Bài giới thiệu của thi phẩm CON CHỮ VÔ ƯU/ Ngã Du Tử
-
11.08.2022 18:43:13
Bài GIỚI THIỆU
Thi phẩm CON CHỮ VÔ ƯU của Đỗ Hướng
Ngã Du Tử
Từ xưa đến nay các nhà hiền triết mãi đặt dấu hỏi lớn:“Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” Biết bao triết gia cố công kiếm tìm, nhưng chưa có kết thúc, dù sự nổ lực ấy không chút ngừng nghỉ.
Kể từ Phật giáo vào Việt Nam cho đến nay đã qua gần 23 thế kỷ, nhiều thức giả người Việt đã thâm nhập hơn về triết lý Phật giáo, song nó mênh mông như càn khôn đại địa… Cốt lõi của Phật giáo là “Tự thân mình thắp đuốc lên mà đi”.
Nhà thơ Đỗ Hướng, một trong những người thực nghiệm tu tập, nổ lực dọn mình trong tinh thần an lạc bằng tất cả lòng thực hành, không chạy theo triết luận“năng thuyết bất năng hành” để vượt qua chữ nghĩa mong “rốt ráo” đường tu.
Với tinh thần huân tập Tứ diệu đế: Khổ - Tập - Diệt - Đạo và nương vào Bát chánh đạo cựu nhà giáo, nhà thơ Đỗ Hướng lặng thầm những bước chân cần mẫn, ý thức công phu không mỏi mệt, anh biết rằng Đạo là con đường, Tu là sửa mình chứ không cao xa như nhân gian nhầm lẫn. Mọi hệ lụy của con người bắt nguồn từ: Chấp - Tham - Sân và Si. Nếu còn các ngọn lửa nầy trong tâm, thế nào cũng bất an, dễ trở thành tai họa.
Hiểu ra vấn đề như thế, lòng anh bình an đủ lực để tinh tấn từng giờ một, ngày một…nhờ vậy anh nhận “quả vị” an lạc là đương nhiên. Buông xả là ý thức đầu tiên để người tu nhẹ nhàng “khư khư giữ lấy tất nhiên nặng lòng”. Anh thư thả Buông xả nhất là “ngã chấp” không chút do dự, bâng khuâng:
“Lỗi từ phân biệt thức sanh
Buông ngã chấp, mọi dữ lành hóa không” (Buông 1)
Buông xả là bậc thang thứ nhất để hành giả đến tính độ lượng, lòng từ bi, tuy vậy không phải dễ Buông bỏ mọi thứ, khi chưa miệt mài tu tập công phu
Bản chất của con người là phóng đại “Chuyện bé xé cho to” với văn chương dễ “Tam sao làm thất bổn cuộc tình”, người nghe thường hiểu nhầm…
“Nhân sinh tâm tánh vô thường
vội quy tốt xấu thành thương ghét nhầm” (Lắng)
Cụ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn, ông đã thấu thị một chân lý trường cữu: “Tu là cội phúc, tình là dây oan”. Ở cái tuổi ngoài 70, nhà thơ Đỗ Hướng cần mẫn như kiến, chăm chỉ như ong, tự biết phải làm gì để được an lạc, tự tại, như nhiên… không còn canh cánh lo âu, bởi chẳng lợi lạc mà còn đem đến não phiền, làm sao độ người nếu chính ta rơi vào triền phược, si mê:
“Muốn độ chúng, trước độ thân
Độ mình diệt gốc tham sân não phiền” (Độ)
Người tu chứng hơn ai hết là biết quý thân báu, còn thân mọi tư tưởng còn hiển bày, mỗi thời đi qua là một pháp, vì vậy ta có thể “xoay” được vạn trùng nghiệp duyên, miễn là đủ hùng tâm, dũng lực trước thế gian đa sự, muôn sắc tục lụy, vạn sự gian nan:
“Trăm năm thân mạng vô cùng
Vững nguyên lực, xoay vạn trùng nghiệp duyên” (Xoay)
Vào một đêm tịch lặng rất đặc biệt trong đời, đất trời thơm ngát, ánh sáng từ bi soi rọi tâm hồn và trí tuệ, anh chợt ngộ ra rằng chỉ tìm về với Đạo và tin rằng dù đời còn những chặng dài phía trước, cứ thong thả tiếp tục cuộc hành trình khi thân còn tồn tại, chắc chắn sẽ an lạc tâm.
Nhờ cái “Xoay”- chuyển hướng nầy, anh từ tốn lột màn vô minh che mờ ý thức bằng những thực nghiệm của chính mình sẽ có ngày nhận ra cái“Bản lai diện mục” diệu kỳ, hoa tâm bừng sáng… thì ra, có đi là có đến bất luận là ai trong thế gian, đâu riêng gì nhà thơ Đỗ Hướng
“Hoa trong lòng, Phật trong ta
Cảm thông đạo ứng chẳng sa luận bàn”
Hay,
“Tánh Phật trong tánh chúng sanh
Tánh người buông xuống viên thành Phật tâm
Tự tánh là Phật tâm, là chân như hiển bày. Với người tu tập khi Phật tâm khai mở thì lòng nhẹ tênh Sắc cũng không, Không cũng không, mọi sự tịch nhiên lấy an vui mà đối sự, lấy an lạc mà đối cảnh, nhìn đời. Niết bàn ngay ở chỗ nầy. Trần gian nào phải là nổi khổ thiên thu như Khổng giáo còn lẩn quẩn trong vòng nhị nguyên.
Thi phẩm CON CHỮ VÔ ƯU anh viết về cõi Đạo, niềm vui lớn của anh là mọi chuyện trên thế gian chỉ là phương tiện giả tạm, huyễn tướng, nhưng đời người nhầm lẫn là mục đích…anh diễn bày nhẹ nhàng như gõ tiếng chuông tĩnh thức, ai có duyên thì nhận lãnh bèn không cũng chẳng sao, bởi đắc thất, còn mất, sự sự đều do duyên mà nên.
Mỗi tác giả có cách viết riêng của mình, nhà thơ Đỗ Hướng cũng vậy, các bạn cứ từ tốn đọc để tìm xem anh nói gì? Cốt lõi của Thi ca là tư tưởng, triết lý Nhân văn, còn ngôn ngữ, thể loại chỉ là cành nhánh.
Cả đời Đỗ Hướng đam mê và yêu thơ, từ lúc rất trẻ cho đến già, những thi phẩm đầu tay của thế kỷ trước, khi đất nước còn chìm trong ly loạn chiến tranh như: Mông lung buồn (1972), Song tình ca (1974).
Sau này, anh đã từng lập nhóm thơ: HOA TRÊN CÁT qui tụ nhiều nhà thơ uy tín trên toàn nước, từ 1997 đã xuất bản hằng năm, con số lên đến cả chục bản, tiếng vang chẳng những trong Khánh Hòa mà còn lan xa trên Văn đàn cả nước…
Sau là Khúc Tâm Ca (1998) đến Nhặt giữa cuộc chơi (1999) đã được tạp chí Nha Trang giới thiệu bài viết của Nguyễn Gia Nùng rất trân trọng.
Khúc thời gian (2006), Thắp (2009), Mắt Tháng Giêng (2011) Mới đây anh đã xuất bản thi phẩm Chọn (2017) được tạp chí Nha Trang giới thiệu với bài viết của Trần Thi Nhân khá công phu.
Với bề dày thi ca như vậy nhưng anh rất bình an và khiêm tốn viết câu lục bát, tôi cho rằng đây là tố chất rất riêng của nhà giáo, nhà thơ Đỗ Hướng cứ tận tụy viết còn việc của tác phẩm là sự đánh giá của độc giả, chỉ có độc giả mới công bình cho thi phẩm hiện diện:
“Tiếng thơ - nhạc nối tình thân
Dỡ hay phó mặc thời gian đãi vàng
Rất vui anh tin tưởng gửi bản thảo CON CHỮ VÔ ƯU để đọc và viết Lời Giới thiệu với bạn đọc khắp cả nước. Trân trọng và hân hoan giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngã Du Tử/ Sài Gòn