CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Tối mười chín tháng mười một
Sau giờ dạy online, tôi vội tắt đèn vì sợ không kịp giờ tưởng niệm những đồng bào, cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ ... đã hy sinh , vĩnh viễn ra đi do căn bệnh quái ác mang tên covid 19. Trong bóng tối, tôi bật điện thoại theo dõi tường thuật về buổi tưởng niệm ở một chùa quận ba. Không biết tự lúc nào mắt tôi đã cay xè. Đồng cảm , thương xót, khâm phục - những cảm xúc đó cứ đan xen nhau khiến lòng tôi dâng nỗi niềm khó tả. Thế mới biết giữa cuộc sống vô thường này không có gì là không thể.
Thật vậy! Giờ tôi không muốn nhớ lại những ngày cách ly, phong tỏa chút nào bởi nó như tấm bi kịch mà hơn nửa đời người tôi mới gặp. Một ký ức buồn! Nhưng tôi cũng không muốn xóa ra khỏi hoài niệm của mình bởi nó sẽ là chứng tích thật nhất về đại dịch năm hai ngàn mười chín.
Bắt đầu từ tháng mười hai năm hai ngàn mười chín, dịch đến từ Vũ Hán rồi chu du khắp nơi trên thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ. Từ khi nghe dịch bệnh ở tít nước ngoài, tôi nơm nớp lo sợ. Sợ cho mình thì ít nhưng lo cho người thân thì nhiều. Tôi bắt đầu mua khẩu trang, lương thực khô, đồ gia dụng, lương thực trử trong nhà phòng khi dịch đến. Lúc đó, ai bắt gặp tôi cũng cười cho rằng tôi cầm đèn chạy trước ô tô - lo quá xa! Tôi không quan tâm họ nghĩ gì. Tôi chỉ lo cho sự an nguy của gia đình, người thân thôi.
Rồi dịch bệnh cũng đến. Ban đầu vài ca xuất hiện lẻ tẻ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh . Sau đó dịch lan ra một số tỉnh ở miền Bắc. Phải nói là lúc đó cả nước dồn hết sức lực của ngành y để chữa trị tốt cho những ca mắc covid. Tiếng tăm lan xa, Việt Nam được biết đến là một trong những nước hàng đầu trên thế giới chữa trị covid 19 có hiệu quả , mọi người nên học hỏi. Và Việt Nam đã mở lòng đón nhận rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến như một nơi an toàn để nghỉ dưỡng, tham quan .
Thế nhưng đợt dịch thứ hai, thứ ba lại bùng phát. Ổ lây chính từ các sân bay. Đến đợt dịch thứ tư, covid đã cho ra chủng mới: Delta nguy hiểm hơn, siêu lây và lấy đi hàng chục ngàn sinh mạng.
Cuộc chiến với covid là cuộc chiến không cân sức.
Chúng ta đấu với virus mà mắt thường không thấy được. Chúng hiện hữu ở đâu? Không biết! Giống như người mù đi trong mưa , bằng cách nào để tránh bị ướt?
Chính quyền huy động tất cả lực lượng trong và ngoài ngành y, quân đội tham gia chống dịch trường kỳ hơn bốn tháng. Mệt mỏi, rã rời vì quá tải ở các bệnh viện dã chiến , trạm y tế, khu cách ly, phong tỏa. Chết chóc bao trùm, thiệt hại về người có ngày lên đến ba con số . Các cấp chính quyền ăn không ngon, ngủ không yên, tận tuỵ , hết lòng lo an sinh, chữa bệnh . Còn dân tình lo âu phiền muộn . Một mặt họ lo bị đói vì mấy tháng liền thất nghiệp ( nhất là người ở khu nhà trọ) . Họ thiếu thốn đủ điều dù các mạnh thường quân và nhà nước đã hổ trợ. Họ còn sợ sẽ ra đi mãi mãi như những người thân của họ. Họ mong muốn được về quê cũng là điều hợp lý.
Nhưng có những cuộc trở về là bất hợp lý. Bởi do tự phát, tập trung đông người vô tình họ làm dịch bệnh lan nhanh trên chính quê hương của họ.
Nói sao cho hết những hồi ức về chuỗi ngày dịch dã.
Giãn cách - hai từ ấy giờ là ám ảnh trong tôi. Hình ảnh những tình nguyện viên mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, những chiến sĩ công an, bộ đội đứng trực chốt, những y, bác sĩ xét nghiệm covid , tiêm ngừa cứ mãi lưu trong tâm trí tôi bây giờ và mãi mãi về sau.
Ai hỏi tôi sợ gì trong thời gian giãn cách? Tôi không ngần ngại trả lời đó là test covid. Cứ mỗi lần nhận được giấy đi test , tôi hồi hộp cho đến đêm . Tôi sợ! Sợ từ lúc đi đến điểm test cho đến khi về tới nhà vẫn còn sợ. Sợ bị dương tính, sợ bị cách ly. Sợ cả đôi găng tay của người lấy mẫu. Có thời gian tổ dân phố của tôi cứ hai, ba ngày test một lần. Mỗi lần test xong mũi tôi bị viêm và sưng lên, lở da, khoảng một tuần mới hết.
Nỗi sợ thứ hai đeo bám tôi là đi tiêm ngừa covid. Đáng nhớ là lần tiêm mũi hai. Tôi lê lết ở một trường học ( điểm tiêm) trong hai ngày với sự mệt mỏi, héo hon, lo sợ. Lần đó, tôi tiêm không được lại sợ bị lây covid nên tôi xuống sắc trông thấy, tưởng tượng là tôi bị bệnh vậy.
Nỗi lo sợ thứ ba là tiếng còi hú của xe cứu thương.
Thật tình mà nói lúc nghe âm thanh ấy, tim tôi như thắt lại, nhoi nhói. Cái cảm giác buồn lịm ở trong lòng. Tôi thầm nghĩ dù người trên xe đó lạ hay quen , tôi đều thấy thương họ. Rồi những khi nghe thông tin về ca tử vong ở địa phương ngày càng nhiều lòng tôi càng tê tái .
Còn bao nhiêu kỷ niệm nữa trong mùa covid mà tôi không tiện viết ra đây. Tôi sẽ giữ mãi cho riêng mình để chợt vui, chợt buồn, chợt hoài niệm về nó trong chuỗi ngày sắp tới.
Sống chung với dịch cũng đồng nghĩa là tôi rồi cũng sẽ bị bệnh, không trước thì sau, không chóng thì chày - đó là lẽ đương nhiên. Nhưng giờ thì tôi không còn sợ covid như lúc đầu nữa vì xung quanh tôi , xóm giềng, bà con, người thân của tôi đã từng, đang bệnh. Rồi họ sẽ hết bệnh và tiếp tục làm việc như bình thường. Dĩ nhiên là sẽ có một số người đối xử kỳ thị với F0 nhưng không sao, tôi nghĩ thế mới gọi là đời .
Cố gắng giữ gìn sức khỏe càng lâu càng tốt, lạc quan. Chừng nào "Covy" gõ cửa thăm thì hẳn hay!!!
PEARL
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2021 12:33:46 bởi PEARL >