Ký Sự Con Ma Vú Dài

Tác giả Bài
macdung
  • Số bài : 238
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 02.03.2010
Ký Sự Con Ma Vú Dài - 19.09.2022 11:02:43
 
                                         Ký Sự Con Ma Vú Dài
 
                                                         _______
 
 
Đang mơ màng nó chợt giật mình, vì có vật gì mềm ấm chạm vào môi. Theo phản xạ nó dùng tay phủi lấy rất nhanh… Nhưng lúc này cánh tay như bị đè nặng, không cách chi đưa lên được. Rồi nó phát hiện tay bên kia cũng vậy… Cả thân mình trơ cứng, bất động. Các dây thần kinh cảm giác như mất hết chức năng, với tâm trạng lơ mơ của người đang say…
Ánh mắt nó mở bừng lên trong sự cố gắng hết mức mới thấy lờ mờ dáng một người đàn bà… Và bóng người đó đang cúi xuống nhìn nó âu yếm. Hai tay người thiếu phụ đang nắm vật gì đó, trong bóng tối không sao hiểu được. Người đàn bà cứ ấn cái vật nó “không hiểu” vào miệng, rồi một dòng nước âm ấm chảy vào cổ ngọt lịm, thơm mùi sữa non… Trời ơi! Nó trở thành đứa bé bao giờ vậy? Nhớ lúc ông thầy Ba xem tướng năm nó lên chín, đến nay được bảy cái Tết… Như vậy ngày dứt sữa đã xa, đâu cần phải bồi bổ cách này nhằm tránh suy dinh dưỡng…
Đúng là nó đang bị cưỡng bức uống sữa một cách thụ động. Cái nhũ hoa to lớn với hình dáng dài dọc như trái mướp cứ ấn vào miệng mỗi lúc một mạnh. Đầu nó lắc qua lắc lại trong tiếng ú ớ, nhưng bất lực khi không sai khiến được tứ chi đồng tình phản ứng. Bị cái vú ấn mạnh và lấp kín cả mặt nên sinh ra ngạt thở. Muốn thở được chỉ còn cách liên tục nút lấy nút để, mới có dưỡng khí vào phổi… Và nó đang bú một cách ngon lành. Bú liên tục, mặc dù bản thân không tự nguyện…
Khi thấy gương mặt nhẹ ra, không khí đồng nội ùa vào ngập phổi thì chẳng còn ai trên nền trời lấp lánh ánh sao. Nó nằm đấy mệt nhọc, uể oải, cứ muốn hít mãi thứ dưỡng khí quen thuộc thuở nào. Không biết nó bị cưỡng bức uống sữa bao lâu, chỉ biết khoảng thời gian ấy dài đăng đẵng như thế kỷ và đáng sợ vô cùng. Cứ tưởng ra cảnh, bị một chiếc gối siết chặt đến ngạt thở, đến lúc thoát ra sẽ như thế nào, ai đó mới hiểu được!...
- Tăng! Tăng! Dậy, dậy! Mầy ngủ thế nào cứ ú ớ như bị ma đè vậy?
Tiếng gọi của ông chú khiến thằng Tăng giật mình choàng tỉnh. Cũng may chú Năm gọi đúng lúc, nó mới thoát khỏi cơn ác mộng trong giấc ngủ chiều.
- Mầy ăn cơm xong, rồi đi ngủ giữ lúa. Năm nay trúng mùa, lại ngay Tết nên cố ngủ mấy hôm. Qua Tết mới dùng cộ kéo lúa về được.
Thằng Tăng dùng dằng không quyết khi nhớ lại giấc chiêm bao.
- Chú đi ngủ giữ đêm nay, ngày mai con sẽ ngủ…
Nói thì như vậy, nhưng mấy hôm rồi thằng Tăng vẫn không chịu ra ruộng. Chú Năm thấy thằng nhỏ kì kì nhưng vẫn ra sức thuyết phục:
- Mầy ngủ đêm nay, ngày mai tao sẽ ngủ suốt…
Thằng Tăng ngoe nguẩy cái đầu bị hói, ra chiều không ưng.
- Chú ngủ ngoài ruộng một mình đi. Con không ra đó đâu! Sợ lắm…
- Sợ gì hở mậy? Lớn đại thế kia, nói ra không sợ bị người ta cười...
Nhưng dù chú Năm nói cách nào cũng mặc. Thằng cháu cứng đầu nhất quyết không chịu nghe. Rồi ông chú nghĩ lại thấy lạ, thằng nhỏ xưa nay rất dạn dĩ, sao hôm nay buông tiếng sợ mới kì…
Sau một lúc dò hỏi, cuối cùng thằng Tăng mới chịu thốt ra trong ngượng ngùng:
- Đêm nào ra gò mả ngủ giữ lúa, con cũng bị một người đàn bà có vú rất to… đè… cho bú sữa…
Chú Năm kinh ngạc nhìn nó lúc lâu, bán tín bán nghi:
- Bộ mầy không có tay sao? Bỗng dưng để cho ai đè… nuôi sữa…
Thằng nhỏ đỏ mặt khi nghe lời ông chú với vẻ giễu cợt.
- Chú chưa gặp đó thôi. Lúc bị nó đè, không nhúc nhích được đâu! Nếu không, làm sao con phải sợ…
Ngẫm lời nói thằng cháu cũng đúng lý, chú Năm ra vẻ bực tức:
- Được! Tối nay tao ngủ với mầy. Thử xem con mẹ nào dám đến giở trò với cháu tao…
Thế là tối đó hai chú cháu dắt nhau ra ruộng ngủ giữ lúa…
Những ngày đầu năm, đồng sắp khô. Trên ruộng chỉ còn xem xém nước nên lúa được buộc lại từng bó, để rải rác khắp nơi chờ chở về nhà. Lúc này nhìn vào cánh đồng chỉ toàn màu rạ ảm đạm, nghi ngút khói rơm như có sương phủ…
Chú Năm lấy rơm trải một lớp dày trên đất, lấy đệm ra phủ lên mớ rơm ấy. Sau đó chú lấy ít rơm khô đem lên trên ngọn gió, quây thành đống đốt lên. Đợi ngọn lửa cháy cao, ông già bước tới mé nước lấy mớ rơm ướt phủ lên ngọn lửa. Đang cháy bỗng bị ngăn lại nên ngọn lửa bị hãm, sinh ra khói. Rồi cứ một lớp khô lại một lớp ướt, cuối cùng cái đụn un khói đã làm xong. Thế này, đêm nay hai chú cháu không phải sợ muỗi đốt. Đồng trống, gió mạnh, lại có khói, con muỗi trốn tiệt không dám ra...
Xong đâu đấy hai chú cháu dắt nhau chui vào nóp, chỉ chừa cái đầu ló ra bên ngoài. Chú Năm chợt liếc mắt ngó thằng Tăng. Hình như nó đang sợ nên sắc mặt tái đi trông thấy…
- Mầy cứ ngủ đi! Tối nay để tao coi yêu ma nào dám cả gan trêu chọc.
Thằng Tăng nhìn ông chú ra vẻ nể phục. Nó nói nhát gừng:
- Tối nay con mà bị uống… nữa, sáng mai tội lỗi chú gánh lấy…
  Chú Năm chợt cười lớn:
- Ừ! Nếu tối nay bây bị uống… sữa, ngày mai tao cạo đầu cho chim ỉa…
Tiếng cười khúc khích của đứa cháu nhỏ dần rồi im hẳn. Chú Năm lắc đầu nhìn nó cười. “Cái thằng mới đó đã ngủ. Vậy mà bảo rằng sợ mới thật khó tin!”
Còn lại một mình chú lấy thuốc ra đốt hút…
Đồng trống, gió hiu hiu, cơn buồn ngủ kéo đến lúc nào không hay. Thế là ông già lơ mơ chìm vào giấc ngủ…
Nửa đêm chú Năm chợt mở bừng mắt. Đâu đây khe khẽ tiếng ú ớ của đứa cháu. “Cái thằng, thức thì thôi, cứ nhắm mắt lại mớ…”
Rồi chú bỗng thấy cái bóng người mà thằng Tăng đã kể. Nó quỳ gối kế bên chiếc đệm cũ, với hai cái vú mướp dài tới gối đang áp sát gương mặt thằng Tăng. Thằng nhỏ cố cựa quậy khi đôi vú áp vào miệng, nhưng không tránh được. Xem ra đúng như nó nói, khó lòng tránh được người mẹ bất đắc dĩ kia…
Ánh sao khuya chiếu khá sáng, chú Năm thấy rõ gương mặt nhăn nhúm của người đàn bà với đôi mắt tô hố như hai quả trứng. Những nét nhăn trên bộ mặt trông như vết nứt ruộng khô, đen và sâu hun hút…Đến đây thì ông già bỏ bộ. Trông như thế đã đủ! Bây giờ đến lượt con ma vú thấy cái tài của ông chú này…
Con ma vú cứ đinh ninh lão khú già đã ngủ nên không đề phòng. Rồi khi thấy bộ xương già trở mình, nó chưa kịp kinh hãi đã nhận ngay một cái tát như trời giáng… “Chát”…
 “Cho mày chết nè…!”
Tiếng quát ông chú khiến thằng Tăng mở bừng mắt ra hét:
- Nó! Nó đó… chú…
Cái bóng bỏ chạy thục mạng với đôi vú kêu xồng xộc vang lên rất rõ trong ánh sáng ngàn sao…
Tiếng chú Năm còn với theo như đe dọa.
- Cho mày chừa thói ức hiếp trẻ con. Có giỏi đến với… tao nè…
Thằng Tăng vừa thoát nạn, nghe thấy thế cười lớn:
- A! Bộ chú muốn uống sữa hay sao?
- Uống cái đầu mày! Tao giận nên nói thế… Chớ có hỗn nghen con…
                                                            ***
Câu chuyện về con ma vú dài nội tôi kể đã rất lâu. Thế nhưng mỗi lần có người khơi lại vẫn háo hức muốn nghe. Nhân vật trong câu chuyện không ai xa lạ, chính là ông tôi và một người bác họ, vốn rất thân tình với ba tôi.
Ngày đầu tiên khi nghe, tôi vẫn thường thắc mắc với nội:
- Sao nội kể nhiều chuyện gặp ma như thế, nhưng bây giờ không ai thấy nữa…?
Nội tôi nghe thế chỉ cười móm mém với mấy cái răng còn sót lại.
- Tại bây giờ văn minh tiến bộ, có đèn sáng, có súng ống và pháo nổ nên con ma sao dám… hiện thân…
Lời giải thích rất rõ ràng, không né tránh, nên tôi và các chị em trong nhà càng tin hơn. Nhưng khi lớn lên chút nữa, tôi bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn. Nếu nội chỉ kể cho chị em tôi dĩ nhiên câu chuyện chưa được phổ biến lắm, và sức thuyết phục của nó quả thật chưa cao… Nhưng lúc ấy nếu tôi nêu ra ý nghĩ của mình, hóa ra lại nghi kỵ những điều nội nói thật “bậy bạ vô cùng”…
Tuổi trẻ với những điều canh cánh trong lòng không sao quên được. Và câu chuyện ấy cứ theo tôi qua tháng năm với một quyết định chắc như đinh: “Nhất định có dịp tôi sẽ dò hỏi trong anh em bà con, để biết thực hư thể nào”.
Sau này về quê dự giỗ ông bà, tiếp xúc với anh em trong họ tộc, tôi mới ngã ngửa. Hóa ra câu chuyện về con ma vú ai ai cũng biết, chỉ có chị em tôi mới được nghe lần đầu. Tôi bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về tình tiết câu chuyện và được biết thêm: Nhân vật đứa nhỏ chính là bác Ba tôi, người làng hay gọi đùa là Ba Tăng (Riêng bác tôi lại thích tự xưng là Bần Tăng cho có vẻ cốt cách). Bác Ba kêu nội tôi bằng chú Năm, đúng phong cách dân nam bộ là gọi thứ nhưng kị húy… Vì vậy, ở đây xin miễn thứ cho tôi không thể hài tên… ông của mình…
Tôi xin đặt ra trường hợp thứ nhất, người đọc chắc đang nghĩ trong lòng: Câu chuyện được bịa ra trong lúc ngẫu hứng của… ông tôi… Nhưng nếu như vậy, tình tiết trong câu chuyện rất khó trùng khớp khi thông qua miệng nhiều người. Tam sao thất bổn mà…!
Và những điều tôi nghe càng đáng kinh ngạc hơn, khi mọi người nhất nhất đều nói giống nhau. Từ chuyện bác tôi bị ma đè… cho bú (Ai lại nói chuyện này nếu không có, để bêu riếu người thân mình cơ chứ!) đến việc nội tôi “xuất chưởng” đánh “chát” vào con ma ấy. Tất cả đều giống nhau đến đường tơ kẽ tóc mới lạ!...
Trong tiệc giỗ rất nhiều khách ngồi cùng bàn, nếu câu chuyện là “bản sao” thì nhất định nhiều người sẽ tham gia “bình chú”… Đằng này ngược lại, khách lạ cũng chú ý lắng nghe như chính… tôi ngày ấy…
Bây giờ quay lại trường hợp còn lại: Câu chuyện tôi được nghe hoàn toàn có thật. Như vậy, tôi phải chứng minh một cách thuyết phục cái lý người kể, bằng việc đi gặp chính nhân vật trong câu chuyện…
Mùa hè năm 1987, tôi nhận công tác tại đài truyền thanh huyện nhà, như vậy cơ may tìm hiểu sự thật về con ma vú dài càng gần hơn. Từ nơi tôi công tác đến nhà bác Ba gần ba mươi cây số. Quãng đường này so với sức trẻ, tôi dư sức cuốc xe đạp đến nhà bác nhằm đối chiếu sự việc…
Ngày 13.1.1989. Tức nhằm ngày mùng 6 tháng chạp năm Ất Sửu. Tôi đến nhà bác Ba dự cúng cơm cụ cố, tức ngày giỗ nội bác Ba. Tại đây tôi gặp rất nhiều anh chị hiếm khi đông đủ như thế. Anh Bảy Minh, anh Út Luân, anh Năm Là, chị Sáu Nữ… Rất nhiều anh em tụ họp trong hành trình tìm về cội nguồn…
Qua vài ly rượu, tôi gợi lại chuyện xưa. Và kì lạ thay, anh Út Luân kể, những người khác phụ họa vào đều giống nhau như đúc…
Anh Bảy Minh lè nhè trong cơn say:
- Khi bị ông Năm giáng cho cái tát, con ma vú chạy kêu nghe xồng xộc, với hai cái vú va vào nhau nghe rất lạ. Ba anh nói: “Nó đè ngộp lắm, muốn la cũng không xong, vô phương vùng vẫy…”
Tôi nghĩ, dù sao các anh cũng nghe kể lại, không gì bằng chính bác Ba nói ra. Tôi nhìn quanh chờ đợi…
Bác tôi mạnh rượu, người lại cao to với tiếng nói sang sảng. Tánh bác phóng khoáng nên lúc nào cũng cười khà trước những lời lẽ châm chọc. Khi nhìn bác, tôi hơi thất vọng khi nhớ lại chuyện xưa… Tóc bác đã mọc… không bị hói như câu chuyện năm nào…
Lúc tôi hỏi, bác nhớ lại còn tỏ ra sợ.
- Ừ! Bác bị nó đè cho bú đến phát sợ. Nhưng chú Năm rất dạn, xưa nay chưa từng biết đến ma là gì. Nếu gặp lại, không chừng ông ấy bắt nó đem nấu cháo nhậu lai rai…
Tôi e dè hỏi, tỏ ra hơi sợ:
- Nhưng… có thật sự bác và ông nội con đã chạm mặt nó không?
- Cái thằng hỏi lạ! Tao đứng đây nói giữa trời đất, chẳng lẽ đi gạt con cháu. Nhưng con ma đó sao lại đè bác, không đè chú Năm? Lúc đó bác hỏi nhiều người. Đa số đều bảo: Chú Năm nặng bóng vía nên nó không dám nhát. Còn bác nhỏ người nhẹ dạ mới bị ăn hiếp…
Rồi bác Ba cười khà khà, không bỏ được tính bông đùa, nói tiếp:
- Biết đâu nhờ nó cho tao bú sữa, bây giờ mới lớn đại thế này…
Bác tôi kể về những đêm ngủ giữ lúa bên cạnh khu mộ giữa đồng, về con ma vú rất dài nhiều lần gặp trong lúc ngủ. Cái ngày ông nội tôi ra tay trị nó, bác đã bị hành xác rất nhiều. Bác nhớ lúc đó rất sợ hãi, muốn la nhưng không thể la được, cho nên cứ ngậm tăm không dám kể với ai. Mà kể làm gì cái chuyện đáng xấu hổ đó chứ! Người ta nghe xong, không chừng chẳng tin, còn cười rớt cả răng cho cái thằng yếu bóng vía…
Nhìn bác nói, tôi không thể không tin những gì nghe thấy lâu nay. Tôi nghĩ, không ai dư thời gian để bịa một câu chuyện như thế. Tại sao không là ma heo, ma chó, ma khỉ… lại là con ma vú dài, với những tình tiết không nhập nhằng với bất cứ câu chuyện nào… Câu chuyện sao không xảy ra tại nhà ông Sáu, ông Tám… mà trong dòng họ nhà tôi, do chính ông nội tôi kể mới đáng nói…
Sau này khi có gia đình, tôi lại được vợ kể cho nghe về con ma vú dài… Con ma này được truyền miệng từ bà mẹ vợ quá cố… Nhưng những tình tiết khác hẳn, không giống trong họ nhà tôi… Nhưng qua câu chuyện tôi cũng đưa ra được một kết luận: Trong dân gian có loài ma vú rất dài, tức linh hồn những người đàn bà chết trong lúc sinh con. Có khi cả hai mẹ con không qua được cảnh “vượt biển mồ côi”. Có khi sinh con xong thì người mẹ chết. Vì vậy mới có chuyện thấy ma cõng con cho bú (chứ không phải bồng cho bú!), và đứa bé ngồi sau cứ việc níu cái vú được vòng qua nách, hay vất qua vai, nút cái vú dài thườn thượt ấy…
Cuối cùng, chuyện con ma vú có hay không? Đó chính là vướng mắc tôi loay hoay mãi vẫn không thoát ra được. Không trực tiếp khẳng định, tôi tìm cách gián tiếp để chứng minh…
Thử đơn cử ví dụ: Ông giám đốc Lê Quang A vừa nhận một ông thạc sĩ vào cơ quan với món tiền lót tay là 50 triệu đồng, cùng một cam kết: Mức lương không dưới 10 triệu/tháng. Vậy, nếu cơ quan điều tra đặt câu hỏi vấn đề này, ông ta sẽ trả lời ra sao? Tất nhiên không cần phải nói, ai cũng hiểu câu trả lời là “không” có. Vậy khi rơi vào trường hợp ông giám đốc thật sự là người tốt thì sao? Câu trả lời cũng là “không”có…
Trong hai trường hợp đều có câu trả lời như nhau, nhưng mọi người lại… nghĩ khác…
Bây giờ hãy quay lại sự việc: “Chuyện con ma vú dài “có” hay “không”?”
Nếu nói “có” thì bản thân người này đã bộc lộ sự nhút nhát, cũng như ông giám đốc sao lại tự vạch lưng mình cơ chứ! Còn như nói “không”, liệu có ai tin khi những chuyện về ma quỷ xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày… Không riêng gì câu chuyện tôi đã kể…
Ông giám đốc nói “không” mọi người vẫn tin rằng “có”… Không có lửa sao có khói?...
Nếu thế, khi tôi nói câu chuyện về con ma vú dài “không” có thật… sao các bạn lại tin lời nói của tôi…
 
                                                                              Sàigon - 16.08.2011
 
                                                                                        MacDung
 
 
 
 

Ct.Ly