Re:Giòng Đời Xưa và Nay - Tuyết Minh
-
12.09.2022 23:43:40
40- Một Cuộc Đời Tận Hiến Cho Tha Nhân
Hôm qua tôi nhận được một phong thư từ Việt Nam, mở ra coi, lá thư của cô tôi. Ngoài những lời hỏi thăm thường lệ cô nói năm nay cô đã ngoài 80 tuổi, muốn đi đâu phải có người cho bám vào lưng mới đi được.Ngược dòng thời gian tôi nhớ lại cuộc đời của cô từ năm 18 tuổi. Tuổi hao niên đầy sức sống, mới vào đời, lạc quan, đầy hy vọng, cô là người đẹp nổi tiếng ở vùng này, mặt trái xoan, mũi cao thanh thanh, hàm răng đen hạt na giữa hai làn môi mọng đỏ, nét mặt thùy mị, mặn mà đoan trang rạng rỡ, tươi vui, mỗi khi có việc ra ngoài ai gặp cô cũng có lòng ưu ái, các bà hàng xóm thường khen cô có đủ công dung ngôn hạnh.Là con út tuy được chiều cô cũng học làm tất cả các việc nội trợ bếp núc may thêu, kiêm việc đi chợ mua sắm thực phẩm đồ dùng trong nhà.
Trước khi đi chợ các bà các cô hay hẹn gặp nhau cùng đi, có đông người, các cô không sợ những chàng trai vô công rỗi nghề hay đi theo tán tỉnh, thả lời ong bướm, bất nhã.Chợ Phú Vinh một tháng có chín ngày phiên. Người ta hay chờ tới ngày phiên mới đi mua bán. Ngoài những người chuyên nghiệp bán buôn hàng ngày, những người cần tiền phải đem đồ, hàng đi bán, những người tự trồng trọt để đủ ăn còn dư muốn bán, nhất là bán số nhiều, bao giờ cũng đợi đến ngày phiên chợ, có đông người đi mua bán. Ngày phiên mới có nhiều loại hàng, có đủ hạng người, có nhiều cô cậu đến tuổi dậy thì cũng hay lấy cớ đi chợ để có dịp đi loanh quanh ngó tiệm nọ, coi hàng kia, trông người này nhìn người khác, thấy cuộc đời như hoa như gấm, tâm trí thơ thới mông lung, chưa phải lo đến ăn đến mặc, còn trong vòng tay bố mẹ, ít khi họ để ý đến những người nghèo khó chung quanh họ
.Những người nghèo cũng mong vào ngày phiên chợ bán từng buồng cau nải chuối, một hay chục trứng gà không dám để cho con ăn đem ra chợ có chút tiền mua gạo. Có những bà mẹ tay bồng tay dắt đi tới đi lui kể lể xin những người qua lại bố thí, đây đó trong chợ hay ngoài lề đường có em mù lòa hay bất toại ngồi bệt xuống đất trước mặt có cái rổ nhỏ, người đi qua lại trông thấy động lòng trắc ẩn bỏ vào rổ cho chút ít tiền lẻ. Những người từ tâm cúi xuống với những người thiếu may mắn này lại là những người tầm thường có vẻ lam lũ ăn mặc sơ sài. Có nhiều người ăn mặc sang trọng nói cười vui vẻ đi qua lướt nhìn những trẻ em bất hạnh bằng con mắt thờ ơ, cố tình đi nhanh qua để khỏi nghe những tiếng kêu van bố thí.
Khi đi chợ cô tươi vui bao nhiêu, lúc về nhà cho tới chiều lúc nào cô cũng có vẻ tự lự, tuy cô đã đem theo ít tiền, gạo tới chợ, lần lượt đi chia sẻ cho tất cả những người nghèo khó từ các ông bà già tới các em nhỏ không bỏ sót ai, cô nói với người nhà, hình ảnh những em bé tàn tật, mù lòa câm điếc, đói khát rách rưới đã làm xúc động tâm hồn, cô muốn giúp đỡ người ta thế nào cho có hiệu quả vì đã tàn tật nhà lại nghèo phải giúp cả một đời. Cô muốn hiến cả cuộc đời vì mục đích đã chọn.Khi song thân muốn cô kết duyên, cho phép cô lựa chọn trong mấy người mà các ngài đã tìm hiểu, cô cương quyết từ chối hết vì cô đã có chú ý muốn vào dòng tu nào có mục đích giúp đỡ tha nhân.
Cách nhà cô chừng một cây số mới thành lập một tu viện gọi là dòng các bà truyền giáo có nuôi các em mồ côi, vô thừa nhận, những người tàn tật, mù lòa câm điếc, rất hợp với tư tưởng của cô, nên đã xin phép song thân được gia nhập dòng. Bước khỏi cổng viện tu, cô đã dâng hiến trọn đời cho đấng tối cao, ngoài giờ cầu nguyện, cô được trao trách nhiệm coi sóc, phục dịch an ủi những người thiếu may mắn, rất hợp với sở nguyện
.Quy luật dòng cô không được trở về thăm nhà, trừ khi có việc cần như trong gia đình có ai bệnh nặng, người nhà vào xin phép, cô mới được trở về thăm cùng với một nữ tu đi kèm nên gia đình ít có dịp gặp cô. Chúng tôi phải đợi tới ngày Tết lấy cớ đi mừng tuổi cô. Ba tôi cho tất cả các cháu cùng đi chúc Tết gặp cô hàn huyên trong hạn một giờ theo luật nhà dòng.Ít lâu sau, cô được chuyển tới nhà dòng thuộc tỉnh Thanh Hóa, bây giờ cô đã là giáo sư dạy âm nhạc, qua bao nhiêu Tết chúng tôi không còn có dịp gặp cô.
Tháng bẩy 1949, cảm thấy thiếu an ninh cho đời sống, tôi đưa con vượt biển vào vùng tạm chiếm, khi xuống thuyền trời êm bể lặng màu trời xanh sáng nước trong như lọc, mọi người vui vẻ bàn tán xôn xao, sau bữa ăn chiếu đạm bạc, thì một cơn giông nổi lên bất ngờ, sóng dồn dập mọi người hoảng hồn, nhờ được người lái thuyền đã quen đi biển lái gối đầu sóng theo chiều gió, tới đêm khuya thuyền đã đạt vào một đảo, hòn Nẹ thuộc tỉnh Thanh Hóa.Sáng hôm sau tôi mới biết, trước chúng tôi đã có một thuyền tới trước và tôi đã gặp tầu tuần tiễu của Pháp, họ bắt tất cả các người trên thuyền đưa vào giam trong một ngôi nhà trống, khí trời oi ả, có hơi người muỗi đã kéo đến từng đàn táp vào mặt chúng tôi.
Tôi bồng con ngồi dựa vào tường đuổi muỗi. Sau khi khám xét qua loa hành lý, bọn Pháp biết có hai bà nữ tu, chúng biệt đãi hơn đưa cho hai bà mỗi người một ly sữa lạnh. Vì bị bão mất hết cả gạo nước, mọi người đều đói khát, biết vậy cô tôi nhịn khát nhường ly sữa cho con tôi uống và cô đã ngồi bên tôi suốt đêm quạt muỗi cho cả hai mẹ con tôi ngủ. Tôi cảm động xin cô ngủ để tôi quạt thay, cô không chịu; tôi nhớ lại khi chưa vào dòng tu, cô cũng từng nhịn quà để nhường cho các em hành khất.
Sau năm 1954, chia đôi đất nước, vào Nam chúng tôi mới lại được tin cô tôi trở về nhà dòng Phu Vinh đã đưa theo tất cả những trẻ em mồ côi, người tàn tật vào Nha Trang, tiếp tục phụng sự Chúa qua những tha nhân tàn tật, bị xã hội bỏ quên. Chính cô đã quên thân mình, chỉ nghĩ đến giúp đỡ săn sóc người ta về vật chất, về tinh thần.
Những bà dòng đầy lòng vị tha như cô tôi, đã là những từ mẫu của thời đại, làm tôi liên tưởng đến một cảnh đã gặp một bà mẹ đang ăn phở khi ba đứa con còn nhỏ đến bên, bà mẹ lấy tay gạt ba con ra, ngồi xoay người lại ăn một mình; một ông bố vừa uống rượu vừa nhắm những món ăn thơm phức, mấy đứa con luẩn quẩn muốn đến gần, người bố lừ mắt nhìn, các con vội đi ngay, một cảnh xấu xa do tâm hồn bệnh hoạn.
Sau 30-4-75 lại một lần nữa nhà dòng được lệnh di chuyển lên tận vùng rừng núi xã Cam An Nam cách xa Nha Trang hàng trăm cây số ngàn. Bây giờ cô là Mẹ bề trên của dòng, trách nhiệm bao trùm nặng nề, nhất là phải tự lực mưu sinh để có thể nuôi nổi những người tàn tật mù lòa không sản xuất được; với số tuổi đời càng ngày càng chồng chất già nua, sức kém cô vẫn vui vẻ hy sinh cho tha nhân, lèo lái con thuyền vào thời khó nhất, không còn trông vào sự giúp đỡ từ bên ngoài như hồi 1954, nên Mẹ bề trên đã phải kêu gọi lòng từ tâm của những người may mắn ở nước ngoài giúp đỡ.
Cô ơi! Cháu cảm thấy an lòng khi nói ra những lời tri ân cô, vì cô đã không bao giờ nói ra, cứ âm thầm làm những việc tốt lành cứu giúp tha nhân, đúng như câu trong sách thánh; làm phúc tay mặt không cho tay trái biết. Nhưng cháu không thể quên ly sữa mà cô đã nhịn đói khát cả một ngày để nhường cho con cháu, suốt một đêm quạt cho mẹ con cháu ngủ. Cô là một tấm gương sáng cho nhiều người thuộc tỉnh Thanh Hóa hồi tiền chiền và những người ở vùng nhớ tới một bà dòng tước hiệu INÊ đã không từ chối khi ai cần đến bà và hiện giờ những người tàn tật đang được bà nuôi nấng săn sóc.
Hết