9- Người Phụ Nữ Việt Nam Trong Xã Hội Xưa
Dưới làn sương mở trắng như sữa đục, trời vẫn còn lạnh giá. Tuy hết đông đã sang xuân, sau ba ngày Tết nghỉ ngơi, những người nông phu Việt Nam cả đàn ông lẫn đàn bà lại trở ra đồng làm việc tối ngày, những tiếng gọi nhau ơi ới đi làm mỗi khi họ đi qua một nhà trong xóm.
Đàn ông đi cầy, đàn bà kéo bứa, đàn ông đi giật lùi chia mạ để đàn bà cấy xuống. Phải cúi lon khom suốt ngày, khi mỏi cổ đau lưng cũng chỉ đứng thẳng lên một hai phút rồi lại cố cấy đuổi theo để kịp người chia mạ.
Chiều về tới nhà người đàn bà vội vã thổi cơm tối, một tay ôm con một tay đun bếp. Suốt ngày mẹ đi làm, đến lúc thấy mẹ về chúng mừng rỡ chạy lại để được mẹ bồng đứa nhỏ, đứa lớn theo từng bước, đấy là những người đàn bà có cha mẹ già ở nhà coi cháu, hay có con lớn trông em ở trông nhà, hay không còn gởi được con cho ai để đi làm đồng thì đã có việc ở nhà.
Ngoài việc nuôi con nhỏ bao việc làm khác: nuôi heo, nuôi gà, chăn tầm, hái dâu, cấy các thứ rau mùa nào thứ đó, xay lúa giã gạo, quán xuyến mọi việc từ nhỏ tới lớn đúng nghĩa hai tiếng nội trợ.
Trong lúc người đàn ông đi làm về thong thả đi tắm, trút đi sự nhơ nhớp, khó nhọc, ung dung ngồi hút thuốc lào, hay kiếm chút rượu nhâm nhi với trái ổi, trái khế xanh chờ vợ con làm cơm dọn sẵn. Đấy là cảnh sinh hoạt thông thường của các gia đình miền quê trước đây.
Cũng việc nặng nhẹ, vất vả đàn ông, đàn bà đều làm, không bên nào thua bên nào, các bà có tính cần kiệm, dẻo dai còn kiêm luôn những việc vặt nhẹ nhàng mà các ông ít khi làm được.
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẻ ra biết bao tệ đoan, để thành tập tục hạ thấp nhân phẩm người đàn bà xuống bởi bọn hủ nho phương Bắc khi đô hộ nước ta, đem quàng lên cổ người đàn bà với danh nghĩa tam tòng: “
tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đã đẻ ra những tục dã man như tảo hôn, thừa tự…
Ở thôn quê con gái 12 hay 13 tuổi đã gả chồng, hơn chồng từ 5 tới 10 tuổi là thường với nghĩa cưới con dâu về để khỏi mượn người làm, có người hầu con mình như rửa mặt, rửa chân, dẫn đi học thầy đồ, rồi chăn trâu cắt cỏ lại còn bị hành hạ đánh đập là khác. Ngược lại nhà người con gái đã thách cưới lấy món tiền công sinh dưỡng.
Những bất công đối với phụ nữ thường xẩy ra cũng chỉ vì thành kiến
trọng nam khinh nữ. Con trai được đi học tới nơi tới chốn. Mẹ, vợ, chị, em dù chịu cực, cốt để người đàn ông được học. Về phái nữ thua thiệt không được đi học dù nhà khá giả có thể cho con đi học được, họa hiếm có gia đình cho con gái học tại nhà vì cha hay anh có mở trường dậy học . Bởi thiếu học vấn nên người phụ nữ khó ngóc đầu dậy, bị nam phái dùng phong tục, luật lệ cưỡng bức.
Từ lúc cha mẹ gả chồng, đời người phụ nữ bắt đầu bước vào cuộc đời gò bó bởi phong tục, về làm dâu nhà nào may mắn được bà mẹ chồng hiền lành, có lòng nhân ái. Không may gặp phải bà mẹ chồng nhỏ nhen bắt khoan bắt nhặt từng tý, bởi trước kia bà cũng đã từng bị bà mẹ chồng của bà hành hạ đủ điều, bây giờ đem ra áp dụng trả thù vào con dâu.
Cho nên đã đi lấy chồng, người phụ nữ thường mong chóng có con, nhất là con trai để được nể vì trong gia đình, còn phòng khi người đàn ông cưới vợ lẽ, mua hầu non không còn coi mình ra gì thì lúc ấy trông vào con làm niềm an ủi, khi về già nhờ cậy vào con.
Người phụ nữ chẳng may không có con trai thật đáng buồn phải nghĩ đi tìm người thừa tự về nuôi, thường là con trai thứ của người em hay anh chồng.
Một cảnh bất công về thừa tự người viết khi còn bé đã được chứng kiến. Cụ đồ Thước không có con trai nhưng có ba con gái. Thời kỳ tàn Nho cụ không kịp thi cử mong xuất chính, lui về làm ruộng, xưa nay chỉ quen cầm bút, nên mọi chi tiêu trông vào tay bà cụ tần tảo, quán xuyến mọi việc.
Theo phong tục cụ nhận người cháu con ông anh họ làm thừa tự, anh này không chịu về ở với cụ vì nhà anh khá giả hơn nhà cụ. Khi đau yếu, hay ngày Tết anh ta không đến thăm viếng chú thím mà anh ta nhận làm thừa tự. Trước khi cụ đồ mãn phần, thuốc men chạy chữa tốn kém bà cụ và các con đem hết ruộng còn lại bán đi và sang tên cho ông anh người con rể đề phòng khỏi lọt vào tay ông thừa tự.
Tới khi bà cụ mãn phần, đưa tin cho người thừa tự và họ hàng. Tất cả mọi người đã tề tựu đông đủ mới thấy ông thừa tự tới. Đó là một người vào trạc 40 tuổi, đầu quấn một vòng tròn bằng rơm bện, mặc áo quần bằng vải màn thưa, trái sống xổ gấu, tay cầm gậy tre, tới trước quan tài, đứng cúi đầu im lặng một lúc, quay ra anh ta đi từ trên nhà xuống tới bếp xem xét một lượt. anh ta nói như ra lệnh phải làm những gì về việc ma chay, cắt đặt các người em gái, em rể những việc phải làm.
Anh ta tự coi mình là chủ nhà, tuy nhiên trong lúc tang gia bối rối đau buồn, các người con gái, con rể không ai nói gì để giữ hòa khí vì các việc đã được lo liệu xếp đặt sẵn sàng từ trước, tới khi an táng xong trở về nhà, theo cổ lệ có ngã heo làm cỗ đãi những người vất vả, lấm tay phục dịch nhà đám và họ hàng con cháu. Khi ăn uống xong, ông thừa tự gọi các người con gái lại hỏi, bắt phải đưa văn tự về đất đai, ruộng nương nhà cửa, đồ đạc trong nhà xem còn những gì. Khi biết không còn sơ múi gì ông chỉ nói mấy câu đe dọa vu vơ trước khi ra về và từ đó không thấy trở lại nữa.
Một vụ khác, gia đình một ông bác không có con, nuôi cháu, con người em ruột từ khi còn nhỏ; tới khi ông bác chết rồi, người thừa tự này lộng hành đuổi luôn bà bác ra khỏi nhà, hàng xóm thương tình làm đơn lên huyện để xin phân xử vì nhà bà này khá giả có điền sản nhà cửa do hai vợ chồng vất vả và tạo dựng vì tục lệ mà bị thằng cháu bất nhân đuổi bà đi để chiếm lấy sản nghiệp.
Có gia đình bà vợ cả có con gái không có con trai, nhà lại khá giả, chiều theo ý chồng cưới thêm vợ nhỏ cho chồng với ý muốn có con trai để nối dòng. Có ông tới năm thê bẩy thiếp. Người vợ nào may mắn sinh được con trai sẽ được cả nhà chồng cưng chiều; ỷ vào có con trai, cô vợ trẻ lên mặt, lần hồi nắm quyền chi thu trong gia đình, có lấn lướt những người vợ khác. Nhưng không thay thế được địa vị người vợ cả, nếu người chồng vẫn mực thước không quá thiên vị.
Còn về tài sản sau khi phân chia cho các con trai gái rất cách biệt, dĩ nhiên nhà cửa sẽ về phần con trai, nhưng tiền bạc ruộng nương, có nhiều nhà chia cho con gái bằng một phần mười con trai, lấy cớ có con gái đã đi lấy chồng theo họ nhà chồng, của cha mẹ để lại như hương hoa cho bao nhiêu biết bấy nhiêu, không có quyền đòi chia.
Biết thân phận thương con gái các bà mẹ thường gây vốn để sẵn cho các con gái. Phần nhiều các cô đã đi lấy chồng có nhà ở riêng hay lấy cớ về thăm cha mẹ vẫn kèm mục đích về bòn rút của bố mẹ với sự đồng lõa của bà mẹ. Biết vậy các chị dâu, em dâu thấy chị, em về thăm bố mẹ, họ đã hội ý nhau canh chừng. Nhưng khi bà mẹ đã đồng lõa thì thiếu gì cách để qua mặt ông bố già. Cũng lắm khi đổ bể chỉ nghe bố chửi ít câu.
Nói về khả năng ý chí người phụ nữ cũng không thua kém gì người đàn ông. Hai bà Trưng, bà Triệu những vị anh thư tài ba xuất chúng, bà Huyện Thanh Quan, bà Hồ Xuân Hương thi văn trác tuyệt, cô Bắc, cô Giang liệt sĩ quên mình vì nước.
Sau này tiếp xúc với văn mình Âu Châu các hủ tục bị đào thải, chị em phụ nữ được cởi mở hơn, cũng theo học các ngành chuyện môn như nam giới nên chúng ta đã có nữ bác sĩ, kỹ sư, đốc học, luật sư, nha sĩ, các thương gia, kỹ nghệ gia do các bà điều khiển. Với đà hăng say tiến lên ở xứ có đầy đủ tự do, hy vọng chị em phụ nữ vẫn giữ được tinh thần Việt Nho, bình đẳng trong tâm hồn, trọng về tư cách, quý về tâm hồn đạo đức, phục về biết giữ phẩm giá con người.
!0- Làng Tôi Mười hai năm lưu lạc nơi xứ người, lạc lõng trong đời sống văn minh và hoàn toàn dị biệt, tôi thấy mình đang nép dần sang bên lề của cuộc sống. Tôi luôn luôn quay về quê hương yêu dấu. Những hình ảnh, những kỷ niệm của một thời đã qua lại sống động hơn bao giờ cả. Nhớ lại những ngày xưa cũ, những hình bóng, những gì thuộc về quá khứ, cho tôi cái cảm giác trẻ trung, đầy sinh lực của thuở thiếu thời.
Tất cả những hình ảnh đó tôi muốn được ghi lại, lưu lại trên những hàng chữ sau để nhắc nhở cho con cháu tôi cái đẹp, cái hay của quê hương tôi, của phong tục, lề thói ấy. Và cũng để nhắn nhủ cùng con cháu tôi rằng cái tình quê hương, tình gia đình, tình người ấy quyến luyến và sâu đậm vô cùng.
Làng tôi ở bên bờ sông Đáy, thuộc phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Miền này nguyên trước đây chỉ là nơi lau sậy hoang vu. Đến mùa mưa, nước lũ đổ từ sông Hồng Hà chảy vào sông Đáy, rồi những đợt sóng bể Thái Bình dồn vào mà bồi đắp dần lên theo năm tháng. Tôi không nhớ đích xác vào năm nào, nhà vua cử ông Nguyễn Công Trứ làm chức Doanh Điền Sứ, chiêu mộ dân cư đến đấy khẩn điền, lập nghiệp.
Trong số đó có cụ tổ 4 đời của tôi đã từ làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định di cư đến đây. Với tài tổ chức, óc thông minh phi thường, ông Nguyễn Công Trứ đã khai khẩn vùng này từ một nơi hoang vu, khó trồng trọt, thành một miền trù phú, thịnh vượng. Lúc đầu khi đất hãy còn nhiều phèn, người ta trồng cói để làm chiếu. Dần dần, những lớp phù sa bồi đắp nhiều, mới thay thế sang trồng lúa.
Làng tôi ở trung tâm phủ Kim Sơn. Làng hình chữ nhật. Dân làng đã góp bao công sức để đắp con đường chính, giữa trải đá dăm, hai bên lót đá thước. Dọc theo đường chính, con sông đào An Giang uốn khúc chạy song song rất nên thơ và cũng là niềm hãnh diện cho dân làng vì đã đổ bao nhiêu mồ hôi, sức lực để tạo nên.
Tôi còn nhớ cây đa già cỗi trồi lên trên mặt đất vươn mình với năm tháng. Ở giữa gốc đa hũng vào một lỗ khá lớn, và không biết từ bao giờ dân làng đã xây một ngôi miếu nhỏ ở chân cây đa. Trong thờ bài vị bà Mỵ Nương công chúa. Hàng tháng vào ngày 1 và 15, người trong làng và những dân làng lân cận thường lui tới cầu xin. Bên phải cây đa là Văn Miếu thờ Đức Khổng Phu Tử, bên trái là ngôi chùa cổ kính lúc nào cũng hương tỏa nghi ngút. Mặt tiền của ngôi chùa hướng về đường cái. Trong chùa chia làm ba gian, gian chính giữa thờ Phật, hai gian bên thờ các vị thần khác. Không khí lúc nào cũng trang nghiêm và đầy vẻ kỳ bí với những nhang, hương khói tỏa mịt mờ, thêm vào những tiếng ngân nga tụng kinh của vị sư già.
Vào đến làng, nhà cửa được chia ra ngăn nắp. Làng tôi chia làm 5 xóm. Mỗi xóm bề dài độ 250m, bề ngang 200m. Các xóm cách nhau bằng một con đường nhỏ và một rãnh nhỏ để khi mưa có lối thoát nước. Xóm nào nhiều nhà khá giả chung nhau lát đá làm đường đi lại, còn xóm nào kém hơn thì vẫn để nguyên đường đất. Mỗi nhà ngăn cách nhau bằng hàng dậu hớp hay xương rồng cắt ngắn tới tầm tay với.
Nhà nào cũng có sân để phơi lúa khi vào mùa, phía sau có ao nuôi bèo, thả cá, nước ao để uống và cũng để tắm giặt. Những nhà khá xây bể hứng nước mưa để ăn chứ không dùng nước ao. Quanh bờ ao, những khóm trúc lá xanh mướt, thân vàng óng ánh, xào xạc vào những trưa hè rực nắng. Cạnh đó nhà nào cũng có mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau đủ loại.
Giữa làng là ngôi nhà thờ Công Giáo. Dân làng tôi phần lớn theo đạo Công Giáo nên đã lập thành xứ đạo. Nơi đây có hai vị linh mục trông coi và phát triển đạo giáo. Các vị đã lập một trường tiểu học cho những con em trong làng đến học, không phân biệt trai gái hay đạo giáo nào. Vì thế mà nạn mù chữ đã giảm thiếu tối đa.
Tiến vào sâu nữa đến nơi trồng lúa. Những ruộng lúa nằm liên miên nhau. Mỗi gia đình tùy theo giầu hay nghèo mà có nhiều hay ít ruộng. Tận cuối làng là nghĩa địa, tuy đơn sơ nhưng nói lên cái tình gắn bó với nơi mình sinh trưởng. Người ta sinh ra, lớn lên và rồi cùng nằm xuống trên cùng một phần đất đó. Tôi thấy bùi ngùi và cảm động khác thường khi nhớ đến làng tôi, nơi tổ tiên mình còn nằm đó.
Dân làng tôi sống về nghề nông và một số làm nghề nuôi tằm. Ruộng ở đây một năm chia làm hai mùa. Vào cuối tháng mười âm lịch, người ta chọn hạt lúa tốt, ngâm trong nước độ 3 ngày cho hạt lúa nẩy mộng. Sau đó đưa ra rắc vào một khu riêng biệt. Những khu ruộng này đã được cầy bừa thật kỹ, nước ngập xâm xấp.
Sau hai tháng, người ta nhổ lên, cất bằng đi một phần ba lá cây, rồi chuyển sang các khu ruộng khác mà trồng cho có hàng lối, từ cây này sang đến cây kia cách độ 30cm. Đi cấy lúa phần đông là phụ nữ, quần xắn cao bên trêm đầu gối vì ruộng bao giờ cũng ngập nước đã lên tới đầu gối. Người cấy lúa phải cúi mình mới cắm được thân cây lúa nên tay lúc nào cũng phải thường xuyên ngâm dưới nước bùn. Khi cấy cứ phải cúi mình vừa đi thì cấy mới nhanh.
Người ta phải cầy bừa thật kỹ trước khi trồng lúa. Cảnh cầy bừa thuở xưa là một hình ảnh đặc biệt, khó phai mờ trong trí nhớ tôi. Người ta thuờng bắt đầu cầy bừa từ khi trời sáng rõ cho tới khi mặt trời lặn hẳn không còn có thể làm việc được nữa vì những người đi làm lúc ấy không có đồng hồ. Công việc này người đàn ông cáng đáng. Khi cầy bừa, họ cầm cầy và một sợi dây buộc từ cái cầy tròng vào cổ trâu để nó kéo đi. Người giữ cầy chỉ điều khiển cho con trâu đi thẳng.
Vào những ngày nóng oi ả, cảnh người và trâu đi cầy trông mới nặng nhọc làm sao! Mầu đất, mầu da người sạm nắng, thân trâu lấm đầy đất ì ạch lê bước, tất cả cho thấy cái cực nhọc của người nông dân xứ tôi. Nhà nào không nuôi được trâu thì phải dùng hai người đàn ông khỏe mạnh đến cầy thay trâu. Quả thật bao mồ hôi, công khó đổ xuống đổi lấy thóc gạo!
Cho tới tháng năm là mùa gặt lúa. Sau đó lại tiếp tục vụ lúa thứ hai để kịp gặt hái vào tháng 10. Mùa gặt ở xứ tôi rất nhộn nhịp, vui vẻ mặc dù nặng nhọc. Về chiều vào khoảng 4, 5 giờ, người ta ra đầu làng để thuê thợ gặt lúa, hay thợ đập lúa. Những người này tụ lại thành từng nhóm từ 3, 5 hay 10, 15…
Người đi thuê tùy theo nhu cầu thuê nhóm nhiều người hay ít. Tiền công thợ cũng tùy từng ngày, nếu ít người thuê mà thợ nhiều thì giá rẻ và ngược lại. Khi đã ngã giá xong, những người thợ nào ở gần nhà chủ thuê thì xin về nhà mình ngủ để sáng mai tới sớm làm việc, còn những thợ ở xa tới, theo chủ về nhà tá túc qua đêm. Sau đó thuyền phải sửa soạn sẵn, nếu nhà nào không có sẵn thuyền thì phải đi thuê. Thuyền lớn hay bé tùy thuộc vào số ruộng sắp gặt.
Từ 3 giờ sáng, cơm đã phải xếp sẵn vào những nồi đồng lớn, nước vối cũng được trữ sẵn. Những nhà khá giả cho thợ ăn còn khá, cơm bao giờ cũng có đĩa cá hoặc tôm kho mặn, một chén mắm tôm, đĩa cà ghém không bao giờ thiếu trên mâm. Đôi khi có thêm được đĩa rau bằng thân cây chuối thái mỏng trộn với lá rau thơm. Thế là thịnh soạn lắm. Những nhà kém hơn chỉ có cho thợ ăn cơm với cà ghém và mắm tôm.
Khi thợ tới ruộng gặt thì trời cũng vừa hừng sáng. Người ta bắt đầu làm việc cho đến lúc mặt trời đứng bóng, tức là vào giữa trưa. Ở nhà quê thường tính giờ theo mặt trời, ít nhà có đồng hồ. Thiên nhiên đã ban cho cái đồng hồ để tất cả mọi người sử dụng. Bấy giờ mọi người nghỉ tay, quây quần trên bờ ruộng để ăn trưa. Bao giờ nhà chủ cũng mang theo cơm nước sẵn.
Lúa cắt xong, được gom vào từng đống. Bấy giờ thợ bắt đầu gom vào từng bó lớn. Những đoạn tre vót nhọn hai đầu, gọi là đòn xóc, thọc vào hai bó lúa hai đầu, được thợ gánh ra thuyền để chở về nhà. Kế đến là đập lúa. Công việc này đòi hỏi hai người làm. Cứ một người dơ néo lên, lại một người đập néo xuống, hạt lúa rụng chẩy xuống chung quanh. Khi đập đã rụng hết, người ta xoay ngược tay lại, những cọng rơm được hất ra sau lưng.
Công việc còn lại dành cho chủ nhà hay trẻ con vì chỉ còn việc lặt vặt. những lọn rơm được mang ra sân phơi khô rồi chất đống ở ngoài vườn dành cho trâu bò ăn những lúc không có cỏ và cùng để đến mùa đông dùng trải nằm cho ấm. Thời bây giờ chỉ trừ các nhà quan và một số nhà giầu mới có chăn và đệm bông. Người ta đã không bỏ phí một cái gì. Bao nhiêu công lao đổ xuống rồi cũng được tận dụng tối đa.
Khi tôi còn nhỏ được đi xem Văn Miếu đôi lần. Sau này Hán học mất dần ảnh hưởng, các cụ túc Nho cũng lần lượt quy tiên, những bậc tiếp nối đã không còn duy trì tục lệ này nữa. Tôi còn nhớ, thường ba ngày sau Tết Nguyên Đán, các bậc khoa bảng và những người có địa vị ở các làng trong địa hạt Kim Sơn đều được đưa rước với những lá cờ ngũ hành, với những tàn, lọng, chiêng, trống, hội bát âm, tới Văn Miếu.
Khi tụ tập đông đủ, vị nào đỗ khoa bảng cao nhất hay là một vị hưu quan có phẩm hàm cao nhất sẽ lên tế đầu tiên. Sau đó mọi người lần lượt lên lễ, giữ tục cúng bái ba lần. Sau lễ, mọi người sang những gian bên cạnh bàn thờ, gọi là nhà giải vũ, ăn trầu, uống nước. Các cụ bàn về việc cải cách trong làng, trùng tu Văn Miến. Một số các cụ khác ngồi bình thơ rất là tao nhã. Ngoài sân dân làng đấu vật, múa quyền, đánh cờ tướng rất vui vẻ.
Làng tôi đặc biệt có tục yến lão. Thường sau ba ngày Tết, các cụ chức sắc họp nhau bàn định ngày tổ chức yến lão. Trích một món tiền trong quỹ của làng, các cụ trong hội đồng làng phân công, thuê người làm bánh giầy bằng bột nếp không nhân, đặt trên miếng lá chuối xanh cắt tròn, to bằng chiếc đĩa lớn. Kẻ đi thuê ban chèo (có khi phải đi xa hàng 15, 20 km mới kiếm được ban chèo). Người đi mua luồng cây về dựng nhà, rạp. Thường hay tổ chức ở sân nhà ông lý trưởng hay cai tổng.
Ông trương tuần có nhiệm vụ đốc thúc các tráng đinh, tuần phu tới các xóm trong làng mượn những vật dụng cần thiết. Sáng sớm hôm sau, như đã ấn định, những đàn ông, con trai tề tựu ở cuối sân rạp, chia nhau kẻ giết trâu, người mổ heo. Một số các bà, các cô phụ nhau làm cỗ. Những lọng, cờ xí được dựng lên trước rạp, bay phất phới trông có vẻ uy nghi và trịnh trọng lắm.
Hội bát âm, hội kèn tây cũng đã có mặt sẵn sàng. Ban chèo cổ cũng góp mặt. Hội đồng chức sắc tụ họp ở trước cửa. Ban hương hội có nhiệm vụ đi thỉnh các cụ lão ông, lão bà từ 60 tuổi trở lên đến dự yến lão. (Mấy ngày trước các cụ đã được mõ làng đến tận nhà mời).
Các cụ đã sửa soạn kỹ lưỡng. Cụ ông nào có ống điếu đẹp, cụ bà nào có hộp trầu đẹp, đều đã có cháu trai hay gái bưng theo bên cạnh. Các tráng đinh cầm lọng xanh theo sau che thật trịnh trọng. Theo sau các cụ là các chức sắc trong làng.
Đám rước kéo tới sân chùa ở đầu làng. Các cụ được mời vào nhà giải vũ uống trà xanh, chuyện trò ít phút, rồi đám rước lại quay trở về nhà rạp dự tiệc do làng khoảng đãi. Một bánh pháo đại quang nổ ròn mừng tuổi các cụ. Không khí có vẻ trang nghiêm nhưng không kém phần nhộn nhịp, vui vẻ. Cứ bốn cụ vào một cỗ, xong mới đến dân làng.
Sau khi ăn uống xong, ông Chánh hương hội mời các cụ tới đầu nhà rạp để lấy bánh giầy (được phủ giấy đỏ) do dân làng kính tặng. Đây là lễ lộc để các cụ chia cho con cháu. Sau bữa tiệc, thu dọn sạch sẽ để thay vào đó là sân khấu cho các ban chèo giúp vui. Mọi người cười đùa vui vẻ, một ngày hội đã qua.
Những cảnh tượng đó giờ đây chỉ còn lại trong ký ức tôi. Đó là những tiếng vang của một thời. Làng tôi, nay dưới gông cùm của Cộng Sản không biết tiêu điều thế nào? Những tục lệ cũ nay có còn được giữ không? Hay tất cả đã biến đổi dưới bàn tay tàn bạo của Cộng Sản?
Tôi thấy đau lòng và tủi hổ với tiền nhân vì đã thiếu sót trong việc gìn giữ từng tấc đất mà tổ tiên đã để lại, cũng như những tập tục ngàn xưa nay cũng bị quên lãng dần. Xin được một ngày nào đó không xa sẽ trở lại quê hương, một quê hương với những khuôn mặt rạng rỡ, vui sướng của tự do.
(còn tiếp)