(url) Hàn Mặc Tử

Tác giả Bài
PCCC
  • Số bài : 371
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.09.2005
  • Nơi: Đội cứu hoả
(url) Hàn Mặc Tử - 14.11.2005 08:41:41
Hàn Mặc Tử
(1912-1940)

Nhà thơ với cuộc đời đau thương có một không hai này, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 ở Lệ Mỹ (Đông Hới). Ông làm thơ từ thuở nhỏ. Lấy hiệu là Phong Trần và Lệ Thanh, trong những năm 16 tuổi. Vốn ở Qui Nhơn từ nhỏ. Cha mất sớm, nhà nghèo. Học đến năm thứ ba ở trường Qui Nhơn, kế đó mắc bịnh hủi, đưa vào nhà thương Qui Hòa rồi mất ở đó, ngày 11-10-1940.
Ông từng chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử.
Đã đăng thơ: Phụ Nữ Tân Văn, Saigon, Trong Khuê Phòng, Đông Dương Tuần Báo, Người Mới.
Đã xuất bản: Gái quê (1936), Thơ Hàn Mặc Tử (1959) gồm có: Thơ Đường Luật, Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý.
Tất cả các thi phẩm nầy được nhà xuất bản Tân Việt in lại (1959). Càng ngày thơ Hàn Mặc Tử càng được phổ biến rộng và có nhiều người say sưa. Phần nhiều những người mê thơ Hàn Mặc Tử, lớp thanh niên ngày nọ... thường lê thê lếch thếch ở cá hè quán dơ bẩn và điên loạn... họ điên loạn để tỏ ra giống Hàn Mặc Tử, họ bày đặt đau thương khốn đốn, thơ thì dùng chữ cho sáo, cho kêu, tiếc rằng không tìm được một HànMặc Tử thứ hai để cho mình chiêm ngưởng.
Ngày nào còn bình tỉnh tôi chỉ thích đọc thơ Xuân Diệu, thơ Lưu Trọng Lư với những linh hồn sầu mộng muôn đời đó, cũng như những người làm thơ hôm nay... cái nhẹ và cao sâu của Trần Dạ Từ, Đỗ Qui Toàn và những bài thơ lục bát của Trần


Đức Uyển vậy... nhưng, lúc tỉnh cũng như lúc điên... giòng thơ Việt với đôi hình sắc lạ thường rẻ thành hai nẻo... cùng hướng vọng về ân sủng của Thượng Đế, chỉ có Huy Cận ngày xưa, không cầu mong Thượng Đế điều gì, vì thi nhân mang cả cái linh hồn trần gian nầy mà trả lại cho Người. Nhưng đến lúc sầu hận điên đảo khôn nguôi, tôi trở về với Ôn Như Hầu... với Chế Lan Viên... và nhất là với Hàn Mặc Tử. Thơ không vốn để vỗ về lấy đau thương của ai cũng không phải để nói lên cái đau khổ, mà để tạo lập một vũ trụ một cõi mới lạ... điều nói của Loài Người cả đấy thôi... thì dù ở đâu, ở hoang đảo nào, ở một thế giới nào đi nữa, chúng ta vẫn cắm lều cô độc, chúng ta vẫn đến cái đỉnh chót vót của tâm hồn tẻ quạnh của ta và chừng đó hoặc là trở về cô độc bằng thái độ sống, nếu không, thì chúng ta sẽ điên, điên như Chế Lan Viên, kinh dị như Hàn Mặc Tử và sau này trên một nguồn đó còn có nhà thơ Viên Linh với Hóa Thân xuất bản vừa rồi.
Nhà thơ đi lọc ánh sáng để gieo vần, đơn độc đẩm mình trong suối ngọc cỏ thơm, trong niềm đau thương xô đẩy đến một thế giới trăng sao lộng lẫy. Thi ca là nguồn suối ở trên cõi siêu hình đảo lộn cả mọi suy tưởng đậm đà của tình nhân gian sầu mộng. Ở đó chỉ có linh hồn thi nhân và trân châu ngọc bích của Thượng Đế. Ở đó sự kỳ lạ được nhà thơ điểm vào óng ánh tinh khí, thực thể trơ thành huyền hoặc lý lẽ cõi đời không có đất nẩy mầm, cõi điên loạn dị thường được soi trong cặp kính của một vì Sáng Thế, được gảy bởi cung đàn thiên tiên bất tuyệt.
Từ lắng nghe niềm đau thương vọt máu của sự tình đến khao khát ân ái của nhục thể, từ lang thang cô đơn ở trong xã hội gọi là chỗ hợp quần này tương trợ và thông cảm này... rốt lại chỉ còn vò võ từng đêm, hoảng hốt và đau buốt xương da từng đêm trong bệnh viện Qui Hòa. Từ cõi bị đày này, thi nhân xưa vẫn là người tiên ở thượng giới cho đến cõi tạm bợ đày đọa này, rồi lại bị đày thêm lần nữa ở một vũng cô liêu cũ vạn đời...
Với niềm đau thương của Hàn Mặc Tử người đời còn có thể nhắc tới. Nhưng tiếc rằng nhắc tới để cảm thấy một cuộc đời rất là say đắm... rất là khốn cùng... rất là thơ mộng!!! Chứ nào ai đã cảm nhận một người đó vượt khỏi cái âm u, hoang lạnh của hư vô bủa vây trùng điệp... đen tối mịt mù như thứ mê hồn trận. Những giờ phút tê điên hồn phách, sượng sùng xương da, ở giữa một căn nhà với ngọn nến, trông ra bốn bể đêm tối bủa vây, bãi tha ma hoang lạnh. Linh hồn kinh dị đến tột cùng, choán ngộp cơ hồ nghẹt thở... đau đớn bốc dậy cùng từng sớ thịt, từng đường gân, từng mạch máu, từng phút từng lo âu và khẩn nguyện.
Như một kẻ lâm vào ác mộng, vũ trụ quay cuồng, vang vọng đến tiếng gọi rợn người của tử thần rình rập.


Cựa quậy khôn thoát, cuối cùng thể xác đành ngã gục... đành tê điên, đành tan rả, nhưng linh hồn Người đã đến một nơi cư ngụ bình yên... Trong đời ta, ít nhất là ta đã va chạm một lần với cái chết khủng khiếp, ta mê cuồng và thét gọi; ta điên đảo và bấu víu vào đời sống này một cách vừa bi thảm vừa run sợ. Ít nhất là như thế... ta mới cảm thông với một người trải nhiều ác mộng, luôn luôn thấy bàn tay lông lá của tử thần vương đến chụp xuống đầu cổ, vò bóp xương da. Cuộc chiến đấu bất lực của con người với định mệnh ác nghiệp, cuộc chiến đấu giữa thể xác tanh hôi ghì kéo linh hồn chìm ngập trong đó, và ý chí thi bay vượt lên, điểm linh hồn với cõi trú ngụ mông lung mù mịt của thế giới trăng sao huyền hoặc của tho Người.
Thơ Hàn Mặc Tử không nên đọc trong lúc bình tỉnh vì nó sẽ dẫn ta vào chơi vơi hoang đảo trong đêm biển mù tăm. Nhưng lúc quá đau thương, ta vào cõi thơ của người để mà lảo đảo, hít làn tinh khí trăng sao, của hoa trái thanh tân, nhìn thấy ngất trời tinh đẩu, với nỗi đau đớn lạ thường, cảm giác lạnh tê. Ở đó, ta chịu nhận hồn ta vào cõi vô cùng nọ, ta cùng lùa ánh sáng như lùa một thứ tình mộng, như lù những làn sóng trong ngần của bầu trời tinh mơ, của biển vàng rực rỡ. Ta sẽ vơi bớt nỗi đau đớn mà cảm thấy một hồng ân, bánh mật của Thượng Đế. Và kẻ nào từ chối thứ bánh mật đó, từ chối mọi ân sủng thiêng liêng đó... cũng đứng lên than vãn cõi đời ô trọc làm chi nữa, đừng tìm làm chi nữa hạnh phúc ở trong cõi trần này. Nếu có gan liều phó mặc với triều sóng thời gian đẩy ra khơi mãi thì đừng đọc thơ Hàn Mặc Tử nữa, sẽ tự dựng lấy một thế giới riêng, ở đó mặc tình vùng vẫy.
Nói về thơ Hàn Mặc Tử, ngẫm nghĩ lại, mình không nói được gì cả... bao nhiêu lời từ trước đến giờ như là cây mục, như là cỏ khô... bởi vì thơ người quá ư tràn trề ánh sáng, nhưng lúc tắm trong vùng ánh sáng nọ, thoát nó lại biến mất... lúc ta ngỡ thơ chàng là ánh sáng thái dương thì thơ chàng lại là vầng trăng thiên cổ... lúc ta nắm được linh hồn, nắm được bản chất thơ của Người ở cõi đời này... thì thơ chàng đâu có... mà ta cầm nắm đâu, vì:
Người thơ chưa thấy ra đi nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ.
Và chân lý mà ta thấy được ở tận cõi xa mù nào... không thể hiểu nỗi nữa!
Trần Tuấn Kiệt.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 04:45:20 bởi TTL >
Đường và chân là đôi bạn thân. Chân đi chơi, chân đi học, đường ngang dọc đường dẫn tới nơi.

Nhatho_PhamNgocThai
  • Số bài : 971
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 04.08.2006
RE: (url) Hàn Mặc Tử - 28.12.2008 11:13:51
.


         Một trong những thi phẩm thuộc đỉnh cao của thơ Hàn Mặc Tử đó là bài " Đây thôn Vỹ Dạ " - Bài thơ nổi tiếng trong suốt mấy chục năm qua và đã được nhiều cây bút của đương đại viết bài bình luận. Song tôi nghĩ: đánh giá cho hết thế giới bên trong để tạo thành cái hay với bài thơ của Ông thì có lẽ chưa có bài bình nào thật sự được coi là thoả đáng, kể cả những nhà bình thơ có tên tuổi, mác tem bây giờ !? Tôi cũng chỉ góp thêm một bài bình bổ xung theo sự nhận thức thi ca của mình để bạn đọc cùng tham khảo:

                              
HÀN MẶC TỬ
                     VỚI BÀI

         " ĐÂY THÔN VỸ DẠ "



Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
                         

                         ( Rút trong tập "đau thương"
                               - tức thơ điên của HMT )
    


       Bài thơ được mở đầu với lời trách móc của người con gái. Lời trách ấy có từ một hoàn cảnh gặp gỡ nào trước đó, được thi nhân nhớ lại:
                Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
      Câu mở đầu như thế giúp cho ý tưởng kiến thiết bài thơ Thôn Vỹ gắn bó với nỗi nhớ người xưa !... Cảnh không gian thôn Vỹ được gợi lên:
                Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên               
              Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

      Từ hàng cau đến cái nắng mới... vào buổi sáng ấy,với màu xanh của vườn cây đều là cảnh hiện ra trong hồi tưởng.
      Thôn Vỹ nói riêng cũng như ở mỗi làng quê Việt Nam nói chung: Hàng cau là thứ cây dễ đọng lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người khi đã phải cách xa. Ta cũng thấy ở trong thơ Nguyễn Bính từng viết:
                    Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
     
Hàng cau dưới cái nắng mới buổi sớm thì trong mát, thanh thiên lắm !... Cảnh quê cô đọng, đẹp đẽ được hoà quyện vào mối tình đầu trong sáng, mơ mộng của thi nhân. Dù mối tình với nàng Hoàng Cúc chỉ đơn phương về phía Hàn Mặc Tử (HMT), nhưng rất sâu lắng... Nó trở thành hoài niệm mãi trong cõi nhớ của Ông. Cho nên màu xanh của lá cây trong vườn cũng lung linh mà "xanh như ngọc", xanh vắt không một chút vẩn lên.
      Như vậy " cảnh nhớ " ở ba câu đầu tuy chỉ là sự hồi tưởng nhưng lại xuất phát từ " cảnh thực ". Sở dĩ tôi nhấn mạnh về chữ "thực" ở đây - Vì chỉ đến câu thứ tư, hình ảnh thơ đã mang ý nghĩa tượng trưng:
                Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
      " lá trúc""chữ điền" thuộc những ngôn từ mỹ học ! Hình tượng cây trúc làm tượng trưng trong thơ HMT , ta còn thấy ở bài Mùa Xuân Chín:
                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
      "trúc"  là hình ảnh biểu tượng cho làng quê , còn "mặt chữ điền" : theo cách nói cổ nho, là ví cho gương mặt nam nhi... tức là chính bản thân thi nhân.  Hai chữ "che ngang" kia có ý: Thôn Vỹ giờ đây với nhà thơ chỉ còn ở trong kỷ niệm, trong nỗi nhớ... Người đã mãi mãi phải cách xa.
     Tiếp sang đoạn thơ hai phát triển sâu hơn, mà nói đến cái tình duyên dang dở giữa hai người:
                Gió theo lối gió, mây đường mây...
     Nghĩa là: em theo đường em, anh đường anh / Duyên phận đôi ta có thế thôi !... Còn câu:
              Dòng nước buồn thiu (tĩnh), hoa bắp lay (động)...
   Cả cái "tĩnh" và cái "động" này chỉ để bộc lộ một nỗi lòng, một tâm trạng cô đơn. Ngồi nhớ người xưa lòng ông lặng lờ, buồn bã như dòng nước hắt hiu, nhưng trái tim Người vẫn bổi hổi, xốn xang cùng với những bông " hoa bắp lay ". Tiếp sau đó là cảnh thơ được vụt ra trong thần xuất:
                Thuyền ai đậu bến sông trăng đó               
              Có chở trăng về kịp tối nay?

     Theo cảm xúc về không gian: hình ảnh "thuyền" "sông trăng" ùa vào trong thơ... làm cho tình thơ thêm rộng rãi, rung rinh. Nỗi thơ càng mênh mang, da diết.
      Xin nói thêm: cảnh thuyền và sông trăng ở đây - Theo như một số người bình luận, người thì cho đó là cảnh của một bức ảnh về Huế mà nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân, khi Người đang lâm bệnh phải điều trị ở Gành Ráng. Cũng có người lại nói rằng: Nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng HMT tấm ảnh mặc áo dài trắng của mình, chứ không phải là phiến cảnh "thuyền và sông trăng" đó?... Nếu vậy thì cảnh trong thơ sẽ chỉ là cảnh mà thi nhân nhớ lại nơi Thôn Vỹ !
      Nhưng tóm lại: Cảnh của hai đoạn thơ đầu ấy thuộc về trí tưởng, dù  buổi sớm  dưới hàng cau,  hay một đêm trăng trên sông nước. Trong bài bình của nhà bình thơ Vũ Quần Phương, đến đây có nhận xét rằng:
-   Bốn câu đoạn hai không có liên hệ gì về chi tiết với đoạn một. thoáng nhìn bài thơ có vẻ đầu Ngô mình Sở... (hay là ): Những ý thơ rất xa nhau về ý nghĩa hoá ra lại vẫn có chỗ liền nhau...
      Và nhà bình thơ cho rằng: chỗ liền nhau ấy trong thơ HMT chỉ là nhờ vào tâm trạng xúc cảm.  Theo tôi: HMT là một thi nhân viết thơ hướng nội tâm, những tình thơ dù là cảnh cũng thường chứa bọc cả thế giới bên trong. Xúc cảm chỉ làm đà cho mạch thơ, hơi thơ... còn ý tứ thường được diễn đạt mạch lạc, rõ ràng bên trong cảnh tả. Mượn cảnh mà làm biểu tượng, để diễn đạt nỗi và tình. Đấy chính là cốt lõi để tạo ra thi phẩm của Ông, cho nên thơ mới sâu. Bài thơ: Đây Thôn Vỹ Dạ được coi là một tuyệt tác thi ca ! Nếu cho rằng: Đoạn thơ thứ hai chỉ là để tả cảnh buồn mênh mang của thi nhân... thì sẽ không thấy hết được cái hay và sâu sắc của bài thơ ! Như trên tôi đã phân tích, hình ảnh đoạn thơ đó còn để nói về duyên phận của hai người: Gió theo lối gió, mây đường mây.../ - Tôi nhấn mạnh.      
    Nói về đoạn thơ thứ ba:
                Mơ khách đường xa, khách đường xa
                Áo em trắng quá nhìn không ra
                Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
                Ai biết tình ai có đậm đà?

   
  Tình yêu có giữa HMT với nàng Hoàng Cúc  có thể nàng không hay biết?... Hơn thế, trong lễ giáo phong kiến thời ấy: giữa gia đình thi nhân với gia đình nàng còn có một khoảng cách về đẳng cấp xã hội - Hoàng Cúc thuộc gia đình một quan lại.  Vốn tính HMT lại rụt rè,  hay bẽn lẽn.  Chàng thi nhân yêu tha thiết  nhưng chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng người đẹp  như kẻ trong mộng, rồi thương thầm, nhớ trộm. HMT dồn hết tình yêu của mình vào thơ ca, sáng tác cả một tập thơ " Gái quê " giành cho Nàng !...Giờ đây thì mối tình ấy đã trôi vào dĩ vãng. Thi nhân lâm cảnh bệnh tình, sự cách biệt giữa hai người càng xa hơn. Nên trong bài thơ, tâm tình với người yêu mà thi nhân lại xưng mình là"khách"...một người khách đường xa, dẫu tình chàng vẫn còn sâu nặng.
      Hình ảnh: Áo em trắng quá.../ -  Hẳn  là màu áo trắng  của nàng Hoàng  Cúc thường mặc đã để lại ấn tượng trong trí nhớ của thi nhân sâu sắc. Nhưng màu áo trắng ở đây còn là hình ảnh ảo của Nàng,  khi thi nhân mơ tưởng người đẹp ở trong trăng.  Màu trăng sáng trắng  ấy HMT cũng thường hay nói đến và tả nó:
                Người trăng ăn vận toàn trăng cả...
      Còn tại sao " áo em trắng quá" -  mà lại " nhìn không ra"? Ý là: Mối tình đã cách biệt, người thì lại rất xa vời... có khác chi người khách lạ qua đường, chỉ mơ thấy hình nhau mờ ảo trong đêm.
      Còn cảnh tượng: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / - Đó là cảnh thực (nghĩa đen) - mà thi nhân đang sống hiu quạnh, heo hút khói sương nơi Gành Ráng, cách biệt với mọi người. Nhưng đồng thời (nghĩa bóng) còn để nói lên thân phận, nhân ảnh của Người trong sự quên lãng của người đời. Ông như đang rơi vào trong vực thẳm, lòng càng da diết, tiếc nuối tình xưa:
                Ai biết tình ai có đậm đà?
       Liệu Nàng còn nhớ đến ta như ta nhớ đến Nàng chăng? Cái tâm trạng tha thiết mà xa xót , ai oán... về sự quên lãng ấy, ông cũng đã từng bộc lộ nhiều lần trong những bài thơ khác:
                Một mai kia ở bên khe nước ngọc              
             Với sao sương, anh nằm chết như trăng               
              Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc               
              Đến hôn anh và rửa vết thương tâm !

      " Đây  thôn Vỹ Dạ " là một bài thơ được dệt lên  thành một bức tranh giàu sắc cảnh của cả không gian và thời gian . Ý, tình chứa  bên trong những hình ảnh rất khúc triết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập " thơ điên "...  Nhưng nó không những không điên, mà còn là một bài thơ tình đằm thắm. Trái tim nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ !...


                                                      Lời bình - Phạm Ngọc Thái
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2008 11:18:05 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Đời hư, thực nhập nhoè lẫn lộn
Đêm ái tình... ta nương ngủ trái tim hoang.

Nhatho_PhamNgocThai
  • Số bài : 971
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 04.08.2006
RE: (url) Hàn Mặc Tử - 28.12.2008 11:35:58
.  


    " MÙA XUÂN CHÍN " &           
            ĐÔI NÉT
   BAO QUANH HÀN MẶC TỬ




Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang. 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...  

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây...
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
 
                          
       
                                  Hàn Mặc Tử
      

    

        " Mùa xuân chín " được rút ra từ trong thơ điên của Hàn Mặc Tử , đề mục Hương Thơm. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có nhận xét bao quát về mảng Hương Thơm này như sau: " Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói... ". Nhưng đã xem Mùa Xuân Chín ta thấy chẳng những thơ không điên, lòng thi nhân thanh tao, cõi hồn lại siêu thoát. Tựa thể ông đang ngồi thụ cảnh thiên thai của bậc khách tiên sa. Mạch thơ cũng tách bạch ra khỏi hẳn cõi sao trăng, ảo tình sương khói ấy:                
              Trong làn nắng ửng khói mơ tan
              
                   Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

      Đây hẳn là những mái nhà đã được lợp bằng rạ vẫn còn mới ở thôn quê. Bởi những sắc màu của rơm rạ còn ánh lên lấm tấm vàng, dưới làn nắng sớm ban mai. Cảnh thơ như bức gấm thêu, đây đó vấn vương vài làn sương mỏng. Toát lên tấm tình của thi nhân với nơi thôn dã rất thân thiết. Đến hai câu sau đó:                
              Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
              
                   Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.

      "... tà áo biếc " ở đây để chỉ cái dáng xanh mềm mại của giàn thiên lý, khi gió thổi qua giàn mới phát ra tiếng kêu " sột soạt ". Nếu gió thổi ngoài trời: gió nhẹ thì hiu hiu, vi vút... Gió to sẽ rít lên... ào... ào...       Lại phân tích thêm về hai tiếng kêu " sột soạt " - Cũng chưa hẳn là tiếng gió khi thổi qua giàn thiên lý đã phát ra? Vì giống lý lá nhỏ, âm điệu chỉ reo... reo... thôi. Hai tiếng " sột soạt " ấy cảm giác như tiếng của những tấm áo cánh mỏng , mặc hơi căng... cọ mài lên da thịt của các nàng thôn nữ xa xa đang đi tới, mà phát ra vậy. Gió lùa hất tà áo của các nàng lên, để hở những làn da trắng mịn màng, thơm tho... Cảm giác ấy đã dấy lên trong cảm súc của thi nhân, để vận vào tả cảnh giàn cây. Chất thơ " hơi da thịt " này cũng thường có trong thi nhân Hàn Mặc Tử (HMT)! Bởi vậy, ngay chỉ ở trong câu thứ ba: các hình tượng thơ miêu tả, nhưng lại đầy cảm giác tình ái đã được bật ra - Nào thì " gió trêu "; âm thanh lại kêu " sột soạt "; còn giàn thiên lý thì được ví như tà áo biếc... nên thơ tả cảnh mà sống động lạ kỳ.       Tất cả những hình ảnh: nắng ửng, khói mơ, mái nhà tranh lấm tấm vàng, thiên lý và gió... Những cảnh ấy hòa hợp, được khoác lên chiếc áo tân thanh của mùa xuân - mà tạo thành " bóng xuân sang ". Sang đoạn thơ thứ hai:               
                   Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
    
     "cỏ" gặp gió lượn thành sóng... nghĩa là cỏ mọc đã hơi cao. Ở đây ta liên tưởng tới một câu thơ của cụ Nguyễn Du:                
              Cỏ non xanh rợn chân trời
   
     "xanh rợn"
là cỏ mới chỉ mọc nhú, lún phún... Nhưng cả một miền cỏ dầy, phẳng xa hút non mướt ấy đã tạo nên một độ sắc gai người, tựa thể sờ vào có thể đứt tay. Còn " Sóng cỏ xanh tươi..." trong câu thơ HMT : Tuy cỏ vẫn còn non, nhưng màu xanh đã có phần mướt mát, lả lướt chỉ để "... gợn tới trời " chứ không " rợn" như trong thơ của cụ Nguyễn Du. Vậy là, tuy cũng tả về miền cỏ hút đến chân trời... nhưng miền cỏ trong thơ HMT vẫn mang sắc thái riêng, Rồi một mảng đời sống dân gian đã tràn vào trong bức tranh tả cảnh mùa xuân của Ông:           
                      Bao cô thôn nữ hát trên đồi;                
                  - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy:               
                       Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

      Rằng, ngày mai trong đám xuân xanh ấy... sẽ có kẻ không còn được vô tư nhàn nhã mà đi dạo mùa xuân như thế nữa! Nhưng câu thơ chưa hẳn đã phải là tiếc nuối cho các cô thôn nữ đó, mà chính là lòng nuối cảm của thi nhân. Một nỗi niềm hiu hắt, bâng khuâng, có phần hơi xa xót. Bệnh tật đã không cho ông được hưởng cái hạnh phúc đời thường rất dân gian ấy ! Chẳng những cảnh đám thôn nữ thanh thả đi dạo mùa xuân kia... với ông, đã cách xa hàng thế giới ! Mà ngay cả cái ước muốn nho nhỏ: có một tổ ấm gia đình, vợ chồng hạnh phúc... với ông, cũng không bao giờ có. Tâm khảm thi nhân dồn vào tình thơ đằm thắm, thiết tha và giàu nhân bản. Đến đoạn thơ thứ ba:                    
                   Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
                  
                    Hổn hển như lời của nước mây...                    
                   Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,                   
                    Nghe ra ý vị và thơ ngây...

      Trước cảnh mùa xuân đang chứa chan như thế, nhưng không phải là nước mây "hổn hển" đâu? Mà chính là lòng thi nhân đang hổn hển đấy !...        Đến đây tôi xin dừng lại, để nói ít lời về thi pháp thơ tượng trưng trong thơ hiện đại Pháp, mà thi nhân HMT chịu ảnh hưởng khá sâu sắc. Thơ tượng trưng của nền thơ hiện đại Pháp nửa sau thế kỷ XIX  sang đầu thế kỷ XX, ( dựa theo tuyển dịch và giới thiệu của Đông Hoài - NXB Văn học 1992 ) là loại thơ diễn tả theo phép loại suy... Tức là quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, nhìn nhận mọi sự vật bằng biểu tượng. Nhưng trường phái thơ tượng trưng Pháp, được hình thành và phát triển theo khuynh hướng của hai thuyết tương ứng: - Tương ứng cảm quan và tương ứng trí năng !       Về thuyết "tương ứng cảm quan" do Charles Baudelaire ( 1821-1867) khởi xướng. Ông là tác giả của tập " Những bông hoa ác" nổi tiếng. Ông đã được các nhà thơ sừng sỏ nhất trong văn học hiện đại Pháp: coi là bậc thầy mở đường, nhà tiên khu của trường phái thơ tượng trưng ! Baudelaire đã từng định nghĩa trong bài " Tương ứng ", một trong sáu bài thơ nổi tiếng nhất của ông như sau:                
              Thiên nhiên là một ngôi đền mà trong đó
những cột sinh linh              
                  Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ,              
                  Con người đi trong thiên nhiên qua những rừng biểu tượng               
              ... Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng.

      Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người - cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng biểu tượng tượng trưng, để phản ảnh một cách tương ứng - nhưng dựa vào cảm thụ được phát ra từ các giác quan ( gọi là cảm quan ), hay từ trong tâm linh. Cho nên thỉnh thoảng ngôn ngữ mơ hồ...           Thuyết " Tương ứng trí năng " - Người tiêu biểu là Stéphane Mallarmé (1842-1898), cũng là một nhà thơ Pháp đứng đầu trường phái tượng trưng đã chủ xướng. Quan điểm cơ bản về thuyết " Tương ứng trí năng " của Mallarmé là: Biểu tượng được tượng trưng phải rành mạch, rõ ràng, bằng một sự áp đặt hợp lý của lý trí... Chứ không theo khuynh hướng cảm quan như Baudelaire.       Nhớ tới lời của cố Chế Lan Viên đã viết tựa trong Tuyển thơ Hàn Mặc Tử xuất bản 1988 rằng: " Tử trong thời gian chúng tôi gần, chỉ thấy Anh nói về Baudelaire..." - Bởi vì những yếu tố thơ tượng trưng đã được HMT sử dụng rất nhiều, đã nhuần nhuyễn trong thi pháp thơ ông ! Nhưng hầu hết đều theo khuynh hướng " Tương ứng cảm quan " của Baudelaire.       Trở lại với  Mùa Xuân Chín - Những câu thơ: " Hổn hển như lời của nước mây ", " Tiếng ca vắt vẻo...", " Sột soạt gió trêu tà áo biếc ", hay hình ảnh câu thơ cuối cùng " sông trắng nắng chang chang " ...đến cái tên đề của bài thơ " Mùa xuân chín " cũng mang tính tượng trưng rồi. Trong nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử ta cũng hay gặp những yếu tố của loại thơ tượng trưng này. Thí dụ như:                                         Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu               
                    Đợi gió đông về để lả lơi...

      Hay là:               
                    Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
             
                    Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

      Đặc biệt với các giác quan cảm thụ rất nhậy bén của thi nhân: Ngôn ngữ chứa đầy hồn, cảnh trí thiên nhiên rất sống động. Ở trong câu ba của đoạn thơ thứ ba, ta còn thấy một cụm hình ảnh:                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
      Tiếng "trúc" ở đây, với hình ảnh "lá trúc" trong bài " Đây thôn Vĩ Dạ":             
                    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.    
      Đều thuộc loại ngôn từ mỹ học, để làm biểu tượng về làng quê ! Tôi xin phân tích tiếp sang đoạn thơ cuối cùng:              
                    Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
              
                    Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:              
                    - Chị ấy năm nay còn gánh thóc,              
                    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

      Sắc điệu "... trắng nắng chang chang? " vẽ ra cảnh trắng toát bên con sông mộng. Cảnh thực trong hồi ức mà như ảo ảnh... Thi nhân đã mô tả những hình ảnh đó bằng ngôn ngữ thông qua cảm súc nhớ làng da diết và xa xót. Đưa tình cảm của bài thơ lên tới tột cùng.       Cũng đã nhiều nhà bình luận đã bàn về hình ảnh " chị ấy " trong bài thơ Mùa Xuân Chín này là ai? Người thì nói: "chị ấy" là người yêu xưa mà thi nhân nhớ lại? Kẻ thì lại bảo: Đó là chị ruột của thi nhân?...Tôi nghĩ: Xét về đời sống riêng tư của HMT, trong những người thân thiết nhất của thi nhân, không thể không nhắc đến người mẹ, cùng người chị ruột hiền từ vẫn thường chăm bẵm ông trong cuộc sống. Như ở bài hồi ký " Nhớ Hàn Mặc Tử " của anh Nguyễn Văn Xê ( người đã chăm sóc thi nhân trong thời gian bị bệnh, đến khi tạ thế tại nhà thương Qui Hòa ), đã kể:        "  Sau khi Trí ( tên thường gọi của nhà thơ ) chết chôn được ba ngày, qua ngày hôm sau... mẹ và chị Lễ của Trí tức tốc vào Qui Hòa. Tôi hướng dẫn gia đình Trí đi thăm mộ. Nơi đây tôi không thể cầm được giọt lệ trước một người mẹ khóc đứa con yêu, một người chị khóc em trong buổi chiều mùa đông se se lạnh... Tôi đã chứng kiến có một mẹ tiên và một chị tiên đến khóc nức nở bên mộ Trí ".       Phải chăng người "chị ấy" ... chính là chị Lễ !? " Mùa xuân chín" không chỉ là một bức tranh thiên nhiên đẹp, nó còn trắc ẩn cả tình làng quê của thi nhân và đây đó quấn quít đôi chút lòng nhi nữ. Một bài thơ chân quê : Từ hình tượng ngôn ngữ, nhạc thơ, đến cảnh tình trong cảm súc... tất cả dan díu, quyện lấy nhau mà tạo nên một bản xô-nát về Khối - Tình - Đời độc đáo và hoàn bích.
                                                 
                                                  Lời bình -  Phạm Ngọc Thái
                                            ( đã đăng trên báo NgườiHàNội &
                                                                             Tạp chí Sông Hương ở Huế )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2008 12:13:11 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Đời hư, thực nhập nhoè lẫn lộn
Đêm ái tình... ta nương ngủ trái tim hoang.