Chương 16
Các đảng phái quốc gia tranh đấu sát cánh với Tổng bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm
Sau khi cải tổ chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia ngày 13 tháng 11 năm 1946, Việt Minh đã thẳng tay khủng bố các đảng phái quốc gia, một số khác phải rút về hoạt động trong bí mật, và Phát Diệm không những được coi như nơi nương tựa an toàn nhất trong thời gian bị khủng bố mà Phát Diệm lại còn là nơi các đảng phái quốc gia chân chính có thể ‘bung’ ra nhiều hoạt động chống cộng sản ở các tỉnh kế cận như Nam Định, Bùi Chu, Thái Bình, Phủ Lý, Thanh Hóa, Vinh và Hà Nội.
Trong số các đảng phái quốc gia hoạt động một cách rất đắc lực ở Phát Diệm phải kể tới đảng Đại Việt Duy Dân và Việt Nam Quốc Dân Đảng, tuy nhiên cũng có đảng đã mang lại cho Phát Diệm một số phiền nhiễu như đảng Dân Tộc, vì quá hăng say và chủ trương quá khích. Hơn nữa vì đảng viên đảng Dân Tộc được thâu nhận một cách bừa bãi, bị đối phương xâm nhập dễ dàng, nên đảng Dân Tộc là đầu mối cho Việt Minh tung ra nhiều vụ đàn áp như vụ Phúc Nhạc, Văn Hài.
Ngoài ra chúng tôi cảm thấy không thể không nói tới đảng Xã Hội, vì chính đảng này đã để cho một số đảng viên phá vỡ chính sách chính trị rất khôn khéo của Đưc Cha Lê Hữu Từ là triệt để chống Cộng Sản, nhưng đồng thời hợp tác với Việt Minh chống thực dân Pháp để dành độc lập cho Tổ Quốc. Nhóm đảng viên Xã Hội này đã qua mặt Đức Cha Lê Hữu Từ, tìm cách bắt liên lạc với thực dân Pháp về chiếm đóng Phát Diệm như đầu cầu trong âm mưu gọi là ‘giải phóng’ tỉnh Nghệ An nhất là Xã Đoài, quê hương của nhóm những người này.
Riêng đối với đảng Đại Việt Duy Dân, đảng này đã hoạt động rất mạnh ở Phát Diệm ngay từ khi bắt đầu tổ chức Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc năm 1946. Viết đến đây chúng tôi băn khoăn, và tự hỏi rằng không biết có nên đưa ra công khai một số hoại động của anh em Z (tên gọi tắt của đảng viên Duy Dân), đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ ở Phát Diệm hay không?
Vì từ xưa đến nay Duy Dân vẫn chủ trương ‘trùm chăn’, chưa chịu tham chính, tuy nhiên, tin tưởng rằng anh em Z, trên khắp đất nước Việt Nam, từ ngoài Bắc đến trong Nam cũng như ở hải ngoại, vẫn tiếp tục hoạt động một cách rất hăng say, kín đáo và hữu hiệu. Và chúng tôi thấy rằng trên chính trường Việt Nam ‘Sờ’ vào đâu cũng cảm thấy màu sắc Duy Dân, nên khi viết những câu chuyện của một thời tranh đấu cách đây gần nửa thế kỷ, chúng tôi chỉ xin được nói tới hai đảng viên Z đã quá cố mà chúng tôi rất kính phục.
Hai vị này đã đóng góp rất nhiều vào việc phát triển đảng Duy Dân ở Bùi Chu và Phát Diệm và đặc biệt hai vị này đã giúp vào việc đảng Duy Dân tài trợ một ngân khoản rất lớn cho Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Phát Diệm trong kế hoạch mua võ khí ở Trung Hoa, và trong công tác di chuyển món tiền lớn này từ Bùi Chu về Phát Diệm. Một trong hai vị đã bị Công an Việt Minh sát hại, mà trong cuộc lễ an táng của vị này, một cuộc xô xát đẫm máu đã xẩy ra ở Phát Diệm hồi tháng 9 năm 1947, giữa Việt Minh và nhân dân Phát Diệm.
Ngày từ khi thành lập chiến khu Rịa thuộc Mât Trận Công Giáo Cứu Quốc, xứ Hòa Lạc và họ Vinh Trung ở xứ Phát Diệm được coi là như hai chiến khu vững chắc mà Việt Minh Cộng sản không kiểm soát nổi, vì Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc ở Hòa Lạc và Vinh Trung được thành lập sớm nhất và võ trang khá đầy đủ. Nên ngay sau khi Việt Minh bắt đầu đàn áp các đảng phái quốc gia, và sau cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ ngày 19 tháng 3 năm 1946, Hòa Lạc được chọn là nơi một số lãnh tụ Duy Dân về ẩn náu một thời gian. Cũng từ đây các hoạt động của đảng Duy Dân ‘bung’ ra rất mạnh ở các tỉnh miền đồng bằng Bắc Việt và Bắc Trung Việt.
Trong số những anh em Z tản cư về Hòa Lạc và Vinh Trung, người mà tôi kính phục nhất là ông Trần Thanh Đình, bí danh là ông Chùa, con cụ Cử Bồng Tiên, một vị khoa bảng danh tiếng ở tỉnh Thái Bình. Ông Đình đã đậu bằng cử nhân Luật Khoa thời Pháp thuộc, với bằng cấp này ông có thể gia nhập vào hàng ngũ quan lại thời thực dân Pháp. Nhưng ngược lại, ông chỉ thích ‘hoạt động cách mạng’ mà thôi, nên cả đời ông đã dấn thân phục vụ cho Tổ Quốc và Dân Tộc cho tới khi ông bị Cộng sản bắt giam và mang ra xử bắn ở Thủ Đức hồi năm 1976 về tội là lãnh tụ của đảng Đại Việt Duy Dân.
Trong gần 30 năm hoạt động cách mạng sát cánh với ông Trần Thanh Đinh, ở ngoài Bắc cũng như ở trong Nam, tôi đã học hỏi được biết bao kinh nghiệm tranh đấu hào hùng của một đồng chí Duy Dân đáng mến và đáng kính phục này.
Trong một cuộc họp của anh em Z ở Vinh Trung năm 1947, tôi có đưa ra vấn đề cần phải võ trang thêm cho các đơn vị Tự vệ Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm trong công cuộc không những chỉ chống Pháp dành độc lập cho Tổ Quốc, mà lại còn chống cả đảng Cộng Sản nữa.
Vì tinh thần chống Pháp dành độc lập, nên Pháp Diệm quyết định không chấp nhận bất cứ một viên trợ võ khí nào của thực dân Pháp, thay vào số súng đạn do Pháp đề nghị viện trơ, tôi trình bầy cho anh em biết kế hoạch đã được sự đồng ý của Đức Cha Lê Hữu Từ là mua súng đạn ở Pak khoi, tức Bắc Hải. Đây là một tô giới của Pháp trước đây ở bên Trung Hoa, qua sự môi giới của một số thanh niên Công Giáo ở Trà Cổ, thuộc tỉnh Móng Cáy sát với biên giới Trung Hoa, thường đi lại buôn bán với Phát Diệm bằng thuyền buồm, vẫn được quen gọi là thuyền bát Trà Cổ.
Một số Tầu Ô của người Trung Hoa đã được anh em thanh niên Trà Cổ móc nối và họ đã nhận lời cung cấp đủ mọi loại võ khí khá tối tân, nhưng điều kiện thanh toán thì chánh là phải trả bằng giấy bạc Đông Dương là loại giấy bạc do Ngân Hàng Đông Dương của Pháp phát hành và vẫn được lưu hành tại cựu tô giới Bắc Hải.
Được biết trong thời này giấy bạc do Việt Minh phát hành đều được lưu hành song song với giấy bạc Đông Dương. Vấn đề được đặt ra là tìm đâu ra một số lớn bạc Đông Dương để mua súng đạn ở bên Tầu?
Sau một hồi thảo luận ông Trần Thanh Đình và ông Tổng Văn Dung cho biết: ‘Chi bộ Duy Dân ở Bùi Chu có đủ quỹ để tài trợ 3 triệu đồng bạc Đông Dương cho việc mua võ khí cho Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm. Liền sau đó ông Dung và ông Lê Văn Chính ở Hòa Lạc được trao phó nhiệm vụ di chuyển số tiền 3 triệu đồng bạc Đông Dương này từ Quận Phương ở Bùi Chu về Phát Diệm để trao cho tòa Giám Mục Phát Diệm lo việc đưa ra ngoại quốc mua súng đạn.
Hối xuất chính thức của một đồng bạc Đông Dương ăn 10 quan (cũ) của Pháp, như vậy 30 triệu quan (Franc) Pháp là một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Việc đảng Duy Dân nhận tài trợ 3 triệu đồng bạc Đông Dương cho Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm đã được trình lên Đức Cha Lê Hữu Từ và ngài tỏ ra rất hài lòng về sự đóng góp này của đảng Duy Dân.
Chiều ngày mồng 5 tháng 9 năm 1947, ông Tổng Văn Dung và ông Lê Văn Chính mang một bị chứa 3 triệu đồng bạc Đông Dương từ Hòa Lạc xuống Phát Diệm, khi qua đồn công an ở Trì Chính ngay gần cầu Kiến Thái, ông Chính mang bị tiền đi trước, ông Dung đội một mũ mầu trắng đi sau, công an Việt Minh liền nhẩy ra hô to: ‘
Anh đội mũ trắng hãy đứng lại, nếu không tôi bắn’, nghe thấy vậy, ông Chính bước thật nhanh và mang bị tiền đi thoát được sang phố Thượng Kiệm. Ông Dung đã bị công an Việt Minh bắt giữ ngay.
Ông Chính đã mang bị tiền vào ngay nhà chúng tôi ở phố Thượng Kiệm gần chân cầu Tri Chính, ông thở hổn hển cho tôi biết tin ông Dung bị công an bắt giữ. Đúng lúc ấy tôi đang bị cơn rốt rét ngã nước của chiến khu Rịa hành, nhưng trong trường hợp rất khẩn cấp như vậy, tôi vội vàng cùng ông Chính tới ngay tòa giám mục gặp Đức Cha Lê Hữu Từ báo tin cho ngài biết sự việc.
Đức Cha liền viết văn thư cho liên lạc viên hỏa tốc cầm sang ty công an, yêu cầu trưởng ty tới gặp Đức Cha Cố Vấn Chính phủ, cùng thả tự do cho ông Tổng Văn Dung. Trong văn thư Đức Cha Lê xác nhận ông Dung là cán bộ của Công Giáo Cứu Quốc do Cố Vấn chính phủ cử đi công tác ở Bùi Chu.
Ty công an trả lời Đức Cha nói rằng trưởng ty Nguyễn Kiên Đạt đi vắng, và cho biết lý do ‘Tên Dung (mang giấy tờ tên Lê Văn Cương) hiện bị bắt giữ vì có báo cáo nói y là đảng viên đảng Duy Dân hoại động chống chính phủ tại xã Hòa Lạc.’
Toàn thể các đơn vị chiến đấu của Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc được lệnh báo động và sẵn sàng trong tư thế chiến đấu để giải thoát ông Tống Văn Dung. Hai trung đội tự vệ Công Giáo Cứu Quốc của Vinh Trung và Hòa Lạc được lệnh chuẩn bị đánh úp ty Công An ngay trong đêm, nhưng đến khuya, tòa giám mục nhận được một lá thư của trưởng ty Công An Nguyễn Kiên Đạt hứa sẽ thả tự do cho ông Dung sáng sớm hôm sau. Do đó việc đánh úp ty công an để giải thoát cho ông Dung được hoãn lại.
Một giả thuyết được đặt ra là nếu Công An áp giải ông Dung đi Ninh Bình thì một là đi bằng canô theo sông Vạc từ bến ở Thượng Kiệm đi Ninh Bình và giờ canô khởi hành là 8 giờ sáng; hai là bằng đường bộ đi theo tỉnh lộ số 10. Kế hoạch được đặt ra là anh Trần Văn Xuân, sau này mang tên Nguyễn Văn Bình, cựu tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện thời đệ nhất Cộng Hòa, chỉ huy một trung đội tự vệ Vinh Trung lên phục kích ở đường cái quan Hồng Đức, chặn bắt giữ canô và giải thoát ông Dung. Trung đội thứ hai của Hòa Lạc dưới quyền chỉ huy của ông Lê Văn Phượng phục kích trên đường số 10 ở quãng cánh đồng trống ở giữa Tôn Đạo và Phúc Nhạc.
Nhưng một điều bất ngờ đã xẩy ra là công an đã áp giải ông Dung lên Ninh Bình bằng cách canô chạy trên sông Vạc tới đường cái quan Hồng Đức tức bến đò Lá cách Phát Diệm 10 cây số, thì đúng lúc đó trung đội tự vệ Vĩnh Trung cũng vừa tới nơi chưa kịp phục kích để nổ súng ra lệnh canô phải ghé vào bờ.
Anh Xuân sau đó báo cáo cho tôi biết là trông thấy ông Dung bị đẩy xuống sông, và công an bắn nhiều loạt súng hô hoán
: ‘Tên Việt Nam nhẩy xuống sông’.
Trung đội tự vệ Vinh Trung dàn ra dọc bên sông, hy vọng ông Dung bơi được vào bờ, đồng thời hai công an Việt Minh cũng bắt canô ghé vào Đò Lá, lấy một thuyền mủng bơi dọc bờ sông cố tình bắt lại ông Dung, nhưng kết cuộc 2 công an viên này bị trung đội tự vệ Vinh Trung bắt giữ. Cuộc tìm kiếm được chấm dứt vào buổi tối, vì tên công an bị bắt khai rằng: ‘
Khi ông Dung nhẩy xuống sông, hai tay ông ấy bị còng ra đằng sau lưng, nên anh em cho rằng một khi tay bị còng ra sau lưng thì ông Dung khó lòng bơi nối được vào bờ’ Tuy nhiên một số Tự Vệ Vinh Trung vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm dọc bên sông Vạc. Cho tới chiều ngày 7 tháng 9 năm 1947, khi chiếc canô do ông Tài Duyên lái từ Ninh Bình về Phát Diệm đến đầu xã Trì Chính, cảm thấy vật gì nặng vướng ở chân vịt, bác Tài Duyên liền kêu lên:
‘
Anh Dung, nếu đích là oan hồn anh luẩn khuất đâu đây thì anh nổi lên, tôi vớt đem về Tổng Bộ an táng’. Khi bác Tài Duyên cho ngừng máy canô lại, xác ông Dung nổi lên vướng vào bên hông canô và được loan truyền rất nhanh trong khối dân chúng Phát Diệm và mọi người đều tỏ ra phẫn uất về hành động dã man của Công An Việt Minh.
Bác Tài Duyên là người hoạt động rất hăng say trong Tổng Bộ Tự Công Giáo Cứu Quốc ở đơn vị gần đập Phú Vinh năm 1954 di cư vào Sài Gòn và năm 1975, bác Tài Duyên được di tản sang tới đảo Guam, rồi lại trở về Sài Gòn bằng tầu Việt Nam Thương Tín và bác đã đón cả gia đình vượt biển sang Mã Lai và được định cư tại Hoa Kỳ, thuộc cộng đoàn Tam Biên ở Orange County, California, bác đã qua đời tại đây cách đây hơn mười mấy năm.
Xác ông Dung đã được vớt lên tạm quàn ngay tại đầu cầu Trì Chính và được vị y sĩ thuộc bệnh viện Trì Chính khám nghiệm với sự hiện diện của đại diện ty Công An, các đại diện phủ hộ Việt Minh và Ủy Ban Hành Chánh phủ Kim Sơn, cùng ông thứ trưởng Bộ Thương Binh Ngô Tử Hạ và linh mục Trần Cao Đàm, giám đốc phòng chính trị Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc. Xác ông Dung được tẩm liệm và quàn tại điếm canh Phu Vinh để làm lễ quốc táng.
Ngay buổi tối sau khi vớt được xác ông Dung, một cuộc họp rất quan trọng đã được triệu tập tại tòa giám mục Phát Diệm dưới quyền chủ tọa của cha Phạm Quang Hàm, bí thư của Đức Cha Lê Hữu Từ, để thảo luận về việc tổ chức lễ quốc táng ông Dung, một đảng viên đảng Đại Việt Duy Dân đồng thời là cán bộ của Công Giáo Cứu Quốc. Nơi mai táng ông Dung đã được bàn cãi rất kỹ lưỡng, trước hết có đề nghị rằng sau các nghi lễ an táng chính thức do Đức Cha Lê Hữu Từ chủ tọa trước sự hiện diện của các cơ quan chính quyền Việt Minh và nhân dân Phát Diệm, quan tài sẽ được di chuyển về Hòa Lạc là quê quán của bà Dung để mai táng.
Chính sách của Đức Cha Lê Hữu Từ trong vụ ông Tổng Văn Dung bị công an tàn sát là cố giữ hóa khí đối với chính quyền Việt Minh, nhưng cương quyết chống đối chính sách đàn áp của Cộng Sản, và cố tránh không để cho thực dân Pháp lợi dụng gây rối. Nên nhân danh là người được ủy nhiệm bảo vệ sự an toàn cho Đức Cha Cố Vấn, cùng phái đoàn chính phủ, tôi đã phản đối đề nghị di chuyển quan tài ông Dung về chôn ở nghĩa trang Hòa Lạc.
Tôi viện lẽ rằng nếu đưa xác ông Dung về chôn ở Hòa Lạc, đám tang sẽ phải đi qua ty Công An ở đầu cầu Kiến Thái, là nơi ông Dung đã bị giam giữ và bị tra tấn tối hôm trước, chắc chắn dân chúng sẽ căm phẫn, nổi lên xông vào đập phá ty Công An, diệt trừ những tên công an tàn ác, nhất là tên trưởng ty công an Nguyễn Kiên Đạt là người đầu tiên không thể tránh được ‘búa tạ’ của nhân dân Phát Diệm về tội giết chết và hứa ‘cuội’ về việc thả tự do cho ông Tống Van Dung. Như vậy việc duy trì trật tự và giữ hòa khí đối với bọn Việt Minh sát nhân khó có thể thực hiện được.
Sau hết, cha Hàm đề nghị chôn ông Dung ở đất thánh ‘Nhà Chung’ là nghĩa trang dành riêng cho các linh mục và tu sĩ của địa phận Phát Diệm, và đề nghị này đã được hội đồng chấp thuận.
Tổng bộ tự vệ Công Giáo Cứu Quốc được trao trách nhiệm vận dụng quần chúng mọi nơi về tham dự lễ án táng và cho đây là một dịp để tỏ lòng căm phẫn của toàn dân phản đối chính sách tàn ác của Viêt Minh Cộng Sản. Đội Thanh NiênTiền Phong Phát Diệm phụ trách việc làm biểu ngữ với các khẩu hiệu khích động tinh thần quần chúng như:
‘Trưởng ty Công An Nguyễn Kiên Đạt phải đền mạng’ ‘Công An tàn ác và dã man đã giết cán bộ Công Giáo Tống Văn Dung’, ‘Đả đảo Cộng sản vô thần’, ‘Đả đảo tên công an Đạt giết dân lành’, ‘Vạn tuế Đức Cha Cố Vấn.’
Các phố cùng các đường trong thị xã Phát Diệm đều đầy nghẹt người, không khí hết sức ngột ngạt, vì mọi người chỉ muốn ‘ăn thây uống máu bọn công an Việt Minh’ đã giết chết cán bộ công giáo Tống Văn Dung. Trong khí thế ‘dầu sôi lửa bỏng’ này, một nhân vật cao cấp của chính phủ Việt Minh là ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh, lại bị kẹt vào giữa đám đông dân biểu tình ở phố Thượng Kiệm.
Một em bé trinh sát thuộc trung đội tự vệ Hòa Lạc khám phá ra rằng ông Huỳnh có đeo khẩu súng lục trong người, nên lệnh báo động được loan ra, đúng lúc anh em Tự Vệ bao vây bắt trói ông Huỳnh mà tôi đã quen biết trong mấy lần lên Bắc Bộ Phủ gặp ông Hồ Chí Minh. Tôi liền ra lệnh cởi trói và dìu ông Huỳnh vào trong nhà 4 tầng lầu của cụ Ngô Tử Hạ, ở ngay giữa phố Thượng Kiệm.
Sau khi giải thích cho ông Huỳnh biết về những hành động tàn bạo của ty Công An địa phương đã giết một cán bộ của Công Giáo Cứu Quốc và khi ông Huỳnh cho tôi biết là khẩu súng lục của ông bị tự vệ tước khẩu súng về, và chỉ 5 phút sau tôi đã trao trả khẩu súng cho ông Huỳnh, và mời ông lên lầu nhà cụ Ngô để quan sát cuộc lễ an táng do Đưc Cha Cố Vấn Chính phủ Lê Hữu Từ chủ tọa.
Đúng 3 giờ chiều, Đức Cha Cố Vấn cùng đoàn tùy tùng gồm các linh mục, các ‘ông già’ tràng Lý Đoán Thượng Kiệm và các đoàn thể đã tới địa điểm hành lễ an táng. Về phía chính quyền có mặt cụ Ngô Tử Hạ, một nhân sĩ của Phát Diệm, thứ trưởng bộ Thương Binh, đại diện ông Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Ái, phủ bộ Việt Minh đại diện chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Ninh Bình; Nguyễn Văn Hoàn, trung đội trưởng Vệ Quốc Quân, và ông Nguyễn Cao Đàm phó chủ tịch Ủy Ban Hành Kháng Kim Sơn.
Trong khi Đức Cha, mặc phẩm phục hành lễ, ngồi đợi dân chúng diễn hành trước linh cữu của ông Tống Văn Dung, một liên lạc viên chạy về báo tin cho tôi biết có cuộc xô sát giữa Công an và đoàn biểu tình ở trước ty Công An ở đầu cầu Kiến Thái, tôi liền quay sang báo cáo tin này với Đức Cha Lê và ngài bảo tôi đi xem sự việc ra sao.
Tôi bảo anh Quý, có hỗn danh là Quý Chột, đưa cho tôi khẩu súng máy Thompson và khi đi qua trụ sở của phủ bộ Việt Minh, nhà cô Am ở phố Thượng Kiệm, tôi thấy lố nhố ở trên lầu trụ sở này mấy tên Việt Minh cầm lựu đạn trong tay, sẵn sàng thẩy xuống đám đông, dân chúng đứng đầy nghẹt dưới đường. Tôi liền bắn lên cửa sổ trên lầu trụ sở này một tràng súng máy, bắt đóng cửa sổ lại và ra lệnh dân chúng biểu tình bao vậy thật chặt.
Tiếp tục tiến lên tới cầu Trì Chính, đeo súng lên vai để tỏ thiện chí hòa bình, khi tới giữa cầu tôi hô to lời yêu cầu muốn nói chuyện với đại đội trưởng Vệ Quốc Quân và tuyên bố: ‘
Tự Vệ Công Giáo không đánh nhau với Vệ Quốc Quân, yêu cầu Vệ Quốc Quân hợp tác với nhân dân trừng trị bọn Công An sát hại dân lành’.
Viên đại đội trưởng yêu cầu tôi ra lệnh giải tán dân chúng biểu tình lúc này đứng đầy khu vực quanh đồn Vệ Quốc Quân, trông thấy cảnh hết sức nguy hiểm cho dân biểu tình là nếu vệ quốc quân ném lựu đạn từ các lỗ châu mai trên lầu xuống thì một số lớn dân chúng sẽ bị thiệt mạng, tôi ra lệnh dân chúng vẫn tiếp tục bao vây nhưng rút xa ra ngoài ở phía Chợ Cói.
Tiến lên tới cổng bệnh viện Trì Chính, tôi được báo cáo là cuộc đụng chạm ở ty Công An đã chấm dứt vì các Công An viên Việt Minh đã bỏ trốn hết trước uy lực như vũ bão của dân biểu tình, nhưng sau đó tôi biết sự thực là anh em Tự vệ ở Tự Tân do ông Quản Toản cầm đầu cùng với đoàn biểu tình đã tấn công vào trụ sở ty Công An trước, nhưng vì các công an Việt Minh đã rút lui, nên tình thế mới trở lại yên lành.
Quay trở về khu vực hành lễ, tới đầu cầu Trì Chính, nhìn xuống tôi trông thấy cảnh hỗn độn, tan hoang đang diễn ra ở giữa phố Thượng Kiệm, thì ra dân chúng biểu tình đã tấn công đập phá tan tành trụ sở của phủ bộ Việt Minh, trên lầu và dưới nhà cùng ở sân sau 8 anh cán bộ bị dân chúng đả thương nằm dài trong vũng máu. Trên khắp các phố, một số thanh niên tay dao, tay lựu đạn cùng với dân biểu tình đang xông xáo đi tìm các cán bộ Cộng Sản để thanh toán. Dưới gầm một nhà sàn ở đầu phố Phú Vinh thấy lôi ra xác của một anh cán bộ cộng sản.
Trước tình thế hỗn loạn này, tôi ra lệnh cho anh em tự vệ xử bắn tại chỗ những kẻ gây rối loạn hay cướp bóc, một mặt tôi ra lệnh cho dân biểu tình lánh mặt vào trong các nhà của dân chúng hay trong các đường hẻm, và các đường phố trong thị xã đều được đặt trong tình trạng thiết quân luật và một lệnh đặc biệt được loan truyền khắp nơi là khi thấy Vệ quốc quân xuống phố giữ trật tự thì mọi người đều hô to khẩu hiệu
‘Hoan Hô Vệ Quốc Quân’
,‘Đả Đảo Công An'. Mặt khác tôi lại xung phong lên gặp lại đại đội trưởng Vệ Quốc Quân và yêu cầu cho Vệ Quốc Quân xuống phố tái lập trật tự. Viên đại đội trưởng nhận lời yêu cầu của tôi và cho quân xuống phố giữ trật tự.
Sau khi biết chắc Vệ Quốc Quân sẽ xuống phố để văn hồi trật tự, tôi liền vọt ngay về nhà cụ Ngô Tử Hạ, và nói cho Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh, biết về các sự việc xẩy ra, đúng lúc này cụ bà Ngô Tử Hạ mời chúng tôi ra ngoài bao lơn xem dân chúng Phát Diệm hoan hô Vệ Quốc Quân và đả đảo Công An. Vũ Đình Huỳnh tỏ ra rất xúc động và hứa với tôi rằng:
‘Ngay sáng sớm mai tôi rời khỏi Phát Diệm và tôi sẽ báo cáo lên ông Hồ Chí Minh biết rõ về những câu chuyện xẩy ra ở Phát Diệm’.
Kết quả trông thấy là tên Nguyễn Kiên Đạt, trưởng ty Công An bị hạ tầng công tác và một bức điện văn của Hồ Chí Minh đánh về cho cơ quan hành chánh kháng chiến tỉnh Ninh Bình, đã lọt vào tay chúng tôi, qua một giáp điệp nhị trùng, Hồ Chí Minh nói rằng:
‘Dù một số cán bộ của chính quyền bị thiệt mạng, nhưng tuyệt đối không được ‘đụng’ tới Phát Diệm’, và tới tấp hết phái đoàn nọ đến phái kia được Hồ Chí Minh cử về trấn an Đức Cha Lê và nhân dân Phát Diệm, và khu an toàn Phát Diệm đã được công nhận.
Trở lại vấn đề Vệ Quốc Quân xuống phố vãn hồi trật tự, đi đến đâu được dân chúng hoan hô đến đó nên họ chỉ còn có một việc phải làm là tản thương mấy anh cán bộ Việt Minh bị dân chúng ‘đập’ cho chết hoặc chết đi sống lại.
Trở về nơi hành lễ an táng, linh cữu ông Dung vẫn còn nằm đó do anh em Tự Vệ Vinh Trung canh gác và tôi được báo cáo về các sự việc xẩy ra. Nguyên do là sau khi tôi được Đức Cha Lê bảo lên giải quyết vụ xô xát xẩy ra ở ty Công an, thì cha Đoàn Độc Thư vừa bước lên diễn đài để đọc bài điếu văn, ngài chưa kịp khai khẩu, thì một phát súng ‘bí mật’ phát ra, viên đạn ghim vào tường gạch rồi rơi xuống ngay gần chân Đức Cha Lê. Tin Đức Cha Cố vẫn bị mưu sát được loan ra, dân chúng bắt đầu náo động, cuộc lễ an táng được ngưng lại và tiểu đội hộ vệ được lệnh bảo vệ Đức Cha, cụ Ngô Tử Hạ, ông Nguyễn Ngọc Ái và trung đội trưởng Vệ Quốc Quân Nguyễn Văn Hoàn trở về tòa giám mục.
Trên đường đi về tòa Giám Mục, Đức Cha Lê đi giữa khoác tay cụ Ngô Tử Hạ, bên trái là trung đội trưởng Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Ngọc Ái khoác tay cụ Ngô Tử Hạ, khi đi qua trụ sở Ủy ban Hành Kháng Kim Sơn ở nhà cụ Bố Chiểu, tên Ái định vùng chạy vào trụ sở này, nhưng bị dân chúng cản lại, nên chạy theo bám lấy cụ Ngô Tử Hạ. Bốn người đi thành hàng ngang, nhưng muốn vào khu an toàn phải đi qua cổng rào làng kháng chiến ở trước nhà cụ Hội Ngọc. Vì cổng này chỉ rộng đủ cho 3 người đi lọt, nên Nguyễn văn Ái bị lọt lại, liền bị cụ trùm Nhật lôi cổ quật nhào xuống đường, dân chúng nhào tới đánh đòn ‘hội chợ’ và cuối cùng bị thanh toán bằng một phát đạn súng lục.
Khi trở về tòa giám mục để báo cáo tình hình, Đức Cha Lê hỏi tôi về trường hợp tên Ái bị đả thương đến chết và tôi được ủy nhiệm để giải quyết vấn đề này cho êm đẹp. Ngay khi được tin báo cáo là xác tên Ái bị vùi ở đống tro ở nhà Gạo, nơi đặt kho lẫm thóc lúa của nhà chung, tôi liền tới và thấy xác tên Ái bị nhiều vết thương và thấy chỉ còn lại có chiếc quần lót thiếu quần dài. Lý do là khi kéo xác tên Ái từ cổng rào vào tới nhà Gạo, đường dài trên nửa cây số, chiếc quần dài đã bị vướng mắc, mất trên đường.
Tôi ra lệnh phải tìm bằng được chiếc quần này, và xác tên Ái đã được chuyển sang nhà thương các bà Dòng Đức Bà Truyền Ciáo, xác được tắm rửa và thuốc đỏ được bôi trên các vết thương và băng bó cẩn thận. Sáng hôm sau một văn thư được Tổng Bộ Tự Vệ gửi sang phủ bộ Việt Minh báo tin:
‘Ông Nguyễn Ngọc Ái bị dân chúng đả thương nặng, được đưa vào nhà thương Phú Vinh cứu chữa, nhưng ông đã tắt nghỉ ngay lúc tối’ và yêu cầu phủ bộ cho người tới lãnh xác.
(còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.06.2022 02:20:24 bởi frank >