Biệt Ly
Ngày đã bước vào cuối tháng Tư. Mưa day dứt cả buổi chiều ngoài hiên. Gió run lập cập bên mấy chậu cây vừa đơm chút lá.
Trời mù mịt.
Lòng trống vắng …
Đưa mẹ trở về nhà, tôi đặt bà vào chiếc ghế êm quen thuộc. Mới vào bệnh viện vài ngày, mẹ tôi cứ ngơ ngác đảo tìm trong căn nhà mà bà đã sống gần bốn mươi năm. Tôi ngả lưng trên sô pha và nhắm mắt cho bớt mỏi. Tai tôi vẫn nghe ngóng từng động tác của mẹ. Tôi biết bà muốn tìm cái gì. Tôi đứng dậy, thắp nén hương trên bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, bàn thờ của bố và chú tôi. Tôi dịch tấm hình của chú sát mé phải của bàn thờ. Tấm di ảnh của bố tôi được chỉnh ngay ngắn vào giữa. Một khoảng trống bên trái được thu dọn trống trải. Tấm giấy lót đỏ được thay bằng tấm giấy vàng, màu của mẹ ưa thích. Tôi quét lớp bụi dưới chân bàn thờ. Đuôi con mắt tôi vẫn quan sát bà. Tôi lại ngả lưng lên sô pha. Mắt nhắm để bù cho ba đêm chong mắt trong nhà thương. Có lẽ … đây là lần cuối.
Tiếng thở phào của chiếc ghế cho tôi biết mẹ đã hoàn toàn thả người trong nó. Đầu bà có lẽ đang nghiêng về những sợi khói đang vẽ lại nụ cười của bố tôi. Những sợi khói làm lòng bà ấm lại vì chúng dần đi chuyển đến bên bà. Mẹ tôi bắt đầu kể chuyện. Những câu chuyện về thời niên thiếu của bố tôi. Những câu chuyện ma mà bố tôi từng gặp trong bệnh viện trước khi được xây cất lại thành trường nữ trung học Trưng Vương. Những câu chuyện của bố thuở hàn vi. Chiều nào sau giờ làm, thầy ký cũng thượng vào chiếc áo com lê trắng dạo mát Sài Gòn và đêm về chỉ đủ tiền thuê chiếc ghế bố để đặt lưng. Những chuyện về các cô thư ký trong sở mê bố tôi như điếu đổ vì nét điển trai và chiều cao hơn 1m8. Đó là những câu chuyện bố tôi thường kể cho mẹ tôi khi chỉ có hai người bên mâm cơm. Mẹ tôi lại tiếp đến chuyện bố tôi ra mua đôi quạt bà bán ở sạp chợ để làm quen. Rồi ngày hôm sau bố vào thẳng nhà ông bà ngoại tôi để xin hỏi vợ. Sau đó hễ gặp bố tôi lãng vãng ở chợ là mẹ lại bỏ sạp đi trốn. Chiều về mẹ phải vào nhà bằng cửa sau. Ở cửa trước bố tôi ngồi nói chuyện với ông bà ngoại và gọi “thầy u” ngọt sớt. Mẹ kể về ngày cưới mà bố tôi chỉ đủ tiền mua mấy mâm trầu câu và vài gói trà. Không rượu, không mâm cỗ, đừng nói chi nhẫn cưới. Mẹ tôi ở trọn vẹn với bố gần bẩy mươi năm mà ngón tay chưa hề sỏ vào chiếc nhẫn. Câu chuyện lại lách về thời niên thiếu của bà. Thời bà bán buôn khắp thôn làng, tỉnh lỵ trước cái tuổi 13. Mẹ lại rấm rứt về năm Ất Dậu khi bà vừa tròn đôi mươi. Mỗi ngày ông ngoại tôi mang nồi cháo thật lớn đặt trước nhà. Mẹ đứng đơm chỉ một muôi cháo cho từng khách thập phương. Xác người ngập xóm làng như rạ! Những câu chuyện tôi vẫn nghe bà kể khi gọi điện thoại hỏi thăm hàng tuần. Cả trăm lần cùng bấy nhiêu câu chuyện. Có khác chăng, có lẽ … đây là những lần cuối tôi được nghe bà kể lại.
Tôi hỏi mẹ về những điều còn làm bà băn khoăn. Có cái gì còn làm bà trăn trở về đêm? Vài tháng nay anh em tôi đã làm hết ý nguyện của mẹ. Chúng tôi đã lùng cho được những người thân trong gia đình của bà còn ở lại Hải Phòng. Tôi yêu cầu bà viết hết những oán hờn từ bấy lâu nay lên trang giấy. Tôi mang ra hè sau để đốt. Ngày hôm sau lại làm như vậy. Mỗi ngày trang giấy càng trống hơn. Đến ba hôm thì mẹ bảo chẳng còn gì để viết. Tôi lại bảo bà cứ viết tiếp đi. Viết xuống những việc bà muốn mà chưa làm được. Ngày đầu chỉ viên vẹn vài chữ : “gởi tiền cho dì Sợi và thằng Đẩu”. Ngày thứ hai thêm dòng chữ “gởi tiền cho mấy người con dì Sợi và các em của thằng Đẩu”. Tôi gạch ngang dòng chữ đầu. Biết mẹ bỡ ngỡ, tôi khẽ bảo
- Việc đó con đã làm hôm qua. Tối nay anh Đẩu muốn nói chuyện với bà để cám ơn. Để con đi chuyển tiền thêm cho anh ấy. Tối nói chuyện, con sẽ nhờ anh ấy phân phát quà của bà cho những người trong gia đình.
- Chóng thế à?
- Dạ, bên đây ngày thì bên ấy đêm. Tiền mình gởi trước 5 giờ chiều, thì chỉ vài giờ là họ đến nhà trao tiền rồi. Hải Phòng là thành phố lớn nên việc chuyển tiền lẹ lắm.
Ngày thứ ba, mẹ lại bảo tôi mang tiền lên chùa để cúng. Bà cũng sẽ về đó thôi.
- Tiền đâu mà má còn nhiều thế?
- Tiền của má chẳng biết có bao nhiêu. Không đủ để chia cho con cháu. Tôi vui vì cậu giúp má làm vài việc. Má thấy nhẹ lòng lắm rồi. Ngày mai có đi, chẳng còn gì để áy náy. À, mà chỉ dùng tiền của tôi thôi nhé. Tôi không muốn mắc nợ ai.
- Tiền của má lo xong việc hậu sự vẫn còn dư. Má còn muốn làm gì thêm thì cứ cho con biết.
- Ngày mai tôi muốn cậu về lại Dallas để đi làm. Ở đây cả hai tuần rồi. Vậy là đã đủ cho mẹ.
Ngập ngừng đôi chút, bà lại tiếp
- Cha mẹ luôn hiểu từng đứa con, như từng đường chỉ trong lòng bàn tay. Đường ngắn, đường dài. Tao còn sống đến ngày nay vì con cháu còn năng lui tới, chăm nom. Tạ ơn trời Phật. Nhưng đến hôm nay tao thấy đã đủ rồi. Tao muốn về với ông ấy. Anh chị em tụi mày cứ sống hoà thuận với nhau là bố mẹ vui.
Nghe cách xưng hô của mẹ thời tôi còn bé, lâu quá mới nghe lại, tôi chọc ghẹo
- Con có làm gì đâu mà má lại mày tao. Hồi nhỏ bị má đánh bật máu cả đùi. Mấy đứa em có lỗi, con bị đánh trước nhất.
Trong đôi mắt của mẹ tôi nhen lên niềm hối hận. Bà ôn tồn bảo
- Trong các đứa con, chỉ có con là đứa có cá tính mạnh nhất. Nếu cây tre không uốn nắn từ lúc đầu, thì làm sao mọc thẳng được. Ba má sớm đặt trách nhiệm lên con để con vì trách nhiệm mà không hư hỏng được. Mà ba con nghĩ thế cũng đúng. Khi đánh con, má sót ruột lắm chứ. Đêm nằm cứ chảy nước mắt ân hận.
Ngần ngừ một chút, mẹ tôi lại tiếp
- Con luôn làm mọi người chung quanh an tâm. Nhưng người đàn bà bên cậu không ai sẽ cứ mãi yên tâm vì con ngựa không biết đến khi nào lại trở chứng.
Lần đầu tiên tôi mới biết mẹ tôi có chiều sâu như vậy. Bố tôi đầy nội tâm, ai cũng biết. Mẹ tôi, nhiều người kể cả tôi nghĩ rằng sởi lởi, nghĩ gì nói đó. Tôi hôn nhẹ lên đôi má của mẹ
- Con có hư … chẳng để cho má biết đâu. Má còn muốn cho ai cái gì không?
- Có đống quần áo của ba, nếu cái nào con không mặc được thì đem cho đi.
Tôi vào phòng mặc vài bộ quần áo của bố tôi, ra cho mẹ ngắm. Chiều dài và bụng vừa y. Chỉ có phần ngực, mông và hai bắp tay hơi bó. Ở nhà tôi vẫn mặc vài bộ quần áo cũ của bố tôi để nhớ đến ông.
Tôi khệ nệ mang đống quần áo cũ của bố tôi bỏ vào xe. Căn phòng của bố giờ chỉ còn tấm di ảnh của ông và đĩa DVD đám tang của ông. Tôi hút sạch bụi. Ông không còn vương vấn trong căn phòng này nữa. Tôi ôm mẹ từ biệt.
- Con sẽ giặt sạch đống áo quần này. Đến cuối tuần, con sẽ mang ra các góc đường phân phát cho những người cần. Con sẽ cho mỗi người vài đồng, tiền của má. Như vậy đã trọn ý nguyện của má chưa?
Tôi mở điện thoại cho mẹ xem. Hình hai chiếc nhẫn đầy đặn, tròn xoe. Để mẹ tôi thắc mắc một chút, tôi nói tiếp
- Con sẽ cho khắc mỗi chiếc nhẫn bên hình của ba và của má. Ba má sẽ ở gần nhau và đôi nhẫn là bằng chứng của sự chung thủy.
Xe tôi lăn bánh. Tiếng lạo xạo trên những viên sỏi con như giọt nước mắt đang chạm vào từng nét nhăn trên đôi má của mẹ. Biệt ly nào cũng vướng vào vài giọt nước mắt. Tôi tin rằng mẹ tôi giờ đã thật nhẹ nhõm trong lòng. Bà chẳng còn tiếc nuối và oán trách gì ở cõi tạm này. Và tôi … không giữ lại bước chân của mẹ.
Tôi sẽ trở lại đây vuốt mắt mẹ.
Khù Khờ
Lưu lại một kỷ niệm đẹp với mẹ tôi vào dịp lễ Mother’s Day 2022
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2022 05:42:47 bởi Khù Khờ >