ÔNG LÃO BÁN BÁO VEN ĐƯỜNG

Tác giả Bài
Mru Thăng
  • Số bài : 15
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 28.05.2022
ÔNG LÃO BÁN BÁO VEN ĐƯỜNG - 29.05.2022 18:24:17
       Ông lão ngồi bán báo ở nơi gốc cây bên lề đường Thành Thái ,gần BV Nhân dân 115 quận 10 . Năm nay ông đã bước sang tuổi 81.Thật khó mà tin được một người tuổi tác cao như ông mà vẫn kiếm sống bên lề đường. Hai năm trước trong một lần nói chuyện,ông tâm sự với tôi mình bán đến năm 80 tuổi sẽ nghỉ.Nhưng năm nay ăn Tết xong hôm báo ra số tân niên,tôi vẫn thấy ông ngồi bán như thường lệ.Hỏi thì ông cười khà chỉ cái xe đạp máy mới toanh dựng cạnh cột điện sát bên bảo: ”Ở không buồn lắm chú ! Cũng may đứa con gái lớn có hiếu thông cảm bố mua cho chiếc xe đạp điện này.Nhờ nó, tôi không còn vất vả khi đi lấy báo ở đại lý.” Tôi hỏi thêm :” Thế ông còn tính ngồi bán mấy năm nữa ?” Ông nheo mắt đăm chiêu :” Khó biết lắm chú ơi ! Không biết trời còn thương mình bao lâu.So với người ta, tôi đã thọ lắm rồi.Nhưng chú cứ tin đi.Tôi sẽ ráng ngồi bán báo đến qua World Cup .”              
       Ông lão bán báo là hình ảnh quen thuộc với tôi ở con đường này đã nhiều năm qua.Khách mua báo của ông là các bệnh nhân đi khám bệnh ở BV Nhân dân 115,khách qua đường.Ông còn bỏ báo tháng cho một số hộ trong khu phố.Riêng tôi, khi còn đi dạy học,ngày nào tôi cũng ghé ông mua báo.Phần thương ông già cả,phần vì thấy ông là người hiền lành,chân thật.Ai đưa lộn tiền,ông trả lại ngay.Có người mua báo quên mang tiền,ông bảo cứ mang báo về xem mai trả cũng được.Ông lão dễ thương,dễ mến nên khách quen ít ai ngưng mua báo của ông.Vài ba người thấy ông bán báo đông khách,cũng mang báo xề đến gần chỗ ông bày bán nhưng số khách mua chẳng là bao. Sau vài tuần thấy cạnh tranh không lại,họ tự động rút lui.
       Từ khi nghỉ hưu,tôi thường đi bộ tập thể dục buổi sáng ngang qua chỗ ông bán báo.Mới tờ mờ chưa tới 5 giờ đã thấy ông yên vị bên lề đường với các xấp báo xếp lớp lang gọn ghẽ.Những ngày rảnh rang,đi bộ xong tôi hay đến ngồi cạnh bên nghe ông tâm sự.Ông kể quê của mình ở tuốt tận Cà Mau.Thuở bé ông làm giao liên.Khi đất nước chia đôi,ông về Sài Gòn làm lơ xe rồi học lái chuyển sang làm tài xế xe khách.Thâm niên gần 40 năm nhưng ông chưa hề gây tai nạn giao thông nào.Ông bảo nhờ phước ông bà và cũng do mình lái xe cẩn thận.Tôn trọng luật giao thông chưa đủ mà còn phải biết nhường nhịn những tay tài háo thắng giành đường.Nó ham tài chạy ẩu, mình không nhường thì có khi chết cả hai mà còn gây hậu quả khôn lường cho hằng trăm hành khách.Khi tuổi ngoài 60,ông tự xin nghỉ lái dù chủ xe vẫn còn tin cậy tay nghề.Chỉ được dăm tháng,ông chán lối sống ăn không ngồi rồi dựa vào con cái.Ông quyết định ngồi bán báo bên lề đường,thà sống tự lập mà vui. Đang quen lao động phải ngồi một chỗ thấy tù túng lắm,không chịu được. Hỏi ông :”Bán vất vả thế này tháng ông kiếm được bao nhiêu ? “ Ông giơ tay chỉ vào mấy xấp báo và nói :”Chú thấy đấy,tôi bán có mấy mặt báo người đọc ưa chuộng thôi và khách quen thương tôi mà mua nên hiếm khi ế báo lắm. Ngày bán trên trăm tờ là thường,cộng thêm bỏ báo tháng tôi cũng kiếm trên 2 triệu đồng tháng cũng bằng lương hưu của mấy người cùng xóm. Mà chú biết không? Tôi chỉ bán đến 7 giờ rưỡi hoặc 8 giờ kém là nghỉ rồi. Ngày lao động non nửa buổi mà có ngồi nắng nôi đâu, sao gọi là vất vả được ? “
      Nghe ông lão bênh vực cho cái nghề bán báo của mình một cách nhiệt tình,tôi thấy xót thương và thông cảm, không nỡ xăm xoi thêm bởi những ngày nắng thì không sao chớ đất Sài Gòn này không hiếm những ngày mưa bão thất thường mà tuổi cao sức già như ông chịu sao thấu.Thấy tôi trầm ngâm, dường như đọc được suy tư của người đối diện,ông vỗ vai tôi nói:” Tôi tự biết mình hơn ai hết.Con cái nó cũng hiểu sức tôi còn trụ được nên chúng mới chấp nhận tôi tiếp tục công việc này.Tôi nay đã cao tuổi,ít bệnh vặt nhưng một khi đau ốm ắt là bệnh nặng. Cho nên nếu một ngày nào đi ngang qua đây,chú thấy tôi vắng mặt liền vài ba ngày thì hãy chúc phúc cho tôi.”
 
         Mru Thăng
 

Ct.Ly