11- Câu Truyện Ông Dần Đoàn khách hành hương từ các nơi tới tập họp ở phi trường Kennedy, New York để đi Do Thái thăm Thánh Địa. Trước khi chuẩn bị giấy tờ thông hành lấy vé lên tầu, trong khi chờ đợi, chúng tôi đi làm quen, tìm bạn đồng hành để giúp nhau khi cần có việc gì xẩy ra. Nhất là ngồi lâu giờ trên phi cơ xem sách xem báo mãi cũng chán, có người ngồi nói truyện cho nghe thật là thích thú, mau qua thì giờ.
Tôi nhìn sang hai bên ghế trước ghế sau, các bạn mới quen đều ngồi cách xa chỗ tôi. Còn bên phải là ông Dần trong số bạn vừa quen. Ông ta trạc ngoài 50 tuổi, da ngâm đen, vẻ mặt chất phác. Sau một giấc ngủ dài, vừa tỉnh dậy ngơ ngác nhìn sang tôi ông hỏi: “Này bạn giờ là mấy giờ?”, “5 giờ, giờ Nữu Ước”, tôi đáp. Sau mấy câu hỏi thăm nhau về quê quán trước khi ở Việt Nam, ông Dần kể tôi nghe về đời của ông.
Quê tôi ở Thái Bình, nơi đất hẹp người đông, tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo nàn, không được đi học, dù mơ ước của cha mẹ tôi chỉ muốn các con biết đọc biết viết cũng đã mãn nguyện rồi. Hồi còn nhỏ mỗi khi đi ngang qua trường học ở phố phủ bao giờ tôi cũng đứng lại nghe tiếng học trò đọc bài, nghe thầy giáo giảng nghĩa: nào là hiếu cha mẹ, rồi học trò đọc: “
Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Để đối anh em như câu:
“Nhường anh nhường chị lại nhường người trên”, nghĩa đối với bạn vè với câu:
“Duyên phải duyên kim cải, nghĩa phải nghĩa giao hòa”. Tôi nhớ hết những câu ca dao ấy và lấy làm hay.
Dạo đó tôi phải đi ở đợ để trừ nợ cho bố mẹ. Nhưng lúc đi ngang trường học tôi thường đứng ngoài nghe tiếng thấy giảng. Về nhà muộn là bị chủ la mắng, có khi bị đánh đập. Tôi phải làm việc luôn tay luôn chân. Có lúc nhớ mẹ trốn về lại bị bố mẹ la mắng, dẫn lại nhà chủ xin lỗi. Bị nhục nhã, đánh mắng vì miếng cơm, manh áo, đem sức lao động ra làm cho chủ được bao nhiêu chủ giữ lại trừ nợ mà bố mẹ tôi đã mượn trước. Đến năm 18 tuổi làng cấp điền lại, tôi được chia cho năm sào ruộng công điền. Thật là sung sướng cho tôi và cả gia đình, đã bao năm nay bây giờ chúng tôi lại được làm chủ năm sào ruộng.
Trước kia bố tôi cũng có phần công điền như tôi bây giờ, mà lại còn nhiều hơn, những sáu sào lận. Bố tôi được nhiều hơn tôi bây giờ là vì số người được chia còn ít. Bố mẹ tôi làm chủ số ruộng này được vài năm thì xẩy ra biến cố: ông nội tôi rồi đến bà nội tôi được mồ yên mả đẹp, cũng là lúc bố mẹ tôi phải đem phần ruộng làng chia bán đứt cho người ta để trả nợ. Bố mẹ tôi thường nói buồn vì bán mất phần ruộng, lại hả hê đã giữ trọn bổn phận hiếu thảo với ông bà tôi.
Còn tôi khi nhận phần ruộng xong tôi cũng xin tùy bố mẹ định đoạt. Bố tôi nhìn tôi nói: “Con đã lớn đủ sức vác cầy làm ruộng, hãy ở nhà cùng với bố tự cầy cấy lấy phần ruộng của mình, và đi làm thuê cho người ta cũng đủ sống. Mà gia đình tôi, từ bố mẹ đến tôi là khôn lớn hơn cả có bao giờ nghĩ đến làm giầu, chỉ mong sao được ngày hai bữa ăn no, có đủ áo ấm mặc về mùa đông là mãn nguyện rồi.
Cứ đến bữa ăn ngồi quây quầy chung quanh mâm cơm bố tôi thường nói: “Các con hãy nhớ:
‘Đói cho sạch rách cho thơm’ đừng bao giờ nói dối, nói xấu ai, đừng tham lam lấy của ai, của phi nghĩa không giữ được lâu đâu. Làm được có đồng tiền, bát gạo phải khó nhọc, đổ mồ hôi xót con mắt. Người không làm tìm đủ cách cướp lấy của người ta đấy là bọn đạo tặc, vô lại, tham nhũng.
Gia đình tôi sống an phận, cái nghèo vẫn không tha. Tới khi bố tôi chết gia đình thiếu một tay lao động. Lại gặp năm 1944 mất mùa, người Nhật thu mua lúa gạo, làm thuê không ai mướn, quá tháng 10 hết ngày mùa, gần hết cả miền tôi, chúng tôi đều đói, bữa ăn bữa nhịn. Tôi là con lớn ngồi nhìn mẹ và các em đói, không thể chịu được tôi đem đồ đạc có thể bán được, tôi bán tất cả phần ruộng công điển. Gom được số tiền tôi tính cứ ngồi ăn, không được bao nhiêu ngày sẽ chết đói nếu không tìm được việc làm.
Tôi bàn với mẹ tôi còn chút tiền để làm lộ phí ra nơi tỉnh thành may ra tìm được việc làm sống qua ngày. Tới Hà Nội cũng thấy người đói đi lang thang xin ăn đầy đường, đêm nằm vỉa hè hay quán chợ gầm cầu, chúng tôi bỏ Hà Nội đi lần tới Tuyên Quang, tương đối còn có công việc làm, có khoai có sắn hay vào rừng đào củ mài cũng còn có chỗ để sống. Nhưng lúc cùng quẫn tôi đã có ý nghĩ phải biết nói dối, lường gạt nếu muốn sung sướng, như tôi đã từng gặp nhiều người quen có, lạ có mà có sao đâu, nhiều lúc tôi nói hở ra, mẹ tôi biết ý xấu manh nha trong lòng tôi, tôi thấy mẹ tôi buồn lắm, cứ hay nói khi bố còn sống vẫn dặn các con phải
ăn ngay ở lành đừng có quên lời bố dặn.
Qua mấy tháng chịu rét và đói ở Tuyên Quang, mẹ tôi đòi về làng quê Thái Bình, vả lại nay đã gần đến mùa gặt chúng tôi có thể trở về làng đi gặt thuê được. Tôi thu xếp đưa mẹ và các em tôi tới Hà Nội, mẹ tôi bị sốt thương hàn chết không kịp về tới quê, tôi đành chôn cất mẹ ở nghĩa trang Khương Thượng. Trước khi chết mẹ tôi nắm lấy tay tôi mà nói: “Hãy nghe mẹ, nhớ lời bố con đã nói:
Đói cho sạch, rách cho thơm. Đừng bao giờ nói dối, lừa gạt, ăn cắp, ăn cướp, của phi nghĩa, không bền đâu con, giữ được lòng ngay thẳng, rồi con sẽ được sung sướng.” Khi nói mẹ tôi ứa hai hàng nước mắt và tôi đã hứa để mẹ yên lòng nhắm mắt.
Khi về tới quê tôi, một cảnh thương tâm, nhiều nhà bị rỡ đi bán làm củi, nhiều người đã chết, có gia đình chết hết. Mùa lúa đã chín người gặt thì thiếu. Anh em tôi lần hồi làm ăn khá giả, năm 54 bỏ hết mọi thứ vào Nam nơi đất tốt người thưa tôi làm ăn phấn chấn, rồi tới 75 lại bỏ lại hết, di tản tới đất nước người. Chúng tôi lại làm lại từ đầu. Cứ tuần tự nhi tiến có nhà có xe, con cái học hành thi đâu đỗ đấy. Đúng như lời mẹ tôi căn dặn trước khi chết
“giữ được lòng ngay và những lời bố dậy kia rồi con sẽ được sung sướng”. Nếu muốn nghe thêm tôi xin kể thêm câu truyện của người em họ tôi.
Chôn cất mẹ xong anh em tôi trở về quê biết chắc đã đến mùa gặt sẵn việc làm, về tới nơi không còn nhà vi cột kèo thứ tối đã đem bán, còn lại làm củi đốt hết, trơ đám đất cỏ mọc, việc đầu tiên anh em tôi chia nhau đi tìm họ hàng quen biết, tìm chỗ trú ngụ qua ít ngày sẽ cắt túp lều cư ngụ. Đang xớ rớ đứng nhìn mảnh đất hoang tàn, nghe tiếng em tôi từ xa gọi, lại đi bên một người đàn ông, đến gần nhận rõ người đàn ông chính là em họ: Hiền con bà cô tôi. Hai anh em ôm nhau khóc kể về gia cảnh, em tôi bị thảm hơn tôi, cũng như mẹ tôi, cô tôi kiếm được củ khoai miếng sắn cũng nhịn bớt cho con nên chóng chết, khi chết chỉ có manh chiếu để bọc đem chôn: Ôm nhau một lúc cho lắng đọng bi thương, rồi Hiển đưa anh em tôi lại nhà Hiển, nhà chú em tôi chỉ là một cái lều.
Hiển nói với tôi: “Anh ạ, em cũng mới về được năm ngày nay, trước khi về vợ em đã đi nhặt được mấy cành cây mấy tấm ván xấu gỗ mục, người ta vất đi để sẵn, lúc em về hai vợ chồng em đã dựng túp lều tạm này lấy chỗ che mưa đụt nắng. Rồi Hiển kể tiếp: “Sau khi mẹ em chết (tức bà cô tôi) em vừa đói vừa lo buồn lấy gì mà ăn cầm hơi sống cho ngày mùa. Vợ em đi ăn mày cũng không ai cho, phải đi hái các thứ lá cây về luộc ăn cho đầy bụng đến nỗi em vốn là thanh niên khỏe mạnh, bây giờ đi không nổi, em cũng cố lần ra tới đường làng thấy có một đám đông người đứng bao quanh một người thanh niên trẻ tuổi và ông lý trưởng ở làng.
Em vừa tới nơi là lúc người thanh niên bỏ giấy vào cặp, cậu thanh niên vừa trông thấy em, cậu ta liền hỏi tên em là gì và bảo: tôi nhận thêm anh này nữa. Nói rồi, cậu ta kêu mọi người có tên theo cậu về trại. Tới nơi chúng tôi biết đây là trại cứu đói. Bắt đầu, chúng tôi được ăn ngay mỗi người một bát cháo loãng, bữa tới bát cháo đặc hơn dần dần. Sau ba ngày, chúng tôi mới được ăn cơm, sau này tôi mới biết nếu những người đói quá như chúng tôi lại kiệt sức, không thể ăn cơm hay cháo đặc ngay được, phải ăn từ từ là thế, khi đã lại sức, chúng tôi được tập thể dục ban sáng, được phân công làm việc tùy khả năng, khi vợ tôi biết tôi đã được nhận vào trại cứu đói cứ đến bữa ăn, tôi giấu được một nắm cơm tìm cách đưa cho vợ nên cả hai vợ chồng được cứu sống đến bây giờ.
Ngừng một lát ông Dần thở dài nói tiếp: Chú Hiển em tôi là người có nghĩa biết nhớ ơn, mỗi khi nhớ đến cậu thanh niên đã nhận mình về trại khỏi chết đói, trong khi còn bao nhiêu người chết đói vì không được nhận, chỉ vì trại không đủ sức nuôi. Chú em tôi nói muốn gặp cám ơn cậu thanh niên mà không biết làm thế nào; khi tôi vào trại được ít lâu, một hôm có toán lính Nhật đến bao vây trại tìm bắt cậu, rất may cậu ta trốn thoát.
Rồi người Nhật đưa một khác đến làm trại trưởng thay chỗ cậu thanh niên. Khi chia đôi đất nước, di cư vào Nam chú Hiền làm trại trưởng một trại tiếp cư ở Cà Mau. Một hôm đi phố chú Hiền đã gặp lại cậu thanh niên trại trưởng trại cứu đói cách đây 11 năm, chú nói em mừng quá em quỳ xuống giữa đường tạ ơn cậu đã cứu đói khỏi chết, cậu ta nâng em đứng lên chỉ cười hỏi thăm mấy câu.
Ý em muốn mời cậu về nhà nhưng cậu nói thế là quá đủ rồi từ giã vì có việc cần phải đi, từ đấy không bao giờ gặp được cậu ta để cám ơn cậu vì bấy giờ em làm ăn khá giả muốn có vật gì làm quà gọi là để cám ơn. Cho đến bây giờ chú em tôi vẫn thường cầu nguyện xin ơn trên phù hộ cho người đã làm ơn cho mình.
Nghe xong câu chuyện của ông Dần, một người nhà quê chất phác, cả quãng đời thiếu niên không được học hành, chịu thiếu thốn, đói khát lao khổ, vẫn giữ được giá trị con người, giữ được lòng hiếu thảo biết vâng lời cha mẹ, khi cùng quẫn đã nghĩ đến nói dối, lường gạt nhưng thấy mẹ buồn và câu nói của mẹ
“phải ăn ngay ở lành”, “đói cho sạch rách cho thơm” của bố đã làm cho ông tin tưởng bỏ được tà tâm. Đến như chú Hiển trong câu truyện đúng là người
“ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tuy không trả ơn bằng vật chất được, trả ơn bằng ý cầu nguyện, xin ơn trên phù hộ cho người đã cứu mình khỏi chết đói. Và người thanh niên khi nhận Hiền vào trại không nghĩ có ngày Hiền tìm đến cám ơn.
Khi làm việc thiện là tận dụng làm cho trọn, không đòi hỏi mục đích gì, thành hay bại, mang lại danh tiếng hay không, miễn sao giúp được người yếu, kẻ thiếu thốn.