Giọt Cạn - MacDung
macdung 10.11.2021 12:21:04 (permalink)
 

GIỌT CẠN
 
________
 
 
Men cay như chất xúc tác gợi lên cảm hứng cho thi nhân, có khi chỉ làm nền mô tả cảm giác phẫn uất xung thiên! Nhưng cũng có loại men ẩn tàng trong chất tứ, đọc rồi cứ lâng lâng như vừa nốc cạn tửu hồ… Men say tột cùng hiện hữu, truyền cảm nhận đến người thưởng thức như chính ta đang uống, chia sẻ cùng thơ như hòa làm một.
Không phải thi sĩ tài hoa Vũ Hoàng Chương đã từng thốt:
“Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?...”
Nhưng có một chất rượu lưu ly không bằng men say, lại được ủ kĩ trong sắc tứ thời gian lịm chết con tim. Tác giả Titi Dang đã làm nên điều này qua thi tác:
KÝ ỨC
Nghiêng ly...
cạn giọt Xuân thì
Đông...
vương ký ức
bờ mi đọng sầu
Hạ...
vàng úa nỗi niềm đau
Rụng từng sợi nhớ...
nhạt nhàu...
Thu trôi...!
22.02.2020
TT-Thanh Trước
Xuân Thì vốn quý báu như ngọc. Ai cũng từng ngồi tiếc nuối một thời Xuân sắc hao gầy qua tháng năm! Thế nhưng dòng rượu sóng sánh như mật ngọt có khi chứa nỗi đau thời đã đánh mất, rồi mọi cái hóa thành chất men cay thấm đẫm buồn trôi qua cổ. Ly nghiêng, tất rượu sẽ sóng sánh màu – Màu của ký ức buồn nhiều hơn vui. Nếu nói vui, ai cũng muốn tìm đến sự chia sẻ thay vì ngồi nốc cạn từng giọt say với thời gian… Nghiêng ly uống, nhưng mắt liếc vào đáy cốc, nhìn từng dòng rượu chảy ngược vào miệng, tận hưởng cả chất lẫn lượng từ từ thực hiện chuyến đi chôn sâu nỗi đau trong quá khứ! Cảm giác tuyệt sầu này, thử hỏi mấy ai từng một lần thực chứng trong cõi cô độc!?
Rượu cạn, giọt sẽ tạo ra trên đáy cốc… Vài hạt từ từ lăn xuống trả lại không gian trống vắng. Cách cạn giọt từ tác giả Titi Dang tạo lên hình ảnh tập trung vào ly rượu nhiều hơn người thưởng thức chất men. Câu đầu của Ký Ức sống động lạ thường bởi sự quan sát từ người uống đối chiếu với hình tượng giọt rượu lăn nhẹ, trôi tuột vào miệng một cách lạnh lùng xa vắng… Nghiêng ly cạn giọt Xuân thì!
Vương mang, luôn luôn rối bời với nỗi buồn thay vì buông bỏ! Lý luận nhà Phật cho rằng biết buông bỏ mới có thể tìm đến An Lạc. Nhưng thật ra Biết chưa đủ!? Buông bỏ Được mới là cảnh giới thấu triệt Vô Thường. Thử hỏi, về lý luận là vậy, nhân sinh mấy ai Buông Bỏ Được? Nếu thật sự đắc ngộ chân lý dễ dàng như thế thì nhà chùa không mọc lên! Cuộc sống không rối bời… Và những vần thơ buốt lòng không còn cơ hội để sinh ra…
“Vương vương” có nghĩa vướng mắc, dính vào, là một động từ kết hợp nghĩa với tính từ “mang mang” bằng mênh mông, mịt mù, cho ra từ ghép Vương Mang. Một khi đã vướng vào ký ức mịt mù trong cô đơn sẽ cho ra cảm giác lạnh lẽo khi xung quanh không lấy ai bầu bạn. “Cái ác” của tác giả Titi Dang đã sắp xếp ngữ cảnh rơi vào mùa Đông trong hoàn cảnh bản thân đang run lên vì lạnh – cảm nhận từ nỗi cô đơn. Thế là buồn và cực lạnh đã khiến cho lệ đọng long lanh mi. “Đọng” ở đây không phải chảy thành dòng mà chỉ ứa ra trong cố kiềm chế nhưng… bất thành! Ngữ cảnh chợt hiện sáng tâm ý cần thể hiện: “Đông... vương ký ức, bờ mi đọng sầu…”
Trong nắng Hạ mưa buồn bất chợt. Tâm trạng con người với bao khắc khoải cũng biến thiên theo thời tiết. Nắng vàng của Hạ óng ánh nhưng chỉ trong chốc lát mây đen phủ mù, cơn mưa có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Mùa Hạ mang cả ký ức đẹp nhất tuổi ấu thơ thời áo trắng, chia tay một niên học. Bao kỷ niệm cũng bắt đầu từ đây với ba tháng hè rong ruổi vui chơi với bè bạn trang lứa…
Mùa Hạ của Titi Dang úa nhàu những ký ức, ẩn sâu bao nỗi buồn – Niềm nhớ chỉ để nhớ, không phương vãn hồi. “Hạ… vàng úa nỗi niềm đau”, như ban cho nét buồn một linh hồn, và niềm đau còn vương sự sống ấy đang thoi thóp từng nhịp trong nắng Hạ cuối cùng…
Ẩn sâu trong nỗi buồn được cân đo đong đếm trên từng sợi tóc bạc màu thời gian. Từng sợi, từng rợi rụng… Từng ngày, từng ngày trôi… Chứng kiến sự thay đổi hiện thực nhưng ký ức còn mãi lưu dấu. Câu cuối Ký Ức như dòng chảy qui luật quá khứ, có dùng dao cắt đoạn như nhà thơ Lý Bạch nói: Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu (Rút dao cắt nước, nước càng chảy)… Nỗi sầu là còn mãi… “Rụng từng sợi nhớ nhạt nhàu Thu trôi…!”
Trong tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, tác giả Titi Dang sử dụng cách đối chiếu phá vỡ trật tự đầy ẩn ý. Thay vì theo trình tự Xuân đối với Hạ, trong bốn câu Ký Ức mùa Xuân đầy sức sống lại bị đẩy vào thế đối đầu với Đông lạnh lẽo. Từ đó đẩy Ký Ức vào nét Bi, thể hiện tâm trạng tác giả, và người đọc bị kéo vào ngữ cảnh thê lương khi thưởng thức toàn bài.
Bốn mùa trong Ký Ức hầu hết thể hiện ở cuối mỗi thời. Trong lý luận ngũ hành bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; khi ứng vào tứ thời gian: Mộc thuộc Xuân, Hỏa thuộc Hạ, Kim thuộc Thu, Thủy thuộc Đông. Vậy còn hành Thổ ở nơi nào? Tiết khí và âm dương cổ lịch quy định cách gọi 3 tháng trong mỗi mùa là: Mạnh = đầu, Trọng = giữa, Quý = cuối. Mỗi mùa có 3 tháng, vậy Quý của mỗi mùa thuộc hành Thổ (tháng cuối). Ứng việc này vào thi tác cho thấy hầu như qua 4 câu thơ, tác giả Titi Dang luôn chọn hành Thổ trong tứ thời để thể hiện. Hành Thổ lại là trung hòa trong ngũ hành, bởi Thổ chứa đựng 4 hành còn lại… Gom tất cả ngũ hành, tác giả Titi Dang đã cho ra một Ký Ức thật buồn, thật khó tả xiết…!
Ký Ức ai cũng có, nhưng… Ký Ức của Titi Dang đang ban phát hào sảng cho nhiều bạn đọc khắp nơi thưởng thức. Tin rằng còn nhiều thi tác sẽ sớm ra mắt phục vụ cho khách yêu thơ, bởi một nữ nhân say thơ nhiều hơn bất cứ thứ gì hiện hữu trên cõi tục trần…
Chúng ta hãy cùng nhau:
“NGHIÊNG LY CẠN GIỌT XUÂN THÌ..."
 
VL – 12.6.2020
MacDung
 
 
Attached Image(s)
#1
    Ct.Ly 01.12.2021 04:07:33 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9