HƯƠNG TÓC
Tôi ở cuối đường Chi lăng. Ở đó có bến đò, gọi là bến đò Chợ Dinh có cái chợ gọi là Chợ Dinh. Xóm chợ Dinh như nhiều bài viết tôi vẫn gọi đó là một nơi chốn thân yêu, nhiều lúc tôi vẫn tự nhủ nó là một đại gia đình của tôi. Bởi vì các gia đình chung quanh hầu hết mọi người sống với nhau đầm ấm, thân tình quá. Tôi vẫn còn nhớ các gia đình mà tôi vẫn hay đến chơi. Có khi nằm ngủ nơi nhà người ta quên về. Những tên chủ nhà làm sao tôi quên được: Trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải, hết thảy đều hiển hiện trong ký ức tôi. Không những hết một đoạn đường Chi Lăng mà còn đường Ôn Như Hầu sau lưng nhà, hay đường đi thẳng Chi Lăng về Bãi Dâu (mà có người vẫn gọi là Biền). Đường lại có kiệt, nhưng với tôi đường này tôi chẳng để ý có bao nhiêu kiệt. Tôi chỉ nhớ có một kiệt rất gần nhà, nó là tuổi thơ dễ thương, vô tội là những kỷ niệm ngọc ngà tôi đã trải qua. Đó là kiệt “Cây Gòn”. Tôi không hiểu vì sao lại gọi là “Cây Gòn” tôi chỉ biết trong kiệt đó có một lớp học mà tôi đã học đầu tiên, đó là không gian êm ái, ngôi nhà của cụ Chưởng mà con gái của cụ là chị Bích đã dạy chúng tôi. Tôi đã có bạn bè, đã cùng những ngày tháng bên nhau, nghe cô Bích giảng bài, cùng chơi đùa trong cái sân đầy bóng mát nhiều cây xanh đó. Tôi nhớ những người bạn học đầu tiên của tôi: Tùng cô bé hay đi cùng đường và cho tôi mấy hột ô mai, rôi Toản, rồi Nghệ, rồi Hảo. Và trong kiệt Cây Gòn nhỏ hẹp đó hằng hôm tôi vừa đi học vừa quan sát những ngôi nhà hai bên đến độ tôi biết tên một vài nhà như nhà bác Hoa thợ nề, bác Bửu Mai hưu trí, nhà anh Mảo họa sĩ, … Thế nhưng hôm nay, trao đổi với môt friend rất trẻ qua mess, thuộc thế hệ đàn em, hỏi tôi còn nhớ Kiệt Thanh Bình không vì nhà em ở trong đó ? Tôi có chút xúc động. Ừ Kiệt Thanh Bình ! Thế mà từ lâu tôi đã quên không bao giờ nghĩ tới. Tôi nhớ rồi, đó là một nơi ngày xưa ấy tôi đã từng theo anh tôi lên chơi với mấy người bạn của anh: anh Cường, anh Phán. Kiệt Thanh Bình gợi nhớ cho tôi những lần tôi đã chạy vù lên (ít khi đi, ngày nhỏ chỉ chạy là chính) để xem chiếu bóng lưu động. Mà sân để đội chiếu bóng đặt màn ảnh là nằm đâu sát ngoài đường Chi Lăng, trên một khoảng đất trống, sát bờ sông Hương. Tôi nhớ những ngôi nhà ngoài đường Chi Lăng, chặng đi vào Kiệt Cây Gòn. Tôi định vị được mấy ngôi nhà, sát với Sông Hương, hình như là nhà ông thầy Mẫn dạy Sử năm lớp đệ tam Nguyễn Tri Phương, rồi một nhà tôi không biết tên chủ nhà nhưng trong đó có một cô bé trạc tuổi tôi, học lớp đệ lục, ngủ ĐK mà cánh cổng bằng sắt với hai cái trụ to tướng. Hình như đối diện bên này là garage ông Hoài. Ông Hoài có đứa con tên là Hoàng Ngọc Đủ học lớp với tôi tại Nguyễn Du. Tôi nhớ những đêm chạy vù lên coai chiếu bóng ngoài trời, thường là những phim thời sự: Tổng thống VNCH đi kinh lý chỗ này, chỗ kia, hình ảnh HS đi ủy lạo các anh chiến sĩ, hay các trận đánh, những anh em bên kia chiến tuyến về chiêu hồi v.v. Thời ấy tôi còn có thú đi lên tới Phu Văn Lâu để xem văn nghệ trình diễn ngoài trời, thường là do ban văn nghệ Bảo an, nha tâm lý chiến biểu diễn. Vẫn thích và nhớ mãi vở kịch “Lúa hay Lép” trong đó có Minh Luận đóng. Không biết bạn nào còn nhớ Minh Luận không ? Minh Luận sau này về làm xướng ngôn cho đài phát thanh Đà Nẵng. Một điều này nữa tôi biết được ca sĩ Túy Phượng cũng là nhờ đi coai xiếc tại PVL, Túy Phượng đi mô tô bay ! Trở lại chuyện xem chiếu bóng tại đường Chi Lăng, sát kiệt Thanh Bình. Khi nghe bạn nhắc đến kiệt Thanh Bình, tôi chợt nhớ một cảm giác rất đậm hương. Đó là một buổi tối khi đang đứng xem phim trong đám đông, tôi bỗng ngửi được một mùi hương dễ chịu, mùi hương quá quyến rũ, đồng thời má tôi bị mấy sợi tóc do làn gió nhẹ từ sông Hương hất, cọ vào hơi nhột. Tôi nhìn lại thì ra là hương tóc của một cô bé. Ban đêm ánh sáng màn hình không đủ tỏa sáng xuống nơi tôi đứng nhưng tôi cảm nhận khuôn mặt cô bé thật dễ thương. Nhưng mà kỳ lạ hương tóc của cô bé đêm ấy sao quyến rũ kinh khủng, xui khiến tôi nhớ mãi. A thì ra mùi hương đó đã làm tôi vương vấn mãi hình ảnh, khuôn mặt của cô bé. Tôi nhớ năm đó tôi học lớp đệ lục hay đệ ngủ và cô bé xem chừng cũng lớp đó. Sau này để ý đi ngang nhà tôi tò mò tìm hiểu và biết được, đúng là ngôi nhà với hai cánh cửa sắt đóng kín, cái hàng rào thoáng nhìn được sân trong, sát sông Hương. Và có lần tôi gặp được cô bé đó, khuôn mặt đằm thắm, có một cái gì đó thật phúc hậu nhưng cũng pha chút tinh nghịch. Sau này tìm hiểu, mấy đứa nói người ấy tên là Th. T Thời gian … dòng đời xô dạt, tôi vào dạy Đà Nẵng, và quên luôn chuyện hương tóc tỏa nhẹ trong đêm chiếu bóng. Thế nhưng sau này tình cờ bà chị dâu dạy tại trường nữ Hồng Đức Đà Nẵng, một hôm nhân kể chuyện các cô giáo dạy ở trường, bà chị bỗng nhắc cô giáo Th . T và tôi được biêt Th. T có chồng là bác sĩ tên S. Chuyện tình hai người bắt đầu vào một buổi tối Th. T đi xem Sinh viên biểu diễn văn nghệ tại rạp chiếu bóng Lido để lấy tiền giúp đồng bào bị bảo lũ. Th. T đã gặp chàng S đang chơi trống cho ban nhạc. Thích quá, người đẹp đã kết với chàng văn nghệ hết mình - sau này là bác sĩ S ! Thì ra hương tóc của người năm xưa lại thoảng về khi tôi nghe nhắc tên một kiệt của đường Chi Lăng: kiệt Thanh Bình !
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: