Re:Một thời tranh đấu - Hồi ký lịch sử
-
20.06.2022 06:35:16
Chương 27
Phát Diệm – Bùi Chu trở thành khu tự trị
Sau khi quân đội nhẩy dù của đại úy Vị bố trí chung quanh khu An Toàn Phát Diệm, quân đội Pháp đổ quân đóng ở khu vực Trì Chính, Đức Cha Lê Hữu Từ viết thư cho Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến khu IV và đặc biệt viết cho Hồ Chí Minh đề nghị 2 điều: bộ đội Việt Minh hợp tác cùng Tự Vệ Công Giáo đánh đuổi Pháp ra khỏi Phát Diệm hoặc công nhận Phát Diệm là khu tự trị để có lý do mà đuổi quân Pháp khỏi Phát Diệm.
Song bộ đội Việt Minh cùng cơ quan Hành Chánh Kháng chiến địa phương đã cao chạy xa bay rồi, và Hồ Chí Minh cũng không trả lời, cho nên Tự Vệ Công Giáo ở các giáo xứ bắt buộc phải tỏa quân ra kiểm soát và bảo đảm an ninh cho dân chúng. Cùng thành lập hệ thống hành chánh tại tất cả các làng xã thuộc huyện Kim Sơn và một phần thuộc huyện Yên Mô và Yên Khánh theo chỉ thị của Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo, lúc này được thành lập và được đặt dưới quyền lãnh đạo của Cha Hoàng Quỳnh, và cũng từ đây dân chúng thường gọi ngài là cha Tổng Hoàng Quỳnh.
Ít lâu sau khi quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng Phát Diệm, đại diện của Cựu Hoàng Bảo Đại là ông Vũ Ngọc Trản đã tới trình bầy cùng Đức Cha Lê Hữu Từ về việc quốc trưởng Bảo Đại nhờ Pháp chuyển giao một số súng đạn cho Tự Vệ Công Giáo nói là do Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam. Sau khi một số súng đạn đã được chuyển giao, cha Tổng Hoàng Quỳnh liền mở một cuộc hành quân đại qui mô, không có quân đội Pháp tham dự để giải phóng toàn hạt Bùi Chu và một phần tỉnh Thanh Hóa giáp giới với Phát Diệm như Tam Tổng và Điền Hộ.
Sau khi thành lập Tổng Bộ Tự Vệ, cha Tổng liền gửi thư ra Hải Phòng nhắn chúng tôi thu xếp về Phát Diệm ngay, để cùng đóng góp vào công việc chung và chúng tôi phải để ra một thời gian mới được vì còn phải tìm giáo viên dạy Pháp văn thay thế ở trường St Joseph, lại còn lớp huyện thi Brevet, cùng các lớp huấn luyện của Duy Dân Đảng. Và môt ngày đẹp trời vào tháng giêng năm Canh Dần, gia đình chúng tôi đã thực hiện một chuyến hải hành bằng thuyền buồm Trà Cổ trở về cố huơng đúng ngày 12 tháng 3 năm 1950, ngày Tòa Thánh Vatican thừa nhận chính phủ Việt Nam quốc gia do cựu hoàng Bảo Đại là quốc trưởng.
Về tới Phát Diệm, chúng tôi cảm thấy sung sướng vô chừng kể vì được gặp lại cha mẹ tôi và anh em họ hàng nhưng có một điều hơi bực bội là ngôi nhà của chúng tôi bị quân đội Pháp xử dụng làm chẩn y viện, phải mất hơn một tháng mới lấy lại được nhà.
Ngày hôm sau khi về tới Phát Diệm tôi liền vào trình diện với cha Tổng Hoàng Quỳnh và cuộc hàn huyên kéo dài tới hơn 2 giờ và sau cùng ngài trao cho tôi trách nhiệm cùng với anh Trần Ngân tức Bằng Phong tổ chức ngành hải quân của Tổng bộ Tự Vệ. Tôi xin nghỉ xả hơi mấy ngày và xin sẽ nghiên cứu và lập một kế hoạch cho chương trình hết sức mới mẻ này.
Tôi cũng vào trình diện với Đức Cha Lê Hữu Từ, ngài đã tiếp tôi một cách hết sức thân tình tại văn phòng giám mục. Tôi đã tường trình về đời sống của người tị nạn cộng sản ở Hải Phòng cùng các khổ cực phải chịu dưới bàn tay tàn ác của thực dân Pháp và tôi cũng trình bầy những nhận xét của tôi về vấn đề chính trị liên hệ đến nền độc lập của Tổ Quốc với việc cựu hoàng Bảo Đại trở lại chấp chính.
Cũng như những gì tôi biết về những âm mưu của một nhóm người đã lợi dụng danh nghĩa của Đức Cha để hợp tác với thiếu tá Dupra, giám đốc một bộ phận quan trọng trong cơ quan tình Pháp mang tên là Recherche Historique, chủ trương việc mang quân Pháp về chiếm đóng Phát Diệm như đầu cầu để Pháp đổ quân vào chiếm Nghệ An, giải phóng Xã Đoài, là quê hương của nhóm này.
Đức Cha Lê cũng cho tôi biết những sự việc xẩy ra khi Phát Diệm bị quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng, và đặc biệt ngài cũng nói tới vụ ông ‘già’ Vinh là người Việt đầu tiên từ tầu chiến Pháp đặt chân lên bến tầu Trì Chính sau trung tá Maillard, chỉ huy trưởng cuộc hành quân chiếm đóng Phát Diệm.
Vấn đề hợp tác với người Pháp để bảo đảm an ninh cho dân chúng chống lại những sự xâm nhập của Việt Minh là một điều bất đắc dĩ, một sự kiện đã rồi không thể làm gì hơn được vì hai chiến tuyến Quốc Gia và Cộng sản đã rõ rệt, Việt Nam đã được Hoa Kỳ và Anh quốc thừa nhận, Tòa Thánh Vatican cũng đã chính thức thừa nhận và thiết lập bang giao với quốc gia Việt Nam, nên Phát Diệm không còn lý do gì để chống đối chính phủ quốc gia Việt Nam do Cựu hoàng Bảo Đại là Quốc trưởng.
Ngày 22 tháng 3 năm 1950, khu Phát Diệm Bùi Chu trở thành 2 tỉnh tự trị không thuộc quyền Thủ Hiến Bắc Việt và quốc trưởng Bảo Đại mặc nhiên thừa nhận tình trạng đặc biệt của hai Giáo Khu Phát Diệm và Bùi Chu và Tổng Tự Vệ được cấp một ngân khoản 300.000 đồng bạc mỗi tháng theo nghị định số 19/MF, văn thư của quốc trưởng đề ngày 14-3-1950.
Đặc biệt ngày 17 tháng 3 năm 1950, Hoa Kỳ tuyên bố viện trợ quân sự trực tiếp cho các Quốc Gia Liên Kết Việt, Mên, Lào nhưng tướng tổng tư lệnh quân đội Pháp là Carpentier phản đối sự viện trợ trực tiếp này và tuyên bố nếu Mỹ muốn viện trợ thì viện trợ đó phải qua trung gian của quân đội Liên Hiệp Pháp. Và việc thành lập ngành Hải Quân của Tổng Bộ Tự Vệ được tiến hành với hy vọng sau này sẽ là đơn vị Hải quân tiền phong trong lực lượng Hải Quân của Quân Lực Việt Nam.
Một phiên họp đặc biệt được triệu tập tại bộ chỉ huy của quân đội Pháp ở Trì Chính với sự hiện diện của Đề Đốc Querville, tư lệnh của lực lượng Hải Quân Pháp ở Bắc Việt từ Hải Phòng tới, đại tá chỉ huy trưởng secteur từ Nam Định tới và trung tá Maillard, chỉ huy trưởng đơn vị quân đội Liên Hiệp Pháp chiếm đóng Phát Diệm và đại úy hải quân Jean Sallantin, anh Trần Ngân và tôi.
Trong cuộc họp này vấn đề thiếp lập đồn đóng quân của Hải quân Pháp ở Kim Đài do đại úy Sallantin chỉ huy cùng việc thành lập đơn vị Hải Quân của Tổng Bộ Tự Vệ Phát Diệm do anh Ngân và tôi chịu trách nhiệm được đem ra bàn cãi, trong đó có vấn đề địa điểm đóng quân của Pháp và của Tự Vệ: Pháp sẽ xây một đồn hải quân ở Kim Đài ngay cửa sông Đáy và sông Ân Giang, còn đơn vị hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ đóng quân ở biệt thự nghỉ mát của tòa giám mục ở bên kia bờ sông Ân Giang. Việc tuần phòng hỗn hợp bằng tầu LCVP của Hải quân Pháp ở cửa bể và trên sông Đáy.
Mọi việc kiểm soát thuyền bè do Hải Quân Tổng Bộ Tự Vệ chịu trách nhiệm: đặc biệt một trung đội hải quân của Tổng bộ sẽ được huấn luyện một tháng trên một tầu chiến loại LCI (landing craft infantry) ở Vịnh Bắc Việt và tôi được đề đốc Querville đề cử theo học trường huấn luyện sĩ quan Hải Quân Pháp (École Navale de la Marine Francaise) ở Poulmic ở bên Pháp.
Ngay sau cuộc họp này chúng tôi bắt tay ngay vào việc thành lập một đại đội Tự Vệ Hải Quân, bằng việc tuyển chọn trong hàng ngũ lực lượng Tự Vệ, những thanh niên khỏe mạnh có trình độ học thức và ưu tiên dành cho những thanh niên gốc các ‘vạn chài’ vì nghĩ rằng họ đi biển quen không sợ bị say sóng.
Việc huấn luyện quân sự của đại đội được trao cho ông quản Lãng, quê ở Phúc Nhạc, ông Lãng là thượng sĩ trong quân đội Pháp thời trước; văn phòng kiểm soát thuyền bè được trao cho anh Thịnh là anh của tôi, văn phòng tình báo do anh Thưởng phụ trách, tất cả đại đội đều được đặt dưới quyền chỉ huy của 2 người là anh Trần Ngân lo về nội vụ và tôi lo về ngoại vụ với nhiệm vụ đặc biệt là giao thiệp với hải quân Pháp.
Một điểm đáng chú ý là Tỗng Bộ Tự Vệ Phát Diệm là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện, không ai được lãnh lương cả, gia đình phải sống tự túc, số tiền 300,000 đồng trợ cấp của ông Bảo Đại chỉ vừa đủ nuôi ăn một đội quân hơn 10 ngàn người.
Quân phục anh em đều phải tự lo liệu lấy, không có chuyện thu thuế má của dân chúng, nhưng tinh thần chiến đấu của anh em tự vệ rất cao, không nề quản mọi khó khăn thiếu thốn, bảo đảm an ninh cho đồng bào trong vùng nhờ được ở tinh thần quân dân nhất trí, không có chuyện kỳ thị tôn giáo, nên Việt Minh không dám mở bất cứ một cuộc tấn công nào đáng kể vào khu vực tự trị Phát Diệm trong suốt thời gian 17 tháng.
Địa giới đại đội hải quân chúng tôi phải chịu trách nhiệm là miền duyên hải Phát Diệm, từ sông Càn giáp Thanh Hóa tới sông Đáy, mà số thuyền từ khu IV ở Thanh Hóa và Nghệ An đổ ra Phát Diệm, mỗi ngày một đông, có ngày lên tới 300 thuyền vì Phát Diệm là cửa bể thuận lợi nhất cho dân muốn ‘dinh tê’ về thành. Ngoài ra lại có nhiều thuyền buôn bán các thổ sản từ miền Trung đưa ra và mua đồ ngoại hóa từ Phát Diệm.
Mọi dịch vụ thương mại này hoàn toàn miễn thuế và tự do, và cũng nhờ các thuyền buôn này mà chúng tôi thiết lập được một màng lưới tình báo, đi rất sâu vào các khu vực duyên hải còn dưới quyền kiểm soát của Việt Minh. Đường giây liên lạc và buôn bán bằng đường giây liên lạc và buôn bán bằng đường biển của Việt Minh từ khu IV và từ miền Nam ra miền Bắc đều phải qua cửa sông Đáy là con đường gần nhất, đều nằm dưới quyền kiểm soát của chúng tôi.
Để chứng tỏ chủ quyền quốc gia gọi là mới thu hồi được từ tay của thực dân Pháp và dùng chủ quyền đó như một lợi khí tuyên truyền mạnh nhất, qua chính sách mở ngỏ cửa cho các thương thuyền đi lại buôn bán từ miền Trung ra miền Bắc qua cửa biển Kim Đài, chúng tôi đã tranh đấu cho bằng được là mọi việc kiểm soát trên sông cũng như ngoài biển và tại các bến thuyền đều do lực lượng Hải Quân của Tổng Bộ Tự Vệ chịu trách nhiệm một mình.
Hải quân Pháp chỉ giữ vai trò yểm trợ khi có xung đột với Việt Minh, hoặc theo lời yêu cầu của chúng tôi mà thôi. Chính vì thế vấn đề này đã gây ra nhiều xung khắc giữa tôi và đại úy Sallantin, trưởng đồn hải quân Pháp ở Kim Đài.
Riêng về việc một trung đội hải quân Tổng Bộ Tự Vệ đi thực tập trên chiến hạm của Hải quân Pháp ở Vịnh Bắc Việt là một vấn đề làm tôi nhức đầu rất nhiều. Trước hết là tìm đâu ra tiền để may cho anh em ít nhất là hai bộ quân phục, chả nhẽ cùng sống dưới tàu với tụi Pháp mà quân phục ‘năm cha ba mẹ’ làm sao giữ được thể diện quốc gia, sau đó lại còn vấn đề ẩm thực mình phải tự túc, mỗi khẩu phần ăn của anh em tự vệ chỉ có 1 đồng bạc một ngày, chỉ đủ tiền mua gạo và thêm ít rau cỏ.
Ở trại Kim Đài thì không sao hết, vì anh em hầu hết đều được gia đình tiếp tế, mấy con tôm, con cá hoặc mấy ngọn rau, ăn sao đủ sống thì thôi, vì tinh thần của anh em rất cao đâu có nề quản gì ‘ba cái vặt vãnh đó’!! Nhưng vì thể diện quốc gia, sống chung trên tầu một tháng trời với tụi Pháp làm sao có thể ăn uống một cách ‘đạm bạc’ quá như vậy được!! Còn riêng tôi, trên cương vị sĩ quan đeo lon trung úy, dĩ nhiên ăn cơm cùng bàn với hạm trưởng, nhưng phải trả tiền.
Tôi liền về Tổng Bộ ‘gãi đầu gãi tai’ xin Cha Tổng trợ cấp cho anh em Tự Vệ hải quân giữ được ‘thể diện quốc gia’ đủ ăn đủ mặc bằng người, cha Tổng chỉ cười trừ, nói mỗi tháng chỉ có số tiền trợ cấp 300 ngàn mà thôi, làm gì có dư, bàn đi tính lại với cha mãi, tôi đành nói liều là ‘con đã nhận lời với đề đốc Querville, bằng mọi cách trung đội hải quân sẽ đi thực trong một tháng trên tầu của hải quân Pháp’.
Thế rồi tôi đã xoay đủ tiền bằng cách về nhà năn nỉ ‘bà xã’ lột hết tiền nong, bán hết nữ trang, kể cả nữ trang của con gái Mộng Tiên của chúng tôi, lúc này mới 4 tuổi, và lại còn lên ông ngoại vay thêm tiền nữa, để cho anh em Hải quân Tổng Bộ Tự Vệ của chúng tôi ‘giữ thể diện quốc gia’.
Một ngày rất đẹp trời của mùa hè năm 1950, trung đội Hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ về Phát Diệm ra mắt cha Tổng Hoàng Quỳnh trong bộ quân phục hải quân mầu trắng gọn gàng và sạch sẽ, để chiều ngày hôm đó lên tầu LCI số 101 ở bến Kim Đài để ra khơi học tập một tháng.
Tầu 101 có trách nhiệm tuần tiễu ở vịnh Bắc Việt từ Mũi Né ngang thành phố Vinh ở Nghệ An ra tới Vịnh Hạ Long về Móng Cái. Đời sống trên tầu thật là thoải mái trong những ngày tuần tiễu ở Vịnh Hạ Long, biển êm lặng như trong hồ, tầu chạy giữa những hòn đảo nổi trên mặt nước, đẹp đẽ và hùng vĩ vô cùng.
Tôi không bao giờ quên được những cảnh ở Vịnh Hạ Long, khi đại úy hạm trưởng Paul Blot cùng tôi ăn cơm ở trên sân sau tầu, tôi uống 1 lít rượu chát để ngắm cảnh mặt trời lặn, sỡ dĩ tôi thường có nhiều rượu chát như vậy vì ông Blot theo tướng De Gaulle sang sống ở bên Anh trong thời đệ nhị thế chiến, quen uống trà nên phần rượu chát ông nhường lại cho tôi!
Gọi là đi thực tập, nhưng mỗi ngày tôi cũng phải trực nhiều giờ ở phòng lái, ngoài việc tuần tiễu, tầu LCI 101 còn nhận nhiều công tác khác. Tôi nhớ một chuyến, tầu này phải chở nhiều thùng giấy bạc, chuyển từ một chiếc tầu lớn từ bên Pháp sang nhưng không vào được cửa biển Hải Phòng, nên phải thả neo ở ngoài Vịnh Hạ Long. Khi tầu LCI101 tới bến Hải Phòng thì đầy mật thám Pháp tới giữ an ninh cho tầu, đúng lúc này là phiên tôi trực ở phòng lái, nên tôi thấy nhiều bộ mặt của tụi lai mật thám quen thuộc vì tôi đã hân hạnh bị là ‘khách hàng’ ở nhà tù của mật thám cách đó hơn một năm rưỡi.
Khi tầu cập bến xong, tôi xuống khỏi tầu, xênh xang trong bộ quân phục đeo lon trung úy, tôi liền tiến tới hỏi tụi mật thám này rằng: ‘Mày có nhớ tao là ai không?’ chúng nó ngơ ngác nhìn nhau rồi nói: ’Non, mon lieutenant’ tôi liền bảo chúng: ‘Tao là khách quen thuộc của nhà tù của chúng mày, cách đây một năm rưỡi mà!’ Mãi sau thằng Perre Martin mới nhận ra tôi và hắn vội vàng nói: ‘Ah! Oui, mon lieutenant, vous êtes un de mes cousins.’ (Đúng rồi! thưa trung úy, ông là một trong những người anh em họ của tôi), nguyện là khi bị mật thám bắt lần thứ hai ở Hải Phòng tôi nhận đại thằng Pierre này là anh em họ để khỏi bị ăn đòn tra tấn vì tôi biết mẹ nó là người quê ở làng Tự Tân cách Phát Diệm độ hơn 1 cây số.
Tới buổi chiều, tôi lấy xe jeep rủ hai anh lính thủy Pháp đi vào phố Hải Phòng chơi, nhưng ý chính của tôi là tìm thằng Tây lai mật thám Dehaye, người đã tra tấn tôi và treo chân phải tôi lên hơn hai giờ, tôi đã tìm được hắn trong quán cà phê ở bến xe buýt ở Hải Phòng và đánh cho nó một cái tát nổ đom đóm mắt để trả thù.
Trong chuyến ra khơi lần này, tầu LCI-101 lại chở thêm 2 sĩ quan thuộc phái đẹp trong đội Nữ Trợ Tá Xã Hội của Hải quân Pháp, từ Hải Phòng ra Port Valluy, cuộc hành trình trong Vịnh Hạ Long lần này càng đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Vì hạm trưởng Blot cao hứng bỏ neo tàu, ngay bên cạnh hòn núi gọi là Tháp Bút, thả hai chiếc xuồng ‘youyou’ xuống biển, bơi vào sát núi, dùng dao găm nạy các con hào trong hốc núi, bửa ra, nhúng xuống nước biển, kẹp vào hai miếng cookie mặn, cho vào miệng, làm thêm một hớp vang trắng. Ôi! thật tuyệt vời, nhất là bên cạnh lại có người đẹp ‘hót như sáo’. Đó là cuộc thực tập với hải quân Pháp mà không bao giờ tôi quên được.
Tuần tiễu trong Vịnh Hạ Long thì mơ mộng như vậy đó, nhưng những chuyện ra khơi trong Vịnh Bắc Việt thì thật là khổ sở, vì tầu LCI là loại tầu đổ bộ loại nhỏ của Hoa Kỳ viện trợ cho Pháp thời đệ nhị thế chiến nên gió mùa chỉ thổi hơi mạnh một chút là con tầu nghiêng ngửa, lăn đi lăn lại. Thật là mấy ngày khốn khổ vì nạn say sóng, thôi chả còn nghĩ tới ăn với uống nữa, người mệt rã rời mà vẫn phải trèo lên phòng lái khi tới phiên trực, bây giờ nghĩ tới những giờ phút đó tôi vẫn còn cảm thấy ớn lạnh!
Trong chuyến thực tập trên chiến hạm LCI-101 của hải quân Pháp, anh em Hải Quân Tổng Bộ Tự Vệ, đã học tập tất cả mọi công việc của một người lính thủy và trong một buổi sáng đẹp trời, anh em được lệnh sửa soạn thực tập tác xạ, không phải tập bắn súng trường hay súng máy hoặc súng phòng không mà là tập bắn đại bác. Mọi người đều cảm thấy thích thú vì được học tập bắn súng lớn như vậy.
Chúng tôi nghĩ là tập bắn ngay trên biển cả, nhưng tầu lại được lệnh trực chỉ Cửa Sung, khu vực nằm giữa cửa Sông Mã và Sông Càn ở Thanh Hóa, không quá xa địa hạt miền duyên hải mà Hải Quân Tổng Bộ Tự Vệ chịu trách nhiệm, tôi hơi ngạc nhiên nên quay lại hỏi đại úy hạm trưởng Blot: ‘Chúng ta tập bắn ở biển cả hay bắn đại bác lên đất liền?’, ông Blot chỉ cho tôi tọa độ ỡ gần Cửa Sung và nói đó là lệnh của bộ tư lệnh.
Khi con tầu tới đúng vị trí, tôi hạ lệnh ‘Bắn’ và 5 viên đạn đại bác bay vọt lên và liền sau đó là 5 tiếng nổ ở đất liền và bụi đất bay lên thì cũng đúng lúc đó tôi gục xuống khóc nức nở, hạm trưởng Blot quay lại hỏi tôi: ‘Sao vậy’, tôi trả lời trong nước mắt: ‘Tôi nghĩ tới những con người như chúng ta, những đàn bà trẻ con đang dẫy dụa, chết chóc, họ là nạn nhân vô tội của việc chúng tôi thực tập này,’ ông Blot chắc lưỡi trả lời: “Đó là chiến tranh mà’.
Tôi cảm thấy hổ thẹn vì tôi đã tỏ ra quá xúc động trước mặt người khác, nhưng khốn nỗi, cha mẹ tôi đã sinh ra tôi như vậy, tôi thường rất dễ chẩy nước mắt trước cảnh đau khổ, hay cảnh sung sướng của người khác, ngoài ra tôi lại còn một tật khác nữa là khi phải đối phó với một sự việc cực kỳ nguy hiểm, tự nhiên tôi thấy buồn ngủ không cản nổi, nhưng chỉ cần nằm xuống bất cứ chỗ nào, nhắm mắt lại và ngủ thật say độ vài phút là tôi đứng dậy, và cảm thấy bình tĩnh và sáng suốt giải quyết mọi việc.
Tôi còn nhớ trong vụ xô sát giữa công an Việt Minh và Tự Vệ Công Giáo, mà tôi chỉ huy trong vụ anh Tự Vệ Tống Văn Dung bị công an Việt Minh thảm sát, khi thấy dân chúng đập chết mấy anh cán bộ và tình hình có vẻ bất lợi là đúng lúc tôi buồn ngủ, tôi đã ngủ độ 2 hay 3 phút và khi tôi dậy, tôi đã tỉnh táo ra lệnh cho dân chúng Phát Diệm hoan hô Vệ Quốc Đoàn khi tôi mời họ xuống giữ trật tự và nhặt xác mấy anh cán bộ về. Không lẽ dân chúng hoan hô mà Vệ quốc đoàn lại bắn dân chúng hay sao? Và tình hình Phát Diệm đã êm dịu để cả hai bên Tự Vệ và Việt Minh chôn xác người mình chết.
Trở lại vấn đề thực tập trên tầu hải quân, một ngày chiến hạm LCI-101 cập bến quân cảng Hải Phòng tôi nhận được lệnh lên trình diện đề đốc Querville, tôi trình bầy về kết quả của cuộc thực tập của trung đội hải quân Tổng Bộ Tự Vệ, đề đốc tỏ ý hài lòng và cho tôi biết là ông đã gửi văn thư về trường Huấn Luyện Sĩ Quan Hải Quân ở Poulmic bên Pháp đề nghị tôi được nhập học trường này dưới diện ‘ngoại quốc’. Dưới diện này tôi được miễn khỏi phải qua một cuộc thi nhập học và đề đốc khuyên tôi nên ôn lại các môn học cần thiết nhất là môn toán. Đề đốc Querville tỏ ra có cảm tình đối với công việc của Tổng Bộ Tự Vệ nói chung và tỏ ra rất thân tình với tôi nói riêng.
Sau chuyến học tập mỗi tháng, chúng tôi đã trở về Phát Diệm và dồn mọi nỗ lực vào công việc hoàn thiện tổ chức ngành hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ và tôi đã gửi thư sang Pháp ghi tên vào lớp học hàm thụ sửa soạn nhập học trường Sĩ Quan Hải Quân Pháp của trường École Universelle par Correspondance de Paris. Môn học vất vả nhất đối với tôi là môn đại số học và hình học vì thời học các lớp thành chung ở trường Puginier ở Hà Nội, tôi được ít điểm nhất về 2 môn này và các môn học tôi ưa thích lại là Pháp văn, văn chương và sử địa.
Một khó khăn làm cho tôi bỏ cuộc không nhập học trường Huấn Luyện Sĩ Quan Hải Quân Pháp là vì tôi thấy tôi không thể theo đuổi binh nghiệp được. Trước hết là vì tính tôi phóng khoáng, muốn sống tự do, không muốn bị bó buộc và gò bò trong một khuôn khổ nhất định, hơn nữa ngay từ thời nhỏ tuổi, trước khi lập gia đình tôi đã theo đuổi ‘nghề’ làm cách mạng, mong được sống để làm cách mạng từ chống Pháp đến chống Nhật rồi chống Cộng sản cho tới ngày nay.
Một lý do khác khiến tôi bỏ cuộc gia nhập binh nghiệp là khi bắt đầu nhận trách nhiệm thành lập hải quân của Tổng Bộ Tự Vệ, tôi đã tự đeo cho mình 2 lon của một trung úy để tiện giao thiệp với Hải Quân Pháp đóng ở Kim Đài, ngạch trật đẳng cấp của Tổng Bộ Tự Vệ có ra làm sao đâu!
Vì Tổng Bộ vẫn chỉ là một tổ chức tự nguyện có tính cách nhất thời; chỉ huy trưởng của Tổng Bộ là cha Hoàng Quỳnh, thường được gọi là Cha Tổng mà thôi, nên tôi đeo lon trung úy vi nghĩ thân mình đã có bao giờ là một binh gia đâu mà một bước nhẩy lên đeo hai lon. Nhưng chính vì chuyện khiêm nhượng đeo lon trung úy này đã gây ra nhiều xung khắc giữa tôi và đại úy hải quân Jean Sallantin, chỉ huy đồn hải quân Pháp ở Kim Đài.
Trong công việc giao tiếp hàng ngày với tôi, đại úy Jean Sallantin luôn luôn có giọng điệu của một đại úy ra lệnh cho một trung uý, điều này là cho tôi tức giận có thể vì tự ái và cũng vì chính mình có phải là binh gia đâu, nên tôi không chịu nhận lệnh và còn làm ngược lại để chứng tỏ sự bất phục tòng của một sĩ quan Việt Nam đối với một sĩ quan Pháp. Nhưng sau này tôi nhận thấy Sallantin có lý vì hắn muốn tôi thực tập nhận lệnh cho quen vì hắn luôn luôn nói tới những tuần lễ ‘huấn nhục’ ở trường huấn luyện sĩ quan.
Do đó tôi suy đi nghĩ lại rất kỹ, và tôi đã bỏ cuộc, quyết định không nhập học trường Huấn Luyện Sĩ Quan Hải Quân Pháp nữa vì tôi muốn sống phóng khoáng và tự do, nên tôi ra Hải Phòng để cám ơn đề đốc Querville đã đặc biệt ưu ái đối với tôi trong việc cử tôi đi học trường sĩ quan hải quan. Đồng thời tôi cũng trình bầy những lý do tại sao tôi bỏ cuộc và một trong những lý do chính mà tôi nêu ra là nhà tôi mới sanh con trai đầu lòng mới được hai tháng và một điều tôi không nói ra là tôi chỉ thích ở nhà chơi với hai con của tôi mà thôi!
(còn tiếp)