Lời Bạt Sự Phong Phú Và Tác Dụng Giáo Dục Lớn Của Các Tập Truyện Của Nữ Sĩ Lão Thành Tuyết Minh
Xuân Vũ Cảm tưởng đầu tiên sau khi đọc xong ba tập truyện: Giòng Đời Xưa và Nay, Chuyện Đời Chuyện Người và Những Mảnh Đời, là cái nhân gian này coi vậy mà đa sự quá đi thôi. Nhờ Cụ Tuyết Minh tôi được biết thêm những chuyện mà tôi không thể tưởng là có được trên cõi đời này. Cuộc đời đáng yêu nhưng nó quá phức tạp, xô bồ, lộn ẩu, nếu không có một hướng đi thì có lẽ con người sẽ phải sa chân lỡ bước dễ dàng, và nếu không có Đấng Chí Tôn soi đường dẫn lối thì con người sẽ không biết đi đâu và phải làm gì nữa.
Cảm tưởng thứ hai: Cụ Tuyết Minh là một nhà giảng giải cho con cháu những điều hay lẽ phải, gạn đục khơi trong để sống cho có ý nghĩa, sống đẹp, sống vui, sống một cách đường hoàng, chân chính. Truyện của Cụ không rườm rà mà đi thẳng vào trung tâm vấn đề, cái ý chính Cụ muốn nói ra. Nhiều truyện của cụ giản dị đọc thấm thía, đọc một lần, nhớ mãi.
Tôi đã đọc ba tập gồm cả trăm truyện, dở đi dở lại thì vẫn thấy cái điểm nổi bật là giáo dục con người. Bằng những chuyện thực tế ngoài đời, chuyện ngay bên cạnh nhà mỗi người, chuyện của mình, nhân vật của truyện chính là người làng, người láng giềng, hoặc bè bạn của mình, tác giả đã chỉ cho người đọc chỗ
lợi chỗ
hại, điều
lành điều
dữ, mặt
trắng mặt
đen, bên
phải bên
trái cho người đọc với nhận xét thẳng thắn rõ ràng không quanh co ẩn ý, hễ ai đọc hết truyện là đều nhận thấy, và nếu nghe lời chỉ bảo của câu truyện thì có thể tránh khỏi sai lầm.
Hình như bên ngoài xã hội có xảy ra chuyện gì thì trong sách có ghi chuyện ấy. Chuyện vợ chồng hạnh phúc, tình yêu đau khổ, chuyện gian lận, vu cáo, tha thứ, cờ bạc, chuyện dị đoan mê tín, chuyện tu hành, chuyện phong tục, chuyện làng quê, chuyện lịch sử Tây Tàu, chuyện làm ăn, chuyện tị nạn, chuyện con gái, chuyện cụ già, chuyện cải cách ruộng đất, chuyện hoạt động cách mạng, chuyện lính, chuyện làng, chuyện áo Lemur, chuyện chết đói, chuyện vượt biên, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện bè bạn, chuyện tự tử v.v…
Không thể nhớ hết được. Có thể coi đây là một bộ “
Tự Vị Xã Hội” nho nhỏ mà người đọc có thể giở ra để tra cứu hoặc để soi mình. Tôi đã không thể tìm một chuyện xã hội nào nằm ngoài bộ “Tự Vị” này. Thiệt là một niềm vui được đọc truyện của cụ Tuyết Minh, một cây bút đã ngoài thất thập mà vẫn còn rắn rỏi sắc nhạy trong làng văn ta. Tôi nghĩ rằng với tuổi tác của cụ, với quãng đời dài dằng dặc và gian truân cụ đã trải qua, cụ là bà mẹ, bà nội, bà ngoại và là nhà giáo cho nhiều lứa tuổi và nhiều thế hệ người Việt Nam tương lai trong chiều hướng giữ gìn đạo lý dân tộc, giữ gìn giềng mối của gia đình, nền tảng của xã hội.
Truyện đầu tiên của tập
Giòng Đời Xưa Và Nay. (Tình yêu thương truyền thống của dân tộc) đã làm cho tôi xúc động ngay.
Cụ Tuyết Minh kể chuyện Vua Lý Thái Tông phát áo cho tù nhân và nói:
“Ta yêu dân như con” rồi Cụ đưa ra một đoạn văn để kết luận.
“Có yêu thương là có tha thứ. Dùng sức mạnh mà trị người không bằng lấy ân đức mà cảm hóa người. Tổ tiên ta gần năm ngàn năm dựng nước bảo tồn nòi giống với căn bản đùm bọc và yêu thương. Thời nào có tình yêu là thời thịnh trị, dân được an cư lạc nghiệp.” Đọc truyện này tôi có cảm tình ngay với tác giả. Và từ đó hể thấy truyện của Cụ là tôi đọc. Tôi tìm xem Cụ nói thêm với mình gì nữa?
Quả thật, Cụ Tuyết Minh đã nói rất nhiều điều quí báu qua cả trăm truyện của Cụ. Truyện của Cụ, ta đọc không phải để nhiều thì giờ. Nó ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng, nhưng ý nghĩa thì rất sâu sắc. Truyện nào cũng có một chủ đích nhắn nhủ người đời. Tôi đặc biệt chú ý đến những truyện xã hội của Cụ. Viết xong một truyện, bao giờ Cụ cũng chỉ cho cái nguyên nhân thất bại hoặc thành công. Một gia đình tan vỡ: vì chồng quên bổn phận làm chồng: một gia đình khác tan vỡ: tại người vợ đua đòi. Lại một gia đình khác cơm không lành canh không ngon: tại ông bà già chồng. Rồi lại một gia đình khác tan vỡ: tại ông bà già vợ. Cụ chỉ rõ ra như một bài toán đơn giản mà người trong cuộc không
thấy, cứ loanh quanh để rồi phạm sai lầm của người khác, vì không chịu
nhìn. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, với tuổi đời của Cụ. Cụ đã cho ta những bài học chính xác có giá trị. Lại nữa, luận cứ của cụ dựa hẳn vào luân lý của dân tộc, đạo đức tốt đẹp truyền thống của tổ tiên. Đây tôi xin nhặt ra một câu chuyện
“Người Hiền Phụ”
(Giòng Đời Xưa Và Nay), chỉ có hai trang sách, đúng hai trang, không thừa một dòng nào.
Tóm tắt như sau: Vợ của một người làm công (chị Tâm) đến thú thật với chủ nhà rằng chồng chị đã ăn cắp một món đồ của chủ nhà đem bán và cờ bạc thua sạch túi. Chị thấy trong nhà không có món gì đáng giá để bán trả tiền cho chủ nhà. Chị bèn cởi chiếc dây chuyền đang đeo ở cổ để đưa cho bà chủ và xin nhận cho, nếu chưa đủ chị sẽ kiếm trả thêm. Đây là chiếc dây chuyền của bố mẹ tặng cho chị khi đám cưới chị. Bà chủ cảm động, không nhận và hứa cũng không truy tố chồng chị.
Guy de Maupassant có một câu chuyện nổi tiếng, có lẽ là truyện nổi tiếng nhất của ông và cũng là một trong những truyện hay nhất của văn học thế giới. Đó là chuyện
La Parure (
Món nữ trang).Cũng là chuyện xã hội, nhưng Maupassanant mô tả một người đàn bà mê đồ trang sức mà lụy thân, còn cụ Tuyết Minh thì đưa ra một người đàn bà dùng món đồ trang sức để cứu chồng. Mỗi tác giả diễn tả một cách riêng nhưng cả hai truyện đều làm tôi ghi nhớ sâu sắc như nhau.
Cụ Tuyết Minh gọi chi Tâm là
“Người Hiền Phụ”. Điều đó chứng tỏ quan điểm về đạo đức của cụ. Tôi xin nêu lên mấy nhận xét của tôi về chị Tâm để nêu lên đức tính hiền phụ của chị.
-Rau cháo nuôi con, khuyên nhủ, năn nỉ người chồng cờ bạc.
-Đem sợi dây chuyền quí giá để đền cho chủ nhà, cũng là cứu chồng khỏi bị truy tố.
Bên cạnh đó nhân vật chủ nhà thật rộng lượng, là một loại người cũng hiếm có. Riêng trong đời tôi, tôi chưa từng thấy ai như chị Tâm và bà chủ nhà như vậy.
Ở cái xứ lạ này, cái xứ mà cụ Tuyết Minh nhận xét rất đúng: “
Thừa tự do, thiếu luân lý” hoặc
“trường chỉ dạy các môn kiếm tiền, không dạy làm người”, người Việt Nam ta phải nên “
tìm một con đường để sống đẹp”.
Cụ Tuyết Minh đã luôn luôn nhắc tới những câu châm ngôn bao gồm luân lý của dân tộc:
-Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. -Đói cho sạch rách cho thơm. -Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chãy ra. -Cái nết đánh chết cái đẹp. -Dạy con dạy thuở còn thơ. -Một câu nhịn chín câu lành. --Ngọc tìm trong đá, vàng đãi trong cát v.v.. Phải chăng dân tộc ta dù nghèo nàn hơn người, nhưng lại giầu nhân nghĩa, đạo lý hơn những xứ lấy tiền làm nhân nghĩa. Trong các truyện của cụ Tuyến Minh, tôi nhân thấy lý do vật chất làm tan nát gia đình rất nhiều, nhưng bên cạnh đó Cụ cũng nêu bật lên những mối tình chung thủy, những tấm tình bạn tốt, những người vợ, người chồng đáng làm gương, và những ông cha bà mẹ thương yêu con rất mực, những người bạn chí tình, những người biết trọng lễ nghĩa.
Đọc truyện của cụ Tuyết Minh tôi nghĩ rằng độc giả không phải đi tìm những ẩn ý trong câu văn, những kết luận buông lửng, những ngoắc ngoéo trong cốt chuyện, những sự chơi chữ trong ngôn ngữ mà chỉ thấy một ngòi bút chân thật, chân tình và chân phương, không hư cấu, không cường điệu nhưng hấp dẫn.
Một cô vợ đang là hiền nội bỗng trở nên bê trễ trong việc săn sóc chồng, vì anh chồng bê tha; một cô vợ cứ hay đem con ra đánh trước mặt chồng là vì anh chồng đã rước bà con về nuôi làm hại kinh tế gia đình, một người đàn bà nhà quê lên tỉnh thành trở nên hư đốn vì ham mê vật chất, một anh thích nhà lớn xe đẹp rốt cuộc vỡ mộng v.v… đều được tác giả nêu lên để cho mỗi người xem một chút
“xe trước đổ xe sau phải tránh” và nếu muốn tránh thì tránh được. Vì nó không khó. Ngặt vì người đời biết sai mà vẫn làm, biết trật mà vẫn nói.
Vì truyện quá nhiều, không nhớ hết tên, nhưng nhớ những chi tiết đặc biệt nên tôi đọc qua cứ nhớ mãi nhân vật như người mình đã từng gặp vậy. Ví dụ như ông Cửu Ngọ đi ăn mày khắp vùng Nga Sơn, vốn là một nhà giầu, nhưng hách dịch. Vợ ông ta đã từng khoe khoang:
“Chừng nào làng này hết lá tre thì nhà này hết bạc”; Bác Hội và ông Đồ Tĩnh như cặp Lưu Bình, Dương Lễ tân thời, chuyện một người cháu rước bác ra khỏi tù Việt Minh nhường xe cho bác cỡi còn mình chạy bộ đủn xe suốt mấy chục cây số, truyện phong tục trong làng, bánh dày phủ giấy đỏ trong tiệc yến lão, 12 cái hột vịt chúc cho đôi tân hôn đẻ như vịt, truyện đói năm Ất Dậu v.v…
Đặc biệt trong các truyện trước 1945 tác giả có kể một vài gương nữ chiến sĩ hoạt động bí mật như chị Cúc đã từng ngậm ống đu đủ lội qua sông hoặc nuốt tờ truyền đơn vào bụng để che mắt mật thám; Chị Mùi chia tay với chồng lên chiến khu; những công tác cứu trợ, liên lạc và những công tác gian truân khác. Tôi thấy thấp thoáng có bóng tác giả và phu quân trên đường hoạt động, nếu không thì không thể biết nhưng chi tiết ấy.
Nhiều truyện có thể viết thành truyện dài, như truyện
“Tu Là Cõi Phúc”. Tiếng chuông của ni cô Nhi bấm chờ thầy Hạnh ra ở cổng tu viện làm cho tôi nhớ đến câu chuyện
Hoa Rơi Cửa Phật (
Lan và Điệp). Mối tình của Nhi đối với Hạnh là mối tình một chiều, tuy nhiên nó cũng có nhiều tình tiết éo le có thể dựng thành tiểu thuyết, nhưng cái kết cuộc không bi đát như Lan và Điệp (Cha già Hạnh cuốc đất trồng cây nơi miền Cao Nguyên).
Truyện Tha Thứ (trong tập
Chuyện Đời Chuyện Người) và truyện Tha Thứ (trong tập
Những Mảnh Đời) cũng có thể viết thành tiểu thuyết có chủ đề rất hay.
Tha Thứ 1 là chuyện một người đàn bà (Vóc) bị mất chồng (Thân) vì một người đàng bà khác (Nhung)/ Đó là chuyện vẫn thường hay xẩy ra ở trên đời. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì tiểu thuyết chưa lâm ly bi đát cho lắm. Đằng này Nhung lại có con trai với Thân nhưng vì Nhung là cô đầu Khâm Thiên nên cha mẹ Thân không cưới cho con mà đi cưới Vóc. Vóc cũng đẹp nhưng vì sanh đẻ nên xấu đi và thừa lúc vợ ở cữ, Thân thậm thụt với Nhung. Tuy không yêu thương nhưng thương con rồi dính, gỡ không ra. Rủi là Vóc đẻ con gái trong lúc bố mẹ Thân lại cần cháu trai. Vóc bị lấn quyền vì đẻ con gái… (đoạn sau còn dài và rất bất ngờ). Đọc truyện này tôi nhớ chuyện “
Đứa Con” rất nổi tiếng của
Đỗ Đức Thu. Tha Thứ II – Cũng lại là một người đàn bà mất chồng vì một người đàn bà khác chính là bạn thân của mình. Trước khi chết bà dặn các con phải tìm cách báo thù cho bằng được. Khi lớn lên, lũ con có tìm được bố và dì ghẻ. Nhưng hai người này sống trong cảnh quá nghèo nàn sa sút. Hơn nữa cả hai đều ăn năn hối lỗi… Thấy thế các con không nỡ trả thù.
Đọc truyện này tôi lại nhớ truyện
“Không nên báo thù” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Một anh nhà giầu ném hòn đá vào một anh phu phen nghèo khó. Anh này nhặt hòn đá để một chỗ, hẹn với lòng rằng sẽ có một lúc nào ném trả. Ít lâu sau, anh nhà giầu kia sa sút phải đi lang thang. Anh phu thấy thế bèn chạy đi tìm hòn đá xưa. Nhưng thoạt trông kẻ thù xơ xác quá bèn nảy ra ý nghĩ: “
Ta không nên trả thù” rồi quẳng hòn đá xuống ao.
Hai Ngả Đường – Hai chị em Bìm và Lạch cùng cha mẹ nhưng tâm tính lại khác nhau. Bìm chất phác thật thà, thờ chồng làm ăn khấm khá, còn Lạch lại có tính lẳng lơ thich đọc tiểu thuyết và tưởng tượng y như đó là thật rồi bắt chước. Cuối cùng sa ngã, gia đình tan nát, đi làm cai gà ở vũ trường, còn Bìm thì buôn bán phát tài….
Trước khi sang phần kết luận, tôi xin nhờ Cụ Tuyết Minh chuyển lời tôi rất cảm phục đạo đức của ông bà Hân (trong truyện
Mười Lăm Năm Sau) và ông Hai An (trong truyện
Tìm Một Con Đường). Hai ông không là anh em ruột nhưng cũng có tánh thương người như nhau. Để cho con cháu mình hư hỏng là một việc đau lòng. Nghe thấy thanh thiếu niên Việt Nam nào hư hỏng hai ông cũng buồn. Vì thế hai ông đã hoán cải được một số thanh thiếu niên hư hỏng, giúp họ trở lại trường hoặc về với gia đình. Hai yếu tố chính để thành công là
Yêu Thương và Hiểu Tâm Lý. Thiếu một trong hai yếu tố đó họ đã không thành công như đã thấy. Nếu không có ngòi bút của cụ Tuyết Minh thì gương sáng của ông bà Hân và ông An chắc không ai biết tới.
Kết luận: Thực tình tôi không nhớ hết tên các truyện. Hơn nữa tôi có thói quen khi viết về một quyển sách nào thì ít khi dở đi xem lại, trừ khi cần trích dẫn một cách đây đủ và chính xác, còn thì nhờ vào trí nhớ, cũng như khi nghe ai kể chuyện tôi có tật không ghi chép. Cái gì còn nhớ là cái ấy có thể dùng được. Đọc truyện cũng vậy, cái gì còn nhớ thì ghi ra.
Và đây là những điều Tôi Nhớ Được và Suy Nghĩ về ba tập truyện của Cụ Tuyết Minh.
All happy families resemble one another, but each unhappy family is unhappy in its own way. Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng nnhững gia đình bất hạnh thì mỗi cái mỗi bất hạnh khác nhau. Đó là câu mở đầu của
Tolstoi cho tiểu thuyết
Anna Karénine trứ danh. Tôi nghĩ là mọi gia đình Việt Nam ở trên đất nước người này, hoặc hạnh phúc, hoặc bất hạnh, đều có thể tìm thấy những điều để tránh, để học, để dạy con cái, để giúp bạn bè, để sống cho thơm, hoặc ít ra cũng tìm thấy những điều rất đáng cho ta để tâm tới, nhất là những chủ gia đình đang gánh trách nhiệm lớn trước xã hội. Một thiếu niên Việt Nam bỏ trường đi theo du đãng. Phải chăng trách nhiệm của mẹ cha?
Mũi dại lái chịu đòn. Đó là tục ngữ Việt Nam.
Tất cả những chuyện của cụ Tuyết Minh đều mang tính chất Giáo Dục rất sâu sắc. Cụ kể bằng một nhiệt tình với một tấm lòng chân thành mong sao cho xã hội bớt đi những chuyện đau lòng, nhất là chuyện của người Việt Nam ta. Đây chính là
Những Viên Ngọc và
Những Hạt Vàng mà cụ Tuyệt Minh gởi đến cho chúng ta như những món quà hết sức quí báu.
Chúng ta không phải mất công đi
“tìm ngọc trong đá, đi đãi cát tìm vàng” ở đâu cho xa.
Xin chúc Cụ Tuyết Minh khỏe sức, khỏe bút để độc gia có thêm những
viên ngọc và những
hạt vàng.
1-1994
Xuân Vũ