Người Du Mục - MacDung
macdung 10.12.2021 18:41:36 (permalink)

                                       NGƯỜI DU MỤC
 
                                                +++++
 
Hắn nhìn người qua đường dưới ánh đèn nhòe nhoẹt với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Có khi không phải mất ngủ nhưng bởi một nguyên nhân khác, do trình trạng cuộc sống chẳng ổn định, sinh ra căng thẳng lúc nào cũng chất chứa trong cái đầu đa nghĩ. Hắn nghĩ nhiều về khoảng thời gian chưa làm cuộc dấn thân. Chưa có tình yêu lẫn sự đau khổ! Chưa có cả thực trạng khi nhìn bóng người chập chờn trôi như những hình ảnh ngụy ảo và hắn thuộc về số ấy!
Đâu đó bên đường tiếng í ới báo động của người đi xe gắn máy cho những kẻ bán chui lủi bên hè phố. Các xe thuốc lá và cả hàng bánh mì làm bạn với đêm tối trở nên xôn xao… Những người sống du mục như hắn, tạm dừng chân thân thiện với chỗ nào mưu sinh, vốn tránh xa các bộ đồng phục nhân viên quản lý nhà nước!
Cuộc di hành vĩ đại từ những con người rời xa nơi sinh cư, tìm cuộc sống nhọc nhằn với thu nhập ít ỏi lẫn bài toán khó giải tồn tại trong đầu! Người giàu, có cái khó của họ. Người nghèo lại đeo mang sự túng quẫn về giấc mơ nơi ở – Một giấc mơ quá tầm, nhưng kẻ thừa tiền lại ruồng bỏ bởi sự phung phí cho các nhà nghỉ… Tất cả đang làm cuộc vận động theo nguồn quay, chẳng phải trên thảo nguyên, cũng không vì đàn gia súc như các bộ tộc sống du mục cổ đại vốn chưa biết đến tiếng còi và sự đuổi xô như đàn vịt…
Hắn không phải chạy như những người buôn bán hè đường, nhưng trớ trêu hằng ngày lại lo lắng chạy việc… Công việc rất quý như mạng sống người ly hương, thả trôi cuộc đời tựa lục bình theo con nước! Với phần đông kẻ không công ăn việc làm ổn định, thường tóc tai bờm xờm, mặt mày hốc hác, đen đúa… Nhác trông thấy, người chủ tìm kẻ giúp việc đã muốn bỏ trốn…
Rồi một ngày hắn cũng tham gia cuộc bỏ chạy đi vào lịch sử kiếp đời khốn nạn của kẻ du mục. Bà cụ bán hàng đẩy, có cô con gái suýt soát tuổi hắn, vẫn trực phiên chiều khi con chưa vãn buổi làm, thế là khi xuất hiện cảnh báo từ người đi đường, cái dáng còng queo già nua, hai tay run rẩy cố đẩy chiếc xe hàng vốn quá sức mình về hướng con hẻm. Trông thấy cảnh đấy, hắn lại nóng lòng hơn người trong cuộc, sốt sắng ra tay “trượng nghĩa” như phần nhiều hành động trong đời vốn gắn liền với rắc rối!...
Không biết hắn tham gia cuộc chạy marathon đã bấy nhiêu lần để rồi cuối cùng “rắc rối” cũng tìm đến…
Mấy cái áo sờn vai, do tham gia các công việc lưu động bị cào xước, lâu ngày cũng rách. Rồi hiện tượng lạ xuất hiện, luôn hướng đến các bộ quần áo phơi trên sào dưới mái hiên nhà – Một cô tiên đầy lòng hảo tâm với sự khéo léo đã hóa nơi rách lại lành bằng đường kim mối chỉ thật tinh xảo. Hắn ngạc nhiên về điều này, khi tự đánh giá bản thân chẳng đáng nhận sự quan tâm bởi cuộc sống trôi dạt và tương lai tốt đẹp tựa thứ xa hoa mù mịt…
Hạnh phúc choáng ngộp chiếm lấy giấc ngủ bên hàng hiên, nơi hắn xin nhờ tạm cho những tối chợp mắt đầy mỏi mệt! Chút suy nghĩ xuất hiện xa tít về một mái ấm thoáng qua như tác phẩm giả tưởng có tác dụng động viên nhiều hơn lúc con người cùng kiệt… Hắn không còn thời gian nhiều cho việc này và ít khi nghĩ đến!...
Những chiều buồn, thừa thãi suy nghĩ, hắn lại ra hè phố cạnh nơi trú nhờ từng mùa, nhưng lại sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào. Niềm vui sót lại trong hắn phụ thuộc vào hành động giúp người bán hè đường chạy vào các con hẻm khi tiếng ồn ào báo nhau bởi đợt càn quét… Loài người có biệt tài luôn thích nghi với hoàn cảnh sống và việc chạy vạy trên vỉa hè không khác gì bữa cơm hằng ngày họ vẫn ăn! Rồi sẽ quen với định mệnh…
Khi phó thác công việc vào “định mệnh” xem ra bất hợp lý, nhưng rõ ràng có những kẻ cố thoát ra, rồi cuối cùng cũng trở lại nếp cũ với kiếp phù du theo bọt nước. Ký thác cuộc sống trên hè phố giống như tập quán trong suy nghĩ: vì công ăn việc làm, dù muốn rời đi rồi đâu lại vào đấy… Thế có phải là “định mệnh”!?
Một ngày người hàng xóm nơi hắn trọ tạm, vô tình nói về cô gái có chiếc xe bán bánh mì hắn thường đồng hành trong các cuộc đuổi xô. Những bộ đồ hắn mặc đã sờn rách tả tơi, đâu phải tự nhiên lành lại! Nó được nàng chủ nhỏ cảm kích sự giúp đỡ, đem sang cô thợ may chung dãy phố ngày ngày hắn vẫn đi qua, nhờ vá lại với khoảng tiền công chiết ra từ đồng lương vốn ba cọc ba đồng… Chút le lói vui tươi hiện lên khi phải chui qua con đường hầm “tương lai” nhưng chưa biết khi nào thấy ánh sáng. Một kẻ du mục như hắn, sự quan tâm nào cũng đáng trân trọng, vì tạo thêm năng lượng, niềm tin với chút ấm áp tình người…
Mưu sinh trôi dạt dành cho những người du mục! Hoàn cảnh tạo ra thói quen sống và thói quen ấy lâu đời hình thành nên tính cách yêu thích không gian tự do. Hắn làm người du mục vì lệ thuộc theo công việc. Những kẻ du mục chọn nơi đến và khi mùa qua lại ra đi. Mùa của họ căn cứ vào thu nhập được so với mức lương cố định, khi “sở hụi” ngày một ít đi, dòng chảy sẽ đưa “nhân vật” đến nơi khác hứa hẹn hơn! Tất cả vì phồn thịnh cho gia đình và thế hệ con cháu sau này. Người sống hè phố cũng tìm tương lai theo cách họ chọn, dưới ánh mắt lạ lẫm của những kẻ suốt đời sống dưới nóc nhà thân quen chưa tự thân bươn chải bởi nơi ăn chốn ở…
Hắn nhớ đến cô bạn học biết nhau qua lớp 9. Đây là giới hạn văn hóa cuối cùng cho các thành phần ảnh hưởng “bóng đen” của cha, chú… Những tiền nhân trận bại trong một cuộc chiến định mệnh để rồi con cháu rơi vào thế vay hận thù, đến độ hoa đời hóa thành kẻ du mục. Những vùng trung du, duyên hải ngập mặn bị xua người tới khai phá với ý nghĩa “xung phong” vào khu kinh tế mới, tạo công ăn, chốn ở, cái họ đã từng có sẵn nhưng buộc phải rời đi “tự nguyện”! Sự dàn trải sức lao động hầu khắc phục thời hậu chiến khiến các loại ngũ cốc, củ mì, ngô và khoai, trở nên sáng giá hơn bao giờ hết. Cô bạn học đã trở thành người thợ may tinh xảo nhưng không thể quen với các loại thực phẩm đang lên đời nên nung nấu một ý định nguy hiểm: Tham gia vào đời sống du mục bên kia đại dương… Cô bạn đạt mục đích! Còn hắn cái không cần cũng đạt! Khó khăn cả gia đình khiến hắn hóa thân người du mục với mảnh bằng chưa hết lớp 9, lang thang khắp đô thị với đủ mọi ngành nghề lam lũ…
Công việc trôi tuột về vùng duyên hải vắng vẻ, u buồn. Những chiều hiu hắt hắn lại nhớ đến con phố có bà cụ và cô con gái út với chiếc xe bánh mì, không biết cuộc mưu sinh đủ ổn để họ hạ lều sống qua khỏi mùa đông! Hắn nghĩ đến đến cô bạn thợ may đang loay hoay sống đời du mục bên kia đại dương sẽ như thế nào, khi cố lý thăm thẳm bóng người thân! Hơn 10 năm hắn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, biền biệt nợ áo cơm nên ít lần về. Đôi ngày về thăm lại ra đi vội vã, không đủ dò la tin tức người bạn ngày nào chưa chớm nở mối tình son… Cô bạn lo lắng về tương lai! Hắn bế tắc trong công ăn việc làm… Cả hai chưa nghĩ chuyện xa hơn khi bản thân gia đình đứng ngoài lề xã hội với mảnh lý lịch khó nơi nào dám nhận, ngoài những công việc sớm nắng, chiều mưa…
Người du mục luôn chọn những thảo nguyên trù phú hoa trái, giàu thực phẩm để dừng chân hạ trại. Nơi nào thuận lợi cho đời sống hiện tại được họ chấp nhận thử thách với thời gian, hy vọng kết thúc hành trình không phải truyền đời thế hệ tiếp sau làm kẻ lưu lạc. Cô bạn có điều kiện hơn hắn khi bước đến vùng đất cách xa thời quá chiến, tuy khác biệt ngôn ngữ nhưng không mang hệ quả từ trận vong bại giữa hai phe khoái chơi trò “quyền lực” tạo ra. Không ai thích rời xa gia đình êm ấm đi chinh phục nhau bằng súng đạn đầy máu và chết chóc, để rồi buộc phải nhìn đối phương là “kẻ thù” mặc dù chẳng ai nợ ai điều gì!? Có đánh giết mới sinh thù hận! Động cơ đánh nhau là những lý tưởng khác biệt! Nhưng có Lý Tưởng nào thoát ra khỏi ước mơ yêu chuộng hòa bình và hạnh phúc trong ngôi nhà thân yêu từ con người thiện lương?
Hắn và cô bạn thuộc thế hệ bị bỏ rơi! Những con người di căn từ tù tội nếu xét đến ba đời: ông bà, chú bác, ba mẹ. Cô bạn và hắn phải cái tội sinh ra nhầm thời nên gánh hậu quả từ người đi trước, mặc dù chả ai dạy cho các đứa con, đứa cháu hận thù và giết chóc… Đấy là số phận người du mục mãi đi tìm nơi sinh cư ấm no thay cho vùng núi lửa sôi trào khô cằn sỏi đá…
Hắn về lại khu du mục tìm đến ngôi nhà từng tá túc với hai túi trái cây làm quà tạ ơn cô chủ chiếc xe bánh mì, vì đã vá đi các vết rách trên áo quần sau những bon chen với mọi nghề lam lũ. Ông Ba chủ nhà nhìn hắn không ra vì sạm nắng gió biển… “Mày đi một thời gian thì mẹ con bà Sáu cũng dời đi khu khác bán. Tội cho bà già sức yếu, đẩy chiếc xe chui lủi hoài sao kham nổi! Con Bé cảm cái ơn mày giúp đẩy xe khi không có nó, nên nhờ cái Hồng thợ may vá giúp áo quần. Nhưng con nhỏ kia cũng lạ! Khốn khổ lại có tình, đâu lấy tiền công…” Hắn chết lặng khi nghe “sự thật” tưởng như “thật sự” biết tự lâu rồi! Hóa ra cô thợ may Hồng mới là người hắn chịu ơn!...
Chia tay ông chủ nhà với lời cảm ơn! Túi quà còn lại trên tay hắn đong đưa vui mừng vì địa chỉ đã đổi thay. Căn nhà thuê của cô thợ may khi ấy sáng nào hắn cũng đi qua dưới ánh mắt chăm chắm từ Hồng, bởi bộ dạng nhếch nhác diễu qua hằng ngày. Đứng trước ngôi nhà, hắn ngỡ ngàng khi thấy gương mặt lạ lẫm, trẻ măng khiến lời hỏi thăm trở nên lúng túng… “Chị Hồng nghỉ việc, về quê hơn tháng rồi anh! Nghe đâu nhà chị còn ba mẹ với đứa em trai đi vớt cá ấu thể trong mưa bị chìm xuồng… nên… Chị về làm đám tang xong, đã vượt biển mấy tuần rồi!” Hắn lặng cả người khi nghe tin đau xót! Túi quà được đặt xuống nặng lời cảm ơn khi người đáng nhận đã bắt đầu hành trình người du mục bên kia đại dương…
“Mùa bột hốt bạc hốt tiền,
Buộc tình đôi lứa nên duyên vợ chồng”
Tai hắn văng vẳng câu ca dao đậm chất vùng miền nhưng đắng ngắt cho những phận người!
Cô thợ may học chung đã được con tàu Cap Anamur Đức quốc cứu vớt, sau đó học xong chuyên ngành program SAP. Còn cô thợ may vừa ra đi có người cha từng học tập cải tạo, biết được may mắn như cái nghề mưu sinh, vá víu mảnh đời đau thương khi ngay trên quê hương luôn bị từ chối!?
Nỗi buồn gặm nhấm lấy hắn vì rất ít cô gái được biết đến, đủ can đảm tìm kiếm một hướng đi cho tương lai. Còn hắn, với 30 tuổi đời lang thang làm người du mục cuộc sống vẫn bế tắc, không mảnh tình vắt vai, ngày đây mai đó trên các vùng đất thiếu sức sống chẳng tạo nổi cây đời để có thể gọi là thảo nguyên! Tuổi 30, với nửa kiếp trải nghiệm đắng cay làm người du mục trên vùng đất bị lãng quên, cuộc đời hắn như đêm tối trước giao thừa, chờ đợi tiếng pháo đầu năm phát tín hiệu báo Xuân. Hai cô thợ may hắn biết, còn cơ hội vá víu phận đời tại phương xa nào đó! Riêng hắn chưa đủ quyết tâm rời chốn sinh thành, biến hành trình người du mục đến vùng đất mới, bỏ rơi thực tại…
Trở về với biển nhìn sóng dạt dào. Những cơn gió lao xao từ rừng đước chen lẫn các khu ngập bóng loài chà và, ảm đạm buồn trong hoàng hôn. Hắn mông lung với tương lai và cả nỗi sầu từ quá vãng! Những phận người cùng hoàn cảnh, biết may mắn rơi vào ai khi sống trên mảnh đất rộng lớn lại nhỏ bé tình đời. Tiếng bom đạn đã qua rồi nhưng vết cắt còn đó, khi sự phân biệt kẻ thắng, người thua trong nhiều cái đầu lạnh nào dễ phôi phai…
Đêm nằm dưới tấm bạt che chắn sương muối, hắn trăn trở trong giấc ngủ với mảnh chăn đơn không đủ ấm, vẫn nở nụ cười vì những nghĩa cử cao đẹp như cô thợ may còn đó trên bước đường lưu lạc…
Trong giấc mơ, hắn thấy con thuyền mũi cao vượt sóng ra khơi trong tiết cuối Xuân bầu trời êm ả. Bóng những cánh hải âu chao liệng trên nền trời xanh bát ngát, như biểu tượng tự do cho Người Du Mục tìm đến vùng đất mới, hy vọng xóa tan quá khứ khổ đau nặng sự nhọc nhằn…
Những Người Du Mục Không Có Đàn Gia Súc!
Này những đứa con du mục
Sẽ không còn ngọn lửa hận thù  
Các con sẽ sống trong ngôi nhà hạnh phúc!
Học điều hay: Nuôi dưỡng sự vị tha…”
 
SG – 15.9.2021
MacDung
 
(Minh họa: Tranh của Đinh Trường Chinh - Tuần báo Saigon Nhỏ)
Attached Image(s)
#1
    Ct.Ly 17.12.2021 03:51:45 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9