3- Tha Thứ
Bổn phận của người Công giáo là mỗi ngày chủ nhật phải đi tham dự thánh lể để thờ lạy Đức Chí Tôn, nên số giáo dân đi lễ trở nên đông đúc hơn vì có nhiều người Việt mới tới, có khá nhiều người muốn có chỗ ngồi thoải mái, cần phải đi sớm, ai đi trước ngồi trên không phải chen lấn, ghế nhà thờ kể theo hình móng ngựa. Ngồi hàng ghế giữa quan sát được cả hai bên tả hữu vì thế tôi thích ngồi hàng giữa với ý muốn gặp những người đồng hương mới tới Hoa Kỳ, nếu lại là bạn hữu thì ôi thôi, tâm tình tranh nhau mà thố lộ.
Bên phía hữu nơi kê chiếc đàn dương cầm, trước mấy hàng ghế dành riêng cho các nữ tu và ban ca vịnh do các nữ tu huấn luyện, trong số các nữ tu thường gặp trong các ngày lễ, hôm nay lẫn vào đây là một khuôn mặt khác, nổi bật với khuôn mặt trái soan, nước da bánh mật sạm nắng, thân hình thon nhỏ ngồi bất động, chỉ có đôi mắt hiền từ trong sáng, ngước nhìn lên chăm chú để hết tinh thần trong suy tư, cách biệt với ngoại vật, nghiêm trang thánh thiện. Trong ký ức ngờ ngợ như có vẻ thân quen với người nữ tu, tôi chú tâm xem lễ xong sẽ ra trước, đừng đón ở cửa nhà thờ.
Sơ Tâm đã nhận ra tôi trước, rảo bước lại ôm tôi, cả hai chúng tôi nhìn nhau, hơn 30 năm rồi còn gì, xa nhau quá nửa đời người, thật là cuộc hội ngộ hi hữu, cần phải nói với nhau thật nhiều không tiện, tôi ép bằng được đón Tâm về nhà tôi, tôi không ngờ Tâm đã cải đạo và bây giờ trở nên bậc nữ tu khả kính. Tôi hỏi Tâm kể cho tôi biết về mẹ Tâm, các chị, anh và các em Tâm bây giờ sống ra sao với chế độ cộng sản tàn nhẫn ở quê hương. Sơ Tâm kể cho tôi nghe.
“Từ ngày mẹ Tâm khám phá ra biết cô Hoa lợi dụng tình bạn năng lui tới thăm nom, là có ý tìm dịp gặp ba Tâm để đưa ông cụ vào mê hồn trận, lung lạc làm cho ba mê say cô, không còn nghĩ đến tỉnh tào khang, đến đàn con nhỏ dại có bổn phận phải nuôi dậy. Cả hai người, ba và cô Hoa, rủ nhau bỏ nhà ra đi, đang tâm phá nát gia đình, cướp chồng, cướp cha, cướp của, để vợ và các con lâm cảnh nghèo nàn, thiếu thốn. Từ đây mẹ của Tâm phải làm ăn ngược xuôi, âm thầm mưu sinh nuôi các con ăn học, nhà ở phải đi thuê, đồ đạc bán dần, mẹ Tâm không còn vẻ là một mệnh phụ, phu nhân của một bác sĩ như xưa.
Một mùa đông ảm đạm, vì quá lao tâm lao lực, mắc bệnh trầm trọng, thuốc không có, nằm trên một cái giường ọp ẹp, chỉ còn da bọc xương, gương mặt đau khổ, hơi thở khò khè, biết mình sắp đến giờ tạ thế, mẹ của Tâm gọi tất cả năm người con, hai trai ba gái đứng hai bên giường, chị cả lớn nhất mới có 14 tuổi, em trai út mới lên 3, nào em tôi có biết gì đâu, nó chỉ khóc phụng phịu, nghe mấy đứa trẻ hàng xóm, nô đùa ngoài sân, nó chạy ra, mẹ tôi làm hiệu giữ nó lại, khi tôi nắm được em đưa vào bên cạnh mẹ, bà cụ nằm lấy tay nó và nói với chúng tôi:
-Trước khi mẹ chết, mẹ chẳng còn gì để lại cho các con, nhưng mẹ phải trối trăn, các con có thương mẹ, hãy nhớ kỹ những điều mẹ nói sau đây. Bởi vì đâu mà mẹ con ta ra nông nổi này, nghèo, thiếu thốn đã mấy năm nay, một mình hết sức xoay sở, dè sẻn, làm lụng vất vả không đủ nuôi các con ăn học, thiếu thốn từ quần áo, sạch sẽ, gia đình ta bị nhiều người khinh khi. Các con lớn còn nhớ không? Ba mẹ và các con đang sống hạnh phúc, đầy đủ, ba các con đi làm, mẹ ở nhà làm đủ bổn phận một người vợ, người mẹ, không có làm điều gì trái ý ba và các con: đối với họ hàng, lối xóm, chưa xẩy ra điều gì làm mất lòng ai.
Trong lúc mẹ đang sống hạnh phúc, trong những bạn học cùng trường với mẹ trước kia. Hoa là người bạn gái ở gần nhà mình nhất, chắc các con còn nhỏ, hay đến thăm chơi trò truyện với mẹ, mỗi lần đến bao giờ cũng thân hơn nên mỗi khi đến, mẹ thường giữ cô ta ở lại chơi ăn cơm với ba mẹ, và bao giờ cũng chờ ba con đi làm về mời ăn cơm.
Mỗi khi đến chơi, cô ta hay đi một mình và lần nào cũng nói về gia đình cô, phàn nàn về chồng cô ta hay cờ bạc, mê đi nghe hát, xem tuồng, lại còn bồ bịch với đào hát này đến đào hát kia, làm cho cô ta thật khổ sở, lương cuối tháng đưa về không đủ tiêu, gia đình thiếu trước hụt sau, mang công mượn nợ, cô ta kêu ca thì người chồng lạm ỷ vào quyền của mình đi làm có lương phải chi tiêu, cho xứng với địa vị của mình, rồi quát mắng chửi bới, đổ tại cô ta hoang phí, không biết gì về nội trợ, chỉ biết ăn sẵn, rồi cô phàn nàn với ba mẹ: “Cứ như thế này tôi không chịu nổi, sẽ phải ly dị để thẳng cha ấy lấy ai thì lấy.”
Mẹ lấy tình bạn khuyên cô ta nên nhẫn nại, chiều chuộng, khuyên chồng cô bớt cờ bạc, hàn gắn gia đình nhất là cô ta đã có ba đứa con nhỏ dại, phải chăm sóc nuôi dưỡng, và nên tự xét mình xem có điều khuyết điểm nào, hãy tự sửa mình cho hoàn hảo rồi hãy trách người ta. Từ hôm mẹ khuyên cô ta, ít thấy cô ta tới nhà mình, rồi vì công việc bổn phận, mẹ cũng quên đi, lúc nào nhớ tới cô ta, mẹ lại nói với ba, lâu nay cô Hoa ít lại đây chơi, nghe xong ba các con chỉ ừ ào cho qua.
Rồi một hôm, có một người bạn nói cho mẹ biết Hoa đã ly dị chồng, mà cũng không nhận con về nuôi. Thật tội nghiệp, người chồng là một công chức, sáng sớm đem con đi gửi hàng xóm, đến chiều đi làm về lại đi đón con, cảnh gà trống nuôi con thật là ái ngại. Còn Hoa bây giờ khác trước nhiều lắm, son phấn, quần áo toàn thứ đắt tiền, chỗ nào có hội họp, đình đám đều có mặt, mẹ cũng chỉ nghe qua rồi bỏ.
Ít lâu sau, mẹ nhân thấy ba con hay đi sớm về tối, cuối tuần lấy cớ đi chơi với người nọ người kia, hay có bệnh nhân đau nặng cần ở lại nhà thương, mẹ vẫn tin ba các con vì nghề nghiệp nên không có ý nghi ngờ. Cho đến một hôm, ba con nói với mẹ nên ký giấy bán một số ruộng ở nhà quê và ngôi nhà đang ở để lấy tiền hùn vốn mở bệnh viện tư, mà ba làm giám đốc, như vậy ba không phải làm việc tư, như vậy ba không phải làm việc dưới quyền ai, bây giờ hãy tạm thuê căn nhà nhỏ rồi ít lâu sau, có lời nhiều mình sẽ tậu ngôi nhà lớn hơn ngôi nhà này.
Mẹ không một chút nghi ngờ, ký giấy bán ruộng, bán nhà, tìm nhà đi thuê, buổi sáng hôm sau dọn nhà, vì ba đi làm ở nhà thương, nên chỉ có một mình mẹ ở nhà thu dọn đồ đạc. Việc đầu tiên mẹ làm là đi lấy sổ vàng và bạc ba mẹ để dành từ lâu nay, trong số đó có cả các đồ nữ trang, thì ôi thôi! Tất cả đã không cánh mà bay, mẹ chỉ còn biết chờ ba con về để hỏi, may ra ba có cất nơi khác mà không nói cho mẹ biết, thế rồi mẹ cứ ngồi chờ, cho tới khuya cũng không thấy ba các con về.
Mẹ sốt ruột như có sự gì không ổn xẩy ra cho mẹ, mẹ dặn người làm coi các con, thuê xe kéo tới bệnh viện, ở bệnh viện mọi người đều biết mặt mẹ nên mẹ cứ đi thẳng tới phòng ba làm việc, mẹ không gõ cửa mở cửa vào, thấy con Hoa ngồi gần ba đang to nhỏ. Bất thần mẹ xông vào nắm lấy con Hoa, miệng hét lớn làm mọi người đổ xô đến, ba gỡ tay mẹ để con Hoa chạy biến mất, rồi ba quát đuổi mẹ về. Mẹ thấy ba các con, vì mê đắm con Hoa nên không còn nghĩ gì đến tình vợ chồng, đến đàn con dại. Mẹ uất ức ngất đi, khi tỉnh dậy thấy mình nắm trong phòng hồi sinh, có mấy cô y tá và bà sơ Nguyên hết sức an ủi mẹ, mẹ không bao giờ quên ơn mấy người này mỗi khi đến.
Từ đấy ba các con không có trở về nhà nhìn vợ nhìn con nữa, còn con Hoa nghiễm nhiên ra vào bệnh viện chỗ ba các con làm việc, nó lại hay phách lối, mọi người đều chứng kiến cảnh bỉ ổi bất nhân đối với mẹ con mình và họ đều tỏ thái độ xem thường ba các con, chỉ còn thiếu điều tẩy chay. Có thể vì xấu hổ nên khi bị tụi VC nằm vùng móc nối, sẵn có nhiều tiền trong tay, ba đem con Hoa trốn ra khu và sau đó lại đi ra làm việc ở Hà Nội. Từ đó mẹ không còn biết nhiều tin tức của ba nữa.
Mẹ tự trách mình vì quá tin bạn, cứ để nó lui tới hoài và không theo sát ba các con ở bệnh viện, nên mới ra nông nỗi này, thật đúng như lời các cụ xưa thường nói:
Tin bợm mất bò Tin bạn mất vợ (chồng) nằm co một mình. Âu cũng là bài học để các con nhớ, không nên quá tin ai, phải tìm hiểu mọi việc xẩy ra. Mẹ muốn nói nguyên nhân của việc gia đình mình bị tan nát để các con hiểu và lấy đó làm gương sau này. Nguyện vọng sau cùng của mẹ trước khi chết là các con phải trả thù cho mẹ, đây là mối thù không đội trời chung, mẹ đã không làm được và nay đã kiệt sức sắp lìa trần, các con hãy thay mẹ trả thù, làm cho con Hoa đau đớn ê chề, hay làm cho nó chết thì mẹ mới hả lòng.”
-Mẹ tôi nói nhiều, quá mệt, ngất đi và ngày hôm sau mẹ tôi đã vĩnh biệt ra đi – rồi Sơ Tâm nói tiếp: -Một bác sĩ phu nhân đang sống trong hạnh phúc, vật chất đầy đủ, vì quá tin để bạn cướp mất tình yêu, mất chồng, mất hết tài sản đến nỗi mẹ con lâm vào cảnh sống nghèo khổ, nheo nhóc, nhục nhã thì sự thù hận trở nên quá lớn, tôi không dám trách mẹ tôi đã trối trăn cho các con trả thù hộ me, vì mẹ tôi khổ sở trông thấy trước cảnh chị em chúng tôi đều còn nhỏ tuổi trở nên côi cút, tan đàn sẻ nghé mà oán hận đối với người đã gây ra cảnh này cho chúng tôi.
Sau khi mẹ chết, họ hàng hai bên và bà con lối xóm đến thăm hỏi, lo việc chôn cất bằng việc bán tất cả những gì có thể bán được để trang trải mọi chi phí. Rồi họ hàng bàn nhau chia chị em chúng tôi ra, để mỗi người nhận lãnh một cháu về nuôi và họ chỉ nhận những cháu có thể giúp được việc nhà, trật ra còn hai em nhỏ tuổi nhất chẳng ai chịu nhận cả vì họ sợ rằng nuôi tốn cơm mà chẳng giúp được việc gì.
Trong lúc ngặt nghèo như vậy, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc, thật Thiên Chúa giúp chúng tôi, đúng lúc này Sơ Nguyên đến cùng với một sơ khác nữa, trông thấy cảnh họ hàng tranh dành chia chúng tôi ra để nhận về nhà giúp việc, sơ Nguyên nói:
-Tôi đến hơi muộn, tôi xin thưa với bà con cô bác trong hai họ là khi bà bác sĩ còn sống, tôi đã hứa với bà, nhận đón tất cả các cháu mồ côi về để nhà dòng chúng tôi lo nuôi nấng và dậy dỗ, cho các cháu ăn học đến thành tài. Vậy để giữ được lời hứa ấy, chúng tôi xin họ hàng đồng ý để chúng tôi lãnh các cháu mồ côi về.
Tất cả họ hàng đều đồng ý vì đỡ được gánh nặng nuôi cháu mồ côi, và kết quả là ba chị em gái về với sơ Nguyên ở dòng nữ, còn hai em trai về sống trong dòng các sư huynh.
Sơ Nguyên đáng kính đã tới đúng lúc để cứu chúng tôi, ơn ấy chị em chúng tôi muôn đời ghi nhớ. Sơ là một nữ tu tự nguyện đến giúp việc ở bệnh viện nơi ba chúng tôi làm việc trước đây, bà làm việc không biết mệt, luôn luôn có mặt an ủi giúp đỡ các bệnh nhân hấp hối, trước hết vì lòng tha nhân, sau nữa cũng là dịp tốt để truyền giáo. Bà đã chứng kiến cảnh mẹ tôi bắt ghen, bà đã an ủi mẹ tôi khi biết rõ gia cảnh chúng tôi bị khánh kiệt, nhục nhã, bà đã để ý giúp đỡ về vật chất cũng như về tinh thần, chăm sóc mẹ tôi khi bị lâm bệnh nặng cũng như khi hấp hôi, và sau hết nhận chúng tôi về nuôi và cho ăn học đàng hoàng.
Tất cả chị, anh em chúng tôi đã được hai nhà dòng nam nữ, chia nhau nuôi ăn ở, học hành cũng y như các học sinh nội trú phải trả tiền, không có gì phân biệt hơn nữa nhà dòng lại còn may sắm cho chúng tôi dư quần áo, vật dụng cho đời sống nội trú, nhiều khi lại còn hơn các bạn bè chúng tôi nữa. Khi chúng tôi đã khôn lớn, hiểu biết, chúng tôi được tự do chọn lựa tôn giáo để theo, và tất cả chúng tôi đều tình nguyện tòng giáo, và vì lòng cảm phục các sơ và ưa thích đời sống tu trì, tôi và em gái tôi đã trở thành nữ tu, hai em trai, một là linh mục, một là sư huynh, duy chỉ có chị cả chúng tôi lập gia đình được ba cháu đã lớn.
Năm 1976, sau khi miền Nam bị xâm chiếm, và thông thương giữa hai miền được thống nhất, chị cả đưa tin cho chúng tôi hay là có người quen cho chị địa chỉ của ba chúng tôi ở Hà Nội. Chị cả nhắc chúng tôi lời trối trăn của mẹ trước khi chết là phải trả thù, và hỏi chúng tôi còn nhớ hay không? Lòng chị cả vẫn còn mang nặng mối hận thù đối với cô Hoa, người đã làm cho gia đình chúng tôi tan nát, mẹ chúng tôi chết trong cảnh nhục nhằn đau khổ, và chị quyết tâm thi hành lời mẹ dặn, và không thể tha thứ cô Hoa được.
Chị em chúng tôi lâm vào cảnh vô cùng khó xử, lời mẹ dặn trả thù vẩn còn văng vẳng bên tai trong suốt 20 năm qua, nhưng nay chúng tôi, hai chị em là nữ tu, hai em trai là linh mục và sư huynh Công giáo, làm sao có thể trả thù cho mẹ được đây! Lời Thiên Chúa dậy trong tám mối phúc thật
: “Phúc cho kẻ hòa thuận vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, mỗi ngày trong kinh nguyện vẫn đọc: “Tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta”, Theo Tân Ước, Chúa dậy: “Các người đã nghe lời dạy răn: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Nhưng ta bảo các người: đừng chống cự với người ác. Trái lại, hễ ai tát má bên phải ngươi, ngươi hãy đưa má kia cho họ nữa.” (Mat-Thêu 5, 25-42).
Nên chúng tôi chỉ còn biết khuyên và an ủi chị cả, xin chị hãy quên đi và hãy tha thứ. Lấy lương tâm mà xét, sự việc đã qua hơn 20 năm, mẹ chúng ta đã chết, các em đã được nuôi ăn học, tất cả đều trưởng thành, thấm nhuần tinh thần bác ái của đạo Công giáo, nên chúng em chỉ biết cám ơn Thượng Đế đã thương chúng ta, và xin chị cả hãy quên đi và tha thứ cho cô Hoa.
Sau đó, các chị em cử tôi đi Hà Nội thăm ba chúng tôi; được phép nhà dòng, xin đủ giấy tờ, tôi đã tới Hà Nội tìm được địa chỉ thăm ba tôi. Tôi rất xúc động khi thấy ba tôi, người già trước tuổi, yếu đau, vấn an rồi tôi nhìn nơi ba tôi ở, tôi không thể ngờ trong một căn phòng trệt chật hẹp, trước kia là nhà để xe của một Pháp kiều, được chính phủ “ưu ái” chỉ định cho ở, sau khi dâng cúng cho đảng một số tiền lớn là cả gia tài của ba mẹ tôi trước đây, mà ba tôi đã lấy đi bằng hết, nghe lời dụ dỗ của cô Hoa để làm vốn và tiêu dùng.
Chính phủ gọi là đãi ngộ ba tôi có bằng chuyên môn y khoa bác sĩ và dâng cúng một số tiền mới được căn phòng nhỏ bằng phòng chứa đồ phế thải của nhà ba tôi trước kia, đồ đạc độc nhất là một cái phản ọp ẹp, hai cái chõng tre thất kế cao hơn mặt đất chừng một gang tay. Phản là nơi ngủ của ba tôi và cô Hoa, còn hai chõng tre cho hai em con cô Hoa nằm, một cái bàn gỗ tạp, bốn ghế cũ là nơi để tiếp khách và cũng là bàn viết của ba và bàn học của hai em. Chừa một góc phòng làm bếp, khi thổi nấu khói tỏa đầy nhà, mọi người phải ra ngoài hè, trừ người nấu bếp.
Sau khi tôi chào, cô Hoa đưa hai em còn nhỏ lại giới thiệu nhận chị em, cô nhìn tôi với bộ mặt hối hận cô hỏi tôi:
-Cháu còn giận cô không?
Tự nhiên, tôi nhớ lời mẹ tôi và nét mặt đau khổ khi hấp hối, lòng tôi bừng bừng một nỗi xót xa, cay đắng khó trả lời quá, tay tôi vột nắm lấy mẫu ảnh. Chuộc tội, mà tôi, một nữ tu, luôn luôn đeo trong người không bao giờ rời, tôi phải nuốt mối uất hận, nhìn nét mặt đau khổ của ba, và sau một phút, tôi trả lời:
-Cháu không còn giận cô nữa, vì ba và cô đã chịu hình phạt rồi, nếu có biết hối lỗi. Mẹ cháu đã chết trong đau khổ, nhục nhằn, nghèo khó, bù lại tất cả các cháu đã ăn học thành công, có một đời sống đầy đủ. Bây giờ, cháu lại thương ba, thương cô, các em phải sống thiếu thốn, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Sau câu nói của tôi, ba tôi ứa nước mắt nhìn tôi tỏ vẻ biết ơn. Cô Hoa, nước mắt vòng quanh, nắm lấy tay tôi mà nói:
-Cô cám ơn cháu, cám ơn lòng từ tâm của cháu, cô hối hận, xấu hổ với các cháu, nhờ cháu chuyển lời xin lỗi đến các chị em cháu. Xin hãy tha thứ cho cô, thật là quả báo, cô đã bị trừng phạt ngay từ ngày bỏ nhà ra Hà Nội, và vẫn còn đang bị trừng phạt, hiện nay ba và cô phải sống thiếu thốn, nghèo nàn, bệnh hoạn, tủi nhục, đấy là cái giá cô phải trả vì lầm lỗi của cô.
Từ giã ba và tất cả nhà, tôi đã về Huế để kịp ngày nghỉ đã hết. Tôi gặp lại chị và các em tôi, nói rõ hiện tình ba đau ốm, mẹ con cô Hoa sống trong thiếu thốn. Cô Hoa gửi lời xin lỗi tất cả, các em tôi tỏ lòng thương hại, tha thứ, duy chị cả tôi vẫn ấm ức, nói những lời mạt sát cô Hoa. Tất cả chúng tôi yên ủi chị và xin chị nhớ lời dạy của chúa mà mẹ bề trên Nguyên thường nhắc đi nhắc lại là hãy tha thứ:
“Hãy tha kẻ dể ta, hãy nhịn kẻ làm mất lòng ta”