TẬP THƠ HAY NHẤT CÓ LỜI BÌNH – Phạm Ngọc Thái
HAI KẺ ĐỜI QUẤN QUÍT không còn em, anh vẫn yêu tha thiết Chỉ trời xanh là biết mối tình ta Vì đường đời đã phải chia xa Dẫu trái tim hai đứa cùng đau nhói. Trời Tây Hồ nắng vờn trong gió mới Như anh-em ngày ấy quấn bên nhau Bóng trúc xinh soi dòng nước xanh màu Cứ tưởng sẽ đời đời và mãn kiếp. Em vật vã đêm ngày, anh vẫn biết Những thương em, chỉ biết ngóng trời xa Ca lên em! Cõi trần có phong ba Tình yêu sẽ dẫn ta vào bất tử! Em xinh đẹp, đất trời còn quyến rũ Gái má hồng tạo hóa phải ghen Anh bôn ba nửa trái đất cũng yếu mềm Nặng lời thề với em ghi tấc dạ. Miền sông nước: Ôi, mênh mang trắng xóa Có em tôi ở đó đứng chờ mong Ta chia tay. Bởi duyên phận không thành Anh ra đi ngày đêm thường trăn trở. Chưa kịp đến đón em làm vợ? Đã bạc đầu, nuốt dòng lệ em đau. Một mai kia nơi thế giới không màu Anh sẽ đợi em về, nằm bên cạnh Hai ngôi mộ trong hương tàn, khói lạnh Của hai kẻ đời quấn quít, gió mây bay… CON ĐƯỜNG PHƯỢNG ĐỎ
Em mang màu phượng đỏ ra đi Anh tha thẩn dọc hè phố nhỏ Nơi kỉ niệm của mối tình sinh nữ Xác ve còn bám ở thân cây. Con đường phượng đỏ đêm nay Mây lãng du bay, trời xanh vô định Những cánh hoa rung trong hoài niệm Nghe lòng thổn thức đâu đây. Phượng đã cháy lên một thời Nửa tóc bạc rồi, nửa mái xanh phơ phất Tới một ngày chúng cũng tàn úa hết Ta sẽ thành ông bà lão, em ơi! Con đường tình đẫm giọt sương rơi Gió vẫn xạc xào vi vút thổi Giá hồi ấy chúng mình lấy nhau, rồi sinh năm đẻ bảy Thì đâu còn phượng để anh ru? Em đã mang màu phượng ấy ra đi... Lời bình: NUỐI TIẾC TÌNH YÊU THUỞ BAN MAI Bài thơ rất đáng yêu. Nó gợi lại kỷ niệm mối tình của nhà thơ với một người sinh nữ đã xa xưa. Tôi hình dung thấy bước chân anh đang lang thang trên cái hè phố nhỏ: Có hàng phượng vĩ, con đường… Anh vẫn cùng người thiếu nữ năm nào dạo bước bên nhau: Em mang màu phượng đỏ ra đi... Anh tha thẩn dọc hè phố nhỏ Nơi kỉ niệm của mối tình sinh nữ Xác ve còn bám ở thân cây Hẳn đó là những năm tháng tươi đẹp và hạnh phúc của đời anh. Cô nữ sinh kia chắc cũng phải xinh xắn lắm? Nghe anh mô tả, những kỷ niệm êm đềm từ thưở còn con gái trong tôi, dù đã xa xôi cứ dồn về làm nghẽn trái tim. Thế mà… cái con đường có em yêu đã bao đêm đi bên anh, giờ đây chỉ còn vương lại những xác ve đã chết khô, bám trên những cành phượng cũ. Nó cũng cô đơn như chính anh. Tuổi trẻ đi qua để lại bao nuối nhớ về những kỷ niệm tình. Bởi cái màu hoa phượng đỏ cháy rực trời vào những ngày hè thân thương ấy, giờ đây em đã mang đi mất rồi… chỉ để mình anh trơ trọi ở lại với những nhớ thương? Sang đoạn hai - Phạm Ngọc Thái vẫn lan man cảm xúc trên con đường của kỷ niệm tình. Nhưng giờ đây: Mây lãng du bay trời xanh vô định Những cánh hoa rung trong hoài niệm Những đám mây phiêu diêu vẫn bay qua con đường. Bàu trời heo hút, vô vi… lại gắn với khoảng đời tươi đẹp, hạnh phúc nhất của nhà thơ. Hiu hắt quá! Màu hoa phượng đỏ, cũng chỉ còn là màu trong hoài niệm. Câu thơ ảo mà khoáy vào lòng người? Phải chăng như Chế Lan Viên đã viết: Bên kia bờ hư ảo - bờ thơ Bởi cái màu ảo ấy là màu của những nhớ thương, hoài vọng, thiết tha. Mặc dù nhà thơ đang đi trên con đường rất thật để làm bài thơ này, như anh viết: Con đường phượng đỏ đêm nay... Chúng đều là thật cả: Từ làn mây đến khoảng trời xanh, nhưng vào trong cảm xúc của Phạm Ngọc Thái đã trở thành màu của trừu tượng, mênh mang, day dứt khôn nguôi: Nghe lòng thổn thức đâu đây... Trái tim nhà thơ đang giằng xé trên con đường ấy. Đến đoạn thứ ba, như người bừng tỉnh trong giấc mộng. Thơ được đẩy cao lên và xa xót: Phượng đã cháy lên một thời Nửa tóc bạc rồi, nửa mái xanh phơ phất Tới một ngày chúng cũng tàn úa hết Ta sẽ thành ông bà lão, em ơi! Đành rằng qui luật của thời gian, không ai tránh được sẽ sự già cả, tàn úa? Nhưng ta vẫn thấy chua chát quá! Dường như tất cả đang sụp đổ xuống trái tim anh. Đôi trai gái còn thanh xuân hồi ấy, nay đã biến thành ông bà già mất rồi - Có lẽ nhà thơ đã khóc? Đó là sự chia ly vô cùng, vô tận của kiếp người. Đời người, mấy ai là không phải nuối tiếc mối tình đầu? Bài thơ không chỉ làm rung động trái tim của các lứa trẻ, ngay cả những người đã bước vào tuổi hoa niên, đọc thơ anh chắc cũng không khỏi xao lòng. Đoạn thơ kết: Con đường tình đẫm giọt sương rơi Gió vẫn xạc xào vi vút thổi... Để khắc sâu hơn, nhấn mạnh hơn về sự trống vắng. Dù ta chẳng biết vì lý do gì? Tại sao mối tình của nhà thơ với người con gái ấy bị tan vỡ? Lỗi do ai? Chỉ thấy anh biện hộ với lòng mình: Giá hồi ấy chúng mình lấy nhau rồi sinh năm đẻ bảy Thì đâu còn phượng để anh ru? Khiếp, nhà thơ Phạm Ngọc Thái ơi! Sao anh tham lam thế? Người ta lấy nhau bây giờ chỉ đẻ có hai đứa, nuôi được chúng nên người cũng đã bở hơi tai rồi, đằng này anh lại đòi những "...sinh năm, đẻ bảy" cơ đấy? Nói vậy thôi, chứ thơ vẫn là thơ mà. Viết thế nên câu thơ lại thêm phần thi vị và hay hơn. Tất cả sự diễn tả ý nghĩ, hình ảnh... cũng chỉ để hoài tưởng về cái màu phượng vĩ của tình yêu năm xưa. Đến cuối cùng nhà thơ trở lại với câu thơ đầu tiên, và kết ở đó: Em đã mang màu phượng ấy ra đi... Chính là tư tưởng của toàn bài: Bộc lộ sự nuối tiếc tình yêu trong sáng, say đắm thời thanh xuân. Thơ giàu cảm xúc, thanh tao và mộng mơ. Ngôn ngữ bình dị nhưng vẫn mang vẻ đẹp mỹ học mà tạo thành bài thơ hay. Nguyễn Thị Hoàng ( Trích tập “PNT chân dung nhà thơ lớn thời đại”, 2014 )
EM TẮM Anh ngắm nhìn em tắm Tấm thân trần mênh mông Biển tình tràn say đắm Em của anh biết không? Tấm thân em bảo vật Do tạo hóa sinh ra Dành cho anh yêu đó! Mãi còn ở tít xa... Tấm thân em trắng ngần Từng đường viền anh ngắm Hai bàu sữa thơm lành Chờ ngày anh uống cạn. Ngã ba em suối ngọt Chảy róc rách bên trong Có rừng xanh bao bọc Chờ ngày anh vô thăm. "Em đêm nhớ, ngày mong Tan nát cả cõi lòng"... Em bảo anh như vậy Anh lại càng thương em! Giữa đất trời bão giông Tình ta còn cách trở Nhưng trong trái tim anh Cưng vẫn nằm ở đó! Anh nhìn em yêu tắm Qua màn hình za-lô Hãy chờ ngày anh đến Tặng em cả trời mơ... CÔ ÁO TRẮNG Anh lại có một cô áo trắng Mắt nàng nhìn trong biếc mùa thu Mái tóc xoã, bàu vú nàng hưng phấn Ngủ đi em, nghe bài thơ anh ru! Đất Sài Gòn… mùa xuân đến trong mơ Có em tôi đi giữa đêm dài thành phố Em ơi em, những khi trời trở gió Có thấy bóng anh về, thao thức bên em? Anh nhẹ hôn thầm ở dưới ánh đêm Em khoả thân mình để hoá thành nữ thánh! Áo em trắng hay là da em trắng Có em rồi cuộc sống sẽ vô biên Ta mặc cho năm tháng chảy, nghe em! Chỉ có anh và em, chỉ có trời và đất Thế giới văn minh ta không cần gì hết Em dẫn anh vào buổi hoang muội nguyên sơ Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ Em bọc trong anh không cần quần áo Ôi! Nguyệt của em đây, một động sâu huyền ảo Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong Em đừng hỏi vì sao anh yêu em! Anh lại có một cô áo trắng Vào buổi hoàng hôn, hoang vắng cuộc đời Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm Bàu vú nàng, mùa hoa trái sinh sôi... Lời bình: VỚI ÁI NỮ SÀI GÒN Bài “Cô áo trắng” này không phải tình yêu thuở ban mai, mà là một bài thơ tình trong buổi hoàng hôn cuộc đời: Anh lại có một cô áo trắng Vào buổi hoàng hôn, hoang vắng cuộc đời Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm Bàu vú nàng, mùa hoa trái sinh sôi Tôi không rõ “cô áo trắng” còn là một thiếu nữ hay đã là thiếu phụ? Chỉ biết rằng: Nhà thơ cảm xúc về người đẹp mà nảy ra tình thơ, chỉ qua một bức ảnh. Nghe nói, bức ảnh đó cô em mặc một chiếc áo cánh trắng mỏng, bó sát lấy tấm thân thon thả của một ái nữ Sài Gòn. Vào mùa xuân muôn hoa đua nở. Nhà thơ thương nhớ người đẹp ở trong mơ: Đất Sài Gòn mùa xuân đến trong mơ Có em tôi đi giữa đêm dài thành phố Em ơi em, những khi trời trở gió Có thấy bóng anh về thao thức bên em? Tình thơ chứa chất tình cảm lãng mạn xen lẫn sự ham muốn về thân thể. Khai thác khá sâu sắc. Tác giả diễn tả về cái thế giới bên trong người đẹp như cả vũ trụ: Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ Em bọc trong anh, không cần quần áo Ôi! Nguyệt của em đây, một động sâu huyền ảo Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong Hình ảnh mang màu sắc triết học, làm cho tình thơ trở nên huyền thẳm. Ngôn ngữ sắc bén, sinh động, tựa lưỡi dao cứa ngọt vào trái tim ta tê tái. Kết hợp với giọng thơ du dương, uyển chuyển: Anh nhẹ hôn thầm ở dưới ánh đêm Em khoả thân mình để hoá thành nữ thánh! Áo em trắng hay là da em trắng Có em rồi cuộc sống sẽ vô biên Hay là: Ta mặc cho năm tháng chảy, nghe em! Chỉ có anh và em, chỉ có trời và đất Thế giới văn minh, ta không cần gì hết Em dẫn anh vào buổi hoang muội nguyên sơ “Cô áo trắng” là một tình thơ rất gợi cảm. Tuy có nơi, có chỗ tác giả đã sử dụng hình ảnh thân thể, như “bàu vú nàng” hoặc “nguyệt của em đây”... Nhưng đọc lên thơ không dung tục. Nó chỉ cốt tăng thêm sự hấp dẫn, đáng yêu và viên mãn hơn. Nói chung thơ Phạm Ngọc Thái viết theo cảm xúc, tung toả ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Nhà thơ như thể bóc cả mình ra cho thơ tuôn trào như suối. Đi hết gam mà đẩy nỗi thơ đến tận cùng. Đình Bồng (Trích tập “PNT chân dung nhà thơ lớn thời đại”, 2014)
MƯA BAY TRONG TIẾNG CHUÔNG
Chuông chùa thỉnh lên lời cầu nguyện Nam-mô-a-di-đà! Trong khúc mưa bay âm vang trời đất Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là… Vi vút tầng cao con lá rụng Nghe lao xao sóng vỗ bên hồ Chân ta bước dưới khuông trời thành phố Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ. Thoắt tình đã vào xa vắng Mình anh với bóng nhớ hoài em Hồn như cánh chim vô định Mái tóc em bay, làn mưa mênh mang. Ôi, tiếng chuông gảy lên bao kí ức! Kia không gian, thao thiết gót chân mềm Gió dìu dặt, ánh trăng suông dìu dặt Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm… Lời bình: BẢN TÌNH MƯA XAO XIẾT, NGỌT NGÀO Trong làn mưa bay thành phố, có một người thi sĩ đang lang thang nhớ bóng người yêu: Vi vút tầng cao con lá rụng Nghe lao xao sóng vỗ bên hồ Chân ta bước dưới khuông trời thành phố Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ Tuy hình ảnh ở bài thơ không đến mức sầu muộn, thê lương? Song, những "con lá rụng..." đang bay bơ vơ giữa khuông trời đêm cô đơn kia, cũng làm cho lòng ta xốn xang cùng với nhà thơ. Những tiếng sóng bên hồ lao xao vỗ theo bước chân anh. Cảnh mưa đó lại được hoà tấu bằng sự đồng vọng của tiếng chuông chùa buồn. Đó cũng chính là tiếng lòng thương nhớ của anh thi sĩ, với người con gái đã xa xăm. Ba cái cảnh: Trời mưa, tiếng chuông và sự cô đơn - Tạo nên một bản tình xô-nát âm vang trong trời đất. Giọng điệu thi ca ngân nga: Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ Tôi trở lại với đoạn thơ đầu: Chuông chùa thỉnh lên lời cầu nguyện Nam-mô-a-di-đà! Trong khúc mưa bay âm vang trời đất Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là... Suốt bài thơ, làn mưa và tiếng chuông chùa cứ thao thiết trong nhau, hoà vào tâm tình của người thi sĩ. Cái tiếng chuông thỉnh lên lời cầu nguyện "nam-mô-a-di-đà" ấy: Phải chăng cũng là tiếng lòng khắc khoải, thao thiết trong anh? Anh đi trong khúc mưa bay với một tâm hồn trống trếnh, chơi vơi: Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là... /- Sự mơ màng như thể đang dẫn người đến bên cửa phật. Một bài thơ tình ở chốn thánh thần, làm cho tình thi lại thêm màu huyền hoặc. Đến đoạn thứ ba thì người mới thực sự tả về em: Thoắt tình đã vào xa vắng Mình anh với bóng nhớ hoài em Hồn như cánh chim vô định Mái tóc em bay, làn mưa mênh mang. Bóng người con gái hiện ra cũng rất hư hao. Chỉ nhìn thấy trong làn mưa, mái tóc em đang vương bay. Tâm hồn nhà thơ thì như “cánh chim vô định", mông lung, không có bến bờ... Một tâm hồn lạnh lẽo, cô liêu! Hình ảnh thơ như ẩn, như hiện đưa ta hút sâu vào cùng tâm trạng nhà thơ. Chẳng khác là bao với tâm trạng của kẻ nhớ người ở tận phương trời, trong Chinh Phụ Ngâm: Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây Hình tượng thơ của bài "Mưa bay trong tiếng chuông" được sử dụng đầy chất hội hoạ: Hồn vô định, mưa mênh mang, khúc mưa bay, vọng giữa mưa đêm, khuông trời, gió... trăng... dìu dặt, người và bóng, bản nhạc thơ.... Không gian thực mà ảo. Hiện tại và quá khứ đan xen trong nhau, để nói về nỗi tình da diết của nhà thơ với người thiếu nữ đã xa. Sang đoạn thơ cuối cùng - Những kỉ niệm trong kí ức tràn về theo tiếng chuông. Hình ảnh người con gái từ câu thơ trên: Mái tóc em bay, làn mưa mênh mang /- Đến đây, nhà thơ nhớ lại những ngày cùng dạo bước bên người yêu: Kia không gian thao thiết gót chân mềm Cả bóng trăng khuya, con gió dặt dìu, tiếng chuông và làn mưa... cùng hoà trong bản tình xô-nát bên hồ ấy: Gió dìu dặt, ánh trăng suông dìu dặt Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm... Với giọng thơ khoan nhặt, cả bản tình mưa như được tắm vào trong vũ trụ của cuộc sống và tình yêu con người. Bài thơ "Mưa bay trong tiếng chuông" như có tiếng ru êm ả thấm vào hồn ta, cho lòng ta say. Một cái say thâm trầm, da diết. Ngôn ngữ và làn điệu tha thiết. Hình ảnh lại hư hao như ở chốn bồng lai, cõi phật! Cuốn hút cảm nhận của ta đắm chìm vào trong đó. Trong đoạn thơ cuối: Từ gió, ánh trăng, làn mưa đêm và tiếng chuông chùa... ẩn hiện với bóng hình và bước chân thiếu nữ - Đó là một bản tình ca đằm thắm trong mưa và gió trăng... thật xao xiết, ngọt ngào. Thảo Hoàng (Trích tập “PNT cánh đại bàng của thi ca đương đại VN”, 2019)
EM GHEN Anh biết, em yêu anh nhiều lắm! Anh cũng rất, rất... rất yêu, có phải không đâu? Nhưng em quá ghen, làm anh phải đau đầu Yêu cũng thích, mà yêu cũng... khổ… Anh từng bảo: Ta sẽ yêu nhau đến khi xuống mộ Nhưng... chỉ nhắn tin không thấy anh Em đã nổi đóa lên. Vùng vằng kêu: - Anh đang chát với ai? Lại dỗi dằn: - Ừ, thì em ghen. Bởi quá yêu thôi! Chẳng lẽ anh thích người buông xuôi, hờ hững? - Vậy, cám ơn em! Được yêu, thật sướng… Nếu cứ trách em, cũng chưa hẳn đúng? Đúng là: Em yêu anh hơn tất cả các cô xưa… “ Rồi mai ngày chồng vợ nối duyên tơ Em sẽ dành cho mình thật nhiều, thật nhiều” - Em bảo thế! Tuổi hoàng hôn anh, xem ra vui đáo để? Được em yêu, em giận, em hờn Có khi còn dỗi dài - Bỏ mặc anh luôn Anh nhớ gọi! Cũng không thèm lên tiếng. Viết mấy dòng thơ, tặng em yêu mến Ghen vừa thôi em! Kẻo làm tội người yêu? Anh rất thương cưng trong buổi tình chiều Đến sưởi ấm lòng anh, những đêm côi lạnh. Ta hòa hợp dành cho nhau, năm tháng cuối cùng cuộc sống Nguyện mang tình em vào mãi thiên thu Em là bạn đời, là ánh sáng, là thơ Đường chân lý anh tôn vinh bằng cả trái tim, cùng khối óc. CHUYỆN VỀ HAI NGÔI MỘ CHA CON MAI SAU . Con PHẠM NGỌC BẢO Đột quị 22.7.2019 ( tức 20.6 năm Kỷ Hợi ) Gió vi vút ngàn năm thổi vọng Khói sương chiều quấn quít bay đưa Kể rằng: Ngày xửa ngày xưa Có hai cha con nhà thơ, hồi còn sống... * Trời Hà Nội. Cha hay dắt con ra Hồ Tây chơi lắm Vọng bên chùa Trấn Quốc tiếng nam-mô Qua bốn mùa, ngày tháng thoi đưa Đứa bé lớn khôn rồi trở thành sinh viên, thạc sỹ. Hai thế hệ ở trong cùng thế kỷ Người cha dần cũng già đi Con lại đỡ cha, chăm sóc sớm khuya Nam mô a di đà Phật! Nghĩa phụ tử trên dòng sông nước Việt Bóng trời Nam in dấu ngày đêm Mây bay, gió thổi triền miên Tình cha con mãi thiêng liêng sống còn. Bỗng một hôm bão giông, sấm sét Cắt người con ra khỏi người cha Lá vàng thì vẫn còn kia Đầu xanh đã bỏ, chia ly trọn đời. Nỗi đau uất rụng rời trời, đất Vì khóc con, cha ngất nhiều phen Hận đời, giận cả địa thiên Đã sinh thượng đế, sao còn ác tâm? Người cha những kêu Quan Âm, Phật Tổ Giúp một tay nâng đỡ sinh linh Dù không cứu được đứa con Thì xin Người đón về trên niết-bàn! Người cha thề ra tay hay bút Viết đoản thiên tuyệt tác lưu danh Con mình vào với sử xanh Bao giờ non nước tan tành mới tan. Một đời đã dọc ngang thi phú Hẹn về bên Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du Miếu thờ tôi ở thiên thu Mong hậu thế cho con thơ cùng vào. Vài lời trăng trối trời cao Nay xin để lại rồi chào, tôi đi… Xác người cũng chẳng còn chi Gió đưa đôi mộ vu vi vọng hồn "Tình cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"... Con Phạm Ngọc Bảo VĨNH BIỆT CON YÊU Con Phạm Ngọc Bảo ( 7.3.1992 - 22.7.2019 ) Bố nhỏ lệ, nhìn con đi biệt tích Dòng đau buồn cắt tự máu tim cha Con ơi con! Khi con vĩnh biệt bố, mẹ ra đi Thế là hết đời người cha già đau khổ. Già chưa chết mà đầu xanh đã bỏ Ở thiên đàng, con hãy đợi cha lên! Bố con mình sẽ ôm ấp nhau tới nghìn năm Cha không bao giờ rời con ra nữa. Thôi con ạ! Kiếp người là bể khổ Con đi rồi, trút gánh nặng vào cha Đứa con yêu, cha thương nhất cõi sơn hà Vài dòng thơ, cha cầu nguyện vong hồn con siêu thoát. Cha vẫn nói: Con là linh hồn của người cha bất diệt! Nay linh hồn bỏ đi rồi, cha sẽ sống sao đây? Trăm lậy con yêu! Bố quì xuống trước vong linh con, muốn nói rất nhiều Nhưng nghẹn đắng, không thể cất lời khôn được nữa. Viết mấy dòng thơ. Bố, mẹ tiễn con về nơi yên nghỉ 27 năm trời con sống với mẹ cha, bỗng chốc hóa tiêu tan Cha có ở lại chốn trần gian cũng chỉ là nắm thân tàn Hãy đợi cha, nhanh thôi con yêu! Sẽ đến ngày cha con ta đoàn tụ. Thơ bố viết, lệ tuôn dòng máu đổ Cái cõi trần khốn kiếp này, tiếc làm chi Thôi thì con đi trước. Bố trả nốt tí nợ đời rồi cũng ra đi Bố sẽ bế ẵm con như thuở còn rất nhỏ. 27 năm sống trên cõi đời. Bố nhìn vận con xấu số Lòng người cha trăm nhát dao đâm Khi con sống, không phút giây nào cha mẹ ngừng chăm sóc, thương con Nay con mất, chỉ còn biết sụp lậy trước vong linh, oán than số kiếp. Mấy dòng thơ vĩnh biệt con! Bố viết ra từ máu và nước mắt Một lần cuối trong đời, run rẩy nhìn khuôn mặt đứa con yêu Hãy đợi bố nghe con! Rồi bố sẽ đến bên con một sớm, một chiều. Đọc tại tang lễ con 15h... ngày 25.7.2019
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.04.2022 12:39:40 bởi Nhân văn >
TIỄN ANH TRÊN ĐẤT KHÁCH Đêm đất khách quê người, rơi tuyết trắng Em tiễn anh về lại quê hương Thôi rồi, gió lạnh con tim Tình theo lá rụng, khói sương chân trời. Đời con gái cũng hoa rơi Loài phù du giữa biển trời mênh mang Tình như một bóng mây hoang Đời em chiếc bách dập dềnh, gió mưa. Đường nhân thế mênh mông, cỏ rối Tình của ta như gió thổi, sương bay Cuộc đời mưa nắng, em ơi! Phận bèo thôi cũng nổi trôi kiếp người. Berlin 1990 EM LÀ NGƯỜI TÌNH CỦA LÍNH Tặng ca sĩ Thanh Trúc " Nếu em không là người yêu của lính " (*) Tiếng hát em đưa thuở còn chinh chiến Nửa đêm nay, anh thức dậy để nghe Giọng hát ngọt ngào, giọng hát ru xa. " Nếu em không là người yêu của lính Ai đem cánh hoa rừng về tặng em Ai trong gió sương cho em đợi chờ Và đến lúc anh về... Ai kể chuyện đời lính, em nghe! ". (*) Anh đi qua cả cuộc chiến tranh xưa Vẳng tiếng hát em, giữa rừng già năm ấy Nay nhớ lại lòng thương biết mấy Ôi, tình yêu của người lính muôn năm. Bài thơ này anh viết tặng em Cô ca sĩ một thời của lính Nghe em hát, dạ cồn cào cảm mến Anh gửi tình mình cho Đất mẹ - Quê hương. Ta không mong gì bom đạn, chiến tranh Đã dìm dân tộc vào trong bể máu Nhưng tiếng hát em thì ngàn lần yêu dấu Đời đời... mãi mãi... không quên... Là người tình của lính, phải không em! Cao quí hơn vạn lần các cung phi, quận chúa Anh sẽ mang tình em suốt chặng đường thiên lý Mai rồi sống giữa vô biên. Ôi, Tây Hồ sóng nước mênh mông Có nghe tiếng hát em tôi giữa đất trời Tổ quốc Tới một ngày cả hai ta đều khuất Bài thơ anh còn sống mãi, ngợi ca em Cô ca sĩ muôn đời của lính. Rất yêu thương. ….. (*) Lời của bài hát " Nếu em không là người yêu của lính ".
THÔNG VÀ BIỂN Cuộc sống như đoàn tàu nghiền ta tan nát Con sông thời gian có mùa thu xanh, bèo cỏ dềnh trôi Anh đứng làm cây thông trên đá, sỏi Vi vu kêu... tình thiếu nữ qua rồi... Cuộc sống - Tình yêu: Trái tim ta vĩnh cửu! Kéo đoàn tàu chạy ngược phía hư không Tháng năm xa... em hoá biển vô cùng Cùng dấu trong lòng một loài “hoa tan vỡ”! Biển thì xô. Thông suốt đời quạnh quẽ Thân xù xì, nắng héo, mưa giông Gió khát màu trắng tinh da nguyệt Cái thời Vú Biển hãy còn non. Thời con gái em lưu lại an-bom Đừng buồn nhé! Thành đá chẳng bao giờ già cả Anh vẫn ngủ giữa hồn trinh nữ Nhìn tóc mình biết tóc em phai. Vỗ mãi… anh thành cát mất thôi Tình chỉ mộng, đời cũng là hư ảo Biển xa xót, dịu dàng và sóng bão Lời anh ru như gió thổi mây ngàn. Lời bình: TIẾNG HÁT TÂM TÌNH CỦA ĐÔI TRAI GÁI Cây thông trên bờ biển là hình tượng người con trai. Biển ở đây, chính người con gái ấy! “Thông Và Biển” là tiếng hát tâm tình, thủ thỉ của người con trai với người con gái: Cuộc sống như đoàn tàu nghiền ta tan nát Con sông thời gian, có mùa thu xanh và bèo cỏ dềnh trôi Vào đầu bài thơ, nghe như có tiếng của đoàn tàu chạy xình xịch - Tác giả mô tả về sự hung dữ của cuộc sống, giống như một đoàn tàu nghiền đời ta thành tan nát. Sang câu thơ thứ hai là hình ảnh về "Con sông thời gian...": Nhịp thơ được trải ra như mặt sóng chảy tràn xuống nhẹ dần, đỡ lấy sự rền xiết của câu thơ thứ nhất. Hình ảnh "mùa thu xanh" làm biểu tượng cho niềm vui sướng, êm ả, hạnh phúc. Còn cảnh "bèo cỏ dềnh trôi" để nói đến những vật vã, tạp nhạp, bức bối đời thường. Đó là hai hình tượng tương phản, lấy trong thiên nhiên để biểu thị cho những mâu thuẫn của đời sống. Đọc lên lời thơ vẫn êm và nhẹ. Cảnh vật có ánh sáng đang cùng chảy trôi trên con sông thời gian. Con sông cuộc đời. Nỗi tình sâu lắng bên trong hình ảnh, lời thơ. Đây là một bài thơ tình được viết ra từ trong cõi lòng, trái tim đang bị giày vò bởi sự cô đơn: Anh đứng làm cây thông trên đá, sỏi Vi vu kêu... tình thiếu nữ qua rồi! Nhà thơ vọng hát về mối tình xưa. Ta bỏ cách đoạn hai. Tôi bình trước đoạn thơ ba: Biển thì xô. Thông suốt đời quạnh quẽ Thân xù xì, nắng héo, mưa giông Tình yêu không bao giờ yên lặng? Cũng như biển cả cứ gào thét, xô vỗ xung quanh cây thông đứng quạnh quẽ suốt đời. Năm tháng để lại sự mỏi mòn, trống vắng và nuối tiếc trong lòng anh. Chàng chai sạn, xù xì như thân của cây thông, chịu đựng trong "...nắng héo mưa giông": Gió khát màu trắng tinh da nguyệt Cái thời Vú Biển hãy còn non Rõ ràng đây là thời nhớ về thuở em còn trinh nữ, qua hình ảnh của biển cả. Cái làn gió khát khao đang mơn man xung quanh "màu trắng tinh da nguyệt" kia: Chẳng phải cũng như ngày nào chàng vẫn từng mơn man xoa trên... đôi "tí" của người yêu? Bởi vì ngay câu sau đó, hình ảnh “vú biển” bỗng nhiên được nhảy vào trong thơ. Nếu như cả bài thơ người con gái được hoá thân thành biển, thì đến đây… Chất đời tràn vào hình tượng biển, trả lại thân thể cho người con gái ấy! Thuộc lối thơ " thi cảm tượng trưng". Lại nói về Biển mà có... Lại còn là thời "Vú Biển hãy còn non"? Như trên đã nói, thời ấy em vẫn còn trinh nữ. Từ biển, người trinh nữ đi ra - Vú nàng nguyên khôi, non tươi như hoa trái. Như thế, hai câu thơ trong cặp hình ảnh đồng điệu này, diễn tả chung về một biểu tượng: Đôi vú của người yêu! Thơ trở thành có da, có thịt. Đó là những cảm xúc đã mang sự ham muốn về thân thể của người yêu. Tình thơ mãnh liệt hơn. Tình thơ trở nên xao xuyến, có hồn, có xác... làm cho mối tình trong “Thông và biển” thêm sống động. Tôi quay trở lại bình đoạn thơ hai: Cuộc sống - Tình yêu: Trái tim ta vĩnh cửu! Kéo đoàn tàu chạy ngược phía hư không Tháng năm xa… em hoá biển vô cùng Cùng dấu trong lòng một loài “hoa tan vỡ”! Loài “hoa tan vỡ” ấy chính là "hoa trái tim"! Ngàn năm thông đứng reo với tiếng sóng biển gào bằng trái tim của cả đôi trai gái. Chẳng phải để tạc tình yêu ấy vào trong đất trời đó sao? Cho nên: Cuộc sống - Tình yêu: Trái tim ta vĩnh cửu! Và hình ảnh đoàn tàu ở câu thơ mở đầu, giờ quay trở lại trong đoạn thơ này. Cái đoàn tàu cuộc sống đó cứ nghiến rít mãi trên đường ray cuộc đời, mà họ đang đi về phía hư không. Tháng năm chỉ còn nghe tiếng sóng biển vỗ vô cùng... Trái tim đôi trai gái thành tan nát. Đến đoạn thơ thứ tư - Hình ảnh người con gái đã tạc vào năm tháng mà hoá đá: Thời con gái em lưu lại an-bom Đừng buồn nhé! Thành đá chẳng bao giờ già cả Năm tháng trôi qua… Họ không còn trẻ, nhưng tình yêu vẫn đó như đôi trống mái giữa biển khơi. Em mãi mãi trắng trong với mối tình trinh nữ giữa hồn anh: Anh vẫn ngủ giữa hồn trinh nữ Nhìn tóc mình biết tóc em phai Cây thông tháng năm trên bờ đầy sỏi, đá cuộc đời, để nghe sóng biển gào thét quanh mình: Cô đơn, khát vọng và xót xa. Đến cuối bài, tình thơ trở về với làn điệu ru lòng biển xanh: Vỗ mãi anh thành cát mất thôi Tình chỉ mộng. Đời cũng là hư ảo Biển xa xót, dịu dàng và sóng bão Lời anh ru như gió thổi mây ngàn... Không có tình yêu cuộc đời thật mà ra ảo và năm tháng hoá hư vô. Bên bờ sóng vỗ khi thì xa xót như lòng biển… khi dịu dàng như người yêu… nhưng có lúc biển lại gào thét đầy sóng bão. Đây là đoạn thơ kết có sức rung cảm, đưa trái tim ta vào hoan lạc trong một bờ bến vô vi. Dẫu vậy, thông vẫn cứ đứng reo bên biển, gió núi, mưa ngàn để hát mãi về tình em. Nó hát rằng: Trong sự tồn tại của đất trời, vũ trụ cùng thế giới: Tình yêu gái trai là bất tử! Ngọc Trâm (Trích tập “PNT chân dung nhà thơ lớn thời đại”, 2014)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.04.2022 12:48:19 bởi Nhân văn >
ĐÊM NAY TRỜI LẠI KHÔNG MƯA Trời không mưa, áo em đâu có ướt Chỉ ướt lòng em, cô gái nhỏ của anh Em ngả vào anh mà hình như có khóc? Tiếng con tim thật rõ bên mình. Mùa thu đã qua, ta nghe lá rụng Buổi cuối cùng em đến để chia tay Ngày mai em lấy chồng, phải xa vĩnh viễn Chẳng sao mà, trời có mưa đâu, em ơi!
Kìa không mưa mà áo anh lại ướt Mùa thu đi. Sao nắm mãi bàn tay Ai nói tình gió mây sẽ quên trong chốc lát Bao năm trời… hồn anh vẫn mưa bay...
Tại đêm đó không mưa hay bởi vì anh nhớ Phố vắng em buốt giá cả canh dài Em dại lắm, lấy chồng làm chi vội Đưa em sang sông rồi, lòng mới biết đã yêu ai!
Ta lại bước lang thang trên phố ấy Đến mỗi gốc cây, có vệt cũ em ngồi Tiếng hát xưa đưa, bờ hồ gió thổi Bóng với mình đi mãi tới ban mai
Cứ tưởng buổi cuối cùng em đến, đã chia tay… ANH ĐAU XÉ LÒNG ĐÀNH QUAY GÓT Ta bỗng thấy lòng ta nhẹ bẫng Trút cơn sầu. Cánh chim vụt bay lên Hãy bay đi! Bay tới tận Hoàng Thiên Rồi đậu xuống một vầng trăng huyền ảo. Người lữ khách rũ bụi trần, xa huyên náo Quên phàm tình. Nhìn bốn phía mênh mông Vẫy tay chào! Ở lại nhé, em thương Mình chia tay, biết có ngày trở lại? Cũng không phải là người rồ dại Đã yêu em tự đáy lòng anh Em đến với anh bằng tình thắm chân thành Bao giây phút nồng nàn, trao nhau không tưởng tiếc. Thì vẫn biết, em cố ghìm tiếng khóc Lòng anh đau như dao cắt, kim đâm Ta trách trời ư? Trời có thấu đâu em Tại số đó, nếu không thể bên nhau mãi mãi… Anh những muốn cùng em xây dựng lại Em giận hờn, phẫn chí buông xuôi Trái tim anh tưởng vỡ làm đôi Cố gắn lại. Mỉm cười nhìn số phận… Anh cũng biết đời em còn lận đận Mang tình yêu làm chỗ dựa hồn em Lòng dạ đàn bà, không thấu nổi bên trong Vẫn cần anh sao mãi còn tấm tức? Cuộc chia tay đẫm nhòa nước mắt Nói làm gì! Ai mất nhiều hay ít hơn ai Rồi ngày mai ngoái lại tiếc hoài Rơi dòng lệ bên mộ người tri kỷ. Đời anh đó, đỉnh thi sơn kỳ vĩ Tháng năm cùng nhân thế, không em Anh bay lên chín tầng cao mà kiếp cô đơn Em ở lại dưới trần hiu hắt bóng. Cuộc phân ly hai đứa đều lạnh cóng Nhưng cứ yếu hèn, biết sống làm sao? Ừ, thôi... thì quên nhau, mặc cho máu tim trào Làm kỷ niệm in sâu vào trí não. Thơ càng viết, tình dâng thành giông bão Phút nhớ nhung viết gửi vào thơ Em giữa đời chịu cảnh sống bơ vơ Anh đau xé trong lòng, đành quay gót... ĐÊM THU PHỐ VẮNG Đêm phố vắng anh đi, hay là em không ngủ? Thu đến rồi lay động trái tim Xào xạc lá, anh nghe xào xạc lá Thăm thẳm bóng hình em trong đêm. Anh lại dẫn em, con đường yêu cũ Một thời nào từng in dấu chân thon Trước tình yêu, ta hoá thành đứa trẻ Dẫu mái tóc anh giờ đã hoa sương. Ta sẽ viết cho ai, bài thơ đêm thu vắng? Tiếng trong khuya em gọi vọng rất xa Trên thảm lá lòng ta say đắm Tha thiết bên em, vì không muốn đêm qua… Ôi, bài thơ cứ theo anh lang thang trong phố Ký ức hồi sinh về với tuổi xuân xưa Em lại ru êm như thuở trẻ Tấm thân mềm đưa anh vào bến mộng mơ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.04.2022 12:53:10 bởi Nhân văn >
PHỐ THU VÀ ÁO TRẮNG Tà áo trắng em đi qua phố Mùa thu rơi phủ mắt anh Tà áo trắng của người sinh nữ Anh nhìn xác phượng khóc rưng rung. Chỉ còn lại con tim rớm đỏ Áo quệt vào, máu rỏ hai tay… Ôi, mùa thu mùa thu êm ả Sao lòng anh tơi tả thế này? Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc Lang thang vài cánh bướm bơ vơ... Áo trắng in ngang trời - Sét đánh! Lưỡi dao nào cào nát tim thu? Anh cũng có một thời bên áo trắng Cũng bế bồng và cũng đã ru em Cái thời ấy chìm vào xa vắng Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang. Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ Câu thơ nẩy những bông hoa buồn Thôi, đừng hát để ướt lòng thiếu nữ Em đi rồi! Anh chết cả mùa đông. Lời bình: EM VÀ MÙA THU Nếu như bài thơ Thời Áo Trắng là sự hoài cảm những kỷ niệm về một thời đã qua, thì “Phố thu và áo trắng” lại là những cảm xúc tình yêu của nhà thơ bật ra, da diết cùng các em sinh nữ. Có một buổi nhà thơ đang đi trên phố, bỗng nhiên anh bắt gặp những tà áo trắng các nàng phấp phới bay lướt qua anh. Trái tim Phạm Ngọc Thái xốn xang, tưởng chừng chỉ muốn vỡ tung ra: Tà áo trắng em đi qua phố Mùa thu rơi phủ mắt anh Tà áo trắng của người sinh nữ Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng Đó là những chiếc áo dài trắng mà các nữ sinh mặc vào buổi khai trường mùa thu. Nhìn những cánh hoa phượng đang rơi xuống đất, lòng anh chạnh nhớ lại những ngày đã cùng em cắp sách đến trường! Anh khóc hoa phượng đỏ hay anh khóc cho chính anh đây? Câu thơ: Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng /- Đã ra đời như thế! Vậy, tà áo trắng này là áo trắng thực và phố này cũng là phố thực. Nó khác với thành phố ở bài Thời Áo Trắng, là hình ảnh mang màu sắc tượng trưng. Nhà thơ nấc lên: Chỉ còn lại con tim rớm đỏ Áo quệt vào, máu rỏ hai tay... Ôi mùa thu, mùa thu êm ả Sao lòng anh tơi tả thế này? Nếu như trong Thời Áo Trắng diễn tả: Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! /- Chỉ là khe khẽ, xao xiết... Thì ở bài “Phố thu và áo trắng”, mức độ day dứt cào xé trái tim người thi sĩ mạnh hơn. Anh bàng hoàng nhớ về một thưở từng ôm ấp, yêu thương người thiếu nữ? giờ như con dao cứa sâu mãi vào anh. Mùa thu của đất trời vẫn êm ả trong xanh, nhưng mùa thu trong anh… còn đâu sự yên lành, êm ái của thuở xa xưa ấy: Áo trắng in ngang trời - Sét đánh! Lưỡi dao nào cào nát tim thu? Hình ảnh lưỡi dao cào nát cả trái tim mùa thu, là một biểu tượng đã được thăng hoa. Nó đẩy nỗi tình thơ cao lên - Còn hình ảnh: Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc Lang thang vài cánh bướm bơ vơ... Quyện giữa mùa thu và áo trắng thành một bức hoạ tình. in lên nền trời thật huyền ảo, mộng mơ. Cái cảnh vài cánh bướm vàng bay bơ vơ… chính là hồn của nhà thơ đang lang thang - Bộc lộ về khát vọng tình yêu của một con người đã bước vào tuổi hoa niên? Tuổi trẻ qua đi, nhưng tâm hồn và trái tim thi sĩ thì cứ trẻ mãi. Anh bồi hồi tưởng lại những năm tháng vẫn từng ân ái bên em: Anh cũng có một thời bên áo trắng Cũng bế bồng và cũng đã ru em Cái thời ấy chìm vào xa vắng Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang... Ôi, tình yêu cuồng nhiệt và nóng bỏng? Giờ chỉ còn là những tháng năm lạnh lẽo của buổi hoàng hôn. Anh nghĩ đến cái thời từng ôm ấp tấm thân mềm mại, trẻ trung trong vòng tay? Những khoảnh khắc đó đã trở thành kỉ vật thiêng liêng, cùng thời gian trôi vào trong quá khứ cuộc đời. Nó lý giải cảnh ngộ vì sao khi gặp những tà áo trắng đi qua, lòng nhà thơ lại cảm xúc mãnh liệt đến thế! Như Nguyễn Du đã viết: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Phút gặp lại trăm mối ngổn ngang với sự tan vỡ của lòng người thi sĩ: Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ Câu thơ nấy những bông hoa buồn Thôi, đừng hát để ướt lòng trinh nữ Em đi rồi, anh chết cả mùa đông. Nói là: " thôi đừng hát..." - thực ra anh vẫn muốn hát mãi về tình yêu! Mỗi mùa thu đến, một lần lòng anh thêm tan nát. Mùa đông tới, trái tim nhà thơ Phạm Ngọc Thái chắc sẽ càng hiu hắt, cô đơn! Đình Bồng ( Trích tập “PNT phê bình & tiểu luận thi ca”, 2013 )
DƯỚI HÀNG SẤU ĐÊM
VÀ CON PHỐ NHỎ Phố vẫn phố, hàng sấu xưa rụng lá Ngỡ yên rồi còn lạc bước canh khuya Nên câu thơ anh, theo đông về vội vã Tình của đôi ta, dòng sông chảy man mê. Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức Trăng bay trên trời, anh cứ thương em Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không? Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa! Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em? Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ, em nhỉ Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm. Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy Đi hết phố xa về, khắc khoải bên thềm Rồi tự trách với mình, sao buổi ấy Lại giục em lấy chồng, để đau mãi con tim? Lời bình: TIẾNG ĐÀN TÌNH THEO BƯỚC CHÂN THI SĨ Đi lại đường phố đêm dưới hàng sấu xưa, lòng nhà thơ bồi hồi nhớ về một thuở: Phố vẫn phố, hàng sấu xưa rụng lá Ngỡ yên rồi? Còn lạc bước canh khuya Nên câu thơ anh theo đông về vội vã Bài thơ được viết vào mùa đông năm 2010, khi anh đã ngoài tuổi lục tuần nhưng tâm hồn thi nhân thì còn trẻ mãi. Con sông tình ngày đêm vẫn xao xiết chảy trong trái tim anh, như câu thơ đã viết: Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê... Chưa thấy ai đảo ngược chữ "mê man" viết thành "man mê..." như Phạm Ngọc Thái, để âm điệu thơ không rơi vào sự cũ càng. Cũng thấy là lạ, hay hay. Có một nhà giáo khi khi bình thơ anh đã viết: “Ngôn ngữ thi ca Phạm Ngọc Thái là ngôn ngữ của hình tượng hội hoạ. Khi đọc những thi phẩm hay của ông, giống như bức tranh hoàn bích. Càng đằm sâu vào trong tranh càng chứa chất ý, tình”. Theo con gió đông. Nhà thơ "lạc bước" lang thang, hồn vía bay về... cái thuở em yêu vẫn cùng anh đêm đêm dưới hàng sấu phố khuya này. Cái phố nhỏ với hàng cây xưa thật thân thiết. Bao năm qua tưởng tình cũ đã yên? Nào ngờ; đêm nay thi nhân lại chạnh lòng thổn thức - Bài thơ "Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ" ra đời. Mặc dù nhà thơ đã nói với mình và khuyên người yêu: Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em? Ai mà chẳng có lúc bồi hồi vương vấn tới tình xưa? Nói rằng: "Em đang ngủ bên chồng..." - Nhưng đọc thơ không thấy sượng, còn tăng thêm sự cảm khoái, diễn đạt ý tình thấm thía hơn. Khi nhà thơ tự vấn: … Thôi, đừng tiếc nữa! /- Tức là lòng anh đang nuối, nhớ. Nhà thơ còn biện hộ cả với người xưa: Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em? /- Có nghĩa, đây là mối tình dang dở mà sự tiếc nuối của cả hai người, chứ không chỉ đơn phương về phía thi nhân. Khuyên thế thì khuyên - Song, chính nhà thơ lại tự ru mình trong cõi xa xăm: Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ, em nhỉ! Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm Tình yêu đã mang lại cho hồn thơ anh bao cảm xúc ngọt ngào. Trong cuộc sống xô bồ, cát bụi... Mỗi khi nhớ về thuở ấy: Thi nhân như được tắm trong niềm hạnh phúc của tình yêu! Như lời thơ đã viết: Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm /- Tôi trở lại phân tích về khổ thơ thứ hai: Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức Trăng bay trên trời, anh cứ thương em Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không? Thao thức cùng với nhà thơ! Vầng trăng trong đêm đông giá lạnh kia cũng có ngủ được đâu? Vẫn là “nguyệt” đó mà sao nay thấy lạ - Hồi cùng em tắm trong trăng, thật êm đềm và mơ mộng. Giờ với anh, trở nên xa vời và cô quạnh quá. Cơn gió khuya cũng không ngủ, thầm thì bên tai: Liệu em có còn nhớ đến thuở của đôi ta? Cả đoạn thơ với hình ảnh gió, trăng... thấm đẫm hồn, xao xiết một nỗi tình. Như câu thơ trên đã viết: Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa Đọc thơ anh mà tôi thấy nao lòng. Người ta đã ngủ với chồng rồi, anh còn nghĩ đến làm gì? Nhưng phải chăng khi lòng đã tương tư về tình? Mấy ai gỡ ra được. Như Nguyễn Bính từng viết: Gió mưa là bệnh của trời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng Bài thơ có sức truyền cảm. Ngòi bút thi nhân hoà lẫn máu tim mà viết ra. Trong canh khuya yên tĩnh, dưới trăng sao, gió thổi và vòm trời. Cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ đêm. Chỉ còn nhà thơ lặng lẽ, đi dưới hàng sấu xưa và con phố nhỏ: Chúng đang thì thào tâm sự với anh! Dòng thơ cứ nhè nhẹ, dìu dịu tuôn trào ra như vậy. Lời thơ như mơ và đẹp. Hình tượng thơ không kiêu sa, thanh thoát, thấm đượm sự thương yêu. Như tiếng đàn tình gảy lên trong không gian sâu thẳm, mênh mông. Tiếng đàn ấy ru theo bước chân người thi sỹ, cùng những cánh lá sấu nhỏ đang rụng xuống… cho tình thơ say đắm bay ra: Phố vẫn phố, hàng sấu xưa rụng lá Ngỡ yên rồi? Còn lạc bước canh khuya Đây là hai câu thơ hay nhất chăng? không hẳn vậy. Những câu thơ khác cũng rất hay: Đêm đã lạnh. Vầng trăng còn thao thức Trăng bay trên trời, anh cứ thương em Vầng trăng kia thao thức hay chính tiếng lòng của nhà thơ đang thao thiết với trăng? Bóng nguyệt trôi mãi vào vô biên, mang hồn thi nhân theo những áng thơ đến tận bến xa vời... Đấy, thi ca Phạm Ngọc Thái là thế! Đọc câu thơ nào cũng thấy đầy chất sống và sâu lắng. Mỗi câu lại có một hương sắc và sự hay riêng. Tiếng thơ mỏng mảnh tựa dây đàn, khẽ bật lên là rung. Nghe êm đềm, tha thiết, có chút gì đó khắc khoải ở bên trong. Tôi bình vào đoạn kết: Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy Đi hết phố xa, về khắc khoải bên thềm Rồi tự trách với mình sao buổi ấy Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim? Vậy, lý do vì sao nhà thơ lại giục người yêu đi lấy chồng? Không ai biết. Nó hé mở ra căn nguyên của mối tình bị đứt đoạn này: Hai người cùng yêu nhau, nhưng hoàn cảnh éo le không thể lấy nhau được - Một bi kịch tình chăng? Biết không thể lấy được nhau, sao lại còn yêu để giờ phải khắc khoải nhớ thương? Song cuộc sống vốn dĩ cũng thường hay nghịch lý như vậy mà. Không thế thì đã không có thi ca. Nhà thơ vì quá yêu nên tự dằn vặt với mình đó thôi! Đoạn thơ kết lại như lưu giữ một tấm tình kỷ niệm trong ảo mộng – Để những đêm lang thang trong phố, về khắc khoải bên thềm: Nhà thơ cảm xúc mà sáng tác ra những vần thơ tình chan chứa yêu đương, để lại cho đời. Trần Đức (Trích tập “PNT chân dung nhà thơ lớn thời đại”, 2014)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.04.2022 13:01:58 bởi Nhân văn >
THỜI ÁO TRẮNG Trả lại cho anh một thời áo trắng Em đi rồi, mai thành phố cô đơn! Những bông hoa mùa xuân thôi không nở Đi dưới bóng điện đêm, lòng sẽ rất buồn. Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách Mắt em cười mùa thu xanh lên Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! Trả lại cho anh một thời áo trắng Đã đi qua và... đã đi qua... Với cả dòng sông trôi mơ mộng Lá lá rụng vàng, tóc tóc hóa sương pha. Nghe gió thổi hàng cây vi vút Em biển xanh xa mãi vô cùng Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng. Trả lại cho anh một thời áo trắng Em đi rồi, mai thành phố cô đơn! Lời bình: HỒI ỨC TÌNH YÊU THUỞ SINH VIÊN Tiếng vọng từ trái tim nhà thơ về một khoảng xa xăm. Mỗi khi động vào lòng anh lại quặn lên đau nhói. Phải chăng đó chính là hoài cảm của nhà thơ về tình yêu với một người con gái, đã xa xưa? Những kỷ niệm trong sáng mà êm đềm, da diết: Trả laị cho anh một thời áo trắng Em đi rồi, mai thành phố cô đơn! Em đi rồi.../- Thực ra sự đi này, là sự rời bỏ tình yêu tuổi thanh xuân với cuộc đời anh, khi đã về chiều. Người thiếu nữ đi... để lại cả một thành phố hiu hắt vì buồn. Cái thành phố có trái sấu rụng, lá me rơi và những tháng năm tuổi trẻ? Giờ chỉ còn hoài niệm. Đó cũng là thành phố trong “hồi ức tượng trưng” !? Thành phố của tình yêu mà không có người yêu - Tất cả lùi vào dĩ vãng… để lại cái bóng của nhà thơ, bước vào buổi hoa niên cuộc đời. Anh lang thang trong khoảng vắng. Lòng thảng thốt kêu lên: Trả lại cho anh... Hai câu thơ đầu là cả một khúc tình ly biệt: Sự ly biệt bởi quy luật tàn úa của thời gian. Rêu phong tháng năm, phủ lên trên trái tim tình vẫn tha thiết thương yêu. Khi xưa còn em: Trên bầu trời thành phố, đêm đêm đầy những ánh sao xa, ánh điện sáng lung linh. Hàng cây bên đường thì nở hoa thơ mộng. Thế mà hôm nay: Những bông hoa mùa xuân thôi không nở Đi dưới bóng điện đêm, lòng sẽ rất buồn Sang đoạn thơ hai: Những kỉ niệm từ ánh mắt, tiếng cười và bao hình ảnh xưa của người con gái lại hiện về: Mắt em cười mùa thu xanh lên! Hay là: Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! " khe khẽ nát" - Ta nghe như những mảnh trái tim nhà thơ đang tan vỡ, khi tà áo trắng của em động vào. Âm thanh phát ra khe khẽ, nhưng lòng người thì thổn thức, quặn thắt. Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh! Là hình tượng của câu thơ hay! Nó hé ra những ham muốn. Khao khát được tìm tòi, lần cởi… những gì có bên trong người con gái? Một sự ham muốn trong mối tình đầu, về cả tâm hồn và thể xác người yêu. Thời Áo Trắng là một bài thơ nuối cảm tình yêu chớm nở thuở ban mai. Cái thời còn ngồi trong giảng đường đại học, cùng em cắp sách đến trường: Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách Mắt em cười mùa thu xanh lên! Đoạn thơ ba: Âm hưởng tiếng vọng của người con trai với người con gái, cứ vang vọng mãi. Nỗi thơ đã được đẩy cao lên. Lòng nhà thơ bàng hoàng: Trả lại cho anh một thời áo trắng Đã đi qua và... đã đi qua... Với cả dòng sông trôi mơ mộng Lá lá rụng vàng, tóc tóc hoá sương pha Trên con đường đời, mái tóc sương của nhà thơ cứ ngày bạc phai thêm. Anh càng không thể nào níu kéo lại được cái "thời áo trắng" cho mình nữa? Lặng lẽ đứng nhìn mà nuối tiếc. Những người con gái đã chia ly, họ đâu còn quấn quít màng về tình yêu đối với nhà thơ? Chỉ còn lại những mùa thu tàn… và lá vàng rơi… ngày ngày phủ dày mãi lên cuộc đời anh. Đoạn thơ đã kết ở đó! Nhà thơ Chế lan Viên cũng từng thốt lên: “Chiều rồi! Phải, chiều rồi!...” . Tình thơ áo trắng này đã được viết ra trong cái cảnh vào chiều của đời người như thế! Những câu thơ bay ra từ trong tâm trạng thảng thốt và trái tim rỉ máu, tưởng như lệ đã đẫm cả hồn thơ. Sang đoạn thơ thứ tư: Những âm thanh hoài cảm ấy vọng cả đất trời: Nghe gió thổi hàng cây vi vút Em biển xanh xa mãi vô cùng... Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng. Những âm thanh ta không nghe thấy, nhưng lại rền xiết trong trí não. Một cảnh biển đầy sóng (thơ tượng trưng), để diễn đạt thời gian và không gian của tình yêu trong cuộc đời. Tình thơ đã được kết tụ lại hóa mình vào trong biển, vào cây, vào vũ trụ, thành hương, thành gió bay đi. Đến cuối cùng, hai câu thơ đầu lại được tác giả hạ xuống để kết bài: Trả lại cho anh một thời áo trắng Em đi rồi, mai thành phố cô đơn! Giờ đây cái thành phố tình yêu đã trống vắng, buồn tẻ và đầy thương nhớ? Nhưng khúc tình ca "thời áo trắng" của Phạm Ngọc Thái thì sẽ còn vang vọng mãi... Đình Bồng (Trích tập “PNT phê bình & tiểu luận thi ca”, 2013)
MẤY LỜI TRĂNG TRỐI ĐẦU XUÂN Viết trong những ngày nằm cấp cứu ở viện E Trước khi lên bàn mổ * Rồi mai ngày nhân thế ngợi ca ta Có biết thi nhân đang khổ nạn giữa sơn hà Chỉ muốn kết thúc cõi người cho chóng vánh Ôi, Số phận thi hào! Chết cũng khó lắm thay? Ta muốn gọi trăm lần, tên đứa con yêu đã mất (1) Để lại giữa đời người cha cô độc Bệnh tật giày vò. Hỡi thượng đế linh thiêng! Mau cho tôi về chốn bồng-tiên. Sự nghiệp xong rồi, ta đi không nuối tiếc Bỗng lại phân vân về ý nghĩa cuộc đời này? Chỉ dành cho tham vọng ngút trời mây Nay đã hoàn thành. Khổ quá! Đúng, sai không biết nữa? Sao không sống hiện sinh, làm giàu như bao nhiêu kẻ khác? Để hưởng kiếp này phè phỡn, rồi đi... Ừ, thì vượt lên trên thời đại - Đã được gì ??? Mai dẫu vinh quang, nào sống đâu mà biết. Hậu thế ơi! Kiếp đại thi nhân nhưng cơ cực Nguyễn Du còn khóc gọi trăm năm (2) Dù tên Người hôm nay sáng láng tựa trăng rằm Mai tôi về - Sẽ đến thăm Người, bà Hồ Xuân Hương, Các cố nhân cùng ông Hàn Mặc Tử. Nợ đời đã trả xong. Lậy Đức Quan Âm và Như Lai Phật tổ! Thánh anh linh giải thoát kiếp sống cho tôi Tôi đi vui. Càng nhanh đi càng sung sướng cuộc đời Chỉ còn cuốn tiểu thuyết viết xong rồi. Hẹn ra mắt thu đông - Sẽ bái biệt loài người, tôi nhắm mắt. Mấy lời trối trăng. Kết thúc đời thi nhân, vào kiếp khác Nếu mai người lập miếu cho tôi, Xin đặt trong khu vườn đền Quán Thánh ở thủ đô. Phạm Ngọc Thái Hà Nội, Mồng 5 tết Nhâm Dần ( tức ngày 5.2.2022 ) ........ (1) Con trai tôi Phạm Ngọc Bảo đột tử, mất năm 27 tuổi. (2) Cụ Nguyễn Du đã than: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ( Nghĩa là: Hơn 300 năm sau nhân thế, liệu ai người sẽ khóc Nguyễn Du? )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.07.2022 18:03:16 bởi Nhân văn >
MỤC LỤC Tr. . Lời giới thiệu - Nguyễn Thị Hoàng - A. BẢY BÀI THƠ TÌNH HAY HÀNG ĐỈNH 1. Sáng thu vàng 2. Nhìn trăng nhớ em 3. Váy thiếu nữ bay 4. Em về biển 5. Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối 6. Anh đứng nhìn theo bóng chim câu 7. Người đàn bà trắng LỜI BÌNH CHO CÁC BÀI THƠ HAY HÀNG ĐỈNH . Sáng thu vàng * Một thiên tình ca tuyệt hay - Tuyết Thúy . Em về biển * Một mối tình đầy lệ - Phương Tuấn . Anh Vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối - * Một kiệt tác thơ tình - Nguyễn Thị Xuân . Người đàn bà trắng * Một bài thơ tượng trưng điển hình - Trần Đức B. CÁC BÀI THƠ HAY KHÁC 8. Đất nước tôi yêu 9. Em sống mãi bên anh 10 Khoảng trôi trong lá * Tình trong ký ức - Phương Loan 11. Có một khoảng trời 12. Chết cũng chỉ như giấc ngủ * Một bài thơ trăng trối - Việt Phương 13. Tiếng anh gọi 14. Làm ma em vợ * Viết theo thuyết bản mệnh của kinh thánh - Đào Viết Minh 15. Tiếng hát đời thường * Nghĩa vợ chồng và tình quê hương tha thiết - Phạm Thành công 16. Sáng xuân nay 17. Khóc bên Hồ Núi Cốc * Một bản tình đam mê man dại - Diễm Loan 18. Nỗi trăn trở người đi tìm vàng * Cảnh xuất khẩu lao động ở nước ngoài - Khánh Hòa 19. Chiều phố gió và mối tình lông ngỗng trắng 20. Tình thơ gặp lại ở Tây Hồ 21. Phút cô liêu dừng lại ngóng người xưa 22. Em bán xoài * Cảm thương người con gái sống giang hồ - Trần Ngọc Lâm 23. Khóc Hàn Mặc Tử 24. Ta khóc cho ta 25. Ký ức mùa thu 26. Người thôn nữ miền sông nước * Một thiên tình ca tuyệt vời - Tuyết Nga 27. Chiều hoàng hôn * Sự thăng hoa của buổi tình chiều - Kiều Tuấn 28. Cô quét lá đêm hồ * Nỗi đời trong chốn nhân quần - Hoàng Ngọc 29. Trái tim tan vỡ 30. Em nghe 31. Em ơi! Thành phố lại mưa * Một tình thơ mưa hay và mộng - Nguyễn Thị Hoàng 32. Trước Núi Mỹ Nhân * Một tượng thần thủy chung - Trương Vũ Tiến 33. Thiếu nữ đi trong chiều mây 34. Nghe tin em sốt 35. Tạ tội trước tình yêu 36. Bài ca xứ sở 37. Trong mưa 38. Đêm trung thu và đứa ăn mày 39. Tiếng ếch 40. Xem tranh bán lõa thể * Một kỳ tác thi ca - Anh Trần 41. Đêm tóc đá * Khát vọng tuổi hoa niên - Ngọc Bích 42. Một góc Hồ Tây * Bản tình xô nát chiều hoàng hôn cuộc đời - Như Ý 43. Mẹ quê hương 44. Thiếu nữ đêm trăng 45. Biển hát 46. Tình chết rồi! Giữ lại cho thơ 47. Anh vẫn ở bên Hồ Tây * Cảm nhận về bài thơ tình hay - Hoàng Thị Thảo 48. Hai kẻ đời quấn quít 49. Con đường phượng đỏ * Nuối tiếc tình yêu thuở ban mai - Nguyễn Thị Hoàng 50. Em tắm 51. Cô áo trắng * Với ái nữ Sài Gòn - Đình Bồng 52. Mưa bay trong tiếng chuông * Bản tình mưa xao xiết, ngọt ngào - Thảo Hoàng 53. Em ghen 54. Chuyện về hai ngôi mộ cha con mai sau 55. Vĩnh biệt con yêu 56. Tiễn anh trên đất khách 57. Em là người tình của lính 58. Thông và biển * Tiếng hát tâm tình của đôi trai gái - Ngọc Trâm 59. Đêm nay trời lại không mưa 60. Anh đau xé lòng đành quay gót 61. Đêm thu phố vắng 62. Phố thu và áo trắng * Em và mùa thu - Đình Bồng 63. Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ * Tiếng đàn tình theo bước chân thi sĩ - Trần Đức 64. Thời áo trắng * Hồi ức tình yêu thuở sinh viên - Đình Bồng 65. Mấy lời trăng trối đầu xuân
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.07.2022 18:02:28 bởi Nhân văn >
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN (Thơ và bình) * Có một khoảng trời 1990 * Người đàn bà trắng 1994 * Rung động trái tim 2009 * Hồ Xuân Hương tái lai 2012 * Phê bình và tiểu luận thi ca 2013 * Chân dung nhà thơ lớn thời đại 2014 * Thơ tình viết cho sinh viên 2015 * Cánh đại bàng của thi ca đương đại VN 2019 * Tuyển thơ chọn lọc 2019 * Cha khóc con 2020 * 64 bài thơ hay 2020 KỊCH BẢN SÂN KHẤU ĐÃ SÁNG TÁC: * Bản án dưới mồ Kịch dài * Người nhạc trưởng và dàn hợp xướng - * Mối tình hoa hồng bạch Kịch ngắn * Chuyện ở quán gốc đa - * Cánh cửa quốc tế - TIỂU THUYẾT: * CUỘC CHIẾN Hà Nội 12 ngày đêm, 2019 * Chiến tranh và tình yêu ( hai tập) 2020 TÁC GIẢ PHẠM NGỌC THÁI NR: Ngõ 218 ngách 27/8 – Chung cư 19, phố Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ, Hà Nội Sinh: 17. 01. 1949 ĐT: 038 302 4194 . Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Thủ đô
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.07.2022 18:01:37 bởi Nhân văn >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: