Ông già Noel mắt một mí
Trủy Thủ 12.12.2022 21:48:19 (permalink)
Chào CtLy 
Xin CtLy đăng bài mới dùm. Cám ơn và chúc CtLy một mùa Giáng Sinh vui vẻ 
Ông già Noël mắt một mí
Trủy Thủ
 
  Hôm nay là ngày cuối cùng phải đến hãng làm việc trong cuộc đời kế toán viên của bà Ngọc. Đã  36 năm qua, trừ những ngày nghỉ lễ và đau ốm, hàng ngày bà cần cù sáng xách ô đi tối xách về. Bà tới sở bằng chuyến métro số 6 của thành phố  Bruxelles lúc 7g20 và cũng chuyến xe này đưa bà về nhà vào lúc 17g40.
   Sở làm của bà Ngọc là 1 công ty khá lớn, chuyên buôn bán những dụng cụ điện tử cho văn phòng như máy photocopy, máy điện toán, laptop và luôn cả những máy móc cho tư gia như TV, máy giặt, máy rửa chén, lò vi ba v.v…
   Bà Ngọc thích dùng phương tiện di chuyển công cộng vì các trạm dừng của xe điện ngầm để đi đến sở và để trở về nhà rất thuận tiện cho bà : các vụ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm bà không cần bận  tâm, lại có chút thời giờ đọc sách trên xe và chẳng phải lo lắng đến cái vụ tìm chỗ đậu xe lỉnh kỉnh.
   Sau bữa ăn trưa, bà Ngọc được lệnh bàn giao lại tất cả các hồ sơ lương bổng, thuế má cho 1 ông đồng nghiệp sẽ vào thay thế chỗ. Ông này trong mấy tháng vừa qua hay làm việc chung với bà Ngọc, ông ta thuộc vào lứa tuổi trung niên nhưng cũng có sơ sơ 11 năm thâm niên công vụ và được mọi người quý mến.
   Công việc sắp sửa hoàn tất thì cô thư ký riêng của ông giám đốc ghé vào :
    - Khi nào xong xuôi, xin mời 2 vị đến văn phòng của sếp. Ông ta và các nhân viên khác đang chờ.
   Bà Ngọc bước vào buya rô trong tiếng vỗ tay rôm rả của những người có mặt tại đây. Ông giám đốc tươi cười gật đầu chào bà và sau khi im lặng được vẫn hồi, ông đằng hắng lấy giọng rồi bắt đầu bài đít cua :
   - “ Bà Ngọc thân mến, trong suốt 36 năm tận tụy làm việc cho công ty, bà đã luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ 1 cách tốt đẹp. Nhiều khi công việc tới ồ ạt, nhưng lúc nào bà cũng giải quyết ổn thỏa đúng theo thời hạn … và mặc dù lắm khi phải ở lại làm giờ phụ trội. “
   Ông giám đốc bỗng dừng ngang xương bài diễn văn, đảo mắt qua tất cả mọi người như muốn nhắn với họ rằng hãy cố gắng làm như bà Ngọc, rồi ông tiếp tục : 
   - “ Bà cũng như tất cả mọi người ở đây, không ai là không bị stress đôi ba lần ( một loại khủng hoảng tinh thần ) vì áp lực công việc nhưng bà đã luôn luôn giải tỏa được khó khăn và đem lại kết quả mỹ mãn cho công ty. Chúng tôi xin ghi nhận công lao quý báu ấy và trân trọng gởi đến bà lòng biết ơn của chúng tôi. Xin mến chúc bà 1 cuộc đời mới nhiều thoải mái khi về hưu trí và thực hiện được những chuyến du lịch thú vị như đã hằng mong ước. “
   Một tràng pháo tay nổi lên sau khi ông ta ngưng  tiếng. Bà Ngọc mỉm cười - 1 nụ cười tự mãn - gật đầu lí nhí nói cám ơn. Cô thư ký lúc này không biết lấy ở xó nào ra 1 bó hoa tươi tắn, màu sắc rực rỡ bước tới trao cho bà Ngọc. Khi cô trở về chỗ đứng, thì tới lượt ông quản lý tiến lên hai tay trịnh trọng đưa cho bà Ngọc 1 bao thơ : 
   - “ Với tất cả lòng quý mến, chúng tôi xin gởi tặng bà 1 món quà và mong rằng sẽ đem lại cho bà nhiều niềm vui. “
   Trên chuyến métro trở về nhà, bà Ngọc mở bao thơ ra xem : trong đó có 1 tấm thiệp cám ơn của công ty với tất cả các chữ ký nhân viên và cái phiếu mua hàng tại đây trị giá 1 ngàn Euro hiệu lực 2 năm.
    Bà bỏ bao thơ vào lại xắc tay, trong lòng  bỗng dâng lên niềm cảm xúc lạ lùng … hai cô con gái lớn đã có gia đình ra ở riêng từ lâu, ngày mai bà sẽ bắt đầu 1 cuộc đời mới đầy nhàn rỗi bên ông chồng già ít nói, không biết rồi có nhàm  chán lắm không ? 
   Chuyến xe điện vẫn lao nhanh trong con đường hầm hun hút và cuộc đời bà Ngọc vẫn phải tiếp tục đi tới mãi.
 
                                   @@@@@@@@@@
 
   Thằng Lý năm nay 17 tuổi, nó sống với mẹ là bà Phượng trong 1 căn appartement, gồm 2 phòng ngủ ở lầu 2 của 1 building trong khu Cité Modèle ( cư xá kiểu mẫu dành cho dân nghèo lao động ) nơi quận Laeken thành phố Bruxelles.
   Hai mẹ con nó dọn tới đây ở đã được 10 năm. Lý còn mang máng nhớ trong đầu về những cuộc tranh luận to tiếng của cha mẹ khi nó còn nhỏ xíu. Sau đó là 1 vụ chia tay - anh đi đường anh tôi đường tôi - và Lý được về ở với mẹ. 
   Hàng tháng cha Lý có chuyển vào compte trong nhà băng của bà Phượng 1 khoản tiền khiêm tốn gọi là tiền trợ cấp nuôi con, khiêm tốn là vì thu nhập của ông ta - lương người thợ sửa xe trong 1 garage nhỏ - cũng không nhiều nhặn là bao. Mẹ của Lý thì chỉ làm việc bán thời gian cho 1 cửa hiệu giày dép trên phố lớn. Do đó cuộc sống của 2 mẹ con nó không dư dả gì. Ăn uống rất đơn giản, các mục giải trí hoàn toàn thiếu vắng ; tới mùa đông chỉ có phòng ngủ, cũng là phòng học của Lý mới được sưởi ấm đôi chút lúc chiều tối mà thôi. Nhiều lúc nhìn mẹ mình loay hoay nấu ăn trong bếp với mấy lớp áo len cũ kỹ, sờn bạc nhiều nơi mà lòng Lý buồn xo.
   Được cái là thằng Lý biết nghe lời và rất thương mẹ. Bà hay nhắn nhủ, khích lệ con trong việc học hành. Lời dặn dò  “ con cố học thành tài, cho có 1 cái nghề vững chắc để sau này không phải vất vả tấm thân “  ăn sâu vào đầu óc Lý. Lớn lên trong xã hội Tây phương, nó không hoàn toàn hiểu hết được những câu nói bằng tiếng Việt của mẹ nhưng nó biết chắc chắn là bà Phượng sẽ rất vui lòng khi thấy nó học hành chuyên cần và với học bạ luôn luôn có điểm cao. Vì thế Lý rất chăm chỉ trong chuyện bài vở trường lớp, lắm lúc bà Phượng phải nhắc con đi ngủ vì đã quá khuya mà thấy đèn nơi bàn học nó vẫn còn sáng.
   Nhà không có máy vi tính nên thằng Lý hay ôm tập vở vào thư viện để tra cứu thêm với các dàn máy trang bị nơi đây. Mấy lần mẹ nó ngỏ ý muốn mua cho Lý 1 cái laptop để tạo điều kiện học hành thuận lợi hơn cho con nhưng nó cứ khước từ, viện lẽ rằng nó còn xoay sở được với các máy móc nơi thư viện và nhứt là bà ngoại nó ở Việt Nam lâu nay cứ đau yếu rề rề … cần tiền tiếp tế đều đặn của mẹ để mà chạy thầy chạy thuốc. 
   Bà Phượng nghe con mình nói vậy thì nước mắt chỉ chực muốn rơi, nhưng thiệt  sự thì điều con nói cũng hợp tình hợp lý, vì lẽ đó mà cái giấc mơ nhỏ nhoi mua máy cho con trai của bà vẫn ở trong vòng thai nghén … chưa thực hiện được !
   Bà tằn tiện, dè xẻn từng đồng với hy vọng ngày nào đó sẽ có được ít tiền để dành kha khá, mua tặng món quà cho Lý niềm vui. Bà kỹ lưỡng với từng món tiêu pha, điện nước ga dùng rất chừng mực, đi chợ thì chỉ vào Aldi, Lidl ( các siêu thị với hàng hoá không thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, dành cho người có thu nhập kém ) và thường hay cẩn thận cất giữ những tấm phiếu giảm giá mua hàng, được cắt ra từ các tờ quảng cáo mà người ta bỏ nơi hộp thơ. Tội nghiệp hơn nữa là đã lâu lắm rồi, bà Phượng chưa cho phép mình mua sắm 1 chiếc áo ấm hay hộp thuốc  bổ nào cả ! Đơn giản là vì sau khi trừ đi tiền thuê nhà - đã được quỹ xã hội đài thọ phân nửa - tiền điện nước ga, học phí của con, các khoản chi tiêu ăn uống và tiền để  riêng ra gởi về cho bà ngoại thằng Lý thì số tiền đọng sót lại,  gọi là tiền để dành chẳng còn là bao nhiêu  … chưa kể đôi ba bận bị thâm hụt bởi những lần đau yếu của 2 mẹ con bà Phượng .
 
                                @@@@@@@@@@@@@
 
   Chiều hôm ấy sau khi đi học về lúc bước vào nhà bếp,  thằng Lý thấy mẹ đang lui cui nấu ăn, 2 mắt thì sưng húp đỏ hoe. Nó vội tới gần cầm lấy tay bà : 
   - Có chuyện gì vậy mẹ ?
   Tắt lửa trên bếp, bà Phượng kéo Lý ra ngồi nơi bàn ăn … bà sụt sùi :
   - Ngoại mất rồi Lý ơi !
   - C’est pas vrai ! ( Thiệt vậy sao ) Bà ngoại chết rồi hả mẹ ?
Cái gật đầu của mẹ nó xác nhận điều đó.
   - Sáng nay chú Thịnh ghé đây, đưa cho mẹ xem bản chụp lại điện thư của cậu ba bên Việt Nam báo tin buồn. Cậu ba biết nhà mình không có máy điện toán nên nhờ chú Thịnh chuyển dùm cho lẹ.
   Chú Thịnh thiệt ra không có mối liên hệ bà con ruột rà gì với bà Phượng hết, tuy nhiên đôi bên cũng hơi  dính dáng chút xíu với nhau : mẹ của chú Thịnh là chị em họ với 1 nàng dâu của cậu ba, em bà Phượng. Gặp nhau nơi xứ người lạnh lẽo, lại ít người Việt sinh sống nên họ trở thành thân thiết với nhau qua nhiều năm giao hảo.
   - Mẹ ơi, năm nay ngoại bao nhiêu tuổi ?
   - 84 tuổi con à.
   Lý im lặng một lúc như để tìm câu an ủi mẹ nó bằng  tiếng Việt, nó từ từ nói : 
   - Bà ngoại nhiều tuổi và bịnh lâu rồi … bây giờ ngoại chết thì thôi hết còn đau đớn nữa, mẹ hả ?
   Mẹ nó thở dài gật đầu :
   - Ừ, như thế cũng xong 1 đời người 
   Bà chép miệng nói tiếp với vẻ thở than :
   - Trong thơ, cậu ba có xin mẹ 1 ngàn Euro để lo vụ chôn cất cho ngoại …
   Bà còn đang ngập ngừng thì thằng Lý hiểu ngay ý mẹ, nó bàn vô : 
   - Gởi tiền về cho cậu ba đi mẹ … sau này mình hổng có … regret .
   - Hối hận … đúng đó con, mẹ cũng muốn vậy để ngày sau khỏi phải hối hận. Mẹ còn thiếu ít trăm, nay mai mẹ qua mượn đỡ chú Thịnh rồi gởi về cho đủ số.
   Lý chăm chú nhìn mẹ :
   - Mẹ biết hông, thằng Marc bạn học con … ba nó có 1 cái  club tennis ở Uccle ( 1 quận của Bruxelles ). Hồi lâu rồi, nó có hỏi con nếu muốn kiếm chút tiền túi thì nó xin ba nó cho con vô quét dọn lau chùi trong club sáng thứ bảy, mỗi tháng 2 lần. Lúc đó con còn mắc cở nên chưa trả lời nhưng mai này gặp nó, con sẽ xin tháng sau đi làm … để đem tiền về cho mẹ .
   Bà Phượng ngập ngừng, có vẻ ái ngại :
   - Mẹ sợ rồi cản trở việc học của con …
   - Không đâu mẹ ơi, con chỉ làm có 4 tiếng mỗi lần thôi à … mẹ đừng lo. Coi như con đi làm thể thao đó mẹ. 
   Bà Phượng xúc động lắm, bà nắm lấy tay con … mấy giọt lệ lại long lanh trong mắt.
 
                              @@@@@@@@@@
 
   Thấm thoát lại hết năm, bây giờ là đầu tháng chạp. Những sợi giây đèn đủ màu sắc … chớp tắt đã được trưng bày trong các thương xá và luôn cả trong các cửa tiệm trên đường phố. Những tấm biển chào mừng Giáng Sinh cùng năm mới được giăng mắc đó đây, thêm vào tiếng nhạc quen thuộc của mùa Noël nhè nhẹ phát ra từ những ống loa treo cao trên các ngã tư làm cho không khí vui tươi, sinh động hẳn lên. Mùa này trời đã trở lạnh nhiều tuy nhiên năm nay chưa thấy tuyết rơi. Nhiều khi mây xám u ám bao phủ cả ngày, và mặc dù thời tiết không được tốt cho lắm nhưng người ta vẫn nhộn nhịp đi mua sắm đông đảo nơi trung tâm thành phố. Ai nấy đều mặc áo khoác dày cui, quấn khăn quàng cổ và có nhiều người đội mũ len trùm đầu.
   Thứ 7 hôm đó - sau bữa cơm trưa - bà Ngọc lấy métro xuống phố City 2 ( khu trung tâm thương mại thủ đô ) định bụng sẽ mua 1 cái áo đầm cho Loan, cháu gái bà sẽ được 6 tuổi vào chủ nhựt sau. 
   Lúc sắp sửa bước vào cửa tiệm Zara thi bà Ngọc trông thấy thằng nhỏ đó. Nó cũng đứng tại nơi đây và đang líu lo chỉ đường bằng tiếng Pháp cho 1 cặp vợ chồng già người Âu, chắc là khách du lịch vì thấy trên vai họ có đeo ba lô.
   Đây không phải là lần thứ nhứt bà Ngọc gặp thằng nhỏ này. Bà đã thấy nó nhiều lần lúc chưa về hưu còn đi làm việc.
   Lần đầu tiên là thấy nó đứng đợi xe điện dưới  trạm đường hầm Stuyvenberg cùng với mấy đứa bạn học. Bà nghe chúng nó cười giỡn với nhau và gọi thằng nhỏ này là Li, thành thử bà cứ đinh ninh nó là người Tàu mang họ Lee. Lối ăn nói đàng hoàng nhỏ nhẹ, không xài tiếng lóng cũng không ồn ào thiếu lịch sự như những đứa bạn nó làm bà lưu tâm.
   Lần thứ hai - trong xe métro - nó gây chú ý cho bà Ngọc bằng cách cư xử thiệt có giáo dục với 1 bà già người Bỉ. Bà này bước lên xe vào giờ cao điểm buổi sáng lúc người ta đi làm và học trò đến trường đông đảo nên tất cả các chỗ ngồi trong toa đều có người. Nó đang ngồi đọc sách gần đó, ngước thấy bà lão ngơ ngác tìm chỗ trống, nó gấp sách lại bỏ vào túi đeo vai rồi đứng dậy tiến tới cầm tay bà này dẫn đến chỗ ngồi, miệng thì nói : 
   - Venez vous asseoir ( Mời bà tới đây ngồi ) 
   Bà cụ có vẻ rất cảm kích hành động tử tế này, nhìn nó với đầy thiện cảm và cám ơn mấy lần. Nó đỏ mặt khi nhiều ánh mắt khác dồn về phía mình và làm bộ thản nhiên bằng cách nhìn ra cửa sổ.
   Một lần khác cũng trong métro nhưng vào giờ tan sở. Chuyến xe điện tới 1 trạm ngừng, cửa xe tự động mở rộng. Bà Ngọc ngạc nhiên khi thấy nó đẩy 1 chiếc xe lăn - loại xe dành cho người khuyết tật - vào toa xe nơi có bà đang ngồi lơ đãng quan sát người ra vô. Sự ngạc nhiên được giải tỏa ngay sau đó khi 1 cô gái nhỏ độ 11, 12 tuổi đôi chân bước xiêu vẹo … chống cặp nạng gỗ đi theo sau. Giúp cô bé ngồi an vị trước băng ghế của bà Ngọc xong xuôi đâu đó, rồi nó dịu dàng nói  : 
   - Bạn đừng lo gì cả, khi nào bạn phải xuống thi tôi sẽ lại giúp cho
   - Ồ không … không, cô nhỏ có vẻ ngại ngùng, khi nào anh phải xuống thì cứ tự nhiên. Có nhiều người khác ở đây sẽ giúp tôi mà.
   Bà còn gặp chàng trai tốt bụng này nhiều lần nữa trong métro. Khi ấy bà còn đi làm việc, 2 người cùng chung 1 tuyến đường nhưng chẳng bao giờ họ có dịp nói chuyện. Phải biết rằng vào giờ cao điểm của mỗi  sáng và chiều, cứ 7 phút lại có 1 chuyến métro với cả chục toa xe dài hơn 50 thước nên tuy trông thấy nhau nhưng họ cũng hiếm khi tiếp cận vả lại Lý hơi rụt rè, có thể nó cũng quen mặt bà  nhưng không dám tiến gần.
    Bây giờ chúng ta trở lại lúc bà Ngọc gặp nó trên phố đông người. Đúng là cậu ta đang chỉ đường cho cặp vợ chồng lớn tuổi nọ : những tiếng tourner à gauche, à droite  ( quẹo trái, phải ) … aller tout droit (đi thẳng ) cho phép bà hiểu họ đang nói chuyện gì.
    Người đàn ông đặt cái túi ny lông, nãy giờ cầm trong tay, xuống dưới đất … hai tay cũng chỉ trỏ theo các phương hướng mà cậu nhỏ vừa chỉ dẫn. 
   Thình lình 1 thằng nhỏ khác - tuổi độ 15, đầu cạo trọc - ở đâu trờ tới nhấc lấy cái túi rồi cắm đầu chạy thục mạng. Ông khách du lịch sau khi hoàn hồn, la to : 
   - Au voleur, au voleur (  Bắt ăn trộm ) 
   Nghe tiếng hét, đám đông chung quanh quay lại nhìn.  Phản ứng với mấy tiếng la của ông già, nó vụt chạy đuổi theo. Chạy đâu mươi bước, không may … nó bị chặn lại bởi mấy người thanh niên đi ngược chiều. Thằng quỷ giựt đồ lúc này đã chạy mất dạng phía trước trong đám người đi mua sắm chiều thứ 7, còn nó thì bị mấy anh thanh niên … người túm  cổ áo, người giữ tay … dẫn tới chỗ cặp vợ chồng du lịch nọ.
   - Oh non, c’est pas lui (  Ồ không, không phải hắn ) Ông chồng lắc đầu quầy quậy !
   - Êtes vous certain  ? ( Ông có chắc không )
   - Mais oui. ( Chắc chớ ) Ông ta trả lời. 
   Đến lúc này bà Ngọc mới can thiệp vào câu chuyện. Bà xử dụng Pháp ngữ rành mạch cắt nghĩa sự việc vừa xảy ra với tư cách của 1 nhân chứng, bà còn nhấn mạnh thêm nó là 1 học sinh mà bà thường gặp trong métro. 
   Hai vợ chồng khách du lịch cũng cho biết thằng nhỏ này chỉ là người mà họ đã nhờ chỉ đường mà thôi. Đồ vật trong cái túi bị mất không có giá trị bao nhiêu : 2 chai nước trắng uống dở dang, mấy gói bánh biscuit, 1 cái dù xếp gọn, 1 tấm bản đồ métro và mấy bịch khăn giấy lau mặt … do vậy mà ông bà này  không muốn cò bót lôi thôi. Họ dắt nhau đi sau khi nói cám ơn mọi người. Mấy người thanh niên gãi đầu gãi tai xin lỗi nó rồi cũng quay bước chỗ khác.
   Bà Ngọc lúc này nhìn nó cười thân thiện : 
   - Es tu Chinois ? ( Phải em là người Tàu ? )
   - Non Madame, je suis Vietnamien . ( Không, thưa bà. Tôi là người Việt ).
     Một sự ngạc nhiên thích thú hiện rõ lên  trên mặt bà Ngọc, bà không nói chuyện với nó bằng tiếng Pháp nữa : 
   - Vậy chứ em tên chi ?
   - Dạ, con tên Lý … Trần Minh Lý.
   - À thì ra vậy, hồi nọ trong hầm métro tôi có nghe các bạn gọi em là Li nên cứ ngỡ em là người Tàu.
   - Dạ, nhiều người cũng nghĩ như bác.
   Bà Ngọc thiệt ưng bụng khi nghe Lý ăn nói hết sức lễ độ. Thấy mặt mày thằng Lý tím lại vì gió lạnh, bà đâm lòng thương hại :
   - Mặt em tái xanh rồi, có sao không Lý ?
   Thằng Lý thiệt thà : 
   - Thưa bác, sớm  mai con đi làm … tới giờ cũng chưa ăn uống gì nên chắc tại vậy đó bác ơi !
    - Tội nghiệp chưa, thôi để bác mời  Lý vô tiệm Mc Donald  nghe.
   Mắt Lý sáng rỡ, môi nó nở 1 nụ cười  biểu tỏ sự đồng ý với lời mời tràn đầy quyến rũ đó, đã lâu lắm rồi nó không được bước chân vào tiệm ăn nào dù chỉ là 1 tiệm ăn nhanh xoàng xĩnh. 
    Kiên nhẫn đợi nó ăn xong cái bánh hamburger và phần khoai tây chiên, bà Ngọc mới bắt chuyện. Thằng Lý đôi khi phải nói chen  tiếng Pháp nhưng bà hiểu hết.
    -  Bác đã gặp con nhiều lần trong métro số 6, bác rất thích thú khi thấy con giúp đỡ người ta … bác có lời khen con đó nghen.
    Lý có vẻ ngượng ngùng, nó không biết đối đáp ra sao nên cầm ly coca lên uống.
    - Việc học hành của con thế nào ?
    - Con đang theo học nghề thợ điện còn 2 năm nữa thì ra trường, hy vọng sẽ kiếm được việc làm sau đó.
    - Chớ con không muốn học lên cao hay sao ?
    - Dạ không, mẹ con cực nhiều rồi. Con muốn đi làm có tiền để mẹ khỏi phải lo nữa.
     Trong đầu, bà Ngọc  nghĩ thầm thằng này có hiếu thật.
    -  Thế  hôm nay Lý đi chơi  hả con ?
    - Dạ không, sáng nay con đi làm cho người ta trong club tennis. Tới trưa ra về, con ghé City 2 xem trước coi có cái áo len nào dày và đẹp thì chờ tới mùa solde sẽ mua tặng mẹ ( ở xứ Bỉ, mùa solde tức là mùa đại hạ giá, được ấn định thường niên vào tháng giêng và tháng 7 )
    - Chà, bác  lại có thêm 1 ấn tượng tốt nữa về con.
    Thằng Lý chẳng hiểu ấn tượng là cái quái gì nhưng không dám hỏi, nó đoán chừng bà đang khen nó mà thôi.
    - Vậy chớ con có tính mua quà tặng cho cha không ?
    Giọng nó buồn buồn :
    - Dạ, con ở với mẹ từ nhỏ tới giờ. Lâu lắm rồi không thấy ba con tới nhà, nghe chú Thịnh nói là ba đã qua Pháp làm việc.
    Thấy đụng chạm tới đời tư của gia đình nó, bà bèn đổi sang chuyện khác : 
   - Nè Lý, ngày mai chủ nhựt bác rảnh rang … bác có thể tới chơi  làm quen với mẹ con được không ?
    - Ý, hổng được bác ơi … ngày mai con hổng có  nhà ! 
    Nghe nó từ chối cái rụp, bà chưa có phản ứng gì thì nó giải thích :
    - Dạ thưa bác, ngày mai con phải đi làm việc cho ông Stephan. Sáng nay ổng tới chơi tennis, thấy con dọn dẹp trong club nên hỏi con có thể giúp  ổng chủ nhựt này không , và con đã nhận lời.
    - Mà ông Stephan muốn con làm chuyện gì ?
    - Ngày mai là sinh nhựt  vợ ổng, có mở tiệc mời nhiều khách tới dự. Ổng muốn con tới từ 10 giờ sáng để sửa soạn mọi thứ … cho đến khi tiệc tan  cũng phải khuya lắm mới xong.
    - Bộ con cần tiền lắm sao mà phải làm nhiều vậy ?
    - Dạ tại ông ta yêu cầu, chớ đây là lần đầu tiên con đi làm ngày chủ nhựt, thông thường con chỉ đi làm có ít tiếng mỗi tháng mà thôi.
   Vui miệng nó tâm sự :
    - Con cũng chỉ mới vừa bắt đầu làm việc 3 tháng nay, con muốn phụ mẹ trả nợ cho chú Thịnh số tiền mượn để làm đám ma cho bà ngoại. Còn ngày mai là dịp tốt mà con sẽ kiếm được nhiều tiền, góp lại lần hồi chắc sẽ mua được cho mình 1 cái laptop để mẹ con khỏi phải suy nghĩ bận tâm về cái vụ này nữa.
    Bà Ngọc càng nghe Lý  thì sự cảm mến lại càng tăng.
    - Mẹ con có đi làm việc không vậy Lý ?
    - Dạ có, mẹ con làm mi-temps ( bán thời gian ).
    Bà tưởng tượng ra cảnh người mẹ đơn chiếc nuôi con với đồng lương eo hẹp và nhiều món tiền phải chi tiêu ! 
   - Vậy làm sao mà mẹ nuôi cho Lý đi học ? 
  - Thì mẹ mua đồ ăn rẻ tiền … không đi chơi đâu hết … bớt xài điện ga  và không mua sắm quần áo mới thì cũng xong.
   - Bả có thú tiêu khiển gì không con ?
   - Bác nói gì con không hiểu !
   - Ý bác muốn nói là có chuyện gì làm cho mẹ con vui không ?
   - Dạ mẹ rất vui khi giúp bà già kế bên nhà bằng cách đi chợ mua đồ dùm, hay khi cho chim ăn .
    - Nhà Lý có nuôi chim hả ?
    - Không bác ơi, mẹ con xin bánh mì cũ trong siêu thị rồi xé nhỏ ném cho chim bồ câu ăn ở bãi cỏ trước mặt building.
   -  Thế mẹ con có xin được tiền trợ cấp  không ?
   - Dạ thưa không, mẹ không muốn xin … mẹ nói để dành cho người khác nghèo khổ hơn mình. Hơn nữa tiền nhà cũng đã được quỹ xã hội giúp cho nhiều rồi.
   Bà Ngọc bỗng động lòng, và  nhứt là lời lẽ chân thật của thằng Lý đã cho bà những xúc cảm nhộn nhạo trong lòng. Tự nhiên bà muốn làm 1 cái gì đó, tạo niềm vui cho mẹ con nó. Bà hỏi bâng quơ : 
    - Bác hay gặp Lý ở trạm métro Stuyvenberg, chắc con cũng ở gần đâu đó ?
    - Đúng thưa bác, appartement của mẹ con ở trong Cité Modèle, bloc B, lầu 2, số 23 … từ chủ nhựt sau trở đi khi nào rảnh mời bác tới chơi.
    -  Ờ hồi nãy bác nghe con nói đi nhắm trước cái áo len cho mẹ, mà con có biết bả mặc số mấy chưa ? 
    - Dạ mẹ con chỉ bận đồ small ( cỡ nhỏ ) thôi.
    Bà Ngọc hài lòng với các chi tiết vừa dò hỏi được, bà đứng lên vỗ vai Lý : 
   - Thôi bây giờ bác phải đi mua đồ cho đứa cháu gái, bác chúc con nhiều can đảm nghe Lý.
     - Cám ơn bác đã cho con ăn ngon, bác là …
    - Bác Ngọc.
    Hai người chia tay nơi cửa tiệm Mc Do, bà Ngọc xăm xăm đi về phía cửa tiệm Zara, còn thằng Lý ngược về nơi có nhiều tiệm trưng bày quần áo mùa đông.
 
                            @@@@@@@@@@@@
 
    Tối hôm đó trong bữa cơm, bà Ngọc đem kể cho ông Lâm -  chồng bà - nghe hết câu chuyện ban chiều. Bà dẫn dắt từ lúc gặp Lý nhiều lần trong métro cho đến khi nó gặp rắc rối trên phố và nhờ sự can thiệp của bà mà sự việc được ổn thỏa.
    - Nè ông, lúc ngồi quán với thằng Lý … tui được nghe kể về gia cảnh của mẹ con nó … tội lắm ông ơi ! 
      Với giọng lôi cuốn, bà Ngọc thuật lại cho ông Lâm nghe tất cả các chi tiết về gia đình thằng Lý, rồi bà đi đến quyết định : 
    - Mình nên làm cái gì đó giúp họ có một chút vui sướng nhân dịp cuối năm này, ông thấy sao ? 
    Ông Lâm là người hay phản đối cái sai, nhưng thường thường thì ông thấy bà vợ mình nói đúng  …. nên lần này ông cũng lại gật gù  : 
    - Bà nói phải lắm, nhưng bà đã có ý định gì chưa ?
    - Hồi nãy khi làm bếp, tui có suy nghĩ thế này : cái phiếu mua hàng trị giá ngàn Euro của sở tặng  … tui chưa xài tới, mai mốt mình tới đó mua cái laptop tặng cho thằng Lý, tiện thể ra phố thì kiếm luôn cho mẹ nó cái áo len … làm quà Giáng Sinh cho họ.
    Ông Lâm chép miệng : 
    - Chà, ý kiến bà  hay quá cỡ thợ mộc. Tui thấy như vậy là đẹp lắm.
    Bà Ngọc ngắt lời chồng : 
    - Nhưng phải làm sao để cho họ đừng từ chối và khỏi áy náy khi mình tặng quà chớ ? Cái vụ này thì tui còn đang lấn cấn đó.
     Trong quá khứ, mỗi khi có chuyện phải bàn bạc …  ông Lâm đã từng đưa ra nhiều giải pháp hay ho, lần này cũng không biết ông tìm ở đâu  mà ra được câu trả lời cho bà vợ sau ít giây suy nghĩ : 
     - Nè bà, tui biết  1 tiệm cho thuê đồ hoá trang ở trên phố. Cách hay nhứt là tới tối ngày 24, tui sẽ giả làm ông già Noël … bà lái xe đưa tui tới nhà họ để trao quà. Như vậy họ sẽ không thể từ chối, tui sẽ nói đôi ba câu gì đó … rồi rút êm, sau đó mình trở về nhà chắc  còn thì giờ để ăn réveillon ( bữa ăn khuya ) . Bà thấy  tui tính vậy có gọn hông ?
     Không nghe bà Ngọc trả lời chỉ thấy bà cười tủm tỉm.
     Ngay chiều hôm sau, 2 vợ chồng già tìm đến nơi sở cũ bà Ngọc làm kể toán  lúc trước. Ông quản lý  lẫn ông sếp đều vui vẻ và niềm nở tiếp đón người nhân viên cũ. Họ giúp ý kiến để 2 ông bà chọn lựa cái máy vi tính xách tay, có nhiều ưu điểm được giới học sinh ưa chuộng lại gọn nhẹ và giá cả phải chăng. Bà Ngọc hoan hỉ dùng cái phiếu mua hàng hãng tặng để trả tiền và lại còn được ông sếp ưu ái bớt thêm 20 phần trăm vì dịp lễ lạc cuối năm. Hai người hể hả rời khỏi tiệm với món đồ được gói ghém cẩn thận bằng lớp giấy màu mè sặc sỡ.
      Tiếp theo là trong cửa hàng bách hoá Innovation, ông bà mất khá nhiều thời giờ để chọn mua áo cho mẹ thằng Lý. Ông Lâm khen lấy khen để chiếc áo len dày màu xanh rêu mà bà Ngọc đã chọn sau hồi lâu đắn đo. Cặp vợ chồng già ra về, hoàn thành và hài lòng với 1 buổi chiều  đi mua sắm, mệt nhọc hai người lê bước về phía cầu thang máy để xuống tầng -3  là parking nơi họ đậu xe.
 
                                 @@@@@@@@@@@@@
 
     22 giờ 50 … đêm 24 tháng 12 . Giờ này ngoài đường đã vắng bóng người … trên mặt lộ có 1 lớp nước mỏng đóng băng … xe cộ thưa thớt … người ta cũng ngại phải lái xe trong tình trạng như thế. Các bài nhạc Noël vẫn văng vẳng trong không gian, các giây đèn màu vẫn nhấp nháy nhưng chẳng có ma nào ngó ngàng vào lúc này. Trời lạnh cóng, dân chúng rút vào trong nhà sửa soạn đón mừng Chúa Giáng Sinh, đa số các gia đình tụ họp lại với nhau để ăn uống theo như tập quán lâu đời.
      Nơi appartement của mẹ con thằng Lý đèn lù mù sáng trong phòng ăn …cũng là phòng khách, họa hoằn lắm mới có ai thăm. Hai người đang ngồi nơi bàn ăn : bà Phượng đang hí hoáy viết thơ về cho cậu em trai bên Việt Nam, còn thằng Lý thì loay hoay thay cái công tắc của đèn đầu giường  mẹ nó.
      Đêm Noël mà cảnh nhà buồn hiu, không có thêm chút trang trí gì cả, chỉ có điều khác thường đôi chút là chiếc máy truyền hình cũ rích đang chiếu 1 chương trình ca múa và phát ra tiếng nhạc nho nhỏ cho không gian bớt phần u tịch, chứ mọi ngày thì hai mẹ con chỉ xem tin tức vào giờ cơm tối mà thôi. Trong khung cảnh yên lành ấy đột nhiên có tiếng chuông reo nơi cửa ra vào. Bà Phượng ngước nhìn con, Lý cũng đang ngạc nhiên nhìn mẹ …. bà nhíu mày : 
      - Con ra xem ai … giờ này mà sao còn có người bấm chuông ?
      Thằng Lý đặt cái tua vít xuống bàn rồi đi ra mở cửa. Nó sững sờ khi thấy trước mắt là 1 ông già Nô En … không cao to gì lắm, râu và lông mày trắng xoá, áo quần đỏ rực với chiếc mũ cũng màu đỏ trùm kín đầu.
       Ông già Nô En ấy đang cười, hàm râu ông lay động và cặp mắt - ồ, cặp mắt một mí - nhìn nó thật hiền hoà. Ông ta chậm rãi nói với nó bằng tiếng Pháp, không vấp váp như thể đã được chuẩn bị từ trước :
     - Ta biết con và mẹ con làm được những điều thật sự tốt lành. Ta rất hài lòng khi thấy hai mẹ con có 1 đời sống thánh thiện. Hai người xứng đáng được phần thưởng của ta đêm nay.
       Ông trao cho nó 2 gói quà, Lý lắp bắp nói cám ơn, ông vỗ nhẹ vai nó mấy cái … và đưa tay vẫy chào bà Phượng đang ngẩn ngơ nhìn ông không chớp mắt. Ông già Noël  quay lui về phía cầu thang rồi mất hút nơi đó trong khi hai mẹ con Lý vẫn chưa hết bàng hoàng.
      Thằng Lý mở gói quà, nó sung sướng la to khi thấy đó là 1 cái laptop mà nó hằng mơ ước. Bà Phượng cũng xuýt xoa với cái áo len màu sắc thoáng trông đã vừa ý , đẹp mà lại dày … chắc là ấm lắm đây. Bà mặc thử vào và lộ vẻ thích thú khi áo  vừa in. Hai người bỡ ngỡ nhìn nhau tự hỏi không biết tại sao ông già Noël lại cho đúng những món đồ mà họ từng mong muốn. Thằng Lý bỗng vỗ trán, nó đã nhớ lại buổi gặp gỡ chuyện trò với bà Ngọc trên phố … nó lẩm bẩm : 
       - Oh oui, c’est ça ( À thì ra thế )
     Và kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nó nghe. Bà Phượng ôm con trai vào lòng, miệng thì thầm :
      - Cám ơn lòng tốt của bà Ngọc, cầu xin Trời Phật phò hộ cho ông bà.
 
                                    @@@@@@@@@@
 
 
 
     Mỗi sáng đi học, Lý vẫn thường để mắt tìm kiếm bà Ngọc để cám ơn, có khi nó đi vào nhiều toa xe khác nhau của chuyến tàu điện ngầm số 6 với hy vọng gặp được lại con người tốt bụng đó, nhưng nó nào biết rằng bà Ngọc không còn đi làm việc nữa nên các chuyến métro sáng sớm và chiều tà  từ nay sẽ thiếu vắng bà ta.
     Thời gian lững thững qua đi, một sáng thứ 7 cuối tháng 4 hai mẹ con thằng Lý đến thăm chú Thịnh để trả dứt món tiền đã vay năm trước. Trời hôm nay nắng ráo nhưng  cái lành lạnh vẫn còn ngoài đường phố. Bà Phượng lấy chiếc áo len mới ra mặc, đây là lần đầu tiên bà mặc nó đi ra ngoài. Những lần đi chợ thì quần áo xuyềnh xoàng sao cũng được, nhưng hôm nay bà thấy vui trong lòng vì mọi chuyện đều êm đẹp nên muốn ăn diện một chút.
      Bước vào toa métro, 2 mẹ con tiến đến 1 khoang còn nhiều ghế trống. Nơi đây có 2 băng ghế đâu mặt lại với nhau. Hai người ngồi xuống, đối diện là 1 người đàn ông Á đông đã có tuổi. Tóc ông ta cắt ngắn gọn gàng tuy rằng muối đã hơn tiêu rất nhiều.
         Ông ta lịch sự gật đầu chào 2 mẹ con nó, họ cũng cười chào lại. Thằng Lý vui lắm, nó sẽ được mẹ cho đi ăn phở trưa nay sau khi ở nhà chú Thịnh ra. Nó nhỏ nhẹ kể chuyện trường lớp bạn bè cho mẹ nghe không lưu tâm đến sự việc chung quanh, không để ý đến ánh mắt hiền hoà của ông già phía trước, hết nhìn nó  lại nhìn chiếc áo len mẹ đang mặc, miệng cười cười như đắc ý với điều chi đó.
        Đoàn xe giảm tốc độ … sắp tới 1 trạm ngừng. Lý thấy ông già Á đông sửa soạn đứng lên, ông ta lại nhìn nó thêm lần nữa rồi gật đầu chào 2 mẹ con.
      “ Kỳ lạ thật, đôi mắt này sao thấy quen quen “ Lý còn thắc mắc trong đầu … 
    Cửa tự động mở, ông già ra khỏi toa xe. Nó đứng lên chống tay vào lớp kiếng trong veo, quan sát người đàn ông ấy đang lần bước tới trước với cái lưng hơi gù xuống vì sức nặng của thời gian trĩu nặng đôi vai. 
       Đoàn xe lúc này đã chuyển bánh và vượt qua ông già. Lý còn kịp trông thấy “ quý nhơn “ mỉm cười đưa tay vẫy. Nó cũng quơ tay chào lại, rồi 1 tia sáng chớp nhanh trong đầu Lý : đôi mắt hiền hậu của vị khách bất ngờ đêm Chúa Giáng Sinh hiện về. Nó thốt lên : 
       - Thôi đúng rồi … đúng là ông già Nô En mắt một mí.
       Bà Phượng thì chẳng hiểu mô tê gì, bà nhíu mày :
       - Mùa này mà còn ông già Nô En sao con ?
 
                                                              Tháng 12 / 2022.   Trủy Thủ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Ct.Ly 14.12.2022 03:33:09 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9