LỜI TỰA TẬP THƠ TÌNH QUÊ 2 “MIỀN NHỚ”

Tác giả Bài
THƠ NGÃ DU TỬ
  • Số bài : 1041
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.01.2009
LỜI TỰA TẬP THƠ TÌNH QUÊ 2 “MIỀN NHỚ” - 04.11.2022 08:45:27
LỜI TỰA
TẬP THƠ TÌNH QUÊ 2 “MIỀN NHỚ”
 
Thời nay, công nghệ số tiến bộ rất nhanh, sự gắn kết là một nhu cầu rất thật của con người, nhất là bạn bè, các dòng tộc.
Qua cuộc dịch biến của thế cuộc, cũng như tìm kiếm cuộc sống của thế sự, người Việt đi khắp nơi để mưu sinh, đến khi phương tiện vật chất tương đối đủ đầy thường nghĩ về quê hương và dòng họ. Đó cũng là giềng mối tìm lại sự gắn kết của tộc họ.
Tộc Phạm nói chung, họ Phạm tại Quảng Ngãi nói riêng đã hiểu tính kết đoàn là sức mạnh, nhất là tầng lớp văn nghệ nên tìm kiếm giải pháp vừa nhẹ nhàng nhưng tao nhã. Vì vậy được Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích, Câu Lạc Bộ Thơ Họ Phạm Quảng Ngãi vận động, kêu gọi các anh em văn nghệ mọi miền đất nước là con cháu họ Phạm tại Quảng Ngãi quây quần lại tổ chức ra thi phẩm. Mọi người con cháu tộc Phạm hưởng ứng nồng nhiệt, số thứ nhất Tình Quê 1 chủ đề Xuân Quê Hương đã ra đời có tiếng vang cả tỉnh nhà.
Lần này Tình Quê Hương 2, chủ đề Miền Nhớ được khai sinh lần thứ 2. Tôi cho đây là sự nỗ lực của các anh em trong Ban Biên Tập rất đáng trân trọng và xiển dương.
Dòng họ Phạm của cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng cũng là tộc họ lớn, được sắc phong của triều đình. Danh tướng Phạm Tu ( 范脩, 476-545) là võ tướng, khai quốc công thần nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, thành lập nước Vạn Xuân độc lập, cả nước chọn ngài làm vị Tổ họ Phạm vì vậy nhà thơ Ngọc Cư – Song Toàn rất tự hào, ông viết:
Phạm gia thọ chiếu sắc triều đình
Ấn kiếm vương phong chức lãnh binh
Xứng bậc anh hùng trai đất Việt
Nêu trang dũng sĩ nước non mình
(Hoài Niệm)
Rất nhiều tình tự diễn giải cảm xúc của các thi hữu góp mặt, mỗi người một hoàn cảnh, một cách nhìn qua lăng kính tâm hồn mình, chẳng ai giống ai tựu trung góp mặt cùng anh em tộc họ dù hay hoặc chưa hay chúng ta vẫn quý mến tấm lòng vui chung với dòng họ Phạm.
Thương lắm là những người xa quê quá lâu, vì lý do gì hay thế nào chưa trọn duyên tương phùng, người con ấy luôn nhớ về nơi quê cha đất tổ nuôi mình lớn khôn một thời. Nỗi tha thiết dằng dặt ấy nếu rơi hoàn cảnh như thế ta cũng rưng mắt lệ, mượn lời thơ giãi bày cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà, dù âm tiếng khó nghe nơi xứ lạ, nhưng với anh là cả một ‘đặc duyên’ trời quê nhà, anh viết:
‘Ngoảnh mặt nhìn thao thiết gọi quê hương
Ôi cuộc đời, xa cách nỗi tơ vương
Sao thương quá giọng đặc duyên xứ Quảng’
(Nơi miền xứ lạ - Phạm Thanh Lương)
Người nơi xa mong có ngày về thăm lại quê hương, tìm về ký ức một thời hoa mộng, thiết tha ấy rất thật, chúng ta khi xa quê nhà càng lâu càng thấm thía nỗi nhớ ấy, anh Phạm Dương đã viết:
‘Tìm về ngâm khúc hồi hương
Giọng quê khúc hát quê hương cội nguồn’.
(Hồi Hương)
Người xa xứ luôn ngóng về quê hương, mong quê hương càng ngày càng tốt đẹp hơn, no ấm hơn, mùa lúa tốt chín vàng đầy đồng, tiếng cười vui vang vọng ngoài đồng ruộng: ‘Người ra đồng vai gánh nặng lúa vàng/ Cười khúc khích rộn cánh đồng bát ngát” (Nhớ quê hương-Phạm Quang Thơ) với người dân còn gì vui hơn, phải không các bạn? Lỡ như một mùa nghịch thời tiết đã làm cho quê nhà khốn đốn vườn nhà ai đầy tang thương, chăm bón cả mùa, thất bát có mấy giờ mưa gió, người phương xa vẫn dõi theo quê hương nhiều nỗi nhọc nhằn, bèn chia sẻ nỗi khó cùng người nông dân quê mình nghe sao xót xa, Phạm Duy Dũng đã viết:
‘Một đêm trắng cả vườn rau nằm rạp
Quay quắt buồn như nhấm nháp nỗi mong’
(Đêm mưa đầu chớm hạ)
Xét cho cùng người nông dân là người cống hiến nhiều cho nhân quần xã hội, nhưng cuộc sống bao giờ cũng khổ cực, ngay cả những người ở quê nhà chứng kiến cảnh ấy lòng chẳng yên rồi chua xót, ngậm ngùi bật dậy thành thơ, chúng ta đọc nghe tê tái một nỗi buồn.
Dịch giã Covid mới vừa qua, vẫn còn ẩn hiện đâu đây khủng hoảng tâm lý còn hằn trên khuôn mặt những dân quê nghèo, lại tiếp nhận tai ương, sao không khỏi xót đau, Trần Hữu Sơn đã viết :
‘Quê nhà chồng chất khó khăn
Một bên covid, một phen lũ về
Giọt buồn đọng mắt mẹ quê
Đèn khuya mờ tỏ lòng tê tái lòng’
(Lũ trái Mùa)
Lại có những người đi xa làng mạc đã mấy mươi năm, lòng cứ thôi thúc trở về chốn cũ, chưa có cơ hội tìm lại những ngày thơ ấu xưa bèn viết thành thơ để giải tỏa nỗi lòng cùng con chữ trên trang giấy:
“Mấy mươi năm xa biệt quê hương
Lòng chẳng thể nguôi ngoai nỗi nhớ
Có lẽ tôi suốt đời mắc nợ”…
(Tìm Về - Hương Đài)
Khi được trở về có lẽ niềm vui dấy lên hớn hở, ôi chao ! những ngày thơ ấu xưa trong như mảnh bi ve, hồn nhiên như thuở nhỏ đã dần hiển bày, sung sướng chợt lên ngôi, nào là con đường này đã đi qua, nào là dòng sông này tôi đã tắm mát cùng bè bạn trang lứa ngày xưa. Sao mà yêu đến thế, xin một lần ủ lại hương yêu thương dường như còn thoang thoảng đâu đây như Thanh Hải đã cảm xúc:
‘Em đã về xin ủ lại tình thương
Nơi cắt rốn chôn nhau ngày thơ bé
Vùng tuổi ngọc một thời nơi quê mẹ 
Thả hồn ru... nghe nhịp đập của quê mình’.
 (Thanh Hải - Về lại quê hương)
Trần gian là cõi tạm, là vô thường nay có, mai không mãi tuần hoàn theo dòng dịch hóa nếu như ngày về không còn mẹ ra trước nhà chờ đón người về - người đã đi xa, đành làm phận mồ côi để nhớ thương ngậm ngùi. Nỗi buồn ấy đã được Phạm Dương thể hiện, ai đọc cũng nặng lòng xúc động:
‘Vườn xưa vắng bóng mẹ rồi
Về làm ngọn gió mồ côi góc vườn’
(Góc vườn Xưa – Phạm Dương)
Và khi thực chứng mới hiểu, chả lẽ mãi u buồn, cuộc sống luôn đợi chờ ở phía trước, nếu vấp ngã hãy đứng dậy nhìn lẽ thật mà tiếp bước bởi mỗi đời người chỉ một lần sống trên cõi tạm nầy, hà cớ gì mãi đau buồn bèn đứng lên tiếp bước với hành trình trần gian :
“Có ngã rồi mới hiểu
Đời đau như thế nào
Trái tim ơi... luôn ấm
Mang chân nóng đi cùng”.
(Đôi bàn chân - Phạm thị Thúy Kiều).
Cõi sống có vô cùng lý lẽ, tình yêu cũng muôn vàn cửa ngõ đi vào, gõ cửa để mở ra cánh tình nào đâu dễ, dù rằng “đem nỗi nhớ ra mài, mang lưu luyến ra dệt hương”, bởi mỗi trái tim có một cách giãi mã, người mở được là biết chọn chiếc chìa khóa phù hợp nhất, phải không nào?:
“Em đi đông mấy mùa dài
Anh đem nỗi nhớ ra mài vấn vương
Em đi cách mấy dặm trường
Anh mang lưu luyến dệt hương gửi trời”…(Giá như Thu Hà thận trọng ngôn ngữ hơn “anh mang thương nhớ dệt hương gửi người” thì tuyệt biết bao)
(Lục bát cho người – Trần Thu Hà)
Lại có người xác quyết rằng “ngã nào cũng mãi đợi chờ nhau”:
Tình như con nước về hai ngả/ Ngả nào cũng mãi đợi chờ nhau. (Tình về bến cũ- Nguyễn Mậu Công), anh may mắn có “Trái tim biết đợi chờ” và ai đó như thế quả là hạnh phúc.
Khi chúng ta càng trưởng thành, càng thực chứng cuộc sống ta càng yêu thương bậc cha mẹ nuôi dưỡng nhiều hơn, “nuôi con mới biết công lao mẹ già” đôi lúc chợt nhớ cái bồng ẵm của cha nâng niu, tao nôi với lời ru ngọt ngào của mẹ. Ai trong trần gian không lớn lên bằng ngọt mềm tình yêu ấy thuở đầu đời, Phạm Thảo viết:
‘Lời ru còn ngọt quay nôi
Gió mây nào rẽ đường ngôi... đi về’ (Niệm khúc tháng mười)
Đọc mấy câu thơ này lòng ai cũng thương yêu cha mẹ hơn, một đời chỉ vì con.  
Phạm Bá Nam viết về mẹ làm cho người đọc liên tưởng đến người mẹ Việt Nam nào cũng như thế cả. Từ lúc sinh con “Ngày sinh con còn đỏ hỏn làn da/ Bầu vú căng dòng sữa ngọt mặn mà”…(Huỳnh Thu Trang) người luôn dồn tâm sức nuôi con. Dù thân mẹ ốm o, gầy guộc, dãi dầu mưa nắng chẳng quản, khó nhọc chẳng ngại, gian lao chẳng sờn chỉ mong con khôn lớn thành người. Cho nên cổ nhân đã viết: “Trong thế giới này, kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”. Thậm chí còn vươn ra che mát tình thương cho đời:
“Vai gầy mẹ gánh nỗi đau
Bốn mùa mưa nắng dãi dầu tuyết sương
Làm cây mẹ đứng bên đường
Làm thân che mát tình thương cho đời”
(Mẹ Tôi-Phạm Bá Nam)
Hoặc như Phạm Quang Lưu tri ân bà, mẹ anh viết mộc mạc giản dị nhưng đầy tình thương:
“Tảo tần một nắng hai sương
Lần hồi trưa sớm nẻo thương vợi vời”
Hay là: “Bây giờ sớm lại chiều qua
Nhớ công ơn mẹ lệ nhòa trong mưa” (Kính mẹ - Phạm Cao Minh)
Cõi sống còn nhiều liên hệ đối đãi nào bè bạn đồng môn, đồng liêu, đồng sàn, đồng đội… duyên phận đến đâu, đối đãi đến đó mà triết lý Việt tính đã nói quá nhiều trong tục ngữ, ca dao.
Có lẽ Phạm Hoàng Nhân một thời cũng là lính canh giữ biên cương, hải đảo chăng? Anh viết gửi lính biển thật thà chơn chất nhưng đầy đặn chữ tình với mong mỏi tấc đất biên cương hay hải đảo xa xôi cách trở của tổ tiên khó nhọc khai phá, gìn giữ dù một tấc cũng không để cho ngoại bang xâm lược, anh viết:
“Thương nhớ Trường Sa lắm anh ơi!
Tôi viết thơ xuân tỏ mấy lời
Gởi người lính biển đang canh giữ
Một chút tâm tình với biển khơi”.
Phạm Hoàng Nhân (Gửi người lính biển)
Biết bao con dân Việt Nam đồng cảm với anh.
Dân tộc ta luôn tri ân với người đã ngã xuống để mảnh đất quê hương đứng lên rằng mai sau niềm vui còn với non sông “Người ơi, đừng giấu nụ cười/ Cùng nhau gieo mầm nhân ái/ Vững tin gặt hái mùa vui” (Gặt hái mùa vui-Phạm Thiện)
Vững tin ngày ấy các bạn nhé.
Thưa các thi hữu và độc giả,
Tập thơ nhiều tác giả với trang viết có hạn chúng tôi không thể khai triển hết những ý thơ của các tác giả còn lại. Còn nhiều tứ thơ hay, các bạn đọc cảm nhận sẽ thú vị hơn. Rất mong sự lượng thứ và hoan hỷ của các tác giả góp mặt và hân hoan giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Lập hạ/ Nhâm Dần (2022)
Phạm Ngọc Dũ
Chủ biên Diễn đàn Văn học, Nghệ thuật Sông Quê TPHCM
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.06.2023 15:40:07 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >