Re:Giòng Đời Xưa và Nay - Tuyết Minh
-
11.07.2022 23:04:24
3- Thành Kiến Trọng Nam Khinh Nữ
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”
Chỉ với hai câu trên đã bộc lộ phần nào cái hình ảnh và thân phận người đàn bà Việt Nam trong xã hội ngày xưa. Thế nhưng địa vị của người phụ nữ trong gia đình Việt thật là quan trọng. Người đàn bà đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một gia đình và đồng thời dựa vào những căn bản đạo đức - ảnh hưởng Nho học, lễ giáo - mà bảo vệ gia đình.
Phải nói rằng người phụ nữ Việt là một dũng tướng. Quẳng vào cổ một loạt chữ, nào là nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh, nhưng kiên cường, can đảm, xông pha, phấn đấu trong những trận chiến của cuộc đời để bảo tồn gia đình mình.
Dù giầu, dù nghèo, người con gái thời xưa phải lo làm lụng đầu tắt mặt tối. Từ những công việc đồng áng, đến những việc trong nhà, chợ búa, về đến nhà là kín cổng cao tường; bên con trai, cha mẹ lo tìm người kén chọn xong nhờ người mai mối. Thường đến khi cưới cô dâu mới biết mặt chú rể.
Người con gái biết giữ giá trị của mình, dù biết người con trai hào hoa phong nhã, chữ nghĩa đầy mình, cũng đành ấp ú trong lòng vì tự ái. Chỉ có cơ may run rủi một ngày đẹp trời tới coi mắt xin cưới theo đúng phong tục, lể nghi cổ truyền.
Từ khi giống du mục phương Bắc tràn xuống đô hộ nước mình đã đem chế độ độc tôn áp đặt, cai trị, nhất nhất phải theo chúng, cả đến cái dở dựa vào Tống Nho: tròng vào cổ người phụ nữ. Phải tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, để người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, biến người đàn bà thành nô lệ. Cho nên đã đi lấy chồng, người đàn bà nào cũng mong có con phòng khi người đàn ông không còn coi ra gì, trông vào con làm niềm an ủi, khi về già nhờ vào con.
Tuy nhiên, với giòng giống kiên cường, tinh thần bất khuất, theo phong tục mẫu hệ, cái ách tam tòng ngoại lai do phương Bắc đưa lại cũng không ảnh hưởng là bao. Phần nhiều các gia đình vẫn theo truyền thống Việt Nho, giữ nghĩa trung dung bình đẳng (hai chữ bình đẳng bất thành văn). Có câu:
“Lệnh ông không bằng cồng bà”
Bà vẫn là chủ gia đình, còn đối ngoại ông vẫn là chủ nhân. Con cái vẫn phụng thờ “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn đổ ra.” Những răn đe của cha chưa chắc ảnh hưởng bằng lời khuyên lơn của mẹ. Người xưa thường bảo “Phúc đức tại mẫu” là thế. Người đàn bà vẫn là chủ phụ trong gia đình, điều khiển công ăn việc làm, coi sóc, nuôi nấng, dậy dỗ con cái.
Còn những công việc nặng nề, lo toan, giao dịch ngoài xã hội vẫn thuộc về người đàn ông phải gánh vác. Người chồng vẫn là chủ nhân ông. Sự phân chia, phối hợp thật nhịp nhàng. Xã hội cổ xưa vẫn sống trong sự hòa hợp, tương kính trong vòng lễ giáo. Thời đó nhiều ông cũng lợi dụng cưới thêm có khi tới hai hay ba bà, nhưng bao giờ cũng được bà vợ cả đồng ý. Những bà vợ sau đều dưới quyền bà vợ cả. Với sự tính toán theo chế độ nông nghiệp, có thêm người giúp đỡ công việc đồng áng.
Những bà vợ lấy thêm này cũng được nhà chồng đem trầu cau dẫn cưới đành hoàng và phải nộp “cheo” theo tục lệ từng làng như đôi bên mang chùm cau, chai rượu đến trình trước mặt ông tiên chỉ (người có uy thế nhất làng) để được danh chính ngôn thuận rồi mới làm đám cưới. Như thế đủ thấy quyền hạn của người đàn bà ra sao trong gia đình Việt Nam.
Người xưa nói như sau: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Khi còn nhỏ trẻ con như tờ giấy trắng, ông bà (nếu còn), cha mẹ hướng dẫn con cái dậy dỗ điều hay, lẽ phải. Khi dần lớn khôn, có bạn bè, rồi đi học hay ở ngay trong trường đời lúc phải giao thiệp, tiếp xúc với nhiều hạng người tốt đã đành, gặp người xấu mình có đủ năng lực cảm hóa được người ta, đưa về chính đạo, làm cho mình hân hoan thầm nghĩ biết ơn về nền giáo dục gia đình của mình.
Đấy là con người biết giữ phẩm giá, hay trái ngược lại đã bị tha hóa dần rơi vào vực thẳm trụy lạc đến mất nhân cách, đưa khổ nhục về cho chồng, vợ con, làm ô danh tới ông bà, cha mẹ, dân tộc. Thời xưa cũng như ngày nay, dù những người quan cao, chức cả, những mệnh phụ hét ra lửa, khạc ra tiền, thiếu nhân cách, người ta cũng chỉ nể sợ ngoài mặt, sau lưng vẫn bị dư luận khinh miệt.
Cũng như ngày nay chẳng ai yêu quý gì những bà, những ông thiếu bổn phận làm con, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, dù họ có bằng cấp đầy mình, chức tước cao, kiếm tiền nhiều, họ tự kiêu với cái họ có, thử hỏi họ đã giúp gì cho tha nhân, cho tổ quốc? Không thể đánh giá con người bằng vỏ bề ngoài là thế! Viết đến đây tôi lại nhớ đến một mẩu chuyện xưa như sau:
Ông bà Phán Chi có bốn con: hai trai, hai gái. Con lớn nhất mới 12 tuổi. Gia đình sống trong cảnh đầm ấm, hạnh phúc. Ít lâu sau ông Phan hay đi sớm về khuya, có đêm không về nhà. Vợ có hỏi, trước ông còn cớ nọ, cớ kia. Dần dần ông không thèm trả lời, mặc bà cơm đợi canh chờ. Rồi sự gì sẽ đến đã đến. Một hôm ông đưa về nhà một người thiếu phụ ăn diện chải chuốt, hợp thời trang, giới thiệu với bà là một người bạn, hối hả đi làm cơm để thết đãi, bà Phan Chi vẫn vui vẻ tiếp đãi lịch sự. Được đà cứ mấy ngày ông lại dẫn bà bạn này về nhà để bà phải hầu.
Tuy hiền nhưng bà đã hiểu dã tâm của chồng và người đàn bà kia tìm cách lấn dần. Một ngày kia ông dở trò vũ phu, thẳng tay đuổi bà đi khỏi nhà. Sức chịu đựng chỉ có hạn, ngay tối hôm đó chờ cho các con ngủ say, ông cũng đang trong giấc điệp mơ màng, bà dựng đầu ông dậy, lấy tay ấn vào trán chồng và bảo:
“Tôi lấy anh có họ đưa họ rước. Anh cùng tôi lễ trước bàn thờ gia tiên nhà tôi để xin các cụ chứng giám lòng thành, rồi lại làm lễ trước mặt cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi chước giám không bắt anh phải lên gối, xuống gối, nhưng sau ba vái anh đã hứa vợ chồng sẽ bắt chước tiên nhân tạo lập hạnh phúc gia đình cho đến mãn chiều xế bóng. Nay ăn ở với nhau đã bốn mặt con, trai có, gái có, anh trở mặt muốn đưa người khác về thế chỗ tôi.
Này! Tôi nói cho anh biết, nếu muốn ngày mai anh hãy mời đôi bên cha mẹ họ hàng đến đây chứng kiến để các con chúng ta không phải chịu cảnh không cha hay thiếu me, để mọi người nhìn thấy bộ mặt của anh để định lại giá trị, tư cách, nhân phẩm của anh. Còn người đàn bà đó tôi không cần biết, không là gì với tôi cả. Tôi hạn cho tới ngày mai anh phải dứt khoát.”
Dĩ nhiên, ông Phán Chi cũng hơi lùi. Sau đó bà kể với tôi như sau:
“Tôi không khóc, không một lời van xin, cứ coi như tình yêu không còn, nhưng còn bổn phận phải bảo tồn thanh danh, chăm sóc con cái, kỳ vọng vào chung. Tôi cũng xoay sở các nghề thủ công từ làm bánh trái đến may thêu, kiếm thêm để bù vào chỗ anh ấy đã rút đi. Với sự cương quyết tôi vẫn giữ cho không khí gia đình bình thường như chưa hề có chuyện gì xẩy ra, các con tôi vẫn ăn học hồn nhiên. Ngày ngày chóng qua, nước trở về nguồn, lá trở về cội, nhưng hạng người ăn chơi đua đòi không đủ tiền cung phụng, tự nó sẽ rời bỏ để tìm nguồn tài trợ khác.”
Từ câu chuyện này và có lẽ hàng trăm câu chuyện khác tương tự tôi mới thấy xã hội mình rất trọng lễ giáo dù có xẩy ra những sự ngang tai, trái mắt, sự chống đối chỉ thu hẹp trong gia đình một cách âm thấm, tích cực, vẫn có kết quả.
Vận nước suy vi, chúng ta phải tha hương tị nạn, hội nhập vào miền đất mới, văn hóa mới với thành ngữ “Nhất đàn bà, nhì trẻ em, thứ ba là chó, thứ tư mới đến đàn ông.” Hy vọng chị em phụ nữ vẫn giữ được tinh thần Việt Nho, bình đẳng trong tâm hồn, tương kính như tân, trọng về tư cách, quý về tâm hồn đạo đức, phục về biết giữ phẩm giá con người.
4- Chung Thủy
Cuối thu gió heo may rải đồng êm dịu, mát mẻ. Mấy chậu cúc đại đóa vươn những nhánh cây bụ bẫm, xanh mướt, hứa hẹn những bông cúc lớn vàng ứng đầy chậu. Tay cầm cái chép vun đất vào từng gốc cây, trong trí óc suy tư, buồn bã, cụ Tổng Địch nhớ lại xưa khi Tâm, con trai cụ, còn bé. Mong con lớn lên đi học, cụ hết lòng chăm sóc, dậy dỗ con trong tinh thần lễ giáo, đâu có buông tha thái quá. Nay Tâm đã công thành danh toại phải tự hiểu và tự giữ lấy thân. Cụ nay đã già cũng muốn tâm hồn được thanh thản, sống thoải mái những ngày còn lại.
Tiếng thở dài vọng từ trong nhà. Cụ bà da mặt nhăn nheo theo thời gian, thân hình gầy yếu chậm chạp bê mủng lúa ra sân cho gà ăn. Vừa đi vừa lấm bấm, phàn nàn vì nhớ cháu đã nhắn cho con dâu đưa cháu nội về với cụ và cũng để giúp trông coi vụ mùa ít lâu. Ngờ đâu con mình vì xa vợ, nghe theo bạn bè, có cơ hội sa ngã. Giận con, thương dâu, thương cháu, cụ nghĩ cũng phải một thời gian con mình sẽ nghĩ lại “Nước chảy về nguồn, lá rụng về cội.”
Tâm là con một, tuy nhà không giàu có, dư thừa nhiều nhưng với sự tần tiện, bố mẹ cũng đủ cung ứng cho Tâm đi Hà Nội học sau khi đã tốt nghiệp trường phủ nơi sinh quán. Kỳ hè về nghỉ ở nhà, ông bà cụ Tổng đã để ý chọn Mai là người cùng làng, cũng là con nhà gia giáo, khuôn phép. Nàng hiền lành, thùy mị rất xứng đôi với Tâm. Tâm cũng rất hoan hỉ được bố mẹ chọn cho mình người phối ngẫu có nhan sắc, đức hạnh. Tuy chưa học xong nhưng nhà neo người, ông bà Tổng nuốn có cháu sớm nên xin nhà gái cho cưới theo tục lệ.
Năm sau học xong, Tâm được bố làm ở phủ Thống Sứ Hà Nội. Đôi Tâm-Mai sống rất hạnh phúc. Đứa con trai đầu lòng càng làm tăng hạnh phúc lứa đôi. Hai cụ Tổng Địch sống hiu quạnh ở quê nhà nên lâu lâu Mai lại đưa con về chơi với ông bà nội cho đỡ nhớ. Tới vụ mùa, Mai thu xếp về quê nhà coi sóc, giúp đỡ cho bố mẹ chồng. Những dịp xa vợ con, bạn bè hay rủ Tâm đi chơi, tới nhà các bạn tập đàn, tập hát.
Trong số đó bạn bè thường rủ Tâm đến nhà Yến. Bố mẹ Yến là người mê cờ bạc đến sa sút Chẳng làm ăn gì chỉ trông vào các khách tới nhà chơi, cờ bạc, tài bàn, xóc đĩa, tổ tôm, để lấy tiền hồ bởi vậy các con ông bà không được dậy dỗ, muốn sống buông thả thế nào cũng được. Con trai, con gái lớn xuýt xoát bằng nhau. Học hành lấy lệ và đua nhau ăn diện. Họ thường tổ chức khiêu vũ, mời các bạn tới nhà đàn hát hay rủ nhau đi chơi.
Chi phí đã có những ông bạn xộp chia nhau gánh chịu. Nay anh này mai anh khác. Rồi đến lượt Tâm cũng tỏ ra hào hoa, rộng rãi. Vợ con ở quê nhà, không phải mang tiền về nên sẵn tiền Tâm hay rủ bạn kéo tới nhà ông bà Ấm để gặp bọn Yến, Xuân, Lan. Cô nào cũng ăn diện theo thời trang, nhan sắc khéo tô điểm lại vui vẻ săn đón. Lâu dần Tâm cảm thấy ngày nào không đến gặp các cô lại thấy nhớ nhung, bứt rứt.
Thâm tâm ông bà Ấm biết gia đình chỉ sống bằng nghề cờ bạc bấp bênh, con cái lấy gì học đến nơi đến chôn. Con gái khó kiếm được chồng hẳn hòi như ý nên mỗi lần Tâm đến chơi, cả nhà Yến săn sóc chiêu chuộng. Trái cây, bánh mứt, lời ngon ngọt, ánh mắt đưa đẩy làm cho Tâm say mê. Đi làm về ngày nào cũng phải tới gặp Yến. Đến nỗi cuối tháng lĩnh lương xong là vội vàng đưa Yến đi ăn, đi sắm sửa.
Yến biết rõ tình cảnh của Tâm và nàng thừa hiểu hết vụ mùa, vợ Tâm lại trở về nên Yến toan tính để chiếm đoạt Tâm. Tới lúc chín mùi, Yến ra điều kiện Tâm phải về nói với bố mẹ xin cưới nàng sau khi ly dị Mai. Tâm tuy rất mê Yến nhưng tình nghĩa với vợ nào kém gì. Năm năm chung sống với người vợ hiền lành, đoan trang, nào có tội tình gì. Chỉ vì nàng giữ bổn phận làm dâu, ngày mùa mang con về phụ giúp bố mẹ, lấy cớ gì mà phụ nàng. Còn thằng Chính nữa. Làm sao xa con cho đành. Để cho cha mẹ biết lại làm cực lòng các cụ.
Thừa biết các cụ là người nghiêm túc, bảo vệ gia phong, không dễ gì lay chuyển lại thêm Tâm lần khần không quyết định dứt khoát bỏ được vợ cả, Yến càng thôi thúc. Nàng làm đủ hết mánh khóe mê hoặc, nói đã có thai, không thể để cho gia đình bị nhục nhã vì nàng. Tâm bối rối đành theo ý để mặc ông bà Ấm và Yến thu xếp làm đám cưới âm thầm với sự phụ giúp của mấy người bạn lãng mạn. Dĩ nhiên ở quê nhà cha mẹ Tâm và Mai nào hay biết.
Yến ngang nhiên dọn về chung sống với Tâm. Khi ngày mùa đã hoàn tất. Mai viết thư cho Tâm hẹn ngày đem con về Hà Nội. Nhận được thư Tâm rất bối rối muốn thuê nhà riêng cho Yến, nhưng nàng không chịu nại cớ thuê thêm nhà tốn tiền, chờ Mai tới sẽ hay.
Ít hôm sau khi Tâm còn ở sở, Mai về đến Hà Nội thuê xe về nhà. Đến nơi ngỡ ngàng khi thấy Yến. Người đàn bà đó đã nhận mình là chủ nhà và xác nhận nàng ta là vợ Tâm. Lấy Tâm chính thức, có cưới xin đàng hoàng và khuyên Mai nên về quê nhà an phận. Yến sẽ cấp dưỡng cho mẹ con nàng. Còn như cố chấp không chịu sẽ chỉ mang lấy thua thiệt vào thân.
Trước những lời đe dọa của Yến cộng thêm với sự hỗ trợ của mấy người đàn bà to lớn, dữ dằn túm lại chửi bới, hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống mẹ con Mai, Mai đứng lặng trong tỉnh cảnh phũ phàng, ngỡ ngàng không ngờ Tâm thay lòng đổi dạ để người đàn bà này đuổi mẹ con nàng ra khỏi nhà. Biết mình cô thế, không họ hàng thân thích, Mai đành chờ Tâm về có ba mặt một lời sẽ hay.
Gần đấy có người bạn Tâm hiểu rõ tình cảnh, ái ngại cho Mai nên khuyên Mai tạm lánh sang nhà mình và đồng thời đưa tin cho Tâm. Không thể đương đầu nói với bọn nặc nô mà Yến đã bố trí sẵn, Mai đành nghe theo dắt con vào nhà bạn. Vừa đau khổ vì bị làm nhục vừa thêm tinh thần quá căng thẳng, thể xác mệt nhoài sau vụ mùa làm lụng vất vả, Mai sinh bệnh ốm mê man. Tâm được tin muốn đến thăm nhưng bị Yến quỷ quyệt bủa vây không rời chàng một bước. Sáng chiều Yến đưa đón tận sở, lại còn bóng gió nếu làm mất mặt bố mẹ nàng sẽ không yên với Yến. Một mặt nàng ve vuốt, chiều chuộng, rủ Tâm đi ăn đi chơi để không có thì giờ nghĩ đến vợ con.
Từ hôm ở Hà Nội về quá uất ức Mai ốm mãi vẫn chưa khỏi. Nàng còn tự trách mình về giúp vụ mùa quá lâu, không ai săn sóc, cơm nước, ở nhà một mình buồn, có người rủ rê, lại được chiều chuộng, mê hoặc khó mà cưỡng nổi, sa ngã là vậy. Dù Tâm được giáo dục, dậy dỗ trong một gia đình nghiêm túc nhưng mình cũng phải bình tĩnh, nhẫn nhục chờ đợi. Một thời gian Tâm sẽ suy nghĩ lại, tranh chấp làm gì, nóng nẩy rùm beng chưa biết sẽ đi đến đâu, chỉ thấy làm cực lòng cho cha mẹ đôi bên. Tốt hơn nên tỏ ra cao thượng. Nghĩ như thế nàng mỉm cười thấy lòng thơ thới, dễ chịu.
Từ đó sức khỏe phục hồi, nàng tìm việc làm, nuôi tằm, hái dâu, làm vườn, cấy rau, săn sóc con, trông coi việc nhà, giúp đỡ bố mẹ chồng. Công việc chiếm trọn thì giờ từ sáng đến chiều, nàng không để tâm nghĩ ngợi. Nay chỉ lấy công việc làm vui. Có ai hỏi thăm chuyện gia đình nàng chỉ nói lảng sang chuyện khác. Vả lại con người đã sa ngã đổi thay, còn đâu là tình yêu.
Tình yêu không thể đi xin hay quỵ lụy, khóc lóc mà lấy lại được. Tình yêu từ đáy lòng phát xuất ra ngoài. Khi tình yêu vào tay người khác, mình có ý lấy lại chỉ là thứ tình miễn cưỡng. “Cóc chết ba năm quay đầu về núi.” Ngày kia châu về hiệp phố, lúc ấy gia đình mới bền vững. Phải có nếm trải sự đời, cay đắng điêu đứng rồi mới nhận chân được giá trị đâu là người vợ tâm hồn lý tưởng, người vợ se sua ăn chơi, cờ bạc, lêu lổng chỉ là hạng tạm bợ.
Hai cụ Tổng Địch biết chuyện rất giận dữ và buồn phiền. Các cụ gửi thư thống trách bắt Tâm phải trở về với gia đình nếu không các cụ từ bỏ không nhìn mặt. Thư nào tới cũng bị Yến chận vất đi không cho Tâm biết. Tâm sống ngụp lặn trong cuộc sống buông thả, ăn chơi. Lương tháng đem về không đủ cho Yến chi tiêu và giúp đỡ bố mẹ mình. Ngày Tết đến, Tâm muốn về thăm cha mẹ, vợ con, nhưng trong túi chẳng còn đồng nào đành theo sự chi phối của Yến. Ăn chơi trác táng mãi sức khỏe hao mòn. Tâm ngã bệnh phải vào nhà thương Phủ Doãn.
Tiền không có phải nhờ các bạn đồng sở phụ giúp. Yến lơ là thăm nom vì còn mải đi nhảy nhót, cờ bạc. Tiền không còn thì tình cũng hết. Tâm một mình nằm trên giường bệnh cô độc mới hối hận đã không giữ lời cha mẹ dậy: bảo trọng thân thể, giữ ngũ luân, ngũ thương. Ân hận vì mê muội theo đuổi lấy cô gái ăn chơi, phá tan hạnh phúc gia đình, bỏ vợ bỏ con, bất hiếu với cha mẹ, bỏ bổn phận thăm nom cấp dưỡng, còn mặt mũi nào trở về quê nhà mình nhìn người thân.
Đang lúc phẫn hận, tâm hồn xao xuyến lại có mấy người bạn đến thăm khuyên anh viết thư tạ lỗi bố mẹ và vợ để được tha thứ. Như vậy có chết cũng an tâm.
Được tin, Mai vội đi Hà Nội không nghĩ giận hờn mà chỉ mong tới gặp chồng săn sóc cho chàng đỡ tủi. Gặp lại vợ trong hoàn cảnh đau yếu, túng thiếu, Tâm xót xa, hổ thẹn muốn xin tạ lỗi. Mai vội vàng gạt đi không muốn nhắc đến chuyện đã qua, chỉ khuyên nhủ chồng an lòng dưỡng bệnh. Phấn khởi được vợ săn sóc, tha thứ, Tâm hồi phục mau chóng. Đến lúc khỏe hẳn, hai vợ chồng quyết định đưa nhau về quê sống với bố mẹ.
Sự nhẫn nhục, chịu đựng của người đàn bà Việt Nam thật đáng ca ngợi. Cái giá mà Mai đã phải chịu đựng rồi cũng được đền bù xứng đáng. Cứ giữ lòng thủy chung, trọn vẹn với tình nghĩa, vừa phải với lòng mình, không hổ thẹn với người.
(còn tiếp)