩm sắp xuất bản…
   Phạm Thiên Thư nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Phathata (Pháp –Thân –Tâm).
   Tôi viết về ông – Nhà thơ Phạm Thiên Thư, với suy nghĩ cá nhân chưa phản ánh toàn vẹn. Xin gởi đến ông sự yêu thương, kính trọng. Một cách nhìn lên từ kẻ hậu học đối với bậc thầy trong muôn vàn ngưỡng mộ, ghi ơn - Nhà thơ đã để lại cho hậu thế một kho tàng văn chương khổng lồ, mang triết lý Phật học vào đời.
   Sẽ còn mãi với thời gian một Phạm Thiên Thư “Động Hoa Vàng” làm nao lòng khách yêu thơ…!
   Một tài năng quán tuyệt đầy uyên bác, cần mẫn như chú ong mật, gieo cho đời vị ngọt sáng dòng nhân sinh…
 
                                                                       Sài Gòn - 29/10/2020
                                                                             LÊ YÊN
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.11.2021 05:57:39 bởi Le Yen >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9