Chuyện Đời Chuyện Người
Tuyết Minh
1- Những Tâm Hồn Cao Thượng
Đang theo học Đại học Văn Khoa. Hiển cũng mơ mộng như ai, cũng bạn bè vui chơi, tâm sự, cũng kẻ đưa người đón, các chàng mời đi ăn, đi ciné nếu nàng muốn. Duyên dáng lịch sự, Hiển chú tâm rèn luyện học hành mong năm nay lấy xong bằng Cử nhân Văn khoa để đi dạy học như ý cha mẹ mong muốn.
Ngày 30-4-75 ập đến cũng như bao gia đình hoang mang, lo sợ. Ra đường thấy người chạy đi chạy lại, xe cộ đủ thứ di chuyển, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, xe ba gác, tay ôm, vai vác cuống quýt gọi nhau, trong lòng người nào cũng bồn chồn lo lắng, gặp ai quen cũng hỏi bây giờ đi đâu? Có đường nào để đi không?
Gia đình Hiển gồm cha mẹ các anh các chị các cháu, cũng gọi nhau hẹn gặp tụ họp ra bến Bạch Đằng. Người ta chen chúc xô đẩy xuống tàu. Khi ba mẹ Hiển tìm được chỗ ngồi, quay lại điểm mặt các con, các cháu, lúc đó mới thấy thiếu gia đình người con gái lớn. Hiển, người con gái út cũng vừa tới với chiếc xe đạp, mẹ Hiển liền hỏi Hiền trở lại tìm gia đình người chị.
Khi gia đình người chị và Hiển tới bến, tàu đã nhổ neo đem theo cha mẹ, các anh chị và các cháu. Không còn đường nào đi được, hai chị em nhìn nhau nước mắt lưng tròng đành kéo nhau trở về.
Anh chị Chân phàn nàn ái ngại nhìn Hiển, tự trách chỉ vì anh chị chậm chân để lụy cho Hiển, cả nhà đã đi còn Hiển bây giờ lạc lõng thân gái một mình. Anh chị Chân đều nói:
-Em về ở với anh chị rồi tìm đường đi sau. -Đã lỡ rồi, em không phiền trách anh chị, em có thể tự lo được. Bây giờ em phải trở về nhà xem ra sao, rồi sẽ liệu sau. Một cảnh tượng tiêu điều hoang vắng khi Hiển bước chân vào nhà, cách đây vài tiếng đồng hồ, mọi người vội vã thu dọn, tiếng gọi tiếng hối thúc ầm ĩ, giờ đây không một người, không một tiếng động. Hiển cảm thấy cô đơn, buồn phát khóc được, giờ đây chắc cha mẹ cũng đang lo buồn thương các con còn kẹt lại.
Một lần nữa anh chị Chân nài nỉ:
-Bây giờ lỡ rồi, chúng ta bình tĩnh đợi thời thế xoay đổi, thực tế còn phải sống, anh chị may mắn vẫn còn cửa hàng, em về ở với anh chị, các cháu, tiếp tục đi học đợi tin bố mẹ, anh nghĩ phải một thời gian lâu mới có tin gởi về. Hiển không muốn làm phiền anh chị, trở về nhà thu dọn không đồ đạc còn lại mà trong khi vội vã cha mẹ nàng đã mang theo và chưa kịp bán. Hiển cũng còn may, từ ngày mai sẽ đem ra chợ bán dần, chỉ để lại ít đồ cần dùng cá nhân. Bây giờ mình phải đổi khác, nàng tự nghĩ phải tự túc lo lấy thân, không thể ý lại vào anh chị, anh chị còn lo cho các cháu, đó là bổn phận của anh chị.
Hiền đi thăm tất cả những bạn bè, những nhà họ hàng, quen biết để xem ai đã đi được, những ai còn ở lại. Người bạn thân nhất là Thu. Cả gia đình không có ý định đi, như lời bác Tài, bố Thu, nói:
-Nghề buôn bán của mình không dính dáng gì đến chính trị, không động chạm gì đến ai, chưa có sự gì cần phải đi. Ông bà Tài và cả Thu đều nói:
-Hiển đã lỡ không đi được hãy ở lại đây với Thu là chỗ bạn thân cho có bạn cho đỡ cô đơn.
Mọi người đều trấn an Hiển đừng lo ngại sợ hãi, dù chế độ nào luật lệ có đổi khác, mình là người làm ăn trung thực rồi cũng thích ứng được. Suy nghĩ ít lâu, Hiển nói:
-Cám ơn hai bác và Thu. Cháu phải ở lại nhà trông coi và sẽ bán dần đồ đạc chi tiêu, chờ tin tức bố mẹ cháu, chắc rồi ra cùng liên lạc về và còn anh chị cháu cũng ở gần đây. Có chuyện gì cần, cháu xin nhờ hai bác giúp đỡ sau. Cả Hiền và Thu xin phép ông bà Tài đi lên nhà thương Cộng Hòa vì cả hai từ trước vẫn công tác với các bà trong hội Phan Sinh để thăm nom giúp đỡ các thương bệnh bình, giờ đây ai ai cũng lo cho mình và gia đình, không thấy ai nhắc tới việc xã hội. Mấy ai nghĩ tới những thương bệnh binh đang nằm chờ những bàn tay săn sóc, nghe những lời an ủi cho với bớt sầu khổ.
Còn khổ hơn nữa, những anh bị mất cả hai tay đến giờ chia cơm không tự ra lấy được phần ăn, thân nhân không có ai, nhờ anh bạn cùng phòng ra lấy giúp để bên cạnh, nhưng phải đợi có người giúp lấy thìa đưa cơm, thức ăn vào miệng. Họ cứ ngồi chờ cô một người nào đi qua thăm hay những anh cùng phòng ăn xong trước, bấy giờ mới giúp cho ăn. Thật là cám cảnh!
Còn những anh thương binh mấy hôm nay đã được gội đầu chưa, nhất là những bị thương ở đầu bê bết máu dính vào tóc đã khô, vừa đau vừa ngứa ngáy. Hiển hình dung nhớ đến từng phòng mà chiều thứ Sáu nào cả hai cô cũng đều có mặt để dành phần lấy nước, bưng từng thau nước tới từng thương binh, người múc nước đổ lên đầu, người gỡ tóc, an ủi thương binh.
Tới cổng nhà thương, các bà các cô đều thất vọng không ai được vào thăm thương binh Mỹ Ngụy. Hiển và Thu buồn bã nhìn nhau, cả hai cùng trao đổi ánh mắt nhìn xót xa khi nghĩ đến những người thương bệnh binh.
***
Mấy tháng đầu nếp sống chưa thay đổi nhiều. Từ lúc đổi tiền, chính phủ Cộng Sản phơi bầy bộ mặt giả trá, tìm đủ cách hạ mức sống trong Nam xuống bằng mức sống ngoài Bắc, nghĩa là để cho đói rách bằng nhau. Họ thực hành chính sách bóc lột, tìm cớ tịch thu nhà. Hiển có một mình ở rộng quá, phải thu xuống ở dưới bếp nhường nhà trên cho cán bộ ngoài Bắc vào ở.
Gia đình ông bà Tài thuộc diện đi vùng kinh tế mới, của hàng bị tịch thu theo chế độ mới không được buôn bán, riêng Thu xin cha mẹ ở lại với Hiển để tiện vừa học thêm và kiếm việc làm.
Ông bà Tài đã trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Một túp lều tứ bề trống hốc, một mảnh đất khô cằn để làm vườn mà người ta chia cho mỗi gia đình với câu “Hãy khắc phục, sỏi đá cũng thành cơm” hay “Đừng tin những gì Cộng sản nói, hãy nhìn công việc họ làm”. Không thể nấn ná ở lại được, ông bà Tài đành đưa gia đình về Sàigòn móc nối tìm cách ra đi.
Đôi bạn Hiển Thu rất tâm đầu ý hợp, bàn nhau tìm một ý hướng trong cuộc đời. Can đảm phấn đấu sẽ là phương thức duy nhất nếu không muốn thấy mình phải vùi thân dưới làn nước đục, trong nơi hắc ám. Đôi bạn cùng ý hướng đã tìm vui sống và ý nghĩa cho cuộc đời trong cách thức đó.
Sau khi đã xin được việc làm, Hiển đi dậy học. Thu làm ở bệnh viện. Cả hai thường nâng đỡ an ủi nhau bởi vì những kỳ thi, chèn ép, những lời nói, hành vi thô bỉ đã diễn ra hàng ngày nơi làm việc, không làm các cô chùn lòng thoái chí. Các cô cố tạo bầu không khí hòa đồng thích hợp, làm tròn bổn phận. Các cô can đảm chịu đựng, tha thứ, nhẫn nhục, giúp đỡ những tha nhân chung quanh bằng những việc làm.
Dần dà đã thấm, có tác động làm mềm lòng những quả tim độc ác chai đá. Mỗi khi nhận thấy kết quả những nghĩa cử mình làm được ở bệnh viện, ở nhà thương, các cô về tới nhà vui vẻ kể cho nhau nghe trong bữa ăn luôn là rau muống, ít tép rang mặn mà cả hai thấy ngon như những bữa sơn hào hải vị.
Sau khi tới nhà thương Cộng Hòa các cô không được vào thăm giúp đỡ thương binh như mọi khi vì những người của Mỹ Ngụy đã bị đuổi đi.
Một cuộc triệu tập họp bí mật của những người đầy lòng bác ái đã khuyến khích phân công. Lời của bậc đáng kính mà các cô luôn nhớ trong buổi linh thao trước khi Người bị trục xuất
. “Lúc nào cũng mãn nguyện khi thấy được sinh làm người cao quý hơn muôn vật khác, là dịp chia sẻ cùng tha nhân, trong cố gắng và trau dồi, để được dễ dàng mà gần gũi họ hơn trong cải tiến tình yêu thương cao đẹp giữa người với người”. Đôi ba lần Thu cương quyết xin phép bố mẹ ở lại với lý do muốn phục vụ đồng bào xấu số, bệnh tật đau yếu. Nàng nói:
-Xin bố mẹ hãy tin con, được bố mẹ sinh ra, dậy dỗ, với vốn học vấn con có đủ nghị lực để thích ứng đối phó với những bất trắc ở đời, đừng lo cho con. Xin bố mẹ cứ đưa các em đi vì tương lai. Với chế độ tối tăm này không còn tìm đâu ra ánh sáng, xã hội băng hoại mầm non cứ thui chột dần. Các cô đã nhận rất nhiều thư của cha mẹ, anh chị em thúc giục làm giấy tờ xin đoàn tụ đáp ứng với đơn xin ở ngoại quốc do cha mẹ bảo lãnh. Các cụ muốn các cô đi sớm còn kịp lập gia đình, hay nếu muốn tu thì ra nước ngoài cũng sẵn có nhiều dòng tu phục vụ như ý.
Các cô đều trả lời một luận điệu xin đừng thắc mắc vì chúng con đã chọn con đường ở lại với các em mồ côi, với anh chị em tàn tật, thiếu thốn, với những cha mẹ già không cơm áo, bệnh hoạn. Con muốn tu, chúng con đã chọn thứ nhất tu chùa, thứ hai tu chợ, thứ ba tu ở nhà là con đường đã chọn.
Các cô đều luôn luôn nhận được những thùng đồ tiếp tế do gia đình ở ngoại quốc gởi về, mỗi lần nhận đồ về là một dịp các cô bận rộn phân chia, đâu là phần các em mồ côi ở Long Thành, những gia đình có người tàn tật ở Thủ Thiêm, những ông bà già đau yếu ở Nguyễn Duy Khánh, ở Cầu Ông Lãnh v.v…. vẫn không đủ chia, cứ băn khoăn mấy người này đói quá, còn mấy chị thiếu nợ đong gạo chịu nấu cháo cho con chưa có trả bị người ta mắng chửi tàn tệ, chỉ biết khóc, nơi nào cần hơn hãy đến trước.
Các cô đã dùng những ngày nghỉ đến tận hang cùng ngõ hẻm mà không biết mỏi mệt, không chê hôi hám, bẩn thỉu, coi ai cũng như ruột thịt.
Ôi cao quý thay, đáng phục thay, những người ở lại với tâm hồn cao thượng, nhường cơm sẻ áo, an ủi người đau khổ chịu đựng những khinh bỉ, chế riễu, bị thiệt thòi đủ đường mà vẫn can đảm coi thường, tha thứ vì mục đích hướng thượng giúp đỡ tha nhân làm vui.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.09.2022 01:39:35 bởi frank >