ĐỌC TRƯỜNG CA: SÓNG THỊ THÀNH VÀ EM CỦA NGÃ DU TỬ
Ngã Du Tử trân trọng giới thiệu bài nhận định của nhà văn Phan Trang Hy, một nhà văn nổi tiếng ở Đà Nẵng nói riêng cả nước nói chung. Rất cảm ơn nhà văn, Chúc anh an vui và bút lực dồi dào. NDT ĐỌC TRƯỜNG CA: SÓNG THỊ THÀNH VÀ EM CỦA NGÃ DU TỬ Phan Trang Hy Trường ca là một thể loại văn học ra đời rất sớm. Từng có những trường ca mang tính sử thi, rồi có những trường ca mang hơi thở hiện đại. Đó là những bài thơ dài có các yếu tố tự sự, trữ tình, nghị luận. Có cả cốt truyện, nhân vật, sự kiện... Cũng thế, trong dòng chảy văn học Việt Nam, nhiều trường ca đã xuất hiện như "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm, "Những người đi tới biển" của Thanh Thảo, "Con đường những vì sao" của Nguyễn Trọng Tạo, "Mỗi loài hoa một mặt trời" của Trần Anh Thái,... Và giờ tôi bắt gặp trường ca "Sóng Thị Thành Và Em" của Ngã Du Tử. Về cốt truyện trong Sóng Thị Thành Và Em được chủ thể trữ tình Ngã Du Tử kể bằng những câu lục bát. Cốt truyện giản đơn kể về cuộc đời của nhân vật tôi - chủ thể trữ tình - trong cuộc sống nơi thị thành, với nỗi đam mê văn chương không thể dứt bỏ, luôn nghĩ về cha mẹ kính yêu, về bạn bè, đặc biệt là hình ảnh người vợ hiểu và thương yêu chí hướng của mình. Những dòng thơ mở đầu trường ca chịu ảnh hưởng của những truyện thơ Nôm nổi tiếng của Việt Nam như truyện Bích Câu Kỳ Ngộ, Phan Trần, Kiều, Lục Vân Tiên... Từng có nhân vật tự giới thiệu, xưng tên, nêu gốc tích về mình như những nhân vật xuất hiện trên sân khấu cổ truyền. Và giờ trong Sóng Thị Thành Và Em, tác giả giới thiệu về mình trên sân khấu cuộc đời: Bước ra từ nhánh Sông Quê Có chàng Du Tử hướng về phương Đông Quảy trên lưng khúc phiêu bồng Tình tang câu hát gió lồng chân mây Đọc những câu thơ mở đầu trường ca trên, tôi thấy phảng phất hình ảnh của "gã từ quan lên non tìm động hoa vàng" (Phạm Thiên Thư), tôi cũng như thấy Tú Uyên trong Bích Câu Kỳ Ngộ: “Triều Lê đương hội thái hoà/ Có Trần công tử tên là Tú Uyên/ Phúc lành nhờ ấm xuân huyên/ So trong tài mạo kiêm tuyền kém ai”. Có chút lãng mạn, có chút tự hào của kẻ du tử trong cõi đời này. Lãng mạn của những nho sinh thuở xưa, của gã từ quan thuở nọ. Và tự hào là người mở nhánh Sông Quê - tên của tạp chí văn học do Ngã Du Tử chủ biên. Trong trường ca này còn có những nhân vật gắn với chủ thể trữ tình bước vào trang thơ. Đó là mẹ, là cha. Đâu dễ gì quên lời mẹ lời cha dặn dò khi từ giã quán quê Quảng Ngãi vào nơi đô hội Sài Gòn mưu cầu hạnh phúc. Mẹ rằng: Lập nghiệp quê xa Đầu nan vạn sự trên xa xứ người Cha rằng: Khó lắm con ơi Ráng nghe con, cả một đời đỡ nâng Những lời ấy đi suốt cả cuộc mưu sinh của nhà thơ Ngã Du Tử. Để rồi khi cha mất đi chỉ còn nỗi buồn thương đọng lại: Thế rồi... Người cũng thong dong Về nơi chín suối đau lòng các con. Hoặc đó là những lo toan trong kiếp nợ đời nợ thơ, nợ lòng hiếu nghĩa: Người vừa cởi hạc xa khơi Lòng con còn những rối bời trần gian. Hình ảnh người cha luôn đem niềm tin cho nhân vật tôi trong cõi người sướng khổ: Cha dạy anh sống trên đời Thẳng đường đi trước khóc cười bể dâu Dặn lòng trong cuộc nông sâu Ghìm cương nào quản vó câu gập ghềnh Trong lòng nhân vật tôi còn có hình ảnh bạn bè. Đó là những người bạn mượn chén rượu chia buồn chung vui, mượn câu thơ ngẫm sự đời giữa chốn thị thành ngược xuôi bao số phận: Bạn bè so chén lai rai Giọt buồn đem cắn chia hai làm mồi Khổ vui còn lại bên đời Hoàng Kim nào sẽ lên ngôi mai này. Hoặc: Bạn bè, thơ phú lai rai Sài Gòn ơi, cứ miệt mài bón chăm. Còn nhân vật em. Theo tôi vừa là hiền nội của nhà thơ vừa là nàng thơ. Trước hết là hình ảnh em - hiền nội của nhà thơ. Tôi dùng từ "hiền nội" là muốn thể hiện sự trân trọng quý yêu về người vợ của Ngã Du Tử. Đọc trường ca, hình ảnh hiền nội hiện ra là người chung lưng đấu cật cùng anh. Là người gắng sức cùng anh gánh vác chuyện cơm áo gạo tiền giữa chốn thị thành, giữa thị phi đời thường. Từng có một Trần Tế Xương tự trào thương vợ trong nỗi đắng cay khi bà Tú một mình gánh cả gia đình trên thân cò khi quãng vắng, lúc đò đông: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”. Và giờ trong Sóng Thị Thành & Em, Ngã Du Tử khác Tú Xương là được hạnh phúc khi viết những dòng chữ về hiền nội của mình. Không phải chỉ "có chồng thì phải theo chồng/ chồng đi hang rắn hang rồng phải theo" (ca dao), mà hơn hết là hiền nội của nhà thơ cùng nhà thơ hoà nhập cuộc đời: Ngày nào duyên nợ ba sinh Trầu xanh, cau thắm cho mình chung đôi Anh còn em, em có tôi Cùng nhau dìu bước qua đồi mộng mơ Cuộc hoà nhập cuộc đời từ thuở mộng mơ đến những lúc "mồ hôi sôi nước mắt", hoặc những khi "lên voi xuống chó" càng làm cho tình nghĩa vợ chồng mặn nồng theo năm tháng: Cùng nhau tay nắm đồng hành Khổ vui nào cũng xây thành tình yêu Cày sâu, cuốc bẫm sớm chiều Không giàu sang cũng cơm niêu qua ngày Và em còn là hình ảnh nàng thơ. Hình ảnh nàng thơ vô hình vô ảnh. Thế nhưng, nàng thơ ám ảnh cả cuộc đời chữ nghĩa của Ngã Du Tử. Ám ảnh từ lúc: Đêm về suy nghiệm riêng tây Ngày vui theo nhịp thuyền đầy văn thơ Mặc đời ai gọi ngu ngơ Áo văn chương khoác tỉnh bơ với ngày Và mãi ám ảnh như là nghiệp duyên của người nợ chữ nghĩa chốn trần gian: Nặng lòng con chữ đầy vơi Nặng lòng cùng với trang đời nhân văn Nước non ngàn dặm còn hằn Mai sau ai mở trang văn đọc cùng Còn "sóng thị thành", một cụm từ là một phần tên của trường ca, theo tôi, có thể coi đó là một nhân vật cuộc đời. Hình ảnh này có thể cho người đọc những cảm nhận khác nhau. Dù cảm nhận như thế nào đi nữa thì những dòng thơ sau cũng làm xao động lòng người: Ngày sẽ vui. Đời như tranh Hẹn nhau đi hết hành trình trần gian Sóng thị thành viết trang văn Gửi nhân gian thắm trời xanh mây hồng... Đọc Sóng Thị Thành Và Em, tôi còn bắt gặp thời gian, không gian nghệ thuật. Thời gian là cả cuộc đời của thi nhân. Không gian là bản quán quê nhà núi Ấn sông Trà; là những địa danh cầu Chữ Y, là Bình Thạnh, Chợ Lớn... của thị thành Sài Gòn đầy nghĩa tình đón nhận, cưu mang người xa xứ. Trong thời gian, không gian đó, cái tôi của Ngã Du Tử nhận được cõi hiền nhân nghĩa: Ta từ ngày tháng long đong Vẫn bước đi với cõi lòng bình yên Đãi nhân gian một chữ hiền Làm thơ anh viết một thiên sử tình Trong Sóng Thị Thành Và Em, người đọc bắt gặp những từ ngữ phảng phất hương vị của Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư như: Đều chân em nhé cùng ta/ Tháng năm thắm áo, ngọc ngà thắm quê; Thôi thì em, gọi trăng vàng/ Xuống cùng ta giỡn với ngàn thi ca. Thôi thì anh hoá thân tằm/ Nhã tơ vàng óng âm thầm văn chương; Thì ra, phù thế rong chơi/ Cũng ngần con chữ đầy vơi nỗi niềm... Điều này, tôi nghĩ là bình thường khi chủ thể trữ tình chịu ảnh hưởng thi pháp của những thi nhân từng một thời vang bóng. Với tôi, Sóng Thị Thành Và Em, trong chừng mực nào đó đã hiện rõ chàng Du Tử mê thơ vô cùng, mê thơ suốt cả cuộc đời: Trang văn chừng đủ yêu người Cung tay dừng bút cho đời phấn hương Nào ai hiểu hết vô thường Ta còn đi giữa khói sương đời này Và riêng tôi xin tặng tác giả Sóng Thị Thành Và Em coi như chút tình với kẻ mê thơ: Ngã Du Tử cả một đời/ Mê thơ đến nỗi hết lời với thơ. Tháng 7/2022 P.T.H
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.01.2023 18:19:43 bởi Ct.Ly >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: