Nguyễn Lương Tuấn
-
Số bài
:
223
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 15.03.2011
|
CẢM NHẬN ÂM NHẠC
-
24.06.2022 20:37:14
CẢM NHẬN ÂM NHẠC Theo dõi trào lưu âm nhạc, tôi vẫn thấy âm nhạc thường gắn bó với nỗi buồn. Cổ nhạc của nước ta, nhạc cung đình chẳng hạn, ai nói là vui. Các điệu ca nam ai, nam bằng, các nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, đàn lục huyền cầm, ... giữa đêm khuya nghe mà muốn chết quách cho rãnh nợ. Rồi dòng nhạc Âu Mỹ, nhạc đồng quê, giai điệu vẫn nhẹ nhàng nhưng không thoát được tính trầm buồn. Xa hơn nữa, nhạc cổ điển, ai bảo là không buồn? Sau này các dòng nhạc tiếp nối, như nhạc rock, nhạc hit, hop, ...chẳng qua chỉ là một phản ứng trong tuyệt vọng của con người trước sự khủng hoảng của vấn đề sinh mệnh! Âm nhạc là ngôn ngữ kỳ diệu của con người. Nó làm cho con người gần gũi nhau hơn, cảm thông nhau hơn, nhưng nó vẫn không thoát được thân phận của nó, đó là: “Rằng hay thì thật là hay. Nhưng nghe ngậm đắng nuốt cay thế nào” Tại sao? vì bản chất của con người là như thế. Kiếp nhân sinh thường vui ít buồn nhiều. Những ngày vui thường qua mau, và nỗi buồn sao dài đằng đẵng. Con người trong vô thức luôn muốn phản ứng lại số kiếp của mình. Nó là nỗi ám ảnh lớn nhất đưa con người rơi vào nỗi cô đơn khi phải đối diện với vực thẳm hư vô là cái chết. Đã nói đến phận người thì ta nghĩ đến vấn đề số kiếp, ấy là không thể khác đi được: vui ít, buồn nhiều. Ông Đặng Tiến nói rằng, bản chất con người là cô đơn, cụ thể con người chào đời bằng tiếng khóc “oa, oa” chứ không bằng tiếng cười “ha, ha”. Có trường hợp đứa bé không khóc, cô đỡ đẻ phải ‘bép” một cái cho nó khóc. số kiếp con người là như thế cho nên trong niềm vui, đã chớm nỗi buồn. Kiều, phút giây hạnh phúc bên Kim Trọng, vậy mà Kiều vẫn đàn bản đàn bạc mệnh. Trở lại chuyện âm nhạc VN, nhạc VN buồn nhiều, vui ít. Trong 10 bài hát hay được chọn, chắc hẳn đã có đến 8 bài hát buồn. Những bài hát vui, yêu đời VN không phải là hiếm nhưng vì ít thịnh hành nên số người ái mộ cũng khó có điều kiện. Những bản nhạc vui, hùng mạnh của ta như nhạc quân hành, trước 75 thường hay phát khi có đảo chính, nên người ta gọi là nhạc đảo chỉnh. Các ban nhạc trước 75, thường phát trên đài phát thanh, vẫn vào chương trình và kết thúc CT đều dùng nhạc vui tươi, hùng mạnh. Nhưng tâm lý chung hình như thính giả không ấn tượng nhiều về nhạc hợp ca. Tôi vẫn rất thích nhạc được ban hợp ca Thăng Long, Văn Phụng, Hoàng Trọng thực hiện. Tính cách giản dị trong ca từ và giai điệu tươi vui theo cung đô trưởng làm cho bài hát mạnh mẽ, đài cát. Các bản nhạc như Ô! mê ly, Lạc rang, Huynh đệ chi binh, Khúc nhạc dưới trăng, khúc nhạc đồng quê, ... ai bảo là không hay, ủy mỵ? Thế nhưng, như tôi đã nói, do “thân phận con người”, nên con người vẫn thích nhạc buồn. Nói dông dài hóa ra lại rơi vào nối buồn. Ta chuyển tong bằng cách kể chuyện các bài hát VN sau 1975. Tân nhạc miền Nam sau 1975 có số phận long đong, khổ ải. Việc đầu tiên khi mấy ông vào tiếp quản thành phố là ra lệnh cấm nghe nhạc miền Nam mà các ông gọi là nhạc vàng. A! thì ra âm nhạc cũng có màu sắc. Các ông phân âm nhạc ra 3 màu: vàng, xanh, đỏ. Nhạc vàng thuộc loại nhạc ru ngủ con người, trốn lao động, trốn chiến đấu. Loại nhạc gì mà nghe xong chỉ muốn trùm chăn ngủ! Loại nhạc thứ hai là nhạc xanh, ấy là nhạc hòa tấu. Loại nhạc này được phép thả nổi, các ông cho phép nghe. Các ông quên mất rằng trong nhạc hòa tấu, có nhạc vàng ẩn núp dưới dạng không lời. Trong đó, có biết bao nhiêu là bản nhạc mà các ông kết tội là “phản động”. Thời kỳ đó, các quán cà phê hộp, các quán có phát nhạc trước 75, đều phát nhạc hòa tấu. Tất cả đều đưa qua hòa tấu và nở rộ thành phong trào. Xem như nhạc lời bị khóa mồm! Dạo đó nhạc công vẫn còn xài được. Ca sĩ đi chỗ khác chơi. Loại nhạc thứ ba và là nhạc chủ đạo của nhà nước CS, đó là nhạc đỏ, có nội dung chiến đấu, với giai điệu hùng mạnh, hăng say lên đường, kiểu “đậy mà đi hởi đồng bào ơi”, “em dang tay, em xoãi chân” được đề cao. Và ...không nghe cũng bắt nghe. Vì có cái loa trên cây, cứ ra rã suốt ngày! Nhưng một tâm lý rất thông thường, cái gì bị cấm cũng rất hấp dẫn và khiến người ta thèm khát, ôi! ai mà chẳng thèm “trái cấm”! Thế là phát sinh nghe nhạc chui! Vui ghê! NGƯỜI CA SĨ ẤY Cuối thu, ngồi nghe một đĩa nhạc, tuyển chọn những bài hát cũ, bất chợt bài “Oui, devant Dieu” làm tôi chạnh lòng. Tôi nhớ mãi một thời tuổi trẻ, những năm tháng say mê những bài hát nhạc Viêt. Các loại nhạc: tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên và Phương, cặp Từ Công Phụng -Từ Dung, rồi tiếp đến nhạc trẻ, ... Trong thế giới âm nhạc, có hai đối tượng không thể tách rời nhau, đó là nhạc sĩ và ca sĩ. Nhạc sĩ cần ca sĩ để tác phẩm của mình đến với người nghe, công chúng. Nếu không có ca sĩ thì hẳn nhiên nhạc sĩ chẳng ai biết đến. Ngược lại nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu bài hát để ca sĩ hát, thành công, nổi tiếng, leo lên đỉnh cao danh vọng. Do vậy ca sĩ, nhạc sĩ đều rất cần nhau. Ca sĩ cần những bài hát hay để họ dễ thành công và một điều này nữa, bài hát mà ca sĩ chọn hát là một cách thế để người ca sĩ bày tỏ một thái độ, một biểu cảm trước cuộc đời, là thông điệp để khán giả hiểu được ca, nhạc sĩ. Nhạc sĩ lại chọn ca sĩ để quảng bá bài hát, tác phẩm của mình. Chất giọng, phong cách biểu diễn là hai yếu tố cốt lõi để bài hát đi vào lòng khán giả. Bài hát có tạo một dấu ấn khó quên hay không là nhờ bài hát đã được ca sĩ diễn tả thành công hay không? Bài hát là hệ thống ngôn ngữ hiểu như một tín hiệu, trong đó bao gồm nốt nhạc (giai điệu), tiếng nói (ca từ) và phong cách biểu diễn (cử chỉ của người hát). Bài hát thành công. Người nhạc sĩ nổi tiếng, ca sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên vấn đề thu nhập qua bài hát thì nhạc sĩ có tiếng nhưng chẳng có bao nhiêu miếng. Ngược lại ca sĩ thì ...giàu to! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng phải khẳng định là nhờ tiếng hát Khánh Ly, nhưng qua âm nhạc mà thu nhập được … thì Trịnh làm sao bằng Khánh Ly. Bên cạnh đó ta lại thấy Khánh Ly lại nổi tiếng là nhờ nhạc Trịnh Công Sơn. Do đó ca sĩ, nhạc sĩ tìm nhau để hợp gu nhau trong quảng bá tác phẩm, quảng bá tiếng hát là điều dễ hiểu. Nói dài dòng như thế để hiểu một điều: Mỗi ca sĩ chỉ hợp cho một loại nhạc và khi nhắc đến ca sĩ hay nhạc sĩ nào thì ta nghĩ ngay đến loại nhạc "nấy". Ví dụ khi nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn thì ta nghĩ ngay đến ca sĩ Khánh Ly và ngược lại. Nhắc đến Thái Thanh thì ta nghĩ đến Phạm Duy, ... Cũng từ đó ta lại phân loại được ca sĩ, nhạc sĩ theo dòng nhạc. Nhắc đến ca sĩ Chế Linh thì ta nghĩ ngay đến nhạc “sến”. Nhắc đến Sĩ Phú thì ta nghĩ đến nhạc tiền chiến cũng như nhắc đến Quỳnh Giao, Kim Tước, Mai Hương, Châu Hà thì ta nghĩ đến những bài hát có chất giọng cao với phong cách biểu diễn mang tính nghệ thuật, khác với ca sĩ hiện đại là ... khoe thân xác. Mỗi ca sĩ biểu tượng cho một dòng nhạc, một khuynh hướng nào đó. Âm nhạc Việt Nam có rất nhiều dòng nhạc, trôi nổi theo từng giai đoạn của lịch sử. Mỗi dòng nhạc có một số ca sĩ biểu diễn. Đất nước tôi trôi nổi qua bao nhiêu giai đoạn. Mỗi giai đoạn có biết bao nhiêu bài hát, bao nhiêu ca sĩ, nhạc sĩ, bao nhiêu con người hâm mộ. Và bây giờ, tôi - một con người, một cá nhân cụ thể, một mình, chiều mưa cuối thu, nghe một bài hát, nhớ về một người, một ca sĩ không quen, chỉ biết họ qua các bài hát của những năm tháng cũ. Xa lắm rôi. Tôi muốn nói ca sĩ Thanh Lan (TL) với nhạc trẻ Ấn tượng của tôi về người ca sĩ ấy vẫn là những gì tốt đẹp nhất dành cho TL. Thuần túy vẫn là tiếng hát của TL ngày ấy – Những năm tháng xa xưa. Ngôn ngữ âm nhạc có sức cuốn hút, mãnh lực sâu xa, mà những dư luận xấu, những đàm tiếu không đẹp về TL vẫn không phá đổ được dư ảnh của tôi về người ca sĩ này. Khi tôi viết về ca sĩ TL trong thời điểm hiện nay, nghĩa là tôi đang nghĩ về một TL cuối thập niên 60. TL hát hay, lại đẹp, hấp dẫn. Ấn tượng nhất là nốt ruồi ở môi trên, sát khóe miệng của TL. Ngày ấy, trên màn ảnh đen trắng, tôi nhìn gặp một TL hồn nhiên, nhí nhảnh lúc hát cũng như lúc đóng phim, diễn kịch. Và hình ảnh sau cùng trong kí ức tôi là TL một sáng nào sau năm 1975, tôi gặp được trong thương xá Eden, TL với quần jean, áo chemise, hai chéo áo trước cột vào nhau làm lộ rõ phần bụng trắng, với chiếc rốn ngộ nghĩnh. Và khi hình dung như vậy, tôi đã phủ định một TL hiện tại mà có lẽ đã là một bà lớn tuổi, vai vế bà nội, bà ngoại, cũng như tôi vậy … Biết làm sao được! Thời gian! Từ thành phố Huế cổ kính của năm tháng chiến tranh liên miên, thành phố không phòng trà, không hộp đêm, sinh hoạt văn nghệ rất hiếm xảy ra. Những ca sĩ, nhạc sĩ đến với tôi chỉ là qua đài phát thanh, qua các băng nhạc, Jo Marcel, Shotguns, Phạm Mạnh Cương, …và băng nhạc Trẻ, tiếp đến là Phượng hoàng. Tôi biết ca sĩ TL qua một số băng nhạc mà tôi nghe được từ các quán cà phê hộp ngày ấy như J. Marcel, Phạm Mạnh Cương, Shotguns, nhất là băng nhạc Trẻ, Phượng Hoàng. TL có tài, ngoài ca hát, còn đóng phim, diễn kịch, có lẽ do xuất thân từ gia đình điện ảnh. Trong lĩnh vực âm nhạc, TL hát đủ loại nhạc, rất đa dạng nhưng những nhạc phẩm mà TL chọn không phải là nhạc sến. TL hát nhạc tiền chiến, nhạc Phạm Duy, nhạc lính, nhạc Trần Thiện Thanh, trong đó nổi bật nhất là những bài hát ngoại quốc lời Việt mà ngày ấy được một nhóm những người khởi xướng cho phong trào gọi là Nhạc trẻ Việt hóa. Nhắc đến phong trào nhạc trẻ, chúng ta phải kể đến những người đi đầu, khai sinh ra nó, cụ thể là những nhạc sĩ - ca sĩ như Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Lê Hựu Hà, Đức Huy – Thanh Tuyền, rồi Nguyễn Trung Can, Jo Marcel, Thanh Lan, sau này Vi Vân, Cathy Huệ, … Sự xuất hiện của các ban nhạc trẻ làm nổi đình nổi đám trong các đại nhạc hội như Đại nhạc hội Thảo Cầm Viên, Tabert, … Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm chấp chính, các phòng trà, quán bar, các hộp đêm đăng xinh đều bị cấm triệt. Sinh hoạt âm nhạc chỉ diễn ra dưới hình thức hát trên đài phát thanh Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, … và các đoàn văn nghệ phục vụ dân chúng, các buổi chiếu bóng lưu động, các đại nhạc hội ca nhạc, … Giai đoạn này, nở rộ nhạc tiền chiến, nhạc quê hương, do các ca, nhạc sĩ một số từ ngoài Bắc di cư vào Nam như nhạc sĩ Văn Phụng, Hoàng Trọng, Thẩm Oánh, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Phạm Duy, Phạm Đình chương, …các ca sĩ như Thái Thanh, Thái Hằng, Ban Hợp ca Thăng Long, Châu Hà, Kim Tước, Mai Hương, Tâm Vấn, Khánh Ngọc, … Ở miền Nam, có các nhạc sĩ như Châu Kỳ, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Huỳnh Anh, Khánh Băng, Dương Thiệu Tước, Y Vũ, Thu Hồ, …Các ca sĩ như Hà Thanh, Quỳnh Giao, Mộc Lan, Trần Văn Trạch, … Nhiều ca sĩ thường chỉ hát trên đài phát thanh, ít khi biểu diễn trước đám đông, do đó ngôn ngữ mà họ quan tâm thường là tiếng hát, không cần phải ngôn ngữ của cơ thể như nụ cười, ánh mắt, đôi tay, … Một số ca nhạc sĩ đi biểu diễn phục vụ dân chúng do chính quyền tổ chức thì lối biểu diễn của họ thường nặng về lời hát ít đầu tư cho phong cách biểu diễn. Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phòng trà, hộp đêm, … được phép hoạt động thì phong trào ca nhạc như một dòng thác bị kềm hãm lâu ngày bây giờ được tháo gỡ. Đó cũng là thời kỳ mà văn học, triết học Tây phương ảnh hưởng lớn đến các nước Châu Á nói chung và VN nói riêng. Âm nhạc chịu chung số phận bị đà cuốn của lối sống mới mệnh danh là nouvelle vague, hippy choai choai. Các bài hát trữ tình, ca ngợi tình yêu của Tây phương được thâm nhập qua Việt Nam, được dịch ra lời Việt tạo thành phong trào gọi là nhạc trẻ. Vậy nhạc trẻ VN là loại nhạc nước ngoài được dịch ra lời Việt và thường được ca sĩ Việt Nam hát theo phong cách mới bằng tiếng Anh hay Pháp và tiếng Việt. Sau này nhạc trẻ đi một bước xa hơn nữa là các nhạc sĩ sáng tác nhạc theo phong cách nhạc nước ngoài. Ví dụ bài “Mặt trời đen” của nguyễn Trung Can hay bài “Hãy ngước mặt nhìn đời”, “Tôi muốn” của Lê Hựu Hà. Nhắc đến nguồn gốc phong trào nhạc trẻ, không thể không nhắc đến các ban nhạc trẻ mà đa số thành viên đều xuất thân từ trường Tây, đó là các trường Marie Curie, Jean Jacque Rousseau, Tabert, Couvent des oiseaux, Yersin, …Do đó họ hội đủ điều kiện để sịnh hoạt trong giới nhạc trẻ (con nhà giàu, học giỏi, chịu chơi, …) Những người có công trong phong trào nhạc trẻ, phải kể là Trường Kỳ, Nam Lộc, Kỳ Phát, Lê Hựu Hà, Đức Huy, Thanh Tuyền (không phải Thanh Tuyền hát nhạc Boléro), Jo Marcel. …Các ban nhạc như Phượng Hoàng, The Dreamer’ s (anh em nhà Phạm Duy), tứ ca Bốn Phương, … Ngôn ngữ âm nhạc vẫn là sản phẩm của xã hội. Có đặt mình vào hoàn cảnh đất nước ta thời bấy giờ mới cảm nhận được sự kì diệu của những tiếng hát, như những phản ứng cụ thể của người VN nói chung và giới trẻ nói riêng trước vấn đề chiến tranh. Mỗi tiếng hát biểu lộ một phản ứng khác nhau. Thời kì nở rộ các hoạt động của phòng trà, quán nhạc cùng với sự phát triển cao điểm của các băng nhạc, qua băng cối rồi băng cassette, ta thấy một số các ca sĩ nổi tiếng được ái mộ trong giới sinh viên, học sinh, trí thức, giới yêu chuộng văn học nghệ thuật. Có thể kể một số ca sĩ như Duy Trác, Anh Ngọc, Sĩ Phú; nữ ca sĩ phải kể Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan. Và sau này, ta có thể kể thêm Sơn Ca, Bùi Thiện, Ngọc Minh, Elvis Phương, Tuấn Ngọc, … Tôi mến mộ 4 ca sĩ nữ, Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan. Mỗi tiếng hát thể hiện một phong cách, một sự truyền cảm độc đáo. Người nghe cảm nhận và có phản ứng khác nhau, không thể như nhau khi họ cùng thể hiện một bài hát. Một điều lạ, với một số ca sĩ (như 4 ca sĩ kể trên), thì cho dù khi hát những bài hát có lời lẽ giản dị, chất phác, mang phong cách ngôn ngữ bình dân, đại chúng, tôi vẫn cảm nhận bài hát đó không sến. Như vậy ngôn ngữ âm nhạc có thể bị liệt vào loại sến có thể là do chất giọng của ca sĩ biểu diễn. Ví dụ Chế Linh, Giang Tử, Duy Khánh thì không thể hát nhạc Trịnh Công Sơn hay Từ Công Phụng được. Người nghe, phần đông dị ứng. Nhưng với 4 ca sĩ trên thì họ hát rất hay. Như vậy bài hát bản chất có tính cách chọn lựa người hát. Qua bài hát “Làng tôi” của Chung Quân, TL biểu lộ sự nhớ nhung về một nơi chốn thanh bình, nay vì chiến tranh, nơi chốn ấy biết bao giờ gặp lại. Tiếng hát TL cho ta thấy một cái gì đó ngắn ngủi, hữu hạn, một nuối tiếc: “Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam, Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy hang cau, đồng quê mơ màng… Nhưng than ôi có một chiều thu lá thu rơi, có một chiều thu lá thu rơi, ôm súng nhìn quê tôi thầm mơ bóng ai về. Mơ trong bóng ai về. Quê tôi chìm chân trời mờ sương. Quê tôi là bao nguồn yêu thương. Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn, là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương”. Trong chất giọng của TL, có một cái gì đó pha trộn giữa trẻ con (voix d ’ enfant) và người lớn. Với bài “Đừng bỏ em một mình” của Phạm Duy, TL làm ta đau lòng trước sự bấp bênh, hữu hạn của con người, giữa sống và chết, nổi bật nhất là trong thời chiến: “Đừng bỏ em một mình. Đừng bỏ em một mình. Trời lạnh lắm, trời lạnh lắm sao đành bỏ em một mình? Đừng bỏ em một mình! Đừng bỏ em một mình! đường về nghĩa trang mênh mông, đừng bỏ em… Đừng bỏ em một mình ! đừng bỏ em một mình ! cùng một lũ cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình…” Nội dung bài hát của Phạm Duy tràn ngập hư vô, qua tiếng hát của TL, ta bị choáng ngập bởi nỗi cô đơn trước hữu hạn của đời sống. Ta rùng mình. Đời sống có gì vĩnh cửu? Qua nhạc trẻ, ta thấy TL biểu lộ năng khiếu hát nhạc Pháp điêu luyện. Nghe TL hát nhạc Pháp thập niên 1960, tôi cảm nhận TL hát không thua gì Silvie Vartan. Ví dụ bài “Après toi”, khi TL cất cao : “Après toi” tôi cảm giác lâng lâng một nỗi đau, các vì sao đêm như run nhẹ theo tiếng hát của TL: “…Après toi, Je ne pourrai plus vivre, non plus vivre. Qu'en souvenir de toi Après toi,J'aurai les yeux humides. Les mains vides, le cœur sans joie. Avec toi,J'avais appris à rire. Et mes rires ne viennent que par toi. Après toi je ne serai que l'ombre. De ton ombre Après toi…” Tuyệt vời nhất là khi TL chuyển tong, hát từ lời Pháp qua lời Việt, TL kêu lên đầy xúc cảm: “…Đời hoang vắng, khi em xin đành mất anh, Em đành sống quanh bao nhiêu kỷ niệm long lanh. Quạnh hiu sống đôi tay trơ trọi trống không. Mỏi mòn mắt trong, trái tim âm thầm... Ngày tươi sáng khi đôi ta đầy luyến thương. Ta cười hát vang, ta ôm cuộc đời mênh mang... Tình đã chết nên em xin là bóng đêm. Đi tìm bóng anh dưới trăng thanh... Rồi cuộc đời, cuộc đời sẽ cuốn trôi. Với tiếng khóc với tiếng vui, Cuộc đời ơi, cuộc đời đọa đày mà thôi...” Ấn tượng nhất bài hát này là TL phát âm oa “oi” trong tiếng Pháp và phát âm chữ “thầm” trong lời Việt của Phạm Duy. Rất tuyệt ! Nhắc lại những bài hát Pháp, lời Việt một thời Thanh Lan đã hát, tôi nhớ Lê T. D. Ch, sau năm 1975, những buổi đi dạy học tại trường Hòa Phát, trên đường về, trời nắng vàng, nhẹ, có gió mát, chúng tôi đạp xe, Ch nhìn tôi, mỉm cười: - Tuấn ơi! Dans le vent, dans le soleil. Tôi xúc động nhìn Ch cười buồn, Ch làm tôi nhớ tiếng hát Thanh Lan, hồn nhiên, ướt đẫm nụ cười, nước mắt của tình yêu. Tôi nói nhỏ Ch vừa đủ nghe: - Chúng ta đã mất tất cả rồi!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.06.2022 20:41:42 bởi Nguyễn Lương Tuấn >
|