Những mảnh đời - Tuyết Minh
frank 28.10.2022 00:07:12 (permalink)
 
 


Nh
ững Mảnh Đời

Tuyết Minh


Lời Giới Thiệu



Trên văn đàn Việt Nam hải ngoại hiện nay. Nữ sĩ Tuyết Minh đã mở cho mình một lối đi riêng: những bài ngắn, gọn với một nội dung xây dựng của bà là những lời khuyên bảo chân thành cho mọi giới, từ trẻ đến già. Nhìn quanh gia đình, rồi nhìn qua các địa hạt trong xã hội, Nữ sĩ Tuyết Minh đã mang những ý tưởng tốt đẹp của bà để xây dụng cho mọi người. Lần này, chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm thứ ba của bà cũng trong tâm tình và ý thức xây dựng đáng ca ngợi đó.

Mở đầu tuyển tập là bài nói về “thiên chức làm mẹ”. Chúng tôi thấy Nữ sĩ Tuyết Minh đã nhận lãnh thiên chức đó suốt cuộc đời bà vì bà là một bà mẹ hiền. Nhờ sự giáo dục chân thành và tế nhị của bà mà con, dâu, rể của bà đã thành đạt tốt đẹp, xứng đáng là những người đứng ra góp phần công đức cho xã hội mới.

Với ý thức Thiên-Chúa-giáo, bà Tuyết Minh muốn lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc để đo mọi sự việc ở đời. Và bà đã nói đến “niềm tin” với tất cả sự chân thành của lòng mình. Bà viết: “Tôi tin có Đấng Tối Cao ở trên trời là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên những người lành cũng như kẻ dữ và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Đấng chí công vô tư sẽ cải biến cái họa thành may, đời này sẽ nối tiếp đời sau”.

Về gia đình, Nữ sĩ Tuyết Minh muốn Tình và Nghĩa phải đi đôi. Bà nói: “Cái đẹp của ông cha chúng ta luôn luôn bảo vệ hạnh phúc gia đình bằng sự hy sinh, nhẫn nại, nếu tình chẳng còn thì cũng vẫn ở với nhau, sửa chữa cho nhau để giữ nghĩa vợ chồng”.

Bà cũng đã vẽ chân dung người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh bà Trưng, bà Triệu, bà Lê Chân, bà Bùi Thị Xuân, cô Nguyễn Thị Giang… và kết luận: “Người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại có đủ đức tính anh dũng, bất khuất đảm đang, trung hậu, đức hạnh. Những bản tính này đã có từ lâu, người trước làm gương cho người sau, là căn bản cho dân tộc Việt và giúp cho sự gìn giữ và trưởng tồn của người Việt chúng ta.”

Nữ sĩ Tuyết Minh đã ca ngợi nhiều đức tính tốt như: tha thứ, có tâm hồn bao dung… mà cũng đã nói đến những thói xấu của người Việt Nam chúng ta, như đố kỵ, ghen tuông, lợi dụng nhau, mê tín, có ý hướng mất gốc… Tuy nhiên, dù là khen hay chê, lời lẽ của bà cũng hiền hòa, thân ái, không nặng tay đả phá bao giờ.

Nhận xét chung, chúng tôi thấy Nữ sĩ Tuyết Minh đã có lối kể chuyện thật đơn giản, ôn hòa, không nâng ai mà cũng không ghét ai, chỉ khách quan mà góp một lời thân ái. Bà cũng không có thái độ dậy đời mà chỉ mong đem tâm tư của mình mà xây dựng cho đời.

Vườn hoa mà Nữ sĩ Tuyết Minh vun quén vừa đẹp vừa ngát hương. Truyện bà kể có những nét đẹp rất tự nhiên không quá phong lưu, đài các như hoa lan, hoa quỳnh, mà có cái đẹp rực rỡ như ánh mặt trời của hoa hướng dương, cái nét thanh cao của hoa huệ, hoa cúc.

Bước chân vào khu vườn này, lòng ta tự nhiên thấy rộn rã như ánh dương vui. Ý thức chân thành và tình cảm thâm thúy đã làm cho ta lưu luyến mãi như một làn hương vĩnh cửu…


Mùa Xuân năm Giáp Tuất, 1994

Xuân Tước

 
1-     Chị Cu

 
 
Làng Thành Đức khá lớn, nhân số có 2000 người, chia làm ba thôn. Thôn thượng, thôn trung và thôn hạ. Thôn hạ người làng quen gọi là xóm chợ vì có ngôi chợ sầm uất dưới bóng mát của mấy cây đa cổ thụ. Những cây này không biết đã mọc lên tự bao giờ vì trải mấy đời người mới có thể có gốc cây lớn như vậy, chu vi của gốc bằng ba người ôm cũng không hết.
 
Mỗi bên gốc cây có một ngôi miếu nhỏ, trong miếu lúc nào đèn nhang cũng nghi ngút do mấy bà mấy cô đi chợ qua lại khấn vái, kêu cầu cho được buôn may bán đắt. Đằng sau miếu dựa vào gốc cây đa là những ống bình vôi được xếp một ngày một cao thêm. Những ống bình vôi này là của người trong làng khi không còn dùng đến đã đưa đến đây để xếp lên.
 
Xóm chợ còn điểm lợi nữa là tọa lạc sát đường cái quan. Chạy song song với đường cái là một con sông lớn rất thuận tiện cho trên bến dưới thuyền, hàng hóa từ chợ bốc xuống thuyền chở đi nơi khác hay ngược lại hàng từ dưới thuyền bốc lên chợ rất tiện lợi. Chung quanh chợ là những cửa tiệm bách hóa, cứ cách mấy tiệm lại có một con ngõ hẹp chạy vào xóm, những xóm này là nơi cư ngụ của những người không làm nghề buôn bán.
 
Nhà tôi cũng ở trong một ngõ hẻm, tuy gần chợ nhưng chúng tôi chỉ tới chợ khi nào cần mua bán, còn qua lại giao thiệp đã có hàng xóm với nhau. Bên cạnh nhà tôi là nhà ông bà Cầu, cả hai nhà đều có vườn, ruộng lúa cấy hai mùa và ngoài nghề làm ruộng còn nuôi tằm, ươm tơ. Gia đình tôi thân thiết với nhà ông bà này không phải chỉ vì ở sát cạnh nhau mà vì còn có tình thắm thiết qua lại giúp đỡ nhau khi có nhiều việc.
 
Ông bà Cầu khác với ba mẹ tôi. Chỉ có bà Cầu và các con làm việc nhà. Làm nhiều quá không xuể thì mướn thêm người làm, còn ông Cầu thì không mó tay vào việc gì ở trong nhà. Vả lại ông ít khi ở nhà, ông đi buôn hàng chuyến. Tuy không có cửa tiệm nhưng ông có một cái nhà kho chứa hàng, mỗi lần ông đi mua về, hàng chở bằng thuyền hay bằng cả chuyến xe vận tải được chất vào kho. Hàng vừa được phu khuân vác xếp vào kho xong, ngày hôm sau đã thấy tấp nập kẻ ra người vào.
 
Những người đến trước là những chủ tiệm quanh chợ, vì ở gần họ đã biết có hàng mới về. Rồi lần lượt những người ở xa như đã được báo trước kéo đến, chỉ trong ít ngày là  bán hết. Vào cuối thập niên 30 sang 40, đường giao thông còn ít, báo chí thông tin chưa phổ biến rộng rãi nên các nhà buôn tỉnh nhỏ hay ở các phủ, huyện muốn có hàng bán lẻ, phải tự tới cửa hàng bán buôn hay nơi sản xuất để mua. Vì vậy nên những chủ tiệm đến nhà ông Cầu mua và đặt hàng mới rất tiện cho họ, khỏi phải đi tìm mua hàng những nơi quá xa như từ Sàigòn hay gần như từ Hà Nội.
 
Ông bà Cầu lớn tuổi hơn ba mẹ tôi và có hai người con gái lớn hơn chị em tôi nên chúng tôi gọi bằng chị Lan, chị Huệ. Còn ông bà ta chúng tôi gọi là bác Cầu. Bác Cầu trai vẻ người phương phí, lanh lợi hoạt bát, nước da bánh mật, trán cao mắt sáng, miệng cười tươi có duyên. Tiếng nói sang sáng, bác nói và viết thông thạo cả hai thứ chữ Pháp và chữ Nho. Bác rất vui tính và hay nói đùa với chúng tôi, nhất là hai em tôi còn nhỏ mỗi lần sang nhà bác đều được bác bế nựng rồi tìm quà phát cho chị em tôi. Nhà bác ít người lại sẵn qua vì bác luôn luôn có khách, họ đến là mang quà nên chị em chúng tôi hay sang nhà bác chơi.
 
Chúng tôi thích thú nhất là những ngày bác đưa hàng về. Chúng tôi được bác cho nhiều bánh lại còn quà. Con gái thì lọ dầu thơm, chiếc lược nhựa để cài đầu. Con trai được quả bóng hay túi bi đủ mầu. Sau khi phát quà xong bác đuổi các em tôi đi chơi, tôi ở lại giúp các chị soạn đồ hay được sai vặt. Rồi bác ngồi làm việc  với các chị, chỉ dẫn từng món hàng về giá cả. Giá được viết sẵn ra giấy để các chị cứ việc theo đấy mà bán hàng thay bác, khi nào cần mới phải hỏi. Còn bác phải tiếp khách, không phải là khách mua hàng mà là những ông khách lạ. Những ngày bác ở nhà là những ngày khách khứa ra vào, ở lại ăn cơm hay ngủ lại, truyện trò nhộn nhịp rất vui vẻ.
 
Trái lại bác Cầu gái là người nghiêm nghị, ít nói, chăm chỉ làm ăn. Bác rất chiều bác trai. Ngày nào bác trai ở nhà có khách đến ở lại ăn cơm bác làm cơm đãi khách bao giờ cũng thịnh soạn. Tôi thường hay sang giúp bác và các chị những việc lặt vặt như bóc hành, tỏi, lạt rau, chẻ rau muống ăn với chả giò v.v… Tôi không bao giờ  thấy bác kêu ca gắt gỏng, phàn nàn trong lúc  bác có rất nhiều việc cần phải làm.
 
Cuộc sống cứ đều đều trôi, ngày này cũng giống như ngày khác. Tôi đã lớn hơn theo với thời gian. Một hôm tôi thấy em tôi chạy về nói bên nhà bác Cầu có đông người mà chị Lan, chị Huệ đang khóc ở dưới bếp. Nghe em nói tôi sửng sốt, cảm thấy có việc gì quan trọng lắm, vội chạy sang xem. Mọi người có vẻ đăm chiêu, nói rất sẽ. Cả ba mẹ tôi cũng có mặt nơi đây.
 
Tôi chỉ nghe họ nói với nhau, ông Cầu bị hậu bối (ngày nay gọi là ung thư), không chữa được đâu. Hai hôm sau bác vĩnh viễn ra đi. Bác Cầu gái than khóc thảm thiết, hai chị Lan, chị Huệ cũng khóc như mưa như gió, chị em tôi cũng mủi lòng khóc theo. Thấy người ta chít khăn trắng chúng tôi cũng xin mỗi người một chiếc khăn trắng  theo sau quan tài đưa bác đến nơi an nghỉ.
 
Đám tang bác Cầu rất lớn, có cờ ngũ hành, có ban tây nhạc, có hội bát âm và rất đông người đi theo quan tài. Tại nghĩa địa trước khi hạ huyệt có ba ông khách lạ đọc điếu văn kể tiểu sử của bác. Bác đã giúp đỡ nhiều người, bác bước vào thương trường không những giúp gia đình mà còn mục đích giúp đỡ được nhiều người chỉ có tổ quốc biết đến (vào thời Tây cai trị ít ai dám nói yêu nước.)
 
Suốt một tuần lễ, cứ về đến chiều nhà bác Cầu gái lại nhộn nhịp có nhiều người hàng xóm hay bạn bè tới nhà đọc kinh cầu cho bác. Có cả một ông đồ ngâm những câu đối, trướng bằng chữ Nho.
 
Một hôm tôi sang nhà bác Cầu thăm chơi như thường lệ, tôi rất ngạc nhiên thấy một người đàn bà lạ mặt còn rất trẻ, đẹp, bế một thàng bé con chừng một tuổi, đang múc từng muỗng bột đút cho đứa bé ăn. Bà mẹ trẻ này trên đầu cũng chít khăn tang mà tôi chưa hề gặp trong đám tang bác Cầu. Một lúc  sau bác Cầu gái nhìn tôi mỉm cười và nói:
 
-Cháu có  muốn bế thằng cu, để chị Cu cho nó ăn xong sẽ cho cháu bế.
 
Tôi cám ơn bác, trong lòng thich lắm. Tôi nhìn thằng cu bụ bẫm khôi ngô trông giống bác Cầu giai quá. Từ hôm đó tôi hay sang chơi để bế thằng cu, mỗi lần tới tôi chỉ thấy bác Cầu gái bế hay đặt thằng cu ngồi bên cạnh, còn chị Cu phải làm suốt ngày. Chị làm bếp, xay lúa, giã gạo, hay cho heo ăn, không thấy chị ngồi chơi hay bế thằng cu. Như tôi đã nói, vì bác Cầu gái là người nghiêm nghị, ít nói nên không ai dám hỏi bác Cầu chị Cu từ đâu đến, có họ hàng gì không và ở đây đến bao giờ. Cũng không thấy chị trò truyện với ai vì có ai thấy được chị đâu mà nói truyện.
 
Mẹ con chị Cu ở nhà bác Cầu chứng một năm thì biến mất. Một hôm tôi sang nhà bác Cầu với chủ ý muốn bế thằng cu đi chơi như mọi khi. Không thấy thằng cu đâu tôi hỏi bác Cầu, bác chỉ cười trả lời nó không ở đây nữa. Thẫn thờ tôi về nhà, hỏi mẹ tôi có biết mẹ con chị Cu đi đâu và chị Cu là người thế nào?
 
 Mẹ tôi nói riêng cho tôi biết theo lời bác Cầu gái, khi bác trai gần chết, bác có nói với bác gái, bác có một người con trai ở với mẹ nó. Người đàn bà này là con nhà tử tế. Bác xin bác gái bỏ qua lỗi lầm cho bác và xin thương bao bọc cho mẹ con thằng cu. Vì thế bác gái cho đón về nhà, còn bây giờ mẹ con chị Cu đi đâu không ai biết. Mẹ tôi cũng nói việc nhà của ai không nên tò mò.
 
Rồi tôi cũng quên luôn chuyện mẹ con chị Cu sau năm cuối của thập niên 30 đó. Tới năm 1954, gia đình tôi theo làn sóng người di cư vào Nam tìm đất sống. Thói thường họ hàng làng xóm quen rủ nhau lập nghiệp và ở gần nhau cho vui. Thời đệ nhất cộng hòa, dân di cư được chính phủ ưu đãi cho thành lập các trại định cư; được giúp vốn, giúp kỹ thuật làm ăn nên sầm uất lợi nhuận.
 
Nhu cầu và đòi hỏi tiện nghi gia tăng, một số người có óc buôn bán đưa hàng hóa đến bán tận nơi cho những người định cư. Một bà hàng xóm người làng trước kia làm nghề buôn hàng kiểu này, một hôm  đi bán hàng về, bà sang chơi thăm tôi và nói mới gặp mẹ con chị Cu. Tôi hỏi thăm và bà cho biết:
 
-Tôi đang đi trên đường phố Nha Trang bỗng nghe có tiếng người gọi hỏi: “Bà có phải người ở xóm chợ làng Thành Đức không?”
 
Tôi hỏi lại:
 
-Sao bà biết?
 
Bà ta nói:
 
-Tôi gặp bà trước kia hay lại nhà bà Cầu cùng xóm, nếu tôi nhớ không lầm.
 
Rồi bà ta mời tôi về nhà gần đây, giữ ở lại ăn cơm. Tôi lân la hỏi xin cho biết lai lịch để xưng hô vì trước kia tôi chỉ được nghe người nhà bà Cầu gọi là chị Cu. Bà ta cười nói:
 
-Bây giờ tôi già rồi. Bà muốn biết, tôi kể cho nghe về cuộc đời của tôi còn bây giờ bà muốn gọi tôi là chị Cu cũng không sao!
 
Cả hai chúng tôi cùng cười với danh từ chị Cu. Chị nói tiếp:
 
-Tôi có chân trong một hội kín giữ liên lạc nên hay tiếp xúc với ông Cầu. Ông là người có uy tín trong tổ chức của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều kính trọng về đức độ, về tài năng tháo vát của ông. Riêng tôi càng phục ông ấy hơn vì sự giúp đỡ chỉ bảo giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đặt hết tin tưởng vào ông khi gặp việc khó khăn. Tiếp xúc với ông ta nhiều, từ lòng kính phục tôi tiến sang lòng kính yêu. Tôi yêu ông ta phải nói là say mê. Trước khi bày tỏ tình yêu của tôi, tôi đã biết rất rõ về gia đình ộng; ông ta tuổi lại còn gấp đôi tuổi tôi, nếu nói ra tất cả nhiều người cho là tôi đặt tình yêu không đúng chỗ.
 
Qua nhiều đêm suy nghĩ những bất trắc lợi hại, bất chấp dư luận tôi thấy không thể kìm hãm được tình yêu phát xuất tự con tim tôi. Tôi tự tìm đến ông ta để thổ lộ tình yêu và muốn dâng hiến cho ông trọn vẹn. Nói bà đứng cười, ông ấy lấy làm ngạc nhiên và từ chối mối tình của tôi, khuyên bảo tôi nên đặt tình yêu đúng nơi đúng chỗ, đừng lãng mạn bồng bột. Ông nói:
 
-Tôi không thễ đáp lại tình yêu của cô, vì tôi đã có gia đình, có tôn giáo khác với tôn giáo của cô. Tôi phải giữ về lòng chung thủy, chỉ có thể có một vợ một chồng.
 
Ông khuyên tôi nên quên truyện này và vẫn coi nhau là đồng chí. Ông còn khen tôi đẹp thiếu gì người có danh phận đến cầu thân. Tôi ra về lòng buồn phiền nhưng nhất quyết chỉ yêu có một lần. Rồi tôi chỉ để tâm tìm dịp tạo điều kiện để gặp gỡ ông. Tôi cũng biết ông yêu tôi lắm, nhưng là con người lương tâm đạo đức vẫn giữ ranh giới giữa ông và tôi. Còn tôi quan niệm yêu là cho tất cả nên tôi cứ bám sát ông.
 
Nhân một chuyến vào Nam, tới Sàigòn không có nhà quen chúng tôi phải thuê phòng ngủ để hôm sau đi công tác. Qua chuyến này tôi có mang. Từ đây ông đã có bổn phận với vợ với con, tôi đã toại nguyện chờ ngày sinh con; khi có con trai ông ấy quá sung sướng nói với tôi là đã đạt được ước vọng lớn nhất trong đời. Công việc đòi  hỏi ông ấy phải di chuyển luôn luôn, không bao giờ ở lại với mẹ con tôi quá tuần lễ và cũng không đi đâu lâu quá một tháng.
 
Tôi đang chờ ông ấy về để tổ chức ăn đầy năm cháu như đã dự định, sẽ mời đông đủ bạn bè họ hàng bên tôi thì được tin ông mất đã an táng tại quê nhà. Tôi như bị sét đánh ngang tai, không ngờ hạnh phúc mình được hưởng quá ngắn ngủi, thương cho con tôi côi cút còn thơ. Chúng tôi lấy nhau không chính thức, tôi chưa bao giờ về quê ông ấy, nên tôi không dám đưa con về cư tang.
 
Hơn một tháng sau ngày ông ấy chết, bà cả cho người tới đón mẹ con tôi về chơi. Ở được ít lâu, tôi nghe dư luận mấy người con gái con rể nói ra nói vào với bà cả, để mẹ con tôi ở đây sẽ sinh rắc rối, sợ tôi đòi chia gia tài. Tôi có nói cho họ biết mẹ con tôi về đây có ý cư tang ít lâu cho trọn tình nghĩa. Tôi không mong chia gia tài cho con tôi, đừng nghĩ oan. Tôi ở tới giỗ đầu năm rồi hôm sau tôi thu xếp bế con đi. Bà cả có đưa chân mẹ con tôi một món tiền nhưng tôi không lấy.
 
Tôi đưa con về Hà Đông buôn bán nuôi con. Tôi cũng được an ủi chút ít do bạn bè và các đồng chí của ông hay đi lại thăm nom giúp đỡ mẹ con tôi. Tôi đã nuôi con một mình thành nhân như ý tôi. Tôi tin vong linh ông cũng vui mừng thấy con trai độc nhất của chúng tôi đã thành danh.
 
Qua câu truyện của bà Cầu tức chị Cu, trước mặt bà hàng xóm tôi tỏ lòng quý mến, kính phục bà Cầu là người quả quyết, giữ lòng trung trinh, ngay thẳng, có tấm tình yêu chân thành bền vững, không bị bả lợi danh cám dỗ. Tình yêu chổng đã dồn sang cho con tận tụy nuôi nấng, dậy dỗ cho con nên người. Ôi văn hóa Việt Nam tiền nhân để lại đã tác dụng nên những con người Việt đáng quý, đã giữ vũng năm đức tính cao quý nhân, nghĩa, lể, trí, tín.
 
Tôi tự hẹn với lòng một ngày nào sẽ ra Nha Trang thăm mẹ con bà Cầu tức chị Cu. Tôi rất ân hận chưa kịp đi thăm bà Cầu thì biến cố ngày 30 tháng 4 ập đến. Tôi không biết mẹ con bà Cầu hiện giờ ở đâu. Nếu đọc được những giòng trên đây, hy vọng bà Cầu hay ông Cơ liên lạc với người viết.
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.12.2022 02:47:36 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9