MÙA GIÓ CHƯỚNG
Nữ Sĩ: Tống Thu Ngân (Mimosa Tím)
LỜI GIỚI THIỆU
_________
Khi gió đông – bắc giành ngọn trong những ngày đầu, âm thanh gió và tiếng kêu của lá nghe thật khác lạ! Với 9 tháng làm quen với gió nam và tây – nam, những chiếc lá trên cành đã ngủ yên trên triền đồi gió với một hướng thân quen. Đông về mọi cái thay đổi lạ! Mái lá, chồi rơm và những tên bù nhìn ngoài đồng vắng lại rùng mình với tiết trời khác lạ… Bấc non rồi! Mùa gió chướng đã về. Mùa của tuổi thơ phiêu bồng một thuở với bao kỷ niệm vui buồn…
Bên kia sườn đồi có là bao?
Già để hóa thành trẻ nhỏ!
Mùa gió chướng chứa bao nỗi nhớ khi tái da, căng mặt hứng cái lạnh từ phương bắc với những cơn mưa đông thắt ruột tím gan… Trắng đồng là màu đất cũng đổi thay. Sự thay đổi kỳ lạ nhất trong năm. Triệt để. Buồn vui. Yêu ghét… khi gió đông hiện thân về…
Mùa Gió Chướng của Tống Thu Ngân cũng vậy! Cùng thi phẩm nhưng chứa đầy hoài niệm. Lời thơ miên man đi vào vùng xưa cũ làm bồi hồi, xúc động… Nhớ! Âm thanh của mái lá khi đón nhận gió đầu đông trong một giấc nồng chợt tỉnh…
Thức thôi! Cùng ra đồng chài lưới, hái trái, chao tép, bắt tôm…
Cái lạnh tận xương làm làn da tím ngắt. Răng đánh vào nhau nhưng nhất định không về.
Nội đồng và hương vị me non. Món ăn dân dã đầy màu sắc… Tất cả hiện thân nhiều trong Mùa Gió Chướng…
“Đến quê em xin mời tô bún cá
Đã ăn rồi về năn nỉ má nha anh
Bún cá em nấu không tanh
Mà nghe hương cá long lanh mắt cười
Bún cá em nấu tuyệt vời
Cà chua, thơm chín, xin mời anh ăn
Ăn rồi chớ có lăn tăn
Thương tô bún cá lăng xăng cả đời
Bún em gom hết chiều trôi
Thì là, hành ớt, mây trời, nắng mơ
Bún nầy, bún đợi, bún chờ
Bún đưa, bún đẩy, tình vờ mà vui
Bún em dấp cá ngậm ngùi
Rau răm tình tự, rau mùi bơ vơ
Trắng trong cọng giá như tơ
Củ hành, rau húng chơ vơ giữa chừng
Yêu nhau chẳng đặng thì đừng
Thương tô bún cá xin đừng phụ nhau
Sá gì những cơn mưa rào
Ăn tô bún cá thương nhau tới già...”
(Bún Cá)
Mùa gió chướng ngập trắng hoa so đũa. Mùa này cá linh về… Một bát canh chua với hương vị đồng nội khiến khách đi xa mấy mươi năm vẫn nhớ về…
Trải niềm trên con chữ, thơ Tống Thu Ngân kéo tuổi lớn quay về với ngày khờ dại, mộc mạc chân chất. Hồn nhiên. Thân thiện. Vui tươi… là tất cả niềm mơ ước khi con người nhận ra càng đi xa càng đánh mất…
Hoài niệm về mùa “cá nhảy hầm” khi cái lạnh của ruộng cạn làm mất cân bằng sinh thái. Cá đi tìm nguồn nước ấm hơn theo bản năng di truyền dòng họ. Những ký ức chợt hiện về khi Mùa Gió Chướng của nữ sĩ Tống Thu Ngân tràn ngập lòng người với bao cảm xúc. Lời thơ khiến tôi nhớ như in khi cùng đứa em bà con chú bác ruột, dầm mưa đông, chài lưới kiếm cá tép cho một buổi ăn. Cái lạnh khiến răng đánh vào nhau lập cập, da tái đi, tai nhức bưng bức, vẫn cắn răng chịu đựng không nỡ rời xa khung cảnh nội đồng…
Rét giá chưa bao giờ là nỗi sợ hãi của tuổi trẻ. Mùa lạnh như thử thách sự chịu đựng đòi hỏi thích nghi. Bản lĩnh từ đó sinh ra…
Trăng đêm như có sương mù. Khí lạnh mờ ảo len qua từng cành cây kẽ lá. Mùa Gió Chướng sậm hơn, thiết tha hơn cho những đôi trai gái yêu nhau qua căn chòi nghi ngút lửa. Câu hò điệu hát ngân vang xen lẫn tiếng cười…
Nữ sĩ Tống Thu Ngân cho thấy sự trải nghiệm chiều sâu lẫn chiều ngang khi đề thơ về đông giá. Kinh nghiệm sống bàng bạc. Trí nhớ linh mẫn. Thể hiện đa dạng. Cảm xúc đạt cao trào. Dòng tình thi như dìu dắt người đọc trở về với tháng năm cũ, bến nước đò xưa, của Mùa Gió Chướng mà đời người ai cũng từng trải qua…
Tiếng rì rào cây lá đang hứng gió đông sang. Tiếng vạn vật rùng mình đón tiết trời thay đổi… Mùa Gió Chướng của nữ sĩ Tống Thu Ngân là như vậy!...
“Có một loài hoa rất bình thường
Mình trần, chân đất rất dễ thương
Mọc hoang bờ ruộng hay vườn vắng
Ai cũng biết em kém sắc hương
Nhưng có một ngày bừng sáng lên
Tôi tìm thấy em ở ven đường
Muốn gọi tên em, nhưng không biết
Tôi chỉ biết rằng em dễ thương
Rồi có một ngày biết tên em
Bách nhật ơi, tên em quá êm đềm
Âm thầm mưa nắng em dầu dải
Chịu hạn, chịu khô vẫn ngọt mềm…”
(Thương Em Cúc Bách Nhật)
Hay:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Thấy bông điên điển nghẹn ngào nhớ anh
Giả đò mua khế, bán chanh
Chèo thuyền nước ngược thăm anh một lần
Đi xa rồi cũng về gần
Trông anh cứ ngó đầy sân nắng vàng
Con mèo nằm ngủ mơ màng
Thương bông điên điển, phận nàng bơ vơ
Chiều buồn con sáo làm thơ
Con trùn biết chạy, thằng khờ làm vua
Đêm đêm lặng ngắm sao Rua
Bốn phương, tám hướng về chưa hỡi chàng…”
(Chiều Bông Điên Điển)
Dù đồng cạn hay đồng sâu. Dù đại ngàn hay phố thị. Chất thơ ngan ngát trải niềm vào lòng người đọc như khung trời xưa cũ mà ngày nay đang đi vào quên lãng… Nhà thơ Tống Thu Ngân không chấp nhận sự phí phạm vùng ký ức cực đẹp ở tuổi ấu. Nữ sĩ đã vực dậy, thổi hồn vào con chữ khiến cho bao phong tục, ẩm thực đồng nội được sống dậy lung linh trước nắng mai…
Tân đông gợi nhớ nhiều kỷ niệm! Khoảnh khắc khiến con người quay trở lại với tuổi trẻ: Mái nhà tranh. Bếp lửa ấm. Nồi bắp. Đĩa khoai… Hiện ra trước mắt như tâm sự khách viễn xứ khi nhớ về cố hương…
Dòng Ngụ Ngôn Tình của nhà thơ Tống Thu Ngân cứ gắn kết mãi với thiên nhiên phong phú, gợi tình qua vùng thôn dã đã nuôi lớn con người từ trong gian khó. Những mảnh ký ức không xám tối mà lại rực sáng qua con chữ bởi những tình thi ngan ngát hương đồng...
Dù đi ngược về xuôi. Dù vào Nam ra Bắc. Quê hương vẫn canh cánh với khách ly hương. Mượn ngụ ngôn nói về Mùa Gió Chướng: bát canh cua, tô bún cá, mẻ cá kho… trở nên sinh động lạ thường trong bút pháp người con gái xứa dừa…
“Đi qua miền nhớ, thấy nhớ thêm
Nhớ những chiều mò cua, bắt ốc
Nước mắm gừng và ớt thật cay
Nhớ sao là nhớ... nhớ... nhớ hoài
Đi qua miền nhớ, nhớ ngày xưa
Con mương nước cạn dưới bóng dừa
Chiều xổ đập ơi bao nhiêu là tôm cá
Đổ bánh xèo, hái lá cách thiệt ngon
Đi qua miền nhớ, bánh xèo giòn
Nước cốt dừa em pha béo ngậy
Sóng sánh vàng bột nghệ cũng rất thơm
Đi qua mùa nhớ... quên hết dỗi hờn…”
(Đi Qua Miền Nhớ)
Mùa Gió Chướng lại về, sang trang một tiết mới. Ngụ Ngôn Tình Tống Thu Ngân không chỉ dừng lại đó mà còn tiếp tục tiệm cận nhiều màu sắc trong thi phẩm với nỗi nhớ dĩ vãng khôn nguôi…
Đặc sắc tình thi Tống Thu Ngân như hiện tượng văn học hiếm có trên khoảnh trời thơ bao la con chữ. Nhặt ghép. So sánh. Đối chiếu… Cuối cùng vẫn là ẩn dụ với thực thể vạn vật. Hiện tượng có một không hai này đã giúp tên tuổi Mimosa Tím phá ngưỡng đến với cộng đồng bằng con đường ngắn nhất…
Mùa Gió Chướng trong tôi lại có dịp trở mình cùng với thi phẩm mà Tống Thu Ngân đã cống hiến cho thi ca đất Việt và thế hệ mai sau…
______
Saigon – 8.12.2018
MacDung