Tôi đọc mà không khỏi bất bình bởi cái cách "võ đoán" của ông Lê Văn Lân. Những dòng tôi bôi vàng là những dòng tôi thấy ông Lê Văn Lân viết thiếu khoa học nhất. Có hai vấn đề tôi cần bàn đến ở đây: Một là nguồn gốc của các chữ ông Lân nói có đúng không? Hai là, nguồn gốc của từ "lì xì" có đúng như hai cái cách mà ông Lân hiểu không?
1.Cách triết tự thiếu cơ sở văn tự học: Cách ông Lân trình bày về phần triết tự bên trên, nghe rất xuôi tai, diễn Nôm rất tốt,song xét về góc độ văn tự học, triết như vậy hoàn toàn là vô căn cứ, võ đoán và thiếu cơ sở khoa học. Tôi xin trình bày lại như sau:
a.Lợi 利 (Hội ý )
Ở đây ông Lân quên mất nghĩa gốc của chữ Lợi. Lợi nghĩa sơ khai hoàn toàn không liên quan gì đến lợi nhuận, mà "lợi" nghĩa là "sắc bén", nghĩa nay vẫn còn dùng đến cả ngày nay. Chữ này gồm bộ Hoà và Đao nhưng là dùng dao để gặt lúa, là nhấn mạnh vào cái sự "sắc bén" của con dao, chứ không phải xã hội dĩ nông vi bản thì mang dao gặt lúa về là có lợi.
b.Phú富 (Hình thanh)
Ở đây ông Lân lại nhầm nó thành chữ "Hội ý", tưởng ghép chữ "điền" và chữ "cao" là thành chữ "phú", như vậy là sai về căn bản. Chữ Phú là hình thanh, gồm bộ "Miên" và chữ "Phó". Thử xem một loạt ví dụ này là sẽ thấy thôi: 福、副、富、幅、辐、匐 các chữ tôi liệt kê trên đây, chỉ khác nhau về "hình phù" còn "thanh phù" là tương đồng.
c.Thị 市 (Hội ý)
Ở đây tôi không hiêu ông Lân triết đâu ra được" cỏ mọc", được "tay vơ " rồi thị gượng ép ghép chúng vào rồi bảo chợ là cái nơi cỏ mọc rồi thì để mọi người mua bán cầm vơ...tôi không nghe được. Nếu nhìn kĩ, ở thể Khải, chữ Thị có phía dưới là bộ "Cân" liên quan đến vài vóc, ấy chính là nơi "trao đổi, mậu dịch, buôn bán" vậy. Song, tự nguyên của nó vẫn không phải vậy. Thể Kim văn ( văn tự khắc trên đồ đồng ) của chữ "Thị" gồm bên trên là chữ "Chi " 之, phía dưới là chữ "Hề"兮, ý chỉ là nơi mọi người "đi đến" mà rất "huyên náo, nhộn nhịp " ấy là chợ vậy.
d.Thị 是 (Hội ý)
Ở đây ông Lân diễn dịch ra nó không được chính xác, mà ít nhiều mang cái ý "chủ quan" của bản thân mình. Thị gồm "nhật" 日và "chính"正, nghĩa gốc là "thẳng" ( Sách "Thuyết văn giải tự" của Hứa Thận có chú: Thị, Trực dã") tức "lấy mặt trời làm chuẩn mốc" vậy. Sau chuyển sang nghĩa "đúng đắn", "chính xác", đối lại với chữ "phi".
Ông Lân có nói là "cà kê" về cái món triết tự, thôi thì cũng đúng là "cà kê" thật, cái này chắc cũng chỉ để mua vui, chứ không phải là những phát hiện mới cho giới học thuật vậy.
2.Cách hiểu nguồn gốc của từ "lì xì" sai về ngữ pháp và thiếu cơ sở từ vựng học: Ông lân có nhắc đến hai cách hiểu:
1. Có thể hiểu là Lợi thị 利市 tức đọc theo âm vận Quảng Đông (Quảng Vận) gắn liền với tục "đi chợ đưa dư tiền để người đi mua hộ có thêm chút lợi nhuân".
==>Cách hiểu "lợi thị" là "lợi lấy được khi đi chợ hộ" là hoàn toàn vô căn cứ và nực cười. Trừ khi cả cái vùng lưỡng Quảng, ai nấy đều đi chợ hộ, sau đó kiếm được tí tiền do việc đi chợ hộ mà người ta dúi cho dăm hào, thì may ra mới lưu hành cái cụm từ "lợi thị" (利市). Huống hồ, đấy đâu có phải là phong tục hay thói quen gì, mà chỉ lưu hành trong một nhóm người, nên cách hiểu như thế là hoàn toàn thiếu logic.
2. Hiểu là Lợi thị 利是 tức "đúng là có lợi đấy'''''''' ( để chứng mình cho chữ Thị ở đây ông có lôi kinh Phật ra.)
==>Cách hiểu thứ hai là "lợi thị" tức "đúng là có lợi đấy" là sai ngữ pháp, kể cả trong giao tiếp thường ngày. Khẩu ngữ tiếng Quảng nếu có nói thì cũng là "thị lợi, thị lợi" chứ chả ai đảo ngữ như vậy cả. Nếu có đảo ngữ thì là ở những câu khác và trường hợp khác cơ.
Tóm lại, tôi nhận định từ "lì xì" đúng là có nguồn gốc từ tiếng Hán và có thể hiểu là " Lợi thị" 利市(lì shì) hoặc "Lợi tức" 利息" (lì xi ) đều được. Vì sao?
Thứ nhất, "lợi thị" 利市 là tiền lợi nhuận có được do buôn bán. (Tôi chỉ bác bỏ cái cách giải thích của ông Lân) còn "lợi tức" 利息( lì xi ) là tiền lợi nhuận tăng thêm sau khi trừ tiền vốn đi. Cả hai từ này đến nay vẫn dùng.
Thứ hai, "lợi thị" âm Quảng đọc "lầy sì" , âm Phổ thông đọc "lì shì" còn "lợi tức'''''''' âm Quảng đọc là "lầy xì", âm Phổ thông đọc "lì xi".
Kính thư!
Trần Nam Phong