Trời chiều mây trắng ngả về đâu
Trủy Thủ 18.07.2022 22:07:56 (permalink)
Mến chào CtLy . Xin vui lòng cho đăng tải bài mới của TT . CÁm ơn CtLy
Trời chiều mây trắng ngả về đâu
Trủy Thủ
 
 
  Hơi nóng phà vào mặt Học khi anh từ trong máy bay bước vào dãy hành lang chật hẹp, kín mít dẫn đến toà nhà hải quan của phi trường Tân Sơn Nhứt.
   Bây giờ đã hơn 6 giờ chiều mà cái oi bức vẫn còn ngột ngạt trong không gian.
     Liếc nhìn sơ qua 2 cuốn sổ passport của vợ chồng Học Thắm, người cán bộ uể oải lên tiếng : 
      - Việt kiều về thăm nhà hả ?
      - Dạ … hai người đồng thanh trả lời.
      - Ở bao lâu ? Có địa chỉ tạm trú chưa ?
      - Dạ rồi … Học đáp … tụi tui về ở nhà cô em gái 1 tháng dưới Long Xuyên để ăn giỗ ông già.
        Nhận lại passport đã được đóng mộc hợp lệ, họ chậm chạp đi tìm hành lý … chất lên xe đẩy và theo ngả “ không có đồ khai báo “ ra ngoài.
      - Cậu mợ ba … cậu mợ ba … con nè, út Tâm đây nè.
      Học trố mắt nhìn người thanh niên vừa gọi mình : 
      - Trời đất, thằng út Tâm đó hả ? Sao bữa nay mầy đen dữ vậy , cậu nhìn hổng ra ! 
     Thằng Tâm cười rổn rảng : 
      - Dạ, bị dang nắng nhiều đó cậu … Con tới đây chờ từ hồi trưa lận, máy bay xuống trễ chắc cậu mợ mệt mỏi lắm rồi, thôi để cho con đẩy hành lý ra xe .
      - Vợ con gì chưa Tâm ? Thắm hỏi nó.
      - Sang năm tụi con mới làm đám cưới mợ ba à .
      Tâm là trai út trong gia đình 4 người con của cô tư Sương … em gái Học … năm nay 24 tuổi, tài xế chạy xe khách cho công ty của má nó trên tuyến đường Sàigòn - Mỹ Tho - Long Xuyên - Cần Thơ . Gọi là công ty cho xôm, chớ thiệt ra chỉ có 2 chiếc van  nhỏ 5 chỗ và 2 chiếc 18 chỗ ngồi . Hôm nay má nó sai đi rước cậu mợ ba từ Bỉ về chơi và ăn đám giỗ ông ngoại Tâm đầu tháng 7 này .
        Nhớ ra 1 điều, Học nói với cháu trai : 
      - Tâm nè, cậu có người bạn thân bên bển nhờ đem về mấy hộp thuốc tây cho người chú ruột của ổng ở khu phố Tây ba lô. Sẵn có xe đây, mầy giúp cậu đi giao luôn cho người ta … để mai mốt cậu khỏi phải trở lên Sàigòn nữa . Được chớ Tâm hả ?
       Công việc xong xuôi đâu đó thì đã gần 10 giờ đêm , bụng đói và mệt nhọc … Học bàn tính với Tâm : 
      - Đường về Long Xuyên còn khá xa mà cậu mợ mầy đói meo rồi .  Chỗ này quán ăn tấp nập, mình kiếm cái gì ăn cho đã miệng rồi tìm nhà trọ nghỉ qua đêm … sớm mai hãy khởi hành .
        Thằng Tâm nhanh nhảu : 
       - Dạ, cậu nói phải quá … con cũng đang có kiến bò trong bụng đây . Xóm nầy có tiệm bò 7 món trứ danh, gần bên là gánh hột vịt lộn, bảo đảm ngon miệng . Để con điện cho má hay đặng bả đừng trông . 
       Thắm mở bóp lấy ra 3 tờ 1 trăm đô la đưa cho cháu : 
          - Nè Tâm, tiện đây cậu mợ gởi Tâm trước 200 đô tiền mừng đám cưới … vì năm sau chưa chắc  gì cậu mợ về được … còn 100 đô để mầy đổ xăng và lo ba cái vụ ăn uống .
       Tâm cầm tiền, mặt mày tươi rói : 
          - Cám ơn cậu mợ nhiều … cậu mợ chơi bảnh dữ nghe . 
 
                                     @@@@@@@@@@
 
        Sáng hôm sau, vợ chồng Học Thắm yêu cầu út Tâm chở họ ra ngân hàng để đổi tiền. Mới hơn 8 giờ mà thành phố đã tràn ngập tiếng ồn ào của xe gắn máy và tiếng còi inh ỏi. Bộ mặt  Sàigòn năm 2019 đã thay đổi nhiều so với lần về thăm nhà mấy năm trước  đây của Học Thắm. Các cao ốc và khu chung cư mọc lên như nấm, chen lẫn với những cửa hàng buôn bán đủ loại và tiệm ăn . Nhiều hàng cây xanh mát mắt được trồng trên vỉa hè, tuy nhiên vẫn còn giây điện chạy ngang dọc trên cao làm mất  đi ít nhiều vẻ mỹ quan của các khu phố. Bọn họ chỉ uống cà phê, xong là lên đường ngay . Qua khỏi quận Bình Chánh, Tâm cho xe rẽ vào quốc lộ 1A, anh phàn nàn : 
     - Cậu mợ biết hông … ở trên này dân “ phượt thủ “ ẩu lắm, họ hay “đánh võng “ bất thình lình làm nhiều khi người ta trở tay không kịp ! 
     - Mầy nói mấy cái danh từ gì nghe lạ hoắc … cậu hổng hiểu nổi.
     Thằng Tâm cắt nghĩa :
     - Dạ , “ phượt thủ “ là mấy tay anh hùng xa lộ … lái xe gắn máy rất cao bồi đó cậu . Còn “ đánh võng” là họ phóng xe cái ào qua mặt xe mình, rồi lạng qua lạng lại … nguy hiểm lắm. 
     Là việt kiều nên Học chưa nghe qua những từ ngữ lạ tai  đó. 
    Qua khỏi Tân An, gió mát thổi vù vù bên tai, bị lệch giờ giấc  nên 2 vợ chồng Học Thắm thiu thiu ngủ. Thằng Tâm nhoẻn miệng cười  khi nghe cậu mợ nó thi nhau ngáy, người thì ro ro đều đều … người thì rọt rẹt lên xuống tạo thành 1 khúc song tấu khá ngộ nghĩnh.
     Học giựt mình tỉnh dậy lúc chiếc xe khách lúc lắc, rung rinh :
     - Tới đâu rồi Tâm ? Anh hỏi cháu trai.
     - Dạ … mình đang qua cầu Cần Thơ đó cậu ba. Con ghé đây vì có quen anh bạn làm chủ cây xăng ở chỗ này … mình ghé đổ đầy bình rồi đổ đầy bao tử luôn nghe cậu .
     Thắm ngồi băng sau bỗng lên tiếng :
     - Mợ thấy thèm tô hủ tíu dai và ly cà phê sữa đá. Tâm có biết tiệm nào ngon hông mậy ?
     - Ý … mợ ba … con chạy xe khách tuyến đường này mấy năm nay nên thành thổ công ở đây  rồi. Con biết 1 tiệm ngon hết chỗ chê luôn.
     Tiệm ăn thiệt là ngon, đúng như lời quảng cáo của Tâm, mọi người đều hài lòng khi đứng lên ra về. Thắm là dân nấu bếp trong nhà hàng mà chỉ nội ngó nhìn thôi cũng đã cho điểm  thiệt cao : tô hủ tíu được trình bày rất bắt mắt với con tôm bự đỏ rực, mấy khoanh mực ống trắng bóc, 2 trái trứng cút , mấy lát xá xíu thơm lừng … rắc bên trên nào là hành, hẹ, ngò, ớt đỏ tươi xắt lát, tỏi phi  với miếng bánh tôm chiên dòn kèm theo tô nước lèo đang bốc khói và dĩa giá sống rau thơm đầy ắp.
 
                                    @@@@@@@@@@@
 
     Cách đây 5 năm về trước - 2014 - hai vợ chồng Học Thắm có về Long Xuyên ăn Tết, trú ngụ trong gia đình em gái là cô tư Sương . Chỉ có mấy năm thôi mà thành phố thay đổi quá chừng. Biết bao nhiêu là cơ sở kinh doanh, hàng quán đua nhau xuất hiện … nhiều dãy nhà lầu mới xây chạy dài theo đường lộ. Các phường xã trong tỉnh đều phát triển tương tự và trù phú hơn xưa rất nhiều.
     Hôm nay rảnh rỗi, không phải chạy xe nên Tâm đưa cậu mợ nó đi chơi. Học Thắm là dân phường Mỹ Thới năm xưa nhưng trở về lần này phải ngạc nhiên vì sự phồn thịnh quá nhanh của Long Xuyên … nhứt là sự mới mẻ, sầm uất của khu chợ lồng Cái Sao : đủ mọi loại hàng hoá và những dãy dài sạp trái cây, rau củ xanh tốt … tươi ngon. Họ dừng chân trước 1 sạp đầy ắp hoa quả.
     Thắm hỏi bà già ngồi bán :
     - Má ơi, trái cây má bán theo chục hay theo kí lô vậy má ?
     - Có thứ theo chục như xoài, măng cụt, quýt, cam. Có thứ theo kí lô như nhãn, lôm chôm. Bà già - gương mặt xạm đen vì nắng mưa … đầy những nếp nhăn nheo, chứng tích của 1 đời bươn chải - trả lời.
     Thằng Tâm xía vô :
     -  “ Chục trơn “ hay “ chục có đầu “ vậy má ?
    Chục của bạn hàng bán buôn vùng sông nước miền Tây thường là 12, đôi khi còn nhiều hơn thế nữa ( chục có đầu ) … làm như họ  muốn lưu lại cái hậu, cái thiện cảm nơi khách hàng để người ta còn lui tới về sau .
     Bà già vồn vã : 
     - Tụi con mua nhiều giúp má thì cam, quýt, mận là chục 14 … còn mấy thứ khác là chục 12.
     Thắm nói : 
     - Vậy thì con lấy vú sữa, xoài, măng cụt, quýt … mỗi thứ 1 chục, còn nhãn và lôm chôm thì mỗi thứ 2 kí nghe má.
        - Em lấy chi nhiều dữ vậy ? Học thắc mắc.
        - Ờ … thì mình mua cho ngày mai khách khứa tới ăn đám giỗ có chút quà đem về đó mà.
       Thằng Tâm nhanh nhảu : 
       - Rồi, cậu mợ ba chờ đây … con sẽ đem xe tới gần đặng mình  đem ra cho trái cây khỏi dập.
       Đám giỗ của ba Học - đông đảo con cháu, họ hàng tới tham dự - được làm ở nhà bác hai Thuận cũng trong phường Mỹ Thới. Thắp nhang cúng vái xong xuôi là ăn giỗ. Bàn ghế xếp dài xuống tới bếp, tiếng cười nói ồn ào như muốn bể nhà. Những tiếng dzô , dzô trăm phần trăm làm náo động cả xóm. Đám này kéo dài từ trưa tới chạng vạng tối mới vãn. Ai nấy đều hả hê, vui vẻ vì …  “được ăn, được nói được gói đem về ”.
 
                              @@@@@@@@@@@@@@@
 
     Mấy hôm sau trời nắng khô ráo, sáng đó Học mượn chiếc xe Dream của thằng Tâm lái qua bên thành phố Cao Lãnh thăm cô giáo Thảo, người mà Học đã gặp lúc về thăm nhà lần đầu tiên năm 1996 khi cô này còn là 1 đứa trẻ thơ ( xin xem “ những mảnh đời thường “ của cùng tác giả ).
     Học đã từng ghé đây năm 2014 nên lần này anh quen đường, lái xe đến nơi dễ dàng.
     Thảo ra mở cửa, ré lên khi nhận ra anh :
     - Ôi kìa … chú Học đó sao ?
     - Ừa … chú đây, kỳ nầy chú về ăn giỗ ông già. Hôm nay rảnh nên ghé thăm cô giáo.
     Thảo lính quýnh khi gặp lại ân nhân năm xưa, cô mời anh ngồi chơi rồi ríu rít gọi Dũng - chồng cô - và con gái nuôi tên Phấn ra chào.
        Con Phấn thì Học từng gặp rồi … năm nay nó đã lớn bộn. Dũng thì mới gặp lần đầu, Học lịch sự đứng dậy đưa tay cho Dũng bắt. Sau đó Thảo mau mắn kể chuyện : cô lập gia đình đã được 3 năm, Dũng hiện  đang làm bảo vệ cho 1 ngân hàng tại ngay Cao Lãnh … cô thích ở lại căn nhà thuê này vì nó thoáng mát và  thuận tiện cho công ăn việc làm của cả 2 vợ chồng.
         Nhà Thảo khá rộng rãi, rất sạch sẽ và ngăn nắp. Bàn ăn cũng là nơi tiếp khách, đối diện là bàn học của con Phấn … liền kề chắc là bàn làm việc của Thảo Dũng vì trên đó thấy có 1 bộ máy vi tính và lịch trình đi dạy học. Bếp núc và phòng ngủ ở mấy gian sau.
 
       Uống miếng nước lấy giọng, Thảo bồi hồi nhắc lại chuyện cũ đã qua : 
        - Chú nhớ hông, năm 96 lúc đó con mới có 10 tuổi … phải bỏ học, đi mót đồ ăn thừa của người ta để đem về nuôi bà nội. May đâu gặp được chú có lòng nhơn hậu,  nên con mới có được ngày hôm nay.
         Học mân mê ly nước trong tay, chậm rãi nói :
     - Chuyện Thảo thành tài, trở nên cô giáo là do ý chí của mình. Còn nhắc chuyện cũ thì phải nhắc tới chú Cang, chính chú ấy đã đưa ra đề nghị giúp Thảo và chú thấy điều đó đáng làm … nên 2 chú thực hiện. Cũng may là chú Cang có thằng cháu Sơn ở Cần Thơ chịu khó đem tiền tiếp tế của mấy chú xuống cho bà cháu Thảo mà việc mới thành.
        Thảo cũng thuật lại những cái khó khăn ban đầu khi được điều đến Cao Lãnh dạy học. Lúc đó cô vừa phải cáng đáng nhà cửa, chợ búa … vừa phải lo cho bà nội … rồi phải soạn bài và chấm bài nữa. Sau khi bà mất … cảnh nhà cô quạnh, buồn hiu nên Thảo mới nhận con Phấn là trẻ mồ côi đem về nuôi nấng và dạy dỗ.
           Nói chuyện cũ kể lể dông dài, thấy đến giờ cơm trưa … Học đứng dậy từ biệt Thảo Dũng ra về. 
           -  Mà nè, Thảo làm ơn ghi lại cho chú cái địa chỉ điện thư của tụi bây đi. Thời buổi thông tin công nghệ cũng tiện lợi, mình khỏi phải đi ra nhà bưu điện và hổng có lo thơ bị thất lạc.
Cho xe nổ máy rồi, Học mới rút ra trong túi áo 1 cái bì thơ nhỏ đưa cho Thảo : 
               - Chú Cang và chú gởi tặng vợ chồng cô giáo để mua quà cho con Phấn. Thảo cầm lấy cho 2 chú vui lòng.
                  - Hai ông chú này … thiệt tình. Thảo chép miệng, trong câu nói ấy có đượm chút trách móc nhưng cũng chứa ẩn thiệt nhiều mến thương. À, chú Học nè, sáng thứ bảy tới đây có lễ hội ông bà chủ chợ Cao Lãnh … lễ này năm nay họ làm lớn lắm, mời cô chú qua coi rồi ở lại ăn trưa với tụi con luôn, nghe chú.
 
                                    @@@@@@@@@@@@@@
 
        Theo lời mời của Thảo, thứ bảy đó Học chở Thắm qua bên Cao Lãnh. Thảo Dũng đã sẵn sàng nên mọi người đi thẳng ra chợ, nơi đang có hội hè đình đám.
          - Năm nay lễ giỗ 2 vị thành hoàng này làm thiệt là quy mô và trọng thể. Dũng đưa ra lời nhận xét.
           Thật vậy, cổng chào xây bằng gạch uy nghi với bảng chữ  ghi tên vị chủ chợ Đỗ Công Tường, qua khỏi cổng là ngôi đền thờ chính to lớn và tả hữu 2 bên là 2 đền nhỏ hơn. Tất cả được quét vôi và sơn phết lại trông thật rực rỡ. Những con rồng, con phượng trang trí trên mái ngói âm dương cũng được chùi rửa láng bóng, sáng ngời.
          Ngay trước mặt tiền của đền, người ta đã xếp đặt nhiều hàng ghế cho quan khách đến tham dự và thưởng thức các màn văn nghệ trên khán đài, dựng ngay giữa trục lộ lớn của thành phố.
             Một chức sắc - tóc chải mướt rượt , áo sơ mi  trắng tay dài và cà vạt hẳn hòi mặc dù trời nắng nực - bước ra trước micro cầm giấy đọc :
           - “ Kính thưa bà con cô bác, hôm nay là lễ giỗ 2 vị thành hoàng chủ chợ,  xin được kể lại công đức của các ngài để chúng ta cùng nhau tưởng niệm. Ông Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, là người có công lập chợ và cứu giúp dân lành lúc bệnh tả hoành hành vào đầu thế kỷ 19. Không biết quê quán ông bà Tường ở đâu, chỉ biết họ từ miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà nay thuộc phường 2 thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Ông bà cho khai khẩn đất hoang và có thu hoạch tốt đẹp nhờ 1 vườn quýt rộng lớn. Vườn quýt này thuận tiện cho cả đường sông lẫn đường  bộ, nên người dân xa gần thường tụ tập đến đây để đổi chác bán mua. Thấy vậy, ông bà Tường bỏ tiền ra dựng lều quán để bạn hàng có chỗ tránh nắng trú mưa … lần hồi nơi đây trở thành chợ Vườn Quýt.  Hay giúp đỡ người nghèo, thêm tánh tình cương trực nên ông Tường được dân làng cảm phục, cử làm chức Câu Đương để phân xử việc kiện cáo tại địa phương. Năm Canh Thìn 1820, nạn dịch tả hoành hành … ông bà Tường tìm thầy thuốc giỏi về chạy chữa cho dân chúng, lập bàn thờ cầu nguyện xin được chết thay. Linh ứng lạ lùng, chính ông bà cũng lâm bệnh dịch và qua đời vào đầu tháng 6 âm lịch năm đó. Tưởng nhớ công ơn người đã khuất …người dân đã tự nguyện góp công, góp của dựng nên đền thờ kề bên 2 ngôi mộ của ông bà và hàng năm làm lễ trọng thể nơi đây “ ( theo tài liệu vi.wikipedia.org )
          Tiếp theo đó các màn ca vũ nhạc được liên tục trình diễn trên khán đài và chấm dứt bằng 1 màn hợp ca tưng bừng nhộn nhịp.
           Bọn Học Thắm vào đền thắp nhang rồi quay về nhà cô giáo Thảo ăn trưa. Trên đường Thắm đòi ghé chợ mua ít trái cây ăn tráng miệng. Họ tấp vô 1 sạp hàng bày biện rất mỹ thuật … các thứ hoa quả được khéo léo xếp thành hình nón chóp nhọn có dáng vẻ của những kim tự tháp bên xứ Ai Cập 1 thời văn minh huyền bí.
          - Ủa , mùa này mà thím còn sầu riêng sao ? Thắm hỏi bà bán hàng.
       - Bây giờ là cuối mùa xứ mình rồi, đợt này là ở Tây Ninh xuống đó cô hai.  Bà hàng trả lời.
       Trong lúc Thắm mải mê lựa chọn sầu riêng, 1 tràng ho khan của người đàn bà khác ngồi trên chiếc ghế đẩu trong góc sạp gây sự chú ý của Học . Bà này lấy chiếc nón lá cũ kỹ ra khỏi  đầu …  đưa tay áo lên chùi miệng. Một cái bớt màu tím đậm chạy dài từ mang tai trái tới cằm của bà già này làm Học vụt nhớ đến  cô giáo năm xưa.
          Anh tiến đến gần và e dè hỏi :
        - Xin lỗi bà … có phải bà là cô giáo Lệ hồi trước dạy lớp ba trường tiểu học công lập ở Mỹ Thới, Long Xuyên ?
       Đôi mắt kèm nhèm của bà già nhìn Học hồi lâu như muốn tìm hiểu con người đối diện thuộc hạng người nào, nhưng bà không nói năng gì !
        Học trình bày : 
        - Cái bớt trên mặt của bà làm tui nhớ lại cô giáo cũ, hình như của năm 70 hay 71 gì đó … cô ấy tên Lệ, nổi tiếng là người đức hạnh của trường.
        Mấy chữ “ người đức hạnh “ dường như đem lại sự an ủi cho bà già, bà yếu ớt lên tiếng :
        - Đúng tui là cô giáo Lệ có  dạy học ở Mỹ Thới lúc trước.
       - Trời đất ơi ! Cô thay đổi quá nhiều. Học định nói là sao cô tiều tụy quá, nhưng anh sửa lại câu nói để tránh sự đau lòng.
         - Thì đã bao nhiêu là năm tháng trôi qua ! Bà giáo lộ vẻ ngậm ngùi,  chắc là đang hồi tưởng về một thời quá khứ xa xăm. Vậy chớ chú tên chi ?
         - Dạ tên Học, Trần văn Học, thưa cô.
         Đưa tay chỉ bà chủ sạp, Học tiếp :
         - Chắc đây là bà con của cô ?
         Bà này lẹ miệng, hớt ngang : 
        - Có bà con gì đâu … thấy bả già nua mà phải đi ăn xin, tui tội nghiệp thành ra cho bả tá túc nơi sạp mỗi đêm.
         - Để cô nói Học nghe, bà Lệ nghẹn ngào kể chuyện : “ sau 75, thầy cô 2 người không còn đi dạy ở Long Xuyên nữa. Không   con cái nên thầy cô dọn về  xã Tịnh Thới, Cao Lãnh … ở nhà  ba má thầy, phụ ổng bả nuôi bầy gà … trồng mấy cây xoài … buôn bán nhỏ sinh nhai. Rồi thì ba má thầy lần lượt nằm xuống, vợ chồng cô già yếu không còn trông coi được đám đất đó nữa ! Đành phải đem bán và tới xã Hoà An gần đây mướn nhà ở mà dưỡng già … chẳng may thầy bị bịnh nằm liệt giường liệt chiếu cả năm trời, mất biết bao nhiêu là tiền của nhưng cũng không cứu vãn nổi… ổng chết cách nay đã 12 năm” .
             Sau mấy tiếng húng hắng ho, bà Lệ kể tiếp : 
         - “Lúc ấy sức khỏe cô đã sa sút, lại hay lên cơn suyễn …tiền bạc xuất hết ra để chạy thầy chạy thuốc, cho tới khi vốn liếng cạn kiệt … và cuối cùng đành lang thang đầu đường xó chợ xin ăn ! May mà có thím bảy đây thương hại tình cảnh, cho ở đậu hàng đêm tránh mưa tránh gió nên cũng bớt khổ cực phần nào “.
       Mặt bà giáo già trở lại bình thản, đoạn cuối cuộc đời của bà lắm chông gai chắc đã làm bà quen thuộc với  những thăng trầm. Cô giáo Thảo nãy giờ đứng nghe, bỗng chép miệng :
        - Thiệt là tội nghiệp, sáng nắng chiều mưa … cuộc đời nào đã dừng đâu !
         Học nhắc lại 1 kỷ niệm lúc còn đi học :
       - Cô còn nhớ hông ? hồi đó mỗi sáng lúc vô lớp … cô hay kêu học trò lên viết trên đầu bảng những câu tục ngữ tràn đầy lễ nghĩa, đạo đức của xứ mình …
         Bà giáo móm mém cười : 
         - Chớ Học viết câu nào ?
        - Dạ, cô biểu tui  viết câu : “ lá lành đùm lá rách “ mà tui nhớ tới giờ luôn.
          - Chà … nhớ dai quá hả, vậy chớ Học có ứng dụng câu đó không ?
         Học chỉ nhìn Thảo cười mỉm  chớ không trả lời.
         Bà giáo tâm sự thêm :
         - Hồi nãy nghe Học hỏi, tui không dám nhận liền mình là cô giáo năm xưa .
          - Sao vậy cô ? Học thắc mắc.
          - Bởi vì lúc trước cũng có mấy người học trò cũ nhận ra tui. Có đứa lớn tiếng khoe khoang là cha nó có quyền thế … nên dù nó học hành chẳng bằng ai … bây giờ cũng thành đại gia, là ông này ông nọ rồi lên giọng thầy đời. Lại có đứa ở ngoại quốc về, có tiền có của … sinh ra hợm hĩnh, lố lăng … khinh thường người nghèo khó ! Tụi nó muốn bố thí cho tui ít tiền, tui không đưa tay nhận nhưng tụi nó cứ bỏ lại dưới đất … những đồng tiền ấy làm tui khó chịu nên đem bỏ hết vào thùng phước sương ở trên chùa.
        Cầm chiếc nón lá trên tay, bà phe phẩy quạt cho đỡ nóng … rồi hỏi Học : 
          - Chớ bây giờ gia cảnh anh ra sao ? 
          - Tui vượt biên năm 81 với vợ… bả đứng kề đây nè …
           Thắm mau mắn : 
          - Dạ , xin chào cô. Học tiếp tục : Tụi tui có 1 trai, 1 gái … mấy đứa nó đã đi làm và ra ở riêng hết rồi. Qua tới xứ Bỉ thì tui vẫn  theo nghề cũ là thợ nề, còn bà xã thì đứng nấu bếp cho nhà hàng, hai vợ chồng đều đi làm việc nên đời sống cũng thoải mái. Có điều ở bển buồn lắm cô giáo ơi ! Đi làm về là chỉ biết  rúc vào nhà  thôi … chòm xóm nhiều khi còn không biết nhau,  xứ lạnh nên tâm tánh con người ta cũng lạnh lùng theo, cô à.
          Thấy mọi người đứng đợi hơi lâu, Học xin kiếu từ. Trước khi đi, anh có đưa cho bà giáo Lệ ít tiền và khéo léo nói : 
           - Cô làm ơn nhận chút lòng thành của người học trò cũ, tui về tìm cách giúp cô sau.
           Tay run run, bà già  cầm lấy mấy tờ giấy bạc nhìn theo bọn Học bước xa dần.
 
                                  @@@@@@@@@@@@@
 
            Gần đến ngày trở về Bỉ, Học không có dịp sang Cao Lãnh để gặp lại bà giáo Lệ, tuy nhiên anh cũng đã phác họa trong đầu 1 dự định để giúp bà ta : cô tư Sương thì bận rộn với công việc làm ăn, anh hai Thuận thì sáng xỉn chiều say … nên không nhờ cậy gì được 2 người này … chỉ còn thằng út Tâm, sẽ nhờ nó chịu khó đôi ba tháng đem tiền trợ cấp qua cho bả .
        Chiều đó, trước hôm lên máy bay … lúc Học Thắm đang sắp xếp hành lý trên lầu thì nghe tiếng cô tư Sương ở dưới nhà la lớn :
         - Anh ba ơi … có vợ chồng cô giáo Thảo muốn gặp nè.
         Thắm nói với chồng :
         - Anh xuống coi cổ muốn gì, em phải làm va ly cho xong .
      Thảo Dũng ngồi chờ trong phòng khách, thấy Học ra … hai người đứng dậy gật đầu chào, Thảo nói : 
         - Biết chú sắp trở qua bển, tụi con tới chào tạm biệt.
         - Ờ mau thiệt … Học gật gù …mới đây mà đã tới ngày về rồi.
         Thảo lượm cái gói ở trên bàn sa lông đưa cho Học bằng cả hai tay : 
         - Tụi con gởi chú và chú Cang mỗi người 1 lô cá khô thiều trong bọc đây, đã gói ghém kỹ lưỡng cho khỏi bay mùi … 2 chú ăn để mà tưởng nhớ quê hương mình.
           - Ngồi xuống đi Thảo Dũng, 2 đứa bây bày đặt làm chi cho thêm tốn kém.
           - Tốn kém gì đâu chú, cho có thêm chút tình nghĩa mà. Thảo cười cười rồi tiếp : chú Học ơi, sau khi biết hoàn cảnh của bà giáo Lệ, tụi con có nói chuyện với nhau và đồng ý đem bả về nhà để trông nuôi.
            Học ngạc nhiên lắm :
            - Mấy đứa tính làm thiệt hả ?
            - Dạ hổng có tính nữa … mà đã làm rồi kìa, chú Học à.
            - Vậy là tụi bây đã đem bả về ?
            Dũng lên tiếng :
             - Chuyện nhỏ mà chú Học, sẵn ván trong nhà … tui đóng cho bả cái giường kê trong góc bếp. Ăn uống thì thêm cái chén, đôi đũa chớ có gì khó khăn đâu nà.
             - Lúc đầu bả khước từ, Thảo tiếp, tụi con nói riết … viện cớ cùng là nhà giáo với nhau, lại nhắc đến câu “ lá lành đùm lá rách “ của chú. Cuối cùng bả nắm lấy tay con, nước mắt chảy đầy mặt và bả gật đầu.
               - Bả về ở với bây lâu mau rồi ?
               - Cũng được gần tuần lễ, chú à. Dũng trả lời.
               Nhìn theo chiếc xe gắn máy chở 2 vợ chồng Thảo Dũng chạy xa dần, Học lẩm  bẩm : 
              - Tụi bây tốt bụng lắm … thôi thì “ hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn “.
                  Câu chữ nho này Học nghe ông già tía giảng nghĩa khi khuyên răn con cháu, nên ăn vô trong đầu Học luôn.
 
                              @@@@@@@@@@@@
 
               Cỡ đâu 1 tháng sau, Thảo Dũng nhận được điện thư của Học. Tuy tên là Học nhưng anh chỉ được học tới hết ban tiểu học mà thôi vì phải theo anh hai Thuận đi phụ nề cho cha. Bởi vậy thư Học không bóng bẩy, văn hoa nhưng thấm đậm tình cảm thiệt thà :
                “ Gởi vợ chồng cô giáo Thảo. Chú đã giao 1 bịch khô cá thiều lại cho chú Cang, chắc nay mai bây sẽ có thơ chú ấy. Chú cũng lai rai cái món đặc sản này với chú Cang rồi, lúc nướng ăn sao nghe nhớ nhà quá. Chú có kể chuyện tụi bây đem cô giáo Lệ về nuôi. Hai chú rất mến phục cái chuyện làm nhơn hậu này, hiếm thấy thuở nay. Để nâng đỡ tinh thần Thảo Dũng, hai chú sẽ nhờ thằng cháu Tâm ở Long Xuyên, nó sẽ dài dài đem ít tiền xuống cho 2 đứa, phụ thêm cho bây chăm sóc bà giáo Lệ và luôn con Phấn nữa. Nếu có tài khoản ở nhà băng thì cho chú biết, như thế hai chú sẽ gởi thẳng vào bằng dịch vụ RIA, không tốn tiền hoa hồng bao nhiêu mà khỏi phải mất công thằng Tâm. Thôi chú dừng ở đây nghe, ngồi gõ thư này muốn mờ con mắt luôn. Mến chúc Thảo Dũng nhiều can đảm và nhiều sức khỏe “.
            Xem xong, Thảo mỉm cười  … cô bỗng nói bâng quơ :
            - Hai ông chú này … thiệt tình …
           Câu nói cũng lại ngưng ngang ở đó, trên mặt cô giáo Thảo người ta thoáng thấy 1 niềm vui. 
 
Tháng7/2022 .
Trủy Thủ
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.07.2022 17:10:23 bởi Ct.Ly >
#1
    Ct.Ly 21.07.2022 17:11:15 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9