Bình văn: ĐỌC: NHỚ CHA THỜI PHẤN TRẮNG của Trần Mai Hường
THƠ NGÃ DU TỬ 20.12.2022 16:30:46 (permalink)
Bình luận:
ĐỌC: NHỚ CHA THỜI PHẤN TRẮNG của Trần Mai Hường
Ngã Du Tử
 
NHỚ CHA THỜI PHẤN TRẮNG
(Yêu kính cha nhân ngày nhà giáo VN)
 
Không còn cha để tặng hoa hiến chương nhà giáo
Con lầm lụi tìm trong di cảo những yêu thương
Cha dâng tặng cho đời
 
Có lần con ngược về ngày tháng xa xôi. Nhà giáo nghèo
chiếc quần bạc màu, chiếc áo sơ mi sờn cổ
Nghề lái đò mái chèo là phấn trắng bảng đen và
những dòng chữ nhỏ. Cha gửi đời mình vào khát vọng tương lai
 
Như vẫn vẹn nguyên những tiếng giảng bài. Tiếng cha lẫy Kiều
ngâm thơ sớm tối. Đã bao lần, bao lần con tự hỏi. Sao con mất cha
sớm thế cha ơi!
 
Đành ngậm ngùi lau giọt nước mắt cút côi. Bao đêm trôi qua…
bao đêm trắng nữa. Khi chết rồi linh hồn còn con vẫn nhớ. Vần thơ con
chiết tự trái tim Cha
 
Những vần thơ con ước viết bay xa. Nhớ thương cha trong con mãi mãi…
Nơi Thiên Đường Cha hãy ấm lòng về con gái. Nén tâm hương này
con dâng kính cha yêu.
 
Trần Mai Hường
 
Lòng con gái mãi ngậm ngùi nhớ cha. Tại sao vậy? Phải chăng chị mãi thao thức tiếc thương cha “sao vội qua đò trần gian” sớm quá, chưa công danh sự nghiêp để đáp đền công lao dưỡng dục. Xuất phát từ lòng hiếu để. Hiếu kính là bậc nhất của cuộc làm người trần gian -  không ngẫu nhiên thành thơ, nó hàm chứa sự yêu kính lúc còn khó, chưa thành công, phương tiện chưa dồi dào. Giá như ngày ấy chị thành công, thành danh có điều kiện đền đáp, có lẽ sẽ không có tiếng than từ đáy lòng kính mến, yêu thương.
Văn là lý, Thơ là tình. Tôi quý Mai Hường vì chất liệu chữ tình. Thường nhật ai gặp Mai Hường buổi sơ giao, có lẽ chưa cảm được, có thể không thích, Mai Hường thông minh hiểu điều ấy, biết đó là bản chất, chị đã trần tình với các bạn thơ: ‘Người con gái Bắc, chút chanh chua có làm anh bực, thì anh ơi đừng giận – Đó là em’ (Đó là em). Cõi đời khó hiểu khi chưa biết, khó thân khi chưa chơi với nhau, khi hiểu ra sự quang khoáng, lòng bao dung, tính độ lượng của chị sẽ thấy dễ thương vô cùng. Cổ nhân có câu: ‘Đừng đánh giá con người qua lớp áo, vị trí, cách nói ồn ào, hãy xét thật kỹ có khi lỗi ở mình’
Bài thơ NHỚ CHA THỜI PHẤN TRẮNG (nhân ngày nhà giáo VN) của Trần Mai Hường, mở đầu chị viết với lòng đầy tự hào: - Cha tôi là nhà giáo, tiếc rằng cha không còn trên thế gian để tặng cha - người thầy cho chị trân trọng tặng quà như ngoài xã hội kia ai cũng trân trọng tặng thầy cô mình món quà tình với tấm lòng của người học trò lễ phép, yêu mến cô thầy dẫn dắt, trang bị kiến thức vào đời.
Sự ngậm ngùi ấy bật dậy thành thơ dâng cha. Ngôn ngữ trong thơ thật thà, chơn chất nhưng đầy chất tình, ai đọc cũng cảm động: 
‘Không còn cha để tặng hoa hiến chương nhà giáo
Con lầm lụi tìm trong di cảo những yêu thương
Cha dâng tặng cho đời’
Tình tự tiếp diễn những khổ thơ sau:
‘Có lần con ngược về ngày tháng xa xôi. Nhà giáo nghèo
chiếc quần bạc màu, chiếc áo sơ mi sờn cổ
Nghề lái đò mái chèo là phấn trắng bảng đen và
những dòng chữ nhỏ. Cha gửi đời mình vào khát vọng tương lai’
Nhà giáo chân chính nào không nghèo? Hơn nữa cả thời ấy hình như ai cũng vậy. Mục đích cao cả của nhà giáo là truyền trao kiến thức cho các thế hệ sau và rèn luyện cho các em nhân cách làm người. ‘Cha đã dâng tặng cho đời’ như thế thì chiếc áo sờn, chiếc quần bạc có khi là sự tự hào tính liêm chính và lòng giản dị, phải không các bạn? Cha đã gửi khát vọng cho các học sinh vào tương lai cho đất nước. Thế gian ai không yêu quý.
‘Như vẫn vẹn nguyên những tiếng giảng bài. Tiếng cha lẫy Kiều
ngâm thơ sớm tối. Đã bao lần, bao lần con tự hỏi. Sao con mất cha
sớm thế cha ơi’!
Hồi tưởng lại ngày xưa, khi chị là cô học trò nhỏ thỉnh thoảng cha đọc thơ, lẫy Kiều, chị lắng nghe, có khi những lời giảng giải ấy cứ len lén nhập vào trong hồn chị dần đầy lên tự nhiên như mưa lâu thấm đất như con chữ hồn nhiên thấm vào con tim yêu văn chương để bây giờ vốn liếng ấy được chị viết lên cảm xúc về cha với hoài niệm ngọt ngào chân chất, giản dị như cách sống và xử thế của cha ngày xưa. Không cầu kỳ ngôn ngữ như thơ bây giờ của chị - nó đã vượt lên cùng tịnh tiến theo bút pháp kỹ thuật và tính thời đại.
Lời thảng thốt: ‘Đã bao lần, bao lần con tự hỏi. Sao con mất cha sớm thế cha ơi!’ Bài thơ viết khá lâu có lẽ đã vài mươi năm ngày chị còn tập tểnh làm thơ và sinh hoạt ở chỗ nhà lưu niệm Nguyễn Bính của chị Nguyễn Bính Hồng Cầu. Tôi nhớ hoài với giọng đọc truyền cảm, hay tự tin của chị và rồi đôi mắt chị ướt, giọt nước mắt của nhớ nhung, yêu thương quý kính của lòng người con có cả nổi buồn và hạnh phúc, hình ảnh ấy còn mãi trong tôi.
‘Đành ngậm ngùi lau giọt nước mắt cút côi. Bao đêm trôi qua…
bao đêm trắng nữa. Khi chết rồi linh hồn còn con vẫn nhớ. Vần thơ con
chiết tự trái tim Cha’.
‘Vần thơ con chiết tự trái tim cha’. Chiết ở đây không phải theo cách tách chữ mặc dù chữ dùng là Hán Việt, ví dụ chữ NHẪN tiếng Trung, gồm phía trên là chữ Đao, phía dưới là chữ Tâm. Chữ tự là từ: ‘chiết ra từ trái tim’ của cha xưa yêu dấu đong đầy tình yêu với con cái. Nếu chị viết: ‘Vần thơ con chiết từ trái tim cha’ thì chẳng bàn làm gì.
‘Những vần thơ con ước viết bay xa. Nhớ thương cha trong con mãi mãi…
Nơi Thiên Đường Cha hãy ấm lòng về con gái. Nén tâm hương này
con dâng kính cha yêu’.
Ước mơ vần thơ viết về cha của được tỏa rộng, vươn xa để nhiều người giữ được hiếu kính như chị, tính nhân nghĩa đạo lý trong xã hội chắc chắn sẽ tỏa hương ngược, xuôi theo thời gian đó là giềng mối đạo đức cho mỗi mỗi người trên trái đất này. Bởi ấy là đạo hạnh, một xã hội mà mọi người còn tôn trọng đạo nghĩa, tình yêu thương nhất định sẽ trường tồn.
Với tôi ai viết về đấng sinh thành đều hay cả dù ngôn ngữ mộc mạc nhưng chân thành phát xuất từ trái tim thiện lành, biết hiếu kính, yêu thương nhất là với bậc cha mẹ.
Con cái có thể ngỗ ngược với cha mẹ nhưng với cha mẹ thì mọi sự trên thế gian chỉ duy nhất là bảo vệ, hy sinh tất cả để con được nên người. Ai người trên thế gian không hiếu kính với mẹ cha chẳng xứng đáng làm người
Triết lý đời sống phương Đông là gieo nhân tốt ắt gặt quả lành, bất biến và vĩnh cữu trước mỗi con người hiển hiện trên thế gian.
Thực ra trên cõi đời này cơm áo chẳng phải là chuyện khó lắm, kiến thức càng khó hơn, tuy nhiên vẫn dễ tìm hơn danh dự và nhân cách làm người.
Tóm lại nén tâm hương bằng bài thơ Nhớ cha thời phấn trắng còn hoài dư vị ngọt ngào trong lòng người đọc, khi niềm tin có linh hồn, tôi tin chắc rằng ở trên cao cha chị sẽ mỉm cười toại nguyện lòng hiếu kính của con gái mình – đó là Trần Mai Hường
 
Ngã Du Tử
Cuối tháng 11/2022
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9