Nhân Sinh Tỏa Sáng
macdung 31.10.2022 09:09:15 (permalink)

LỜI GIỚI THIỆU
 
________
 
                                            Nhân Sinh Tỏa Sáng
                                                        *****
Văn học vị nghệ thuật hay văn học vị nhân sinh? Có một giai đoạn văn học sử Việt, từng xảy ra tranh chấp giữa hai trường phái sáng tạo nghệ thuật mà kết cục vẫn bỏ ngõ… Quá nhiều chính kiến thuyết phục, nhưng không đưa đến chiến thắng thuộc về ai…
Siêu thực và hiện thực!? Xem ra điều dễ dàng thuyết phục vẫn là sự trải nghiệm, ứng dụng, rồi đúc kết kinh nghiệm. Vậy, cái gì sờ, nắm, ngửi, ăn… lại tạo gắn kết với sinh hoạt loài người… Cuối cùng, tác phẩm văn học là phục vụ từng cá thể và những phần tử nhỏ nhoi ấy kết hợp lại cho ra một quần thể chiêm ngưỡng thế giới tinh thần. Điều gì xa rời là Siêu Thực. Điều gần gũi, gắn bó lại Hiện Thực…
Nhà thơ Phan Văn Hi chính là mẫu người đánh dấu sáng tạo nghệ thuật khi tiếp cận nhân sinh. Tác giả đã sống và cống hiến hết mình cho lý tưởng đã chọn, rồi từ đấy biết bao thi phẩm thông qua sự trải nghiệm bước vào lòng độc giả…
Chất thơ Phan Văn Hi luôn lồng trong kinh nghiệm thực tiễn để cho ra bài học nhân sinh cực kỳ thuyết phục. Không sáo ngữ hay buông tuồng, nhưng sự giản dị bỗng chốc xâm nhập cảm xúc với kết cấu logic sự vật không sao chối cãi được. Hầu như xuyên suốt tất cả thi phẩm như nói lên tâm huyết và lý tưởng tự cõi lòng màu máu cha ông mà nhà thơ một đời trì tâm cống hiến.
Thông qua thi phẩm Cho Nhau Cho Người lần đầu tiên trải nghiệm cùng độc giả, Phan Văn Hi cho thấy với thi từ nếu bỏ qua sự lãng mạn vẫn còn đó nét đẹp của Tục Ngữ hoặc Cách Ngôn mà người giỏi sáng tạo có thể thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật. Với kinh nghiệm phong phú về đời sống: trồng trọt, ẩm thực, hoa quả… nhà thơ đều ẩn dụ một bài học sâu sắc về nhân sinh, từ đó làm nên sắc thi cho riêng mình…
Tư tưởng khách quan làm nên thi tác của nhà thơ Phan Văn Hi khó nhập nhằn, lẫn lộn. Dòng thơ như góp nhặt sự trải nghiệm, nhắn nhủ cùng người thưởng thức nét nhân văn hừng hực sắc màu dân tộc. Hiếm có tác giả nào thể hiện được ngọn lửa nhiệt tình với nhân sinh, với quốc hồn như thi sĩ lão thành này. Hai thể loại thơ truyền thống Lục Bát và Song Thất Lục Bát được tận dụng thể hiện một cách triệt để, nhưng khi xé lẻ ra vẫn đưa đến bài học vàng cho những người thiếu kinh nghiệm đang hướng đến tương lai…
Xuyên suốt thi phẩm Cho Nhau Cho Người là cách nhìn, cách sống, cách hành mà mọi giới tầng đều chắt lọc ra một bài học về Nhân Sinh. Rất nhiều nhận định, người thưởng thức tác phẩm có thể tâm đắc thông qua trải nghiệm thi từ…
“…Thôi va đập bồi thân thương
Cho nhiều nhận ít đời thường lên ngôi…”
(Cõi tạm)
 
“…Được ta người được nên làm
Được ta người mất không làm mảy may…” 
(Đâu chỉ là Phật Tử)
 
“…Học cách nén nỗi bất bình
sẵn lòng nếm trải trở mình vươn lên…” 
(Nếm Trải)
 
“…Nếu không là Én thề không là Quạ
Nếu không là Bồ Câu thề không là Diều Hâu, Bồ Cắt….”
(Hồn Xuân Trong Trái Tim Già)
 
“…Cửa đời rộng mở, nơi ta sống
trải tấm lòng son cống hiến đi…”
(Lời Cha 2)
 
Phê phán hiện thực để cải tạo xã hội là nhiệm vụ của văn thi sĩ, và nhà thơ Phan Văn Hi chính là tiêu biểu trong số đó khi thi phẩm luôn luôn gắn liền cùng nhân sinh. Định hướng và nội dung rõ ràng. Thể tài gần gũi. Ngôn ngữ mộc mạc, trong sáng… Tất cả những điều này khiến thi tập trở nên đáng quý bằng sự cống hiến hết mình từ một cá nhân chưa bao giờ rời xa thực tiễn xã hội…
 
Nhiệt huyết, lửa tình cháy rực trong thi phẩm là những điểm nhấn làm nên sự khác biệt cho dòng thơ mà tác giả tập trung tâm huyết hầu hết đời người để thể hiện. Từ đó cho thấy, trong văn học không phân định tuổi tác nhưng phân khúc lại tùy vào lứa tuổi để thể hiện. Và tác giả Phan Văn Hi chính là người biết phải làm sao…
 
“…Là máu
ta dọn mình thật sạch
làm tươi hồng huyết quản nhân sinh
chảy về tim tưng bừng sức sống
cuộn từng dòng hòa hợp tương sinh
rót vào lòng từng giọt mạnh lành
gột rửa hết sạn sần sỏi đá
Là tim
ta giữ đều nhịp đập
gợi mở tình người mời gọi yêu thương
cảnh tỉnh mê lầm, buông bỏ tham sân
mở lòng cho, bao dung độ lượng
thôi hận thù, xích lại gần nhau…”
(Muốn)
 
Hay:
 
“…Nghèo dốt thua thiệt khôn lường
dìm sâu lớp lớp không phương đổi đời
Trách sao dân trí nửa vời
không thông thế sự truyền đời lấm lem
 
Lòng từ đâu dễ ngồi xem
réo nhau công của cùng đem giúp đời
chia cơm sẻ áo tình người
sức tuy có một, chín mười cũng lo
xin từ khắp nẻo về cho
lên non xuống trũng khỉ ho cũng làm…”
(Cứu)
 
Bác thông Phật pháp và kinh trải sự đời, giúp thể tài trong thi tập phong phú về nội dung, đa dạng về góc nhìn, để rồi đứa con tinh thần của nhà thơ hướng về nhân sinh một cách toàn diện…
 
Tính đến nay thi nhân Phan Văn Hi đã có thơ in chung trong 24 tuyển tập nhiều tác giả từ 10 văn thi đàn :
Văn Học Unescom, Tủ sách Thi Văn Việt, Thi Nhân Trẻ, CLB Thơ Ca Sen Hồng Thủ Đức, Dọc Miền Đất Nước, Tác Phẩm Mới, Hội Thơ Nhạc Việt Nam, CLB Thơ Việt Nam Hà Nội, Sunflower Books, CLB Thơ Việt Nam Trên Facebook. 
 
Cho Nhau Cho Người là hoài bảo, là tâm huyết, là khát vọng trong suốt hành trình Thơ mà tác giả Phan Văn Hi đã tận lòng cống hiến. Và với thi tập chứa đựng nhiều hoài bảo chắc chắn rằng độc giả khắp nơi lại có dịp chứng thực tài năng một tác giả sống hết mình vì văn học.
 
Tinh thần cống hiến vẫn còn đó! Tác giả chưa bao giờ chối bỏ…
 
“…Ta đứng lên như chưa hề ngã xuống
chân cứng hơn và đầu ngẩng cao hơn
Cho đến khi hết kiếp làm người
ta vẫn muốn như mấy mươi năm rồi ta vẫn muốn…”
(Muốn)
 
Hy vọng rằng những gì đã và đang thể hiện, nhà thơ vẫn là tấm gương sáng soi thế hệ sau. Một con người sống hết mình cho Nhân Sinh bằng dòng thơ đặc thù chưa bao giờ lẫn lộn với bất cứ tác giả nào… Rồi từ đó tuyển tập Cho Nhau Cho Người tỏa hương thông qua tư tưởng quán triệt pháp môn, tương thân tương ái và lòng ái quốc…
 
 
 
                                                                          Saigon – 2.11.2018
 
                                                                                 MacDung
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Attached Image(s)
#1
    Ct.Ly 21.11.2022 00:50:34 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9