Chương 28
Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc hoàn tất nhiệm vụ
Từ cuối năm 1950 sang năm 1951, tình hình Bắc Việt trở nên khẩn trương vì quân Pháp phải rút quân từ Cao Bằng về bị chặn đánh ở Thất Khê, mất hơn 2,000 quân, chạy về chỉ được có 1,000, rồi đồn Thất Khê thất thủ, Pháp rút khỏi Thái Nguyên và Lạng Sơn. Trong khi đó Cộng sản Trung Hoa đã thôn tính xong lục địa, quân của Tưởng Giới Thạch, một phần bị tan vỡ một phần chạy được sang đảo Đài Loan.
Nhiều tin đồn được loan truyền là quân đội Liên Hiệp Pháp rút khỏi Bắc Việt, làm cho cao ủy Pháp Pigon phải cực lực cải chính, ngoài ra dư luận ở Pháp cũng như ở Việt Nam lo ngại rằng Trung Cộng xua quân xâm chiếm Việt Nam và Lào, viện cớ Pháp thả bom trên đất Tầu, khi quân đội Pháp rút quân từ Lao Kay về Lai Châu.
Đến ngày mồng 8 tháng 12 năm 1950, đại tướng 5 sao De Lattre de Tassigny được chính phủ Pháp cử sang Đông Dương làm Tổng Tư Lệnh kiêm Cao Ủy Pháp.
Tướng De Lattre de Tassigny cho xây một chiến lũy bêton cốt sắt bọc quanh miền đồng bằng Bắc Việt; hồi đầu năm dương lịch 1951, từ 30 đến 40 tiểu đoàn Việt Minh mở mặt trận dài 120 cây số cùng tiến về Hà Nội. Chừng 40 ngàn quân chính quy Việt Minh ồ ạt tấn công Vĩnh Yên và tiến quân cách Hà Nội có 50 cây số.
De Lattre đích thân chỉ huy mặt trận với số quân tiếp vi ện từ Nam ra, từ khắp nơi ồ ạt đổ về chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Ở mặt trận Vĩnh Yên, De Lattre ra lệnh thả bom napalm giết cả quân Việt Minh lẫn quân Pháp trong thế ‘
cài răng lược’ và sau 10 ngày chiến đấu cam go quân Việt Minh rút hết khỏi vùng Vĩnh Phúc Yên.
Khi các mặt trận tạm thời yên ổn, De Lattre có vẻ lên mặt và có những hành động đặc biệt ‘thực dân’, khinh thường chính phủ Bảo Đại bằng những cử chỉ sỗ sàng như trường hợp đã xẩy ra trong nhà thờ chính tòa Hà Nội. Trong buổi lể cầu hồn cho con trai De Lattre, bị tử trận ở núi Non Nước ở tỉnh lỵ Ninh Bình, cha sở nhà thờ chính tòa Hà Nội thời bấy giờ là cha Trịnh Văn Căn, sau này là Hồng Y Giáo chủ Hà Nội, cho xếp ghế ngồi của thủ tướng Trần Văn Hữu ở chỗ vinh dự nhất theo lễ nghi, và ghế của tường De Lattre de Tassigny được đặt ở phía sau.
Thế là có chuyện rắc rối xẩy ra, sĩ quan tùy viên kéo ghế của De Lattre lên trước, cha Căn kéo xuống nói rằng thủ tướng Việt Nam mới là vị thủ lãnh quốc gia phải ngồi ở chỗ vinh dự hơn một tướng lãnh đại diện cho nước Pháp. Cuộc giằng co ghế kéo dài cho tới khi các quan khách tới nhà thờ và sau buổi lễ, De Lattre được báo cáo về câu chuyện giằng co ghế nên cho mời cha Căn phản ứng ngay bằng một câu ‘chửi’ để đời: ‘
Ông có điệu bộ của kẻ chân trâu’ (Vous avez l’attitude d’un gardien de buffle.) De Lattre cũng đã có điệu bộ của
‘kẻ chăn trâu’ khi muốn chấm dứt nhiệm vụ của Tổng Bộ Tự Vệ Phát Diệm, tức là chấm dứt quy chế tự trị của Phát Diệm và muốn thống nhất hệ thống hành chính của chính phủ quốc gia, điều đó dân Phát Diệm đều biết cả vì ngày 27-1-1951 thủ hiến Bắc phần đã ký nghị định số 465 tái lập tỉnh Ninh Bình và trụ sở của tỉnh được đặt ở Phát Diệm, và việc bổ nhiệm tỉnh trưởng vẫn thuộc quyền Đức Cha Lê Hữu Từ do quốc trưởng Bảo Đại ủy nhiệm.
Như vậy việc giải giáp Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo có thể thực hiện một cách êm đẹp qua một cuộc bàn giao giữa cha Tổng Hoàng Quỳnh và ông Phan Như Ngân là người được Đức Cha Từ bổ nhiệm và cũng là một dân Pháp Diệm, nhưng De Lattre không chịu làm như vậy và chính ông ta đã đánh lừa tự vệ Phát Diệm, bằng việc đưa ra một tuyên cáo do chính De Lattre ký ấn định ngày tất cả Tự Vệ phải mang súng đạn lên đồn Trì Chính để đổi lấy loại võ khí tối tân hơn.
Tin tưởng như vậy nên tự vệ lũ lượt mang súng lên nộp cho Pháp, sau khi tập hợp đầy đủ mọi đơn vị, mỗi tự vệ được lệnh trao súng vào kho, và sau đó mới được phát súng mới, lúc ấy mọi người mới té ngửa ra rằng De Lattre đã đánh lừa để giải giáp lực lượng tự vệ và mọi người bị đuổi về tay không.
Trước khi tước súng của các Tự Vệ Công Giáo, Pháp đã đề nghị với cha Tổng Hoàng Quỳnh thành lập 3 đại đội Tự Vệ đóng ở 3 đồn kiên cố nhất, có cố vấn Pháp được phải tới huấn luyện và được secteur Phát Diệm võ trang và tiếp vận, và 3 đại đội này được coi như lực lượng yểm trợ các đơn vị tự vệ mỗi khi đồn tự vệ bị Việt Minh tấn công. Nghe thì ngon lành lắm, nhưng đây chỉ là một mưu mô của Pháp muốn biến 3 đại đội này trở thành partisan của quân đội Liên Hiệp Pháp và từ đây Pháp chỉ huy 3 đại đội partisan, còn Tự Vệ kể như bị tước khí giới gần hết.
Tới đây Phát Diệm được coi như hết thời tự trị đối với thủ hiến Bắc phần, vì tòa tỉnh trưởng tỉnh Ninh Bình đã được thành lập. Tỉnh Ninh Bình trong đó có Phát Diệm được bảo vệ bởi tiểu đoàn 18 của quân đội Việt Nam quốc gia, và 3 đại đội partisan do Pháp chỉ huy, ngoài ra lại còn mấy đại đội của Bảo An Đoàn thuộc quyền chỉ huy của tỉnh trưởng Ninh Bình.
Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Phát Diệm rất tự hào là trong 17 tháng cầm quyền và tự trị, vùng Phát Diệm không hề bị Việt Minh quấy rối nặng, đời sống của nhân dân được nâng cao trước hết nhờ được mùa liền ba vụ lúa, dân thừa góc gạo ăn vì không bị thu mua và không phải đóng thuế. Công việc làm ăn của dân cũng phát đạt hơn vì không bị cán bộ Việt Minh phiền nhiễu và nền an ninh của xóm làng được anh em tự vệ bảo đảm hoàn toàn nhờ ở tình đoàn kết, nhân dân nhất trí cùng nhau bảo vệ xóm làng.
Từ ngày quân đội Pháp nhẩy dù xuống chiếm đóng Phát Diệm, tình hình chính trị ở Phát Diệm trở nên hết sức phức tạp, một mặt Phát Diệm không chấp nhận hợp tác với Pháp vì Phát Diệm không muốn bị cáo buộc là việt gian hợp tác với quân chiếm đóng là quân đội Liên Hiệp Pháp.
Mặt khác các cơ sở hành chánh và quân đội của Việt Minh đã rút đi hết, Đức Cha Lê Hữu Từ giữ thư khẩn cấp cho Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh, Kháng Chiến quân khu IV yêu cầu bộ đội Việt Minh hợp tác với Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc đánh đuổi quân Pháp ra khỏi khu vực chúng chiếm đóng ở Phát Diệm, nhựng thư yêu cầu của Đức Cha Từ không được hồi âm.
Trong khi đó đại úy Vị, chỉ huy trưởng đơn vị nhẩy dù, gồm toàn người Việt Nam, nhẩy dù xuống chiếm đóng Phát Diệm đầu tiên, đã tiếp xúc với Đức Cha Từ nhân danh quốc trưởng Bảo Đại, gọi là để giải phóng Phát Diệm. Kế đó quân đội Pháp ồ ạt đổ bộ đóng quân ở Trì Chính, cả đơn vị nhẩy dù của đại úy Vị lẫn quân đội Pháp đều giữ lập trường không xâm phạm khu An Toàn Phát Diệm và không can thiệp vào vấn đề hành chánh địa phương.
Bị đặt vào tình trạng bất khả kháng do việc các cơ quan hành chánh và an ninh của Việt Minh đã cao chạy xa bay và quân đội Liên Hiệp Pháp không can thiệp vào vấn đề nội bộ của địa phương Phát Diệm, nên tổ chức Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc thuộc các giáo xứ công giáo đã phải tỏa quân ra kiểm soát khắp nơi để bảo vệ an ninh cho đồng bào, bất kể Phật Giáo hay Công Giáo, và để phối hợp mọi hoạt động của Tự Vệ, Tổng Bộ Tự Vệ đã được thành lập và được đặt dưới quyền chỉ huy của Cha Hoàng Quỳnh.
Khi tình hình giáo khu Phát Diệm đã được gọi là ổn định, Tổng Bộ Tự Vệ Phát Diệm tung quân sang yểm trợ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc địa phận Bùi Chu giải phóng toàn thể khu vực này và Tổng Bộ Tự Vệ Bùi Chu được thành lập để bảo vệ an ninh và trật tự cho đồng bào địa phương. Hoạt động một cách độc lập như vậy cho mãi tới ngày 22 tháng 3 năm 1950, Cựu Hoàng Bảo Đại, Quốc Trưởng Chánh Phủ Việt Nam mới mặc nhiên thừa nhận giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu là khu tự trị về phương diện hành chánh không thuộc quyền của Thủ Hiến Bắc Việt và Phát Diệm được cấp một ngân khoảng là 300,000 đồng bạc mỗi tháng. Ngân khoản này được coi như muối bỏ bể, làm sao đủ để yểm trợ cho gần 10.000 quân tự vệ ngày đêm chiến đấu để bảo vệ xóm làng chống lại du kich quân của Việt Minh.
Tình hình chung về chính trị đã trở nên khá rõ ràng, chính phủ Việt Minh do Cựu Hoàng Bảo Đại lãnh đạo đã đạt được nhiều thành quả đối với Pháp trong vấn để dành lại chủ quyền và Phát Diệm cảm thấy rằng cuộc tranh đấu chính trị giữa phe quốc gia và phe cộng sản đã rõ rệt và tình trạng tự trị của Phát Diệm và Bùi Chu được coi như không còn thích hợp nữa. Và đến đây là lúc ph ải đoàn kết lại thành một khối ủng hộ chính phủ quốc gia Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dành lại chủ quyền đối với Pháp và mặt khác phải chung lưng đấu cật chiến đấu chống lại Việt Minh lúc này đã ra mặt là Cộng sản vì được yểm trợ rất lớn lao của Trung Cộng lúc này đã chiếm xong lục địa Trung Hoa.
Thể theo lời kêu gọi đoàn kết các lực lượng quốc gia của Quốc Trưởng Bảo Đại nhân ngày làm lễ tại Thái Miếu ở Huế ngày 19-1-1951. Phát Diệm tỏ ý muốn dứt qui chế tự trị của Phát Diệm nên ngày 27 ngày 1 năm 1951, do nghị định số 465/PTH, tỉnh Ninh Bình được tái lập và tỉnh lỵ được đặt tại Phát Diệm. Đến ngày 6 tháng 6 năm 1951 tỉnh Bùi Chu được thiết lập do nghị định số 264 Cab/SG của Thủ Tướng Chính Phủ, tỉnh Bùi Chu được tách rời khỏi tỉnh Nam Định gồm các quân Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trục Ninh, Nghĩa Hưng, và Nam Trực.
Trong thời gian này tình hình chiến sự ở những khu vưc ngoài khu Phát Diệm trở nên hết sức trầm trọng, Việt Minh tung 40 ngàn quân chính quy tấn công vào các đồn Pháp đóng ở tỉnh lỵ Ninh Bình và vùng Sông Đáy, nhiều vị trí bị mất đi chiếm lại vài lần như đồn Yên Cự Hạ do đại úy Quyết thuộc tiểu đoàn 18 ở Phát Diệm trấn gi ữ.
Tôi còn nhớ có một đêm, pháo binh của Pháp đặt tại chợ Năm Dân ở Thượng Kiệm, đã bắn yểm trợ cho đồn Yên Cư Hạ tới 1200 trái đạn 105 và 155 ly, và cứ nhịp nhàng bắn suốt từ chập tối cho đến sáng, súng nổ đạn bay vù vù qua nóc nhà của chúng tôi, không ai có thể nhắm mắt mà ngủ được. Và kết quả cho biết đồn Yên Cư Hạ không mất và đại úy Quyết, một người bạn thân của chúng tôi, sau này đã được chính tướng De Lattre de Tassigny đến gắn bội tinh Croix de Guerre của Pháp. Được biết, con trai độc nhất của tướng De Lattre de Tassigny, Trung úy Bernard đã bị tử thương ở gần tỉnh lỵ Ninh Bình trong trận giải vây Yên Cự Hạ.
Trong thời gian tình hình quân sự trở nên sôi bỏng ở tỉnh Ninh Bình thì cũng là lúc ông Phan Như Ngân, sinh quán ở Phát Diệm được Đức Cha Lê Hữu Từ, cử ra làm tỉnh trưởng Ninh Bình, trụ sở đặt tại Phát Diệm vì tỉnh lỵ Ninh Bình cũ đã bị Việt Minh tiêu thổ không còn lại một căn nhà nào.
Ông Ngân đã thỉnh ý Đức Cha Lê Hữu Từ trao cho tôi trách nhiệm tổ chức cơ sở công an và dĩ nhiên trong đó có cả dịch vụ tình báo. Đây là công tác tôi ưa thích nhất vì tôi có thể đứng bên trong, không nhận bất cứ một chức vụ nào, nhưng được quyền tuyển chọn nhân sự. Do đó tôi có thể nói được là đảng Duy Dân nắm tất cả những vai chính về phương diện chính trị để chúng tôi ‘vững bụng’ đấu tranh chính trị với Việt Minh và phá vỡ tất cả những âm mưu xâm nhập của Việt Minh để có thể bảo vệ được an ninh cho vùng Phát Diệm.
Một điểm khác đáng được chú ý là Phát Diệm được coi như cửa ngõ cho đồng bào ở các thành phố tản cư thời xung đột Việt Pháp bắt đầu nay muốn ‘dinh tê’ về thành một cách an toàn nhất.
Trưởng ty Công An tỉnh Ninh Bình do tôi đề nghị là anh Nguyễn Văn Xướng, anh em cột chèo của tôi và cũng là con một địa chủ giầu nhất huyện Gia Viễn và là chỗ thân tình với Đức Cha Lê Hữu Từ; anh Xướng trước đó là ủy viên trong ban thường vụ của Mặt Trận Việt Nam Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc đã cùng với cha Hoàng Quỳnh và chúng tôi hoạt động suốt từ năm 1944 và bị công an Việt Minh bắt giam một thời gian.
Phó trường ty là anh Phạm Văn Thuấn, một đồng chí Duy Dân, đương nhiệm phó trưởng ty Công An ở tỉnh Hưng Yên; trưởng phòng chính trị là anh Lê Ngọc Ngoạn, một anh em cô cậu của tôi và là một chiến sĩ Duy Dân và tự vệ công giáo hăng say vào bậc nhất. Trưởng phòng hành chánh là anh Tô Văn Tám, một đồng chí Duy Dân từ Hà Nội về, các anh Xướng, Thuấn, Ngoạn đều đã qua đời, riêng anh Tô Văn Tám hiện nay đang ở San Jose, còn lại những trưởng phòng khác hoặc nhân viên đều là chỗ thân tình đối với tôi hoặc là anh em trong gia đình hay anh em hướng đạo.
Danh sách của tất cả các nhân viên của ty Công an tỉnh Ninh Bình do tôi đề nghị đã được ông Phan Như Ngân chấp thuận, và sau đó tôi trình danh sách này lên Đức Cha Lê Hữu Từ và sau hết là tôi đem lên Hà Nội tiếp xúc với ông Nguyễn Đình Tại, giám đốc Sở Công An Bắc Việt và danh sách này đã được ông Tại chấp nhận và ký giấy bổ nhiệm.
Ty Công An Ninh Bình đã hoạt động rất đắc lực, phá vỡ được rất nhiều các tổ giao liên của Việt Minh và ngăn chặn được rất nhiều vụ đột kích của du kích quân. Và nền an ninh của vùng Phát Diệm được bảo đảm, dù có tới 40000 quân chính quy Vệ quốc đoàn xuất quân và kịch chiến nhiều trận với quân đội Pháp và tiểu đoàn 18 ở những vùng sông Đáy chung quanh Phát Diệm.
Vùng Phát Diệm vẫn duy trì được tình trạng an ninh sau khi tỉnh Ninh Bình được chính thức thiết lập. Sỡ dĩ tình hình được tốt đẹp như vậy là nhờ anh em Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc ở các xứ đạo vẫn tiếp tục hợp tác với lực lượng Bảo Chính Đoàn và Công an của tòa tỉnh trư ởng Ninh Binh mới được thành lập, sau khi Tổng Bộ Tự Vệ Công Giáo Cứu Quốc ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự bắt đầu sôi động lại khi sư đoàn 304 và 316 của Việt Minh kéo về hoạt động mạnh ở vùng đồng bằng Bắc Việt và đêm ngày 26 năm 1952, Việt Minh đã mở một cuộc đột kích vào vòng ngoài của vị trí đóng quân của Pháp ở Trì Chính. Một điểm đáng chú ý là chúng không xâm nhập vào khu An Toàn Phát Diệm, nhưng vì chúng đã ‘thụt’ bích kích pháo từ khu vực nhà thương của dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Phú Vinh, bắn vào đồn Trì Chính, nên quân đội Pháp đã phản pháo bằng đại bác.
Mức thiệt hại về vật chất của dân chúng ở thị xã Phát Diệm được coi như không đáng kể, ngoại trừ ngôi nhà lầu được dùng làm bộ chỉ huy của tỉnh bộ Bảo Chính Đoàn ở ngay đầu đường vào khu An Toàn bị mìn phá xụp đổ. Số thiệt hại về nhân mạng thì chỉ có gia đình người chị thúc bá của tôi, ở gần nhà thương bị trúng đạn đại bác của Pháp làm cho 5 người bị thiệt mạng.
Tình hình Phát Diệm trở lại yên tĩnh ngay sáng ngày hôm và theo tin tức nhận được thì Việt Minh bị thiệt hại nhiều vì rút quân quá muộn sau khi mặt trời mọc, nên chúng bị phi cơ Pháp truy kích kịch liệt và sau trận đột kích này quân đội Liên Hiệp Pháp đã điều động tiểu đoàn bộ binh người Algérien về đóng ỏ Trì Chính và tiểu đoàn 5 Lê Dương về đóng ở Phúc Nhạc. Tình hình ở khu vực chung quanh Phát Diệm được coi như ‘tương đối’ an ninh trong một thời gian và những vùng ở xa Phát Diệm, du kích Việt Minh bắt đầu trở lại hoạt động một phần nào.
Tình hình chiến sự ở Bắc Việt nói chung đã trở nên sôi động hơn sau một thời gian 3 năm mà quân đội Pháp chỉ chiếm đóng một số thành phố, thị xã và không dám mạo hiểm hành quân mở rộng ra khỏi vị trí đóng quân, trong khi đó chiến thuật của Việt Minh áp dụng là ‘chạy’ chứ không chịu nghênh chiến và chỉ chú trọng vào công tác tiêu thổ kháng chiến và kiểm soát vùng nông thôn cùng giữ vững tinh thần trường kỳ kháng chiến của dân chúng.
Nhưng kể từ ngày Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung Hoa và thống chế Tưởng Giới Thạch cùng tàn quân của quân đội Trung Hoa Quốc Gia đào tẩu sang Đài Loan, Việt Minh thay đổi chiến lược chú trọng vào việc tấn công các vị trí đóng quân của Pháp và đạt được nhiều tiến bộ về quân sự, nhờ Mao Trạch Đông ra lệnh cho hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, giáp giới Việt Nam viện trợ vũ khí, đạn dược và lương thực.
Vào hồi tháng 2 năm 1950, sau khi Trung Hoa ký kết hiệp ước Liên Minh Tương Trợ với Liên Sô, Mao Trạch Đông cử tướng Lã Quý Ba sang Việt Nam làm cố vấn cho Võ Nguyên Giáp và nhiều chuyên viên Trung Cộng đủ mọi ngành cũng được cử sang làm cố vấn cho bộ đội Việt Minh xuống tới cấp đại đội. Đồng thời một số sĩ quan Việt Minh cũng được cử sang Trung Hoa thụ huấn về quân sự.
Tình hình biên giới Hoa Việt trở nên khẩn trương, ngày 15-9-1950, đồn Đồng Khê trên đường thuộc địa số 4 giữa Lạng Sơn và Cao Bằng thất thủ, trên 3000 quân Pháp đóng ở vùng này phải rút đi và chỉ có 200 người chạy trốn được về miền dưới. Quân Pháp nhẩy dù xuống cứu đồn Đông Khê nhưng không tái chiếm được.
Đến ngày 8-10-1950, quân Pháp rút quân từ Cao Bằng bằng đường thuộc địa số 4 nhưng bị chận đánh ở Đông Khê, 2000 quân Pháp vừa bị chết hoặc bị bắt làm tù binh, chỉ có 1000 quân trốn thoát, rồi đồn Thất Khê cũng thất thủ, Thái Nguyên cũng chịu chung một số phận.
Riêng tại Thất Khê và Cao Bằng, Pháp mất 75 sĩ quan, 292 hạ sĩ quan và 2949 lính. Ngày 18-10-1950 quân Pháp bắt đầu rút lui khỏi Lạng Sơn và 2 tuần lễ sau quân Pháp cũng rút khỏi Lao Kay kéo quân về đóng ở Lai Châu.
Quân đội Pháp đóng dọc biên giới Việt Hoa phải rút về miền đồng bằng và tướng Trung Cộng Lã Quý Ba tỏ ra hoan hỉ về chiến công của Việt Minh, giúp cho Trung Hoa thoát khỏi áp lực của quân đội Pháp đóng dọc theo biên giới, quân đội Pháp được Hoa Kỳ viện trợ rất mạnh về không quân, nên Việt Minh bị thiệt hại nặng trong những trận tấn công các đồn quân Pháp đóng ở miền đồng bằng.
Nhất là trong trận đánh ở Ninh Bình, nguyên trận đột kích vào Phát Diệm, Việt Minh bị thiệt hại rất nặng vì bị phi cơ Pháp dùng bom napalm đốt phá khi bộ đội Việt Minh tháo chạy giữa ban ngày trên cánh đồng không mông quạnh giữa Phát Diệm và Yên Mô.
Trận Việt Minh đột kích vào Phát Diệm ngày 26-6-1952 là lần đầu tiên Phát Diệm nếm mùi chiến tranh thực sự. Từ đó về sau cho tới trận tấn công toàn diện trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, đưa đến gần một triệu dân Việt miền Bắc phải di cư vào miền Nam, khi đất nước bị chia đôi, Phát Diệm không hề bị tấn công trực diện mà chỉ bị du kích Việt Minh xâm nhập dần.
Sỡ dĩ được như vậy là vì tướng Lã Quý Ba biết mình tính lầm về khả năng truy kích của không quân Pháp nên cố vấn cho Việt Minh thay đổi chiến lược tìm cách dụ quân Pháp tiến vào vùng rừng núi.
Pháp bị mắc bẫy vì tin tưởng rằng Việt Minh không thể tấn công vào các vị trí đóng quân của Pháp sau dẫy núi Trường Sơn, cho rằng Việt Minh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp vận lương thực vì dân thưa thớt ở miền rừng núi, và việc tiếp vận súng ống lên miền núi là điều Việt Minh không thể thực hiện được.
Nhưng Pháp đã lầm vì Việt Minh đã dùng hàng ngàn, hàng vạn xe đạp để ‘thồ’ lương thực và đạn dược, tiến qua các vùng rừng núi nhanh đến nỗi quân Pháp không kịp trở tay và cũng từ đó đưa đến trận Điện Biên Phủ mà Pháp đã thua trận và quân đội Phap đầu hàng vô điều kiện.
Trong chiến lược dụ quân Pháp tiến vào sau dẫy núi Trường Sơn, Việt Minh đã mở 3 chiến dịch lớn ở Lào, chiến dịch thứ nhất tấn công vào Luang Prabang, thủ đô của vương quốc Lào. Việt Minh đã tiến quân tới cách Luang Prabang 50 cây số về hướng Bắc.
Để cắt đường tiếp tế của bộ đội Việt Minh từ Việt Nam sang Lào, quân Pháp cho 6 tiểu đoàn nhẩy dù xuống Điện Biên Phủ, nhưng Việt Minh lại ngưng tấn công vào Luang Prabang và mở luôn chiến dịch thứ hai tung quân chiếm đóng Thakhek ở Trung bộ xứ Lào và tiến quân xuống Hạ Lào, buộc Pháp phải chia quân ra trấn giữ miền Nam Lào và xử dụng một số lớn phi cơ vào việc tiếp tế.
Rốt cuộc Việt Minh lại tấn công vào Luang Prabang một lần nữa, tiến quân xuống chỉ còn cách thủ đô này 35 cây số. Quốc Vương xứ Lào phải sang lánh nạn ở Thái Lan. Pháp lại thả dù thêm quân xuống Điện Biên Phủ, hòng chặn hậu chiến tuyến bao vây thủ đô Lào của Việt Cộng.
Trong số biệt kích Pháp đưa lên Điện Biên Phủ có một đơn vị gồm toàn thanh niên Phát Diệm xung phong đầu quân, nhưng rất may là Pháp lại bốc nhóm này về miền xuôi trước khi Điện Biên Phủ bị cô lập và thất thủ.
Đến giai đoạn này, Việt Minh lại thay đổi chiến lược, không tiến quân chiếm thủ đô vương quốc Lào, nhưng lại dồn quân trở lại bao vây Điện Biên Phủ.
Pháp cho nhẩy dù thêm quân, Việt Minh lại càng bao vây chặt chẽ hơn nữa cho tới ngày súng cao xạ phòng không của các nước cộng sản Đông Âu viện trợ cho Việt Minh đầy đủ hơn, không quân Pháp đành chịu thua, không thể phái phi cơ để thả dù thêm quân hoặc lương thực, xuống Điện Biên Phủ được nữa.
Hơn nữa nhiều đại bác cỡ lớn đã được Trung Cộng viện trợ và bộ đội Việt Minh cùng dân công đã dùng sức kéo băng qua suối, vượt qua đèo đến mặt trận Điện Biên Phủ bắn xối xả vào các cứ điểm quân sự của Pháp.
Ngày 8 tháng 5 năm 1954, sau nhiều đợt Việt Minh xung phong theo chiến thuật biển người, Điện Biên Phủ đã bị tràn ngập và quân đội Pháp phải kéo cờ trắng đầu hàng sau 55 ngày cầm cự. Số thương vong của Pháp tại Điện Biên Phủ vừa chết vừa bị thương là 4000 quân sĩ và 8000 quân sĩ và tướng tá bị bắt làm tù binh.
Sau khi quân đội Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ thì tại Hội Nghị Gevève, Pháp và Việt Minh đạt được thỏa hiệp ngừng bắn thu quân về những khu vực chỉ định. Việt Minh muốn sự chia khu vực được giản dị nghĩa là cắt đôi Việt Nam, theo đó bộ đội Việt Minh ở miền nam vĩ tuyến 17, tập kết ra miền Bắc. Quân đội Pháp và của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Bắc rút về miền Nam.
Tuy đạt được thỏa hiệp ngừng bắn ngày 26 tháng 5, 1954 nhưng mãi đến ngày 21 tháng 7 năm 1954 Hiệp Định Genève mới được ký kết, theo đó thời hạn tối đa để rút quân hai bên là 300 ngày kể từ ngày Hiệp Định có liệu lực.
Trước ngày ký kết Hiệp Định Genève độ một tháng, tức ngày 23 tháng 6 năm 1954, chính quyền tỉnh Ninh Bình được lệnh triệt thoát khỏi Phát Diệm và dĩ nhiên là dân chúng cũng ồ ạt triệt thoái theo.
Và đến đây chấm dứt Một Thời Tranh Đấu ở Phát Diệm và Một Thời Tranh Đấu khác chống Cộng Sản Việt Nam được mở ra từ năm 1954 đến năm 1975, và ở hải ngoại từ năm 1975 đến nay.
(còn tiếp)