Mặt Trời Hè Trong Trái Tim CHƯƠNG 5
Bà Thìn sau lời dặn dò chàng thanh niên bán bánh mì dạo liền thoăn thoắt đi về phía cửa chính của ngôi biệt thự, định bụng sẽ lên lầu ngay để tìm gặp cô chủ nhỏ của mình hỏi nhờ mua giúp.
Trong lúc hối hả bà chỉ tập trung ánh mắt về phía trước mà không nhận ra cô gái ấy đang ngồi thư thả trên chiếc ghế đá kê gần rìa cỏ nơi một góc khu vườn. Buổi trưa ngồi trong căn phòng rộng một mình cảm thấy tẻ nhạt, nàng đã bước xuống khu vườn với một cuốn sách trong tay. Lúc nhỏ Nhật Hạ vẫn thường thích trốn ngủ trưa đi xuống vườn ngồi một mình như vậy. Trong không gian yên tĩnh của buổi trưa hanh nắng, ngồi dưới tán cây nghe lá khua rào rạt, tiếng chim líu lo chuyền cành, nàng nghe tâm tư lắng đọng trong một cảm xúc lãng đãng rất khó tả mà lại thật dễ chịu thanh thoát.
Cũng giống như bà Thìn, Nhật Hạ thoáng băn khoăn khi thấy sự xuất hiện của một người lạ đứng ngơ ngẩn như lạc lối trước cổng nhà mình. Không nén được sự tò mò nàng chú mục về phía cánh cổng sắt cao lớn, thấy bà Thìn phía trong bên này hàng rào nói gì đó với một người đàn ông đứng cạnh chiếc xe đạp ngoài kia. Vì khoảng cách khá xa mà hai người lại nói không quá to, Nhật Hạ chẳng nghe được cuộc đối thoại. Bỗng dưng thấy bà Thìn cười thân thiện rồi quay gót vội vã đi vào nhà, nàng điềm đạm cất tiếng:
-Ai tìm vậy bác Thìn?
Đang rảo bước đi nhanh bỗng nghe một giọng nói trong trẻo phát lên từ bên hông phải, bà Thìn dừng bước ngay, giật mình quay sang. Nhận ra cô chủ của mình đang ung dung ngồi trên ghế đá, bà ngạc nhiên bật cười kêu lên:
-Ủa, cô chủ, cô ngồi đây hồi nào vậy? Sao không lên phòng lại xuống đây một mình?
Khẽ cười, Nhật Hạ nghiêng đầu đáp:
-Dạ cháu ở trển hơi chán nên xuống đây ngồi một chút đổi không khí. Ai vậy bác?
Nàng lập lại câu hỏi. Bà Thìn đưa tay kể lể:
-Chỉ là một cậu thanh niên đi bán bánh mì dạo tình cờ đi lạc vào khu mình. Cậu ta mời tôi mua giùm một ổ. Nhìn còn trẻ lắm cỡ lứa tuổi cô thôi.
Nhật Hạ lại liếc mắt nhìn ra hướng cổng, thấy xa xa người ấy đang cúi đầu xuống đất kiên nhẫn chờ đợi, chiếc nón như chụp mất cả khuôn mặt.
Chà, chỉ cỡ tuổi mình thôi ư? Trong lúc mình sống quá sung sướng trong nhung lụa thì ngoài kia có một người cũng như mình đang đi bán dạo kiếm sống giữa trời nắng trưa thật vất vả. Cũng là kiếp con người như nhau sao mình lại quá may mắn. Còn anh ta thì…
Mím môi trong một thoáng suy tư, Nhật Hạ hỏi thăm:
-Anh ta bán bánh mì gì vậy bác, bánh mì không hay có đồ ăn?
Bà Thìn hăng hái giải thích:
-Cậu ấy bán bánh mì xíu mại, nghe nói là ở nhà làm. Cô chủ… mua giúp cho cậu ấy một ổ nghen?
Bỏ cuốn sách đang đọc dỡ trên mặt ghế đá, Nhật Hạ bật mình ngồi dậy rồi nhí nhảnh chạy nhanh vào nhà, vừa nhoẻn cười bảo:
-Cháu không có tiền trong người. Để cháu vào lấy tiền cái đã.
Thoáng chút nàng đã trở lại ngay với một tờ bạc đưa cho bà Thìn dặn dò, nét mặt hí hửng tươi rói:
-Bác mua giùm cháu một ổ, vào đây hai bác cháu mình chia nhau ăn thử cho biết. Còn dư bảo anh ta khỏi cần thối.
Bà Thìn đưa tay cầm tờ giấy bạc, lập tức tròn mắt kinh ngạc. Giá trị của số tiền đó mua mười ổ bánh mì cũng còn dư. Xưa giờ bà vẫn biết tính cô chủ trẻ của mình rất rộng rãi tốt bụng. Đôi lần bà kẹt tiền khẩn cấp vì ông chồng dưới quê phải nhập viện bất chợt, vay mượn ông bà chủ thì không dám, đành phải mở lời khẩn khoản bày tỏ với cô chủ nhỏ. Vừa nghe qua, nàng hỏi ngay:
-Chết, như vậy bác phải về quê để lo cho bác trai chứ để vậy sao được?
Bà Thìn nhăn nhó khổ sở:
-Ai mà không muốn vậy hả cô! Nhưng tui đâu thể bỏ công việc ở đây ngang mà đi được, đã nhận làm thì phải làm cho đàng hoàng. Tui mà đi việc bếp núc dọn dẹp ở đây không tươm tất ông bà chủ không vừa ý, tui ngại lắm. Dù sao cũng còn mấy đứa con của tui ở dưới có thể lo cho cha tụi nó.
Chu đôi môi hồng lên ra chiều ngẫm nghĩ, Nhật Hạ thành thật:
-Như vậy bác cần gửi ít tiền về lo viện phí và bồi dưỡng cho bác trai chứ. Bác cần tiền không?
Bà Thìn ái ngại, rụt rè:
-Thú thật với cô, tui cũng… đang dự định mượn ông bà chủ, nhưng… hổng dám nói ra. Cô chủ có thể…
Toét miệng cười thật dễ dãi, Nhật Hạ cắt ngang:
-Cháu cho bác mượn có sao đâu. Đợi cháu chút hen!
Dứt lời nàng chạy biến về phòng, lát sau đem lại cho bà một xấp tiền. Bà Thìn hốt hoảng:
-Trời ơi, nhiều quá tui trả không nổi đâu! Cô cho tui mượn nhiêu đây được rồi!
Nói đoạn bà đếm lấy một phần tư chỗ tiền ấy rồi dúi phần còn lại vào tay Nhật Hạ. Nàng rụt tay lại, khẩn khoản:
-Bác cứ cầm lấy. Nếu không cần thì trả lại cháu sau có sao đâu!
Bà Thìn xua tay dứt khoát:
-Dạ không, nhất định không. Cô cho mượn nhiêu đây là tui mang ơn cô lắm rồi. Tui không dám lấy thêm nữa đâu.
Ấy vậy mà một thời gian sau bà Thìn dành dụm đủ số tiền vay đưa lại cho Nhật Hạ, thì dường như nàng đã quên mất chuyện đó tự hồi nào, chỉ tròn xoe đôi mắt đen láy nhìn bà ngơ ngác hỏi:
-Tiền gì vậy bác Thìn, sao tự dưng đưa tiền cho cháu?
Bật cười trước cái vô tư ngây ngô của nàng, bà nhã nhặn:
-Dạ đây là tiền cô chủ cho tui vay mấy tháng trước lúc ông nhà tui nhập viện. Giờ xin gửi lại cô. Xin tạ ơn cô rất nhiều!
Che miệng rúc rích cười, nàng bộc bạch:
-Ô cháu quên mất tiêu rồi!
Bà Thìn nhìn cô gái với nét mặt nhí nhảnh mà rất dễ thương ấy một cách trìu mến rồi quay bước, thầm nghĩ bụng:
“Cô chủ thật là nhân hậu chân thật quá! Mong rằng không ai lợi dụng tấm lòng của cô ấy mà trục lợi bất chính!”
Vì vậy bây giờ thấy Nhật Hạ đồng ý mua giúp cho một người bán hàng rong bà không hề xem đó là một điều gì bất thường, nhưng sự rộng rãi hào phóng đến mức này thì quả thật hiếm có.
Nhìn vẻ mặt chưng hửng của bà, Nhật Hạ bật cười khanh khách, vuốt chiếc áo đầm dài ngồi trở lại xuống băng ghế đá, giọng líu lo:
-Người ta đã khó nhọc đi vào tận đây thì mình ủng hộ cho họ một chút có hề gì đâu bác, xem như giúp họ có một ngày buôn bán thành công cho họ vui. Bác đi ra nhanh đi kẻo người ta chờ!
Nói xong Nhật Hạ lại cầm cuốn sách lên rồi thản nhiên đọc tiếp như chẳng có gì xảy ra.
Chưa được bao lâu thì có tiếng chân người đi lại gần từ phía cổng. Nhật Hạ ngẩng đầu lên, thấy bà Thìn đã trở lại, tay cầm ổ bánh mì được gói gọn gàng sạch sẽ trong bọc nylon, tay kia cầm mấy tờ giấy bạc đưa cho nàng tỉ mỉ báo cáo:
-Cậu bán bánh mì thối lại tiền cho cô chủ đây. Tôi có bảo ý của cô là tiền dư không cần hồi lại, nhưng cậu ấy nhất định không chịu, bảo đi bán chứ không đi xin, chỉ nhận đúng giá một ổ bánh mì còn bao nhiêu gởi lại cho cô.
Khuôn mặt đang hớn hở sáng ngời của Nhật Hạ chợt chùng xuống tư lự. Một thoáng nửa bâng khuâng nửa thán phục len nhẹ vào hồn cô gái lầu vàng mà cũng có trái tim vàng ấy. Bất giác nàng đưa mắt nhìn ra hướng cổng, chỉ còn thấy thấp thoáng dáng người thanh niên bán dạo đang gò lưng đạp chiếc xe nhỏ dần ngoài con đường xa xa. Nàng thấp giọng hỏi han:
-Anh ta… còn nói gì nữa không hả bác?
Bà Thìn nhíu trán như nghĩ ngợi một đôi giây rồi đáp:
-Dạ cũng đâu nói gì nhiều thưa cô. Khi tôi bảo “Cô chủ chúng tôi có dặn cậu cứ giữ lấy tiền dư không cần thối lại”, cậu ấy sững sờ khựng lại như nghĩ ngợi gì đó, rồi chợt tỏ ra rất xúc động, nói cám ơn tôi rồi gởi lời tri ân đến cô. Cậu ấy nói là “Xin bác cho cháu gởi đến cô chủ của bác lòng biết ơn sâu sắc vì sự nhân ái của cô ấy!”
-Vậy hả bác?
-Dạ. Cậu ấy ăn nói rất nhã nhặn lễ phép, xem ra là người có ăn học chắc gia cảnh khó khăn phải đi bán dạo kiếm sống. Nhìn cậu ta tui lại nhớ đến mấy đứa con ở dưới quê. Tự nhiên tui cũng thấy thương cảm cho cậu ấy sao đâu.
Nhật Hạ lặng im không nói gì, tay vẫn cầm bọc đựng ổ bánh mì mà chút suy tư ánh lên qua đôi mắt. Anh ta là ai mình chưa hề biết, nhưng rõ ràng là một người có nhân cách đầy lòng tự trọng.
Bà Thìn thấy cô chủ nhỏ bỗng dưng trầm ngâm, bèn lên tiếng nửa đùa nửa thật:
-Sao vậy cô chủ, bộ người ta không chịu làm theo ý thì không thèm ăn bánh mì luôn sao? Cô không ăn, nước xốt của xíu mại để lâu nó làm nhũn bánh mì ra ăn không còn ngon rồi trách oan người ta.
Nghe nói Nhật Hạ phì cười, nhanh nhẹn mở bao bẻ đôi ổ bánh mì ra đưa cho bà Thìn một nửa rồi hăm hở bảo:
-Vậy thì cháu ăn đây. Mời bác, ngồi xuống ăn với cháu cho vui!
Nói đoạn nàng ngồi xích sang một bên chừa phần trống trên chiếc ghế đá cho bà giúp việc. Bà cũng ngồi xuống, rồi hai người một già một trẻ nhai bánh mì rôm rốp rất ngon miệng. Nhật Hạ xuýt xoa khen:
-Ui cha, bánh mì bán dạo này ngon ghê đó chứ phải không bác?
Bà Thìn gật đầu đồng tình:
-Đúng là ngon thật. À, cô biết không, tui để ý lúc làm bánh mì cậu ta làm rất vệ sinh. Tui thuộc loại kỹ khó tính mà cũng chưa thấy có gì không hài lòng.
Đang nhai nhóp nhép, Nhật Hạ quay sang tròn mắt hỏi lại:
-Thật vậy luôn hả bác?
-Dạ, chứ nếu làm dơ tui sẽ không để cho cô chủ dùng đâu.
Chẳng mấy chốc ổ bánh mì được hai người chia nhau đã hết nhẵn. Nhật Hạ vẫn như còn thòm thèm, cười tươi tắn đề nghị:
-Bánh mì ngon quá! Ngày mai anh ta mà tới bác mua dùm cháu vài ổ nghen, nhưng mà dặn anh ta để xíu mại riêng khoan cho vào bánh mì, để cháu mời ba mẹ dùng thử cho biết. Coi như mình cũng mua giúp cho người ta luôn.
Ba Thìn đứng dậy, phủi phủi những mẩu bánh mì nho nhỏ bị vỡ nằm trên ghế cho rơi xuống đất. Mấy chú chim gần đó liền sà xuống mổ lấy ăn thật vui mắt.
-Dạ, tui nhớ rồi cô chủ.
Tối hôm đó trong nhà đầy đủ mọi người, Nhật Hạ nhớ lại chuyện lúc trưa, chạy ùa đến bên mẹ hớn hở kể:
-Mẹ, hôm nay có người đi bán dạo ngay trước nhà mình nè. Lạ quá mẹ há?
Bà Xuân bật cười cho câu nói ngây ngô của cô con gái cưng, âu yếm hỏi lại:
-Vậy sao con?
Gật nhanh đầu với nét mặt hồn nhiên sáng rỡ, nàng khoe:
-Dạ, con có mua ăn thử nữa đó mẹ.
Xoa mái tóc dài rất mịn màng của con gái, bà Xuân giảng giải:
-Tại con sống trong vùng tư nhân biệt lập này từ nhỏ nên thấy lạ phải không, chứ chuyện người ta đi bán hàng rong ở những nơi khác rất bình thường thôi con à.
Nhật Hạ gật đầu ra vẻ hiểu biết:
-Dạ, con cũng đoán như vậy. Nghe bác Thìn bảo anh ta tình cờ đi lạc vào thôi.
-Rồi họ bán gì nè, con ăn thấy sao? Mà Hạ này, coi chừng ăn đồ linh tinh không hợp vệ sinh rồi mắc bệnh tiêu hóa thì khổ à!
Cong đôi môi lên, nàng phân trần:
-Dạ không có đâu mẹ, nhìn gói ghém đàng hoàng sạch sẽ lắm. Anh ta bán bánh mì xíu mại, hương vị rất thơm ngon. Ngày mai nếu anh ta trở lại, con đã dặn bác Thìn mua mấy ổ để ba mẹ dùng thử.
Phá lên cười sảng khoái, ông Thao đang ngồi đọc báo trên chiếc ghế đối diện góp lời trêu đùa ái nữ của mình:
-Phải không đó? Hay là có người muốn được ăn lại món bánh mì xíu mại đây?
Bà Xuân tặc lưỡi vờ trách chồng nhưng thật ra hùa theo ông để ghẹo con:
-Kìa anh, sao lại nghi ngờ lòng hiếu thảo của con gái mình như thế kia chứ?
Hai ông bà cùng nhìn cô con gái cười rộn rã, không khí thật vui vẻ đầm ấm. Nhật Hạ phụng phịu đứng lên dỗi:
-Ba mẹ cùng nhau ăn hiếp con, không chơi với ba mẹ nữa.
Nhưng tiếc thay sau đó Nhật Hạ không được dịp thưởng thức lại hương vị món bánh mì xíu mại của chàng trai bán dạo tình cờ hôm ấy nữa. Nàng đã chờ đợi một ngày, hai ngày, rồi một tuần, hai tuần, nhưng anh đã không trở lại. Anh như cánh chim chỉ chao xuống vùng trời trước sân nhà nàng một lần rồi biến mất vào vùng trời mây mù xa thẳm. Một sự luyến tiếc vu vơ lướt qua hồn cô thiếu nữ xuân thì.
***
Quốc Tri tháo sợi dây cao su đen cột chiếc cần xé sau xe ra rồi vội vã bước vào nhà. Khoát vốc nước mát vào mặt để rửa đi lớp bụi đường sau một ngày đạp xe rong ruổi kiếm sống, anh cảm thấy tươi tỉnh hẳn ra.
Đã một tháng kể từ cái hôm số phận run rủi thế nào để cho Quốc Tri đi lạc vào khu gia cư giàu sang đó, ký ức về ngày ấy vẫn như in trong trí anh. Tính đến giờ anh đã bán hàng trăm ổ bánh mì cho đủ loại người trong xã hội, vậy mà chỉ một ổ bánh mì duy nhất bán cho một người không gặp mặt trực tiếp, chỉ qua trung gian là một gia nhân mà để lại một ấn tượng đậm sâu đến chẳng ngờ.
Hôm ấy trong lúc đứng đợi, Quốc Tri thấy bà Thìn đang đi nhanh bỗng dừng lại quay sang nói chuyện với ai đó. Bấy giờ để ý kỹ anh mới nhận ra một cô gái đang ngồi trên ghế đá. Vì chỗ nàng ngồi bị thấp thoáng che bởi một cụm cây kiểng nên nếu không chú ý sẽ rất khó nhận ra.
Do tầm nhìn bị hạn chế như vậy, Quốc Tri không thể thấy rõ dung mạo cô gái ấy. Anh chỉ có thể quan sát chung chung thấy nàng trong bộ đầm màu mỡ gà dáng điệu vô cùng thướt tha. Sau đó thì bà Thìn trở lại cùng nét mặt vui vẻ mua bánh mì cho anh, đồng thời bảo cô chủ tặng luôn phần tiền dư khỏi phải thối.
Nhìn tờ bạc với giá trị vượt xa giá ổ bánh mì khiêm tốn, cảm xúc tự nhiên ngay tức khắc bừng lên trong tâm tưởng Quốc Tri là tự ái và bực bội, cái cảm giác như người ta đang thương hại bố thí cho mình. Không hiểu tự bao giờ, anh phát sinh lòng thành kiến khá nặng đối với những người giàu có ăn trên mặc trước. Hình như trong anh luôn mang cái định kiến là những người ấy thường tàn nhẫn máu lạnh, sẵn sàng đạp lên nỗi khổ đau của đồng loại để leo lên nấc thang xã hội, mà chỉ được đánh giá bằng danh vọng và tiền tài. Họ xem của cải như một thứ trang sức để che đậy những khiếm khuyết và xấu xí đầy dẫy trong tâm hồn. Tất nhiên đã gọi là thành kiến thì vô lý và lắm khi cũng sai lạc. Phải có một biến cố hay kinh nghiệm sống nào đó thật khác thường mới đủ sức đánh bật những ý tưởng phi lý như vậy.
Quan sát thái độ lưỡng lự và ánh mắt phủ mây mù của Quốc Tri, bà Thìn với kinh nghiệm của một người đứng tuổi hình như đoán biết cảm xúc của chàng trai đáng tuổi con mình, bèn nhét tờ bạc vào tay anh, chân thật trấn an:
-Cậu cứ nhận đi mà! Cô chủ tui tuy còn trẻ nhưng rất hiểu chyện và tốt bụng lắm! Cổ không có ý gì đâu!
Quốc Tri nhìn vào mắt bà rồi lại liếc vào khu vườn nơi cô gái đang bình thản cúi đầu đọc gì đó trên ghế đá, như để có chút bình tâm trong tâm hồn để xác định lại tình hình. Có lẽ bà ấy nói đúng. Nếu chanh chua hách dịch cô ta có thể sai người làm đuổi cổ mình đi chứ mất công làm gì cho mất thời giờ? Nếu đúng như bà giúp việc nói, thì cô ấy quả là một người rộng lượng tốt bụng hiếm có.
Chẳng lẽ một tiểu thư quyền quý vương giả tới mức này mà lại có tấm lòng nhân hậu đến thế ư! Thật đáng ngưỡng mộ quá!
Nhưng mình đâu thể nhận số tiền dư ấy được. Mình phải giữ lại một chút lòng tự trọng. Cái gì không xứng đáng với công lao thì không nên nhận.
Nhủ lòng như vậy nên Quốc Tri đã kiên quyết khước từ, thối lại tiền đầy đủ cho người mua. Nhưng từ đó ấn tượng đẹp về cô gái ấy đã ở lại với anh, như ngọn đèn thắp lên một ánh lửa niềm tin vào cuộc đời vẫn còn những tâm hồn tinh khiết, những cái đẹp đáng để sống và hy vọng trong khi đang vẫy vùng ngập ngụa trong tối tăm vất vả.
Từ sau lần đó Quốc Tri không trở lại khu gia cư giàu có kia rao bán nữa. Cũng phải thôi, hôm ấy chỉ là một sự tình cờ đưa đẩy, giờ đã biết rồi thì chẳng còn lý do gì để vào đó mà bán dạo, trông có vẻ nài nỉ lòng thương hại của người ta quá. Nơi ấy không dành cho mình. Anh nghĩ bụng, mặc dù từ sâu trong đáy lòng rất ao ước được gặp lại cô gái huyền hoặc bí ẩn kia một lần cho biết mặt vô cùng.
☘︎
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2022 03:56:17 bởi Hồi Kha >