HỒNG ÂN DỐT NÁT
lamongthuong 20.12.2022 06:46:48 (permalink)
 
 
HỒNG  ÂN  DỐT  NÁT
 
KHÔNG KHÓA CỬA NHÀ THỜ 
 
Nhận được bài sai chuyển xứ trước hai tuần, cha Lành ghé thăm xứ mới, gặp cha xứ hiện nhiệm của nhà thờ, hầu tìm hiểu về dân tình, và những vấn đề cần thiết phải giải quyết khi di chuyển tới. Sau khi chào hỏi, tỏ bày ý định muốn tìm hiểu, và được giải thích về thời biểu phụng vụ, những nghi thức, tính cách, thói quen, cũng như đôi điều cấm kỵ có thể có của giáo dân nơi xứ mới, cha xứ hiện nhiệm trao cho ngài một chùm chìa khóa đủ loại. Nơi mỗi chìa khóa hoặc có miếng nhôm nhỏ có lỗ được xâu vào khoen hoặc dược dán giấy ghi thuộc thành phần nào của nhà thờ hay nhà xứ. Cha Lành nhận chùm chìa khóa mà lòng cảm thấy nặng nề, ngao ngán, thầm nghĩ, thế không có ai giúp các công việc coi sóc nhà thờ, nhà xứ, và trường học giáo lý sao, nhưng thái độ cố ra vẻ bình thường nghe cha hiện nhiệm tiếp tục giải thích. Đưa cho cha Lành tờ thông báo nội san hằng tuần, tờ mục vụ (bulletin), ngài giải thích,
- Cuối tuần có hai thánh lễ, chiều thứ bẩy lúc 5 giờ, và chủ nhật một lễ, 9 giờ sáng. Các ngày thường từ thứ hai đến thứ sáu chỉ có lễ vào lúc 7 giờ sáng để kịp cho người ta đi làm. Điều quan trọng nhất đó là nhà thờ phải được khóa cửa cẩn thận sau những giờ phụng vụ; vì như cha sẽ biết, con đường trước mặt được cảnh sát thông báo; đó là đường đặc biệt chuyển hàng của các tay buôn đồ cấm chẳng hạn như cỏ, đá, và thuốc lắc; thế nên có rất nhiều thành phần bất hảo qua lại. Nhà thờ vì không có hàng rào nên cần được để ý cửa nẻo tránh bị trộm cắp.
- Có ai mở cửa và dọn lễ không thưa cha? Cha Lành hỏi.
- Không có đâu cha. Tôi thường thức dậy lúc 5 giờ sáng, ra mở cửa nhà thờ, trở lại nhà xứ uống cà phê, và 6 giờ rưỡi ra nhà thờ dọn lễ. Thường sau lễ, có đôi người thu dọn bàn thờ, rửa chén thánh, thay khăn bàn thờ cho hợp màu ngày lễ kính hôm sau, và sắp xếp cho ngăn nắp. Họ làm rất nhanh; tiếp đó tôi kiểm soát và khóa cửa nhà thờ rồi trở về nhà xứ ăn sáng.
- Theo con được biết, giáo xứ hơi nhỏ, nên không có người nấu ăn, thưa cha?
- Giáo xứ chỉ có độ hơn kém 300 gia đình; vả lại cũng thuộc giáo xứ nghèo nên không có người nấu ăn. Thực phẩm thì tới tiệm cách đây ba dặm, cha đi ngang qua trước khi tới đây, chọn đồ và k‎ý sổ, cuối tháng, thư ký sẽ trả tiền khi họ gửi hóa đơn chi dụng. Cha có cần tôi mua ít thực phẩm bỏ vô tủ lạnh trước khi cha tới đây để khỏi phải mua sắm cho ngày đầu tiên chăng?
- Không sao đâu thưa cha, ăn uống không thành vấn đề. Có gì con sẽ mua đồ nấu sẵn khi đi ngang qua tiệm trước khi tới đây là được. Con đã ghé qua, nơi tiệm đó có khá đầy đủ nhu yếu phẩm, có cả quầy hàng thực phẩm nấu sẵn cũng khá thuận tiện, đỡ phải lo việc bếp núc. Cảm ơn cha đã cho biết khá đầy đủ, và cầu chúc cha may mắn nơi xứ mới, xin chào cha.
 
Lái xe ra về mà lòng cha Lành nổi lên nhiều khúc mắc. Không có ông từ lo việc nhà thờ, không có người giúp mở cửa nhà thờ, chuẩn bị đồ lễ, cha thức dậy lúc 5 giờ sáng, ra nhà thờ mở cửa, về nhà xứ làm vệ sinh cá nhân, uống cà phê, trở lại nhà thờ dọn đồ lễ; vậy khi nhà thương gọi bất tử đúng vào 4 hay 5 giờ sáng thì sao? Dân Chúa không có ai sẵn lòng giúp; mấy ông cụ, bà cụ thường tới nhà thờ sớm hơn cả tiếng đồng hồ, mà bất chợt không ai mở cửa trong trường hợp mưa gió bất thường thì biết trú ngụ nơi đâu, hay đành đội mưa chờ đợi. Tại không có người giúp hay tại cha không muốn? Ngay ngày đầu tiên mình phải thế nào? Lễ 7 giờ sáng, sẽ có những người tới trước 6 giờ hay sớm hơn; mình đi ngủ có sớm lắm thì cũng 1, 2 giờ đêm, mà 5 giờ sáng thì sao mà dậy?
 
Có lẽ phải tập thói quen mới, ngủ lúc 10 giờ khuya, 5 giờ sáng thức giấc mở cửa nhà thờ thì sẽ ổn, cha Lành thầm nghĩ. Nhưng ai đọc sách, đọc phúc âm, suy nghĩ hầu giảng cho ngắn gọn? Lễ chỉ tối đa 30 phút để dân Chúa có đủ giờ tới công sở; cha giảng lòng thòng, dài dòng, linh tinh, coi chừng lời Chúa trở thành động lực thúc đẩy dân Chúa ra khỏi nhà thờ. Đi làm trễ, mất việc, tiền đâu sinh sống, và như thế ai dám tham dự lễ! Hơn nữa, muốn ngủ lúc 10 giờ khuya, coi chừng phải lên giường hơn kém 9 giờ 30, rồi những chương trình này, hội họp kia; cuộc đời của một linh mục tại giáo xứ đâu giống như vòng quay của kim đồng hồ, đều đều buồn nản, rắp khuôn theo những tiếng kêu tích tắc, đúng giờ ăn, ngủ, thức giấc như những vị tu sĩ nơi tu viện ở vùng hoang vắng, lánh xa xã hội loài người.
 
Nhớ lại có lần nói chuyện với một người bạn, cha Lành quen biết chị này từ thời ngài còn đang theo học nơi đại chủng viện; chồng chị ta lại là bạn cùng lớp từ hồi xa xưa. Chị ta thuộc loại năng nổ, tham gia hội đoàn này, giúp việc nhà thờ những dịp lễ kia, nào hội chợ, trung thu phát quà cho trẻ, lại gia nhập nhóm ủy viên giáo lý vì có 3 cháu nhỏ; thay vì đợi con ra lớp giáo lý, chị ta xung phong dạy giáo lý cho lớp đứa con nhỏ nhất của chị theo học. Trong một lần nói chuyện, không hiểu chuyện gì khi nhắc đến câu phúc âm, “Kẻ có thì được cho thêm mà nên dư dật, còn kẻ không có thì dù có ít cũng bị cất đi,” chị ta phang một câu,
- Các cha giảng linh tinh, chẳng đâu vào đâu; ý nghĩa lời phúc âm thì chẳng thấy đâu, làm sao có thể áp dụng lời Chúa nơi cuộc sống, mà chỉ lăng quăng mấy chuyện luân lý vớ vẩn, hoặc vài ba câu truyện cười chẳng đâu vào đâu; thế sao dám nói lời Chúa là lời hằng sống! Có kẻ nào vô luân hoặc dân ăn cướp, ăn trộm, đi nhà thờ đâu! Rõ ràng là chỉ dạy dân Chúa vào đàng hư đốn, thế mà dám nói giảng lời Chúa.
 
Cha Lành giật mình khi nghe chị ta phát biểu. Thế ra dân Chúa nào đâu hiền lành, đơn giản như những con chiên, bảo sao chỉ biết nghe vậy. Họ quen suy nghĩ, tính toán, sao cho có cuộc đời thăng tiến, dễ thở hơn nên âm thầm suy tư về lới Chúa, lời phúc âm; do đó có được nhận định, nhận thức thâm trầm chỉ được phát biểu nơi trạng thái thân tình không e sợ bị bắt bẻ, lên án. Thêm lần khác, chị ta kể về việc dạy giáo lý cho lớp 9; chị nói,
- Dạy giáo lý cho trẻ em lại là phương tiện hay cơ hội cho mình phải thực sự, hay cố gắng suy nghĩ về lời Chúa để có được nhận thức sao cho hợp lý, hợp tình có thể áp dụng nơi cuộc sống. Có lần hỏi mấy em có ai biết phải làm sao để nghe tiếng Chúa? Các em còn đang suy nghĩ, bỗng có một em giơ tay thưa,
- Thưa cô, phúc âm viết rằng, “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta;” khiến mình phải giải thích về ngôn từ tiếng Việt. Chắc em đó rành về chiên trứng ăn sáng trong khi không biết “Con chiên” nơi tiếng Việt là con vật ám chỉ dân Chúa.
 
Làm sao, kiếm ai mở cửa nhà thờ lúc 5 giờ sáng, mình là dân tỵ nạn, đâu quen biết ai nơi giáo xứ mới này; có lẽ phải hỏi bà thơ ký kiếm người mở cửa nhà thờ lúc sáng sớm, cha Lành tự nhủ. Về đến nhà xứ, ngài gọi tới văn phòng giáo xứ mới.
- Văn phòng giáo xứ Mân Côi.
- Chào bà, tôi là linh mục Lành, sắp được sai đến giáo xứ Mân Côi.
- Chào cha, “Welcome” cha sắp tới. Con cũng được biết cha sẽ về xứ con mấy ngày trước đây. Thưa cha, cha gọi con có chuyện chi ạ?
- Tôi vừa ghé qua nhà xứ Mân Côi gặp cha chính xứ, và được biết các ngày thường có lễ lúc 7 giờ sáng, và ngài phải mở cửa nhà thờ lúc 5 giờ. Bà có biết trong số những người tham dự thánh lễ ngày thường có ai thường tới sớm không?
- Con biết, thưa cha. Con cũng thường đi lễ sáng rồi tới văn phòng làm việc. Văn phòng tách biệt với nhà xứ, cách nhà xứ cỡ hai trăm bộ, có hai phòng làm việc, một cho cha xứ và một cho con, lại có cả bếp nữa, và một phòng lớn cho mấy người đếm tiền vào sáng thứ hai sau lễ. Sau lễ sáng thứ hai, nhóm đếm tiền nhà thờ vô văn phòng, nấu và ăn sáng, đoạn đếm tiền do cha xứ mang tới để ngài gửi vô ngân hàng.
- Thế mấy người tham dự thánh lễ, họ thường đến vào lúc nào?
- Xin lỗi cha, mãi nói về văn phòng con quên mất điều cha hỏi. Con thường tới nhà thờ ngay trước lúc lễ bắt đầu, nhưng có mấy người có tuổi thường đến nhà thờ cỡ 6 giờ 30 sáng để đọc kinh hay lần hạt. Riêng ông cụ Thân và bà Tĩnh thì tới nhà thờ trước 6 giờ.
- Cha xứ nói với tôi; chính ngài phải mở cửa nhà thờ lúc 5 giờ sáng. Lý do tôi gọi điện thoại cũng chính là điểm này. Bà có thể cho tôi số điện thoại của ông cụ Thân được không; tôi muốn nói chuyện với cụ, hoặc bà có thể dàn xếp để tôi gặp cụ ngày nào đó nơi văn phòng nhà xứ cho tiện.
- Có chuyện gì vậy cha, con có thể chuyển lời của cha tới ông ấy được mà.
- Cũng không có chuyện gì quan trọng đâu. Số là lễ thì 7 giờ sáng mà phải thức dậy lúc 5 giờ, ra nhà thờ mở cửa, về nhà xứ đánh răng, súc miệng, pha cà phê, trở lại nhà thờ dọn đồ lễ, tiêu phí cả tiếng đồng hồ ngủ, nên nếu có người, thường tới nhà thờ sớm hơn mở cửa, thay vì tôi phải đôn đáo lúc mắt nhắm, mắt mở cho tiện thôi.
- Chuyện này cũng dễ thôi, thưa cha; để con nói với ông Thân trước, nếu ông ta chấp thuận, con sẽ trình lại với cha, hoặc nếu ông ấy không muốn, con sẽ kiếm người khác cho cha. Con biết một ông khác thường dự lễ ngày thường. Chuyện gì chứ làm việc cho nhà thờ thì ai ai nơi xứ con luôn sẵn lòng. Cha đừng lo!
- Thế sao cha xứ phải mở cửa nhà thờ và tự lo dọn đồ lễ?
- Thưa cha, ngài bao quát hết mọi việc. Cắt cỏ, nấu nướng, thổi rác chung quanh nhà thờ, dọn phòng vệ sinh của nhà thờ, ngài làm hết mọi sự. Trước đây, cuối tuần có ba thánh lễ, một lễ 5 giờ chiều thứ bẩy. Chủ nhật hai lễ, 9 giờ và 11 giờ. Nhưng bây giờ ngày chủ nhật chỉ có lễ 9 giờ.
- Tại sao?
- Ngài muốn xây nhà thờ mới nhưng dân chúng không chịu. Cha có muốn xây nhà thờ mới không?
- Nhà thờ thì thờ ai?
- Thì thờ Chúa chứ thờ ai, thưa cha.
- Nếu nhà thờ để thờ Chúa thì Chúa hoặc dân Chúa xây chứ mắc mớ gì tôi. Nếu thờ tôi thì tôi mới xây.
- Ha ha ha…! Bà thơ k‎ý cười lớn trong điện thoại. Giáo dân ở xứ này rất dễ thương và sẵn lòng giúp việc nhà thờ lắm thưa cha, nhưng cha xứ điều hành hết mọi sự và bất cứ việc gì cũng phải theo đường lối của ngài.
- Bà nói sao?
- Chẳng hạn vào dịp hội chợ, chúng con có hội ủy viên giáo lý, có ban điều hành, mỗi người kéo theo cả gia đình, họ hàng đến làm việc, vui lắm; còn có các em CYO mang gà nhỏ, mang thỏ con, ngay cả mèo con ra bán lấy tiền gây quỹ cho giáo xứ. Về đây cha sẽ thấy ba ngày hội chợ nhộn nhịp, vui vẻ như thế nào. Lại còn có vài gia đình đem xe ngựa đến làm những chuyến du lịch xe ngựa hoặc cỡi ngựa nữa. Nhưng công ty giải trí thì phải do cha xứ chọn. Ngày xưa, có năm gia đình anh em họ hàng chia nhau ra cắm bông, quét và hút bụi nhà thờ; mỗi gia đình một cuối tuần. Mới hai năm nay, có một chị giáo viên nghệ thuật cho bậc tiểu học tham gia cắm bông nhà thờ. Hôm ấy, gia đình cắm bông, quét dọn nhà thờ trang trí theo kiếu của họ. Bông, cây cảnh họ mang tới do cắt tại vườn nhà hoặc đi mua, xưa nay họ vẫn làm thế, không tốn tiền của nhà thờ. Sau khi trang trí bông hoa, cây cảnh, chị giáo viên nghệ thuật chuyển cây cảnh đã được trang trí chỗ này đến nơi khác, và bình hoa này tới chỗ kia, nói rằng như thế mới thế nọ thế kia. Ba người trong gia đình quét dọn và trang trí nhà thờ không chấp nhận đến nỗi kêu cha xứ ra phân giải. Cha xứ thuận theo kiểu trình bày của chị giáo viên nghệ thuật, và thế là cả năm gia đình họ hàng bảo nhau ngưng không làm nữa. Dân chúng ở đây là dân quê mà, nên họ rất tự chủ.
- Thế rồi sao.
- Có gì đâu, thưa cha, thì một mình chị giáo viên cắm bông cuối tuần, nhà thờ phải trả tiền bông và tiền thuê người quét dọn nhà thờ.
- Thế tiền đóng góp hàng tuần ra sao?
- Từ dạo cha xứ cắt lễ vì dân chúng không chịu đóng góp làm nhà thờ mới, tiền đóng góp hàng tuần xuống hẳn. Hiện nay, mỗi tuần chỉ được cỡ bẩy trăm rưỡi đến tám trăm là tối đa. Có một vài người biết việc kêu ca, nhưng chắc không đến tai cha xứ. Người dân ở đây rất tôn trọng các cha nên thường yên lặng chấp nhận chứ không lên tiếng phản đối. Hình như cũng có ông nào đối diện cha xứ trình bày chẳng nên làm nhà thờ mới, vì cuối tuần ba thánh lễ, đâu có bao giờ chật nhà thờ. Nhưng cha xứ vẫn cứ muốn xây nhà thờ mới. Bà thư ký thở dài.
- Vậy nếu muốn mấy gia đình ngày xưa trang trí nhà thờ trở lại giúp, bà nghĩ sẽ phải làm thế nào? Cha Lành hỏi mà lòng thầm nghĩ không biết sao để chị giáo viên nghệ thuật ngưng cắm hoa. Giáo xứ đã nghèo như thế, mỗi tuần chỉ chưa được tám trăm, lương bà thư k‎ý 12.50 đồng một giờ, vị chi mỗi ngày 100, mỗi tuần 500 và hàng tháng ít nhất 2,000 đồng. Cứ tạm gọi hàng tuần tiền đóng góp được tối đa 800 thì mỗi tháng mới có 3,200 mà lương thư ký đã cuốn hết 2,000, chỉ còn lại 1,200 thì tiền đâu trả lương cho cha xứ, tiền thực phẩm cho ngài, bảo hiểm cho ngài và bà thư k‎ý, tiền điện nước, máy nóng, máy lạnh nhà thờ, nhà xứ, văn phòng. Phải làm sao, nào đại chủng viện có môn học chi dạy cách làm tiền hay in tiền đâu. Mối lo ngân quỹ cho giáo xứ mới chưa về tới đã đổ ập trên đầu cha Lành. Có nên trình bày với giám mục trước khi chuyển xứ không; cha Lành tự hỏi.
- Dân ở đây dễ ấy mà, thưa cha. Chỉ cần cha nói một tiếng thì thiếu gì gia đình xung phong giúp việc. Vấn đề chỉ là cha có sợ bị họ làm phiền hay không. Chẳng hạn hiện giờ, bất cứ ai muốn làm gì cho nhà thờ, phải gọi điện thoại xin phép cha xứ trước rồi hẹn ngày giờ tới để cha xứ mở cửa phòng đồ lấy dụng cụ hoặc mở cửa nhà thờ để quét dọn, cắm hoa. Nếu không gặp cha xứ thì phải đợi lúc ngài ở nhà xứ hay nơi văn phòng để mượn chìa khóa.
 
Hèn chi mình được trao cả chùm chìa khóa, cha Lành thầm nghĩ. Có lẽ khi về xứ mới phải làm thêm mỗi thứ một chìa khóa phụ, kiếm người chịu trách nhiệm cho mỗi phần việc và giữ chìa khóa. Mười mấy chiếc chìa khóa, chỉ cần mỗi ngày hai hoặc ba người gọi mượn chìa khóa có lẽ mình sẽ bị khùng mất. Kiếm ai mới lại là chuyện cần phải đắn đo, cần thời gian tìm hiểu, hoặc hỏi hội đồng giáo xứ đề nghị. Khoan đã, hãy hỏi về ngân quỹ xem sao, cha Lành nghĩ.
- Thế ngân quỹ của giáo xứ ra sao bà có biết không?
- Thưa cha, con không biết gì về ngân quỹ. Cứ hai tuần, con nhận lương từ cha xứ và hình như ban tài chánh của giáo xứ chỉ có một người để giải quyết trong trường hợp bất cập. Mọi sự thuộc về tài chánh của giáo xứ chỉ mình cha xứ giải quyết. Có lần con nghe thấy ông trưởng ban tài chánh nói cũng không biết gì về ngân quỹ của giáo xứ. Những gì dân chúng được biết đều chỉ là trên tờ mục vụ hằng tuần, thưa cha.
- Thế hội đồng giáo xứ làm những việc gì?
- Hàng tháng họ thường họp với cha xứ một lần, và thường thì đến để nhận lệnh và nghe cha xứ nói, chị thư ký hàng xứ đọc lại biên bản đã bàn luận hay nhiệm vụ lần trước. Con là thư ký nhà xứ nên không phải tham dự các cuộc họp của hội đồng giáo xứ.
 
Cha Lành hiểu ngay, được gọi với danh hiệu là hội đồng giáo xứ nhưng thực ra nó chỉ là hội đồng mục vụ hoặc chính thức, nó là ủy ban mục vụ mới đúng. Ủy ban này chẳng khác chi những người tay sai đúng nghĩa của cha xứ; cha phán sao, nhờ chuyện gì thì làm chuyện nấy. Hội đồng giáo xứ điều hành giáo xứ, thiết lập phương thức phát triển giáo xứ, giải quyết những khó khăn nơi bất cứ phương diện nào của giáo xứ. Hội đồng giáo xứ có tổ chức giống như cộng hòa bao gồm nhiều ủy ban. Thành viên của hội đồng giáo xứ bao gồm các trưởng ban của các ủy ban. Họ phân chia và chấp chính công việc điều hành giáo xứ. Cha xứ chỉ lo về mục vụ và phụng vụ, không cần biết chi về ngân sách hay sửa sang nhà thờ, nhà xứ. Dẫu cha xứ là đầu hết của giáo xứ nhưng cũng chỉ giới hạn trong địa hạt tôn giáo. Khi họp hội đồng giáo xứ, cho dù có địa vị cao nhất và ảnh hưởng lớn nhất nơi nhận định hoặc phương diện viễn kiến, nhưng quyết định lại tùy thuộc quyết định của toàn bộ hội đồng.
 
Hội đồng hay ủy ban mục vụ bao gồm những người phụ tá cho cha xứ trong công việc điều hành giáo xứ. Nó chẳng khác chi chế độ toàn trị, mọi quyết định, mọi sự việc đều tùy thuộc cha xứ. Không ai dự kiến được giáo xứ sẽ như thế nào; mà có chăng nếu cha xứ nghiêng chiều theo bất cứ ý kiến nào, dân Chúa đành chấp nhận vâng lời như thế. Hệ thống hội đồng mục vụ dần dần biến cha xứ trở nên độc tài, mọi quyền hành, dự định đều trong tay ngài. Và như thế, đối với một cá nhân phải lo giải quyết mọi vấn đề, từ tâm linh đến liên hệ nhân sinh của một tổ hợp dân chúng bao gồm mọi tầng lớp, hệ thống hội đồng mục vụ sẽ trở thành cơn bão ngầm tàn phá linh mục. Thực ra, linh mục cũng chỉ là con người, đầy tham sân si như mọi người. Hệ thống mục vụ lệ thuộc cha xứ nên chẳng khác gì thúc đẩy, tăng quyền hành, vì thế tạo thêm tham vọng nơi người thủ vị. Dĩ nhiên, cái bã quyền hành luôn luôn ấp ủ và khuyến khích tham vọng sở hữu và từ tham vọng này; lòng tham tiền bạc phát triển mạnh mẽ khi nghĩ đến kết quả của những công sức mình đã hao tốn năng lực để hoàn thành những điều ham muốn. Tất nhiên, quyền lực tuyệt đối sẽ hoàn toàn làm bạn tha hóa. Thật đáng thương cho những linh mục, vì chân thành, năng nổ nhưng đã không biết gì hay không để tâm đến nghệ thuật lãnh đạo. Mà đại chủng viện có bao giờ dạy hay nói đến sự lãnh đạo đâu từ ngàn xưa tới nay.
- Vậy bà là thư ký nhà xứ nên bà làm tờ mục vụ à?
- Dạ thưa cha không. Cha xứ tự tay ngài làm. Con chỉ có bổn phận làm những công việc cha xứ sai bảo, hay những giấy tờ liên hệ đến giáo dân thôi.
- Theo nhận định của bà, muốn khuyến khích người ta cho thêm tiền thì phải làm sao; chứ nếu tôi không lầm thì với sự đóng góp chỉ được 800 một tuần, coi chừng giáo xứ sẽ rơi vào cảnh phá sản.
- Mới có hai năm thôi mà cha. Con làm việc ở đây đã tám năm rồi, trước đây tiền nhà thờ cũng được từ ngàn rưỡi đến hai ngàn, đâu đến nỗi tệ như bây giờ. Con nghĩ, một số gia đình bỏ sang xứ khác sẽ trở về tùy thuộc thái độ của cha với giáo dân, và nếu họ nhận thấy họ được tôn trọng cũng như được lắng nghe; cha sẽ thấy giáo xứ này trở thành thiên đường cho các linh mục làm việc. Không tin con, cha cứ thử một năm rồi sẽ biết.
- Họ bỏ đi nhiều không?
- Hơn ba chục gia đình đó, thưa cha.
- Theo như giấy thông báo thì xứ mình, các lớp giáo lý có 124 em. Mà giáo xứ chỉ có 300 gia đình; tính ra như thế thì được gọi là giáo xứ trẻ trung. Thế có mấy phòng học giáo lý tất cả?
- Thưa cha, chỉ có bốn phòng học nên phải chia thành hai ngày, thứ bẩy và chủ nhật.
- Tôi nghe nói có một gia đình cụ sáu ở gần nhà thờ đúng không. Thế cụ sáu có làm việc cho giáo xứ không?
- Thưa cha, trước đây bốn năm, cụ sáu giúp giáo xứ; nhưng không hiểu sao, cha xứ con về đây được hai năm, cụ sáu lại được bài sai làm việc cho giáo xứ khác.
- Thế ai dạy giáo lý hôn nhân và tân tòng bây giờ.
- Ngoài cha xứ thì còn ai vào đây nữa, thưa cha.
- Cảm ơn bà. Bà làm ơn hỏi ông Thân và cho tôi biết ông ta nghĩ thế nào. Xin chào bà.
- Con cảm ơn cha, chào cha.
 
0 – 0 - 0
 
Hai tuần lễ qua mau như chớp mắt, cha Lành dọn đồ, ra Walmart mua mấy thùng giấy đựng sách vở để di chuyển. Nhớ lại lần trước, giám mục sai mình tới nhà thờ St. John, nơi có hơn bốn chục gia đình người Việt. Không hiểu có chuyện gì rắc rối nơi địa phận mà cha chưởng ấn, khi kêu mình tới lấy bài sai nói,
- Đừng lạ lùng nếu chỉ một thời gian ngắn cha lại được nhận bài sai đi xứ khác.
Cha Lành ngạc nhiên hỏi lại,
- Sao thế, cha có biết lý do không.
- Có hai giáo xứ khác cần cha phó trong khi xứ St. John là một xứ nhỏ có cộng đồng người Việt cỡ độ gần năm mươi gia đình. Có lẽ giám mục muốn chuẩn bị cho cha về coi cộng đồng người Việt lớn hơn nên xếp cha vô xứ St. John. Khổ nỗi, hiện linh mục đang coi cộng đồng Việt nơi xứ St. Michael không đủ khả năng Anh ngữ để làm phó giáo xứ người Mỹ trong khi hai giáo xứ kia lại rất cần cha phó vì xứ khá lớn.
- Không sao đâu thưa cha, tôi là thân tỵ nạn, mới chỉ làm việc nơi giáo xứ Sacred Heart, người Mỹ bốn năm, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải học hỏi thêm. Được làm việc thêm ít năm nữa nơi giáo xứ người Mỹ cũng là điều tốt. Đối với tôi, làm việc ở đâu, nơi hoàn cảnh nào thì cũng là làm việc. Tôi không chọn công việc vì đó không phải là mục đính cuộc đời của tôi. Thực ra, tôi muốn thực sự biết Chúa muốn tôi phải thế nào mới là điều chính yếu.
- Chịu chơi ah! Sau bốn năm chịu chức rồi mà còn dám nói chưa thực sự biết Chúa muốn gì với mình. Thế cha còn muốn gì, muốn làm giám mục ư?
- Bộ cha tưởng tôi dốt thế sao. Tôi đâu có dại đủ để đưa lưng cho người ta đấm. Làm chưởng ấn, cha thừa biết, nào có ai dạy được linh mục; dẫu linh mục thường được khuyên nên coi giám mục như thày dạy, như bố của mình. Thôi thôi, làm thuê cho dân Chúa đủ rồi, vì có làm đến giáo hoàng cũng chỉ là làm thuê mà thôi. Có một linh mục già thuộc dòng Bênêdictine nói với tôi rằng, muốn thảnh thơi thì đừng bao giờ làm chính xứ, chớ dại khoác cái ách chính vào mình. Xin cảm ơn cha, tôi trở về dọn đồ.
- Tôi chỉ nói cho cha biết thế để khỏi phải lạ lùng khi bài sai mới trờ tới.
- Cảm ơn cha, xin chào cha.
 
Biết được thế, thôi thì mình gửi tạm sách vở nơi nhà một người quen, cha Lành thầm nghĩ. Đúng như lời cha chưởng ấn nói, chỉ một tháng 24 ngày sau, một bài sai mới được gửi đến và ngài phải di chuyển sang xứ St. Alphongsus, một giáo xứ người Mỹ, cỡ hơn ngàn gia đình. Lúc chuyển đồ đạc, sách vở qua giáo xứ mới, sau khi đã chất mấy thùng sách vô chiếc xe Camry V6, cảm ơn chủ nhà, nhân đi qua kệ còn một số sách phải chở chuyến sau, thấy cuốn Tao of Leadership, mỏng và chỉ bằng một phần tư tờ giấy thường của Mỹ gấp lại, thuận tay, ngài cầm lên ngó qua trong khi bước ra xe.
 
Không hiểu theo thói quen, điều gì cũng muốn biết hay muốn được nhắc lại những gì đã đọc qua mà không để ý, cha Lành lật lật trang sách, nơi trang 2, ngài đọc được, “What comes first, ends up last.” Ngài chợt hiểu, nào có điều gì mới đâu, thì bất cứ lần đầu tiên làm việc nào, kết quả cũng đều tệ nhất khi so với cả ngàn lần thực hiện công việc ấy. Tại sao lần đầu tiên mình đọc được mấy dòng chữ này. Ghé người ngồi vào ghế lái xe, ngài để ý đọc lại cho rõ hơn, thì thấy sách được ghi, “Who comes first, ends up last.” Giật mình vì mới 44 tuổi mà đã nhìn lộn, coi chừng mắt mình sắp lão rồi. Hèn chi phúc âm được viết, nhiều kẻ trước hết sẽ trở nên sau hết. Đã bao lâu nay, câu phúc âm thật khó hiểu, thì ra đổi câu nói nơi Lão học ráp vô. Phải đặt lại vấn đề phúc âm được viết như thế nào, ngài thầm nghĩ.
 
Câu phúc âm đã bao lần khiến đầu óc mình đảo lộn, không biết suy nghĩ, giải thích thế nào cho hợp tình hợp lý, “Nhưng có nhiều kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết, và có những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết”  (Mt. 19:30). Ai ngờ, câu này đã có từ nơi Lão học cả bao đời trước được diễn hóa thành. Lời Chúa, lời khôn ngoan chỉ về trạng thái thực hiện sự việc lại đổi sự việc thành “Nhiều kẻ,” chẳng khác gì câu nói của Huệ Thi, “Lửa thì không nóng, nhưng tại mình cảm thấy nó nóng.” Thế ra, những câu nói nơi phúc âm dược diễn xuất cùng một kiểu cách của các câu nói nơi đạo học. Phải để tâm nhận định và nghiệm xét kỹ hơn, cha Lành tự nhủ. Niềm vui nào đó bùng lên trong tâm trí. Vậy, những câu, “Nếu mắt ngươi làm cớ ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:9), nói về trạng thái nào? Hoặc, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37), nói về chuyện gì nơi cuộc đời?
 
 *  *  * 
 
 - Cha Lành, tôi đang nghe.
- Thưa cha, con đã nói chuyện với ông Thân, trình bày ý muốn của cha và được ông ấy vui vẻ nhận lời mở cửa nhà thờ, dọn đồ lễ. Ông ấy nói, nếu được cơ hội giúp việc nhà thờ thì sung sướng biết bao; đó là phương tiện tuyệt vời để hòa nhập tâm tình cầu nguyện với hành động phục vụ nhà Chúa. Có điều, ông ấy hỏi con chìa khóa; con nói con không có và sẽ hỏi lại cha. Con có hẹn ông tới gặp cha chiều thứ sáu vì chiều thứ bẩy cha sẽ dâng lễ tại xứ con.
- Tốt. Hôm nay là thứ hai, còn những mấy ngày nữa mà. Tôi đã có cả chùm chìa khóa, mười mấy cái, đang định ra Walmart làm thêm mỗi thứ một cái để trao cho những ai phụ tránh phần việc sau này. Thứ sáu tôi sẽ dọn đồ tới, có lẽ chỉ trong một ngày, hai chuyến xe, sáng một chuyến và chiều một chuyến, chỉ có sách vở và quần áo. Hay là bà hẹn ông ta cỡ 10 giờ sáng thứ bẩy tại nhà xứ; bởi coi chừng, thứ sáu tôi phải lái xe, chuyển đồ, bất tiện giờ giấc chăng; bà làm ơn được không.
- Vâng, con sẽ hẹn ông ta tới nhà xứ gặp cha lúc 10 giờ sáng thứ bẩy. Cha có cần con giúp cha điều gì nữa không?
- Hội đồng giáo xứ họp vào ngày nào bà có biết không?
- Thưa cha, thường vào tối thứ sáu tuần thứ ba hàng tháng.
- Như vậy là tốt; tôi nghĩ bà nên tham dự cuộc họp hàng tháng của hội đồng giáo xứ. Tôi sẽ giải thích khi gặp bà.
- Thưa cha, họp hội đồng giáo xứ thì liên quan gì đến con. Hội đồng giáo xứ đã có thư ký riêng; con chỉ là thư ký cho nhà xứ thôi mà.
- Tôi giải thích sơ sơ để bà hiểu. Hiện nay, được gọi là hội đồng giáo xứ nhưng thực chất chỉ là hội đồng mục vụ, cánh tay nối dài của linh mục chính xứ, làm theo mệnh lệnh, hoặc những gì cha xứ muốn. Hội đồng giáo xứ theo đúng nghĩa và nhiệm vụ chính là hội đồng điều hành giáo xứ chứ không phải tay sai của cha xứ. Dẫu bà chỉ là thư ký nhà xứ nhưng mọi liên hệ công việc điều hành giáo xứ cũng như phần hành công việc bà cũng cần được biết để trả lời đôi khi phân phối cho xuôi chảy. Những chuyện gì bà không thể quyết định hay trả lời được, mới chuyển qua cha xứ để giải quyết. Bà thử nghĩ coi, giả sử có người cần “Food voucher,” hoặc lỡ đường cần “Gas voucher” trong khi cha xứ không hiện diện thì họ phải đợi đến bao giờ. Hoặc ai đó cần ngân phiếu mua gì cho nhà thờ, lại phải đợi cha xứ quyết định thì còn ai muốn làm việc cho nhà thờ nữa.
- Nhưng con có giữ tập ngân phiếu đâu.
- Tất nhiên bà sẽ có; bà sẽ ký ngân phiếu trả lương cho bà và cho tôi. Tôi không muốn ôm tập ngân phiếu, không muốn ký ngân phiếu. Bà là thư ký nhà xứ, luôn luôn làm việc tại văn phòng thì giữ “Vouchers” và tập ngân phiếu tiện hơn. Thứ sáu, sau chuyến xe thứ nhất chuyển đồ, cỡ chừng 10 sáng, tôi sẽ gặp bà, sẽ có nhiều chuyện cần được phân định minh bạch. Sáng thứ hai, bà và tôi sẽ tới ngân hàng để làm thủ tục ghi danh ký ngân phiếu, đồng thời tôi sẽ hỏi xem ngân quỹ của giáo xứ có bao nhiêu nơi ngân sách tòa giám mục.
- Tại sao cha muốn con ký ngân phiếu?
- Tôi không muốn dính dáng gì tới tiền bạc, và không bao giờ muốn phải trả lời về ngân sách giáo xứ. Cái ông thần tài không tử tế gì với tôi cả; nên tôi không muốn đôi khi bị trở thành tội đồ cho người khác hạch hỏi. Tôi chỉ biết tiêu tiền của tôi, còn hay hết, không ai có quyền chất vấn về bất cứ lý do gì.
- Sao cha lười thế? Bà thư ký diễu.
- Đây không phải là lười mà chỉ là không muốn dây vào phiền hà vô ích. Bà thử đặt vấn đề tại sao người ta không muốn cho tiền nhà thờ, có phải vì họ tưởng nhà thờ có nhiều tiền nên không cần cho. Bà thử tính coi, một tuần chỉ được tối đa 800; hàng tháng trả lương cho bà hai ngàn, chỉ còn lại ngàn hai, thế rồi tiền điện, nước, phone, bảo hiểm nhà thờ, nhà xứ, văn phòng, thì mỗi tháng giáo xứ thiếu hụt bao nhiêu. Nhưng không sao, tôi sẽ nói chuyện với bà sáng thứ sáu. Chào bà.
- Chào cha.
 
Nói ra ít điều để bà thư ký chuẩn bị tinh thần tránh ngỡ ngàng khi phân định rõ ràng nhiệm vụ nơi giáo xứ, cha Lành thầm nghĩ. Còn những phần việc khác thì sao, cần thời gian tìm hiểu, nhưng tìm hiểu từ đâu, thế nào, tất nhiên cần nhận định của các thành viên hội đồng giáo xứ. Không hiểu họ có phân biệt được vị thế và nhiệm vụ của họ không vì đây là giáo xứ miền quê, xưa nay chỉ biết tuân phục và thi hành những mệnh lệnh từ cha xứ. Cái gánh ngân quỹ, tài chánh nơi một giáo xứ người Mỹ quả là đại họa cho cha xứ nếu ngài điều hành theo kiểu toàn trị. Đã bao lời ca thán, “Lời Chúa thì không thấy đâu, các cha chỉ biết gào tiền.” Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời thì không ai biết Tin Mừng Ngài rao giảng là gì; mà những lời kêu gọi giúp góp, tuần này thu tiền lần thứ hai cho việc này, việc kia, tuần sau cho Phi Châu, tuần khác cho địa phận; tuần nào cũng hai lần thu tiền thành ra cha trở thành kẻ gào tiền.
 
Thử hỏi, dân Chúa cho nhà thờ chỉ được 800 một tuần thì thu tiền lần thứ hai, người ta sẽ cho được bao nhiêu, mà tuần nào cũng có lần hai. Làm sao đây, phải làm gì để dân Chúa biết giáo xứ đang rơi vào cảnh phá sản vì ngân quỹ thiếu hụt mà rộng tay cho thêm. Khổ nỗi, nơi đại chủng viện, không có bài vở nào dạy cách khuyến dụ dân Chúa cho tiền. Cha Lành thở dài, chưa về xứ mới đã bị gánh nặng tài chánh làm phiền. Tại sao dân Chúa không cho tiền? Nói theo bà thư ký thì tại cha xứ muốn làm nhà thờ mới. Làm nhà thờ mới để làm chi trong khi nhà thờ, dẫu cũ, nào có thiếu chỗ ngồi cho dân Chúa đâu. Con giun xéo lắm cũng quằn. Coi chừng, coi dân Chúa như hàng tôi tớ, nô lệ, sự thể, “Chó cùng cắn dậu,” đã xảy ra nhiều nơi. Mà xây nhà thờ mới để làm gì, cho danh vọng của linh mục được tỏa sáng hay sao? Xây nhà thờ mới chỉ gánh thêm món nợ mới, ít nhất đeo đẳng 30 năm. Linh mục đến rồi đi, gánh nợ dân Chúa phải gồng mình trả; cha Lành thở dài. Chúa có cần nhà thờ không? Nếu dân Chúa cần nhà thờ, tất nhiên, họ tự động sẽ đề xướng, xung phong xây. Thế nên, nhà thờ mới bị coi là nhu cầu của cha xứ chứ không phải của dân Chúa. Ý nghĩ, nhà thờ, thờ phượng Chúa thì Chúa hay dân Chúa xây, đâu mắc mớ gì tới mình, giúp tâm trí cha Lành có chút bình an. Nhưng vấn đề ngân quỹ cứ dai dẳng đeo đuổi thách đố và ép buộc ngài phải suy tư. Chúa muốn gì khi bị du mình vô trường hợp này?
 
Phải giải quyết thế nào trong khi không biết gì về giáo xứ mới. Có biết chứ, ngài tự thầm trả lời, biết rất rõ mình chưa biết chi để giải quyết. Ôi con đường mịt mù! Câu nói nào gán ép vô đức Giêsu, “Gánh tội trần gian,” chợt thoáng qua tâm trí, cha Lành tự diễu, dân Chúa được dạy ăn năn thống hối, hy sinh, hãm mình, xưng tội, làm việc đền tội, thì đâu còn tội mà gánh. Mình bỗng nhiên phải gồng mình gánh món thiếu hụt ngân sách, và đối diện thái độ bằng những bước chân ra đi. Nói toáng ra cho mọi người biết. Không được, coi chừng bị cho là chỉ trích người đã ra đi, sẽ bị phản tác dụng. Im lặng tìm cách giải quyết! Vấn đề là tiền bạc chứ không phải mưu mô, lừa đảo. Dân Chúa không dốt đến nỗi có thể lừa, ép họ được đâu. Mình có giỏi lắm thì chỉ có cao học trong giới hạn thần học, thiên hạ tiến sĩ tài chánh, bác sĩ nọ, kỹ sư kia, đáng bậc thầy của mình trong địa hạt chuyên môn của họ. Phải làm sao, phải làm sao. Chúa ơi, cái gánh nặng ngân sách này có nhẹ hơn thánh giá của ngài vác trên đồi Calvê năm xưa không. Cha Lành than thầm, kêu Chúa nhưng biết chắc Chúa chẳng thèm nghe. Chúa chẳng thèm nghe, cha Lành nghĩ, vì Chúa biết tạo dựng hết mọi sự, nhưng không tạo ra tiền.
 
Rồi chuyện đến, cũng phải đến; cha Lành lái xe mà lòng nặng nề không biết phải nói với bà thư ký ra sao. Suốt hai tuần, từ khi nói chuyện với bà thư ký, biết được cách điều hành của cha xứ cũ theo kiểu toàn trị, khiến ngài hiểu được câu mà có lần khi còn đang theo trung học ở Việt Nam, nghe lóm mấy người lớn nói lóng, gọi linh mục là “Đức chúa trời ngôi thứ tư.” Cụ khác thì phát biểu “Mỗi cha một l‎ý đoán.” Thực ra, suốt thời gian học thần học, cha Lành chỉ lo học hành, vật lộn với ngôn ngữ sao cho bài vở suông sẻ. Mỗi lần vô thư viện kiếm sách viết bài, ngài thấy mình thật bé nhỏ giữa những hàng kệ sách chạy dài được sắp xếp ngay ngắn, nghiêm trang âm thầm thách đố học viên tham khảo. Có lần, đi ngang qua khu tín lý, một quyển sách mỏng, nhỏ bằng bàn tay năm ngón xếp lại, có lẽ ai đó lật xem thử nhưng không cần mượn, đã quên xếp trở lại chỗ cũ, nằm kề chân hàng sách đứng ngay ngắn. Lòng cha Lành thầm ước mình có thể viết dù chỉ một cuốn sách nhỏ khiêm nhượng như thế. Ước thì ước, mơ thì mơ, bài vở của chương trình thần học liên tiếp cuốn hút che mờ, và dần chôn niềm mơ mỏng dòn theo thời gian của những ngày tháng nơi đại chủng viện.
 
Đối diện với những năm tháng làm phó nơi các giáo xứ người Mỹ, cha Lành càng ngày càng thấy rõ, những thăng trầm nơi giáo xứ lại bắt nguồn từ những phương cách điều hành của các linh mục chính xứ. Cha nào biết dẹp bớt cái tôi để hội đồng giáo xứ thực hiện nhiệm vụ của họ thì thảnh thơi lo bề mục vụ và phụng vụ đúng với thiên chức theo tôn giáo của mình. Cha nào đầy quyền năng, tài giỏi, sử dụng hội đồng mục vụ hầu hoàn thành chiều hướng tuyệt vời của mình, thì suốt ngày bận rộn, xoay như con tù vụ; nhiều khi tâm trí phải thất điên bát đảo bởi quá nhiều công việc cần được giải quyết trong giới hạn ngắn thời gian. Còn nhớ khi cha Lành làm phó nơi một giáo xứ nọ có trường tiểu học công giáo, không ngày nào là không có ít nhất hai em học sinh bị giáo viên sai đến gặp cha xứ để được khuyên nhủ, dạy dỗ, răn đe vì lỗi lầm nào đó. Cha Lành ghé thăm các lớp ba lần, sau đó được các giáo viên đề nghị xin đừng thăm các lớp nữa. Lý do, cứ mỗi lần ghé thăm, giáo viên không thể nào giữ được trật tự bởi các em bộc phát tâm tình vui thích một cách quá khích.
 
Nào có chi đâu, cha Lành cảm thấy, hình như xưa nay, sự hiện diện của linh mục đối với các em được nhấn mạnh quá “Kính nhi viễn chi,” nên khi được cha Lành ghé thăm lớp, bắt tay từng em một thì tâm tình bộc phát một cách quá khích, nào có chi lạ. Trẻ em người Mỹ mà, chúng tự nhiên, đơn sơ bộc phát niềm vui tự do, dễ dàng, đơn sơ, không giới hạn vì quan niệm khuyến khích tự nhiên phát triển. Ngày cuối năm của trường tiểu học nơi một giáo xứ cha Lành giữ nhiệm vụ phó khi mới chịu chức, nhà trường thuê trung tâm sinh hoạt của thành phố, tổ chức mỗi lớp trình diễn một mục, hoặc vũ tập thể, hoặc hát. Lớp 4 và lớp 5 thì có diễn kịch giai thoại hay thần thoại đơn sơ. Vừa bước qua khỏi cửa trung tâm kề sát sân khấu được mấy bước định kiếm ghế ngồi đã được ghi tên sẵn, một giáo viên trên ban công, nơi dành cho các em học sinh diễn viên la lên,
- Mời cha Lành lên ban công giúp kẻo các em không thể nào giữ trật tự được.
 
Ngước mắt nhìn tới ban công nơi phát ra giọng nói, cha Lành thấy cả rừng tay giơ lên vẫy vẫy; có những em đội nón, mũ sặc sỡ, nhẩy choi choi vẫy tay coi bộ vui thích lắm khi thấy ngài bước vô. Ngài ngỡ ngàng bởi có bao giờ dám nghĩ tới sự thể hỗn loạn có thể xảy ra vì mình đâu. Ngài giơ cao tay phải khua khua và nói lớn,
- Các em giỏi lắm. Tôi hãnh diện vì các em, và vội bước xuống cuối hội trường, leo cầu thang lên ban công bắt tay từng em một và bảo chúng ngồi xuống, giữ trật tự, đồng thời lại cũng phải ở trên ban công với chúng đề phòng cảnh hỗn loạn có thể xảy ra, khó cho các giáo viên giữ chương trình trình diễn. Vui thì có vẻ vui, nhưng phiền thì thật là phiền.
 
Nào có oai phong gì đâu. Trẻ vẫy tay để chúng được chú ý chứ đâu phải để chào mừng ngài, cha Lành nghĩ, nhưng mọi người có thể nghĩ chúng đón ngài. Đúng là “Qu‎ýt làm cam chịu.” Nơi xứ kia, thày cô phải yêu cầu cha Lành đừng ghé qua lớp thăm trẻ, và rồi lại bị cha chính xứ phê bình nơi tòa giám mục là không chịu thăm các lớp học. Trẻ nhốn nháo loạn lên để gây chú ý của cha Lành giữa bàn môn thiên hạ; bố mẹ các em đang hiện diện sẽ nghĩ sao; cha xứ sẽ phê bình thế nào về mình nơi tòa giám mục! Đúng là mối họa dễ thương, dễ thương chẳng khác gì đang ăn món ngon, chợt cắn phải lưỡi.
 
Nơi mình đang làm phó cũng xảy ra chuyện hi hữu, khi nghe bà trưởng ban giáo lý trường tiểu học công giáo kể lại. Cháu của bà học lớp bốn khóc sướt mướt khi nghe tin cha Lành đổi đi làm chính xứ. Về tới nhà con bé vẫn còn khóc. Mẹ con bé hỏi tại sao, con bé nói, cha Lành, nhỏ con như chúng nó, bị đổi đi xứ khác. Đến khi biết, bà trưởng ban giáo lý nhà trường giải thích rằng cha Lành đổi về làm chính xứ của xứ gia đinh nó đi lễ, cháu mới hết khóc.
 
Còn đang miên man với mấy kỷ niệm chẳng ngờ, xe đã trờ tới văn phòng xứ mới. Bà thư ký thấy bóng xe bước ra hè đón ngài.
- Chào cha, cha có cần người giúp khuân đồ mang vào nhà không?
- Không cần đâu, tôi có thể tự làm được. Bây giờ tôi cần nói chuyện với bà trước; mình vô văn phòng thôi.
 
Bà thư ký là một người đẫy đà, phốp pháp, vui vẻ, hơi cao hơn ngài, nhưng to gấp đôi; ăn mặc bình thường theo kiểu dân quê.
- Cha dùng gì? Cà phê hay nước ngọt, để con lấy?
- Cà phê ở đâu, tôi tự lấy vì tôi dùng đường theo kiểu của tôi.
- Để con lấy ly cho cha.
Theo bà thư ký tới bàn cà phê và đón chiếc “Cup” bà thư ký đưa cho, cha Lành rót cà phê và pha đường đoạn bước theo bà vô văn phòng.
- Mọi sự bình thường? Có chuyện gì mới lạ không, thưa bà.
- Không có chi đặc biệt. Cha xứ cũ mới đưa cho con chùm chìa khóa sáng nay sau lễ, trước khi ngài rời đi xứ mới.
- Tôi cũng làm thêm một chùm chìa khóa phụ. Như vậy, bà giữ một chùm, tôi một chùm, và chùm khác, phân chia cho những người sẽ giữ những phần vụ riêng biệt. Vấn đề lại là sao có được những người giữ những phần việc ấy. Có lẽ phải đợi ít nhất vài tuần lễ sau khi họp hội đồng giáo xứ. Nhưng làm sao biết ai muốn giúp, bà làm ơn viết một thông báo đại khái nói rằng giáo xứ cần một số thành viên lo một vài phận vụ riêng biệt; nếu ai có thời giờ và có thể tham gia, mời họ tới họp với hội đồng giáo xứ vào ngày giờ tối thứ sáu của tuần thứ ba tháng này. Ngày nào và tại văn phòng giáo xứ, bà nhớ ghi cho rõ.
Chờ bà thư ký ghi trên máy vi tính xong, cha Lành nói tiếp.
- Tôi nói thẳng và nói thật đôi khi gặp phiền hà bởi không dùng đúng ngôn từ nơi Anh ngữ; bà cũng biết; tôi tới đất nước này khi đã lớn tuổi, nên không thể nào sử dụng cái ngôn ngữ nói một đàng, viết một nẻo như người bản xứ được; do đó, bà nên hiểu cho tôi vì đôi khi do không biết tiếng lóng hay thành ngữ, có thể tôi dùng chữ phạm vào những trường hợp cấm kỵ của thành ngữ, tạo nên sự kệch kỡm nơi lối ăn nói, dẫu ý định rất đứng đắn.
- Sao cha phải dặn con điều này.
- Khi còn đang theo học thần học, tôi có vô tình đọc được cuốn “Dirty English” mà bây giờ cố tìm nó để tránh mà kiếm không được nên phải dè chừng. Điều đầu tiên tôi muốn minh xác; đó là về vai trò của bà từ nay.
- Sao, thưa cha, cha định thay đổi chi về số phận của con? Bà thư ký mỉm cười hỏi diễu.
- Tôi không có quyền và cũng không muốn có quyền định đoạt số phận của bà; vì tôi không phải là nhà phù thủy, nhưng bà làm việc ở đây đã lâu; bà lại là người bản xứ, biết rõ từng gia đình và tính chất của người địa phương, hay cách sinh hoạt, thói quen theo tập tục của họ. Thế nên, nếu họ kêu ca, phiền hà gì về tôi thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu họ kêu ca, phiền hà gì về bà, tôi sẽ yêu cầu bà thôi việc. Đây là điều rất nghiêm chỉnh, tôi phải nói trước.
- Vấn đề thứ hai, đó là, bất cứ chuyện gì trong giới hạn bà có thể giải quyết cách nào đó, bà giải quyết ngay tức khắc. Những trường hợp nào không thể giải quyết hoặc liên hệ đến điều luật công giáo, bà hãy trả lời để nói lại với tôi, và tôi sẽ giải quyết. Bình thường, ngày thứ năm, tôi thăm và kiệu mình thánh cho những người già yếu, hay những người bệnh hoạn không thể tới nhà thờ. Ngày thứ sáu thăm bệnh viện nếu có người trong xứ ở đó. Bà cũng làm ơn ghi thêm thông báo, yêu cầu các gia đình gọi về văn phòng cho nhà xứ biết nếu có ai trong gia đình phải vô bệnh viện để tôi tới thăm và nếu cần, xức dầu vào ban ngày, tránh cảnh gọi xức dầu lúc nửa đêm tối trời. Thông báo này nên luôn đăng trên tờ mục vụ hàng tuần; đồng thời cũng ghi danh sách những người thuộc giáo xứ đang ở bệnh viện để mọi người cầu nguyện cho họ.
 
- Tất nhiên, từ nay, bà làm tờ mục vụ. Lên nét, có những “Websites” đã có sẵn những gì cần thiết, và nếu những vấn đề nào dân Chúa cúa giáo xứ cần biết thêm, hay khúc mắc, ghi vô giấy, đặt ở bàn làm việc cho tôi biết trước ngày thứ năm, và tôi sẽ góp ý đồng thời lựa ngôn từ sao cho thanh lịch để diễn giải. Điều cần để ý đó là dân Chúa rất tinh tế, dễ bị tổn thương; do đó dùng ngôn từ cần cẩn trọng tránh gây phản cảm. Nếu có những ý kiến, dù thế nào, bà làm ơn ghi nhận, không giải thích, và hãy trả lời rằng sẽ cho tôi biết để sửa đổi. Đương nhiên sẽ có những ý kiến đôi khi rất nghịch tai, chớ vội nóng, cứ nói rằng sẽ cho tôi biết và cảm ơn họ. Phần chi thu của giáo xứ cũng nên ghi rõ ràng, ngắn gọn, không cần chi tiết, thêm câu cảm ơn sự đóng ghóp của giáo dân, và xin Chúa trả công bội hậu cho họ. Trong trường hợp có những chi phí cho công việc nào đó, chẳng hạn sửa nhà thờ, nhà xứ, văn phòng, cũng nên ghi ngắn gọn chi hết bao nhiêu, và ngân quỹ của nhà thờ hiện có hay thiếu hụt bao nhiêu. Bất cứ ai muốn biết về ngân quỹ nhà thờ, cứ việc cho họ biết, không cần che dấu, và thứ hai, bà sẽ ra ngân hàng với tôi đề ghi danh ký ngân phiếu.
 
- Trước khi lên khuôn tờ mục vụ, bà làm ơn gọi hỏi các hội đoàn, sau này, những trưởng hội sẽ là thành viên của hội đồng giáo xứ, thế nên hỏi thư ký của hội đồng giáo xứ xem có những thông báo nào không, và ngắn gọn đăng lên tờ mục vụ. Khi họp hội đồng giáo xứ, có lẽ tôi phải nhờ nhóm CYO lấy quảng cáo của bất cứ công ty hay cửa tiệm nào, nhờ họ bảo trợ chi phí cho tờ mục vụ. Nơi phương trình vi tính có mục ghi nhận tiền dâng cúng để cuối năm gửi phiếu thông báo cho họ trừ thuế. Giấy báo cá nhân, bà lập thành mẫu và ký với danh hiệu thư ký nhà thờ hoặc nói trưởng ban ngân quỹ ký cũng được. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều điều cần từ từ giải quyết, bà làm ơn ghi giấy để trên bàn làm việc của tôi, và tôi sẽ trả lời trên giấy trắng mực đen tránh quên sót. Đó là những điều trước mắt cần thực hiện. Tạm thời, bà có điều gì cần hỏi không?
-  Cha nghỉ ngày nào?
- Tôi quên, thường là ngày thứ hai.
- Thưa cha, thứ hai nhóm đếm tiền làm việc.
- Họ đếm tiền thì liên hệ chi tới tôi. Bà đem tiền bỏ vô ngân hàng, giữ sổ sách. Thường thì tiền nhà thờ thu được do ai giữ và để ở đâu?
- Cha quên rồi à? Lần nói chuyện với cha, con đã nói do cha xứ mang đến cho họ đếm.
- Cảm ơn bà, tôi không để ý. Tôi sẽ yêu cầu hội đồng giáo xứ mua một “Safe box” (két sắt) đặt ngay trong phòng áo, và nhờ ai đó, hay chính bà lấy tiền đem về cho họ đếm. Tôi không muốn đụng đến, nói cho đúng, tôi không muốn biết chi về nó. Tiền của nhà thờ, Chúa phải lo. Chúa đã không tạo dựng tiền nên tôi không dại gì ngó đến, chỉ thêm phiền hà.
- Cha cho con số điện thoại riêng của cha để nếu có chuyện gì cần kíp bất chợt trong ngày cha nghỉ, con có thể liên lạc.
- Được, nhưng xin bà đừng cho bất cứ ai biết. Thế còn gì nữa không, tôi phải xuống hàng và kiếm gì ăn trưa.
- Cha có muốn ăn trưa với con không; cha muốn ăn gì để con đi mua.
- Nhà xứ có trả tiền ăn trưa cho bà không? Văn phòng có quỹ riêng phòng hờ không?
- Thưa cha có quỹ riêng nhưng bữa trưa thì không có. Tuy nhiên, thực phẩm của nhóm đếm tiền do họ mang đến luôn luôn không thiếu. Cha muốn dùng bữa trưa nấu tại đây hay con đi mua thực phẩm nơi tiệm?
- Từ nay, tiền lễ, bà bỏ vô ngân quỹ ăn trưa cho bà và tôi và nếu có dư, chi dụng cho văn phòng. Nếu thiếu, làm ơn cho tôi biết. Vậy trưa nay mình sẽ ăn gì?
- Cha muốn dùng bánh mì thịt nguội hay “Hamburger?”
- Bánh mì thịt nguội cho mau, tôi còn phải rỡ hàng và đi chuyến khác.
- Cha muốn uống gì?
- Để tôi pha cà phê mới. Cảm ơn bà.
 
Bà thư ký lấy hai khúc bánh mì bỏ nơi lò hấp, vặn nút điện, đoạn lấy từ tủ lạnh ra một khay trên đó có thịt heo nguội, gà tây, đã được cắt mỏng, san ra một phần vào một đĩa nhôm và bỏ vào lò đang nướng bánh mì. Cà chua, dưa leo muối, được xắt mỏng và xếp vô đĩa sành, cộng thêm lọ nhỏ hột cải, mayonnaise, tất cả được đặt trên chiếc bàn dài. Khi cha Lành bưng ly cà phê tới chiếc bàn thì mọi sự cũng đã sẵn sàng.
- Cha có muốn coi qua tờ mục vụ không? Ngày mai khi lấy về con sẽ ghé qua đưa cho cha trước lễ chiều.
- Tôi nghĩ không cần thiết đâu vì đàng nào thì nó cũng đã được in ra. Sau lễ tôi sẽ lấy một bản, nếu có gì cần thêm vào hay sửa đổi, tôi sẽ cho bà biết sau.
- Con nói điều này, xin cha để ý, đó là đôi khi có những bài giải thích lời Chúa, không biết với dân chúng thế nào, nhưng đối với con, con thấy hơi khó chấp nhận vì có vẻ giải thích lời Chúa một cách áp đặt. Thế nên, con nghĩ, trước khi gửi đi in, thường thì vào hai giờ chiều thứ năm, con sẽ in ra một bản đặt nơi bàn làm việc. Cha nhớ dành giờ coi qua để 4 giờ chiều, trước khi rời văn phòng con có thể gửi đi in qua “Email.”
- Như thế cận giờ và thiếu uyển chuyển, bởi nếu có gì muốn sửa đổi, lại trùng hợp với việc nào khác sẽ gây phiền phức. Tôi nghĩ, những phần có thể thay đổi như ý nghĩa chính yếu của bài phúc âm, chỉ cần trích một câu, đoạn ghi chú ngắn gọn nhất nếu có thể. Mục đích khuyến khích dân Chúa suy tư chứ không nên giải thích.
- Tại sao cha nói không nên giải thích?
- Tôi nghĩ bà biết nơi phúc âm có câu, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Theo bà thì câu này muốn nói gì? Bà cứ tự nhiên phát biểu, không cần biết đúng hay sai vì đúng đối với tôi, coi chừng sai đối với bà hoặc ngược lại; chẳng nên e ngại gì.
- Thưa cha, chính câu này làm con thắc mắc hoài nhưng vẫn không hiểu lý do gì hoặc vì sự việc, sự thể nào, mà Ký lục và Biệt phái bị lên án nặng nề như thế. Ký lục và Biệt phái là những người rành rẽ về lề luật và am hiểu lời Kinh Thánh, thuộc hàng thày dạy nơi dân Chúa thì sao lại nói họ khóa Nước Trời, chận người ta lại, để rồi kết án họ nặng nề hơn bất cứ ai.
- Bà có nghe thấy con chim đang hót không? Đó đó, nó đổi giọng hót tuyệt vời.
- Con “Mocking bird” đó cha, nó thay đổi giọng hót tới bẩy kiểu khác nhau.
- Sao bà biết nó là “Mocking bird?” Nó ăn ngủ thế nào, làm tổ nơi nao, và đẻ trứng vào mùa nào?
- Con có bao giờ để ý đến những điều đó đâu. Thấy người ta gọi nó là “Mocking bird” thì con biết vậy thôi.
- Vậy bà chưa bao giờ có ý định tìm hiểu về nó à?
- Thì đã biết nó là “Mocking bird” còn tìm hiểu làm chi.
- Bà đã được người ta giải thích bằng cách gọi tên nó là “Mocking bird” do đó, bà không cần tìm hiểu về nó. Thế nên, chẳng khác gì dân Chúa, Ký lục và Biệt phái giải thích cho dân Chúa về Nước Trời theo quan điểm hạn hẹp của họ khiến dân Chúa tưởng rằng, nghĩ rằng, hoặc tin rằng họ đã biết Nước Trời rồi nên không cần tìm kiếm nữa. Bởi vậy, giải thích về Nước Trời tức là khóa Nước Trời, chận người ta lại. Bây giờ bà đã hiểu tại sao Ký lục và Biệt phái bị kết án nặng nề như thế chưa.
- Sao con chưa bao giờ nghe thấy ai hoặc đọc được ở đâu nêu lên nhận định như thế. Giải thích về Nước Trời tức là khóa Nước Trời, chận người ta lại. Hèn chi cha nói không giải thích. Nhưng không giải thích sao người ta hiểu, thưa cha.
- Thì bà đã được giải thích con chim đó là “Mocking bird” nên bà không tìm hiểu nữa mà.
- Cảm ơn cha; vậy thì xưa nay tất cả những sự giảng giải về phúc âm đều đã bị lên án mà đâu ai biết! Cha, cha nói như thế nghĩa là sao?
- Nghĩa là người ta đang khóa Nước Trời, chận người ta lại nhưng vẫn tuyên xưng rằng truyền bá, rao giảng phúc âm, vẫn hô hào tin vào Chúa, tin vào đức Kitô, vẫn hô hào truyền giáo.
- Cha làm cho con khùng lên rồi, không biết thế nào nữa!
- Bà nói chi, phỏng người khùng có biết họ khùng không?
- Cha mới chỉ nói mấy câu mà con không còn biết thế nào để nhận định nữa. Mà sao cha có thể nghĩ ra được như thế?
- Bà sẽ còn bị nghe nhiều người nói với bà là tôi làm họ khùng lên như bà vừa nói nếu họ thực tâm nghe tôi nói. Đó chính là lý do đầu tiên tôi nói với bà, nếu dân Chúa kêu ca về tôi thì không sao nhưng nếu kêu ca về bà thì bà sẽ bị thôi việc. Sao lúc tôi nói thế bà không khùng lên mà bây giờ lại khùng?
- Tại lúc đó con có hiểu gì đâu, chỉ nghĩ rằng đó là lời răn đe phải tế nhị với người ta thôi.
- Thôi, để tôi trình bày ngắn gọn một điều rồi còn phải đi bỏ đồ ra khỏi xe và chở chuyến khác. Đó là phúc âm được viết để nghiệm xét, suy tư chứ không phải để được giải thích. Bây giờ bà đã hiểu tại sao tôi nói không giải thích chưa? Thế nên, nơi tờ mục vụ hàng tuần, chỉ cần nêu lên một câu phúc âm chính yếu của ngày chủ nhật rồi đặt vấn đề khuyến khích dân Chúa suy tư ngắn gọn, kết quả thế nào, kiên nhẫn chờ. Chúa đã kiên nhẫn những hơn hai ngàn năm rồi, mình có gì mà vội. Thôi, cảm ơn bà đã chuẩn bị đồ ăn, tôi đi chuyển đồ vào nhà xứ.
- Con sẽ qua đó giúp cha.
Cha Lành lái xe; bà thư ký đi bộ qua giúp ngài chuyển những thùng sách vô nhà xứ.
 
0 – 0 - 0
 
Hơn 9 giờ sáng thứ bẩy, khi cha Lành còn đang nhâm nhi ly cà phê nơi phòng ăn, nhìn qua cửa kiếng chiêm ngưỡng chú chim “Cardinal,” nhảy nhảy, mổ mổ, nơi sân cỏ được cắt xén gọn gàng, đẹp mắt. Con chim dáng thon nhỏ, đầy sức sống với bộ lông màu đỏ nổi bật giữa đám cỏ xanh, gợi nơi tâm trí lời phúc âm nhắc nhở, “Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng. Các ngươi không hơn chúng sao?... Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng Ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông, cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó” (Mt. 10:26); trong khi ngài đang suy nghĩ không biết phải nói gì về câu phúc âm của lễ cuối tuần chiều nay, “Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức. Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. Vì chưng, ách của Ta thì êm ái, và gánh Ta lại nhẹ nhàng” (Mt. 11:28-30; CN thường niên 14 năm C). Dòng suy nghĩ miên man nối tiếp luẩn quẩn nơi tâm trí khiến ngài phải đặt lại vấn đề thường cố ý tự mình để tâm nhắc nhở, suy nghĩ, suy tư phát xuất tự linh hồn, đầu óc chỉ là phương tiện.
 
Chim trời, bông huệ có đời sống khác với con người. Khác điểm nào, chim sống theo bản năng, người sống theo ước muốn nên phát sinh nhiều liên hệ như nhiệm vụ, phần việc. Nếu người sống theo bản năng như chim, cuộc đời sẽ ra sao. Chẳng lẽ phúc âm khuyên nhủ mình nên sống theo bản năng và an bình chấp nhận thân phận như cây huệ dại nơi cánh đồng hoang vắng như vậy mới có được nỗi an bình, tĩnh lặng. Vậy giá trị kiếp người của mình sẽ như thế nào. Xét về giá trị, lấy gì làm mẫu mực đo lường. Nếu xét về giá trị nhân sinh, sẽ lệ thuộc ham muốn, tham vọng thế tục. Nơi lãnh vực tâm linh thì giá trị kiếp người được đặt trên quan điểm ra sao; ai đặt ra hay lại tùy thuộc chính mình? Vậy mình muốn gì? Là một linh mục, trách nhiệm của mình là gì, ước muốn ra sao? Thái độ, phương pháp nào nên được áp dụng để có tâm trí thảnh thơi, an bình giữa giáo xứ mà dân chúng hoàn toàn khác biệt với mình, từ tinh thần, văn hóa, đến cuộc sống cá nhân. Ách nơi phúc âm là loại ách nào mà êm ái và nhẹ nhàng? Nguyên tắc nào để dân Chúa có thể áp dụng hầu có nỗi an bình tâm tưởng. Mà người ta có muốn an bình tâm tưởng hay không? Không có ham muốn, tham vọng, sao đặt vấn đề giá trị cuộc sống, giá trị con người.
 
Tiếng gõ cửa phía trước cắt ngang suy nghĩ, cha Lành bước tới mở cửa, nghĩ chắc có lẽ là cụ Thân vì đã được hẹn trước.
- Con chào cha.
- Chào cụ, cụ là cụ Thân đến lấy chìa khóa nhà thờ phải không, thưa cụ.
- Thưa cha, bà thư ký nói con sáng nay tới gặp cha lấy chìa khóa mở cửa nhà thờ.
- Mời cụ vô, mời cụ đến phía sau dùng cà phê với tôi.
- Xin cảm ơn cha.
- Nhà cụ có ở gần nhà thờ không? Cha Lành hỏi khi hai người bước về phòng ăn.
- Cỡ năm dậm, thưa cha; cứ đi thẳng con đường này về phía bắc là tới.
- Thế gia đình cụ được mấy anh chị?
- Thưa cha, chúng con được hai trai, một gái. Tất cả chúng đã có gia đình và hiện nay con có được bẩy cháu, bốn cháu nội và ba cháu ngoại.
- Chúc mừng cụ. Vậy có anh chị nào ở quanh đây không?
- Thưa chúng đều ở gần nhà con.
- Cụ muốn dùng cà phê thế nào, sữa, đường, hay đen?
- Cha để con tự lấy cà phê cho hợp miệng.
Khi cụ Thân mang ly cà phê để trên bàn ăn và ngồi xuống, cha Lành lên tiếng,
- Nghe cha xứ trước nói rằng ngài thường mở cửa nhà thờ lúc 5 giờ sáng, mà tôi thường đi ngủ sớm lắm thì cũng hơn mười hai giờ khuya. Tôi cũng nghe được bà thư ký nói rằng cụ ngày nào cũng tham dự thánh lễ và thường tới nhà thờ trước sáu giờ nên muốn nhờ cụ mở cửa nhà thờ khi cụ tới. Và nếu có thể, nhờ cụ chuẩn bị đồ lễ để tôi có thêm được ít phút ngủ nướng.
- Con muốn làm việc này từ lâu thưa cha. Thời còn nhỏ con ở trong ban giúp lễ, từ thời còn lễ Latin ấy; nên nếu được phép dọn lễ thì còn gì hơn. Anh lớn nhà con ít nhất đã hai lần nói có ý muốn cắt cỏ nhà thờ vào những cuối tuần. Nó có ba mẫu đất, chiếc máy cắt cỏ loại thương mại, chỉ cần một tiếng đồng hồ là cắt sạch sẽ.
- Theo như cụ biết thì khu nhà thờ, nhà xứ, và văn phòng này nếu nhờ anh ấy chăm sóc, cắt cỏ hai tuần một lần thì mỗi lần phải trả công hết bao nhiêu.
- Không cần phải trả chi hết thưa cha. Gia đình, họ hàng nhà con xưa nay làm bất cứ gì cho nhà thờ, chưa bao giờ lấy dù chỉ một xu. Hơn nữa, công việc của nó cũng khá ổn; không đến nỗi thiếu tiền để mua xăng cắt cỏ.
- Không biết cha xứ tiền nhiệm có nhờ ai cắt cỏ nhà thờ không.
- Đôi khi con thấy ngài cắt, dùng máy của nhà xứ; có lúc con lại thấy ai đó chở máy cắt cỏ đến cắt. Theo con biết thì người ấy không đi nhà thờ ở đây. Chắc là ngài thuê.
- Tôi sẽ hỏi bà thư ký xem cha xứ tiền nhiệm có hợp đồng với ai cắt cỏ nhà thờ, nhà xứ và văn phòng không. Cụ có thể hiếng lời trước với anh con của cụ cắt cỏ nhà thờ dùm tôi được không. Tôi sẽ gặp anh ta sau khi biết rõ nhà thờ có vướng mắc hợp đồng với bất cứ ai chăng. Cụ làm ơn nghen.
- Con sẽ nói với nó. Cha yên trí, chắc chắn nó vui lắm vì nó cũng muốn hai đứa con trai của nó giúp lễ nữa. Hai cháu của đứa thứ hai cũng vậy.
 
Bốn em, ba gái một trai tuổi chừng mười bốn, mười lăm bước tới cửa sau nhà xứ, một em gái đưa tay kéo cửa nhưng không được vì khóa ở trong. Cha Lành vội đứng lên mở khóa và dịch cửa cho em.
- Chào cha, cha là cha xứ mới phải không? Cô giáo tụi con nói thế. “Welcome” cha tới xứ con.
Cha Lành bắt tay mấy đứa nhỏ đoạn hỏi,
- Chúng con có chuyện gì vậy?
- Chúng con muốn dùng phòng vệ sinh.
Chợt ngỡ ngàng, vì suốt mười hai năm làm phó nơi các giáo xứ khác, chưa bao giờ cha Lành gặp trường hợp như thế này. Tuy nhiên, ngài vẫn đứng lùi lại, nhường lối cho các em vô, đoạn trở lại ghế ngồi.
- Con nghe bà thư ký nói, hình như có một số em hôm nay tới lớp học giáo lý giúp việc chuẩn bị cho hội chợ vào tháng tới. Ông cụ Thân lên tiếng.
- Vào tháng tới à?
- Vâng thưa cha. Trên tờ mục vụ đã đăng lời kêu gọi sự đóng góp nhân lực, vật lực cho 3 ngày hội chợ vào cuối tháng tới.
- Sao tôi chưa nghe thấy bà thư ký nhắc đến chuyện này.
- Có một ủy ban hội chợ, thưa cha, gồm đại diện các đoàn thể, đứng đầu là chủ tịch hội đồng giáo xứ, hội CYO, hội Knight Columbus, hội Ủy Viên Giáo Lý, và một vài thành viên của hội đồng giáo xứ, cùng với một số người giáo dân xung phong. Họ họp hành, phân chia công việc và kiểm soát tiến trình. Mọi chuyện chuẩn bị được thông báo hàng tuần xem diễn tiến tới đâu, còn cần hay thiếu những gì thì kêu gọi thêm sự đóng góp. Nhóm trẻ CYO đôi khi có những sáng kiến mới cha không thể ngờ được. Chẳng hạn, các cháu có lần, mở một khu hàng bán mèo con, giá mắc mỏ lên tới 10 đồng một con mèo nhỏ. Cha biết đấy, mấy em nhỏ, đứa nào cũng thích con vật nên khi theo bố mẹ tới hội chợ, lại nằng nặc đòi có cho được con mèo bé bỏng để vuốt ve, ôm ấp. Lần khác, nhóm CYO mua về một số gà nhỏ và những hộp giấy. Cứ năm đồng một con và thế là hơn trăm con gà nhỏ, nội trong ngày đầu tiên đã bán hết sạch.
 
Nghe ông cụ Thân lửng thửng nói về hội chợ và sự việc xảy ra theo sáng kiến của ai đó nơi nhóm CYO mà cha Lành cảm thấy rúng động. Chuyện không có gì đáng để ý nhưng hình như gióng lên tiếng nói khích động suy tư tìm tòi, sử dụng mọi phương diện có thể đem lại lợi ích cho giáo xứ. Vị thế, phận vụ, của người lãnh đạo cần phải tìm hiểu về thực trạng, điều kiện, cũng như tâm tình dân Chúa để khuyến khích họ suy tư, suy nghĩ về phúc âm hầu nâng cao nhận thức tâm linh. Dẫu chỉ là sáng kiến nhỏ nhoi nhưng chúng coi chừng lại là ngòi nổ dẫn tới những biến chuyển, hành động, hay phương thức nào đó để giải quyết vấn đề. Một giáo xứ trẻ, những người trẻ có rất nhiều sáng kiến. Làm sao sử dụng hợp lý, hợp tình những sáng kiến của họ, mọi vấn đề sẽ được giải quyết; cha Lành thầm nghĩ, nên nói,
- Theo như nhận xét của cụ, điều cần nhất phải thực hiện hoặc giải quyết cho giáo xứ mình lúc này là chuyện gì? Cụ biết, tôi chỉ là một người nhập cư muộn màng nơi đất nước này, hoàn toàn khác biệt nhận thức, lối suy nghĩ, ngay cả lối sống, lại hoàn toàn xa lạ với mọi người. Nói cho đúng, chính ngay ngôn ngữ, lối phát biểu cũng thường gặp hiểu lầm bởi không biết dùng thành ngữ, tiếng lóng v.v…
- Cha đừng lo, cha đừng làm gì cả, cứ để chúng con làm. Cha không được học về trồng cây, cấy rau thì hãy để chúng con cấy rau. Nhà trường có bao giờ dạy cha đóng đinh, làm nhà, thì mắc mớ gì cha đóng đinh, cắt gỗ. Con nghĩ, cha được huấn luyện về việc phần hồn thì chỉ nên lo việc phần hồn cho giáo xứ. Còn mọi chuyện khác, cứ nói cho chúng con biết, chúng con lo hết mọi sự. Dân chúng ở đây là dân quê, không hình thức màu mè, có sao nói vậy; cha đừng lo, chúng con sẽ không là gánh nặng cho cha đâu.
- Tôi hỏi cụ, theo nhận định của cụ thì chuyện gì cần thiết phải giải quyết ngay lúc này mà. Theo cụ nói, chẳng lẽ tôi chỉ nên ăn ngủ rồi mọi chuyện sẽ được xuôi chảy sao?
- Cha lo việc nhà thờ, lễ lạy, giảng giải lời Chúa, thăm viếng gia đình là đủ. Điều rõ ràng, hội chợ đang trờ tới, cha thử nghĩ coi, dù cha muốn hay không muốn thì cuối tháng tới hội chợ cũng xảy ra, dù cha không làm gì cũng không ai bắt cha phải hội họp, hoặc đụng tay, đụng chân tới bất cứ chuyện chi. Có điều, cha xứ cũ vì muốn làm nhà thờ mới, giáo dân chúng con thấy không cần thiết, mà điều cần thiết lại là mấy lớp học giáo lý, mấy thày cô dạy giáo lý cho trẻ em, thì ngài không nhắc nhở gì tới nên một số gia đình đã bỏ đi. Trong vài tuần đầu, cha cứ lờ đi như không biết gì, chẳng nên nhắc tới nhà thờ mới, và sau đó mở thêm một lễ vào 11 giờ ngày chủ nhật là mọi sự êm xuôi.
 
0 – 0 – 0
 
Cụ Thân ra về nhưng những lời cụ nói đã để lại nơi tâm trí cha Lành dấu ấn nặng nề, “Cha đừng lo, cha đừng làm gì cả, cứ để chúng con làm. Cha không được học về trồng cây, cấy rau thì hãy để chúng con cấy rau.” Trẻ vô nhà xứ dùng phòng vệ sinh, thiếu phòng vệ sinh cho những lớp giáo lý, thiếu phòng học, thiếu thày cô. Không nên nhắc đến nhà thờ mới, mở thêm lễ, những gia đình bỏ đi làm sao kéo họ trở về, những hơn ba chục gia đình. “Dân chúng ở đây là dân quê, không hình thức màu mè, có sao nói vậy; cha đừng lo, chúng con sẽ không là gánh nặng cho cha đâu.” Vậy dân chúng nghĩ gì về cha xứ cũ. Họ không đồng ý, bỏ đi xứ khác. Tiền cho nhà thờ chỉ được tối đa 800; giáo xứ tạm gọi 300 gia đình, mỗi hộ khẩu cho tiền nhà thờ không được 3 đồng một tuần, ngân quỹ thâm thụt; o ép dân chúng làm theo ý mình thì được trả lời bằng những bước chân ra đi, và không cho tiền nhà thờ. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh,” mờ mờ, câu nói của Mạnh tử nhắc nhở nơi tâm trí. Hèn chi bà thư ký hỏi mình có muốn làm nhà thờ mới không. Nghe thì tưởng là câu hỏi diễu nhưng không ngờ lại quan trọng như vậy, cha Lành thầm nghĩ.
 
Ba tuần lặng lẽ êm trôi; dẫu nơi tâm tưởng khá nhiều thôi thúc phải làm gì, phải thế nào, cha Lành tự dặn mình cần kiên nhẫn, dò hỏi dân chúng một cách kín đáo nơi những trường hợp gặp gỡ, chào hỏi chuyện mưa nắng. Trước lễ chiều thứ bẩy và lễ chủ nhật, ngài dùng mấy phút chào hỏi khi dân chúng đã an vị đầy đủ nơi nhà thờ, đoạn bày tỏ nhận định của vị thế linh mục đối với dân Chúa. Linh mục được sai đến để cùng dân Chúa cử hành những nghi thức thờ phượng, cổ võ niềm tin, khuyến khích dân Chúa nghiệm xét, suy tư về thực thể hiện hữu của con người trước mặt Chúa, suy tư về chính Chúa để nhận thức sự liên hệ của Chúa đối với con người, với chính mình. Linh mục đến rồi đi và nhiệm vụ chính yếu của linh mục là mục vụ và phụng vụ. Dẫu được đặt vào vị thế đứng đầu trong giáo xứ, nhưng chính là người làm thuê cho dân Chúa, được thăng hoa ngôn từ thành dẫn dắt dân Chúa; bởi vì chính Chúa dẫn dắt từng người như phúc âm được viết, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44). Giáo xứ, nhà thờ còn đứng vững được đến ngày nay tùy thuộc dân Chúa, không lệ thuộc linh mục.
 
Điều ưu tư nhất đối với ngài sau bốn năm chịu chức, kéo dài đã tám năm, và có lẽ sẽ mãi mãi đến cuối cuộc đời; đó là ăn nói cách nào để khuyến khích dân Chúa suy tư, nghiệm xét phúc âm. Qua những câu chuyện gặp gỡ, thăm bệnh nhân, hoặc đọc nơi sách báo, Chúa được coi như vị thần nào đó, nếu không muốn nói là tưởng tượng, làm mốc điểm cho sự tin tưởng, và được xưng tụng theo thói quen. Đồng thời đức tin cũng bị đồng hóa với niềm tin, hy vọng hay ước vọng không cần biết phúc âm nói gì. Nước Trời hay thiên đàng lại được đồng hóa thành nơi chốn nào đó không phải đối diện với những rắc rối cuộc đời thế tục. Tất cả được nhắc đến với tâm trạng kính nhi viễn chi dẫu chất chứa đầy mơ ước. Vô tình có nhắc đến phúc âm thì được hiểu theo nghĩa từ chương mặc dầu cố tránh nói đến những câu không thể nào áp dụng vào cuộc sống theo nghĩa đen.
 
Mới sáng thứ hai, khi cha Lành vừa bước ngang qua cửa văn phòng, bà thơ ký đã vội lên tiếng hỏi,
- Thưa cha, theo bài phúc âm tuần tới thì nên ghi câu phúc âm nào.
- Bài phúc âm nói về chuyện gì, tôi chưa đọc?
- Thưa cha về câu truyện người Samaritanô tốt lành.
- Thì chỉ cần ghi “Người Samaritanô tốt lành là đủ.”
- Nhưng câu khuyến khích người ta suy tưởng thì phải giải thích sao đây?
- Có phải bà sợ đụng chạm đến vị tư tế và thày thông luật khi tán dương người Samaritanô là người ngoại giáo không; thế rồi áp dụng vào thực tế hiện nay sẽ đụng chạm đến các vị tư tế, linh mục, nên cảm thấy khó nghĩ, không biết cách nào để diễn giải phải không?
- Cha nói đúng; cứ mỗi lần con nghe giảng về bài phúc âm này, nghe thấy vị tư tế và thày thông luật bị lên án, tâm trí con lại nổi lên câu hỏi vậy vị tư tế đang giảng giải thì sao nên cảm thấy kỳ kỳ.
- Nếu bà đọc sách Nhị Luật và sách Dân Số nơi Kinh Thánh, bà sẽ biết tại sao vị tư tế và thày thông luật tránh qua bên kia đường mà đi khi gặp người bị nạn trên đường. Họ phải tránh vì luật nhơ uế, không dám đụng chạm đến người gần chết.
- Như vậy bài phúc âm chống luật nhơ uế chứ không phải nói về luật yêu thương à, thưa cha?
- Bà nói đúng.
- Thế sao con cứ nghe thấy các vị rao giảng lên án vị tư tế và thày thông luật là thiếu bác ái?
- Có lẽ vì họ hiểu phúc âm theo nghĩa từ chương.
Và sáng thứ hai tiếp theo cha Lành lại cũng bị hỏi khi vừa bước vào văn phòng giáo xứ,
- Thưa cha, bài phúc âm tuần tới được viết có vẻ kỳ cục.
- Kỳ cục thế nào?
- Nếu hai người, Martha và Mary đều chọn phần hơn thì lấy gì cho Chúa ăn.
- Bà thử đặt mình vào câu truyện xem, giả sử bà lo nấu ăn bận rộn trong khi em bà ngồi tiếp chuyện một vị khách quan trọng nào đó, phỏng bà có nói gì không?
- Khách đến thì phải có người tiếp chuyện chứ, có gì mà kêu ca.
- Bài phúc âm nói Martha kêu ca có hợp lý hợp tình không? Chắc chắn là không, vậy câu truyện có thật không?
- Chẳng lẽ cha muốn nói phúc âm viết truyện giả?
- Phúc âm dùng những câu truyện được gọi là dụ ngôn để nói về hành trình tâm linh mà theo ngôn từ công giáo, chúng ta thường gọi là hành trình đức tin. Câu truyện chỉ là cớ để giãi bày sự khôn ngoan.
- Thế sao con thường được dạy là ba phúc âm Matthêu, Marcô, và Luca, còn được gọi là Phúc Âm Nhất Lãm, viết về cuộc đời, sinh nhật, giảng dạy, sự khổ nạn và sống lại của Chúa Giêsu. Ngay trong phần tiểu dẫn về Tân Ước nơi Kinh Thánh cũng giải thích như thế.
- Có lẽ bà nên đặt lại vấn đề. Trước hết, phúc âm cũng có nghĩa là Tin Mừng nên được cho rằng phúc âm là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Thử hỏi, Chúa Giêsu có giảng dạy về ngày giáng sinh hoặc giòng dõi của Ngài không, Ngài có bao giờ nói Ngài làm phép lạ hay chữa lành không? Chúng ta nói Ngài làm phép lạ nhưng tất cả những phép lạ xảy ra, nơi phúc âm đều được Ngài cho rằng do đức tin của người được chữa lành. Thứ đến, nếu hiểu phúc âm theo nghĩa từ chương, nghĩa là hiểu theo nghĩa đen, thì làm sao áp dụng lời phúc âm vào cuộc đời của mình? Chẳng hạn, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:9), hay, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 10:37). Tôi nói tóm tắt vậy thôi; nếu có lúc nào thư thư nhớ hỏi, tôi sẽ trả lời rành mạch hơn. Phúc âm viết về hành trình tâm linh; nghĩa là viết để cho mình suy tư, nghiệm xét, chứ không phải viết về cuộc đời Chúa Giêsu, mà chỉ dùng Chúa Giêsu như một đề mục chuyển tải phương cách cho con người thực hành để thức ngộ. Những câu nói nghịch thường, dụ ngôn, nơi phúc âm là những công án để suy luận, nghiệm xét chứ không phải để giải thích, giải nghĩa. Bà không nhớ tôi đã nói với bà về biệt phái và ký lục sao!
- Thế cha không tin vào Kinh Thánh à?
Cha Lành giật mình khi nghe bà thư ký hỏi. Mười hai năm bị làm phó cũng là kết quả của câu hỏi trời đánh này được lặp đi lặp lại. Biết bao lần cứ ngu xuẩn quên bẵng lời phúc âm, “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo; kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi” (Mt. 7:6). Ăn năn thì cũng đã lỡ, cha Lành nghĩ, nên bình tĩnh trả lời,
- Kinh Thánh hay bất cứ sách vở chỉ là phương tiện cho con người suy nghĩ, nghiệm xét. Có lẽ bà chưa bao giờ đọc điều kiện tâm trí khi suy tư lời Chúa nơi thư của thánh Phao lô, “Đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi đánh bã anh em, theo truyền thống người phàm, theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (2Thes. 2:8). Muốn theo đức Kitô thì cần suy tư, nghiệm xét, sao cho có thể áp dụng hợp lý, hợp tình câu, “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:9). Bà có tin vào Kinh Thánh không, và có dám áp dụng lời Kinh Thánh nơi cuộc đời của bà không?
 
Nói thì nói thế nhưng lòng ngài lại nghĩ, từ nay liệu mà ăn mà nói kẻo, “Chúng khẩu đồng từ, nhà sư cũng khốn.” Chỉ vì hát “Happy birthday” trước phép lành cuối lễ mà đã bị kêu ca tới giám mục vẫn không chừa. Chưa tới thời điểm cho dân Chúa thức ngộ thì “Không thể bổ đầu bò mà nhét óc chó vô được.” Đem của thánh cho chó thì sẽ bị nó cắn cho. Hèn chi tiên tri Jeremiah đã phải kêu lên, “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng; suốt ngày tôi đã nên trò cười, cả lũ chúng nhạo báng tôi… Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được” (Jer. 20:7). Chúa có bao giờ tử tế với mình đâu; Ngài làm theo ý của Ngài, nên xúi mình không biết giữ mồm giữ miệng đã bao lần.
 
Và rồi thời điểm họp hội đồng giáo xứ cũng đến; cha Lành được thông báo, đồng thời bà thư ký cũng hiện diện. Sau lời nguyện mở đầu, ngài lên tiếng,
- Chào mọi người, tôi được sai về đây làm việc với mọi người thuộc giáo xứ của chúng ta. Mặc dầu danh hiệu là chính xứ nhưng thực chất chỉ là cánh tay nối dài của giám mục, vì giám mục mới thực sự là chính xứ của mọi người. Đây là lý do tại sao tôi nói “Làm việc với mọi người.” Thực chất mà nói, nhiệm vụ của tôi chỉ được tóm gọn trong hai phương diện, mục vụ và phụng vụ; hai phương diện quan trọng ngang nhau. Và mọi người đều biết, trong việc điều hành giáo xứ được chia hai nguyên tắc; đó là hội đồng giáo xứ và ủy ban mục vụ. Xưa nay, ủy ban mục vụ thường được gọi lầm là hội đồng mục vụ.
 
- Tôi muốn phân tích rõ ràng thực chất của hai nguyên tắc này. Hội đồng giáo xứ là nhóm người điều hành giáo xứ về mọi phương diện bao gồm luôn phần nào đó của mục vụ và phụng vụ. Dẫu nhiệm vụ chính yếu của linh mục là mục vụ và phụng vụ, nhưng linh mục chỉ cử hành những phần việc mà giáo dân không thể thực hiện chẳng hạn giải tội, dâng thánh lễ, xức dầu v.v… Hai nhiệm vụ này của linh mục lại cần có phần việc được giáo dân tham gia đó là các công việc chuẩn bị. Chẳng hạn dọn đồ lễ, thăm viếng những người gặp khó khăn, đau ốm, không thể tham dự nhà thờ. Ủy ban mục vụ là những cánh tay nối dài của linh mục đề hoàn thành những công việc của giáo xứ theo viễn kiến của ngài.
 
- Mọi người đều biết, tôi là một người tỵ nạn muộn màng nơi đất nước này nên ngôn ngữ rất giới hạn, nếu không muốn nói là thường bị hiểu lầm, mong quý vị tự điều chỉnh khi nghe. Hơn nữa, tôi không biết gì về bất cứ gia cảnh nào, cũng như phong tục, tập quán, hay thói quen của giáo xứ chúng ta. Do đó, tôi chọn cách làm việc theo nguyên tắc hội đồng giáo xứ. Nếu quý vị nhận thấy điều gì, việc gì, cần và nên làm để đem lại lợi ích cho giáo xứ, cứ việc đem ra, tự do bàn thảo và nhận định. Mọi ý kiến đều không đúng, không sai; chúng ta chỉ tính đến phương diện lợi và hại cho dân Chúa, cho giáo xứ mà thôi. Sau khi nhận định đưa đến quyết định của quý vị, tôi sẽ chấp thuận, cho dù đồng ý hay không. Dĩ nhiên, thành viên của hội đồng giáo xứ bao gồm tất cả mọi đại diện, và nếu có, phó đại diện của các hội đoàn, và những ai được dân Chúa chọn lựa để làm việc giúp giáo xứ trong giai đoạn đương thời hiện hành, hoặc bốn năm, hay hai năm, tùy hội đồng quyết định. Mỗi phần nhiệm vụ, được gọi là ủy ban và trưởng ủy ban sẽ giữ chìa khóa liên hệ. Đối với tôi, chùm chìa khóa quá ư nặng nề, tiêu hao khí lực lúc đeo nó, và bị nó làm phiền hà không khác chi đeo của nợ.
- Những quyết định của hội đồng giáo xứ được đăng tải rõ ràng nơi tờ mục vụ, do đó tôi yêu cầu bà thư ký nhà xứ hiện diện để hiểu rõ những dự kiến cũng như công việc của mỗi phần việc, mỗi ủy ban. Mỗi phần việc của ủy ban nào đều được thành viên của ủy ban đó thảo luận, nhận định và đưa ra phương pháp, cách thức thực hiện sao cho đem lại lợi ích cho dân Chúa nơi giáo xứ chúng ta. Như vậy, nếu có những chuyện gì giáo dân không đồng ý, bất mãn, hoặc phản đối, chính tôi sẽ giải thích, biện hộ để mọi người biết. Đến đây, tôi tạm ngưng, nếu ai có ý kiến gì thêm, cứ tự nhiên phát biểu. Tôi muốn nhắc lại, ý kiến tự nó không đúng, không sai; chúng ta chỉ đặt vấn đề lợi ích cho dân Chúa và giáo xứ mà thôi.
- Thưa cha, một người lên tiếng, như vậy chúng ta cần thêm người, và cũng cần phân chia rõ ràng thành các ủy ban. Trước hết, cần có uỷ ban xây dựng lo về nhà thờ, nhà xứ, văn phòng, cắt cỏ, xem xét và chỉnh đốn lại hệ thống điện nước cũng như khuôn viên nhà thờ. Thứ đến, ủy ban mục vụ và phụng vụ, ngay cả tên của ít nhất hai ủy ban này cũng chưa có… Cha Lành giơ tay đoạn nói,
- Không những chỉ hai ủy ban này mà còn nhiều ủy ban khác. Theo tôi được biết, xưa nay, giáo xứ chúng ta được điều hành theo phương thức hội đồng mục vụ thay vì hội đồng giáo xứ. Tôi muốn chúng ta thực hành điều hành theo nguyên tắc thực sự của hội đồng giáo xứ đúng nghĩa, nên đề nghị quý vị tìm hiểu, bàn luận và thực hiện những gì cần thiết, sao cho có thêm người bổ xung. Tôi có một đề nghị, những chuyện bàn hỏi nơi cuộc họp này, quý vị không nên giải thích phân tích nơi công cộng tránh đụng chạm tự ái chẳng nên có. Tôi chỉ có thể nói thế, và một chuyện cần thiết, chúng ta nên có người liên lạc mời những gia đình đã bỏ đi tham gia vào các phần việc để bổ xung; vì chúng ta thiếu rất nhiều thành viên của hội đồng làm việc cho giáo xứ.
- Một sự thể khác, nếu tôi không lầm, chúng ta cần những phòng vệ sinh cho các em giáo lý. Theo tôi được biết, chúng ta có 124 em năm ngoái, và khóa tới có thể nhiều hơn mà không có phòng vệ sinh cho các em.
 
Cha Lành chỉ nêu lên ngắn gọn như thế để thử xem sự thể sẽ diễn tiến thế nào. Dân chúng đã không đồng ý làm nhà thờ mới đến nỗi hơn ba chục gia đình bỏ đi. Tất nhiên, những gia đình bỏ đi phải có thế lực thể nào mới không ngại ngùng, bất chấp sự tiện lợi, mà tổn ải giờ giấc, phương tiện để đi nhà thờ khác ít nhất thời giờ lái xe. Cả gia đình đi một chuyến xe tới nhà thờ xa hơn đâu phải chuyện chơi, nào các bà, các chị chuẩn bị ít nhất cũng hơn nửa tiếng, rồi phải lo cho các em nhỏ, rồi lớp giáo lý, thời gian đợi chờ đưa các em về; thế mà họ đã bỏ đi. Dùng lý do khích tướng bổ xung nhân lực để kéo họ về, cha không cần tốn nước bọt thăm hỏi, nài nỉ dụ khị, mời gọi chẳng tốt hơn sao!
- Hơn nữa, cha Lành nói tiếp, nhà thờ là nơi thờ phượng và cũng là chốn cho dân Chúa tới cầu nguyện hoặc, nói nghe có vẻ hoang đường nhưng coi chừng lại cần thiết, đó là nơi dân Chúa đến gặp gỡ Chúa, tập thể hay riêng tư. Thế nên, từ nay, tôi sẽ không khóa cửa nhà thờ để bất cứ ai cũng có thể tới viếng Chúa bất cứ lúc nào.
- Thưa cha, lỡ có kẻ vô ăn trộm đồ trong nhà thờ thì sao?
- Những đồ trong nhà thờ đều thuộc về đồ thờ phượng Chúa, nếu Chúa không biết giữ để kẻ trộm ăn cắp, tôi không có bổn phận phải canh giữ. Bổn phận của tôi là mục vụ và phụng vụ, không phải là canh trộm. Quý vị đâu trả lương canh gác nhà thờ cho tôi đâu.
 
Cả nhóm họp bật cười vì cha Lành diễu, ồn ào do vài người nói với nhau chuyện gì đó; ngài lại phải giơ tay nói tiếp,
- Chúng ta sẽ có thêm thánh lễ vào 11 giờ sáng chủ nhật để mọi người tham dự thoải mái hơn, không bị cập rập. Tôi sẽ thông báo cuối tuần này và bắt đầu vào cuối tuần sau. Và thêm nữa, tôi cần một két sắt đựng tiền (Safe box) đặt tại phòng áo, tiền thu các thánh lễ chủ nhật bỏ ngay vô đó, tôi không muốn đụng đến nó bất cứ giá nào. Ai có ý kiến gì thêm, nếu không tôi về nhà xứ.
- Thưa cha, vấn đề không khóa của nhà thờ, lỡ ra…
- Tôi nghĩ, chỉ cần lắp hệ thống báo động có đèn sáng lên nơi cửa chính nhà thờ là được. Chủ tịch hội đồng lên tiếng.
- Có ai đề nghị gì nữa không? Nếu không, để quý vị đàm luận. Chào mọi người, chúng ta gặp lại sau.
 
0 – 0 – 0
 
Cha Lành bước ra khỏi phòng họp, lững thửng đi bộ về nhà xứ mà lòng không khỏi nặng nề ưu tư, chẳng hiểu sự thử thách này đem lại kết quả thế nào. Phỏng những thành viên của hội đồng giáo xứ có đủ năng lực để giải quyết những công việc của giáo xứ hay không. Họ không làm được thì phải làm sao, nếu phải thuê người thì tiền đâu mà trả, ngài thở dài, kiên nhẫn mà chờ đợi, nhưng Chúa muốn thế nào, ngài thầm nghĩ; lo lắng cũng chẳng được gì, mình đâu được chịu chức để quét nhà thờ, để lau phòng vệ sinh cho dân Chúa. Nhớ lại chiều thứ sáu khi mang mấy túi rác đựng quần áo vô nhà xứ, ngài ra nhà thờ xem xét sự sắp xếp của phòng áo, mắc áo lễ vào tủ đồng thời kiểm tra bánh, rượu, sách lễ, nhất là cuốn lịch công giáo trên đó có ghi màu áo từng ngày hầu giải thích cho ông cụ Thân sẽ gặp sáng hôm sau giúp ông chuẩn bị khi dọn đồ lễ.
 
Vừa mở cửa nơi đầu nhà thờ, bước vô phòng áo, cha Lành cảm thấy hơi nghẹt thở vì mùi ẩm mốc tràn ngập. Ráng từ từ thở hầu làm quen với mùi nặng nề này, ngài treo áo lễ vào tủ, mở cánh cửa tủ lạnh tí hon, chai rượu lễ mới, hộp bánh lễ nằm gọn bên tay phải. Trên lối đi ra phần chính của  nhà thờ, chiếc bàn nhỏ, bên trên được xếp đặt ngay ngắn chén thánh, khăn lau, sách lễ. Nhà thờ hơi nóng vào trung tuần tháng bẩy; vì dàn máy lạnh ngưng hoạt động. Cha Lành đưa tay ấn nút, mùi ẩm mốc nặng nề hơn tỏa xuống. Nhìn thoáng qua, ngài chợt bắt gặp giãi thảm dày cộm giữa hai hàng ghế làm lối lên chính của nhà thờ. Giãi thảm đã quá cũ, có lẽ không kém trăm năm từ khi nhà thờ gỗ  được tạo dựng. Phải làm sao, ngài nghĩ, thay thảm mới thì tiền đâu, chỉ còn cách mua các bình mùi thơm cắm vô chấu điện mới mong phá được mùi ẩm mốc nặng nề này.
 
Dọc theo lối đi bên tường nhà thờ, cha Lành chỉ gặp được một chấu điện có lẽ được dùng để cắm  đầu giây máy hút bụi ngang hông nhà thờ, và thế là hết. Để ý kiếm tìm nơi sàn gỗ phía dưới các hàng ghế, không một chấu cắm điện nào. Bước trở lên gian cung thánh, ngay lối vào phòng áo bên phải, buồng gió của máy lạnh vang tiếng hút gió kêu hơi rõ. Vòng qua phòng áo tới cánh trái của nhà thờ nơi chiếc nút máy lạnh ngự trị phía trên, lại thêm một buồng gió đang hoạt động. Đã có được giải pháp, ngài thầm nghĩ, và vội ra khỏi phòng áo, khóa cửa, bước tới xe leo lên lái tới Walmart. Trở về với sáu hộp sáp mùi thơm (Air freshener), lui cui mở nắp hết cỡ mỗi hộp, tắt máy lạnh, và bỏ vô mỗi buồng gió ba hộp, đoạn ấn nút cho máy lạnh chạy trở lại. Mười phút sau, tắt máy lạnh, trở về nhà xứ.
 
Trường thần học không có môn nào dạy phải làm sao, và cũng không sách vở nào chỉ cách khử mùi hôi của tấm thảm cũ nơi nhà thờ, cha Lành thầm nghĩ, vậy còn nhà xứ, ai là người giúp dọn dẹp nhà xứ; thứ hai sẽ hỏi bà thư ký, ngài định bụng, lục tủ lạnh kiếm xem có gì có thể ăn cho qua bữa tối, tắm rửa, và lên giường qua đêm thứ nhất nơi giáo xứ mới; mới đối với mình nhưng nhà thờ gỗ có lẽ đã hơn kém trăm năm.
 
Lời phúc âm của tuần 14 năm C quả là tắc họng cho người rao giảng. “Này, Ta sai các ngươi như chiên vào giữa đàn sói” (Lc. 10:1-9). Mình vừa được bài sai về tới thì lời Chúa đã cảnh báo nặng nề như thế biết sao ăn nói, phương chi giảng dạy! Chúa muốn gì mà vội răn đe mình kiểu này, cha Lành tự hỏi. Phần không được trích cho bài đọc nơi phúc âm Luca còn nặng nề trách móc, “Khốn cho ngươi, Khorazin! Khốn cho ngươi, Betsaida!” khiến ngài liên tưởng đến lời lên án của thành phần chức vị nơi dân Do Thái, “Khốn cho các ngươi, k‎ý lục và biệt phái giả hình; vì các ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại. Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13).
 
Lời Chúa khuyên nhủ các môn đồ không mang bị gậy, không cần tiền bạc trong túi, người ta dọn cho món gì thì ăn, không đòi hỏi mà lại cảnh giác, “Như chiên vào giữa đàn sói” là thế nào. Dân Chúa sẽ đối xử với mình ra sao mà bị coi là sói, sói nơi phương diện nào. Nhớ lại có người kể, có một cha, năm 1954 vô nam được trao cho việc nhận gạo của chính quyền để phát cho đám dân chúng bao gồm cả người Công giáo lẫn Phật giáo. Gạo chưa kịp về, ngài lãnh “Bông” và bán luôn. Đến khi người không Công giáo kiện, ngài phải vô tù hết ba ngày. Trở lại nơi làm việc, trên tòa giảng, cha phán, “Ơn dân, nghĩa bợm” để chửi dân chúng; mà nào dân Công giáo có dám hó hé gì đâu. Người kể cho rằng, dân Chúa chỉ nghĩ “Thì cha bán gạo làm nhà thờ, đau đâu không vào ruột nên nín nhịn im lặng. Kẻ kiện ngài đâu có mặt tại nhà thờ, chỉ tội cho dân Chúa.” Đã có thành ngữ, “Đức chúa trời ngôi thứ tư” để chỉ về các cha mà sao phúc âm lại gọi dân Chúa là sói. Sói nơi phương diện và trường hợp nào? Có nên nhắc tới câu này nơi bài giảng hay lờ đi cho qua? Ngay ngày đầu tiên đối diện với dân Chúa mà coi họ như sói thì nói làm sao, giảng thế nào? Cha Lành bối rối.
 
Dân chúng hai thành Khorazin và Betsaida đã không nhận biết những sự cả thể trong cuộc đời do đâu ra; biệt phái và ký lục diễn giải lời Kinh Thánh theo nghĩa thế tục, hữu vi nên bị kết án; nhưng dân Chúa bị coi như là sói là thế nào? Sói ăn thịt chiên vì chiên không có khả năng để tranh đấu, như thế có thể bị coi là khờ dại. Linh mục đối với những gian manh, mưu mô thế tục sao có thể so sánh với dân chúng ngày qua tháng lại phải tranh sống. Như vậy, sói đây có nghĩa mưu toan thế tục. Tất nhiên, nếu nhìn theo phương diện này, linh mục không đáng học trò của dân chúng. Người ta, dân Chúa khôn ngoan lắm trong cuộc đời, mình không tranh hơn được, cha Lành tự nhủ. Nghĩ đến đây, chợt nhớ lại lời cha giáo nhắc nhở các thầy sau sáu tháng thực tập chức vụ cụ sáu trở về nhà trường ôn thi ra trường cho mảnh bằng MDiv, “Đọc phúc âm chúng ta thấy, Chúa chọn các tông đồ là những người đánh cá, dân quê, mộc mạc, chất phác, nếu không muốn nói là dốt nát, để thực hiện công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, để thực hiện những công trình cả thể. Điều này mới rõ ràng chứng tỏ quyền năng của Ngài. Nếu Ngài chọn những người tài giỏi, tuyệt vời làm những chuyện cả thể nơi cuộc đời thì đâu có gì minh chứng. Bởi đó, các thầy nên nhớ, mình được chọn, tất nhiên, mình là kẻ yếu hèn, mình chỉ là công cụ để Chúa thực hiện công việc của Ngài. Tài năng của mình không thể so sánh với sự khôn ngoan thế tục này đâu. Tất cả những gì đạt được đều do năng quyền của Chúa. Các thầy, sau này chớ dại mà tỏ tài khôn khéo tranh đua với thế tục. Tỏ ra quyền năng, tài giỏi hơn người chỉ chứng tỏ mình không nhận biết ơn Chúa nơi cuộc đời.”
 
Tôi nói câu này, quý thày nhớ cho, suy gẫm và áp dụng trong cả cuộc đời linh mục của mình, chớ nên coi thường, và đó là, “Người thực sự làm việc cho Chúa thì ngoan nhưng không khôn; dân chúng thì khôn nhưng không ngoan.” Điều này giải thích rõ ràng ý nghĩa câu phúc âm, “Này Ta sai các ngươi như chiên vào giữa đàn sói, hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu” (Mt. 10:16). Ngày ấy dẫu chưa được chịu chức sáu, cần đợi hơn tháng nữa, nhưng thày Lành mang trong lòng niềm vui phấn khởi vì mới qua sáu tháng thực tập và biết chắc chắn mình sẽ được phong chức linh mục nên bạo miệng giơ tay hỏi,
- Thưa cha, sao lại nói khôn ngoan thay vì độc hại như con rắn và chân thực thay vì nhút nhát như chim câu.
- Tôi không phê bình, chỉ nói lên nhận định, mong quý thày hiểu cho. Đó là thày Lành hơi vội, chưa chịu suy nghĩ dù chỉ mấy phút mà đã hỏi. Thử hỏi rằng, lời phúc âm, lời Chúa đã hơn kém hai ngàn năm vẫn đứng vững dẫu nhiều câu thoạt nghe có vẻ ngô nghê, ngược đời, khó có thể chấp nhận phương chi áp dụng nơi cuộc đời; chẳng hạn, “Nếu mắt các ngươi làm ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi,” có thể nói, không ai dám nghĩ đến phương chi thực hành. Biết bao tiến sĩ giáo hội, ấy là chỉ nói riêng trong giáo hội Công giáo; nếu nói tổng quát, nơi Kitô giáo thì danh vị tiến sĩ từ xưa tới nay không đủ sách để chứa, thế mà không có vị nào dám trình luận án tiến sĩ về câu này. Để tâm suy nghĩ, nghiệm xét, quý thày sẽ thấy lối diễn tả của câu hãy khôn như con rắn và chân thực như chim câu được xếp đặt không khác gì thành ngữ, “Nhảy mũi” (running nose). Cái mũi sao có thể nhảy mà nói nó nhảy. Nơi tiếng Việt nếu tôi không lầm cũng có thành ngữ hay lối diễn tả nghịch thường; chẳng hạn, “Đi khám bác sĩ,” hay “Sửa sắc đẹp.” Nói như thế có hợp lý, hợp tình, có thể chấp nhận được không? Có ai dám trình luận án tiến sĩ về chúng không?
 
Thử xét câu phúc âm, “Hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu.” Nếu sắp ngược lại ngôn từ, quý thày sẽ thấy sự khôn ngoan tuyệt vời xuất hiện. Như vậy, “Hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu,” sẽ được hiểu thành, “Hãy chân thực như con rắn và khôn như chim câu.” Ai không sợ con rắn dù có những con rắn không cắn người; ai không thấy chim câu, nói cho đúng, chim cu nhút nhát, không tranh giành với bất cứ gì. Người ta nói “Rắn khôn giấu đầu,” nhưng chẳng con rắn nào giấu đầu bao giờ; cũng như không con rắn nào ăn đất ngoại trừ con rắn nơi Kinh Thánh. Đối diện với thực thể và sự thể cuộc đời nơi chức vị linh mục sau này, linh mục không hơn được ai đâu nơi trạng thái lăn lộn trường đời. Quý thày liệu mà ăn mà nói, liệu mà tránh mà né; giáo dân nơi nhà thờ bao gồm đủ mọi tầng lớp, tiến sỹ, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, cho đến mấy bà già trầu. Nói làm sao, nói kiểu nào để mọi người am hiểu, nhận thức được lời Chúa trong cuộc đời họ. Từng cử chỉ, của linh mục đều được để ý, từng lời nói được nghe và phân tích. Thế nên, hãy khôn ngoan như chim câu, và chân thực như con rắn, không tranh đua với người, với đời và phải nhận biết giới hạn của mình.
 
Nhưng nhìn vào thực tế, người làm việc cho Chúa thì ngoan nhưng dại dột, tưởng mình oai phong, cao trọng lắm; trong khi người đời, họ khôn nhưng không ngoan như mình tưởng đâu. Quý thày có biết câu, “Khôn ngoan ở chốn nhà bay; dù che ngựa cưỡi, đến đây cũng hèn.” Nơi sách Mạnh tử có câu, “Dân vi quý; xã tắc thứ chi; quân vi khinh.” Nói cho đúng với thực tại. nơi một giáo xứ, chính xứ quyền hạn mênh mông. Nhưng vị nào biết nhận thức rõ vị thế, nhiệm vụ, và giới hạn của mình chỉ trong mục vụ và phụng vụ, nhiệm vụ và chức vị mà giáo dân không thể thực hiện được, và để hội đồng giáo xứ thực hiện đúng vai trò của họ, thì vị ấy sẽ có thời giờ suy tư, nghiệm xét lời Chúa, lời phúc âm. Vị nào muốn bày tỏ sự khôn ngoan giới hạn của mình, chưa chắc đạt gì tới quyền lực tuyệt đối, mà có chăng, chắc chắn sẽ đối diện sa đọa tuyệt đối. Quý thày thử tưởng tượng coi, khi lên tới đỉnh núi nào đó, và rồi thì sao, xuống, chỉ có xuống bởi đã hết chỗ lên. Chợt thấy mình vẫn đang suy tưởng, cha Lành tự nhủ, ngủ thôi, hãy còn ngày mai suy nghĩ.
 
Mới đó mà đã tới ngày họp hội đồng giáo xứ, vì hội chợ sẽ bắt đầu lúc hai giờ chiều thứ sáu nên lần này, hội đồng giáo xứ sẽ họp vào tối thứ năm. Cả tháng nay, lòng ruột cha Lành cứ nôn nao như mong ngóng chuyện gì nhất là khi soạn giảng cho chủ nhật thứ 16 C thường niên. Bài phúc âm rất đơn giản, đại khái nói về Chúa Giêsu ghé thăm hai chị em Martha và Maria. Martha lo bận bịu nấu nướng trong khi Maria tiếp chuyện đức Giêsu, và Martha nói lên nỗi phiền hà vì không được Maria giúp tay. Nào có gì đâu, làm gì có chuyện Martha kêu ca vì em mình Maria không phụ giúp công việc nấu nướng; bởi Maria phải tiếp khách. Nhưng làm sao nói cho dân Chúa hiểu câu truyện này chỉ là giả tưởng, được viết với mục đích nói lên điểm quan trọng chính là suy tư, nghiệm xét lời phúc âm được diễn tả thành Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy.
 
Nghe lời Chúa dạy, thì dân Chúa đã nghe lời dạy từ bao năm nay nhưng nghe chỉ để nghe thì nào có khác chi không nghe; đâu phải vô tình mà ba phúc âm Matthêu, Marcô, Luca, đã những tám lần nhắc đi nhắc lại câu nói, “Ai có tai thì nghe” (Mt. 11:15; 13:9,43; Mc. 4:9,23; 7:16; Lc. 8:8; 14:35). Chợt nhớ tới câu này, nỗi ngỡ ngàng nào đó lại trở về nơi tâm trí. Nhớ thời đó, sau mười một năm đầu óc quay cuồng vì mấy câu nói nghịch thường nơi mấy cuốn đạo học, chẳng hạn Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, kinh Kim Cang, Pháp Bảo Đàn kinh, nhất là mấy câu nói nơi cuốn Cái Cười của Thánh Nhân do cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần biên soạn, và bất chợt nghiệm được câu nói, “Người biết không nói, kẻ nói không biết,” để rồi chú tâm mỗi khi đọc phúc âm soạn giảng, cha Lành mới nhận thấy phúc âm viết vậy nhưng ý ám định không phải vậy.
 
Điều lạ lùng thường bị coi thường chính là những lời được viết ra coi bộ ngây ngô khiến người đọc không để ý, lại thâm trầm hàm chứa cả đám vấn đề liên hệ cần được suy tư, nghiệm xét. Thí dụ, “Tôi là ai,” ai không nghĩ rằng mình biết rất rõ về mình, biết mình ham muốn, mơ ước, ý định, tham vọng, xấu, tốt, tử tế, hay ma mãnh thế nào, nhưng lại được các bậc minh triết cho rằng đó là công án lớn nhất, căn bản cho nghiệm chứng đạo học hay thiền. Đến khi thử để tâm nhận xét, thực lòng đối diện với chính mình, mới thấy câu hỏi ngu ngơ chẳng đơn giản chút nào.
 
Câu “Ai có tai thì nghe,” cũng thế. Ai là người không có tai mà lại ngớ ngẩn nói “Ai có tai thì nghe,” và lại được coi trọng, mệnh danh là lời Chúa, được nghiêm cẩn ghi nơi phúc âm nhất lãm không phải một lần mà những tám lần. Cũng như câu, “Tôi là ai,” câu, “Ai có tai thì nghe,” lời nói hay chữ được viết ra khiến người nghe hoặc đọc tưởng thừa thãi vì quá hiển nhiên, nơi mọi người, ai cũng biết, ai cũng thừa hiểu. Thà rằng những lời ngông cuồng, nghịch thường như, “Biết không nói, nói không biết,” hoặc “Lửa thì không nóng,” hay, “Cái bóng của Thượng Đế là quỷ vương,” thì còn đánh động tâm trí con người khiến được để tâm suy tư, nhưng “Tôi là ai,” “Ai có tai thì nghe,” chỉ nhạt nhẽo, hầu như dĩ nhiên, bình thường được đệm vào cho thuận lời nói hay được viết giúp đẹp vẻ văn chương, đượm thêm phần tao nhã.
 
Thế nhưng, nếu đầu óc nào hơi nghịch thường một chút, đấy, kiểu nói thừa thãi, đã, “hơi nghịch thường,” lại còn “một chút,” được thêm vào, chẳng khác gì, “Ai có tai thì nghe,” nào có tính chất gì khêu gợi, hoặc đánh động tâm tư người nghe, hay đọc chút nào chăng. Tuy nhiên, giả sử đặt vấn đề, cái tai có tự nó nghe được không, hoặc “Ai là tôi” thì sự thể trở nên chẳng thường chút nào. Hoặc tại sao phúc âm nhất lãm cố tình lập đi lập lại như nói lặp những tám lần câu, “Ai có tai thì nghe,” coi chừng người có “đầu óc hơi nghịch thường một chút” sẽ bị chân lộn lên đầu hay ngược lại. Đặt vấn đề như thế, “Tai có tự nó nghe được không,” lại sẽ mọc thêm những câu hỏi, “Vậy cái gì nghe” hay cái gì dùng tai để nghe, và khi nào tai hết nghe, cũng như, có tai mà không nghe thì sao, hay thuộc trạng thái nào?
 
Ai cũng biết, cái tai không nghe được chỉ khi nào linh hồn con người ra khỏi xác. Vậy linh hồn là gì, liên hệ với xác ra sao? Sau thi thân xác chết thì linh hồn sẽ đi về đâu? Làm sao biết được linh hồn sẽ đi về đâu? Những câu hỏi coi bộ ngớ ngẩn nhưng ít ai dám tự suy tư, tìm hiểu này, kích thích tâm trí bới thêm ra cả loạt vấn đề, câu hỏi khác; chẳng hạn ý định, ước muốn, hy vọng, tham vọng phát sinh từ đâu? Khoa học trả lời đó là từ bộ óc; quả là nói bậy, nói cho qua; vì bộ óc thuộc về vật chất; mà vật chất thì không thể phát sinh tư tưởng, thái độ, ước muốn.
 
Bài phúc âm của chủ nhận 16 C thường niên coi bộ đơn giản, dễ hiểu nhưng còn nghịch thường hơn bất cứ sự nghịch thường nào. Không hiểu văn hóa của dân Do Thái hai ngàn năm trước và tâm tính phụ nữ cũng như thái độ ra sao; cha Lành chưa bao giờ tìm hiểu, nhưng lời phàn nàn vì bận rộn nấu nướng nói lên câu chuyện được giả tạo viết ra giúp câu trả lời được nhấn mạnh hơn, “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc. 10:42).
 
Điều nghịch thường ở đây, đó là thầy trò đức Giêsu trên đường đi đâu đó và được Martha mời ghé vô nhà, “Trong khi Thầy trò đi đường, đức Giêsu vào làng kia, có một người phụ nữ tên là Martha đón Người vào nhà” (Lc. 10:38). Thử hỏi các phụ nữ có ai sẽ kêu ca như Martha bao giờ không. Mời cả nhóm người vô thì ai tiếp khách, và nếu quen biết, thân thiết, chắc chắn có ai đó trong môn đệ đi với Chúa Giêsu phụ giúp. Hơn nữa, phúc âm không ghi lại là Martha mổ heo hay làm thịt vài con gà, mà bận rộn đến độ đương đường kêu ca vì người em không giúp một tay. Đàng khác, phúc âm cũng không nói đến nhà Martha có những mấy cái bếp và làm bao nhiêu món ăn đến nỗi sự chuẩn bị nấu nướng cần nhiều người góp sức. Thế nên, sự kêu ca về công việc bận rộn mà Maria không giúp chỉ là giả tạo, và cũng chứng tỏ câu chuyện không có thật.
 
Mình có nên phân tích và nói rõ cho dân Chúa biết điểm thiết yếu của đoạn phúc âm này không, cha Lành tự hỏi. Chỉ vừa mới chớm nói về bản chất của câu truyện là không thật, đã bị bà thư ký phang cho một câu, “Thế cha không tin vào Kinh Thánh à?” Bà thư ký mà còn hỏi như thế thì dân chúng nơi đây sẽ phản ứng thế nào. Mới chân ướt, chân ráo tới, đã vội mở miệng cho rằng lời Chúa, lời phúc âm nói không thật, rồi khi đến tai giám mục, lại được thêm râu thêm ria, lời vào, tiếng ra, thì sẽ thế nào. Mười hai năm làm phó chưa đủ sao mà còn muốn bị đày đọa thêm. Hát “Happy birthday” ở nhà thờ mà còn bị tố là biến nhà thờ thành chốn vui chơi công cộng, bị yêu cầu đừng thăm các lớp học thì lại gánh thêm tội lười biếng. Tụi trẻ, chúng muốn được để ý lại trở thành muốn nổ, muốn tỏ ra ảnh hưởng giáo dân hơn cha xứ. Từ xưa tới giờ, có cha nào trong địa phận phải chịu trận làm phó sáu năm không. Mười hai năm chưa đủ sao mà không biết giữ mồm, giữ miệng. Đúng, cần và nên nói thật, nhưng không phải sự thật nào cũng nên được nói ra. Dân Chúa xưa nay được tuyên truyền, giảng giải, phúc âm là lời Chúa, là sự thật xảy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu; các học giả Kinh Thánh đều cho rằng như thế, thì bất cứ gì chỉ hơi hiếng cho là lời Chúa không thật, không đúng khuôn mẫu tự ngàn xưa như truyền thống để lại thì sẽ bị kê tủ đứng, sẽ bị làm nấc thang thăng tiến cho đám ưu tú học giả chứ không học thiệt.
 
Trận nội chiến nơi tâm tư cha Lành quả là mãnh liệt khiến đầu óc ngài quay mòng mòng giữa nhận thức về phúc âm và thực tại tâm thức dân Chúa. Xưa nay, có học giả Kinh Thánh nào dám lên tiếng phân tích sự kiến tạo của phúc âm so sánh với thực tại cuộc đời? Học giả Kinh Thánh nào dám nói hay viết những gì không đúng với truyền thống. Học giả nào, tiến sĩ Kinh Thánh nào dám ho he phân tích, giải thích, giải mã một cách hợp lý hợp tình câu, “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi,” dẫu không một ai áp dụng nó nơi cuộc đời; mà có vô tình hay hữu ý nhắc tới thì lại kiếm đủ mọi cách tránh né. Đồng ý rằng, muốn suy tư, nghiệm xét phúc âm phải đọc, phải hiểu biết đạo học Đông Phương. Học giả, tiến sĩ Kinh Thánh nào dám nhảy rào, dám suy tư, nghiệm xét. Có được một Phao lô, được huấn luyện nơi Đông Phương học để rồi khuyến cáo, "Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào" (1Thes. 5:19-22), với điều kiện tâm trí, "Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô" (Col. 2:8), thì chính ngài cũng không dám nói lên từ đâu và lý do nào lại nói như thế!
 
Học giả, tiến sĩ Kinh Thánh nào dám áp dụng lời khuyến dụ của Phao lô. Theo đức Kitô là theo làm sao nếu áp dụng, “Đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm.” Truyền thống nào không phát xuất từ người phàm, mà nói không theo truyền thống người phàm. Không theo truyền thống người phàm sao được gọi là tiến sĩ Kinh Thánh, học giả Thánh Kinh! Vậy học thiệt là gì? Ai dám liều mạng học thiệt theo Phao lô để nghiệm xét, để không theo truyền thống người phàm? Dân Chúa xưa nay chỉ biết bảo sao nghe vậy, nghe như không nghe, và bất cứ gì khác với những gì đã bị tuyên truyền nhàm tai đến độ nhập tâm thì la toáng lên, nếu không muốn nói là kết án. Lời khuyên của cha bạn trước khi đi nhận xứ chợt nổi lên nơi tâm trí nhắc nhở, “Lành à, nếu cậu muốn an bình, thì hai năm đầu từ khi tới xứ mới, cậu không nên làm bất cứ gì mới.” Không nên làm bất cứ gì mà dám đụng vào tổ ong truyền thống thì coi chừng chỉ vãi tội thêm! Ông thày của mình bị thiên hạ đóng đinh cũng bởi dám nói lên sự thật, sự thật về thực thể con người! “Này Ta sai các ngươi như chiên vào giữa đàn sói, hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu” (Mt. 10:16). Điều gì đã biến dân Chúa, đoàn chiên dân Chúa thành đàn sói? Phúc âm lên tiếng, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13); phúc âm nói về những ai?
 
Mình chỉ muốn nói rõ ngọn ngành để khuyến khích dân Chúa suy nghĩ về câu phúc âm, “Maria đã chọn phần tốt rồi, và sẽ không bị ai giựt mất” (Lc. 10:42). Câu này có mang nghĩa khuyến khích người ta đọc phúc âm và suy nghĩ, nghiệm xét lời Chúa. Nó cũng đồng ý tứ với câu nơi phúc âm Matthêu, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt. 6:33). Khuyến dụ người ta chọn phần hơn là lắng nghe lời Chúa, tìm kiếm Nước Thiên Chúa tức là suy nghĩ, suy tư nghiệm xét từng câu nói nơi phúc âm thì cần chỉ điểm, cần định nghĩa Nước Thiên Chúa là gì. Trong phúc âm nào có câu nào định nghĩa về Nước Thiên Chúa, Nước Trời. Dân Chúa xưa nay, nay xưa được rao giảng Nước Thiên Chúa, Nước Trời là thiên đàng. Trời ơi! Đem một viễn ảnh thế tục áp đặt vô nhận thức, quả là lừa đảo, hèn chi phúc âm dùng ngôn từ, “Chặn người ta lại,” còn nỗi khốn khổ nào hơn quàng vào tâm tư dân Chúa không? Nỗi đau xót nào đó dội lên nơi tâm hồn cha Lành; ngài chỉ còn biết thở dài.
 
Giảng làm sao cho dân Chúa suy nghĩ, tự tâm tìm tòi, nghiệm xét. Phúc âm được viết để con người suy tư, suy nghĩ chứ không phải để giải thích. Làm sao, ăn nói cách nào để dân Chúa suy tư, đặt vấn đề nhận thức về lời Chúa. “Thế cha không tin vào Kinh Thánh à?” Bà thư ký mà còn hỏi như thế thì dân Chúa sẽ phang mình thế nào. “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê và tôi đã để mình bị dụ” (Jer. 20:7), lời than từ sách tiên tri Jeremiah trở về nơi tâm trí; đồng thời, lời cha bạn nhắc nhở hùa theo, hai năm không làm gì nếu muốn được an bình. Nhưng, thôi thì rắn khôn giấu đầu. Đành thế, dùng hai năm quan sát, hoạch định và nếu có thể sắp xếp, tìm kiếm người làm việc cho bốn năm kế tiếp vẫn có dư thời gian chán, cha Lành âm thầm chấp nhận.
 
0 – 0 – 0
 
- Nhà thờ cần được tân trang vì phần cách nhiệt được làm đã lâu, quá mỏng nên máy lạnh không thể làm giảm nhiệt độ. Người ta nói nhà thờ quá nóng. Chủ tịch hội đồng giáo xứ lên tiếng sau khi thư ký hàng xứ đọc biên bản cuộc họp lần trước dẫu chưa ai thông báo thành quả hoạt động của hội đồng trong tháng qua.
 
Cha Lành im lặng đợi xem có ai có ý kiến, ý bọ gì để giải quyết, nên đưa mắt nhìn quanh một lượt. Có thêm vài người mới, hèn chi đông hơn cuộc họp lần trước. Nhưng tất cả vẫn im lặng, hình như vẫn theo thói quen chờ mệnh lệnh hoặc quyết định từ cha xứ. Mọi con mắt đổ dồn về ngài; thôi thì phải lên tiếng hỏi xem có cách nào giải quyết chăng, cha Lành nghĩ, nên nói,
- Có ý kiến nào để giải quyết không, mời quý vị. Trong quý vị, ai là trưởng ban xây dựng?
- Thưa cha, xưa nay chưa có ban xây dựng. Mọi việc đều tùy theo quyết định của cha xứ và cũng chính ngài thuê người làm việc.
- Như vậy, chúng ta cần nhiều tiểu ban, tôi nghĩ, trước hết chúng ta kêu gọi ứng cử, nếu chưa đủ người, thì đề cử và bầu chọn. Hãy để thêm một tháng nữa, quý vị chia nhau kiếm người, bà thư ký cho thông báo trên tờ mục vụ, kêu gọi giáo dân tham gia hội đồng giáo xứ. Các cuối tuần, tôi cũng sẽ kêu gọi thêm. Nhưng, việc cấp thiết nhất bây giờ là chúng ta phải làm gì để giải quyết sự nóng bức nơi nhà thờ. Theo như tôi được biết, ngân quỹ của giáo xứ nơi địa phận có hơn ba trăm ngàn. Chúng ta có thể dùng ngân quỹ ấy để thay hệ thống máy lạnh lớn hơn hoặc ghép thêm phần cách nhiệt vào tường nhà thờ. Tôi đề nghị chúng ta dùng đôi phút suy nghĩ và nêu ý kiến thử xem có thể làm gì để giải quyết rồi đưa ra quyết định thực hiện.
 
Có nên kiếm người bằng cách bầu cử không, cha Lành suy nghĩ; không nên, mới về, chưa biết ai và ai thì thế nào mà bầu và chọn. Kiên nhẫn, kiên nhẫn, không nên làm gì, từ từ, mỗi ngày một chút. Bất cứ gì gây náo động coi chừng phát sinh phản tác dụng. Nhiệm vụ chính của mình là mục vụ và phụng vụ. Những chuyện điều hành giáo xứ, nếu cần, sẽ có người lên tiếng. Vấn đề bây giờ là làm sao kéo giáo dân trở lại, làm sao người ta cho thêm tiền, và làm sao để có thêm người bổ xung cho ban điều hành giáo xứ. Hôm qua tham dự nhóm gặp gỡ hàng năm của các linh mục Ái Nhĩ Lan, cha xứ trước cha tiền nhiệm hỏi mình, “Tiền thu cuối tuần được bao nhiêu?” Mình trả lời cỡ 750 đến 800. Ngài nhẹ nhàng buông một câu, “Thì cũng đủ trả tiền ăn cho cha,” nghe mà buồn thảm. Gặp lại cha đã khuyên mình “Không làm gì hai năm” hỏi thế nào. Mình trả lời, tất cả như búi bòng bong. Ngài nói, “Cứ từ từ từng chút một, không nên gây sốc. Hai năm tìm hiểu và kiên nhẫn sắp xếp cho bốn năm hoạt động, không gì phải vội. Bất cứ gì gấp gáp thay đổi đều làm dân chúng giao động, đều bất lợi. Tôi nói với cha điều này, rất khó nghe, nhưng chỉ những danh tài thực sự mới có thể hiện được, đó là “Biểu hiện của mình phải thế nào để những người làm việc với mình không e ngại mà lên tiếng chỉ điểm, sao cho họ nói hết sáng kiến, nhận định, và mình âm thầm thu nhận. Biến những nhận định, sáng kiến của họ thành hiện thực và để họ chịu trách nhiệm trong khi mình không phải động đến móng tay móng chân mới hay. Đó mới thực sự là nhà lãnh đạo. Nhưng, điều mà mọi người khó chấp nhận nhất là bị những người chung quanh hiểu lầm, cho mình là người dốt nát, ngu muội.” Giọng nói cha bạn hơi ngập ngừng vào câu cuối, dường như ngài ngại cha Lành bị chạm tự ái giống mọi người thường gặp phải. “Người khéo như vụng, kẻ khôn chẳng khác gì ngu dại,” hình như lời nói này trong Nam Hoa kinh. Nào có lạ gì, “Nói ra thì bảo rằng ngoa, không nói lại bảo người ta là đần,” trong tục ngữ ca dao dân Việt đã có từ ngàn xưa, nhưng ít thấy tác giả nào viết về chúng. Không nhớ nơi đâu có thành ngữ, “Giả heo ăn thịt hổ,” cha Lành thầm nghĩ.
 
Một cánh tay giơ lên, người mới tham gia.
- Thưa cha, thưa mọi người, theo con nhận xét, nhà thờ của chúng ta thuộc loại nhỏ và có hai máy lạnh; nếu tường và trần nhà thờ được ghép thêm phần cách nhiệt thì dư sức. Nên con đề nghị ghép thêm một lớp bản vôi (sheet rock) vô tường, và trần thì thêm lớp cách nhiệt là được. Con làm nghề xây dựng nên việc này, bảo đảm với cha không khó khăn gì.
- Sao ông không ứng cử vô trưởng ban xây dựng, cha Lành cười hỏi.
- Thưa cha, chưa có quân quyền thì làm được chi. Con định kêu thêm ít người rồi mới nói chuyện.
- Ông có thể dự tính cho biết chi phí hết bao nhiêu không?
- Theo dự tính của con, đồ vật cũng không đáng bao nhiêu, nếu có chừng năm người làm việc thì nội chừng bốn ngày có thể hoàn tất, ba ngày ghép bản vôi, trát hồ, và một ngày sơn là quá đủ.
- Con cũng được biết chúng ta cần có phòng vệ sinh cho các lớp giáo lý, và hơn nữa cũng cần thêm hai phòng học giáo lý nữa vì các lớp đã quá tải. Con nghĩ, giáo xứ chúng ta có với chỉ hơn ba trăm ngàn nơi ngân quỹ thì không đủ, nên đề nghị phải xin dân chúng đóng góp thêm.
- Thì bà thư ký thông báo trên tờ mục vụ kêu gọi dân chúng ủng hộ, cha Lành lên tiếng, và trưởng ban tài chánh, sau rước lễ, lên trình bày sự việc và kêu gọi đóng góp, như vậy được không?
- Thưa cha không được. Phải chính cha nói người ta mới nghe, dân chúng ở đây là thế, thưa cha.
- Quý vị xưa nay đã quá nhàm tai với thành ngữ “Các cha chỉ biết gào tiền,” mà tôi về đây mới hai tháng, quý vị đã bắt tôi gào tiền là thế nào? Dân chúng sẽ nghĩ sao?
- Nơi đâu, ai nói gì chúng con không cần biết, nhưng đối với dân chúng ở đây, chỉ cha nói họ mới nghe. Chủ tịch hội đồng lên tiếng.
- Trong quý vị, có ai là chuyên viên tài chánh không?
- Thưa cha, con đã mời chị Tuyết hiện làm việc nơi nhà băng, và chị ta nhận lời tham gia hội đồng giáo xứ nhưng hôm nay chị ta không ở nhà nên không tham dự họp được. Tuy nhiên, đúng như lời ông chủ tịch nói, dân ở đây, chỉ cha nói họ mới nghe.
- Như vậy, chỉ cha gào tiền người ta mới cho thật à? Khổ nỗi, nhà trường không dạy môn nào làm tiền hoặc cách in ấn tiền nên tôi không biết cách nào làm tiền. Đối với tôi, làm thuê thì chỉ biết lãnh lương thôi chứ; gào tiền thì tôi có biết thế nào mà gào đâu. Quý vị thử nghĩ cách nào khác xem có hơn được không.
- Thưa cha, bà thư ký nhà xứ lên tiếng, hai giờ chiều mai cha phải dâng lễ để khai mạc hội chợ…
- Sao không ai nói cho tôi biết?
- Ai cũng biết nên nghĩ cha biết.
- Vậy lễ sáng thì sao?
- Sáng vẫn có lễ như thường, thưa cha, bà thư ký trả lời.
- Thôi được, chạy trời cũng không khỏi nắng. Tôi sẽ thử gào tiền vào cuối tuần này, nhưng nếu có thể, quý vị nên phụ giúp bằng cách nhẹ nhàng giải thích với những người quen.
 
Sau lễ khai mạc hội chợ, cha Lành làm một vòng thăm hỏi các quán, nói chuyện mưa gió cảm ơn họ đã bỏ công sức và thời gian để giúp giáo xứ. Sau hơn hai tiếng rảo qua, ngài tham gia nhóm gọt khoai tây cung cấp cho những quán nấu súp hoặc chiên khoai tây. Hơn kém một tiếng, thấy mỏi lưng, ngài đứng dậy đi loanh quanh. Trời trung tuần tháng bẩy, đã hơn năm giờ chiều mà vẫn còn  khá nóng, muốn có ly cà phê cho tỉnh táo nhưng không có quán bán, chỉ có quán rượu, bia, nước ngọt. Tại sao trời nóng như thế mà không có quán nước đá, nước chanh, quán kem? Không có người làm hay không ai để ý, ngài tự thầm hỏi. Ghé vô văn phòng kiếm ly cà phê, ngài định bụng, và đưa chân bước. Người ra vào tấp nập, kẻ mang hộp tiền tới, người cầm giấy đi ra. Nơi chiếc bàn lớn thường dùng để đếm tiền cuối tuần hay hội đồng giáo xứ hội họp, bà thư ký nhà xứ đóng đô tại đầu bàn phía trong, xung quanh có mấy người chờ nộp tiền, đổi vé cho các quán, v.v… Thái độ bà thư ký khá vui vẻ với mọi người dẫu rất bận rộn, luôn tay chuyển đổi giấy tờ, ghi sổ, bỏ vô hộp này, lấy vé nơi hộp khác trao cho nhân viên các quán.
 
Làm sao đây, còn những hai ngày nữa, nếu có thêm mấy quán nước, sơn móng tay, móng chân, vẽ vời hóa trang cho trẻ nhỏ rồi chụp hình thì lắm chuyện sinh động sẽ xảy ra, cha Lành tự hỏi. Những trò vớ vẩn này lớp người nào làm là hay nhất? Phỏng kịp không? Hãy còn buổi tối suy nghĩ, cả buổi sáng chuẩn bị. Trao cho CYO là tuyệt nhất, ngài nghĩ. Ghé vô quán bia, ngài hỏi chủ quán, cũng đang bận rộn với mấy khách xếp hàng đứng đợi.
- Ông có thấy ông Tài ghé ngang đây không.
- Con nghe ông ấy nói ông đang chuẩn bị mở quán quăng đầu vịt cho ngày mai nơi khu trò chơi.
- Cảm ơn ông, tôi cần đi gặp ông ấy; cha Lành chào và rời đi.
Mới chiều thứ sáu mà người đông ơi là đông. Có những gia đình, ba, bốn em đi theo bố mẹ, chỉ chỉ chỏ chỏ coi bộ ưa thích lắm. Người lớn thì ít mà trẻ nhiều thật là nhiều. Người đông đã ồn ào cộng thêm nhạc hoặc những lời quảng cáo phóng ra nơi mấy loa điện từ các cửa hàng hòa lẫn ánh sáng các dây đèn màu xanh xanh đỏ đỏ khiến người ta có cảm giác đang bị chìm ngập nơi bầu không khí sinh động, nhộn nhịp vô hình nào đó khi đưa chân bước chen lẫn giữa dòng người.
 
Ông Tài dáng người phốp pháp, cao ráo, là giáo viên của một trường tiểu học công lập, sắp nghỉ hưu, mái tóc đã hoa râm, thái độ vui vẻ, dễ thông cảm, hòa đồng. Ông là hội trưởng của nhóm trẻ CYO (Catholic Youth Organization), đang cùng với mấy thanh niên, thiếu nữ theo bậc đại học, nhân kỳ hè không có trường lớp, giúp chuẩn bị gian hàng thẩy vòng đầu vịt. Nhóm sinh viên này, ngày xưa, mấy năm trước cũng là đoàn viên của CYO trong xứ, dẫu ngày ngày lái xe theo học nơi Community College hay trú ngụ nơi thành phố có đại học, chỉ về nhà các cuối tuần, họ vẫn tiếp tục tham gia sinh hoạt với hội CYO.
 
Ở chốn dân quê, muốn kiếm hàng quán ăn uống, cà phê, cà pháo thì phải ít nhất lái xe tới phố cũng vài chục dậm; quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có một tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà thờ và khu lớn hơn nơi ngã rẽ giữa con đường độc đạo từ xa lộ, 12 dậm bắt ngược theo hướng bắc tới nhà xứ và tiếp tục xuyên thẳng tít mù, qua vùng quê phía trên, xuyên giữa những cánh đồng cỏ nuôi bò, dê, hoặc vài con ngựa, và nối tiếp vào một con xa lộ khác. Tham gia nhóm CYO giúp hội chợ mang lại niềm vui gặp gỡ, cùng có cơ hội hoạt động cho tay chân đỡ cuồng, do ít hoạt động trong thời gian ở trường, ngược lại thói quen lái máy cày, phá đất làm vườn hay trồng cỏ nuôi thú vật.
 
- Chào cha, ông Tài lên tiếng, giơ tay đang cầm lon bia. Cha thấy thế nào, hội chợ nơi đây vui không?
- Chào mọi người, may quá, tôi tìm ông lại gặp thêm mấy anh chị em ở đây.
- Cha kiếm tụi con có chuyện gì vậy, ông Tài hỏi.
- Lúc nãy, tôi muốn có một ly cà phê nhưng không thấy có quán nào bán, đồng thời có ý nghĩ, trời nóng như thế này, nếu có thêm mấy quán nước chanh, nước mía, hoặc quán kem, có lẽ sẽ đắt hàng lắm; do đó kiếm ông hỏi xem nhóm CYO có phép tắc nào thiết lập thêm vài quán nữa chăng.
- Thưa cha, một chị sinh viên mảnh khảnh, nhẹ nhàng lên tiếng, con đề nghị mở thêm quán nghệ thuật trang trí, sơn móng tay, móng chân cho con nít và in hình do mình chụp hay bố mẹ chúng chụp cũng được.
- Ý kiến hay, chị có thể kêu thêm mấy người khác và mở quán chụp hình, vẽ mặt cho các em được không?
- Được chứ thưa cha. Tối nay, con sẽ đi Hattiesburg mang chiếc máy in “Lazer color printer” về, sáng mai, con sẽ mua ít giấy đặc biệt. Cha cho người nối cho con đường dây điện tới nơi muốn mở quán. Con nghĩ, cỡ hai giờ chiều sẽ có thể mở của hàng.
- Để tôi nói thợ điện chuyên môn mở đường điện. Mời cha, ông Tài nói trong khi đưa cho cha Lành lon bia lạnh. Con cũng cho mở thêm mấy đường điện, và hỏi thêm mấy thành viên CYO mở thêm mấy quán nước mía, nước chanh nữa, cha yên trí, cỡ hai giờ chiều mai có thể khai trương. Quay sang mấy người sinh viên khác, ông Tài hỏi,
- Có ai muốn đứng chủ quán nước không? Kêu thêm mấy em CYO giúp cho vui.
- Tôi sẽ mở quán nước mía, mượn máy xay nhà kế bên nhà tôi, và sáng mai tới nhà bác tôi có vườn mía làm đường cả trăm mẫu xin mía về xay. Khó một điều, không biết kiếm đâu ra dao róc mía.
- Để tôi lo, ngày mai, tôi sẽ đem đến cho anh ba con dao róc mía. Anh chỉ cần kêu gọi thêm bốn người nữa, ba người róc mía, một người thu tiền, và anh đứng xay mía. Sáng mai, tôi sẽ huy động người cắm lều, anh đi lấy tạm một xe pickup mía và máy ép là được. Ly nylon trong kho nhiều lắm, tôi sẽ cho người mang đến.
- Nhớ kiếm thêm ít trái tắc, cắt làm tư, bỏ vô mỗi ly nước mía một miếng cho thơm. Cha Lành nói.
- Sao không kẹp vô mía ép luôn cho tiện? Một chị mập mập nói.
- Kẹp vô mía ép luôn thể thì tiện và dễ dàng hơn, nhưng không nói lên được tính chất đặc biệt, khác thường của hội chợ. Chị xem, cái món khoai chiên nơi đây, có giống ai không? Cha Lành nhẹ nhàng nói.
- Tôi sẽ mở quán nước chanh. Sau nhà tôi có mấy cây chanh, năm nay ra khá nhiều trái. Tôi cũng sẽ hỏi nhà bên cạnh, nhà họ có bốn cây chi chít những trái trông đẹp mắt lắm. Năm nay, mưa thuận gió hòa, chanh ra rất nhiều quả.
- Nước chanh cho thêm lát dứa hoặc ô mai vô để thêm mùi vị. Tôi nghĩ, hai quán nước làm liền nhau để có thể dùng chung thùng đá. Ông Tài, có biết mượn đâu được máy bào nước đá không.
- Cha đừng lo, hai giờ chiều mai mời cha ra khánh thành quán. Cha yên trí, sẽ không thiếu bí tích nào đâu.
- Năm trước, tôi ghé qua hội chợ ở Gulfport, thấy có quán bán “Corn chips” quệt “Cheese” nóng, ăn thử thấy hay hay.
- Đó là nghề của con mà. Cha muốn mở quán ấy không. Một chị sinh viên không được cao lắm hỏi.
- Sao chị không trổ tài mà bây giờ mới nói, cha Lành quay qua chị cười diễu.
- Đâu ai nói gì, sao con biết.
- Tôi đề nghị, nếu quý anh chị có sáng kiến gì, cứ “phang” đại, luôn luôn được hoan nghênh. Chúng ta chỉ có lời, không nhiều thì ít, nhưng vui. Sang năm, sao không rủ thêm mấy người bạn học về tham gia hội chợ. Tôi nghĩ, tham gia hội chợ, biến sáng kiến của mình thành hiện thực, có lẽ vui hơn đi du lịch. Cha Lành khích tướng.
- Cha nói có lý ah! Ngày mai, mời cha thử tay nghề của con, mà cha nhớ giới thiệu ở nhà thờ đó.
- Yên trí đi, chiều mai, sáng mốt, nếu chị tham dự cả ba lễ, chị sẽ được nghe  quảng cáo trước lễ ba lần. Nhưng lúc tôi giới thiệu đến quán của chị, chị có muốn đứng lên cho mọi người biết không? Tôi sẽ mời họ vỗ tay nữa, vui tới bến luôn!
- Ok cha, cho náo loạn nhà thờ luôn! Người ta lại bảo ông cha này quảng cáo nơi nhà thờ, cha không ngại sao?
- Tôi mời cả nhà thờ hát “Happy birthday” nào có gì phiền ai đâu. Ngày mai, chắc chắn tôi sẽ ghé qua khai trương những cửa hàng mới. Chào mọi người, tôi đi kiếm gì bỏ bụng, đói rồi.
 
Cha Lành rời đi mà lòng vui như tết, thầm nghĩ phải ăn nói sao khi giới thiệu các quán mới và đề nghị người ta cho tiền sửa sang nhà thờ. Cho đến muôn đời thì tiếng Anh, tiếng u mình vẫn ngọng ngoẹo, dẫu đã tám năm nơi trường học Mỹ và mười hai năm làm phó nơi các giáo xứ người Hoa Kỳ. Giả sử Chúa có đến đất nước này khi 32 tuổi thì cũng nói ngọng mà thôi. Cái ngôn ngữ không nói kiểu viết lách, rồi nào tiếng lóng, nào thành ngữ kỳ cục. Thành ngữ, tiếng lóng nào không kỳ cục, nói một đàng, hiểu một nẻo, mà mình lại là dân tỵ nạn. Thôi thì, người ta dùng tiếng lóng, thành ngữ nói chọc chạch mình mà không hiểu, cũng tránh được nỗi tức giận. Thì cứ coi như đó là nhân đức khiêm nhường, nhịn nhục, nhân đức dốt nát. Nghĩ tới đó, ngài cảm thấy vui vì dám tự diễu mình.
 
11 giờ đêm, cha Lành ra phía trước nhà xứ nhìn lên bầu trời quang đãng; ngàn sao lấp lánh như ánh phản chiếu của muôn hạt kim cương, xa xa dưới nắng mặt trời. Soạn bài giảng cho cuối tuần  vừa xong nhưng chẳng hài lòng chút nào, vì mục đích khuyến khích dân Chúa suy nghĩ lời phúc âm, nhưng cứ luẩn quẩn, e đụng chạm tự ái chẳng nên, dẫu đã phải minh định người ta rất thông minh, rất giỏi, rất linh hoạt, trong sự tính toán công việc chẳng những nơi hiện thực cuộc sống, giải quyết những khó khăn bất ngờ, mà còn dự tưởng cho tương lai. Thế nhưng, đối với phúc âm, hình như họ quên, hoặc không dám suy nghĩ, hay phớt lờ chẳng hề muốn đụng chạm tới dù chỉ trong giới hạn suy tư. Phỏng đây là thái độ quá kính nhi viễn chi vì được rao truyền lời Chúa, lời phúc âm mang đầy tính chất huyền nhiệm, khiến tâm tư không thể đặt vấn đề, hoặc lời Chúa đã bị giải thích theo nghĩa từ chương, đè nặng trên tâm trí cảm nghĩ không nên suy luận, tránh đụng chạm tới.
 
Những điều nghịch lý khi diễn giải phúc âm theo nghĩa từ chương đã bị lên án ngay trong phúc âm từ khi được viết mà mãi cho đến nay, vẫn chưa có ai dám lên tiếng giãi bày, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Không hiểu Chúa nghĩ gì khi phải chịu đựng cảnh múa may quay cuồng, trổ tài hùng biện để quảng bá những chiếc bánh vẽ thế tục phỉnh gạt dân của Ngài! Nước Trời, Nước Thiên Chúa thì bị mường tưởng là thiên đàng, nơi vui vẻ vô cùng vì không phải đối diện những khốn khó thế tục. Thiên Chúa lại bị diễn tả giống như một vị thần già lão ngây ngô, hài lòng với những lời chúc tụng đầu môi chót lưỡi trong khi lòng dạ còn đang vất vưởng với mơ ước nhân sinh, hữu vi.
 
Lời phúc âm kêu mời, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, và mọi sự khác sẽ được ban cho các ngươi” (Mt. 6:33), thì bị biến thành luật. Tham dự thánh lễ mà lòng dạ bay bổng đâu đâu, phỏng có ích gì cho phần rỗi. Mà phần rỗi là gì lại cũng bị gán ép cho là tránh thoát khổ cực thế tục, hoặc tránh thoát bị ngụp lặn nơi chốn tưởng tượng cho rằng lửa sinh, lửa diêm, lửa thiêu đốt đời đời không hề tắt. Không hiểu dân Chúa nghĩ gì khi nghe thấy lời rao truyền ba trẻ Fatima nhìn thấy trái đất rẽ ra, nơi đó hiện diện những linh hồn đang bị thiêu đốt, đồng thời, hỏa ngục cũng được tuyên truyền rằng đó là nơi chốn đời đời; đó là nơi vắng bóng Thiên Chúa. Cha Lành thở dài, Thiên Chúa là cội nguồn hiện hữu, ngoài Thiên Chúa không có gì hiện hữu, mà nói hỏa ngục là nơi vắng bóng Chúa, không có sự hiện diện của Ngài, thì hỏa ngục sao có thể hiện hữu. Nói rằng trái đất rẽ ra để thấy hỏa ngục, thì ngày nào đó trái đất này nổ tung bởi bất cứ lý do gì, thì cái hỏa ngục lửa sinh lửa diêm ấy vẫn sẽ hiện hữu nơi đâu? Nơi đâu ngoài Thiên Chúa? Tại sao, mắc mớ gì mình lại nghĩ đến những điều ấy. Chúa muốn gì? Nghĩ đến mà không dám nói ra, bởi nói ra sẽ bị phiền hà, mười hai năm làm phó cũng chỉ vì dám nói, do nên phải nói, mà không đủ ớn rồi sao. Nhưng dân Chúa đã bao năm chìm trong những giải thích thế tục, và rồi linh hồn họ sẽ đi về đâu? Đi về đâu là chuyện của họ, mình đi về đâu mới là vấn đề. Mình biết mình sẽ đi về đâu, về nơi ước muốn của mình; vì mình biết ước muốn của mình là đâu, nhưng dân Chúa chưa biết, chưa biết vì chưa suy nghĩ lời Chúa, chưa suy nghĩ lời phúc âm dẫu họ rất khôn ngoan, linh hoạt suy tư, tính toán cho cuộc đời thế tục. Nghĩ thế, cha Lành lại chợt nhớ ngày mai, chiều thứ bẩy phải giới thiệu quán mới, phải nói sao để xin tiền sửa nhà thờ nên chuyển ý suy tư.
 
Nhìn về hướng khu hội chợ, một vài người còn đang ở lại dọn dẹp rác rưởi. Dân Chúa đấy, làm cả ngày mà 11 giờ đêm vẫn còn ráng thức, gồng mình chuẩn bị cho hội chợ ngày mai, gồng mình thức đêm thức hôm dẫu thân xác đã mệt nhoài chỉ vì vài cái đồng bạc. Mấy đồng bạc ấy nói lên điều gì; đức tin của họ được thể hiện bằng bao công sức để có cho nhà thờ vài đồng bạc; cha Lành đau lòng thầm nghĩ. Phúc âm nói, “Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng. Các ngươi không hơn chúng sao?... Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng Ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông, cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó” (Mt. 10:26). Làm sao áp dụng lời phúc âm theo nghĩa từ chương nơi thực tại này? Người ta đang mệt nhoài mà còn ráng sức dọn dẹp rác rưởi, thần thánh nào dám ho he tuyên xưng lời Chúa một cách ngu xuẩn đối với họ không? Coi chừng ăn cán chổi.
 
Mường tưởng đến ai đó dám đem lời phúc âm đọc lên trước họ để rồi bị đập cán chổi lên đầu khiến cha Lành chợt phì cười. Lời Chúa đâu được viết theo nghĩa hữu vi. Phải ăn nói sao đây để khuyến khích dân Chúa suy tư phúc âm, ngài lại tự hỏi. Tự hỏi như thế lại nhắc nhở ngài trầm lại suy nghĩ phải nói cách nào trước những lễ cuối tuần để dân chúng cho tiền. Ôi, làm linh mục đã khó mà xin tiền cho nhà thờ lại càng khó hơn. Mình đâu xin cho mình, đâu xin cho Chúa vì Chúa có biết xài tiền đâu. Thôi thì cứ nói béng tất cả sự thật sự thể giới hạn của mình cho họ biết. Cho hay không là quyền của họ; cho hay không hãy để Chúa xúi dục họ; bây giờ mình cần đi ngủ, lo lắng cũng chẳng làm ra tiền, cha Lành thầm nghĩ và trở vào nhà xứ, im lặng cầu xin Chúa giúp vì mình không biết nên ăn nói cách nào.
 
10 giờ sáng, thời điểm bắt đầu mở cửa hội chợ cho ngày thứ bẩy, cha Lành rảo qua một vòng các cửa hàng, thăm hỏi những người làm việc nơi các quán. Dĩ nhiên, ai cũng muốn biết thành quả lợi tức của mỗi quán thu hoạch, được đánh giá bằng tiền. Tất nhiên, ngài cũng có nỗi háo hức như mọi người, nhưng cố nén lòng nín nhịn không một lời nhắc đến, mà chỉ nói những câu liên hệ tới niềm vui họ đang mang vì có cơ hội hoạt động cho giáo xứ, cố nhận biết tâm tình của dân Chúa qua những câu chuyện mưa nắng, hỏi han bình thường, cũng như niềm mơ ẩn chứa nơi tâm hồn cho tương lai giáo xứ. Được nuôi dưỡng và trưởng thành nơi miền đất dân quê, tâm hồn họ rất mộc mạc, đơn sơ, dẫu một phần nào đã bị ảnh hưởng bởi những biến động dân sinh, hay quan niệm, nhận thức mới về giá trị của con người được tuyên truyền hoặc “Rao bán” trên màn ảnh TV, nơi những chương trình radio.
 
Hài lòng với cuộc sống dân quê dẫu đôi khi phải đối mặt với những chuyện mưa nắng bất thường, đa số dân chúng chấp nhận cuộc đời như một hồng ân được ban tặng vì đã được sinh ra, lẽ đương nhiên, có cuộc sống thì sống, thực hiện cuộc sống bằng cách hoàn thành những công việc hằng ngày hầu cải thiện sao cho cuộc đời dễ thở hơn. Điều bình thường ai cũng nhận thấy đó là người Mỹ sống nơi thành phố ít khi ăn trái cây trồng chung quanh nhà, hoặc để có bóng mát, tăng vẻ đẹp nơi trú ngụ, hay để ngắm nhìn sự triển nở tự nhiên của cây cối như một minh chứng cho quyền lực hiện hữu nào đó đang dàn trãi, hòa nhập với sự hiện hữu, sự sống nơi mình. Không hiểu sự tuyên truyền cách sống vệ sinh ngăn ngừa bệnh tật, hay nhận thức tránh những gì độc hại có thể bất lợi cho sức khỏe lẩn quất nơi không khí, ảnh hưởng tới cây cối, hoa trái quanh mình, mà dân thành phố chọn ăn hoa trái mua bán ở chợ, nơi siêu thị, và ngay cả tại các hàng quán bên đường; vì cho rằng chúng đã được khử trùng trước khi bỏ lên sạp bán. Người dân quê nơi đất nước này lại có thái độ đối xử với cây cối, hoa trái quanh nhà nghịch hẳn lại tâm tình kiêng dè của dân cư thành phố. Họ biết cây cối, hoa trái được sinh trưởng nơi nào, được phân bón ra sao bởi chính những bàn tay, công sức chăm sóc của họ.
 
Hãy thử đặt mình vô trường hợp uống một chai bia Corona. Bạn vắt một múi chanh vô chai bia vừa mở, đoạn kê nghiêng để tránh bị trào, bỏ vô chút muối từ đĩa nhỏ, trên đó các múi chanh đã được cắt sẵn. Bình thường, dẫu thi vị hơn không muối, không chanh, cảm nghĩ của bạn không chi khác biệt. Nhưng, đưa tay hái một trái chanh nơi chậu cảnh kế bên và dùng dao cắt một miếng rồi vắt vô miệng chai bia đã mở sẵn, thử hỏi tâm tình bạn thế nào khi nâng chai bia làm một hớp. Chả thế mà nơi một “Motel” nhỏ vùng West Biloxi, có quán tạp hóa bán bia. Chị chủ quán mua được cây chanh trồng trong chiếc chậu nylon khá lớn đem về trang trí cho quán thêm phần tươi mát. Cây chanh cao hơn đầu người và đầy trái; không hiểu được phân bón ra sao mà trông thật hấp dẫn. Ai chả thế, chỉ mới nhìn thấy trái chanh đã rệu nước miếng!
 
Một nhóm du khách, gần chục người, chiều ấy ghé qua mua bia. Vô tình một vị khách chỉ cây chanh, hỏi có bán trái không. Chị chủ quán giật mình, có lẽ vì hơi lạ, do lần đầu tiên trong đời có người hỏi mua chanh từ cây cảnh, nhưng thản nhiên trả lời, “Một đồng một trái.” Đám du khách mua bốn thùng bia Corona và mỗi người trả một đồng để được hái một trái chanh. Chị ta kể, “Đến tối thì cây chanh chỉ còn được vài trái, không bán nữa, để làm cảnh.” Một chai Corona thời đó chỉ 0.75 cents mà một trái chanh được chính tay mình hái từ cây phải trả giá một đồng; trong khi ngoài chợ, ngày ấy, một đồng cả chục trái.
 
Thử vui chân bước vô nhà một gia đình dân quê và ghé qua chiêm ngưỡng kho thực phẩm của họ, bạn sẽ thấy những hủ, những lọ chứa đựng hoa quả, rau rợ, được muối hoặc bằng đường, hoặc với muối để khi hết mùa hoa trái dùng dần. Ai không chuộng sản phẩm “Home made?” Dân thành phố không ăn trái cây trồng quanh nhà nhưng lại chuộng đồ home made nơi quán bên đường. Cái văn hóa vệ sinh tuyên truyền chẳng khác chi kiểu cổ võ, minh chứng, sân cỏ hàng xóm xanh hơn sân cỏ nhà mình. Hơi lạ, nếu không muốn nói là kỳ cục!
 
Mới qua hai lần đối diện gặp gỡ, đơn sơ thăm hỏi, thái độ những người coi quán đối với cha Lành trở nên bình thường như từng quen biết từ lâu. Vẻ nghiêm trang, trịnh trọng của chiều thứ sáu, hôm qua tan biến như mây khói thoảng theo chiều gió. “Hey,” cha muốn thử món này không, một chút thôi cho biết mùi vị. Hay con gói một ít, cha ăn bữa tối nghen! Bia, ghé vô quán nào có mấy ông cũng được mời bia, nhưng bụng đâu cho cha uống. Làm ở đấy, nhưng đồ ăn, thức uống họ vẫn trả tiền, trả tiền như một đóng góp để giúp nhà thờ. Hội chợ gây quỹ cho nhà thờ mà! Hội chợ là cơ hội cho dân Chúa dùng công sức bày tỏ niềm tin nơi Chúa của mình. Không hiểu Chúa có biết chăng, cha Lành thầm nghĩ. Dân Chúa đơn sơ thế đấy, mình muốn khuyến khích họ suy nghĩ về lời Chúa, khuyến khích thế nào? Câu hỏi mới thoáng qua đã vội mờ dần vì vừa quay sang hướng khác, đã thấy bàn tay vẫy như muốn mời cha tới nói chuyện!
 
Trở lại hội chợ lúc 2 giờ chiều đã thấy quán kem và hai quán nước sẵn sàng phục vụ khách hàng giải khát.
- Thế quán “Chips” ở đâu, cha Lành hỏi bâng quơ khi bước chân trờ tới.
- Cha đi tới, qua khỏi chỗ quẹo là có thể nhìn thấy. Một anh sinh viên mới gặp chiều qua trả lời.
- Sao không đặt ngay tại đây cho vui?
- Nơi đó kề bên mấy quán ăn dễ bán hơn, chị ta nói thế.
- Vậy còn quán sơn móng tay và chụp hình ở nơi nào?
- Mãi tít bên kia hàng xe ngựa. Bên ấy có quán bán gà, bán mèo của CYO, tiện cho các trẻ chụp hình. Cha uống nước chanh hay nước mía?
- Lúc sáng uống nhiều bia quá rồi. Thế có ai mở quán cà phê không?
- Sao hôm qua cha không nói.
- Nếu tôi nói thì sao các anh dám đề nghị sáng kiến.
- Cha nói vậy nghe được. Để rồi sang năm cha sẽ thấy.
- Chắc không? Tôi không thích mơ mộng, mà chỉ muốn thực sự nhìn thấy tận mắt.
- Cha yên trí, chỉ xin cha đừng ngạc nhiên.
- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, vì không có chi lạ dưới ánh mặt trời! Tôi đợi thôi. Mà sao chưa có anh chị nào gia nhập hội đồng giáo xứ.
- Tụi con mới nghe ông Tài nói nên còn đang suy nghĩ.
- Chờ quyết định của anh. Giờ tôi muốn ghé qua thăm hàng “Fritos” và quán chụp hình, chắc ngộ lắm. Chào nghe, gặp lại buổi tối sau lễ.
- Chào cha.
 
Trời nắng nhưng cũng khá đông người, cha Lành giơ tay chào khi đi ngang qua các cửa hàng; đón nhận những nét cười tươi như hoa và giơ tay vẫy vẫy trả lại. Món “Fritos” quệt “Cheese” nóng đông khách gớm. Người đứng xếp hàng cho món mới lạ này che lệch trước mặt cả quán bên cạnh. Lướt qua, đưa tay vẫy vẫy chào, miệng nói “Hi” khiến chị bán quán buông muỗm múc cheese nóng, giơ tay vẫy lại miệng toe toét. Tiến tới quán vẽ móng tay, sơn móng chân trẻ nhỏ, hội chợ đã ồn ào mà quán này còn sinh động hơn. Mấy bé gái quả là vui nhộn, líu lo khoe khoang những bàn tay nhỏ xíu mười ngón xanh xanh đỏ đỏ rối lên. Bố mẹ các em cũng thích thú không kém tụi nhỏ. Con họ vui tươi mà, ôm con chó, bế con mèo nhỏ, leo trên lưng con ngựa gỗ để chụp hình. Và in mỗi tấm hình một đồng, có người in năm tấm; mà nào hình có to tát gì đâu, chỉ được bằng bàn tay người lớn, cỡ một phần tư giấy viết. Sơn mười móng tay, một đồng, mười móng chân, một đồng. Quệch quạc hai bên má hình không ra hình, thú không phải thú, dán thêm ngôi sao trắng trắng, đỏ đỏ nho nhỏ lên một bên, một đồng. Cứ vậy, có người phải trả mười đồng, và vui vẻ cầm mấy tấm hình dắt em nhỏ vui chơi. Cái hội chợ này không những khiến em nhỏ líu lo mà bố mẹ em cũng thích chí, thích chí vì em bé vui tươi khác thường với mười ngón tay xanh xanh, đỏ đỏ.
 
Bài phúc âm của tuần 17 năm C thường niên, chính là Kinh Lạy Cha, ai chẳng biết, và được đọc hằng ngày, luôn trên đầu môi chót lưỡi của mọi người, nhưng ít ai ngờ đó lại là lời nguyện ước, mọi người nhận biết Thiên Chúa. Bốn câu, “Lạy Cha chúng con ở trên trời; chúng con nguyện danh Cha cả sáng; nước Cha trị đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời,” đều cùng một nghĩa. Tất cả đều mong ước cho mọi người nhận thực được sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi mình, nơi mọi người, nơi vạn vật. Kinh Lạy Cha chẳng khác gì “Mantra,” lời nguyện ngắn gọn để giúp định tâm, giúp con người dồn hết tâm ý để đối diện, để nhận biết, nhận thức sự hiện diện của Chúa nơi mình, nơi mọi người.
Giải thích Kinh Lạy Cha thì dễ; ai cũng hiểu; ai cũng biết, nhưng sự thể được gọi là hiểu, là biết này chỉ giống như trạng thái của một người ngồi đối diện với một đĩa thực phẩm tuyệt vời, đầy béo bổ để trên bàn, thèm rõ rãi mà không biết cách nào để ăn, không biết làm sao để biến thức ăn nơi đĩa thành máu thịt mình. Phải ăn nói thế nào để dân Chúa cảm nhận được “Nước Cha trị đến,” cảm nhận được Thiên Chúa chính là sự sống nơi mình, sự hiện hữu của mình chính là Thiên Chúa; mình chính là hoạt động của Thiên Chúa, là thánh ý Chúa đang diễn tiến, đang biến chuyển từng giây từng phút, là, “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Ăn nói, diễn tả đã khó; sao cho dân Chúa cảm nhận được lại càng khó hơn. Phương pháp nào, cách nào để thực hành, để cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình! Ôi, hèn chi có câu, “Ngữ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý.”
 
Ước mơ thì có nhưng phương cách thì không! Vẫy tay chào mấy người bán quán, họ vẫy tay lại, nhoẻn miệng cưởi, lòng mình cảm thấy vui. Cảm nhận được niềm vui nơi lòng khi giơ tay chào, cảm nhận được niềm vui khi thấy người cười và vẫy tay đáp trả. Thế, cách nào để cảm nhận được sự hiện diện của Chúa nơi mình, tất nhiên, chỉ người tụng niệm Kinh Lạy Cha mới biết thế nào. Phải làm sao, thực tập sự việc nào. Ôi thiền, Yoga, định tâm, cầu nguyện, suy tư, suy nghĩ, nghiệm xét, những ngôn ngữ thần thánh đối với dân Chúa đơn sơ mộc mạc này chẳng khác gì những chiếc bánh vẽ, hình ảnh của thực phẩm tuyệt vời trên giấy, vô bổ, chẳng lợi ích chi dẫu được mọi người trầm trồ khen ngợi.
 
Câu phúc âm nghiệm chứng, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44) hiện về nơi tâm trí, cha Lành cảm thấy hình như tác giả cũng bị rơi và thế bí, không tìm ra phương pháp thực tiễn, đơn giản cho mọi người hầu cảm nhận thực thể hiện hữu của Thiên Chúa nơi mình; nói cách khác, cảm nhận được mình là thực thể hiện hữu của Chúa. Chẳng có gì được gọi là mình mà tất cả, mọi sự đề là sự thể diễn tiến, diễn trình của Thiên Chúa. Phương cách nào để Phao lô cảm nhận được, “Anh em không biết sao, thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor. 6:19-20)? Phương cách nào để mình nhận ra điều này? Câu hỏi khiến cha Lành trầm tư phân tích diễn tiến hành trình tâm linh nơi chính mình.
 
Nào sách vở, kinh nọ, kinh kia, nơi thế giới đạo học hiện về, nào những suy tư, nghiệm chứng, phương pháp này, lời chứng kia; “Kiến Tính thành phật;” “Thiên Chúa ở cùng chúng ta;” định tâm, đối diện, “Cái bóng của Thượng Đế là quỷ vương;” “Lửa thì không nóng;” tất cả chỉ được gom lại với hai chữ “Nghiệm xét.” Mà nghiệm xét lại kèm theo cả mớ điều kiện, cha Lành cảm thấy đầu óc bị dồn vào thế bí, một góc tối của cõi suy tư. Mình có cơ hội học hành, lại phải tiêu hao bao tháng ngày đọc, suy nghĩ, nhận định, nhưng tất cả cũng chỉ như muối bỏ biển, chẳng khác gì muôn ngàn giọt nước trôi sông. Thời điểm nào mình chợt tỉnh, chợt nhận biết? Cũng không thể nói gì, đành đổ cho Chúa không khác chi tác giả phúc âm Gioan, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44).
 
Nhớ lại cuộc nói chuyện với một người bạn, “Đức tin của họ đơn sơ lắm; Chúa ban cho họ chỉ có thế, đâu cần lý luận, đâu cần suy nghĩ cao vời. Có thể nói, đức tin chính là cuộc sống của họ; chẳng cần tìm hiểu, được sinh ra để sống thì cứ sống. Cha không nhớ câu, ‘Đối với những ân huệ quá lớn lao, không thể nào đáp trả, thì cách trả ơn tuyệt vời nhất lại chính là vô ơn, là vui thú an hưởng ân huệ đã được ban cho ư.’” Thôi thì, cha Lành thầm nghĩ, hãy để dân Chúa an hưởng niềm vui cuộc sống dẫu họ không nhận biết và chẳng bao giờ nghĩ tới sự sống nơi họ phát sinh từ đâu. Cách trả ơn tuyệt vời nhất là vui thú an hưởng ân huệ được hưởng.
 
0 – 0 – 0
 
- Chào mọi người, trước lễ năm phút, cha Lành vận áo lễ bước tới trước bàn thờ quay xuống đối diện những người đang ngồi nơi những hàng ghế. Giơ tay, ngài nói, hiện diện nơi nhà thờ chiều nay, tôi thấy có một số quan khách. Đặc biệt, tôi đón chào quý vị tham dự thánh lễ. Mời quý quan khách đứng lên cho mọi người nhận biết, và ngài vỗ tay, cả nhà thờ vỗ tay chào đón họ.
- Những ai có ngày sinh nhật trong tuần tới, xin mời giơ tay. Hai cánh tay giơ lên, cha Lành cất tiếng, “Happy birthday to you…” để rồi cả nhà thờ hát theo đoạn vỗ tay. Chúc mừng sinh nhật hai người.
- Có ai có “Birthday party” không? Có gọi điện thoại cho tôi biết không, cha Lành hỏi diễu.
- Chiều nay, chúng ta có thêm 5 gian hàng mới. Hàng kem, hàng nước mía, nước chanh, hàng “Fritos” ăn với “Cheese” nóng, và hàng sơn móng tay, chụp hình. Tôi thấy có mấy em nhỏ sơn móng tay xanh xanh đỏ đỏ, mời mấy em đúng lên ghế giơ tay lên cho mọi người biết. Sáu em nhỏ được bố mẹ cho đứng lên băng ghế giơ cao sáu cặp bàn tay tí hon móng đỏ, móng xanh, tỏ vẻ vui thích lắm; cả nhà thờ vỗ tay chào mừng. Đoạn ngài nói tiếp,
- Ngôi nhà thờ này còn được đứng vững tới ngày nay là do công sức đóng góp của quý vị, và nó minh chứng niềm tin của dân Chúa. Như quý vị biết, khi còn theo học tại đại chủng viện, nhà trường không có môn học nào dạy tôi cách in tiền hay làm tiền. Đọc Kinh Thánh, tôi thấy Kinh Thánh nói Thiên Chúa tạo dựng muôn vật, nhưng có điều hơi lạ, đó là tôi không thấy có bất cứ câu nào nói Thiên Chúa tạo dựng tiền bạc. Nhìn lại thực tế, tôi thấy chính quý vị mới là những người dùng công sức của mình để làm ra tiền. Dĩ nhiên, quý vị có toàn quyền sử dụng tiền của mình bất cứ cách nào, không ai có quyền đụng chạm tới hoặc nói năng chi.
- Qua hai lần họp, hội đồng giáo xứ nêu lên thực tại, và đó là có rất nhiều việc cần được thực hiện cho giáo xứ chúng ta. Chẳng hạn, sửa sang lại nhà thờ, làm thêm phòng học cho các lớp giáo lý. Những ban, ngành như mục vụ, phụng vụ, xây dựng, hôn nhân, tài chánh kể như chưa có ai, chưa có ngay cả những trưởng ban. Thế nên, hội đồng giáo xứ kêu gọi những ai có thể tham gia vì lợi ích và phát triển giáo xứ. Hội đồng giáo xứ thường họp vào lúc 6 giờ chiều thứ 6 của tuần thứ ba hàng tháng. Xin mọi người động viên nếu biết ai có thể.
- Chúng ta đang hiện diện nơi nhà thờ; như chúng ta thấy, hai giàn máy lạnh chạy hết công suất mà nhà thờ vẫn nóng, dẫu bây giờ đã là buổi chiều. Hội đồng giáo xứ họp nhau và đưa lên ý kiến phải tu sửa nhà thờ, phải ghép thêm bản vôi vào tường nhà thờ cho tăng thêm phần cách nhiệt, và đồng thời bỏ thêm lớp cách nhiệt lên trần vì trần nhà thờ không có lớp cách nhiệt giảm sức nóng.
- Nói đúng sự thực, tôi không muốn nói chuyện này, nhưng hội đồng giáo xứ giải thích rằng tôi phải nói vì họ bảo, “Cha nói họ mới nghe.” Đó là những thành viên của hội đồng giáo xứ nói, chứ không phải tôi.
- Thế nên, tôi chân thành đề nghị với quý vị; mỗi khi quý vị cho tiền nhà thờ, xin quý vị cho thêm 5 đồng nữa, chỉ thêm 5 đồng thôi, đừng cho thêm 10 đồng hay hơn. Xin cảm ơn quý vị, và bây giờ, chúng ta chuẩn bị dâng lễ.
 
0 – 0 - 0
 
- Chào cha.
- Chào cụ sáu. Nghe nói nhà cụ sáu gần đây, sao hai tháng nay mới thấy cụ sáu tham dự thánh lễ. Xin lỗi nghe, trước lễ, trông thấy cụ sáu tôi đã nghi nghi, nhưng e lầm bởi đôi khi người giống người. Nào có lạ gì, dưới con mắt cụ thì người Việt Nam nào cũng giống nhau; đối với tôi thì ngược lại, mọi người Mỹ cũng đều giống nhau. Sao cụ sáu không cho tôi biết trước, tôi mời cụ sáu đồng tế và giới thiệu cho vui.
- Không sao đâu cha, ở đây mọi người biết con mà. Ngày trước, con giúp ở đây, mới bỏ đi sang xứ khác bốn năm.
- Trường giáo lý sắp mở lại; giáo xứ cần có nhóm bảo vệ và giáo lý hôn nhân, rồi lớp thêm sức, học hỏi rửa tội. Cha Lành thở dài, hội đồng giáo xứ thì thiếu rất nhiều thành viên, lại còn nhóm sinh viên và trung học đệ nhị cấp nữa. Mới về, tôi không biết mô tê gì; hơn nữa, tôi lại là dân tỵ nạn, nên sự hiểu biết về dân ở đây lại càng mù tịt. Hay mời cụ sáu sáng mai, ghé qua nhà thờ đồng tế cho vui. Nhân tiện, tôi muốn chào bà nhà làm quen. Thế các anh các chị con cụ sáu lập gia đình hết chưa?
- Dạ, con được ba cháu, hai trai, một gái đã thành thân hết rồi. Anh trai lớn ở gần nhà con; anh thứ ở bên Louisiana, còn cháu gái út thì ở mãi California, thưa cha.
- Bà nhà có xem hội chợ chiều nay không?
- Thưa cha không. Nhà con mắc chuyện gì đi đâu chiều nay không biết. Có lẽ sáng mai sẽ dự lễ.
- Hay mình đi dạo một vòng hội chợ, kiếm chút gì về uống bia, cụ sáu nghĩ thế nào.
- Cũng được, thưa cha, chiều nay con rảnh mà.
 
Tay này cầm một dây bia sáu lon, tay kia hai hộp thức ăn bỏ trong túi nylon đi chợ, một hộp bò barbeque, một hộp rau trộn, cha Lành hỏi cụ sáu,
- Cụ sáu xem, còn có thể dựng thêm những loại cửa hàng nào nữa cho sang năm?
Cụ sáu, hai tay bê hai hộp thức ăn chồng lên nhau, một hộp Fritos, một hộp sườn heo nướng. Muốn nói chuyện riêng hy vọng dụ khị cụ sáu trở lại làm việc cho giáo xứ, cha Lành mời cụ sáu về nhà xứ ngồi ăn cho mát mẻ.
- Con thấy nơi xứ St. Alphonsus, mỗi kỳ hội chợ, họ có khu dành riêng cho các gian hàng kỷ niệm hoặc thủ công. Chỉ cần dành riêng cho mỗi gian hàng một khoảnh đất nhỏ, cho thuê với giá 100 đồng ba ngày. Họ tự căng lều, mình chỉ cần cung cấp cho họ một đường giây điện để thắp sáng một bóng đèn ban đêm là đủ, hay nếu nóng quá, họ bật thêm cây quạt. Như vậy, nếu có được 10 gian hàng như thế, mình cũng có thêm được 1,000; mỗi ngày cũng được hơn ba trăm.
- Cụ có biết nhóm đó hay biết ai có thể liên lạc được với nhóm đó không. Đúng rồi, có lần tôi ghé qua nhà thờ St. Alphonsus, nếu không lầm, tôi thấy có hơn 20 gian hàng như thế. Cảm ơn cụ sáu, nhờ cụ nhắc tôi mới nhớ ra. Nhưng nơi miền quê này, cần quảng bá cách nào để có đông người tham dự?
- Cha thử mời mấy giáo xứ chung quanh, đề nghị họ mở một gian hàng không phải trả tiền và mình cung cấp lều cho họ. Mình không chia tiền lời của họ mà để họ bỏ vào ngân quỹ xứ họ, chỉ đề nghị họ kêu gọi người giáo xứ của họ tới ủng hộ cửa hàng của họ mà thôi. Cha thử tính coi, bốn giáo xứ bốn cửa hàng, mỗi giáo xứ chỉ cần 50 người ghé qua, mình sẽ có thêm 200 khách tiêu tiền. Đồng thời, cha đừng cho làm vé số (raffle) kiểu các giáo xứ thường làm mà làm thật nhiều vé số rẻ tiền, chỉ 5 đồng một vé, làm hai chục ngàn vé và chỉ một lô trúng độc đắc một chiếc xe Camry hay Toyota pickup access. Hai chục ngàn vé, năm giáo xứ, mỗi giáo xứ có bốn ngàn vé, mỗi vé có 5 đồng, bán sẽ hết rất mau. Còn nếu vào năm bầu cử, nói các ứng cử viên bảo lãnh cho một đêm văn nghệ và dành cho mỗi ông ba mươi phút tha hồ quảng bá. Còn nhiều phép tắc nữa, để năm tới, cha cho con biết, con sẽ tham gia ban điều hành hội chợ cho vui. Mà con thấy năm nay có thêm năm gian hàng mới, hàng kem, hai hàng nước mía và nước chanh, hàng Fritos và quán chụp hình. Theo con thấy, coi chừng nhờ em sinh viên bán Fritos qua các xứ lân cận quảng bá nơi các lễ cuối tuần ăn khách lắm. Sang năm cha thử coi.
- Có lẽ cần phải lập một ban nhận định để đưa ra nghị quyết rút ưu khuyết điểm dùng chuẩn bị cho hội chợ năm tới. Với kinh nghiệm và hiểu biết nhiều như thế, cụ sáu có thể giúp cho việc này không. Cụ sáu thấy đó, tôi chỉ là một người tỵ nạn muộn màng nơi đất nước này, lại cả đời chỉ quen thuộc với sách vở, lý thuyết thiếu thực dụng; đồng thời, kiểu cách sinh hoạt hoàn toàn khác biệt với dân bản xứ nên nơi trường hợp giao tiếp, liên lạc, thường cứ bị bối rối như bố vợ bị đấm. Cụ sáu sinh hoạt với dân xứ này đã lâu, hiểu họ nhiều, tôi nghĩ, có được cụ sáu giúp họ ghi nhận chuẩn bị cho sang năm thì thật tuyệt vời.
 
Mỗi người uống hết hai lon bia, cha Lành lôi ra chai Cordon Blue hôm nọ ghé qua tiệm rượu người quen, chẳng hiểu nhân viên chuyển rượu làm thế nào, chai rượu bị bật nắp. Chủ tiệm rượu đưa cho ngài uống dùm nên xách về. Ngài không thích uống rượu “Tây,” chỉ uổng tiền, làm sao bằng rượu thuốc, vừa phê, vừa có hậu. Lấy hai chiếc ly xây chừng, cha một ly, cụ sáu một ly. Mỗi ly ngài rót vô cỡ hai “Shots.” Cụng ly và làm mỗi người một hớp xong ngài mới lên tiếng nhờ cụ sáu lập ban nhận định về diễn tiến chuẩn bị hội chợ. Cụ sáu đang giúp nơi xứ khác và thường thì nhận lệnh từ cha xứ dẫu được dùng ngôn từ nhẹ nhàng. Đàng này mình nhờ vả thực sự, cha Lành nghĩ, nếu có được thêm người nhúng tay làm việc thì tốt. Nếu không, cũng có thêm người để hỏi han, nhưng, làm sao kéo được cụ trở lại, trao cho cụ lo về chuẩn bị hôn nhân, lập nhóm bảo vệ hôn nhân gia đình, dạy giáo lý thêm sức, đồng thời trưởng ban mục vụ, điều hành chương trinh giáo lý thì đỡ được biết bao công việc.
- Cụ có muốn thử rượu thuốc không? Loại rượu này tôi dùng từ năm 1967, đơn thuốc do ông nội một người bạn cho. Số là ngày ấy, chúng tôi có nhóm bẩy người học cùng lớp và thường ghé qua nhà một người bạn. Ông nội của bạn tôi là thầy lang thuốc bắc. Nhà cụ sát cạnh nhà bạn tôi và thỉnh thoảng tôi ghé qua chào hai cụ. Một hôm, ghé qua thăm hỏi đôi câu, cụ viết một đơn thuốc và cho tôi, nói đơn thuốc chống lao tâm lao lực, và thuở ban đầu, còn nhỏ, tôi nhờ tán thành thuốc tễ để ăn. Lớn hơn, tôi ngâm rượu để uống.
 
Lấy hai ly khác, cha Lành rót vô cỡ một phần năm mỗi ly. Cha một ly, cụ sáu một ly. Thực phẩm còn đó mà cha, cụ sáu chẳng có thể ăn tiếp, nhưng rượu thì hết thứ này, sang thứ khác. Say say, ngà ngà, những chuyện trời mây trăng nước tiếp tục nhàn đàm.
- Cụ sáu dùng cà phê không, tôi pha cà phê mới.
- Không đâu, thưa cha, con chỉ uống cà phê vào buổi sáng. Có lẽ cũng đã muộn rồi, con xin phép cha về thôi. Sáng mai con sẽ đem áo phụ lễ với cha. Cảm ơn cha, chào cha.
- Chào cụ sáu, gặp lại sáng mai.
Cụ sáu ra về, cha Lành vô rửa mặt cho tỉnh táo, pha ly cà phê nóng giã rượu, đoạn cất bước về phía hội chợ.
 
Hội chợ tối thứ bẩy, người đông thật là đông. Quán nước mía cháy hàng; quán kem cũng đóng cửa; chỉ còn quán nước chanh đông nghẹt vòng trong, vòng ngoài, những nhân viên của hai quán kia họp lại giúp; ai cũng bận rộn, bận rộn nhưng vui. Cha Lành ghé qua, giơ tay vẫy vẫy; mấy anh chị sinh viên và các em CYO vui vẻ, tươi cười, nhưng nơi mặt ai nấy lấm tấm mồ hôi. Nơi thời điểm này mà lứa tuổi thanh niên, thiếu nữ vẫn còn biết thụ hưởng niềm vui đơn giản do quy tụ nhau làm công việc nào đó quả là hơi hiếm, ngài nghĩ.
 
Đến nơi quán chụp hình, chị này giỏi thiệt. Hai ngọn đèn sáng thật là sáng khiến mấy đứa trẻ nổi bật giữa màn mờ tối chung quanh. Hộp tiền của quán này hơi nhỏ nên phải dùng túi đi chợ để bỏ vô. Nhìn thấy cảnh này, cha Lành thầm nghĩ, khi họp hành chuẩn bị cho gian hàng nào, cần được dự kiến mọi trường hợp có thể xảy ra.
 
Sáng chủ nhật, chiếc đồng hồ được điều chỉnh báo thức lúc sáu giờ, trung thành quen thói lên tiếng, cha Lành với tay ấn nắp che mấy nút bấm. Những âm thanh bíp bíp dễ thương, nhưng thật khó chịu đôi khi, lặng lẽ ngưng như ngậm ngùi vì bị ngăn chận, cấm đoán. Chợt có cảm tưởng âm thanh báo thức tắt ngang mang nét ngậm ngùi, ngài tự vấn lương tâm, tại sao cảm tưởng này phát sinh đối với chiếc đồng hồ điện, một vật vô tri, vô giác!
 
Vẫn còn đang ngon giấc vì đêm qua đi ngủ hơi muộn, bởi nghĩ rằng sáng nay, mãi 9 giờ mới dâng thánh lễ thì 8 giờ dậy, cà phê cà pháo 30 phút, ra nhà thờ chuẩn bị lễ, thảnh thơi chán, để rồi mãi tưởng nhớ lại nhận thức về sự thể của tham vọng và e sợ đốn mạt của một người, đã làm phiền tâm tư cha Lành; nhưng chính sự việc đáng khinh, nếu không muốn nói là không nên có, do ý đồ tham vọng, ham hố bã lợi lộc tiền bạc thế tục đã ảnh hưởng đến mình, sau lại trở thành cơ hội cho mình hoàn thành sự việc đã gần hai chục năm dang dở. Sự thể này, được ngài cảm nhận là một hồng ân, “Hồng ân dốt nát,” do nỗi bực bội hữu vi bình thường con người.
 
Nói rằng bình thường nhưng thực tâm, ngài cảm thấy chẳng bình thường chút nào, mà tự thẹn, do đã vô tình quá hấp tấp đánh giá sự việc chẳng khác vận xui, hay điều không nên xảy ra, do đó mệnh danh “Hồng ân dốt nát.” Do sự ngu dốt, bởi đã không nhận ra hồng ân, cơ hội tốt trong cuộc đời. Nên cảm ơn Trời, đội ơn Chúa để phần nào xóa tan nỗi bực bội mỗi khi chuyện gì đó xảy đến vô tình gợi lại niềm đau dấu kín giao động tâm tư, vết thương lòng khó bề quên lãng, đã tạo nên phản ứng chẳng ngờ nơi tâm tưởng, cha Lành thầm nghĩ.
 
Đặt tên cho sự thể tâm tư là chẳng ngờ bởi chưa bao giờ cha Lành có thể nghĩ tới hay đọc được nơi bất cứ tác phẩm nào, hoặc có lẽ cũng có những tác giả cảm nhận được sự thể tương tự hoành hành nơi tâm tưởng, nhưng đã vô tình không để ý, hay không quen nhận thức tâm cảm của mình nên không thấy ai viết lách, giãi bày. Khi sự việc xảy ra, cha Lành không một tiếng nói dẫu nơi tâm tư rất bực bội, phiền não, lại coi thường, nếu không muốn nói là khinh chê cách sử xự kém cỏi của bậc bề trên.
 
Thực ra, chức vị đối với cha Lành, dù trong tôn giáo cũng như ngoài đời, cũng chỉ là bổn phận, trách nhiệm nhân sinh. Cho dù tiêu pha tuổi xuân, gắng sức và miệt mài để đạt được danh vị tiến sĩ, thạc sĩ, hay thánh nhân, vĩ nhân, thì tất cả cũng chỉ là phương tiện mưu sinh. Thử hỏi, bình thường, mục đích của sự làm việc là gì nếu không phải là “Kiếm tiền” để rồi dùng tiền ấy trang trãi cho những nhu cầu sinh sống; ngoại trừ trường hợp, khi đã có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, không phải lo nghĩ đến sự mưu sinh, mà thực hiện những việc thích chí, hay hoàn thành hoài bão nào đó cao thượng hơn! Câu trả lời của vị linh mục giáo sư môn Kitô học ngày ấy gợi về nơi tâm tưởng cha Lành, khi còn đang theo học đã hỏi lúc vô tình đi bên cạnh ngài ra khỏi lớp giờ giải lao,
- Thưa cha, con cảm thấy hình như chúng ta cứ bày ra những vấn đề rồi vật lộn với những điều ấy! Giọng thày Lành nhẹ nhàng phần nào e ngại vị linh mục giáo sư có thể bực bội vì câu hỏi hơi nghịch thường. Nhưng cha giáo không tỏ vẻ khó chịu chi hết mà lững thửng nói,
- Có một câu ngạn ngữ, tôi không nhớ của dân tộc nào, nói rằng, “Khi con vật ăn no, chúng ngủ, nhưng khi con người có đủ cơm no, áo mặc, thì họ suy nghĩ.”
 
Ngày ấy, đã qua sáu năm sống nơi một họ lẻ, dâng lễ thêm nơi một nhà thờ nhỏ khác và hàng tuần một lần nơi một nhà tù, cha Lành viết giấy trình bày ý muốn được nhận bài sai mới. Tự thâm tâm,  ngài nhận thấy làm việc sáu năm nơi một địa điểm, qua hai lượt giải trình phúc âm, nên rời đi nơi khác để dân Chúa có cơ hội đón nhận những quan điểm, nhận thức khác về lời Chúa cho tâm tư thêm phần sinh động may ra thăng tiến hơn về nhận thức tâm linh. Là một linh mục, nhiệm vụ chính yếu là mục vụ và phụng vụ. Tất nhiên, phúc âm, lời Chúa cần được chiêm nghiệm thâm sâu hầu giúp dân Chúa thăng tiến nơi hành trình tâm linh, thường được gọi theo ngôn từ Công giáo là hành trình đức tin.
 
Khi còn đang theo học, hình như nơi cuốn sách viết về giảng giải trong thánh lễ, có ghi lại một câu, nếu không lầm, lời khuyên nhủ khá ngắn gọn của linh mục nào đó người Ái Nhĩ Lan, “Nếu có điều gì muốn nói thì nói ra đi, nếu không, vì lợi ích phần rỗi dân của Chúa, xin bạn câm cái họng lại. Trong 7 phút mà bạn không nói lên được điều muốn nói thì cho dù cả ngày bạn cũng chỉ làm phiền dân của Chúa mà thôi.” Thử hỏi, làm sao giải thích câu, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta,” cha Lành nghĩ, nếu đã chẳng nghiệm được, “Để kẻ chết chôn kẻ chết của chúng,” hoặc, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi,” hay, lý luận, giải thích nào hợp tình hợp lý cho dụ ngôn người chủ vườn thuê thợ làm việc vào những thời điểm khác nhau trong ngày mà cuối cùng tiền trả công mỗi người cũng chỉ một đồng. Sáu năm, mỗi bài phúc âm chủ nhật được giảng giải hai lần. Cho dù giáo dân chưa kịp nghe đã vội quên những lời cha giảng thì qua sáu năm cũng đã bị phiền hà tâm tưởng quá đủ, linh mục có ở đó cả đời chỉ làm hại thêm, ngăn ngừa thêm nhận thức của dân Chúa.
 
Nhớ lại có lần, khi suy nghĩ phải nhận thức thế nào về câu, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không  đáng là môn đệ Ta,” cha Lành lật mấy cuốn Kinh Thánh tiếng Anh để tìm hiểu các bản dịch dùng  khác ngôn từ như thế nào, may ra có được nhận thức khá hơn về lời phúc âm nghịch thường này. Bẩy cuốn Kinh Thánh tiếng Anh được in vào những năm khác nhau, cuốn cổ nhất, cha Lành nhặt được nơi một thùng rác của nhóm bán đồ cũ lấy ngân quỹ giúp người câm điếc, “Holy Bible,” bản này in lại của bản in năm 1611 do nhà in Jones tại Anh quốc. Bộ diễn giải Kinh Thánh tiếng Anh mới nhất là bộ Anchor Bible (1987), in tại Hoa Kỳ; tất cả đều dịch, “He who loves father or mother more than me is not worthy of me” (Mt. 10:37), dẫu nơi cuốn Holy Bible dùng lối văn cổ xưa của Anh ngữ nên được viết, “He that loveth father or mother more than me is not worthy of me” (Mt. 10:37; Holy Bible; The Self-Pronouncing S.S. Teachers’ Combination Bible; 1902; The New Testament; p. 15).
 
Nơi cuốn phúc âm Luca thuộc bộ Anchor Bible, vol. 28A, được imprimatur 1983, cũng giống các bản tiếng Anh khác, thì lại dùng ngôn từ, “Hate,” “If anyone comes to me and does not hate his father, his wife and his children, his brothers and his sisters, yes even his own life, he can not be a disciple of mine” (Lc. 14:26; p. 1059). Ngoại trừ bản này, không giải nghĩa, mà chỉ lăng nhăng lít nhít lung tung, không một cuốn sách nào có thể đưa lên áp dụng câu phúc âm này vào cuộc đời một người. Có điều lạ, đó là nơi bản dịch Kinh Thánh Tân Ước tiếng Việt do 14 học giả Kinh Thánh biên soạn và được ấn hành năm 1994 tại Sài gòn thì lại được giải thích, “Ngay cả những liên hệ, những tình cảm thân thiết nhất cũng phải được xét lại: người môn đệ phải đặt tình yêu Chúa Kitô lên trên mọi tương quan gia đình, trên chính mạng sống mình nữa. Quả là một đòi hỏi quyết liệt và tuyệt đối, chưa hề có ông thầy nào dám đưa ra cho môn đệ của mình. Nguyên điều này cũng mặc nhiên cho thấy Chúa Kitô chính là Thiên Chúa” (KTTU; tr. 98).
Cha Lành có hai bản Kinh Thánh tiếng Việt, một do Lm. Nguyễn Thế Thuấn dịch và bản Kinh Thánh Tân Ước của 14 học giả Kinh Thánh biên soạn. Đọc phần ghi chú giải thích khiến ngài phần nào hiểu được tại sao những người mang danh hiệu “Đi tu” ít khi về thăm gia đình, thân tộc, và nếu có về thì chẳng khác gì ông hoàng bà chúa đoái thăm dân chúng. Lời giải thích nơi cuốn Kinh Thánh Tân Ước do 14 vị học giả biên soạn vô tình minh chứng Chúa Giêsu kêu gọi con người trở nên vô thần; bởi chỉ những người vô thần mới thi hành những việc vô luân, tổn hại đến gia đình, cha mẹ, và anh em họ hàng. Nói cho đúng, nếu hiểu theo nghĩa từ chương, sự giải thích này khuyến khích những ai tin vào Chúa Giêsu trở nên cuồng tín, cuồng dâm, vui thích trên sự đau khổ của người khác, thích cảm giác mạnh do quen làm tổn hại chính mình.
 
Những nhà học giả Kinh Thánh mà diễn giải câu phúc âm như thế, thì linh mục, kẻ được thụ huấn những lời diễn giải này sẽ rao giảng về lời Chúa ra sao, và dân Chúa sẽ đón nhận lời phúc âm thế nào. Thiển nghĩ, nếu không bị đe dọa “Không đi lễ ngày chủ nhật sẽ bị xuống hỏa ngục,” thì coi chừng những lời giảng giải phúc âm theo nghĩa từ chương, áp đặt vào luân lý, có lẽ trở thành phương tiện tuyệt vời nhất để đuổi dân Chúa ra khỏi nhà thờ. Sáu năm ở một nơi, quá đủ, có cố ở lại, chỉ mang thiệt hại thêm cho dân Chúa.
 
Và bài sai được gửi đến, cha Lành chuẩn bị về địa điểm mới, nơi nhà thờ một họ lẻ có nhóm dân Việt Công giáo, sau những sôi động chẳng tiện nói ra đối với linh mục cai quản, chuyển đến. Chẳng cần biết nơi mình sắp đến, nhà xứ đẹp tốt thế nào, điều kiện ăn ở ra sao, bởi quá quen “Đánh thuê” nơi các giáo xứ người Mỹ; là linh mục, có tới đâu thì công việc cũng chỉ giới hạn trong mục vụ và phụng vụ mà thôi, ngài nghĩ. Giám mục có ý định gì mà sai mình về nơi có nhón người Việt bỏ nhà thờ Việt, sang du nhập nơi họ lẻ giáo xứ người Mỹ. Cha xứ giáo xứ Mỹ là người Việt, mắc mớ gì lại sai mình về họ lẻ có người Việt.
 
Nhà xứ của họ lẻ đang được trưng dụng làm phòng học cho lớp giáo lý nên cha Lành phải ở nơi nhà xứ của nhà thờ chính và lái xe tới họ lẻ dâng lễ theo lịch trình cha xứ đặt ra. Quá ngạc nhiên và bực bội vì mình được sai về làm việc nơi họ lẻ, có nhà xứ riêng, mà trớ trêu lại bị mưu đồ ép buộc của sự cố tình áp đặt nhưng cha Lành không tỏ vẻ bất cứ thái độ nào khác thường, chuyển đồ đạc vô nhà xứ. Chúa muốn gì, muốn thử thách điều gì đối với mình. 25 năm chuyên viên đánh thuê, làm việc nơi các giáo xứ người Mỹ, giờ bị sai về nơi nhà thờ Mỹ, họ lẻ, có thêm cộng đồng bất mãn người Việt do bị mưu mô nào đó lừa đảo, xúi giục? Sau mấy ngày dò hỏi đây đó, cha Lành biết được nguyên do nhưng cứ lờ đi như không biết, định bụng ráng ở một năm rồi xin đi xứ khác.
 
Thời gian dần trôi, cha Lành biết thêm nhiều tin tức bí mật của những mưu đồ thế tục đang âm ỉ được tiến hành, chẳng những liên hệ đến sự thể người Việt được xúi dục bỏ nhà thờ Việt và một vài toan tính với ngài. Dẫu biết những âm mưu do tham vọng của con người, nhưng tâm tư cha Lành muốn thách đố chính mình, muốn thực sự nhận biết sự chịu đựng của mình với thực tại đang diễn tiến tạm gọi “ý Chúa,” xem năng lực tạm bị đánh đồng với niềm tin vào Chúa, nơi phận số, thường được mệnh danh là “Chúa định,” sẽ ra sao. Ai lỳ hơn ai, trung thành theo ý Chúa hay vội đòi hỏi, kiếm tìm phương tiện theo ước muốn, nhận định của mình, muốn tránh thoát điều mình không thích thay vì kiên nhẫn đối diện.
 
Đọc nơi sách vở, coi trên màn ảnh điện toán, những nhận định, lời khuyên khôn ngoan về thái độ của một người khi đối diện với diễn tiến thực tại chẳng ngờ hoặc bất thường, nhiều khi cha Lành thử tưởng tượng giả sử  mình bị du vào trường hợp như được nêu lên như thế phỏng sẽ có phản ứng ra sao. Thường thì ngài cảm thấy mình sẽ có phản ứng có phần nào hơi hẹp hòi, không thể có trạng thái được cổ võ như can đảm, dũng khí anh hùng giống những thái độ được nêu cao, đề nghị. Nhưng đối diện với hoàn cảnh bất như ý, kinh nghiệm cuộc sống đã kiến tạo cho ngài tâm tư lỳ lợm, kiên nhẫn chịu đựng, không ca thán, không chia sẻ với bất cứ ai, chỉ âm thầm tính toán tìm phương cách giải quyết vấn đề. Nói cho đúng, ngài mang tâm tưởng thách đố sức chịu đựng của mình.
 
Sáu tháng trôi qua chưa hết, một bài sai khác được chưởng ấn gửi tới và cha Lành lại khăn gói di chuyển đến vị trí mới, không phải là giáo xứ, không giáo dân, nhưng chỉ là một văn phòng, với danh hiệu tuyên úy. Nơi một văn phòng với chỉ vài người làm việc thì đâu cần tuyên úy; thế nên cha Lành chẳng khác gì được coi như về vườn. Mình có đi tu để tìm vị thế, danh vọng, hay tiền tài hoặc kiếm nơi nương tựa cho cuộc sống đâu, làm gì hay không làm gì cũng được, để xem Chúa muốn gì, cha Lành nghĩ.
 
Ít ngày sau, chưởng ấn ghé qua văn phòng in thêm bản tố tụng được gửi đến chưởng ấn để đẩy mình ra khỏi xứ, ngài đưa cho cha Lành một bản phụ vừa lấy ra khỏi máy copy. Đọc bản tố tụng bằng tiếng Mỹ, cha Lành biết ngay nó được viết với kiểu cách người Việt không rành văn phạm tiếng Mỹ dẫu đã được người Mỹ chỉnh sửa, nhưng người đứng tên tố cáo lại là người Mỹ, chủ tịch của giáo xứ chính, chứ không phải của họ lẻ.
 
Có nên phản bác không, cha Lành tự hỏi. Dẫu sao, mình đã biết từ trước và định xin rời khỏi sau một năm; nay mới sáu tháng đã được đi khỏi thì có gì phải đặt vấn đề. Nhưng nơi bản tố tụng đưa lên những bằng chứng hời hợt, giả tạo, không được gọi là bằng chứng, mà chỉ là góp nhặt những điều nghe biết vu vơ, thiếu hiểu biết. Thì đã bao người kêu ca là mình giảng khó hiểu từ bao lâu nay rồi; giảng phúc âm theo chiều hướng giải thích thực dụng suy tư tâm linh mà người nghe không thực nghiệm lại chỉ muốn hiểu, họ nói khó hiểu là lẽ đương nhiên. Bao lâu rồi mình kiếm cách khuyến khích suy tư phúc âm mà họ cứ đòi hiểu, không suy nghĩ, không thử, mình đâu thể nào ăn dùm, thử dùm, hay uống dùm cho họ được.
 
Lời Chúa qua phúc âm đã lên án sự giải thích phúc âm, giải thích theo nghĩa đen, hữu vi; mình đâu có bổn phận làm hài lòng ý muốn thế tục con người, cha Lành thầm biện luận; không sao, Chúa muốn gì, hãy để Ngài diễn xuất, kiên nhẫn, kiên nhẫn. Thử thách nào không khó khăn, lòng kiên trì nào không bị thử thách. Người ta làm bậy, muốn đạt được tham vọng hữu vi sẽ lãnh hậu quả hữu vi, muốn đối diện khốn nạn hãy thinh lặng cho họ tiến tới. Nói ra chỉ tạo thêm kẻ thù, để tâm hồn dao động, sẽ không nhận biết được ý Chúa.
 
Hồng ân cha Lành được hưởng lại là có thời giờ, cơ hội hoàn thành cuốn sách ngài đang viết dở, bắt đầu từ tháng bẩy 1997, mười sáu năm bị đình lại để nghiệm chứng thêm về phúc âm. Mãi sau này, khi cuốn sách được in, ngài mới nhận ra thời gian bị về vườn lại là hồng ân cho mình hoàn thành tâm nguyện; nên ngài đặt tên nó là “Hồng ân dốt nát.” Đôi khi ý Chúa cũng cay, mà không cay, sao được biết ý Chúa! Tuy nhiên, nỗi đau nào không giống tương tư; “Biển kia còn có bến, tương tư thấy bờ đâu;” niềm đau dẫu không hiển hiện như vết sẹo ngoài da, nhưng chẳng khác quỷ ma, luôn miên man lẩn quất quanh tâm hồn.
 
Hơn nữa, không manh động, đụng chạm gì, họ  muốn sa đọa bởi tham vọng thế tục thì hãy để họ đạt ước mơ, lại kiến tạo nơi tâm hồn mình nỗi mặc cảm ác độc, cha Lành thầm tự vấn. Biết người sắp bước xuống hố nhưng im lặng, không nói cho họ biết, tất nhiên mặc cảm độc ác phát sinh. Nhưng nói ra, cảnh tỉnh cho họ biết sẽ bị họ coi mình là kẻ thù, họ lại gây thêm nhiều điều phiền hà tới mình thì chỉ thêm phiền lòng. Thôi thì để xem, nếu Chúa muốn nhắc nhở họ thì xúi dại người khác lãnh phiền; mình không thích được hy sinh trở thành kẻ thù một cách dốt nát như thế. Cha Lành nghĩ.
 
Chiếc đồng hồ điện lại báo thức sau chín  phút ngậm ngùi thinh lặng; ngài đưa tay bấm nút tắt, nghiêng mình ngồi dậy. Đêm qua, mãi tưởng nhớ chuyện xưa quên chỉnh giờ báo thức, có lẽ mình bắt đầu lẩm cẩm, ngài thầm nghĩ.
 
0 - 0 - 0
 
- Sáng nay, chúng ta đón chào cụ sáu trở lại thăm và dâng lễ cùng mọi người. Cha Lành vỗ tay, mọi người quay xuống nhìn, vỗ tay theo, thấy cụ sáu cùng hai em giúp lễ đã chuẩn bị sẵn sàng.
- Có ai là khách không, làm ơn giơ tay cho mọi người biết. Không cánh tay nào giơ lên.
- Xin mời những nhân viên bán hàng và giúp việc hội chợ đứng lên.
Cha Lành vỗ tay và mọi người cũng vỗ tay; gần nửa số người nơi nhà thờ đứng dậy. Tiếng vỗ tay dài dường như không muốn dứt.
- Chúng tôi xin có lời cảm ơn đến quý vị, đã chẳng những bỏ công sức mà còn bỏ thời gian, tiền của, để giúp cho giáo xứ phát triển. Riêng thánh lễ này, chẳng những chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì đã có được những niềm vui giúp góp cho nhà thờ, mà còn xin Ngài trả công bội hậu cho công sức của quý vị đã bỏ ra, vì niềm tin vào Chúa và lòng yêu mến giáo xứ cũng như dân chúng nơi giáo xứ chúng ta.
Dĩ nhiên, phần kêu gọi gia nhập hội đồng giáo xứ và xin tiền cũng được trình bày; sau đó thánh lễ có cụ sáu tham gia được cử hành.
 
Cha Lành dạo thêm một vòng chào hỏi những người coi hàng quán sau lễ 11 giờ, và hội chợ, dẫu theo lịch trình được chấm dứt lúc 5 giờ chiều chủ nhật nhưng người cứ đến lan man, mãi bẩy giờ tối mới có thể dọn dẹp. Cha Lành trở về nhà xứ sau khi ghé qua văn phòng thăm hỏi những người đếm tiền chuẩn bị cho ngày mai bỏ vô chương mục ngân hàng, nhưng cố lờ đi không hỏi han chi đến thành quả, lợi nhuận của hội chợ dự đoán sẽ được bao nhiêu. Thực ra, biết ngân sách của giáo xứ là điều cần thiết nhưng, ngài nghĩ, không nên để giáo dân lầm nghĩ là mình đặt nặng vấn đề về ngân sách. Điều quan trọng bậc nhất là làm thế nào, ăn nói ra sao để khuyến khích dân Chúa suy tư về phúc âm; thứ đến khi hội đồng giáo xứ đã đủ người, các ban ngành chia nhau hoạt động và dân Chúa nhận biết rõ giáo xứ là của họ, tất nhiên, chuyện tiền bạc không thành vấn để ngài thầm nghĩ, bởi hai năm trước tiền cho giáo xứ đâu đến nổi tệ như bây giờ!
 
Bài phúc âm tuần 18 C thường niên nói về có người nhờ đức Giêsu can thiệp vào sự chia chác gia tài giữa hai anh em. Nào có gì quan trọng và lớn lao đối với Chúa đâu mà lại gán cho Ngài lời lý luận thách đố suy tư nhận định như vậy. Sự giải thích nhận định về thực thể giá trị hữu vi, thế tục, của cải, đồng thời lời khuyên cảnh tỉnh, để ý đến phương diện tâm linh phần nào chứng tỏ phúc âm không được viết về giá trị hữu vi. Cũng lại là câu chuyện giả tưởng, cha Lành nghĩ, nhưng ăn nói sao cho người ta để  tâm suy nghĩ, nhận định rõ về mục đích của phúc âm chính là nhắc nhở và khuyến khích con người “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người!” Xưa nay, có được cuộc đời nhân sinh, con người phải đối diện với nhu cầu cuộc sống nên đã quá quen với suy nghĩ, tính toán hữu vi sao cho đời mình khấm khá, dễ thở hơn, đôi khi tham vọng tràn lấp làm mờ lý trí kiến tạo lắm nỗi phiền hà tâm tưởng.
 
Hơn nữa, suy nghĩ hữu vi đem lại kết quả thực dụng ảnh hưởng rõ ràng tới cuộc sống; trong khi diễn trình tâm linh lại cũng chính là ý nghĩ, suy tư theo chiều hướng nhận thức; mà sự nhận thức chỉ có thể ngộ chứ không thể cầu. Suy nghĩ, suy tư hữu vi chính là tổng hợp nhận định sự việc thế tục, phân tích và tính toán lợi hại một cách thực tiễn hầu thực hiện, đem lại kết quả chính là lợi ích cho cuộc sống. Suy tư, nghiệm xét tâm linh là suy nghĩ về thực thể hiện hữu của chính mình, giá trị sự hiện hữu của mình, giá trị thực sự của cuộc đời không nơi phương diện vật chất, nhưng nơi tinh thần. Thực ra, tinh thần và thể chất của một người là một dẫu nhận biết hay không; chúng không thể bị phân chia chẳng khác gì sự hợp nhất của xác và hồn.
 
Phân tích, phân cốc làm sao đây để khuyến khích dân Chúa nhận ra thực thể một người gốc gác không phải ở nơi vật chất mà chính là sự thể hiện hiện hữu của Thiên Chúa nơi dạng thức con người. Ah! Đành đặt vấn đề, đặt câu hỏi để dân Chúa tự trả lời, tự suy nghĩ, nhận định, cha Lành nghĩ, nhưng không nên dồn ép quá, từ từ, nhẹ nhàng; nếu không, coi chừng dục tốc bất đạt. Thử nêu câu hỏi có bao giờ họ để tâm tìm hiểu linh hồn mình là gì, thế nào, liên hệ với thân xác ra sao để dẫn đến nhận thức, “Làm giầu nơi Thiên Chúa” (Lc. 12:21).
 
Nghĩ đến đây, cha Lành chợt nhớ lần đồng tế với một linh mục bạn, để ngài giảng, và xin ủng hộ giúp xây nhà thờ tại Việt Nam, cũng vào chủ nhật 18 C của ba năm trước. Trong bài giảng, ngài phán một câu khiến cha Lành tá hỏa, “Quý ông bà hãy lập công cho mình bằng cách đem tiền của mình cất vào kho trên trời, nơi đó không mối mọt nào có thể gậm nhấm. Chúng tôi sẽ là những người giữ kho cho quý vị.” Lạy Chúa tôi, cha Lành thầm nghĩ, Chúa tạo dựng hết mọi sự mà Ngài có biết tạo ra đồng xanh, đồng đỏ nào đâu. Làm gì có két sắt trên trời; mà nếu có két sắt thì linh mục đâu cần phải giữ; hèn chi lắm ngài thích giữ chìa khóa, chỉ thêm nặng mình! Ôi, “Mỗi cha một lý đoán!”
 
Bài phúc âm tuần 19 C thường niên lại càng khó cho người ta nhận thức hơn. Câu chính yếu, “Vì kho tàng các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Lc. 12:34). Quả là oái oăm nhưng quá thâm trầm! Đem tiền, đem tài vật cho người nghèo lại được khuyến khích là bỏ của vào kho nơi Nước Trời. Nếu giải thích, giải nghĩa theo ý từ chương thì có cố gắng, nói cho sinh động, hùng hồn đến cách mấy thì cũng chẳng khác gì như gió thoảng qua tai, chẳng ai dại dột làm theo. Mà nếu đấng nào cứ nhắm mắt lặp lại lời Chúa, thúc đẩy giáo dân “Khôn như con rắn” đang ngồi lắng nghe nơi các băng ghế, thì coi chừng lại bị cho rằng ngốc nghếch. Ai dại gì bán hết gia tài, đem hết của cải mình có cho người nghèo rồi vác chiếu ra đường hưởng cảnh màn trời, chiếu đất? Không ai dại dột, ngớ ngẩn làm như thế, giáo dân sẽ nghĩ vậy; chỉ có cha giảng không phải lo miếng cơm ăn, áo mặc, dại dột nói vậy mà thôi!
 
Lật cuốn The Gospel of Luke X-XXIV vol. 28A của bộ Anchor Bible, bộ diễn giải Kinh Thánh đồ sộ và rất nổi tiếng do những giáo sư thần học, học giả Thánh Kinh lừng danh thời đại, xem bậc thầy thần học phán quyết ra sao. Cũng chỉ loanh quanh so sánh, giả định thế nọ, thế kia về câu, “Vì kho tàng các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Lc. 12:34). Nào là từ tài liệu Q (Qumran), nào nơi phúc âm Matthêu cũng có câu tương tự (Mt. 6:20); nào T. W. Manson nói thế này, W. Bussman nghĩ thế kia; rồi W. Grundmann cho rằng thế nọ; tác giả bài viết còn lôi thêm tài liệu L, tài liệu M, nọ kia cho đầy trang giấy. Thử hỏi, lời Chúa được công bố trong thánh lễ nơi nhà thờ thì khi cha công bố lời Chúa hay giảng thì lòng dạ dân Chúa lúc ấy đang ở đâu? Vậy câu phúc âm này nói về chuyện gì. Thế mà cho rằng, nghĩ rằng câu này phát xuất từ chỗ nọ hay chỗ kia; lại còn tác giả, học giả này nghị thế “Lọ;” học giả kia nói thế “Chai.” Nguồn gốc của câu nói được trích từ đâu mặc xác nó; người này, người kia nghĩ thế nào về câu nói thây kệ họ; mình nghĩ thế nào về câu nói mới quan trọng. Người ta ăn mình đâu no bụng, thần thánh, học giả, học thiệt nghĩ ra sao mình đâu thể nhờ họ suy luận mà thông thái hơn được; mình suy nghĩ về câu nói thế nào mới cần thiết, mới đụng được đến sự khôn ngoan Chúa muốn dẫn dắt mình.
 
Nghĩ đến đây, hình ảnh lời kể của một ông bạn trỗi lên nơi tâm trí cha Lành. “Không hiểu trong thánh lễ sáng sớm ngày chủ nhật hôm đó cha giảng gì thao thao bất tuyệt, hơn nửa tiếng rồi mà thánh thần còn cứ hùng hồn bay lượn loanh quanh, chưa tìm thấy bãi đáp. Ngồi ngay đầu ghế hàng thứ hai giữa nhà thờ bên lối lên xuống, ông cụ cựu trùm, chẳng hiểu đêm qua chè chén hay mắc công chuyện thế quái nào mà cảm ứng lời cha say sưa giảng lại thiu thiu chìm vô cõi mộng, bất cứ điều gì, cha chưa kịp nói, ông đã vội gật đầu đồng ý. Quả thật ngứa mắt, không nói không rằng, cha bước từ tòa giảng xuống tát cho ông một cái khiến ông văng khỏi ghế, ngã lăn đùng ra giữa lối đi của nhà thờ. Giêsu ma lạy Chúa tôi, ông cựu trùm lồm cồm bò trở về ghế trong khi cả nhà thờ, dù có ai lỡ đang đi mây về gió cũng giật mình bừng tỉnh, nhưng im thin thít.” Nhớ lại lời kể của ông bạn, cha Lành thầm nghĩ, mình mà làm như thế nơi đất nước này, chắc chắn sẽ bị tống cổ ra khỏi chẳng những nhà thờ mà khỏi cả nhà xứ.
 
“Vì kho tàng các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Lc. 12:34); câu nói nghịch thường; không hiểu ngôn ngữ thời phúc âm được viết thực sự mang nghĩa ra sao, nhưng chắc chắn không thực sự mang nghĩa giống như ở thời đại này. Câu nói bày tỏ sự liên hệ mật thiết giữa “Kho tàng” và “Lòng dạ.” Thử nghĩ, một người vô nhà thờ cầu nguyện, tham dự thánh lễ, thì lòng dạ họ ở đâu, có ở cái nhà, cái xe, hoặc tiền bạc nơi nhà băng của họ không. Đồng ý rằng cũng có những người đến nhà thờ vì một người nào đó, nhất là nơi lứa tuổi yêu đương, và tuy ngồi trên băng ghế nhưng lòng dạ của họ đang để ý đến anh hay chị nào đó. Thế nên, bình thường, người ta đến nhà thờ cầu nguyện hay tham dự thánh lễ thì lòng dạ của họ hướng về cõi tâm linh; nói theo kiểu con cái nhà đạo, thì lòng dạ họ hướng về Chúa. Hướng về Chúa để làm gì? Để cầu nguyện, cầu xin, để bày tỏ ước muốn, ý định, ước mơ. Nhận thức sự thể như thế, lòng dạ của một người là một với ý định, ước muốn, ước mơ, tham vọng, chủ đích của họ. Bởi thế cho nên, để tâm suy nghĩ một chút, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận biết, ước muốn của mình ở đâu thì lòng dạ mình ở đó. Suy như vậy, có thể rằng hơn hai ngàn năm trước, ngôn từ “Kho tàng” chỉ về ước muốn, ý định.
 
Bài phúc âm cứ nhè người nghèo làm đối tượng lại còn khuyến khích bán hết gia tài đem cho người nghèo. Tại sao phúc âm không nói đợi người ta đem đồ cho mình vì cho dù ai đó của cải  nhiều đến nứt đố, đổ tường nhà kho thì cũng vẫn còn phải lo làm lụng, bóp chắt cho có thêm. Đàng khác, đâu phải cứ ăn chắt để dành thì sẽ trở nên giàu có. Kinh nghiệm sống ai không biết, người nào được sinh ra giầu có mới có thể giầu có. Còn nói về thân phận nghèo khó nơi cuộc đời, sao phúc âm không nói đến lý do hay nguyên nhân khiến ai đó rơi vào cảnh nghèo khó. Ai không được sinh vào đời với đôi bàn tay trắng, và ai không ra đi trắng đôi bàn tay; trong khi Cựu Ước lại cho rằng giầu có là kết quả của người công chính biết kính sợ Thiên Chúa. Đức Giêsu đến đâu phải để lật ngược nhận thức tâm linh của con người, mà Ngài thiện toàn lề luật, quan niệm của con người, hầu con người nhận biết chân giá trị của sự sống, sự hiện hữu của mình thực sự là gì, thế nào.
 
Cũng ông bạn nói về chuyện cha tát ông cựu trùm, kể lại, “Hôm ấy ông cần đổ xi măng cho lối xe vô nhà; hai rãnh bánh xe qua lại lâu ngày, đất bị lún sâu xuống biến thành rãnh nước mỗi khi trời mưa. Ông đã gọi hãng xi măng trộn sẵn từ mấy ngày trước định bụng hôm ấy đào và san đất cho xe đổ xi măng ngày mai. Chẳng ngờ lối xe được đổ đá dăm từ lâu, thêm nữa bị xe cán ngày này qua tháng khác do đó đất trở nên chai cứng rất khó đào bới. Ông kiếm người giúp nhưng không thể kiếm được ai; vì người ta đi làm hết. Ông nghĩ, có lẽ phải gọi hãng xi măng trộn sẵn đình lại hôm khác. Đồng thời, sáng ấy bà nhà muốn nấu phở gà cho bữa trưa lại không có gừng. Thế nên bà nói ông ra chợ mua dùm cho ít gừng. Khi xe chạy hết đoạn xa lộ rẽ xuống ngõ quẹo vào đường giong, ông thấy có anh thanh niên, khỏe mạnh, nhưng ăn mặc hơi rách rưới. Ông dừng lại, tấp vào lề muốn thuê anh ta về san đất chuẩn bị đổ xi măng. Ông đề nghị trả giá 17 đồng một giờ nhưng anh ta không chịu.
- Tại sao, tôi sẽ trả giá gần như gấp đôi lương làm việc căn bản mà anh không làm?
- Ông nghĩ xem, tôi đứng đây xin tiền đâu phải làm gì cực khổ. Ông trả công chỉ có 17 đồng, lại phải xúc đất dưới trời nắng nóng như thế này; trong khi tôi xin tiền, ít nhất cũng được 40 đồng một giờ mà đâu phải làm gì.
 
Lật sách vở, lên nét tìm ý nghĩa của ngôn từ “Tinh thần khó nghèo,” cha Lành thấy tất cả những giải thích, giải nghĩa, dù thuộc về bè phái nào của Kitô giáo, đều đại ý cho rằng phúc âm kêu gọi, khuyến khích giúp đỡ người trong hoàn cảnh nghèo vật chất. Nhưng ngay nơi ngôn từ “Tinh thần khó nghèo” thì đã rõ ràng nói về tinh thần chứ không có gì dính dáng đến vật chất. Phúc âm, lời Chúa nói về tinh thần, dùng phương tiện hữu vi, thế tục để dẫn dắt tâm hồn con người tiến dần vô phương diện tinh thần.
 
“Đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha các ngươi đã khấng ban Nước Trời cho các ngươi! Còn của cải các ngươi hãy bán đi mà bố thí. Hãy sắm cho các ngươi những ví tiền không hề cũ nát, kho tàng không bao giờ vơi trên trời, nơi trộm không lai vãng, và mọt không nhấm nát; vì kho tàng các ngươi ở đâu, thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Lc. 12”32-34).
 
Các nhà học giả Thánh Kinh nơi mọi bè phái của Kitô giáo đúng là “học giả.” Có ai dại dột dám mở miệng khuyên người ta bán nhà cửa, tài sản rồi đem tiền cho người nghèo đoạn ra đường mà ở không. Ứớc muốn của người ta ở đâu thì lòng dạ họ ở đó. “Cha các ngươi đã khấng ban Nước Trời cho các ngươi” lời minh định này chứng tỏ ước muốn của con chiên của Chúa là Nước Trời, thuộc về tinh thần chứ không liên hệ gì đến vật chất. Thế nên, bán của cải mang ý nghĩa đừng để của cải, vật chất ảnh hưởng đến tâm hồn, lòng dạ, ước muốn của mình. Do đó, phúc âm khuyến dụ, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.” Giêsu ma, cha Lành thầm kêu theo kiểu dân quê, hèn chi đã hơn hai ngàn năm, phúc âm vẫn còn là những lời huyền nhiệm, hằng sống. Hằng sống nhưng không được suy nghĩ sao cho có thể áp dụng vào cuộc sống; hỡi các nhà học giả, làm ơn học thiệt thử coi, biến lời Chúa thành lời sống động có thể áp dụng vào cuộc đời cho dân Chúa nhờ!
 
Bài phúc âm của tuần 20 C thường niên khiến cha Lành cắn răng trầm tư. “Ta đã đến ném lửa xuống mặt đất, và nào Ta ước mong gì, nếu nó đã được nhen lên. Có sự thanh tẩy Ta phải chịu, và Ta những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất. Các ngươi nghĩ, Ta xuất hiện để đem bình an trên mặt đất ư? Không đâu! Ta bảo các ngươi, không gì khác ngoài sự chia rẽ. Vì từ nay, trong một nhà có năm người, sẽ có chia rẽ, ba với hai, hai với ba. Họ sẽ chia rẽ với nhau: cha với con, con với cha; mẹ với con gái, con gái với mẹ; mẹ chồng với nàng dâu, nàng dâu với mẹ chồng” (Lc. 12: 49-53).
 
Thánh Phao lô dạy, “Đừng dập tắt thần khi, chớ khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự. Điều gì lành hãy giữ lấy, và hãy k‎ỵ điều dữ dưới bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes. 5:19-22). Thần khí ở nơi mình, cha Lành thầm nghĩ, ơn tiên tri cũng ở nơi mình. Đừng dập tắt, chớ khinh thị, có nghĩa hãy suy nghĩ, suy nghĩ. Lành, dữ là thế nào, làm gì có lành, dữ trong tư tưởng nếu không nói ra, nếu không thực hiện, nếu không ai biết! Trong suy tư chỉ có hai trường hợp, những gì hợp với mình, những gì hợp lý luận, nghĩa là hợp tình hợp lý. Vậy lỡ suy nghĩ sai thì sao? Nếu đã biết nó sai thì suy nghĩ lại sao cho hợp tình hợp lý, ngài lý luận. Nhỡ một tâm hồn bệnh hoạn thì sao? Người điên có biết họ điên không? Nhưng nếu thực sự điên, hãy để nó suy nghĩ theo sự điên khùng của nó. Đối với những con người có đầu óc thế nhân bình thường, Chúa Giêsu không điên sao?
Phúc âm là một đạo học nếu nhìn qua nhãn quan tâm linh. Những câu nói, câu truyện nơi đạo học đều nói thẳng với người nghe, người đọc, và tất cả những vai trò nơi câu nói, câu truyện, cũng chỉ giới hạn nơi nội tâm người đọc. Thế ba người chống hai, hai người chống ba là chi nơi một người? Đúng rồi, ước muốn, ý định, tham vọng. Tham vọng thì rõ ràng là thế tục, ước muốn, ý định đều mang hai phương diện, tốt lành và chẳng nên hay thế tục. “Không đâu! Ta bảo các ngươi, không gì khác ngoài sự chia rẽ.” Lời Chúa nói về thực tại cuộc chiến nội tâm, thực tại diễn biến nơi tâm hồn.
 
Xem các học giả Kinh Thánh nói sao! Cha Lành lật sách. Trời ơi, đúng là học giả, không phải học thiệt. Rõ ràng hiện tượng chia rẽ, chống đối chính là cuộc chiến nội tâm nơi một người; bất cứ ai hồi tâm suy nghĩ về ước muốn, tham vọng nơi mình mà không nhận ra? Thế mà học giả loanh quanh, luẩn quẩn giải thích từ đâu, được nói thế nào rồi so sánh, phân tích, phân cốc tào lao thiên tướng, để rồi chẳng nêu lên được kết luận chi, không nói lên được bất cứ phương cách nào có thể áp dụng lời Chúa nơi cuộc đời con người. Chúa muốn thế hay mấy nhà viết phúc âm muốn dân Chúa khùng lên?
 
Khùng hay điên nào có khác gì nhau, cũng chỉ là ngôn từ. Không nhớ tiền nhân dân Việt có câu, “Hơn nhau tấm áo manh quần, nếu đem lột trần, ai cũng như ai.” Là người Việt, ai mà không biết, nhưng nếu ghi nó vô bài giảng rồi nói lên, không hiểu giáo dân người Mỹ sẽ nghĩ gì, phỏng có bị người nào nổ bậy, tìm đủ mọi lý “gio,“ lý “trấu,” dùng mình như mốc điểm, đối tượng hầu tỏ sự cả sáng ba xu của họ không. Chắc chắn đối với người Việt, nếu nhắc đến câu này nơi bài giảng giữa nhà thờ, sẽ bị kẻ nào đó mượn cớ cha không được nói như thế; rồi cũng lại mượn lối nhìn được tuyên truyền cổ xưa, “Cha thay mặt Chúa,” nên thế nọ, không nên thế kia, dùng mình làm con cờ, tào lao thiên tướng tỏ sự cả sáng rởm. Tất nhiên, “Không ưa thì dưa có giòi,” mà mình đâu có bổn phận phải làm vừa lòng ai, cha Lành nghĩ, nhưng, coi chừng, ai mượn chui vô hàng linh mục, càng được tôn trọng lại càng bị khuôn mẫu hóa. Người ta càng tôn trọng mình, càng thăng hoa ý nghĩ của họ về mình, càng muốn mình giống những bức tượng vô tri vô giác, sơn son, thếp vàng bên ngoài và để mình mục nát bên trong. Thì vị nào càng giả dối, lừa đảo bao nhiêu để có được chiêm ngưỡng hão bấy nhiêu, đành chấp nhận chịu trận giả hình bấy nhiêu, cha Lành phân tích nhận định. Bỗng chợt thấy mình suy nghĩ, du tâm tưởng nơi hiện trạng thái độ lạm dụng nét nhìn phiến diện chẳng nên của thứ người thích nổ bậy, ngài tự nhủ, mới đặt vấn đề tương đồng ý nghĩa ám định của ngôn từ khùng và điên, sao lại đi quá xa tới ba chuyện lăng nhăng lít nhít dổm này.
 
Không nhớ rõ nơi trang nào nơi cuốn Một Quan Niệm Sống Đẹp được viết bởi Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang) có câu, “Bên Tây phương không có đủ nhà tù để nhốt những người điên; tuy nhiên, bên Đông phương, có được người điên nào thì lại được tôn vinh, kính trọng; chẳng hạn Giêsu, Thích Ca, Lão Tử.” Khùng hay điên, hay bị hoặc được gán nhãn thế nào chăng nữa, vẫn tùy thuộc nhận thức của người thẩm định. Thực ra, sự thẩm định bị ảnh hưởng tâm thức, kiến thức, hòa hợp cùng tri thức cá nhân chẳng khác gì người đeo mắt kiếng. Ai đeo cặp kiếng màu xanh sẽ nhìn thấy mọi vật chung quanh đượm mầu tươi mát; kẻ đeo cặp kiếng màu hồng thì thấy cảnh vật thêm phần năng động, tươi vui; ngược lại, người đeo cặp kiếng đen, tất nhiên, nhìn vào bất cứ gì cũng đều mang vẻ tăm tối hơn.
 
Có điều, cho dù thế nào chăng nữa, trước sau mình vẫn là mình. Thì cũng phải cảm ơn người đã nói lên những điều xoi mói, bới bèo ra bọ để mình biết mà sửa đổi hay điều chỉnh. Không nghe được những gì chẳng nên về mình, coi chừng sẽ luôn bị ngụp lặn trong muôn nỗi thối nát, ngu xuẩn. Đâu phải đơn giản có câu, “Khôn ngoan ở chốn nhà bay; dù che, ngựa cưỡi đến đây cũng hèn.” Cổ nhân thâm trầm thiệt. Mình chỉ là dân tỵ nạn, chân ướt chân ráo mới về nơi đây, không biết mảy may gì về dân chúng, chẳng hiểu lề thói, quan niệm, hay bất cứ gì, ngoại trừ bổn phận và trách niệm rao giảng phúc âm, mục vụ và phụng vụ.
 
Giải nghĩa, giải thích phúc âm theo nghĩa  từ chương thì ngay từ ngàn xưa đã bị phúc âm lên án, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Phúc âm không nói Ký lục và Biệt phái sinh sống, thái độ đối xử với dân Chúa ra sao, mà chỉ nói giả hình. Giả hình là ra vẻ ta đây thế nọ, thế kia, không uống bia, hút thuốc trước công chúng nhưng lại như hũ chìm nơi nhà riêng; phúc âm chẳng nói gì về cuộc sống riêng tư của họ mà lại dùng ngôn từ giả hình. Như thế, giả hình là đem lời Chúa, lời phúc âm mang nghĩa ám định một đàng lại bị họ không suy tư, không nghiệm xét để đưa ra cho được nhận thức thâm trầm của ý nghĩa ám định, mà ỷ y, giải nghĩa, giải thích lời Chúa theo nghĩa từ chương áp dụng nơi luân lý thay đổi thế tục.
 
Nhưng, nhận thức không thể cầu, chỉ có thể ngộ như kết quả của nghiệm xét, suy tư; trong khi dân Chúa dẫu quen suy tư, tính toán cho cuộc sống nhưng lại không để ý suy nghĩ, suy tư tâm linh. Cha Lành âm thầm đối chất. Người ta có biết suy nghĩ, suy tư tâm linh là gì đâu! Cũng như mình, thuở ban đầu ngơ ngáo, đọc mấy cuốn Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, Phật Học Tinh Hoa, Ấn Học Tinh Hoa, Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương, Kinh Kim Cang, Kinh Đại Niết Bàn v.v… nào có hiểu chúng nói gì đâu, mà cứ như nước đổ lá môn hay vịt nghe sấm, nhất là phúc âm. Giời! Mấy cuốn sách đạo học, dẫu những lời viết mang vẻ nghênh ngang, coi trời đất bằng vung, phát biểu loạn cào cào, mà lại được cẩn trọng ghi chú. Phúc âm quả là ngổ ngáo, không coi ai ra gì, thách đố độc giả bằng những câu thắt họng, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta không đáng là môn đệ Ta.”  “Kẻ muốn theo Ta thì phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày để theo Ta.” Đã bỏ mình rồi thì lấy gì mà vác thập giá? Lời Chúa nói gì vậy? Bỏ mình là bỏ thế nào? Mang nhiệm vụ rao giảng phúc âm có nghĩa cần suy tư, nghiệm xét những câu ngang ngược này để tìm ra ý nghĩa ám định,  chúng muốn nói lên sao cho có thể áp dụng hợp lý, hợp tình nơi cuộc sống con người. Tất nhiên, dù giải thích, suy luận lối nào, kiểu nào thì cũng không thể có được sự áp dụng chúng một cách hài hòa theo luân lý và sự việc hữu vi, thế tục nhân sinh.
 
Chúng nói về tâm tình, tâm linh. Giời, họ có hiểu tâm linh là gì không? Có lẽ họ cũng như mình thuở ban đầu. Tâm linh, định tâm, kiến tính, nghiệm chứng, những ngôn từ, đọc thì tưởng là hiểu nhưng thực chất chẳng hiểu gì. Đọc riết, đọc hoài, mới nhận ra, tất cả những ngôn từ đao to búa lớn này chỉ mang một nghĩa, suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ. Nơi cuộc sống, người ta chẳng những phải suy nghĩ, mà còn phải tính toán hơn thiệt, sao cho có lợi ích. Suy nghĩ, suy tư tâm linh là suy nghĩ những ý tưởng, những câu nói ngang ngược, suy nghĩ cho đến tận cùng xem câu nói đó hay câu truyện đó ám chỉ về sự thể, trạng thái nào nơi chính mình. Có thế mà cũng phải tiêu tốn hơn chục năm trời, cha Lành cảm thấy tiếc nuối! Tiếc nuối gì, chính lẽ ra phải cảm ơn trời đất bởi đã có cơ hội nhận thức; ngài tự an ủi! Thử so sánh thời gian tìm hiểu, suy tư của mình với biết bao người cả đời đeo đuổi mà cuối cùng cũng đành ngận ngùi chấp nhận sống để dạ, chết đem theo, sẽ thấy mình thuộc loại vô cùng may mắn. Hơn chục năm thì ăn thua gì, mình còn đang sống mà. Thử hỏi, được những ai tự suy nghĩ mà nghiệm được câu, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi?” Hay, “Nhiều kẻ trước hết sẽ trở nên sau hết.” Hoặc, “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta.” Thử hỏi, muôn ngàn người tuyên xưng tin vào Chúa, vậy họ có biết Chúa là gì không hay đành chấp nhận sống để dạ, chết đem đi. Họ cũng tin rằng họ có linh hồn, nhưng linh hồn họ đen, trắng, vàng, đỏ ra sao, hình thức thế nào, có liên hệ gì và thế nào với thân xác, cuộc đời của họ. Hay cuối cùng rồi cũng sống để dạ, chết đem theo. Tin rằng, nghĩ rằng mình có linh hồn, nhưng vẫn không biết chết rồi linh hồn mình sẽ đi về đâu.
 
Nghĩ đến đây, cha Lành nhớ lại, có lần rủ một người quen, thường hay nói chuyện với họ, đến nhà người anh của anh ta, kiếm gì làm bữa nhậu. Cha Lành đem theo một chai rượu thuốc, cỡ bình thường 16 ounces. Hôm ấy chủ nhà nấu thêm món giả cầy ăn với bún; cha Lành làm món bò lúc lắc, lai rai trong lúc nhàn đàm. Dẫu mang tiếng rượu chè nhưng mang thân phận linh mục, ngài đâu dám uống say sưa vì phải lái xe ra về. Đàng khác, dùng Vodka chiết suất tại Mỹ để ngâm thuốc bắc uống mau say nên chỉ cần lượng nhỏ như thế cũng quá đủ. Người bạn đi theo thuộc loại rất ít nói, nhưng vừa nhàn đàm, vừa đưa cay, lại gặp món hợp miệng, một mình ông ta uống gần hết chai rượu trong khi cha Lành chỉ dùng cỡ hai “Shots.” Không hiểu câu chuyện bắt nguồn từ đâu, ba người nói tới, nói lui lang thang đụng chạm, liên hệ, đến phương diện nào, và dẫn đến vấn đề sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời, thế rồi dây dưa đến sự giảng giải của các linh mục trong nhà thờ.
 
Đang lúc ngà ngà, ông bạn phang một câu, “Các cha ở đây chỉ thuộc loại abc.” Cha Lành lên tiếng hỏi, muốn biết ông ta muốn nói gì và được ông ta giải thích đại khái, là các đấng giải nghĩa phúc âm theo nghĩa đen áp dụng vào luân lý nên cứ đem những chuyện trên trời rơi xuống áp đặt một cách phi lý vào cuộc sống; có khi nào nhắc đến lời phúc âm thì lặp lại, cho rằng những câu nói, những dụ ngôn là có thật theo nghĩa đen. Nghe ông ta nói, ngài biết ông ta ngộ được câu phúc âm Gioan, “Ta là đường, là sự thật và là sự sống;” điểm chính yếu, “Thiên Chúa là sự sống.” Hèn chi, đúng là ngang như những câu nói đạo học, “Các cha ở đây chỉ thuộc loại abc.” Nhưng cũng vui, ít nhất trong đời mình cũng đã gặp được một người thức ngộ! Cha Lành cảm thấy có niềm phấn khởi nào đó vượng lên trong lòng.
 
Đúng là ai đã ngộ thì thường bị coi như bất thường, đôi khi bị cho là ăn nói ngổ ngáo, khùng hay điên. Nhưng phải ăn nói cách nào để khuyến khích dân Chúa suy nghĩ, suy tư, vấn đề này luôn nặng nề áp đặt nơi tâm tư cha Lành. Vẫn biết không có cách nào giúp được người ta nhận thức cũng như không thể ăn dùm hay uống dùm cho bất cứ ai. Muốn nhận thức được vấn đề gì phải suy nghĩ; mà dân Chúa dẫu rất giỏi, rất linh động trong suy nghĩ, tính toán chuyện cuộc đời, nhưng thường lại chẳng để ý gì về suy nghĩ tâm linh. Vô tình nhắc đến câu phúc âm nào đó trong cuộc nói chuyện thì đều nghe được trả lời mang ý; đó là lời Chúa, không dám nghĩ đến, hoặc cùng lắm thì lại được hiểu theo nghĩa đen, từ chương. Làm sao, nói cách nào để dân Chúa nhận thực được những câu nói kỳ cục hay những dụ ngôn nơi phúc âm đang nói trực tiếp, nói thẳng vào tâm tư người nghe, hay chính mình. Chẳng hạn, các bài phúc âm kể về chuyện này, chuyện nọ, vô nhà chị em Martha và Maria để thăm hỏi, chỉ là được viết ra, bày ra để dẫn đến câu nói lắng nghe lời Chúa là điều thiết yếu, chẳng khác gì câu, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho các ngươi” (Mt. 6:33). Hoặc, nơi bài phúc âm chủ nhật 20 C thường niên, điểm chính yếu là cuộc chiến đấu nội tâm của một người giữa ước vọng tâm linh và tham vọng thế tục, được dùng thành viên gia đình gấu ó, hiểu lầm ám định, khiến những đầu óc không quen suy tư tâm linh trở nên biệt phái và ký lục mà không nhận biết.
 
Diễn giải làm sao nếu người ta không suy nghĩ! Điều kiện tâm trí hay những sự thể nguyên tắc cần được nghiêm chỉnh áp dụng khi suy nghĩ, suy tư thì đã được khuyến dụ hơn hai ngàn năm nơi thư Phao lô, mà nào có ai để ý, phương chi áp dụng, “Đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi đánh bã anh em, theo truyền thống người phàm, theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô” (2Thes. 2:8). Đã không suy nghĩ, không hiểu nghiệm xét là gì, thì nói chi đến áp dụng phương thức suy tư. Theo đức Kitô là theo thế nào khi đối diện với câu, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta?” Làm sao đây, nói cách nào đây? Làm sao khuyến khích dân Chúa suy tư, cha Lành thở dài, chợt nhớ tới câu phúc âm nghiệm chứng, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44). Bao nhiêu công sức rao giảng, bao nhiêu tiền tài dân Chúa đổ ra để quảng bá Tin Mừng; thế mà thử hỏi Tin Mừng đức Giêsu rao giảng là gì thì cho đến ngày nay, có trả lời cũng chỉ nói quanh co, không thể rõ ràng xác định. Dân Chúa khổ thật, tin vào Chúa nhưng không biết Chúa là gì. Tin mình có linh hồn, cũng chẳng biết linh hồn mình thế nào. Tin rằng một Chúa ba ngôi, ba ngôi một Chúa, nhưng hỏi tại sao, thế nào thì ú ớ bập bẹ những giải thích một cách phi lý, và đổ vạ cho là huyền nhiệm.
 
Chúa cũng chẳng biết làm thế nào để giúp dân Chúa suy nghĩ hầu nhận biết phúc âm; bởi nếu Chúa mà biết thì Ngài đã giúp dân Chúa nhận thức được phúc âm là gì, nói về điều chi và mục đích phúc âm được viết là gì. Bao tiền của, công lao học hành đến tiến sĩ, học giả Kinh Thánh mà cứ nhắm mắt hô lên, phúc âm viết về cuộc đời của Chúa Giêsu. Nếu viết về cuộc đời của Ngài, mắc mớ gì rêu rao, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta.” Giảng gì, dạy gì, học giả, học thật chi nếu không thể áp dụng lời phúc âm nơi cuộc đời! Phúc âm được viết để chọc chơi thiên hạ hay sao mà những lời ra giảng lại cứ đối nghịch như nước và lửa, Làm sao một Thiên Chúa yêu thương vô bờ bến lại có thể đang tâm phạt con người đời đời chỉ vì cái lỗi mắc phạm luật lệ do chính con người đặt ra? Làm sao theo Chúa khi phải giữ điều răn thư bốn, thảo kính cha mẹ? Ôi dân Chúa, cũng chỉ vì không để tâm suy nghĩ nên rơi vào vị thế chiếc lưỡi giữa hai hàm răng!
 
0 - 0 - 0
 
- Lạy Chúa, với lòng chân thành, chúng con họp nhau đây, chung tay thực hiện bất cứ những việc dù nhỏ nhặt đến đâu với ước vọng đem lại lợi ích cho dân chúng của giáo xứ này. Xin giúp sức và soi sáng cho chúng con biết việc nên làm và phải làm hầu danh Chúa được cả sáng và cho dân chúng thực sự nhận biết sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi mỗi người. Chúng con nguyện cầu nhờ danh Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Sau lời nguyện, cha Lành lên tiếng,
- Chào mừng quý vị tham gia hội đồng giáo xứ để chẳng những giúp giáo xứ phát triển mà còn củng cố niềm tin nơi Chúa của mọi con dân giáo xứ này. Bây giờ, mời thư ký hàng xứ đọc biên bản cuộc họp lần trước.
- Tôi đề nghị, chúng ta bàn thảo về phân phối thành viên nơi các ban ngành. Tiếp đó, đại diện các ban ngành trình bày công việc dự định; nếu có sự gì hay phần việc nào liên hệ đến toàn bộ hoạt động của giáo xứ hay các ban ngành khác, yêu cầu quý vị thẳng thắn nêu lên. Vì đây là lần họp đầu tiên của tất cả chúng ta, nên chỉ cần trình bày dự kiến; sau đó, nếu có những ý kiến hay nhận định gì thêm, chúng ta sẽ cùng nhau bàn tiếp. Tôi cũng đề nghị chúng ta nên có một lịch trình mẫu để mỗi khi họp chúng ta theo thứ tự đó cho tiện bề nêu lên những quyết định; đồng thời tránh những sự chồng lấn liên hệ khi bàn thảo.
- Việc quan trọng đầu tiên tôi muốn nêu lên; đó là tôi muốn chúng ta cần có những nhận thức chung bởi chúng ta làm việc cho một mục đích chung là phát triển giáo xứ và củng cố niềm tin của mọi người. Thế nên, để có được những nhận thức chung, xin cho tôi biết, quý vị có thể dành ra cỡ hai tiếng một ngày nào đó chúng ta họp nhau để bàn thảo không. Và chuẩn bị cho cuộc bàn thảo để có một số nhận thức chung, tôi nêu lên một vài vấn đề để mọi người suy nghĩ trước kể như chuẩn bị cho cuộc bàn thảo. Tôi đề nghị bà thư ký giáo xứ ghi lại, sau đó in ra cho mỗi người một bản sau cuộc họp.
- Tôi cần minh định trước, đây không phải là sự khảo hạch mà là vấn đề được đặt ra để suy tư, suy nghĩ. Quý vị cũng nên nhận thực một điều, đó là bất cứ ý nghĩ, tư tưởng nào phát sinh khi mình suy tư đều không đúng, không sai, nó hiện hữu. Nó chỉ trở nên đúng, sai khi mình nói ra hoặc thực hiện. Vấn đề thứ nhất đó là chúng ta tin rằng mình có linh hồn. Vậy linh hồn mình là gì, liên hệ với thân xác ra sao, và làm sao có thể chứng minh mình có linh hồn. Câu hỏi thứ hai, Thiên Chúa là gì, sao có thể nhận biết, liên lạc với Chúa. Câu hỏi thứ ba, cầu nguyện là gì. Sao có thể cầu nguyện liên lỉ. Nói cho đúng, ba câu hỏi này cũng chỉ là một câu nhưng tôi chia ra cho dễ phân tích, nhận định rõ ràng hơn. Đến đây, tôi chấm dứt. Mời quý vị sinh hoạt theo dự kiến.
 
Cuộc phân chia ban, ngành được nhanh chóng xảy ra và ghi nhận. Nói đúng ra, mọi người đã biết mình muốn tham gia ban ngành nào; gọi là phân chia nhưng thực sự lại là công bố vị thế thành viên. Có vị cựu chủ tịch bốn năm trước, mới được bầu làm việc gần một năm, bỗng xin nghỉ vì lý do gia đình. Cha Lành cảm thấy hơi ngạc nhiên nên nhân lúc mọi người đang chỉnh đốn phần nhiệm nói chuyện với ông ta.
- Chào ông, nghe đâu ông được bầu làm chủ tịch của hội đồng giáo xứ, mà sao lại xin nghỉ giữa chừng khi chỉ mới làm việc được gần một năm?
- Cũng không có chi, thưa cha. Con xin lỗi trước để được nói thẳng, nói thật tránh cha hiểu lầm. Nói cho đúng, con xin nghỉ vì con không quen làm tay sai của bất cứ ai. Con biết vị thế và nhiệm vụ của những thành viên trong hội đồng giáo xứ và chỉ muốn làm việc đúng với nhiệm vụ và danh nghĩa của hội đồng giáo xứ. Nên dạo đó kêu người làm đài Đức Mẹ, cha xứ đã chẳng chịu bàn hỏi cùng ai; đến khi ngài lại thuê người về làm nhà kho cho nhà thờ không thèm bàn hỏi, con vô gặp ngài thì ngài nói hội đồng giáo xứ chỉ là ủy ban mục vụ nên con xin nghỉ. Con hỏi cha, chúng con phải lo việc gia đình, có dành giựt, cắt xén được ít thời gian làm đôi công việc giúp giáo xứ thì phải chờ đợi người này, chờ đợi người kia, giờ này hay giờ kia mới được cha xứ mở kho lấy đồ, rồi giấy tờ, phép tắc. Chúng con làm không công cho nhà thờ chứ làm sao có giờ chờ đợi, làm tay sai. Thế nên, nghỉ quách cho xong.
 
Điều chỉnh danh phận và ban ngành đã xong, cuộc họp tiếp tục.
- Có người xin được dấu tên tặng cho nhà thờ bộ băng ghế mới. Nhờ bà thư ký giáo xứ đăng lời cảm ơn nơi tờ mục vụ.
- Chỉ còn mấy tuần nữa các lớp giáo lý bắt đầu, và ngày mai, thứ bẩy, chúng ta sẽ dọn đất, đào thùng chứa, và đặt đường ống cho hai phòng vệ sinh cùng với chuẩn bị nền cho thêm hai phòng giáo lý. Bà thơ ký giáo xứ sẽ làm giấy cha ký để lấy 9,500 đồng từ ngân quỹ của giáo xứ nơi địa phận. Chủ tịch hội đồng giáo xứ lên tiếng thông báo, đoạn tiếp,
- Hai tuần sau, bắt đầu vào thứ hai, sau lễ sáng, sẽ có thợ đến ghép thêm bản vôi vô tường và xếp cách nhiệt bên trên trần nhà thờ.
Không ai hỏi ý kiến cha Lành về bất cứ chuyện gì. Ngài cũng chẳng nêu thắc mắc chi, ngược lại, cứ lờ như không để ý. Và chỉ ba tuần sau, hai phòng học giáo lý, hai phòng vệ sinh, một cho nam, một cho nữ, mỗi phòng gồm ba bàn cầu, hai bàn rửa tay hoàn thành.
 
Luật địa phận về xây cất, sửa sang nhà thờ, nhà xứ, nếu chi phí từ 10,000 đồng trở lên phải làm giấy trình bày bản vẽ và không được thuê kiến trúc sư hay kỹ sư kiến trúc với giá trên 75 đồng một giờ. Cha Lành im lặng như không hay biết. Sáng thứ bẩy khởi công, thiên hạ mang xe nọ, máy kia, đào đất, san nền, đặt ống, mắc hộp diện, người ở đâu mà cả hơn hai chục, kẻ lái máy cày, người điều chỉnh máy xúc, máy đào; ai làm việc gì chăm chuyên việc đó; chẳng ai hỏi ai, tất cả cứ như những thành phần của một bộ máy đã được lắp ráp hài hòa hoạt động. Giấy phép họ tự lo, bản vẽ được in sẵn. Ngày chủ nhật, mấy xe xi măng trộn sẵn tới đổ nền để rồi những ngày trong tuần, hai mảnh nền thinh lặng phơi nắng sáng xám dưới ánh mặt trời.
 
Thứ bẩy cuối tuần tiếp theo, khung gỗ được dựng lên và chủ nhật, mái tôn ngạo nghễ ngự trị, và thế là sau ba cuối tuần, mọi sự hoàn thành. Nhà thờ cũng được ghép thêm bản vôi vô tường, sơn sửa láng bóng. Hơn tháng sau, bộ băng ghế cáo chỉ được hãng nào đó sai người đem đến, tháo băng ghế cũ bỏ ra, lắp băng ghế mới thay vô, cha Lành không phải đụng tay đụng chân, coi như bất chiến tự nhiên thành. Không lễ khánh thành, không tiệc hồi công. Hội đồng giáo xứ họ điều hành và thực hiện những việc cần làm; cha thì lo công việc mục vụ và phụng vụ. Mỗi tuần, cha đi thăm những người già cả hay những ai không thể tới nhà thờ một ngày, kiệu mình thánh cho họ. Nếu có giáo dân nơi bệnh viện, thăm họ vào thứ sáu.
 
GIÁ PHẢI TRẢ
 
Dẫu chân thành và quyết định thực hiện đúng nhiệm vụ do nhận thức thực trạng sự thể vị thế của mình đối với hiện trạng diễn tiến của giáo xứ, giá phải trả chẳng hề đơn giản. “Không ở trong chăn, không biết chăn có rận,” lời tiền nhân quả là thâm trầm, mới nghe hay đọc được đã thấy phê phê, nhưng để tâm suy nghĩ đối chiếu với hiện trạng tâm tưởng, cha Lành chỉ biết nín thở chịu đựng. Sự chịu đựng này là kết quả phát sinh của cuộc nội chiến giữa quyết tâm thực hiện nhận thức và nỗi tham sân si thế tục bình thường nơi thân phận kiếp người; có lẽ không có nó, sẽ không có gì được gọi là tiến bộ. Cuộc chiến âm thầm nhưng quá khốc liệt khiến cha Lành ngất ngư. Cũng phải chân thành cảm tạ Thiên Chúa, cảm tạ đất trời, cảm tạ con người; ít nhất mình còn có được một vài người quen đã thực lòng nói lên nhận định cá nhân, hoặc những lời nghe biết một cách trung thực. Khi lòng ruột đã nguôi ngoai, an định trở lại, ngài mới nhận ra những nhận thức kiến tạo năng lực chịu đựng mọi giao động và sức tàn phá của cuộc chiến nội tâm lại là những câu nói ngang ngang ngửa ngửa nơi những cuốn sách đạo học đã được biết qua, nhất là mấy câu nói coi bộ vô lý, ngơ ngơ, kỳ cục chẳng hợp tình, hợp cảnh nơi phúc âm. Tất nhiên, thành quả lại là sản phẩm của suy tư, nghiệm xét.
 
Cho dù ký nhận hay chấp thuận những biên bản chỉ đơn sơ ghi lại quyết định của hội đồng giáo xứ dự định thực hiện những công việc gì; điều này có nghĩa những dự án, công việc được nói đến trong biên bản đã được ngài đồng ý, chấp thuận thực hiện; nỗi bơ vơ, đứng bên lề, không có cơ hội bày tỏ quyền hành, oai vọng tràn ngập tâm tư. Ấy chỉ là mới nói tới cảm nghĩ cá nhân. Hơn nữa, đôi khi loáng thoáng được nghe lại những câu hỏi vô tình của giáo dân người Mỹ về cha đi đâu, đang ở đâu, hoặc ai là người coi sóc những công trình thực hiện, cũng khiến lòng ruột ngài nao nao.
 
Người ta cần và muốn nhìn thấy sự hiện diện của ngài nơi hiện trường công việc đang diễn tiến; vì sự hiện diện nói sự quan tâm của ngài đối với những công việc của giáo xứ; chẳng những thế, ngài cũng cần tỏ mối quan tâm, hay ít ra, loáng thoáng xuất hiện để khuyến khích tinh thần, bổ túc thêm năng lực cho những người làm việc. Nhưng không, riêng cha Lành, dẫu biết thế và cho dù muốn thường xuyên hiện diện để khuyến khích họ, mà đành ép lòng, chỉ một đôi lần, có mặt thăm hỏi, nói đôi câu, chừng mười lăm cho đến hai mươi phút là tối đa. Có cần thiết không, ngài thầm tự hỏi, hay coi chừng chỉ khiến công việc chậm lại. Thực lòng, ngài muốn chiêm ngưỡng cách làm việc của họ, may ra học hỏi thêm được chút nào bồi bổ cho nhận thức. Ngược lại, chiều tối, khi mọi người đã rời khỏi hiện trường, ngài lại chăm chỉ, tỉ mỉ nhìn ngắm, coi bộ muốn học hỏi, tìm hiểu gì đó nơi các công việc đã được hoành thành.
 
Nhà làm theo khuôn mẫu nào, phép tắc, thuê mướn nhân công chi trả thế nào, kỹ sư kiến trúc hay kiến trúc sư là ai, có cần giấy tờ bảo chứng thời hạn và phẩm chất đồ đạc không…, mọi sự cứ như tự nhiên có. Công nhân trên dưới hai chục người tới, hoặc có khi chỉ một người vào ban đêm, bật đèn sáng lên bỏ bổi cách nhiệt vô tường. Người nào việc nấy chẳng khác gì nhóm kiến; không ai phải chỉ bảo ai; có chăng đôi câu nói diễu, vui tươi. Cha Lành nghĩ, nếu mình phải tính toán thì biết tính thế nào và toán ra sao. Vẽ vời lại không biết thì sao có thể xin được giấy phép, rồi thời gian chờ đợi, đi lên đi xuống văn phòng nọ, đóng phí kia.
 
Sau này nghe nói, ngài mới hiểu, mới cảm thấy mình thật may mắn được hưởng hồng ân do sự dốt nát của mình. Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng thực ra, sự dốt nát thế tục này lại là thành quả của nhận thức và chấp nhận sự thể nên được diễn tiến. Khi biên bản thư ký hàng xứ trình biên bản, cha Lành chỉ nhìn lướt qua, đoạn ký và trao lại. Thế rồi chỉ một ngày sau, chuyên viên thiết kế, gia đình cũng thuộc giáo xứ, chỉ đơn sơ hỏi chủ tịch hội đồng giáo xứ, phòng học cho bao nhiêu em, hoặc phòng vệ sinh cần mấy bàn cầu, cho trẻ nam hay nữ, và chỉ cần hơn hai tiếng sau mấy bản in đã được để sẵn trên bàn chờ người tới lấy đem đi tới văn phòng xây cất của thành phố lấy giấy phép.
 
Nhân viên văn phòng xây cất cũng chỉ nhìn thoáng qua bản vẽ, nhận tiền, viết biên lai. Bản vẽ có ký tên của chuyên viên thiết kế; công ty xây dựng lại quá quen thuộc thì cần gì phải xét, phải xem. Sáng thứ bẩy hôm đó, khi thấy người ta đến do đạc, đóng cọc chiều này, cột dây nylon đỏ nơi kia, cha Lành thầm nghĩ, sao không thấy ai trình bày với ngài bản vẽ, nhưng lại nghĩ, mình có biết chi về kiến trúc, bọ tre đâu. Mình đã ký chấp thuận biên bản, đâu cần chấp thuận bản vẽ. Mình đã nói thiếu phòng vệ sinh cho trẻ, nghĩa là đã chấp thuận, cho họ làm thì còn đòi hỏi gì cho phiền hà. Tuy nhiên, lòng hơi khó chịu vì họ không trình bản vẽ. Cứ như những nơi khác, hết lần này, đến lần khác, cha xứ được trình tới, trình lui, xin ý kiến, ý bọ, có khi bàn luận cả tiếng đồng hồ, rồi ngài than mệt, than rắc rối. Người ta không làm phiền mình thì lại muốn tỏ ra quyền hành, quan trọng được hỏi ý kiến, ý bọ; mà mình thì nào biết chi mà kiến với bọ, đồ dốt nát, cha Lành nghĩ. Ôi, cái sân, cái si, chỉ làm mệt người.
 
Nhiệm vụ của mình là mục vụ và phụng vụ nên được học, được huấn luyện, thực tập giảng, thực tập giải tội, thực tập chầu thánh thể, dâng lễ. Giảng thì sao cho ngắn gọn, dâng lễ thái độ cần khoan thai, nhịp nhàng. Ước mơ cũng như chủ đích của mình chính là khuyến khích dân Chúa suy nghĩ, suy tư về lời phúc âm hầu nâng cao nhận thức, thì những sân si vớ vẩn chẳng nên để tâm. Họ đem bản vẽ đến trình bày thì mình cũng chẳng khác gì vịt nghe sấm, chỉ mất giờ đò đưa. Và giả sử có ai xin ý kiến, lại phải cố tình giả đò nghe giải thích và rồi biết trả lời sao, chẳng lẽ đề nghị cái nhà nên có mười cột thay vì sáu cột ư? Coi chừng lại bị họ cười thầm vì nói điều mình không biết. Người ta đã là chuyên viên thiết kế, bản vẽ được máy móc tính toán sao cho hợp lý, hợp tình, hợp lề luật, hợp nguyên tắc cũng như kỹ thuật xây dựng. Bất cứ những đề nghị gì lệch, sai trệch ra ngoài nguyên tắc kỹ thuật, sẽ chứng tỏ thiếu hiểu biết, dốt nát. Cổ nhân đã dạy, “Hay khoe, xấu che,” mà còn ham hố gì nữa.
 
Nhớ lại tâm tình sân si vì không được trình hỏi ý kiến về bản vẽ, cha Lành mới chợt hiểu tại sao nơi đại chủng viện đã không có bất cứ lớp nào dạy về nghề lãnh đạo. Xưa nay, kể từ ngày được phong chức linh mục và qua 12 năm làm phó, ngài rất sợ họp hành; đặc biệt họp với hội đồng giáo xứ. Có lần cha xứ nói ngài họp với một phân bộ nào đó của hội chợ, ngài cảm thấy mình như bị rơi vào một hố tăm tối, mịt mù. Biết gì đâu về mua bán, nấu nướng kiểu Mỹ. Mình chỉ biết nấu canh rau đay, kho cá để cả da, cả xương; muối cà ghém, muối dưa thì hội chợ đâu cần, thế mà phải họp với họ. Nói cho đúng, ngồi đực ra đấy để nghe họ luận bàn nên thế nọ, chẳng nên thế kia. Do đó, ngay lần đầu họp hội đồng giáo xứ, ngài chỉ đôi lời ngắn gọn nêu lên nhận định và chuồn.
 
Không hiểu thiên hạ cảm thấy thế nào mà cứ họp hành suốt; cha Lành không bao giờ dò hỏi tâm tình của bất cứ cha xứ nào về họp hội đồng giáo xứ; chỉ vô tình thấy đôi khi các ngài cẩn thận ghi những gì cần thiết trước khi đi họp; mà các ngài chăm chỉ họp hành lắm. Mãi bây giờ mới hiểu. Các ngài tới để phán, để chia việc cho người ta làm vì nếu không, sẽ chẳng có ai làm chi hết. Dĩ nhiên, cha Lành không thiếu điều muốn thực hiện. Chẳng hạn, các người có em bé thì nên vô phòng riêng, tránh làm người khác chia trí khi lễ lạy. Nhà thờ đã có chút tuổi, không có phòng riêng dành cho các bà có trẻ nhỏ, thì sự nghiêm trang khi cử hành nghi thức phụng thờ phải là chính ngài, đâu ai có thể làm dùm.
 
Đang khi giảng, hay cử hành thánh lễ mà triếng trẻ khóc ré lên thì sao. Cho dù mọi người quay ngang, quay ngửa ngó tới, ngó lui về hướng trẻ khóc thì mình cũng đành cố tảng lờ như điếc. Giảng thì cứ giảng, lễ thì cứ lễ; cha Lành tâm niệm, cố gắng không để bất cứ gì ảnh hưởng khi cử hành nghi thức phụng thờ; bởi nghe đâu có chuyện; cha đang giảng, nơi hàng ghế, hai đứa nhỏ chành chọe nhau thế nào không hiểu, một đứa khóc thét lên. Đang say sưa phán mà bị tiếng trẻ khóc cắt ngang, cha nổi lôi đình la người mẹ không biết giữ con, và thế là từ sau buổi lễ đó, người ta không bao giờ thấy ba mẹ con tham dự lễ nữa. Cha Lành nghĩ, không phải chỉ ba mẹ con đâu, coi chừng cả họ nhà người ta đi xứ khác rồi. Mỹ mà, đâu có giới hạn địa danh giáo xứ.
Đại chủng viện không có lớp dạy nghề lãnh đạo vì linh mục không phải là nhà lãnh đạo dẫu vẫn bị gán cho là lãnh đạo tinh thần. Linh mục được huấn luyện để đồng hành với dân Chúa. Công đồng Vatican II rõ ràng minh xác, “Giáo hội là dân Chúa.” Ai không là dân của Chúa; ai không có linh hồn; ai không có sự sống, sự hiện hữu; ai không mang sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi mình; chính Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi mỗi người thì đâu cần ai lãnh đạo. Thế nên, đại chủng viện chỉ có lớp dạy cách điều hành, không có lớp dạy nghệ thuật lãnh đạo.
 
Ngay giờ đầu tiên của lớp điều hành, cha giáo nói mỗi thày đưa lên một câu hỏi mà mình quan tâm nhất trong vấn đề điều hành giáo xứ. Lớp học có 21 đại chủng sinh. Thày Lành ngồi ngay bên cánh trái của ngài mà ngài lại chỉ người nêu câu hỏi đầu tiên bắt đầu từ bên cánh phải. Hai mươi thày, mỗi người nêu lên một câu được ngài lắng nghe, cẩn thận đánh số và ghi chép. Đến lượt mình, thày Lành lên tiếng,
- Thưa cha, con có 5 câu hỏi.
- Được rồi, thày cứ nói.
- Thưa cha, thứ nhất, phương pháp hoặc làm cách nào chọn đúng người để làm đúng việc. Thứ hai, nếu chọn sai người thì làm sao để gạt họ ra. Thứ ba, làm cách nào kiếm tiền gây quỹ cho giáo xứ. Thứ tư, làm sao để biết giáo dân muốn gì nơi linh mục; và thứ năm, thái độ phong cách của một linh mục nơi giáo xứ nên ra sao. Con xin hết.
Cha giáo sau khi ghi chép, trả lời từng câu; đến câu thứ 21, ngài quay qua thày Lành bên cánh trái,
- Năm câu hỏi của thày, mỗi câu cần một lớp 36 giờ học hỏi. Tôi không trả lời được bất cứ câu hỏi nào của thày.
 
Con người thay đổi, luôn biến động, nên làm sao có được phương pháp hay mẫu mực nào nhất định, bất biến, có thể áp dụng như sự thực hành những phương thức hay kiểu mẫu hóa học, toán học. Ngay như toán học, ai không nhận biết, một cộng với một chắc chắn bằng hai. Tuy nhiên, nơi trường hợp bất đồng đối tượng của hai vật thể, chẳng hạn hồn và xác, thì một linh hồn, nhập thể nơi xác thân, ai dám nói là hai. Con người luôn biến động. Mới gặp người nào, coi chừng, cảm nghĩ nghi ngờ nổi lên, nhưng sau một lúc nói chuyện, cảm nghĩ khác hẳn. Cha giáo đương đường thẳng thắn nói không thể trả lời được; thày Lành nghe thấy chợt bàng hoàng. Chân thành, thẳng thắn đơn sơ giải quyết lẹ làng. Tuy nhiên, sau này cố học theo, giáo dân không chấp nhận cha trả lời không biết. Nơi học đường thì khác, đối diện thực tế, không nên nói thật, Hãy khôn như con rắn; à không, hãy chân thực như con rắn và khôn, nhút nhát, như chim cu!”
 
Không hiểu nhà hiền triết nào để lại câu nói, “Nên nói thật, nhưng không phải sự thật nào cũng nên nói.” Nhưng lời phúc âm dạy, “Hãy vào cổng hẹp. Vì rộng rãi và thênh thang là con đường dẫn đến hư vong” (Mt. 7:13). Hai lời khuyên coi bộ không liên hệ gì; bởi một câu nhắc nhở con người nên để ý nhận thức về thực trạng tâm tư, tri thức, cũng như kiến thức của người đối diện mà hành xử cho đúng mức. Lời phúc âm dùng hình ảnh hữu vi khuyến khích con người chân thành, thẳng thắn đối diện chính mình. Dĩ nhiên, sự thể khó khăn nhất đối với một tâm hồn chính là nhận chân mình thực sự thế nào, tốt lành ra sao, ham muốn, tham sân si đến mức độ nào. Trận chiến miên tục giữa ước vọng chân thành, tốt lành của mục đích, với lòng tham sân si hữu vi, thế tục luôn kiến tạo những bãi chiến trường khốc hại, và thường thì con đường hẹp được phủ lấp, thăng hoa và thái độ, “Không phải sự thật nào cũng nên nói” dựa bề thắng thế, chiều theo.
 
Ai không biết thành ngữ, “Ôm rơm rặm bụng,” vậy đeo chùm chìa khóa xệ xuống cả một bên hông chẳng lẽ không ảnh hưởng khiến bước đi lệch lạc. Mà bước đi đã lệch lạc qua cổng hẹp phỏng không đụng chạm, phương chi trên con đường hẹp sao có thể tránh nghiêng ngả, tả tơi.
 
Đồng ý rằng, là con người, ai không ước muốn sao cho có được cuộc sống thảnh thơi, dễ chịu hơn, nhưng cho dù hiểu biết bao lý thuyết, nhiều lời khuyên răn, nhận định, đề nghị, để có được sự thảnh thơi hơn, cần đơn giản hơn; tất cả vẫn đành thoái lui khi đối diện với bản ngã thế tục, khởi nguồn từ ý hướng tốt lành nhưng thiếu hiểu biết. Hình như dân tộc Nga có ngạn ngữ, “Chân thành, năng nổ, nhưng thiếu hiểu biết, chỉ là phường phá hoại.” Bó rơm, chùm chìa khóa quyền hành, chẳng khác gì thực trạng gãi ghẻ, càng ngứa thì càng gãi, càng gãi thì càng rát, càng rát thì càng sướng, và càng sướng thì càng gãi. Thánh Phao lô nhờ nhận thức được, “Sự lành, tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ, không muốn, tôi lại thi hành” (Rom. 7:19). Ôi, cái con đường hẹp này không dễ chi nhận biết. Bởi vậy, người ta mới tôn trọng các bậc thánh nhân.
 
Nơi trang đầu của cuốn Mây Bay Về Ngàn có mấy câu thơ, “Càng trẻ càng biết nhiều; càng già càng u tối; cuộc đời luôn thay đổi, che khuất nẻo đi về; lối nào thoát bến mê, dẫn đường về tự thể. Càng tìm càng vọng tưởng; không kiếm lại ngu ngơ; thánh nhân vốn khù khờ.” Cái biết nhiều của tuổi trẻ, chính là mơ ước tràn đầy mộng mơ kèm thêm nặng nề bản ngã chân thành, năng nổ thiếu hiểu biết; tưởng rằng cứ nói, cứ cao giọng tin vào Chúa là biết về Chúa, trong khi không biết chính mình thế nào. Cái ước vọng “Cứu rỗi các linh hồn” lúc vẫn chưa biết linh hồn mình là gì cũng chỉ là mộng tưởng được thăng hoa do vọng tưởng. Bởi thế, đâu ai ngờ, càng tìm chỉ càng vọng tưởng, nên nếu ước mơ thánh thiện đã trở thành mộng tưởng thì vọng tưởng thế tục được phát triển bồi bổ cho vị thế; sao có thể chấp nhận ngu ngơ như thánh Phao lô, dám trực diện tâm hồn để rồi ngu ngơ phát biểu, “Còn sự dữ, không muốn, tôi lại thi hành.” Chăn dê Mỹ hay làm việc nơi giáo xứ người Mỹ, hoặc chăn chiên Việt, làm việc nơi giáo xứ Việt, thì cũng chỉ là thứ làm thuê; chính linh hồn mình còn không biết, thì mộng tưởng cứu các linh hồn chỉ là tham vọng lừa đảo.
 
Thực sự thi hành phận sự cho đúng với nhận thức, đúng nhiệm vụ, còn phải đối diện nỗi đau tâm tưởng. Cuộc đời này, nơi nào không bị xoi mói, so sánh viễn vông. Nhiệm vụ chính yếu của linh mục là mục vụ và phụng vụ, thế mà lại được ráp đặt vào hệ thống phát triển, mở rộng giáo xứ, xây nhà thờ, làm nhà kho, trường học giáo lý, để rồi nêu lên nhận định cha không biết làm gì. Thì mình chỉ là dân tỵ nạn, nào biết chi kiểu cách sinh hoạt ngoài đời; mình đâu cần xây miếu cho ai thờ mình nên họ nói mình không biết làm nhà, cuốc đất, đóng đinh, là điều dĩ nhiên; cha Lành tự an ủi. Người ta nói đúng thì biện minh, chứng tỏ làm chi; chẳng lẽ giãi bày mình chưa bao giờ qua lớp huấn luyện đóng đinh làm nhà. Nghĩ thì nghĩ thế nhưng cái lòng, cái tâm con người sao nó cứ vẫn bị tổn thương do sự thiếu hiểu biết của kẻ khác, cho dù cố học theo nét khù khờ thì cũng chẳng thể nào theo kịp cái ngu ngơ của thánh nhân.
Loáng thoáng nghe đâu đó có vị phát biểu, “Chăn dê Mỹ dễ hơn chăn chiên Việt.” Cha Lành, chuyên viên đánh thuê nên không biết chăn dê cũng chẳng hề chăn chiên. Sau này lại cũng nghe ai đó lặp lại, có vị khác than, “Làm việc nơi giáo xứ Việt mệt hơn làm việc với giáo xứ Mỹ.” Cha Lành chỉ biết im lặng nghe người kể. Nói làm sao, và có gì mà nói. Nhớ lại nơi cuốn Linh Mục Người Là Ai có câu, “Tội lỗi bởi sự ngu dốt mà ra,” có người càm ràm, lên tiếng phê bình là khinh thường người khác. Tuy nhiên, chính người đã phê bình, về sau lại dùng câu ấy như một thành ngữ, thường xuyên đậu trên môi. Hình như nơi sách vở khôn ngoan nào đó có câu minh định, bất cứ gì mới lạ, thường đều bị nghi ngờ. Đời người ai tránh thoát nhiều nỗi chua cay; dĩ nhiên, mọi kinh nghiệm đều được tiếp nối và không trở lại giống như nước của muôn giòng suối hợp lại tạo thành sông, và cổ nhân  lại có câu, chẳng ai tắm hai lần trong một giòng nước. Kinh nghiệm nào không phải trả giá, nên coi chừng, niềm mơ ước, tham vọng hôm xưa trở thành cay đắng ngày nay cũng bởi có nhận thức thực sự được sự ham muốn nơi bản thân hay không. Khổ nỗi, đại chủng viện, không có lớp nào dạy về nghề lãnh đạo. Cha Lành chợt nhận ra thêm một điều lạ đó là ngôn ngữ Việt mang tính chất thần thoại nào đó; chẳng hạn, chữ thân được viết trước khi có chữ thần. Muốn làm thần thì phải có thân. Nơi tiếng “Ham hố” cũng thế; đã ham chắc chắn sẽ hố. Đâu phải phi lý mà nhà Phật khuyên diệt dục. Có chăng, biết được cái dục nơi mình mới thực sự thức ngộ. Ai tham mà chẳng thâm.
 
Phía trên cửa chính nhà thờ nơi mái che, được gắn hai bóng đèn điện, kèm ở giữa là con mắt điện tử âm thầm thu nhận những vật giao động hữu hình khi tới gần cửa nhà thờ. Mỗi khi có người hay vật gì ngang qua, hai bóng đèn sáng lên. Hệ thống này cũng được nối với một ngọn đèn 100 watts trên trần giữa nhà thờ, rọi xiên xuống trước cửa chính phía trong. Đồng thời nó cũng được nối với hệ thống chuông điện phía bên ngoài nhà xứ. Thời gian đầu tiên sau khi lắp hệ thống báo động, mỗi lần có ai đi ngang cửa nhà thờ vào ban đêm, chuông báo động ré lên khiến cha Lành giật mình. Chuông ré lên khi có người vô nhà thờ, chuông ré lên lúc họ ra khỏi nhà thờ. Và thế là cha Lành lấy ngay chiếc kìm bấm cắt luôn dây điện nối vào chuông. Chúa không cần giữ đồ thờ phượng thì hãy để cho người ta lấy đi, ngài thầm nghĩ. Và rồi cũng đâu có giăng sao chi. Có thể Chúa của giáo xứ này khá thiêng nên kẻ trộm cũng sợ.
 
11 giờ đêm, cha Lành đang tìm trên net may ra kiếm được bài thơ nào phổ nhạc, chợt thấy đèn điện nơi nhà thờ sáng lên. Người vô nhà thờ cầu nguyện đâu ai bật đèn sáng lên như thế. Theo lối phòng áo ra gần tới bàn thờ, ngài thấy người thanh niên đang quỳ trước bàn thờ, cúi đầu nức nở, thân rung rung. Đến gần và quỳ xuống bên anh ta nhẹ nhàng hỏi,
- Chuyện gì xảy ra vậy?
- Con vừa cãi nhau với nhà con và vì không kiềm hãm được tức giận nói con bỏ đi.
- Thế anh có muốn nói chuyện với chị ấy không?
Người thanh niên gật đầu. Cha Lành móc túi lấy điện thoại.
- Đọc cho tôi số điện thoại của chị ấy đi, và ngài bấm theo. Có tiếng trả lời của người nhận điện thoại.
- Tôi là cha Lành; anh ấy đang cầu nguyện nơi nhà thờ; chị có muốn nói chuyện với anh ấy không?
- Thưa cha có.
Trao điện thoại cho người thanh niên, cha Lành chầm chậm bước xuống phía cửa lớn của nhà thờ. Chừng đôi phút sau, anh thanh niên đứng lên bái quỳ, quệt nước mắt, đi ra phía cửa lớn trả lại điện thoại, và nói lời cảm ơn.
- Mọi sự ổn thỏa?
- Vâng, thưa cha, cảm ơn cha.
- Không cần đâu, cảm ơn Chúa ấy. Từ nay, hãy cảm ơn Chúa bằng cách ăn nói, sống thế nào cho gia đình êm ấm hơn. Thôi về đi kẻo chị ấy chờ.
- Cảm ơn cha, chào cha.
- Xin chào.
 
0 – 0 – 0
 
Không hiểu sao sự kiện người thanh niên vô nhà thờ cầu nguyện cứ luẩn quẩn nơi tâm trí cha Lành. Chuyện của anh ta đã được giải quyết, có gì phải đặt vấn đề, ngài tự nhủ, gia đình nào thoát khỏi những trường hợp lộn xộn, nhất là nơi đất nước này, chủ thuyết cá nhân chủ nghĩa được nặng nề rao truyền và hồ hởi tuyên dương. Thêm vào đó nguyên tắc sống chân thực với tâm tình của mình phần nào góp phần cổ võ quyền tự do cá nhân đồng thời tạo thêm hố ngăn cách tình cảm gia đình. Tất nhiên, “Thương nhau lắm thì cắn nhau đau;” càng thương nhau bao nhiêu, những lời nói, thái độ dù vô tình hay hữu ý càng được thăng hoa. Nhưng thực tại cuộc sống, dù hiểu biết nhau, chấp nhận nhau đến độ nào, thì thái độ, hay phản ứng, hoặc phẩm cách diễn tả của một người không thể đúng hoặc hợp hoàn toàn với nhận thức của bất cứ ai. Hơn nữa, thái độ, của mình hay  của người khác còn bị đánh giá bởi tâm tình đối phương hiện thời. Không hiểu người Mỹ có châm ngôn, “Một câu nhịn là chín câu lành” chăng, nhưng dẫu có thì hình như đã bị nguyên tắc khuyến khích sống chân thực với tâm tình của mình phá bỏ.
Lời trình bày của vị cựu trùm chứng tỏ phần nào giáo dân đã nhận biết giá trị và nhiệm vụ cũng như phận sự của họ đối với giáo xứ, nhưng cha Lành vẫn thắc mắc, được bao nhiêu phần trăm dân Chúa nhận thực được vị thế của họ đối với giáo xứ mà chung tay góp phần làm việc giúp giáo xứ phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức dân Chúa chẳng những về phẩm chất mà còn khuyến khích những thế hệ tiếp nối tham gia thể hiện niềm tin bằng những công việc thực tiễn hầu thăng tiến cộng đồng dân Chúa sau này.
 
Không hiểu buông ra mấy câu hỏi thách đố sự suy nghĩ nhận biết về trạng thái thực thể con người cùng với liên hệ của Thiên Chúa có phần nào khuyến khích thành viên của hội đồng giáo xứ hay không. Bao ngày tháng qua, dân Chúa được ban phát cho những gói mì ăn liền nơi tâm tưởng. Niềm tin, sự hy vọng, ước mơ bị đánh đồng với đức tin đồng thời sự hiểu biết về tôn giáo chẳng khác gì sự tuân theo một mớ điều luật hữu vi hay những công thức, cứ tuân theo hay thực hiện là hy vọng sẽ được đạt kết quả mộng tưởng. Những công trình xây cất, những hoạt động hữu vi lớn lao được gán ép với danh hiệu làm vinh danh Chúa hầu cứu rỗi các linh hồn như đã thường được quen tai nghe.
 
Chúa có cần được mình vinh danh hay không, và làm vinh danh Chúa bằng cách nào. “Nước Cha trị đến, vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời.” Lời kinh nở trên đầu môi chót lưỡi mọi người, đọc thì cứ đọc, đọc như con vẹt thay vì máy thâu băng. Không hiểu ý định, ước muốn của người chủ trương khuyến khích, ép buộc dân Chúa gom góp tiền bạc, hoặc nhân danh sự vinh danh Chúa, trần mình đi xin xỏ, quyên góp tài vật xây nhà thờ, đền thánh này, nhà nguyện kia, thực sự là nhu cầu giúp dân Chúa có nơi thờ phượng, hay mượn chủ đề vinh danh Chúa để bày tỏ năng lực, vinh vang chính mình với mục đích hay mưu đồ nào đó. Nhà thờ nào nguy nga, hùng vĩ hơn những dãy núi trước mặt, mọi người đi ngang qua không cần để ý. Đèn đóm nào giúp Thiên Chúa cả sáng hơn mặt trời, mặt trăng, lung linh hơn những vì sao rung rinh, nhấp nháy muôn thuở trên bầu trời.
 
Ai có thể nhìn thấy vinh quang của Chúa nơi nhà thờ, nơi những công trình nhân tạo nguy nga đồ sộ? Ánh vinh quang của những công trình ấy phỏng có thể chiếu rọi đến tâm hồn khát vọng nhận biết Ngài? Bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt của dân Chúa, của những nhà hảo tâm gom góp lại giãi bày vinh quang của ai và cho ai? Dân Chúa đói khát điều chi; cha được sai đến để làm gì? Phỏng mai này có còn được ai để ý chiêm ngưỡng những công trình được sáng tạo vì vinh danh Chúa? Vinh danh Chúa hay vinh danh ai khi biết bao nhà thờ, tu viện, được rao bán, đóng cửa vì không còn đủ giáo dân bước đến, không ai muốn “dâng mình cho Chúa,” không đủ kinh phí để tiếp tục bảo tồn nhà thờ, tu viện, nhà Chúa!
 
Quan niệm “Vâng lời trọng hơn của lễ” cũng nhiều khi lay động tâm tư cha Lành. Lời phúc âm, “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trởi,” ít nhất đã một lần được nghe người bạn cùng lớp kể lại khi còn đang theo học thần học. Cha muốn làm nhà xứ cho khang trang tiện nghi hơn, kêu gọi, phán bảo giáo dân đóng tiền theo nhân khẩu. Chẳng phải một lần mà hết tuần này, sang tuần khác, nào họp khoáng đại hội đồng giáo xứ, nào phân chia các trùm trưởng tới từng nhà huy động, ghi danh, nào rao tên nơi bục giảng, đăng trên tờ mục vụ. Chỉ khổ cho các vị trùm trưởng, dùng mọi cách ăn nói, diễn giải ý muốn của cha mà giáo dân cứ lỳ ra. Có người còn lên tiếng; chúng tôi còn đang phải thuê nhà để ở thì tiền đâu đóng góp phá nhà cũ, xây nhà xứ mới. Thế rồi cả nửa năm, quyên góp tiền tài xây nhà xứ mới chẳng đâu vào đâu, cha lên tòa giảng phán, “Ai không nghe con là không nghe Cha.” Có lẽ danh hiệu “đức chủa trời ngôi thứ tư” cũng bởi đó mà sinh ra.
 
Vì sao nhà thờ phải bán, dòng tu đóng cửa, nhà nguyện không ai lui tới; trong khi lời nguyện “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời,” liên lỉ trên môi dân Chúa? Lý do gì giới thanh niên, thiếu nữ bớt hiện diện nơi nhà thờ, và rồi thế hệ tiếp nối sẽ ra sao, sẽ ra sao để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến!” “Danh Cha cả sáng” nơi nao nếu không phải nơi tâm hồn con người. “Danh Cha cả sáng” thế nào nếu lòng khát khao nhận biết, nhận thức tâm linh bị đồng hóa với những lề luật tôn giáo hoặc luân lý thế tục. Ai có thể nhận biết, nhận thức dùm cho ai? “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44). Tự Thiên Chúa dẫn dắt mỗi người, nhưng sao con người có thể lắng nghe tiếng Chúa kêu mời. Mình phải làm gì, làm thế nào, ăn nói ra sao? Cha Lành thầm tự hỏi, mình mang tiếng rao giảng như chính là trở thành dung môi, nói cho người ta biết muốn nghe tiếng Chúa để nhận được sự lôi kéo thì cần, thì nên, như thế nào, phải làm sao!
 
Nhà thờ là do tiền của, công sức nơi dân Chúa đóng góp xây dựng. Dân Chúa bỏ đi thì ai xây nhà thờ, thế mà chỉ thấy những rao rêu đấng này xây, đấng kia dựng. Không hiểu những đấng vang tiếng quyền hành, tài giỏi, xây đền đài này, công trình kia, có biết cầm búa thế nào để đóng dù chỉ một chiếc đinh, hay là đinh chẳng thèm đóng lại đóng ngay vào tay! Nhà thờ là nơi dân Chúa bày tỏ niềm tin, bày tỏ lòng khát khao bẩm sinh muốn nhận biết thực thể chính mình liên hệ với Chúa như thế nào. Khuyến khích, thách đố, gợi ý, hầu dân Chúa nhận biết và để tâm đến nỗi khát khao bẩm sinh nơi mỗi người hầu theo đuổi, tìm hiểu để nhận thực được sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi cuộc đời của họ, thì chẳng cần cầu “Danh Cha cả sáng” hay “Nước Cha trị đến,” danh Cha tất nhiên cả sáng và Nước Cha hiển nhiên ngự trị nơi tâm hồn mỗi người.
 
Những câu hỏi mình vội đặt ra phỏng có phần nào làm nhụt nhuệ khí của những thành viên trong hội đồng giáo xứ không? “Dục tốc bất đạt,” cảm thấy hơi ăn năn do e rằng mình giáng đòn quá nặng khiến người ta coi chừng bị mặc cảm mà rút lui chăng, cha Lành nghĩ. Mình đã phải thao thức, suy tới, nghĩ lui bao năm tháng mới có thể tạm thông suốt, thế mà đã vội thách đố người ta suy nghĩ. Nhưng không nêu lên những câu hỏi đó, phỏng có ai đặt vấn đề suy tư về chúng hay không. Bao ngày tháng rồi, cả đời theo đạo, có bao giờ họ được nghe lời khuyến khích suy tư, suy nghĩ hay chỉ được rao giảng, được quăng cho những gói mì tư tưởng ăn liền. Nào huyền thoại thánh Augustinô gặp thiên thần hiện hình đứa bé gái dùng vỏ sò muốn tát cạn nước biển vô lỗ còng; nào ba trẻ Fatima nhìn thấy trái đất rẽ ra cho thấy những linh hồn nơi hỏa ngục. Còn cái gì khốn khổ hơn cảnh ngôi nhà thờ nguy nga, tránh lệ bị đóng cửa? Còn hỏa ngục nào đau xót hơn gia đình tan nát, vợ đi đàng vợ, chồng theo ý chồng kiếm tìm hạnh phúc mới để lại con cái, thành quả của yêu đương thiếu nhận thức, thiếu tình, quên nghĩa, vất vưởng với ông bà già lão. Đúng, cái hỏa ngục này mới thực sự vắng bóng Thiên Chúa như học giả Kinh Thánh nào đó bi bô giải thích. Thiên Chúa là cội nguồn hiện hữu, không có sự hiện hữu sao có hỏa ngục!
 
Hy vọng rằng lầm lỗi của mình, sớm đã vội thách đố những thành viên hội đồng giáo xứ suy tư, trở thành hồng ân dốt nát, chẳng khác gì hai lớp học giáo lý, hai nhà vệ sinh. Hy vọng mấy câu hỏi ít ai dám đụng đến ấy trở thành “Miếng ngon nhớ lâu; điều đau nhớ đời.” Ước mơ nào không phải trả giá; sự việc chi ít nỗi gian nan; mình phải làm thế nào để khuyến khích, thách đố dân Chúa suy nghĩ, suy tư! Cha Lành âm thầm đặt vấn đề.
 
Bài phúc âm ngày lễ Đức Mẹ lên trời lại khiến cha Lành chưng hửng. Dẫu đã mỗi năm giảng về bài phúc âm này một lần, nhưng với thân phận làm phó, ngài e ngại nếu nói lên cảm nhận của mình e gặp phải khốn khó với những đầu óc đã cả đời được tiêm nhiễm với ngôn từ thần thánh “Huyền nhiệm.” Không biết, không hiểu, không suy nghĩ, thì cứ nói phéng ra chưa biết, chưa hiểu, mắc mớ gì đổ cho là huyền nhiệm. Và đã huyền nhiệm thì ai có thể biết. Nếu trí óc con người không thể hiểu nổi thì nhắc tới làm gì. “Khi con vật ăn no, chúng ngủ, nhưng khi con người có đủ cơm no, áo mặc, thì họ suy nghĩ,” câu trả lời của cha giáo sư trở về nhắc nhở.
 
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi hớn hở trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…” (Lc. 1:47-56). Lời phúc âm diễn tả tâm tư, tâm tình của Đức Mẹ trong sự nhận biết, nhận thức về Thiên Chúa nơi diễn trình đã xảy ra theo Cựu Ước. Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự hiện hữu. Nơi Thiên Chúa ngự trị là Nước Chúa. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi thì khắp mọi nơi là Nước Chúa; thế nên, Nước Cha trị đến lại là sự nhận biết, nhận thức sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi mình, nơi mọi người, mọi vật. Nhớ lại, có lần sơ coi lớp giáo lý thêm sức trẻ người Việt, nhờ nói cho các học viên một giờ, ngài nói qua, nói lại minh chứng Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi mọi người; và đã được nghe người khác kể, sơ kêu lên, “Vậy mình là Thiên Chúa à.” Kinh Thánh viết, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài” (KN. 1:27) thì không sao, cha lên giọng, “Chúa ở cùng anh chị em,” và giáo dân thưa, “Và ở cùng cha” thì không sao, nhưng nhắc lại Tin Mừng đức Giêsu rao giảng thì dân Chúa thật khó lòng chấp nhận. Dân Chúa được đào luyện trở thành những chiếc máy vô cảm, chỉ biết lặp lại những thành ngữ một cách thiếu suy nghĩ. Dân Chúa được khuyến khích cầu nguyện, nhưng cầu nguyện thì lại được giải thích là “Nói chuyện với Chúa” trong khi chẳng biết Chúa là gì. Họa may, Chúa được coi như vị thần huyền nhiệm có muôn ngàn tai.
 
Lớp thanh niên, thiếu nữ, sinh viên, nơi thời điểm khoa học tiến bộ, kỹ thuật tiên tiến ngày nay, được tiếp cận với tri thức thực tiễn, đâu dễ chi chấp nhận những giải thích, những lời tuyên truyền không hợp lý, chẳng hợp tình. Nhận thức của họ được nuôi dưỡng và phát triển trong hiện trạng đối diện thực tại khoa học. Chả thế mà đã có những phát biểu “Không tin những gì khoa học không thể chứng minh.” Đồng ý rằng, trãi qua thời gian, không thiếu gì những hiện tượng, sự thể, không thể dùng tri thức khoa học để giải thích, đã đương đường xảy ra, và chứng nhân của những sự kiện sống động ấy vẫn còn đang hiện hữu, nhưng sự giải thích cũng chỉ đành chấp nhận không biết nói sao; trong khi người lãnh nhận sự bất thường xảy đến lại đặt hoàn toàn niềm tin vào khoa học. 
 
 
BẤT NGỜ
 
 
- Cha Lành, xứ Mân Côi,
- Cha khỏe không, lâu nay sao không thấy cha đâu!
- Tôi vẫn bình thường, vẫn ăn cơm chúa thì múa tối ngày,
- Cha có đồng tế lễ giỗ ba năm cha cố tại nhà thờ Việt không thưa cha?
- Có, và sau lễ, tôi ở lại dùng bữa trưa mà.
- Hôm ấy con bận, không dự lễ giỗ được. Cha có giờ mời ghé qua nhà con dùng cơm tối, tối nay hay mai hoặc mốt; ngày nào cha có thể ghé qua.
- Chiều mốt đi, tôi muốn ghé thăm một người bạn cùng lớp ngày xưa, và ông chủ tịch mới nghỉ việc đó; không hiểu sao mới chưa được một năm mà đã nghỉ.
- Cha không nên thăm ông cựu chủ tịch, khi gặp cha con sẽ giải thích.
- Cũng được, chiều mốt tôi sẽ ghé nhà ông.
- Vậy hẹn cha tối mốt. Sáu giờ chiều được không cha, dạo này tám giờ tối, trời còn sáng.
- Thì cứ tính như thế, tôi sẽ tới.
 
0 – 0 - 0
 
- Mời cha vô nhà cho đỡ nóng.
- Để tôi đứng ngoài một lát hút điếu thuốc.
Cha Lành rút điếu thuốc gắn lên môi trong khi bước tới hồ cá. Những con cá “Koi” đủ cỡ, lớn có, nhỏ có, một đám gần năm chục con, màu sắc sặc sỡ. Con lớn nhất cỡ chừng hơn chục pounds (hơn kém 5 kilogram). Chiếc hồ khá rộng, vòng hình trái bầu nước, có chiếc cầu bắc giữa phần thắt ngang.
- Loại cá này kiếm mua thì mắc nhưng lúc có lại chẳng ai mua, lại phải chăm sóc cực khổ. Chiếc hồ này mà thả cá rô phi thì cả năm bảy ngàn con, tha hồ ăn gỏi. Cha Lành nhìn đàn cá, thấy bóng người bơi tới.
- Con có thích nó đâu, nhưng mua nhà có sẵn, và mới mua được mấy tháng. Con mua vì thích miếng đất có dư được chỗ trồng rau. Cái nhà cũ con cho thuê, phải lấp hồ tắm đi vì họ có con nhỏ sợ chúng rơi xuống hồ chết đuối.
- Sao ông nói tôi không nên đi thăm người bạn. Hôm nọ gặp, ông ta có vẻ tha thiết muốn tôi ghé nhà mà.
- Có nhiều điều con biết nhưng con không muốn nói. Xưa nay cha biết tính con mà. Những gì nói ra có thể gây tranh cãi, rắc rối, con không bao giờ nói. Nhưng thấy cha nói định đi thăm ông trùm nổ ấy và người cháu làm chánh trương chưa được một năm đã nghỉ nên con đành phải ngăn cản mà thôi.
- Ông nói đúng. Khi tôi nhờ ông cho ý kiến về bài giảng kỳ dâng lễ hai ngày chủ nhật, ông đã trả lời rất thẳng thắn và tôi đã phải sửa ngay. Tôi nào có nghi ngờ hay thắc mắc chi đâu; thế nên, nghe ông nói không nên đi thăm trùm nổ, dẫu ông ta nói là bạn cùng lớp thời lớp bẩy, lớp tám ngày xưa chi đó mà tôi đâu nhớ gì, thì tôi ngưng; bởi vậy mới hỏi ông.
- Dạo cha di chuyển làm tuyên ‎úy, em của trùm nổ khoe với con chính anh ta xúi cha xứ kiếm cớ đẩy cha đi. Ngày ấy, anh ta còn chưa có vợ, con hay ghé qua nhà anh chơi, không hiểu vì lý do gì mà mấy anh chị em họ hùa nhau vô đấu cha rất nặng nề. Còn cái anh trương dang dở ấy ngày xưa khi cha xứ ở đây còn đang làm thầy, ngài nhận anh ta làm anh, nói chuyện cứ anh anh, em em ngọt xớt. Nghe đâu, hai năm trước khi bầu ban hội đồng hàng xứ, anh ta rất năng nổ, tham gia giúp các công việc giáo xứ, và mấy tháng sau khi đắc cử chánh trương cũng thế. Tuy nhiên, khi làm chiếc cổng nhà thờ, cha xứ không thèm bàn hỏi với hội đồng giáo xứ mà tự ý kêu thợ đến làm. Anh ta vô gặp cha xứ đặt vấn đề và rồi xin nghỉ.
- Khi nghe thấy tin anh ta nghỉ, tôi đoán có lẽ đúng. Ông biết đó, xưa nay tôi cố tránh có mặt tại nhà thờ giáo xứ người Việt; vì không muốn bị hiểu lầm là có ý đồ gây ảnh hưởng với người Việt ở đây. Ông thấy có khi nào những dịp lễ tết có sự hiện diện của tôi ở đây không dẫu nhận được thư mời. Kỳ có vụ lộn xộn biểu tình chống cha xứ “Bình Long An Lộc,” ông chánh trương thời đó gặp tôi khi tôi đang lấy mấy dây cào nồ về làm giàn mướp cho bố tôi tại Versaille, hỏi tôi có muốn làm chính xứ giáo xứ Việt không. Đại khái, ý của ông ta là muốn hất cha xứ đi và trình giám mục đưa tôi về làm chính xứ ở đó. Tôi nghĩ ngay đến những lời một đôi người nói rằng họ có công đem ngài về mà ngài đối xử với họ thế nọ thế kia; thế nên, tôi thẳng thừng trả lời là không, mà không giải thích chi hết. Tôi chỉ nghĩ, người ta vận động đưa mình về được thì họ cũng đá mình được. Vả lại như ông thấy, tôi đã dám nói rằng mình thuộc loại “Chúa chọn lầm, đức cha truyền chức lộn,” tưởng như chơi chơi thì đâu dại gì dây mình vào phiền phức cho mệt. Thực ra, tôi biết, họ coi tôi như mối họa, chỉ sợ tôi cướp lấy vị thế quý giá của họ, nhưng có gì mà nói đâu, có chăng tôi tránh như tránh tà mà vẫn còn bị nghi ngờ, mưu mô ngăn chận.
- Thì tại xứ Việt Nam, người ta xin lễ nhiều, mỗi tuần cả gang tay ý lễ.
- Ông nghĩ người ta xin lễ nhiều mà nuốt được à? Mua miếng đất nào đó, mấy năm sau bán đi lời vài chục ngàn thì làm lễ cả đời vẫn chưa hết. Thử hỏi, luật địa phận chỉ chấp nhận bổng lễ là 10 đồng; thì cứ cho là 20 đồng một lễ theo như mấy người Việt đồn thổi. Một năm 365 ngày, tạm gọi 400 ngày cho chẵn, thì cũng chi 8,000 một năm. Mười năm mới có 80,000 thì có chi đáng nói. Nếu đặt vấn đề về tiền bạc, mười năm làm chuyện khác tất phải có nhiều tiền hơn, nào có chi phải ham. Vấn đề chính yếu lại là làm sao 10 năm sau, người ta còn tiếp tục bước chân đến nhà thờ nữa hay không mới quan trọng thì không bao giờ nghe đến. Ông thử nghĩ coi, khi lớp người tỵ nạn đầu tiên qua đi, con cháu họ có còn biết tiếng Việt nữa không. Ông thử để ý xem; chẳng hạn, ngay con cái của ông, bảy, tám đứa, có đứa nào còn ở đây không; tương tự như thế, mấy chục đứa con cháu bạn bè của ông, có bao giờ thấy mặt chúng nơi nhà thờ. Chúng còn phải đi làm, phỏng chúng có đi nhà thờ nữa không? Ít nhất, tôi đã phải chuẩn bị hôn nhân và viết chứng nhận cho 6 người về Việt Nam lấy vợ vì không ghi tên trong danh sách nhà thờ. Ăn ở với nhau không hôn thú, chẳng phép đạo, phép đời, không đi nhà thờ nhà thánh, họ đâu cần linh mục.
 
Giải thích lăng quăng mà lòng cảm thấy quá cảm thương cho con người bị tham vọng thế tục làm phiền, cha Lành nghĩ. Mình nào có bao giờ mơ ước làm việc nơi giáo xứ người Việt đâu mà họ phải mưu đồ, tính toán ngăn chặn một cách bỉ ổi. Cũng tội cho con người, cứ suy bụng ta ra bụng người nên luôn luôn e sợ mất quyền hành mình muốn, mất mối lợi mình đang ham. Phận số một người, cha Lành nghĩ, nào ai có thể dự đoán. Kinh nghiệm sống nhan nhản trước mắt; chỉ những ai được sinh ra để giầu có thì sẽ giầu có. Có câu nói; “Số khó làm chẳng nên giầu,” và chỉ những người tự ty mặc cảm, hoặc không nhận biết giá trị đích thực của mình là gì mới thấy tham vọng thế tục là chủ đích cuộc sống. Mục đích cuộc đời của linh mục là làm thế nào, sao cho phương tiện mục vụ và phụng vụ có thể nâng cao nhận thức của dân Chúa, làm sao khuyến khích dân Chúa suy nghĩ, suy tư về phúc âm hầu nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi mỗi người. Thử hỏi, làm linh mục để làm gì nếu không thực sự nhận biết mình thế nào, linh hồn mình là chi, liên hệ với thân xác và liên hệ với Thiên Chúa ra sao. Không biết linh hồn mình là gì thì càng không biết Thiên Chúa là chi, thế thì rao giảng phúc âm thế nào. Đã không thực sự biết mình là ai, thế nào thì tất cả những hoạt động, công việc, chỉ là phương tiện để đạt được tham vọng thế tục. Lạm dụng niềm tin của dân Chúa, lạm dụng những danh hiệu “Làm sáng danh Chúa,” “Cứu rỗi các linh hồn” hầu lừa đảo dân Ngài mà thôi. Nghĩ mà đau lòng, cha Lành thở dài.
- Thôi cha, mình vô thôi; có mấy người quen con mời đang đợi trong nhà.
- Hèn chi thấy có mấy xe đậu dọc lề đường mà tôi không để ý.
 
Theo bước chủ nhà vừa qua cửa, đã nghe thấy tiếng cười nói của mấy người bên trong nơi phòng ăn. Có người nói lớn,
- Chào cha; sao cha tới trễ vậy làm chúng con đợi khô cả cổ.
- Chào quý ông; tôi xem mấy con cá koi nơi hồ, cứ tưởng tượng chúng là mớ cá rô phi, vớt lên thái gỏi thì tuyệt.
- Đúng đó cha, con mới đề nghị kêu người bán hết cá koi, mua chừng vài cặp cá rô phi thả xuống thì chỉ vài tháng sau sẽ đặc cả hồ. Một ông cỡ gần bẩy chục, đầu bạc trắng, mập mập, lên tiếng.
- Không được đâu, thưa cụ, ông khác, cỡ năm mấy tiếp lời, muốn nuôi cá rô phi phải xin phép. Có ông ở Tcxas nuôi được đâu 50 ngàn con rô phi không giấy phép bị phạt 25 ngàn đô.
- Thì xin giấy phép, nhưng trước khi xin, phải làm ống thoát nước và rổ lọc ngăn không cho trứng cá lọt ra ngoài. Sẽ có nhân viên kiểm tra đến kiểm soát nếu được thì mới cho giấy phép. Cha Lành nói. Hơn nữa, phải thả bèo bồng; rễ bèo bồng là thuốc ngăn ngừa bệnh tật cho cá, lại là phương thức lọc nước tuyệt vời. Các ông thấy trên youtube không, nơi những vùng đầm lầy lọc nước,  người ta phải nuôi bèo bồng để lọc. Thêm vào đó, nếu muốn cá mau lớn, đi vớt bèo tấm ở vùng Versaille, mang về thả xuống. Cá rô phi ăn bèo tấm phụ thêm thực phẩm giúp thịt cá thơm hơn.
- Ủa, sao cha biết?
- Chính tôi đã thử. Trước cơn bão Katrina, tôi có xin giấy phép nuôi cá rô phi, tiếng Mỹ gọi là Talapia. Tôi đã phải đi vớt bèo bồng về bỏ xuống hồ và đào một hồ nhỏ cỡ nửa mẫu để nuôi bèo tấm cho cá ăn. Một lần đưa mấy người vô chơi, câu cá; có người câu được con rô phi nặng hơn 5 pounds. Nhưng, bão Katrina ập đến, nơi đất của tôi lụt 27 feet; cá channel catfish, rô phi tiêu tùng theo dòng nước mặn, trôi đến tận trung tâm Nasa.
- Cha dùng gì? Bia hay rượu?
- Ông có rượu thuốc không?
- Có chứ thưa cha, nhưng uống rượu tây êm hơn. Có hai loại, mờ mờ và ách ô, cha muốn loại nào.
- Có rượu thuốc, tôi không chọn loại nào cả. Rượu thuốc uống có hậu, rượu tây chỉ là loại đốt tiền.
- Sao lâu nay vắng bóng cha thế. Đôi khi có chuyện muốn mời cha mà hỏi ai cũng không biết số điện thoại.
- Tôi chuyên viên đánh thuê mà. Tôi mới về một xứ người Mỹ, cách đây cỡ ba mươi phút lái xe.
- Làm việc ở giáo xứ người Mỹ khỏe re, đâu có bận rộn, phiền hà như ở giáo xứ Việt. Một ông khác, người xương xương, mái tóc bồng bềnh lên tiếng. Đấy, cha xem, ông chánh trương vừa được bầu, mới chỉ có bẩy, tám tháng gì đó đã chịu không nổi, phải xin nghỉ việc.
- Ông nói đúng. Giáo xứ Mỹ, người ta trả tiền mình để ngồi mát ăn bát vàng, nào có gì phiền đâu.
- Hèn chi có những cha phải đi cai rượu, cai thuốc. Đúng là nhàn cư vi bất thiện. Thế như cha ở xứ Mỹ, những giờ rảnh cha làm gì?
- Nói cho đúng, không làm mà công việc vẫn hoàn thành mới hay, chứ làm mà việc mới xong thì sao có giờ mà rảnh. Có điều, nếu các ông thấy con cháu các ông không đi nhà thờ nữa thì cũng đừng ngạc nhiên.
- Có gì đâu cha, chúng nó lớn rồi, mà tiếng Việt còn nói ngọng trếu ngọng tráo thì đi lễ Việt sao chúng hiểu được gì. Bậc làm cha mẹ, ông bà của chúng con biết nói sao bây giờ. Ở nhà thì chúng nó là con cháu mình, nhưng ra ngoài, mình không đáng học trò chúng nó. Mà sao, cha là linh mục người Việt Nam lại cứ đi làm nơi giáo xứ người Mỹ.
- Linh mục thì cũng chỉ làm thuê, chẳng khác gì thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Giám mục sai đi đâu thì tới đó. Nhưng, thử hỏi, các ông làm nơi công sở, các ông có ý kiến, ý bọ gì được không? Hay cùng lắm thì mới nhận ra, mình có làm thuê cho ai đâu, tất cả chỉ làm thuê cho chính mình thôi.
- Đây ly rượu thuốc của cha, chủ nhà rót rượu ra ly, đoạn đặt chai rượu lên ngờ cửa sổ phía sau lưng cha Lành. Mời cha làm phép của ăn.
- Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, amen. Lạy Chúa, xin chúc lành cho chúng con và những của ăn này do lòng rộng rãi Chúa ban; cũng xin Chúa chúc lành cho những người đã chuẩn bị đồ ăn cho chúng con dùng. Chúng con cầu xin nhờ đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
- Nào, mời quý ông, quý bà; cha Lành nâng ly, chiêu nhẹ miếng rượu thuốc. Chiếc ly thật đẹp, hình như loại được hãng Hennessy bỏ trong hộp, cặp kè với chai rượu vsop vào những dịp lễ tết, bán cho những ai mua làm quà biếu. Nước rượu đen đặc, mùi vị thơm, hơi nhặng, hình như thuốc được ngâm đã lâu với Vodka có pha thêm cognac nên êm, dễ uống, cỡ chừng hai “Shots.”
- Cha về xứ mới bao giờ mà đã có thể đi lang thang?
- Mới được hơn ba tháng; mọi sự cũng tạm ổn. Đó là một giáo xứ miền quê, êm ả, không xô bồ như ở thành phố.
- Xứ lớn không và có người nấu bếp không thưa cha? Người đàn bà ngồi cạnh chồng, đối diện qua bàn ăn lên tiếng hỏi.
- Hình như cỡ chừng hơn kém 300 gia đình. Nhà thờ bằng gỗ, có lẽ cũng hơn kém trăm tuổi, nhỏ, tối đa chứa được 250 người. Giáo xứ nhỏ như thế sao có thể có người nấu bếp.
- Chủ nhật có mấy lễ, thưa cha. Bà ta hỏi tiếp.
- Chỉ có hai lễ, 9 giờ sáng và 11 giờ trưa.
- Thế xứ cha có chương trình phát thực phẩm cho người nghèo không? Ở Mỹ này mà sao cũng có những người nghèo phải đi xin đồ ăn. Kỳ trước, khi còn đi lễ nơi nhà thờ Mỹ ở bên Ocean Springs, nơi cha xứ chúng con dạo đó làm chính xứ người Mỹ, ngài phải bỏ tiền lương chung với một cha khác mua thực phẩm phát cho người nghèo. Con nghe nói, cộng đồng người Việt trả lương thêm 800 đồng cho cha xứ, ngài dùng tiền đó góp chung với cha bạn mua đồ ăn, bánh mì, gà, thịt heo, rau cỏ phát cho người nghèo mỗi tháng một lần. Có những gia đình đông người, mỗi lần họ lãnh cả mấy thùng giấy. Có khi cả những hộp thịt heo hay thịt bò.
- Thế bây giờ ngài còn phát thực phẩm cho người nghèo nữa không?
- Thưa không, mấy năm nay, từ ngày ngày làm chính xứ nhà thờ Việt Nam, ngài không phát thực phẩm cho người nghèo nữa vì đã có quán bán đồ ăn nấu sẵn.
 
Cha Lành hỏi thế vì ngày ấy tin đồn ồn ào nơi nhóm người Việt bỏ giáo xứ Việt qua nhà thờ Mỹ; hai cha người Việt góp tiền mua thực phẩm phát cho người nghèo. Ngài đã có thời gian xếp đồ nơi nhà kho Twelve Baskets của địa phận. Những thực phẩm gần đến ngày hết hạn của tiệm bán lẻ như Walmart, Resources, thay vì trả lại các hãng xưởng sản xuất, họ cho chương trình Twelve Baskets của địa phận, và lại còn trả tiền công chở đi thay vì tiền công mướn người đổ vô thùng rác để trừ thuế. Nơi nhà kho, có những lần phải dùng xe forklift chở những khối đồ hộp đã quá hạn, hoặc bánh mì không có chi nhánh phát thực phẩm cho người nghèo lấy vì quá nhiều, trông thấy mà xót ruột. Trên thế giới này đâu thiếu người đói ăn, trong khi nơi đây lại phải dùng xe chở đồ bỏ đi vì quá hạn.
 
Ngày ấy, cha Lành được cha xứ ưu ái nhờ anh chủ tịch giáo xứ trẻ đứng tên kiện với những chứng cớ giả mạo, ngớ ngẩn, nên bị sai về nơi văn phòng dưới danh hiệu tuyên úy, và làm việc nửa ngày nơi nhà kho Twelve Baskets. Nghe thấy tin đồn hai cha người Việt góp tiền mua thực phẩm phát cho những gia đình Mỹ nghèo, nhiều khi nghĩ tới, ngài chỉ âm thầm lắc đầu lập lại câu nói nào đó nghe được trên Youtube, “Lấy đèn soi bóng mình lên tường rồi nghĩ mình vĩ đại.” Cũng trên Youtube, nơi “Clip” khác, lại có câu, “Sông càng sâu, càng tĩnh lặng; lúa càng chín, càng cúi đầu.” Mị dân như thế để làm gì, phỏng có phải do đã không nhận ra giá trị làm người của mình hay đã tự khinh nên phải bày chuyện để che lấp. Bày chuyện thì còn nói lên được có chút năng lực, nhưng bày đặt lời đồn thổi giả tạo, lừa đảo không có thực, có lẽ dó là mưu đồ của kẻ quá dốt nát; bởi cho rằng thiên hạ ngu hết, mình lừa đảo thế nào cũng được, hay, nếu không cho rằng thiên hạ ngu, thì chỉ chứng tỏ loại tâm hồn của kẻ “Bịt tai trộm chuông.” Ngài thầm nghĩ, dẫu văn hóa, nhận thức khác với những sắc dân bản xứ, người Việt không đến nỗi dốt tới độ không hiểu gì. Kim bọc trong giẻ thế nào cũng có ngày bị lòi ra, rồi sẽ ăn nói, biện bạch thế nào, hay lại kiếm cớ, đỗ lỗi cho ai đó hầu bào chữa cho mưu đồ lừa đảo rẻ tiền của mình. Đó là nguyên nhân khiến cha Lành tránh xuất hiện nơi giáo xứ người Việt. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng phỏng có tránh được không? Nào Chúa có bao giờ làm theo ý mình đâu. Đã nhận ra hồng ân dốt nát, phỏng lại được thêm hồng ân độc ác? Càng cúi đầu chấp nhận cuộc đời, có thể chỉ càng rơi vào cảnh “Trói lại mà đánh, khen hay chịu đòn.” Không nói ra thì bực, nói ra thì hèn. Mình có chấp nhận trở nên hèn hạ để đối đầu với kẻ hèn không. Ôi, cha Lành thầm nghĩ, cổ nhân quá thâm trầm để lại câu, “Nói ra thì bảo rằng ngoa, chẳng nói lại nghĩ người ta là đần.” Thà bị cho là đần còn hơn chấp nhận hèn! Lời khôn ngoan nơi Kinh Thánh khuyên, “Đừng nói vào tai kẻ ngu xuẩn, kẻo nó khinh thị nét tinh tế của lời con nói” (CN. 23:9), hoặc, “Đừng đàm luận với kẻ ngu xuẩn, kẻo cả con nữa, con cũng sẽ trở nên giống nó” (CN. 26:4). Càng để tâm thực hành lời Chúa, càng mang thêm nỗi đau tâm tưởng. An bình tâm tưởng nơi đâu? Dẫu sao, mình cũng chỉ là con người!
 
Những tâm tư ngày nao trở về nơi ký ức trong khi cha Lành chầm chậm nhai miếng tái bê, cảm nhận hương vị ngon ngọt của chất thịt bê hòa với tương ngọt pha thêm nước mắm ớt và gừng. Tái bê thái mỏng, mềm, được trộn thêm hành tây tím, rau răm, húng quế.
- Ông mua ở đâu mà có được tái bê tươi như thế này. Chắc chắn không thể tìm được ở bất cứ tiệm Mỹ nào. Cha Lành hỏi.
- Nhà con mua sáng nay ở nhà thờ; cha không biết sao. Chủ nhà lên tiếng.
- Cuối tuần nào nhà thờ cũng có bán khá nhiều loại thực phẩm tươi để gây quỹ. Tuần trước, thông báo được gần chín ngàn đồng. Trung bình, tiền thu được từ bẩy ngàn đến hơn kém tám ngàn, đăng trên tờ mục vụ. Người đàn bà đối diện cha Lành giải thích. Bình thường có những món bánh, bún, chả giò, chả quấn, xôi, chả chiên. Mỗi tuần có những món đặc biệt. Tuần nào giết bê thì có tiết canh bê, tái bê, bê xào lăn. Hôm nào giết dê thì có tiết canh dê, tái dê, lẩu dê. Heo thì có thịt heo tươi, lòng heo, sườn nướng. Nguyên những món tươi ngon đặc biệt không thể kiếm được nơi chợ Mỹ hay bất cứ nhà hàng nào.
- Tối nay con mời cha và mọi người ăn phở đuôi bê, tái bê, bê xào lăn mua từ cửa hàng của nhà thờ. Riêng món giả cầy thì cũng mua của nhà thờ nhưng từ tuần trước. Chủ nhà nói.
- Cha muốn dùng tiết canh thỏ không? Có lần nhà thờ làm tiết canh thỏ, ăn quá đã luôn, nhưng chẳng hiểu sao ít lâu nay không thấy. Ông cụ già nhất nói.
- Từ dạo qua Mỹ đến giờ tôi không dám ăn tiết canh vì nghe đâu coi chừng bị vi khuẩn nơi tiết sống thì phiền. Ở Việt Nam ăn tiết canh heo, tiết canh vịt, thỏ, ngan, ngay cả tiết canh chó thì không sao. Ở bên đất nước văn minh này thì cái gì cũng phiền. Một vị khác nói.
- Phiền vì mình sợ chứ bao lâu nay người ta ăn đâu có sao.
- Người ta ăn không sao, nhưng mình thì sao, thế mới phiền.
- Lâu nay tôi cũng không dám ăn tiết canh, mặc dầu đôi khi nhớ lại rất thèm. Thèm thì thèm nhưng nghĩ lại, lỡ ra thì phiền hà không biết sẽ phải giải quyết thế nào, đành nhịn, chỉ tưởng tượng món ngon qua trí nhớ. Cha Lành chia sẻ.
- Nếu cả như cha thì nhà thờ bán tiết canh cho ai?
- Thì xưa nay, nhà thờ vẫn bán mà. Người này không mua thì người khác mua, cụ già nói. Như thế nhà thờ mới có tiền mua thêm miếng đất bên cạnh làm chỗ đậu xe cho rộng rãi.
- Nghe đâu sau này sẽ xây lớp học giáo lý và hội trường ở đó mà.
- Tiền mua miếng đất ấy là do cha xứ bán nhà riêng của ngài và mua đất cho nhà thờ chứ đâu phải tiền của nhà thờ.
- Thế sao không thấy đăng trên tờ mục vụ.
- Đó chỉ là tin đồn, cũng như mấy năm trước, mọi người cứ ồn ào thán phục hai cha Việt Nam góp tiền mua thực phẩm phát cho người nghèo. Không hiểu những tin đồn thất thiệt này từ đâu bày ra. Cha nào phải bỏ tiền mua thực phẩm phát cho người nghèo. Bộ mấy linh mục đi ăn cướp để có tiền sao mà tuyên truyền bậy bạ, lừa đảo như thế. Một ông cỡ 60 tuổi hơn, lên tiếng. Tôi đi nhà thờ Mỹ, cứ những ngày lễ lớn như phục sinh, giáng sinh, nhà thờ đều có chương trình góp nhặt các hộp thực phẩm nơi các gia đình mua ăn không hết nhưng sắp đến ngày hết hạn để góp cho chương trình phát thực phẩm cho người nghèo. Xứ tôi ở cũng có chương trình ấy, mỗi tháng một lần vào cuối tuần thứ hai. Đã có lần chính tôi đi chở thực phẩm tại kho Twelve Baskets ở Gulfport đem về bỏ vô mấy tủ đông lạnh của hội Knight of Columbus. Thoạt đầu tôi tưởng nơi đó họ cho không, nhưng sau mới biết phải trả 20 cents cho một pound. Tiền này từ mấy hộp “For the Poor” ngay nơi cửa nhà thờ để xin giáo dân ủng hộ. Thế mà dám ồn ào phao tin hai cha góp tiền mua thực phẩm phát cho người nghèo. Giờ lại nghe tin cha bán nhà mua đất cho nhà thờ! Quái lạ, không hiểu họ phao tin thất thiệt như thế với ý đồ gì. Các ông các bà không tin lời tôi nói, cha đây này, cứ hỏi xem tôi nói có đúng không!
- Thế mấy ông không nhớ có lần cha xứ rao nơi nhà thờ đó là có người giấu tên dâng cúng miếng đất cho nhà thờ đó sao. Người đàn bà đối diện cha Lành lên tiếng.
- Thì ít nhất cũng phải có lời cám ơn người giấu tên trên tờ mục vụ chứ. Ai làm tờ mục vụ mà vô tình thiếu sót lịch sự tối thiểu như vậy!
- Sao ông không xung phong làm mà trách người ta không làm. Tất nhiên thư ký giáo xứ làm tờ mục vụ, và chịu kiểm soát bởi cha xứ.
- Làm gì có thư ký giáo xứ, người đàn ông trẻ nhất nói.
 
Cha Lành vẫn lặng thinh, lấy bún cho vào bát và múc nước giả cầy đổ vô. Có gì mà phải nói, ngài nghĩ, sự thể ra sao ai mà chẳng biết, đâu cần giải thích. Chẳng biết bao nhiêu lần ngài bị du vào thế chứng nhân tai hại. Thần thánh nào đó hứng lên nổ tào lao rồi tin đồn ra có mặt cha Lành ở đó khiến ổ pháo nổ trúng ngài. Mà sự hiện diện của ngài nào có dính dáng gì tới họ hàng nhà pháo đâu; quả thật, “Quýt làm, cam chịu.” Khổ nỗi, những chuyện nghe thấy và biết nguyên nhân thì còn có thể chấp nhận thông cảm, im lặng cho qua; có những chuyện trời mây trăng nước, không đâu vào đâu bị ai đó dùng làm quà mong hưởng lợi lộc ba xu, cũng đổ lên danh hiệu của ngài. Nghĩ cũng tội, mình tôn trọng người ta, khiến họ cảm thấy được coi trọng thì lại bị phiền hà. Coi chừng lại bị trúng đạn bắn bậy. Cái ông vớ vẩn kia, không thuộc về giáo xứ thì mắc mớ gì phải chen vô giải thích, giải mã lôi thôi. Coi chừng mình lại bị trúng đạn vì mấy tay súng nổ tùm lum này. Biết thế, chẳng thèm tới nữa. Nghĩ vậy nên cha Lành cố phớt lờ như không nghe thấy gì, từ từ lấy thêm rau thơm bỏ vô chén bún và tiếp tục ăn.
 
- Thưa cha, sao cha không nói gì?
Rồi rồi, cha Lành nghĩ, nói thế nào đây, nói làm sao để khỏi bị nêu tên làm bung xung cho những lời đồn đãi lạm dụng sau này. Đưa mắt nhìn quanh một lượt trong khi miệng vẫn còn đang nhai miếng giả cầy, từ từ nuốt, đoạn chiêu ngụm rượu, ngài lên tiếng,
- Các ông các bà thuộc về xứ này mà lại hỏi tôi thì sao tôi có thể trả lời. Các ông không nhớ đã có câu nói, “Mỗi cha một lý đoán” sao. Mỗi giáo xứ có sự điều hành khác nhau tùy cách làm việc của cha xứ. Thêm vào đó, những phân bộ làm việc lại cũng tùy thuộc khả năng tài chính của giáo xứ nữa. Thôi, để tôi ăn mấy miếng cho xong, đừng lôi tôi vào mấy chuyện không liên quan gì.
- Sao dạo này cha khó tính thế, ông cụ già nhất nói, ngày xưa cha thoải mái lắm mà.
- Xưa hay nay thì cũng vậy thôi, nhưng đôi khi điều đúng, điều nên, lại trở thành kỳ đà cản mũi cho tham vọng cá nhân nào đó. Thực ra, đã lâu tôi cứ thắc mắc tại sao không có lớp dạy về nghệ thuật lãnh đạo nơi nhà trường, mãi đến nay mới hiểu được lý do; nơi giáo trình thần học tại đại chủng viện chỉ có lớp dạy về điều hành (Administration) mà không dạy nghệ thuật lãnh đạo. Thực ra, nhiệm vụ chính yếu của linh mục là mục vụ và phụng vụ. Công việc điều hành giáo xứ lại thuộc về hội đồng giáo xứ. Nhưng thực tế, hệ thống quản trị giáo xứ lại được thực hành qua hai hệ thống, hệ thống hội đồng giáo xứ, và hệ thống hội đồng mục vụ. Nếu linh mục nào nhận thức đúng đắn vai trò và nhiệm vụ của mình, sẽ làm việc theo hệ thống hội đồng giáo xứ. Ngược lại, linh mục nào không nhận định rõ ràng nhiệm vụ và vị thế, cũng như giới hạn của mình, sẽ điều hành giáo xứ theo hệ thống hội đồng mục vụ.
- Cha nói sao, giáo xứ nào chả có chánh trương, các trùm trưởng và các hội đoàn mà…
- Ông nói đúng. Giáo xứ nào cũng có chánh trương, trùm trưởng và các hội đoàn, nhưng được quản trị theo hệ thống nào, hệ thống hội đồng giáo xứ hoặc hệ thống hội đồng mục vụ.
- Thưa cha, hai hệ thống cũng chỉ là một, cũng bằng ấy người, con thấy có chi khác biệt đâu!
- Ông nói đúng. Sự khác biệt chính là cách quản trị, cách điều hành, chứ không phải hệ thống tổ chức. Thí dụ, giáo xứ nào cũng có ca đoàn. Giáo xứ người Mỹ thường phải thuê người đánh đờn. Vậy cha xứ có phải đụng tay đụng chân gì với ca đoàn hay không? Thế nên, nếu cha xứ coi hội đồng giáo xứ như ca đoàn, để họ tự nhận xét, tự biên, tự diễn sau khi đã họp hành, quyết định thì ngài có phải bận rộn lo lắng chi về việc điều hành nữa không? Tôi nghĩ, các ông các bà ai cũng biết câu của Mạnh tử, “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.” Vấn đề chỉ là có chấp nhận được quân vi khinh hay không, có để cho họ tự chọn bài hát nào phù hợp với bài đọc, bài phúc âm của ngày lễ đó hay không. Chúng ta đang sống trong một đất nước dân chủ nhưng phương cách làm việc lại theo độc quyền quân chủ, toàn trị; nói cách khác tức là quản trị theo hệ thống hội đồng mục vụ.
- Con thấy nhiều khi phúc âm một đàng, cha giảng một nẻo, và ca đoàn hát linh tinh.
- Tôi chỉ muốn nói về phương cách quản trị, cách thức làm việc và dùng sự đối xử, liên hệ giữa ca đoàn và chủ tế hành lễ để so sánh với cách thức làm việc với hội đồng giáo xứ. Ông thấy bài đọc một đàng, cha giảng một nẻo, ca đoàn hát linh tinh, điều này chứng tỏ chủ tế đã không ngó ngàng gì tới ca đoàn, hoặc ca đoàn không để ý chi đến bài đọc, nên cũng không hỏi xem cha sẽ giảng thế nào. Và như ông nói, cha giảng một nẻo thì ngài cũng đã không soạn giảng, nào có gì lạ. Có điều, chúng ta quá quen với thành ngữ, “Ý dân là ý trời” nhưng lại cứ thích áp dụng câu Kiều của Nguyễn Du, “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.”
- Thưa cha, thực lòng con không có ý khinh người, nhưng thấy có những vị chẳng biết gì, xung phong ra làm việc chỉ vì muốn được gọi là ông trương, ông trùm, thì làm sao mà nói tới ý dân với ý Chúa.
- Sao ông không xung phong làm việc mà nói người ta không biết gì!
- Làm trùm, làm trưởng thì có được ích gì đâu.
- Đây mới là điều khổ tâm của các cha xứ, cha Lành lên tiếng. Những người biết việc chỉ biết đứng ngoài nhận xét, chê bai; những người không biết việc lại thích được gọi là ông trùm, ông trưởng. Chính sự thể này đẩy cha xứ vô vị thế “Đức chúa trời ngôi thứ tư” hay ông vua con, mà ngày nay người ta gọi là  toàn trị. Nói theo quan điểm quản trị thì gọi là hệ thống hội đồng mục vụ.
- Thế có cách nào giải quyết không, thưa cha?
- Cách nào thì tùy cha xứ. Quý vị nên biết, dẫu chỉ là cánh tay nối dài của giám mục, coi sóc, điều hành giáo xứ, nhưng quyền hạn của ngài mênh mông. Nói cho đúng, chẳng những vì đức tin mà còn những điều lệ liên quan đến bí tích. Quý vị làm việc nơi công sở, quyền hạn của vị giám đốc đối với mình thế nào thì quyền hạn của cha xứ có thể nói gấp đôi. Làm việc nơi công sở, nếu không ưa hay chống đối giám đốc, quý vị có thể bỏ sở bất cứ lúc nào, và kiếm việc khác là xong. Đối với cha xứ, những sự giảng giải về lời Chúa mang dấu ấn nhận thức, niềm tin, của dân Chúa. Nơi phạm vi nhân sinh, quý vị thừa hiểu nhận thức ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời một người ra sao. Là linh mục, tôi chỉ có thể phân tích như thế. Còn phương cách nào thì không thể nói chi, bởi đâu biết chiều hướng làm việc của ngài.
- Thưa cha, dĩ nhiên, phương cách giải quyết thì tùy thuộc cá nhân cha xứ. Điều con muốn hỏi là lối quản trị nào đem lại lợi ích cho dân Chúa hơn, và nếu có thể, đỡ phiền hà cho cha xứ hơn.
- Điểm quan trọng nhất đó là nhận thức cá nhân. Tôi dùng ngôn từ nhận thức có nghĩa bao gồm ước muốn, ý định, tri thức, tham vọng. Phúc âm có câu, “Vì kho tàng các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Lc. 12:34). Thử hỏi quý vị, lòng dạ của quý vị hiện giờ ở đâu? Có phải đang muốn biết tôi sẽ giải thích ra sao đúng không? Hiện giờ, lúc này, và ở đây, lòng dạ quý vị có ở cái nhà, cái xe, hoặc tiền bạc nơi nhà băng hay bất cứ gì khác không? Thưa chắc chắn là không, dẫu cũng có thể ai đó có ý đồ bắt lọn tôi. Như vậy, ước muốn, tham vọng của quý vị ở đâu thì lòng dạ quý vị ở đó. Áp dụng vào phản ứng cá nhân, nhận thức ảnh hưởng nặng nề tới ước muốn, tham vọng của một người. Sự quản trị một giáo xứ được phân định rõ ràng hai phương thức, hệ thống hội đồng giáo xứ, và hội đồng mục vụ; do đó lệ thuộc nhận thức cá nhân.
- Dĩ nhiên, linh mục cũng là người, cũng mang hoàn toàn tính chất của con người nên không thoát khỏi tham sân si như mọi người. Đây là lý do tại sao tôi đặt vấn đề nhận thức. Nếu một linh mục nhận định rõ được vai trò điều hành và nhiệm vụ chính yếu của mình nơi một giáo xứ và đó là mục vụ và phụng vụ, dẫu phải chứng nhận hay chấp thuận quyết định của hội đồng giáo xứ và coi họ như ca đoàn, thì sẽ có thời giờ suy tư về lời Chúa, sẽ thảnh thơi, ít bị phiền hà. Thử hỏi, làm sao linh mục biết được nhu cầu tâm linh hay đạo đức của dân Chúa bằng cả nhóm thành viên của hội đồng giáo xứ. Họ là dân Chúa, những người sống cùng dân Chúa, liên hệ mật thiết với dân Chúa. Chúng ta thừa biết câu, “Ý dân là ý trời,” mà không chịu tìm ý trời nơi dân. Để họ tự nhận định, đưa lên phương án, và thực hiện, linh mục đâu cần gì phải tìm kiếm ý Chúa mãi đâu, nơi sách vở hay cố vấn nào. Họ biết họ cần gì, phương cách nào dễ thực hiện và đem lại thành quả tốt nhất; họ biết phương tiện ở đâu. Linh mục sao thấu hiểu sự việc bằng họ.
- Tuy nhiên, quản trị theo phương thức hệ thống hội đồng giáo xứ, linh mục sẽ cảm thấy tổn thương tự ái, sẽ bị mặc cảm đứng bên lề, ít được cầu cạnh, hỏi ý kiến, ý bọ, ít được nghe những lời phỉnh nịnh, không có được cảm giác “Ông giám đốc,” nên phát sinh cảm nghĩ bơ vơ. Nói cho đúng, dẫu biết rằng người lãnh đạo là người bơ vơ nhất nhưng đó chỉ là lý thuyết. Tính chất tham, sân, si, của con người áp lực tuyệt vời nơi vị thế chính xứ nếu sự nhận thức tâm linh yếu kém. Tôi muốn nói nhận thức tâm linh chứ không phải tri thức hay kiến thức tâm linh. Tôi đưa ra một thí dụ, tri thức, kiến thức tâm linh chẳng khác gì sự hiểu biết về bổ ích và ngon ngọt một vài đĩa thực phẩm của một bữa ăn. Nhận thức tâm linh là cảm nhận khi ăn những đĩa thực phẩm ấy.
 
- Phương thức quản trị theo hệ thống hội đồng mục vụ lại đối nghịch với quản trị hội đồng giáo xứ. Nói đúng sự thực, quản trị theo hệ thống hội đồng mục vụ là tất cả mọi chuyện từ quét nhà thờ vào giờ giấc nào, nên làm sao, lau chùi phòng vệ sinh, sắp xếp giấy, thùng rác, phải như thế nào, cắt cỏ, trồng bông hoa v.v… tất cả mọi sự đều ngăn nắp theo mệnh lệnh của cha xứ. Đóng, mở cửa nhà thờ, trang trí bàn thánh; mọi việc đều nằm dưới quan sát của ngài, không mảy may sai trệch. Quý vị để ý, nơi hệ thống hội đồng mục vụ, quý vị muốn biết bất cứ chuyện gì của nhà thờ, giáo xứ, nhà xứ đều phải hỏi cha xứ.
- Những thành viên của hội đồng mục vụ là những người được cha xứ tin tưởng, dù được bầu cử, cần phải thông qua ý kiến của cha xứ. Nếu ngài không thuận, sẽ không có tên trong danh sách bỏ phiếu. Hội đồng mục vụ họp hàng tháng là thời điểm đến nhận lãnh chỉ thị, công tác được cha xứ ban cho. Mọi vấn đề được nêu lên nên suy nghĩ theo chiều hướng nào, nếu có gì trắc trở kêu ca cần được giải thích ra sao.
- Cha xứ dạy con chiên từng chút một, ngài thông biết mọi sự trên trời dưới đất. Ai đó nói gì đụng chạm tới công việc hoặc thái độ của ngài, được răn dạy đương đường nơi tòa giảng. Ngài thay mặt Chúa chăn chiên mà. Trong giáo xứ dưới quyền cai trị của ngài, mọi sự, mọi việc đều răm rắp thống nhất theo một chiều hướng bất biến được rõ ràng vạch sẵn, từ lời ăn, tiếng nói đến việc làm. Ưng ai, người đó được giữ chức vụ không công tùy định liệu của cha xứ. Không thuận mắt với ai, dù tài giỏi, khéo xoay xở tới đâu, đem lại lợi ích cho giáo xứ thế nào cũng bị gạt bỏ. Muôn đời, người đó hoặc có ai liên hệ thân thuộc của người đó dẫu muốn phục vụ Chúa cách mấy cũng chỉ có nước cầu nguyện, không hơn không kém. Những thành viên trong hội đồng mục vụ chẳng khác gì những cánh tay nối dài của cha xứ, oai phong, vinh vang nơi cõi dương gian hạn hẹp của giáo xứ khó ai hiểu nổi. Nếu tôi không lầm, những ai đã ở đây từ hơn hai chục năm trước, có lẽ sẽ nghe được từ nơi tòa giảng, chẳng hạn,
- “Đẻ thế mới là đẻ,” trong thánh lễ tạ ơn của một tân linh mục.
- “Cái ông gì đó tóc đã rụng hết, liệu mà ăn mà nói để còn có răng mà nhai,” nơi thời điểm nào đó có người dám nói đụng đến đấng làm thầy.
- “Thế mà có người dám dạy các cha,” vào trường hợp ai đó dám phê bình điều gì ngài lỡ lời.
Tất nhiên, phải có người trình bày, nói lại, diễn tả sự kiện, sự việc với chủ chăn, thêm hoa lá cành theo ý định hay mưu đồ nào đó. Không hiểu vô tình hay hữu ý, có những con thoi, “Đâm bị thóc chọc bị gạo,” tạo mây mưa đôi chối mù trời đất, nhưng hai đối thủ chẳng hề gặp mặt để đối chất, rồi những lời ám chỉ lắm lúc còn rõ ràng hơn vạch trần, được ban phát cho con chiên nơi tòa giảng; dẫu con chiên bận tối mặt làm ăn, không biết cũng bị phải biết.
- “Có người không phận sự mà dám xía vô công việc thuộc bản quyền của người hành sự,” để rồi được nghe từ người thân quen,
- “Hỗn,” thế là tức điên lên, dân Chúa lại được phen chịu trận những lời vàng ngọc phán ra từ tòa giảng.
- Tôi chỉ là dân đánh thuê, chuyên viên làm việc tại các giáo xứ người Mỹ, mà biết được những sự thể ấy thì dân Chúa phải rành rẽ được rao giảng đến thế nào. Cha Lành nói tiếp. Tôi chỉ kể lại hiện thực bị hay được nghe, đã xảy ra. Không ý kiến phê bình hay nhận định, chỉ có sao nói vậy. Để ý, tôi mới nhận ra một nguyên tắc nhận định đơn giản, và cơ bản, để biết sự quản trị theo hệ thống nào. Cũng như quý vị, ai đeo chùm chìa khóa càng nhiều bao nhiêu thì càng chứng tỏ có quyền lực (N.K. Hoàn), càng sắp xếp công việc chặt chẽ, gọn gàng bấy nhiêu.
- Cha nói vậy đâu có đúng; một ông người xương xương, có gương mặt lưỡi cày mang hàng râu mép được cắt tỉa ngắn gọn, phủ kín nhân trung, lên tiếng. Không đeo chùm chìa khóa thì khi đụng việc, tìm chìa khóa không thấy sao lấy được đồ để làm. Đối với con, đeo chùm chìa khóa để đỡ tốn phí thời gian trong khi mình bận trăm thứ việc. Như vậy, đâu phải đeo nhiều chìa khóa chứng tỏ nhiều quyền lực.
À thì ra ông này đeo chùm chìa khóa cỡ bẩy tám chiếc nên chạnh lòng. Cha Lành nhìn ông, mỉm cười, nhẹ nhàng nói,
- Vậy cứ tính trung bình, mỗi ngày ông phải dùng tới mấy chiếc chìa khóa?
- Một chìa khóa nhà, một chìa khóa xe, một chìa khóa phòng đồ, ít nhất là ba cái.
- Thế sao ông phải đeo tới gần chục cái, cha Lành vẫn lửng thửng hỏi.
- Con cũng tính làm dàn móc treo chìa khóa nhưng cứ lười, chưa làm được.
- Tôi hỏi chọc chơi ông vậy thôi, ông thứ lỗi. Thực ra, nói đến chùm chìa khóa nơi hệ thống hội đồng mục vụ, tôi muốn ám chỉ đến sự mệt mỏi, phiền hà bởi tính chất ôm đồm mọi sự, coi chừng không còn giờ để thở. Thử hỏi ông, đối với những công việc nhà, lúc nào mệt ông có thể nghỉ ngơi, chùm chìa khóa chỉ mình ông sử dụng, không liên hệ tới ai, ngay cả như bà ấy. Đàng này, biết bao công việc của nhà thờ, nhà xứ, nhà kho, văn phòng, các lớp giáo lý, liên hệ đến các ủy ban mà một ngày; giả sử bị gọi đến ba hay bốn lần mượn chìa khóa thì còn thời giờ nào cho cha xứ nghỉ ngơi. Hơn nữa, những người giúp việc họ phải đi làm mưu sinh, họ chỉ có thể làm gì giúp giáo xứ khi họ có giờ rảnh; mà giờ rảnh của họ lại chính là giờ nghỉ ngơi của cha xứ. Các ông, các bà đi làm 5 ngày, chỉ rảnh rang được hai ngày thứ bẩy và chủ nhật trong khi cuối tuần lại là những ngày cha xứ bận rộn. Ông nghĩ sao khi đang trong buổi họp mà có người gọi mượn chìa khóa, hoặc đang lúc dâng lễ mà có người muốn có chìa khóa mở nhà kho để lấy máy cắt cỏ. Tôi không nói chọc ông đâu. Thông cảm cho tôi, vì ngôn bất tận ý.
 
Nói như thế nhưng cha Lành lại chợt nghĩ đến còn một số việc phải chia bớt cho hội đồng giáo xứ thực hiện. Các trẻ em học giáo lý cần biết giúp lễ thế nào, trao cho ủy ban giáo lý dạy và thực tập tại nhà thờ là xong. Đưa thêm điều kiện phải biết giúp lễ cho lớp xưng tội. Nói với cụ sáu giúp cho việc này và từ từ lấn sân, mời cụ sáu trở lại giúp về chuẩn bị hôn nhân, giúp giáo lý tân tòng, đứng đầu ủy ban giáo lý, họp Legio, họp Knight of Columbus, dạy bí tích rửa tội cho cha mẹ và những người đỡ đầu. Giải thích, huấn luyện cách ăn nói cho các hội viên Legio khi thăm viếng các gia đình… Đã có người cắt cỏ nhà thờ, đã có két sắt, có người đếm tiền bỏ vô nhà băng, có người mở cửa nhà thờ sáng sớm, chuẩn bị đồ lễ, làm sao để kéo những gia đình bỏ xứ ra đi trở lại, năm gia đình cắm bông, quét dọn nhà thờ. Phải làm sao để chị giáo viên ngưng cắm bông, bày ra chuyện gì để chị ta chịu trách nhiệm thay vì cắm bông…
 
- Cha nói như thế, nếu quản trị theo phương thức hệ thống hội đồng giáo xứ thì linh mục đâu có chuyện gì để làm.
- Nói cho đúng, như tôi nói lúc trước, sở dĩ đại chủng viện chỉ có lớp dạy về điều hành mà không có lớp dạy về lãnh đạo đó là điều rất đúng nhưng lại cũng có thể rất thiếu sót. Tôi nghĩ, những chuyên viên thiết lập chương trình thần học có lẽ nhận thấy nhiệm vụ của linh mục không phải là lãnh đạo tổ chức nhân sinh mà chính là rao giảng phúc âm, cổ võ niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, cổ võ đức tin nên không đặt nặng vấn đề lãnh đạo. Thiển nghĩ, nếu ai hiểu biết về nghệ thuật lãnh đạo, chắc chắn sẽ thực thi quản trị theo phương thức hệ thống hội đồng giáo xứ. Các ông không ở trong nghề nên có nghĩ thế nào cũng không cảm nhận được thực sự nhiệm vụ của linh mục nặng nề như thế nào đâu.
- Các ông các bà tham dự thánh lễ mỗi tuần một lần, hoặc mỗi ngày một lần có để ý thấy sự gì khác biệt nơi thánh lễ không? Mọi thánh lễ đều có những nghi thức giống nhau, sự khác biệt chỉ là những bài đọc. Thử hỏi, làm sao giảng cùng một vấn đề, cũng chỉ mấy lời nói mà có thể đem lại thành quả hài hòa cho cả một nhà thờ pha trộn những tầng lớp người khác nhau. Hơn nữa, phúc âm, lời Chúa đâu phải được viết để giải thích mà là để nghiệm xét, nghiệm chứng, để suy nghĩ, suy tư. Thí dụ, giải thích thế nào với câu, “Ai có tai thì nghe?” Hay là, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi.”
- Thưa cha, lời Chúa là lời hằng sống, con thường nghe và có khi đọc được như thế, nhưng hằng sống sao không thể náo áp dụng được. Bằng chứng là con có thấy cha nào hay giám mục nào chột mắt, cụt tay đâu. Chẳng lẽ các ngài không bao giờ lầm lỗi, hay vì không ai hiểu lời Chúa nên không thực hành. Con nghĩ, nơi sách vở hoặc những lời các cha giảng giãi đã không nói lên được đúng ý Chúa muốn con người thực hiện nên không ai có thể áp dụng được.
- Thì tôi đã nói; phúc âm, lời Chúa không được viết để giải thich mà để suy tư, suy nghiệm, suy nghĩ, nghiệm xét.
- Cha nói sao, suy tư, suy nghĩ gì, lời Chúa rành rành ra đấy như một cộng với một là hai thì cần gì phải suy tư, nghiệm xét; ông cụ có tuổi cao nhất nói. Xưa nay, con chưa bao giờ nghe được lời giảng nào hợp lý, hợp tình, có thể áp dụng một cách hài hòa nơi cuộc đời. Thường thì con chỉ thấy lời Chúa được giảng giãi theo chiều hướng đạo đức, hoặc được coi như những bài học luân lý nhân sinh. Như cha biết, luân lý, nhãn quan đạo đức, thay đổi chẳng những theo sự thăng tiến hiểu biết của con người mà còn lệ thuộc nơi chốn, thói quen, tập tục văn hóa địa phương nữa. Thế thì sao lại được gọi là lời Chúa?
 
Chắc có lẽ ông cụ này đọc sách khá nhiều nên dùng ngôn từ khá chính xác đồng thời nhận định sắc bén, cha Lành thầm nghĩ.
- Nếu tôi không lầm, cụ đọc khá nhiều sách. Tuy nhiên, tôi có một câu hỏi đơn sơ, chỉ lặp lại lời cụ vừa nói. Cụ có chắc một cộng với một bằng hai không? Vậy nếu một cái hồn cộng với một cái xác, nghĩa là nhập vào cái xác thì bằng mấy? Dứt khoát không thể bằng hai, mà có thể cũng không phải bằng một thì cụ và quý vị nghĩ sao?
Cha Lành buông câu hỏi rồi im lặng, lấy chai rượu trên kệ cửa sổ phía sau rót thêm vào ly, chậm rãi chiêu một ngụm nhỏ. Ngài không định uống thêm, nhưng cảm thấy coi chừng “đụng cơ,” có cơ hội khuyến khích mấy ông bà này suy nghĩ nên rót rượu uống, kéo dài thêm thời gian cho câu hỏi thẩm thấu tâm tư người nghe. Tiếp đó ngài nói,
- Tôi nêu thêm câu phúc âm ai cũng biết vì nó rất thường, “Ai có tai thì nghe.” Câu nói như không nói bởi ai cũng đang sử dụng tai để nghe, thế thì mắc mớ gì nó lại được ghi nơi phúc âm và được gọi là lời Chúa?
Thế là các ông, các bà trong bàn nhậu ngớ ra, ai đang ăn thì cứ ăn, uống thì cứ uống nhưng màn thinh lặng bao trùm mọi người. Vài chục giây sau, ông cụ cao tuổi nhất lại lên tiếng,
- Thì tai để nghe, hoặc là nghe, hoặc là không nghe, có gì phải suy nghĩ đâu. Sao cha lại có được câu hỏi như thế?
- Suy nghĩ thôi, đặt vấn đề tại sao phúc âm được viết như vậy. Cũng hơi muộn rồi, tôi sẽ đặt vấn đề về một câu hỏi, còn câu hỏi kia, để các ông các bà tự đặt vấn đề và giải quyết. Thế các ông các bà muốn tôi đặt vấn đề về câu hỏi nào?
- Cả hai câu đi thưa cha; nói đúng sự thật, con đọc cũng không ít sách, thế mà chưa bao giờ thấy cuốn sách nào đưa ra câu hỏi đơn giản mà lại hóc búa như thế. Có lẽ, ngày nào đó con phải mời cha đối ẩm mới được. Thế ngày nào là ngày nghỉ của cha?
- Ông cụ định nhậu vào sáng, trưa, hay chiều?
- Con thì lúc nào, ngày nào cũng được và luôn ở nhà. Bất cứ lúc nào cha ghé qua con đều hoan nghênh.
- Tôi không muốn hứa, vì xưa nay lỡ đã thất hứa quá nhiều; thất hứa vì không nhớ mình đã hứa, hoặc có chuyện bất thường. Thế nên, các buổi chiều, nếu ông cụ muốn có người đối ẩm, gọi điện thoại cho tôi biết vào buổi sáng. Bây giờ mình thử đặt vấn đề về câu phúc âm ngơ ngơ coi.
- Chúng ta, ai cũng biết, tai nghe, mắt nhìn, miệng nói, óc suy nghĩ; các nhà khoa học cũng nói như thế. Tuy nhiên, thử hỏi, một người chết, họ còn có thể nghe, nói, nhìn, hay suy nghĩ nữa không? Vậy người chết là thế nào, câu trả lời là linh hồn ra khỏi xác. Như thế, khi linh hồn còn hòa nhập với xác thì tai mới có thể nghe. Suy như vậy, cái tai không thể nghe tự nó mà chỉ là phương tiện cho cái hồn nghe. Vậy linh hồn là gì. Ai cũng tin rằng, nghĩ rằng mình có linh hồn và đã không bao giờ tự hỏi linh hồn mình là cái gì. Do đó, đặt vấn đề về câu nói, “Ai có tai thì nghe,” tức là thách thức chúng ta tìm hiểu về linh hồn của mình.
- Riêng câu hỏi một linh hồn cộng với một thân xác là mấy; bình thường ai cũng cho là một. Nhưng thử đặt vấn đề, nếu linh hồn không có xác, thì không ai biết; và nếu xác không có linh hồn thì chỉ đem ra nghĩa trang. Tuy nhiên, khi linh hồn nhập nơi thân xác lại phát sinh ra ý nghĩ, ước muốn, ước mơ, tham vọng, và nhiều thứ khác. Bởi vậy, một linh hồn cộng một thân xác ít nhất phải là ba, linh hồn, xác thân, và tâm trí. Ba là một, và một là ba. Có ai thấy có điều gì khác biệt không?
- Cha muốn nói là hình ảnh Chúa ba ngôi. Cụ già nói.
- Thì Kinh Thánh đã nói rõ, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài;” bộ chưa ai nghe bao giờ à?
- Thế sao chúng con được dạy phải tin như vậy?
- Tại vì người dạy phải tin đã được dạy như thế và cũng đã không suy nghĩ, suy tư. Thôi, tôi đi về, cảm ơn ông bà chủ nhà, cảm ơn mọi người. Chào tất cả.
- Chào cha…
 
0 – 0 - 0
 
Về tới nhà xứ thì đã 9 giờ tối, cha Lành mở sách bài đọc để soạn giảng. Bài phúc âm của tuần 21 C thường niên. Lời phúc âm khuyên nhủ, hãy chọn qua cổng hẹp. Tuần trước, bài phúc âm trình bày về cuộc chiến nội tâm, những sự thể đối nghịch nơi tâm hồn luôn tranh đấu với nhau, ước muốn hướng thượng tâm linh và tham vọng cá nhân, thế tục, tham sân si. Tuần này nói về cổng hẹp; chọn đi qua cổng hẹp và thực trạng rao giảng bị kết án. Làm sao họ lại bị từ chối vào Nước Trời. Thế rồi, lắm kẻ cuối hết sẽ trở nên đầu hết. Làm sao giảng, làm sao liên kết những sự thể nghiệm chứng, nghiệm xét lại với nhau; làm sao nói cho dân Chúa để ý thực hành suy tư. Cha Lành lặng thầm suy nghĩ.
Đối diện với cuộc đời đầy chuyển biến, thay đổi ảnh hưởng nặng nề từ ước mơ, ý định đến hành động, cuộc sống, ngay cả đến thói quen, dự định, con người rất ít khi đặt vấn đề tự hỏi mình thực sự thế nào, tâm tính ra sao, và có ước mơ sẽ như thế nào cũng như thái độ, tham vọng của mình là gì. Thế nên, câu hỏi “Tôi là ai” chính là cửa ngõ ai cũng ngại ngùng thực sự đối diện. Nói thế nào để khuyến khích mỗi người tự tìm hiểu, chân thực nhận biết mình thực sự ra sao, mình thực sự thế nào, linh hồn mình là chi, liên hệ với thân xác, cuộc đời; ham muốn từ đâu phát sinh, sự sống, sự hiện hữu của mình từ đâu mà có. Phúc âm được viết quá thâm trầm, cả một sự thể căn bản, lớn lao của một người chỉ nhẹ nhàng phớt qua bằng câu nói chọn đi qua cái cổng hẹp. Bao nhiêu người đã bỏ cả cuộc đời để nhận biết chính mình thế nào và đã ra đi như chưa từng hiện hữu.
 
Nói làm sao đây, giảng thế nào, dùng ngôn từ chi để đánh động, khuyến khích dân Chúa tự nhìn lại thực thể của mình. Thì nào có chi đâu, cứ nói toáng ra phương pháp, lấy tờ giấy, vạch chia đôi từ trên xuống dưới, một bên viết tất cả mọi sự tốt lành thánh thiện từ ý nghĩ, lời nói, đến hoạt động. Bên còn lại, ghi tất cả những điều không nên không phải từ ý nghĩ, suy tư, đến lời ăn tiếng nói, việc làm, một cách chân thực thì sẽ nhận ra mà. Cha Lành thầm nghĩ.
 
Nói thì dễ nhưng nói làm sao để người ta thực hành lại không dễ chút nào. Ai không nghĩ, không cho rằng mình biết về mình rõ ràng nhất. Tại sao có câu nói, “Tốt khoe, xấu che.” Ai dám thực lòng đối diện những điều không nên không phải của chính mình. Lời phúc âm nhẹ nhàng, đơn sơ, tưởng như xúi dại mà lại quá ư thách đố, khiến bất kỳ ai, dù chỉ mới nghe phớt qua đã cảm thấy ngại ngùng, tự che lấp bằng cách bào chữa cho rằng mình đã thực sự biết chính mình thế nào nên không cần để ý.
 
Bài phúc âm chỉ có mấy câu, đại khái chọn qua cổng hẹp, sự rao giảng lời Chúa, và thực trạng diễn tiến thực hành khiến đầu óc cha Lành quay quay. Lời phúc âm được viết không phải để được giải thích mà cần được suy tư thâm trầm, cần được chân thành đối diện chính mình. Sự thể này rất phiền hà vì ai cũng ngại ngùng không dám nhận biết mình thực sự thế nào; thế nên, thoạt đầu, tâm trí sẽ bị rối mù, kết quả suy tư chẳng đi đến đâu, “Nhiều người trước hết sẽ trở nên sau hết.” Lạy Chúa tôi, nói như thế này thì ai có thể bắt được ý ám định. Sao không thẳng thắn đơn sơ nói toáng ra cho dân Chúa nhờ, mà cứ ám định khiến những đầu óc thực nghiệm cứ tưởng là nói về thái độ luân lý. Thế mới là phúc âm, thế mới là lời hằng sống; cha Lành nghĩ; hằng sống đâu không biết nhưng với những tâm trí bình thường thì lại là thắt họng, bù trớt, nếu không đặt vấn đề suy tư, suy nghĩ.
 
Rồi nữa, “Chúng tôi đã ăn và đã uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã giảng dạy nơi phố xá của chúng tôi.” Nhưng Ngài sẽ bảo các ngươi rằng, “Ta không biết các ngươi từ đâu đến. Hãy xéo đi sau Ta, hết thảy phường tàn ác.” Ăn uống thì có chi phải nói tới vì ai không ăn uống mà có thể sống. Vậy “Phường tàn ác” muốn nói về sự gì? Họ giảng dạy những gì mà bị cho là tàn ác? Cha Lành lật Kinh Thánh, nơi đoạn phúc âm Luca trước đó nói về thực thể diễn tiến của Nước Thiên Chúa, “Nước Thiên Chúa thì giống như cái gì? Ta sẽ lấy gì mà so sánh? Thì cũng in như hạt cải người nọ lấy vất vào vườn mình; nó lớn lên và thành một cây và chim trời nương náu nơi cành nó. Ngài lại nói: Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa thì cũng in như nắm men bà nọ lấy mà vùi vào ba rả bột, cho đến khi tất cả dậy men” (Lc. 13:18-21).
 
Phúc âm khuyến khích mọi người, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt. 6:33); mà Nước Thiên Chúa chẳng khác gì hạt cải được quăng vô vườn, men ủ vô bột; như vậy, sự phát triển của Nước Thiên Chúa, sự nhận thức về Nước Thiên Chúa đâu cần phải ai chăm bón, giải thích, tuyên dương, hay rao giảng. Thế sự rao giảng, tuyên dương đem lại lợi ích cho ai? Con người muốn nhận biết về Nước Thiên Chúa cần tự tìm kiếm bởi, “Xin sẽ được; gõ sẽ mở cho,” ăn sẽ no, uống sẽ hết khát; không ai có thể ăn hay uống dùm cho ai. Suy như vậy, sự rao giảng phải là khuyến khích người ta suy tư, suy nghĩ để tự nhận biết. Suy thế nào, nghĩ ra sao? Hèn chi phúc âm trình bày với những câu nói khá nghịch thường, kích thích tâm trí con người đặt vấn đề, suy tư sao cho có được nhận thức hợp tình hợp lý. Như vậy, rao giảng phúc âm là nói về phương pháp suy tư, suy nghĩ, nghiệm xét, để con người tự nhận thức.
 
Ăn nói làm sao, giảng làm sao, khuyến khích làm sao, cha Lành trân trân nhìn bâng quơ vào bài phúc âm; chợt danh hiệu “Lãnh đạo tinh thần,” tự đâu thoáng qua tâm trí. Giải thích lời Chúa theo nghĩa từ chương, thế tục bị gọi là “Tàn ác,” là “Chận người ta lại,” “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại” (Mt. 23:13). Nguyên nhân khiến người rao giảng bị coi là tàn ác, chận người ta lại cũng chính là tại họ đã không suy tư, nghiệm xét lời Chúa. Nhưng làm sao khuyến khích người ta suy tư? “Thế cha không tin vào Kinh Thánh à,” chỉ mới phân tích, nhận định dụ ngôn Martha càm ràm về người em, Maria không giúp nấu nướng; mà bà thư ký đã đặt vấn đề như thế thì sao mà giảng, sao mà khuyến khích, phương chi lãnh đạo tinh thần. Ôi những ngôn từ thần thánh vu vơ, những danh hiệu ngăn chận tâm hồn! Ai có thể là lãnh đạo tinh thần cho ai hay của ai!
 
Lời thư của thánh Phao lô chợt hiện đến nơi tâm trí, “Đừng dập tắt thần khí, chớ khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy và hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào?” (1Thes. 5:19-21). Muốn thực hành được câu này lại cần thực sự nhận biết, nhận thức thực thể Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mình. Sự thể này minh xác đã biết Tin Mừng Nước Trời đức Giêsu rao giảng, nghĩa là đã biết Nước Trời là gì. Đàng này, cổng hẹp còn chưa qua, chưa dám nhận biết cổng hẹp là gì thì nói chi, giảng chi. Lời Chúa dẫn mình luẩn quẩn, biết nhưng không nói lên được. Hèn chi Lão học có câu, “Người nói không biết; kẻ biết không nói.” Không nói sao giảng?
 
Lấy cuốn Phúc Âm Diễn Nghĩa Luca phần hai nơi bộ Anchor Bible, cha Lành lật phần giải thích câu, “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc. 13:24; Bản dịch NTThuấn), vị học giả Thánh Kinh cũng chẳng nói lên được gì, chỉ phớt qua câu này cũng được ghi chép nơi đâu. Tốn giờ đọc mấy trang sách, chữ chỉ lớn hơn con kiến gió, cha Lành đành thở ra, thầm nghĩ, “Chẳng án được gì.”
 
Nhớ lại nơi cuốn Phật Học Tinh Hoa, cụ Nguyễn Duy Cần có ghi lại truyện nhà sư Hương Nham chợt giác ngộ khi dùng chiếc phạt cỏ phang vô mảnh sành vỡ mà cha Lành ngẩn ngơ hồi tưởng. Nhà sư Hương Nham đã đang tay đốt hết kinh sách của mình cũng chỉ vì không trả lời được câu hỏi của tổ Huy Sơn. Cầm cuốn sách diễn nghĩa phúc âm thuộc bộ sách nổi tiếng Anchor Bible được các nhà học giả Thánh Kinh tổn hao công sức biên soạn, và được các thư viện thần học nghiêm cẩn tôn quý mà lòng cha Lành cảm thấy chán ngán. Lời phúc âm được phân tích, phân cốc một cách vô bổ. Không nói lên được “Cửa hẹp” mang nghĩa gì nơi hành trình nhận thức, hành trình tâm linh, mà cứ loanh quanh luẩn quẩn với kiến thức, tri thức từ chương, thì có nên giữ nữa chăng!
 
“Đừng dập tắt thần khí; chớ khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự,” nói làm sao, giảng làm sao để dân Chúa nhận thực được thần khí cũng như ơn tiên tri nơi mình nếu chưa qua được cổng hẹp, chưa nhận thực được con người mình thế nào, tốt lành, thánh thiện, cũng như ma giáo, đồi bại ra sao! Đọc kinh, cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, thực hiện các việc phúc đức, nào có thể giúp con người nhận chân mình thế nào. Nói làm sao để khuyến khích dân Chúa suy tư? Bài phúc âm phải ba năm nữa mới trở lại. Nếu chỉ giải thích cửa hẹp là gì và phương pháp đối diện chính mình để thực sự nhận biết thực thể mình ra sao phỏng đem lại kết quả gì. Nhưng biết sao hơn, đành giới hạn thế. Phúc âm Gioan đã được viết, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44). Đành thế, nếu chưa đến thời điểm Chúa lôi kéo dân Ngài, mình biết làm sao; cha Lành thầm nghĩ. Nhớ lại sáng thứ ba khi vừa đi ngang cửa văn phòng, bà thư ký đã vội hỏi,
- Thưa cha, chọn cổng hẹp và ghi thêm hy sinh, hãm mình, và làm các việc lành phúc đức được không cha?
- Bài phúc âm nói gì, để tôi coi. Đọc lướt qua mấy câu đầu, cha Lành mỉm cười hỏi,
- Theo bà thì cổng nhỏ chừng bao nhiêu bộ được gọi là hẹp. Ngài hỏi thế bởi bà thư ký khá mũm mĩm.
- Cửa hẹp đối với con có lẽ khá rộng đối với người khác; biết cha Lành hỏi diễu nên bà thư ký không ngại trả lời đúng sự thực miệng cười tươi.
- Phúc âm nói về hành trình tâm linh, mà hy sinh, hãm mình, thực hiện các việc lành là hành động đạo đức. Cửa hẹp là chân thành đối diện chính mình để thực sự nhận ra mình thế nào, tốt lành, thánh thiện, hay bê bối, tâm tư lắt léo ra sao.
 
0 – 0 - 0
 
- Tôi có lời cảm ơn hội đồng giáo xứ đã hoàn thành nhu cầu mà giáo xứ cần trong thời gian rất ngắn. Có điều, tôi muốn biết phương pháp điều động công việc thế nào mà có thể hoàn thành nhanh như thế.
- Thưa cha, chủ tịch hội đồng lên tiếng. Dẫu nhân số trong giáo xứ của chúng ta tuy ít nhưng anh em, họ hàng liên hệ với thành viên của giáo xứ khá nhiều. Do đó, khi biết được nhu cầu cần thiết của giáo xứ, họ liên hệ với họ hàng, anh em của họ không theo Công giáo nhờ giúp đỡ. Có hai công ty xây dựng, làm nhà và lợp nhà, một công ty trộn xi măng. Bản vẽ do một giáo dân chuyên môn thiết kế, công ty xây dựng lấy giấy phép. Họ gửi nhân viên, máy móc đến giúp nhà thờ, lại không tính công cán.
- Chúng ta có cần làm bữa tiệc cảm ơn họ không?
- Thưa không cần. Chúng con đã viết thư cảm ơn, đồng thời sẽ đăng lời cảm ơn lên tờ mục vụ và gửi cho họ, cũng như làm ba tấm lắc tri ân ba công ty đóng nơi hai lớp giáo lý và nhà vệ sinh cho các em.
- Theo tôi được biết, chúng ta có gần 150 em ghi danh học giáo lý năm nay, nhưng sao chỉ có mấy em giúp lễ. Nếu có thể, tôi muốn các em ở trường giáo lý, tất cả biết giúp lễ. Cho dù những em nào không muốn tham gia giúp lễ cũng không sao, nhưng tất cả đều biết giúp lễ là một điều tốt. Riêng lớp chuẩn bị xưng tội lần đầu, làm ơn ghi thêm điều kiện cần biết giúp lễ nơi chương trình chuẩn bị.
- Thưa cha, như thế quá nhiều em giúp lễ.
- Không sao, chúng ta có thể chia các em thành từng nhóm rồi chia lịch trình theo từng tuần lễ. Làm như thế có nhiều điểm lợi ích. Thứ nhất, các em quen việc giúp giáo xứ, đồng thời cũng là cơ hội kéo các gia đình gần gũi hơn với sinh hoạt giáo xứ. Quý vị có thể chứng kiến, mới chỉ hát happy birthday ít lần trước lễ, người tham dự thấy khá hơn.
Thứ hai, khi em nào giúp lễ, sẽ kéo theo cả gia đình tham dự. Nếu tôi không lầm, có em mời bạn bè và cả gia đình cô chú không theo đạo tham dự lễ vì hôm đó là ngày sinh nhật của em sẽ được hát happy birthday ở nhà thờ.
Điểm thứ ba tôi muốn nói; đó là ủy ban mục vụ kiếm người điều hành và phân chia lịch giúp lễ, có thể thành lập hội giúp lễ, và thiết lập chương trình sinh hoạt một tháng hoặc ba tháng một lần. Có thể đưa các em đi tắm biển, đi chơi đâu đó trong một ngày. Tôi nghĩ, giáo xứ chúng ta không có xe buýt lớn, thì có thể mượn mấy chiếc xe “van,” và không ai làm khó dễ chi. Mỗi lễ có thể chia bẩy, tám em chi đó, sẽ không bao giờ bị thiếu hụt nếu có gia đình đi chơi xa.
- Thưa cha, ông trưởng CYO lên tiếng, như vậy có nhiều giúp lễ quá không.
- Không sao, càng nhiều các em càng vui. Hơn nữa, ít nhất, ngồi trên gian cung thánh, các em sẽ biết nghiêm trang hơn vì biết mọi người đang để ý đến. Ông có thể giúp thiết lập chương trình giao lưu, mỗi năm một hoặc hai lần CYO sinh hoạt với ban giúp lễ không. Nếu tôi không lầm, CYO có rất nhiều sáng kiến; sinh hoạt chung giúp giới trẻ quen biết nhau và các em phát triển đồng điệu hơn.
 
0 – 0 - 0
 
- Chào mọi người. Trước hết, xin cảm ơn mọi người đã dành thời giờ tham dự buổi hội luận chiều nay. Tôi biết không ai có thời giở rảnh nhưng vì lòng thiết tha muốn vun đắp cho giáo xứ thăng tiến hơn nên đã sắp xếp thời gian chung tay thực hiện bất cứ gì có thể hầu giúp cho giáo xứ chúng ta. Nói cho đúng, không phải tự ý quý vị chấp thuận dẫu ai cũng cảm thấy như thế, nhưng thực ra, nói theo quan điểm tâm linh, quan điểm đức tin, chính Thiên Chúa thúc đẩy, chính Thiên Chúa là năng lực nơi mọi người dẫn dắt chúng ta thực hiện những gì hầu cùng dân Chúa của giáo xứ thăng tiến hơn.
- Tôi nghĩ, qua hơn một tháng, mấy câu hỏi tôi đề nghị quý vị suy nghĩ đã làm phiền tâm trí quý vị không nhiều thì ít để chuẩn bị cho hội luận chiều nay. Tôi cũng biết, cho dù quý vị có lục lọi, tìm kiếm nơi sách vở hoặc trên internet, cũng không thể có câu trả lời nào thỏa đáng. Thực ra, chỉ có một nơi tuyệt vời nhất mỗi người có thể tìm được câu trả lời hoàn hảo nhất đó là chính sự suy nghĩ, suy tư của mình. Tất nhiên, khi suy nghĩ về cuộc sống riêng tư hay nơi gia đình hoặc công việc, cách thức làm ăn, quý vị cũng cần biết những yếu tố, điều kiện liên hệ, ngay cả giới hạn sinh sống để nhận định hầu đạt được quyết định nên thế nào.
- Riêng trong lãnh vực suy tư, suy nghĩ, thánh Phao lô dùng ngôn từ “Nghiệm xét;” như chúng ta đọc được nơi thư thứ hai gửi giáo đoàn Thessalonica, “Đừng dập tắt thần khí, chớ khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy và hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào?” (1Thes. 5:19-21). Có điều, quý vị cũng như tôi, chúng ta đã quá quen với những lời nói, những phát biểu, danh hiệu, như Tin Mừng Nước Trời, Thiên Chúa, Thần Khí, Tiên Tri nhưng nghe thì nghe vậy, đôi khi sử dụng thành thói quen nhưng có lẽ rất ít khi chúng ta tự hỏi những danh hiệu này có tác động gì tới cuộc đời của mình, hay tâm tình của mình thế nào khi nhắc đến chúng, hoặc mình cảm thấy thực sự thế nào đối với chúng.
- Thực ra, tất cả những danh hiệu đó nhắc nhở hay nói lên thực thể của mỗi người. Chúng ta sẽ cùng phân định rành rẽ hầu mỗi người thực sự nhận biết về chính mình, về vị thế làm người của mình. Tôi không biết cuộc hội luận này sẽ kéo dài bao lâu, hy vọng có thể kết thúc sau hai tiếng, nhưng nếu quý vị thấy cần thêm thời gian, tôi sẵn lòng cùng với quý vị tiến hành tới khi nào mọi người cảm thấy thỏa mãn lòng khát khao tiềm ẩn nơi mình đã bao lâu nay mà ít khi được để ý.
- Điều kiện trước hết tôi muốn nói tới, đó là yêu cầu mọi người gạt bỏ mọi giới hạn, hãy tự nhiên như chỉ có một mình ở nhà, không đặt vấn đề ăn nói đúng hay sai, phải hay trái, đừng e ngại bất cứ ai bắt bẻ gì; bất cứ gì thích nói, muốn nói cứ nói, miễn sao trong phạm vi đàm luận. Điều này có nghĩa, chúng ta hoàn toàn tự do suy nghĩ, phát biểu không giới hạn, miễn sao phù hợp với dòng suy tư. Bây giờ, nơi chiếc bàn trong góc phòng kia, có cà phê, nước ngọt, bánh trái, có cả ba chai rượu đỏ nữa, mọi người dùng đôi phút tự lấy những gì mình thích và trở lại bàn họp, ngồi cách nào thoải mái nhất và chúng ta bắt đầu hội luận.
 
Cha Lành đứng lên đầu tiên, tới bàn trà nước lấy ly cà phê, một trái táo, năm miếng “Chíp Ahoy,” hai miếng giấy lau tay, đem về chỗ ngồi, bắt đầu gặm miếng chip và uống ngụm cà phê. Ai nấy có vẻ thoải mái, đôi người nói qua nói lại vài câu mưa nắng, lấy đồ ăn, thức uống, và trở lại ngồi quanh bàn họp. Có hai người lấy rượu đỏ. Hình như ai nấy mang tâm trạng hơi lạ lùng đối với phong cách tự nhiên, thoải mái của cha Lành; chẳng những ngài thoải mái mà còn kêu gọi mọi người gạt bỏ tất cả những e ngại, cứ tự nhiên là chính mình. Khi mọi người đã an vị, cha Lành lên tiếng,
- Như tôi đã nói lần trước, khi suy nghĩ, suy tư, những tư tưởng phát sinh không đúng, không sai, ngoại trừ khi chúng ta nói ra hoặc có ý định, ước muốn thực hiện điều nào đó. Điều tôi muốn nêu lên đầu tiên đó là câu phúc âm nơi Matthêu, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.” Có ai biết Nước Thiên Chúa là gì không? Mời mọi người tự do phát biểu, càng ngắn gọn càng tốt.
- Càng không nói gì lại càng tốt hơn. Một thành viên trẻ, phó của nhóm CYO lên tiếng tiếp lời khiến mọi người cười lớn, nhưng cũng có người hơi nghiêm mặt bởi câu nói nửa diễu nửa thâm trầm, ngang ngang ngửa ngửa đế vô lời “Cha xứ.”
- Thưa cha, Nước Thiên Chúa là Nước Trời, là Triều Đại Thiên Chúa, là thiên đàng; chúng con được dạy thế. Lại cũng anh thanh niên đó nhanh miệng nói tiếp.
- Tôi muốn biết anh nghĩ thế nào hay biết gì về Nước Thiên Chúa chứ không muốn biết anh học ở đâu, hoặc đọc nơi sách nào.
- Thưa cha, có lần con muốn viết một bài biên khảo về Nước Trời, nhưng kiếm trong phúc âm không thấy định nghĩa của Nước Trời, Nước Thiên Chúa là gì nên đành bỏ không viết.
- Sao anh không kiếm Thiên Chúa vì muốn biết Nước Thiên Chúa cần phải biết Thiên Chúa là gì trước.
- Con cũng kiếm định nghĩa Thiên Chúa là gì đấy chứ nhưng cũng chẳng nói được gì bởi chỉ có mỗi câu nơi phúc âm Gioan, “Thiên Chúa là Thần Khí, nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gioan 4:24); đồng thời, cũng nơi phúc âm Gioan có thêm được câu khác, “Đàng, và sự thật, sự sống chính là Ta. Không ai đến được với Cha mà không nhờ Ta” (Gioan 14:6). Thưa cha, thế là bù trớt. Chúa là Thần Khí thì chỉ có Chúa biết chứ ai biết, lại còn là đường, là sự thật, và là sự sống thì nói sao đây!
- Thế sự sống nơi anh là gì? Cha Lành hỏi tiếp.
- Nếu Chúa là sự sống nơi con thì con là Thiên Chúa ư? Con cũng là Thần Khí ư?
- Nếu tôi nói đúng thì anh nghĩ sao? Cha Lành dồn anh thanh niên vào suy nghĩ.
- Nói như thế, thưa cha, có phạm thượng không?
- Trong suy tư, không có gì đúng và sai, chẳng chi phạm thượng, phạm hạ cả. Có ai nhớ nơi sách Sáng Thế K‎ý của Cựu Ước được viết như thế nào không?
- Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài (Kn. 1:17). Chị trưởng ban giáo lý lên tiếng.
- Như vậy, muốn biết Thiên Chúa lại cần biết hình ảnh của Ngài. Mà hình ảnh của Thiên Chúa là con người, là mình. Thế nên, muốn biết về Thiên Chúa thì cần biết chính mình, cần biết mình là ai, xấu xa, tốt lành thế nào, thực sự mình ra sao. Nghĩa là cần chân thành, thực tâm đối diện chính mình vì Thiên Chúa là sự sống nơi mình, nói cách khác, là cuộc đời của mình, là sự hiện hữu của mình. Bởi vậy, tôi mới muốn biết anh nghĩ gì về Thiên Chúa; nói cách khác, anh có thực sự biết thực thể của anh là gì không. Chúng ta tin rằng mình có linh hồn; vậy linh hồn mình là gì, thế nào, hình dáng ra sao, xanh, đỏ, tím hay vàng, liên hệ với cuộc đời, với thân xác mình thế nào. Anh không thể nào tìm thấy Thiên Chúa bất cứ nơi nào ngoài anh; Kinh Thánh cũng bù trớt như anh nói, sách vở càng tệ hơn, sách vở chỉ có thể nói những gì không phải là Thiên Chúa mà thôi. Như vậy, làm sao, phương cách nào để thực sự biết chính mình mới quan trọng. Làm sao để minh chứng mình có linh hồn mới cần thiết. Cái đầu quý vị quay quay chưa? Cha Lành hỏi.
- Thưa cha, những vấn đề cha nêu lên có bao giờ chúng con được nghe giảng dạy đâu! Chủ tịch hội đồng hàng xứ lên tiếng.
- Tôi ăn ông có no không, tôi uống ông có hết khát không? Đó đó, ly rượu đỏ đó, giải thích về rượu đỏ ông có say được không. Muốn say, ông phải uống thôi, không ai có thể giải thích về bất cứ rượu gì khiến ông có thể say được. Cũng thế, chúng ta cần tự suy nghĩ chứ không ai có thể giải thích để chúng ta có thể hiểu, có thể nhận biết về Thiên Chúa, về linh hồn của chúng ta được.
- Thưa cha, càng nói, cha càng dồn chúng con vào thế bí. Chúng con cần biết phải làm gì, cách nào để biết chính mình; đó mới là điều quan trọng. Ông phó ngoại vụ thắc mắc.
- Thật là thú vị. Tôi cố lờ đi xem có ai để ý không. Cảm ơn ông đã nêu lên. Tôi nghĩ, ai cũng cho rằng mình biết chính mình hơn ai hết, nhưng ít nhất đã có ông không biết mình là ai, thế nào. Tôi đề nghị, gọi là đề nghị, nhưng thực ra nên thực hành. Ai thực hành, người ấy biết nhưng chẳng nên để tôi biết vì tôi muốn biết cũng không thể biết. Hãy làm như thế này; về nhà, nơi phòng riêng, không có bất cứ ai, cho dù vợ hay chồng của mình. Lấy tờ giấy, một hoặc hai tờ cũng được, kẻ từ trên xuống dưới chia tờ giấy làm hai. Một bên, viết tất cả những điều tốt lành từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm mà mình có thể nhớ được. Bên kia, viết hết những điều mình cho là không nên không phải từ ý nghĩ, lời nói, đến hành động, không biện luận, không kết án, không bào chữa, có thế nào, viết thế ấy, nghĩ sao, viết vậy, đúng sai không cần biết, hay dở cũng như nhau. Thật tâm viết ra, viết xong, đọc lại một lần, nhưng nhớ ngồi trên chiếc ghế chắc chắn nếu không, coi chừng té ngửa thì phiền. Đoạn dấu không cho ai biết, quãng ít nhất hai tiếng sau hay ngày sau đọc lại rồi đốt đi. Nếu quý vị thực tâm, chân thành làm như thế, chắc chắn phép lạ xảy ra. Ai thực hiện, người ấy biết, tôi không biết, và cái biết đó sẽ dẫn đến nhiều sự biết khác. Tôi chỉ có thể nói được như thế. Bây giờ tôi nói về câu phúc âm khác; quý vị nghĩ gì về câu, “Ai có tai thì nghe” (Mt. 11:15; 13:9,43; Mc. 4:9,23; 7:16; Lc. 8:8; 14:35).
- Sao cha bới ra được câu hỏi thường tình, nhưng con chợt thấy bất thường như thế?
- Ông nói thường tình rồi lại bất thường là sao?
- Thưa cha, đi nhà thờ, nhiều lần con nghe thấy câu này khi linh mục công bố phúc âm mà không bao giờ nghe thấy bất cứ vị nào giảng giãi về câu này cả; bởi ai cũng biết câu này nói gì. Nhưng lúc cha vừa nêu câu hỏi, con cảm thấy có điều gì bất thường mà không nghĩ ra được, chỉ thấy ngạc nhiên sao cha lại đặt vấn đề về câu này.
- Vậy tôi có bất thường như câu phúc âm này không?
- Coi chừng có vì coi bộ thường nhưng có gì đó bất thường; bởi con không hiểu lý do gì nó lại được gọi là lời Chúa; mà phúc âm nhắc đi nhắc lại nó khá nhiều lần.
- Tôi chỉ đặt vấn đề để chúng ta bàn luận. Vậy cái tai có thể nghe tự nó được không? Câu phúc âm được ghi là, “Ai có tai thì nghe,” thế nên câu hỏi được đặt ra lại là ai nghe chứ không phải cái tai nghe. Bởi tất nhiên, ai cũng biết, một người chết không thể nghe được; nghĩa là khi linh hồn lìa khỏi xác thì cái tai hết nghe. Vậy cái gì dùng tai để nghe.
- Đúng rồi, cha bất thường nên mới nhìn ra sự bất thường của câu phúc âm. Câu này thách thức sự tìm hiểu cái gì dùng tai để nghe. Câu này nhắc nhở chúng ta đặt vấn đề về linh hồn. Linh hồn dùng tai để nghe vì khi linh hồn ra khỏi xác thì tai hết nghe. Chỉ kẻ trộm mới biết tâm ý kẻ trộm, chỉ những tâm hồn bất thường mới nhận biết sự bất thường nơi câu nói thường tình. Con suy luận có đúng không cha? Ông phó chủ tịch cười nói.
- Vậy ông có nhận biết sự bất thường của những điều bình thường chúng ta đang thực dụng không?
- Cha muốn nói sao?
- Ai cũng biết và đang thực hiện, đồng thời cũng cho rằng mắt chúng ta nhìn, tai nghe, miệng nói và bộ óc suy nghĩ; đó là những chuyện bình thường.
- Ủa, sao cha bới ra được lắm thứ bình thường nhưng bất thường như thế. Vậy là các nhà khoa học cũng chỉ bình thường như mọi người.
- Vậy ông có thể đưa ra được kết luận nào không?
- Vâng, thưa cha. Nếu đặt vần đề cái tai có tự nghe được không thì sẽ nhận ra ngũ quan của một người, thân xác, và cả cuộc đời một người chỉ là phương tiện cho linh hồn người đó hoạt động. Hơn nữa, bộ óc là vật chất không thể phát sinh được tư tưởng mà chỉ là công cụ cho linh hồn suy nghĩ. Như thế, thân xác một người chẳng khác chi chiếc xe và linh hồn là người lái xe. Linh hồn lái chiếc xe đi đâu thì nó đi theo đó. Đồng thời, ý nghĩ, ước muốn, suy luận, tham vọng v.v… cũng đều bởi linh hồn mà ra, chứ không phải từ bộ óc. Thế nên, hình như phúc âm có câu nói, “Còn những điều bởi miệng nói ra thì xuất tự trong lòng; điều ấy mới làm người ta ra nhơ uế” (Mt. 15:18). Hay, cha nói rất hay.
- Nào tôi có nói gì đâu, do chính ông suy nghĩ đấy chứ.
- Cha không nói nhưng đã khơi lên để chúng con suy nghĩ, còn hơn là nói.
- Mục đích của tôi cũng chỉ là làm sao khơi dậy sự suy nghĩ của dân Chúa mà thôi. Chính Thiên Chúa dẫn dắt từng người giống như phúc âm Gioan được viết, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44). Xét như vậy, linh hồn là Thiên Chúa nội tại. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa là sự sống nơi mình, là cội nguồn của sự hiện hữu của mình thì phải nói mình là sự hiện thể của Thiên Chúa dưới dạng thức nhân sinh. Suy như vậy, thân xác mình, cuộc đời mình chỉ là công cụ để Thiên Chúa thực hiện công việc của Ngài. Do đó, chẳng có gì được gọi là mình mà tất cả đều là hoạt động, biến chuyển của Thiên Chúa mà thôi.
- Thưa cha, thế còn tội lỗi?
- Thử hỏi, không có lề luật thì có thể phạm luật không? Quý vị có kết án hai con chó lấy nhau ngoài đường không? Chỉ có một tội duy nhất không được tha chính là tội phạm đến Thánh Thần. Quý vị có biết tội phạm đến Thánh Thần là tội gì không? Phúc âm được viết, “Bởi đó, Ta bảo các ngươi; mọi tội lỗi và lộng ngôn sẽ tha được cho người ta; còn lộng ngôn đến Thần Khí sẽ không tha được. Và ai nói nghịch đến Con Người; điều đó sẽ tha được cho người ấy; còn ai nói nghịch đến Thánh Thần; điều ấy sẽ không tha được cho người ấy, thời này cũng như thời sẽ đến” (Mt. 12:31-32; Mc. 3:28-30; Lc. 12:10). Vậy có ai biết tội phạm đến Thánh Thần là tội gì không?
- Thưa cha, chẳng lẽ tội vô thần, không tin vào Thiên Chúa? Ông phó trương lên tiếng.
- Tôi nghĩ, không có ai thực sự là vô thần cả vì ai cũng có linh hồn, ai cũng là hiện thể của Thiên Chúa qua dạng thức con người. Họ cho rằng không tin theo lý thuyết hay quan điểm hoặc niềm tin của bất cứ tôn giáo nào là vô thần, nhưng họ vẫn tin vào năng lực của tiền tài, của mánh khóe ma mãnh nào đó, của tham vọng thì sao gọi là vô thần được. Thần của họ là tham vọng, là mưu mánh, là ý đồ nào đó dù được coi là bất chính hay thiện lương; thì họ vẫn hữu thần đấy chứ. Thiển nghĩ, e rằng chính những người tưởng mình là hữu thần mới thực sự vô thần vì đã đặt niềm tin vào điều mình không biết, tin theo lời kẻ khác tuyên truyền, hoặc nói rằng, tuyên xưng rằng tin vào đức Kitô, tin vào Thiên Chúa nhưng không biết Thiên Chúa là gì, được gọi là tin vào ngẫu tượng giống như chúng ta đây.
 
Thế là thiên hạ tá hỏa lên. Cha Lành giáng đòn quá nặng khiến ai nấy chưng hửng. Mới chỉ vài câu nói, bàn qua, tán lại, họ đã nhận ra xưa nay niềm tin của họ chỉ là những sự lặp lại những danh hiệu không hơn không kém. Tin rằng mình có linh hồn nhưng không biết linh hồn mình là gì. Tin vào Thiên Chúa cũng chẳng hiểu Chúa là chi, chỉ biết hô theo những thành ngữ, tuyên xưng theo những lời tuyên truyền, Chúa thế nọ, Chúa thế kia. Thế mà vừa chớm mơ mơ màng màng nhận biết linh hồn mình liên hệ đến thân xác thế nào thì đã bị lôi tuột con tẩy trống rỗng niềm tin, phơi lên mặt bàn.
 
- Cha…
- Tôi nói không đúng à? Trong quý vị ai dám thực tâm nói lên mình tin vào Thiên Chúa thì đem Chúa của quý vị bỏ lên mặt bàn cho tôi rờ thấy và tin theo coi. Quý vị tin vào Chúa mà không biết Chúa của quý vị thế nào thì không phải là tin vào ngẫu tượng, tin theo lời tuyên truyền của người khác sao. Nói cho đúng, quý vị đã không biết mình tin vào gì; không biết mình tin vào gì mới thực sự vô thần. Ai đó tin vào năng lực, quyền lực của tiền tài, danh vọng, họ có thể nói lên, họ có thể trình bày quyền lực vạn năng của tiền tài, danh vọng; và như thế, thần của họ là danh vọng, tiền tài. Chúng ta tuyên xưng điều chúng ta không biết, không là vô thần thì là gì! Xin lỗi, đừng cho rằng tôi lộng ngôn. Tôi chỉ nói lên sự thật đã và đang bao trùm dân Chúa từ thuở tạo thiên lập địa, và mãi cho đến bây giờ. Thử hỏi, còn sự gì đau lòng và khốn khổ hơn cho thân phận một linh mục như tôi không. Dân Chúa đã qua bao ngàn triệu năm, biết bao thế hệ tiếp nối trầm luân trong tội phạm đến Thánh Thần mà không biết nên vẫn chưa thoát ra được.
- Thưa cha, ý cha muốn nói tội phạm đến Thánh Thần là tội không suy nghĩ?
- Đúng, không suy nghĩ thì ngu muội, tin theo lời tuyên truyền rỗng tuếch của kẻ khác. Tin theo những giải thích thực phẩm béo bổ, làm đẹp da, mát lòng nhưng bụng rỗng tuếch, đói vẫn hoàn đói, đói cho tới chết, trong khi vẫn thèm thuồng khát vọng được nhai dù chỉ một miếng.
- Cha muốn nói gì?
- Thì tôi ăn ông có no được không; tôi uống ông có hết khát được không? Tôi giải thích về rượu bia ông có say được không. Nói cho đúng, tôi giải thích về Thiên Chúa ông có biết Thiên Chúa là gì không, hay cũng lắm chỉ lặp lại lời tuyên truyền, huênh hoang của tôi mà thôi. Bao lâu nay, ông nghe đi nghe lại câu, “Ai có tai thì nghe” như ông đã nói và đã không đặt vấn đề thì có lợi ích gì không. Thực ra, mục đích của cuộc hội luận này chỉ là làm sao khơi dậy sự suy tư sẵn có nơi mọi người về chính mình, về đối tượng niềm tin của mình mà thôi. Đó là lý do tại sao tôi không giải thích về bất cứ gì; bởi vì giải thích về Chúa sẽ giết chết Chúa trong lòng quý vị, biến quý vị thành những kẻ vô thần; cũng như giải thích về món ăn chẳng thể nào làm no bụng được bất cứ ai.
- Cha khuyến khích chúng con thoải mái, ăn nói tự nhiên; mà chúng con có nói gì được đâu! Chị trưởng ban giáo lý lên tiếng.
- Có lẽ vì chị còn đang mắc tội phạm đến Thánh Thần. Cha Lành nói giọng thở ra.
- Thưa cha, vậy những sự giảng giải phúc âm, những rao giảng về Thiên Chúa, về đức Giêsu đến chuộc tội cho loài người xưa nay thì sao? Bà thư ký nhà xứ lên tiếng.
- Bà có nhớ câu phúc âm lần đầu tiên gặp bà tôi nhắc đến không, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại” (Mt. 23:13). Ngay từ thuở ban đầu, phúc âm đã được viết như thế, nào tôi có bày ra đâu. Thế nên, tôi đề nghị mọi người, hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ, và hãy suy nghĩ. Chính Chúa đang dùng quý vị để thăng tiến giáo xứ này. Nhưng, làm ơn nhớ cho tôi một điều, chỉ cần suy nghĩ về bất cứ câu nào làm phiền tâm tư mình, chỉ cần suy nghĩ đến tận cùng về câu đó, nếu gặp trắc trở trong suy tư, nghĩa là nếu lúc nào đó bị rối mù lên, không biết suy tư cách nào, tất cả những ý nghĩ, nhận thức, nhận định đều pha trộn giống như một đám mây dày đặc xoay vần, nói cho tôi biết. Quý vị sẽ bị ngạc nhiên và chuyện gì sẽ xảy đến, người nào đối diện với sự thể ấy sẽ biết, tôi không biết. Thôi, tôi nghĩ chúng ta có thể tổng kết lúc này, cũng muộn rồi.
- Thưa cha, 10 giờ rồi.
- Có ai có ý kiến, hay nhận định gì về buổi hội luận tối nay không, và có nên có thêm hội luận nào nữa không?
- Tuyệt vời, thưa cha, nhưng tuyệt thế nào, con nói không được.
- Lúc này con chưa nói được gì, nhưng để xem, chỉ biết con tự tin hơn và không sợ bị suy nghĩ sai lầm như trước nữa.
- Nếu cha thấy chúng con cần được thách đố thêm gì, kêu họp, tụi con sẽ tới.
- Thế thì chào mọi người. Hẹn gặp lại cuối tháng.
- Chào cha…
 
0 - 0 - 0 
 
- Thưa cha, thằng này tuần trước cầm thánh giá, lần này nó lại cứ giành cầm thánh giá.
Bẩy em giúp lễ ồn ào, ùa vào phòng áo, miệng líu lo đủ mọi thứ chuyện; các em chọn áo mặc, thắt dây lưng, chia nhau người cầm nến, cầm thánh giá; ai sẽ cầm khăn lau tay; ai bưng đĩa hấng nước; ai cầm bình nước rót khi cha rửa tay; ai sẽ ngồi vị trí nào trên gian cung thánh. Một em được chia cầm khăn lau tay, nhưng muốn cầm thánh giá trình cha Lành khi ngài đã mặc xong áo lễ, đứng nhìn các em giúp lễ lao xao mặc áo, chia nhiệm vụ. Bốn em trai, ba em gái, sinh động, xúng xính trong những chiếc áo dài mới được may cắt do tiệm bán thực phẩm ngay ngã tư đường dẫn đến nhà thờ nối từ xa lộ, tặng cho nhà thờ.
 
Ai không biết hai nhóm ồn ào nhất nhà thờ là ca đoàn và giúp lễ. Có lẽ họ đã quá quen thuộc với nhau nên nhiều chuyện chia sẻ. Ngoại trừ ca đoàn được dành riêng khu vực gần gian cung thánh, ngồi trên ban công không bị ai để ý, ca đoàn khi không hát thường luôn luôn giao động. Cha Lành biết nhưng không nói năng chi, miễn sao họ không làm chia trí giáo dân lúc tham dự lễ, nói bất cứ gì có thể phiền lòng họ chẳng lợi ích chi. Các em giúp lễ thì quá quen thuộc với cha nên thái độ rất tự nhiên bày tỏ ý kiến.
- Ai làm “Boss” tuần này.
- Thưa cha, nó.
- Hôm nay nó  làm boss thì con nghe theo sự sắp xếp của nó. Lần sau con làm boss thì nó sẽ nghe theo sự sắp xếp của con.
 
Những em giúp lễ khá ngoan, lại rất tự nhiên. Cha Lành muốn thế, bởi muốn các em phát triển nhận thức, phân định cá nhân độc lập. Dĩ nhiên, ý thích phần việc giúp lễ khác nhau; có em chỉ thích cầm nến, có em lại thích cầm khăn lau tay, hay đổ nước cha rửa tay. Sau đôi lần chuẩn bị dâng lễ, các em ý kiến, ý bọ, thế này, thế kia, muốn cha phân xử, ngài nói mỗi nhóm tự phân chia theo thứ tự  mỗi người làm boss một ngày và những người khác nên theo sự phân định phần việc của người đó. Kinh nghiệm nghe được từ bà thư ký về sự giải quyết theo nhận định riêng của cha xứ tiền nhiệm đã vô tình đầy năm gia đình quét dọn nhà thờ rút lui, khiến cha Lành nghĩ ra phương cách để họ tự phân định với nhau; cha đứng ngoài tránh đụng chạm. Nói đụng chạm thì quá đáng, nhưng khi không hiểu tâm tình của những người trong nhóm khác biệt thế nào, ý kiến riêng tư của kẻ đứng ngoài chắc chắn không thể hài lòng hết mọi người. Để họ tự phân định với nhau, vừa khỏe, vừa không phiền hà ai. Không làm gì là làm tất cả.
 
- Thưa cha, cha bảo cái thằng này nên ngồi nghiêm chỉnh khi giúp lễ, không nên đong đưa đôi chân chia trí quá. Một bà đứng tuổi bước vô phòng áo sau lễ khi cha và các em giúp lễ đang thay đồ.
- Bà nội, con đâu nói chuyện lúc lễ mà. Em giúp lễ độ 13 tuổi, nhỏ con, lên tiếng nói với người đàn bà.
- Các con nhớ nghen, các con ngồi trên gian cung thánh giúp lễ, mọi người để ý đến các con đó. Hướng về người đàn bà, ngài tiếp,
- Bà nhẹ nhàng giải thích cho em. Tôi muốn có nhiều em giúp lễ để gia đình có cơ hội để ý đến các em nhiều hơn, nhưng lại không muốn trở thành quan tòa phân xử đúng sai, phải trái. Nói ra, lỡ em không muốn giúp lễ nữa thì sao. Dâng lễ một mình buồn lắm.
- Cha mà chiều chúng nó, chúng nói sẽ làm loạn.
- Không sao đâu, các em ngoan lắm mà, chỉ hơi không để ý. Bảo đảm với bà, các em quen giúp lễ, sau này các em giúp giáo xứ hăng hái hơn.
 
0 – 0 – 0
 
- Đi ra, đi ra, mày không phải là Công giáo. Ra, đi ra! Cha Lành đang đứng trước bàn thờ nói lời chào đón những người tham dự thánh lễ và hát happy birthday. Con chó đen, theo người mở cửa chạy vô nhà thờ, chạy thẳng tới cha Lành, vẫy đuôi tỏ vẻ vui mừng lắm. Ngài chỉ con chó, đi theo và đuổi nó ra ngoài khiến mọi người cười vui vẻ.
 
Chẳng hiểu con chó của ai hay nhà nào, mới sáng sớm, khi cha Lành mở cửa ra nhà thờ chuẩn bị dâng lễ, đã chạy đến, vẫy đuôi, ngước đầu nhìn chăm chăm vào ngài dường như chờ đợi điều gì. Hèn chi đêm rồi nghe tiếng chó sủa bên ngoài, ngài nghĩ. Ngài không nuôi bất cứ con vật nào cho dù chó hay mèo, hoặc gà, hay chim.
 
Có lần, khi đang thế cho một cha cần về nhà chăm sóc bà cố mấy tháng trước khi từ giã cõi đời do bị ung thư vào thời hạn cuối; một con chó nhỏ, lông dài, gầy ốm, trông rất đáng thương, không hiểu ai bỏ rơi, nằm dưới gốc cây hoa hồng phía trước nhà xứ. Thấy cha Lành mở cửa bước ra, con chó đứng lên, ngước nhìn, nửa như e sợ, nửa như muốn chạy đi. Ngài thấy tội nghiệp, trở vô lấy một miếng “Ham,” mấy miếng “Cheese” tối qua được bà chủ nhà gói cho khi tham dự bữa ăn đem về. Nhẹ nhàng, ngài đem ra để cách xa con chó cỡ dăm bước, e tới gần nó sợ chạy mất.
 
Dẫu có được người chuẩn bị đồ lễ, nhưng ngài thường ra nhà thờ sớm hơn nửa tiếng đọc kinh nguyện. Sau lễ, khi trở lại nhà xứ, con chó đã ăn hết miếng ham và mấy miếng cheese nhưng không bỏ đi, lại có vẻ tỉnh táo hơn, nằm gần cửa nhà xứ, vẫy đuôi như đón chờ. Ngài đến gần nhẹ giọng hỏi,
- Còn muốn ăn nữa không?
Con chó không tỏ vẻ chi, chỉ ngước đầu nhìn như chờ đợi, trông rất tội nghiệp. Cha Lành vô nhà xứ, lấy hết phần ăn mang về tối qua đựng trong hộp “Foam” đem ra cho con chó. Con chó nhỏ nhưng ăn khỏe thật, ăn hết phần còn lại mà vẫn tiếp tục liếm láp sạch sẽ hộp foam.
- Đợi đó, tao lấy nước cho mày uống. Cha Lành nói với con chó như nói với một người nào đó.
Không có bất cứ đồ gì đặc biệt đựng nước cho chó uống, ngài lấy đại chai nước đem ra đổ vô hộp foam. Con chó không chạy đi mà nghiêng đầu, đứng theo dõi cử động cha Lành đổ nước, đoạn tiến tới liếm nước uống, rồi nằm gần cửa nghỉ ngơi.
 
Sau trưa, cha Lành trở về nhà xứ định ngủ một giấc, con chó vẫn loanh quanh trước cửa không bỏ đi, và buổi chiều, người và chó đã quen nhau, cha Lành dùng xà phòng rửa chén tắm cho chó. Con chó ngoan thật ngoan, đứng yên để ngài kỳ cọ ra chiều thỏa mãn. Sau khi xịt nước lần cuối cho trôi hết xà phòng, cha Lành đứng lên; con chó chạy tới bãi cỏ lăn lộn, giũ cho khô những hạt nước trên lông, trở lại quẩn bên chân. Con chó đẹp thật đẹp; hai tai và lườn dưới bụng màu trắng, lưng, hông và bốn chân lông dài, hoàng nâu, đuôi xồm.
- Mày đói rồi phải không? Con chó nghe thấy tiếng nói, ngẩng đầu như lắng nghe không biết có hiểu gì chăng.
 
- Trở lại, trở lại, mau. Cha Lành dừng xe, bước ra, giơ tay chỉ về nhà xứ vì con chó chạy theo, e nó sẽ gặp tai nạn. Con chó nhỏ chạy trở lại nhà xứ nhưng mấy lần ngoái cổ đòi theo.
Mỗi khi lái xe đi đâu, con chó cứ chạy theo, lại phải đuổi về, hôm ấy, khi cha Lành vừa mở cửa xe định tới nhà một người quen; con chó quẩn bên chân, ngài vỗ lên chỗ ngồi, thử nói với nó, “Vô đi.” Con có nhanh nhẹn nhẩy phóc vào trong xe, hai chân sau đứng trên ghế ngồi bên hành khách và hai chân trước chống lên cốp xe, ngó về phía trước coi bộ lành nghề lắm. Và từ ngày đó, ngài đi đâu, chó theo hộ tống, nhưng không nơi phố chợ bởi không có dây giữ chó. Hơn tháng sau, người em đến thăm, đem theo con cháu nhỏ. Con cháu rất thích con chó, cứ ôm lấy nó chẳng chịu rời. Người em hỏi mượn con chó cho đứa con nhỏ làm bạn. Và thế là một người, một chó xa rời.
 
Con chó đen này không biết xuất xứ nơi đâu đến tá túc nơi nhà xứ. Cha Lành dẫu không thích nuôi bất cứ con vật nào nhưng, “Mèo vào nhà thì khó, cho vào nhà thì sang.” Nó tự động đến, ở với mình, không bỏ đi, không chịu nhận ai là chủ, thôi thì mình nhận nó làm bạn vậy; cha Lành nghĩ. Và con chó vui vẻ ở với ngài, nhưng không được vô nhà xứ. Ra nhà thờ, dẫu cha đi lối vô phòng áo, con chó đen lại quanh quẩn nơi cửa lớn. Hiền hòa, vui vẻ với mọi người, nhất là với trẻ em. Có đứa bé trai độ ba, bốn tuổi, ôm con chó, chẳng hiểu thế nào, chó và em bé té chồng lên nhau; may mắn, con chó nằm dưới; bé em lồm cồm bò dậy miệng lí lô vui vẻ lắm. Nay, chợt thấy cha Lành trong nhà thờ, chạy vô mừng chủ, bị đuổi, cụp đuôi lủi thủi chạy ra, không hiểu nó nghĩ gì.
 
 
0 – 0 - 0
 
 
"Ðàng và sự thật, sự sống, chính là Ta” (Gioan 14:6)!  Thiên Chúa là sự sống; hai ngàn năm trước, nhận thức của con người mới chỉ biết đến sự sống là gốc gác của tất cả sự hiểu biết; thế nên đã đặt vấn đề con vật có giác hồn. Nhưng trước khi nhận thức được sự sống, đã có được hiện hữu, vì vậy, Thiên Chúa chính là sự hiện hữu, hay ngôn từ ngày xưa, danh xưng sự sống có nghĩa sự hiện hữu. Đá sỏi có sự hiện hữu, nhưng có sự sống không? Xét về phương diện vật lý, một viên đá cỏn con nếu được nhìn dưới thấu kính hiển vi sẽ thấy những nguyên tử, phân tử, trung hòa tử quây quần họp lại chẳng khác gì muôn ngàn giãi ngân hà nơi vũ trụ qua cái nhìn dưới viễn vọng kính.
 
Hình ảnh con chó đen cụp đuôi tiu nghỉu lúp xúp chạy về phía cửa nhà thờ trong khi mọi người cười vì cha Lành la lớn, “Mày không phải là Công giáo” trở lại nơi tâm trí khi ngài suy nghĩ về Thiên Chúa là sự sống, sự hiện hữu, lan man đến quan niệm, nhận thức, con vật có giác hồn, cơ cấu của đá sỏi theo nhận biết thực nghiệm dưới thấu kính hiển vi, liên hệ đến lời khôn ngoan, “Sự sống thay đổi chứ không mất đi.” Như vậy, sự hiện hữu bất biến, hay sự hiện hữu biến chuyển, hoặc sự hiện hữu vừa bất biến, vừa biến chuyển? Thế linh hồn và giác hồn khác nhau, chênh lệch trạng thái, trạng thức thế nào? Cây cối cũng có sự hiện hữu, sự sống; thế sỏi đá có sự sống hay không? Sự sống, sự hiện hữu khác biệt ra sao. Khoa học tìm sự sống, tìm điều kiện, dấu hiệu của sự sống nơi các hành tinh là tìm thứ gì? Vậy gốc gác của sự sống là gì, của sự hiện hữu là chi? Vật chất có thể phát sinh sự sống được không.
 
Cho tới ngày nay, các nhà khoa học còn đang luẩn quẩn với hiện trạng con mắt nhìn, lỗ tai nghe, miệng nói, óc suy nghĩ, vẫn còn cho rằng trí nhớ lệ thuộc bộ óc. Vậy những dữ liệu nơi những con “Chips” của “Robot” có giống với trí nhớ nơi bộ óc không? Khi linh hồn thoát khỏi thân xác thì bộ óc có còn hoạt động được nữa không? Linh hồn điều hành, và bao gồm tất cả mọi sự thuộc về phản ứng liên hệ đến một người, ngay cả sáng kiến, ước mơ. Nơi dữ liệu của robot không thể có sáng kiến, ước mơ, tham vọng. Robot mang sự hiện hữu, có thể thực hiện công việc chính xác, tuyệt vời hơn con người, nhưng nó lại chỉ là sản phẩm của con người.
 
Ngồi thinh lặng trong nhà thờ nơi hàng ghế của các em giúp lễ, tâm trí cha Lành quay cuồng với nhận thức về Thiên Chúa qua những hiện trạng sinh động của những sự kiện hiện hữu nơi con người, con vật, cây cối, đá sỏi, và thành phẩm của khoa học. Các nhà khoa học sao vẫn chưa nhận ra thực thể, hay nhận thức về linh hồn. Có phải vì lệ thuộc quan điểm hữu vi quá nặng nề, đóng khung sự nhận thức nơi giới hạn vật chất nên đã ngăn cản nhận thức tâm linh, do đó không thể đụng chạm đến thực thể tâm linh; vì vậy, mãi cho tới ngày nay vẫn chưa vượt khỏi quan niệm tai nghe, mắt nhìn, miệng nói, óc suy nghĩ.
 
Con chó luôn vui vẻ mỗi khi trông thấy hoặc đến gần cha Lành, nhưng cụp đuôi, lúp xúp chạy ra khỏi nhà thờ khi bị ngài quát đuổi ra. Nó có sự hiểu biết đấy chứ. Sự hiểu biết của con chó ở đâu ra? Ở bản năng tự nhiên, vậy bản năng tự nhiên là gì? Phỏng nói rằng tự nhiên chỉ là cách nói ám định rằng không biết? Đám mây suy tư khiến cha Lành cảm thấy đầu óc mình rối mù. Câu nói nào của Thomas Aquinas trở về nơi tâm trí, “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nghĩ gì về Thiên Chúa, và tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa chỉ là tưởng tượng.” Tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa chỉ là tưởng tượng thì sự rao giảng về Thiên Chúa cũng chỉ là rao giảng những sự tưởng tượng! Ôi, tất cả vẫn chỉ luẩn quẩn.
 
Nơi Lão học có câu, “Đạo khả đạo, phi thường đạo,” nào có khác chi câu nói của Thomas Aquinas; thế sao người ta lại dịch danh hiệu “Đạo” thành “The Way?” Có lẽ họ dịch theo nghĩa từ chương, chẳng khác chi nơi câu phúc âm, “Đàng, và sự thật, sự sống chính là Ta. Không ai đến được với Cha mà không nhờ Ta” (Gioan 14:6). Hình như linh mục Nguyễn Thế Thuấn bị ảnh hưởng của Lão học nên cũng dịch theo ngôn từ này. Danh hiệu Đạo nơi Lão học chính là Thượng Đế, Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu dịch, “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống,” thì đường có nghĩa phương pháp, đường lối suy tư, nghiệm xét, suy nghĩ, để dẫn tới nhận thức Thiên Chúa là gì, liên hệ thế nào đến cuộc đời một người. Thế nên, thay vì trình bày cách suy nghĩ, suy tư, người ta giải thích, giảng giãi phúc âm theo nghĩa từ chương, hữu vi, đạo đức, luân lý thế tục, cắt đứt suy tư của dân Chúa.
 
Hơn nữa, nơi Lão học cũng có câu, “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu,” có nghĩa trời đất không nhân nhượng, khoan nhượng, thiên vị, bất cứ ai. Thế sao có vài người mới chợt nghe thấy mình nói “Nào Thiên Chúa có tử tế gì đâu” đã vội lên án mình hồ đồ. Mình hồ đồ hay họ hồ đồ. Họ lên án mình hồ đồ bởi không dám suy nghĩ hay sợ suy nghĩ sai lầm, hoặc không quen suy nghĩ mà chỉ quen lặp lại những thành ngữ tôn giáo quen thuộc! Đàng khác, nơi lý số cũng có câu, “Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt,” hoặc, “Đức năng thắng số.” Cái tâm, cái đức này đâu phát sinh từ bộ óc; bởi nếu có thể phát sinh từ bộ óc thì robot có thể biến thành người. Hèn chi có câu nói, “Người ta chỉ có thể dạy cho con khỉ chơi một bản nhạc tuyệt vời, nhưng không thể nào biến con khi thành nhạc sĩ.”
 
Câu hỏi, “Phải làm thế nào, giải thích ra sao để dân Chúa suy tư, đặt lại vấn đề, lại trờ tới. Có nên nói thật về cơ cấu trình bày nhận thức nơi Cựu Ước, Tân Ước cho dân Chúa tiện bề suy tư không. Dân Chúa tiện bề suy tư hay mình sẽ lãnh án. Tác giả sách tiên tri Jeremiah đã phải than lên, “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng; suốt ngày tôi đã nên trò cười, cả lũ chúng nhạo báng tôi… Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được” (Jer. 20:7). Tiên tri Jeremiah chỉ bị nhạo báng và trở nên trò cười cho những đầu óc thế tục; mình sẽ bị kết án là rối đạo, là không hợp với tín lý Công giáo, rồi bị đuổi ra khỏi hàng ngũ linh mục, rồi có thể bị trở nên như Martin Luther!
 
“Những người rối đạo là những người tuyệt đối thông minh, thày không đủ thông minh để trở nên rối đạo. Cứ việc suy nghĩ.” Lời vị linh mục bề trên CTU, Chicago, USA, trả lời khi thày Lành gặp ngài nói lên sư e sợ trở thành rối đạo vì suy tư. Linh mục dạy Kitô học tại Notre Dame Seminary cũng nhắc nhở, “Khi con vật ăn no, chúng ngủ, nhưng khi con người có đủ cơm no, áo mặc, thì họ suy nghĩ.” Mình chỉ muốn dân Chúa đặt vấn đề để suy tư hầu thăng tiến nhận thức chứ có gì đụng chạm đến tín lý, tín đồ đâu. Ôi, Chúa muốn gì, Chúa muốn mình phải ăn nói làm sao, ăn nói cách nào để khuyến khích dân Ngài suy tư. Mới hát happy birthday ở nhà thờ mà đã bị trình lên giám mục, thì nếu dân Chúa dám suy tư để rồi giám mục bị quay như quay dế, phỏng mình có bị gạt ra khỏi hàng ngũ linh mục do bị gán cho chiếc nón cối, dám khuyến khích dân Chúa nổi loạn không? Tại sao hơn kém hai ngàn năm qua vẫn không có bất cứ vị học giả Kinh Thánh, tiến sĩ Thánh Kinh nào nói lên được thực dụng của câu phúc âm đơn giản, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37)? Chúa muốn gì?
 
Mặc dầu nơi cửa vô nhà thờ có ngọn đèn điện soi sáng, được phụ họa với con mắt điện tử và hệ thống báo động cùng với bóng đèn 100 watt bật sáng bên trong, đã hơn ba tháng, thỉnh thoảng cha Lành cũng thường ngồi nơi nhà thờ suy tư. Sự hiện diện của ngài mong bảo chứng cho sự an toàn nơi nhà thờ đối với những ai ghé qua cầu nguyện. Khi thì mãi tới quá nửa đêm, lúc lại chưa tới mười giờ tối, hy vọng giáo dân yên lòng thay vì e sợ, nhưng đôi khi hình như thời gian cố gắng chạy đua với suy tư của ngài thành ra mới đó mà đã một hai giờ khuya.
 
0 - 0 - 0 
 
Bài phúc âm chủ nhật 22 C nhắc nhở, “Vì phàm kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lc. 14:11), và đề nghị, “Bởi chưng ngươi sẽ được báo đền khi kẻ lành sống lại” (Lc. 14:14). Bài dụ ngôn này đưa lên hình ảnh quá nghèo nàn và phản cảm, đặt đức Giêsu nơi vị thế kẻ rỗi nghề, bới chuyện dạy đời một cách nghịch thường.
 
Trước hết, theo luật Do Thái, ngày hưu lễ, “Sabbath,” là ngày tối kỵ đụng chạm đến bất cứ công việc gì cho dù là nấu nướng. Ngày đó, dân chúng ăn đồ nguội được nấu từ hôm trước. Ngay như mấy hành động bất đòng đòng lúa bỏ vào miệng nhai vì quá đói khi đi ngang ruộng lúa cũng bị lên án, “Xảy ra là một ngày hưu lễ, Ngài băng qua đồng lúa, thì môn đồ của Ngài bứt gié lúa rồi vò trong tay mà ăn. Có ít người Biệt phái nói, ‘Sao các ông làm điều không được phép làm ngày hưu lễ” (Lc. 6:1; Mt. 12:1)? Hơn nữa, đến chính con vật cũng được nghỉ ngơi trong ngày hưu lễ. Có phải người soạn bài phúc âm này vô tình? Có nên nói cho dân Chúa biết nhận định của mình không? Cha Lành tự hỏi. Đã là ngày hưu lễ sao người Pharisiêu lại có thể mở tiệc; rồi đang tự nhiên dạy người ta như dạy bảo mấy đứa con nít; trong khi, chắc chắn những người được mời đều nhiều tuổi hơn đức Giêsu.
 
Lời khôn ngoan, “Vì kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” dùng ham muốn thế tục để nói về tâm ý cũng mang phần nào gượng ép; bởi có ý hạ mình xuống để được nâng lên thì cũng chẳng hơn gì, cũng đồng duộc với “Nhắc mình lên.” Người khiêm nhượng, khiêm cung thực sự phải là người nhận thực, sống đúng với vị thế của mình, và chỉ những ai nhận thực được mình thế nào, mình thực sự tốt lành, thánh thiện, hay ma mãnh, bết bát ra sao mới có thể có thái độ hài hòa với thực trạng tâm ý của mình.
 
Làm sao khuyến khích dân Chúa đối diện với thực trạng tâm hồn, hầu nhận ra thực thể của họ là thế nào nơi cõi nhân sinh, và liên hệ với Chúa ra sao? Chủ ý hạ mình xuống để được nâng lên cũng chỉ là tham vọng, một cách kiêu ngạo trá hình dẫu không ai biết, nhưng ít nhất, chính mình biết. Nếu hiểu và áp dụng lời phúc âm theo nghĩa từ chương, hữu vi, chỉ là thực tập giả hình. Hèn chi có câu nói, “Chân thành, năng nổ, nhưng thiếu hiểu biết chỉ là phường phá hoại.” Đọc, nghe phúc âm mà không suy tư, coi chừng biến lời Chúa thành không tưởng, nếu không muốn nói là man trá, thay vì rao giảng Tin Mừng, lại khuyến khich công bố “Tin buồn.”
 
Ngồi thinh lặng nơi nhà thờ giữa màn đêm mà lòng cha Lành dậy sóng. Hơn hai ngàn năm trôi qua,  dân Chúa vẫn còn ngụp lặn trong những lời giảng giãi hữu vi, luân lý, đạo đức thế tục. Biết bao người đã ra đi, hiện giờ, linh hồn họ ở đâu. “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mt. 6:21; Lc. 12:34). Con người luôn theo đuổi và thực hiện ước muốn, ý định của mình; thế nên, ước muốn, ý định của mình ở đâu, thì lòng dạ mình cũng ở đó. Hơn nữa, ước muốn, ý định, tham vọng phát xuất tự linh hồn; và cuộc đời, thân xác một người chỉ là phương tiện cho hồn hoạt động. Bởi vậy, khi thân xác qua đi, linh hồn một người tiếp tục theo đuổi ước muốn, niềm mơ đang mang. Con người có thể biết hồn mình sẽ đi về đâu sau khi chết, do cứ chân thành nhận ra ước muốn của mình bây giờ và lúc này thì biết, đâu cần phải hạ xuống để được nâng lên. Ai có thể nâng mình lên nếu ham muốn của mình hạ đẳng? Làm sao dân Chúa thoát khỏi tội phạm đến Thánh Thần.
 
Mình không thế nói với những con kiến thay đổi đường đi của nó, nhưng chính những con kiến đụng râu vào nhau lại có thể truyền đạt những gì cần thiết của loài kiến, cha Lành thầm nghĩ, sao không chia sẻ ước muốn của mình với nhóm dân Chúa nào đó hầu tìm ra phương cách thực hiện. Nhóm mục vụ hay nhóm CYO? Dân Chúa tổng hợp từ những người đơn sơ chất phác đến kỹ sư, bác sĩ. Làm sao kêu gọi được nhóm người tổng hợp này, nhờ hội đồng giáo xứ, lấy người từ hội đồng giáo xứ hay nhờ họ kiếm người, cha Lành phân vân.
 
0 – 0 – 0
 
- Chào quý vị, sở dĩ chúng ta có buổi hội thảo tối nay vì theo lời đề nghị của năm thành viên, chúng ta nên có thêm ít nhất một buổi hội luận nữa. Nhân tiện, như quý vị biết, tôi biết dân Chúa rất tuyệt vời trong suy tư, tính toán cho cuộc sống, nhưng lại thường không để ý suy nghĩ về lời phúc âm. Thực ra, tôi không biết phải trình bày, hay ăn nói cách nào để khuyến khích mọi người suy tư, đặt vấn đề, để nhận thức lời Chúa, biến lời dạy nơi phúc âm trở thành lối sống, lối suy nghĩ của riêng mình. Nói cho đúng, giảng nơi thánh lễ chỉ một chiều và khó đánh động, khó khuyến khích được người nghe dụng não. Bởi vậy, tôi có ý định kiếm người, thành lập một nhóm bàn thảo trước khi soạn giảng, may ra giúp cho lời Chúa thấm nhập nơi tâm hồn người ta hơn. Quý vị nghĩ sao?
- Cha nói thế là sao?
- Lần trước, hội luận với quý vị khiến quý vị suy tư, yêu cầu hội luận tiếp. Tôi muốn dân Chúa nhận ra nỗi khát khao, thao thức bẩm sinh, muốn nhận biết về chính mình, về Thiên Chúa, và sự liên hệ giữa mình và Thiên Chúa như thế nào, giống tâm tình của quý vị lúc này.
- Thì cha nói với chúng con thế nào, khuyến khích chúng con ra sao, hãy cứ giảng như thế.
- Trong khi hội luận, tôi đặt vấn đề, quý vị suy nghĩ, động não, nói tới, nói lui, nhưng trong thánh lễ, chỉ nói một chiều.
- Thế thì cha chỉ cần nêu lên những câu hỏi thay vì giải thích để người nghe tự suy tư trả lời.
- Cảm ơn quý vị, để tôi thử. Đồng thời, quý vị cũng làm ơn để ý, dò xem phản ứng hay nhận định của người ta thế nào, và cho tôi biết. Và bây giờ chúng ta trở lại với cuộc hội luận. Có ai khúc mắc điều chi.
- Thưa cha, ông phó chủ tịch lên tiếng. Sau khi làm bản tự kiểm, con không thể tin được mình tệ như thế, nên chẳng biết nói sao.
- Thế có bị gãy chân ghế không?
- Thưa cha, chân ghế thì không gãy nhưng chân con súyt bị sụm, đi đứng không nổi.
- Vậy kết quả ra sao?
- Con thực sự cảm thấy Chúa nhẫn nại thật. Giả sử con mà là Chúa, thì sẽ vật chết tươi thằng khốn nạn này.
- Tôi muốn hỏi ông cảm thấy thế nào chứ không hỏi về Chúa sẽ đối xử ra sao.
- Thưa cha, thoạt đầu con không thể chấp nhận chính mình, tuy nhiên, sau khi nghĩ lại, chính con viết về con chứ đâu phải người khác nghĩ về con, và nếu không chấp nhận đó thực sự là con thì tất nhiên con đang tự lừa dối. Cuối cùng, con đành chấp nhận mình thực sự như thế, không chối cãi, trốn tránh. Thật tuyệt vời, con thấy lòng mình thênh thang rộng mở, và thấy ai cũng tốt lành, thánh thiện hơn mình dẫu họ có thế nào chăng nữa.
 
Một vài người gật gù khi ông phó chủ tịch nói. Cha Lành coi bộ chăm chú nghe, nhưng để ý thái độ của những người khác. Hầu hết hình như chưa thử thực nghiệm phương pháp đối diện chính mình. Mình đã nhấn mạnh cứ thử rồi biết, nhưng có lẽ xưa nay đã quen với kiểu nghe để hiểu và tưởng rằng mình đã biết, đã là phần nào am tưởng và thế là quên ngay, như thói quen thường nghe giảng, dẫu chưa bước ra khỏi nhà thờ. Với số người tương đối ít, hầu như đồng điệu kiến thức tham dự hội luận mà còn lệ thuộc “Ngựa quen đường cũ” như thế này thì bao giờ dân Chúa mới khởi động tâm tư, cha Lành thầm than.
 
Nghĩ như thế nhưng ngài chợt giật mình dẫu cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, điềm đạm lắng nghe như mọi người. tự hỏi, có vội vã không, Chúa muốn gì? Hơn hai ngàn năm rồi chứ đâu phải một đôi năm. Những bao nhiêu năm mình mới nhận ra hai tiếng “Nghiệm xét” nơi thư thứ hai gửi Côlôsê? Bao nhiêu năm mới nghiệm được câu, “Người biết không nói, kẻ nói không biết” nơi Lão học? Bao nhiêu sách đã phải đọc trong suốt thời gian đó; đọc thôi chưa đủ, phải lấy note, đọc đi đọc lại những note đã ghi, thời gian đánh máy, thời gian sắp xếp cho tư tưởng, suy nghĩ có hệ thống, bao trắc trở nơi tâm tư, bao nhiêu thời gian, tiền bạc mua và đọc các sách Tử vi, L‎ý số mà vẫn như mu ti mù tịt, Mấy bộ Kinh Dịch, đọc, suy nghĩ nhưng đã chẳng hiểu chúng nói gì. Tại sao ngày xưa đi học, bạn bè gọi mình là “Óc thối” vì suy nghĩ hay nói ra những câu không giống với họ, dẫu không muốn nổ, không muốn tỏ ra khác thường e không được chấp nhận chung thuyền.
Nghĩ đến đây, cuộc nói chuyện trên điện thoại với một chị người Việt lại trở về nơi ký ức cha Lành sau lần gặp gỡ tại California,
- Con thấy cha lạ lắm, thái độ không giống mấy cha khác. Cha đánh tiết canh vịt, làm tái vịt, vịt nấu măng để ăn với bún, đâu giống các cha khác ăn nói, thái độ trong khuôn mẫu giống nhau. Cha thì rất tự nhiên, ăn nói phóng sinh, bất chấp, đôi khi nghịch với suy nghĩ bình thường của mọi người.
- Ăn nói phóng sinh là thế nào? Cha Lành hỏi.
- Là nói chuyện bình thường, không kiểu cách, rất tự nhiên, thoải mái, mà lại nói lên điều khác thường không giống bất cứ ai, dám nêu thẳng ra điều người ta không muốn dá động đến, nghe rất lạ.
- Thực ra, tôi chỉ nói hay trả lời bình thường thôi mà. Có lẽ bình thường đối với tôi, nhưng khác thường đối với người khác chăng.
- Cha nói đúng, con thấy thái độ của cha rất bình thường, nghe hỏi và đối đáp ngay, không do dự, không cần suy nghĩ, mà tự nhiên thoải mái nói năng; nhưng những điều nói ra lại khác thường, khác với ý nghĩ, quan niệm chung của đại đa số.
- Chị có thể cho thí dụ xem nó khác thường thế nào không?
- Cha nói lắm sự khác thường lắm nhưng con chỉ cảm thấy thế, rất khó phân tích. Con chỉ có thể đưa ra một vài thí dụ; chẳng hạn khi ông gì đó nói về Chúa định trong trường hợp chẳng đặng đừng, phải gồng mình chịu trận, thì cha lại phán một câu, quả thật ngang ngược không chịu được, “Nào Chúa có tử tế gì với ai đâu.” “Giời ơi,” câu nói như thế mà có thể phát ra từ miệng một linh mục, thử hỏi còn thói phép nào nữa không. Giêsu ma, vừa thoáng nghe thấy con đã giựt mình; ông cha này ăn nói ngổ ngáo, con nghĩ vậy. Nhưng, cha lại thản nhiên nói tiếp, “Chúa có bao giờ làm theo ý mình muốn, Ngài làm theo ý của Ngài mà.” Thế rồi, cha lại bồi thêm một câu sau khi không biết những người khác đã nói gì con không nhớ, “Chúa đâu phải là con ở của mình.” Lạy Chúa tôi, con chưa bao giờ nghe thấy bất cứ ai nói, hay sách vở nào dám viết như thế, và cũng chẳng bao giờ có thể nghĩ đến một linh mục dám mở miệng nói lên những điều như vậy. Nhưng chợt nghĩ lại, những câu nói khác thường ấy hình như đánh động tâm trí con điều gì đó lạ lắm, nó hợp lý, rất thực tế, mà người ta chưa bao giờ dám nghĩ tới.
- Thì tôi có bao giờ nghĩ mình muốn nói gì khác thường đâu. Có lẽ tại đọc sách, chị có biết, nơi Lão học có câu, “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu.” Câu này tạm dịch nghĩa, “Trời đất không thiên vị, nhân nhượng một ai, đối với ai thì cũng thế thôi.” Nói theo ngôn từ tôn giáo của Kitô giáo thì Chúa đâu bao giờ làm theo ước muốn của mình. Khổ nỗi, mình cứ cầu xin theo tham vọng của con người. Người ta cứ coi Chúa như vị thần ngu ngơ nào đó, mong dùng bất cứ ý nghĩ hay hành động nào như món hối lộ mong đạt được điều mình muốn, xưa nay vẫn như thế, người ta có biết cầu nguyện là gì đâu, nào có chi lạ lùng.
- Cha lại còn nói, nếu thực sự yêu ai thì đừng yêu, mà chấp nhận người đó như chính họ. Thêm nữa, cha còn nói gì, giảng giãi phúc âm là ngăn cản người khác suy tư phúc âm, rồi tự do tuyệt đối; cuộc đời này làm gì có tự do tuyệt đối mà chỉ có tự do trong lề luật thôi chứ. Hình như cha cũng không tin phúc âm thực sự là lời của Chúa. Cha nói gì kỳ cục, khiến nghe mà đầu óc rối tung lên.
- Tôi có nói gì mới đâu, chỉ thấy sao nói vậy. Xưa nay, chị thử nghĩ coi, khi cầu nguyện thì tâm tình chị thế nào, có phải chỉ vớ vẩn nói lên ý muốn của mình, quăng bừa ra đó, nghĩ rằng Chúa nghe, và muốn làm gì thì làm không; hoặc Chúa nghe hay không cũng chẳng sao, miễn lòng mình nhẹ bớt là được, dẫu nỗi khó khăn, lo âu vẫn tràn ngập tâm hồn. Đọc Tân Ước thì thấy được khuyên là cầu nguyện không ngưng nghỉ (1Thes. 5:17), nhưng không bao giờ thử hỏi, làm sao mà có thể cầu nguyện không ngưng nghỉ, và nếu đã tin rằng Chúa nghe thì mắc mớ gì phải nói thêm như nơi phúc âm Matthêu đã dạy (Mt. 6:7).
 
- Chúng ta được dạy rằng cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Thực tế minh chứng, chúng ta nào có biết Chúa là gì đâu mà nói với nghe. Đến cái linh hồn nơi mình vẫn chưa biết nó là gì, liên hệ với mình thế nào thì làm sao mà nói chuyện với Chúa, và như vậy, nếu thực sự đặt vấn đề cầu nguyện là gì thì coi chừng lại chỉ là nói chuyện, trình bày ước muốn, ý định của mình với ngẫu tượng, trong khi lòng ước ao Chúa nghe. Thực ra, cầu nguyện chính là suy tư, suy nghĩ, nghiệm xét như thánh Phao lô đề nghị, "Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào" (1Thes. 5:19-22). Hơn nữa, chẳng biết Thần Khí là gì, chẳng hiểu ơn tiên tri là ơn nào, lại càng không hiểu nghiệm xét, nghiệm chứng là thứ chi thì cầu nguyện làm sao, phải chăng chỉ biết lặp lại ngôn từ. Tôi nói nào có chi sai, nào có chi mới gì đâu.
- Thế sao cha bảo phúc âm không phải thực sự lời Chúa Giêsu phán dạy.
- Trời ơi! Sao chị để ý tôi kỹ thế; tôi có phải là chồng chị đâu, mà xét nét từng lời ăn tiếng nói của tôi.
- Nhưng cha là linh mục, cha không được nói lên những gì làm mất đức tin của kẻ khác. Cho dù sự thật là như thế nhưng cha không nên nói ra. Cha nói ra, người ta nghe được, họ bỏ đạo hết thì sao.
- Thà rằng họ bỏ đạo còn hơn để họ theo đạo mù mờ như thế. Chị có biết Tản Đà có câu thơ thế nào không, “Cũng bởi người dân ngu như lợn; cho nên quân ấy mới làm quan.” Tôi là linh mục Công giáo, đã quá đủ, hơn hai ngàn năm rồi phúc âm đã lên án, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Tôi không muốn giả hình, mà ước ao dân Chúa đặt vấn đề, suy tư để thực sự nhận biết mình là gì trước mặt Chúa, và liên hệ với Chúa như thế nào. Tôi muốn xóa đi cái gông cùm tội tổ tông mọi người đang phải gánh chịu, ấm ức vì vô lý và chẳng hợp tình; tôi muốn phá tan luôn cái tội phạm đến Thánh Thần mà xưa nay người ta vẫn chưa biết nó là gì. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (KN. 1:17) sao mà khổ thế!
- Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì mà cha muốn phá?
- Là cái tội không suy nghĩ, không suy tư, không nghiệm xét để biết mình là thế nào, mình được sinh ra dể làm gì, chết rồi sẽ đi về đâu, là cái tội mà Tản Đà gọi là “Ngu như lợn” ấy; dẫu dân Chúa tuyệt vời thông minh, tốt lành, tính toán công ăn việc làm cho dù là gian manh nhưng vẫn chứng tỏ khả năng thông minh.
- Cha nói gì? Một đàng cha nói dân Chúa tuyệt vời thông minh, đàng khác cha lại nói ngu như lợn. Cha nói ngang, ngược ngạo, câu này phản câu kia.
- Tôi nói Tản Đà để lại câu thơ, “Cũng bởi người dân ngu như lợn,” chứ tôi không nói họ ngu như lợn. Chị thấy không, không cần biết đâu xa, cứ thử xét gia đình chị. Con cái ăn học đàng hoàng, chẳng những không nợ nần mà còn có dư dật phòng khi chuyện bất cập xảy đến. Không tuyệt vời thông minh mà có được gia đình như thế à. Nhưng, thử hỏi, làm sao chị có thể áp dụng phúc âm vào cuộc đời. Chẳng hạn, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37). Chị nói đi, giải thích đi, làm sao chị có thể yêu Chúa hơn chồng con của chị. Không áp dụng được phúc âm vào cuộc đời mình thì có theo đạo hay không cũng giống nhau, cũng chỉ là danh hiệu, chỉ là lừa đảo, lừa Chúa, lừa người.
- Giáo hội dạy sao thì biết như vậy, bộ cha muốn gì? Chẳng lẽ cha muốn nói giáo hội dạy sai.
- Có suy nghĩ đâu mà đặt vấn đề sai với đúng. Phúc âm được viết hơn hai ngàn năm rồi chứ đâu phải mới hôm qua, hôm kia, mà mãi đến bây giờ cũng không thể áp dụng vào cuộc đời mình; trong khi tuyên xưng nào tin vào Chúa, tin vào phúc âm thì tin thế nào; chẳng lẽ tin vào chiếc bánh vẽ, nghĩ rằng cứ ăn bánh vô là no bụng, nhưng suốt đời vẫn đói, đói cho tới chết cũng chẳng có được miếng bánh nào bỏ vào miệng. Nào tôi có nói gì sai đâu, có ngăn cản ai theo đạo đâu mà mất đức tin, không biết đức tin là gì thì lấy gì mà mất với còn.
- Cha nói sao, dân Chúa không có đức tin?
- Sao chị lại vẽ thêm chân cho con rắn thế! Tôi nói không biết đức tin là gì, chị lại nói không có đức tin. Thế chị có biết ai đang nói nơi chị không? Chị có biết nơi sách Tông Đồ Công Vụ có đoạn chép từ sách tiên tri Isaiah, “Sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, Thiên Chúa phán: Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi xác phàm. Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm; thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến; kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng. Và cả trên các tôi trai, tớ gái của Ta, trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta xuống, và chúng sẽ nói tiên tri” (TĐCV. 2:17-18; Is. 2:2). Thế mà tôi nói không biết tin là gì thì lại không chịu.
- Cha nói không biết đức tin là gì thì chả lẽ mình tin vào Thiên Chúa mà không biết mình tin gì sao?
- Chị có biết Thiên Chúa là gì trong cuộc đời chị không mà nói tin vào Thiên Chúa. Không biết Thiên Chúa là gì thì tin vào cái chi? Nếu chị biết Thiên Chúa là gì thì đã lắm chuyện chẳng ngờ xảy ra. Chị dám nói thật không? Chị tin vào Thiên Chúa là tin thế nào?
- Thì tin rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời đất, tạo dựng con người. Cha không nhớ Kinh Thánh nói, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài” sao?
- Vâng, thưa chị; biết ca bài con cá sống vì nước, nhưng dân chết đói trong nước lại không biết thì mới lạ. Chuyện lạ lùng xảy ra ngay nơi mình mà có bao giờ để ý, có bao giờ dám đặt vấn đề đâu; bởi sợ nghĩ đến nó thì lại run sợ, e ngại cái viễn ảnh mông lung xảy đến với mình, sợ điều mình không biết sẽ tàn phá cuộc đời mình. Không nói đâu xa, nói rằng tin vào Chúa thì mờ mịt, mà nói rằng tin mình có linh hồn thì linh hồn mình thế nào lại không biết, hoặc chưa bao giờ nghĩ đến, tôi nói có đúng không. Đấy, tội phạm đến Thánh Thần là như thế. Tôi muốn phá là vậy đó.
- Sao con được dạy tội phạm đến Thánh Thần là tội kiêu ngạo, mà cha lại nói là không suy nghĩ?
- Chị không nhớ hay không biết câu phúc âm, “Bởi đó, Ta bảo các ngươi; mọi tội lỗi và lộng ngôn sẽ tha được cho người ta; còn lộng ngôn đến Thần Khí sẽ không tha được. Và ai nói nghịch đến Con Người; điều đó sẽ tha được cho người ấy; còn ai nói nghịch đến Thánh Thần; điều ấy sẽ không tha được cho người ấy, thời này cũng như thời sẽ đến” (Mt. 12:31-32; Mc. 3:28-30; Lc. 12:10). Nói đúng ra, nếu muốn biết phạm đến Thánh Thần hay nghịch đến Thánh Thần nghĩa là gi thì cần biết Thánh Thần ở nơi nao. Hơn nữa, tất nhiên một Chúa ba ngôi, và ba ngôi một Chúa, lại cần biết Thiên Chúa là gì. Như vậy, muốn biết Thiên Chúa là gì thì cần theo lời phúc âm, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt. 6:33). Phúc âm không có định nghĩa Nước Thiên Chúa mà chỉ nói, “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mt. 10:7; Lc. 9:2; 60; 10:11; 16:20), “Đang hiện diện, at hand” (Mc. 1:15; Mt. 4:17),”Ở trên” (Mt. 12:28; Lc. 1120), “Ở giữa” (Lc. 17:20). Chỉ có một định nghĩa về Thiên Chúa nơi phúc âm Gioan, “Thiên Chúa là Thần Khí, nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gioan 4:24). Thế nên, muốn biết Thiên Chúa thế nào, Nước Thiên Chúa là chi cần biết Tin Mừng đức Giêsu rao giảng.
- Thưa cha, phúc âm có nghĩa tin mừng, sao cha lại nói Tin Mừng đức Giêsu rao giảng. Chẳng lẽ phúc âm không phải lời Chúa?
- Câu hỏi này của chị đòi hỏi khá nhiều vấn đề hiểu biết về phúc âm. Nếu chị bỏ công phân tích phúc âm, so sánh những câu trùng hợp, chị sẽ thấy ba phúc âm Matthêu, Luca, và Marcô được gọi là phúc âm nhất lãm vì có nhiều điểm giống nhau. Riêng phúc âm Gioan, nếu chị bỏ thời giờ ngồi suy niệm về cuộc đời đức Giêsu, chị sẽ thấy phúc âm Gioan là thành quả của nghiệm chứng, nghiệm xét về Chúa Giêsu. Tôi không giải thích mà nói về kết quả nhận biết nếu chị thực hành. Trong sự so sánh các câu tương đồng của phúc âm nhất lãm, chị sẽ thấy những câu nghịch thường; chẳng hạn, “Nếu mắt ngươi làm cớ ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:9), hoặc, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37), hay, "Kẻ vừa tra tay vừa cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa!" (Lc. 9:62), “Hãy để kẻ chết chôn người chết của chúng” (Mt. 6:22; Lc. 9:60), dụ ngôn Mười Nàng Trinh Nữ (Mt. 25:1-13), dụ ngôn ba người làm công (Mt. 24:45-51; Lc. 19:13-27); rồi dùng phương pháp nghiệm xét của thánh Phao lô, "Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào" (1Thes. 5:19-22), với điều kiện tâm trí, "Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô" (Col. 2:8); chị sẽ thấy phúc âm nhất lãm chỉ đường cho tâm trí nhận thức.
- Tôi thử hỏi chị, chị nghĩ gì về dụ ngôn Mười Nàng Trinh Nữ; tại sao, lý do gì năm nàng bị gọi là khờ dại và năm nàng khác được gọi là khôn ngoan?
- Năm nàng bị gọi là khờ dại vì không mang thêm dầu đốt đèn. Năm nàng khôn ngoan đem theo dầu.
- Tại sao năm nàng khờ dại không mang theo dầu?
- Tại họ không biết đám rước dâu bị trễ.
- Tại sao họ không biết?
- Ah! Tại họ không suy nghĩ.
- Vậy tôi thử hỏi chị, dụ ngôn này nói về chuyện gì, nếu không khuyến khích dân Chúa suy nghĩ. Không suy nghĩ ám định khinh chê hồng ân suy tư; nói cách khác, phạm đến Thánh Thần. Thế dụ ngôn ba người làm công thì sao?
- Thì hai người được thưởng và một người đem của đi giấu bị kết án.
- Người đem của đi giấu đâu làm thiệt hại gì tới chủ, sao lại bị kết án?
- Người này e sợ vì cho rằng ông chủ tham lam, hà khắc.
- Như thế, người này không dám làm gì vì e sợ giống như dân Chúa, nghe lời Chúa và đã chẳng đặt vấn đề, đem lời Chúa giấu kỹ và lờ đi. Hai ngàn năm hơn, dân Chúa vẫn còn ngủ yên trong vui thú phạm đến Thánh Thần. Các đấng bậc rao giảng thì lãnh cái búa tạ, “Khốn cho các ngươi.” Chỉ thấy những rao truyền, tuyên truyền sáo rỗng nào vinh danh Chúa, nào cứu rỗi các linh hồn. Linh hồn mình mà không biết thì mong gì cứu linh hồn ai. Mình đã không biết rồi mình sẽ đi về đâu thì dẫn đường, soi lối cho ai, soi cho người ta đi xuống hố à? Hèn chi có câu nói nào đó, “Nếu rao giảng về hỏa ngục, dân Chúa sẽ kiếm tìm hỏa ngục.”
- Cha nói rao giảng về hỏa ngục là sao?
- Là giải thích lời Chúa theo luân lý, đạo đức thế tục. Lời phúc âm đương đường nhắc nhở, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt. 6:33); tìm thì chẳng tìm, kiếm lại chẳng kiếm, chỉ xin với xỏ; Chúa đâu phải là con ở của mình! Còn cái hỏa ngục nào khốn khổ hơn cái hỏa ngục này nữa mà cứ lo sợ viễn vông để rồi đắm chìm trong mơ ước hạnh phúc thế tục.
- Cha nói kiếm tìm là thế nào. Người ta phải lo cho cuộc sống đã chứ. Cha đâu phải lo lắng nhu cầu cơm áo, gạo tiền; cha đâu phải đối diện với những trường hợp vợ đẻ, con đau, nay bill bọng thuế xe, thuế nhà, mai tiền điện, tiền nước, rồi đám ma, đám chay, cưới hỏi, đình đám, thời giờ đâu mà tìm, mà kiếm.
- Xin lỗi chị, nói như thế có nghĩa, chị đã không biết tìm kiếm là gì. Tôi rõ thật dốt, cảm ơn chị đã cho tôi hiểu thêm dân Chúa cần được biết điều chi. Tìm kiếm Nước Thiên Chúa tức là suy tư, suy nghĩ, nghiệm xét, nghiệm chứng về Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa là gì đối với mình, liên hệ với mình ra sao. Thực ra, nói như thế cũng không đúng; người ta vẫn chưa biết, chưa dám nghĩ đến linh hồn là gì nơi họ thì sao dám nghĩ đến Thiên Chúa là gì, phương chi Nước Thiên Chúa. Phiền thật, muốn biết Thiên Chúa là gì lại cần biết Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng. Gốc gác lại cũng chính là suy tư, suy luận, suy nghĩ. Nói làm sao, giảng thế nào để dân Chúa thoát cảnh năm nàng trinh nữ khờ dại.
- Cha nói suy tư, suy nghĩ là thế nào? Vậy những điều giáo hội dạy, những lời các cha giảng sẽ ra sao?
- Những điều giáo hội dạy, những lời các cha giảng chính là thành quả, kết quả của suy tư, suy luận. Nhưng thử hỏi, tôi ăn chị có no không; tôi uống bia chị có say không. Nói đến đây, tôi nhớ ngày xưa còn nhỏ, nghe được lời quảng cáo thuốc lào, “Chồng hút, vợ say, thằng bé lăn quay.” Thôi nói qua nói lại chẳng ơn ích gì; tôi chỉ thử hỏi, thế chị nghĩ gì, áp dụng nơi cuộc đời mình thế nào về câu phúc âm, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37)?
- Thì Chúa dạy phải kính mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn, hơn hết mọi sự trên trần gian này.
- Giêsu ma, chị vẫn chưa biết linh hồn của chị là gì thì kính mến hết linh hồn là kính mến thế nào. Thiên Chúa là Thần Khí, thì chị làm sao có thể mến Chúa hơn yêu chồng chị, con chị. Chị đang quảng cáo thuốc lào đấy à? Chị hút, chồng chị say, và con cái chị lăn quay! Bây giờ chị đã hiểu câu ca dao, “Đầu ngòi có con ba ba, kẻ gọi con trạnh, người la con rùa,” ý nói về chuyện gì chưa?
- Hèn chi cha nói lắm điều khác lạ.
- Chẳng có gì lạ cả mà là thực trạng nơi dân Chúa thôi. Người ta suy nghĩ, suy tư tuyệt vời cho cuộc sống nhưng chưa có thói quen, chưa suy nghĩ về lời Chúa, lời phúc âm, nói cách khác, suy tư tâm linh.
- Cám ơn cha, cha quá thông minh, nhưng coi chừng mất job! Cha làm ơn để ý, “Chúng khẩu đồng từ, nhà sư cũng khốn.” Nói không giống người ta, sẽ trở thành quái thai.
- Biết sao hơn thưa chị, đó là nghề nghiệp của tôi mà, tôi được trả lương để rao giảng lời Chúa, rao giảng sao cho người ta sống lời Chúa, sống lời phúc âm; mà họ không hiểu phúc âm nói gì thì sao có thể áp dụng vào cuộc đời. Có lần đi ngang qua một cống thoát nước bên đường, hai bên là rừng, tôi thấy có một con chuột chết xình lên, bụng vỡ toang ra và trong đó lúc nhúc những con bọ no tròn, nhưng không thấy con ruồi hay con nhặng nào chung quanh. Tôi chợt có ý nghĩ, mấy con nhặng đẻ bọ xong bay đi, chắc mấy con bọ cho rằng con nhặng mẹ quả là dốt nát, không biết an hưởng thiên đường tuyệt vời mà lại bay đi.
- Sao cha có được ý nghĩ kỳ cục như vậy.
- Tôi đâu cố ý suy nghĩ kỳ cục, mà có lẽ, tôi đang nói điều tôi không biết, đang quảng cáo thuốc lào.
- Xin cảm ơn cha, có lẽ từ nay con phải tập tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Nhưng, thưa cha, các cha giảng về Chúa ba ngôi là một mầu nhiệm không thể hiểu thấu, đã là mầu nhiệm không thể hiểu thấu thì sao mà tìm, thưa cha?
- Mầu nhiệm Nước Trời ngay nơi chị, nơi tôi, nơi mọi người và chúng ta thường không để ý. Trước hết, tôi nói hơi dài dòng, chị kiên nhẫn nghe nha. Nếu đã là mầu nhiệm không thể hiểu thấu thì sao có thể biết đó là mầu nhiệm? Chẳng lẽ đó là điều không tưởng; và giả sử đó là điều không tưởng thì cũng đã tưởng tượng, đã suy nghĩ tới nó rồi mà, chẳng khác gì nói “Đi khám bác sĩ” hoặc “Sửa sắc đẹp.” Bác sĩ nào để cho mình khám, và đã đẹp rồi sao lại phải sửa. Thế nên, nói rằng mầu nhiệm chỉ chứng tỏ người nói không suy nghĩ, suy tư thâm trầm về điều đó; thực ra, thay vì dám nói thực là không thể giãi bày hoặc không biết cách nào giải thích thì dùng ngôn từ đẹp đẽ “Huyền nhiệm” để che dấu sự thiếu sót của mình. Tôi thử hỏi chị, các nhà khoa học, cũng như mọi người đều quan niệm hay biết chắc chắn một cộng với một bằng hai phải không. Nhưng, một cái hồn cộng với một cái xác, hay là một cái hồn nhập thể nơi một cái xác thì bằng mấy? Tất nhiên, chỉ hồn không, chẳng ai biết, và chỉ xác không, đem ra nghĩa trang mà chôn. Nhưng khi cái hồn nhập làm một với cái xác thì lại phát sinh thêm ý định, ước muốn, tham vọng, dục vọng, đam mê. Nói cho đúng, một cái hồn cộng một cái xác ít nhất phải là ba. Ba là một và một là ba bất khả phân ly. Có huyền nhiệm nữa không? Thôi, ngưng thôi, tôi phải đi ngủ. Chào chị.
- Chào cha, chúc cha ngủ ngon.
 
 
0 – 0 - 0
 
 
Như thế, phán quyết nơi phúc âm, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13), phải là lời khôn ngoan từ đạo học, mà vì được hiểu theo nghĩa từ chương nên không mấy ai để ý. Không cuốn Kinh Thánh nào, ngay cả Anchor Bible cũng không giải thích “Khóa Nước Trời, chặn người ta lại,” hoặc “Không để cho vào” Nước Thiên Chúa nghĩa là chi.
 
Phúc âm thuộc về đạo học; những câu nói ngang ngửa nơi phúc âm là thành quả của những nghiệm chứng, nghiệm xét thâm trầm. Biệt phái và Ký lục rao giảng lời Chúa theo nghĩa từ chương, luân lý, đạo đức thế tục theo khuôn khổ lề luật nhân sinh tùy thuộc thời điểm và nơi chốn địa phương, thay vì khuyến khích dân Chúa thăng tiến trên hành trình tâm linh. Con người đâu phải chỉ là thân xác có cuộc sống ngụp lặn trong vũng lầy sinh vật đầy phiền hà thế tục hầu như che khuất nỗi khát vọng, thao thức bẩm sinh, che lấp nhận biết thực thể của mình nơi diễn trình biến chuyển vô cùng của tạo vật.
 
Mãi cho tới ngày nay, dân Chúa vẫn còn thường chỉ được hiểu Nước Trời, Nước Thiên Chúa là thiên đàng, cuộc sống nơi đó “Thanh nhàn vui vẻ vô cùng,” không bị phiền hà, lo lắng với những ưu tư cuộc đời. Thiên Chúa là gì không biết, thì Nước Trời, Nước Thiên Chúa lại càng không biết hơn. Cha Lành nghĩ; thế thì lời khuyên, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt. 6:33) trở nên chẳng khác gì câu nói cho vui, không ăn nhập gì tới cuộc đời của bất cứ ai. Gặp câu phúc âm nào ngang ngang, ngửa ngửa thì lờ đi, hay cùng lắm dùng luân lý, đạo đức thế tục gán ép cho qua, coi dân Chúa như những phường xấu xa, vô lại, cần được dạy bảo cho họ sống tốt lành hơn theo luân l‎ý, đạo đức nhất thời, biến lời Chúa, lời phúc âm thành những khuôn mẫu không ai có thể áp dụng trong cuộc đời. Thử hỏi, nếu Thiên Chúa là Đấng ban bình an xuống cho nhân loại thì tại sao phúc âm lại đặt nơi miệng đức Giêsu câu nói, “Đừng tưởng rằng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất. Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình, và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt. 10:34-36).
 
Những suy tư thoáng qua tâm trí, cha Lành thở dài. Câu hỏi, “Làm sao khuyến khích dân Chúa suy nghĩ,” lại nổi lên thúc dục. Thì đành thử, ngài thầm nghĩ, nên lên tiếng,
- Quý vị nghĩ thế nào về câu Kinh Thánh, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài?”
- Thưa cha, ông phó chủ tịch lên tiếng, con thử đặt ngược câu nói, thì chả lẽ mình là hình ảnh của Thiên Chúa! Nhưng, thánh Phao lô, nơi thư thứ nhất gửi cộng đoàn Corinthians lại nói, “Anh em không biết sao, anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor. 3:16). Đồng thời ngài cũng nói, “Anh em không biết sao, thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần trong anh em; anh em đã chịu lấy từ Thiên Chúa và anh em không thuộc về mình nữa” (1Cor. 6:19-20). Như vậy, hình như ngôn từ “Tạo dựng” có thể đã bị dùng sai khiến chúng ta hiểu lầm con người là sản phẩm không liên hệ chi tới Chúa.
-  Thế kết luận của ông ra sao? Cha Lành hỏi trong khi thầm nghĩ, mới thấy mình đê tiện, hèn hạ, mà đã nhận ra được nghĩa ám định của ngôn từ.
- Thưa cha, con nghĩ, vì thân xác mình là đền thờ của Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự nơi mình, đồng thời mình là hình ảnh của Chúa nên có thể nói mình là hiện thân của Thiên Chúa. Ông phó chủ tịch nói, giọng ngập ngừng chừng như không chắc lắm.
- Ông nói như thế thì mình là Thiên Chúa à? Chị trưởng ban giáo lý hỏi lại.
- Vậy linh hồn của chị là thế nào. Cha Lành hỏi ngược lại chị trưởng ban giáo lý.
- Chẳng lẽ là Thần Khí của Thiên Chúa! Chị trưởng ban giáo lý ngập ngừng.
- Tôi nêu lên một thực thể và đó là, trong suy tư, nghiệm xét, những tư tưởng phát sinh đều không đúng, không sai. Đã ai bao giờ đọc được câu, “Cái bóng của Thượng Đế là quỷ vương” chưa? Thoạt mới đọc được câu này, tôi tưởng chân mình lộn lên đầu, nhưng chỉ ít phút suy nghĩ, tôi nhận ra không có chi lạ lùng cả. Tạm dùng đôi phút suy tư, tôi thử hỏi, có ai ngạc nhiên lúc này khi thấy tôi là một linh mục mà dám lặp lại câu nói nghịch thường này không?
- Cái bóng với một người dẫu là hai thành phần riêng biệt nhưng thực chất lại là một; vì không có người sẽ không có bóng. Vậy chả lẽ Thượng Đế và quỷ vương…, ông phó chủ tịch nhẹ nhàng lên tiếng.
- Ông nói đúng, và cũng đã có câu nói, “Thượng Đế và quỷ vương là một.” Cha Lành nói tiếp; thế là mọi người tá hỏa.
- Đừng vội ngạc nhiên và đặt vấn đề đúng sai, cha Lành thấy vẻ mặt mọi người có vẻ khó coi khi nghe thấy ngài nói như thế, nghĩ bụng, chắc họ cho là mình thuộc dòng dõi ma quỷ được sai đến phá quấy họ, nên lên tiếng trấn an. Tất cả những câu nói nghịch thường nơi sách vở đạo học, đều là thành quả của suy tư, nghiệm xét thâm trầm chẳng hạn như những câu nói ngang ngửa khó bề chấp nhận nơi phúc âm. Tuy nhiên, những câu nói này nói về hiện trạng hay trạng thái nào đó nơi mình. Dĩ nhiên, muốn am hiểu hoặc áp dụng những câu nói này nơi cuộc đời, cần suy tư, cần nghiệm xét. Ông phó chủ tịch nói đúng. Không những chúng ta mà biết bao người đã qua đi hơn hai chục thế kỷ đều hiểu lầm về ngôn từ tạo dựng. Chúng ta nên biết, Kinh Thánh được viết từ vùng Trung Đông nên bị ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng cũng như cách diễn đạt ám định bằng ngôn từ, ngôn ngữ. Quý vị có biết Lâm Ngữ Đường, một người Hoa được sinh trưởng tại New York đã có câu nói thế nào không, “Bên Tây Phương không có đủ nhà tù để nhốt những người điên; trái lại, bên Đông Phương chúng tôi, có được người điên nào thì lại tuyệt đối kính trọng; chẳng hạn đức Giêsu, đức Thích Ca, hay Lão tử.”
- Nói rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, hay nói rằng con người là hình ảnh của Thiên Chúa thì cũng thế, hoặc Thiên Chúa hiện thể nơi con người cũng vậy, và Thiên Chúa nhập thể thành con người cũng không sao. Nơi đạo học Đông Phương, linh hồn được quan niệm Thượng Đế nội tại. Linh hồn nhập thể vào thân xác, hay Thượng Đế nhập thể nơi con người nào có chi khác biệt. Hơn nữa, nếu bình tâm suy nghĩ, Thiên Chúa là sự sống, là chính sự hiện hữu, thì tất cả mọi sự, từ tư tưởng, lời nói, hành động đều là diễn trình biến chuyển của Thiên Chúa nơi thực tại vĩnh cửu.
- Thử đặt câu nói, “Cái bóng của Thượng Đế là quỷ vương,” hoặc, “Thượng Đế và quỷ vương là một,” vào thực trạng của mỗi người chúng ta. Ai không mang những sự thánh thiện, tốt lành; đồng thời, hồi tâm đối diện chính mình, ai không thấy nơi phương diện nào đó mình quá bết bát, tồi bại. Ai không mang tính chất một vị thánh sống và tham vọng, ước muốn của một con quỷ lẫn lộn. Nói đúng ra, chỉ những ai thực sự chân thành đối diện chính mình mới nghiệm ra được.
- Tôi được sai về đây với nhiệm vụ chính xứ và nhiệm vụ là mục vụ và phụng vụ, nhưng mục đích chính của riêng tôi là làm sao để dân Chúa suy nghĩ, sao cho lời phúc âm, lời Chúa thẩm thấu tâm hồn mọi người hầu thăng tiến trên hành trình đức tin, hành trình tâm linh. Mọi công việc, mọi hoạt động nơi giáo xứ, nói cách khác, mọi nhiệm vụ điều hành giáo xứ, phát triển các tổ chức hội đoàn, sinh hoạt chung của giáo xứ, đều nằm trong tay quý vị. Quý vị muốn giáo xứ của quý vị thế nào, đều tùy thuộc mọi người. Cho tới ngày nay, giáo xứ của chúng ta còn đứng vững cũng do mọi người chung tay, góp sức. Thế nhưng, nhận thức của dân Chúa về thực thể chính mình, về Thiên Chúa, về sự liên hệ của Chúa với con người thì cũng chẳng khác gì cả ngàn năm trước, không thăng tiến mảy may, mà coi chừng, nếu xét theo phương diện đạo đức thì lại còn tệ hơn do ảnh hưởng quá nhiều quan niệm, chủ thuyết nhân sinh.
 
- Dĩ nhiên, không ai có thể đoan chắc ý Chúa thế nào như Thomas Aquinas đã nói, “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói được gì về Ngài; thế nên, tất cả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa chỉ là tưởng tượng.” Thực tâm đối diện với lòng, cũng không ai thực sự biết được mình từ đâu tới và cũng không thể biết cuộc đời mình sẽ biến chuyển ra sao do đã không dám hồi tâm nhìn lại chính mình. Lý do thì thật đơn giản, chúng ta thông minh, giỏi giang về nhiều phương diện sống vì quen suy tư, nghiệm xét, nhưng về phương diện tâm linh lại thường lãng quên, do không gì ảnh hưởng đến cuộc đời hữu vi, thế tục, cũng chẳng gì liên hệ tới cơm áo, gạo tiền.
 
- Thưa cha, lại cũng ông phó chủ tịch lên tiếng, cha đã không biết ý Chúa thế nào nhưng lỡ Chúa chỉ muốn cho dân Chúa an vui với cuộc sống bình thường thì sao.
- Đâu phải phi lý mà phúc âm có phán quyết, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Nếu so sánh quý vị, nói chung, dân Chúa, hay là giáo dân và tôi, thì có chi khác biệt giữa dân Do Thái ngày xưa với tầng lớp Biệt phái và Ký lục đâu. Mà phúc âm đâu được viết riêng cho họ. Thực ra, để tâm nhận định, phúc âm được viết về trạng thái tâm linh của mỗi người chúng ta, bây giờ và nơi đây. Thử hỏi, lý do gì để quý vị yêu cầu tôi nên có thêm buổi hội luận tối nay thay vì ở nhà nghỉ ngơi sau một ngày làm việc? Phỏng đó không phải do lòng khát vọng tiềm ẩn nơi mỗi người, muốn nhận biết về chính mình khi nghe tôi đặt vấn đề về linh hồn, về Thiên Chúa và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người sao. Bộ quý vị có thể nghĩ chỉ quý vị mới muốn thỏa mãn nỗi thao thức này thôi ư? Nói cho đúng, dân Chúa, ai cũng như ai, đều mang nỗi khát vọng, nỗi thao thức bẩm sinh này, nhưng vì cuộc sống nhân sinh muôn bề phiền hà, trắc trở, mỗi ngày một dồn đọng, che lấp, nhấn chìm khát vọng tâm linh nơi mỗi người. Đâu phải phi lý mà người ta e sợ bị phạt sau này vì những lỗi lầm thế nhân. Nơi phúc âm nói về tội phạm đến Thánh Thần như tôi đã nhắc tới, “Bởi đó, Ta bảo các ngươi; mọi tội lỗi và lộng ngôn sẽ tha được cho người ta; còn lộng ngôn đến Thần Khí sẽ không tha được. Và ai nói nghịch đến Con Người; điều đó sẽ tha được cho người ấy; còn ai nói nghịch đến Thánh Thần; điều ấy sẽ không tha được cho người ấy, thời này cũng như thời sẽ đến” (Mt. 12:31-32; Mc. 3:28-30; Lc. 12:10). Không suy nghĩ, suy tư về tâm linh thì sao có thể biết thực thể thực sự của mình là thế nào, làm sao biết linh hồn mình là chi, biết Thiên Chúa ra sao nơi cuộc đời mình.
- Thưa cha, nhưng lỡ suy nghĩ sai lầm thì sao?
- Như tôi đã nói, những tư tưởng phát hiện trong suy tư không đúng, không sai, ngoại trừ có ước muốn chiều theo hoặc nói ra. Tuy nhiên, muốn biết ý nghĩ, tư tưởng đó, hoặc sai lầm, hay có hợp lý, hợp tình không, lại cần những ý tưởng, những câu hỏi nghịch luận; vì con đường của nghịch luận là con đường của chân lý (Wilfrid Desan). Hơn nữa, mỗi lần nhận ra sai lầm thì lại thăng tiến thêm nhận thức. Mà có chi phải lo về suy nghĩ sai lầm, bởi nếu đóng cửa lại không cho một sai lầm nào lọt vào thì chân lý cũng sẽ phải đứng ngoài ((Rabindranath Tagore). Tôi vẫn nhớ đến lần gặp cha giám đốc đại chủng viện CTU vào năm thứ nhất thần học. Mỗi tuần, tôi thường lấy hẹn gặp ngài một tiếng đồng hồ dẫu tiếng Anh tiếng u của tôi ngọng trếu ngọng tráo, chẳng giỏi giang gì. Có lần, tôi nói với ngài là tôi e sợ bị rối đạo, bởi thấy nhiều ý nghĩ khác với những gì được viết nơi sách vở hay ngay cả trong phúc âm. Ngài nhìn tôi mấy giây và nhẹ nhàng nói;
- Thày nên nhớ một điều, những người rối đạo là những người tuyệt đối thông minh. Thày không thông minh đủ để có thể rối đạo, cứ việc suy nghĩ.
- Phỏng quý vị có thể nghĩ, tôi đặt vấn đề để hù quý vị, hay tôi muốn tỏ ra mình thế nọ, thế kia với quý vị chăng! Không có đâu! Hay, giỏi, hoặc dốt nát gì thì tôi cũng chỉ là tôi mà thôi. Nói cho đúng, nhiều sự việc, nhiều vấn đề trong cuộc đời này quý vị biết nhiều hơn tôi. Không nói gì cao vời, ngay sự hiểu biết về tâm tình của giáo dân nơi giáo xứ này, làm sao tôi hiểu họ hơn quý vị. Thử nhìn lại hai phòng học giáo lý và hai nhà vệ sinh cho các em. Nếu tôi đứng ra kêu thợ hoặc hãng xưởng làm nhà thì phải bao lâu mới xong và sẽ tốn hết bao nhiêu tiền. Rồi nào giấy phép, nào bản vẽ, nào kiến trúc sư, vân vân. Chẳng những thế, lại còn trình báo lên địa phận và rồi sẽ bị hạch hỏi lung tung. Tôi đâu được huấn luyện để làm nhà, để tỏ oai vọng với dân Chúa, mà chỉ để thi hành chức vụ mục vụ và phụng vụ. Thế nên điều ước ao của tôi chỉ mong sao dân Chúa để tâm suy tư, suy nghĩ về phúc âm sao cho nhận thức tâm linh thăng tiến. Tôi chỉ muốn xóa tội phạm đến Thánh Thần nơi mọi người mà thôi.
- Thưa cha, chị trưởng ban giáo lý lên tiếng, con thấy cha nhắc rất nhiều tới sự suy nghĩ, suy tư, nhưng suy gì thì suy, cũng cần ít nhất căn bản nhận thức, kiến thức, học thức, và tri thức. Giáo xứ bao gồm nhiều tầng lớp dân chúng, từ kỹ sư, bác sĩ, luật sư, xuống cho đến những người không học hành gì thì sao có thể thực hiện mơ ước xóa tội phạm đến Thánh Thần nơi mọi người. Chẳng nói gì nhiều, không hiểu những người khác như thế nào, ngay như con mãi cho tới bây giờ lần đầu tiên mới nghe được từ cha nói về tội phạm đến Thánh Thần là không suy nghĩ, suy tư về hành trình tâm linh, hành trình đức tin. Thử hỏi, không biết bao nhiêu lần, chúng con được nghe giảng giãi về mầu nhiệm Chúa ba ngôi, và lần nào thì cũng được nghe nói là mầu nhiệm không thể hiểu thấu. không chứng minh, giải thích gì được. Con đồng ý rằng, nhận thức của một người phát triển nhờ kinh nghiệm sống trong cuộc đời kinh qua; tuy nhiên, những người có cuộc đời ít thay đổi, ít biến chuyển, ít phát triển, chẳng hạn nơi miền dân quê nên kinh nghiệm sống chẳng nhiểu thì nhận thức nghèo nàn hơn những người luôn phải đối diện với những biến động khác thường trong cuộc đời. Thế thì đâu là nguyên tắc căn bản cho suy tư, suy nghĩ tâm linh có thể phù hợp cho mọi người, mọi giới, mọi tầng lớp dân chúng?
- Chị đang gặp phiền phức với câu phúc âm nào, có thể nói cho mọi người biết được không?
- Thưa cha, phiền phức với phúc âm thì con gặp nhiều chứ không phải một câu. Phúc âm nói gì đâu những điều không ai chấp nhận được mà cứ cho là lời Chúa. Lời Chúa là lời hằng sống mà không thể sống được, không thể áp dụng vào cuộc đời được. Chẳng hạn câu phúc âm, “Nếu mắt ngươi làm cớ ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:9), hoặc, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37). Thưa cha, thật nực cười, con xin lỗi nói thẳng thắn, có sao nói vậy chứ không đả kích, phê phán bất kỳ ai.
- Chị cứ nói thẳng, chẳng có gì phải e ngại. Cha Lành khuyến khích.
- Thưa cha, con đâu thấy các cha, các giám mục, hoặc các vị vị vọng trong giáo hội có ai chột mắt, cụt tay; chẳng lẽ các vị đó không bao giờ phạm tội, hay chỉ rao giảng lời Chúa mà không thực hành. Thế sao báo chí đăng đây đó thế nọ thế kia. Như vậy, không cần phải xét đoán, chính ngay sự hiện diện với những hình thể toàn mỹ của họ cũng chứng minh sự lừa đảo, rao giảng một đàng, sống một nẻo. Ngay chính như con, nếu áp dụng lời phúc âm nơi cuộc đời, con chắc chắn là chột mắt, cụt tay rồi. Phúc âm nói những điều không tưởng. Hơn nữa, sao có thể yêu Chúa hơn yêu cha mẹ được. Chẳng lẽ phúc âm dạy con bất hiếu? Phúc âm dạy không hợp tình, hợp lý chút nào hết.
- Không phải một mình chị đặt vấn đề như thế đâu mà mọi người. Đây có thể là lý do tại sao phán quyết đối với Ký lục và Biệt phái được viết nơi phúc âm. Phúc âm được viết nơi miền Trung Đông, tất nhiên bị ảnh hưởng rất nhiều lối trình bày đạo học của miền Đông Á chẳng hạn như Lão học, Phật học, Ấn học. Phúc âm bao gồm những câu nói và dụ ngôn đại khái dùng lối nói, diễn xuất ám định, dùng sự việc hữu vi, thế tục để nói về diễn tiến, trạng thái tâm tư, hoặc kết quả, thành quả suy tư như những đề mục cho người đọc hay nghe suy tư, suy tưởng. Ngôn từ được dùng trong phúc âm thì nói một đàng, ý một nẻo, đại khái được gọi là ý tại, ngôn ngoại, nhưng tất cả nói về diễn tiến hay trạng thái tâm hồn người đọc hoặc người nghe chứ không phải sự thực hành hữu vi, thế tục. Sự thể được nhắc đến cần suy nghĩ, suy tư để cảm nhận mà thánh Phao lô gọi là nghiệm xét. Sự nghiệm xét này không lệ thuộc kinh nghiệm, hiểu biết, tri thức, học thức, hoặc địa vị của một người dẫu chúng là phương tiện cho suy tư nhận thức.
- Đọc nơi Tân Ước, chị thấy thánh Phao lô khuyên, "Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào" (1Thes. 5:19-22). Thần Khí thì ở nơi mọi người như chúng ta được biết ở thư thứ nhất gửi cộng đồng Corinthians, “Anh em không biết sao, anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor. 3:16). Đừng dập tắt Thần Khí có nghĩa hãy suy nghĩ, suy tư, đặt vấn đề. Chớ khinh thị các ơn tiên tri là đừng coi thường suy tư, ý nghĩ, tư tưởng của mình. Nghiệm xét mọi sự nói lên tất cả mọi khía cạnh, trạng thái nơi mình. Những tư tưởng, suy tư hợp tình, hợp lý trong suy nghĩ được gọi là điều lành, và tất cả những gì không hợp tình, hợp lý, không thể chấp nhận được đều là điều dữ. Có một điều nên để ý đó là mình suy tư thì chính mình làm chủ, chính mình đưa ra phán quyết mọi sự. Tư tưởng phát hiện trong suy tư không đúng, không sai, chẳng phải, chẳng trái, chúng hiện hữu.
- Thưa cha, nếu mình suy nghĩ sai lầm thì sao. Chị trưởng ban giáo lý hỏi tiếp.
- Chị quên ông phó chủ tịch đã hỏi câu này rồi sao? Chẳng có gì được gọi là sai lầm khi suy tưởng. Những tư tưởng chúng hiện hữu. Vấn đề chỉ là hợp tình hợp lý hay không. Nếu không, vứt ngay, cho dù hay ho hoặc lớn lao thế nào. Sự thể mà tôi gọi là điều kiện tâm trí khi suy tư được thánh Phao lô nhắc nhở, "Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô" (Col. 2:8). Khi suy tư, mình là chủ thể, Chúa cũng không đụng vào được. Lúc ấy, chúng ta sử dụng tự do tuyệt đối, không lệ thuộc bất cứ gì cho dù lý thuyết hay chủ thuyết nào.
- Thưa cha, theo đức Kitô là theo làm sao?
- Theo đức Kitô là suy tư, nghiệm xét những câu ngang ngang, ngửa ngửa nơi phúc âm; chẳng hạn như hai câu chị vửa nhắc tới với điều kiện tâm trí tuyệt đối tự do, miễn sao cho hợp tình hợp lý một cách chân thành. Đặt mình vô những vai trò của câu nói và diễn xuất trong nhiều bối cảnh hoặc tâm trạng để nhận thức điều ám định của câu nói hay dụ ngôn. Tôi thử đưa ra một thí dụ. Nào, chúng ta thử nghiệm xét câu phúc âm nơi Marcô, “Sau khi Gioan (Tẩy giả) đã bị nộp, thì đức Giêsu đến xứ Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa mà rằng, ‘Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng’” (Mc. 1:14-15). Quý vị đã nghe mòn tai về câu này rồi phải không và có bao giờ quý vị đặt vấn đề về câu này không?
- Thưa cha, ông phó chủ tịch lên tiếng; câu này có gì mà phải đặt vấn đề; ai cũng có thể hiểu được mà.
- Vậy Nước Thiên Chúa là gì? Đã gần bên là thế nào? Hối cải thì nghĩa là chi, áp dụng ra sao? Và cuối cùng Tin Mừng là gì? Ông nói ai cũng có thể hiểu thì hiểu điều gì?
 
Thế là mọi người trong hội đồng giáo xứ ngớ ra. Câu phúc âm quá bình thường, đại khái chỉ đơn giản giới thiệu thời điểm đức Giêsu đến Galilê bắt đầu rao giảng, đến khi cha Lành phân tích thành từng phần lại trở thành muôn sự phải đặt vấn đề; nào là Nước Thiên Chúa, nào đến, đi, nào hối cải, rồi áp dụng, và lại thêm Tin Mừng đức Giêsu rao giảng. Tin Mừng là Tin Mừng, sao lại bày ra Tin Mừng đức Giêsu rao giảng!
- Thưa cha, ông phó chủ tịch im lặng ngẫm nghĩ chừng vài chục giây nói,
- Thưa cha, cha nói đúng, cần suy tư, đặt vấn đề nhưng,
- Có phải ông muốn nói đến những người ít hiểu biết thì sao có thể suy tư, nghiệm xét phải không? Tôi nghĩ, coi chừng những người ít hiểu biết lại hợp với điều kiện tâm trí như thánh Phao lô đề nghị, "Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô" (Col. 2:8). Tôi không biết từ đâu thánh Phao lô nhận thức được điều kiện tâm trí này. Nhưng đọc nơi Phật học, đạo học có trước phúc âm ít nhất 500 năm; tính là 500 nghĩa là đã được viết thành kinh sách. Nơi Phật học có câu, “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” rất đồng nghĩa với điều kiện tâm trí khi nghiệm xét như thánh Phao lô đề nghị. Điều này có nghĩa, khi suy tư về một vấn đề tâm linh, không lệ thuộc vào bất cứ gì. Nói cách khác, chỉ đối diện với vấn đề. Tâm trí tuyệt đối tự do. Càng ít hiểu biết, tâm trí càng ít bị lệ thuộc.
- Như vậy, càng nghe giảng giãi thì lại càng bị lệ thuộc phải không thưa cha?
- Ông nói đúng. Đó là lý do, là nguyên nhân tại sao có lời phán quyết về Ký lục và Biệt phái, khóa cửa Nước Trời, chận người ta lại. Cha Lành nhẹ nhàng giải thích.
- Thưa cha, thế sao giáo hội khuyến khích rao giảng phúc âm.
- Rao giảng chứ không phải giải nghĩa, giải thích, giảng giãi. Và chính vì giảng là giải thích diễn trình suy tư chứ không phải giải thích, giải nghĩa câu nói phúc âm. Giải thích về thực phẩm có giúp người ta no bụng được không? Giải thích về lợi ích của nước có khiến ai hết khát không? Thế nên, giải thích là chỉ cho người ta kiếm đâu ra thực phẩm để ăn cũng như nước ở đâu để họ đi lấy mà uống. Muốn no bụng phải ăn thực phẩm; muốn hết khát cần uống nước. Như vậy, muốn cảm nhận, muốn nhận thức phúc âm cần suy tư, nghiệm xét. Đây cũng là lý do tại sao tôi phải tìm cách khuyến khích dân Chúa suy nghĩ, suy tư, và quý vị đã đề nghị chỉ nên nêu những câu hỏi để họ đặt vấn đề.
- Cha giải thích như thế thì xưa nay chúng con đã không bao giờ suy nghĩ về phúc âm, mà có chăng chỉ tưởng rằng nghe giảng nghĩa về phúc âm là đủ, là hoàn thành nhiệm vụ người có đạo.
- Thực tâm mà nói, tôi nhận thấy, chưa kịp nghe giảng thì đã vội quên rồi ấy chứ. Chẳng may mà nhớ thì lại không thể nào áp dụng vào cuộc sống được. Quý vị có cho là tôi nói không đúng chăng. Nếu quý vị cho là tôi nói sai thì minh chứng coi, vì ai cũng lành lặn giống như chị trưởng ban giáo lý nhận định. Tôi biết, có lẽ quý vị thấy tôi cũng chỉ là một người tỵ nạn từ quốc gia thứ ba tới đất nước này, ăn nói còn chưa được lưu loát nên tưởng rằng đề nghị thực nghiệm đối diện với chính mình là điều không cần thiết nên đa số đã không thử bởi cho rằng mình đã biết rõ về mình hơn ai hết. Nếu tôi không lầm, ít nhất ông phó chủ tịch đã thử; có phải ông đã chẳng ngờ không. Nói cho đúng, ông nghiệm được sự mới lạ, nghiệm được nhưng không thể nói ra được chẳng khác gì nơi Lão học có câu, “Người biết không nói, kẻ nói không biết.”
 
Mọi người cười mỉm, chợt cảm thấy vui vì câu nói ngớ ngẩn cha Lành vừa nói ra. Chính ngài đang nói mà lại bảo rằng “Người nói không biết” thì không ngược ngạo là gì? Thế mà cũng dám nói; ai không nghĩ thế. Cha Lành biết họ đang cảm thấy thế nào; tuy nhiên ngài không lạ gì; vì chính ngài đã bị câu này luẩn quẩn nơi tâm trí mười một năm trời mới nghiệm ra được; bởi thế, ngài nói tiếp,
- Hay là mọi người thử suy tư về câu, “Người biết không nói; kẻ nói không biết,” xem sao.
- Sao cha lại nói, “Người nói không biết?” Không biết sao có thể nói, thưa cha.
- Đây là câu nói nơi Lão học, ngang ngửa chẳng khác gì câu phúc âm, “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta không dáng là môn đệ Ta,” hay câu, “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà vất nó đi.” Có phải đầu óc quý vị rối mù rồi không? Lời Chúa đâu phải thứ được đem ra rao bán như những gói mì ăn liền. Tuy nhiên, xưa nay đã bị giảng giãi theo nghĩa từ chương dưới quan điểm luân lý, đạo đức nhân sinh, thế tục, nên đã chặn đường suy nghĩ, suy tư, nghiệm xét của dân Chúa.
- Thưa cha, cha nói đóng các vai trò, tâm trạng trong câu nói nghĩa là sao? Chị trưởng ban giáo lý hỏi.
- Gia đình chị có mấy cháu?
- Dạ thưa cha ba, hai trai, một gái. Đứa gái lớn nhất 20 tuổi đang ở năm thứ ba đại học. Hai đứa con trai, một đứa 17, năm cuối trung học, và đứa nhỏ nhất 15 đang học lớp 10.
- Chúng nó học giỏi đó. Chị có yêu thương chồng chị và các con chị không?
- Cha hỏi lạ, không yêu thương chồng con thì yêu thương ai.
- Tôi muốn hỏi là chị biết chị yêu thương chồng con của chị không?
- Biết chứ thưa cha.
- Vậy chị có thế nói cho bất cứ ai đang hiện diện nơi đây để họ hiểu được chị yêu thương chồng con chị thế nào không? Cũng như chị có thể giải thích để cho tôi hoặc bất cứ ai có thể yêu thương chồng con của chị như chị được không?
- Biết nhưng không nói được; càng nói, càng chẳng nói được gì. Người biết không nói, kẻ nói không biết. Đợi ít giây sau, cha Lành lên tiếng.
 
Mọi người ngỡ ngàng, không ngờ câu nói ngang ngửa, tức cười lại chính là tâm trạng nơi mình. Bởi đó, hình như họ cảm thấy cha Lành có gì khác thường. Ăn nói thoải mái, thẳng thắn nhưng lãng đãng đâu đâu khó nắm bắt, dẫu nói về những điều rất thực tế. Hiểu thì hiểu được mặc dầu cứ cảm thấy chẳng hiểu được gì. Lạ kỳ, thách đố, khuyến khích nhưng không biết thực sự mình đã biết được gì.
- Thưa cha, ông phó chủ tịch lên tiếng; nghe cha nói con hiểu cha muốn nói gì; hình như cha khuyến khích chúng con suy nghĩ, suy tư, nhưng chúng con lại chẳng biết suy tư thế nào. Nói cách khác, con hiểu nhưng tự hỏi hiểu gì thì lại chẳng biết mình hiểu gì. Lạ kỳ, nói cho đúng, con cũng chẳng biết mình nói gì nữa.
Mọi người cười vì thấy ông ta nói có vẻ ngớ ngẩn, nói rằng hiểu nhưng lại chẳng hiểu gì, nói một hồi, lại cũng chẳng biết mình nói gì.
- Tôi nói về cách thực hành suy tư, nghiệm xét; mà ông không suy tư, nghiệm xét, thì có gì đâu mà hiểu, có gì đâu mà nói. Và nếu ông suy tư, nghiệm xét về một vấn đề gì thì nhận thức của ông cũng không phải là nhận thức của tôi; tất nhiên, nhận thức của tôi về vấn đề đó cũng không phải là nhận thức của ông.
- Cha nói sao, chị trưởng ban giáo lý hỏi, tại sao cùng một vấn đề hai người nhận thức khác nhau?
- Tâm tình, trạng thái yêu thương con chị không giống với bất cứ tâm tình của ai đối với con chị.
- Cha đang nói về tâm tình, tâm trạng, nhận thức chứ không phải hiểu biết, tri thức, hay học thức?
- Chị nói đúng. Phúc âm, lời Chúa nói về hành trình đức tin, hành trình tâm linh, về trạng thái, tâm tình của một người đối với thực thể hiện hữu, thực thể sự sống nơi mình, nơi mọi người, là chính Thiên Chúa.
- Cha nói sao, nói về Thiên Chúa nơi mình?
- Đúng, chị không nhớ phúc âm Gioan nói, “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống sao?
- Thưa cha, câu này thì ai không biết. Chúa Giêsu được sai đến chỉ đường cho chúng ta theo, Ngài chuộc tội, cứu độ cho mọi người mà?
- Phúc âm Gioan là thành quả của nghiệm xét, nghiệm chứng. Ngài là Thiên Chúa nên câu phúc âm đó được ghi “Ta” có nghĩa đức Giêsu, hay Thiên Chúa. Thế nên, nói rằng Ta là đường hay Thiên Chúa là đường, là sự sống, thì cũng có nghĩa Thiên Chúa là đường, là sự sống nơi mỗi người.
- Thưa cha, lại cũng ông phó chủ tịch lên tiếng; nói rằng Chúa Giêsu là đường, mình không phải là Chúa Giêsu, đâu có thể sống như Chúa Giêsu.
- Ông nói đúng. Cuộc đời này không ai được sinh ra giống ai thì cũng không ai có cuộc đời giống bất cứ ai. Chúa Giêsu có cuộc đời của Ngài; mình có cuộc đời của mình, sao có thể sống giống Ngài. Phúc âm chỉ đường cho chúng ta nhận thức về sự hiện diện và hoạt động của Chúa nơi cuộc đời của mình. Chúng ta thường được nghe nói “Theo gương Chúa Giêsu,” rồi hiểu nhầm là sống như Chúa Giêsu theo nghĩa hữu vi, hiện thực. Và vì mình được sinh ra khác biệt về thể chất, thời điểm, hoàn cảnh, nên không thể có cuộc đời diễn biến như cuộc đời Chúa Giêsu; do đó, sống theo gương của Chúa Giêsu có nghĩa nhận thức lời Chúa, nhận thức lời Ngài giảng dạy, nhận thức lời Ngài rao giảng, nhận thức Tin Mừng.
- Thưa cha, Tin Mừng là phúc âm thì sống theo phúc âm tức là sống lời Chúa, sống Tin Mừng thì… thì…; ông phó chủ tịch ngập ngừng.
- Thì sao, ông sợ bị chột mắt, cụt tay hay sao? Cha Lành hỏi?
- Không thể được, thưa cha; như vậy, đâu ai có thể sống theo lời Chúa, lời phúc âm.
- Không sống theo lời phúc âm sao có thể theo Chúa Giêsu, sao có thể được cứu rỗi? Xét như thế, xưa nay chúng ta chỉ hô lên, tuyên xưng những thành ngữ, ngôn từ; mà lòng chúng ta không biết, không hiểu gì; có thể nói, chúng ta đã tự biến thành những máy ghi âm, chỉ biết lặp đi lặp lại những ngôn từ, danh hiệu, hay thành ngữ. Đây là kết quả của thiếu suy tư, thiếu nghiệm xét, vẫn luẩn quẩn trong tội phạm đến Thánh Thần.
- Thưa cha, thế sống theo phúc âm là sống thế nào?
- Phúc âm được viết theo lối gom góp các câu nói khôn ngoan cùng với dụ ngôn rồi dàn trãi thành câu truyện cuộc đời của đức Giêsu. Nếu để ý và đọc một vài kinh sách của đạo học Đông Phương, chúng ta thấy, nơi Lão học, cuốn Đạo Đức kinh, có câu nói, “Kẻ đến trước sẽ trở nên cuối cùng.” Trong phúc âm Matthêu cũng có câu, "Nhưng có nhiều kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết, và có những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết" (Mt. 19:30). Thử nhận định sự việc sẽ thấy, bất cứ công việc nào lần đầu tiên mình thực hiện, kết quả rất không được hài lòng, nhưng sau cả ngàn lần thực hiện, kết quả sẽ tuyệt vời nhất. Phúc âm cũng như các kinh sách đạo học, nói về hiện trạng, trạng thái nào đó chứ không nói về hữu vi. Kết quả của suy tư, nghiệm xét chính là nhận thức, chứ không liên hệ chi tới cơm áo, gạo tiền. Chính sự nhận thức sẽ ảnh hưởng, thay đổi lối sống của chúng ta.
- Thưa cha, thế câu, “Đừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất. Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình, và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt. 10:34-36), ngược với tất cả lời dạy của giáo hội thì phải suy tư, nghiệm xét thế nào. Con bỏ công tới thư viện đại chủng viện Notre Dame ở Louisiana, lục đủ mọi loại sách chú giải Kinh Thánh, ngay cả nơi cuốn Matthew của bộ Anchor Bible, cũng không thể nào kiếm được giải đáp có thể chấp nhận được. Chị trưởng ban giáo lý giãi bày.
- Tôi nhắc lại, tôi chỉ có thể nói về sự thực hành, thực nghiệm, chứ không muốn giải thích; vì sự giải thích sẽ giết chết hay chặn suy tư, suy nghĩ của quý vị. Bằng chứng là dù chỉ đặt vấn đề để quý vị trả lời cũng không giúp ích chi, chỉ khiến quý vị tưởng là đã hiểu, nên không suy nghĩ về vấn đề đó nữa. Sự suy tư, nghiệm xét cũng giống như hành động ăn uống. Không ai có thể ăn uống dùm cho ai, cũng như không ai có thể giải thích để người khác có thể nhận thức. Phương pháp suy tư, nghiệm xét, như tôi đã nói, là đóng vai trò nào đó nơi câu nói hay dụ ngôn để nhận biết trạng thái nào xảy đến nơi tâm tư mình. Tất cả các vai trò đều được diễn ra trong tâm tư thế nên cần suy tư, nghiệm xét mới có thể nhận biết được.
- Chị muốn biết câu này nói gì, hãy đóng vai diễn viên nào đó trong câu nói. Thí dụ, nàng dâu và mẹ chồng. Nàng dâu chống đối mẹ chồng. Cứ coi mẹ chồng là người tốt lành. Điều gì tốt lành nơi chị bị điều gì làm phiền hà, ngăn cản. Người ta với cha mình; kẻ thù của người ta là người nhà mình. Những điều này đại diện cho những gì nơi tâm tư một người. Người nhà mình là người được mình yêu mến, gắn bó; vậy điều gì nơi tâm tư mình khó thể dứt bỏ; điều gì mình mơ ước? Xét như thế, mình đang đối diện với cuộc chiến nội tâm, giữa điều mình ước muốn tốt lành và những gì mình gắn bó, khó thể dứt lìa. Muốn có tiền thì bớt tiêu tiền. Vừa muốn có tiền, vừa thích có xe sang, đắt giá thì phải quyết định thế nào? Ước mơ theo Chúa nhưng không suy tư, nghiệm xét thì sao có thể nhận thức?
- Không ai có thể giải thích; không sách vở nào có thể viết về tâm tình của chị; thế nên, muốn biết cần phải suy tư, đối diện trận chiến nơi lòng của chị. Chị có biết chị muốn gì khi đọc câu phúc âm này không? Cái bình an mà chị muốn là điều làm hài lòng chị; vậy điều gì là gươm giáo, ngăn cản, làm trắc trở nỗi an bình mơ ước của chị.
- Thế nên, cần suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ, đặt vấn đề và suy tư, suy nghĩ để giải quyết. Nơi diễn tiến suy tư, suy nghĩ này không để bất cứ gì ảnh hưởng. Suy tư, suy nghĩ, nghiệm xét mọi mặt, mọi khía cạnh của vấn đề, như thánh Phao lô đề nghị, "Đừng dập tắt Thần Khí! Chớ khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào" (1Thes. 5:19-22), với điều kiện tâm trí, "Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô" (Col. 2:8).
 
- Thưa cha, theo đức Kitô là theo thế nào vì mình đâu sống trong điều kiện như nơi thời đại của đức Kitô? Chị trưởng ban giáo lý chăm chú nghe nên tiếp tục lên tiếng hỏi.
- Muốn theo đức Kitô cần biết Tin Mừng Ngài rao giảng. Thế chị đã biết đức Kitô rao giảng gì chưa. Nếu chưa, suy nghĩ, tìm biết cho được Ngài đã rao giảng điều gì. Lần trước, tôi đặt vấn đề về linh hồn, thế chị đã biết linh hồn của chị là gì chưa, nó liên hệ thế nào đến cuộc đời của chị. Thêm vào đó, những vấn đề được đặt ra từ câu phúc âm Marcô, chị đã nghiệm được chút nào chưa. Nước Thiên Chúa là gì, Thiên Chúa là gì, “Đã gần bên” là thế nào? “Hối cải” về chuyện gì và tin vào Tin Mừng là tin thế nào và tin vào điều chi. Rồi nữa, hàng loạt câu nói ngang ngửa cần được nghiệm xét; chẳng hạn, “Nếu mắt ngươi làm cớ ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:9), hoặc, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 30:37), hay, "Kẻ vừa tra tay vừa cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa!" (Lc. 9:62), “Hãy để kẻ chết chôn người chết của chúng” (Mt. 6:22; Lc. 9:60). Chị có nhớ dụ ngôn “Người thanh niên giầu có” không? Phúc âm viết, “Đức Giêsu đáp lời người ấy: ‘Nếu ngươi muốn được trọn lành thì hãy đem bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta’” (Mt. 19:21-24; Lc. 18:22) Chị có muốn theo đức Kitô không? Có dám bán nhà cửa, gia tài để theo Ngài không? Tôi hỏi cho vui theo nghĩa từ chương thế thôi. Trong suy tư, suy nghĩ, nghiệm xét thì những gì người ta có chính là kiến thức, tri thức, học thức. Chị đã thấy câu này có nghĩa giống như điều kiện tâm trí mà thánh Phao lô đề nghị chưa, “"Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian, chứ không theo đức Kitô" (Col. 2:8)?
- Nói nhiều cũng vô ích, vì có nói cũng chẳng nói được gì. Tôi thử nhắc tới câu phúc âm có lẽ ai cũng biết để chúng ta thực tập suy tư. Đó là câu, “Ta lại bảo các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Trời” Mt. 19:24; Le. 18:24). Đại khái, chúng ta thường hay nói, “Người giầu có khó vào nước thiên đàng hơn con lạc đà chui qua lỗ kim.” Ai có ý kiến gì không?
 
Cha Lành nói xong, từ từ đúng lên tiến tới bàn cà phê, rót một ly rượu đỏ đem về chỗ ngồi thinh lặng nhâm nhi. Chừng vài phút sau, ông trưởng hội Legio lên tiếng,
- Thưa cha, theo thiển nghĩ của con, hình như có điều gì lắt léo nơi câu phúc âm này. Con tìm đọc tương đối cũng nhiều bài viết bàn luận, giải thích, và lên net đọc cũng như nghe trên youtube nhưng vẫn không đưa ra được kết luận làm thế nào để áp dụng câu phúc âm vào cuộc đời mình. Giầu có thì nếu so sánh với những người sống nơi vùng Phi châu và các nước thứ ba trên thế giới; tất nhiên đại đa số người nơi các nước phát triển đều được coi là thuộc loại giầu có. Dĩ nhiên, con cũng thuộc loại giầu có; mà giầu có đâu phải là cái tội đáng bị luận phạt.
- Tôi muốn nhắc lại; phúc âm được viết để khuyến khích chúng ta suy nghĩ, nghiệm xét hầu thăng tiến nơi hành trình đức tin, hành trình nhận thức dẫu dùng những sự việc, sự thể thế tục. Như tôi đã nói lúc nãy, không ai có thể giúp mình nhận thức và phương pháp nhanh nhất là đóng vai trò nào đó nơi câu nói để nhận định. Tôi có thể nhắc tới thêm một câu phúc âm, có thể chỉ làm hại sự suy tư của quý vị, dẫu phụ giúp cho quý vị suy tư, nhưng đồng thời coi chừng chặn đứng nhận thức. Quý vị nghĩ thế nào? Ai không đồng ý, làm ơn giơ tay.
 
Và một cánh tay giơ lên, chị phó ủy ban giáo lý. Chị này còn khá trẻ, độ hơn kém 40, khiến mọi người đưa mắt hướng về phía chị ta với vẻ ngạc nhiên.
- Có phải chị đang thắc mắc với câu phúc âm, “Gia tài của ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi cũng ở đó,” cha Lành lên tiếng.
- Sao cha biết?
- Vì tôi là linh mục. Cha Lành cười nhẹ diễu.
- Đâu có cha nào giảng đúng điều con đang suy nghĩ bao giờ!
- Có phải chị không đồng ý với câu đó vì có thể ngôn từ “Gia tài” thời phúc âm được viết mang nghĩa khác phải không? Thế nó có thể mang nghĩa gì?
- Con chỉ đặt vấn đề, hiện giờ, lòng dạ con đang ở đây chứ không phải ở căn nhà hay chiếc xe hoặc tiền tài nơi nhà băng; nên câu nói không đúng hiện trạng lòng dạ con.
- Vậy chị có thể hiểu như thế nào?
- Gia tài có thể là ý định, ước muốn, nên có thể nói, ý định, ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi cũng ở đó.
- Rồi sao nữa? Cha Lành hỏi.
- Con muốn thử ráp nối với câu “Người giầu có khó vào nước thiên đàng hơn con lạc đà chui qua lỗ kim,” được không cha?
- Trong suy tư, chị là chủ, Chúa cũng không đụng đến được, và bất cứ tư tưởng nào xuất hiện cũng không đúng, không sai. Chúng hiện hữu.
- Vậy thì phải được hiểu câu phúc âm thành, “Người ước muốn giầu có của cải, danh vọng thế tục thì khó vào nước thiên đàng hơn con lạc đà chui qua lỗ kim; vì ước muốn của người ta ở đâu, thì lòng dạ cũng ở đó,” mới hợp lý, hợp tình, và mới có thể chấp nhận được.
- Phỏng còn thiếu nhận thức nào nữa không? Cha Lành hỏi.
- Cha nói đúng, cần được giải thích về ước muốn phát xuất từ linh hồn, và khi thân xác này qua đi, linh hồn tiếp tục theo đuổi ước muốn, ước mơ, tham vọng khi còn sống.
- Cảm ơn chị đã suy tư, nghiệm xét. Tôi có câu hỏi đơn giản; chị cảm thấy thế nào khi giải nghiệm được câu này, và chị có thể chia sẻ cho mọi người nghe được không?
- Con cảm thấy thích lắm, hãnh diện nữa vì nhận rõ được một điều là phúc âm viết vậy nhưng không phải vậy mà thách đố người ta suy nghĩ, đặt vấn đề. Cha có nhớ không, khi cha nói phúc âm không được viết để giải nghĩa mà khuyến khích, thách đố con người suy tư, nghiệm xét, con thấy cha nói nghịch lại sự việc giáo hội xưa nay khuyến khích dân Chúa rao giảng phúc âm. Xin lỗi cha, con nói thật với lòng. Thế rồi, hết lần này đến lần khác cha cứ đặt vấn đề làm cách nào để khuyến khích dân Chúa suy tư, nghiệm xét; xin lỗi cha, con cảm thấy cha chừng như quá cấp tiến, nếu không muốn nói là chống nghịch lại giáo hội. Giáo hội dạy, chúng ta phải tin với giáo hội mà cha lại muốn khuyến khích mọi người suy tư, suy nghĩ thì làm sao có thể hiệp nhất đức tin, hiệp nhất trong đức Kitô được. Hơn nữa, con là một ủy viên giáo lý, dạy các em phải tin với giáo hội, dạy các em những điều phải tin, mà giờ lại khuyến khích các em suy nghĩ thì sao mà ăn mà nói. Cha và mọi người cũng biết, trẻ em có rất nhiều sáng kiến không ai có thể ngờ; chúng có những câu hỏi kỳ cục khó thể tưởng tượng được, mà bây giờ lại khuyến khích chúng phát triển suy tư thì thà rằng bảo chúng làm loạn coi chừng dễ giải quyết hơn. Nói cho chúng biết đừng nghịch với lửa, chúng không tin, giải thích thế nào cũng không được, mà muốn thử, đến khi phải bỏng mới kêu cha kêu mẹ vì sợ chết. Bất cứ sự gì cũng muốn thử thì khuyến khích suy nghĩ tất nhiên, chẳng khác chi khuyến khích chúng thử bất cứ sự gì.
 
- Thế đặt vấn đề về câu nói, “Gia tài của ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi cũng ở đó,” có phải chị đã sử dụng tính chất trẻ con phần nào còn sót lại nơi mình để nghi ngờ lời Chúa; chị không sợ à?
- Con đâu nghi ngờ lời Chúa, con thấy không hợp với thực trạng tâm tư của mình nên đặt vấn đề thôi. Đàng khác, cha lại giải thích, trong suy tư, những ý nghĩ, tư tưởng, những gì phát hiện không đúng không sai nên con mới đặt vấn đề lòng mình thế nào lúc này thì mới nhận ra đã không để ý gì tới gia tài mà là ước muốn, ý định. Nhưng, nhận biết như thế, con lại bị dồn vào ngõ bí không phương xoay xở; bởi nó đâu liên hệ gì đến người giầu có, chẳng những giầu có tiền bạc mà còn giầu có về học thức, tri thức, kiến thức; nhất là khi nghe ông chủ tịch hội Legio so sánh cuộc đời của những người sống nơi các nước tiên tiến như chúng ta với cuộc sống nơi các nước thứ ba; con lại càng cảm thấy câu phúc âm phi lý hơn. Hơn nữa, đã biết bao lần nghe giảng giãi về câu phúc âm không hợp tình hợp lý này, con thấy có cha thì lên án người giầu; có cha thì khuyên giáo dân ăn ở cho ngay thẳng chẳng nên tham lam; lại có cha khuyên nên giúp đỡ người nghèo, thế nọ, thế kia, chẳng cách nào chấp thuận được.
- Như vậy, chị đã đặt vấn đề về sự áp dụng của câu phúc âm nơi mình từ lâu?
- Vâng, thưa cha; ít nhất con nghĩ, ngay cả trước khi con lập gia đình; mà con gái lớn nhất của con năm nay đã 17 tuổi rồi. Thưa cha, cho con hỏi thêm, vậy câu chuyện dụ ngôn “Người Samaritan tốt lành” có thể tìm câu nào để giải quyết thái độ vô tình, à không phải, thái độ vô cảm của vị tư tế và luật sĩ một cách hợp tình, hợp lý không. Bởi, ngay như mỗi lần lái xe ngang qua nơi nào đó thấy người ăn xin mà không có gì cho họ, con cảm thấy lòng mình bất nhẫn sao ấy.
- Có phải mọi người lúc này phần nào đã nhận ra lời phúc âm, lời Chúa được viết vậy nhưng ý nghĩa ám định không phải vậy phải không. Tôi nghĩ, niềm vui của mọi người khi nhận biết sự thể này cũng hơi khó diễn tả. Tuy nhiên, bởi vì tôi đặt vấn đề để dẫn dắt suy luận của quý vị hầu đưa đến nhận thức hợp lý, hợp tình, nên phần nào cũng chỉ như giải nghĩa; do đó, trường hợp này chẳng khác chi đọc một cuốn sách hay hoặc thưởng thức bức tranh đắc ý mà thôi. Tôi nói trước, nếu bất cứ ai trong chúng ta, tự giải đáp được bất cứ câu nào có vẻ vô lý, khó thể áp dụng trong cuộc sống sao cho hợp lý, hợp tình có thể chấp nhận được, người đó sẽ có được niềm vui tuyệt vời, và chính lúc đó, cánh cửa khôn ngoan của lời Chúa, lời phúc âm tự động rộng mở; đồng thời một nỗi an bình không thể diễn tả tràn ngập tâm tư như được ghi chép nơi phúc âm Gioan, “Ta để lại bình an cho các ngươi. Ta ban bình an của Ta cho các ngươi; không phải thế gian ban cho thế nào, thì Ta ban cho các ngươi như vậy đâu! Lòng các ngươi chớ xao xuyến, chớ nhát đảm” (Gioan 14:27). Riêng dụ ngôn “Người Samaritan tốt lành,” muốn nhận thức được ý nghĩa ám định của dụ ngôn này, cần đọc nơi sách Dân Số và sách Nhị Luật của bộ Kinh Thánh. Tôi chỉ có thể nói như thế chứ không muốn chặn đàng hiểu biết của bất cứ ai.
 
- Thưa cha, vậy những câu, “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi,” có thể kiếm giải đáp nơi sách nào?
- Câu này nói về diễn trình suy tư, nghiệm xét. Khi suy nghĩ về bất cứ câu nào hoặc dụ ngôn nào, hay câu nói nào nơi sách vở đạo học; tôi muốn nói về sách viết về đạo học chẳng hạn, Đạo Dức kinh, Nam Hoa kinh, kinh Kim Cang, kinh Viên Giác, kinh Đại Niết Bàn, Pháp Bảo Đàn kinh, hay kinh Badhga Gìta thường được gọi là Chí Tôn Ca, chứ không phải những sách vở viết về tôn giáo; câu trả lời ngay nơi tâm trí của quý vị. Chân lý hiện diện ở mọi nơi mọi chốn dưới mọi hình thức chứ không bị dành riêng nơi bất cứ phương diện nào. Chỉ cần tự mình suy tư, nghiệm xét được một câu, quý vị sẽ biết, nói ra không được. Có điều, như tôi đã đề nghị; về nhà, lúc thanh vắng, lấy một miếng giấy chia làm hai nửa từ trên xuống dưới, một bên chân thành, thực tâm viết tất cả mọi điều, mọi sự được coi là thánh thiện nơi mình từ ý nghĩ, thái độ, lời nói đến hành động, việc làm; bên kia viết tất cả những điều chính mình nhận thấy không nên không phải, sau đó đọc lại và mở rộng lòng chấp nhận mình đích thực như thế. Cứ làm thử, quý vị sẽ nhận biết thế nào.
- Thưa cha, có sách vở nào nói về những câu khác không? Ông phó chủ tịch lên tiếng.
- Như chị trưởng ban giáo lý nói, đã phải tới trường thần học Notre Dame ở Louisiana để kiếm giải đáp cho câu, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn ta không đáng là môn đệ Ta,” ngay cả nơi bộ sách Anchor Bible mà cũng không ai giải nghĩa, mà cứ chấp nhận nó theo nghĩa từ chương thì sao những học viên, những nhà chú giải Thánh Kinh có thể biết gì hơn. Nếu tôi không lầm, cho đến nay, không hiểu đã có luận án tiến sĩ nào được đệ trình về câu, “Ai có tai thì nghe,” hoặc, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta không đáng là môn đệ ta,” hay, “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi,” hoặc, “Kẻ nào cầm cày mà quay trở lại thì bất kham đối với Nước Thiên Chúa.” Như tôi đã nhắc nhở, Kinh Thánh, phúc âm được viết nơi miền Trung Đông, nhưng sự quảng diễn, phát triển được thực hiện bên Tây phương theo nghĩa từ chương, thiếu nghiệm chứng, nghiệm xét. Thế nên phán quyết về sự thể, sự việc này đã được nói lên từ khi phúc âm được viết mà nào có ai để ý, “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các  ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13). Người ta đã quá quen với lối suy nghĩ hiện thực, hữu vi, kỹ thuật; do đó, đã coi Kinh Thánh như những bộ sách viết dạy về thực dụng hữu vi dưới quan điểm luân lý thế tục; và để gỡ thế bí khi gặp những câu khó thể chấp nhận theo nhận thức nhân sinh, họ giương lên môn bài huyền nhiệm. Đây cũng là lý do tại sao có quan niệm, “Chúng ta phải tin với giáo hội” chẳng khác gì ngu dân để trị.
- Thưa cha, ông phó chủ tịch cắt ngang.
- Ông muốn nói về nên đọc cuốn sách nào hầu có được giải đáp đúng đắn về những câu nói ngang ngửa nơi phúc âm chứ gì? Cuốn sách đó ở ngay nơi tâm trí của ông. Ông không nhớ là phúc âm Gioan đã nói sao, “Không ai có thể đến với Ta nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó” (Gioan 6:44). Tôi nghĩ, đến đây cũng đã quá đủ cho buổi hội luận tối nay. Chúng ta nên kết thúc thôi. Chào mọi người và chúc mọi người một đêm an lành.
 
Lã Mộng Thường
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9