Cô gái xua chim
Trủy Thủ
Trước khi vào chuyện, xin trân trọng gởi lời cám ơn đến :
- Ông Tùng Nguyên, người đã cho Trủy Thủ biết tới bài thơ Người xua chim.
- Ông Huỳnh Tiên, tác giả bài thơ nói trên. Một bài thơ đầy xúc cảm để Trủy Thủ viết thành câu chuyện.
- Bác sĩ Phùng văn Hạnh và bà Nguyễn thị thanh Nga ( Đoá Hồng gai ) - qua bài viết và hồi ký của hai vị - Trủy Thủ đã tìm được những chi tiết đặc sắc cho Cô gái xua chim.
- Đôi nghệ sĩ trình bày bài ca cho người xua chim, thật đơn giản mà đánh động hồn người.
Cũng kính xin quý bạn đọc rộng lượng bỏ qua cho tác giả về những sai sót - nếu có - ở trong bài.
*************************
Frankfurt, Đức quốc. Tháng sáu, năm 2021.
Hôm ấy, trong lúc dò tìm các bài hát trên mạng youtube, Kim tình cờ trông thấy 1 vidéoclip mang tên “ bài ca cho người xua chim “ . Bà bấm vào đây để xem và nghe. Không thấy tên của ca sĩ và nhạc sĩ, chỉ thấy đề tên Tiên Huỳnh mà bà đoán chừng là tác giả của bài này.
Trình bày bản nhạc là 1 phụ nữ mặc áo dài trắng với những hoạ hình có màu sắc vui mắt và 1 người đàn ông - trang nghiêm trong chiếc áo sơ mi tay dài - đệm đàn guitare.
Hàng chữ màu vàng bỗng nổi lên trên màn hình : “ Kính tặng những nữ tù nhân chính trị ở trại tù Tiên Lãnh, Quảng Nam trong thập niên 1980 “
Một chuỗi hình ảnh quá khứ theo nhau trở về trong trí nhớ của bà : những ngày dài lao động cơ cực, những nhọc nhằn thân xác, những căng thẳng tinh thần mà Kim đã trải qua trong 2 năm 1978 và 1979 tại nơi đèo heo hút gió này, vì chính bà cũng đã từng là 1 nữ tù nhân của trại Tiên Lãnh !
Tiên Lãnh là tên gọi sau ngày 30/04/1975 của xã Phước Lãnh quận Tiên Phước tỉnh Quảng Nam . Nơi đây có 1 trại tù, cũng mang tên ấy, nằm sâu trong cao nguyên Trà My cách thành phố Tam Kỳ và quốc lộ 1 khoảng 50 cây số. Đây là nơi giam giữ các quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà và các tù nhân đảng phái chính trị của miền Nam.
Đặc biệt hơn cả là trại tù Tiên Lãnh còn có 1 trại nữ, giam giữ các nữ quân nhân của chế độ cũ và các nữ tù hình sự khác như trộm cắp, ma tuý, lưu manh v.v… Trại này cách trại nam khoảng 200 thước, tất cả nằm trong vòng đai hàng rào kẽm gai bao bọc, có chiều dài lối 500 thước và chiều ngang- ngắn hơn 1 chút - là triền dốc thoai thoải của ngọn đồi.
Những đợt nam tù nhân đầu tiên đến đây, đã đem sức người cùng mồ hôi của họ cất dựng lên nhiều dãy nhà tranh, trên mặt bằng của các mảnh ruộng nấc thang cũ, đã có sẵn do dân địa phương khai khẩn trồng trọt lúc trước, nhưng sau đó vì tình hình chiến cuộc gia tăng họ phải di dời về những nơi khác an toàn hơn.
Những năm tiếp theo, nhờ thu hoạch nông phẩm dồi dào, ban giám thị đã cho xuất quỹ mua gạch ngói xi măng và với công sức của các tù nhân mà các dãy nhà gạch mái ngói đỏ được xây cất lên thay thế cho những dãy nhà tranh lúc trước, khác hẳn với xóm làng nghèo nàn của dân cư quanh đó.
*************************
Kim và 1 nhóm nữ tù nhân đến trại Tiên Lãnh vào 1 trưa hè 78. Chiếc xe tải quân đội thả 40 người bọn họ xuống khoảnh sân rộng lớn của trại ngay sau cổng ra vào.
Với cấp bậc chuẩn uý phục vụ trong ngành quân y, Kim ra trình diện sau ngày thể chế Cộng Hoà tan vỡ. Bà đã trải qua nhiều nhà tù, nhiều trại tập trung cải tạo khác nhau trên quê hương đất nước.
Thủ tục điểm danh và kiểm kê đồ đạc cá nhân kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa của miền Trung làm đoàn người mệt lả, rã rời.
Đã chuyển trại nhiều lần nên Kim chẳng còn món gì gọi là nguy hiểm để bị tịch thu - ngoài mấy bộ quần áo, cái chén nhựa, cái muổng và 1 ít thuốc men bông băng mà theo thói quen nghề nghiệp Kim đã luôn luôn bọc theo trong mớ hành lý khiêm tốn của mình.
Một quản giáo lớn tiếng đọc bản nội quy cùng những điều nghiêm cấm của trại. Kim còn nhớ rõ 1 điều người này căn dặn là phải điểm số mỗi lần xuất và nhập trại, lúc đi ngang qua người cán bộ túc trực ngay nơi bót canh ở cổng chính ra vào. Người đi đầu phải hô to số 1, người tiếp theo số 2 … tuần tự cho đến hết nhóm. Đây chính là 1 lối kiểm soát để tránh việc tù nhân trốn trại lúc đi lao động bên ngoài.
Nhà giam của Kim là 1 căn phòng dài độ 30 thước, ngang 5 thước với vách gạch mái ngói và có 3 cửa sổ khá thông thoáng. Hai bệ xi măng xây dài - dọc theo 2 bờ tường - cao nửa thước, có chiều ngang 2 thước là chỗ ngủ cho tù nhân. Mỗi người được nửa thước chiều rộng để đặt lưng. Giá gỗ gắn dài trên tường làm chỗ cất đồ tư dụng và nhà cầu nơi cuối phòng.
Tuy là nữ tù nhân nhưng họ cũng vẫn phải làm những công việc nặng nhọc y hệt như nam tù nhân : nghĩa là cuốc, cày, gặt, gánh, trồng trọt theo chỉ tiêu của ban giám thị đưa ra mỗi ngày.
Mỗi sáng sớm, sau tiếng kẻng khua vang động, họ phải mau lẹ xếp gọn mền chiếu dồn dưới chân, thu dọn phòng và làm vệ sinh cá nhân. Tiếp theo là phần điểm danh, rồi đi lãnh phần ăn trong ngày và xuất trại, sau khi đã điểm số ở cổng chính, để đi lao động ở các nương rẫy quanh vùng. Những mảnh đất được khai khẩn này - do mồ hôi và sức người tù cải tạo - càng ngày càng lan rộng … từ từ tiếp giáp với đồng ruộng, nương rẫy của dân cư trong thôn làng gần bên.
*************************
Sáng hôm ấy, Kim và 19 nữ tù nhân khác được phân phối công việc đi cuốc đất ở 1 nơi cách trại hơn 2 cây số, dưới sự điều động và canh chừng của 2 người bộ đội có võ trang súng ống.
Trên đường đi, mọi người ăn vội mẩu sắn luộc sơ sài để dằn bụng trước khi đến nông trường lao động. Đến nơi, nắng đã bắt đầu nóng nực … mồ hôi lấm tấm trên những gương mặt hốc hác, xạm đen.
Họ xếp thành hàng ngang và bắt đầu cuốc đất dần lên, trên con dốc của 1 ngọn đồi nhỏ. Đất bới lên phải rũ sạch cỏ dại, cỏ được dồn lại thành từng đống để phơi khô. Không ai nói năng gì, chỉ nghe những tiếng cuốc cắm phập xuống đất và tiếng đập rũ cỏ thình thịch trong không gian tĩnh lặng.
Thốt nhiên có 1 tràng tiếng gào thét ở đâu đó nổi lên vang dội.
Kim, cũng như mọi người khác, dừng tay … họ ngơ ngác nhìn nhau tự hỏi trong đầu rằng “ ở đâu và lý do nào lại có những tiếng hét rợn người như thế? “
Người bộ đội có cấp bậc cao hơn đồng bạn, quát to :
- Làm việc lại đi … chẳng có gì đâu … đó là tiếng hét của trẻ con trong làng để đuổi chim mà thôi. Tiếp tục nào.
Có người quẹt mồ hôi trên mặt bằng tay áo, có người vặn vẹo uốn éo thân thể cho đỡ mỏi và rồi tất cả lại khom lưng cuốc đất, rũ cỏ.
- Lại sắp đến vụ gặt hè thu rồi - tiếng người bộ đội thứ 2 nói với bạn - thảo nào lũ chim rừng hay đến ăn lúa.
Một tiếng la thét nữa nổi lên giữa trời … âm thanh lần này sắc nhọn nhưng nhỏ hơn lần trước, có lẽ là của 1 đứa trẻ khác, và cứ như thế các tiếng hét - 1 to, 1 nhỏ - thỉnh thoảng lại vang vọng trong không gian u tịch cho đến xế chiều, đến lúc nhóm nữ tù được lệnh dừng tay, tập họp để quay về.
***************************
Hai hôm sau, đúng lúc ăn trưa thì Kim trông thấy từ dưới chân đồi 1 nhân dạng đang từ từ tiến đến chỗ bọn họ.
Khi nó lại gần thì rõ ra đấy là 1 cô bé gái khẳng khiu ốm yếu, nét mặt đen đúa khắc khổ. Trên đầu nó đội 1 cái nón lá xác xơ, thủng lỗ chỗ. Khó mà đoán được tuổi của cô nhỏ này : với vóc dáng thì chỉ độ 9,10 nhưng nét già cỗi trên khuôn mặt thì phải là nhiều hơn thế.
Nó mặc trên người 1 chiếc áo thun nhà binh rách te tua … dài gần đến đầu gối, loà xoà bay trong gió cho thấy bên trong là 1 cái quần cụt đen bạc phếch.
Hai bàn chân trần nứt nẻ, to trội hẳn lên so với cổ chân … như chừng chưa hề bao giờ biết đến đôi dép !
Trời ơi ! đây có phải là 1 con người của hậu bán thế kỷ 20 hay là của 1 thời kỳ hoang dã, xa xăm nào đó vẫn còn tồn tại ? Phải chăng thời gian đã ngưng đọng nơi đây ? Cái hình ảnh khốn khổ đau thương ấy biết bao giờ mới tàn lụi, nhạt nhoà trong trí nhớ của Kim ?
- Cái gì thế ? Tiếng 1 người bộ đội nạt lớn.
- Chúng cháu chạy đuổi xua chim ăn lúa ngoài đồng, thằng Đạt em cháu đạp phải miểng sành chảy máu nhiều lắm. Xin ông bà cho ít thuốc cầm máu.
- Thuốc men ở đâu ra cho mày ? Không có.
- Lạy các ông các bà …. Làm ơn làm phước cho.
Người bộ đội trẻ có vẻ động lòng trắc ẩn, anh quay sang đám nữ tù :
- Này các chị kia, ai có thuốc men gì ở đây không ? Có thì cho nó đi.
Kim lục lọi trong bị của cô … tìm được 1 ít bông băng. Cô đưa đến cho con bé. Nó cầm lấy, nhìn Kim với ánh mắt thiện cảm rồi không nói tiếng nào, nó vụt quay lưng lại chạy tất tả xuống đồi. Trời ạ, có lẽ nó chưa hề bao giờ biết đến 2 tiếng cám ơn !
************************
Trong nhiều năm bị giam cầm, Kim đã thấy biết bao thảm cảnh của tù nhân : có người lên cơn sốt nặng, thở phì phò trong đêm khuya rồi vĩnh viễn ra đi, âm thầm như bông hoa úa rụng … nằm kề bên cách vài gang tay là những bạn tù đang say ngủ vì mệt nhọc trong ngày.
Có những tù nhân ngã quỵ ngay trên nông trường lao động, 2 mắt trợn trắng … thân thể lạnh giá trong cái nắng ghê hồn.
Lại có những cái nhìn thèm thuồng khốn khổ của 1 người tù thấy đồng bạn được thân nhân tiếp tế lon gô thịt chà bông, gói đường phèn hay đơn giản chỉ là 1 nhúm muối mè để nuốt cho trôi lưng bát cơm độn khoai, độn sắn. Kim cũng được chồng mình - 1 giáo viên tiểu học lúc trước - đến thăm nuôi tiếp tế đồ ăn, thuốc men đôi ba lần trong những năm tháng ở đây.
Có những người nữ tù đau ốm - vì lý do thuần tuý đàn bà - không đủ sức làm đúng chỉ tiêu, phải nán lại nương rẫy để thu hoạch cho đủ số lượng ấn định … khi về đến trại là nằm liệt, hôi hám như 1 loài thú hoang mỏi mòn, tàn tạ.
Là nữ tù nhân, họ được ít phút để rửa ráy mỗi chiều nơi con suối nhỏ chảy ngang qua trại tù. Nhiều nữ tù bị phạt kỷ luật, không có được ít phút vệ sinh này, quả là hình phạt khắc nghiệt cho họ sau 1 ngày lao động nhọc nhằn.
****************************
Hai tuần sau, 1 buổi chiều kia khi nhóm tù của Kim trở về trại sau 1 ngày lao động, cả đoàn cất bước trong im lặng - lẽo đẽo theo sau người bộ đội trung niên dẫn đầu.
Bỗng có tiếng quát thật to của người bộ đội đi cuối đoàn :
- Chúng mày làm cái gì thế ?
Mọi người giựt mình, quay lại nhìn thì thấy có 2 đứa trẻ lôi thôi lếch thếch nhón bước theo.
Đó là đứa bé gái xua chim dạo nọ, vẫn với cái áo thun nhà binh rách rưới và 1 đứa bé trai khác có lẽ là em nó. Thằng này còn đen đúa hơn chị, chỉ thấy 2 con mắt trắng dã trên khuôn mặt choắt choeo. Đầu nó cạo nhẵn thín, trên người độc mỗi cái quần đùi màu nâu, được thắt bụng bằng 1 sợi lạt … phơi bộ xương sườn mong manh nom đến tội nghiệp !
Nghe tiếng quát, chúng nó sợ hãi dừng lại … nắm lấy tay nhau. Đứa bé gái thoáng trông thấy Kim ở hàng áp chót, nó lúc lắc tay thằng nhỏ kia rồi trỏ vào Kim mà không nói lời nào.
Thằng bé con hớn hở cười - 1 nụ cười vụng dại, ngây ngô - rồi đưa tay còn lại vẫy vẫy về phía Kim. Cô chợt hiểu rằng chúng nó muốn bày tỏ sự biết ơn vì cô đã cho ít bông băng lúc trước.
Kim mỉm cười, trong lòng nhen nhúm 1 niềm vui … 1 cảm xúc hiếm có trong chuỗi ngày dài cải tạo vì thông thường chỉ toàn là những lo âu và sợ hãi bao trùm.
- Chúng mày xéo đi chỗ khác ngay … mau lên.
Tiếng nạt nộ của người bộ đội đi bọc hậu làm 2 đứa trẻ xoay lưng bỏ chạy, 2 cái hình hài bé nhỏ thoăn thoắt di động … rúc rích cười và khuất dạng sau khúc quanh có nhiều bụi cây cao.
********************
Đầu năm 1979, gần đến tết Kỷ Mùi, các tù nhân háo hức đón chờ tiệc liên hoan do ban giám thị đề xướng. Sở dĩ có được biến cố trọng đại này là do thành quả thu hoạch nông phẩm quá dồi dào, đàn gia súc chăn nuôi trong trại béo tốt, ngày càng đông đúc và những dãy nhà gạch khang trang đẹp mắt làm hài lòng những người cai quản ở đây. Để ban thưởng cho công lao của tù nhân, ban giám thị cho phép mổ heo, cho trại ăn mừng nhân dịp xuân về. Nghe qua thì thật là xôm trò, cuối cùng sự thật mỗi tù nhân được đúng 3 lát thịt heo luộc, mỏng dính dài độ ngón tay mà họ nghiến ngấu nhai nuốt chưa đầy 1 phút.
Một ân huệ khác là tù nhân mỗi người được thêm 1 vá chè đậu đen gọi là “ bồi dưỡng lao động “.
Trong dịp này, Kim và 1 nữ tù khác … hộ tống bởi 2 bộ đội, được chỉ định đi gánh đậu, đường thẻ và các thứ vặt vãnh khác - ở thôn làng gần đó - đem về cho trại, lúc này nhân số đã lên đến hơn ngàn người.
Tuy phải quang gánh đi về hơn 5 cây số, nhưng vẫn còn hơn là lao động, Kim nhủ thầm trong đầu.
Khi đến nơi nhận hàng, đó là 1 căn nhà mái tôn vách ván … gian mặt tiền có bày biện ít bánh kẹo, 1 ít dụng cụ học sinh, vài tĩn nước mắm, mấy thùng dầu hôi, mấy món đồ chơi bằng nhựa rẻ tiền. Có lẽ đây là tiệm tạp hoá duy nhứt trong cái làng buồn tẻ, đìu hiu này.
Hai vợ chồng chủ tiệm chỉ cho đám người của trại Tiên Lãnh những món hàng hoá mà ban giám thị đã đặt mua. Lúc 2 người bộ đội đang mải cân đo đong đếm, Kim thấy 2 đứa trẻ xua chim dạo nọ đang ngồi vẽ dưới nền đất bằng 1 cục gạch trước căn nhà tranh ọp ẹp cách đó mươi thước. Chúng nó cũng trông thấy Kim nên vội chạy đến chỗ cô.
Con bé vẫn luộm thuộm với áo quần không khác chi lần gặp trước, còn thằng em nó thì hôm nay có thêm được chiếc áo may ô 3 lỗ dài lượt thượt đã ngả sang màu cháo lòng, bẩn thỉu.
- Các em làm gì thế ? Kim hỏi.
- Con bày cho chị Thành viết chữ. Thằng bé nhanh nhảu trả lời.
- Thế chị Thành không đi trường học sao ?
Lần này thì con Thành đáp :
- Dạ không cô ơi ! con phải ở nhà phụ mẹ gánh nước, nấu ăn, giặt giũ … rồi còn phải phụ cha trồng khoai, trồng sắn và xua chim mỗi khi mùa gặt tới. Chỉ có thằng Đạt là được đi học, nó về chỉ lại cho con.
Thành, Đạt … những cái tên nói lên lòng ước muốn của cha mẹ chúng - những con người cả đời cơ cực - chỉ mong sao cho con cái mình vượt thoát khỏi cái cảnh đời vất vả, lầm than.
Kim bỗng chạnh lòng, thương thầm cho thân phận con Thành.
- Vết thương ở chân lúc trước thế nào rồi ? Cô hỏi thằng Đạt.
Nó ngửa bàn chân phải lên cho Kim thấy 1 vết sẹo to, còn trông rõ tuy bị đất bẩn bám đầy.
- Con phải đi cà nhắc tới 1 tuần lận đó cô !
Có tiếng sẵng giọng của 1 người bộ đội :
- Này, vào đây làm việc đi chứ … linh tinh cái gì thế ?
Kim vội vàng chạy vào lấy quang gánh của mình ra và xếp vào đó các bao hàng đã được kiểm điểm.
Khi ra về, cô có quay lại nhìn 2 đứa bé … chúng nó đưa tay lên vẫy chào, với nụ cười hồn hậu trên môi.
*************************
Thời khoá biểu trong trại cải tạo ngày nào cũng như nhau, từ mờ sáng họ đã bị đánh thức để sửa soạn cho 1 ngày lao động ướt đẫm mồ hôi. Ăn tối xong, 19 giờ là đã vào chỗ nằm. Có những người dễ ngủ, hơn nữa vì làm việc nặng nhọc trong ngày, nên ngả lưng xuống 1 chốc là đã nghe tiếng cưa gỗ đều đặn. Những người khó ngủ hơn, họ thì thào kể chuyện đời cho bạn tù nghe … kể đến những mơ ước của ngày được trở về với gia đình. Đây là niềm hy vọng và cũng là sức mạnh tinh thần giúp họ sống còn trong nhà giam.
Qua Tết đến mùa gặt đông xuân cuối tháng 4 dương lịch, tù lao động ngoài nương rẫy lại được nghe những tiếng gào thét vang rền trong những cánh đồng lúa chín gần đó, tiếng la hét của mấy đứa trẻ làm lũ chim ít dám bén mảng đến kiếm ăn. Đôi khi cũng có mấy chú chim lạ, từ đâu không biết lạc đến đây, bị tiếng gào la làm chúng hãi sợ… vội vã vỗ cánh phành phạch bay vụt lên về phía đồi núi cuối chân trời.
Rồi đến vụ mùa hè thu cuối tháng 9 trôi qua với cái nắng kinh khiếp của miền nhiệt đới. Những nương khoai, nương sắn vẫn xanh tươi, màu mỡ nhờ hàng đoàn tù nhân gánh nước - nơi con suối gần đó - tưới dội đều đều. Mồ hôi và công sức người tù đã chan hoà nơi đây, đúng theo lời các quản giáo thường hay rêu rao rằng là “ với sức người, sỏi đá thành cơm gạo. “
****************************
Đầu tháng 5 năm 1980, Kim được ban giám thị trại gọi lên cho biết cô được trở về xum họp với gia đình nhờ học tập cải tạo tốt. Cô được trao cho 1 giấy chứng nhận xuất trại và 1 số tiền nhỏ để đi đường.
Bọc hành lý gọn nhẹ trên vai, người phụ nữ can đảm này - lòng như mở hội - đi bộ hơn 2 cây số để đến thôn làng gần đó nhứt. Ở đấy, cô sẽ phải đón xe ôm đi Tam Kỳ - theo chỉ dẫn của các cán bộ - và từ Tam Kỳ sẽ có nhiều phương tiện giao thông hơn để về nơi mong muốn.
Tại ngôi làng hẻo lánh này, Kim gặp lại con bé Thành trong lúc chờ đợi người ta đi gọi xe ôm giùm. Hôm đó, Thành đang phơi quần áo trong khoảnh đất cạnh nhà. Trông thấy nó, Kim nghĩ đến đứa con gái mình cũng trạc cỡ tuổi Thành. Gặp lại mẹ chắc con bé mừng lắm, đã 5 năm xa cách rồi chứ có ít đâu. Cô sang tiệm tạp hoá mua quyển vở học trò, cây viết chì và ít kẹo rồi đến chỗ con Thành.
- Thành ơi, cô có ít quà cho Thành đây.
Cô nhỏ nhận quà do Kim trao, nó ngơ ngác nhìn bà. Chắc có lẽ đây là lần đầu tiên nó nhận quà nơi 1 người xa lạ … cũng chẳng có lấy tiếng cám ơn nào nhưng Kim không lấy đó làm buồn : ở cái chốn quạnh hiu như chốn này thì phép lịch sự xã giao phải là đồ xa xỉ, và hơn thế nữa con bé này đâu có được đi học để biết thế nào là “ tiên học lễ. “
Mẹ nó trong nhà bước ra hỏi chuyện, Kim nói :
- Tôi có thấy cháu Thành mấy lần ở ngoài đồng, lại thấy cháu tập viết dưới đất nên tặng cháu quyển vở, cây viết cho cháu mừng.
- Có kẹo nữa nè, má ơi. Con Thành hí hửng.
Mẹ nó nhìn Kim không chớp mắt :
- Bà được về với gia đình hỉ ? Chúc bà đi đường bình an hí.
Chiếc xe Honda ôm chạy xa dần, Kim thấy con Thành vẫn còn đưa quyển vở lên mũi hít hà thật lâu. Mẹ nó trông theo, trên mặt còn chưa hết vẻ ngạc nhiên, bỡ ngỡ.
**************************
Kim và chồng con vượt biên năm 1983 trên chiếc ghe dài 12 thước với 47 người chen chúc trong khoang.
May mắn thay, họ không gặp hải tặc trong suốt cuộc hành trình.
Ba ngày sau ghe ra được tới hải phận quốc tế, nhiều thương thuyền thấy họ nhưng đi thẳng đường. Lênh đênh đến ngày thứ 5, 1 chiếc tàu lớn mang tên Cap Anamur tiến lại gần … 47 người được thủy thủ đoàn vớt lên, chiếc ghe của họ được tàu kéo theo về tới đảo Galang của Nam Dương.
Chiếc ghe này lại được xử dụng để chở 47 thuyền nhân tấp vào bờ, tại đây họ được nhập trại tỵ nạn dưới sự điều hành của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc.
Mãi đến tháng sau, gia đình Kim - cùng với hàng trăm thuyền nhân khác - mới được tàu Cap Anamur quay trở lại đón, đưa về hải cảng Hamburg và được chính quyền Tây Đức, lúc ấy đất nước này vẫn còn chia đôi với 2 thể chế khác nhau, cho nhập cảnh theo quy chế tỵ nạn chính trị … và sau nhiều lần thay đổi chỗ ở, cuối cùng gia đình Kim lưu lạc đến thành phố Frankfurt.
Vài hàng về vị ân nhân Rupert Neudeck. Ông có quốc tịch Đức, theo học về luật và thần học Công giáo nhưng quyết định hoạt động trong ngành báo chí. Là người đã khởi xướng phong trào cứu vớt thuyền nhân Việt Nam trên biển đông đưa về các bến an toàn ở Mã Lai, Nam Dương, Singapour … trong suốt quá trình từ năm 1979 đến 1988 với các con tàu hàng hải mang tên Cap Anamur 1,2, và 3.
Đã có nhiều bài viết thật chi tiết, thật cảm động về ông Rupert Neudeck và vợ là bà Christel Neudeck - phụ tá đắc lực của ông - trong “ Uỷ ban một con tàu cho Việt Nam. “
Hơn 10.000 thuyền nhân tỵ nạn VN và biết bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc của nhiều quốc gia trên thế giới đã được ông bà và các hiệp hội cộng tác với đôi vợ chồng này giúp đỡ để có 1 cuộc sống an lành, tốt đẹp. ( theo nguồn thông tin Wiki Monde )
Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ công ơn của ông bà Neudeck, những con người có lòng nhân ái cao cả, vô biên.
**************************
Kim nghe trở lại bài ca cho người xua chim, bài hát làm bà xúc động. Hình ảnh vàng vọt của 2 đứa trẻ ốm yếu, rách rưới … tươi cười đưa tay lên vẫy chào … trong buổi xế chiều trên con đường mòn của vùng đồi núi miền trung, lại trở về. Ôi chao, những câu hát sao mà gần gũi với bà quá :
Ta nghe tiếng em sáng qua
Ta nghe tiếng em chiều nay
Âm thanh đó gào vang đã bao ngày
Từ sáng sớm sương mù còn đọng vũng
Từ canh trưa nắng lửa ngập đồi cao
Như tiếng than, than trong gió hạ Lào
Từng uất nghẹn sôi trào trong quản huyết
Em xua chim hay là em nuối tiếc
Khoảng trời xanh, tuổi ngọc đã rời xa
Gào nữa đi em, thét lớn nữa đi em !
Em như người điên gào la trên đồng hoang vắng
Tóc rối bù, thân quấn giẻ rách bươm
Gào nữa đi em, thét lớn nữa đi em
Trời vẫn xanh cao nên tiếng em rơi vào đáy vực
Chỉ có lá trả lời và những con tim đau.
( Trích thơ Người xua chim của Huỳnh Tiên )
********************
Hơn 40 năm thoáng chốc trôi qua, mọi sự đã thay đổi nhiều và biết bao nhiêu là biến chuyển trong đời của 1 con người.
Giờ này có thể Thành đã là bà nội, bà ngoại ? Có đàn cháu ngoan ? Có 1 mái nhà để tránh nắng che mưa ? Và có 1 cuộc đời an bình, cơm no áo ấm ? Mong thay.