Chương 6
Việt Minh ‘cướp chính quyền’
Hơn nửa thế kỷ về trước, với lòng yêu nước và tinh thần phục quốc của người dân Việt lên cao đến mức cực độ, ai ai cũng mong muốn dành lại nền độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật Bản. Tình hình thế giới cũng biến chuyển mạnh mẽ với cuộc đệ nhị thế chiến, tạo nhiều điều kiện cho tinh thần quốc gia của con dân đất Việt, được khích động và đầy sôi nổi.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhân cơ hội này, lợi dụng lòng yêu nước của mọi người, hô hào dân chúng tham gia cuộc Tổng Khởi Nghĩa ‘cướp chính quyền’ ở khắp nơi, Phát Diệm, quê hương tôi cũng ở trong tình trạng đó.
Sau khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử tàn phá hai tỉnh Nagasaki và Hiroshima, Nhật Hoàng tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Tại Việt Nam, tổ chức Việt Nam Đồng Minh Hội thường được gọi tắt là Việt Minh nắm lấy thời cơ, gấp rút chuẩn bị cuộc Tổng Khởi Nghĩa.
Ngày 8 tháng 7 năm 1945. Quốc Dân Đại Hội được Việt Minh tổ chức ở chiến khu Thái Nguyên, lệnh Tổng Khởi Nghĩa được ban hành cho tất cả các chiến khu trên toàn quốc tập hợp lại lực lượng du kích và võ trang tuyên truyền thành lập quân đội Giải Phóng để lãnh đạo toàn dân ‘cướp chính quyền’.
Chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945, Dân Chủ Đảng trong Mặt Trận Việt Minh, gồm đa số là giới trí thức, sinh viên và tiểu tư sản thành thị, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Núp bóng Tổng Hội Công Chức, Việt Minh tổ chức cuộc mít tinh ở nhà Hát Lớn Hà Nội để tranh đấu đòi độc lập, đội xung phong tuyên truyền cướp máy phóng thanh hô hào dân chúng ủng hộ Việt Minh ngày 18 tháng 8 các đội tuyên truyền xung phong chia nhau đi khắp nơi trong thành phố kêu gọi dân chúng tham dự biểu tình.
Ngày 19 tháng 8 một cuộc biểu tình vĩ đại được tổ chức tại nhà Hát Lớn Hà Nội, sau đó đoàn biểu tình kéo nhau đi ‘cướp chính quyền’ ở Bắc Bộ Phủ, trụ sở của vị Khâm Sai Triều Đình là ông Phan Kế Toại, ông này khiếp sợ trước khí thế của quần chúng, tuyên bố trao trả chính quyền cho nhân dân, thế là cuộc ‘cướp chính quyền’ của Việt Minh đã thành công mà không tốn một viên đạn.
Sau khi nghe tin Việt Minh ‘cướp chính quyền’ ở Hà Nội, dân chúng Phát Diệm phấn khởi, hồ hởi đổ xuống đầy đường đi ‘cướp chính quyền’, nhưng có ai đeo súng, mang theo khí giới gì đâu họ cũng chẳng biết hô những khẩu hiệu gì, nói gì, mà tất cả chỉ là đoàn người lặng lẽ kéo đi qua đến đâu, dân chúng nhập bọn thêm đông đảo đến đó, Tự nhiên khí phách mọi người lại gia tăng, nhưng cũng vẫn có một số người sợ sệt, đứng trong nhà ngó ra, họ nghĩ rằng từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, người ta chỉ nói đi ‘cướp của’, chứ chưa hề nghe thấy nói hô hào đi ‘cướp chính quyền’ bao giờ.
Từ sau ngày Nhật đảo chánh Pháp mồng 9 tháng 3 năm 1945, chinh quyền Việt Nam ở Phát Diệm chỉ có đồn lính khố xanh ở Trí Chính được đặt dưới quyền chỉ huy của một thượng sĩ già họ Phạm coi về an ninh và phủ Kim Sơn dưới quyền cai trị của viên tri phủ Ngô Gia Lễ. Khi biết tin Việt Minh đã cướp chính quyền ở Hà Nội và ở tỉnh lỵ Ninh Bình, nên cả ông tri phủ họ Ngô lẫn vị thượng sĩ khố xanh sẵn sàng để ‘mời’ mấy ông trong tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong Mặt Trận Việt Minh lên ‘cướp chính quyền’. Nhưng khốn nỗi mấy ông Minh, Ngân và cha Hoàng Quỳnh còn đang ở chiến khu Rịa chưa kịp về.
Nhưng mọi nơi, người ta đều nói tới Tổng Khởi Nghĩa ‘cướp chính quyền’, mà ở Phát Diệm không hưởng ứng hay sao? Dù các ông Minh, Ngân và cha Hoàng Quỳnh chưa về thì việc cướp chính quyền cũng cần phải được thực hiện ngay, nên một ban tham mưu ‘cướp chính quyền’ được vội vàng triệu tập, ông ký Thụy, một trắc địa viên ở ty đồn địa hỏi:
‘Bao giờ các anh ở chiến khu mới về?’ ông Thịnh, anh ruột của tôi hỏi:
‘Bao giờ chú Minh về cướp chính quyền?’
Một số thanh niên và hướng đạo sinh đã được tuyển chọn để lên chiến khu huấn luyện quân sự nhưng chưa kịp đi, nên được xung vào bộ tham mưu, anh nào cũng có vẻ mặt hồ hởi, quan trọng, dáng điệu bí mật, đã tự động đưa tới nào là vải, mực và dụng cụ để may cờ, vẽ biểu ngữ, họ hỏi nhau viết những chữ gì đây? Bàn hỏi mãi chẳng biết lối nào mà mò, vì nào ai biết gì đâu, ngay đến cờ của Việt Minh cũng chẳng ai biết, nên sau hết chỉ có những dòng chữ
‘Việt Nam Độc Lập muôn năm’ được viết ra mà thôi.
Như đánh hơi thấy có một sự gì lạ sắp xẩy ra, một số người già, người trẻ kéo tới xung phong nhận công tác, ông ký Thụy hỏi
:
‘Chúng ta đi ‘cướp chính quyền’ phải có cờ dẫn đầu, mà tôi không biết mầu sắc của lá cờ Việt Minh ra làm sao cả?
Anh Trung, con ông Vóc ở phố Phú Vinh huyênh hoang nói:
‘Tôi biết cờ Việt Minh là cờ mầu đỏ có 3 sao vàng, tượng trưng cho ba kỳ Bắc, Trung và Nam’!!! Bị hết người này đến người kia hỏi nhà tôi là bà Tuyết Minh, ủy viên tiếp tế của chiến khu Rịa:
‘
Thưa chị, tại sao anh Minh, anh Ngân và cha Quỳnh, đến giờ này mà chưa thấy về?’ Nhà tôi chỉ biết trả lời nước đôi:
‘
Cũng sắp về, chắc có ngăn trở việc gì, nên chưa về kịp đấy thôi.’
Thực ra, ngày hôm trước, anh Thứ là liên lạc viên đã từ chiến khu về cho biết tin anh Minh anh Ngân và cha Hoàng Quỳnh đã vội vã rời chiến khu đi Hà Nội để tham dự cuộc ‘cướp chính quyền’ ở thủ đô.
Không khí sôi động hồ hởi và khẩn trương, không biết danh từ ‘cướp chính quyền’ ở Hà Nội, ai xướng ra đầu tiên, có lẽ một số người chỉ biết nghe, chưa kịp hiểu cướp chính quyền là làm sao, cướp ở đâu, cướp rồi sẽ làm gì?
Nghe nói đi cướp chính quyền xem ra ai ai cũng đều hăng hái lắm, riêng ở Phát Diệm, một cụ già nói:
‘Ở đồn ở phủ, người ta có súng có ống, còn bọn mình đi ăn cướp ‘chính quyền’ bằng tay không, nhỡ nó bắt cả tụi giam lại thì sao? ‘Hãy đợi tin mấy ông ở chiến khu về có súng ông, khí giới mình hãy đi’. Lại một người khác giục:
‘Không đợi được, cứ đi vì tôi nghe tin các phủ, huyện lân cận người ta đã cướp được chính quyền cả rồi, như huyện Gia Khánh gần tỉnh lỵ Ninh Bình, chỉ có một người đàn bà cũng cướp được chính quyền’.
Người nói ra người nói vào, biết đâu mà tin được, nên cuộc họp của ban tham mưu mở rộng được hoãn, gọi là hoãn binh chi kế, để về nhà ăn cơm chiều.
Sau bữa ăn chiều, mọi người lục tục trở lại để tiếp tục cuộc họp để nghe ngóng tình hình xem có thêm tin tức gì ở chiến khu về không? Ban tham mưu chỉ có 3 người, ông anh cả của tôi Nguyễn Đình Thịnh thì đang bị bệnh sốt rét, nhưng vẫn cố gắng bàn kế hoạch với ông ký Thụy và bà Tuyết Minh, sau cùng ban tham mưu quyết định lấy lực lượng quần chúng làm hậu thuẫn cho công cuộc khởi nghĩa ‘cướp chính quyền’.
Ban tham mưu cho người tới đồn Trì Chính và phủ lỵ dò la tin tức, được báo cáo cả hai nơi đều sẵn sàng chờ người tới tiếp thu súng ống, sổ sách đã được bầy la liệt trên bàn để làm bàn giao, và các công chức đều có mặt không thiếu ai. Công cuộc ‘cướp chính quyền’ được quyết định thực hiện ngay trong buổi tối, và đoàn người kéo đi do anh Thịnh và ông ký Thụy cầm đầu, các thanh niên và hướng đạo sinh xông xáo kêu gọi dân chúng hưởng ứng xuống đường dự cuộc ‘tổng khởi nghĩa’.
Từ nhà chúng tôi tới đồn Trì Chính chỉ cách có độ 500 thước, nên chỉ lèo tèo có mấy người, thế mà cuộc ‘cướp chính quyền’ được gọi là ‘thành công mỹ mãn’, vì ủy ban cách mạng đã tiếp thu đầy đủ súng ống, được ông thượng sĩ già làm bàn giao ký giấy tờ đàng hoàng, một số linh khố xanh xin tình nguyện ở lại để phục vụ dưới quyền ủy ban cách mạng, số còn lại xin được giải ngũ tại chỗ.
Sau cuộc ‘cướp chính quyền’ ở đồn lính khố xanh Trì Chính, đoàn người kéo nhau đi ‘khởi nghĩa cướp chính quyền’ ở phủ lỵ Kim Sơn ở Quy Hậu cách đồn Trì Chính độ 4 cây số, dân chúng lúc này tham dự cuộc tuần hành thật đông, mọi người lẳng lặng kéo nhau đi trong đêm tối, liên lạc viên tới tấp chạy về báo cáo tình hình, tới phủ đường, đèn nến đốt sáng nhưng ông tri phủ Ngô Gia Lễ cùng với các công chức niềm nở tiếp đón dân chúng, nộp đủ giấy tờ sổ sách cho ông Thịnh và ông ký Thụy và hầu như trút được gánh nặng, ông phủ họ Ngô tuyên bố: ‘Ngày mai, tôi xin lên đường về quê nhà, vui thú điển viên’ và biếu ủy ban Cách Mạng chiếc xe hơi của riêng ông, mọi người đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Ấy đó, cuộc khởi nghĩa ‘cướp chính quyền’ oanh liệt của ‘Việt Minh’ Phát Diệm, có thua gì cuộc Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội đâu.
Xét việc hành chánh và trị an rất cần được liên tục, nên ông Thịnh dù chưa biết gì về hành chánh, và đang đau yếu, nhưng vì nhu cầu công vụ ông cũng phải tạm thời nhận chức vụ mới gọi là phủ trưởng, và ông giữ lại các công chức cũ để cùng làm việc. Khuya quá nửa đêm, công việc tiếp thu mới hoàn tất, mọi người đều mệt mỏi, sau một ngày đầy căng thẳng, vừa vui vừa lo sợ.
Qua một đêm an lành, tin ủy ban cách mạng tiếp thu chính quyền đã được loan đi khắp phủ Kim Sơn, sáng sớm hôm sau, dân chúng ở khắp đường phố Phát Diệm bàn tán chờ đợi một cuộc mít dinh do ủy ban bách mạng quyết định tổ chức ngay tại khu Chợ Cói ở xã Trì Chính.
Một số anh em ở trên chiến khu Rịa đã trở về kịp tham dự mít tinh, trong đó có các anh Đinh Văn Khanh, Trần Huấn, Kim Phát, đều là trưởng trong liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu, thêm Phan hỗn danh Phan Chó (bí danh Hồ Du Tử sau này cùng với Tạ Đình Đề, một cặp tình báo của Việt Minh nổi tiếng một thời ở miền Bắc) và một số thanh niên khác nữa.
Ngay từ sáng sớm tinh sương, một thanh niên xung phong cầm hoa bằng giấy cứng, hô hào mọi người tập trung tại khu Chợ Cói để họp mít tinh và tuần hành, anh ta đi lên đi xuống theo dọc đường phố chính của thị xã Phát Diệm, nơi tập trung buôn bán có nhiều người đi lại, Chợ Cói là chợ chuyên bán cói và đay là hai vật liệu chính của nghề dệt chiếu rất được phồn thịnh trong vùng. Chợ Cói tọa lạc ngay bên bờ sông An Giang, dưới bóng cây đại thụ mà bên kia đường số 10 là đồn lính khố xanh Trì Chính.
Lệnh cấm chợ được ban ra để mọi người tham dự mít tinh, nghe tiếng loa hô hào, người ta tụ tập mỗi lúc một đông chờ đợi cuộc tuần hành. Cờ đỏ sao vàng lớn nhỏ ở đâu ra mà nhiều thế, và một số người đã tự động đính trên ngực phủ hiệu sao vàng chạy đi chạy lại lăng xăng, quát chỗ này, chạy lại chỗ kia kêu gọi mọi người đứng vào hàng ngũ.
Một ông trung niên ở đâu không biết, nhẩy ra quát tháo như muốn chỉ huy đám người ô hợp này, ông này không có mặt trong đoàn người tiếp thu chính quyền đêm hôm trước, nay nhẩy ra ’ăn có’ cùng một số người ủng hộ ông ta. Một cụ gìa hăng hái nhẩy lên sân khấu mới được tạm thời thiếp lập, tuyên bố chỉ những người mới ở chiến khu về mới có quyền ăn nói, tiếng vỗ tay của dân chúng nổi lên ào ào.
Bỗng nhiên, trên sân khâu, xuất hiện một thanh niên, mặt mũi non choẹt, mặc đồ kaki nhà binh, đeo khẫu súng lục trễ bên hông, đứng giữa hai anh tự vệ quân mang súng ‘mút cồ tông’ dõng dạc tuyên bố ‘
Ai lôi thôi bắn bỏ’, mọi người thốt lên một tiếng: ‘Ồ, ra anh Lê Xuân Nguyên, anh em con chú con bác của nhà tôi, mà người ta mới được biết là dân ở chiến khu về nắm quyền đồn trưởng, phụ trách chỉ huy quân sự của ủy ban cách mạng.
Trật tự của cuộc mít tinh được vãn hồi, nhưng chẳng ai nói, chẳng ai nghe, vì có ai biết nói gì đâu, mọi người chỉ mong chờ những vai chính: Minh, Ngân và cha Quỳnh xuất hiện, nhưng chẳng thấy bóng vía 3 người này đâu cả.
Trời nắng chang chang, và mọi người chờ đợi khá lâu, khát nước, nên nhiều người ở xa tìm cách chuồn dần, anh đồn trưởng Nguyễn liền hạ lệnh kéo nhau đi tuần hành, vừa đi vừa hô to khẩu hiệu:
‘Việt Nam Độc Lập muôn năm’ trên suốt quãng đường tiến tới phủ lỵ, rồi quay về nơi xuất phát vào lối 4 giờ chiều, mọi người vừa đói vừa khát nước, nhưng đều hân hoan vì cuộc tiếp thu chính quyền đã thành công mỹ mãn.
Công cuộc ‘Việt Minh cướp chính quyền’ ở Phát Diệm là như vậy đó, trừ cha Hoàng Quỳnh ra, hai ông lãnh đạo ở chiến khu là Minh, Ngân thì tuổi cũng chỉ có 26; Ủy ban cách mạng gọi là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền này chỉ có 3 người: Tuyết Minh, nhà tôi, một phụ nữ 25 tuổi, trưởng ban tiếp tế của chiến khu Rịa, ông Thịnh, anh ruột tôi, mảnh khảnh đau yếu, 30 tuổi tuổi và ông ‘xếp’ Thụy, gọi là có kinh nghiệm hành chánh nhưng tuổi cũng chỉ 30, còn lại chỉ là những ‘nhãi con’ tuổi trên dưới 20.
Tuy chỉ là những thanh niên ít tuổi, thiếu kinh nghiệm đời nhưng phần nhiều đều được huấn luyện về chính trị và lòng họ đầy hăng say, dám làm, vì dân, vì nền độc lập quốc gia, bất kể những đe dọa tù đầy của mật thám Pháp, của mật thám Kempetai Nhật Bản, họ dám nhận hy sinh không nề quản mọi khó khăn, và trên con đường hoạt động, cũng nhiều khi coi mình như
‘rồn vũ trụ’, nên cuộc đời cách mạng cũng thường lên voi xuống chó, ba chìm bẩy nổi.
Đến tối ngày mít tinh, 3 vai chinh của chiến khu Rịa mới đạp xe đạp suốt từ Hà Nội về Phát Diệm để được báo cáo đầy đủ về mọi diễn tiến của cuộc ‘cướp chính quyền’ ở phủ Kim Sơn và một cuộc họp mở rộng cũng được triệu tập để nghe tường trình về cuộc cướp chính quyền tại Bắc Bộ Phủ ở Hà Nội, và cũng từ đây bắt đầu một cuộc đời cách mạng đầy sóng gió của các anh Minh, Ngân và cha Hoàng Quỳnh.
(còn tiếp)