Địa đạo Củ Chi: truyện đại bịp của Việt Cộng Đăng trong
01/03/2022 bởi
Phung Van Nhật Duy is with Phong Tran and Địa đạo Củ Chi: truyện đại bịp của Việt Cộng
Dương Đình Lôi Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?
Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc.
Em Bảy Mô thân mến,
Bất ngờ anh bắt gặp một quyển sách tiếng Anh viết về địa đạo Củ Chi trong đó có đề cập tới em và hình em nữa. Xem xong quyển sách này anh cười phì vì nó hài hước và bịp bợm quá lẽ, anh không muốn nêu tên sách và tác giả ra đây vì họ không đáng cho anh gọi là nhà văn, mà họ chỉ đáng được gọi là những thằng bịp. Nếu em đọc được tiếng Ăng-Lê thì anh sẽ tìm cách gởi về cho em xem. Và chắc em sẽ có cảm tưởng rằng tác giả của quyển sách nói về một chuyện giả tưởng trên mặt trăng hoặc dưới đáy biển. Anh tự hỏi tại sao tác giả quá ngây ngô để bị lừa một cách dễ dàng rồi trở lại lừa độc giả của họ một cách vô lương như thế. Nhưng cho dù họ bịp được toàn nhân loại đi nữa, họ cũng không lừa được anh và em, những kẻ đã từng đổ mồ hôi và máu trên mảnh đất này. Riêng anh thì đã tử thủ mặt trận: Hai ngàn ngày đêm, không vắng mặt chút nào. Để nói cho độc giả biết rằng:
Bọn Cộng Sản đã bày trò bịp thế gian một lần nữa, sau vụ “đường mòn xương trắng” và khuyên những người nhẹ dạ chớ có mắc lừa, anh quyết định viết quyển sách này.
Họ bảo rằng bề dài địa đạo là hai trăm dậm. Em có tin không? Sự thực Củ Chi có mấy khúc địa đạo còn tạm xài được trước khi Mỹ vô (1964)? Quận Củ Chi là một quận nhỏ gồm mươi lăm xã cách Sài Gòn hai chục cây số đường chim bay, nhưng nó là cửa ngỏ đi vào Sài gòn cho nên có hai bên Quốc Gia lẫn Cộng Sản đều tử chiến ở đây, một chiến trường khốc liệt nhất Miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai của nước ta. Nếu tính bề châu vi thì quận Củ Chi đo được chừng năm mươi cây số. Như vậy bề dài của địa đạo ít nhất bốn lần chu vi Củ Chi. Họ còn viết rằng “địa đạo đã lập thành một vòng đai thép bao quanh căn cứ Đồng Dù và người cán bộ mặt trận có thể ở dưới địa đạo nghe nhạc đang đánh ở trên căn cứ này. Cụ thể là ông Năm Phạm Sang ngồi đàn dưới địa đạo mà nghe Bon Hope diễn kịch” ở trên đầu hắn.
Quyển sách ma này nói láo, nói bậy hoặc nói nhầm hầu hết về những gì đã xảy ra ở Củ Chi trong vòng năm năm (1965-1970) anh và em có mặt ở đó. Nhưng ở đây anh chỉ nhặt ra vài ba điểm quá ư ngu xuẩn của tác giả mà một người đã dám cầm bút viết nên “sách” dù kém tài đến đâu cũng không thể có được. Ví dụ họ viết rằng “anh Tám Lê và vợ là Thị Thắm mổ xẻ thương binh dưới địa đạo”. Xin hỏi: “Làm cách nào để đem thương binh xuống đó?
“ Nên biết rằng miệng địa đạo chỉ hẹp bằng cái khay trầu thôi. Người thường tuột xuống đó còn phải lách chứ không dễ dàng.
Thương binh, nếu nặng thì nằm trên cáng, còn nhẹ thì băng bó đầy mình làm sao tụt xuống được? Và nếu có tụt xuống được thì nằm ở đâu, dụng cụ gì, đèn đóm nào dùng cho cuộc giải phẫu. Đó là chưa nói đến cái không khí ác độc ở dưới địa đạo. Người khỏe mạnh bất đắc dĩ phải xuống địa đạo thì chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã mệt ngất ngư rồi: vì không đủ dưỡng khí! Nếu bị kẹt vài giờ dưới đó thì con người đã trở thành miếng giẻ rách, còn khi bò lên được thì đã quên hết tên họ mình. Vậy sau khi được giải phẫu, thương binh phải sống dưới đó làm sao? Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác như thương binh phóng uế hoặc thủ tiêu những băng đầy máu me. Những người chưa từng ở địa đạo nghe mấy vị này mô tả chắc sẽ nghĩ rằng cuộc sống dưới địa đạo khỏe khoắn như ở trong nhà lầu có máy điều hòa không khí.
Xin thưa câu chuyện không đẹp tai cho lắm: Một lần nọ khi chui xuống địa đạo chúng tôi bị quân Việt Nam Cộng hòa chốt trên đầu không lên được. Rủi thay một nữ cán bộ có đường kinh. Nếu ở trên mặt đất thì dù không kịp dùng băng vệ sinh người đàn bà vẫn không toát ra mùi gì (xin lỗi) nhưng ở dưới địa đạo gặp trường hợp này mọi người đều ngặt mình như sắp chết vì cái mùi uế tạp kia. Người chưa từng ở địa đạo không thể biết rằng đánh một cái rắm dưới đó chẳng khác nào bỏ một trái bom nguyên tử.
Vậy ông “anh hùng Tám Lê” có lẽ là một Tề Thiên Đại Thánh mới có thể biến thương binh nhỏ lại bằng cái tăm để đem xuống địa đạo và nhổ lông khỉ của mình biến thành dụng cụ đèn đóm để giải phẫu chăng? Ông “Tám Lê quân y sĩ” giải phẫu thương binh thì có, nhưng bảo rằng ông ta giải phẫu thương binh dưới địa đạo là một chuyện nói láo bỏ sách vở và coi khoa học là một bãi phân chuồng cũng như ông đại tướng bần cố nông Nguyễn Chí Thanh đem hầm đất ra chống B52 để rồi bị chết thảm thương như vậy. Sức khoan phá của một quả bom đìa là mười một thước bề sâu.
Đây anh xin nhắc lại một câu chuyện mà hai anh em mình cùng chứng kiến: Lần đó anh bị thương miểng đạn M79, em và tổ nữ “dũng sĩ” của em đưa anh vào quân y của ông Tám Lê. Vừa tới nơi anh hết sức ngạc nhiên vì thấy một toán bộ đội rượt đánh hai vợ chồng Tám Lê chạy bò càng trong rừng. Kể cũng tội cho ông. Tiểu đoàn Quyết Thắng đánh ở Lộ 6 Gò Nổi bị thương nhiều quá. Chờ đến sáng mới đem thương binh về tới Rừng Lộc Thuận tức là căn cứ của ông Tám Lê thì bị ông từ chối. May có anh ở đó, anh rầy lính tráng và năn nỉ Tám Lê ráng giúp dùm, hòa giải xích mích.
Năm 1967, trong cuộc “càn Cedar Falls” của Mỹ anh phải điều động một đại đội tới khiêng thương binh chạy dưới mưa bom B52 sau trận đánh Cây Trắc đường I làng Phú Hoà Đông về tới Bến Chùa. Trên một trăm thương binh nằm dầy đặc một khu rừng như củi mục. Tiếng la ó, rên rỉ, chửi bới vang trời. Thương binh nằm phơi bụng dưới bóng cây. Những người may mắn thì được đặt dưới hầm giống như cái huyệt cạn, chờ họ chết là lấp đất rất gọn gàng chứ nào xuống được địa đạo địa điếc gì.
Chiến dịch đó vô cùng khủng khiếp phải không em? Nội vùng tam giác sắt trong vòng một tháng có đến 576 cán binh ra hồi chánh. Nếu có địa đạo như kiểu ông tác giả trên nói thì họ cứ rút xuống đó ăn hút chừng nào Mỹ đi thì bò lên chống Mỹ, lựa là hồi chánh chi cho mệt phải không em?
Những người chưa hề đào một tấc địa đạo nào cứ tưởng rằng đào địa đạo dễ như đào hang bắt chuột vậy. Đào một chốc là có cả chục thước ngay. Than ôi! Nào phải như vậy. Những vùng đất có thể đào địa đạo được phải là vùng đất cao để không bị ngập nước và đất phải cứng để không bị sụp lở cho nên đào một thước địa đạo phải hộc ra máu cục, phải mờ cả con mắt chứ đâu có dễ như ông tác giả vẽ trên giấy. Củ Chi có mười lăm xã, nhưng chỉ có năm xã đào được địa đạo mà thôi. Đó là các xã: Phú Mỹ Hưng, Anh Phú, An Nhơn, Nhuận Đức và Phú Hoà. Năm xã này nằm dọc theo bờ sông Sàigon, có lớp đất cao có thể trồng cây cao su mới đào được địa đạo. Ngoài ra mười xã kia là đồng ruộng làm hầm bí mật đã khó rồi.
Anh và em đã từng đào nên từng biết mỗi tấc địa đạo phải tưới bao nhiêu mồ hôi. Mười thanh niên khoẻ mạnh đào trong một đêm chỉ được chừng vài thước là cùng. Vậy muốn hoàn thành hai trăm dậm địa đạo phải mất bao nhiêu công? Và họ đào ở đâu, lúc nào mà được hai trăm miles. Ông tác giả lại còn phịa ra những chuyện ly kỳ là: “địa đạo hai tầng (như nhà lầu) và dưới đáy địa đạo lại có giếng để múc nước” (nấu nước trà uống chắc!). Chưa hết, ông ta lại còn bịa thêm rằng “dưới địa đạo có kho chứa hàng, có nơi nghỉ ngơỉ, có chỗ chứa thương binh”, và còn tài ba hơn nữa, tài nói láo, lại còn “có bếp Hoàng Cầm theo kiểu Điện Biên Phủ” (có đường dẫn khói luồng trong đất) và nào là “đường địa đạo thông ra bờ sông Sàigon…?”
Đây là một chuyện phản khoa học tại sao họ có thể viết được. Muốn cho một làn địa đạo có thể chui ra chui vào được và không sợ xe tăng cán sập thì nóc địa đạo phải cách mặt đất ít nhất chín tấc tây nghĩa là khỏi rễ cây ăn luồng, lòng địa đạo phải cao chín tấc và hình chóp nón nghĩa là đáy rộng chín tấc, nóc chỉ bảy, tám tấc, nếu địa đạo rộng hơn sẽ bi lở, sụp. Đôi khi rễ cây làm trở ngại rất nhiều, chặt đứt một cái rễ cây bằng cườm tay phải mất cả giờ đồng hồ. Như vậy muốn đào tầng địa đạo thứ hai ở dưới địa đạo thứ nhất phải theo công thức trên nghĩa là phải đào sâu xuống một mét tám tấc nữa rồi mới trổ ngang đào lòng địa đạo cao chín tấc. Như vậy từ mặt đất xuống tới đáy địa đạo thứ hai phải là: chín tấc cho nóc địa đạo I, chín tấc cho lòng địa đạo I, chín tấc cho nóc địa đạo II, chín tấc cho lòng địa đạo II, tổng cộng là ba mét sáu tấc. Tôi nói chi li ra như vậy để thấy rằng sự đào địa đạo không có dễ dàng, đơn sơ như ông tác giả kia tưởng tượng hoặc đã được Võ Văn Kiệt cho xem những hầm đào bằng máy để khoe với các ông ký giả ngây thơ. Nên nhớ rằng đào đất cứng dưới hầm nó khó khăn như gọt gỗ lim chớ không phải giang thẳng cánh mà cuốc như trên mặt đất.
Em đã từng đào địa đạo chung với anh, nhưng em nhớ lại thử xem chúng ta đã xuống đó bao nhiêu lần và mỗi lần ở dưới đó mấy giờ đồng hồ, ngoại trừ lần anh chết ngạt ở địa đạo Bến Mương khi anh được lôi lên, cô y tá Thu ở H6 ban Pháo Binh phải cứu cấp anh bằng nước tiểu. Anh không thể tưởng tượng được rằng họ đã bịa đặt đến thế được.
Em Mô thân mến,
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp em chưa ra đời, nhưng anh đã đi bộ đội. Năm 1950, anh xuống Miền Tây để học trường Lục Quân. ở dưới đó anh cũng bị mê hoặc về những “đường địa đạo chống giặc” ở quê nhà: Nào là “cả làng, cả nhiều làng xuống địa đạo”. Hơn nữa, “dân lùa cả trâu bò xuống địa đạo, giặc Pháp có biết được miệng hầm cũng không làm gì nổi”. Ra Hà Nội, anh có gặp “anh hùng Nguyễn Văn Song”. Anh ta trở thành “anh hùng quân đội” với huyền thoại “Với một chiếc lưỡi hái cùn, anh ta đã đào hàng ngàn thước địa đạo và cất giấu cả tiểu đoàn. “ Anh vẫn tin như thế. Và cho tới khi đặt chân trở lại Củ Chi năm 1965 anh vẫn còn tin như thế. Nhưng chỉ sau khi đi với em đào một đêm, thì anh mới dội ngửa ra. Anh nghĩ rằng với cái liềm cùn đó, anh Song phải chết đi sống lại mười lần mới có thể đào xong hàng ngàn thước địa đạo kể trên. Anh Song ra Bắc ở Sư Đoàn 338, trốn về Nam rồi biệt tích.
Tác giả quyển sách này đã không biết rằng từ sau khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam ta, hầm bí mật và địa đạo ở Củ Chi nói riêng và ở khu IV nói chung hoàn toàn mất tác dụng. Anh nhắc lại em nghe, nếu em quên, hồi đầu năm 1967, Mỹ mở một cuộc hành quân lớn vô An Nhơn. B52 vùi lấp cả một khúc địa đạo gần xóm trại Bà Huệ. Những kẻ sống sót không biết đâu mà moi móc, đành để nguyên như thế cho các nạn nhân yên lòng nơi chín sưối với nấm mồ tập thể trên hai chục người của văn phòng Tham Mưu quận.
Sau đó, một cuộc hội nghị Tham mưu gồm có Tư Hải, Sáu Phấn ở H6 và tiểu đoàn 8 Pháo Binh, bàn việc vận tải hỏa tiễn HI2/ĐKB để pháo kích Đồng Dù. Biệt kích tìm được miệng địa đạo, quăng lưu đạn chết không còn một mống. May mắn lần đó anh bận họp chấn chỉnh tiểu đoàn, nếu không, anh đến họp thì đã tiêu tùng rồi.
Còn ở Bến Súc, tại bờ Rạch Xuy Nô, Biệt kích Mỹ tìm ra miệng địa đạo của Ban Mật Mã điện đài Quân Khu. Họ tóm trọn ổ trên hai chục mạng, lấy vô số tài liệu và hai chiếc máy thông tin.
Kể từ đó địa đạo trở thành nỗi sợ hãi khủng khiếp đối với cán bộ và bộ đội. Ông Trần Đình Xu, tức Ba Định, Tư lệnh Quân Khu thấy tình hình giao động của cán bộ, bộ đội nên đã ra lệnh cho bộ đội không được xuống địa đạo nữa. Vì xuống dưới đó là bị động hoàn toàn không còn tinh thần đâu mà chiến đấu nữa. Kẻ nào bất tuân sẽ bị kỷ luật nặng.
Tuy ra lệnh gắt gao như vậy nhưng chính ông trong lúc cùng đường mạt lộ ông cùng ban tham mưu khu cũng phải chui xuống địa đạo. Chẳng may, Mỹ đóng chốt trên đầu. Cô Là, xã đội phó Phú Mỹ Hưng chạy vắt giò lên Trảng Cỏ tìm anh và yêu cầu anh đem quân về đánh giải vây cho ông ở Bàu Đưng. Nếu không có anh lần đó ông và cả ban tham mưu đã an giấc ngàn thu dưới lòng đất rồi. Nhưng thoát chết kỳ đó, sau mấy tháng, ông lại đạp mìn mà tan xác với chức “Thứ trưởng Quốc phòng” của Chánh phủ ông Phát.
Trong những người “anh hùng” mà ông tác giả kể ra, có ông “Thiếu tá Năm Thuận” nguyên là một tên du kích sọc dưa đã bỏ làng chạy qua Phú An (Bình Dương) để làm nghề câu tôm chờ ngày rước vợ ở Ấp Chiến Lược ra sống chung. Ông “Thiếu tá” này đã giác ngộ cách mạng cao nên đã trở lại Tiểu đoàn II thuộc Trung đoàn Quyết Thắng của anh. Lúc đó quân số Tiểu đoàn chỉ còn trên một đại đội nên Thuận mừng húm khi được anh nhận cho làm lính lãi.
Bên cạnh đó còn có một ông thiếu tá khác đặc sắc hơn. Đó là “Thiếu Tá Quợt” chính ông này bị B52 vùi lấp còn ló cổ lên và chính anh với em cứu sống ở rừng Bàu Nổ xã Thanh Tuyền. Ông ta chưa hề đào một nhát cuốc địa đạo thế mà được ông tác giả đề cao là “Anh hùng đã chiến đấu mười năm ở Củ Chi bằng địa đạo.” Chiến đấu bằng cách nào? Cái ông này nổi tiếng nhờ cái tật ỉa chảy và mang chứng bịnh mắc thằng bố nói nhãm kinh niên, người xanh mét gầy nhom như khỉ già, ngồi đâu như chết đó. Mỗi lần xuống hầm hoặc xuống địa đạo là ông ta són trong quần. Mọi người rất sợ phải chui chung với ông.
Còn nhân vật “chiến đấu” dũng cảm hơn hết. Đó là ông Võ văn Kiệt, tức là “Tư Kiệt Chính ủy Quân khu”. Ông được Năm Ngố “bí thư Huyện ủy” Nam Chi nhường cho một khúc địa đạo để nương náu qua ngày tại Phú Hòa Đông. Nhắc tới việc này, chắc em không khỏi nhớ tới em Lệ tức Tám Lệ, một nữ công tác thành của “Ban Quân báo quân khu”.
Lệ thường ra vào Sài gòn, Tây Ninh… và về báo cáo các công tác, ăn ở nhờ địa đạo của ông Năm Ngô. Do đó Lệ lọt vào mắt ông “Chính ủy khu”. Ông ta bèn biến cô Lệ thành liên lạc riêng của ông ta, rồi trở thành “bạn” thân thiết dưới địa đạo. Chuyện này chắc em không biết đâu. Để chốc nữa anh nói lý do tại sao anh biết cái chuyện ly kỳ này.
Em Mô thân mến,
Anh hiện nay là kẻ lưu vong, lòng luôn luôn hướng về đất nước. Nhưng không bao giờ mơ trở về đất nước, họa chăng có một biến thiên vĩ đại bất ngờ. Viết đến đây anh không cầm được nước mắt. Nếu như anh với em có duyên phần với nhau nhỉ? Nếu thế thì cuộc đời chúng mình sẽ không biết ra sao…
Thôi chuyện đã qua lâu rồi. Em đã có chồng có con cả bầy, còn anh cũng sắp sữa làm ông nội. Nhưng những kỷ niệm lửa máu thật khó quên. Anh không khỏi xót xa ngậm ngùi khi nhìn thấy hình em trên trang sách. Sao trông em sầu não tang thương quá đổi. Có chuyện gì không vui trong đời em sao vậy? Đôi mắt buồn thảm của em đang ngó tới nhưng chính tâm tư của em lại nhìn ngược về dĩ vãng xa vời phải không? Một cái dĩ vãng còn loe lói trong đầu một đứa con gái mười tám tuổi được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” toàn Miền Nam và cô nữ “Dũng sĩ” ấy đã yêu một chàng… nhưng chuyện lại không thành mặc dù cả hai người vẫn yêu nhau.
Có một lần ở đâu đó trên đất Củ Chi rực lửa vào một buổi chiều, anh có nói với em một câu và trước đó em đã tặng anh một bài thơ lục bát. Đến nay anh còn nhớ bài thơ này. Anh vốn là một người nhận được rất nhiều tình yêu, từ Hà Nội đến Mã Đà, từ Suối Cụt, suối Tha La đến Củ Chi Trảng Bàng nhưng để rồi chẳng giữ được mối tình nào cả. Bởi vì anh đâu có đứng lại lâu ở một nơi nào để mà nhận lấy. Cái chết đối với anh như bỡn như đùa. Đánh cả trăm trận, bị thương ngót chục lần, chết đi sống lại vài ba lượt. Cái Tiểu đoàn mà anh chỉ huy đã mất ít nhất là ba Tiểu đoàn trưởng. Anh là người thử tư. Nhưng anh là kẻ “thọ” nhất trong các vị Chỉ huy và với anh, nó được mệnh danh là Tiểu đoàn Thép. Bây giờ nhớ lại anh mới thấy rằng cả anh lẫn em đều bị bọn Bắc Kỳ lợi dụng mà không biết. Chúng thí mình như những con chốt lót đường.
“Chiến thắng” xong rồi, dân Nam kỳ mình được gì?
Là một người dân lưu vong anh hằng mong đất nước phồn vinh, dân tộc Tự do và những bạn bè cũ của anh, trong đó có em, được hạnh phúc. Nếu như không nhìn nét mặt của em trong sách thì anh đã có thể quên hết Hai Ngàn Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi của anh, nhưng khổ nổi là anh đã gặp lại em quá ư đột ngột.
Anh đã có lần nói với em về Lệ rồi. Lệ yêu anh cũng đột ngột như em. Rồi xa anh cũng đột ngột như em xa anh vậy. Lệ làm liên lạc thành rồi bị ông Tư Kiệt bắt về làm thư ký cho ông ta. “Thủ trưởng” và nhân viên lại ở chung một hầm. Ông ta quá ư ẩu tả. Để đề phòng việc tệ hại nhất rất có thể xảy ra, Lệ đã dùng giấy pơ luya để bịt cửa mình. Lệ đã nói hết với anh ở Suối Cụt. Lúc đó anh cũng đã chán nản trước tình hình càng ngày càng xấu ra. Lệ bảo thật với anh đây là lần gặp anh cuối cùng. Và Lệ đã cùng anh sống một đêm vợ chồng bên bờ suối… Một trái pháo mồ côi đã nổ rất gần lều, suýt chút nữa là hai đứa rửa chân lên bàn thờ. Hôm sau Lệ đi công tác và không về nữa.
Chuyện Lệ đi, dù anh biết trước nhưng không cản ngăn một lời. Ông ta đã thế thì nàng phải thế. Và anh nữa, anh cũng phải thế. Chứ còn biết làm thế nào? Anh nói vậy chắc em hiểu mà. Và từ chuyện này em hiểu ra những chuyện khác.
Sau khi Lệ đi rất lâu, em theo du kích quận đánh đồn Thái Mỹ. Trước khi xuất quân, đáng lẽ em phải hỏi ý kiến “Tiểu đoàn trưởng “ chứ. Nhưng em đã đi đánh liều. Nghe súng trận nổ anh lập tức dắt tổ trinh sát chạy đến. Cũng vừa lúc du kích võng em về. Anh đã biết trước các em không đánh nổi mà. Anh chỉ còn biết băng vết thương trên ngực của em bằng tấm áo của anh và cả tấm lòng xót xa quặn thắt của anh nữa. Ngày nay mỗi lần nhìn tại vết sẹo trên da thịt em, chắc em nhớ lại lúc băng bó cho em, anh đã nói với em câu gì.
Sau đó ít lâu anh nghe tin em bị du kích Bàu Me ở Trảng Bàng bắt trói vì em đang mang AK trên đường ra Ấp Chiến Lược hồi chánh. (thì cũng như “anh hùng” Nguyễn văn Song trốn về Nam. ) Thế nhưng trong chương sách kể lể chiến công của “Nữ dũng sĩ gan góc” Bảy Mô ông tác giả đã giao cho nàng một “Công tác quan trọng ở vùng biên giới Việt Miên” cho đến khi hòa bình.
Đúng ra, em có đi công tác ở biên giới thật, nhưng là công tác cấp dưỡng đặc biệt cho “Bà Phó Tư lệnh” Ba Định. (Vì là một “Dũng sĩ” nên du kích không dám đụng tới em, chứ nếu là ai khác thì chúng đã bắn chết ngay rồi.) Chuyện Củ Chi dài quá em nhỉ! Định ngưng mấy lần nhưng ngưng chưa được.
Còn một “ông anh hùng” khác cũng bị nêu tên trong sách này. Đó là Nguyễn Thành Linh. Một tên Bắc Kỳ vô Củ Chi và chiến đấu bằng địa đạo trong vòng năm năm liền. Hắn được tác giả mô tả như một “kiến trúc sư của địa đạo chiến”. Vậy ra trước khi hắn vác mặt vô đây, dân Củ Chi không biết đào hầm hố hết? Nhưng địa đạo hay hầm bí mật đâu cần phải kiến trúc sư mới làm được. Cuộc sinh tồn mọi người đẻ ra sáng kiến để tự bảo vệ thôi: Anh ở Củ Chi năm năm có thấy tên nào Nguyễn Thành Linh đâu! Nhưng anh biết hầu hết tất cả địa đạo Củ Chi. Chỗ nào anh cũng biết miệng địa đạo, hoặc đã xuống địa đạo thử trước rồi. Anh đã lội nát Củ Chi không sót một mảnh rừng nào mà. Tất cả những tên làng, tên ấp tên người trong quyển sách này là thật. Đây là sự trần truồng không tiểu thuyết hóa một chút nào. Anh có thể điểm qua tất cả địa đạo trong quận Củ Chi cho em nghe: Bến Dược 200m, đồn điền Sinna 500m, Hố Bò 200m, Phú Hòa 200m, Lộc Thuận 200m. Gần đồn điền Sinna 150m, Trà Dơi 150m, Xóm Trại Giàn Bầu 100m, Xóm Bàu Hưng 300m, Xóm Thuốc 200m, 200m, Xóm Chùa 200m, ấp Bến Mương 100m, Góc Chàng 500m, Cây Điệp 150m, Nhuận Đức 100m, 100m, Bầu Tròn 100m. Bào Cạp 100m, 50m, Bầu Diều 100m, Ba Gia 100m, Bên Cỏ 100m, Đường làng II 100m, 50m. Hoàn toàn không có cái vòng đai sắt nào chung quanh hoặc dưới đít Đồng Dù cả. Ông Phạm Sang chỉ có thể nghe Bob Hope hát ở Đồng Dù từ trong hang ếch của ông ta và trong trí tưởng tượng thôi.
Sở dĩ có danh từ vòng đai thép bao bọc Đồng Dù, như em đã biết là do ông Tám Quang, “trưởng phòng chính trị quân khu” bịa báo cáo về R cùng với sự thành lập đội nữ du kích Củ Chi của tụi em với Bảy Nê, Út Nhớ chẳng qua để quay phim, chụp hình và “đài giải phóng” tuyên truyền mà em đã cười khi ngồi tâm sự với anh lúc mới quen nhau. Chớ đội nữ có đánh chát cái gì. Toàn do ông Tám Quang sáng tác và “đài giải phóng” phóng đại.
Nếu như có một hệ thống địa đạo Củ Chi thôn liền thôn, xã liền xã thì tại sao khu ủy khu IV chạy tuột lên tận Preyveng để ăn hút. Me xừ Tư Kiệt còn sống sờ sờ đó hãy bớt nói phét để khỏi bị cô Tám Lệ nhét mồm bằng giấy… pơ luya.
Chúng ta hãy cùng nhau cúi hôn mảnh đất Củ Chi đau khổ của chúng ta hiện nay đang nhục nhã vì bị bọn Cộng Sản đem ra làm trò bịp thế gian.
Cộng Sản nghĩa là đại bịp. Chúng bịp nhân dân, bịp thế giới và tự bịp chính mình.
Anh muốn tự ngưng bút ở đây nhưng thấy còn nhiều sự thực bị bưng bít nên viết tiếp. Hai ngàn trang sách mà anh viết ra đây sẽ vạch trần bộ mặt láo toét kinh hoàng của bọn Cộng Sản Hà Nội mà cả anh lẫn em đều là nạn nhân. Anh muốn nhắc chúng nó rằng: Thời kỳ Mỹ đóng chốt Đồng Dù, Củ Chi chỉ là một bãi tha ma không một bóng người thấp thoáng, không một gốc cây còn đứng nguyên, không một tiếng chó sủa gà gáy. Tất cả xã ủy đều chết, bị bắt, hồi chánh hoặc ngưng hoạt động.
Ông Út Một Sơn bí thư đầu tiên Củ Chi bị pháo Đồng Dù bắn lắp hầm chết ở Bàu Lách Nhuận Đức năm 1966. Chắc em còn nhớ chớ? Nếu địa đạo Củ Chi nối liền thôn xã (theo ông tác giả ngốc này mô tả thì nó chỉ kém đường xe điện ngầm ở Mạc Tư Khoa chút thôi) thì sao quận Củ Chi lại cắt ra làm hai: Nam Chi, Bắc Chi? Là vì cán bộ không đi lại được giữa hai phần đất này. Người ở đâu nằm chết ở đó. Mỗi sáng lóng ngóng chờ “chụp dù, nhảy dò, xe tăng càn” để lũi. Nhưng cũng không có đất lũi. Chỉ còn một cách độc nhất là làm hầm. Mỗi ông bà có một cái hầm bí mật (nên nhớ hầm bí mật chỉ là một cái hang ếch chứ không phải địa đạo và không có hầm bí mật nào ăn thông ra địa đạo cả ). Sư sợ hãi chết chóc làm tê liệt mọi ý chí. Cán bộ chỉ mong bị bắt sống cho khỏe thân. Cho nên họ ngồi trên miệng hầm ngụy trang với vài cành lá sơ sài như những người câu tôm câu cá ở bờ sông vậy. Do đó có danh từ “ngồi thum. “ Nhưng ngồi thum trong vùng căn cứ cũng không an toàn vì bị máy bay trực thắng cá rô hay quạt hoặc bị ăn pháo bầy dọn bãi trước khi Mỹ đổ chụp. Nên các bà Năm Đang, Hai Xót, khu ủy, quận ủy mới ra tá túc nhà dân ở Ấp Chiến Lược để “chạy lan” như chuột mất hang. Chạy lan có ngày cũng chết như trường hợp của cô Tư Bé, quận đội phó bị lính Mỹ bắn chết ở Đồng Lớn. Hay ông Tám Châu bí thư quận bị pháo bắn mất đầu ở Bố Heo.
Chắc em biết rõ sự chia cắt của các xã trong quận vì tình trạng “ngồi thum” và “chạy lan”. Xã Trung Lập đẻ ra Trung Lập thượng, Trung Lập hạ, An Nhơn nứt thành An Nhơn Đông, An Nhơn Tây, Phú Hòa cắt thành Phú Hòa Đông, Phú Hòa Tây v. v…
Tội nghiệp cho Madeleine Riffaud, Wilfred Burchett và mấy ông Giáo sư Liên Xô đã vượt hiểm nguy vô tận đất Củ Chi và rừng Con Mên để coi “giải phóng đánh Mỹ”! Tội nghiệp, vô tới đây họ chỉ ăn bom và lũi như chuột đến nổi đòi về ngay không biết cái địa đạo là gì. Cũng may cho bọn anh lúc đó. Nếu cặp ký giả ba sồn này ở lại lâu hơn và họ đòi đi nghỉ mát dưới địa đạo ngay ở đít Đồng Dù thì rắc rối to cho các anh rồi.
Đến nay mụ đầm già không biết gì kia đang ở đâu, sao không trở lại xem địa đạo Củ Chi do kiến trúc sư Nguyễn Thành Linh mới vừa xây dựng năm 1985? Nhớ tới W. Burchett anh không khỏi phì cười. Lão ta nằng nặc đòi xuống địa đạo và xem các dũng sĩ bố trí địa đạo chiến cho hắn quay phim. Anh và Tư Linh hồn vía lên mây. Địa đạo ở đâu mà coi? Kể từ năm 1965 trở đi, sau khi Củ Chi ăn dưa hấu B52 vài trận, ai cũng thấy những lỗ bom sâu từ sáu thước đến mười một thước cho nên không ai dám cho rằng địa đạo là bất khả xâm phạm nữa. Cực chẳng đã mới chui hầm bí mật thôi.
Tư Linh vốn là cán bộ địch vận, nhanh trí bảo Burchett: “Người đồng chí hơi to, vậy để chờ vài hôm tôi cho làm nắp rộng để đồng chí xuống mới lọt. “ Sau đó khất lần rồi cho qua luôn. Còn vụ xem “địa đạo chiến” thì anh cho “đội dũng sĩ” của em bịp hắn một cú thần tình, nhớ không? Hắn rất phục “đội dũng sĩ”. Đến nay hắn đã chết rồi, hắn vẫn chưa biết địa đạo là cái gì.
Em Mô thân,
Chuyện Củ Chi, chuyện anh và em nhiều vô số kể. Nhắc chuyện này lại nhớ chuyện kia. Nhắc Hố Bò nhớ Góc Chàng, nhắc Bến Mương nhớ Suối Cụt, nhắc Thái Mỹ nhớ Đồng Dù, toàn những kỷ niệm máu lửa không thể quên được. Nhớ cảnh nhớ người khôn xiết. Ba bốn lần anh bị thương ở Củ Chi đều có em băng bó hoặc tới y xá săn sóc. Anh đã tựa đầu vào vai em, anh đã nằm trên xuồng do em bơi qua sông Sài Gòn, anh đã cùng em ngồi ở rừng Lộc Thuận ngắm pháo sáng tua tủa trên nền trời Củ Chi. Anh và em đã từng hái những trái sầu riêng trong vườn sau nhà em và ngồi ở bậc đá bên con suối nhỏ. Anh thì ăn sầu riêng còn em đàn bản Đứt Đường Tơ cho anh nghe. Anh bảo em: “Tơ đâu có đứt mà đàn bản ấy.”
Chẳng ngờ đó là bản đàn định mệnh của chúng ta. Bây giờ “Tơ đã đứt” và không phương nối lại, đàn một nơi dây đàn một ngả.
Anh chúc em hạnh phúc. Hy vọng một ngày rất gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau và sẽ về thăm lại Củ Chi dưới một khung trời mới.
Viết xong lúc tượng con quỷ chúa Lenin bị giật sập ở Mút-cu-oa
Dương Đình Lôi