Chuyện đời chuyện người - Tuyết Minh
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 35 trên tổng số 35 bài trong đề mục
frank 26.10.2022 23:25:33 (permalink)
 
 
 
31-   Người Bạn Tốt
 
 
 
Tay thì rửa chén, trong lòng Nhung ứ lên đến cổ họng, cơ hồ những thức ăn đã nuốt trong suốt bữa cơm  đưa lên hạ xuống vần vũ trong bụng, không còn chút dư vị ngon miệng bởi những thức ăn thơm ngon như lúc vừa ăn xong. Trong bữa cơm, Vũ chồng nàng vừa xem báo vừa ăn, đây cũng là tật chung của chàng và nhiều người đàn ông khác không riêng gì Vũ.
 
 Một đôi khi Nhung hỏi chồng ăn được chưa, ngon không? Vũ lại ừ ào ngon, ngon lắm, như giật mình chàng chú ý vào món ăn gắp món này sang món khác ăn cho chóng xong để còn xem nốt tờ báo đang xem dở. Ăn cơm xong, Nhung đứng lên thu bát đũa đưa ra bồn rửa rồi đi lau bàn. Trên kệ để sẵn trái cây ăn tráng miệng. Vì hôm trước có mấy người bạn gởi đưa cam ra ăn chơi, chỉ còn độc nhất trái cam Vũ vừa lấy xuống để trên bàn, miệng nhắc Nhung lấy cho con dao và đĩa để đấy rồi Nhung lại quay đi rửa chén, trong lúc đó Vũ bổ cam ăn hết cả trái cam.
 
 Nhung cứ tưởng Vũ sẽ ăn một nửa hay ít ra cũng để phần nàng vài miếng ăn tráng miệng. Tự nhiên Nhung thấy khó chịu. Con người  chỉ biết ăn một mình, ích kỷ thật, nói ra thì cho mình tham ăn, từ xưa đến nay mình không hay nói, nói ra lại cho là mình nhỏ nhen: vì không nói ra được nên trong lòng Nhung cứ ấm ức không đâu, rồi nhớ lại từ việc này sang việc khác lộn xộn cứ lần lượt phơi bày ra trước mắt, cũng tức tối như hôm nay: như lần mình đang bận úi quần áo, anh bạn đến rủ đi chơi, Vũ không rủ nàng cùng đi, lại nói em ở nhà anh đi chơi, nếu rủ nàng sẽ đi ngay, ấm ức không nói rồi cũng qua.
 
Có khi vừa đi làm về tới nhà chưa kịp nghỉ ngơi đã thấy lù lù kéo mấy ông bạn về nói truyện ầm ĩ cứ tưởng rồi họ về nhưng Vũ giữ họ lại, kêu mình đi làm mấy món nhậu, ăn uống truyện trò chán rủ nhau đi, chả thèm nói câu gì, nhà cửa tùm lum chỉ một mình thu dọn đến khuya Vũ mới về, thấy nhà cửa đã dọn sạch sẽ nói được một câu lấy lòng “em dọn làm gì cho mệt, để anh về dọn, em cứ đi ngủ đi.” Nói để mà nói chứ Vũ có sờ mó làm gì đâu, rồi mình cũng phải làm.
 
Nhung đoán các chàng chỉ rủ nhau đi du hí nhảy nhót cờ bạc, tin làm sao được. Mình cũng phải đi làm như ai, có phải ăn bám vào hắn đâu, cứ về tới nhà là đầu tắt mặt tối làm đủ thứ cơm nước, giặt ủi, sai lấy từ cái tăm, ly nước lại còn kêu quần ủi không  thẳng nếp, áo giặt chưa sạch. Đầy tớ không phải người làm thì không, mình cứ chịu nước lép mãi hay sao! Càng nghĩ, cơn giận càng tăng, nếu không nói cứ  lần lượt bắt nạt mình mãi. Ở đây là nươc tự do, bình đẳng, mình phải có quyền.
 
Từ đây Nhung nuôi ý giận Vũ. Bắt đầu từ lúc đi đón các con về nhà, Nhung không thèm nói gì với Vũ, cho các con ăn, tắm rửa đưa đi ngủ. Nhung cũng ở luôn trong phòng với các con. Vũ xem báo xem truyền hình xong đi ngủ không hỏi đến vợ đến con càng làm cho Nhung tức tối đến nghi ngờ Vũ không còn yêu vợ, đến con cũng không hỏi tới.
 
 Người đâu mà vô tình đến thế, hay đã có mèo, nên thường gạt mình ở nhà để hắn đi một mình tìm mèo cho dễ. Vốn tính ít nói, Nhung cứ nằm thao thức tức tối nghĩ đến ngày mai bắt đầu chương trình đối đầu với Vũ như thế nào, đồng thời dò hỏi xem đã lâu nay chàng đi ăn chè với ai, ở đâu, phải đối phó ra sao.
 
Nhung dậy sớm lo đưa các con đi gửi, không làm cà phê ăn sáng cho Vũ như mọi khi. Chiều nay khác thường lệ,  Nhung gặp mấy người bạn rủ nhau đi ăn. Các bà mà gặp nhau thích nói hơn thích ăn, một số các bà có tật hay ngồi lê mách lẻo là tính trời sinh cố tật. Nhung chỉ ngồi nghe. Đôi này sắp rã nhau, đôi kia cãi nhau một trận kịch liệt phải gọi cảnh sát rồi cũng đến chia tay, chia con, chia của, bình quyền có tự do ai mà chịu được những chàng vũ phu, nghiêm khắc.
 
 Có chàng mèo chuột tùm lum, có cô nương lăng loàn,  cờ bạc, gặp chàng nào hảo ngọt cứ tự do khoác tay, có nàng thay nhân tình như thay áo. Có nhiều chàng nhiều nàng bề ngoài nói năng có vẻ đạo  đức đấy nhưng có dịp thì thủ đoạn phơi ra, chim chồng mèo vợ của bạn không từ ai, nên đề phòng, các bà căn dặn nhau không nên tin ai quá, hối không kịp.
 
Vũ đi làm về thấy nhà im lặng, vào bếp không có sẵn cơm như thường lệ, hơi ngạc nhiên chờ một lúc không thấy Nhung về, quá đói phải lái xe đi ăn ngoài.  Trở về nhà thấy Nhung đang ngồi chơi với con Vũ lên tiếng hỏi:
 
-Đi đâu? Sao không nấu cơm cũng không nói gì, về nhà bao giờ?
 
Màn đấu khẩu bắt đầu như Nhung đã dự liệu.
 
-Anh cũng đi làm, tôi cũng đi làm, muốn ăn cơm thì nấu lấy mà ăn, không ai phải hầu ai. Đi về đâu là quyền của tôi, cũng như anh đi đâu làm gì có bao giờ anh nói cho tôi biết không?
 
Đang bực mình vì bữa ăn ngoài vừa tốn tiền vừa món ăn kém ngon không được như ý hay không ngon bằng món ăn thường ngày do tay Nhung làm, lại phải nghe thêm những câu vừa chất vấn vừa thách thức, chẳng cần tìm hiểu chạm tới tự ái vì Nhung dám cãi lại, nộ khí xung thiên, chàng xô ghế đứng lên toan hành hung vợ.
 
 Nghe ầm ĩ, đứa nhỏ đang trên tay Nhung, thằng con lớn chạy lại ôm chầm lấy mẹ, cả hai khóc ầm ĩ làm Vũ khựng lại nhìn vợ con trong lòng còn ấm ức chàng vơ vài thứ để trên bàn, lọ hoa, gạt tàn thuốc lá hắt xuống sàn nhà vỡ tan tành rồi bỏ đi tới khuya mới về.
 
Hoạt cảnh ngắn dài như trên thỉnh thoảng lại xẩy ra, không khí giận hờn âm ỉ mãi rồi đến ngày bộc phát. Nhung đưa con về nhà cha mẹ tá túc đòi ly dị.
 
Từ hôm Nhung không đưa con về nhà, Vũ nhớ con lắm nhưng tự ái lại giận Nhung tự dưng giở chứng hỗn láo sinh sự cãi nhau, cứ đổ tội cho chồng có mèo mỡ ở đâu, không giúp đỡ vợ con, đi ăn đi chơi một mình. Vũ cho là mình không có tội gì, chính Nhung đã gây xáo trộn trong gia đình, còn đi chơi ăn nhậu với bạn bè là quyền của mình. Đi làm suốt tuần, ngày nghỉ cũng phải đi chơi xả hơi theo sở thích của mình, còn phải lệ thuộc ai nữa.
 
Không ai cản trở, Vũ như con thiêu thân tìm lối thoát. Nhung sau những đêm trác táng trận cười suốt đêm, sau những bữa nhậu say tỉnh lại chàng nhận thấy thân thể rã rời, sức lực tiêu hao, lòng nhớ con dằn vặt tâm hồn não nề, còn đâu những ngày hạnh phúc bên vợ bên con. Không ngờ Nhung lại giận đến nỗi ly dị. Vẫn còn giận Nhung nhưng nghĩ đến hai con rồi đây tương lai sẽ ra sao, chúng sẽ mất cha hay mất mẹ, Vũ khổ sở, lo lắng mất ăn mất ngủ đã mấy ngày.
 
Điện thoại kêu hoài Vũ cũng chả thèm nhắc. Gần đi ngủ, lại điện thoại kêu, đành nhắc lên nhận ra tiếng Tùng, người bạn thân nhất đi công tác đã mấy tháng nay bây giờ trở về gọi hỏi thăm Vũ và vợ con. Vũ thở dài trả lời sắp ly dị đến nơi, hiện bây giờ vợ con không có ở nhà.
 
Giật mình vì tin gia đình bạn sắp tan vỡ, Tùng thở dài.
 
-Bây giờ khuya rồi bạn ngủ đi. Ngày mai cuối tuần là ngày nghỉ tôi sẽ lại nhà anh sớm, chúng ta tìm hiểu lo phương pháp hàn gắn lại, đừng buồn.
 
Sau tuần cà phê, Tùng hỏi:
 
-Bây giờ anh kể lại diễn tiến từ đầu khi xẩy ra sự xích mích cho tôi nghe. Người trong cuộc với tâm trạng vừa giận vừa yêu vừa thương vừa ghét, ở với nhau lâu không biết hâm nóng, cái gì cũng thành quen quá ra nhàm chán rồi chỉ nghĩ đến cái tôi là phải  là hơn là đúng. Phải là người ngoài, hiểu rõ đôi bên, nên để cho người làm trọng tài.
 
Vũ liền kê tất cả mọi chuyện cho Tùng nghe. Im lặng một lúc, Tùng nói:
 
-Theo tôi cả hai anh chị đều có lỗi, không chịu lắng nghe nhau, không giải thích cho nhau hiểu ý của mình, cố chấp tự cho là mình phải, cố bảo vệ lấy thành kiến của mình, mơ hồ biết mình có lỗi, đối phương cũng có phải, vì tự ái không ai chịu nhận lỗi để đến lúc tan vỡ hối không kịp.
 
Vũ yên lặng không nói gì. Tùng tiếp:
 
-Vì tình bạn hôm nay anh cho tôi cái hân hạnh làm môi giới cho anh chị, mời anh cùng tôi đi  đón chị và cháu, xin nói trước là  anh phải sửa soạn đến xin lỗi chị dù anh cho là không có lỗi, nhưng xin lỗi vợ mình và đón con về chứ có phải xin lỗi vợ người ta đâu mà ngượng. Tình yêu chân chính là bắt đầu khi người ta biết cho đi mà không  mong nhận lại. Người đàn bà thích bị chinh phục hơn là đi chinh phục, thích nương tựa hơn là thích điều khiển. Vì gia đình muốn làm gì cả hai vợ chồng phải cùng nhau thông cảm.
 
Nhung cũng chỉ chờ Vũ hạ mình xin lỗi. Được vuốt ve tự ái là đủ, nàng đâu có muốn quyết liệt để tan vỡ gia đình. Cả hai vợ chồng Nhung Vũ cám ơn anh bạn có hảo ý đã nhận xét đúng tâm lý từng người, cứu vãn được hạnh phúc gia đình bạn.
 
Những việc không đâu rất tầm thường nhưng vì một lời nói, một cử chỉ, một việc làm vô ý thức, cả đôi bên không chịu tìm hiểu, không chịu tha thứ, không nghĩ đến hậu quả thâm thương về tinh thần. Hãy nhìn về đàng trước tiến buớc, hãy nghĩ về tương lai hoạch  định công việc gì nên làm có lợi cho mình cho con cháu mình sau này. Hãy quên những lầm lỗi người ta làm cho mình thiệt hại, khó chịu. Hãy tha thứ cho người. Nhớ lại quá khứ, hãy nhớ lại lúc mới lấy nhau, yêu nhau, cái gì cũng tốt cũng đẹp. Có thể mới bỏ qua những lầm lỗi của nhau để cùng gây dựng hạnh phúc gia đình.
 
#31
    frank 26.10.2022 23:39:16 (permalink)
     
     
    32-   Tương Kính Như Tân
     
     
     
    Trong ngôi đền thờ trước mặt đấng linh thiêng tối cao, hai người nam nữ nắm tay nhau thề hứa sẽ ở với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau trọn đời. Hay trước bàn thờ gia tiên, đôi bên hai họ của đôi thanh niên nam nữ cùng nghiêm trang chứng kiến phút long trọng của hai người thề hứa: sống đến đầu bạc răng long, sống với nết tốt cũng như tính xấu, khi yếu đau cũng như khỏe mạnh, khi nghèo khó sa cơ nhỡ bước cũng như khi giầu sang danh vọng.
     
    Qua tuần trăng mật, đôi vợ chồng trở về đời sống hiện thực, cả hai cô cậu nghĩ đến ngày mai phải đi làm, nếu đã có công việc đang  làm, hay chưa có, vẫn còn trong vòng tay cha mẹ phải nuôi, thế là không ổn, đến tuổi trưởng thành, cha mẹ lấy vợ gả chồng cho con rồi phải biết tự trọng sống tự lập là lẽ đương nhiên, lại có thực mới vực, giữ vững được tình yêu.
     
    Đang sống yên vui với mái gia đình trong sự mến thương  che chở của cha mẹ, hồn nhiên hòa hợp với các anh chị em, bỗng nhiên phải tách rời ở nhà riêng, ăn riêng, cả hai phải đi làm, ngỡ ngàng với cuộc sống mới, lâu dần rồi thành quen, cả đến tình yêu luyến ái cũng không còn hấp dẫn, mọi cái đều quá quen thành nhàm rồi chán.
     
    Người đời thường gọi là thế gian, thói đời đen bạc. Khi chàng hay nàng đi làm công sở, tư sở, cửa hàng, văn phòng v.v… sẵn môi trường, đồng nghiệp, bạn bè, thư ký văn phòng hay người giúp việc, đã tạo ra nhiều cơ hội trong giờ ăn, giờ nghỉ, nghe được nhiều chuyện của người này người kia, tối ít xấu nhiều, va chạm với người khác phái.
     
    Về đến nhà chàng hay nàng đã quá quen nhìn chồng hay vợ, vẫn bộ mặt ấy vẫn giọng điệu thường thấy, đến bữa ăn là lúc cởi mở nói truyện, cả hai đã không nói gì đến truyện mới lạ.
     
    Nàng đã gặp người đàn ông trông có vẻ cao ráo đẹp trai nói năng hoạt bát, hào hoa phong nhã, không cục mịch quê mùa như chồng mình. Chàng đã gặp bà hay cô thật duyên dáng, nói năng dịu dàng, đẹp và khôn ngoan hơn vợ mình.
     
    Hậu họa bắt đầu mọc mầm, cứ để cho tình cảm xuôi theo dòng, từ mỉm cười, một cái nhìn, câu truyện thường dẫn đến thố lộ tâm tình, một trong hai người có ý ve vãn, thế là lưới tình đã giăng, rủ nhau đi ăn đi chơi đi sắm sửa, ngụp trong hố sâu, không còn nhớ gì đến vợ đến chồng, đến con ở nhà mà có nhớ cũng cố quên đi, xua đuổi khỏi ý nghĩ. Rồi cùng với người mới tìm cách thay thế, đưa người mới vào thay thế địa vị người đã cùng mình thề hứa đã chung lưng hòa đồng lúc vui như lúc buồn chia sẽ những khó khăn đã qua.
     
    Một bà mẹ có năm con phàn nàn sang tới đất tự do được hưởng nhiều tiện nghi sung sướng nhưng tinh thần tôi căng thẳng quá. Ở đây không có cảnh chồng chúa vợ tôi như ở nhà, nhưng hạnh phúc khó giữ nổi trong tầm tay, có tiền có địa vị càng ngày chồng tôi lại thấy khó tính, về đến nhà là kiếm truyện chửi bới con  cái, chê trách tôi nhiều cái vô cớ làm cho tôi khó chịu cố ý tìm dịp đi khỏi nhà, làm như về đến nhà là ngục tù.
     
    Tôi nghĩ khó mà sống mãi như thế này. Cũng muốn bắt chước người ta ly thân hay ly dị. Nhưng nghĩ lại thương đàn con thơ chúng sẽ ra sao, tuy tôi đủ sức nuôi chúng, một mình tôi không thể dậy dỗ che chở các con đến nơi đến chốn nên tôi phải phấn đấu nhẫn nại, dù không muốn cũng khó thoát cảnh chia ly vì chồng  tôi đã cố ý.
     
    Một bà ngồi cạnh nói tiếp. Tôi rất phục bà chị ở  nơi đây sẵn môi trường kích thích, quá tôn trọng tự do cá nhân không còn chỗ cho luân lý chen chân, bà chị vẫn giữ được phẩm cách con người, đem tình thương con đặt trên hạnh phúc. Tôi xin đưa một  câu truyện để bà chị áp dụng, của một người bạn tôi đã kể lại, dùng tình cảm giữ được hạnh phúc như sau.
     
    Ít lâu nay chồng tôi đi làm về thất thường. Buổi sáng ít khi ăn đã đành vì tôi đi làm sớm hơn chồng tôi một giờ, buổi chiều tôi đi làm về trước đó đủ thì giờ làm cơm chiều sẵn sàng cho chồng và các con đi học về cùng ăn, nhưng chồng tôi ít chịu ngồi vào bàn ăn cơm với vợ con, đã vậy hay chê cơm  nước làm như vậy ăn sao được, nếu tôi có nói đã làm những món anh thường hay ăn, lại cho là tôi hay cãi lại, rồi chửi mắng con cái hết con này đến con khác làm cho các cháu sợ không dám đến gần bố.
     
    Sau một đêm suy nghĩ, hôm sau tôi đổi chiến thuật. Tôi xin phép nghỉ buổi chiều, tôi tới tiệm chải đầu sửa sang lại bộ mặt cho tươi mát sáng sủa, về nhà tôi nấu vài món ăn mà chồng tôi rất  thích ăn, và món chè ít khi chồng được ăn vì lười đã lâu tôi không làm sẵn. Xong tôi gọi tất cả các con phải đi tắm gội sạch sẽ ăn mặc tươm tất đợi đón bố. Trước khi chồng tôi về, tôi bắt các con và tôi phải ăn qua loa chút ít cho đỡ đói, và phải đợi khi nào bố về mời bố vào ăn bấy giờ tất cả sẽ ăn.
     
     Nhà  cửa tôi cũng ráng lau chùi sắp xếp cho gọn ghẽ sạch sẽ. Rồi tôi phân công: thấy bố về tất cả các con ra đón bố, đưa lớn đỡ cặp đưa vào cất cho bố, khi bố ngồi xuống hai đứa cởi giầy cho bố, còn hai đứa nhỏ nhất tôi  dặn phải ôm hôn bố rồi  mỗi  đứa ôm một bên tay bố.
     
    Dặn dò các con xong mẹ con tôi ngồi đợi như chờ một người khách quý chưa bao giờ gặp; hôm nay chồng tôi lại về muộn hơn mọi ngày, bước vào nhà với bộ mặt cau có như muốn gây sự với ai, chưa kịp nói gì thì các con tôi đã ùa ra làm theo đúng lời tôi đã dặn trước. Khi hai đứa đã cởi xong giày, hai đứa nhỏ ôm hai bên tay bố, tôi đem đến chiếc khăn mặt nhúng nước nóng có mùi nước hoa và hỏi anh có mệt không, có đói không, muốn ăn chè hay ăn cơm, với vẻ mặt rất vui vẻ nhỏ nhẹ.
     
    Nhìn lên bàn ăn đủ những món ăn chàng thích rồi hỏi lại tôi sao bây giờ này cả mấy mẹ con chưa ăn. Tôi nói có đói cũng ráng chịu, đợi bao giờ bố về mới cùng ăn cả nhà cho vui. Biết vợ con cứ đợi, chồng tôi ngồi vào bàn không ăn nhưng nhìn các con ăn ngon lành vì đói, chồng tôi đã hiểu và hối hận, từ đấy không còn để mẹ con tôi chờ cơm, và tôi cũng hiểu thêm người đàn ông cần sự vuốt ve, thích nhìn bộ mặt vui tươi, muốn nghe những lời dịu dàng êm tai và chúng tôi nhớ lại và sống như thời mới yêu nhau.
     
    Luôn luôn nghe nói về các ông hay thay lòng đổi dạ, vì vậy các bà cũng lại bắt chước các ông đi làm, cũng buôn bán, các ông làm nghề gì các bà cũng bắt kịp, có khi còn kiếm nhiều tiền hơn các ông là khác.
     
    Một ông phàn nàn không còn hiểu được đàn bà lòng dạ họ biến đổi họ muốn gì. Tôi chỉ biết đi làm cuối tháng đưa tiền về trả hết các bill, còn lại cũng muốn để dành đổi nhà lớn hơn, để dành sau này cho các con ăn học. Còn muốn tự do đến mức nào mà vợ tôi không còn nghĩ đến tình nghĩa, muốn dứt bỏ đi ở một mình rồi các con tôi sẽ ra sao?
     
    Một ông bạn phân tích như sau: Vợ chồng lấy nhau yêu nhau phải có trách nhiệm duy trì tình yêu đó. Phải hiểu như câu của người yêu đáp ứng với sự hiểu biết đó. Vì vậy cả hai phải thông cảm, có thế mới giữ vững được hạnh phúc gia đình. Nói đến trách nhiệm gia đình, người đàn ông nên nhận nhiều hơn để người đàn bà còn bổn phận sinh con, nuôi dưỡng, dậy dỗ con cái. Nếu vì hoàn cảnh phải để người vợ đi làm thêm phụ giúp gia đình, không nên để hai vợ chồng làm khác giờ, vợ làm đêm chồng làm ban ngày hay vợ làm ban ngày chồng làm ban đêm. Những cám dỗ ở đâu cũng có, cần đề phòng và biết tránh. Không ai học được chữ ngờ.
     
    Tình yêu là chấp nhận mỗi khi cả hai không thỏa mãn những đòi hỏi yêu sách, sắp sửa đi đến gây gỗ thống trách nhau, cả hai nên nhớ lại và nhắc lại những lời đã hứa trước đấng linh thiêng trong đền thờ hay trước bàn thờ tổ tiên có cha mẹ họ hàng đôi bên chứng kiến, rồi kìm hãm lại tính nóng nhớ lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, hãy tôn trọng nhau “tương kính như tân”, tìm đến các con làm điểm tựa, làm khổ nhau được nhưng không thể vì mình mà để khổ lụy đến các con, gây ra một viễn ảnh đau khổ cho tương lai chúng.
     
    Và rồi chúng ta sẽ hạ cơn nóng, nuốt tự ái làm hòa với nhau dễ dàng. Sau cơn mưa trời lại nắng. Hạnh phúc gia đình càng đằm thắm hơn, các con được hưởng sự chăm sóc dậy dỗ hoàn hảo của cả cha lẫn mẹ.
     
    #32
      frank 27.10.2022 00:06:53 (permalink)



      33-   Thảm Cảnh Gia Đình - Nguyên Nhân Đổ Vỡ

       
       
       
      Đang chập chờn nửa thức nửa ngủ, tiếng chuông điện thoại làm tôi tỉnh hẳn. Nhắc điện thoại:
       
      -Tôi nghe đây, ai ở đầu dây đấy?
       
      -Chị ngủ chưa, có làm mất giấc ngủ không? Lành đây, có chuyện buồn muốn nói chuyện với chị cho khuây khỏa và có phương kế gì giúp em. Chúng em đến phải chia tay nhau.
       
      Tôi sửng sốt hỏi:
       
      -Có chuyện gì ghê gớm đến thế?
       
      -Nhiều chuyện quá, khó nói lắm. Có điều cả hai chúng em đều không chịu nối nhau… Anh ấy đổ lỗi cho em kênh kiệu, chỉ biết ăn tiêu hoang phí, còn em bảo anh ấy độc đoán, bất công, biển lận, ích kỷ.
       
      -Chị biết em đang tức tối, khó chịu, vậy đề nghị cô em hãy làm ly nước chanh đá, uống rồi đi ngủ, ngày mai Chúa Nhật tới chị có nhiều thì giờ mổ xẻ câu chuyện của em. Chúng mình sẽ bàn thảo tìm nguyên nhân ai phải ai trái, O.K.?
       
      Sau đây là một số trường hợp để rút kinh nghiệm.

       
      Tại Cha Mẹ Vợ
       
      Chi D. lấy chồng lúc chưa ra trường. Anh D. khuyến khích vợ học lấy xong bằng dược sĩ, buổi sáng anh chờ vợ đi học trước khi đi làm, chiều đón về, với số lương của anh chị dùng rồi vẫn còn dư.
       
      Lấy được bằng rồi, chị D. tìm việc làm có lương. Bây giờ bố mẹ chi D. đòi hỏi phải đưa số lương về giúp bố mẹ. Cũng là lúc anh chị có con, phải tiêu nhiều khoản, mua thêm xe để đi chị đi làm, mướn người giữ con v.v.. Số tiền kiếm được, cả hai vợ chồng chi tiêu còn dư chút ít hàng tháng vẫn phải đưa về giúp bố mẹ. Theo ý anh D. trích ra một số giúp bố mẹ vợ, còn phải để dành lại cho tương lai khi yếu đau, con cái lớn lên hay có việc gì xẩy đến v.v…
       
      Nhưng gặp phải bố mẹ vợ là người tham, lại không chịu đi làm, chỉ trông vào tiền các con kiếm được, nên tìm cách chia rẽ, muốn con gái đưa con về ở với bố mẹ, cũng lấy trọn số tiền của con. Chị D. thiếu suy nghĩ, chiều ý bố mẹ để lấy tiếng hiếu thảo, sau khi cãi vã với chồng, chị D. đưa con về nhà bố mẹ ở.
       
      Muốn có nhiều tiền, bà mẹ chị D. còn xúi dại chị đi lấy Mỹ có nhiều tiền, như bà biết con gái người bạn của bà lấy Mỹ đưa tiền về mua xe, tậu nhà cho bố mẹ. Rồi chị D. đã nhận ra bố mẹ chỉ là người quá tham tiền, ích kỷ, không nghĩ gì đến hạnh phúc của con. Chị nghĩ đến tương lai con mình sẽ ra sao? Vì một lúc nóng giận mất khôn, phải khéo léo, không nên quá thiên lệch, vẫn giữ hiếu với bố mẹ, còn phải có bổn phận với gia đình, không thể để con xa bố, vợ xa chồng.
       
      Anh D. vì nhớ thương con, gọi điện thoại cho vợ muốn gặp con. Rất may mắn, chị D. hối hận, với tấm lòng thương con, anh D. sẵn sàng đi đón vợ con về sum họp.

       
      Tại Cha Mẹ Chồng
       
      Anh P. vốn là người bặt thiệp vui vẻ, ít lâu nay anh tránh ít muốn gặp ai. Một người bạn vong niên hiểu chuyện khuyên anh kiên nhẫn chờ một thời gian để giữa cha mẹ và vợ anh, dần dà sẽ nhận ra sự khác biệt, không công bằng, nóng nảy, và anh sẽ là người con, người chồng trung gian giàn xếp… anh nên có sự mềm dẻo tách biệt ít lệ thuộc vào gia đình, vợ chồng tự kiến tạo mái ấm gia đình.
       
      Nguyên nhận bố mẹ anh P. đặt nhiều hy vọng  vào người con dâu là người có nhiều vốn, có tài kinh doanh, nên ông bà không ngại tốn kém cưới được con dâu, hết sức chiều chuộng: ông bà sẵn có cửa hàng, khôn khéo mời con dâu cộng tác hùn vốn làm ăn, còn chị P. cũng hồ hởi đưa vốn về chung, khuyếch  trương rộng lớn, mở thêm dịch vụ mua thêm cửa hàng, chị chỉ có việc việc  chạy ngoài mua hàng giao dịch, còn bên trong chi thu đã có bố mẹ chồng.
       
      Anh P. đi làm được  bao nhiêu lương đưa hết về để góp cho bố mẹ buôn bán. Ít lâu sau, chị P. nhận ra chị chỉ là người làm phụ vào dịch vụ buôn bán, không có quyền lấy tiền ra, mặc dù chị đã góp vốn như một công ty, với tài tháo vát chị đã làm lợi cho cửa hàng rất nhiều và lương anh P. cũng đưa về góp nữa. Theo nhận xét của chị, chỉ được nuôi ăn hai bữa, quyền lợi sẽ được chia đồng đều với các anh chị em.
       
      Chi P. đã nói cho chồng biết về ý đồ của bố mẹ chồng như thế là bất công. Chị muốn tách rời, đòi lại vốn lẫn lời, Anh P. không bằng lòng với ý muốn của vợ, chiều theo ý bố mẹ, nên mới có vụ chia ly.
       
       Thời gian xa nhau họ đã hiểu nhau, một người chồng thủy chung, một người vợ đảm đang có lòng khoan dung mới có lòng khoan dung mới khi có cuộc sống tái hợp vui vẻ.
       

      Tại Người Chồng
       
      Mới lấy nhau thời kỳ yêu đương đằm thắm cả hai dể dàng bỏ qua khuyết điểm của nhau. Qua thời kỳ trăng mật, trở về đời sống thực tế, sinh hoạt bình thường, cá tính con người bắt đầu bộc lộ. Anh A. tỏ lộ tính độc đoán, coi người vợ kém về trí thức, như một người phụ thuộc, anh đi đâu làm việc gì không thèm bàn luận với vợ bất kỳ việc lớn nhỏ. Anh đi làm về đưa tiền để chị tiêu tùy ý, anh cho như thế là phải, là đủ bổn phận với vợ.
       
       Nhưng anh không biết hay không muốn biết cách thức anh đối xử với chị, đã chạm tự ái của chị rất nhiều. Chị A. cảm thấy mình là người thừa, là công cụ của người chồng, không được bàn hỏi, chỉ là nô lệ của chồng, bị sai bảo, hầu hạ dưới quyền người chồng. Chị an ủi tự nghĩ  mình kém chồng về học thức, về công việc làm, nên phải nhẫn nhục. Ở đời có ai dám tự phụ là tài giỏi, cái gì mình cũng hiểu biết hết.
       
       Rồi một vài dịp anh A. đã nghĩ sai và làm hỏng, chứng tỏ cho chị biết nếu anh nói bàn với chị theo ý chị thì đã không hỏng việc, có thể chị còn làm hay hơn. Chị đưa ý nghĩ nói với anh, vì tự ái anh đã không biết phục thiện lại phủ đầu chị bằng những câu thô tục. Chịu đựng đến mức nào thôi, không thể áp dụng cảnh “chồng chúa vợ tôi” như khi còn ở quê nhà, đây là xứ tự do, chị phản ứng quyết liệt, phải đi học, phải đi làm để chồng không  còn dám coi thường chị nữa.
       
       Nguyên cớ để gia đình tan vỡ, chỉ khổ cho xấp nhỏ, ai chịu trách nhiệm trông coi chúng? Ở với mẹ sẽ không có thì giờ cho mẹ  đi học đi làm, ở với bố cũng thế.
       
      Anh chỉ muốn vợ ở nhà coi con để anh đi làm đưa tiền như mọi khi. Bây giờ anh không dùng quyền của anh ép vợ được nữa, vợ anh đã thoát ly khỏi tầm tay anh.
       
      Anh A. thật lúng túng, khủng hoảng tinh thần, anh đặt giả thuyết hay vợ anh chán anh muốn đi theo một bóng hình nào, thật khổ sở cho các con, nhục nhã cho anh. Trong hoàn cảnh này anh rất may mắn gặp được vị trưởng thượng hiểu biết mà anh kính phục, tìm cách gỡ rối cho đôi vợ chồng… đã mời cả hai chị ngồi lại với nhau, phải nói hết ý nghĩ, lỗi ở chồng, lỗi ở vợ, ước muốn của mỗi người.
       
       Khi đã giải tỏa được hết khúc mắc khó chịu, vị cố vấn dung hòa, đôi bên nhường nhau, nhất là phải đặt quyền lợi đàn con trên hết, phân chia giờ giấc đi học, đi làm, cả hai đều có giờ săn sóc giáo dục con cái đồng đều, tương kính nhau, nên nhớ lại khi mới lấy nhau đã thề hứa cả hai nên một, giúp đỡ yên ủi nhau khi ốm yếu cũng như lúc hoạn nạn, lúc  vinh cũng như lúc nhục có nhau, phải cùng nhau vun xới cho gia đình ngày một hạnh phúc hoàn hảo hơn.

       
      Tại Người Vợ
       
      Ông bà B. thích có cháu nên thúc giục T. đi lấy vợ. Còn đang học dở dang nên chàng khất bố mẹ xin đợi lấy xong bằng y khoa nhưng bố mẹ đã chọn được người như ý, cô M. rất đẹp. Khi gặp mặt T. ưng thuận ngay. Một đám cưới tưng bừng, mọi người đều chúc trai tài gái sắc cầm hòa hợp. M. biết mình đẹp, được nhiều người khen, trước khi lấy chồng đã có nhiều chàng theo đuổi, tán tỉnh, bố mẹ nàng đã không dám gả cho những chàng lãng tử này, đã chọn được T. là người hiền lành, chăm học lại đẹp trai như ý con gái.
       
      Sau khi cưới được vài tháng M. nhõng nhẽo đòi chồng đưa đi ăn chơi. Ban ngày chơi tennis, tối đến đi nghe nhạc, khiêu vũ, đòi nhà chồng mua xe riêng, mua nữ trang đắt giá. Mới đầu nhà chồng còn chiều rồi dần dà M. làm tới, anh T. không chiều nổi vì còn lo bài vở. M. không có chồng đi với, cũng cứ đi một mình, anh T. khuyên bảo, năn nỉ nhưng M. không bỏ được thói lãng mạn.
       
      Đã thế M. còn muốn chồng phải ra ở riêng, không muốn lệ thuộc vào gia  đình nhà chồng. Ỷ vào sắc đẹp thiếu gì kẻ đón người đưa, thế rồi kiếm được một kẻ đồng điệu ăn chơi. M. đưa đơn ly dị, đã lấy hết những gì T. có.
       
       Một cái may là đôi này chưa có con. Hết tiền hết tình, M. bị bỏ rơi muốn trở về với P. thì đã muộn, anh đã ra trường tốt nghiệp y khoa.
       
      Các cô ỷ vào sắc đẹp, bố mẹ quá chiều con để cho tự do ăn chơi nên nhớ định luật “Có hoa nào mà không tàn, có sắc đẹp nào mà không phai”,  cùng với năm tháng phải già xấu theo thời gian. Người có đức hạnh khiêm nhường coi sắc đẹp chỉ là phần phụ thuộc làm tăng phẩm giá con người.
       
      Thảm cảnh một ông bố ở Houston bắn chết bốn con rồi quay súng tự sát vì người mẹ đã bỏ nhà đi và đưa đơn đòi ly dị. Thảm cảnh ở Anaheim, một buổi sáng người ta gặp trong căn phòng ngủ bố và bốn con ôm nhau chết cháy, người mẹ bỏ nhà đi cách đây một tuần lễ.
       
      Cô bạn nhỏ thân mến không chịu nói rõ nguyên nhiên xích mích giữa vợ chồng em, vậy chị đưa ra mấy trường hợp nêu trên đã từng xẩy ra, em thấy có “ca” nào giống hay gần giống như trường hợp của em, mong các em dẹp tự ái tìm giải pháp tốt đẹp thỏa thuận sống lại những ngày thơ mộng như thuở ban đầu.
      #33
        frank 27.10.2022 00:24:50 (permalink)



        Lời Bạt




        “Chuyện Đời Chuyện Người” là tuyển tập thứ nhì của tác giả Tuyết Minh sau tuyển tập “Giòng đời xưa và nay” (xuất bản năm 1991) do nhà xuất bản Nguồn Ý phát hành. Sự thành hình của tác phẩm thứ nhì này đã đạt được trong một thời gian kỷ lục (khoảng chưa tới một năm) so với số tuổi đã cao của tác giả. Phải chăng nguồn hứng khởi và sức sáng tác mạnh mẽ đã gia tăng theo thời gian như trường hợp tác giả Tuyết Minh?

        Tác phẩm này là một gạch nối, một nhịp cầu giữa nhiều khoảng thời gian đứt đoạn và những thăng trầm, biến đổi của đất nước. Bên cạnh những thế hệ mới là những đổ vỡ, chia lìa và những xáo trộn không thể tránh được của một gia đoạn lịch sử bi thương, đen tối kéo dài không biết đến bao lâu.

        Tác giả với cái nhìn già dặn, từng trải và thâm thúy của cả một đời đã trải qua mà đi vào từng câu chuyện một. Tuy nhiên, cạnh đó là cái nhìn bao dung, khoáng đạt để tìm một hòa hợp mới hầu xây dựng một “chuyện đời, chuyện người” toàn mỹ.

        Tôi nghĩ mình dùng chữ “toàn mỹ” rất đúng với tinh thần của tác giả. Hãy ước mơ một đời toàn mỹ và hãy cố gắng sống thành con người toàn mỹ (trong nghĩa dản dị nhất của nó) để ít nhất không đạt được sự hoàn thiện đó thì cũng cải thiện được phần nào cho chính mình trước nhất rồi đến người chung quanh và xa hơn nữa cho xã hội.

        Tác giả đưa ra những câu chuyện có vẻ giản dị nhưng kỳ thực đều gói ghém rất nhiều ý tứ sâu sắc. Tác giả đưa sự giản dị vào lòng người để rồi hoán chuyển thành những ý nghĩ sâu xa. Bà không dùng ngòi bút để mua vui hay để làm dáng mà trái lại tác giả đã mang tâm tình của mình trải dài trên 200 trang giấy hầu đem lại cho người đọc một sự cảm thông.

        Với một giọng văn kể chuyện, tác giả đưa người đọc về với những khung cảnh của một thời xa xưa với đầy đủ những xung đột của con người trong bối cảnh ấy. Bà đã vẽ nên một bức tranh đời mà qua đó người đọc thấy được những va chạm giữa mới và cũ, giữa từng thế hệ, giữa con người và con người.

        Cuộc đời đã thành hình dưới ngòi bút của bà. Và cứ thế giòng đời trôi mãi để đến vài chục năm sau, luân chuyển sang một ngã rẽ mới, một ngã rẽ ngoặt ngoèo, một khúc quanh đội ngột làm thay dổi toàn diện.

        Đến đây, tác giả chọn những bối cảnh hiện tại và những thực trạng của kiếp người sống tha hương và một lần nữa bức tranh đời sống động hơn bao giờ cả. Những đột biến, những thay đổi dữ dội đã gây ra những giao động, những đối chọi làm lung lay nền tảng gia đình và đạo đức. Tác giả đã đưa ra rất nhiều vấn đề như tương quan giữa con người và con người, trong xã hội, hay trong phạm vi gia đình nhỏ hẹp. Câu chuyện nào cũng đều đưa đến những điều làm người đọc phải suy nghĩ và cân nhắc. Có lẽ tác giả mong muốn người đọc sẽ suy nghĩ để rồi chọn một thái độ sống.

        Có một điều rất lý thú cho riêng tôi khi đọc tuyển tập này, là có những điều bao giờ cũng áp dụng được trong cuộc sống cho dù ở thời đại nào, nơi chốn nào hay hoàn cảnh nào đi nữa. Vấn đề được đặt ra để suy nghĩ là mình nên áp dụng như thế nào cho phù hợp.

        Nếu có những câu chuyện, những lời nói mà thay đổi được con người, điều đó tưởng thật hữu ích. Tác giả đã dùng ngôn ngữ trong chiều hướng đó. Bà không đạp đổ nhưng xây dựng để tiến tới một giải pháp tốt đẹp hơn. Đó là cái đẹp, cái hay, cái trong sáng của tuyển tập “Chuyện đời, chuyện người”. Tôi còn nghĩ thêm ra một điều nữa: Đó là chính là cái hay của ngôn ngữ mà loài người đang nắm giữ. Ngôn ngữ sẽ phản bội lại chính con người nếu không biết dùng nó. Và đó chính là giá trị thực sự của tuyển tập này.


        Mặc Bích

        9/1992



        #34
          Ct.Ly 10.11.2022 06:26:07 (permalink)
          #35
            Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 35 trên tổng số 35 bài trong đề mục
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9