KÝ SỰ: CỨU TRỢ LÀNG CÙI PLEIKU.
KÝ SỰ CỨU TRỢ LÀNG CÙI PLEIKU. 16/4/2022 Hơn 4 giớ sáng, tôi thức dậy làm vội ly café pha sẳn, rồi tạm biệt bà nhà tôi, nhổ neo lên đường cho chuyến hành trình Tây nguyên đã hẹn trước với Duy Dũng - trưởng đoàn thiện nguyên. Thực chứng để thấy được sự vất vả cũng như tình yêu thương của những người đồng hành. Gần 5 giờ, tôi đã lên gần nhà anh Duy Dũng. Tôi đã đi lại lắm lần, có lẽ vì trời tối nên không vào đúng địa chỉ. Tôi lẫn quẫn gần vài mươi phút nhưng không được, trí nhớ có vấn đề? Tôi gọi anh, anh chỉ đường. Cuối cùng cũng vào nhà bởi có đi là có đến. Phụ với anh bỏ đồ lên xe là khởi hành. Đồng hồ trên tay chỉ 5h 5ph. Đón Thu Diệp trên Trần Nhân Tôn Q10. Không ngờ cô bạn ngày xưa học chung một lớp có mặt trong chuyến đi này. Bấy giờ nhân sự trên xe là 4 người, v/c anh Duy Dũng, Thu Diệp và tôi. Xe bắt đầu lăn bánh theo hướng xa lộ ra ngã 4 Vũng Tàu để đón sư cô Huệ Ý trụ trì Bảo Châu ni tự. Tôi gọi sư cô: “Xe bắt đầu trực chỉ ngã tư Vũng Tàu, sư cô chuẩn bị xe ra là đi ngay”. Bên kia đầu dây sư cô có vẻ lung túng: - Mô Phật. Tôi đang đón xe, không có xe nào dừng. - Không sao cô, tụi con mới bắt đầu ra xa lộ. Cứ thong thả đàng nào cũng có thôi Xe chúng tôi quẹo trái ghé đậu tại ngã tư Vũng Tàu chờ sư cô. Bình minh trên xứ sở này cũng nhộn nhịp chẳng thua kém Sài Gòn, những con người cùng nhau thể dục buổi sáng, xe cộ bắt đầu náo nhiệt đón ngày mới. Tôi và Duy Dũng xuống xe đốt vội điếu thuốc, sản khoái bởi sáng đến giờ mãi vội vả cho kịp giờ. Thường như thế sẽ không cảm thấy sướng, chao ôi, giờ nghe đã đời làm sao! Điện thoại tôi reo: - Alo sư cô - Anh nói với anh Dũng đón tôi tại cổng chợ ngã 3 Vũng Tàu trên đường xuống Vũng Tàu. - Cô đợi tí, Xe sẽ đến đón cô ngay. Mười phút sau là xe đến, anh Dũng và tôi thu xếp hành lý của sư cô lên xe, oh la la, cô chuẩn bị đủ thứ để ăn dọc đường. Tính sư cô chu đáo trong mọi chuyến đi. Xe trực chỉ băng thẳng qua ngã tư Vũng Tàu thẳng Dĩ An, Bình Dương – Con đường này tôi chưa đi bao giờ, nhờ có anh Dũng sành điệu nên biết đi tắt rất nhanh đến QL 14. Con đường đi Tây Nguyên đây rồi. Tuyệt. Trên xe, từ khi có sư cô Huệ Ý không khí sôi nổi hẳn lên, cuộc trò chuyện trên xe bắt đầu rôm rả không có hồi kết cho đến khi dừng lại ăn sáng ở Bình Phước. Chiếc xe của anh Duy Dũng sau gần 5 tiếng đồng hồ miệt mài trên đường cùng tay lái lụa già cũng dừng lại dưỡng sức để 5 người trên xe: V/c anh Duy Dũng, sư cô Huệ Ý, Thu Diệp và tôi cũng tiếp năng lượng cho cuộc hành trình thú vị này. Thường tài xế đường dài biết quán nào ngon rẻ, anh Duy Dũng đâu kém cạnh. Trời ạ, món nhà hàng nấu khá ngon và hợp khẩu vị Quảng Ngãi, có điều chị Hội vợ anh Dũng đi chợ hào phóng nên còn dư thức ăn ê hề. Không sao. Miễn là cả xe thoải mái là Ok. Anh Dũng được khuyến mãi phích nước trà mini để giải khát dọc đường sau khi ăn chúng tôi làm sạch phích trà Bắc thật ngon của anh pha từ nhà. Chiếc xe sau lần nghỉ ngơi lại băng băng như tuấn mã, DakNong thành phố còn non trẻ tuy vậy khách du gọi đây là Đà Lạt thứ 2, vẫn những hàng thông ba lá đẹp, thơ mộng, nếu tôi chụp một bức hình các độc giả sẽ nghĩ rằng đây là Đà Lạt. So với Bình Phước thì DakNong khí hậu mát mẻ hơn nhiều, tôi cũng đã nhiều lần về đây, có lần nhận quà những trái Sầu riêng ngon đâu kém sầu riêng Long Khánh. Câu chuyện trên xe lại tiếp tục hết quá khứ đến hiện tại, diễn đàn chiến sự “Nga and Ukraine” lần nữa trở thành đề tài nóng. “Người đả đảo, kẻ hoan hô/ Thì ra thế sự cả bồ liêu trai” nhưng trong xe chúng tôi đồng tình cuộc xâm lượt của Nga quá phi lý, làm tan hoang các thành phố đất nước Hướng Dương lộng lẫy, kiêu sa mà đằm thắm, sông Đông không còn êm đềm rồi, những thành phố tuyệt đẹp bỗng chốc điêu tàn, dân Ukraine phải tứ tán tỵ nạn qua các quốc gia khác, mà con số thông tin lên đến hơn 4 triệu người ly quê! Thế hệ chúng tôi trải qua cuộc chiến tranh nội quốc khốc liệt thấu hiểu những cơ cực và khổ đau bởi chiến tranh hủy diệt tất thảy. Nếu, rồi đây hòa bình lập lại liệu bao lâu chính phủ Ukrane sẽ tái lập và chắc chi đã được như xưa. Đau xót cho dân dân Ukrane. Xe đã qua DắKNong, đến Dakmil. Hồ Dakmil vẫn êm đềm soi bóng, Thoáng vèo xe đã đến Buôn Mê Thuột, tài xế Dũng rất cẩn thận đi đúng bản chỉ dẫn đường bộ nên mọi việc chẳng có gì xảy ra. Sư cô có người bạn cũ sẽ tháp tùng về Quảng Ngãi gọi điện cho cô Như Ý “đón chị ở TP Ban Mê Thuột, ngay Coopmart trên đường xe ngang qua”. Sư cô nói lại với anh Dũng, anh nhờ anh bạn thân thiết dẫn đường Viet map là biết chính xác địa chỉ chị ấy. Và rồi chị Vinh lên xe, tiếp tục về Gia Lai. Đích đến sẽ là nhà Quang Sáng, nơi chuẩn bị đầy đủ phẩm vật cứu trợ cho 3 làng cùi: Làng Khơir (Chư Prông), Làng K’Riêng (Đức Cơ), Làng Chia (Iagrai) mà anh chị Dũng + Hội đã chuyển ra từ trước. Hành trình của chúng tôi tiếp tục, trên xe vẫn rôm rả những câu chuyện, đã lâu lắm từ khi trận dịch Covid hoành hành đến nay mới có chuyến đi dài, hình như ai nấy cũng vui. Thu Diệp nghe nói đến Đức Cơ – Một địa danh nổi tiếng với những trận đánh dữ dội của sư đoàn 3 Bộ binh thời trước mà nhạc và thơ thời ấy chúng tôi biết được. Sau này là mộ địa của các bộ đội Việt Nam qua Cambodia giúp đánh chế độ diệt chủng Ponpot. Diệp bèn hỏi tôi, Dũ có nhớ bài thơ có 4 câu mà một người bộ đội Việt Nam ghé thăm mộ các anh em đồng đội, ngày ấy chỉ lưa thưa vài hàng khi anh giải ngũ. Khi anh trở lại thăm nhiều mộ quá, đến nỗi không ngờ bởi anh chỉ có mỗi bó nhang, nhờ vậy có bài thơ hay. May quá, bài ấy viết trong tạp chí quân đội, số báo nhân ngày thương binh, liệt sĩ năm nào tôi còn nhớ. “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội/ Một nén nhang trầm biết làm sao/ Thôi đành cắm ở nơi đầu gió/ Hương khói đừng quên nấm mộ nào” (Nguyễn Sơn/ Thăm mộ đồng đội). Thời ấy, tôi nói với các bạn làm thơ: thôi đừng nên viết đề tài này nữa, Nguyễn Sơn đã viết hết rồi về chuyện thăm viếng mộ đồng đội. Chưa hết Thu Diệp còn lấy sổ tay bảo tôi chép lại trên xe. Viết trên xe khó lắm, nó cứ lắc lư chữ viết như cua bò, tuy vậy Thu Diệp đọc được, vậy là ok. Tài xế Dũng can trường lắm, không cần ghé quán café nào giải lao, vẫn tay lái vững thong thả đến khi trời sắp tối xe mới dừng lại ngã 3 Hàm Rồng, Pleiku ghé ăn tối, lúc ấy cũng đã gần 6 giờ chiều, ở Gia Lai, trời đã bắt đầu nhá nhem. Thì ra Duy Dũng toan tính rất chuẩn mực, đoạn đường còn lại không bao nhiêu, chạy xe buổi tối phải căng mắt mệt lắm. Chúng tôi ăn tối rất thoải mái, mỗi người mỗi đĩa cơm, quán nào cũng chu đáo món chay nóng cho sư cô Huệ Ý, bởi sư cô có thức ăn mang theo. Xong, Chiến mã chúng tôi lại tiếp tục hành trình về nhà Quang Sáng, rất may là đoạn đường vắng nên Duy Dũng ít nhọc nhằn hơn. Gấn 8 giờ tối là xe đã đậu trước nhà Quang Sáng. Vào nhà xã giao với gia đình chút xíu rồi đi ngay. Trước nhất là lo chỗ ngủ cho quý cô đàng hoàng đã, từng tuổi này ngồi xe trong suốt hành trình hơn 600 cây số đến nơi là sure rồi. Tuy thế phải lo giấc ngủ cho các cô để tiếp tục, chặng đường ngày mai vất vả hơn. Xong đâu đó tôi, Duy Dũng và Quang Sáng lai rai giải mỏi chút. Đàn ông mà. Vậy mới hay Quang Sáng cũng biết làm thơ, ngoài ra còn tham quan vườn lan khá bài bản dù mới chỉ xây dựng vài năm. THỰC CHỨNG ĐỂ YÊU THƯƠNG 17/4/2022 Bình minh trên cao nguyên yên ả, trời còn mù sương. Ai đã từng lên Pleiku mới thấy cái dễ thương của núi rừng tây nguyên lành lạnh, Sài Gòn ngột ngạt từ nhà ra đường, ở đây khác hẳn, đã đời làm sao. Vài người đi sớm mưu sinh trong trang phục có áo khoác tôi chứng kiến mới hiểu dòng thơ Vũ Hữu Định “Phố núi cao, phố núi mù sương…” Cũng may là khi hôm Duy Dũng và tôi được Sáng bố trí phòng ngủ với đầy đủ chăn, mùng nên cũng lại sức, khỏe re. Tôi thưởng thức cái lành lạnh của Pleiku chừng ấy cũng đủ cảm xúc. Vào nhà, ba ly cà phê pha sẳn, anh em chuyển ra vườn lan sau trò chuyện. Ly café cón nóng, bình trà Bắc thơm lừng ấm áp vô cùng. Không gian hoa và hương nhè nhẹ làm sản khoái, có lẽ thêm năng lượng cho ngày mới sắp đến, mặc dù Sáng nói: - Lát nữa các anh (Nhất là anh Dũ lần đầu) sẽ vất vả bởi các địa điểm rất xa nhau. - Hỉ có chông, anh giang hồ mà. “Đã quen thói dọc ngang từ dạo ấy/ và lỡ rồi nợ núi với duyên sông” nên rất thường tình em à. Cô vợ của Sáng, o Hường cũng nhiệt tình, đi rất sớm để chuẩn bị cho bửa ăn sáng bánh hỏi, thịt heo và cả chả lụa nữa. Cảm ơn vợ chồng Sáng chu đáo. Anh Dũng đã đón các cô trở lại, ai nấy cũng vui vẻ, hân hoan. Quanh bàn ăn lại rôm rã chuyện trò trong tình cảm yêu thương gia đình. Mẹ của Sáng Hường cũng vui vì các bạn chúng tôi ai cũng hòa nhã thân tình, mới biết mà cư xử rất gần gủi. Xe chất hàng cứu trợ cũng đã đến, Tôi và cộng sự phụ chất hàng, Sáng và anh Dũng cũng quen sắp xếp nên rất gọn gàng, gần 200 phần quà đã ngay ngắn trên xe, bác tài xế chiếc tải trung cũng chu đáo ràng thật kỹ. Anh cũng dễ mến và thân tình ngay. Trước khi khởi hành anh em chúng tôi cũng có tấm hình kỷ niệm cùng với cô cộng sự dễ thương, trẻ trung năng động và bác tài. Điểm đến đầu tiên là làng cùi - Làng Khơir (Huyện Chư Prông), Chiếc xe trông thật tội nghiệp, quanh co và rừng trong những làng mạc heo hút, cách xa xóm làng thường dân. Dường như xã hội còn lo sợ sự lây lan của bệnh phong cùi. Mặc dù khoa học đã chứng minh không lây lan như người ta lầm tưởng ở thế kỷ 19 và đầu 20. Dù sao thì sự an toàn cho tất cả cộng đồng vẫn hơn. Có lẽ vậy. Tôi lấy điện thoại chụp một vài người tay chân bị cùi, mục đích minh họa cho bài viết này. Tuy trong lòng vẫn yêu thương họ, chẳng hề ngại ngần, mỗi người một hoàn cảnh và số phận đi qua thế kỷ này. Lại nghĩ, sở dĩ họ nghèo khó khổ sở bởi xa xôi, heo hút ít có người đến để làm từ thiện vì những lý do trên. Thực nghiệm chuyến đi này tôi mới thấy bạn tôi v/c Duy Dũng thật tuyệt vời. năm nào cũng vậy cứ có đủ chuyến là tranh thủ lên trên này để giúp đỡ, chia sớt nỗi bất hạnh cùng họ. Chúng tôi cùng với Sanh tranh thủ phát quà khi đã đông đủ, người tổ trưởng phụ nữ rất chu đáo, gọi tên họ lần lượt nhận quà, không chen lấn. Sanh rất rõ từng cá nhân người nhận nơi đây, Cảm ơn v/c anh Dũng và Sánh đã có tấm lòng với làng cùi heo hút và quá nghèo khó này. Ai cũng phát quà để có kỷ niệm chuyến đi thú vị này. Tôi tranh thủ chụp hình. Nói như nhà Phật có thực chứng mới biết, hiểu và thương. Lòng ai cũng chùng xuống khi những ánh mắt nhìn cảm tạ và cái vẫy tay không có bàn tay… ám ảnh tôi cho đến khi tôi bình tâm viết những dòng ký sự này. Tranh thủ qua làng thứ 2, làng K’Riêng ở Đức Cơ cách xa lắm, cũng như lần trước chuyến xe chở hàng dẫn đường, xe chúng tôi chạy sau qua các con đường vắng vẻ và thỉnh thoảng mới có người. Tranh thủ cũng xong mọi diễn biến cũng vậy, với sự quen việc của Sáng và anh Dũng mọi thứ đều suông sẻ. Rồi những bàn tay vẫy, ánh nhìn biết ơn của những người số phận không may mắn nơi làng cúi ấy sao giản dị nhưng đầy ám ảnh tôi, có người nói cảm ơn với anh Dũng tôi không hiểu được, thì ra họ nói pha giữa tiếng của họ với tiếng Việt chưa rõ ràng. Tranh thủ ăn trưa ngoài đường nhựa khi xe chuyển hướng về Làng Chia (huyện Iagrai) Chúng tôi lại đến địa điểm sau cùng, mọi việc đều ổn cả, anh tổ trưởng nơi đây rất gọn gàng giúp chúng tôi phát quà nhanh nhạy. Anh đại diện bà con làng cùi cảm ơn đoàn rất rõ ràng. Hình như anh tiếp xúc người Việt nhiều hơn thì phải? Cảm động lắm trong đoàn chúng tôi có lẽ ai cũng ấn tượng và vui vì được đến tận nơi để thăm hỏi và sớt chia với những kẻ khốn cùng thật sự trong xã hội này. Những mỏi mệt dường cũng tan biến, trên đường về cô cộng sự của Sáng không còn bở ngỡ như buổi đầu, huyên thuyên nói về những sinh hoạt nơi địa phương, thỉnh thoảng cô cũng nói chuyện gia đình của cô cho chúng tôi nghe, thì ra cũng bương chải lắm, tiếng cười rộn rã trong xe, có lẽ ai cũng nghĩ rằng “mình đã làm việc một ngày thẳng thắt với ý nghĩa tuyệt vời Giúp người là gieo hạt tình thương trên vùng đất nghèo khó bệnh tật này” phải không nào? Trời đã xế bóng, chiếc xe dường như không cảm thấy mỏi mệt trên đoạn đường về nhà Sáng, nó băng băng chạy, hàng cây ven đường lùi lại, bạt ngàn nương rẫy xanh mút mắt, chẳng mấy chốc chiếc xe đã đậu trước nhà. Hình như lúc quay về đoạn đường ngắn lại. Đúng như dự toán của anh Dũng, chúng tôi tạm biệt Sáng với những lời chân thành. Mẹ và vợ chồng Sáng chia tay chúng tôi trong niềm quyến luyến. Hẹn cùng gia đình em sẽ gặp lại. Chúng tôi có thêm một đứa em dễ thương đầy lòng từ tâm thật đáng trân trọng. Thật tuyệt vời phải không các bạn tôi. NGÃ DU TỬ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.05.2022 12:54:48 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
KÝ SỰ 2. KONTUM LÂU LẮM TRỞ LẠI 18/4/22 Đúng 5 giờ chiều chúng tôi lên đường đi KonTum. Thành phố Tây nguyên cuối cùng phía bắc, tuy nhỏ hơn Ban Mê Thuột và Pleiku, nhưng gọn gàng, ngăn nắp, so với cách đây 8 năm khi tôi lên, thời gian làm thay đổi và tiến bộ quá nhiều, nhà phố đẹp khang trang hơn hẳn. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà anh chị Ân Liên bạn của vc Duy Dũng, nhà giáo về hưu trên mặt tiền phố chính Hùng Vương, nhà cao cửa rộng mấy tầng lầu. Chị người Sông Vệ, cùng quê anh Dũng cũng là đồng nghiệp với anh chị Dũng Hội, anh người Bình Định cũng là nhà giáo, sau khi nghỉ hưu nghe nói anh chị nuôi nai cuộc sống đàng hoàng các con thành đạt. Nhìn cơ ngơi của anh chị đủ hiểu. Chị mau mắn lắm: - Các em hôm nay ở lại nhà anh chị nhé, phòng ốc rộng rãi, tiện nghi đầy đủ. Các bạn tôi đồng tình, các bạn và sư cô một phòng, tôi và Duy Dũng một phòng, có lẽ anh chị cũng đã có kế hoạch lưu lại chúng tôi nghỉ đêm. Sau khi tắm rửa phục hồi sức khỏe, bàn ăn đã được dọn ra, tất cả món ăn tự tay chị nấu nướng, khá thịnh soạn lâu lâu mới có em út từ sài Gòn ra mà lị. Bửa cơm tối ấm áp, thân mật, trò chuyện rất cởi mở, thoải mái. Anh biết uống rượu, anh đãi chúng tôi rượu sâm Ngọc Linh – một loại sâm đặc biệt của Việt Nam. Sâm Ngọc Linh chỉ trồng trên đây mới tốt, chất lương hơn cả sâm Hàn quốc. Sau đó chúng tôi làm cuộc văn nghệ bỏ túi tại phòng khách, anh chủ nhà nghệ sĩ lắm, anh đàn và ca hát, rồi chị nữa và ai cũng vậy. không khí rộn ràng và thân ái vô cùng. Đến 10h khuya là kết thúc, để còn ngày mai chúng tôi về Quảng Ngãi, đoạn đường còn xa nên nghỉ sớm, mặc dù còn thích kéo dài thêm, không ngờ chúng tôi lại có cuộc văn nghệ bỏ túi thú vị thật. Cuộc đời có những bất ngờ như ý không ai có thể lường trước phải không nào? Tôi, Duy Dũng và anh Ân còn ngồi nán lại trao đổi riêng tư về nhân sinh quan tí nữa mới chịu lên phòng nghỉ. Buổi sáng hôm sau19/4 anh đãi chúng tôi món bún cá đặc biệt. Thời trước, trên cao nguyên cá rất ít, biển Quy Nhơn là duy nhất cung cấp cá mắm cho KonTum, nhưng giờ đây phương tiện chuyên chở nhanh quá tuyệt nên cá tươi ngon. Tô bún cá Kon Tum không thể chê vào đâu được. Rất ngon. Rất tiếc chị Liên đã bận hứa với nhóm bạn đồng đạo nên không thể đi cùng. Xong chúng tôi ghé quán cà phê sang trọng, toàn kiến trúc gỗ nằm trên mặt tiền Lý Thường Kiệt, cây cảnh và sự bài trí rất đẹp chứng tỏ chủ nhân có kiến thức về kiến trúc. Tất cả chúng tôi đề uống trà Lipton. Trà Lipton ở KonTum và Quảng Ngãi như nhau, nghĩa là như trà Cung đình ở Huế và Sài Gòn, nó đầy đủ các vị thuốc Bắc, nào cam thảo, xí muội…rất ngon. Chúng tôi có chụp một số hình để minh họa, rất tiếc điện thoại ấy không còn, uổng ghê. Tạm biệt và cảm ơn anh chị Ẩn Liên đã cho chúng tôi lưu lại và có buổi họp mặt thú vị, xe chúng tôi trực chỉ Quảng Ngãi bằng đường này mà xưa người Pháp khai thông, bây giờ trông hẹp và khó đi. Tuy nhiên Duy Dũng quyết định đi đường này mặc dù chính quyền Kontum đang sửa chửa mở rộng tuyến đường này vì đến Măngđen – khu du lịch nghĩ dưỡng mà chính quyền KonTum đang đầu tư và về Quảng Ngãi bằng QL 24B. Xe qua Kon Plông rời khỏi thành phố KonTum gần hai tiếng đồng hồ xe dừng lại khu du lịch Măng Đen. Khu du lịch Măng đen hôm nay cũng rộn ràng xây dựng, nhất là các village trên đường chính, hai bên đường trang trí khá bắt mắt, người ta trồng hoa trên vĩa hè rất nhiều hoa đẹp. Tôi chú ý Hoa mua, có lẽ mua châu Âu thì phải? màu sắc sặc sỡ hơn hoa mua Việt, có lẽ đây là nơi du lịch chiến lược của tỉnh KonTum. Nơi đây cách TP KonTum không xa, trước đây cả trăm năm người Pháp khám phá khí hậu tuyệt vời như Đà Lạt, nên gọi Đà Lạt thứ hai của vùng Tây Quảng Ngãi, Bắc KonTum tuyệt làm sao. Thông ở đây như thông Đà Lạt, cây to tàn đẹp, gió vi vu reo vui đón chúng tôi cùng vài đoàn xe đậu dọc đường, thì ra thời đại vật chất tương đối người ta có xu thế du lịch để thưởng ngoạn và mở rộng tầm mắt. Cảnh trí và khí hậu nơi này dễ thương và mát mẽ làm sao. Anh Dũng cho xe chúng tôi dừng lại để tham quan và lưu lại những tấm ảnh để kỷ niệm cho chuyến đi. Xe di chuyển về Quảng Ngãi trên QL 24B, con đường hẹp và khó đi, “tay lái lụa già” đã đi qua con đường này rồi nên chẳng tí gì nao núng, nhất là những khúc quanh cùi chỏ. Thỉnh thoảng có chiếc xe ngược chiều tránh nhau rất gay go. Tuy vậy, con đường này còn nguyên khu rừng nguyên sinh rất tuyệt, nếu ai đã từng qua đoạn đường này có lẽ cũng thấy rừng Việt Nam còn nhiều nơi rất đẹp. Rất tiếc sau 1975 người ta quản lý lỏng lẻo, thậm chí tiếp tay phá rừng vô tội vạ nên các khu rừng chẳng còn bao nhiêu. Trong khi các quốc gia khác cẩn thận gìn giữ và khuyến khích tăng diện tích rừng trồng. Buồn. Xe lên tới đỉnh đèo, chúng tôi còn được Duy Dũng cho dừng lại chụp bài tấm hình lưu niệm. Nhớ ca sĩ, nhạc sĩ Duy Khánh “Ta đứng trên đỉnh đèo này ta hát vang với gió, ta đứng trên đỉnh đèo ta vui đời tự do” nghe nói rằng khi ông cùng đoàn ca nhạc về Nghĩa Hành biểu diễn tại sân Vận Động Chợ Chùa, nhạc sĩ đi vào đèo Eo Gió Nghĩa Hành, Quảng Ngãi quê tui, ông dừng lại trên đỉnh đèo và có cảm xúc viết bài này? Chẳng mấy chốc "con ngựa sắt trường chinh" của Duy Dũng bang lên đỉnh đèo Violak, chúng tôi dùng lại và chụp vài tấm hình trên đỉnh đèo này, vẫn là khu rừng đẹp còn hoang sơ. Ba Tơ đây rồi, chúng tôi đã đến địa đầu Quảng Ngãi, lẽ ra sẽ đi con đường về Nghĩa Hành mời các bạn ghé nhà chơi, nhưng gia đình anh Dũng có việc chúng tôi bèn xuống đường dọc theo sông Trà Câu về Mộ Đức ghé dâng hương ông cụ người nhà gia đình Dũng + Hội. Đây cũng là cơ duyên để chúng tôi có mặt dâng nén hương cho cụ ông. Nhờ có sư cô Huệ Ý nên buổi dâng hương rất trang nghiêm. Cụ bà – vợ ông tuy ngoài 90 vẫn còn minh mẫn và vui vẻ trò chuyện, hai anh chị trưởng nam tiếp chúng tôi tận tình và chu đáo. Gần tiếng đồng hồ ở đây, rồi chúng tôi chia tay, tiếp tục về khách sạn Mỹ Khê, người nhà gửi mận vườn làm quà, tình người nông thôn lúc nào cũng đằm thắm. Xe bon theo QL 1 về tới thành phố Quảng Ngãi ghé nhà đón bạn Út, người bạn chân thành đã chuẩn bị sẵn thức ăn cho chúng tôi để đến Mỹ Khê thưởng thức sau khi tắm biển xong. Xe qua cầu Cổ Lũy – một công trình mới của Quảng Ngãi mới khánh thành năm trước, lần đầu tôi được đi qua, Cầu dài, đẹp nhất Quảng Ngãi, có lẽ tôi phải trở lại cây cầu này để chụp vài tấm hình khoe cùng các bạn rằng quê tôi giờ đây cũng có cây cầu xứng đáng. Xe về khách sạn Mỹ Khê - khách sạn Mỹ Khê một trong những khách sạn đẹp tại đây, sau khi nhận phòng chúng tôi ra ngoài nhà hàng ngồi lại hàn huyên. Lâu lắm chưa về lại với biển quê nhà, lần nầy cùng bè bạn với nhau thưởng thức món ăn quê hương nghe sóng biển ầm ào, khúc nhạc của sóng triền miên có lẽ là tiếng réo gọi người đi xa trở lại quê nhà. Cảm giác bình yên trở về với biển hình như mệt mỏi không còn hiển hiện. Tôi đã từng đứng trước biển nhiều nơi trên đất nước này, nhưng lần này cảm giác thật lạ lùng, bãi biển sạch sẽ tạo cảm giác sung sướng, có lẽ là biển quê nhà nên vậy chăng? Khỏe như tắm, nhất là tắm biển. Tất cả đoàn xe chúng tôi cùng xuống biển. Biển miền trung trong xanh, thoai thoải tuyệt với lắm, nếu các bạn có dịp đến Quảng Ngãi tắm biển sẽ cảm nhận được điều này. Sướng nhất là khi tắm rửa xong có cả bàn ăn toàn hương vị quê nhà. Món cháo sò tuyệt làm sao. Út còn nói với chúng tôi: - Đặc sản nổi tiếng Mỹ Khê các bạn à, ai đến đây cũng thích. Thương hiệu Mỹ Khê Loay hoay cũng đến chiều, thương chú tuấn mã bụi đường Tây nguyên còn bám đầy tôi và anh Dũng ghé lại tiệm rửa xe chải chuốt lại cho lịch lãm để mai còn tiếp tục cuộc hành trình. Tôi và anh ghé café Mỹ Khê, trên lầu 1 gió lộng lộng. Làm ly café để tối còn trò chuyện với Duy Dũng, phải thẳng thắn nói rằng café Quảng Ngãi rất ngon đặc biệt là trà Lipton đầy đủ các loại và dùng đường phèn ngọt và thanh không đâu có thể sánh bằng. Ở Sài Gòn, nếu muốn thế phải gọi trà “Cung Đình” mới có thể. Ngủ nghỉ qua một đêm lại sức sáng ra các bạn café, tôi có Hữu Sơn một bạn văn nghệ lên đón để làm chuyến du khảo bỏ túi. Vì vậy tạm biệt các bạn, hẹn lần khác. Một chuyến đi quá thú vị, rất tiếc không cùng các bạn hành trình cho đến kết thúc bởi tôi còn bận Diễn Đàn Sông Quê số 10 có giấy phép chuẩn bị in, bài vở mới có 2/3 tôi phải vào sớm hơn để tổng hợp biên tập và chuyển dàn trang. Tất thảy tụ tán cũng từ nhân duyên, dù tiếc nuối cũng phải về thôi xa bạn thôi. Như thế cũng quá vui phải rồi phải không các bạn yêu mến của tôi. Ai cũng vui vẻ chia tay. 3.
DU KHẢO BỎ TÚI VỚI TRẦN HỮU SƠN, DỰ ĐÊM THƠ NGUYỄN NGỌC HƯNG (CHỢ CHÙA) Như đã nói, Sơn đón tôi rất sớm sợ không kịp thời gian, Sơn ghé quán cháo lòng theo yêu cầu của tôi, cháo lòng rất ngon có cả dĩa thịt và gan heo, thịt thơm còn có miếng bánh tráng nướng, ớt Xiêm quê nhà đã làm sao. Tôi nhớ hoài kỷ niệm với ông nhạc tôi, mỗi lần về chợ Chùa ông thường dắt tôi đi ăn sáng món này nên nhớ đời. Sau đó café với các bạn Sơn ở Mỹ Khê. Xong, ghé thăm nhà thơ Tố Diễm, một thời lừng lẫy với trường ca Đoạn trường liên thanh hơn 10.000 câu lục bát, anh bây giờ yếu, đi lại khó khăn, tuy vậy anh cũng thích chụp với tôi và Sơn dù rất vất vả - tấm hình kỷ niệm chắc khó quên lắm. trò chuyện với anh cũng lâu, rồi cũng tạm biệt anh. Kính chúc anh thật an vui. Đến trưa. Rất may, Trần Hữu Sơn cùng tôi dự đám giỗ gần nhà ở quê Sơn rất đầm ấm. Sơn trịnh trọng giới thiệu tôi với các anh nơi ấy “Đây là anh Ngã Du Tử nhà thơ cũng là chủ biên tạp chí Sông Quê, bạn văn của Sơn ở Sài Gòn mới về, rất oai”, vì vậy các anh em mời bia tôi liên tu, người nông thôn họ thân thiện và thích vậy. Tôi uống cũng chừng mực vì còn phải về thăm nhà Sơn. Tôi vào chào mẹ Sơn và cô vợ xinh xắn của Sơn, hỏi thăm rồi lên nghỉ trưa tại phòng khách. Cơ ngơi Sơn ngon lành quá, nhất là tủ đồ cổ và nhiều chậu Bonsai rất đẹp, công phu lắm. Đúng là nghệ nhân, nhà thơ. Tôi và Sơn ghi vài hình kỷ niệm tại nhà và vườn, “Nhiếp ảnh gia” – Vợ Sơn chụp hình cũng sure lắm, chúng tôi có vài tấm ảnh đẹp. Tôi nhờ Sơn làm một chuyến du khảo bỏ túi chùa Minh Đức và cầu Cổ Lũy. Sơn tận tình dừng lại cầu Cổ Lũy nhiều nơi chụp ngược xuôi phía phố Quảng Ngãi, phía Thiên Ấn, phía chùa Minh Đức, thậm chí chụp tại tấm bản giới thiệu cầu Cổ Lũy. Xong, Sơn còn giúp tôi dạo quanh chùa Minh Đức đang thi công trên núi Thiên Mã, công trình to lớn, đồ sộ quá, nghe đâu cả vài ngàn tỷ. Chỉ là quan sát vội nhưng cũng thấy được một số tượng đã dựng có vài khiếm khuyết, thiếu thẩm mỹ, nhất là tượng Đức Di Lặc to lớn nhưng nhìn kỹ các bạn sẽ thấy điều này, ngay cả tiểu cảnh như voi đứng cạnh con ngựa. Rất uổng. Công trình còn dài, nên chăng tìm một mẫu đẹp rồi làm như thế, đành rằng điêu khắc gia ta chưa bằng các điêu khắc gia châu Âu, châu Mỹ hay Nhật ,Trung Hoa… nhưng đây là công trình để đời cần phải cẩn thận yếu tố thẫm mỹ. Rất mong. Loanh quanh cũng mất vài tiếng đồng hồ. Thú vị lắm. Hơn 4 giờ chiều, trời còn nắng thật gắt, bụng có vẻ đói, kiếm tô don hương vị đặc sản, Sơn ok, chúng tôi xuống núi hướng về TP Quảng Ngãi ghé quán Don. Mỗi lần về quê tôi thích ăn mấy món: Bún bò, Don và bánh xèo. Sài Gòn loại gì cũng có, thậm chí ngon hơn nhưng sao tôi hoài thích hương vị quê nhà. Rất vui khi ăn Don chúng tôi ngồi nói chuyện văn chương tình cờ, ông xã bà chủ quán ấy ở gian nhà trên nghe được, ông pha trà ngon rồi khi chúng tôi xong bửa ông mời khách. Được biết ông là người tu xuất, bao nhiêu năm học Hán tự trong chùa nên chữ “Ta”(ông nói) tức chữ Nho rất giỏi, ông viết chơn rất đẹp. Chúng tôi đàm đạo gần tiếng đồng hồ rồi vội vàng chia tay bởi tôi có hẹn với các anh em và Thầy Phạm Thiện dự đêm thơ Nguyễn Ngọc Hưng tại Chợ Chùa. Tôi và Sơn hẹn lần sau sẽ nói chuyện nhiều hơn. Sơn chở tôi đến nhà Hùng Ân lật đật ra về vì đi cả ngày với tôi. Rất cảm ơn nhà thơ quê nhà cùng tôi làm chuyến du khảo rất vui và dù trời Quảng Ngãi nắng, nóng lắm. Tôi nói chuyện rất vội với anh Hùng và mượn xe anh chạy thẳng về Chợ Chùa bỏ vội balo là chạy xuống café Cát Tiên để dự đêm thơ: “Nghiêng bóng chiều vẫn râm mát trời quê” (đêm 19/4/2022) của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, ở quê nhà Chợ Chùa, Nghĩa Hành. Phải nói rằng tôi đã từng dự nhiều lễ ra mắt tác giả tác phẩm của nhiều người thành danh tại nhiều nơi, nhất là Sài Gòn nơi tôi sống. Thế nhưng về Nghĩa Hành tôi không ngờ đêm thơ Nguyễn Ngọc Hưng thành công đến thế. Hân hoan Chúc mừng Nguyễn Ngọc Hưng và thầm cảm ơn Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi và phòng văn hóa thông tin huyện Nghĩa Hành phối hợp tổ chức chu đáo. Lượng khán giả hầu như chật kín quán Café Cát Tiên, Chợ Chùa và cũng chẳng ngờ dân Quảng Ngãi nhiều xe hơi đến vậy. BBT Sông Quê của tôi ở Sài Gòn ngoài tôi, còn có anh Trần Quang Châu cùng đi với người bạn. Tôi có mời nguyên nhóm Sài Gòn ra với tôi dự đêm thơ Hưng, rất vui các bạn đúng 7 giờ tối cũng lên tham dự, tôi phải hướng dẫn chiếc 7 chỗ của nhóm Phạm Duy Dũng đậu tuốt trong hẻm sâu phía bên kia đường, đến khi tôi tiễn các bạn ra về chờ lấy xe ra lâu ơi là lâu. Nguyễn Ngọc Hưng thật hạnh phúc, rõ ràng các anh em rất yêu mến Hưng. Ra về quá đói vì từ chiều đến giờ chưa ăn gì, tôi mời Trần Tấn Châu ghé Chợ Chùa ăn cháo Vịt, hai đứa ghé quán cháo trò chuyện luôn. Xong, Châu thanh toán mới sướng chứ. 3. CAFÉ CÙNG BÈ BẠN CHỢ CHÙA Trong đêm thơ Hưng tôi đã mời thầy Phạm Thiện và Nguyễn Diên Xướng, ngày mai (20/4/ 2022) lên Duy Thành café, tối ấy tôi tranh thủ ghi trên Facebook vài dòng mời bè bạn. Sáng hôm sau quá vui vì số lượng anh chị em rất đông, không ngờ có Phong từ Hoa Kỳ vừa mới về cũng có mặt. Và rồi tôi đến sớm để đón an hem, chỉ có Nguyễn Diên Xướng thì ra Xướng rất đúng giờ hẹn. Sau đó nhiều bạn, không ngờ hôm ấy rất đông vui. Cảm ơn bè bạn một thời áo trắng hoa mộng, vô tư nhưng đẹp nhất cuộc đời tuy ngày ấy đời sống quá khổ. Buổi hàn huyên đến 11h mới tạm biệt, lưu luyến chia tay. Sau đó Xướng, Tư và tôi về quán Đồng Xít làm tăng 2, “Mình ba đứa hôm nay gặp nhau, nâng ly bia sực nức mùi thơm quê nhà”. Thú vị làm sao. Xướng có việc buổi chiều ở trường nên phải đi, chúng tôi nhổ neo rời Nghĩa Hành. Về Hành Đức ghé thăm Viên, anh em lại 3 đứa Tư, Viên Dũ và tôi gặp nhau, thăm nhau, sau một thời gian dài chưa gặp lại. Tí rượu để trò chuyện và hát Karaoke cho giải nghễ. Nhà cửa cơ ngơi khang trang của Viên làm tôi yên lòng, một thời Viên cũng bôn ba Sài Gòn, Long Khánh. Cuối cùng về quê nhà hợp lý hơn. Chia tay tôi về thăm gia đình Dần Đạm, café với Dần rồi vội vả về thăm nhà ở quê. Vòng một vòng vườn xưa, nhà cha mẹ tôi vẫn còn đây, nhưng thời gian đã đổi thay sau hơn 40 năm giả từ. Ký ức xưa chợt vỡ òa khi nhớ buổi ra đi. Tôi viết: TRỞ VỀ NHỚ BUỔI RA ĐI
Trở về vườn cũ nắng lên Bâng khuâng trước cửa, bên thềm gió reo Bốn mươi năm thoắt quá vèo Ngẫn ngơ tôi đứng hồn treo nóc nhà Nhớ thật lâu dáng cha già Thời gieo neo ấy lòng cha ngậm ngùi Về nguyên quán nơi chôn nhau Qua thời quan cách. Lòng đau chín mười Hình như lịm tắt tiếng cười Các con bỗng ... hoá thành người nông dân Bút rơi. Cuốc xuổng ân cần Đắng lòng quê, thân… xác thân rã rời ... Biệt quê, chạy tuốt xứ người Sài Gòn ngày ấy giúp thời trẻ trai Ơn trời cơm áo lai rai Rất may còn chút tương lai con mình Bốn mươi năm cuộc trường chinh Ngồi nhớ lại bỗng thấy mình giỏi giang Phúc duyên con cái đường hoàng Biết yêu thương, hiếu để cùng mẹ cha Về vườn cũ nhớ mẹ cha Thương ngày ấy, thuở sơn hà tai ương Thời gian dâu biển dặm trường Làm sao xoá được vết thương tâm hồn. (2022) Xuống thăm gia đình Thịnh Thúy, trò chuyện rất lâu, anh em ruột thịt nhưng khi mỗi đứa một nơi cách trở nên cũng ít khi gần gủi. Gặp lại vui lắm. Sáng hôm sau anh Hồ Nghĩa Phương hẹn tôi đi thác Minh Long, tôi và anh café rồi anh nói: - Đột xuất, nay có giỗ cụ Huỳnh Thúc Kháng có cả đoàn Quảng Nam quê hương cụ vào cùng Quảng Ngãi tổ chức nữa, chúng ta ghé thắp nén nhang, rồi đi. Hôm ấy gặp rất nhiều anh em ở đêm thơ, nhất là trò chuyện với anh Phúc VHTT huyện Nghĩa Hành. Sau khi hành lễ xong, tôi và anh lên đường, đích đến là thác Savan – Thác còn nguyên sơ ít dấu chân người ở Long Sơn, huyện Minh Long. Rất may đến nơi, gặp nhà của Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Quảng Ngãi, đang về thư giản ở đây. Ns bất ngờ hỏi: - 2 nhà thơ đi du lịch à? Anh Phương trả lời: - Có Ngã Du Tử ở Sài Gòn về muốn đến cảnh đẹp quê nhà. - Vậy à, mời vào uống trà. Trà cũng mới pha, còn nóng. - Tks nhạc sĩ, anh em chúng tôi vào Chúng tôi trò chuyện với nhạc sĩ dăm bảy phút chủ yếu thăm hỏi, rồi mau chóng đi suối. Trời nắng dữ dội, nhưng bên dưới con suối lượn lờ thơ mộng, hơn nữa trên đầu có nón anh Phương đã trang bị nên từ dưới lên nguồn suối chừng cây rưỡi số vẫn bình yên. Lâu lắm có cuộc thăm suối ngoạn mục nên cũng hổng đến nỗi mệt nhọc, thỉnh thoảng dừng lại tiếp nước ‘vận động viên không còn trẻ’ mồ hôi nhễ nhại ướt cả áo, có cơn gió nhẹ vô tình ngọt ngào làm mát cả lòng người xa quê trở về. Mệt nhọc hình như cũng trôi đi. May quá, có đôi tình nhân cùng đến suối vì vậy tôi và anh Phương cũng thú vị vì chụp suối có người mẫu. Rất tiếc không có máy ảnh chuyên nghiệp, chụp điện thoại thôi cũng đã. Đói, thì ra lội bộ lên dốc núi mau đói hỉ? Tôi và anh trở lại, ns Tuấn có việc phải đi chẳng có nữa, cửa vẫn bỏ trống. Gọi ơi hỡi chẳng thấy anh, bèn quay về kiếm gì ăn. Đúng là vùng này sau 1 giờ trưa chẳng còn quán ăn nào, anh em bèn chạy tuốt về Chợ Chùa ăn bánh xèo Vịt. Rất ngon. Xong anh và tôi cafe ở quán Thiên Phúc của Loan gần nhà. Thì ra anh cũng quen biết nhà bác Đặng Châu. Tạm biệt và cảm ơn anh, hẹn gặp lại anh sẽ tiếp tục với anh - người dẫn đường đầy kinh nghiệm, tuyệt vời khi trở về quê nhà. Tôi trở về nhà xếp hành lý xuống trả xe Honda và lên xe để vào Sài Gòn vì đã đặt vé bởi Tc Sông Quê còn bề bộn bài vỡ, tuy nhiên Tạ Vũ nghe tôi gọi điện đã ở nhà Hùng Ấn, Vũ đề nghị tôi đổi chuyến ngồi lại tâm tình lâu quá không gặp, tôi gọi nhà xe may là họ đồng ý. 3 tiếng đồng sau, thế là an tâm ngồi lại. Thế là mồi và bia đã ê hề, bàn nhậu cũng đã đầy, thời nay chuyện mồi rất dễ, bạn bè cũng đã có 5 anh em: chủ nhà Phan Hùng, Tạ Vũ, Trần văn Lâm, Dũ, Nhật, Tân xúm lại hàn huyên chuyện trò, hát hò đến khi nhà xe gọi Trần văn Tân mới chở tôi xuống bến xe về nhà. Tôi trở về sau chuyến đi dài 7 ngày từ Sài Gòn qua 4 tỉnh nguyên rồi về thăm quê với nhiều cảm xúc, lòng thấy thật vui vì quanh mình rất nhiều bè bạn yêu mến chân thành, cảm ơn cuộc đời, cảm ơn bạn bè còn có nụ hôn. Như thế là kết thúc chuyến đi. Ngã Du Tử Viết sau chuyến đi dài đầy thú vị 16/5/2022
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.01.2023 18:51:13 bởi Ct.Ly >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: