Đôi Cánh Bạch Điệp - MacDung

Tác giả Bài
macdung
  • Số bài : 237
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 02.03.2010
Đôi Cánh Bạch Điệp - MacDung - 20.12.2022 15:44:20

Đôi Cánh Bạch Điệp
 
_________
 
Trường ca là thuật ngữ văn học với nghĩa mở rộng chỉ những tác phẩm thơ cải biên từ sử thi hoặc các tác phẩm truyền thuyết cổ xưa. Vì trường ca viết theo thể thơ nên chứa dung lượng lớn, trong đó có nhân vật và cả lời thoại, cho nên thể loại này mang tính kịch trữ tình không kém phần lãng mạn.
Văn học sử Việt Nam chưa thật sự gây dấu ấn về trường ca vì sự phát triển rời rạc, lẻ tẻ, thiếu độ hút khiến độc giả quan tâm, trừ mảng văn học dân tộc với trường ca Đam San, Xinh Nhã của người Ê Đê, sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước thuộc dân tộc Mường… Nếu bỏ qua tính sử thi và dựa vào tích cổ xưa, danh tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du hay Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu – Nguyễn Gia Thiều cùng nhiều tác phẩm khác cũng xếp vào trường ca theo nghĩa mở rộng nhưng ít được các học giả nhận định theo hướng này.
Trường ca có nhiều loại, trong đó có trường ca giáo huấn đề cao điều thiện, giúp người đọc hướng đến ước mơ muôn thuở về chân lý Chánh ắt thằng Tà – một giấc mơ với lý tưởng cao đẹp suốt quá trình lịch sử phát triển loài người luôn nhắc đến như ước vọng cái ác sẽ bị diệt trừ. Ca ngợi điều Thiện như phương châm giáo dục từ ngàn xưa được nhiều tác phẩm nhắc đến để răn dạy thế hệ tiếp nối tu tập về nhân cách, đạt đến sự Chân, Thiện, Mỹ hòa hợp.
Văn học vốn nhiều thể loại, tùy theo kiến thức và sở thích các tác giả chọn một hướng đi cho riêng mình. Tác phẩm thành công hay thất bại tùy vào khả năng người sáng tạo chứ không phụ thuộc vào thể loại được lựa chọn. Thể loại vốn vô tội! Tội tình hay không thuộc về người sáng tạo. Và… theo phương châm sống: “Nếu như bạn không làm được, chưa chắc người khác thất bại. Ngược lại, người khác làm được, bạn cũng có thể làm được, biết đâu lại tốt hơn!”
Cái ranh giữa truyện thơ và trường ca hầu như khó phân định! Tùy vào nội dung trong thể tài, nhà bình luận đưa ra quan điểm cá nhân. Văn học được đánh giá Phong Phú khi nền văn hóa mỗi nước sáng tạo bởi nhiều thể loại với đa sắc thái. Vậy tại sao phải chê bai thể loại này lại tôn vinh cái kia!? Nếu mọi tác giả đều yêu thích thể thơ lục bát thì song thất ra đời để chi? Có ngũ ngôn tất có thất ngôn, lục ngôn. Có luật lệ tất có tự do… Nên nhân sinh mới lắm màu nhiều vẻ, cho sáng tạo vốn vô cùng…
Nhiều ý kiến cho rằng, văn học hiện đại nên cách tân để phù hợp với trào lưu thế giới! Điều này không sai. Nhưng… nếu mọi tác giả đều sáng tạo theo hướng này thì ai sẽ là người duy trì giá trị truyền thống, bảo tồn di sản của cha ông!?
Con chữ vốn vô tội, đừng ai đem thiển kiến nhập nhằng vào các thể chế chính trị, đừng ai bài xích từ Hán-Việt khi trong kho tàng tiếng Việt lượng Hán-Việt chiếm từ 60-70%. Vậy người sáng tác sẽ làm gì với 30-40% từ thuần Việt còn lại? Để rồi tự hào tiếng Việt ta giàu và đẹp!?
Phải thừa nhận một điều là sau 1000 năm bị chính quyền Bắc phương đô hộ đã đưa đến sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc có lắm duyên nhiều nợ truyền đời. Trước khi có quốc ngữ, người Việt buộc lòng sử dụng chữ Hán (Tiền thân chữ Nôm sau này) để ghi chép văn bản phục vụ khoa cử hay lưu gìn tác phẩm văn học. Nhưng… âm Hán-Việt (Quốc âm) là sản phẩm đặc thù của Việt Nam khi đọc chữ Hán cổ, ngay cả sắc tộc người Hoa sống lâu đời trên đất Việt, nghe cũng không hiểu được! Vậy từ Hán-Việt của Việt Nam hay Trung Hoa cổ đại!?
Lại có ý kiến cho rằng từ Hán-Việt gây rắc rối khó hiểu cho người đọc! Trong khi ai cũng biết rằng, muốn học ngôn ngữ nào đó thì vốn từ vựng càng nhiều giao tiếp càng tốt, thực hiện văn bản càng hay. Vậy khi bạn gặp một từ khó hiểu nên trách vốn từ của mình hay trách con chữ!?
Nhiều tư tưởng chê bai ngôn ngữ tiếng Việt thiếu hình ảnh, cảm xúc khi so sánh với ngôn ngữ các nước – ngôn ngữ quê hương thứ hai đang sinh sống! Đáng buồn là ngay cả ngôn ngữ được yêu chuộng trên quê hương thứ hai cũng không giúp họ bay cao trong ý tưởng để người viết bài có thể ngưỡng mộ một đứa con gốc Việt đang làm nên tự hào cho cả dân tộc. Hạ thấp ngôn ngữ mẹ đẻ, đem oai phong tặng cho người, nhưng sự chứng minh nhạt nhòa chưa thuyết phục lại suốt ngày cất tiếng hót đánh giá của Thánh nhân! Một cách nhìn đúng đắn thuộc văn học chăng!?
Có cổ tất có kim. Có tân sẽ có cựu. Trên mảng văn học mạng ngày nay rất nhiều tác giả quay về với các thể loại cổ xưa! Quay về không có nghĩa là kéo lùi lịch sử, tiếp cận lạc hậu. Quay về phải hiểu theo nghĩa phục hưng, bảo tồn nét văn hóa ngàn đời của cha ông đã dày công tạo dựng. Vậy phú, từ… trường ca hay truyện thơ cổ tích, giáo huấn được tiếp bước đâu có gì lạ!?
Vô tình tôi có duyên tương tác với một tác giả trong số nhiều tác giả chưa được dịp tiếp cận… Một tác giả chuyên viết truyện thơ đôi khi lại rơi vào khái niệm trường ca giáo huấn với nhiều chủ đề về kiếm hiệp rất hiếm thấy! Trong khuôn khổ bài viết giới hạn, tôi sẽ không can thiệp vào nghệ thuật văn học trong tác phẩm, hãy để độc giả tự cảm nhận theo cách của mình…
 
CHUYỆN LẠ
 
________
 
 
Cuối đời Đường, đầu nhà Tống
Chuyện Bồ Tát Quán Thế Âm
Giúp một người qua tai nạn
Được lưu truyền khắp nhân gian.
Cô Tô thành, chiều nắng nhạt,
Bóng một người đi gấp gáp.
Dong dỏng cao, lưng thẳng tắp
Ông ta dáng vẻ trang nghiêm.
Là người thương nhân bận rộn
Ông ta tên Tiêu Nhất Phong
Chuyển hàng khắp nơi, khắp chốn
Làm ăn mà nên giàu có.
Nhất Phong là người chăm chỉ
Nhất lòng thờ Phật Quán Âm.
Không tranh giành, chẳng so bì
Luôn luôn thật thà, vui vẻ.
Cưới vợ cân xứng hào môn.
Cô vợ sắc đẹp cờn cờn,
Da trắng, mắt đen hơn hớn.
Môi hồng, mũi thẳng dọc dừa.
Nhất Phong bận việc đi xa.
Cô vợ nhàn rỗi, ở nhà
Gặp người hàng xóm Khang Thất
Gặp nhau sóng mắt đưa tình.
Người ta nói :"Ông chồng hiền
Sao lại nhận ngay quả báo,
Người vợ lăng loàn, trắc nết
Ông ta chẳng hay, chẳng biết"
Một đêm ông ở Gia Hưng.
Nằm mộng thấy Phật Quán Âm
Ngài hiện bảo tướng trang nghiêm
Vẻ đẹp thông minh, thánh thiện.
Rồng xanh bay lượn phía trên
Tay Ngài cầm ngọc Như Ý.
Để ngọc trên đỉnh đầu ông,
Ngài nói: "Này Tiêu Nhất Phong
Ông tin Phật và thiện lương
Nên cứu ông qua tai nạn.
Ta cho ông bốn câu kệ,
Hãy nhớ đừng bao giờ quên:
Khi gặp cầu chớ dừng tàu
Lúc có dầu trét lên đầu
Đong đấu thóc ba thăng gạo
Gặp ruồi xanh bu bút đầu"
Chưa hiểu được điều Phật dặn
Thành kính quỳ lạy, cảm ơn
Nhẩm cho đến khi thuộc lòng
Nhất tâm ghi tạc công ơn.
Xong việc, cần phải về nhà
Ông thuê một chiếc tàu riêng,
Lúc đi trời xanh biêng biếc
Dòng sông nước chảy hiền hoà.
Bỗng dưng mưa như trút nước
Sấm chớp đì đùng, sáng loé
Người lái tàu rất hoảng sợ
Nên chèo gấp vào gầm cầu.
Nghĩ bụng trú một chút thôi
Nhất Phong nhớ ngay lời dặn
Hối người lái thuyền chèo vội
Ra khỏi gầm cầu cho mau.
Nhà thuyền vội vàng chèo gấp
Ra khỏi gầm cầu chưa lâu,
Một tiếng rầm, nổ thật lớn
Cây cầu đã gãy làm đôi.
Nhà thuyền tái mặt hỏi dồn:
"Làm sao mà ông biết trước?"
Nhất Phong thật tình kể rõ
Phật Quán Thế Âm dặn dò.
Nhà thuyền một lòng ghi nhớ.
Thành kính bái lạy ơn trên.
Về Cô Tô ngày nắng ấm,
Mừng vì chuyến đi thành đạt
Ông vội vào nhà, bái lạy
Cung kính Phật Quán Thế Âm.
Khi nghe kể ông thoát nạn
Vợ ông giả vờ khóc lóc,
Tỏ vẻ thương tâm, ân cần
Cầm tay liên tục hỏi han.
Khang Thất nhìn thấy phát ghen
Hắn suy đi rồi tính lại
Chẳng biết thế nào cho phải
Bản tính là tên vô lại
Chuyên nghĩ đến chuyện hại người.
Nghĩ: "Ta mê say Lệ Mỹ
Nhưng chắc đâu nàng chung thuỷ
Nếu giết đi kẻ ngu kia
Ta được nàng, cộng gia tài
"Một chiều mưa bay lất phất
Đang ngồi làm việc trong phòng
Nhất Phong cảm thấy thật buồn
Quơ tay đụng phải chai dầu,
Chai bể, mùi thơm sực nức.
Nhớ ngay đến một câu kệ:
"Lúc có dầu trét lên đầu"
Ông bôi lên áo, lên đầu,
Rồi cùng vợ vào giường ngủ.
Tên kia trốn trong phòng ngủ,
Nhưng tối đen như hũ nút
Hắn nghĩ: "Lệ Mỹ rất thơm
Ta nghe mùi mà hành động."
Người nằm ngoài thơm quá mức
Hắn vội vàng chém người trong.
Lúc trèo qua cửa sổ trốn,
Hắn nghe tiếng khóc đàn ông.
Biết rằng Lệ Mỹ bị giết
Hắn lo sợ đành trốn biệt.
Nhất Phong báo về cha vợ
Rồi chuẩn bị làm tang lễ.
Cha vợ lập tức thưa quan,
Quan huyện không chứng, không bằng
Bắt Nhất Phong về xử án,
Tra tấn, cực hình dã man.
Tiêu Nhất Phong không chịu nổi,
Ông chịu ký tên nhận tội.
Họ giam ông vào ngục tối
Chờ ngày xét xử công khai.
Quan huyện trong giờ làm việc,
Lấy bút viết bản tường trình
Kính trình lên tận quan trên.
Đặt bút lên tờ giấy trắng,
Ba con ruồi xanh bay đến
Bu kín chặn vào đầu bút.
Quan vẫy cho ruồi bay hết,
Lát sau chặn đầu bút tiếp.
Cứ như vậy năm bảy lần,
Quan đành kêu ông cố vấn
Xem sự việc rất bất thường,
Hai người phải ngừng vụ án.
Ông ta họ Lý tên Khôi
Ngạc nhiên khi vào ngục tối
Nhất Phong vẫn thản nhiên ngồi,
Chắp tay thiền và niệm Phật.
Ông Khôi hỏi: "Sống khổ quá
Sao ông vẫn cứ thản nhiên"
"Phật nói cho tôi câu kệ
Cứu khỏi tai nạn gần kề"
Rồi ông đọc bốn câu kệ:
"Khi gặp cầu chớ dừng tàu
Lúc có dầu trét lên đầu
Đong đấu thóc ba thăng gạo
Gặp ruồi xanh bu bút đầu"
Kể lại hai lần nạn trước.
Lý Khôi đọc thêm cho thuộc:
"Đong đấu thóc ba thăng gạo
Gặp ruồi xanh bu bút đầu"
"Ruồi xanh bu, ứng sáng nay
Đấu thóc không đủ, còn cám
Cám đổi bộ chữ là Khang
Thiếu bảy thăng chính là Thất"
Quay hỏi: "Ông quen Khang Thất?"
Nhất Phong thành thật trả lời:
"Hàng xóm bên trái nhà tôi
Người đàn ông tên Khang Thất"
Lý Khôi vội tâu quan huyện
Án này phải ngưng lại thật.
Cho lính đi tìm Khang Thất
Hắn ta khai ngay câu chuyện.
Khang Thất bị bắt, tử hình
Nhất Phong được ra khỏi ngục.
Ông về nhà, rất bình tĩnh
Cung kính tạ lễ Bồ Tát
Cảm thấy cuộc đời chán ngán,
Ông đem của cải cúng dường.
Đến Hàng Châu để xuất gia
Quy Y tại chùa Linh Ẩn.
Gia Hưng đêm thiếu trăng, sao
Tấm lòng đau khổ, nghẹn ngào,
Nhất Phong tắt đèn, ngủ sớm
Hiện hai con quỷ không đầu:
Vợ ông và tên Khang Thất
Kêu gào đòi ông trả mạng.
Nhất Phong kêu thầm tên Phật
Bỗng thấy trong phòng sáng lạn.
Phật Bà và thêm cậu bé
Phất cành liễu từ bình ngọc.
Hai quỷ rút lui lặng lẽ.
Ông thở phào và ngồi dậy.
Nghĩ chán: "Sao họ ngang tàng
Gây việc, gây nên nghiệp nặng
Sao về doạ ông đòi mạng?
Lại hiện hình quỷ xấu xa!"
Nhất Phong nhớ lần tao ngộ:
Phật Bà áo trắng tinh khôi
Rồng xanh và ngọc Như Ý.
Lần này với Hồng Hài Nhi,
Áo xanh vạn phần lộng lẫy.
Ông hướng về chùa Linh Ẩn
Đi bộ suốt mấy đêm ngày,
Lúc nào một niệm, một tâm
Tri ân Phật Quán Thế Âm.
Sau này đắc đạo cao tăng
Ngắm hoàng hôn bờ Đông Hải,
Gặp tượng bằng gỗ đàn hương
Sóng đưa đến nơi ông đứng.
Biết mình có duyên với Phật
Trong tâm dứt hết hồng trần
Không còn nghĩ đến nỗi đau,
Tâm không mà viết chuyện này
Giúp ích nhân thế đời sau.
 
    Thứ bảy 24/9/22
Ruby Tran
 
Mô-típ tác phẩm truyện thơ này thường xuất hiện trong các giai thoại dân gian! Nó giống như nhiều tác phẩm trường ca khác khi đề cao đức tin và nhân quả. Tinh tế một chút, người đọc sẽ thấy ấn tượng cái tâm từ người thể hiện: Tác giả Ruby Tran. Phải có tình yêu văn học sâu sắc, cháy bỏng mới thúc đẩy người viết vùi sâu trong ý tưởng sáng tạo. Nào kết cấu, tình tiết, diễn biến, nhân vật, lời thoại, trình bày. Rồi tên tuổi, sự kiện, đột biến… Người đọc chiêm ngưỡng thì dễ, chứ đích thân ngồi vào sáng tác lại là việc hoàn toàn khác hẳn. Tôi dẫn bài kệ nhân vật Tiêu Nhất Phong lúc nằm mộng thấy Quán Thế Âm ra tay giúp để tránh nạn:
“Khi gặp cầu chớ dừng tàu
Lúc có dầu trét lên đầu
Đong đấu thóc ba thăng gạo
Gặp ruồi xanh bu bút đầu"
Đoạn kệ này mộc mạc, dễ hiểu lại khiến người đọc hoang mang khi diễn biến câu chuyện chưa xảy ra. Một dự đoán và hướng dẫn thoát nạn của Quán Thế Âm, nhưng với cách nhìn từ người sáng tác lại hoàn toàn khác… Sự tinh tế đã được sắp xếp trước đó bởi các chuỗi sự kiện, sau đó mới đến bài kệ. Cái Quả đã có trước thì sự linh nghiệm bài kệ là tất nhiên. Thể loại truyện thơ thuộc về “tâm linh” này có lẽ là món ăn tinh thần cho các Phật tử nhất tâm hướng thiện. Đọc thấy nhẹ nhàng với cái kết có hậu, nhưng dụng tâm tác giả khi dựng truyện lại vô cùng khó khăn…
Nếu bất cứ ai viết hồi ký hoặc tự truyện, rồi bỏ tiền ra in sách lập tức trở thành nhà văn, nhà thơ, xem ra định nghĩa về nó quá sơ xài. Định nghĩa về nhà văn, nhà thơ rất mênh mông nhưng không phải trong mớ bòng bong đó chẳng chút điểm sáng cho các học giả, nhà phê bình căn cứ vào! Tính xác thực của nhà văn, nhà thơ là: Những tác giả sở hữu Tác Phẩm Văn Học, có thể thay đổi cách nhìn, cách sống của quần thể số đông sẽ được xã hội công nhận là nhà văn hay nhà thơ. Nhưng… tác phẩm văn học lại là sản phẩm của trí tưởng tượng được sáng tạo trên cơ sở thực tiễn. Như vậy, đời tác giả không quá trăm năm sao có thể trải nghiệm hết cuộc mưu sinh thăng trầm để thể hiện lên tác phẩm!? Vì vậy tác phẩm văn học sẽ được người sáng tác vay mượn sự kiện, hình ảnh, bối cảnh, con người… bất cứ nơi đâu, bao gồm bản thân, người nhà, bạn bè, đối tác… để hoàn thành một tác phẩm chỉ ra hiện tượng, sự kiện hoặc bản chất có thể ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng. Đó là tác phẩm văn học. Đó là tính nhân văn.
Sự vay mượn trong tác phẩm Chuyện Lạ của tác giả Ruby Tran quá rõ ràng khi chọn bối cảnh đất nước Trung Hoa thời nhà Đường để làm nền. Tức nhiên đã là Trung Hoa thì nhân vật phải có cái tên Hán mới hợp cảnh. Điển cố, điển tích Trung Hoa ngập tràn khiến cả thế giới nghiêng mình ngưỡng phục. Nó là mảnh đất mầu mỡ cho các tác giả trước và sau năm 75 tha hồ khai thác. Nhưng để tận dụng hết bối cảnh này người sáng tác ít ra cũng nắm được phong tục tập quán và các điển cố, điển tích Trung Hoa cổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm thường hiện thân qua nhiều hình dạng để cứu khổ cứu nạn. Gặp các đại nạn như: Nước. Lửa. Ma quỷ. Hung khí. Người tu Phật thường cầu Quán Thế Âm ra tay trợ cứu. Hình tượng Quán Thế Âm thường xuất hiện trong thần thoại và tác phẩm văn học bác học. Trong các kinh sách Phật giáo Đại thừa, Quán Thế Âm Bồ Tát huyền năng chỉ sau Phật Tổ. Hình ảnh miêu tả và tứ thơ bộc lộ thân phận tác giả là một Phật tử đã giác đạo tu tâm, đề cao thiện phát, tích phúc hậu lai. Tác phẩm nhấn mạnh cho bạn đọc thấy luật nhân quả trong phạm trù thuyết Luân Hồi, một học thuyết lớn của nhà Phật…
Tác giả Ruby Tran đã hư cấu trong tác phẩm một tình huống khi nhân vật Lý Khôi chiết giải bài kệ của Quán Thế Âm khi báo mộng:
“Lý Khôi đọc thêm cho thuộc:
"Đong đấu thóc ba thăng gạo
Gặp ruồi xanh bu bút đầu"
"Ruồi xanh bu, ứng sáng nay
Đấu thóc không đủ, còn cám
Cám đổi bộ chữ là Khang
Thiếu bảy thăng chính là Thất"
Quay hỏi: "Ông quen Khang Thất?"”
Một Đấu có 10 Thăng. Nhưng cái đấu trong truyện tác giả chỉ có 3 thăng, thiếu mất 7 thăng. Số 7, chữ đọc là Thất. Trên vành đấu chỉ dính Cám hoặc đổ cám vào cho đủ lượng. Chữ Khang (穅) nghĩa là Cám, Trấu, thuộc bộ Hòa (禾) nghĩa là Lúa. Theo tự điển Thiều Chửu và Trần Văn Chánh chữ Khang gốc () thuộc bộ Mễ (米) nghĩa là Gạo. Nhưng thông thường khi đặt tên con không ai chọn nghĩa này. Nghĩa Khang () hay nhất chính là Khỏe Mạnh mới đúng từ. Vậy khi đổi bộ chữ, tức bỏ Hòa (禾)  hay Mễ () sẽ ra chữ Khang () chỉ tên người, thuộc bộ Nghiễm (广).
Ngay tình huống hư cấu này hoặc tác giả vay mượn nơi nào đó trong kinh sách,  tích dân gian, qua lời kể người xưa, hoặc tác giả có sự nghiên cứu chu đáo thông qua tự điển. Để làm được điều này tác giả Ruby Tran trang bị cho mình ít nhất là cơ sở hình thành chữ Hán và biết qua lục thư, bộ thủ…
Đến đây bạn đọc mới thấy rằng, nhìn qua tác phẩm xem như đơn giản nhưng để dàn dựng chỉ vài chi tiết thắt gút và mở gút là cả một kỳ công…
Cái khó cho người đọc trong việc thưởng thức truyện thơ là làm quen với nhịp điệu. Thông thường thơ 6 chữ có nhịp 2-2. Nhưng vì là truyện nên có lời dẫn thoại và lời thoại. Tất cả độc giả yêu thích thể loại này khi quen với tình huống mới thấy thú vị…
Điểm nhỏ trong tác phẩm Chuyện Lạ khiến tôi nghĩ đến một vấn đề thuộc về bối cảnh cho ra đời tác phẩm. Theo tôi, tác giả Ruby Tran nên Việt hóa câu chuyện để tránh sự nhạy cảm đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Mảng cổ tích Việt Nam vẫn nguyên sơ như mảnh đất mầu mỡ cho các tác giả như Ruby Tran tha hồ khai thác, không cần phải dựa vào bối cảnh đất Trung Hoa xưa. Điển hình như Tấm Cám. Thạch Sanh, Lý Thông. Riêng Thạch Sanh, Lý Thông có thể sáng tạo theo hướng kiếm hiệp Việt được. Với một tác giả say mê văn học, đủ dũng cảm đối đầu với thử thách sáng tạo, tôi nghĩ việc này không thành vấn đề đối với Ruby Tran.
Ngược dòng lịch sử, tìm về những tiêu chuẩn vàng một thời là giềng mối giá trị đạo đức ngàn xưa, đề cao tính nhân văn có gì sai!? Nếu như có người đi khai phá truy tìm cái mới tất nhiên cũng có những tác giả như nhà thơ Ruby Tran, gạn đục khơi trong, bảo lưu giá trị Chân, Thiện, Mỹ, đề cao Thiện tính, tiêu trừ Ác nghiệp.
Hãy trả văn học về Cách Nhìn Mở để từng thế hệ tiếp nối nuôi dưỡng đam mê bằng loại Văn Học Cống Hiến cho chính ngôn ngữ quê hương mình. Cho dù còn thiếu sót bởi nhiều bất cập, nhưng không thể cản ngăn các cây bút nhiệt huyết cất cao đôi cánh trên khoảng trời văn hiến đất Việt. Con người vốn sống với Ứơc Mơ và luôn biết cách vượt qua những lý thuyết màu xám để thực hiện lấy hoài bảo…
Một con bướm trắng đang bay. Và nhiều con bướm nữa sẽ nhập đàn bay vào khu rừng đầy hoa dại. Cái kén tương lai đang chờ…
 
Saigon – 18.12.2022
     MacDung
 
 
 
 
 
 
 
 
Attached Image(s)

Ct.Ly