Re:TẢN VĂN: CẢM XÚC ĐẦU NĂM 2023
-
16.06.2023 07:58:34
Truyện ngắn:
NỤ HÔN CỦA NGỖNG
Ông giáo già Thành Tâm quyết không bán cuốn sách ĐẮC NHÂN TÂM - CẨM NANG GỐI ĐẦU GIƯỜNG của Dale Carnegie, nhà văn Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt một thời hình như mọi người trí thức miền Nam đều có trong tủ sách gia đình.
Ngày ông bà sắp cưới nhau, bà tặng ông cuốn sách ấy, lòng chân thành như gửi thông điệp cho ông với dòng chữ: "Tặng anh sách này, hãy vui sống với nhau khi còn có thể... Em, Thanh Liên".
Ông nói với vợ khi nghe tiếng rên khẽ, hình như yếu ớt lắm và có lẽ như sự chịu đựng của bà cũng đã đến cùng tận sự đau đớn thể xác:
- Hay là bán con ngỗng đực lấy ít tiền mua thuốc cho bà chặn lại cơn hành hạ. Tôi xót quá.
- Vợ ông nằm tiều tụy, thiêm thiếp trầm ngâm không nói gì... chỉ lắc đầu. Nước mắt chảy xuống len qua đôi gò má xương xẩu, hốc hác đến tội nghiệp, thảm thê
Dường như bà biết cũng vì căn bệnh quái ác này của bà mà mọi thứ không cánh trong nhà lần lượt bay đi. Lúc đầu vài chỉ vàng cố gắng còn giữ lại sau biến cố nước nhà, sau là bộ ly tách Nhật Bản, những bộ đồ lễ khi chào cờ... cho đến cả tủ sách ông bà tích cóp từ lúc đi dạy... chỉ còn vài cuốn giáo khoa ông đi dạy một thời chẳng đáng giá là bao. Tất cả các sách quý đều được chuyển ra hiệu bán sách cũ của thị trấn, mà mỗi lần chia tay là cả sự ngậm ngùi.
Căn bệnh ung thư của bà đã làm Khánh tận tài sản trong nhà.
Ông bà giáo thương yêu nhau lắm, ngặt nỗi gia đình không có con. Ông bà vẫn chung thủy đến giờ.
Suốt cả đời dạy học của đôi vợ chồng mải mê truyền trao, đem lại kiến thức cho bọn nhỏ - thế hệ tương lai cho đất mai sau. Biết bao thế hệ chim non bay khắp mọi miền, kể cả vượt trùng dương qua Âu tây và Mỹ quốc.
Kể từ ông bà về dạy cùng trường tiểu học đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
...
Thời thế đổi thay, ông bà không dạy nữa về quê cũ ở trong vườn nhà cha mẹ ông để lại. Vốn chỉ biết cầm phấn, không biết làm ruộng vườn từ lúc trẻ nên về vườn tất cả đều thuê mướn, chủ yếu sinh kế là nuôi heo và gà vịt ngỗng cùng với miếng ruộng cho người làm lại để có gạo lần hồi cũng qua ngày, đoạn tháng.
Đùng một cái, bà đi khám bệnh tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo rằng: Bà bị chứng ung thư. Trên đường về ông vặn hỏi nhưng bà trả lời chắc nịch:
- Bị mãn tính phổi, ông à
Ông cũng nghĩ rằng, "có lẽ nhiều năm miệt mài trên bục giảng nên chắc vậy".
Trời đất như sụp đổ trước bà, nỗi nhà chỉ có đôi vợ chồng già, anh em thì xa.
Tiền bạc vốn túng quẫn càng thêm túng quẫn.
Sợ làm khổ ông nhà, bà quyết định nằm chờ ngày tử thần gọi tên, tuyệt đối không cho ông biết. Bà hứa với lòng cắn răng chịu đựng cho đến phút lìa đời.
Căn bệnh bà càng ngày càng nặng thêm, có lẽ không qua khỏi.
Ông quyết định không bán quyển sách quý vì kỷ niệm một thời vang bóng của ông bà.
Trong chuồng ngỗng còn 2 cặp, ông nghĩ bán 1 con ngỗng trống, 2 con mái cũng có thể đẻ trứng giúp bồi bổ, tăng sinh lực cho bà và cả ông.
Cuối cùng ông quyết định bán con ngỗng đực.
Người mua rất điệu nghệ, khi đến bắt dù 3 con ngỗng còn lại oang oang tiếng la, khi chú đến gần chúng, chúng lũi đầu xông ra tấn công, nhưng với chú có cái giỏ sắt trên tay đã chặn đứng sự tấn công vô vọng của bọn ngỗng và tách được chú ngỗng trống ra. Bắt gọn mặc các con ngỗng còn lại la inh ỏi làm kinh động một vùng không gian tịch mịch.
Một chú ngỗng trống đã vào lồng sắt đặt trên xe ràng thận trọng.
Trước khi giao tiền cho ông giáo già, bất chợt ông giáo thấy con ngỗng mái đã đọ mỏ hôn nhau. Con trong giỏ trên xe và con dưới tự do như buồn nỗi buồn ly biệt. Ông xúc động đến nghẹn lòng.
Thì ra loài vật cũng có cảm xúc, tỏ lòng buồn rầu khi người bạn đời chia xa không biết số phận sẽ ra sao?
Ông cầm tiền mà nước mắt ông nhỏ xuống. Ông lẫm nhẫm:
- Ngỗng ơi, giải pháp cuối cùng cho cô chủ mi đỡ cơn đau kéo dài mấy tháng trời. Lòng tao chua xót quá, mi hiểu giùm tao nhé. Lòng ông buồn rười rượi.
Người khách chở ngỗng đi rồi, ông lau vội nước mắt.
Ông vội vã ra tiệm thuốc tây mua thuốc giảm đau, rồi lập tức đạp xe về nhà.
- Bà à, uống thuốc cho đỡ cơn đau hành hạ, phải chi tôi chia sẻ được...
Ông đến bên lay bà. Tất cả đã dừng lại.
Hởi ơi, bà đã nằm bất động, nhịp thở không còn nữa. Ông gục đầu trên thân bà nằm bẹp dí, mỏng tanh trên cái giường cưới thuở trước của vợ chồng ông.
Gọi điện cho đứa em ruột rà duy nhất của ông ở tận Bình Tuy.
- Trời đất, chị mất rồi sao anh, xa xôi quá em chẳng giúp được gì anh. Anh bình tĩnh để lo cho chị nhé
Buổi chiều vùng quê ảm đạm, mịt mờ không tiếng động. Im lặng đến lạ thường.
Ông trở lại bên bà, nắm tay bà khóc rằng:
"Vật còn xem trọng ơn sâu
Làm người ta có lẽ nào vong ân"
Một bài học thuộc lòng trong sách Quốc Văn giáo khoa thư mà ông có nhiều lần giảng cho nhiều thế hệ học trò nghe về đạo nghĩa làm người trong xã hội đương thời.
Chẳng lẽ đời một bà giáo cả đời thanh bần đến khi lìa đời, xa cõi tạm đến thế này sao?
Ông bước đi lão đảo như kẻ vô hồn.
Cơn gió nhẹ xạc xào bên ngoài làm rơi cành cau khô, giật mình, mấy con ngỗng kêu lên như khúc nhạc buồn tiễn biệt bà chủ về với cõi vô cùng.
Buổi lễ tiễn đưa linh cữu bà, đàn ngỗng 3 con hàng một theo sau đoàn người đưa tiễn đến tận ngoài đường.
Ngã Du Tử/ SG