30- Bình Quyền
Nước Mỹ là nơi văn minh nhất, giàu nhất, giỏi nhất, đủ tiện nghi nhất, cái hay cũng nhất, cái dở cũng nhất, và cũng tự do nhất thế giới. Tuy nhiên, giới phụ nữ Mỹ chưa thỏa mãn, cho là vẫn còn chưa bình quyền với nam giới, nên phải đòi thêm nữa cho bằng được, vì người đàn bà có thua gì đàn ông đâu. Tất cả các ngành, nghề đều có đàn bà, các ông làm được thì đàn bà cũng làm được.
Chỉ phiền một chút là Thiên Chúa, khi tạo dựng trời đất, đã để cho người đàn ông xuất hiện trước, rồi mới lấy xương sườn cụt của đàn ông để dựng lên đàn bà, và truyền cho hai người ở với nhau, thương yêu nhau như thân mình, và trở nên như một vậy. Chỉ khác biệt bên ngoài, người đàn ông lớn con, có sức mạnh hơn đàn bà, vì vậy việc làm nặng nhọc cần đến sức mạnh của đàn ông, việc nhẹ nhàng cần đến bàn tay mềm yếu khéo léo của đàn bà. Thiên Chúa công bằng vô cùng, Ngài không có nói đàn ông có quyền hơn, cũng không nói đàn bà phải phục tùng đàn ông, nhưng rồi loài người cứ vẽ thêm truyện, để bắt nạt lẫn nhau.
Hồi tưởng lại khi còn nhỏ, nàng nhớ khi được bố dẫn đến trường nơi anh nàng đang học, rồi năm sau em nàng đến tuổi cũng đi học ở đây, học được vài năm, biết đọc biết viết, biết làm bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Rồi mẹ bắt ở nhà, nói:
“Con gái không cần học nhiều, biết đọc biết viết là đủ, hãy ở nhà giúp mẹ coi em, tập rửa bát, quét nhà và để mẹ sai vặt.” Trong lúc đó, anh và em trai vẫn đi học, đúng là các cụ trọng nam khinh nữ, như người ta thường nói.
Không được đến trường học nữa, cũng nhớ trường, nhớ bạn, trong những giờ chơi cùng với bạn rủ nhau đánh chuyền, đánh chắt, chơi ú tim. Tuy nhiên tuổi trẻ cũng chóng quên; ở nhà có công việc mới cũng luôn chân luôn tay hợp với tuổi nhỏ; lớn dần, việc theo tuổi, mẹ sai đi chợ mua đồ, ra vườn làm cỏ, hái dâu nuôi tầm; lớn hơn nữa, lại tới xóm trên học se chỉ, kéo sợi, quay tơ, học dệt vải, ngày mùa ra đồng trông coi người làm trồng, cấy, gặt hái.
Vào mùa thu, công việc nông tang đã dãn, tuổi nàng đã cặp kê, các bà mai mối họat động ráo riết, hết đưa đám này đến xem mặt lại đến đám kia, gia đình nào cũng khoe là tốt là hay, các bà mẹ đàng trai hay chọn con gái nhà khá giả, biết làm ăn, có nghề, biết buôn bán thì hay nhất, nếu cô nàng trông dễ coi, không cần đẹp lắm, mà ăn nói nhẹ nhàng nữa thì cũng thật hợp ý. Tin đi mối lại, rồi bố mẹ cũng chọn được một đám theo ý bố mẹ, không cần biết con gái nhà mình có bằng lòng hay không, nếu không bằng lòng thì cô gái cũng chỉ phản đối một cách tiêu cực, bù lại bố mẹ hứa cho thêm ít tiền làm vốn hay mua cho đồ trang sức theo ý thích, là cô gái cũng bằng lòng luôn.
Rồi một ngày đẹp trời, nàng đã lên xe hoa về nhà chồng với họ trai đón, họ gái đưa, cuộc đời có nhiều ngã rẽ, nàng làm dâu một gia đình buôn bán, mà nàng chưa hề học buôn học bán; nhưng chẳng làm sao hết, len lỏi vào nghề rồi cũng biết, làm ăn có thời có vận; gặp may, vợ chồng hứng khởi, chồng đi mua vợ ở nhà bán hàng, buôn có khi lãi, có khi lỗ, không ai nói ra nói vào, như chồng lên mặt khi có lời hay vợ bẳn gắt khi thua lỗ, vì họ hiểu cùng làm, cùng chịu, cùng hưởng.
Nhiều khi nàng tự hỏi, có phải phong tục trọng nam khinh nữ đã có từ hồi Bắc thuộc, người Tầu đã du nhập phong tục Tam Tòng
(tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử, có nghĩa là ở nhà thì phục tòng bố mẹ, đi lấy chồng thì phục tòng chồng, khi chồng chết thì phục tòng con) buộc lên đầu lên cổ người phụ nữ Việt Nam, nên đàn ông thấy lợi đã cố duy trì hủ tục này để cho phụ nữ các thế hệ sau phải chiụ sự bất công.
Theo phong tục Việt Nam trước đây, cha mẹ thường chỉ cho con trai đi học, mong sau này đỗ đạt làm nên danh phận, rạng rỡ tông môn, con gái đi lấy chồng không giúp được gì cho cha mẹ. Nhưng xét về tình yêu thì cha mẹ vẫn thường yêu trai cũng như gái. Tuy không được đi học nhà trường, ở nhà người con gái được mẹ dậy cho biết tề gia nội trợ, biết thêu, may, đan, dệt, buôn bán hay một nghề phòng thân, như mẹ thường
nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Cha mẹ thường quan niệm rằng con gái khi đi lấy chồng, hãy làm trọn bổn phận của người mẹ hiền, vợ thảo, xứng đáng là “
nội tướng” trong gia đình, vì người xưa thường nói
“lệnh ông không bằng còng bà”, vì bà giữ tay hòm chìa khóa, có quyền thu quyền phát, nên thường thường đàn ông không cần phải nghĩ đến việc nhà, vì đã có bà chu toàn lo liệu tất cả.
Nam nữ bình quyền có nghĩa là cả hai: vợ cũng như chồng, trở nên như một, thì người chồng có cớ gì dám khinh người vợ và người chồng phải ý thức được rằng vợ mình là một con người có cảm tình, trí khôn và những mong ước cao vời như bao người khác. Thời xưa, không nghe thấy ai nói giới phụ nữ đòi hỏi bình quyền, vì trên thực tế nam nữ vẫn quyền ngang nhau, kính trọng nhau, đó là lẽ tự nhiên.
Theo vận nước, trôi nổi tới đất văn minh nhất thế giới, có tự do, có quyền bình đẳng, người ta không còn biết tương nhượng, biết lui tới, biết nhẫn nhịn nhau; việc gì cũng đưa tới pháp luật giải quyết. Tại nước Mỹ cũng như tại quê hương hiện giờ, nền tảng gia đình của chúng ta đang nứt rạn trầm trọng và có cơ đổ vỡ tận gốc rễ. Viễn ảnh gia đình mỗi ngày thêm mù mịt tăm tối.
Con trai con gái đến tuổi trưởng thành, việc lo dựng vợ gả chồng là quyền và bổn phận của cha mẹ, nhưng ở xứ này, cha mẹ còn có quyền gì đâu nữa trên con cái, khi chúng đủ 18 tuổi. Chỉ có lấy kinh nghiệm mà dìu dắt, khuyên bảo, đưa ra những câu truyện gia đình đã đổ vỡ, để làm gương cho con em học hỏi. Các cô các cậu đứng trước cửa, trong cửa, hay đã qua cửa đại học mặc lòng, nhưng vẫn chưa đủ kinh nghiệm tìm người bạn đời, mà lại còn tự phụ cho mình đủ khôn ngoan; nhưng gặp phải đối phương, trông có mã đẹp bề ngoài, hay kém nhan sắc nhưng biết nói khéo, nhẹ nhàng, hiểu được tâm lý, chiều chuộng đối phương theo ý thích, như thích đi ăn ngon, mặc đẹp, thích âm nhạc, thích khiêu vũ, thích đi chơi, mà cô cậu cho là đã gặp được ý trung nhân, cho đây là tiếng sét ái tình.
Nhưng có biết đâu đối phương chỉ nhằm vào túi tiền, địa vị, nghề nghiệp, bảo đảm cho một cuộc sống đầy đủ xa hoa. Vì đã có chủ đích, họ sẽ không từ bỏ một phương cách nào đã nắm chắc linh hồn chàng hay nàng. Họ khéo che đậy tính xấu, đóng kịch một người con gái ngoan hiền, nết na, hoặc một chàng trai hào hiệp, phóng khoáng, có tư cách, có tinh thần cầu tiến.
Họ ngụp lặn trong tình yêu, họ hồ hởi đưa nhau về giới thiệu với gia đình dù cha mẹ, anh em, họ hàng hay bạn hữu, có người biết về quá khứ không tốt, hay vì hở một lời nói, một cử chỉ, hành vi, mà gia đình nhận biết sự giả tạo của cô, cậu, mà muốn ngăn chặn, khuyên bảo cũng vô ích, họ vẫn tiến tới, viện vào quyền tự do kết hôn.
Qua tuần trăng mật, trở lại cuộc sống thực tế, trút bỏ mọi giữ gìn, cô, cậu hiện nguyên hình, mọi tính tốt, xấu đều bộc lộ, nếu không chiều được tính xấu, không nhịn được lời lỗ mãng, tục tĩu, hoặc thiện chí không được đáp ứng, viện vào quyền tự do và bình đẳng, không ai trói buộc được gì, nên đi đến chia rẽ là cái chắc, và nguyên nhân đưa đến gia đình tan vỡ cũng có rất nhiều.
Cặp A và B, đôi bên cha mẹ rất vừa lòng cho là môn đăng hộ đối, mọi việc cưới hỏi đều theo tục lệ và tổ chức thật linh đình. Chàng là chuyên viên mới ra trường, trẻ đẹp, công việc làm vững chắc và lương cao và có cao vọng lấy cô nào trẻ đẹp càng hay nhưng phải là con nhà giầu và có công ăn việc làm. Cô B. hội đủ điều kiện nhưng tiền lương kỹ sư của cô ít hơn lương của chàng A. Sau khi cưới hỏi xong chàng bắt nàng vừa đi làm vừa đi học thêm để có công việc tốt hơn. Tiền lương cô B đưa về chàng nắm hết. Ngoài công việc ở sở và sau khi đi học về, cô B phải lo hết việc nhà: cơm nước, quần áo, lau chùi dọn dẹp chỉ một mình cô làm, chàng chẳng hề giúp một tay, lại còn dở trò vũ phu, thượng cằng chân hạ cẳng tay mỗi khi không vừa lòng. Chịu không thấu, nên cô B đành chia tay trở về nhà cha mẹ.
Cặp T. và H., chàng đang học trường y khoa sắp ra bác sĩ, gặp nàng H. con cưng của người bạn của cha mẹ, nàng đẹp, nhỏ nhẹ, khéo nói, kéo chiều, nên hai người yêu nhau. Đám cưới của T và H đã diễn ra một cách khá nhanh vì đôi bên cha mẹ đều là bạn với nhau.
Cưới H. về, bố mẹ chồng chiều chuộng nàng dâu, mua xe thật sang, sắm nhiều đồ trang sức đắt tiền; nhưng chỉ ít lâu sau, cô H. bắt đầu bộc lộ bản tính lăng loàn và nhất là thích đi ăn đi chơi, ban ngày đi đánh quần vợt, tối về đòi chồng đưa đi ăn rồi đi khiêu vũ. Chàng T. đầu tiên còn chiều vợ nhưng chỉ một ít lâu sau, vì bài vở nhiều, và gác trực nhà thương cũng mất nhiều thì giờ, nên chàng T. và nhà chồng đành chịu thua không chiều được nữa, nàng H. vẫn đi chơi một mình.
Đi lắm có ngày gặp ma và nàng đã ngã vào tay của người làm nhà hàng. Ra tòa xin ly dị, nàng lấy được xe, giữ được hết nữ trang và đồ đạc bố mẹ chồng sắm cho, và về sống với người tình mới. Vì chỉ nghĩ đến ăn chơi, ích kỷ cho sướng thân nên chỉ được ít lâu cũng trở thành thân tàn ma dại, không còn dám nhìn đến người chồng cũ, đã công thành danh toại, có một tương lai đầy hứa hẹn.
Anh P. và chị K. thương nhau, ban đầu chiều nhau lâu dần nhàm quen, bản tính chồng chúa vợ tôi thừa hưởng của bố anh từ ở quê nhà đã ngóc đầu dậy ở đất tự do này. Anh đi làm về, chi tiền cho vợ như người làm công, việc nhà không bao giờ giúp vợ, dù con đói khóc đòi ăn, vợ cũng cứ phải hầu anh cho đầy đủ. Thậm chí vợ mới sanh con yếu ớt, anh lại muốn ăn đồ Việt Nam, chị phải bế con ra để anh lái xe tới chợ, một mình vợ vào mua đồ khệ nệ khuân đồ ra một mình, anh không giúp một tay.
Chi K. hiểu cái cảnh ăn nhờ chồng, theo cái ý nghĩ hẹp hòi của chồng, khổ cực nhục nhã, chị âm thầm chịu đựng chờ con lớn khôn, mới đi gửi nhà nuôi trẻ, chị đi làm kiếm được nhiều tiền hơn anh, cảnh chồng chúa vợ tôi không còn tái diễn, luật bình đẳng tự nhiên mà có, không cần đòi hỏi.
Khi lấy nhau không có cha mẹ cố vấn, hay không nghe lời cha mẹ, họ hàng thân thích, hoặc bạn hữu đã biết trước những khuyết điểm và thấy tình hình không hợp nhau, nên khuyên can, nhưng quyết đi tới hôn nhân và do đó đời sống gia đình của nhiều cặp đã bị đổ vỡ.
Có nhiều nơi, nhất là các nhà thờ Công giao đã mở những lớp dự bị hôn nhân cho các thanh niên nam nữ sửa soạn bước vào đời sống gia đình; những lớp này thường kéo dài 6 tháng, nên đôi trẻ có thì giờ để hiểu biết nhau hơn. Những lớp dự bị hôn nhân này thường có những chương trình học hỏi chung rất đặc sắc để giúp cho đôi trẻ nhận thức được tình cảm của mình đối với người bạn đời để cùng sống với nhau trọn đời trong ân sủng của Thiên Chúa.
Các cụ ngày xưa không xóa được phong tục trọng nam khinh nữ, nhưng đã khôn ngoan trang bị cho con gái đức tính tốt, và học nghề nghiệp trước khi lập gia đình, nên con gái các cụ đã trở thành người chủ phụ, nội tướng, nắm được quyền tay hòm chìa khóa trong gia đình, làm cho ông chồng phải nể, phải kính trọng, khỏi cần phải tranh đấu cho nam nữ bình quyền.