Re:Chuyện đời chuyện người - Tuyết Minh
-
27.10.2022 00:06:53
33- Thảm Cảnh Gia Đình - Nguyên Nhân Đổ Vỡ
Đang chập chờn nửa thức nửa ngủ, tiếng chuông điện thoại làm tôi tỉnh hẳn. Nhắc điện thoại:
-Tôi nghe đây, ai ở đầu dây đấy?
-Chị ngủ chưa, có làm mất giấc ngủ không? Lành đây, có chuyện buồn muốn nói chuyện với chị cho khuây khỏa và có phương kế gì giúp em. Chúng em đến phải chia tay nhau.
Tôi sửng sốt hỏi:
-Có chuyện gì ghê gớm đến thế?
-Nhiều chuyện quá, khó nói lắm. Có điều cả hai chúng em đều không chịu nối nhau… Anh ấy đổ lỗi cho em kênh kiệu, chỉ biết ăn tiêu hoang phí, còn em bảo anh ấy độc đoán, bất công, biển lận, ích kỷ.
-Chị biết em đang tức tối, khó chịu, vậy đề nghị cô em hãy làm ly nước chanh đá, uống rồi đi ngủ, ngày mai Chúa Nhật tới chị có nhiều thì giờ mổ xẻ câu chuyện của em. Chúng mình sẽ bàn thảo tìm nguyên nhân ai phải ai trái, O.K.?
Sau đây là một số trường hợp để rút kinh nghiệm.
Tại Cha Mẹ Vợ
Chi D. lấy chồng lúc chưa ra trường. Anh D. khuyến khích vợ học lấy xong bằng dược sĩ, buổi sáng anh chờ vợ đi học trước khi đi làm, chiều đón về, với số lương của anh chị dùng rồi vẫn còn dư.
Lấy được bằng rồi, chị D. tìm việc làm có lương. Bây giờ bố mẹ chi D. đòi hỏi phải đưa số lương về giúp bố mẹ. Cũng là lúc anh chị có con, phải tiêu nhiều khoản, mua thêm xe để đi chị đi làm, mướn người giữ con v.v.. Số tiền kiếm được, cả hai vợ chồng chi tiêu còn dư chút ít hàng tháng vẫn phải đưa về giúp bố mẹ. Theo ý anh D. trích ra một số giúp bố mẹ vợ, còn phải để dành lại cho tương lai khi yếu đau, con cái lớn lên hay có việc gì xẩy đến v.v…
Nhưng gặp phải bố mẹ vợ là người tham, lại không chịu đi làm, chỉ trông vào tiền các con kiếm được, nên tìm cách chia rẽ, muốn con gái đưa con về ở với bố mẹ, cũng lấy trọn số tiền của con. Chị D. thiếu suy nghĩ, chiều ý bố mẹ để lấy tiếng hiếu thảo, sau khi cãi vã với chồng, chị D. đưa con về nhà bố mẹ ở.
Muốn có nhiều tiền, bà mẹ chị D. còn xúi dại chị đi lấy Mỹ có nhiều tiền, như bà biết con gái người bạn của bà lấy Mỹ đưa tiền về mua xe, tậu nhà cho bố mẹ. Rồi chị D. đã nhận ra bố mẹ chỉ là người quá tham tiền, ích kỷ, không nghĩ gì đến hạnh phúc của con. Chị nghĩ đến tương lai con mình sẽ ra sao? Vì một lúc nóng giận mất khôn, phải khéo léo, không nên quá thiên lệch, vẫn giữ hiếu với bố mẹ, còn phải có bổn phận với gia đình, không thể để con xa bố, vợ xa chồng.
Anh D. vì nhớ thương con, gọi điện thoại cho vợ muốn gặp con. Rất may mắn, chị D. hối hận, với tấm lòng thương con, anh D. sẵn sàng đi đón vợ con về sum họp.
Tại Cha Mẹ Chồng
Anh P. vốn là người bặt thiệp vui vẻ, ít lâu nay anh tránh ít muốn gặp ai. Một người bạn vong niên hiểu chuyện khuyên anh kiên nhẫn chờ một thời gian để giữa cha mẹ và vợ anh, dần dà sẽ nhận ra sự khác biệt, không công bằng, nóng nảy, và anh sẽ là người con, người chồng trung gian giàn xếp… anh nên có sự mềm dẻo tách biệt ít lệ thuộc vào gia đình, vợ chồng tự kiến tạo mái ấm gia đình.
Nguyên nhận bố mẹ anh P. đặt nhiều hy vọng vào người con dâu là người có nhiều vốn, có tài kinh doanh, nên ông bà không ngại tốn kém cưới được con dâu, hết sức chiều chuộng: ông bà sẵn có cửa hàng, khôn khéo mời con dâu cộng tác hùn vốn làm ăn, còn chị P. cũng hồ hởi đưa vốn về chung, khuyếch trương rộng lớn, mở thêm dịch vụ mua thêm cửa hàng, chị chỉ có việc việc chạy ngoài mua hàng giao dịch, còn bên trong chi thu đã có bố mẹ chồng.
Anh P. đi làm được bao nhiêu lương đưa hết về để góp cho bố mẹ buôn bán. Ít lâu sau, chị P. nhận ra chị chỉ là người làm phụ vào dịch vụ buôn bán, không có quyền lấy tiền ra, mặc dù chị đã góp vốn như một công ty, với tài tháo vát chị đã làm lợi cho cửa hàng rất nhiều và lương anh P. cũng đưa về góp nữa. Theo nhận xét của chị, chỉ được nuôi ăn hai bữa, quyền lợi sẽ được chia đồng đều với các anh chị em.
Chi P. đã nói cho chồng biết về ý đồ của bố mẹ chồng như thế là bất công. Chị muốn tách rời, đòi lại vốn lẫn lời, Anh P. không bằng lòng với ý muốn của vợ, chiều theo ý bố mẹ, nên mới có vụ chia ly.
Thời gian xa nhau họ đã hiểu nhau, một người chồng thủy chung, một người vợ đảm đang có lòng khoan dung mới có lòng khoan dung mới khi có cuộc sống tái hợp vui vẻ.
Tại Người Chồng
Mới lấy nhau thời kỳ yêu đương đằm thắm cả hai dể dàng bỏ qua khuyết điểm của nhau. Qua thời kỳ trăng mật, trở về đời sống thực tế, sinh hoạt bình thường, cá tính con người bắt đầu bộc lộ. Anh A. tỏ lộ tính độc đoán, coi người vợ kém về trí thức, như một người phụ thuộc, anh đi đâu làm việc gì không thèm bàn luận với vợ bất kỳ việc lớn nhỏ. Anh đi làm về đưa tiền để chị tiêu tùy ý, anh cho như thế là phải, là đủ bổn phận với vợ.
Nhưng anh không biết hay không muốn biết cách thức anh đối xử với chị, đã chạm tự ái của chị rất nhiều. Chị A. cảm thấy mình là người thừa, là công cụ của người chồng, không được bàn hỏi, chỉ là nô lệ của chồng, bị sai bảo, hầu hạ dưới quyền người chồng. Chị an ủi tự nghĩ mình kém chồng về học thức, về công việc làm, nên phải nhẫn nhục. Ở đời có ai dám tự phụ là tài giỏi, cái gì mình cũng hiểu biết hết.
Rồi một vài dịp anh A. đã nghĩ sai và làm hỏng, chứng tỏ cho chị biết nếu anh nói bàn với chị theo ý chị thì đã không hỏng việc, có thể chị còn làm hay hơn. Chị đưa ý nghĩ nói với anh, vì tự ái anh đã không biết phục thiện lại phủ đầu chị bằng những câu thô tục. Chịu đựng đến mức nào thôi, không thể áp dụng cảnh “chồng chúa vợ tôi” như khi còn ở quê nhà, đây là xứ tự do, chị phản ứng quyết liệt, phải đi học, phải đi làm để chồng không còn dám coi thường chị nữa.
Nguyên cớ để gia đình tan vỡ, chỉ khổ cho xấp nhỏ, ai chịu trách nhiệm trông coi chúng? Ở với mẹ sẽ không có thì giờ cho mẹ đi học đi làm, ở với bố cũng thế.
Anh chỉ muốn vợ ở nhà coi con để anh đi làm đưa tiền như mọi khi. Bây giờ anh không dùng quyền của anh ép vợ được nữa, vợ anh đã thoát ly khỏi tầm tay anh.
Anh A. thật lúng túng, khủng hoảng tinh thần, anh đặt giả thuyết hay vợ anh chán anh muốn đi theo một bóng hình nào, thật khổ sở cho các con, nhục nhã cho anh. Trong hoàn cảnh này anh rất may mắn gặp được vị trưởng thượng hiểu biết mà anh kính phục, tìm cách gỡ rối cho đôi vợ chồng… đã mời cả hai chị ngồi lại với nhau, phải nói hết ý nghĩ, lỗi ở chồng, lỗi ở vợ, ước muốn của mỗi người.
Khi đã giải tỏa được hết khúc mắc khó chịu, vị cố vấn dung hòa, đôi bên nhường nhau, nhất là phải đặt quyền lợi đàn con trên hết, phân chia giờ giấc đi học, đi làm, cả hai đều có giờ săn sóc giáo dục con cái đồng đều, tương kính nhau, nên nhớ lại khi mới lấy nhau đã thề hứa cả hai nên một, giúp đỡ yên ủi nhau khi ốm yếu cũng như lúc hoạn nạn, lúc vinh cũng như lúc nhục có nhau, phải cùng nhau vun xới cho gia đình ngày một hạnh phúc hoàn hảo hơn.
Tại Người Vợ
Ông bà B. thích có cháu nên thúc giục T. đi lấy vợ. Còn đang học dở dang nên chàng khất bố mẹ xin đợi lấy xong bằng y khoa nhưng bố mẹ đã chọn được người như ý, cô M. rất đẹp. Khi gặp mặt T. ưng thuận ngay. Một đám cưới tưng bừng, mọi người đều chúc trai tài gái sắc cầm hòa hợp. M. biết mình đẹp, được nhiều người khen, trước khi lấy chồng đã có nhiều chàng theo đuổi, tán tỉnh, bố mẹ nàng đã không dám gả cho những chàng lãng tử này, đã chọn được T. là người hiền lành, chăm học lại đẹp trai như ý con gái.
Sau khi cưới được vài tháng M. nhõng nhẽo đòi chồng đưa đi ăn chơi. Ban ngày chơi tennis, tối đến đi nghe nhạc, khiêu vũ, đòi nhà chồng mua xe riêng, mua nữ trang đắt giá. Mới đầu nhà chồng còn chiều rồi dần dà M. làm tới, anh T. không chiều nổi vì còn lo bài vở. M. không có chồng đi với, cũng cứ đi một mình, anh T. khuyên bảo, năn nỉ nhưng M. không bỏ được thói lãng mạn.
Đã thế M. còn muốn chồng phải ra ở riêng, không muốn lệ thuộc vào gia đình nhà chồng. Ỷ vào sắc đẹp thiếu gì kẻ đón người đưa, thế rồi kiếm được một kẻ đồng điệu ăn chơi. M. đưa đơn ly dị, đã lấy hết những gì T. có.
Một cái may là đôi này chưa có con. Hết tiền hết tình, M. bị bỏ rơi muốn trở về với P. thì đã muộn, anh đã ra trường tốt nghiệp y khoa.
Các cô ỷ vào sắc đẹp, bố mẹ quá chiều con để cho tự do ăn chơi nên nhớ định luật “Có hoa nào mà không tàn, có sắc đẹp nào mà không phai”, cùng với năm tháng phải già xấu theo thời gian. Người có đức hạnh khiêm nhường coi sắc đẹp chỉ là phần phụ thuộc làm tăng phẩm giá con người.
Thảm cảnh một ông bố ở Houston bắn chết bốn con rồi quay súng tự sát vì người mẹ đã bỏ nhà đi và đưa đơn đòi ly dị. Thảm cảnh ở Anaheim, một buổi sáng người ta gặp trong căn phòng ngủ bố và bốn con ôm nhau chết cháy, người mẹ bỏ nhà đi cách đây một tuần lễ.
Cô bạn nhỏ thân mến không chịu nói rõ nguyên nhiên xích mích giữa vợ chồng em, vậy chị đưa ra mấy trường hợp nêu trên đã từng xẩy ra, em thấy có “ca” nào giống hay gần giống như trường hợp của em, mong các em dẹp tự ái tìm giải pháp tốt đẹp thỏa thuận sống lại những ngày thơ mộng như thuở ban đầu.